MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bước sang thế kỷ XX, nền văn học dân tộc đã có những chuyển biến nhất định. Văn học chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa. Đó là sự xuất hiện của các trào lưu văn học, các quan niệm thẩm mỹ, các hình tượng nghệ thuật, cũng như các chủ đề, đề tài mới. Và đặc biệt phải kể tới sự thay đổi của hệ thống thể loại văn học trong giai đoạn giao thời này. Sự phát triển của một nền văn học có thể được nhìn nhận qua quá trình phát triển của các thể loại nên quá trình hiện đại hóa nền văn học cũng được xem xét thông qua sự thay đổi cơ cấu thể loại và những cách tân tìm tòi mới trong từng thể loại đó. Trong quá trình hiện đại hóa, nền văn học Việt Nam đã xảy ra hiện tượng phá vỡ cơ cấu thể loại cũ. Những thể loại vùng ngoại biên dần đi vào trung tâm, đồng thời xuất hiện những thể loại mới du nhập từ nền văn học phương Tây. Sự cách tân nền văn học được thể hiện rõ nhất qua sự phát triển và chiếm ưu thế của những thể loại văn xuôi cùng với những đổi mới mạnh mẽ trong chính các thể loại đó.
Thể loại du ký hay còn gọi là thể tài du ký đã xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam từ rất sớm. Ngay trong nền văn học trung đại, người ta đã thấy xuất hiện các bài thơ, bài phú, với nội dung ghi chép lại những sự kiện, cũng như những danh lam thắng cảnh trong các cuộc du hành của những người lữ khách. Đặc biệt cuối thế kỷ XVIII, với sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm như: Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Dậu của Trương Vĩnh Ký thể tài du ký mới dần phát triển. Nhưng phải tới mấy thập niên đầu của thế kỷ XX, thể tài du ký mới thực sự thành một dòng chảy liên tục, mà công đầu là của ông chủ bút báo Nam Phong.
Đầu thế kỷ XX, giao thông phát triển, việc giao lưu văn hóa được mở rộng đã tạo điều kiện cho việc đi lại cho các nhà du ký. Từ đây, hàng loạt các tác phẩm du ký đã được ra đời. Trong mỗi tác phẩm du ký, đằng sau những bức tranh danh lam thắng cảnh, luôn chứa đựng những nỗi niềm ưu ái, những xúc cảm chân thành nhất của người viết về quê hương đất nước, về cuộc sống. Bởi mong muốn đem những cái hay, cái đẹp trong từng dặm đường của đất nước sẻ chia với người đọc; cũng như muốn lưu giữ lại những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau, Phạm Quỳnh đã tạo một mục du ký trên Nam Phong tạp chí. Mục du ký đã liên tục được đăng tải với sự đóng góp của nhiều cây bút nổi tiếng như: Nguyễn Bá Trác, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Tùng Vân, Trần Trọng Kim Trải qua 17 năm (1917 - 1934), đã có 62 tác phẩm du ký được in trên Nam Phong tạp chí với những nội dung phong phú, cũng như những đóng góp nghệ thuật mới mẻ.
Với hi vọng đem lại cái nhìn khái quát về thể tài du ký trên Nam Phong tạp chí, cũng như những đóng góp của thể tài này trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, trong khóa luận nghiên cứu này chúng tôi xin chọn đề tài: Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934).
2. Lịch sử vấn đề
Thể tài du ký đã ra đời rất sớm trong nền văn học trung đại, nhưng với số lượng không nhiều, và xét về mặt thể loại, thể tài trước đó du ký không được chú ý nhiều, nên việc nghiên cứu nhìn chung còn rất sơ lược. Một số công trình nghiên cứu có nhắc tới thể tài du ký, nhưng phần lớn chỉ là điểm tên, hoặc nếu không thì nói tới du ký trong khi bàn về thể ký nói chung.
Trong năm 1950, trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm có nói tới du ký với tính chất sơ lược.
Năm 1989, trong tác phẩm Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nói sơ lược về thể tài du ký khi nói tới nhóm nhà văn trong Nam Phong tạp chí, và ông cũng có nhắc tới một số tác phẩm du ký như: chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký.
Năm 1965, trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ có bàn tới thể tài du ký nhưng là du ký riêng trong sáng tác của Phạm Quỳnh. Ông đã đưa ra những nhận xét: “Du ký Phạm Quỳnh thiên về biên khảo, văn nghị luận nhiều hơn văn cảm giác. Như bài Trẩy chùa Hương mở đầu bằng một khúc đại luận về tôn giáo, rồi dọc đường chi thấy những lời bình phẩm, suy xét về phong tục, tín ngưỡng của người mình( .)Phạm Quỳnh đã biết thuật chuyện có duyên, biết điểm vào những đoạn tả cảnh xinh tươi, nhất là khéo biết sử dụng một lời văn thanh thoát trang nhã. Nhưng từ 1925 trở đi, ngòi bút hướng vào giản dị và chuẩn xác hơn”
Năm 1967, Tạp chí văn học số 02, có bài Về thể ký của tác giả Tầm Dương. Trong bài viết này tác giả đã phân loại thể ký, và du ký được cho là một phần của ký sự: “Du ký là “ký” lại các sự (những điều mắt thấy tai nghe) trong lúc “du””.
Cùng năm ấy, Tạp chí văn học số 06, tác giả Nam Mộc trong bài viết Thể ký và vấn đề viết về người thật việc thật có viết: “Có thứ bút ký phản ánh người, việc và cảm nghĩ diễn biến trong không gian theo bước đi của nhà văn đó là du ký ”.
Năm 1968, khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Nam Phong tạp chí, 1917 - 1934, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký, còn được ông gọi là du hành trên Nam Phong tạp chí: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam Phong chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả các phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam”.
Trong cuốn Quá trình hiện đại hóa văn học, do nhà nghiên cứu Mã Giang Lân chủ biên, cũng có nói tới thể tài du ký: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ phải kể đến du ký. Đây là một hình thức bút ký văn học được ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những chuyến đi của tác giả đến những vùng đất khác nhau Nguồn gốc của du ký cần tìm trong những hình thức tùy bút, ký sự truyền thống”.
Trong các công trình trên, du ký đã được nhắc tới sơ lược, nhưng chưa có định nghĩa cụ thể nào về thể tài này. Cho tới cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên, du ký mới được định nghĩa một cách khá hoàn chỉnh: “Du ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến ”.
Các công trình trên tuy có nhắc tới thể du ký, nhưng chưa đi sâu tìm hiểu về nó. Thể du ký chỉ thực sự được chú ý về sau này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn, đã dành nhiều chú ý nhất cho du ký, điều ấy được thấy rõ qua hàng loạt các bài nghiên cứu của ông.
Báo Văn nghệ quân đội số 10 năm 2000, ông có bài: Thể tài du ký về Hà nội nửa đầu thế kỷ XX.
Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 06, năm 2000, có bài Phác thảo du ký Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám.
Báo Văn nghệ Hạ Long, số Tết năm 2002 có bài Du ký Quảng Ninh nửa đầu thế kỷ XX
Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 06, năm 2004, có bài Du ký Ninh Bình nửa đầu thế kỷ XX.
Tạp chí Kiến thức ngày nay số 570 năm 2006 có bài: Thể tài du ký và các tác gia Nam Bộ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945.
Tạp chí Nghiên cứu văn học số 04 năm 2007, có bài Thể tài du ký trên tạp chí Nam Phong (1917 - 1934). Trong bài viết này, Nguyễn Hữu Sơn đã đi sâu vào các đặc trưng của thể du ký.
Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 619, có bài viết Du ký về vùng văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ của Nguyễn Hữu Sơn, bàn về du ký Phạm Quỳnh qua tác phẩm Một tháng ở Nam Kỳ.
Cùng năm đó, bộ Du ký Việt Nam, tạp chí Nam Phong (1917 - 1934) gồm 3 tập đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn dày công biên soạn và giới thiệu.
Sau khi bộ Du ký Việt Nam ra đời, đã có hàng loạt các bài viết bàn về thể tài du ký trên Nam Phong tạp chí.
Báo Doanh nghiệp ra ngày 13.05.2007, có bài viết của Trung Sơn với nhan đề Viết của sự Đi. Bài viết đã nêu lên một vài đặc điểm nổi bật của du ký trên Nam Phong tạp chí, đó là điều kiện ra đời, những đặc trưng không gian - thời gian trong du ký. Và cuối cùng tác giả nhận định: “Bộ du ký Việt Nam trên Tạp chí Nam Phong là một kho tư liệu quý, một chứng tích của thời gian”.
Báo Tuổi trẻ ra ngày 23.03.2007, Phạm Xuân Nguyên có bài Đọc sách để đi chơi. Tác giả Xuân Nguyên cũng đã đưa ra ý kiến đánh giá của mình về du ký: “Đọc du ký, để hiểu biết, có thêm thông tin tri thức là một lẽ. Đọc những tác phẩm du ký này còn để hiểu thêm suy nghĩ, cảm xúc của những con người đứng ở buổi đầu nền văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm tới quốc dân trong một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh”.
Báo Văn hóa và Thể thao, ra ngày 27.04.2007, có bài viết Du ký như một thể tài của tác giả Linh Lê. Trong đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn khi trả lời phỏng vấn của tác giả Linh Lê, đã khẳng định: “Du ký cần quan niệm như là một thể tài. Thể tài du ký cần phải hiểu là nhấn về phía đề tài, nội dung và cảm hứng nghệ thuật của người viết chứ không phải về phía thể loại”.
Báo Người đại biểu nhân dân, ra ngày 01.04.2007, tác giả Phong Lê có bài viết Du ký trên tạp chí Nam Phong.
Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, ra ngày 10.04.2007, có bài viết Du ký Việt Nam - một bộ sách quý của Trần Hữu Tá
Báo An ninh thủ đô số ra ngày 15.04.2007, tác giả Thiên Lương có bài: Về bộ sách Du ký Việt Nam - Nam Phong tạp chí, khát vọng chân thành của người trí thức .
Báo Thể thao và Văn Hóa số 49 ra ngày 21.04.2007, có bài Chuyện đi xứ người của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Báo Văn hóa số 1355, số ra ngày 30.03.2007, có bài Đọc Du ký Việt Nam: ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm, của Nguyễn Anh.
Như vậy, có thể nói vấn đề nghiên cứu về du ký trên Nam Phong tạp chí, nhìn chung còn khá sơ lược. Trước những giá trị và đóng góp của du ký đối với nền văn học hiện đại Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần có nhiều hơn nữa những nghiên cứu đi sâu tìm hiểu vấn đề này.
3. Mục đích nghiên cứu
Trong văn học trung đại, thể du ký đã xuất hiện với một số tác giả, tác phẩm, nhưng chỉ sang thế kỷ XX trong giai đoạn văn học giao thời (1900 - 1930), du ký mới thực sự phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những thể tài chiếm vị trí trung tâm của đời sống văn học. Mục du ký trên Nam Phong tạp chí đã phần nào chứng minh cho sự phát triển đó. Tuy nhiên xung quanh vấn đề du ký nói chung, du ký trên Nam Phong tạp chí nói riêng, nhìn chung chưa có nhiều công trình nghiên cứu. Nhận thấy đây còn là một vấn đề mới, chúng tôi muốn đi vào nghiên cứu với mục đích khảo sát du ký trên các phương diện chủ yếu như: sự ra đời, các giá trị chính về nội dung và nghệ thuật, chỉ hi vọng đem tới một cái nhìn khái quát về du ký trên Nam Phong tạp chí.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Các tác phẩm du ký đăng trên Nam Phong tạp chí (1917 - 1934). Bao gồm 62 tác phẩm của 36 tác giả. Trong đó, chúng tôi lần lượt đi vào nghiên cứu thể tài du ký dưới góc độ lí luận, các điều kiện ra đời và phát triển của thể loại du ký trên Nam Phong tạp chí, và những giá trị chính về nội dung và nghệ thuật của du ký.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp mà chúng tôi sử dụng trong niên luận này là các phương pháp sau: phương pháp phân tích thể loại. Ngoài ra, khóa luận còn sử dụng phương pháp khác như: so sánh, phân tích tổng hợp.
6. Cấu trúc khóa luận
Khóa luận chia thành 3 phần, ngoài phần mở đầu và kết luận, phần nội dung cơ bản gồm 3 chương
Chương I: Thể du ký trên Nam Phong tạp chí
Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí - Bức tranh hiện thực rộng lớn.
Chương III: Những đặc trưng nghệ thuật của thể loại du ký trên Nam Phong tạp chí
MỞ ĐẦU 1
NỘI DUNG 9
Chương I: Thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 - 1930) 9
1.1. Tạp chí Nam Phong 9
1.2. Đặc điểm thể du ký 12
1.3. Thể du ký trên Nam Phong tạp chí 16
Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí - Bức tranh hiện thực rộng lớn 28
2.1. Các giá trị và hiện thực non sông đất nước trong du ký 28
2.2. Hình ảnh con người 41
Chương III. Những đặc trưng nghệ thuật của thể du ký trên Nam Phong tạp chí
3.1. Thể du ký - sự dung hợp của các thể loại 46
3.3. Kết cấu trong các tác phẩm du ký 53
3.4. Người kể chuyện hay cái tôi chủ thể của nhà văn 55
3.5. Ngôn ngữ nghệ thuật trong du ký trên Nam Phong tạp chí 58
KẾT LUẬN 62
64 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1953 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
phải kiếm lễ tạ thầy, mới được trả bát hương… Nhà cửa thì ở nhà gác làm bằng tre nứa hoặc cột xoan. Người ở trên, trâu bò ở tầng dưới…”[31,175]. Trước những phong tục, thói quen ấy, tác giả cho rằng: “Xem như vậy thời biết phong tục của họ đã nói ở trên này cũng dễ khai hóa, mà cái cách sinh hoạt của họ cũng dễ kiếm ăn hơn người đường xuôi” [31,177].
Còn trong Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang, tác giả Nguyễn Văn Bân lại cho chúng ta cái nhìn khái quát về phong tục của các dân tộc thiểu số khác như người Mán, người Thổ trong ngôn ngữ, phục sức, giá thú. Và rồi tác giả đưa ra nhận xét“Dân Mán cũng thực hơi giống dân Thổ; nhưng ngôn ngữ và phục sức thì khác” [31,339].
Nói về sự ăn mặc của dân ta, tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H trong tác phẩm Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng có những quan điểm rất riêng: “Nhân đây lại nói đến sự ăn mặc ở trong Sài Gòn này: đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn là vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuống…Về lối ăn mặc của đàn bà ta, tôi tưởng không gì bằng lối ăn mặc của nhà quê Bắc Kỳ”[31,39-40].
Đến với tác phẩm Cuộc đi chơi năm tầng núi của tác giả Tùng Vân, thì người đọc lại có cơ hội biết tới truyền thống hát quan họ nổi tiếng ở Bắc Ninh. Tác giả giới thiệu, hội Hồng Vân - hội hát quan họ, cứ tháng Giêng lại mở ở trên núi, con trai con gái có gia đình hay chưa cũng đều tụ tập đứng hát với nhau. Khi hát thì bên con trai thường xướng trước, bên con gái thì họa lại. Cuộc hát cứ thế tiếp tục, bên nào hơn được lối hát và câu hát đối đáp là được. Ngoài ra, tác giả Tùng Vân còn giải thích thêm nghĩa của hai tiếng “quan họ”, bắt nguồn từ truyện truyền rằng: “Con trai, con gái họ nhà quan ở triều Lý khi xưa, bày ra cuộc nhã hí để vua xem, về sau dân gian mới bắt chước” [30,88].
Hay như tục hát Then, một phong tục lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng Cao Bằng, Lạng Sơn mà không phải ai cũng biết, đã được Phạm Quỳnh giới thiệu chi tiết trong Chơi Lạng Sơn - Cao Bằng: “Then hay Bụt (Tiên, Phật) thường là những đàn bà con gái óng ả lắm, đã học thuộc nhiều các bài văn cúng. Nhà nào làm lễ kỳ yên thời mời đến gẩy đàn đọc văn, cầu nguyện cho trong nhà được bình yên mạnh khỏe. Trên giường bày lễ vật, hương hoa, cô Then ngồi bên cạnh, tay cắp cây đàn, chân đeo tràng nhạc, miệng hát, tay gẩy, chân rung, dịp dàng lắm. Giọng hát tỉ tê thánh thót, nghe rất là buồn, như giọng gọi hồn vậy” [30,504].
Không chỉ viết về phong tục tập quán của dân tộc mình, mà trong những chuyến xuất ngoại, các tác giả du ký cũng không quên ghi lại nhiều phong tục độc đáo của những đất nước khác. Tác giả Trần Quang Huyến trong Ai Lao hành trình đã miêu tả về người dân Lào với những nếp sinh hoạt rất riêng, rất độc đáo: “Ăn uống thì không có đũa bát, chỉ thò tay bốc. Cơm thì cơm nếp, nước thì nước lã; đồ ăn lắm thứ lạ: Cóc gác bếp, chuột phơi khô, xé ra nướng ăn; mắm cá “Pa - đẹt”, thứ mắm cá ướp ngấu đen xì, hình như pha lẫn cám, là đồ ăn thường nhật của họ. Cách thức làm lũng vẫn còn lối dã man lắm” [30,272].
Cũng nói về phong tục của các nước làng giềng, trong Sự tích du lịch đất Hải Ninh, tác giả Trần Trọng Kim đã miêu tả lại tục giết con gái, bán vợ của người dân Đông Hưng, bên kia Móng Cái. Ông cho rằng đó là “cái luân lý” bậy bạ, xấu xa, đáng bị chê trách.
Như vậy, những trang du ký đã cung cấp cho người đọc thêm nhiều hiểu biết về các phong tục tập quán, về những nét văn hóa của các vùng miền trên đất nước mình, cũng như của các nước xa xôi khác. Đó là việc làm hữu ích, có giá trị không chỉ đối với người đọc bấy giờ, mà còn cả với những thế hệ sau này. Du ký đã góp phần bảo tồn và gìn giữ kho tàng văn hóa của dân tộc.
2.1.4. Tình hình chính trị - xã hội
Một tác phẩm du ký ngoài việc dung chứa những giá trị lịch sử, giá trị địa lý, ngoài những trang viết giới thiệu về văn hóa, phong cảnh, đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội. Đọc du ký trên Nam phong tạp chí, người đọc dễ nhận thấy những vấn đề liên quan tới tình hình xã hội của đất nước không được các tác giả nói tới một cách trực tiếp mà nó chỉ được tái hiện trong những lời bàn luận, trong những trang viết chung về địa dư văn hóa, về sự sinh hoạt của người các vùng miền. Nhưng qua các tác phẩm du ký, độc giả cũng phần nào thấy được một cách khái quát những yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.
Trong tác phẩm Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H đã thuật lại cuộc hành trình của mình từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trong bài du ký ấy, tình hình kinh tế, xã hội của nhiều tỉnh thành đã ít nhiều được phản ánh qua những lời nhận xét, đánh giá của chính tác giả. Ông nhận thấy: “Thanh Hóa buôn bán bình thường vì không tiện đường thủy, nhà máy sợi, máy diêm, cũng đều ở bờ sông Hàm Rồng, cách thành phố ba bốn cây”; sự kinh tế của Hà Tĩnh cũng không được sầm uất. Tới Phan Rang, Biên Hòa, đặc biệt là Sài Gòn, thì ông cho rằng đó thực sự là những tỉnh thành, thành phố của phát triển của đất nước.
Một tác giả khác là Đặng Xuân Viện trong Thụy Anh du ký cũng đã bàn tới tình hình đời sống kinh tế của người dân vùng biển Thái Bình. Người dân nơi đây, không chỉ sống với nghề nông nghiệp mà còn phát triển nhiều ngành nghề khác như: nghề làm muối, nghề làm thuốc lào, nghề đánh cá.
Nói tới tình hình kinh tế, xã hội của đất nước phải kể tới những bài du ký của Phạm Quỳnh. Ông là người đi nhiều, hiểu biết, vì thế luôn đưa ra những nhận xét khá đúng đắn. Qua bài du ký Một tháng ở Nam Kỳ của ông, người đọc có thể hình dung cuộc sống, sự phát triển của của nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn. “Hải Phòng thật là đáng làm nơi đô hội thứ nhì xứ Bắc Kỳ… Hải Phòng còn đương vào cái thời kỳ trai trẻ, chưa biết lớn đến đâu, thịnh đến đâu là cùng”, còn Sài Gòn – “hạt báu của Á Đông”, theo ông nó hơn tầm cả với Hương Cảng, Thượng Hải, Tân Gia Ba về cách sửa sang, sắp đặt, về quy mô các con đường, về cái vẻ sạch sẽ, mĩ miều khả ái, “trơn tru mà sán lạn như hạt châu mới rũa”.
Nghề làm báo và làm sách cũng được Phạm Quỳnh nói tới khi bàn về tình hình văn hóa của người Nam Kỳ. Đó là hai nghề phát triển rất thịnh ở Nam Kỳ, mà theo ông Bắc Kỳ và Trung Kỳ cần học tập. Ông lại bàn tới việc học chữ quốc ngữ, làm văn quốc ngữ của dân ta. Ông nhận thấy: “Chữ quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc biết viết cả; nhưng đến văn quốc ngữ thì xem ra chửa phát đạt lắm”. Ông còn phê phán một bộ phận những bậc thượng lưu, những người có học thức thông giỏi chữ Pháp coi thường tiếng An Nam, cho là một thứ đê tiện để cho những hạng tầm thường dùng mà thôi. Tác giả bàn tới chữ quốc ngữ, quốc văn, như một vấn đề đặc biệt quan trọng cho sự phát triển, tiến bộ của nền học thức nước nhà.
Về tình hình xã hội, Phạm Quỳnh nhiều lần nói tới họa Chệt, họa Chà gây nhiều nguy hại tới người dân nước ta. Tác giả Trần Trọng Kim, trong Sự du lịch đất Hải Ninh cũng không khỏi bất bình, lo lắng trước sự xâm chiếm tràn lan của người Khách trên đất Hải Ninh: “Hiện như bây giờ cả một tỉnh Hải Ninh, bao nhiêu quyền lợi, mười phần thì chín phần rưỡi vào tay người Khách và người Nùng hết cả. Ai ai đi đến đấy trông thấy tình cảnh như thế cũng phải lấy làm nóng ruột” [30,46].
Một vấn đề xã hội khác cũng được các tác giả quan tâm, đó là sự di dân của một bộ phận dân cư người An Nam sang Ai Lao: “Người Nam ta ở Vientiannei có tới năm sáu nghìn người, Nam Kỳ có, Trung Kỳ có, Bắc Kỳ có, nam phụ lão ấu, sĩ nông công cổ, đủ các hạng, thật là hoàn toàn một cái xã hội Việt Nam di cư sang đất Lào. Ai nấy làm ăn vui vẻ, phố xá đâu có người An Nam là có vẻ sầm uất cả” [29,431]. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề di dân này, nhưng tác giả Phạm Quỳnh trong Ai Lao hành trình vẫn cho rằng: “Đất Ai Lao vẫn rộng rãi, có đủ chỗ dung được mọi người. Người An Nam sang ở đấy không sợ bao giờ đến đông quá mà trở ngại cho người Lào. Hiện nay và sau này, bao giờ người Nam cũng là cần cho sự mở mang kinh tế xứ Ai Lao vậy. Người trí thức trong bản xứ không nên ác cảm với người Nam mà nên hoan nghênh người Nam mới là phải” [29,458].
Riêng tình hình chính trị của đất nước thì gần như không được các tác giả du ký nói tới. Trong những bài du ký của mình, tác giả Phạm Quỳnh có nhắc đến nhà nước bảo hộ Đại Pháp. Tuy nhiên ông vẫn luôn có ý bênh vực dân tộc mình, ông cho rằng: muốn Pháp - Việt đề huề thì lợi ích của hai nước phải được đề huề. Có những lúc ông cũng đã nghi ngờ về tư tưởng “Pháp - Việt đề huề” người Pháp đặt ra: “ tôi thiết tưởng rằng cái chủ nghĩa ấy cứ lấy lý thuyết thì còn gì hay bằng, mà cứ thực sự thì khó lòng mà thành hiệu được”,“Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên, người Nam bao giờ cũng chịu phần dưới, có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái như anh em một nhà được” [30,227].
Như vậy, dù không được đề cập nhiều, nhưng qua các tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, phần nào người đọc đã thấy được tình hình chính trị - xã hội của đất nước ta những năm đầu thế kỷ XX.
2.2. Hình ảnh con người
Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống. Trong bức tranh hiện thực ấy không thể thiếu đi hình ảnh con người. Trong các tác phẩm du ký cũng vậy, hình ảnh con người đã được các tác giả khắc họa một cách chân thực. Du ký với đặc trưng của thể tài là ghi lại những điều mà người đi mắt thấy tai nghe, nên ngoài việc miêu tả, giới thiệu những về địa lý, lịch sử, phong cảnh, phong tục tập quán, thì việc khắc họa chân dung con người, cũng đòi hỏi yếu tố sự thật.
Ba thập niên đầu của thế kỷ XX, là giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta. Nó được coi là giai đoạn giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây. Những cái cũ của thời đại trước chưa mất đi, những cái mới của một xã hội hiện đại thì đang trong sự manh nha, hình thành. Con người trong buổi Tân - Cựu giao thời ấy cũng có những đặc điểm riêng mang tính thời đại. Bởi vậy đọc những trang du ký trên tạp chí Nam Phong, người đọc dễ nhận thấy sự xuất hiện của những nhân vật thuộc nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quan lại, những ông đồ, thầy nho tới tầng lớp trí thức mới.
* Tầng lớp vua quan
Đó là hình ảnh của vua Khải Định, được tác giả Phạm Quỳnh nói tới trong Thuật chuyện du lịch ở Paris. Hình ảnh vua Khải Đinh hiện lên trong suy nghĩ của tác giả và qua cả con mắt của những người Pháp: “Nghe đâu có đức Hoàng đế ta chuyến ngự du Âu Châu này, sắm được nhiều đồ quý vật lạ lắm, và thứ nhất là các “trang sức phẩm” ở Paris. Có ông Tây đã nói với tôi rằng: “Vua anh giàu thật!” Tôi nghĩ bụng: “Rõ ông này khen phò mã tốt áo”! ” [29,353]. Phạm Quỳnh không chỉ cho mọi người thấy Khải Định chỉ là một ông vua thích khoa trương, hợm của, mà còn là một vị vua bất tài, bù nhìn. Trong bài du ký Pháp du hành trình nhật ký, tác giả thuật lại chuyến du hành sang Pháp của vua Khải Định, trong đó có đoạn nói về ngày Hội Đông Pháp. Trong ngày hội ấy Khải Định với vai trò là người chủ lễ, khi được ông chủ Hội đem quyển “Kim Thư” ra xin chữ ký, trong khi ai cũng chờ đợi đức Hoàng thượng nghĩ một bài thơ Nôm hay thơ chữ, Đường luật hay tứ tuyệt gì thì mười năm phút trôi qua, ngài chỉ viết một câu chữ Hán rằng: “năm ấy, tháng ấy, Đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội” trước sự thất vọng của mọi người.
Khác với hình ảnh vua Khải Định, hầu hết hình ảnh các vị quan lại xuất hiện trong những tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí lại là những con người nhiệt tình, có công với nước với dân. Và dù họ là quan ta hay quan tây, thì cũng chiếm được lòng tin của người dân.
Đó là hình ảnh các quan địa phương như quan Châu sở được tác giả Nhạc anh Hoàng Văn Trung ngợi khen trong bài Ba bể du ký: “Ngài vốn là người lịch thiệp từng trải, có chân Bắc Kỳ tư vấn nghị viện; ngài khoản đãi ân cần, trân trọng, không những đối với bạn bè thân thuộc mà thôi, dù các bậc văn nhân lãm khách, chưa từng giao tiếp với ngài, mà nhân qua hạt ngài, ngài cũng lấy câu: “Tứ hải giai huynh đệ”, tiếp đón một cách đậm đà, hòa nhã như vậy. Tấm lòng bác ái ấy đáng nên kính phục thay” [29,295]. Là hình ảnh ông quan Trưởng giáo, là quản đốc trường Pháp - Việt Chợ Rã. Ông là người: “đã lấy cái tư tưởng cao thượng, không quản bàng quan dị nghị, đem hạt giống văn minh, rắc lên chốn rừng xanh núi biếc” [29,307].
Hay nữa là hình ảnh quan Phủ Bảy của tỉnh Long Xuyên trong bài du ký Một tháng ở Nam Kỳ, qua lời kể của tác Phạm Quỳnh ông hiện lên là người trọng sự bình đẳng tự do, tình thân ái đôn hậu; là một nhà quan lại nhưng không có cái thiên kiến của bọn quan lại. Là quan Diệp Văn Cương “tuổi đã cao mà người còn mạnh mẽ tinh anh lắm. Hán học đã thâm, Tây học cũng rộng, thật là gồm Âu Á đúc một lò” [30,178].
Tầng lớp quan lại Tây cũng xuất hiện khá nhiều trong các bài du ký. Tiêu biểu như quan cai trị X - một vị quan tây “có tiếng là người thâm lắm, nhất là đối với quan lại bên ta. Thấy nhiều ông quan người mình nhu nhược và đê tiện quá ông cũng tức thay, và thường làm lắm cái thủ đoạn “chơi khăm”, kể cũng “điếng” cho bọn kia, mà bọn kia vẫn không hiểu, vẫn không biết phấn chấn, tự cường lên chút nào” (Pháp du hành trình nhật ký).
Hay là ông De Casanova “trước làm quan cai trị ở bên ta, nay về hưu trí. Ông này là người hiền hậu, đạo đức lắm, khi còn làm quan, đến đâu cũng để tiếng tốt trong dân gian” [31,629]. Ông P giáo học tiếng An Nam ở trường Đông phương Bác ngữ, là “người tính khí ôn hòa điềm đạm, ra tư cách một nhà bác học chứ không phải một quan cai trị thuộc địa” [31, 499].
* Tầng lớp trí thức
Trong những tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, hình ảnh về tầng lớp trí thức được các tác giả nói tới nhiều hơn cả. Đó là những nhà văn, nhà báo, những danh sĩ.
Trong Một tháng ở Nam Kỳ, tác giả Phạm Quỳnh đã giới thiệu một loạt những tên tuổi nhà báo, những người chủ bút có tiếng đương thời như: ông Nguyễn Chánh Sắt chủ báo Nông cổ mín đàn, là một nhà trước thuật có tiếng ở Nam Kỳ. Ông Nguyễn Văn Của chủ bút Trung nhựt báo, là một bậc thân hào danh giá ở Sài Gòn. Và nhiều nhà báo khác như Lê Hoằng Mục, Nguyễn Tử Thực, Võ Văn Thơm, Lê Quang Liêm… Họ là những người trí thức mới của xã hội đều tự ý thức được ý nghĩa và trách nhiệm của nghề báo đối với quốc dân. Phạm Quỳnh với tư cách là một nhà báo, nên ông hiểu sâu sắc vai trò của mình. Khi đi thăm các bạn đồng nghiệp, tức là anh em làm báo ở Sài Gòn, Phạm Quỳnh đã có những giãi bày thật chân thành với họ: “… Huống bọn mình lại cùng theo đuổi một nghề, tức là cái nghề khua chuông gõ mõ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với bạn đồng bào, mong gây lấy một mối tư tưởng cảm tình chung, mưu cho nước nhà sau này được cường mạnh vẻ vang, có ngày được mở mặt mở mày với thế giới, thì cái mục đích cao sa ấy lại không đủ khiến cho ta đồng tăm hiệp lực mà cùng nhau đạt tới ru?” [30, 165].
Nhắc tới giới trí thức nước nhà, Phạm Quỳnh luôn tỏ thái độ ngợi ca, cảm mến. Bởi họ còn là những danh sĩ cao nhân, là những người có tư cách cao cả. “Cầm, kỳ, thi, họa, là những ngón chơi thường của những bậc ấy”. Là nữ sĩ Đạm Phương vừa biết làm thơ Nôm, vừa biết tiếng Pháp; là cao tăng Viên Thành thượng nhân trụ trì chùa Ba La Mật - một người có phong nhã tài tình, tư tưởng cao thượng.
Viết về hình ảnh con người, các tác giả du ký mới chỉ “chấm phá” ở một vài hình ảnh tiêu biểu. Các tác giả chủ yếu dừng lại ở việc khắc họa, miêu tả một số hình ảnh đại diện cho tầng lớp trên của xã hội, mà chưa đi sâu tìm hiểu và khắc họa con người ở những giai tầng khác. Đây có thể coi là một hạn chế của các tác giả khi viết du ký.
Tiểu kết
Như vậy việc khảo sát một vài khía cạnh về nội dung của thể du ký trên Nam Phong tạp chí đã cho thấy những giá trị phong phú của một tác phẩm du ký. Du ký không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn chứa đựng trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa dư văn hóa, giáo dục và đôi khi nó còn phản ánh cả phương diện chính trị - xã hội. Bức tranh hiện thực trong du ký phần nào đã cho thấy sự toàn cảnh về non sông đất nước, về con người Việt Nam đầu thế kỷ XX. Những giá trị mà nội dung du ký đem lại không chỉ có ý nghĩa với người đọc bấy giờ, mà nó còn thiết thực với cả người đọc hôm nay và mai sau.
Chương III. Những đặc trưng nghệ thuật của thể du ký trên Nam Phong tạp chí
3.1. Thể du ký - sự dung hợp của các thể loại
Du ký là một thể đặc biệt của văn học, bởi trong một tác phẩm du ký thường có sự kết hợp của nhiều thể loại khác nhau. Không phải riêng thể du ký mới mang đặc điểm nghệ thuật ấy, mà ngay trong những tác phẩm văn học trung đại, người ta đã bắt gặp sự dung nạp của nhiều thể loại trong các tác phẩm ký, hay truyền kỳ. Ở đó, các tác giả có thể cho phép cùng lúc trong một tác phẩm văn xuôi tự sự, có sự xuất hiện của các thể văn khác như: thơ trữ tình, câu đối, hát nói, khúc ngâm… Bước sang thế kỷ XX, thể du ký từ một thể loại nằm ở vùng ngoại biên của nền văn học trung đại, đã dần phát triển và trở thành một thể loại trung tâm của văn học. Và bên cạnh những cách tân, du ký đầu thế kỷ vẫn tiếp tục mang những đặc trưng nghệ thuật truyền thống. Đọc du ký trên Nam phong tạp chí, người đọc vẫn nhận thấy sự kết hợp của nhiều thể loại văn học khác nhau.
Trong các bài du ký trên Nam Phong tạp chí, văn xuôi tự sự vẫn là thể loại chính, nhưng các tác giả đã khéo léo lồng ghép những bài thơ, những câu hát, những bài ca dao, tục ngữ… xen lẫn những đoạn văn tả cảnh hay bình luận. Thơ trữ tình là thể loại được các tác giả du ký sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm của mình. Trong Cuộc chơi trăng sông Nhuệ của Mai Khê có 6 bài thơ, Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình của Đông Châu có 8 bài, Hành trình chơi núi An Tử của Nguyễn Thế Hữu có 36 bài, Mấy ngày chơi Thất Khê của Nguyễn Thế Xương có 39 bài, Tây Đô thắng tích của Thiện Đình có 7 bài, Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến có 19 bài… Đó có thể là những câu thơ của chính những nhà du ký trên mỗi đoạn đường đi qua, tức cảnh mà ngụ tình. Trong Ba nà du ký, tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa khi đứng trước tảng đá Ông Phơi trên trại Gia Long và được nghe sự tích về tảng đá này, đã bồi hồi tặng hai câu thơ:
Trải mật phơi gan cùng nhật nguyệt
Bền chân đứng vững với sơn khê.
Tác giả Trần Quang Hoàng khi tới thăm vùng đất Bàn Thành (Bình Định), là mảnh đất không chỉ đẹp bởi núi non hùng vĩ mà còn nổi tiếng vì những di tích lịch sử, cũng đã ứng khẩu một bài thơ:
Cùng nhau dạo khắp cảnh Bàn Thành,
Thấy cảnh càng sinh mối cảm tình;
Cảm cuộc bể dâu đau đớn nhỉ,
Cảm hồi chiến đấu nghĩ càng kinh!
Được Trần Lê được là ai chủ?
Thua Nguyễn Nguyễn thua biết mấy binh!
Thua được được thua quyền Tạo hóa,
Muôn đời khôn lấp dấu uy linh.
(Bài ký chơi Bàn Thành và đền Hiểu Trung)
Các tác giả du ký đã cho người đọc thấy tài năng thơ ca của mình. Bên những trang du ký tả cảnh thường là những vần thơ chân thành, xúc động:
Thuyền lan lững thững gió hây hây,
Ba Bể chừng trông cảnh lạ thay!
Nước biếc một làn hoa lẫn bóng,
Non xanh mấy lớp đá chen cây.
Mập mờ núi Mẫu trong dòng bạc,
Mù tít rừng Yên dưới áng mây.
Nào khách Đào nguyên đâu vắng lá,
Thơ thần rượu thánh dễ ai hay.
(Ba Bể du ký - Nhạc Anh Hoàng Văn Trung)
Ngoài những câu thơ của chính các tác giả khi “đối cảnh động lòng thơ”, du ký còn sưu tập, ghi lại nhiều bài thơ, bài vịnh của các tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà, Bà huyện Thanh Quan… và nhiều bài Đường Thi, Tống Thi. Trong Hành trình chơi núi An Tử, tác giả Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu có ghi lại bài thơ chữ Hán mà Nguyễn Trãi đã đề trên núi An Tử:
An sơn sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng.
Vũ trụ nhỡn cùng thương hải ngoại,
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
Ủng môn ngọc sáo xâm thiên mẫu,
Quải thạch châu sơ lạc bán không.
Nhân miếu đương niên di tích tại,
Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.
Việc ghi lại những bài thơ của các danh sĩ xưa, phần nào đã cho thấy lòng yêu mến và sự hiểu biết văn chương của các nhà du ký hiện đại.
Không chỉ riêng thể thơ trữ tình, du ký còn dung nạp nhiều thể loại khác như hát nói, khúc ngâm, ca trù, câu đối. Đó là bài hát nói mà tác giả Tùng Vân gởi tặng người dân làng Thượng Cát trong Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát:
Năm Nhâm Tuất mùa hè tháng sáu,
Xe quan phong dừng bánh cõi Quân Thần;
Mầu cổ kim bát ngát cảnh xa gần,
Vẻ tân cựu cũng đua chen phần giáo hóa.
Địa thị tràng châu phân thượng hạ,
Dân lăng thiện chính hợp tây đông.
Tay làng nho gia tổ chức cuộc hội đồng,
Mau mắn nhỉ mới một năm mà báo chính!
Trường công nghệ đã nhất sơ tề chỉnh.
Quán đồ thư mong thứ đệ thực hành.
Đó còn là những câu đối trong Bài ký chơi chùa Thầy của Lê Đình Thắng [29,268], là bài ca trù trong Thăm lăng sĩ vương của Nguyễn Trọng Thuật [31,282]. Là những câu ca dao được trích dẫn trong các bài du ký Một tháng ở Nam Kỳ [30,145], Chơi Lạng Sơn – Cao Bằng [q2,488] của Phạm Quỳnh, trong Cảnh vật Hà Tiên [q1,518] của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm…
Như vậy có thể nói, du ký trên Nam Phong tạp chí vẫn giữ nét đặc trưng nghệ thuật của văn chương truyền thống, đó là sự dung nạp nhiều thể loại, thể tài văn học trong cùng một tác phẩm. Du ký là một dạng văn ghi chép trên đường mà tác giả chính là người đi đường thuật lại chuyện. Cho nên nó khá tự do về mặt thể loại, cho phép tác giả bên cạnh việc kể lại những điều mắt thấy tai nghe, còn có thể dừng lại suy tư, luận bàn bằng những ý thơ, những khúc hát, những bài ca dao… mà không hề ảnh hưởng tới nội dung, tư tưởng câu chuyện đang kể. Thậm chí chính sự kết hợp giữa các thể loại ấy, đã đem tới sự hiệu quả cho các tác phẩm du ký, khiến cho những trang du ký vốn khô khan được trở nên sinh động và cuốn hút hơn.
3.2. Không gian - thời gian trong các tác phẩm du ký
Thời gian - không gian là những yếu tố nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải nội dung và tư tưởng cho tác phẩm văn học. Không chỉ tạo ra thời điểm và bối cảnh xác định cho cốt truyện, mà trong thời gian, không gian còn trực tiếp tham gia và thúc đẩy quá trình phát triển của truyện. Và cùng với như thời gian, không gian là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật.
Du ký với đặc trưng là thể văn ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe của người đi, nên nó đòi hỏi cao ở tính khách quan, chính xác. Bởi vậy, ngay từ yếu tố thời gian trong các tác phẩm đã được các nhà du ký chú ý, coi trọng. Nếu như thời gian trong các tác phẩm truyện ngắn, hay tiểu thuyết thường là thời gian phiếm định, hư cấu, người viết tiểu thuyết không bắt buộc phải ghi rõ ngày tháng xảy ra câu chuyện, thì với các tác phẩm du ký điều ấy là ngược lại. Thời gian trong du ký là thời gian thực, thời gian được xác định. Ngay ở phần mở đầu bài du ký, các tác giả đã thường thông báo cho người đọc thời gian câu chuyện xảy ra. Trong Mấy ngày chơi Thất Khê, tác giả Nguyễn Thế Xương đã ghi rõ thời gian chuyến du lịch Thất Khê của mình, đó là: “Ngày 23 tháng Tám năm Đinh Mão mùa thu, sau kỳ trăng sang, là ngày 18 tháng 9 năm 1927 Tây, chính ngày chủ nhật” [30,415].
Hay trong bài ký Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh [30,508], nhà du ký Nguyễn Đức Tánh cũng đều ghi chính xác mỗi ngày tháng mà thầy trò ông tham gia “cuộc du lịch học khóa”: “Ngày 23 tháng Hai năm 1928, quan Đốc trường Cao đẳng Tiểu học Vịnh đưa học trò lớp đệ tứ niên đi chơi ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh… Ngày thứ năm 8 tháng 3 năm 1928, quan Đốc trường Cao đẳng Tiểu học Vịnh đưa học trò lớp đệ tứ niên đi du lịch các nơi cổ tích ở hạt Nam Đàn (Nghệ An)… Ngày thứ năm mồng năm tháng tư tây năm 1928…”.
Việc ghi lại chính xác thời gian diễn ra các câu chuyện, sự kiện, khiến cho câu chuyện của các nhà du ký trở nên chân thực và đáng tin cậy hơn, nó cũng cho thấy thái độ tôn trọng của người viết đối với độc giả. Thời gian không chỉ mang tính chất thông báo đơn thuần, mà nhiều khi nó còn là yếu tố, là mắt xích xâu chuỗi các sự kiện, sự việc, góp phần thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Trong bài Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình [30,115] của tác giả Đông Châu, thời gian được nhắc tới rất nhiều lần. 6 giờ hôm 20 tháng 3 năm Ất sửu (tức ngày lễ Phục sinh 12 tháng tư năm 1925), là mốc khởi đầu cho chuỗi thời gian của tác phẩm. Tiếp sau đó là hàng loạt những mốc thời gian như: “12 giờ trưa hôm ấy”, “khi mặt trời xế chiều”, “đi độ chừng vài ba mươi phút”, “khi ấy vào bảy giờ tối”, “thuyền đi chừng vào hai giờ sáng”, “khi xe trở ra chừng vào hồi 11 giờ”… được tác giả nói tới. Dường như mỗi bước chân qua, tác giả đều ghi lại dấu mốc thời gian, khiến cho câu chuyện trở nên rõ ràng và đôi khi người đọc có cảm giác như chính mình cũng tham gia vào chuyến du lịch đó.
Một số tác phẩm khác được viết dưới dạng nhật ký, nên thời gian trong đó càng được ghi lại chính xác từng ngày giờ. Cũng bởi hình thức này, mà người đọc có thể theo dõi dễ hơn những cuộc hành trình dài, những bài du ký “dài hơi” của các tác giả như: Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, Trên đường Nam Pháp của Tùng Hương. Trong phần mở đầu của Pháp du hành trình nhật ký, Phạm Quỳnh cũng đã lí giải việc ghi chép nhật ký của mình: “Tôi đi Tây chuyến này định quan sát được điều gì hay khi trở về sẽ biên tập thành sách để cống hiến các đồng bào. Song đợi đến khi về nhà thời lâu lắm; vậy trong khi đi, tôi có giữ quyển nhật ký, ngày ngày ghi chép, được tờ nào gởi về báo đăng trước, toàn là những lời ký thực…” [31,346].
Cũng giống như thời gian, không gian trong du ký là không gian thực, không gian mang tính địa lý. Việc xác định rõ các nơi chốn, địa điểm khiến cho sự chân thực của các tác phẩm du ký càng được nâng cao. Trong các bài du ký, ở mỗi nơi dừng chân, các tác giả luôn ghi lại thật chính xác địa điểm, tên từng vùng miền. Bằng cách ấy, cho phép độc giả có sự hình dung cụ thể về các danh thắng, các vùng miền văn hóa, thậm chí về cả những nước ngoài xa xôi khác. Nói như nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh, thì người xưa viết và đọc du ký là một cách cảm nhận về không gian. Ở đây, có thể là không gian nhỏ hẹp của một địa danh, một di tích, một làng quê, cũng có thể là không gian rộng lớn của cả một vùng miền, một đất nước. Theo chân tác giả Nguyễn Bá Trác đến với Hạn mạn du ký, ta có thể đến những địa danh, những đất nước như: Thành Bangkok (Siam), Hương Cảng, Tứ Xuyên, Bắc Kinh, Thượng Hải, Nhật Bản… Hay cùng du lịch với thầy trò Nguyễn Đức Tánh trong Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, người đọc cũng sẽ lần lượt được tới thăm các nơi như: Nam Đàn, Lam Thành, Hoành Sơn, Phủ Diễn, Cửa Lò…
Từ những cái tên, những địa danh ấy, người viết du ký còn giới thiệu cho bạn đọc biết tới những không gian văn hóa, không gian sinh hoạt trong và ngoài nước. Đó là không gian hội hát quan họ trong Cuộc đi chơi năm tầng núi của tác giả Tùng Vân; là không gian văn hóa của người Ai Lao trong Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến; là không gian sinh hoạt của người Thổ, người Mán trong Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của tác giả Nguyễn Văn Bân…
Như vậy, nhằm nâng cao tính xác thực cho những điều mắt thấy tai nghe, các tác giả du ký đã luôn ý thức trong việc ghi lại không gian và thời gian một cách cụ thể, rõ ràng trong các tác phẩm của mình. Thời gian có tác dụng xâu chuỗi các sự kiện, còn không gian thì chắp nối các địa danh. Có thể nói kiểu thời gian - không gian thực, chính là một đặc trưng nghệ thuật của thể du ký nói riêng, thể loại ký nói chung.
3.3. Kết cấu trong các tác phẩm du ký
Đối với một tác phẩm văn học, kết cấu luôn là yếu tố nghệ thuật quan trọng. Nếu tác phẩm văn học được ví như một ngôi nhà, thì kết cấu chính là phần kiến trúc của ngôi nhà ấy. Một cách khái quát, kếu cấu được định nghĩa như sau: “Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [6,143].
Mỗi thể loại văn học, tùy theo những đặc trưng riêng về nội dung và tư tưởng mà cũng có những cách xây dựng kết cấu khác nhau. Tiểu thuyết trung, cận đại thường kết cấu tác phẩm theo lối chương hồi; tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại thì mở rộng và sáng tạo hơn về mặt kết cấu, có kết cấu đa tuyến, kết cấu song tuyến, đơn tuyến, kết cấu tâm lý, kết cấu theo dòng ý thức. Về thơ ca cũng có những loại kết cấu riêng như: kết cấu đối đáp, kết cấu so sánh.
Du ký là sự ghi chép của người đi trong những cuộc hành trình. Câu chuyện luôn được kể theo đúng trật tự thời gian, cái gì xảy ra trước thì kể trước, cái gì xảy ra sau thì kể sau, bởi vậy những sự việc, sự kiện cũng được các tác giả ghi lại, sắp xếp theo đúng trật tự tuyến tính như vậy. Kiểu kết cấu của du ký là kiểu kết cấu mang tính ghi chép nối tiếp. Kiểu kết cấu này tuy đơn giản, nhưng chính nó lại làm nên hiệu quả cho thể du ký. Nó cho phép người viết có thể tốc kí lại những sự kiện trên đường đi một cách nhanh và chuẩn xác nhất. Và những câu chuyện được kể lại cũng rõ ràng hơn giúp cho độc giả có thể hình dung dễ dàng.
Với lối kết cấu đơn giản này, đòi hỏi nhiều hơn tài năng kể chuyện, dẫn dắt vấn đề của các tác giả, để câu chuyện không trở nên tẻ nhạt, khô khan. Đọc du ký trên Nam Phong tạp chí, ta dễ nhận thấy sự cố gắng của các nhà văn trong việc xây dựng kết cấu chuyện. Các bài du ký không chỉ dừng lại ở việc thuật việc, thuật người, không chỉ là việc giới thiệu các mốc thời gian, các nơi chốn, địa danh… mà trong đó các tác giả đã khéo léo trích dẫn những dữ liệu về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán. Như tác giả Tùng Vân trong Cuộc đi chơi năm tầng núi, khi dừng chân ở mỗi tầng núi, ngoài việc giới thiệu về vị trí, phong cảnh, nhà văn luôn dừng lại kể về những những nét văn hóa đặc trưng, hay những câu chuyện lịch sử, những sự tích, có liên quan tới nơi ấy. Khi tới tầng núi thứ nhất ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh), tác giả dừng lại giới thiệu về hội hát quan họ, với lịch sử, cách thức, ý nghĩa của nó. Tới núi Bát Vạn, nơi trước kia ông Triệu Đà từng đóng quân ở đây, vậy là nhà văn lại kể lại cho bạn đọc câu chuyện về Triệu Đà, về vua An Dương Vương.
Hay như trong tác phẩm Quảng Yên du ký, khi giới thiệu về tỉnh Quảng Yên, tác giả Nhãn Vân Đình cũng đã đưa ra những số liệu địa lý cụ thể: “Tỉnh có hai phủ: Sơn Định và Nghiêu Phong. Phủ Sơn Định chia làm hai huyện: huyện An Hưng chia làm 5 tổng, 32 xã; huyện Hoành Bồ, 6 tổng, 32 xã. Phủ Nghiêu Phong chia làm 3 huyện; huyện Vân Hải 1 tổng, 4 xã; huyện An Bác, 4 tổng, 14 xã; huyện Cát Hải, 2 tổng, 14 xã. Tổng kết đinh số được là 1210 suất…” [31,236].
Để cho câu chuyện không bị nhàm chán, khô khan, các nhà du ký còn luôn lồng ghép vào đó những bài thơ, những khúc ngâm, những câu ca dao, những câu Kiều quen thuộc. Nhờ đó mà những câu chuyện ấy luôn tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn đối với người đọc.
Bên cạnh đó, trong lúc thuật chuyện, đôi khi các tác giả vẫn có thể dừng lại để hồi tưởng, kể chuyện quá khứ mà không hề ảnh hưởng gì tới diễn biến cốt truyện. Trong Lời cảm cựu về mấy ngày chơi Bắc Ninh, tác giả Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục đã dành những trang văn để hoài niệm về thủa ấu thơ của mình. Đó là những tâm sự rất chân thành về chính một quãng đời của nhà văn: “ Ký giả tuổi ấu thơ, gặp ngay buổi loạn ly… Ký giả bấy giờ tuổi mới lên năm lên sáu lên bảy, thân mẫu với một người thứ mẫu thường phải ẵm, phải dắt ở trên tay, khi chạy đêm chạy ngày, khi ở đây ở đó, khi chui vào bụi rậm, khi lội qua đồng sâu, khi lẽo đẽo ở dọc đường, khi xông pha trên bãi cát…” [30,402-403]. Tác giả Phạm Quỳnh, trong Pháp du hành trình nhật ký, khi đang chu du ở Paris xa xôi, cũng đã nhớ về gia đình, về các con: “Nhân vào khu bán các đồ chơi trẻ con, mua mấy thằng phệnh, con thú và cái xe, để gửi về lũ trẻ ở nhà cho kịp tết tháng Tám… nghĩ tới chúng nó lại càng thêm nhớ; nhưng mình nhớ nhà có lẽ nhà lại nhớ mình hơn…” [31,551]. Hay như Nguyễn Bá Trác với những phút giây hồi tưởng trong Hạn mạn du ký: “Bấy giờ ngồi một mình, hồi tưởng cảnh ngộ sinh bình, lịch lịch như in trong tâm khảm! Nào những lúc đang vùi đầu chốn tràng ốc, cùng chúng bạn quyết tranh lèo giật giải… Lại những lúc cười trăng cợt gió, một năm trời vui thú Hành Sơn… Lại nhớ lúc làm ruộng Cẩm Nê, thầy trò dìu dắt…” [29,87
Như vậy, kết cấu của du ký tuy đơn giản, nhưng các tác giả vẫn có những cách xử lý khéo léo, tinh tế giúp cho những bài du ký không chỉ bớt đơn điệu mà còn dung chứa nhiều giá trị khác ngoài giá trị văn học như: địa lý, lịch sử, kiến trúc, văn hóa truyền thống…
3.4. Người kể chuyện hay cái tôi chủ thể của nhà văn
Trong một tác phẩm văn học, người kể chuyện không chỉ là người dẫn dắt câu chuyện mà nhiều khi người kể chuyện còn tham gia trực tiếp vào diễn biến của cốt truyện, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của truyện. “Hình tượng người kể chuyện đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý ngôn ngữ, hay lập trường xã hội cho cái nhìn tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống trong tác phẩm thêm phong phú, nhiều phối cảnh” [8,221].
Trong thể du ký, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Và cũng chỉ có một người kể chuyện duy nhất, đó chính là tác giả. Trong các tác phẩm ấy, người kể chuyện hay nhà văn luôn tự xưng là “tôi”, “chúng tôi” hoặc là “ký giả”. Du ký là những câu chuyện có thật, là những chuyến du lịch, những cuộc hành trình của chính người đi thuật lại. Bởi vậy, toàn bộ câu chuyện sẽ được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của các nhà du ký.
Để những bài du ký mang đúng giá trị chân thực của nó, bắt buộc tác giả phải tôn trọng yếu tố khách quan. Đó là toàn bộ những sự kiện, những điều mắt thấy tai nghe được tác giả trần thuật lại. Tuy nhiên, nếu một bài du ký chỉ đơn thuần là sự thuật lại hiện thực thì nó sẽ không còn giá trị văn chương. Sử dụng lối kể chuyện ở ngôi thứ nhất, cho phép nhà văn ngoài việc trần thuật khách quan còn có thể nói lên tiếng nói chủ quan của mình. Đó là những lời luận bàn, đánh giá, đôi khi lại là những phút trải lòng của chính tác giả.
Phạm Quỳnh - một cây bút du ký tài năng bởi ông biết cách kể chuyện có duyên, trong các bài viết của mình, ông luôn đưa ra những nhận xét, những luận bàn tinh tế. Trong Mười ngày ở Huế, khi giới thiệu cho bạn đọc về kinh đô Huế, tác giả đã nhận xét: “Cái khí vị của phong cảnh Huế không phải là cái khí vị hùng tráng, mà là cái khí vị mỹ diệu; cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải là hùng mà cường, đáng yêu mà không phải là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí tượng” [29,39]. Lời đánh giá ấy của nhà văn phần nào đã giúp người đọc thêm cảm, thêm yêu xứ Huế mộng mơ. Trong bài Trẩy chùa Hương, trước khi đưa người đọc thăm thú đất Phật, Phạm Quỳnh cũng đã có cũng có những trang viết luận bàn về tôn giáo: “Bể khổ mênh mông, bè từ trôi nổi; bến mê man mác, bờ giác tịt mù. Ở đời là khổ, làm người là lầm, dẫu đạo nào từ xưa tới nay cũng dạy như thế, chỉ khác nhau ở cái phương pháp đặt ra để giải lầm, để thoát khổ mà thôi” [q3 81]. Bàn về các tín ngưỡng, những Thánh, Thần tối cao và Phạm Quỳnh cho rằng: “Thật hay hư, hư hay thật, sắc không, không sắc, biết đâu? Chỉ biết có thời tấm lòng an ủi, không thời tất dạ băn khoăn. Bởi thế nên sinh ra các tôn giáo, bởi thế nên dựng ra các đền chùa. Lấy cái tư tưởng hẹp hòi của nhiều người thời cho là những sự mê tín vô ích, nhưng cứ cái nguyên lý sâu xa trong tâm tính thời phạm sự lễ bái là chánh đường cả, vì có cái ý nghĩa thiết tha” [31,82].
Đọc du ký, ngoài việc thưởng thức những cái hay, cái đẹp của cảnh vật non sông, của lịch sử văn hóa, mà đôi khi độc giả còn được hiểu hơn về con người nhà văn với những tâm tư, tình cảm chân thành nhất mà họ bộc lộ trong tác phẩm. Nói như nhà nghiên cứu Phong Lê thì: “Mỗi du ký, xen với việc kể, tả thế nào cũng có những suy nghĩ về xưa và nay, về người và ta, qua đó gửi gắm khát vọng thay đổi đất nước” [16,4].
Nữ tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa trong Ba nà du ký, sau những phút giây thả mình trong thiên nhiên đất trời, đã không khỏi băn khoăn, suy tư: “Ngồi trước hiên nhìn nước chảy giọt mưa sa, gió hiu hiu thổi la đà cành thông. Mình ở non tiên, thương ai trần thế, cùng một buổi này lửa hạn nấu nung, lò cứ hun đúc, những ai ai còn miệt mài trong đám lợi danh, đắm đuối vào trường vinh nhục, thì giọt nước cam lộ cành dương sao tưới khắp!...” [30,61].
Hay như tác giả Tùng Vân trong Cuộc đi chơi năm tầng núi cũng đã có trăn trở rất chân thành về nhân sinh, về con người trong cuộc đời muốn sẻ chia với bạn đọc: “Ký giả nhân nhớ đến câu: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Sẽ biết người xưa đã có những lời rất cảm khái, rất ly kỳ, để lại cho ta đó. Than ôi! Trong cuộc đời cái vinh, cái nhục, cái tròn, cái khuyết, cái khen, cái chê, cái thua, cái được, cái ông, cái thằng, khác nào như người trong chớp bóng, sự trong chiêm bao, kiếp người lúc ấy nghĩ mà buồn tênh, tức mình mà bảo rằng xin chớ làm người nữa… Ôi! Muốn làm người thì chớ, đã không muốn làm người, thì làm cây thông là hơn, làm cây thông đứng giữa trời mà reo, khiến cho còn vận sự là hơn” [30,100].
Phạm Quỳnh sau chuyến du lịch ở Paris, khi trở về nước ông cũng đã có những tâm sự rất xúc động: “Không! Chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng không phải sở đắc như thế, sở đắc được một điều: là được sáng mắt thêm ra, biết cái chân tình thế trong thiên hạ, biết cái chân giá trị của người ta, biết cái gì là cao, cái gì là sang, cái gì là trọng, cái gì là quý… chứ không phải là sở đắc cái hư vinh gì để huyễn diệu bà con” [29,362-363] (Thuật chuyện du lịch ở Paris).
Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất hay cũng chính là tác giả là một trong những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của thể du ký nói riêng, thể loại ký nói chung. Với đặc trưng nghệ thuật ấy, nhà văn bên cạnh việc trần thuật hiện thực khách quan, vẫn có thể nói lên tiếng nói chủ quan của mình. Các tác phẩm du ký cũng nhờ đó mà đậm chất trữ tình và trở nên sinh động, cuốn hút hơn đối với người đọc.
3.5. Ngôn ngữ nghệ thuật trong du ký trên Nam Phong tạp chí
Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, hay nói cách khác ngôn từ chính là yếu tố, là chất liệu đầu tiên tạo nên các tác phẩm văn học. Một tác phẩm thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà văn trong đó. Ngôn ngữ của du ký trên Nam Phong tạp chí mang những đặc điểm của ngôn ngữ văn xuôi đầu thế kỷ XX. Bên cạnh thứ ngôn ngữ hiện đại, trong sáng, ngắn gọn, súc tích, du ký vẫn còn sử dụng lối văn biền ngẫu, đăng đối, những câu văn hình ảnh, bóng bảy và các từ Hán Việt.
Sử dụng các câu văn biền ngẫu, đăng đối là lối viết văn “thịnh hành” trong văn xuôi trung đại. Đó là những câu văn dài, dàn trải có sự đối nhau nhịp nhàng giữa các vế trong một câu hay giữa các câu trong một đoạn văn. Câu văn biền ngẫu đem lại âm hưởng du dương, thiết tha cho tác phẩm.
Đọc du ký, ta bắt gặp nhiều đoạn văn có âm hưởng như thế. Chẳng hạn như trong Trẩy chùa Hương, Phạm Quỳnh viết: “Là Trời, là Phật, là Thánh, là Thần, tuy danh hiệu có khác nhau, tùy tập tục của mỗi xứ, mà tính cách đâu cũng một, tức là một Đấng Đại từ Đại bi, cứu khổ cứu nạn, để những khi chán chê cuộc thế, tê tái nỗi lòng, có chỗ mà quy y cho an ổn, có nơi mà than khóc cho hả lòng. Đấng ấy mắt không trông thấy, tai không nghe thấy, mà trong lòng mong mỏi, trong dạ khát khao, trong trí tưởng tượng, trong bụng cầu nguyện, giữa những lúc cực chẳng đã, thế không sao, lại càng bồi hồi mà tin cậy, nóng nảy mà ước ao…” [31,82].
Hay một đoạn văn khác trong bài du ký Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai, của tác giả Nguyễn Mạnh Hồng: “Thế nhưng mà, giữa lúc đêm thanh, cảnh tĩnh, ra đứng ngoài mũi thuyền mà trông lên vầng trăng len lỏi đám mây bay, nhìn xuống mặt nước nhấp nhô làn sóng gợn, và lắng tai nghe cái giọng những người điền phu, đã phụ hát đó, khi thì véo von như tiếng chim hót, khi thì ti tỉ như tiếng dế kêu; thôi thế cũng là thắng cảnh, lương thần, mà cũng tạm cho là thưởng tâm, lạc sự vậy” [31, 144].
Bên cạnh việc sử dụng lối văn biền ngẫu, các tác giả du ký còn dùng lối văn miêu tả hình ảnh, bóng bảy: “Mầu trời xanh biếc, rạng sáng dần dần; vài luồng gió thổi hiu hiu, mấy hạt sương sa lác đác, cỏ hoa, nụ lá, lóng lánh như dát kim cương ngọc thạch. Kìa chiếc nhạn, nọ đàn chim, ríu ra ríu rít trên cành, đón chào bạch nhật. Gà xao xác, chó sủa ran, gọi người tỉnh giấc hoàng lương mơ màng. Nào sĩ, nào nông, nào công, nào thương, người nào nghề ấy, tìm đường sinh nhai; đang trong cái cảnh êm đềm tịch mịch, bỗng biến ra một cảnh hoạt động lạ thường” [29,296]. (Ba bể du ký, Nhạc Anh Hoàng Văn Trung).
Tuy nhiên, lối viết ấy các tác giả sử dụng nhiều khi gây dài dòng. Ví như đoạn văn trong bài Du Ngọc tân ký của Tùng Vân: “Ngửa mặt trông lên, thấy một đàn hâu bay lượn, xem ra có ý thỏa thích nhẹ nhàng; sực nhớ đến thuở xưa bà nữ kiệt nước Nam ta khi đóng quân ở đây, dưới thì bùn lầy, trên thì sa mù, con hâu hết sức bay, chỉ là là trên mặt nước; trong bụng tự nhiên thấy cồn cộn đau, hai hang lệ muốn tuôn đầy ra được, rõ thật là cảm thương người mà ngậm ngùi muôn thu; cho mới biết những người không có cảm tình đến lịch sử cổ kim, tuy có rủ nhau đi chơi chăng nữa, chẳng qua uống cốc cà phê, ngậm điếu xì gà, nhẩy lên xe cao su, bấm đồng hồ xem mấy giờ, mau mau đi cho đến nhà hát mà thôi, không bao giờ có cảm tình với cỏ hoa, cảm tình với non nước” [31,323].
Phạm Quỳnh cũng đã có những lúc viết những câu văn như thế: “Hết chuyện xa đến chuyện gần, hết việc nước đến nỗi lòng, khi thông, khi nối, khi nói, khi ngừng, có lúc giờ lâu mới cất tiếng mà tưởng lại càng lẳng lặng lại càng thấu hiểu mối tâm tình” [30,214].
Trong du ký, từ Hán Việt, từ cổ cũng được các tác giả sử dụng. Đây là hệ thống từ đã có sẵn trong ngôn từ của dân tộc, rất khó để sử dụng cho hay. Nếu sử dụng từ Hán Việt không khéo sẽ làm câu văn trở nên nặng nề, công thức. Còn từ cổ nếu lạm dụng dùng nó sẽ khiến tác phẩm trở nên khó hiểu, xa lạ với người đọc. Chính vì vậy, đòi hỏi tài năng sử dụng ngôn từ của các nhà văn.
Việc sử dụng lối văn biền ngẫu và những từ Hán Việt, từ cổ là một môtíp quen thuộc của những nhà văn giai đoạn giao thời. Các tác giả du ký cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ta thấy trong du ký, việc sử dụng lối văn này không nhiều, mà nhìn chung ngôn ngữ du ký đã trở nên ngắn gọn, trong sáng, và đang tiến gần hơn tới ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Nói về ngôn ngữ du ký trên Nam Phong tạp chí, Nhà xuất bản trẻ cho rằng: “Vẫn có những câu văn biền ngẫu, đăng đối, nặng từ Hán Việt, những bài ngâm vịnh theo lối cổ, những trang viết tương tự như địa chí, địa bạ bên cạnh những ghi chép sinh động hấp dẫn, đôi khi pha chút hóm hỉnh và chêm cả những câu tiếng Pháp, rất gần gũi với cách hành văn của những nhà Pháp văn. Nhưng đa phần các bài du ký đã thể hiện một lối tiếng Việt trong sáng, nhuần nhị và cho thấy ở thời điểm này, văn chương quốc ngữ đã thực sự được định hình”.
KẾT LUẬN
Đầu thế kỷ XX, báo chí nước ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ tới Nam Kỳ, nhiều tờ báo lớn đã ra đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân. Báo chí ngoài chức năng là cơ quan ngôn luận, là nơi truyền bá rộng rãi chữ quốc ngữ, nó còn góp phần không nhỏ vào sự ra đời và phát triển của nhiều thể loại văn học trong buổi đầu hình thành nền văn học Việt Nam hiện đại. Cùng với tạp chí Đông Dương, tạp chí Nam Phong là một trong hai tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất trong nước ta bấy giờ. Nam Phong tạp chí tuy còn một vài hạn chế trên phương diện chính trị, nhưng những đóng góp của nó cho nền văn học nước nhà trong giai đoạn giao thời (1900 - 1930) thì không ai có thể phủ nhận. Trong 17 năm hoạt động, tạp chí Nam Phong đã đăng tải nhiều thư mục liên quan tới văn chương, trong đó có mục du ký.
Trong văn học trung đại, thể du ký đã xuất hiện nhưng bước sang thế kỷ XX, với những tiền đề về lịch sử xã hội và những tiền đề mang tính chất nội hàm văn học, du ký mới thực sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu. Du ký là một thể tài đặc biệt của văn học. Trong một tác phẩm du ký, ngoài giá trị văn chương, người ta còn tìm thấy nhiều giá trị khác - những giá trị mang tính học thuật, như giá trị sử học, xã hội học, dân tộc học, phong tục học, văn hóa học, địa phương học. Qua những tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, người đọc không chỉ có được cái nhìn bao quát về hiện thực non sông đất nước, về con người trong thời đại mới; mà phần nào còn cảm nhận được những tâm tư, nỗi niềm ưu ái trước thời cuộc của chính các tác giả du ký - lớp người trí thức.
Để viết được những tác phẩm du ký thực sự thành công, ngoài việc khai thác triệt để những giá trị phong phú về mặt nội dung của tác phẩm, thì các nhà văn cũng đã cố gắng không ngừng phát huy và sáng tạo những đặc trưng nghệ thuật của thể du ký. Là nghệ thuật xây dựng không gian thời gian, sao cho đó phải là thời gian - không gian thực có khả năng liên kết, xâu chuỗi các sự kiện cũng như xác định chính xác các nơi chốn, điểm dừng chân, tạo tính xác thực cho du ký; là nghệ thuật kể chuyện vừa đảm bảo tính khách quan trong việc trần thuật hiện thực, nhưng cũng vừa phải nêu bật tính chủ quan trong cảm nhận, đánh giá của các chủ thể sáng tác. Ngoài ra, viết du ký, các tác giả cũng không quên chú ý tới yếu tố kết cấu. Kết cấu của du ký là kiểu kết cấu ghi chép nối tiếp, tuy đơn giản nhưng vì thế nó càng đòi hỏi cao tài năng của mỗi người viết. Nhằm tránh sự đơn điệu, khô khan cho các tác phẩm du ký, các nhà văn còn khéo léo kết hợp nhiều thể loại trong một tác phẩm. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng đóng vai trò không nhỏ cho sự thành công của các bài du ký. Ngôn ngữ du ký trên Nam Phong tạp chí, mặc dù còn một vài đặc điểm của ngôn ngữ văn học trung đại như sử dụng các từ cổ, từ Hán, lối văn biền ngẫu, các câu văn miêu tả bóng bẩy, hình ảnh; thì nhìn chung nó cũng đã trở nên ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, tiến gần hơn tới ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Với tất cả những đặc trưng nghệ thuật ấy, thể du ký đã tạo được những giá trị nhất định đối với nền văn học nước nhà đầu thế kỷ XX. Và ở mức độ nào đó, sự phát triển của du ký trên Nam Phong tạp chí nói riêng, thể loại ký văn học của giai đoạn giao thời (1900 - 1930) nói chung đã góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng du ký trên Nam Phong tạp chí vẫn được người đọc ngày nay tiếp nhận và đánh giá cao những giá trị của nó. Năm 2007, với sự ra đời của bộ Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam Phong (1917 - 1930), độc giả và giới nghiên cứu có thêm nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về thể tài văn học này. Nhằm giới thiệu một cái nhìn khái quát về thể du ký trên Tạp chí Nam Phong, chúng tôi đã chọn đề tài: Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí. Với giới hạn một khóa luận, chắc chắn chúng tôi chưa thể đi sâu tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan tới thể du ký, mà chỉ với mục đích khảo sát sự ra đời, phát triển, các giá trị chính về nội dung và nghệ thuật của nó. Hi vọng, trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu về vấn đề này một cách đầy đủ và chuẩn xác hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Anh (2007), Đọc du ký Việt Nam: Ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm, Báo Văn hóa, số 1335, tr.5.
2. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
3. Nguyễn Đình Chú, Trịnh Vĩnh Long (2005), Báo chí và văn chương qua một trường hợp: Nam Phong tạp chí, TC Văn học, số 2.
4. Đức Dũng (1996), Các thể ký báo chí, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
5. Tầm Dương (1967), Về thể ký, Tạp chí văn học, số 2, tr.22.
6. Hà Minh Đức (chủ biên 1997), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn.
8. Lê Bá Hãn, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên, 1999), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
9. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên, 1984), Từ điển văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
10. Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
11. Trần Đình Hượu, Lê Trí Dũng (1988), Bộ giáo trình văn học sử: Văn học Việt Nam giao thời, NXB Đại học và THCN, Hà Nội.
12. Mã Giang Lân (chủ biên, 2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900 - 1945, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
13. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam. Quyển hạ, Trình bày, Sài Gòn.
14. Phong Lê (1997), Văn học trên hành trình thế kỷ XX, NXB ĐH Quốc gia, Hà Nội.
15. Phong Lê (2006), Văn học trong đời sống báo chí - xuất bản từ nửa sau thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, TC Văn học, số 8
16. Phong Lê (2007), Du ký trên tạp chí Nam Phong, Báo Người đại biểu nhân dân, số 91, tr. 4.
17. Linh Lê (2007), Du ký như một thể tài, Báo Thể thao & Văn hóa, số 50, tr. 43.
18. Thiên Lương (2007), Khát vọng chân thành của người trí thức, Báo An ninh thủ đô, số cuối tuần ngày 15.04.2007.
19. Nam Mộc (1967), Thể ký và vấn đề viết về người thật, việc thật, TC Văn học, số 6, tr. 20 - 45.
20. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III. Quốc học tùng thư.
21. Phạm Xuân Nguyên (2007), Đọc sách để đi chơi, Báo Tuổi trẻ, số 205, tr. 12.
22. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
23. Nguyễn Hữu Sơn (2007), Ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945, TC Văn học, số 8.
24. Nguyễn Hữu Sơn (2000), Thể tài du ký về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, Báo Văn nghệ Quân đội, số 10.
25. Nguyễn Hữu Sơn (1998), Phác thảo Hà Nội qua những du ký xưa, TC Thế giới mới, số 375.
26. Nguyễn Hữu Sơn (2002), Du ký Quảng Ninh nửa đầu thế kỷ XX, Báo Văn nghệ Hạ Long, số Tết.
27. Nguyễn Hữu Sơn (2007), Thể tài du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 - 1934), TC Văn học, số 4.
28. Nguyễn Hữu Sơn (2007), Du ký về vùng văn hóa Nam Bộ trên Nam Phong tạp chí (1917 - 1934), TC Kiến thức ngày nay, số 619.
29. Nguyễn Hữu Sơn (Tuyển chọn, giới thiệu, 2007), Du ký Việt Nam, Tạp chí Nam Phong (1917 - 1934), Tập I, NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
30. Nguyễn Hữu Sơn (Tuyển chọn, giới thiệu, 2007), Du ký Việt Nam, Tạp chí Nam Phong (1917 - 1934), Tập II, NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
31. Nguyễn Hữu Sơn (Tuyển chọn, giới thiệu, 2007), Du ký Việt Nam, Tạp chí Nam Phong (1917 - 1934), Tập III, NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
32. Trung Sơn (2007), Viết của sự đi, Báo Doanh nghiệp, số ra ngày 13.05.2007
33. Trần Hữu Tá (2007), Du ký Việt Nam - một bộ sách quý, Báo Phụ nữ Tp Hồ Chí Minh, số ra ngày 10.04.2007.
34. Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Lê Văn Trương (2002), Đi Tàu, đi Tây, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
35. Trần Ngọc Vương, Phạm Xuân Thạch (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900 - 1930, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
36. Nguyễn Khắc Xuyên (2002), Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, (1917 - 1934), NXB Thuận Hóa - TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- vhoc09-.doc