MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ngôn ngữ là một loại chất liệu đặc biệt không thể thiếu trong quá trình sáng tạo văn chương,
đặc biệt là thơ ca, bởi các tác phẩm văn chương, trước hết, là các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Thơ
ca Việt Nam được xem là bức tranh vô cùng phong phú và đa dạng, phản ánh trung thực đất nước,
con người Việt Nam qua bao thời đại. Lời thơ cũng chính là tình cảm chân thành, sâu sắc của các
tác giả. Các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, của mình. Và
thông qua những hình tượng thẩm mĩ, thơ ca đã thể hiện phong phú và linh hoạt những suy tư, diễn
biến tình cảm và nhận thức của con người. Văn chương là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Chúng ta
tìm hiểu một tác phẩm văn chương không chỉ ở phương diện viết về cái gì mà còn ở phương diện
viết như thế nào. Sức sống của những tác phẩm văn chương không thể thiếu những đóng góp ở
phương diện viết như thế nào ấy. Do vậy, việc áp dụng những tri thức ngôn ngữ học nói chung và tri
thức ngôn ngữ học văn bản nói riêng để tìm hiểu văn bản thơ ca là điều rất cần thiết.
Nghiên cứu thơ ca từ góc độ ngôn ngữ học, đặc biệt là ngôn ngữ học văn bản cũng là một
hướng nghiên cứu khá mới mẻ. Hiện nay có rất ít công trình nghiên cứu thơ ca theo hướng này.
Chính vì vậy, luận văn của chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu vấn đề liên kết liên tưởng trong thơ Việt
Nam. Đây cũng là một trong những cách để đóng góp cho khoa học chuyên ngành.
2. Lịch sử vấn đề
Nhìn chung, cho đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về thơ ca Việt Nam. Tuy
nhiên, phần lớn các công trình nghiên cứu thơ ca Việt Nam là dưới góc độ văn học, còn dưới góc độ
ngôn ngữ học thì còn khá ít.
Tìm hiểu thơ ca dưới góc độ ngôn ngữ học, chúng tôi thấy có một số bài viết và công trình
nghiên cứu tiêu biểu như sau:
Năm 1985, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã giới thiệu với bạn đọc công trình “Tìm hiểu
phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Phan Ngọc [43]. Công trình gồm có mười chương
bàn về các vấn đề như tư tưởng, phương pháp tự sự của Truyện Kiều, Truyện Kiều, tiểu thuyết phân
tích tâm lí, một vài vấn đề nhận thức luận chung quanh Truyện Kiều, cách bố cục Truyện Kiều theo
yêu cầu của kịch. Trong công trình này, đặc biệt phải kể đến các chương sau cùng: Chương 7 – Câu
thơ Truyện Kiều; Chương 8 – Ngôn ngữ Truyện Kiều; Chương 9 – Ngữ pháp Truyện Kiều; Chương
10 – Phong cách học và phân tích văn học. Mặc dù công trình này chủ yếu bàn về mặt phong cách
của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, không đề cập nhiều đến liên kết liên tưởng, nhưng có một số
nhận định rất đáng lưu ý. Chẳng hạn, Phan Ngọc đã khẳng định “ Trong phong cách có nội dung,
nhưng nội dung được xây dựng theo cái hình thức riêng thích hợp với phong cách này. Nó có hình
thức, nhưng hình thức là để thích hợp với một loại nội dung nhất định, chứ không thích hợp với một nội dung khác. Nói khác đi, khi nó nói đến nội dung thì nó nói luôn cả hình thức hóa nội dung, và
ngược lại khi nói đến hình thức thì nó nói luôn hình thức này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội
dung đã chọn”. Như vậy, theo ông, khi tìm hiểu một tác phẩm văn học dù dưới bất kì góc độ nào,
đều phải chú trọng cả hai mặt nội dung và hình thức. Nghiên cứu liên kết liên tưởng trong thơ ca
cũng không ngoại lệ.
Năm 1987, Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội đã giới thiệu với bạn
đọc công trình “Ngôn ngữ thơ” của Nguyễn Phan Cảnh [6]. Công trình gồm mười hai chương.
Chương 1 viết về “Ngôn ngữ giao tế và ngôn ngữ nghệ thuật”. Nội dung của chương 2 là Nghệ
thuật ngôn ngữ và các loại hình nghệ thuật. Trong chương 3: Ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi,
tác giả đã khẳng định “các nhà thơ tư duy trên chất liệu ngôn ngữ”. Chương 4: Các tín hiệu đơn.
Chương 5: Cách tổ chức kép các lượng ngữ nghĩa hay bản chất các phương thức chuyển nghĩa có
tính chất ẩn dụ. Trong chương này, tác giả đã cho rằng “Một văn bản thơ, tuy bao gồm nhiều tín
hiệu riêng lẻ với tư cách là những yếu tố tạo thành của tác phẩm, nhưng bản chất nghệ thuật của
văn bản lại tùy thuộc một cách rất cơ bản vào phương thức liên tưởng của các tín hiệu ấy. Nói cách
khác, nghệ thuật ngôn ngữ trước hết là nghệ thuật tạo những mối liên tưởng giữa các yếu tố riêng lẻ
làm thành tác phẩm nhằm sử dụng một cách mỹ học chiều dày của chất liệu ngôn ngữi”. Chương 6
viết về bản chất của các phương thức chuyển nghĩa có tính chất hoán dụ. Trong chương này,
Nguyễn Phan Cảnh đã khẳng định “quan niệm tri giác mỹ học như một quá trình, một phạm trù giãn
nở, chú trọng đến tính chất động học của nó, lắp ghép chính là phương thức hướng dẫn sự chú ý và
liên tưởng của người nhận một cách bắt buộc”. Trong chương 7, tác giả đề cập đến vấn đề nhạc thơ.
Chương 8: Nét khu biệt và nét dư trong ngôn ngữ thơ. Chương 9: Thể loại hay ngưỡng âm tiết. Ở
chương 10, tác giả chỉ tập trung viết về thể loại thơ lục bát. Chương 11 là vấn đề thơ dịch và dịch
thơ. Chương 12 viết về Động học của thi pháp hay sự giãn nở của ngôn ngữ thơ. Có thể nói, công
trình Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Phan Cảnh là một trong những công trình nghiên cứu thơ ca dưới
góc độ ngôn ngữ học rất có giá trị. Tuy nhiên, do tính chất bao quát, trong công trình này, vấn đề
liên kết liên tưởng vẫn chưa được tìm hiểu kĩ.
Trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 5 – 2000 có bài viết “Vầng trăng từ độ ” của Trần
Hoàng [23]. Bài viết này đã đề cập đến những cách biểu đạt vầng trăng dựa trên sự liên tưởng. Tác
giả đã khẳng định “sự liên tưởng càng độc đáo càng giàu tính sáng tạo, càng gây được nhiều rung
cảm thẩm mĩ ở người đọc”. Đồng thời, tác giả cũng cho rằng “qua cái liên tưởng ấy, ta hiểu được
tâm hồn và cá tính của nhà thơ”. Rõ ràng, liên tưởng có vai trò rất quan trọng trong thơ ca.
Năm 2006, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra mắt bạn đọc công trình “Những lĩnh
vực ứng dụng của Việt ngữ học” của Nguyễn Thiện Giáp [14]. Công trình gồm có năm chương.
Trong đó, nội dung Việt ngữ học với việc nghiên cứu văn học ở chương 4 đã đề cập đến việc nghiên cứu văn học dưới góc độ ngôn ngữ học. Cụ thể là các chủ đề: Nghiên cứu văn học theo cách tiếp
cận văn bản học; Nghiên cứu văn học theo cách tiếp cận hệ thống – cấu trúc; Nghiên cứu văn học
với tư cách là nghệ thuật ngôn từ; và Vận dụng những phương pháp của ngôn ngữ học thống kê và
lí thuyết thông tin vào nghiên cứu văn học. Đây một trong những công trình quan trọng trong việc
vận dụng kiến thức ngôn ngữ học vào việc nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, công trình này cũng
chưa đề cập nhiều đến phương thức liên kết liên tưởng trong thơ.
Ngoài ra, rải rác trong các tạp chí chuyên ngành (Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và Đời sống ) cũng
xuất hiện những bài viết chung về ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ văn chương hay một số khía cạnh nào đó
của thơ ca Việt Nam
Liên quan đến đề tài còn có một số công trình nghiên cứu về liên kết văn bản tiếng Việt.
Năm 1985 (tái bản vào năm 2006), công trình “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt” của
Trần Ngọc Thêm [66] được công bố. Đây là công trình rất có giá trị và đánh dấu bước phát triển
mới của ngôn ngữ học văn bản nói chung và các phương thức liên kết văn bản nói riêng. Công trình
gồm có ba phần chính. Phần 1 gồm ba chương, đề cập đến các khái niệm và cái nhìn khái quát về
“Liên kết văn bản”. Ở phần 2, cũng gồm có ba chương, tác giả bắt đầu đi vào “Các phương thức liên
kết giữa các phát ngôn”. Phương thức liên kết liên tưởng được trình bày khá cụ thể và chi tiết ở
chương 2. Dựa vào đặc điểm liên quan về nghĩa thông qua một số ít nghĩa chung và không chứa nét
nghĩa đối lập giữa các phát ngôn, tác giả đã phân chia thành bảy kiểu liên kết liên tưởng. Đó là: liên
tưởng bao hàm, liên tưởng đồng loại, liên tưởng định lượng, liên tưởng định vị, liên tưởng định
chức, liên tưởng đặc trưng và liên tưởng nhân quả. Còn ở phần 3, tác giả đề cập đến liên kết về mặt
nội dung. Như vậy, đứng trên quan điểm phát ngôn, Trần Ngọc Thêm đã mô tả những đặc điểm cơ
bản của các phương thức liên kết liên tưởng. Từ mô hình lí thuyết chung này, chúng tôi kế thừa có
điều chỉnh để khảo sát các phương thức liên kết liên tưởng trong thơ ca Việt Nam. Có thể nói, đây là
một trong những công trình nghiên cứu sâu về các phương thức liên kết liên tưởng trong tiếng Việt.
Năm 1999, Nhà xuất bản Giáo dục đã ra mắt bạn đọc công trình của Nguyễn Thị Việt Thanh
[57] về “Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt”. Đối tượng nghiên cứu của công trình này là ngôn bản,
đề cập khá sâu về những vấn đề chung liên quan đến liên kết lời nói. Tác giả chia liên kết lời nói
thành hai phương thức: phương thức ngữ kết học và phương thức ngữ dụng học. Phương thức liên
kết ngữ kết học lại được chia thành ba tiểu loại: liên kết duy trì chủ đề, liên kết phát triển chủ đề và
liên kết logic. Nhìn chung, đóng góp chủ yếu của công trình này là nghiên cứu các phương tiện liên
kết trên ngữ liệu lời nói.
Năm 2006, quyển “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt” của Diệp Quang Ban [2] được tái
bản (lần thứ ba). Trong công trình này, ở phần 2, tác giả đã đề cập đến “Liên kết trong tiếng Việt”,
trong đó có phép liên tưởng (từ tr. 126-128). Lấy phát ngôn làm cơ sở như Trần Ngọc Thêm, Diệp Quang Ban cũng chia phép liên tưởng thành bảy kiểu cơ bản như: liên tưởng bao hàm, liên tưởng
đồng loại, liên tưởng định lượng, liên tưởng định vị, liên tưởng định chức, liên tưởng đặc trưng và
liên tưởng nhân quả. Đặc biệt, ở phần một, tác giả đã đưa ra khoảng mười lăm cách hiểu khái niệm
văn bản, phân biệt khái niệm văn bản với diễn ngôn, ngôn ngữ nói và viết, đồng thời nêu lên những
đặc trưng về văn bản nói chung.
Năm 2007, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã cho ra mắt bạn đọc quyển “Văn bản” của tác
giả Diệp Quang Ban [3]. Công trình tuy khá bao quát các khía cạnh của văn bản, đề cập hầu hết các
phương thức liên kết, nhưng nhìn chung chỉ là sự tổng hợp từ các công trình đi trước nên những
đóng góp riêng của nó là không đáng kể.
Có thể nói, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về liên kết văn
bản thơ ca Việt Nam, nhất là về liên kết liên tưởng. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã trình
bày trên đây là những cơ sở lí thuyết quan trọng, được luận văn vận dụng vào nghiên cứu ở những
mức độ khác nhau.
3. Mục đích nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu vấn đề liên kết liên tưởng trong thơ Việt Nam với mong muốn tìm hiểu
cụ thể hơn về vấn đề này, đồng thời cũng mong muốn có cái nhìn đầy đủ hơn đối với tác phẩm thơ
ca. Trước hết, mỗi một tác phẩm là một văn bản, vì vậy, nó cũng là đối tượng của ngôn ngữ học văn
bản chứ không phải chỉ là đối tượng của văn học.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng, kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ đóng góp một phần nhỏ
vào việc nghiên cứu và giảng dạy các tác phẩm thơ ca Việt Nam trong trường phổ thông hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Tìm hiểu vấn đề liên kết liên tưởng trong thơ Việt Nam, luận văn của chúng tôi giới hạn
phạm vi nghiên cứu như sau:
Các ngữ liệu khảo sát là những văn bản thơ của một số tác gia tiêu biểu trong văn học thời kì
trung đại và thời kì hiện đại. Đã là một tác phẩm văn học, mà cụ thể ở đây là tác phẩm thơ ca, thì
nhất thiết phải có sự liên kết. Tuy nhiên, khi tìm hiểu vấn đề liên kết văn bản, chúng tôi không
nghiên cứu tất cả các phương thức, phương tiện liên kết mà chỉ nghiên cứu phương thức liên kết liên
tưởng. Chúng tôi cũng thử so sánh đối chiếu kết quả thu được sau khi tìm hiểu trên cứ liệu là các
văn bản (tác phẩm) thơ ca của tác gia này với tác gia khác và hy vọng phát hiện thêm những điều
mới mẻ thú vị về phong cách cá nhân của các nhà thơ được thể hiện ở phương diện mà chúng tôi
đang nghiên cứu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu miêu tả, phân tích, đối
chiếu và một số thủ pháp như phân loại, hệ thống hóa, và thống kê toán học. Trước hết, chúng tôi thu thập và phân loại cứ liệu, sau đó, tiến hành phân tích những phương thức liên kết liên tưởng
trong các văn bản đã được thu thập được trên cơ sở xác định mỗi dòng thơ là một phát ngôn. Cuối
cùng, chúng tôi lập bảng thống kê, thử đối chiếu kết quả thu được sau khi tìm hiểu trên cứ liệu là
các văn bản (tác phẩm) thơ ca của tác gia này với tác gia khác và đưa ra những nhận xét.
6. Ý nghĩa của đề tài
- Về lí thuyết: Nghiên cứu vấn đề liên kết liên tưởng trong thơ Việt Nam sẽ góp thêm
một công trình vận dụng ngữ pháp văn bản vào nghiên cứu ngôn ngữ và nghiên cứu văn học. Đề tài
sẽ làm rõ thêm cơ sở lí luận của ngôn ngữ học văn bản, cụ thể là phương thức liên kết liên tưởng.
Thực hiện đề tài này, người viết mong muốn có sự nhìn nhận xác đáng về liên kết liên tưởng, về liên
kết văn bản, và về văn bản với tư cách là một chỉnh thể thống nhất, góp phần làm sáng rõ những giá
trị vốn đã lớn lao của thơ ca Việt Nam, đồng thời góp thêm một hướng nghiên cứu mới cho văn học.
- Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể ứng dụng vào giảng dạy thơ ca Việt
Nam trong nhà trường.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn gồm có ba chương. Nội dung
của chương một là cơ sở lí thuyết, bao gồm vấn đề liên kết liên tưởng và đặc điểm liên kết liên
tưởng trong thơ. Ở chương hai và chương ba, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát liên kết liên tưởng
trong thơ của một số tác gia tiêu biểu của thơ ca Việt Nam trong thời kì trung đại và thời kì hiện đại.
Cụ thể, trong chương hai, chúng tôi sẽ khảo sát liên kết liên tưởng trong thơ của Nguyễn Trãi, Hồ
Xuân Hương và Nguyễn Khuyến; trong chương ba, chúng tôi sẽ khảo sát liên kết liên tưởng trong
thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Xuân Quỳnh. Trọng tâm nghiên cứu của luận văn này nằm ở
chương hai và chương ba.
115 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2867 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Liên kết liên tưởng trong thơ Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xuân Quỳnh. Nhắc đến thơ Xuân Quỳnh là nhắc đến
một hồn thơ phụ nữ hồn hậu, chân thành, da diết và cũng rất đắm say trong tình yêu. Tình yêu là
nguồn cảm xúc vô tận cho thơ ca của bà.
Mở đầu là bài thơ Sóng.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm hồn người con gái đang yêu, “em” là cái tôi trữ tình của nhà
thơ. Sóng và em tuy hai mà một, có lúc phân chia, có lúc lại hòa nhập để nói lên những phương diện
phong phú, phức tạp, nhiều mâu thuẫn nhưng thống nhất trong tâm hồn người con gái đang yêu.
Đoạn thơ vừa trích dẫn đã nêu lên những dấu hiệu đặc trưng của con sóng, hay nói khác hơn là
những đặc trưng, những phương diện khác nhau của tình yêu. Nói đến những dấu hiệu đặc trưng,
nghĩa là ta đang nói đến phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Sóng có những dấu hiệu rất
riêng, có lúc đối lập nhau nhưng lại thống nhất. Đó là dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ, sóng tìm
ra tận bể. Tình yêu, nỗi khát vọng tình yêu luôn bồi hồi trong trái tim của những người trẻ tuổi.
Giữa sóng và em có mối liên hệ khắng khít với nhau, đặc trưng của sóng cũng là những đặc trưng
của tình yêu trong trái tim em. Và đoạn thơ có sự liên kết chặt chẽ với nhau một phần lớn là do
phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Ngoài ra, còn có phương thức liên kết liên tưởng định vị,
định vị trong thời gian. Và ở đây là cả một khoảng thời gian dài từ ngày xưa và đến cả ngày sau.
Thơ Xuân Quỳnh có những nỗi niềm khao khát rất nữ tính và cũng có cả những phút giây
ngậm ngùi, nuối tiếc, luyến lưu khi phải xa cách nhau. Đọc bài thơ Sân ga chiều em đi, chúng ta sẽ
thấy rõ điều này.
Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt
Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xòa ngang trán
Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc.
Những luyến lưu, nuối tiếc, những hình ảnh đẹp trong đoạn thơ trên đều đã được định vị
trong một không gian rất đặc trưng của buổi chia tay là sân ga, trong một thời gian rất ngậm ngùi và
da diết buồn, đó là buổi chiều. Những sự vật, sự việc, hành động tồn tại trong không gian và thời
gian ấy cũng là những biểu hiện cho một buổi tiễn đưa. Chẳng hạn như màu nắng nhạt, bụi cay xè
mắt, gạch im lặng, ba lô, tiếng còi tàu; có bóng anh, có tóc anh xòa ngang trán, có bàn tay da diết
nắm và có em đi. Thời gian và không gian trong bài thơ, những hình ảnh, cử chỉ,… đều thể hiện tâm
trạng ngậm ngùi đưa tiễn. Đó cũng là một trong những minh chứng cho tình yêu trong thơ Xuân
Quỳnh.
Xuân Quỳnh có rất nhiều bài thơ tình được phổ nhạc. Bài thơ Thơ tình cuối mùa thu là một
trong những bài như thế. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm hiểu bài thơ ở nhạc điệu mà tập trung vào
đề tài của luận văn là các phương thức liên kết liên tưởng trong thơ.
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt cả.
Vậy trong bài thơ này, có các phương thức liên kết liên tưởng nào? Phương thức liên kết liên
tưởng thứ nhất là liên tưởng định vị, định vị trong không gian cuối trời, trong thời gian cuối mùa
thu. Những sự vật tồn tại trong không gian đó là mây trắng bay, lá vàng thưa thớt. Những sự vật, sự
việc, con người tồn tại trong thời gian đó là biển cả, hoa cúc, anh và em, gió heo may, cỏ lật theo
chiều mây, đêm sương. Mặc dù đó là những đối tượng tồn tại trong thời gian cuối mùa thu, là những
đối tượng của phương thức liên kết liên tưởng định vị, nhưng đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy
trong số những đối tượng đó, có một vài đối tượng là những dấu hiệu đặc trưng của mùa thu như
hoa cúc, lá vàng, gió heo may. Vì thế, chúng vừa là đối tượng của phương thức liên kết liên tưởng
định vị, vừa là những đối tượng của phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Phương thức liên kết
liên tưởng thứ ba là liên tưởng bao hàm. Các đối tượng của phương thức liên kết liên tưởng này là
biển cả và dòng nước mênh mông. Đây cũng là hiện tượng liên kết phức. Dòng nước mênh mang
vừa là cái riêng trong cái chung là biển cả, vừa là dấu hiệu đặc trưng của cái chung ấy, nên nó có cả
phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Phương thức liên kết liên tưởng tiếp theo là liên tưởng
nhân quả. Trong mối quan hệ nhân quả, ta thấy có nguyên nhân là chợt làn gió heo may thổi về, kết
quả của nguyên nhân đó là nó đã làm xao động cả: lối đi quen bỗng lạ, cỏ lật theo chiều mây, đêm
về sương ướt cả. Trong số những đoạn thơ của Xuân Quỳnh mà chúng tôi đã tìm hiểu và phân tích
các phương thức liên kết liên tưởng, có lẽ, đây là đoạn thơ có các phương thức liên kết liên tưởng
rất phong phú và chúng như đan xen vào nhau. Chúng ta hãy cùng đến với một đoạn trong bài thơ
Nói cùng anh để cùng tìm hiểu các phương thức liên kết liên tưởng có phong phú và đan xen nhau
như đoạn thơ vừa rồi hay không. Có thể nói, Lưu Quang Vũ và tình yêu Lưu Quang Vũ là nguồn
cảm hứng dào dạt và mãnh liệt trong thơ tình Xuân Quỳnh. Nói với anh là một trong những lời thơ
nồng nàn mà Xuân Quỳnh dành riêng cho Lưu Quang Vũ.
Em vẫn biết đấy là điều đã cũ
Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu
Sự gắn bó giữa hai người xa lạ
Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau
[…]
Nhưng lúc này anh ở bên em
Niềm vui sướng trong ta là có thật
Như chiếc áo trên tường, như trang sách
Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà.
Nội dung chủ đạo trong lời nói với anh chính là chuyện tình yêu. Nhà thơ đã nói đến chuyện
tình yêu bằng những hình ảnh, những cảm nhận như là sự gắn bó giữa hai người xa lạ, là nỗi vui
buồn đem chia sẻ cùng nhau, là khi anh ở bên em thì niềm vui sướng trong ta là có thật. Những hình
ảnh, những cảm nhận đó cũng chính là những dấu hiệu đặc trưng của tình yêu. Các câu thơ chứa
chúng liên hệ chặt chẽ với nhau là do phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Ngoài ra, chúng tôi
còn nhận thấy có phương thức liên kết liên tưởng định vị, định vị trong thời gian. Đó là lúc này anh
ở bên em, cái cảm giác tồn tại trong khoảnh khắc ấy là niềm sung sướng trong ta là có thật. Hay ta
cũng có thể nói rằng lúc này anh ở bên em là nguyên nhân, còn niềm sung sướng trong ta là có thật
là kết quả. Đây cũng là trường hợp của hiện tượng liên kết phức. Như vậy, tương tự như đoạn
thơ trên, đoạn thơ này cũng có nhiều phương thức liên kết liên tưởng và chúng cũng đan xen,
hài hòa nhau.
Tiếp theo, ta hãy đến với một đoạn trong bài thơ Hoa cúc.
Có thay đổi gì không cái màu hoa ấy
Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu
Thời gian đi màu hoa cũ về đâu
Nay trở lại vẫn như còn mới mẻ.
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là đã khác với em xưa
Nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa
Nào đâu những biển chờ nơi cuối đất
Liên kết liên tưởng trong đoạn thơ này là liên kết định vị và liên kết đặc trưng đan xen nhau.
Thời gian định vị trong bài thơ này là mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu. Sự vật và con người tồn tại
trong thời gian đó là hoa cúc và em. Hoa cúc vừa là sự vật tồn tại trong thời gian này, vừa là dấu
hiệu đặc trưng cho mùa thu. Đến lượt mình, cả hoa cúc và em đều có những dấu hiệu đặc trưng
riêng. Hoa cúc thì vẫn vàng như thế, còn em thì khác, em đã có những biểu hiện những dấu hiệu
khác xưa, nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa, em đã qua thời tươi đẹp nhất, chỉ có hoa cúc vẫn vàng
rực mỗi độ thu về. Mọi thứ trong cuộc đời của mỗi người đều cũng sẽ thay đổi, duy chỉ có tình yêu
thì sẽ mãi vĩnh hằng. Xuân Quỳnh đã nói rõ điều này trong bài thơ Tự hát
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần, anh bán nó đi ngay
[…]
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước,
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.
Theo chúng tôi, đoạn thơ trên là một chuỗi các quan hệ nhân quả, chuỗi các phương thức liên
kết liên tưởng nhân quả. Lần lượt, anh là người coi thường của cải là nguyên nhân, nên nếu cần,
anh bán nó đi ngay là kết quả của nguyên nhân đó. Đến lượt mình, cả chùm nhân quả này lại là
nguyên nhân, và kết quả của của nguyên nhân này là chẳng dại gì em ước trái tim em bằng vàng.
Cứ như vậy, kết quả này lại là nguyên nhân của kết quả tiếp theo em trở về đúng nghĩa trái tim em.
Có thể nói, đến đây thì chuỗi quan hệ nhân quả đã tạm dừng. Mạch liên kết của bài thơ được tiếp tục
bởi phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Trái tim em, tình yêu của em có những dấu hiệu đặc
trưng riêng như biết khao khát những điều anh mơ ước, biết xúc động qua nhiều nhận thức, biết yêu
anh và biết được anh yêu. Những dấu hiệu đó cũng không phải là dấu hiệu đặc trưng riêng của Xuân
Quỳnh mà là của tất cả bao người phụ nữ trong tình yêu. Xuân Quỳnh đã thổ lộ lòng mình, đồng
thời cũng đã nói hộ nỗi lòng của những người phụ nữ khác. Nỗi lòng đó đã được Xuân Quỳnh nêu
lên bằng hai trạng thái biết khao khát, biết xúc động. Đây là những trạng thái vốn có trong tâm hồn
của những người phụ nữ đang yêu. Chúng là hai cái riêng của cùng một cái chung là tình yêu. Do
đó, đoạn thơ trên cón có cả liên kết liên tưởng đồng loại.
Trong tình yêu, trái tim của người phụ nữ, của Xuân Quỳnh vẫn chẳng bao giờ ngừng khao
khát, vẫn luôn có những giây phút thổn thức khi nghĩ về anh, về hạnh phúc em anh. Điển hình là bài
thơ Chỉ có sóng và em. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một đoạn ngắn của bài thơ này.
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim chẳng đập vì anh.
Quan hệ giữa các câu thơ trên là quan hệ nhân quả. Các câu thơ liên kết với nhau do phương
thức liên kết liên tưởng nhân quả. Nguyên nhân là được sống cùng nhau, kết quả là niềm sung
sướng với em là lớn nhất, trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực giây phút nào tim chẳng đập vì anh.
Xuân Quỳnh hướng đến tình yêu với tất cả những gì mà bà có được, với nhịp đập trái tim, với tâm
tư suy nghĩ và với cả điều tưởng chừng như đơn giản nhất, đó chính là Bàn tay em.
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dịu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
[…]
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em.
Miêu tả bàn tay, Xuân Quỳnh đã miêu tả bằng những dấu hiệu đặc trưng, bằng cả những
công việc thường nhật mà bà đảm trách. Tất cả những điều đó chỉ để diễn tả một nội dung duy nhất,
đó là tình yêu. Đoạn thơ có cả phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng và liên kết liên tưởng định
chức. Những dấu hiệu đặc trưng của bàn tay em là năm ngón chẳng thon dài, vết chai cũ, đường
gân xanh vất vả. Bàn tay em đã từng làm những công việc như đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ, hái
rau dền rau dịu nấu canh, tập vá may, tết tóc một mình, rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ. Những dấu
hiệu đặc trưng đó, những công việc em đã từng vốn dĩ là của riêng em, còn trong tình yêu với anh,
nó đã là tài sản vô giá của anh, của tình yêu. Phương thức liên kết liên tưởng tiếp theo là liên tưởng
bao hàm. Em trao anh bàn tay em, trao anh cả cuộc đời em,
Đối với Xuân Quỳnh, những sự vật bình thường, những loài hoa bé nhỏ, mộc mạc cũng có
thể trở thành hình tượng của thơ ca, của tình yêu. Chẳng hạn như hoa ngâu trong bài thơ Bao giờ
ngâu nở hoa.
Những bông hoa nho nhỏ
Chỉ có chút hương đầm
Ẩn vào trong kẽ lá
Như mối tình lặng câm
Vượt qua đồi qua suối
Bỗng gặp một mùi hương
Như lời yêu thầm gọi
Đoạn thơ trên đã miêu tả những dấu hiệu đặc trưng của hoa ngâu. Vì thế, các câu thơ liên kết
được với nhau là do phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng. Hoa ngâu có những dấu hiệu đặc
trưng không thể nhầm lẫn với các loài hoa khác. Những dấu hiệu đó là những bông hoa nho nhỏ, chỉ
có chút hương đầm, ẩn vào trong kẽ lá. Những dấu hiệu đó cũng là dấu hiệu đặc trưng cho tình yêu
e ấp, kín đáo nhưng cũng rất thiết tha, là điều khiến người ta mơ tưởng và nhớ nhung cho dù có vượt
qua đèo qua suối.
Cũng như những bông hoa ngâu, hình tượng Thuyền và biển cũng là một trong những sáng
tạo nghệ thuật độc đáo của Xuân Quỳnh. Nhà thơ đã mượn hai hình ảnh này để ẩn dụ cho tình yêu.
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.
Thuyền và biển có mối quan hệ bao hàm nhau. Liên kết liên tưởng giữa chúng là liên tưởng
bao hàm. Thuyền có những dấu hiệu đặc trưng riêng, và biển cũng có những dấu hiệu đặc trưng
riêng, hay nói khác hơn, đó là những dấu hiệu đặc trưng của đôi lứa trong tình yêu mà chỉ có họ mới
có thể thấu hiểu lẫn nhau mà thôi. Biển thì mênh mang, thuyền thì đi đây đi đó. Đặc điểm đi đây đi
đó vừa là dấu hiệu đặc trưng, vừa có thể là chức năng của thuyền. Nên liên kết trong thơ còn có liên
kết liên tưởng định chức. Phương thức liên kết liên tưởng tiếp theo là liên tưởng nhân quả. Các
nguyên nhân lần lượt là những ngày không gặp nhau; nếu từ giã thuyền rồi; nếu phải cách xa anh;
kết quả của các nguyên nhân trên lần lượt là biển bạc đầu thương nhớ, là lòng thuyền đau rạn vỡ;
biển chỉ còn sóng gió; em chỉ còn bão tố.
Trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu các phương thức liên kết liên tưởng ở một số đoạn thơ trong
những bài thơ tình của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các phương thức
liên kết liên tưởng trong một số bài thơ khác của bà.
3.3.2. Những bài thơ khác
Đầu tiên là bài thơ Thơ viết cho mình và những người con gái khác.
Các cô gái cùng thời với tôi
Tôi giống cô và lại khác các cô
Trán tôi dô ra bướng bỉnh hơn, bàn tay thô lại còn vụng nữa.
Vụng đến nỗi không chỉ mó đến đâu là đổ vỡ
Mà khi nói chuyện với ai, tôi thấy tay thừa không biết giấu vào đâu.
Trong đoạn thơ trên, Xuân Quỳnh đã nêu ra những dấu hiệu khác biệt của mình so với những
người con gái khác cùng thời. Những dấu hiệu đó là trán tôi dô ra bướng bỉnh hơn, bàn tay thô lại
còn vụng nữa. Đoạn thơ trên liên kết được với nhau một phần là do phương thức liên kết liên tưởng
đặc trưng. Đồng thời, cũng có cả phương thức liên kết liên tưởng nhân quả. Nguyên nhân là bàn tay
thô lại còn vụng nữa, từ nguyên nhân ấy đã dẫn đến kết quả là mó đến đâu là đổ vỡ và khi nói
chuyện với ai, tôi thấy tay thừa không biết giấu vào đâu. Tuy nhiên, theo chúng tôi nghĩ, đó chỉ là
những cảm nhận riêng rất khiêm tốn của nhà thơ về bàn tay mình. Cũng bàn tay thô và vụng đó,
Xuân Quỳnh đã từng xem như là cả cuộc đời em và dành trọn cho anh.
Chúng ta đã từng cảm thấy một Xuân Quỳnh rất nồng nàn, tha thiết, mãnh liệt trong tình yêu,
nhưng lại cũng có thể một Xuân Quỳnh rất hồn nhiên, dí dỏm trong cuộc sống thường nhật. Điều
này đã được thể hiện trong bài thơ Thơ vui về phái yếu
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không
tên tuổi
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép đến trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đáng răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét…
Trong đoạn thơ trên, ta thấy có phương thức liên kết liên tưởng định chức. Nhà thơ đã khái
quát những công việc nhỏ nhoi thường nhật của những người phụ nữ trong gia đình. Những công
việc đó là việc bếp núc, nghĩ về chợ búa, xếp hàng mua thịt, sắm cho con đôi dép đến trường, lo đan
áo cho chồng con khỏi rét. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên trong đoạn thơ là hình tượng điển hình
cho bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam khác. Họ là những người hết mực yêu chồng thương con, họ
có thể làm được tất cả mọi việc vì chồng, vì con nhưng không hề ca thán. Đó là những đặc trưng của
người phụ nữ Việt Nam, do đó, những chi tiết này có thể được xem là yếu tố của phương thức liên
kết liên tưởng định chức, lại cũng có thể là yếu tố của phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng.
Đây cũng là một trong những trường hợp có hiện tượng liên kết phức thường thấy trong thơ ca.
Tiếp theo là một đoạn trích trong bài thơ Không đề
Sắc lá phong rực vàng lên lần cuối
Trái mùa thu chín vội trước khi xa
Như ngọn lửa bùng lên rạng rỡ
Ánh hoàng hôn rực cháy trước hiên nhà
Cũng có thể mùa thu chưa hết
Vẫn còn đang lưu luyến khách đi qua
Cũng có thể là tôi đến chậm
Thấy màu mây rừng lá tưởng còn thu.
Toàn cảnh được miêu tả trong bài thơ này là cảnh tàn thu. Mùa thu là đề tài muôn thuở của
thi nhân từ Đông Tây kim cổ. Tuy mỗi nhà thơ có một cách cảm nhận và miêu tả khác nhau về mùa
thu, nhưng mùa thu bao giờ cũng có những dấu hiệu đặc trưng vốn có của nó. Những dấu hiệu đặc
trưng đó cũng được gợi lên trong bài thơ Không đề của Xuân Quỳnh. Đó là sắc lá phong rực vàng
lên lần cuối, trái mùa thu chín vội trước khi xa, ánh hoàng hôn rực cháy trước hiên nhà. Đoạn thơ
có chút gì đó như ngậm ngùi, lưu luyến khi mùa thu dần xa. Phương thức liên kết liên tưởng thứ hai
trong đoạn thơ này là liên tưởng nhân quả. Nguyên nhân là có thể tôi đến chậm, vì đến chậm nên
thấy màu mây rừng lá tưởng còn thu. Mặc dù đoạn thơ miêu tả cảnh tàn thu, nhưng tác giả vẫn gợi
lên trong lòng người đọc một khung cảnh với vẻ đẹp rực rỡ, tràn đầy sức sống và cũng rất nên thơ.
Trong thơ ca, có những hình ảnh, những tứ thơ xuất phát từ trí tưởng tượng, từ cảm xúc, từ
những rung động trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên, của đất trời; nhưng có khi, nó cũng xuất phát
từ những điều rất mộc mạc, bình dị và rất đời thường. Chẳng hạn như Tiếng gà trưa.
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“cục … cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái tơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng.
Điều khiến cho thi sĩ cảm thấy nao nao, rung động lại là âm thanh rất đỗi đời thường, rất
quen thuộc và ấm áp – tiếng gà trưa. Đoạn thơ được gói gọn trong một không gian nghệ thuật tuyệt
đẹp là xóm nhỏ. Trong không gian đã được định vị đó, tồn tại những sự vật, những âm thanh của
cuộc sống. Đó là tiếng gà ai nhảy ổ, ổ rơm hồng những trứng, con gà mái tơ, con gà mái vàng.
Phương thức liên kết liên tưởng thứ nhất là liên tưởng định vị. Phương thức liên kết liên tưởng thứ
hai là nhân quả. Quan hệ nhân quả diễn ra theo một chuỗi liên hoàn. Vì đã đẻ trứng ổ rơm hồng
những trứng, nên gà mái mới cục … cục tác cục ta. Tiếp theo, tiếng gà trưa đã khiến cho xao động
nắng trưa, nghe bàn chân đỡ mỏi, nghe gọi về tuổi thơ. Phương thức liên kết liên tưởng thứ ba là
liên tưởng đồng loại. Hai yếu tố của phương thức liên kết liên tưởng này là con gà mái tơ, con gà
mái vàng. Phương thức liên kết liên tưởng thứ tư là liên tưởng đặc trưng. Con gà mái tơ với dấu
hiệu đặc trưng của nó là khắp mình hoa đốm trắng, còn con gà mái vàng thì lông óng như màu
nắng.
Ở đâu trên đất nước này đều cũng có thể trở thành tình yêu. Đó có thể là xóm nhỏ trong
đoạn thơ trên, là nơi mà nhà thơ ghé qua trong phút chốc, nhưng có những nơi chốn đã gắn
bó thân thuộc như Hà Nội, trên Những con đường tháng giêng.
Tôi yêu những con đường Hà Nội
Cuối năm cây cơm nguội lá vàng
Những ngọn đèn thắp sáng lúc hoàng hôn
Mái phố cũ nhấp nhô trong khói nhạt.
Ngã năm rộng, cỏ ven hồ xanh mướt
Năm nay đào nở sớm, tháng giêng sang
Tháng giêng bỡ ngỡ búp bàng non
Nhiều trẻ con và nhiều chim sẻ.
Đoạn thơ trên có phương thức liên kết liên tưởng định vị, định vị trong không gian và cả thời
gian. Đó là những con đường Hà Nội vào tháng giêng. Những sự vật, hiện tượng được định vị trong
không gian và thời gian đó là cây cơm nguội lá vàng, những ngọn đèn thắp sáng lúc hoàng hôn, mái
phố cũ nhấp nhô trong khói nhạt, ngã năm rộng, cỏ ven hồ xanh mướt, đào nở sớm, búp bàng non,
nhiều trẻ con và nhiều chim sẻ. Phương thức liên kết liên tưởng thứ hai là liên tưởng đặc trưng.
Trong số những sự vật, hiện tượng tồn tại trong không gian và thời gian ấy có những dấu hiệu đặc
trưng của Hà Nội, có những dấu hiệu đặc trưng cho tháng giêng, cho mùa xuân. Những dấu hiệu đặc
trưng của Hà Nội là cây cơm nguội lá vàng, mái phố cũ, ngã năm rộng, cỏ ven hồ. Đó là những dấu
hiệu rất riêng của Hà Nội, không nhầm lẫn với bất cứ nơi nào khác. Còn những dấu hiệu đặc trưng
của tháng giêng, của mùa xuân là cỏ xanh mướt, đào nở, búp bàng non. Những hình ảnh đó đã gợi
lên một bức tranh thiên nhiên tươi mát và tràn đầy sức sống mỗi độ xuân về. Mỗi mùa trong năm
đều có những dấu hiệu đặc trưng riêng. Mùa xuân là thế, mùa hạ cũng có những dấu hiệu đặc trưng
riêng của mình. Và dưới đây là một đoạn ngắn trong bài thơ Tháng năm.
Giấc ngủ vừa chợp qua
Nắng đã về trước cửa
Đêm ngắn phút gần nhau
Ngày dài như nỗi nhớ.
Trong đoạn thơ trên có những dấu hiệu đặc trưng của tháng năm và có cả những đặc trưng
của tình yêu. Tháng năm có đặc trưng là ngày dài đêm ngắn, tình yêu có đặc trưng là nhớ nhung khi
xa cách. Và đặc biệt là khi yêu, cảm giác được ở gần bên nhau bao giờ cũng ngắn ngủi, còn xa cách
nhớ nhung thì dường như kéo dài hơn.
Những dấu hiệu đặc trưng của mùa còn được tái hiện trong bài thơ Mùa hạ.
Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi.
[…]
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
Mùa hạ được miêu tả bằng những dấu hiệu đặc trưng như tiếng chim reo, trời xanh biếc,
nắng tràn trên khắp ngả, quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa. Những màu sắc rực rỡ, những hoa
trái ngọt ngào đó còn là hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng tuổi trẻ. Tuổi trẻ với những khát vọng cống
hiến, khát vọng được đến những miền đất xa lạ, đầy khó khăn thử thách để được trải nghiệm, để
được dấn thân vì đất nước, vì dân tộc. Họ có thể lên rừng, xuống biển hay đến những hải đảo xa xôi
để thỏa khát vọng của mình. Xuân Quỳnh cũng thế, và Những bông hoa đầu tiên ra đảo ra đời trong
hoàn cảnh như vậy.
Chỉ có hoa mẫu đơn
Ở lâu rồi trên đảo
Dù lộng lẫy đến đâu
Một mình thành đơn điệu
Dù đẹp đến thế nào
Một mình buồn cũng héo
Giờ mới thêm hoa lựu
Như đốm lửa vừa nhen
Hoa ngâu còn mềm yếu
Sống xa nhà chưa quen
Lạc vài bông lay-ơn
Như dáng người thành phố
Cây ngọc lan còn nhỏ
Nên mùi hương chưa về
Phượng chưa đỏ mùa ve
Hát trên miền đất lạ….
Phương thức liên kết liên tưởng bao trùm đoạn thơ này là liên tưởng đồng loại. Bài thơ viết
về những bông hoa đầu tiên ra đảo. Những bông hoa đó là hoa mẫu đơn, hoa lựu, hoa ngâu, hoa
lay-ơn, hoa ngọc lan, hoa phượng. Ngoài ra, tác giả còn miêu tả những loài hoa này với những dấu
hiệu đặc trưng riêng của chúng. Hoa mẫu đơn thì đẹp và lộng lẫy, hoa lựu thì như đốm lửa vừa
nhen, hoa ngâu thì mềm yếu, hoa lay-ơn thì như dáng người thành phố, cây ngọc lan thì còn nhỏ,
mùi hương chưa về, hoa phượng thì chưa đỏ. Đoạn thơ có phương thức liên kết liên tưởng đồng
loại, liên kết liên tưởng đặc trưng và liên kết liên tưởng nhân quả. Hoa mẫu đơn có đẹp, có lộng lẫy
nhưng vì ở một mình nên đơn điệu và buồn héo. Cây ngọc lan vì còn nhỏ nên mùi hương chưa về.
Trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu các phương thức liên kết liên tưởng trong thơ của Xuân
Quỳnh qua những bài thơ tình và những bài thơ khác. Ở mỗi loại thơ, chúng tôi chọn ra những đoạn
trong mười bài bất kì và xem chúng như từng văn bản riêng lẻ để phân tích các phương thức liên kết
liên tưởng. Kết quả khảo sát được chúng tôi trình bày trong bảng 8 dưới đây.
Bảng 8: Thống kê phương thức liên kết liên tưởng trong thơ Xuân Quỳnh
Kiểu LKLT Thơ tình Những bài thơ khác Tổng cộng
LT bao hàm 3 0 3 – 5,8%
LT đồng loại 1 2 3 – 5,8%
LT định lượng 0 0 0 – 0%
LT định chức 3 1 4 – 7,8%
LT định vị 4 2 6 – 11,4%
LT đặc trưng 11 10 21 – 40,4%
LT nhân quả 9 6 15 – 28,8%
52
Từ bảng thống kê trên, chúng tôi nhận thấy trong các phương thức liên kết liên tưởng trong
thơ Xuân Quỳnh, phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng có ưu thế nhất với có tần số xuất hiện là
21/52, chiếm tỉ lệ 40,4% trên tổng số các phương thức liên kết liên tưởng; phương thức liên kết liên
tưởng định lượng là phương thức hạn chế nhất, không có trường hợp nào. Tiếp theo là các phương
thức liên kết liên tưởng lần lượt có tần số xuất hiện từ cao đến thấp như sau: liên tưởng nhân quả
(15 – 28,8%), liên tưởng định vị (6– 11,4%), liên tưởng định chức (4 – 7,8%), liên tưởng bao hàm
và liên tưởng đồng loại (3 – 5,8%).
Xuân Quỳnh là một nhà thơ có bản sắc tương đối rõ rệt. Thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng là
tiếng nói rất riêng của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo và giàu lòng yêu thương. Tình yêu
trong thơ Xuân Quỳnh đẹp và trong sáng, nó không chỉ đơn thuần là tình yêu mà còn tượng trưng
cho cái đẹp, cái cao quý, tượng trưng cho niềm khát khao tự hoàn thiện mình. Nói đến tình yêu, bà
luôn có những liên tưởng mới mẻ, táo bạo và cũng rất đời thường. Từ những hình ảnh bình thường,
quen thuộc của thiên nhiên như sóng, biển, mây trắng bay, chùm hoa nở trước hiên nhà, … đến
những hình ảnh trong đời thường của người phụ nữ như bàn tay em, trái tim em, cuộc đời em
…đều có thể trở thành phương tiện liên tưởng để diễn đạt tình yêu.
Bên cạnh mảng thơ tình, Xuân Quỳnh còn viết về nhiều chủ đề khác nhau, mà ở mỗi chủ đề,
bà lại có những phát hiện, đóng góp mới. Những hình ảnh, cấu tứ, cảm xúc và liên tưởng thường
đến trong thơ Xuân Quỳnh một cách tự nhiên nhưng rất uyển chuyển và tinh tế. Chẳng hạn như
trong Thơ viết cho mình và những người con gái khác hoặc Thơ vui về phái yếu, ta có thể thấy
những hình ảnh liên tưởng là những hình ảnh bình thường, đơn giản, tưởng chừng như không thể
nào thành thơ, thế nhưng với thơ Xuân Quỳnh, chúng đến tự nhiên và đầy xúc cảm. Hay như tiếng
gà trưa bên xóm nhỏ có thể giúp ta liên tưởng đến cuộc sống yên bình của quê hương đất nước. Đó
cũng chính là niềm tin, niềm hi vọng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Cái hay, cái mới lạ, độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh là ở chỗ từ những hình ảnh bình thường,
quen thuộc tác giả có thể liên tưởng đến những vấn đề khác đẹp hơn, cao cả hơn, đó là tình yêu và
sự sống của người phụ nữ. Thoáng nhìn, ta thấy hình ảnh trong thơ Xuân Quỳnh quá đỗi bình
thường, nhưng bất kì hình ảnh nào trong thơ bà cũng đều có hai lớp nghĩa, một là lớp nghĩa thực,
một là lớp nghĩa biểu tượng. Điều này cũng đã phần nào thể hiện phong cách, tài năng và trí
tuệ của nhà thơ.
Đặc điểm thơ Xuân Quỳnh là sự trẻ trung, hồn nhiên cộng với cái thông minh, dân dã thể
hiện qua những cảm xúc tinh tế, những nhận xét tinh vi, và hầu như lúc nào cũng pha chút hài hước,
tinh nghịch tạo nên dấu ấn riêng về liên tưởng.
3.4. Tiểu kết
Qua quá trình nghiên cứu các phương thức liên kết liên tưởng trong thơ của một số tác gia
văn học Việt Nam thời kì hiện đại, chúng tôi bước đầu có được những kết quả như trong bảng 9 sau
đây:Bảng 9: Thống kê phương thức liên kết liên tưởng trong thơ Việt Nam hiện đại
Kiểu LKLT Thơ
Hàn mặc Tử
Thơ
Chế Lan Viên
Thơ
Xuân Quỳnh
Tổng cộng
LT bao hàm 5 1 3 9 – 6,8%
LT đồng loại 4 1 3 8 – 6,1%
LT định lượng 0 1 0 1 – 0,75%
LT định chức 1 1 4 5 – 3,77%
LT định vị 3 11 6 20 – 15,15%
LT đặc trưng 13 11 21 45 – 34,1%
LT nhân quả 16 13 15 44 – 33,33%
132
Vì điều kiện thời gian và dung lượng của một luận văn không cho phép chúng tôi tìm hiểu
thơ ca của tất cả các tác gia văn học Việt Nam hiện đại, nên chúng tôi chỉ có thể chọn ba tác gia tiêu
biểu để khảo sát. Và ở mỗi tác giả đó, chúng tôi cũng không đủ điều kiện để có thể xem xét toàn bộ
các tác phẩm thơ ca của họ, mà chỉ tìm hiểu khoảng từ mười lăm đến hai mươi bài thơ.
Từ bảng 9 trên đây, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
Nhìn chung, tần số xuất hiện và tỉ lệ các phương thức liên kết liên tưởng mà cả ba nhà thơ đã
vận dụng là không đồng đều. Ở cả ba tác gia, chúng tôi đã phân tích được tổng cộng là 132 phương
thức liên kết liên tưởng. Phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng chiếm ưu thế nhất, với tần số
xuất hiện là 45/132, chiếm tỉ lệ là 34,1%. Tiếp theo là phương thức liên kết liên tưởng nhân quả (44
– 33,33%). Các phương thức liên kết liên tưởng tiếp theo có tần số xuất hiện từ cao đến thấp là: liên
kết liên tưởng định vị (20 – 15,15%), liên kết liên tưởng bao hàm (9– 6,8%), liên kết liên tưởng
đồng loại (8 – 6,1%); liên kết liên tưởng định chức (5 – 3,77%) và phương thức liên kết liên tưởng
được sử dụng hạn chế nhất là phương thức liên kết liên tưởng định lượng (1 – 0,75%).
Hai phương thức liên kết liên tưởng có tần số xuất hiện nhiều nhất là liên kết liên tưởng đặc
trưng và liên tưởng nhân quả. Đó là vì: trong khoảng đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam bắt đầu bước
vào quá trình hiện đại hóa, thơ ca cũng không ngoại lệ. Các nhà thơ trong thời kì này đã có những
cách tân mới mẻ cho thơ ca, thơ ca đã vượt ra khỏi tính quy phạm vốn có của thơ cũ. Các nhà thơ
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thơ ca phương Tây, đặc biệt là thơ ca lãng mạn của Pháp. Đồng thời,
thơ ca hiện đại cũng chịu tác động rất quan trọng của hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Thơ
ca thời kì hiện đại không chỉ đơn thuần là thơ tả cảnh ngụ tình như thời kì trước, mà các nhà thơ đã
tìm tòi và sáng tạo ra những cách diễn đạt, những liên tưởng mới mẻ và táo bạo để miêu tả cho đặc
sắc các sự vật, sự việc và diễn tả một cách tốt nhất những tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của con
người, vốn chịu ảnh hưởng từ nhiều trào lưu văn hóa khác nhau.
Qua quá trình phân tích các phương thức liên kết liên tưởng trong thơ ca Việt Nam hiện đại,
chúng tôi cũng đã phần nào phát hiện được nét độc đáo trong phong cách thơ của từng tác giả.
Trước hết, trong thơ của Xuân Quỳnh, đặc sắc hơn cả là những bài thơ tình. Tình yêu, hạnh phúc
trong tình yêu và viết về điều đó là cả niềm đam mê và lẽ sống của nhà thơ. Xuân Quỳnh đã mượn
nhiều hình tượng khác nhau từ thiên nhiên, từ cuộc sống để diễn tả cho tình yêu của mình. Những
cách miêu tả và liên tưởng của nhà thơ đã tạo cho người đọc ấn tượng về một người phụ nữ chân
thành, da diết trong tình yêu, luôn khao khát về hạnh phúc đời thường nhưng cũng chứa đựng nhiều
âu lo khắc khoải. Những liên tưởng của Xuân Quỳnh có khi hồn nhiên, tinh nghịch nhưng cũng có
khi mãnh liệt và đầy bão tố. Ta cũng có thể bắt gặp cái khắc khoải âu lo, cái dữ dội, đau đớn trong
thơ của Hàn Mặc Tử. Thế giới liên tưởng trong thơ Hàn Mặc Tử là cả một thế giới siêu thực. Yêu
thương trong tưởng tượng và đớn đau, điên loạn cũng trong tưởng tượng. Trăng, máu và linh hồn là
những nhân vật thường xuất hiện trong thơ ông. Trăng nhảy múa, trăng nằm sóng soãi, máu ràn rụa,
hồn phiêu diêu,… Không gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử đã chứng tỏ một trí tưởng tượng
phong phú, một tài năng nghệ thuật độc đáo có một không hai trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Nếu
thơ Hàn Mặc Tử là cả một thế giới siêu thực thì thơ Chế Lan Viên lại những vần thơ đầy tính triết lí.
Một nét đặc sắc khác trong phong cách Chế Lan Viên là sự phong phú, đa dạng và đầy biến hóa của
hình tượng thơ. Nhờ triết lí mà cái quen thuộc bỗng được lạ hóa, cái cảm thấy bỗng được nhận ra,
để người đọc thấy giàu thêm về nhận thức và cảm xúc. Người đọc như có thêm nhiều trải nghiệm
mới với thơ Chế Lan Viên. Những hình tượng trong thơ Chế Lan Viên thể hiện một khả năng liên
tưởng thần bí, kì lạ. Một ảnh hưởng ghê gớm, một ý tưởng rùng rợn, nếu tác động vào xúc giác của
Chế Lan Viên thì tức khắc chúng sẽ tự do biến hóa theo ý muốn của trí tưởng tượng. Vì thế, đọc thơ
Chế Lan Viên, ta thấy nó như thực, như mơ, như ảo huyền, mộng mị, để hiểu được nó, ta phải dùng
đến trí tưởng tượng cùng với trực giác của mình. Trong thơ Chế Lan Viên có hai loại hình ảnh, đó là
loại có tính chất hiện thực và loại có tính chất ẩn dụ, tượng trưng. Tiêu biểu cho thế giới nghệ thuật
trong thơ Chế Lan Viên là loại hình ảnh thứ hai. Hầu hết hình ảnh trong thơ ông đều tồn tại dưới
dạng biểu tượng, tượng trưng, khái quát. Có thể nói, thơ Chế Lan Viên thể hiện một nguồn cảm
hứng dồi dào cùng với một sức liên tưởng mãnh liệt.
KẾT LUẬN
1. Nhìn chung, các phương thức liên kết liên tưởng được vận dụng trong thơ của các tác
giả Việt Nam trung đại và hiện đại được lựa chọn khảo sát là không đồng đều nhau về số lượng và tỉ
lệ. Phương thức liên kết liên tưởng đặc trưng chiếm ưu thế nhất, với tần số xuất hiện là 81/275,
chiếm tỉ lệ 29,45%. Tiếp theo là phương thức liên kết liên tưởng nhân quả (66 – 24%). Các phương
thức liên kết liên tưởng khác có tần số xuất hiện lần lượt từ cao đến thấp là: liên kết liên tưởng định
vị (44 – 16%), liên kết liên tưởng đồng loại (42 – 15,28%), liên kết liên tưởng bao hàm (23–
8,36%), liên kết liên tưởng định chức (15 – 5,46%); được sử dụng hạn chế nhất là phương thức liên
kết liên tưởng định lượng (4 – 1,45%). Có thể hình dung như ở bảng 10 sau đây:
Bảng 10: Thống kê các phương thức liên kết liên tưởng
trong thơ Việt Nam trung đại và hiện đại
Kiểu LKLT Thơ ca thời kì
trung đại
Thơ ca thời kì
hiện đại
Tổng cộng
LT bao hàm 14 – 9,8% 9 – 6,8% 23 – 8,36%
LT đồng loại 34 – 23,78% 8 – 6,1% 42 – 15,28%
LT định lượng 3 – 2,1% 1 – 0,75% 4 – 1,45%
LT định chức 10 – 6,99% 5 – 3,77% 15 – 5,46%
LT định vị 24 – 16,78% 20 – 15,15% 44 – 16%
LT đặc trưng 36 – 25,17% 45 – 34,1% 81 – 29,45%
LT nhân quả 22 – 15,38% 44 – 33,33% 66 – 24%
Tổng cộng 143 132 275
Tất nhiên, sự so sánh trên chỉ là về lượng, còn về chất thì lại có sự khác biệt đáng kể. Riêng
phương diện liên kết liên tưởng, mỗi nhà thơ đều đã có những sáng tạo vô cùng độc đáo.
2. Thơ Nguyễn Trãi thể hiện một tình yêu đằm thắm với cảnh sắc thiên nhiên và tấm
lòng yêu nước nồng nàn. Ta có thể thấy nhiều nét đặc sắc, mới mẻ của Nguyễn Trãi ở ngay những
vấn đề, đề tài dường như rất quen thuộc, rất chung của các nhà Nho là thú ẩn dật thanh nhàn, thói
đời đen bạc, nhân tình thế thái,…. Hình ảnh liên tưởng trong thơ Nguyễn Trãi là những hình ảnh rất
bình dị, gần gũi. Bên cạnh đó, ta cũng có thể thấy những hình tượng, những liên tưởng mang màu
sắc triết lí về lẽ sống, những chiêm nghiệm trong cuộc đời. Trong mảng thơ thiên nhiên, có cả
những hình ảnh diễm lệ lẫn những hình ảnh giản dị, mộc mạc; đó có thể là những hình ảnh được
miêu tả theo thủ pháp ước lệ tượng trưng vốn rất quen thuộc trong thơ ca trung đại, cũng có thể là
những hình ảnh được miêu tả theo thủ pháp tả thực. Dù là ước lệ hay tả thực thì chúng đều là những
yếu tố, những phương tiện để nhà thơ liên tưởng đến một nội dung ý nghĩa sâu sắc hơn: tình yêu đối
với thiên nhiên, đối với quê hương đất nước. Nét đặc biệt trong thơ Nguyễn Trãi là giàu màu sắc
triết lí. Có lẽ vì thế mà những hình tượng, những liên tưởng trong thơ ông dường như cũng vận động
theo một quy luật nhất định: vận động đến cái đẹp, cái cao cả. Rõ ràng, các phương thức liên kết
liên tưởng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Trãi.
3. Liên tưởng trong thơ Hồ Xuân Hương thật độc đáo. Bà đã truyền sức sống và cái sắc
sảo đa tình của mình cho những sự vật, sự việc rất bình thường. Đi vào thơ ca của bà, chúng đã
mang tầng nghĩa mới đầy xúc cảm. Ta lại cũng có thể thấy ở Hồ Xuân Hương một khát vọng mãnh
liệt về cuộc sống hạnh phúc, chống lại những gì ràng buộc con người, chống lại những cái giả dối
hoặc trái tự nhiên. Điều mà bà khao khát là một cuộc sống tự do, thoải mái trong đó con người, đặc
biệt là người phụ nữ, phải có quyền hưởng lạc thú chính đáng ở đời. Trong thơ Hồ Xuân Hương, ta
thường thấy những liên tưởng tục mà thanh vốn rất quen thuộc trong văn học dân gian. Cách thức
liên tưởng đầy tính nghệ thuật mà cũng rất đời thường đó đã tạo nên phong cách độc đáo cho thơ ca
Hồ Xuân Hương: bác học nhưng cũng rất bình dân.
4. Như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến là một trong những cây đại thụ của nền văn học
dân tộc. Nông thôn Việt Nam vốn dĩ rất đẹp, rất gợi cảm, nhưng qua thơ của Tam nguyên Yên Đổ
lại xuất hiện thêm những góc nhìn mới. Những hình ảnh, những chi tiết từ hiện thực khách quan
được nhà thơ quan sát, cảm nhận và đưa vào tác phẩm hết sức tinh tế. Ngôn ngữ thơ ông đã đi sát
với đời sống thường ngày. Hình ảnh liên tưởng trong thơ Nguyễn Khuyến thường đơn sơ, khơi gợi,
thể hiện qua những chi tiết bình dị, sống động. Nó nâng sức sống, làm tăng giá trị biểu cảm cho các
câu thơ. Nguyễn Khuyến đã rất thành công trong việc chuyển đổi những tinh túy của đời thường
thành thơ. Ông được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam chính vì những cảnh, người, vật
qua cảm nhận, liên tưởng của ông đều đậm đà phong vị quê hương đất nước.
5. Thơ Hàn Mặc Tử là sự giằng xé của một con người khao khát tình yêu, cuộc sống và
một con người đau thương, điên loạn, cô độc, bơ vơ trước cuộc đời. Hàn Mặc Tử có một trí tưởng
tượng rất phong phú, nhạy cảm, tinh tế và phi thường. Vì thế mà liên tưởng trong thơ ông luôn gắn
với những hình ảnh siêu thực. Thơ ông đầy những hình ảnh kì lạ mà lộng lẫy, đau thương mà hồn
nhiên. Một đặc điểm khác trong thơ Hàn Mặc Tử là thường có yếu tố gợi tình. Nó len lỏi vào nhiều
câu thơ, nhiều bài thơ có khi thể hiện ra bằng từ ngữ, có khi lại là những hình ảnh ẩn dụ, tượng
trưng, thậm chí là hơi ma quái. Cái hay, cái độc đáo của thơ ông còn là sự liên tưởng, sự mở rộng
nhiều chiều của thời gian và không gian. Trường liên tưởng trong thơ Hàn Mặc Tử là sự giao thoa
giữa đời thực và mộng ảo.
6. Nói đến thơ Chế Lan Viên là nói đến thơ của hệ thống liên tưởng mang tính ẩn dụ.
Thơ ông không có loại miêu tả hay giải thích hiện thực mà chỉ có thơ soi rọi từ chiều sâu, qua những
nhận thức, suy nghĩ và liên tưởng. Liên tưởng trong thơ Chế Lan Viên đặc biệt mang chất trí tuệ và
vẻ đẹp triết lí. Một nét đặc sắc khác trong liên tưởng của Chế Lan Viên là sự phong phú, đa dạng và
đầy biến hóa của hình tượng thơ. Những chi tiết hiện thực của đời sống vào thơ ông bao giờ cũng
được hóa thân thành hình tượng thơ giàu mỹ cảm, hàm chứa tư tưởng. Thơ Chế Lan Viên luôn mở
rộng trường liên tưởng, giàu tính khái quát và tượng trưng. Hiện thực vào thơ ông như được lọc qua
tấm kính ngũ sắc, mới lạ hơn và có một sức hấp dẫn riêng.
7. Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Xuân Quỳnh làm thơ cốt để diễn tả
cuộc sống của chính mình về tất cả mọi phương diện: những khát khao, những tình cảm, những suy
nghĩ, và sự sống của một người phụ nữ. Với một hồn thơ như thế, trường liên tưởng trong thơ Xuân
Quỳnh luôn là những hình ảnh, những yếu tố rất đỗi đời thường, gắn bó với cuộc sống hằng ngày
của người phụ nữ, hay những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc. Nói thế không có nghĩa là Xuân
Quỳnh đem tất cả những gì đơn giản, bình thường nhất vào thơ ca, mà bà đã có những sự lựa chọn
giàu chất trí tuệ. Nét đặc biệt là từ những hình ảnh đời thường, quen thuộc đó, Xuân Quỳnh đã gợi
được ở người đọc sự đồng cảm và những liên tưởng bất ngờ đến một tình yêu nồng nàn, sâu lắng mà
cũng đầy thảng thốt, âu lo…
8. Mặc dù mỗi một nhà thơ đều có những nét riêng trong liên tưởng, nhưng qua tìm
hiểu, chúng ta vẫn nhận ra trong tác phẩm của họ một số điểm tương đồng.
Hồ Xuân Hương và Xuân Quỳnh là hai nhà thơ cùng có những khát vọng mãnh liệt về hạnh
phúc trong tình yêu. Nhưng thông qua những liên tưởng trong thơ, ta thấy ở Hồ Xuân Hương có nỗi
niềm chua xót rồi lại ngang tàng và bướng bỉnh, phản kháng; còn ở Xuân Quỳnh ta lại thấy sự trăn
trở, lo âu. Hình ảnh và ngôn từ trong thơ Hồ Xuân Hương thường theo môtip quen thuộc của dân
gian tục mà thanh, còn hình ảnh và ngôn từ trong thơ Xuân Quỳnh thì lại không như thế, nó rất đời
thường mà cũng rất thanh thoát.
Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến đều có tấm lòng yêu nước thương dân nồng nàn và sâu sắc.
Từ những sự vật, sự việc gần gũi, quen thuộc, qua liên tưởng của Nguyễn Trãi, chúng có thể trở
thành nơi để nhà thơ kí thác tâm tư, tình cảm và cảm xúc, đặc biệt là tấm lòng yêu nước thương dân
hoặc là biểu tượng của triết lí sống. Nguyễn Khuyến cũng cùng nỗi lòng với dân với nước như
Nguyễn Trãi, nhưng ông đã thể hiện điều này qua những liên tưởng kín đáo hơn.
Nguyễn Trãi và Chế Lan Viên là hai nhà thơ sống và sáng tác ở hai thời đại khác nhau,
nhưng liên tưởng trong thơ ca của hai ông vẫn có nét tương đồng. Đó là tính triết lí được biểu đạt
thông qua các hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, triết lí của Nguyễn Trãi gắn với những hình ảnh
bình dị, quen thuộc, còn triết lí của Chế Lan Viên lại gắn với những hình ảnh mang tính biểu tượng,
tượng trưng.
Chế Lan Viên đã đau thương, bi lụy với Điêu tàn, Hàn Mặc Tử cũng đớn đau và điên loạn
với Thơ điên. Đặc điểm chung nhất liên kết liên tưởng trong thơ Hàn Mặc Tử là những yếu tố siêu
thực, còn trong thơ Chế Lan Viên là những hình ảnh giàu tính biểu tượng và tính triết lí. Giữa Hàn
Mặc Tử và Hồ Xuân Hương cũng có điểm tương đồng. Cả hai cùng viết về những cảm xúc mang
tính bản năng nhưng Hàn Mặc Tử liên tưởng bằng những hình ảnh siêu thực, còn Hồ Xuân Hương
lại liên tưởng qua những hình ảnh ẩn dụ mang tính phồn thực.
*
Từ những kết quả nghiên cứu của luận văn này, có thể khẳng định, phương thức liên kết liên
tưởng là phương thức liên kết giàu tính nghệ thuật; vì vậy, trong thơ ca từ trung đại đến hiện đại,
phương thức liên kết này luôn luôn có tần số xuất hiện cao, với những biểu hiện hết sức đa dạng và
phong phú. Nó góp phần làm nên phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của từng tác giả, dĩ nhiên
là với những tác giả thực tài. Chính sự sáng tạo của những nhà thơ tên tuổi trong văn học Việt Nam
từ trung đại đến hiện đại đã mang đến những giá trị ngữ nghĩa – ngữ dụng bất ngờ cho phép liên kết
liên tưởng trong tiếng Việt.
Chúng tôi cũng tự thấy, nghiên cứu về liên kết liên tưởng trong thơ ca Việt Nam nói riêng,
thơ ca thế giới nói chung, là một việc làm rất thú vị và bổ ích nhưng cũng không hề dễ dàng. Đối
với chúng tôi, luận văn này chỉ là bước đầu. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp trở lại với đề tài này ở một
mức độ khác cao hơn, sâu hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang Ban (1989), “Khả năng xác lập mối liên hệ giữa phân đoạn ngữ pháp và phân
đoạn thực tại câu tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 4.
2. Diệp Quang Ban (2006), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục (GD).
3. Diệp Quang Ban (2007), Văn bản (Dự án đào tạo giáo viên trung học cơ sở của Bộ Giáo dục
và Đào tạo), Nxb Đại học Sư Phạm.
4. Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb GD.
5. Võ Bình (1975), “Bàn thêm một số vấn đề về vần thơ”, Ngôn ngữ, số 3.
6. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
7. Nguyễn Tài Cẩn – Vũ Đức Nghiệu (1980), “Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong
thơ Nguyễn Trãi (qua số liệu thống kê)”, Ngôn ngữ, số 3.
8. Nguyễn Tài Cẩn (1988) và Võ Bình, “Thử bàn thêm về thể thơ lục bát”, Văn hóa dân gian,
số 3+4.
9. Nguyễn Tài Cẩn (2001), “Truyền thống gieo vần trong thơ chữ Hán ở Việt Nam”, trong Một
số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội.
10. Mai Ngọc Chừ (1986), “Một số kết quả nghiên cứu vần thơ dưới ánh sáng ngôn ngữ học”.
Trong Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông,Viện ngôn ngữ học, Hà
Nội.
11. Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb GD.
12. Hữu Đạt (1996), “Đặc điểm phong cách của thơ và ca dao”, Ngôn ngữ, số 4.
13. Nguyễn Thiện Giáp (1989), Ngôn ngữ văn hóa và Ngôn ngữ văn chương, KHXH, số 1.
14. Nguyễn Thiện Giáp (2006), Những lĩnh vực ứng dụng của dụng học Việt ngữ, Nxb ĐHQG,
Hà Nội.
15. M.A.K, Halliday and Ruqaiya Hasan (1976), Cohesion in English, Long man – London and
New York.
16. M.A.K, Halliday (2001), Dẫn luận ngữ pháp chức năng, Nxb ĐHQG Hà Nội. (Hoàng Văn
Vân dịch).
17. Kate Hamburger (2004), Logic học về các thể loại văn học (Người dịch: Vũ Hoàng Địch,
Trần Ngọc Vương), Nxb ĐHQG Hà Nội.
18. Tế Hanh (1998), “Chữ và nghĩa trong thơ”, Văn học, số 12.
19. Hồ Sĩ Hiệp (2002), “Cái vỏ hình thức thơ Đường trong SGK văn học”, Ngôn ngữ, số 8.
20. Lê Anh Hiền (1973), “Vần thơ và cái nền của nó trong thơ Việt Nam”, Ngôn ngữ, số 4.
21. Lê Trung Hoa, Hồ Lê (1990), Thú chơi chữ, Nxb Trẻ Tp HCM.
22. Trần Hoàng (1998), “Những sắc thái tình cảm tế nhị của dấu câu tiếng Việt”, Ngôn ngữ và
đời sống, số 1, tr 12-13.
23. Trần Hoàng (2000), “Vầng trăng từ độ….”, Ngôn ngữ và đời sống, số 9, tr 3-4.
24. Bùi Công Hùng (1981), “Các thành phần của câu thơ”, Văn học, số 3.
25. Tố Hữu (1998), “Tiếng Việt giàu và đẹp, phải biết khơi nguồn sáng tạo từ đó”, Văn học, số
12.
26. Đỗ Văn Hỷ (1993), Người xưa bàn về văn chương, Tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội
27. R. Jakobson (Trần Duy Châu biên khảo), Thi học và ngữ học, Nxb VH, Hà Nội, 2008.
28. Thụy Khuê (1995), Cấu trúc thơ, Nxb Văn nghệ.
29. Đông La (2001), “Đôi nét về thơ hiện đại và cách tiếp cận”, Ngôn ngữ, số 2.
30. Đinh Trọng Lạc (1975), “Về sự phân tích ngôn ngữ tác phẩm văn học trong nhà trường”,
Ngôn ngữ, số 2.
31. Nguyễn Lai (1981), “Sự gắn bó giữa văn chương và chữ nghĩa”, Văn nghệ, số 51.
32. Nguyễn Lai (1998), Ngôn ngữ với sáng tạo văn học và tiếp nhận văn học, Nxb GD.
33. Mã Giang Lân (2003), Thơ Hàn Mặc Tử và những lời bình, Nxb Văn hóa Thông tin.
34. Hồ Lê (1975), “Tính khác biệt và tính thống nhất giữa nghĩa văn bản và nghĩa tiềm tàng của
câu”, Ngôn ngữ, số 1.
35. Nguyễn Thế Lịch (1997), “Về các tính chất của ngôn ngữ nghệ thuật”, Ngôn ngữ, số 4.
36. Nguyễn Thế Lịch (2000), “Ngữ pháp của thơ”, Ngôn ngữ, số 11.
37. Nguyễn Thế Lịch (2000), “Ngữ pháp của thơ”, Ngôn ngữ, số 12.
38. Nguyễn Thế Lịch (2001), “Ngữ pháp của thơ”, Ngôn ngữ, số 1.
39. Nguyễn Văn Lợi (2001), “Mấy suy nghĩ về nội dung và phương pháp giảng dạy một số tác
phẩm thơ hiện đại trong chương trình trung học phổ thông”, Ngôn ngữ, số 16.
40. Lê Đức Luận (2004), “Phương thức kết nối trong ca dao”, Ngôn ngữ, số 5.
41. Trần Nhuận Minh (2001), “Ngôn ngữ thơ hiểu thế nào cho phải?” , Ngôn ngữ, số 6.
42. Tôn Thảo Miên (2002), Hàn Mặc Tử - tác phẩm và dư luận, Nxb VH.
43. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb KHXH, Hà
Nội.
44. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ.
45. Phan Ngọc (1998), “Diễn biến của hình thức song thất lục bát”, Văn học, số 12.
46. Phạm Thị Ngọc – Nguyễn Anh Vũ (2002), Chế Lan Viên – Điêu tàn, tác phẩm và dư luận,
Nxb VH.
47. Bùi Văn Nguyên (1989), “Cấu trúc thơ thất ngôn cách luật trong văn chương Việt Nam”,
Ngôn ngữ, số 3.
48. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1999), Thơ ca Việt Nam – Hình thức và thể loại, Nxb
TpHCM.
49. Phan Đăng Nhật (1998), “Từ ngôn ngữ thông thường đến ngôn ngữ thơ ca: Lời nói vần”, Văn
học, số 12.
50. Đái Xuân Ninh (1985), Giảng văn dưới ánh sáng ngôn ngữ học, Nxb TpHCM.
51. Tùng Phong (1957), “Vài lối điệp trong thi ca Việt Nam”, Văn hóa nguyệt san.
52. Nguyễn Xuân Sanh (1981), “Vài ý nghĩ về thơ và ngôn ngữ thơ”. Trong Giữ gìn sự trong
sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ, T.1, Nxb KHXH, Hà Nội.
53. Trịnh Thanh Sơn (2001), “Bàn về ngôn ngữ thơ”, Ngôn ngữ, số 6.
54. Đào Thản (1985), “Tài chơi chữ của Nguyễn Khuyến”, Ngôn ngữ, số 1.
55. Đào Thản (1986), “Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thơ
Nôm”, Ngôn ngữ, số 1.
56. Đào Thản (1988), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, Nxb KHXH, Hà Nội.
57. Nguyễn Thị Việt Thanh (1999), Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt, Nxb GD, Hà Nội.
58. Vũ Thanh (2003), Nguyễn Khuyến – về tác giả và tác phẩm, Nxb GD.
59. Tuấn Thành – Anh Vũ (2002), Nguyễn Trãi – tác phẩm và dư luận, Nxb VH.
60. Lý Toàn Thắng (2001), “Bằng trắc lục bát Truyện Kiều”, Ngôn ngữ, số 4.
61. Phạm Văn Thấu (2000), Cấu trúc liên kết của cặp thoại (trên cứ liệu tiếng Việt), Trường
ĐHSP Hà Nội. (Luận án tiến sĩ).
62. Trần Ngọc Thêm (1980), “Một vài suy nghĩ về phương thức tổ chức văn bản trong ngôn ngữ
của Bác Hồ”, Ngôn ngữ, số 2.
63. Trần Ngọc Thêm (1981), “Một cách hiểu về tính liên kết của văn bản”, Ngôn ngữ, số 2.
64. Trần Ngọc Thêm (1989), “Văn bản như một đơn vị giao tiếp”, Ngôn ngữ, số 1-2.
65. Trần Ngọc Thêm (1989), “Văn bản và việc nghiên cứu văn bản”, Ngôn ngữ, số 5.
66. Trần Ngọc Thêm (2006), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb GD.
67. Nguyễn Đình Thi (1998), “Viết từ ngôn ngữ của cuộc sống tâm hồn mình”, Văn học, số 12.
68. Lưu Khánh Thơ – Đông Mai (2003), Xuân Quỳnh – cuộc đời và tác phẩm, Nxb Phụ nữ.
69. Nguyễn Hữu Tiến (1999), “Quan hệ liên câu trong văn bản tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 1.
70. Hoàng Trinh (1989), “Thơ và hình thức thơ”, Văn học, số 1.
71. Hoàng Trinh (1997) , Từ kí hiệu học đến thi pháp học, Nxb Đà Nẵng.
72. Nguyễn Nguyên Trứ (1991), Thơ và thẩm bình thơ, Nxb GD.
73. Hoàng Tuệ (1970), “Ngôn ngữ học và môn giảng văn trong trường học”, Ngôn ngữ, số 3.
74. Hoàng Tuệ (1971), “Ngữ pháp Truyện Kiều”, Văn học, Hà Nội, số 3.
75. Chàng Văn (Chế Lan Viên) (1993), Vào nghề, Nxb VH.
76. Lê Trí Viễn (2002), Đến với thơ hay, Nxb GD.
77. Lê Trí Viễn (2003), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, Nxb GD.
78. Viện Ngôn ngữ học (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVNNH027.pdf