MS: LVVH-VHNN016
SỐ TRANG: 135
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2009
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
[B]LỜI CẢM ƠN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU [B]
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Các công trình, bài nghiên cứu, bài báo của các tác giả nước ngoài
2.2. Các công trình, bài nghiên cứu, bài báo của các tác giả trong nước
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp tiếp cận lịch sử văn hóa
4.2. Phương pháp so sánh đối chiếu văn bản
4.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
4.4. Phương pháp hệ thống
5. Đóng góp và bố cục luận văn
CHƯƠNG 1: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN
1.1. Tình huống
1.1.1. Tình huống làm hoán đổi vai trò
1.1.2. Tình huống ước mơ bị thực tế hủy hoại
1.1.3. Tình huống hiểu lầm thay đổi số phận
1.1.4. Tình huống trở về
1.1.5. Tình huống kết hôn ứng phó
1.2. Chi tiết
1.2.1. Chi tiết biểu tượng
1.2.1.1. Cánh cửa đóng (closed door) và những bí mật
1.2.1.2. Giấc mơ sương mù
1.2.1.3. Chiếc áo cooc –se của Scarlett
1.2.2. Chi tiết đối lập trong sự thống nhất
1.2.2.1. Sự chia cắt nhưng thống nhất của đất nước trong chiến tranh
1.2.2.2. Sự đối lập nhưng thống nhất trong tính cách Ashley và Rhett
1.2.2.3. Sự dung hòa những đối nghịch trong tính cách Scarlett
1.3. Kiểu kết thúc
CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
2.1. Thế giới nhân vật
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
2.2.1. Qua miêu tả ngoại hình
2.2.2. Qua miêu tả cử chỉ hành động
2.2.3. Qua miêu tả tính cách
2.2.4. Qua khắc họa nội tâm
2.3. Thành công của M.Mitchell với kiểu nhân vật “lệch chuẩn”
2.3.1. Scarlett
2.3.2. Rhett
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT
3.1. Trần thuật khách quan vô nhân xưng
3.2. Trần thuật nửa trực tiếp
3.3. Trần thuật bộc lộ tình cảm bằng trữ tình ngoại đề
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
135 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2591 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghệ thuật tiểu thuyết cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
c
Rhett giúp đỡ những người đảng Ku Klux Klan. Mặc dù mục đích trực tiếp
của Rhett trong việc tạo ra một bằng chứng ngoại phạm giả cho những người
đàn ông đó là nhằm bảo vệ Ashley Wilkes khỏi bị treo cổ - và nhờ vậy, bảo vệ
Melanie, người Rhett luôn luôn ngưỡng mộ - thật khó mà hiểu vì sao anh phải
lao tâm như thế, và mạo hiểm như thế chỉ để cứu một người đàn ông anh luôn
xem thường. Nhưng nếu chúng ta nhớ rằng cuộc hành quyết của đảng Klan là
do một gã da đen và một tên da trắng
thấp hèn định cưỡng bức Scarlett, sự
ủng hộ của Rhett dành cho đảng
Klan trở thành hợp lý, phù hợp với
hành động trên của anh.
Anh đã nhận ra rằng điều mà
anh thực sự muốn là “cuộc sống yên
bình đường hoàng mà những người
dịu dàng đã sống trong những ngày
đẹp đẽ ôn hoà đã qua” [92]. Anh
biết rõ rằng những ngày cũ đã ra đi,
và anh có thể cũng đã biết, trong
trong góc nào của tiềm thức rằng, chúng tuy lỗi thời thật, nhưng chúng đã tốt
hơn nhiều cái cuộc sống của công cuộc Tái thiết này. Và vì thế, anh đi “săn
tìm những thị trấn cổ xưa và những đất nước cổ xưa, nơi mà những ngày cũ
vẫn còn nương náu lại.
Rhett Butler đã phát triển từ một kẻ hay chỉ trích, đầy cay độc và chỉ
quan tâm đến bản thân trở thành một quý ông miền Nam hoài cổ là do chính
sự phát triển ý thức về những khả năng thay đổi của miền Nam trong công
cuộc Tái thiết.
Như đã nói, thành công nhất của Margaret Mitchell về bút pháp tiểu
thuyết chính là trong xây dựng cốt truyện và nhân vật. Xét riêng về nhân vật,
thì cả 4 nhận vật chính (cùng với Ashley và Melenie) đều để lại ấn tượng sâu
đậm trong lòng người đọc, nhưng về mức độ “đời sống hóa” thì phải nhấn
mạnh đến cặp đôi Scarlett và Rhett. Họ đặc biệt, cuốn hút, hấp dẫn, không
phải bởi họ là những con người lí tưởng lộng lẫy bước ra từ một thời đại huy
hoàng, mà là những con người bình thường và lệch chuẩn, nhưng dám nghĩ
dám làm, dám đương đầu vượt qua thử thách và trụ vững trong cơn gió bụi
của thời cuộc. Ngày nay, những chàng trai cô gái tìm thấy trong họ những
hình mẫu cá tính mơ ước, tìm thấy sự an ủi trong những biểu hiện tâm lí tình
cảm có lúc tàn nhẫn, vô tâm nhưng cũng có lúc đầy lòng nhân và quả cảm. Vì
đơn giản, con người hoàn hảo cổ tích chỉ là kết quả của mộng tưởng, và
không ai trên cõi nhân gian hiện đại lại muốn trở thành như vậy. Chẳng cần
đến những đột phá bất ngờ về nghệ thuật, Margaret Mitchell đã “hạ gục” độc
giả bằng chính những nhân vật sắc nét không lẫn vào đâu được của mình.
Chương 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT
Khám phá nghệ thuật một tác phẩm tự sự không thể bỏ qua yếu tố trần
thuật đã được thực hiện như thế nào. “Sự trần thuật trong nghĩa trực tiếp,
chặt chẽ là việc chỉ ra bằng lời những gì đã xảy ra” [29, tr.64]. Trần thuật có
ý nghĩa quan trọng với thể loại tiểu thuyết, vì nó là cầu nối để tạo nên mối
quan hệ khắng khít giữa tác phẩm với với người đọc, đồng thời thể hiện
phong cách và tài năng của người cầm bút. Nói cách khác, cái hay của một
câu chuyện không phải là nó như thế nào, mà nó được kể ra sao.
Khi bàn về nghệ thuật trần thuật, trước tiên cần đề cập đến điểm nhìn
trần thuật. Nghĩa là khi đó người trần thuật đứng gần hay xa, trong cuộc hay
ngoài cuộc, cách biệt hay hòa hợp với đối tượng trần thuật. Sự phân biệt giữa
hình tượng tác giả và người trần thuật có mối liên hệ chặt chẽ với những kiểu
trần thuật khác nhau. Về cơ bản, có thể phân biệt hai kiểu trần thuật: trần
thuật khách quan ngôi thứ 3 vô nhân xưng và trần thuật chủ quan ngôi thứ 1
xưng “tôi”. Kiểu đầu tiên, người trần thuật gần như đồng nhất với hình tượng
tác giả, mang tiếng nói, quan điểm của tác giả. Kiểu này người trần thuật chỉ
đóng vai trò trung gian chứng kiến sự việc, hạn chế tối đa việc bộc lộ cảm xúc
để đảm bảo tính khách quan cho câu chuyện. Kiểu thứ 2, người trần thuật
cũng chính là nhân vật xưng “tôi”, điểm nhìn của người trần thuật và nhân vật
trùng nhau, người đọc khó phân biệt rõ ràng nhân vật nói hay người trần thuật
nói. Kiểu này, người trần thuật đã hiện diện với tư cách nhân vật tham gia
tương tác với các nhân vật còn lại, nên việc bộc lộ cảm xúc cũng mang tính
chủ quan hơn.
“Cuốn theo chiều gió” sử dụng lối trần thuật khách quan ngôi thứ 3 với
người trần thuật vô nhân xưng. Điểm đặc biệt là người kể chuyện tuy không
hiện diện nhưng không hoàn toàn lạnh nhạt, dửng dưng, “biết tuốt”, mà dào
dạt tình cảm ẩn đằng sau ngôn ngữ tái hiện, miêu tả, với một giọng điệu trong
sáng nhưng tràn trề tình cảm. Margaret Mitchell đã thể hiện sự mới mẻ và đột
phá ở kiểu trần thuật biến tấu, kết hợp dưới dạng trần thuật khách quan nửa
trực tiếp có nhiều bình luận và trữ tình ngoại đề, tạo nên một lối kể chuyện
giàu cảm xúc và chân thực.
Nằm trong xu hướng chung của tiểu thuyết hiện đại, điểm nhìn trần
thuật cũng ngày càng trở nên đa dạng. Đơn nhất điểm nhìn của người trần
thuật đã không còn là xu thế, mà việc di chuyển điểm nhìn sang nhân vật hoặc
tạo nhiều điểm nhìn trong một tác phẩm đã trở thành xu hướng sáng tác của
các nhà tiểu thuyết hiện đại. Trong “Cuốn theo chiều gió”, điểm nhìn trần
thuật thuộc về người kể chuyện vô nhân xưng và chuyển dịch sang nhân vật
chính Scarlett, thỉnh thoảng đặt vào một nhân vật còn lại (Ashley, Melanie,
Charles…). Cách đa dạng điểm nhìn này tạo cho người đọc nhiều góc độ khác
nhau trong quan sát và phản ánh hiện thực. Dưới đây sẽ đi vào những hình
thức trần thuật cơ bản mà Margaret Mitchell đã thể hiện trong tác phẩm.
3.1. Trần thuật khách quan vô nhân xưng
Đây là hình thức trần thuật chủ đạo trong “Cuốn theo chiều gió”. Suốt
tác phẩm, Margaret Mitchell kể với người đọc câu chuyện chiến tranh và tình
yêu với tâm thế của một người trần thuật biết rõ mọi sự kiện, biến cố của nhân
vật. Ở đây, người kể không thuộc vào thế giới truyện mà chỉ quan sát, kể lại,
kiêm vai trò dẫn dắt, điều khiển, tổ chức diễn biến hành động cho nhân vật.
Do không tham gia trực tiếp vào biến cố truyện nên điểm nhìn của người kể
hết sức linh hoạt, không bị hạn chế bởi thời gian, không gian. Người kể còn
có thể dễ dàng di chuyển điểm nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác.
Khoảng cách giữa người kể và nhân vật luôn được rút ngắn tối đa.
Trần thuật khách quan giúp Margaret Mitchell có thể tái hiện lại quang
cảnh thiên nhiên xinh tươi trù phú của vùng Georgia, nam Hoa Kì: “Đó là
một vùng đất đỏ hoang sơ, đỏ như màu máu, sau các cơn mưa phai như gạch
nung vào mùa nắng, và đó cũng là vùng sản xuất loại bông vải tốt nhất thế
giới. Đó là một miền gồm toàn những ngôi nhà trắng xinh xinh, những cánh
đồng lặng lẽ và những dòng nước lờ đờ, nhưng đó cũng là một miền có lắm
sự tương phản giữa ánh nắng chói chang và bóng mát dày đặc” [92].
Hay làm nổi bật vẻ đẹp của một thành phố trẻ và năng động như
Atlanta: “Thành phố nhỏ không còn nữa và bộ mặt của đô thị tiến bộ nhanh
chóng này đã trở nên rộn rịp, hoạt động không ngừng nghỉ. Cảnh tượng náo
nhiệt đó đã làm cho Scarlett, vốn quen thuộc với cảnh nhàn rỗi và yên tĩnh,
nhưng nàng vẫn yêu thích nó dù muốn ngừng thở. Một không khí sôi động
bao trùm thành phố làm cho nàng cảm thấy chới với dường như nhịp tim gấp
rút của thành phố đang cùng một nhịp đập với tim nàng” [92].
Nhân đó, Margaret có thể bàn luận thoải mái về thói quen, tính cách,
lối sống của con người miền Nam tại nơi này: “Cuộc sống ở hạt Clayton,
miền Bắc Georgia hãy còn mới mẻ và có phần sống sượng so với trình độ ở
các hạt Augusta, Savannah và Charleston. Người miền Nam kỳ cựu và
nghiêm trang nhất thường nhìn dân sống ở cao nguyên Georgia với con mắt
khinh thường, nhưng ở đây tại miền Bắc Georgia, vấn đề thiếu sót những
điểm cầu kỳ trong nền giáo dục cổ điển chẳng có gì đáng cho là xấu hổ, miễn
là người đàn ông có đủ khả năng để thực hiện những việc thích nghi. Và
trồng bông vải, cuỡi ngựa hay bắn giỏi, khiêu vũ nhẹ nhàng, biết hầu chuyện
nữ giới một cách lịch thiệp và biết uống ruợu như một khách hào hoa là tất cả
những gì đáng kể” [92].
Bằng lối trần thuật khách quan vô nhân xưng, Margaret Mitchell dễ
dàng “chen” ngang quá trình trần thuật đang ở thời gian hiện tại bằng một
câu chuyện khác trong quá khứ, để làm rõ về lai lịch, xuất xứ của nhân vật
được giới thiệu, tạo nên kiểu kết cấu truyện trong truyện độc đáo. Như những
câu chuyện về Ellen, Gerald, về Rhett… Nhân mạch tâm lí của Scarlett về sự
khác biệt quá lớn về tính cách của 2 đấng sinh thành, người kể chuyện đã
“bắt” sang câu chuyện cuộc đời của Gerald và Ellen với những trang đời quá
khứ còn chưa xa: “Nhưng Scarlett đã lầm, vì rằng nhiều năm về trước, Ellen
Robillard của Savannah cũng cười ngớ ngẩn như bất cứ một cô gái nào ở tuổi
15 trong thành phố duyên hải nên thơ đó, cũng thức trắng đêm với bạn bè,
trao đổi tâm tình, tiết lộ tất cả các bí ẩn của đời mình - chỉ trừ một việc. Đó là
năm mà Gerald O Hara, lớn hơn Ellen 25 tuổi bước vào cuộc đời bà - và đó
cũng là năm mà người anh họ trẻ trung, mắt đen huyền, Philippe Robillard,
bước ra khỏi đời bà. Khi Philippe với đôi mắt long lên sòng sọc, và với điệu
bộ hung hãn, vĩnh viễn rời bỏ Savannah, người con trai đó cũng mang theo
luôn ngọn lửa lòng của Ellen, để cho anh chàng Ái Nhĩ Lan chân vòng kiềng
kia kết hôn với một cái vỏ sò trống rỗng nhưng xinh xắn” [92].
Giữ vai trò quyền năng trong trần thuật, dù cho sự tưởng tượng của
người đọc có hồi hộp và âu lo đến đâu, người kể chuyện vẫn giữ được một
phong thái nhịp nhàng, thậm chí hài hước khi thuật lại những giờ phút gay
go, dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh. Một đoạn miêu tả chiến tranh trong tác
phẩm: “…Hôm sau, dưới một trận mưa nóng, trong bầu không khí ngột ngạt,
đội quân bại trận tiến vào Atlanta. Quân lính bị kiệt sức vì đói, mệt sau sáu
mươi ngày đêm chiến đấu và rút lui. Những con ngựa gầy trơ xương trông
như những bù nhìn. Những khẩu đại bác và những xe kéo pháo được buộc
vào nhau bằng bất cứ thứ gì, những mẩu dây thừng hoặc những sợi dây da.
Nhưng đấy không phải là một đội ngũ mất kỷ luật, bại trận hoàn toàn. Họ
mặc những bộ quần áo rách một cách ngang tàng. Những mảnh vải đỏ của cờ
hiệu giương ra dưới trời mưa, mọi người đi trong hàng ngũ có trật tự. Ông
già Joe đã dạy họ biết cách rút. Ông già Joe đã làm cho cuộc rút quân thành
một kiệt tác và chiến lược. Với những bước nhịp nhàng, các chiến sĩ râu tóc
bù xù, quần áo rách rưới, đi xuống phố Tội Lỗi theo âm điệu ?Maryland!
Maryland của tôi? và tất cả mọi người đều đổ ra ngoài cửa để chiêm ngưỡng
họ. Thắng hay bại, những người lính đó vẫn là người của họ” [92].
Đặc biệt, lối trần thuật khách quan giúp cho Margaret Mitchell có thể
vận dụng vốn kiến thức báo chí phong phú của mình trong lĩnh vực lịch sử,
địa lý. “Cuốn theo chiều gió” tái hiện lại lịch sử Hoa Kì những năm nội
chiến, tức 1861-1865, trong khi thời điểm Margaret bắt tay viết cuốn sách là
những năm 1926 – 1936, điều này đòi hỏi bà phải có một quá trình khảo cứu
tài liệu một cách nghiêm túc, công phu và có cơ sở lịch sử hẳn hoi. Những
trang viết của bà với lối trần thuật mạch lạc, chính xác mang văn phong báo
chí đã cho thấy điều này.
Bà vận dụng lối thuật chuyện khách quan khi miêu tả về xuất xứ ban
đầu của thành phố Atlanta: “Ngày Gerald lên miền Bắc Georgia, chẳng có
một Atlanta nào, ngay cả cái bề ngoài cho ra vẻ một ngôi làng cũng không và
đất đai hoang dại. Nhưng năm sau, 1836, chính phủ cho phép thành lập
mộtđường xe lửa theo hướng Tây Bắc xuyên qua lãnh thổ của thổ dân da đỏ
Cherokee vừa nhượng lại. Thiết lộ dự định chạy tới Tennessee và miền Tây
thật là rõ ràng và xác định, nhưng khởi điểm đặt tại Georgia vẫn còn lờ mờ,
cho đến một năm sau, một viên kỹ sư cắm một cây tiêu trong đất sét đỏ đánh
dấu phần cuối cùng của con đường nơi miền Nam. Và Atlanta chào đời với
cái tên Terminus, bắt đầu mở mang từ đó” [92].
Hơn thế nữa, lối trần thuật này còn thể hiện ở những thông tin về nhân
vật lịch sử, những địa danh nổi tiếng của nước Mỹ trong thời nội chiến, như
đoạn văn sau:
“…Sherman không đợi cho Hood có thì giờ để chuẩn bị tấn công. Một
ngày sau khi thay đổi cách chỉ huy, tướng Yankees lao vào thành phố nhỏ
Decatur cách Atlanta sáu dặm, chiếm nó và cắt đôi đường sắt, con đường nối
Atlanta với Auguusta, với Charleston, với Wilmington, với Virginie. Sherman
đã giáng một đòn nặng vào Liên bang. Ðã đến lúc phải hành động. Atlanta
yêu cầu người ta làm một vấn đề gì đó. Thế rồi một buổi trưa ngột ngạt tháng
Bảy, nguyện vọng của Atlanta được toại nguyện. Tướng Hood lôi người ra
khỏi hầm hào, ném họ vào các tuyến xanh, chống lại binh lính của Sherman
đông hơn gấp hai lần. Ông lao vào quân Yankees ở phía bờ sông Pecher”
[92].
Có thể nói, lối trần thuật khách quan vô nhân xưng, dù không mới,
nhưng đã có được sức hấp dẫn đặc biệt nhờ vào sự uyển chuyển khéo léo
trong cách vận dụng kiến thức trên nhiều lĩnh vực cùng giọng điệu hài hước
và lãng mạn của Margaret Mitchell.
3.2. Trần thuật nửa trực tiếp
Lời nửa trực tiếp là “lời người trần thuật nhưng lại thấm nhuần từ
vựng, ngữ nghĩa và cấu trúc ngữ pháp của lời nói nhân vật, thấm nhuần ngữ
điệu tình cảm và suy nghĩ của nhân vật” [2, tr.76].
Sử dụng lời nửa trực tiếp là đặc trưng của nghệ thuật trần thuật trong
“Cuốn theo chiều gió”. Cũng là kiểu trần thuật khách quan hóa, nhưng lối trần
thuật này lại không giấu nổi những cảm xúc tình cảm dạt dào đầy chủ quan
của người kể. Khi đó, người kể một mặt cố tình tách mình ra khỏi diễn biến
câu chuyện, nhưng mặt khác lại hòa mình với nhân vật để khám phá nội tâm
của nhân vật, thậm chí có khi người kể tự rút lui để nhân vật tự tìm đến với
độc giả. Điểm nhìn người kể và nhân vật gần như đã hòa làm một. Lời kể khi
đó được vận dụng linh hoạt khi là lời nửa trực tiếp của tác giả phát biểu thay
tâm trạng, cảm xúc suy nghĩ của nhân vật, khi thì lời của chính nhân vật.
Đây là một đoạn trong tác phẩm, đang lời trần thuật của người kể, thì
có những câu người đọc khó lòng phân biệt đâu là lời của người kể, đâu là lời
của Scarlett: “Nàng sẽ là một phụ nữ quý tộc đúng theo cung cách của miền
Nam như mẹ nàng, lúc đó người nào cũng yêu mến nàng như yêu mến Ellen
và sẽ ca tụng lòng vị tha của nàng rồi gọi nàng là “phu nhân đại lượng". Một
ngày kia! Nhưng bây giờ thì không, mặc dầu ai muốn gièm pha thế nào
cũng được. Bây giờ không phải lúc để làm ra vẻ một mệnh phụ phu nhân.
Lão Peter đã nói đúng. Sau khi nghe chuyện, nàng Pitty bàng hoàng, ngã
bệnh và đêm đó chứng đau lưng của Peter trở nặng khiến lão không thể đánh
xe được nữa. Scarlett đành phải tự đánh xe, làm tay nàng bắt đầu chai trở
lại” [92].
Thường ở lời nửa trực tiếp, việc chuyển ngôi từ người kể chuyện sang
lời nhân vật là một hiện tượng dễ thấy. Khi đó, vẫn là lời người kể, nhưng
ngữ điệu lại của nhân vật.
“Nằm dài trên giường, đắm mình trong ánh trăng, Scarlett hình dung
suốt cảnh ấy. Nàng tưởng tượng tới sự ngạc nhiên và hạnh phúc hiện rõ trên
mặt Ashley khi nàng xác định là nàng thật lòng yêu chàng và nàng sẽ được
nghe những lời chàng phải nói để cầu hôn. Tự nhiên là nàng sẽ trả lời rằng
nàng không thể nghĩ tới chuyện kết hôn với một người đàn ông đã đính ước
với một cô gái khác, nhưng chàng sẽ cố van nài và nàng sẽ làm như bị thuyết
phục. Kế đó, cả hai cùng quyết định trốn đi Jonesboro ngay xế trưa hôm ấy
và... Ủa ! Trong đêm mai vào giờ nầy nàng có thể đã là bà Ashley Wilkes!
Scarlett ngồi bật dậy trong vòng tay ôm gối và trong lúc lâu tràn ngập hạnh
phúc, nàng thấy mình đã là bà Ashley Wilkes - vợ của Ashley! Nhưng một
cảm giác lạnh buốt bỗng xua tới. Nếu mọi việc không tiến hành theo một
chiều thuận lợi? Nếu Ashley không khẩn cầu nàng trốn đi với chàng? Nàng
xua đuổi một cách quả quyết tư tưởng đó ra khỏi óc” [92].
Kiểu trần thuật nửa trực tiếp có thể biểu hiện dưới dạng độc thoại nội
tâm, đằng sau những từ ngữ chỉ trạng thái tình cảm của nhân vật như: nghĩ, tự
nhủ, khiến, cảm thấy, cho rằng, biết…
“Nhìn cha đứng trong bóng tối cuối ngày, tự nhiên không hiểu sao
Scarlett bỗng cảm thấy ấm áp trước sự hiện diện của người. Có một cái gì
rắn rỏi và bình dị từ người ông toát ra khiến nàng được an ủi.”[25, tr.50].
“Nàng đã không hiểu hai người nàng yêu, nên đã mất cả hai. Giờ đây,
sau bao lâu dò dẫm, nàng thấy ra rằng nàng hiểu rõ Ashley, nàng ắt chẳng
bao giờ yêu chàng, và nếu nàng hiểu được Rhett, nàng ắt chẳng bao giờ mất
chàng. Nàng buồn bã tự hỏi: Có bao giờ mình thật sự hiểu ai trên đời này?”
[92].
“Quai hàm nàng run lên trước khi nàng kịp cắn chặt răng lại. Đi xa?
Không, gì cũng được, trừ cái đó! Thiếu chàng, làm sao nàng có thể tiếp tục
sống? Tất cả đã rời bỏ nàng, tất cả những người thân thiết trừ Rhett. Không
thể để chàng đi nốt. Nhưng làm thế nào nàng có thể ngăn chàng lại? Nàng
thật bất lực trước đầu óc lạnh lùng và những lời hờ hững của chàng” [92].
Có khi dạng độc thoại nội tâm cũng có thể hòa quyện với lời văn của
người trần thuật, mô tả tâm trạng nhân vật bằng lời nửa trực tiếp mà không có
ranh giới tách bạch về mặt hình thức. Đoạn văn sau đây là một ví dụ: “Dù hắn
hay chọc giận, nàng vẫn thấp thỏm mong hắn đến thăm. Người hắn như tỏa
ra một thứ gì khích động mà nàng không phân tách được, một cái gì khác xa
những người đàn ông mà nàng quen biết. Có cái gì ngây ngất nơi thân hình
lực lưỡng của hắn nên mỗi lần hắn bước vào một gian phòng người ta có cảm
tưởng như vừa chạm mạnh vào một khối thô cứng nào đó. Có cái gì ngạo mạn
và châm biếm trong ánh mắt đen thẳm của hắn làm khơi dậy ở Scarlett lòng
thèm muốn được chế ngự hắn. Nàng bối rối thầm nghĩ: "Làm như mình yêu
hắn!" [92].
Dùng lời nửa trực tiếp, Margaret đã miêu tả rất thành công tâm trạng
rối bời của Scarlett khi hay tin Ashley sắp lấy Melanie.
“Ashley sắp cưới Melanie Hamilton! Ô, đó không thể là sự thật! Hai gã
Tarleton đã lầm. Họ chỉ đùa nghịch theo bản tính của họ thôi. Ashley không
thể, không có thể yêu được Melanie. Không một ai có thể yêu được cô gái loắt
choắt và nhát nhúa đó..
…Thật ra, chàng chưa bao giờ nói yêu nàng và đôi mắt màu lam đó
cũng chưa bao giờ chiếu ra những tia nóng rực mà Scarlett từng bắt gặp ở
những đàn ông khác. Vậy mà ... vậy mà ... nàng biết chàng đã yêu nàng. Nàng
không thể lầm lẫn được. Linh cảm mạnh hơn lý trí và sự hiểu biết nhờ vào
kinh nghiệm cho nàng hay là chàng đã yêu nàng. Lắm lần nàng đã bắt gặp
ánh mắt chàng không thờ thẫn và xa vắng nữa, khi chàng nhìn nàng nửa khao
khát nửa buồn rầu, khiến nàng không hiểu ra sao cả. Nàng đã biết chàng yêu
mình. Tại sao chàng không chịu nói ra? Đó là điều nàng không hiểu nổi.
Nhưng cũng còn quá nhiều chuyện liên quan tới chàng mà nàng không hiểu
nổi” [92].
Về độc thoại nội tâm, chúng tôi đã phân tích ở trên, trong chương II,
khi đề cập đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, nên sẽ không đi sâu phân tích ở
đây. Việc nhấn mạnh vào lời nửa trực tiếp dưới dạng độc thoại nội tâm trong
nhân vật cho thấy sự tài tình trong nghệ thuật trần thuật đem lại sự thành công
cho nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật, như một thể thống nhất của
nghệ thuật tiểu thuyết Margaret Mitchell.
Lời nửa trực tiếp đem lại tính khách quan cho câu chuyện được trần
thuật, tránh lối kể “quyền năng”, biết hết của tác giả. Trong trường hợp này,
Margaret để nhân vật tự phát ngôn, tự dằn xé, trăn trở tâm tư trong những tình
huống khác nhau, chính qua đó người đọc cảm thông và đồng cảm với những
gì nhân vật trải qua.
3.3. Trần thuật bộc lộ tình cảm bằng trữ tình ngoại đề
Đây là hình thức trần thuật mà người kể chuyện không hề “lộ diện”
nhưng độc giả vẫn nhận thấy tư tưởng tình cảm tiếng nói của tác giả bộc lộ rõ,
thông qua những lời bình luận và trữ tình ngoại đề. “Trữ tình ngoại đề là một
trong những yếu tố ngoài cốt truyện, một bộ phận của ngôn ngữ người kể
chuyện trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự, trong đó tác giả hoặc người
kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tư tưởngm tình cảm quan niệm của mình đối
với cuộc sống và nhân vật được trình bày qua cốt truyện” [14, tr.256].
Trữ tình ngoại đề là yếu tố quen thuộc trong truyện ngắn và tiểu thuyết
hiện đại, giúp tác giả soi sáng nội dung tư tưởng của tác phẩm, góp phần bộc
lộ đầy đủ tập trung hơn sự đánh giá với nhân vật cũng như thể hiện quan điểm
nhân sinh của mình. Những lời trữ tình ngoại đề có tác dụng thỏa mãn nhu
cầu trí tuệ và tình cảm nơi người đọc, mang đến cho họ những khoái cảm
thẩm mỹ đặc biệt.
Ở trên có đề cập đến lối trần thuật nửa trực tiếp, khi đó người kể, tác
giả gần như hóa thân vào nhân vật để nói thay những ý nghĩ niềm vui nỗi
buồn của nhân vật đến khó phân biệt đâu là người kể đâu là nhân vật. Còn đến
đây, thì thậm chí người kể đã “xuất hiện” bằng hình hài với ngôn ngữ của
chính mình để bộc lộ cảm xúc với những lời văn đậm đà sắc thái biểu cảm.
Đây là một đoạn thuật lại lúc Scarlett đã trở về Tara, trong hoàn cảnh
hoang tàn của quê nhà và mình nàng phải gồng gánh trên vai trách nhiệm hồi
sinh vùng đất máu thịt này với một ý chí can trường hơn người. Người đọc vô
tâm nhất cũng có thể cảm nhận được tiếng lòng của nhân vật và của chính tác
giả đã hòa làm một, thậm chí không giấu được đã bật ra thành tiếng, đẫm chất
triết lý (vốn không thể có ở nhân vật “kém đầu óc phân tích” như ta đã biết về
Scarlett), đó đích thị là giọng của tác giả:
“Sau cùng khi đã đứng được lên và nhìn lại cảnh điêu tàn cháy rụi của
Twelve Oaks, nàng ngẩng cao đầu. Bóng dáng của tuổi hoa niên, nét mỹ
miều, ngây thơ đã biến mất khỏi mặt nàng, cái gì qua đều thụôc về quá khứ,
những gì chết đều đã chết rồi. Nếp sống xa hoa ngày cũ đã đi qua và chẳng
bao giờ trở lại. Và ngay lúc bưng chiếc thúng đựng đầy rau cải lên, Scarlett
đã có sẵn một quyết tâm cho cuộc sống của chính mình. Không còn có thể
bước lùi thì dĩ nhiên chỉ còn con đường tiến tới. Trong vòng năm mươi năm
nữa, trên toàn lãnh thổ miền Nam sẽ có vô số đàn bà chua xót nhìn về dĩ
vãng, nhớ lại những thuở huy hoàng, những người đã chết, gợi lại những kỷ
niệm đau thương vô bổ và hãnh diện chịu đựng cảnh nghèo khổ với tất cả
niềm cay đắng. Nhưng Scarlett thì nhất định không, nàng sẽ không bao giờ
nhìn lại dĩ vãng” [25, tr.638].
Không thuộc tuýt người quá ủy mị, bản thân câu chuyện trong “Cuốn
theo chiều gió” cũng không đề cao sự buồn rầu, nên cách Margaret Mitchell
thể hiện tình cảm bằng trữ tình ngoại đề không phải ở những trường đoạn cảm
xúc cao trào (thường kèm các dấu chấm than, các từ cảm thán), mà là những
bình luận, triết lí sắc sảo, thể hiện cách nhìn thế giới và con người đậm chất
nhân văn.
Triết lí về niềm tin: “Ngày mai sẽ là một ngày mới”, “ngày mai sẽ là
một ngày khác”. Ý tưởng này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuốn tiểu
thuyết, dưới dạng ngôn ngữ của nhân vật Scarlett, nhưng thật ra là của chính
thông điệp sâu xa mà Margaret muốn gửi gắm đến độc giả. Tâm đắc với ý
nghĩa giản dị của nó đến mức chính Margaret từ đầu đã dự định lấy tên tiêu đề
cho tác phẩm là “Tomorrow is another day”. Và cũng chính nó đã làm bất hủ
tính cách nhân vật Scarlett – một biểu tượng mới về người phụ nữ hiện đại, đủ
can đảm và mạnh mẽ vượt qua những thử thách, tiến lên phía trước.Ý tưởng
ấy đã trở thành một thứ đức tin mà triệu triệu độc giả trên thế giới xem như
một thứ “bảo bối” có tác dụng trấn an tinh thần rất nhiều trước những trở ngại
mà đời người ai cũng có thể gặp phải.
Triết lí về giá trị của đất đai: “Đất đai là vật duy nhất có ý nghĩa trên
đời, bởi vì đó cũng là vật duy nhất tồn tại mãi… Đó là vật duy nhất xứng
đáng để bỏ công làm lụng, xứng đáng để chiến đấu bảo vệ... và xứng đáng
để chết vì nó” [25,tr.59]. Đây là câu nói của Gerald lúc trò chuyện với
Scarlett ngay tại mảnh đất Tara thời trù phú. Những năm tháng di dân khai
hoang để tạo lập gia sản đã giúp cho Gerald, người đàn ông nhỏ bé gốc
Iceland nhận ra được chân lý thấm thía ấy. Đó thực chất là quan điểm của
chính Margaret về giá trị thiêng liêng của đất đai, của nguồn cội quê hương,
đã được minh chứng trong chính thời đại ngày nay.
Triết lí về tình yêu: “Scarlett, có bao giờ cô nghĩ rằng ngay cả mối tình
bất diệt nhất cũng có ngày phải tàn?” [26, tr.667] hay …“Scarlett, tôi không
có cái kiên nhẫn của những kẻ gom góp các mảnh vụn, hàn gắn lại và tự nhủ
rằng món đồ vá víu cũng có giá như lúc trước. Cái gì tan vỡ là tan vỡ… Thà
luyến tiếc nó còn hơn phải nhìn hình ảnh chắp vá của nó suốt đời” [26,
tr687]. Nhân vật Rhett kiêu mạn của chúng ta chưa bao giờ tỏ ra ủy mị, ngay
cả trong những giờ phút nguy cấp nhất của chiến tranh. Nhưng trong tình yêu,
anh đã sống rất thực, thậm chí không giấu nổi những giờ phút yếu lòng (khi
Bonnie chết, khi Scarlett sẩy thai). Và cái con người bí hiểm ấy, thông minh
và tinh quái nhường ấy, đã hết mình vì tình yêu ấy, hơn ai hết, đã đúc kết
được triết lí về tình yêu một cách không thể phủ nhận. Đó cũng là điều
Margaret muốn nhân vật nói thay cho mình để chuyển đến những thế hệ các
con người đang ngụp lặn trong thứ men say của tình yêu, hay đang đau đớn
trong những trắc trở của thứ quả ngọt ấy, biết gìn giữ và nâng niu hơn thứ
hạnh phúc mình đang có.
Triết lí về chiến tranh: “…phần lớn những sự đau khổ của thế giới
đều do chiến tranh gây ra. Và khi chiến tranh kết thúc không ai hiểu được
tại sao nó đã xảy ra” [25, tr174]. Toàn bộ tác phẩm viết về chiến tranh, tuy
không xoáy sâu vào những tang thương, chết chóc nơi chiến trường, nhưng
những mất mát trong số phận con người miền Nam Hoa Kì sau nội chiến là
một minh chứng rõ nét cho tấm lòng đau đáu của Margaret. Dù khi viết tác
phẩm đã có một khoảng lùi khá xa của lịch sử, nhưng qua trang viết của bà,
người đọc lại lần nữa như sống lại không khí chiến tranh, và mỗi người đọc
lại thêm lần nữa thấm thía quy luật khắc nghiệt của chiến tranh để biết quý
trọng hơn cuộc sống thanh bình hiện tại.
Trên đây, khi tách bạch xem xét các hình thức trần thuật là để nhìn thấy
nét riêng đặc trưng của nghệ thuật trần thuật trong “Cuốn theo chiều gió”, còn
thật ra kiểu trần thuật của Margaret Mitchell không rạch ròi đến mức đó. Bao
trùm lên tác phẩm là một kiểu trần thuật hỗn hợp có lúc trong cùng một đoạn
miêu tả bao gồm cả kiểu khách quan vô nhân xưng, kiểu hòa nhập với nhân
vật, và cả những trữ tình ngoại đề, tạo nên tính đa thanh trong ngôn ngữ trần
thuật. Hay nói cách khác, đó là kiểu trần thuật đa giọng, nhiều tiếng nói khác
nhau từ nhiều điểm nhìn vào cùng vào một chỉnh thể.
Xét về dung lượng (số trang) thì chương 3 về nghệ thuật trần thuật ngắn
hơn các chương đầu, bởi lẽ chúng tôi chỉ đi vào những điểm chính yếu kết
hợp với một ít dẫn chứng để phân tích. Việc phân bổ các chương thành từng
chủ đề (cốt truyện – nhân vật – trần thuật) chỉ để việc tiếp cận được dễ dàng
hơn, còn theo chúng tôi trong sự nhất quán của nghệ thuật tiểu thuyết thì các
yếu tố này luôn có sự tương hổ qua lại. Ngay khi khai thác nghệ thuật xây
dựng cốt truyện và nhân vật, trong đó đã có sự lồng ghép với nghệ thuật trần
thuật, chúng ta có thể tham khảo lại ở các chương 1 và 2.
KẾT LUẬN
“Cuốn theo chiều gió” đã được bắt đầu vào một ngày trong thời thơ ấu
của Margaret Mitchell, khi bà từ chối đến trường, khiến mẹ bà phải trò
chuyện với bà. Margaret Mitchell đã kể lại nó trong một lá thư: “Mẹ tôi đã
dẫn tôi ra ngoài trong một ngày tháng 9 nóng bỏng và dẫn tối xuống con
đường dẫn tới Jonesboro… và chỉ tôi những dãy nhà hoang tàn nơi những
con người giàu có đã từng sống… Và bà đã kể cho tôi nghe về thế giới những
con người đó đã từng sống, một thế giới thật an tòan, và nó đã nổ tung dưới
chân họ như thế nào. Và bà đã nói với tôi rằng, một ngày nào đó, thế giới của
riêng tôi cũng sẽ nổ tung dưới chân tôi, và chỉ có Chúa mới giúp được tôi khi
tôi không có một vũ khí nào để đối mặt với thế giới mới. Bà nói về sự cần thiết
phải có một nền giáo dục tốt, cả về truyền thống lẫn thực tế. Vì bà nói rằng
tất cả những gì còn lại sau khi thế giới chấm dứt sẽ là những gì mà tôi có thể
tạo ra với bàn tay và những gì tôi có trong đầu.“Thế nên vì Chúa, hãy tới
trường và học một thứ gì đó sẽ ở lại với con. Sức mạnh của bàn tay phụ nữ
chẳng đáng là bao, những những gì mà họ có trong đầu sẽ giúp họ đi bất cứ
nơi nào mà họ cần đi” [49].
Chúng tôi – trong quá trình nghiên cứu, đã không ít lần tự hỏi: nếu
không có những thời khắc như thế trong quá khứ, kể cả cái biến cố khiến
Margaret phải nằm bệnh và đọc gần hết sách trong thư viện đến mức chồng bà
phải kêu lên: “nếu em muốn đọc thêm thì hãy viết ra cuốn sách của mình”,
hoặc kể cả lúc Harold – người đàn ông định mệnh mang bản thảo đi nhưng
không nhận thấy được sức hút của nó, liệu độc giả có phải đã mất đi một cơ
hội được đón nhận, sở hữu một tác phẩm đẹp như “Cuốn theo chiều gió”?
Xem xét cái hay, cái đẹp của một tác phẩm, có lúc chúng tôi nghĩ cũng
phức tạp, tinh tế chẳng khác gì đi khám phá sự duyên dáng quyến rũ của một
con người. Có khi ta bị thu phục bởi một vẻ đẹp sôi nổi, lắm lúc ta bị “gục
ngã” bởi sự thâm trầm. “Cuốn theo chiều gió” ngay khi ra đời đã mang số
phận của một “hồng nhan”, nên “đa truân”, cũng lắm long đong trước muôn
vàn lời khen tiếng chê. Tuy thế, dư luận càng nhiều, sức hấp dẫn của tác phẩm
lại càng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Và tuyệt vời hơn, thời gian đã là một phép
thử cho cuốn tiểu thuyết có một không hai này. Ngày nay, hơn 70 năm đã trôi
qua, dẫu còn nhiều ý kiến khen chê nhưng cả thế giới đã biết đến, đã yêu mến,
và đã công nhận “Cuốn theo chiều gió” là một tác phẩm kinh điển. Những
nhân vật, những thông điệp từ tác phẩm đã trở thành một phần trong đời sống
tình cảm của không ít thế hệ độc giả.
Góp phần vào việc “khai mở” vẻ đẹp của tác phẩm “Cuốn theo chiều
gió”, chúng tôi chỉ đi vào khai thác dưới góc nhìn nghệ thuật, hình thức tổ
chức tác phẩm, thay vì đi sâu vào nội dung tư tưởng như các công trình trước
đó. Dĩ nhiên, đây là một công việc không dễ dàng, khi mà nền tảng lí luận về
nghệ thuật tiểu thuyết vẫn còn là điều mà giới nghiên cứu tranh luận. Ứng
dụng những hiểu biết ban đầu trong quá trình học, cũng như tiếp thu thành
quả của các nhà phê bình uy tín, chúng tôi đã rút ra những yếu tố, những khía
cạnh nghệ thuật mà chúng tôi cho là nổi bật và làm nên đặc trưng cho nghệ
thuật tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”, đó là nghệ thuật xây dựng cốt truyện,
nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật trần thuật.
Như khẳng định của Tiến sĩ Jernifer Dickey “chính sức mạnh của cốt
truyện đã làm cho việc nó viết dưới ngôn ngữ nào đã không còn quan trọng
nữa”, có thể thấy thành công trước nhất của “Cuốn theo chiều gió” về mặt
nghệ thuật là cốt truyện. Sức hút của nó được tạo nên từ những tình huống
độc đáo, bất ngờ và những chi tiết có sự sắp đặt đan cài vào nhau thống nhất
từ đầu truyện đến cuối truyện đưa độc giả vào một thế giới mà ở đó, chiến
tranh, tình yêu, sự trái ngang, nỗi đớn đau và niềm hạnh phúc dường như đã
tồn tại như một tất yếu.
Với Margaret, đặt nhân vật vào một tình huống nào đó dưới dạng
những điều kiện xúc tác để mô tả chiều sâu đời sống tâm linh con người, chớp
lấy những khoảnh khắc đặc biệt để khắc họa tính cách, số phận, cuộc đời nhân
vật là cách mà bà đã làm và làm một cách hết sức uyển chuyển. Với các tình
huống: hoán đổi vai trò, ước mơ bị thực tế hủy hoại, hiểu lầm, trở về, kết
hôn ứng phó… Margaret đã không đi vào cụ thể những tình huống đơn lẻ có
tác dụng tạo ra cao trào cho tác phẩm, như tình huống thắt nút đầu tiên với
việc Scarlett tỏ tình và bị Ashley từ chối, hay tình huống Scarlett một mình
chống chọi với hàng loạt khó khăn để về với Tara. Đi vào những hiện tượng
lặp lại dưới dạng mô hình như tình huống, chính là cách mà các nhà nghiên
cứu đã và đang theo đuổi. Như trong Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử có
viết: “các nguyên tắc thi pháp thể hiện qua các yếu tố lặp lại. Không tìm thấy
tính độc đáo sáng tạo thì không thấy tính nghệ thuật, mà không thấy tính lặp
lại trên nhiều cấp độ và trong một hay nhiều văn bản thì không thấy các quy
tắc tổ chức hình thức” [34, tr.38]. Dĩ nhiên sự lặp lại vụng về và tối nghĩa chỉ
là biểu hiện của những cây bút còn non trẻ, còn sự lặp lại trong tính vừa ổn
định vừa phát triển của nó là một dụng công nghệ thuật, một dấu hiệu quan
trọng để nhận diện một nét phong cách của Margaret Mitchell.
Cốt truyện “Cuốn theo chiều gió” còn tạo dấu dấn nhờ vào những chi
tiết được tác giả lựa chọn và thể hiện hết sức tinh tế. Có những chi tiết rất nhỏ
nhưng khiến độc giả nhớ lâu nhờ tính hài hước, dí dỏm của nó như việc
Scarlett túng quẫn đến phải lấy vải màn cửa may váy để giữ nét lộng lẫy đi
kiếm Rhett mượn tiền, hay nàng đi chăm sóc thương binh mà vui phơi phới
như đang trong đang dạo trong một bãi săn tình; hoặc những chi tiết đầy trữ
tình lãng mạn khiến độc giả xuýt xoa như nụ hôn đầy cháy bỏng đất trời của
Rhett và Scarlett trong hoàn cảnh Atlanta bốc khói sau lưng, từng đoàn quân
Yankee đang tiến đến. Chi tiết ấy đã thành kinh điển, từ sau bộ phim khởi
chiếu, hình ảnh này cũng theo bìa đĩa và bìa sách đi khắp thế giới. Chúng tôi
không thể thống kê hết chi li những chi tiết độc đáo đã khiến độc giả say mê,
ở đây, chúng tôi chỉ đi vào những chi tiết được sử dụng có hệ thống và có giá
trị kiến tạo cốt truyện một cách độc đáo, bao gồm: chi tiết biểu tượng (Cánh
cửa đóng và những bí mật, chiếc áo cooc – se, giấc mơ sương mù) và chi tiết
đối lập trong sự thống nhất (Đất nước trong chiến tranh, mẫu hình Rhett và
Ashley, tính cách Scarlett).
Với rất nhiều độc giả, điểm hấp dẫn nhất của “Cuốn theo chiều gió”
chính là ở kết thúc bỏ lửng với câu hỏi lơ lửng: Scarlett có giành lại được
Rhett hay không? Và chính sự tò mò được kích thích này đã khiến cho hàng
loạt tác phẩm sau đó được dịp ra đời, ăn theo sức hút của Cuốn theo chiều
gió, tuy tác dụng chỉ phần nào, hoặc có khi bị khán giả khước từ, nhưng cũng
đã cho thấy vai trò đặc biệt của kiểu kết thúc trong tác phẩm. Margaret
Mitchell đã dẫn tiến độ câu chuyện đến một kết thúc mở mà cùng lúc vừa
thoát ra khỏi những quy củ về lãng mạn vừa đảm bảo cho trí tưởng tượng của
người đọc được tiếp tục. Và thế là, không cần một kết thúc có hậu, “Cuốn
theo chiều gió” vẫn đã ăn tiền suốt hơn nửa thế kỷ. Cùng lúc đó, chúng cũng
làm tròn những đòi hỏi của chúng ta vì chúng đã mang lại cho ta một cảm
giác thỏa mãn của một kết thúc hợp lý cho những nút thắt phức tạp của cuốn
tiểu thuyết mà không một hành động đơn lẻ nào có thể gỡ nút được.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Margaret trong “Cuốn theo chiều
gió” là điểm chúng tôi hết sức chú ý, vì chính tác giả cũng đã khẳng định “đó
chỉ là một câu chuyện đơn giản về những người thăng hoa và những người tụt
dốc, nhưng người có thể đương đầu với cuộc sống và những người không thể”
[48]. Do vậy, sau khi khảo sát thế giới nhân vật đa dạng nhiều tầng lớp của
tác phẩm, chúng tôi chủ yếu đi vào khai thác nghệ thuật xây dựng nhân vật
thông qua miêu tả ngoại hình, miêu tả cử chỉ điệu bộ, miêu tả tính cách và
nhất là qua khắc họa nội tâm.
Nét riêng có thể nhận thấy trong nghệ thuật xây dựng nhân vật qua
miêu tả ngoại hình đó là Margaret chú ý nhiều đến các yếu tố hình thể như:
đôi mắt, giọng nói, nụ cười để tạo nên ấn tượng về nhân vật trong lòng độc
giả. Bà cũng không “độc tả” mà có khi di chuyển điểm nhìn sang nhân vật, để
các nhân vật “miêu tả” lẫn nhau, tạo cảm giác khách quan, sống động. Còn
qua miêu tả cử chỉ hành động thì Margaret đã thể hiện khả năng tái hiện tinh
tế qua việc xây dựng 2 nhân vật Gerald và Rhett với cái ấn tượng khó phai về
một anh chàng Gerald “nhỏ bé, cứng đầu và ồn ào” và một Rhett tinh quái lưu
manh với điệu bộ “xấc xược không kém một cái tát vào mặt”. Tính cách của
các nhân vật được xây dựng bằng nhiều cách khá đa dạng, trong đó có việc
Margaret để cho nhân vật tự nói về mình, hay đối thoại bộc lộ mình. Nhưng
độc đáo nhất trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Margaret là việc khắc
họa nội tâm nhân vật thông qua rất nhiều cách như hồi tưởng, đối thoại nội
tại, trữ tình ngoại đề, miêu tả thiên nhiên hay hình thức thư từ và độc thoại nội
tâm.
Phần ứng dụng quan trọng của chúng tôi để làm rõ nghệ thuật xây dựng
nhân vật của Margaret chính là minh chứng cụ thể bằng 2 nhân vật “sắc nét”
nhất của tác phẩm: Scarlett và Rhett. Không đi vào miêu tả những nét quen
thuộc về ngoại hình, tính cách, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh
“lệch chuẩn” của cả 2 nhân vật này, trong cách xây dựng của Margaret, đã
làm nên sức hấp dẫn đối với độc giả. Xét riêng về nhân vật, thì cả 4 nhận vật
chính (cùng với Ashley và Melenie) đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng
người đọc, nhưng về mức độ “đời sống hóa” thì phải nhấn mạnh đến cặp đôi
Scarlett và Rhett. Họ đặc biệt, cuốn hút, hấp dẫn, không phải bởi họ là những
con người lí tưởng lộng lẫy bước ra từ một thời đại huy hoàng, mà là những
con người bình thường và lệch chuẩn, nhưng dám nghĩ dám làm, dám đương
đầu vượt qua thử thách và trụ vững trong cơn gió bụi của thời cuộc. Ngày
nay, những chàng trai cô gái tìm thấy trong họ những hình mẫu cá tính mơ
ước, tìm thấy sự an ủi trong những biểu hiện tâm lí tình cảm có lúc tàn nhẫn,
vô tâm nhưng cũng có lúc đầy lòng nhân và quả cảm. Vì đơn giản, con người
hoàn hảo cổ tích chỉ là kết quả của mộng tưởng, và không ai trên cõi nhân
gian hiện đại lại muốn trở thành như vậy. Chẳng cần đến những đột phá bất
ngờ về nghệ thuật, Margaret Mitchell đã “hạ gục” độc giả bằng chính những
nhân vật sắc nét không lẫn vào đâu được của mình.
Về nghệ thuật trần thuật, sau khi giới thuyết về những yếu tố liên
quan như kiểu trần thuật, điểm nhìn trần thuật, chúng tôi đi vào các kiểu trần
thuật mà Margaret ứng dụng, là trần thuật khách quan vô nhân xưng, trần
thuật nửa trực tiếp và trần thuật bộc lộ tình cảm bằng trữ tình ngoại đề.
“Cuốn theo chiều gió” sử dụng lối trần thuật khách quan ngôi thứ 3
với người trần thuật vô nhân xưng. Điểm đặc biệt là người kể chuyện tuy
không hiện diện nhưng không hoàn toàn lạnh nhạt, dửng dưng, “biết tuốt”, mà
dào dạt tình cảm ẩn đằng sau ngôn ngữ tái hiện, miêu tả, với một giọng điệu
trong sáng nhưng tràn trề tình cảm. Suốt tác phẩm, Margaret Mitchell kể với
người đọc câu chuyện chiến tranh và tình yêu với tâm thế của một người trần
thuật biết rõ mọi sự kiện, biến cố của nhân vật. Ở đây, người kể không thuộc
vào thế giới truyện mà chỉ quan sát, kể lại, kiêm vai trò dẫn dắt, điều khiển, tổ
chức diễn biến hành động cho nhân vật. Do không tham gia trực tiếp vào biến
cố truyện nên điểm nhìn của người kể hết sức linh hoạt, không bị hạn chế bởi
thời gian, không gian. Người kể còn có thể dễ dàng di chuyển điểm nhìn từ
nhân vật này sang nhân vật khác. Khoảng cách giữa người kể và nhân vật
luôn được rút ngắn tối đa.
Sử dụng lời nửa trực tiếp cũng là đặc trưng của nghệ thuật trần thuật
trong “Cuốn theo chiều gió”. Cũng là kiểu trần thuật khách quan hóa, nhưng
lối trần thuật này lại không giấu nổi những cảm xúc tình cảm dạt dào đầy chủ
quan của người kể. Khi đó, người kể một mặt cố tình tách mình ra khỏi diễn
biến câu chuyện, nhưng mặt khác lại hòa mình với nhân vật để khám phá nội
tâm của nhân vật, thậm chí có khi người kể tự rút lui để nhân vật tự tìm đến
với độc giả. Điểm nhìn người kể và nhân vật gần như đã hòa làm một. Lời kể
khi đó được vận dụng linh hoạt khi là lời nửa trực tiếp của tác giả phát biểu
thay tâm trạng, cảm xúc suy nghĩ của nhân vật, khi thì lời của chính nhân vật.
Còn với lối trần thuật bộc lộ tình cảm bằng trữ tình ngoại đề, tác giả
đã bộc lộ đầy đủ tập trung hơn sự đánh giá với nhân vật cũng như thể hiện
quan điểm nhân sinh thông qua việc “xuất hiện” bằng hình hài với ngôn ngữ
của chính mình để bộc lộ cảm xúc với những lời văn đậm đà sắc thái biểu
cảm, giàu chất triết lý (về niềm tin, tình yêu, về đất đai, chiến tranh…).
Có thể nói, Margaret Mitchell đã thể hiện sự mới mẻ và đột phá ở kiểu
trần thuật biến tấu, kết hợp dưới dạng trần thuật khách quan vô nhân xưng với
lối kể nửa trực tiếp có nhiều bình luận, triết lý và trữ tình ngoại đề, tạo nên
một lối kể chuyện giàu cảm xúc và chân thực.
Dĩ nhiên, bàn về nghệ thuật một tác phẩm lớn như “Cuốn theo chiều
gió” mà chỉ gói gọn trong quy mô một luận văn trên dưới 100 trang, thì khó
mà đảm bảo đã “soi thấu” tất cả. Đồng thời, tác phẩm văn học, qua lăng kính
cảm thụ của mỗi người lại có thể tỏa ra nhiều thứ ánh sáng khác nhau mà một
công trình nghiên cứu khó lòng bao quát hết. Tuy nhiên, nếu có nhiều thời
gian hơn, chúng tôi muốn đi vào phân tích vai trò và giá trị của cách sử dụng
ngôn ngữ và giọng điệu đã góp phần không nhỏ vào việc làm nên giá trị nghệ
thuật của cuốn tiểu thuyết này.
Sau này người ta có tìm ra một tác phẩm khác của Margaret Mitchell là
“Lost Laysen”, nhưng hiệu ứng nó mang lại cho khán giả hầu như không có.
Đến mức nó chẳng thể làm thay đổi điều mà hầu hết độc giả đã tin: Margaret
Mitchell chỉ có một tác phẩm duy nhất, một cuốn tiểu thuyết duy nhất, là
“Cuốn theo chiều gió”. Như “The thorn birds” của Colleen McCullough, như
“Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, như “Tống biệt hành” của Thâm Tâm…có lẽ
Margaret Mitchell cũng chỉ cần một “Cuốn theo chiều gió”, đã đủ để nhà văn
nữ này lừng danh, đủ để bà có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm
mộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Gary Althen (2006), Phong cách Mỹ, NXB Văn nghệ, TPHCM.
2. M. Bakhtin, Phạm Vĩnh Cư (dịch) (1992), Lí luận và thi pháp tiểu
thuyết, Bộ Văn hóa thông tin, trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
3. Lê Huy Bắc (2000), Phê bình lí luận văn học Anh – Mỹ, NXB Giáo dục.
4. Vũ Bằng,(1995), Khảo về tiểu thuyết, NXB Phạm Văn Tươi, Sài Gòn
5. Nguyễn Thành Ngọc Bảo (2008), Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Ngọc
Tư, Luận văn Thạc sĩ, Đại học sư phạm TPHCM.
6. Vương Kính Chi (2000), Lược sử nước Mĩ, NXB TPHCM..
7. Lê Đình Cúc (2001), Văn học Mĩ mấy vấn đề và tác giả, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội.
8. Lê Đình Cúc (2004), Tác gia văn học Mĩ: thế kỉ XVIII-XX, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội.
9. Lê Đình Cúc (2007), Lịch sử Văn học Mĩ, NXB Giáo dục, Hà Nội.
10. Đặng Anh Đào (1995), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện
đại, NXB Giáo dục.
11. Nguyễn Đức Đàn (1996), Hành trình văn học Mĩ, NXB Văn học, Hà
Nội.
12. Nguyễn Hải Hà (1992), Thi pháp tiểu thuyết L.Tonxtoi, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
13. M. Gorki, Bàn về văn học (2), NXB Văn học, Hà Nội.
14. Lê Bá Hán (chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo
dục, Hà Nội.
16. Hoàng Thị Hậu (2009), Dấu ấn thời đại trong tác phẩm“Cuốn theo
chiều gió” của Margaret Mitchell, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học
văn hiến TPHCM.
17. Tô Hoài (1964), Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, NXB văn học, Hà
Nội.
18. Lê Quang Huy (2000), Đôi điều cần biết về nước Mĩ, NXB TpHCM,
TPHCM.
19. Phương Diễm Hương (2007), Chiến tranh Nam Bắc Mỹ trong tiểu thuyết
“Cuốn theo chiều gió”của Margaret Mitchell, Luận văn Thạc sĩ, Đại
học sư phạm TPHCM.
20. Khrapchenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của
văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
21. Nguyễn Liên, Nguyễn Bá Thành và Jonathan Auerbach (2001), Tiếp cận
đương đại văn hóa Mĩ, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
22. Phương Lựu (2001), Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX,
NXB Văn học, Hà Nội.
23. Thiếu Mai (1987), Nghĩ về một thời xa vắng chưa xa, Văn nghệ quân
đội.
24. J.Martain, Hưng Vương (1996), Luận về nước Mỹ : Vài ý nghĩ về nước
Mỹ của nhà triết học Pháp J. M, Tín Đức thư xã, Sài Gòn.
25. Margaret Mitchell, Vũ Kim Thư dịch (2001), “Cuốn theo chiều gió” (1),
NXB Văn học.
26. Margaret Mitchell, Vũ Kim Thư dịch (2001), “Cuốn theo chiều gió” (2),
NXB Văn học.
27. Hữu Ngọc (1995), Hồ sơ văn hóa Mĩ, NXB Thế giới, Hà Nội.
28. Nguyễn Thị Tuyết Nga (2004), Khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa của
Margaret Mitchell trong tác phẩm“Cuốn theo chiều gió”, Luận văn
Thạc sĩ, Đại học sư phạm TPHCM.
29. G.N.Poselov (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập I và II, NXB
Giáo dục, Hà Nội.
30. Alexandra Ripley, Khắc Thành,Thanh Bình, Anh Việt (2004), Hậu Cuốn
theo chiều gió (1), NXB Văn học.
31. Alexandra Ripley, Khắc Thành,Thanh Bình, Anh Việt (2004), Hậu Cuốn
theo chiều gió (2), NXB Văn học.
32. Đắc Sơn (1996), Đại cương văn học sử Hoa Kì, NXB TPHCM.
33. Lê Văn Sự (2001), Hợp tuyển văn học Mĩ, NXB Văn hóa thông tin,
Hà Nội.
34. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
35. Nguyễn Thị Hiếu Thiện (2003), Con đường tới tự do của người Mĩ da
đen trong nghệ thuật tiểu thuyết Toni Morrison, Luận văn Thạc sĩ,
Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
36. Hoàng Trinh (1999), Phương Tây – Văn học và con người, NXB Hội
nhà văn.
37. Lương Duy Trung (2004), Văn học phương Tây, NXB Giáo dục.
38. Kathryn Vanspanckeren; Lê Đình Sinh, Hồng Chương dịch (2001), Phác
thảo văn học Mĩ, NXB Văn nghệ, TPHCM.
39. Nhiều tác giả (1983), Số phận của tiểu thuyết, NXB Tác phẩm mới, Hội
Nhà văn Việt Nam.
Tiếng Anh
40. Adams, Donald J (1936), A Fine Novel of the Civil War, New York
Times Book Review, as cited in Margaret Mitchell and Her Novel
Gone With the Wind, New York: Macmillan.
41. Beye, Charles Rowan (1993), “Gone with the Wind, and Good
Riddance” Southwest Review.
42. Burks, Ruth Elizabeth, Gone With the Wind: Black and White in
Technicolor, (This article was downloaded by: [Monash University-
Educ] On: 22 May 2009).
43. Condé, Mary (1996), Some African-American Fictional Responses to
Gone with the Wind, Yearbook of English Studies.
44. Curran, Trisha (1981), “Gone with the Wind: An American Tragedy: The
South and Film, Warren French, Jackson: UP of Missippippi.
45. Drake, Robert Y, (1983), Tara Twenty Years Later, Gone With the Wind
as Book and Film, Richard Harwell, ed. Columbia: U of South
Carolina P.
46. Faulkner, William (1986), Absalom, Absalom!, New York: Random
House.
47. Fiedler, Leslie A (1983), The Anti-Tom Novel and the Great Depression:
Margaret Mitchell’s Gone With the Wind, Gone With the Wind as
Book and Film, Richard Harwell, ed. Columbia: U of South
Carolina P..
48. Gelfant, Blanche H., (1980: Fall) Gone With The Wind 'and The
Impossibilities of Fiction' , Southern Literary Journal, p.3.
49. Harwell, Richard (1976), Margaret Mitchell’s “Gone with the Wind”
Letters, 1936–1949, London: Macmillan.
50. Hawkins, Harriett (1992), The sins of Scarlett, Textual Practice, p. 491-
496.
51. John Haag, (1989), Gone with the Wind in Nazi Germany, Georgia
Historical Quarterly.
52. Lambert, Gavin (1983), Studies in Scarlett, Gone With the Wind as Book
and Film, Richard Harwell, ed. Columbia: U of South Carolina P.
53. Levin, Amy (1989), Matters of Canon: Reappraising Gone with the
Wind, Proteus.
54. Maginnis, Hayden (1995), The Trouble with Scarlett, Queen’s Quarterly.
55. Martin, Matthew (1994), The Frontier Plantation: Failed Innocence in
Gone with the Wind and Absalom, Absalom!, Diss. U of Virginia.
56. May, Robert (1978), Gone with the Wind as Southern History, Southern
Quarterly.
57. McCaig, Donald (2007), Rhett Butler’s People, Martin’s Press.
58. Mendl, Dieter (1981), A Reappraisal of Margaret Mitchell’s Erskine
Caldwell’s Challenge to Gone with the Wind Gone with the Wind,
Mississippi Quarterly.
59. Mitchell, Margaret (1973), Gone with the Wind (1936), New York: Avon
Books.
60. Morton, Marian (1980), “My Dear, I Don’t Give a Damn”: Scarlett
O’Hara and the Great Depression, Frontiers: A Journal of Women’s
Studies.
61. Pyron, Darden Asbury (1991), Southern Daughter: The Life of Margaret
Mitchell, Oxford:Oxford University Press.
62. Pyron, Darden Asbury (1986), Gone with the Wind and the Southern
Cultural Awakening, Virginia Quarterly Review.
63. Pyron, Darden Asbury (1983), Gone With the Wind in American Culture,
Miami: UP of Florida.
64. Railton, Ben, “What else could a southern gentleman do?”: Quentin
Compson, Rhett Butler, and Miscegenation, (This article was
downloaded by: [Monash University-Educ] On: 22 May 2009).
65. Robert Y., Tara Twenty Years Later, (This article was downloaded by:
[Monash University-Educ] On: 22 May 2009).
66. Seiler, Andy (19930, Returning in Grand Style: Rejuvenated Gone With
the Wind Sweeps into Theaters, USA Weekend.
67. Stevens, John D, (1973), The Black Reaction to Gone With the Wind,
Journal of Popular Film.
68. Stewart, Mart (2005), Teaching Gone with the Wind in the Socialist
Republic of Vietnam, Southern Culture.
69. Stokes, Melvyn (1996), “Crises in History and the Response to Them as
Illustrated in The Birth of a Nation and Gone With The Wind, La
Licorne.
70. Taylor, Helen (1989), Scarlett’s Women: “Gone with the Wind” and Its
Female Fans, New Brunswick, NJ: Rutgers University Press.
71. Vials, Chris, Erskine Caldwell’s Challenge to Gone with the Wind and
Dialectical Realism, (This article was downloaded by: [Monash
University-Educ] On: 22 May 2009).
72. Williamson, Joel (1988), “How Black was Rhett Butler?” The Evolution
of Southern Culture. Ed. Numan Bartley, Athens: U of Georgia P.
73. Margaret Mitchell and Her Novel Gone With the Wind. New York:
Macmillan, 1936.
74. www.wikipedia.org
75. www.americanwriters.org
76. www.MargaretMitchellstory.org
77. www.online.literature.org
78. www.google.com.vn
79. www.scarlett.online
80. www.thuvien.ebook.com
81. www.ngoisao.net
82. www.evan.com.vn
83. www.vnthuquan.net
84. www.vietnamnet.vn
85. www.bachkhoatoanthu.gov.vn
86. www.vinaseek.com
87. www.margaretmitchell
88. www.gonewiththewind
89. www.atlanta.com
90. www.gonewiththewindmuseum
91.
Wind-machine.html
92. Thư viện trực tuyến ebook: Margaret Mitchell, Dương Tường dịch
(1987), “Cuốn theo chiều gió”.
PHỤ LỤC
Margaret Mitchell
“Scarlett không đẹp nhưng nam giới ít nhận ra điều đó
mỗi khi bị cuốn hút bởi sự duyên dáng của nàng…”
(Cuốn theo chiều gió)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHNN016.pdf