MS: LVVH-VHNN002
SỐ TRANG: 100
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2007
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Phạm vi nghiên cứu.
4. Phương pháp nghiên cứu.
5. Đóng góp của luận văn.
6. Cấu trúc luận văn.
Chương 1: Hồng lâu mộng trong bối cảnh tiểu thuyết Minh - Thanh
1.1. Thời đại hoàng kim của tiểu thuyết chương hồi Minh – Thanh.
1.1.1. Hồng lâu mộng – bộ bách khoa về văn hóa, xã hội Trung Quốc thế kỷ XVIII.
1.1.2. Hồng lâu mộng – sự khởi đầu của tư tưởng và cách viết mới.
1.2. Sự gặp gỡ giữa hai tác giả Tào Tuyết Cần – Cao Ngạc.
1.2.1. Tào Tuyết Cần – sống trong phồn hoa, chết trong luân lạc.
1.2.2. Cao Ngạc – sự tiếp bút tài hoa với những kỳ vọng ước mơ mới mà cũ.
Chương 2: Những lá số tiền định của Kim Lăng thập nhị kim thoa
2.1. “Tiền định” – một quan niệm trong hệ thống triết học Trung Hoa cổ.
2.2. Lá số tiền định dưới góc nhìn của những phương tiện nghệ thuật.
2.3. Những ám chỉ trong mười một lá số tiền định.
Chương 3: Thập nhị kim thoa trong thế giới hiện thực
3.1. Thập nhị kim thoa – những nhân cách lý tưởng “song tính đồng thể”.
3.2. Thập nhị kim thoa – bi kịch của tính cách và thời đại.
3.3. Thập nhị kim thoa – quá trình hưng - vong của Tứ đại gia tộc.
3.3.1. Thập nhị kim thoa – sự hưng thịnh của Tứ đại gia tộc.
3.3.2. Thập nhị kim thoa – sự suy vong của Tứ đại gia tộc.
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
NGUYÊN TÁC VÀ PHIÊN ÂM LÁ SỐ TIỀN ĐỊNH CỦA KIM LĂNG THẬP NHỊ KIM THOA CHÍNH SÁCH
ẢNH TƯ LIỆU
100 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2798 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Lá số tiền định của kim lăng thập nhị kim thoa trong Hồng Lâu Mộng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
khâu vá, đọc sách với các cô em” [10, tập 1, tr.82]
Nhưng khi cùng các tiểu thư và Giả Bảo Ngọc vào sống trong Đại Quan Viên, ta
thấy Lý Hoàn dường như hóa thành một người khác. Nơi Đại Quan Viên ta bắt gặp
một Lý Hoàn với nội tâm phong phú và có phong cách sống rất tao nhã không thua
kém gì các cô tiểu thư khuê các. Qua đó, ta thấy dù sống trong cảnh lòng lạnh tro tàn
nhưng nàng chấp nhận làm cánh hoa báo tin xuân, chấp nhận cái lạnh lẽo của tuyết
sương để chở che cho những cánh hoa xuân sắc, để những đóa hoa ấy tận hưởng mùa
xuân tươi đẹp, sống trọn vẹn với khoảnh khắc vui tươi, dù là ngắn ngủi nơi vườn Đại
Quan.
3.2.12. Tần Khả Khanh cùng với Xảo Thư là người có vai vế thấp nhất trong
Kim lăng thập nhị kim thoa chính sách.
Trong Kim lăng thập nhị kim thoa nàng là người dẫn đầu đưa các kim thoa trở
về nơi Cảnh Ảo, nàng cũng chính là người đã dẫn Bảo Ngọc lên cõi Thái Hư. Bi kịch
của cuộc đời nàng khiến cho người đọc không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Trong xã hội
phong kiến, những người nghèo khổ luôn bị áp bức bóc lột và chịu chung số phận bi
thảm, cả đời không sao vươn ra khỏi địa vị thấp hèn, cuộc đời họ luôn gặp hết tai
ương này đến tai họa khác, họ không có cách nào để tự bảo vệ bản thân mình. Còn
Tần Khả Khanh, đường đường là mợ cả Dung ở phủ Ninh, thế tại sao nàng cũng
không làm chủ được số phận của mình đến nỗi rơi vào kết thúc bi kịch?
Thực ra, Tần Khả Khanh sống trong một gia đình có hoàn cảnh không khá giả gì
cho lắm và ngay từ khi mới ra đời nàng đã mang một nỗi bất hạnh của đứa trẻ mồ côi.
Nhưng nhờ có nhan sắc nàng được họ Giả để mắt đến và trở thành nàng dâu ngoan
hiền, hiếu thuận. Những tưởng như thế là hạnh phúc nhưng không ngờ đó lại là mồ
chôn khát vọng đổi đời của nàng. Nàng sống trong bi kịch và mất không minh bạch
nên để lại nhiều nghi án.
Bi kịch đời nàng, có lẽ bắt nguồn từ chính nhan sắc của nàng. Vẻ đẹp của nàng
đã làm động lòng con người dâm dục, hiếu sắc Giả Trân, cha chồng nàng và nàng khó
lòng thoát khỏi móng vuốt của hắn nếu như muốn sống bình yên nơi phủ Giả. Trước
sự uy hiếp của Giả Trân, Khả Khanh chỉ có hai sự lựa chọn, một là dứt khoát cự tuyệt,
lấy cái chết để bảo toàn tiết hạnh; hai là nàng thuận theo để bảo toàn tính mệnh và giữ
được địa vị mợ trẻ trong phủ Giả. Đứng trước sự lựa chọn ấy ta thấy Tần Khả Khanh
phải đau khổ thế nào. Cuối cùng nàng đã chọn địa vị mợ Dung, chấp nhận chìu theo
sự ham muốn bỉ ổi của cha chồng. Có lẽ do nàng còn nghĩ đến cảnh cha già, em dại,
cảnh nhà khó khăn nên cố chịu đựng để còn có cơ hội chăm sóc cha và em. Chính
hành động trái với lương tâm ấy đã không ngừng giày vò tâm hồn nàng. Mãi đến khi
sự việc bị chính a hoàn của nàng nhìn thấy, nàng đành chọn cái chết để tránh tiếng
đời dị nghị nhưng quan trọng hơn là để giải phóng cho tâm hồn đau khổ của mình,
giải thoát cho kiếp sống đầy bất hạnh và tủi nhục ê chề. Là người phụ nữ có tâm hồn
mẫn cảm, nàng hiểu rằng miệng thế gian thật đáng sợ đồng thời nàng cũng cảm nhận
sâu sắc cảnh sống ô nhục của mình, nhận thấy không còn mặt mũi nào nhìn mọi
người, cho nên nàng chọn lấy cái chết để kết thúc cuộc đời cay đắng của mình. Tần
Khả Khanh quyết không thể nào là người khơi nguồn cho tội dâm nhưng vì nàng
muốn giữ lấy những cái hư vô, những danh hão ở đời, nên đành cam chịu cảnh sống
tủi nhục nhưng cuối cùng tính cách của nàng vẫn chiến thắng. Do đó, nàng đành chọn
kết cục đau xót nhất.
3.3. Thập nhị kim thoa – quá trình hưng - vong của Tứ đại gia tộc.
Hồng lâu mộng xây dựng hình ảnh giàu sang hiển hách của Tứ đại gia tộc:
Giả không phải là giả dối, ngọc làm nhà ở, vàng làm ngựa cưỡi.
Cung A phòng, xây lên ba trăm dặm đã đủ chưa ? Họ Sử đất Kim lăng ở vẫn
không vừa.
Vua Đông Hải thiếu ngọc trắng làm giường, phải đến vay Kim Lăng vương.
Được mùa tuyết lã chã rơi, ngọc châu như đất vàng thời sắt thoi [10, tập 1,
tr.85-86].
Thế nhưng cuối cùng:
Quan thì cơ nghiệp suy tàn,
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi [10, tập 1, tr.118].
Như chim khi đã hết mồi,
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành[10, tập 1, tr.119].
Sự hưng thịnh và suy vong của gia tộc họ Giả cùng cuộc đời bi kịch của các kim
thoa gắn bó chặt chẽ với nhau. Khi Nguyên Xuân trở được phong làm Quí phi đó là
giai đoạn cực thịnh của gia tộc, đến khi Nguyên Phi mất, mọi ân điển của triều đình
không còn nữa, nhà họ Giả cũng không còn chỗ dựa để có thể thao túng, chèn ép
những người thấp cổ bé miệng, thế là rơi vào cảnh « cây đổ vượn tan ». Kết thúc là sự
hoang tàn đổ nát, thê lương, ảm đạm, chia ly, tan tác ...
3.3.1. Thập nhị kim thoa – sự hưng thịnh của Tứ đại gia tộc.
Thời hưng thịnh của Tứ đại gia tộc thể hiện rõ nét qua tang lễ Tần Khả Khanh,
Nguyên Phi tỉnh thân và sinh nhật Bảo Thoa.
3.3.1.1. Khi miêu tả đám tang Tần Khả Khanh, Tào Tuyết Cần đã gián tiếp chỉ ra
nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đại gia tộc.
Tần Khả Khanh là con dâu của Giả Trân bên phủ Ninh, nàng cũng chính là
người chắt dâu mà Giả mẫu rất thương yêu. Trong phủ Giả, Tần thị là người có vai vế
thấp nhất. Thế nhưng nàng là người đầu tiên sớm giã từ cảnh sống xa hoa khi tuổi đời
còn rất trẻ. Nguyên nhân cái chết của nàng có nhiều điều mờ ám nhưng tang lễ lại
được tổ chức vô cùng trọng thể càng làm nổi bật tính chất bất thường của cái chết ấy.
Đám tang Tần Khả Khanh phản ánh giai đoạn phản quang của đời sống giàu sang nơi
phủ Giả. Thế nhưng họ không hiểu điều đó mà còn cố gắng phô bày cảnh xa hoa lãng
phí, để chứng tỏ uy thế và sự giàu sang giả tạo của gia tộc. Trong tang lễ này, Giả
Trân đã huy động gần như toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực của gia tộc nhằm phô
trương thanh thế của một dòng họ, đồng thời qua cách miêu tả này tác giả gián tiếp
phô bày những mặt trái xấu xa của hạng người không biết liêm sĩ. Theo lời tuyên bố
hùng hồn của Giả Trân trong lúc đau buồn cùng cực là: “Chẳng qua có bao nhiêu
tiền làm hết bấy nhiêu thì thôi” [10, tập 1, tr.237]. Quả thật Ninh quốc phủ gần như
đã trút toàn bộ tài sản của mình vào đám tang Tần thị. Linh cữu được đặt trong nhà
bốn mươi chín ngày, làm lễ ở ba nơi: nhà đại sảnh, lầu Thiên Hương, vườn Hội
phương, mời hơn ba trăm vị sư, cao tăng, đạo sĩ, cao đạo để siêu độ vong hồn, giải
oan rửa tội. Không hài lòng với các số người đến siêu độ cho vong hồn Tần Khả
Khanh và cảm thấy bấy nhiêu đó chưa đủ để bố chồng thương tiếc con dâu ngoan
hiền, hiếu thảo. Giả Trân còn bỏ ra một số tiền lớn đóng áo quan và mua chức Phòng
hộ nội đình Ngự tiền thị vệ Long cẩm úy cho Giả Dung để viết lên cờ tang cho đẹp.
Trong thời gian cử hành tang lễ, quan khách đến chia buồn đông như trảy hội. Cũng
nhân dịp này, Phượng Thư có cơ hội để trổ thần oai, ra lệnh điều binh khiển tướng
nên mọi việc được sắp xếp tổ chức ngăn nắp đâu ra đó, không ai dám trễ nãi, lười
biếng. Chỉ một mình nàng mà sai phái, cắt đặt công việc cho hơn hai trăm người, thế
mà lệnh vừa ban ra, ai nấy đều răm rắp làm theo. Nhờ vậy, quan khách được tiếp đãi
ân cần và chu đáo. Đến ngày phát dẫn, quan khách đến đưa đám đông đúc kéo dài
hàng cây số, đều là người có chức tước, quyền uy, danh vọng trong triều… Một thiếu
phụ mới mười mấy tuổi đầu nhưng khi mất lại được gia đình chồng, đặc biệt là cha
chồng đứng ra tổ chức tang lễ trọng thể, linh đình như thế thật hiếm thấy và cũng
khiến cho người ta hoài nghi.
Đám tang Tần thị một mặt phơi bày sự xa hoa phung phí và uy danh thanh thế
của tầng lớp phong kiến quý tộc. Mặt khác thông qua đám tang Tần thị, tác giả gián
tiếp thể hiện tài năng, uy phong và quyền hành tuyệt đối của Phượng Thư. Nếu như
đám tang Tần thị là một vở kịch hoành tráng, náo nhiệt thì Phượng Thư lại là đạo
diễn tài năng đồng thời cũng là diễn viên chính trong vở kịch ấy và nàng đã hoàn
thành xuất sắc vai diễn của mình.
3.3.1.2. Việc Giả Nguyên Xuân được Hoàng thượng nhân từ cho về thăm nhà,
thăm cha mẹ với ý nghĩa làm tròn đạo hiếu. Nhưng khi nàng trở về thì những nghi lễ
hoàng cung lại là rào cản vững chắc ngăn tình máu mủ ruột thịt. Vậy thì Nguyên phi
tỉnh thân ở một mức độ nào đó vẫn không thể hiện được đạo hiếu như nàng mong
muốn. Nhưng nhà họ Giả đã mượn sự kiện này để phô trương thanh thế, danh vọng
rằng mình cũng là hoàng thân quốc thích. Với tiếng tăm to lớn ấy, họ phải làm như
thế nào để việc đón Nguyên phi xứng với tầm vóc hoàng gia. Thế là công cuộc chuẩn
bị được bắt đầu cả năm trời, chỉ để Nguyên Xuân về thăm nhà nghỉ ngơi và dạo chơi
trong một ngày rồi lại đi ngay.
Đầu tiên là việc chọn địa điểm để xây nhà tỉnh thân. May là hai phủ Vinh Ninh
chiếm quá nửa phố Kim Lăng rồi, nên họ không cần phải ra ngoài thành mua thêm
đất mà chỉ cần nhờ một nhà nổi tiếng về cách bày trí vườn hoa cây cảnh là Sơn Tử
Giả vẽ bản đồ, trù tính việc khởi công, xây lại khu vườn rộng trong hai phủ và
khoảng đất từ phía đông nối liền với vườn hoa phủ Đông, đến phía tây bắc dài độ ba
dặm rưỡi được chọn để “lập nhà tỉnh thân”. Ngoài việc lập nhà tỉnh thân, Giả Tường
phải đi đến Cô Tô đón phường hát, chọn mua con gái bé, sắm sửa những đồ âm nhạc
hát tuồng hết ba vạn, mua đèn nến cờ màn hết hai vạn. Ngoài việc đắp núi, đào ao,
xây lầu, dựng gác, trồng trúc, vun hoa … Họ còn phải sắm sửa đồ trang trí bày biện
trong nhà như rèm cửa, các thứ màn che hơn một ngàn chiếc, gối tựa khăn bàn, quần
giường, đệm ghế mỗi thứ một nghìn hai trăm chiếc. Đón về mười hai ni cô, đạo cô trẻ
tuổi, may hai mươi bốn bộ áo lễ, chuẩn bị hai mươi ba vở hát. Bên cạnh đó còn mua
thêm chim muông về thả trong vườn. Công việc sắp đặt trong một năm mới hoàn
thành đúng ngày đón Nguyên phi về thăm nhà. Ta thấy, chỉ có một mình Nguyên phi
về thăm nhà mà phủ Giả tiêu tốn biết bao tiền của, số tiền này do đâu mà ra? Sự xa
hoa lãng phí ấy, khiến cho Nguyên phi phải nhiều lần kêu lên: “Xa hoa quá, lần sau
đừng làm thế nữa”. Nhưng biết bao giờ cho đến lần sau. Chỉ một lần này thôi, gia sản
nhà họ Giả đã không còn gì rồi. Việc thu không đủ bù chi đã từng bước đưa họ Giả
vào con đường phá sản. Vẻ bên ngoài xa hoa lộng lẫy nhưng không che giấu được nỗi
khổ tâm trong lòng Nguyên Xuân. Nàng như một vật hy sinh để gia đình bước lên
đỉnh cao danh vọng. Lần này nàng về thăm nhà và được cả gia đình đón tiếp long
trọng như thế nhưng nàng chỉ buồn rầu đau đớn, rơi nước mắt. Vì nàng đã cảm nhận
được những kết cục không hay của gia đình.
3.3.1.3. Tiết Bảo Thoa đến phủ Giả với vai trò người khách, nàng là chị em con
dì với Bảo Ngọc còn Đại Ngọc là anh em con cô con cậu với Bảo Ngọc. Thế nên, mối
quan hệ giữa nàng và Bảo Ngọc không thân thiết gắn bó như mối quan hệ giữa Đại
Ngọc và Bảo Ngọc. Thế nhưng không vì thế mà vị trí của nàng không được coi trọng.
Bảo Thoa đến phủ Giả không bao lâu thì đúng dịp sinh nhật nàng. Trong Hồng lâu
mộng, Tào Tuyết Cần đã nhiều lần miêu tả việc tổ chức sinh nhật. Thế nhưng trong
so sánh đối chiếu hai giai đoạn thịnh suy của họ Giả thì sinh nhật của Tiết Bảo Thoa
giữa lần đầu và lần sau có nhiều khác biệt. Trong lần sinh nhật này của nàng, trước
đó mấy ngày, Vương Hy Phượng bàn với Giả Liễn xem nên tổ chức như thế nào. Vì
năm nay Bảo Thoa tròn mười lăm tuổi, đây là năm đánh dấu tuổi trưởng thành của
người con gái. Vì vậy, buổi tiệc sinh nhật có thể nói là không to cũng không nhỏ,
theo lời Phượng Thư thì: “Lễ sinh nhật lớn đã có lệ sẵn, nhưng lần này lớn không ra
lớn, nhỏ không ra nhỏ”. Hơn nữa trong phủ Giả Bảo Thoa chỉ là khách. Nên có thể
xem đây là sinh nhật bình thường của người khách bình thường nhưng lại có một chút
khác biệt so với sinh nhật của những người khác. Cũng trước đó mấy hôm, Tương
Vân sang phủ Giả chơi, lúc định về, Giả mẫu giữ lại để cùng mừng sinh nhật Bảo
Thoa. Bảo Thoa tuy còn trẻ và lại là khách nhưng nàng rất biết lấy lòng Giả mẫu nên
rất được Giả mẫu thương yêu. Sinh nhật nàng Giả mẫu tự mình bỏ ra hai mươi lạng
bạc và gọi Phượng thư đến giao cho nàng bày tiệc rượu. Giả mẫu còn cho dựng một
cái sân khấu xinh đẹp trong nhà, chọn một ban hát, dọn một tiệc rượu để mừng sinh
nhật. Giả mẫu ân cần hỏi nàng “thích nghe hát vở gì, muốn ăn thức ăn gì”. Không
khí buổi tiệc thật vui vẻ, sôi nổi và rộn tiếng cười. Tác giả đã nhiều lần lặp đi lặp lại
hình ảnh Giả mẫu vui cười: “Giả mẫu cười”, “Giả mẫu nghe nói rất vui”, “lại phì
cười một lần nữa”, “Giả mẫu lại càng vui”, “Giả mẫu vui lắm”. Hình ảnh ấy cho
thấy niềm vui dường như không bao giờ tắt trên gương mặt mọi người. Giây phút
hạnh phúc, vui tươi ấy không chỉ thể hiện qua vẻ mặt, tiếng cười của Giả mẫu mà nó
còn hiện lên khắp nơi trong gia đình, trên từng khuôn mặt rạng ngời của tất cả mọi
người: “cả nhà cười rộ lên”, “cả nhà cười ầm lên”. Vừa ăn uống chuyện trò lại có
thêm ban hát giúp vui. Thử hỏi trong xã hội Trung Quốc ngày xưa có bao nhiêu gia
đình được như thế. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi niềm vui, niềm
hạnh phúc qua đi thì nỗi buồn lại đến, nối tiếp tiếng cười sẽ là tiếng khóc. Chẳng bao
lâu nữa ta lại thấy sinh nhật Bảo Thoa diễn ra trong một không khí khác hẳn.
3.3.2. Thập nhị kim thoa – sự suy vong của Tứ đại gia tộc.
Sự suy vong của Tứ đại gia tộc được báo hiệu bằng sự qua đời của Nguyên Phi
và gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của các kim thoa. Tiếp nối tuyến ám chỉ của Tào
Tuyết Cần, Cao Ngạc đã thể hiện khá thành công không khí bi kịch của đại gia tộc họ
Giả thông qua việc miêu tả toàn cảnh buổi tiệc sinh nhật lần thứ hai của Tiết Bảo
Thoa và tang lễ Giả mẫu.
3.3.2.1. Sinh nhật lần thứ hai của Bảo Thoa cách lần sinh nhật năm nàng mười
lăm tuổi vài năm và hoàn cảnh địa vị của Bảo Thoa trong Giả phủ giờ đã khác. Trước
kia nàng là khách, còn giờ nàng là người trong gia đình, không những thế nàng còn là
cháu dâu rất được Giả mẫu yêu thương. Thế nhưng lần sinh nhật này của nàng không
mấy người nhớ đến. Giả mẫu không nhớ ngày sinh nhật của nàng thì cũng không có
gì đáng trách, còn Giả Bảo Ngọc, chồng nàng, tuy có nhớ đấy nhưng lại không dám
nhắc. Bảo Ngọc tuy bị mọi người cho là ngớ ngẩn nhưng chàng nhận thức rõ tình
cảnh gia đình mình lúc này, gia tộc họ Giả của chàng không còn như xưa nữa, hiện
tại việc nhà đang rối ren nên dù có nhớ đến ngày sinh nhật Bảo Thoa, Bảo Ngọc cũng
đành lặng im. Duy chỉ có Tương Vân, tuy đã có gia đình nhưng tính cách vẫn không
thay đổi, nàng vẫn giữ được tính thẳng thắn, khảng khái và bộc trực. Nhìn thấy
không khí ảm đạm u buồn của gia đình và Giả mẫu đang nghĩ cách làm thế nào đó để
cho con cháu được vui nàng liền nhắc cho bà nhớ ngày kia là sinh nhật Bảo Thoa.
Nghe thế Giả mẫu bảo: “Cháu không nhắc thì ta quên mất”.
Từ ngày Nguyên phi mất, phủ Giả liên tục gặp phải tai ương, gia sản bị tịch biên,
người bị giam cầm hoặc lưu đày … nên không khí chia lìa, ly tán, mất mát đau
thương bao trùm khắp phủ Giả. Không khí rộn tiếng cười nói, tiếng đàn hát ngày xưa
giờ không còn nữa. Ta khó mà hình dung cảnh tượng một gia đình quen ăn trên ngồi
trốc, kẻ hầu người hạ tấp nập, suốt ngày không làm gì cả mà chỉ chìm đắm trong
tiếng cười, tiếng hát, trong việc hưởng thụ, thưởng thức món ngon vật lạ, điệu hát hay
mà giờ đây lại im ắng lạ thường, người nào người nấy mặt chau mày ủ, sống trong
tình cảnh ấy, thì tâm trạng của họ sẽ như thế nào, ắt hẳn rất khó chịu đựng nỗi. Tào
Tuyết Cần là người thấu hiểu cảnh tình ấy hơn ai hết nên ông miêu tả, tái hiện không
khí ảm đạm, sụp đổ hoàn toàn và đó mới thể hiện đúng bản chất của mối quan hệ
quân thần trong xã hội phong kiến. Một khi đã được lòng Thiên tử thì họ được hưởng
mọi vinh hoa phú quý ở đời thế nhưng khi thất sủng, họ chẳng khác nào bị rơi xuống
hố sâu không đáy, rơi vào vực thẳm của đời nhân loại. Họ không chỉ mất hết tất cả
những gì họ đã từng có mà thậm chí còn có thể bị tù tội, bị lưu đày, thậm chí không
giữ được tính mạng của mình. Gia đình họ Giả đang rơi vào hoàn cảnh như thế, hỏi
làm sao mọi người còn tinh thần để vui chơi và nhớ đến ngày sinh nhật Bảo Thoa.
Nhưng vì trong bốn mươi hồi sau là do Cao Ngạc viết tiếp, nên có nhiều nhà nghiên
cứu cho rằng nội dung tư tưởng của bốn mươi hồi sau không thể hiện được nguyên ý
của Tào Tuyết Cần, Cao Ngạc đã để cho nhà họ Giả có cơ hội được phục hưng, nên
ta có thể nhìn thấy được cách cứu vãn tình cảnh bi đát của gia đình bằng buổi tiệc
sinh nhật Bảo Thoa.
Thế nhưng, dưới ngòi bút Cao Ngạc, không khí đầm ấm, vui tươi, rộn ràng tiếng
cười nói giờ đã không còn nữa. Trong lần sinh nhật này của Bảo Thoa, Giả mẫu bỏ ra
đến một trăm lạng để sửa soạn bữa tiệc nhưng không có ban hát và người cũng không
đông như trước, Phượng Thư pha trò cũng không còn náo nhiệt mà rất nhạt nhẽo, vô
vị, thậm chí còn bị mọi người lườm nguýt. Những người trong gia đình được mời đến
dự tiệc, họ đến với thái độ miễn cưỡng, gượng ép. Trong suốt buổi tiệc, chỉ có một
lần duy nhất Giả mẫu cười, thế nhưng cái cười ấy cũng không hoàn toàn là cái cười
vui tươi hạnh phúc. Qua việc Giả mẫu tổ chức sinh nhật cho Bảo Thoa, ta thấy bà
không phải là người chỉ biết hưởng thụ, an nhiên tự tại, không lo không phiền. Ngược
lại, Giả mẫu cũng đã dự cảm được những điều không hay của gia đình, cảm nhận một
cách sâu sắc kết cục bi thảm của nhà họ Giả, thấu hiểu cảnh bi hoan ly hợp và sự
thịnh suy của gia đình quý tộc phong kiến. Mọi sự thay đổi dù rất nhỏ nhưng bà đều
nhận thấy, không có gì có thể che mắt được bà. Tuy bà nói rằng bà không hay ăn
chay niệm phật nhưng bà cũng bắt con cháu sao chép kinh Kim cương, hầu mong nhờ
thế mà có thể giải hạn cho cả gia tộc, hòng cứu vãn phần nào tai ương sắp đến. Giả
mẫu cũng đã đem tài sản riêng của mình phân chia cho con cháu với hy vọng kéo dài
hơi thở yếu ớt của gia đình. Trong khi chiếc xe đổ nát của gia tộc họ Giả đang lao
xuống vực thẳm thì bà định mượn cách tổ chức sinh nhật cho Bảo Thoa nhằm lấy
tiếng cười xua đi không khí ảm đạm, đau thương đang bao trùm khắp gia đình. Qua
đó, bà muốn giúp con cháu lấy lại tinh thần, thực sự vui tươi để làm sống lại không
khí náo nhiệt trước kia. Nhưng niềm mong mỏi của bà khó mà thực hiện được. Cho
dù con cháu cũng rất muốn làm bà vui nhưng hiện thực đau buồn như thế làm sao họ
có thể tươi cười như chưa từng xảy ra chuyện gì được. Nhìn thấy Giả mẫu không
ngừng động viên con cháu phải vui lên nhưng ai biết được trong lòng bà đang nghĩ gì.
Phải chăng bà không đau khổ, phải chăng bà không luyến tiếc? Thật ra là bà cố đè
nén nỗi đau để động viên, khích lệ con cháu. Vì trong phủ Giả bà là người có địa vị
cao nhất, bà như một thái thượng hoàng, một lão phật gia, nếu bà cũng tỏ ra suy sụp
tinh thần thì ai đủ sức làm điểm tựa để vực con cháu đứng lên. Cho nên bà phải cố
gắng tỏ ra vui vẻ nhưng nhìn xung quanh, ai nấy đều ủ rũ, bà sốt ruột hối thúc mọi
người: “Các bà làm sao thế? Phải vui lên một chút mới được chứ!”. Lời kêu gọi, mời
mọi người vui nhưng ta nghe như lời van xin. Ta càng thấy rõ nỗi đau khổ của Giả
mẫu khi nhìn lại sinh nhật năm Bảo Thoa mười lăm tuổi. Đúng là không khí đau
thương, u sầu đặc quánh, quyện lại trong gia đình. Sự kêu gọi của Giả mẫu, sự bắt
buộc, thậm chí như van xin của bà càng làm sâu sắc thêm nỗi đau. Giờ đây, tuy bề
ngoài không ai cười nhưng trong lòng họ đang cười, một cái cười đau khổ, chua chát,
đắng cay, cười mà nước mắt rưng rưng. Đây cũng chính là nét độc đáo trong nghệ
thuật miêu tả của Cao Ngạc, bằng cách thể hiện ý ở ngoài lời, mượn chuyện vui để tả
nỗi buồn, Cao Ngạc đã phản ánh một cách sâu sắc và tinh tế không khí thê lương, ảm
đạm trong gia tộc họ Giả. Tâm trạng đau buồn của từng người hiện lên càng lúc càng
thêm rõ nét. Trong ngày sinh nhật Bảo Thoa, không khí buổi tiệc vui được mở đầu
bằng tiếng khóc và những giọt nước mắt đau buồn của Nghênh Xuân cùng những lời
trối trăn của nàng. Tiếp theo là những lời bông đùa vô vị nhạt nhẽo của Phượng Thư.
Phượng Thư không những không thể làm cho mọi người vui được mà mỗi lời nàng
nói ra lại như ngàn mũi kim châm vào nỗi đau trong muôn vàn nỗi đau của họ: “Hôm
nay bà hơi vui vẻ. Các người xem, những người này đã lâu không ở một chỗ, hôm nay
đông đủ …”[10, tập 6, tr.126]. Vừa nói đến đó, ngoảnh lại thấy còn mấy người không
có mặt. Khi chơi tửu lệnh, Uyên Ương nói đến câu: “Chim én dắt con”, [10, tập 6,
tr.131] Phượng Thư tiếp lời: “Chim con thì chim con, nhưng bay mất một ít rồi”[10,
tập 6, tr.131]. Nghe thế “mọi người lườm chị ta một cái. Phượng Thư liền im lặng”
[10, tập 6, tr.131] Hành động, lời nói, việc làm của Phượng Thư khiến ta không còn
nhận ra đây là người đã từng có một thời mà tiếng nói của nàng như quân lệnh, cách
trêu chọc mọi người của nàng đã làm những ai tham gia đều phải cười nghiêng, cười
ngửa. A hoàn khắp các phòng khi nghe mợ hai Liễn kể chuyện liền bỏ tất cả những
việc đang làm để chạy đến nghe. Hình ảnh ấy giờ đây đã trở thành quá khứ. Trước
mắt ta bây giờ là một Phượng Thư khác, nhỏ bé, e dè, khép nép, sợ sệt, những biểu
hiện trái hẳn với tính cách vốn có của nàng và thể hiện sự thiếu bản lĩnh, kém thích
nghi với hoàn cảnh của Phượng Thư và đó cũng chính là nỗi đau lớn nhất của đời
nàng.
Số phận những người con gái trong phủ Giả từ tiểu thư cho đến a hoàn không
những gắn liền với vận mệnh của gia tộc mà còn gắn bó mật thiết với Giả Bảo Ngọc.
Nên khi những người con gái ấy lần lượt ra đi thì người đau khổ nhất sẽ là chàng.
Trong ngày sinh nhật Bảo Thoa, Lý Hoàn gieo được cái tửu lệnh gọi là “mười hai
thoa vàng”. Bốn tiếng ấy gợi cho Bảo Ngọc nhớ lại giấc mộng năm xưa và giờ đây
chàng mới thật sự hiểu và thấm thía ý nghĩa của từng lá số tiền định trước kia và nhìn
lại gia đình mình thấy cảnh chia ly tan tác, mỗi kẻ một nơi, mỗi người một ngã, bất
giác chợt buồn “anh ta cố nín không được, nước mắt muốn rơi xuống, nhưng sợ
người ta nhìn thấy”. Bảo Ngọc giả vờ sốt và xin ra ngoài. Bước chân vô định đã đưa
chàng trở lại chốn xưa – khu vườn Đại quan, một thời rộn tiếng cười tươi vui hạnh
phúc. Nơi ấy giờ đây chỉ còn “cỏ hoa khô héo, đầy vẻ thê lương, màu sắc các đình
đài phai nhạt đã lâu”[10, tập 1, tr.136]. Cảnh vật thê lương, lòng người sầu não, nỗi
buồn nhân thế nhuộm màu ảm đạm lên khắp nơi mà ngày xưa từng rộn rã tiếng cười
nói, đàn ca, ngâm thơ, vịnh cảnh.
Trong ngày sinh nhật Bảo Thoa nhưng mỗi người đuổi theo một tâm trạng, suy
nghĩ của riêng mình, họ tham gia một cách miễn cưỡng nên bên ngoài lộ vẻ không
vui, trong lòng thì oán trách. Hình phu nhân, Vưu thị, Tích Xuân thì nghĩ rằng gia
nghiệp đã suy tàn mà còn tổ chức sinh nhật cho Bảo Thoa là Giả mẫu thiên vị. Còn
thái độ của Uyên Ương, a hoàn thân tín của Giả mẫu cũng khác. Khi Giả mẫu muốn
chơi tửu lệnh, Bảo Ngọc đi gọi Uyên Ương đến, nàng nói: “Ông trẻ ơi, để chúng tôi
uống chén rượu cho khoan khoái, tội gì lại đến quấy thế?”[10, tập 6, tr.128]. Câu nói
tỏ thái độ khó chịu, không muốn đến giúp vui. Ta thấy trong ngày vui nhưng ngay cả
thái độ vui gượng mà mọi người cũng không thể hiện được. Nỗi bi ai, sầu thảm
không thể ẩn giấu trong lòng mà hiện cả trên gương mặt mọi người. Chính không khí
không trọn vẹn niềm vui đã khiến mọi người cảm nhận sâu sắc hơn hoàn cảnh suy tàn
của gia đình. Gọi là ngày vui nhưng thực ra là nơi để mọi người trút cạn nỗi niềm đau
khổ, oán giận của mình.
3.3.2.2. Sinh nhật Bảo Thoa, Giả mẫu định mượn tiếng cười điệu hát xua tan u
ám trong lòng mọi người nhưng bất thành. Nỗi buồn ấy tích tụ lại và càng về cuối tác
phẩm không khí bi kịch càng như đám mây đen che kín bầu trời vinh hoa của phủ Giả.
Cuối cùng đám mây đen ấy hóa thành trận phong ba rửa sạch vẻ hào nhoáng bên
ngoải, để lộ ra vẻ nhếch nhác, hoảng loạn, tan tác không thể cứu vãn được. Tất cả
những điều ấy được thể hiện rõ nét trong lần tổ chức tang lễ Giả mẫu.
Người Trung Quốc rất coi trọng cái chết của con người. Vì vậy từ rất sớm đã
xuất hiện những nghi lễ phức tạp và nghiêm ngặt biểu thị sự thương tiếc đối với
người mất và sự cầu phúc cho người chết về thế giới bên kia. Hồng lâu mộng miêu tả
nhiều tang lễ. Trong đó, đám tang Tần Thị và Giả Mẫu là có sắc thái trái ngược nhau.
Trên kia chúng tôi đã phân tích khung cảnh xa hoa, lãng phí trong đám tang Tần Thị.
Còn đây là tang lễ của người có địa vị cao nhất ở hai phủ Vinh, Ninh là Sử thái quân
– Giả mẫu. Thế nhưng khi bà từ giã nhân thế ở tuổi tám mươi ba để trở về “Ngũ đài
sơn” thì việc tang lễ được lo liệu như thế nào? Với địa vị và thân phận cao quý của
Giả mẫu, tang lễ phải được cử hành long trọng và tôn nghiêm, đúng theo lễ chế. Thế
nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, việc cử hành tang lễ không được chu đáo và thiếu
tôn nghiêm, kém phần trọng thể, hoàn toàn không tương xứng với danh phận và địa
vị của bà. Đó là vì gia cảnh của nhà họ Giả không còn như xưa, thế lực và uy quyền
không còn nữa. Sau khi Nguyên phi mất, họ Giả như bị mất đi điểm tựa vững chắc,
cơ ngơi đồ sộ bị lục soát, bị tịch biên, niêm phong, kinh tế gia đình gặp nhiều khốn
khó, thiếu trước hụt sau, lo đằng này thì hỏng đằng kia. Những nô bộc, a hoàn trong
gia đình cũng không còn tôn kính chủ nhà, thậm chí thay đổi hẳn thái độ, khiến cho
phủ Giả giờ đây như một đống cát rời rạc không ai lãnh đạo và chỉ huy. Giả mẫu mất
vào lúc gia đình đang trên đà đổ nát, sự đãi ngộ và quan tâm của triều đình phong
kiến mà đại diện là Hoàng đế cũng khác xưa. Nhưng vì những hồi sau là do Cao Ngạc
chấp bút nên mới có việc vua ban ơn thưởng cho một ngàn lạng bạc và sai bộ lễ làm
chủ tế. Con trưởng là Giả Xá không có ở nhà, nên việc gia đình được giao lại cho Giả
Chính nhưng ông ta lại là người hay câu nệ, không dám chuyên quyền nhưng quan
trọng là do Giả Chính không có tài quản lý. Bên cạnh đó, Giả Chính và Vương phu
nhân không như Giả Trân lúc lo tang lễ cho Tần thị là “có bao nhiêu làm hết bấy
nhiêu thì thôi”. Một phần là do gia đình lo sợ nếu tổ chức linh đình quá, triều đình sẽ
nghi ngờ nhà họ Giả còn cất giấu tài sản riêng nên chủ trương “đám tang thà buồn
thương hơn là bày biện linh đình” [10, tập 6, tr.168] và họ cũng cần để lại một ít tiền
để đưa linh cữu Giả mẫu về Nam. Trong khi đó, Hình phu nhân cho rằng Phượng
Thư ăn tiêu rộng rãi, Giả Liễn hay giở trò ma nên cố nắm chặt lấy tiền bạc không
chịu chi. Vì thế xảy ra cảnh “làm rạp bên ngoài cần phải chi mấy trăm bạc, mà cũng
chưa có đồng nào” [10, tập 6, tr.170]. Trong khi đó việc tiếp đãi những người đến
viếng cũng không được chu đáo “đến ngày thứ ba rồi mà trong nhà còn rối beng”,
“được thức ăn thì thiếu cơm” [10, tập 6, tr.170]. Mời hòa thượng đọc kinh sám hối,
điếu tế cúng cơm liên tiếp không ngớt nhưng rút cuộc vì chi tiêu dè sẻn quá nên
không ai chịu hăng hái, chẳng qua chỉ làm qua loa cho xong việc. Đó là những việc
bên ngoài, cần phải có tiền bạc mới có thể lo chu tất. Thế còn phương diện tình cảm,
sự tiếc thương, đau buồn được thể hiện như thế nào? Đầu tiên là Giả Hoàn, “hai mắt
cứ y như là khỉ sống, hết liếc bên này lại liếc bên kia. Tuy là gào khóc ở đây, nhưng
khi thấy các mợ các cô đến, anh ta ở trong màn tang cứ liếc mắt nhìn trộm”[10, tập 6,
tr.178]. Bên cạnh đó, Giả Bảo Ngọc nhìn Tương Vân, “thấy cô ta ăn mặc đồ trắng,
son phấn không xoa, mà so với lúc chưa đi lấy chồng còn đẹp hơn nhiều”, nhân đó
lại nghĩ đến Đại Ngọc, cảm thấy trong lòng chua xót, nước mắt trào ra, nhân tiện có
việc tang Giả mẫu nên khóc to lên. Ai cũng nghĩ anh ta nghĩ đến Giả mẫu thương yêu
cho nên đau buồn mà khóc, không biết rằng anh chàng có nỗi đau xót riêng. Tương
Vân cũng thế, nghĩ đến ngày thường được Giả mẫu thương yêu, rồi cảm thấy số mình
khổ sở, vừa lấy được người chồng tài mạo song toàn, tính tình hòa nhã, không ngờ
mắc phải chứng bệnh oan nghiệt, chỉ còn chờ từng ngày thôi nên càng thêm đau xót,
khóc mãi đến nửa đêm. Trong tang lễ Giả mẫu mặc dù theo lời Giả Chính tiếc thương
là chủ yếu nhưng điểm qua một vài gương mặt, ta nhận thấy mỗi người theo đuổi một
mục đích riêng, mỗi người mang một tâm sự riêng, nỗi đau riêng và nhân tang lễ Giả
mẫu, họ đều khóc than thảm thiết nhưng đó không xuất phát từ lòng thương xót người
đã khuất. Họ chỉ nhân đấy mà khóc than cho niềm đau riêng của chính mình. Tất cả
những cảnh tượng ấy góp phần tạo nên vẻ hỗn độn bát nháo trong những ngày diễn ra
tang lễ. Tình cảnh như thế, Vương Hy Phượng dù tài giỏi thế nào cũng không thể lo
liệu cho chu toàn được. Khi không có tiền trong tay thì việc chứng tỏ tài năng và uy
quyền như khi ở phủ Ninh là không thể thực hiện. Cho dù Uyên Ương khóc lóc quỳ
xin Phượng Thư “lo liệu cho có bề thế một tí”, “để cụ khi chết vẫn còn được mát mặt
một chút”[10, tập 6, tr.168]. Phượng Thư cũng muốn chứng tỏ cho mọi thấy tài năng
quán xuyến việc nhà của mình và Giả mẫu qua đời cũng chính là dịp để nàng trổ tài.
Chính Phượng Thư cũng nghĩ : “Việc nhà đây vốn do mình coi, bọn người nhà đều là
chân tay mình. Mặc dù người mình không được khỏe nhưng không đến nỗi để người
ta chê bai. Thế nào cũng còn lo liệu chu tất hơn khi ở phủ Ninh”[10, tập 1, tr.167].
Thế nhưng vào cuộc rồi mới nhận thấy tình hình hiện tại không đơn giản như nàng
nghĩ, Vương Hy Phượng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Trên thì bị Vương phu
nhân, Hình phu nhân quở trách, cho là nàng không hết lòng lo liệu, dưới thì bị kẻ ăn
người ở trong nhà khinh thường không còn tôn trọng, nể sợ. Lời nói của nàng vì thế
cũng không còn giá trị. Ngay cả Uyên Ương cũng trách Phượng Thư: “Mợ ta trước
kia làm việc lanh lợi và chu đáo biết dường nào, sao nay bị lúng ta lúng túng như thế!
Mình xem ba bốn hôm nay, mợ ấy cứ lẩm ca lẩm cẩm, thật là phụ lòng thương yêu
của cụ bà”[10, tập 6, tr.172]. Phượng Thư mất hết uy phong là do nhà họ Giả đã thật
sự suy sụp, không còn gì, hiện tại người thì thiếu, tiền thì không nên không thể tổ
chức linh đình chu đáo như đám tang Tần thị được. Không có tiền, không có quyền,
nàng không thể hành động quyết liệt như trước kia nên chỉ biết kêu gào van xin. Thế
mà còn bị a hoàn mượn thế Vương phu nhân, Hình phu nhân đến mắng ngược trở lại.
Đó còn do Phượng thư không được Vương phu nhân ủng hộ, bênh vực như trước kia
nên bọn người làm thừa gió bẻ măng, trở mặt với nàng. Có a hoàn đã chạy đến trước
mặt Phượng Thư dày vò: “Mợ Hai ở đây à? Chẳng trách bà Cả nói: trong nhà nhiều
người mà trông nom không xiết, mợ Hai thì tránh đi cho khỏe rồi!" [10, tập 6, tr.180].
Nghe câu nói ấy Phượng Thư cố gắng nén nỗi bực tức, nhưng nước mắt cứ trào ra,
cuối cùng không chịu đựng được nữa hộc máu tươi, ngã ra đất.
Phủ Giả giờ đây như ngọn đèn đã cạn dầu, chỉ còn le lói vài tia sáng yếu ớt. Thế
nên tang lễ Giả mẫu chỉ được lo liệu sơ sài, qua loa, thiếu trước hụt sau. Ngày đưa
tang, xe để các bà các cô ngồi cũng không có đủ, đành phải đi thuê, đi mượn. Tục
ngữ có câu “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Trong hoàn cảnh khốn khó như
thế mà gia tộc họ Giả còn bị con nuôi Chu Thụy là Hà Tam dẫn bọn cướp đến khuân
sạch số tài sản còn lại. Qua chi tiết ấy, ta thấy gia đình họ Giả thật sự không thể cứu
vãn nổi, bọn người hầu cũng đứng lên chống lại chủ nhà, chúng không những phản
kháng mà còn thừa gió bẻ măng, nhân lúc họ Giả suy yếu chúng đến cướp sạch số
của cải còn sót lại.
Trong Hồng lâu mộng, qua việc miêu tả cảnh long trọng xa hoa của đám tang
Tần thị và sự sơ sài, thiếu thốn trong tang lễ Giả mẫu, Tào Tuyết Cần, Cao Ngạc đã
cho ta thấy được quá trình phát triển từ thịnh đến suy của một gia tộc. Đồng thời qua
đó tác giả gián tiếp miêu tả số phận bi kịch của Vương Hy Phượng. Sự vinh nhục
trong cuộc đời nàng gắn liền với quá trình phát triển của phủ Giả. Nhờ thế lực họ Giả
mà Phượng Thư chứng tỏ được tài năng của mình, khi họ Giả thất thế thì tài năng của
nàng cũng không có đất để phát huy. Từ đó Phượng Thư như biến đổi hẳn trở thành
một con người hoàn toàn khác, cơ thể bạc nhược, tinh thần suy sụp, nói cũng không
ra hơi, chỉ còn biết van xin mọi người: “Các bà các thím thương tôi với”[10, tập 6,
tr.136] Câu tục ngữ mà Lý Hoàn dẫn ra rất phù hợp với hoàn cảnh của Phương Thư:
“Hoa mẫu đơn dầu đẹp, toàn nhờ lá xanh nâng niu”[10, tập 6, tr.176]. Nếu Hy
Phượng không còn uy thế, tiền tài để trấn áp những người cần nhờ vả thì họ sẽ xa
lánh nàng, lúc ấy Phượng Thư trở nên lẻ loi, cô độc. Khi thế lực nhà họ Giả không
còn thì tài năng của nàng cũng không thể phát huy, địa vị của nàng quản gia trẻ tuổi
nơi phủ Giả đã mất hết tác dụng. Hy Phượng giờ đây cũng giống như Bảo Ngọc khi
bị mất viên ngọc thông linh, chỉ có xác mà không có hồn, ngây ngây dại dại, trở
thành người vô dụng.
Cảnh suy vong của gia tộc họ Giả ở bốn mươi hồi sau của Hồng lâu mộng là do
Cao Ngạc chấp bút. Cao Ngạc là một ông quan đang trên đường hanh thông, với cái
nhìn hơi khác, ông đã không hoàn toàn trung thành với dự thảo của Tào Tuyết Cần
nhưng về cơ bản hai tác giả của Hồng lâu mộng vẫn có cùng cảm quan chung đối với
xã hội phong kiến quý tộc Trung Hoa. Vì thế đoạn kết miêu tả khá thành công không
khí suy tàn của Tứ đại gia tộc.
KẾT LUẬN
Mỗi nền văn học đều có hạt nhân văn hóa của nó. Hồng lâu mộng sở dĩ có thể
đạt tới đỉnh cao như vậy là vì nó đã thực hiện tốt sứ mệnh vận dụng yếu tố văn hóa để
phản ánh hiện thực. Hiện thực cuộc sống có quá nhiều hiện tượng khiến cho con
người không giải thích được. Vì thế, con người luôn băn khoăn về vấn đề nguồn gốc
của mọi vật cũng như số phận của chính mình. Những vấn đề này, những giải đáp
khoa học hay triết học chưa đủ thỏa mãn con người. Trong tình hình đó, họ tìm thấy
trong tôn giáo lời giải đáp có thể không chính xác nhưng lại có sức hấp dẫn, thuyết
phục bởi tính huyền bí, tính logic tư biện của nó. Vì thế, Tào Tuyết Cần đã mượn triết
lý Nho, Đạo, Phật để hòa chung vào chỉnh thể Hồng lâu mộng. Nếu nói tư tưởng nhà
Nho là âm điệu chính cố kết do phím đàn tạo ra thì tư tưởng Đạo gia và Phật giáo là
hòa âm nhẹ nhàng luôn phát ra. Do đó muốn nắm được tính khuynh hướng của Hồng
lâu mộng không phải là việc đơn giản, vì bản thân tác phẩm bao hàm nhiều yếu tố
phức tạp, đa dạng và chịu sự chi phối của nhiều hiện tượng xã hội nhưng lại tập trung
và hòa hợp với nhau, không thể chia tách, trong một chỉnh thể nghệ thuật. Thế nhưng,
tác phẩm vẫn thực tốt sứ mệnh của mình là thanh lọc con người, đưa con người lên
bậc cao hơn trong đời sống tinh thần, thấm vào tâm hồn con người một cách bí ẩn,
lắng sâu.
Có nhiều con đường khác nhau để tiếp cận tác phẩm Hồng lâu mộng, cũng có
nhiều tiêu chí để chúng ta đưa ra soi chiếu tác phẩm. “Lá số tiền định của Kim Lăng
thập nhị kim thoa” chỉ là một trong những con đường đó. Do vậy, chúng tôi không hy
vọng những kết luận chúng tôi đưa ra có thể bao quát hết giá trị Hồng lâu mộng.
Song theo chúng tôi, đây là một hướng đi có thể giúp chúng ta khám phá được phần
nào nét độc đáo và vẻ đẹp của Hồng lâu mộng.
Đọc Hồng lâu mộng, chúng ta dễ dàng nhận ra, Tào Tuyết Cần không phải chỉ là
người quan sát mà còn là người tham gia vào mọi biến động, len lỏi vào những tầng
sâu của xã hội phong kiến bằng tất cả những nhận thức sắc sảo cộng với một trái tim
nhạy cảm. Vì thế, Hồng lâu mộng được tác giả viết không phải chỉ bằng vốn văn hóa
mà còn bằng vốn sống, bằng sự trải nghiệm bản thân.
Đề tài “Lá số tiền định của thập nhị Kim thoa trong Hồng lâu mộng” đã góp
phần giải mã những bí ẩn của lá số dưới góc nhìn của những phương tiện nghệ thuật,
một mặt khẳng định tài năng sáng tạo của Tào Tuyết Cần mặt khác giúp cho người
đọc có thể hiểu tác phẩm một cách thấu đáo hơn. Lá số tiền định được tác giả xây
dựng bằng cách vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố văn hóa, ngôn ngữ ... Những lá số ấy
đã miêu tả nhân vật dưới nhiều góc nhìn khác nhau, có thể là một sự kiện, tình tiết
quan trọng trong cuộc đời nhân vật; đặc điểm dung mạo, tính cách đặc trưng của
nhân vật; ám chỉ số phận nhân vật. Có thể nói, lá số tiền định chính là bản tóm tắt
cuộc đời Thập nhị kim thoa nhưng vì cách thể hiện hô ứng ám thị khiến cho người
đọc như hiểu như không. Do đó có thể thấy bản thân lá số tiền định đã mang tính
phức tạp và độc đáo, khiến cho bản dịch rất khó chuyển tải được những nét độc đáo,
đặc sắc của lá số. Vì thế, khi giải mã lá số dưới những góc nhìn của những phương
tiện nghệ thuật càng khiến cho chúng ta khâm phục tài năng và sự sáng tạo độc đáo
của Tào Tuyết Cần.
Bên cạnh đó, việc phân tích số phận bi kịch của Thập nhị kim thoa trong thế giới
hiện thực, cho thấy Tào Tuyết Cần ngoài việc cảm thụ hiện thực cuộc sống sắc sảo
còn thể hiện những suy ngẫm lý tính có tính chất toàn diện và sâu sắc về vũ trụ và
nhân sinh. Tào Tuyết Cần đã nghệ thuật hóa những suy ngẫm khô khan của mình, tạo
thành một kiểu đặc sắc nghệ thuật “Hồng lâu thị mộng nguyên phi mộng”. Từ thế
giới mộng tác giả đã dẫn dắt người đọc đến thế giới thực : thế giới của những người
con gái tài hoa, thanh cao, trong sạch nhưng chịu chung số phận bi kịch. Bi kịch trong
Hồng lâu mộng khác với bi kịch Hy Lạp cổ đại. Trong bi kịch Hy Lạp, cuộc đấu
tranh của con người là các lực lượng siêu nhiên, đại diện cho số mệnh và có quyền
sinh sát con người. Còn bi kịch trong Hồng lâu mộng, đại diện là Kim lăng thập nhị
kim thoa chính là bi kịch của tính cách và thời đại. Chính thời đại thối nát đã bóp
nghẹt ước mơ và lẽ sống chính đáng của con người. Thập nhị kim thoa, mỗi người
một tính cách, một hoàn cảnh nhưng tất cả đều nhận thức sự phi lí của chế độ tông
pháp phong kiến. Mỗi người có một cách phản kháng khác nhau đối với xã hội ấy
nhưng cuối cùng vẫn chưa giành được chiến thắng. Điều này có thể lí giải bằng
nguyên nhân xã hội. Hồng lâu mộng ra đời vào lúc xã hội Trung Quốc đã xuất hiện
những mầm mống của chủ nghĩa tư bản nhưng lực lượng mới chưa đủ mạnh. Bên
cạnh đó, dưới sự thống trị của đế chế Mãn Thanh, triều đại ngoại tộc này rất có ý thức
làm sống lại chủ nghĩa phong kiến Trung Hoa vốn có từ hai mặt cơ cấu xã hội và ý
thức hệ, kìm hãm mọi mầm mống chuyển hóa, kéo dài thời kỳ trung đại. Do đó, Tào
Tuyết Cần lẫn Cao Ngạc vẫn chưa đủ cơ sở để xây dựng nên hình ảnh xã hội và con
người tương lai. Vì vậy, đành để nhân vật kết thúc số phận trong bi kịch và kéo theo
sự suy tàn của cả gia tộc, cả thời đại.
Người viết vẫn chưa triển khai hết những ý tưởng của mình trong luận văn này.
Vì thế, đề tài “Lá số tiền định của thập nhị Kim thoa trong Hồng lâu mộng” có thể
được mở rộng theo những hướng sau:
Ngôn ngữ nghệ thuật, hệ thống các biểu tượng mang tính chất tiên tri, những dự
cảm không lành của nhân vật trong Hồng lâu mộng.
Nghiên cứu “Lá số tiền định” trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc nói chung và
lịch sử tiểu thuyết Minh – Thanh nói riêng.
Nghiên cứu “lá số tiền định” trong mối quan hệ với vấn đề tôn giáo trong Hồng
lâu mộng.
Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục tìm hiểu đề tài này với những hướng nghiên
cứu trên trong một tương lai không xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
1. Dư Quan Anh chủ biên (1997), Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 3, Nxb Văn
học Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường (2005), Từ điển Việt Nam từ nguồn gốc
đến hết thế kỷ XIX, Nxb ĐHQG Hà Nội.
3. Trần Lê Bảo (1996), “Hồng lâu mộng và chu dịch”, Tạp chí Văn hoá dân gian,
số 1.
4. Trần Lê Bảo (2002), “Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện trong Hồng lâu
mộng”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3.
5. Trần Lê Bảo (2004), “Nhóm nhân vật điển hình trong tiểu thuyết cổ điển Trung
Hoa”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9.
6. Trần Lê Bảo (2006), “Thể nghiệm mộng ảo của các tác gia cổ đại Trung Quốc”,
Nghiên cứu Trung Quốc, số 4.
7. Phan Văn Các chủ biên (2001), Từ điển Hán Việt hiện đại, Nxb Giáo Dục.
8. Phan Văn Các (1995), “Lời giới thiệu Hồng lâu mộng”, Hồng lâu mộng, tập 1,
Nxb Văn học.
9. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du.
10. Tào Tuyết Cần (1989), Hồng lâu mộng, 6 tập, Nxb Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
11. Phạm Tú Châu (2000), “Vài nét về nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh ở Việt
Nam”, Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc, số 3.
12. Phạm Tú Châu (1992), “Việc nghiên cứu ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo trong
mấy bộ tiểu thuyết tiêu biểu của Trung Quốc”, Tạp chí văn học, số 4.
13. Nhật Chiêu (2003), Những câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb Giáo
Dục.
14. Trương Chính (1998), Bình giảng ngụ ngôn Trung Quốc, Nxb Giáo Dục.
15. Doãn Chính (1994), Đại cương lịch sử triết học phương Đông cổ đại, Nxb Giáo
Dục.
16. Đoàn Trung Còn (1992), Phật học từ điển, quyển 3, Nxb Tp. HCM.
17. Đường Đắc Dương chủ biên (2003), Cội nguồn văn hóa Trung Quốc, Nxb Hội
Nhà Văn.
18. Đặng Anh Đào (1992), “Nguồn gốc và tiền đề của tiểu thuyết”, Tạp chí văn học,
số 6.
19. Lâm Hán Đạt (2001), Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, Nxb Trẻ.
20. Trần Xuân Đề (1998), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo Dục.
21. Lâm Ngữ Đường (1994), Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa, Nxb Văn Hóa.
22. Lâm Ngữ Đường (2001), Trung Hoa đất nước con người, Nxb Văn hóa Thông
tin.
23. Nhiều tác giả (2000), Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, Nxb Thế Giới.
24. Nhiều tác giả (1997), Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, Nxb Giáo Dục.
25. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới Hà Nội.
26. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (1997), Từ điển thuật ngữ
văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội.
27. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1998), Lí luận văn học – vấn đề và suy
ngẫm, Nxb Giáo Dục.
28. Nguyễn Hùng Hậu (2004), Triết lý trong văn hóa phương Đông, Nxb Đại Học
Sư Phạm.
29. Hồ Sĩ Hiệp (2001), Văn học Trung Quốc năm 2000, Tạp chí văn học (2).
30. Nguyễn Xuân Hòa (1998), Ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ Trung Quốc đến tiểu
thuyết cổ Việt Nam, Nxb Thuận Hóa.
31. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh (2000), Trung Quốc văn học sử, tập 3, Nxb
Phụ Nữ.
32. Từ Tập Huy chủ biên (2000), Những mẫu chuyện lịch sử nổi tiếng Trung Quốc –
10 đại văn hào Trung Quốc, Nxb Thanh Niên.
33. Nguyễn Huy Khánh (1991), Khảo luận tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, Nxb Văn
Học.
34. Khrapchenko (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu
văn học, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
35. Konrat (1997), Phương Đông và phương Tây, Nxb Giáo Dục.
36. Đinh Trọng Lạc (1999), 99 phương tiện và biện php tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo
Dục.
37. Doãn Hiệp Lí chủ biên (2001), Từ điển văn hoá cổ truyền Trung Hoa, Nxb Văn
hoá thông tin Hà Nội.
38. Nguyễn Thị Diệu Linh (2003), Thực – hư trong Hồng lâu mộng, Luận văn thạc
sĩ, Đại học Sư Phạm Hà Nội.
39. Lixêvích (2000), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Nxb Đại học Sư phạm Tp.
HCM
40. Phương Lựu (1981), “Vài nét về lý luận văn học, mỹ học cổ điển Trung Quốc”,
Tạp chí văn học, số 6.
41. Phương Lựu (1996), Văn hóa văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt
Nam, Nxb Hà Nội.
42. Phương Lựu (1989), Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo
Dục.
43. Vương Tuệ Mẫn, (2002), 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc,
Nxb Văn hóa Thông tin.
44. Milankundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng.
45. Nãrađa Mahã Thera (2007), Đức Phật và Phật pháp, Nxb Phương Đông.
46. Phạm Xuân Nguyên, (1991), Phân tích tâm lý trong tiểu thuyết, Tạp chí văn học,
số 2.
47. Nguyễn Khắc Phi (1998), Thơ văn cổ Trung Hoa, mảnh đất quen mà lạ, Nxb
Giáo Dục.
48. Nguyễn Khắc Phi, Lưu Đức Trung, Trần Lê Bảo (2002), Lịch sử văn học Trung
Quốc, tập 2, Nxb Đại Học Sư Phạm.
49. Trương Quốc Phong, Thái Trọng Lai (2001), Tiểu thuyết sử thoại các thời đại
Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Tp. HCM.
50. Vu Đại Quang (1996), 100 nhân vật ảnh hưởng lịch sử Trung Quốc, Nxb Trẻ.
51. Vương Hồng Sển (1993), Thú xem truyện Tàu, Nxb.Tp.HCM.
52. Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo Dục Hà Nội.
53. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội.
54. Lỗ Tấn (1996), Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Nxb Văn Hóa.
55. Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo
Dục.
56. Trương Khánh Thiện, Lưu Vĩnh Lương (2002), Mạn đàm về Hồng lâu mộng,
Nxb Thuận Hóa.
57. Lương Duy Thứ (1990), Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Nxb
KHXH và Nxb Mũi Cà Mau.
58. Lương Duy Thứ (1989), “Kim Bình Mai một tác phẩm hiện thực phê phán có giá
trị”, Tạp chí văn học, số 3
59. Cung Kim Tiến biên soạn (2002), Từ điển triết học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà
Nội.
60. Lê Huy Tiêu (2005), Cảm nhận mới về văn hóa – văn học Trung Quốc, Nxb
ĐHQG Hà Nội.
61. Lê Huy Tiêu (2003), “Xu hướng nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc ở thế
kỷ mới”, Tạp chí Văn học, số 10.
62. Vũ Anh Tuấn dịch (2006), 101 Vẻ đẹp văn chương Việt Nam và thế giới, Nxb
Văn hóa Thông tin.
63. Lao Tử, Thịnh Lê chủ biên (2001), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb Văn Học.
64. Trương Lập Văn chủ biên (2003), Thiên, Nxb Khoa Học Xã Hội.
65. Nguyễn Đức Vân (1962), “Giá trị bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng”, Tạp chí
Nghiên cứu văn học, số 3.
66. Hà Thanh Vân (1999), Sự tương đồng về thi pháp nhân vật Truyện Kiều và
Hồng lâu mộng, Trường Đại học KHXH & NV.
II. TÀI LIỆU TIẾNG TRUNG
67. 曹雪芹著 (2004), 红楼梦, 北京燕山出版社(上册,下册).
68. 董晔(2003),“20 世纪林袋玉研究综述”,河南教育学院学报(哲学社
会科学版),第二期第 22 卷。
69. 刘士聪主编 (2004),红楼梦翻译研究论集, 南开大学出版社.
70. 宋淇(2000),红楼梦识药,中国书店。
71. 苏萍 (1998),红楼梦中国古代女性整体人格悲局的总结,第 1 期第 19
卷。
72. 王富鹏 (2000),“论贾宝玉的双姓化性格特征及其实质”,商丘师专
学报,第 16 卷第 1期。
73. 谢真元(1997), 古代小说中国妇女命运的文化透视,重庆师范学报哲社
版,第 1期。
74. 薛海燕 (2000),红楼梦女性观与明青女性文化,红楼梦学刊,第 2
辑。
75. 姚晓菲(2003),“20 世纪王熙凤研究综述”,河南教育学院学报(哲学
社会科学版),第二期第 22 卷。
76. 张瑞娥, 陈德用(2003),“由女性主义看“红楼梦”判词的英译”山东外语
教学,第 6期。
77. 张艳萍(2005),“试论老庄思想对 “红楼梦”的影响“,北京科技大
学学报,第 21卷第 1期。
78. 周汝唱著 (2005), 周汝唱梦解红楼, 漓江出版社.
79. 朱一玄编(2004),红楼梦资料汇编,南开大学出版社。
PHỤ LỤC
NGUYÊN TÁC VÀ PHIÊN ÂM LÁ SỐ TIỀN ĐỊNH
CỦA KIM LĂNG THẬP NHỊ KIM THOA CHÍNH SÁCH
1. Lá số thứ nhất:
可叹停机德,堪怜咏絮才。
玉带林中挂, 金簪雪里埋。
Khả thán đình cơ đức, kham liên vịnh nhứ (tử) tài.
Ngọc đái lâm trung quải, kim trâm tuyết lí mai.
2. Lá số thứ hai:
二十年来辨是非, 榴花开处照宫闱。
三春怎及初春景, 虎兕相逢大梦归。
Nhị thập niên lai biện thị phi, lựu hoa khai xứ chiếu cung vi.
Tam xuân chẩm cực sơ xuân cảnh, hổ tỉ tương phùng đại mộng quy.
3. Lá số thứ ba:
才自精明志自高, 生于末世运偏消。
清明涕送江边望, 千里东风一梦遥。
Tài tự tinh minh chí tự cao, sinh vu mạt thế vận thiên tiêu.
Thanh minh thế tống giang biên vọng, thiên lý đông phong nhất mộng dao.
4. Lá số thứ tư:
富贵又何为, 襁褓之间父母违。
展眼吊斜晖, 湘江水逝楚云飞。
Phú quý hựu hà vi, cưỡng bảo chi gian phụ mẫu vi.
Triển nhãn điếu tà huy, Tương giang thuỷ thức Sở vân phi.
5. Lá số thứ năm:
欲洁何曾洁, 云空未必空。
可怜金玉质, 终陷淖泥中。
Dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không.
Khả liên kim ngọc chất, chung hãm náo nê trung.
6. Lá số thứ sáu:
子系中山狼, 得志便猖狂。
金闺花柳质, 一载赴黄梁。
Tử hệ Trung Sơn lang, đắc chí tiện xương cuồng.
Kim khuê hoa liễu chất, nhất đới phó hoàng lương.
7. Lá số thứ bảy:
勘破三春景不长, 缁衣顿改青衣妆。
可怜绣户侯门女, 独卧青灯古佛旁。
Khám phá tam xuân cảnh bất trường, tri y đốn cải thanh y trang.
Khả liên tú hộ hầu môn nữ, độc ngọa thanh đăng cổ phật bàng.
8. Lá số thứ tám:
凡鸟偏从末世来, 都知爱慕此生才。
一从二令三人木, 哭向金陵事更哀。
Phàm điểu thiên tòng mạt thế lai, đô tri ái mộ thử sinh tài.
Nhất tòng nhị lệnh tam nhân mộc, khốc hướng Kim Lăng sự cánh ai.
9. Lá số thứ chín:
势败休云贵, 家亡莫论亲。
偶因济刘氏, 巧得遇恩人。
Thế bại hưu vân quý, gia vong mạc luận thân.
Ngẫu nhân tề Lưu thị, xảo đắc ngộ ân nhân.
10. Lá số thứ mười:
桃李春风结子完, 到头谁似一盆兰。
如冰水好空相妒, 枉与他人作笑谈。
Đào lý xuân phong kết tử hoàn, đáo đầu thuỳ tự nhất bồn lan?
Như băng thuỷ hảo không tương đố, uổng dữ tha nhân tác tiếu đàm.
11. Lá số thứ mười một:
情天情海幻情身, 情既相逢必主淫。
漫言不肖皆荣出, 造衅开端实在宁。
Tình thiên tình hải huyễn tình thân, tình ký tương phùng tất chủ dâm;
Mạc ngôn bất tiếu giai Vinh xuất, tạo hấn khai đoan thực tại Ninh.
ẢNH TƯ LIỆU
NHÀ KỶ NIỆM TÀO TUYẾT CẦN
DIỆP
HƯƠNG THÔN
NHÀ KỲ HẠ
Bài thơ trên tường – tương truyền là của Ngạc Tỷ đề tặng
Tào Tuyết Cần
NGUYÊN BẢO THẠCH
KIM LĂNG THẬP NHỊ KIM THOA CHÍNH SÁCH
LÂM ĐẠI NGỌC
TIẾT BẢO THOA
GIẢ NGUYÊN XUÂN
GIẢ THÁM XUÂN
SỬ TƯƠNG VÂN
DIỆU NGỌC
GIẢ TÍCH XUÂN
GIẢ NGHÊNH XUÂN
VƯƠNG HY PHƯỢNG
TẦN KHẢ KHANH
GIẢ XẢO THƯ
LÝ HOÀN
PHỤ LỤC
NGUYÊN TÁC VÀ PHIÊN ÂM LÁ SỐ TIỀN ĐỊNH
CỦA KIM LĂNG THẬP NHỊ KIM THOA CHÍNH SÁCH
1. Lá số thứ nhất:
可叹停机德,堪怜咏絮才。
玉带林中挂, 金簪雪里埋。
Khả thán đình cơ đức, kham liên vịnh nhứ (tử) tài.
Ngọc đái lâm trung quải, kim trâm tuyết lí mai.
2. Lá số thứ hai:
二十年来辨是非, 榴花开处照宫闱。
三春怎及初春景, 虎兕相逢大梦归。
Nhị thập niên lai biện thị phi, lựu hoa khai xứ chiếu cung vi.
Tam xuân chẩm cực sơ xuân cảnh, hổ tỉ tương phùng đại mộng quy.
3. Lá số thứ ba:
才自精明志自高, 生于末世运偏消。
清明涕送江边望, 千里东风一梦遥。
Tài tự tinh minh chí tự cao, sinh vu mạt thế vận thiên tiêu.
Thanh minh thế tống giang biên vọng, thiên lý đông phong nhất mộng dao.
4. Lá số thứ tư:
富贵又何为, 襁褓之间父母违。
展眼吊斜晖, 湘江水逝楚云飞。
Phú quý hựu hà vi, cưỡng bảo chi gian phụ mẫu vi.
Triển nhãn điếu tà huy, Tương giang thuỷ thức Sở vân phi.
5. Lá số thứ năm:
欲洁何曾洁, 云空未必空。
可怜金玉质, 终陷淖泥中。
Dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không.
Khả liên kim ngọc chất, chung hãm náo nê trung.
6. Lá số thứ sáu:
子系中山狼, 得志便猖狂。
金闺花柳质, 一载赴黄梁。
Tử hệ Trung Sơn lang, đắc chí tiện xương cuồng.
Kim khuê hoa liễu chất, nhất đới phó hoàng lương.
7. Lá số thứ bảy:
勘破三春景不长, 缁衣顿改青衣妆。
可怜绣户侯门女, 独卧青灯古佛旁。
Khám phá tam xuân cảnh bất trường, tri y đốn cải thanh y trang.
Khả liên tú hộ hầu môn nữ, độc ngọa thanh đăng cổ phật bàng.
8. Lá số thứ tám:
凡鸟偏从末世来, 都知爱慕此生才。
一从二令三人木, 哭向金陵事更哀。
Phàm điểu thiên tòng mạt thế lai, đô tri ái mộ thử sinh tài.
Nhất tòng nhị lệnh tam nhân mộc, khốc hướng Kim Lăng sự cánh ai.
9. Lá số thứ chín:
势败休云贵, 家亡莫论亲。
偶因济刘氏, 巧得遇恩人。
Thế bại hưu vân quý, gia vong mạc luận thân.
Ngẫu nhân tề Lưu thị, xảo đắc ngộ ân nhân.
10. Lá số thứ mười:
桃李春风结子完, 到头谁似一盆兰。
如冰水好空相妒, 枉与他人作笑谈。
Đào lý xuân phong kết tử hoàn, đáo đầu thuỳ tự nhất bồn lan?
Như băng thuỷ hảo không tương đố, uổng dữ tha nhân tác tiếu đàm.
11. Lá số thứ mười một:
情天情海幻情身, 情既相逢必主淫。
漫言不肖皆荣出, 造衅开端实在宁。
Tình thiên tình hải huyễn tình thân, tình ký tương phùng tất chủ dâm;
Mạc ngôn bất tiếu giai Vinh xuất, tạo hấn khai đoan thực tại Ninh.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHNN002.pdf