MS: LVVH-VHVN021
SỐ TRANG: 125
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2007
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
2. GIỚI HẠN ĐỀ TÀI VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Chương 1: Các nhà văn nữ: cái nhìn của chủ thể sáng tạo
1.1.Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm sống của nhà văn nữ
1.2.Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm văn chương của nhà văn nữ
1.3.Vấn đề giới
Chương 2: Người phụ nữ hiện đại: đối tượng thẩm mĩ của các nhà văn nữ
2.1. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với xã hội
2.2. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với gia đình
2.3. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với bản thân
Chương 3: Giá trị thẩm mĩ: từ cái nhìn đến bút pháp
3.1. Điểm nhìn trần thuật
3.2. Tâm lí nhân vật
3.3. Ngôn ngữ văn xuôi
KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
125 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2147 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của một số nhà văn nữ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sự “đứt nối, lộn xộn, bột phát” là những quan
niệm và lối sống của mỗi cá nhân riêng biệt. Đằng sau những phát ngôn của nhân vật
là những trạng thái tâm lí, những suy ngẫm về cuộc đời và con người. Đây là một
đóng góp quan trọng của nhà văn này. Thật đáng tiếc là không nhiều nhà văn nữ có
được khả năng xây dựng đối thoại nhân vật như Lý Lan.
Tóm lại, xây dựng tâm lí nhân vật trong văn học là một yêu cầu không thể
thiếu để tái hiện cuộc sống con người toàn vẹn. Về một chừng mực nào đó, có thể nói
miêu tả tâm lí nhân vật là đặc điểm tiêu biểu của văn học hiện đại. Bởi truyện kể dân
gian chỉ chú ý kể hành động của nhân vật. Trong các thể loại văn học trung đại như
truyền kì, truyện Nôm, nội tâm nhân vật cũng chưa được miêu tả một cách trực tiếp.
Đến những năm đầu thế kỉ XX, với sự ra đời các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh,
Phạm Duy Tốn… nội tâm của con người đã bắt đầu được miêu tả, song không vượt
lên khỏi hạn chế của tiểu thuyết chương hồi, không chiếu sáng được sự phân tích tâm
lí vào nhân vật và hành động. Việc thể hiện tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết Tự Lực
văn đoàn có những thành công nhất định. Các nhà văn Tự Lực văn đoàn có nét độc
đáo trong việc miêu tả tâm lí nhân vật là họ nêu lên hàng đầu thế giới cảm giác của
nhân vật. “Chính việc quan niệm thế giới nội tâm là thế giới cảm giác đã đổi thay thi
pháp tiểu thuyết, đổi thay điểm nhìn trần thuật của tác phẩm”.[78] Nhưng việc miêu
tả tâm lí nhân vật chưa phải là mặt thành công nhất của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn.
Sự thành công về mặt này, xét trong tiến trình văn học phải kể đến các nhà văn hiện
thực như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng sau này. Các nhà văn nữ của
chúng ta hôm nay đã kế thừa và phát huy những thành tựu của thế hệ đi trước. Họ đã
phát hiện một thế giới tâm lí con người hiện đại đầy biến động, hư ảo với nhiều cảm
giác bất ngờ, vô cớ, trái ngược. Rất có thể trong một số nhân vật cụ thể, việc miêu tả
tâm lí chưa thành công, một đôi chỗ còn sa vào kể lể vụn vặt, nhưng xét trong toàn bộ
thì đội ngũ này đã có đóng góp đáng ghi nhận.
3.3. Ngôn ngữ văn xuôi
Nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương đã từng chỉ ra tầm quan trong của
ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Theo ông, “Cấu trúc ngôn từ của tác
phẩm văn học là hệ thống những phương thức tạo hình và biểu cảm của ngôn ngữ
hoạt động trong văn bản và được tạo ra trong quá trình xây dựng tác phẩm. Chính
nhời những phương thức ngôn ngữ này mà hệ thống hình tượng và nội dung tư tưởng
được bộc lộ”. [58]
Tiếp đó, trong một bài viết về ngôn ngữ văn xuôi sau 1975, tác giả Nguyễn Thị
Bình cũng nêu nhận xét:“Một nhà văn đích thực phải ý thức về mình như một nhà
ngôn ngữ vì ngôn ngữ là “yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử” của anh ta, là
phương tiện bắt buộc để anh ta giao tiếp với bạn đọc. Đối với văn chương, ngôn ngữ
không chỉ là “cái vỏ của tư duy” mà còn là tài năng, cá tính và quan điểm nghệ
thuật…” [6]
Ngôn ngữ ngày càng có một vị trí quan trọng trong nghiên cứu văn học. Đến
với văn chương, trước hết là đến với trò chơi ngôn ngữ của nhà văn. Ngôn ngữ văn
xuôi tiết lộ nhiều điều về nhà văn, về thời đại. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một số
quan niệm khá cơ bản về ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là yêu cầu và tiêu chuẩn bắt buộc
không thể thiếu được, dù là trên hình thức. Khác với lời ăn tiếng nói hàng ngày, đã là
chữ nghĩa văn chương thì nhất thiết phải hay, phải đẹp, phải “văn hoa”, tao nhã. Lời
văn nghệ thuật có thể ví với lời “nhả ngọc phun châu”. Cùng với thời gian, quan niệm
ấy dần dần thay đổi. Văn xuôi thời kì 1930-1945 còn mang dáng dấp của văn biền
ngẫu, nhưng đã có cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh trau chuốt, mẫu mực, tạo ra được
một khoảng cách giữa văn viết với lời nói hàng ngày. Nếu như với cái nhìn đậm tính
sử thi, văn xuôi thời kì 1945-1975 giàu chất thơ, có xu hướng được mĩ lệ hóa thì với
khát vọng diễn đạt chân thật cái đời sống phồn tạp, đa chiều, văn xuôi thời kì đổi mới
lại chọn thứ ngôn ngữ thô nhám, xù xì. Không còn bị buộc chặt vào những đối tượng
cao cả, thánh thiện để nhà văn thành kính chiêm ngưỡng, ngôn ngữ văn xuôi ngày
nay bắt đầu bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, ít rào đón mà gần gũi với đời thường,
thẳng thắn trong cách định danh, định tính, suồng sã trong giọng điệu, thành phần
khẩu ngữ gia tăng, cú pháp linh hoạt, mềm mại hơn.
3.3.1. Các nhà văn nữ của chúng ta cũng có những nỗ lực đáng kể để đổi mới
ngôn ngữ văn xuôi. Ngôn ngữ của các chị có những đặc điểm chung của ngôn ngữ
văn xuôi đương đại: mang nhãn quan hiện thực – đời thường. Khoảng cách giữa văn
nói và văn viết được thu hẹp. Lối nói trần trụi, những tiếng chửi tục, chửi thề, tiếng
lóng… xuất hiện nhiều trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật:
“Họa lừ mắt:
-Mấy con ranh kia. Gọi ông chủ ra đây.
Cô Lan mạnh dạn:
-Ông chủ em đi vắng rồi ạ.
-Đi xuống âm ti địa ngục cũng phải gọi về ngay. Không thì đừng trách. Cút hết
những thằng chó chết nào đang sử dụng cái phòng “nhất dạ đế vương” đi. Dọn sạch
dớt dãi. Tập hợp hết những con thú xịn nhất, phục vụ hai tiếng trả hai mươi triệu. Ba
mươi phút sau phải xong tất cả. Nhớ chưa?” (Tường thành - Võ Thị Xuân Hà )
-“Chị đừng có dạy tôi như bà dạy cháu ấy. Cái đời sống này có nghĩa lí gì?
Tôi, từ lúc sinh ra đã bị quăng vào cái vòng quay của một cuộc sống cùng quẫn, mãi
mãi tôi là một thứ đồ chơi của số phận hay sao? Tôi muốn tự do và sung sướng,
muốn là bà chủ ngôi nhà này và Dương. Cái kiếp đàn bà thật khốn nạn. Mẹ yêu quý
của chúng ta ra rả dậy tôi rằng: Khi bé thì phải vâng lời bố mẹ. Lớn lên lấy chồng thì
phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Chỉ có vâng lời và vâng lời. Chắc chị và
cả cái nhà này thích tôi sẽ lấy một thằng lực điền chân đất mắt toét như một con trâu
tốt để rồi tống tiễn tôi về nhà nó và ồ ạt đẻ những đứa con như gà chứ gì? Sao các
người ích kỉ thế?” (Thiếu phụ chưa chồng – Nguyễn Thị Thu Huệ)
Lại có những lời thoại được bê nguyên xi từ ngoài đời vào trang văn, đọc lên là
biết ngay nó được phát ra từ dạng người nào:
"Này này em gì ơi, học hả?" Ðấy là bà chủ tiệm đang lách bụng và mông qua
đám con gái. Bà vừa lật lật một quyển vở mép cong tướn vừa nói: "Một trăm hai
mươi kiểu nam nữ âu phục dân tộc phổ biến thời trang nhất hiện nay, sơ cấp hai trăm
rưởi, trung cấp bốn trăm, cả trung cả sơ thì sáu trăm giảm năm chục, cao cấp thì áo
dài com-lê, thực hành ngay trên vải giáo viên vào loại tín nhiệm, nào em tên là gì?”.
"Nào em tên gì?”. Tôi nghĩ chắc bà bận lắm nên lễ nhập học của tôi phải xong ngay
trong một tràng tiếng Việt cực trong sáng như thế…”
“Tôi từ trên gác bước thẳng vào giữa câu của cô: "... xong không dọn bàn là,
là xong không rút ra đấy, cút để gái già này vác bụng đi hầu mấy con đĩ non kia thì xí
xớn học chả học, may lên bờ xuống ruộng đơm cúc vênh váo như các 1 cái khuyết
thùa toe toét chỉ xí xớn tôi thì đuổi tuốt, nhà này là nhà làm ăn tử tế toàn là người có
học có văn thơ hẳn hoi chứ là cái nhà thổ à, không phải cái nhà thổ à, không phải cái
nhà thổ, không phải cái chợ ai muốn ra thì ra vào thì vào, thời buổi này không ai
nuôi không ai, tôi đây chẳng thương thì chó nó thương...”.(Tiệm may Sài Gòn –
Phạm Thị Hoài)
Những đoạn đối thoại như trên không nhiều, nhưng phải nói rằng, ngôn ngữ
“vỉa hè” được đưa vào văn chương làm cho con người được sống thật hơn. Theo nhà
nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến thì chính M.Gorki đã gọi “khẩu ngữ là máu của văn
xuôi nghệ thuật”. Như vậy, nó không chỉ đóng vai trò nguồn nuôi dưỡng mà còn làm
nên thần thái, khí sắc, đặc tính mĩ học của văn xuôi. Vả lại, lối nói, lối kể theo đúng
lời ăn tiếng nói tự nhiên hàng ngày không qua công thức, tu sửa, không qua “nghệ
thuật hóa”, “bác học hóa” sẽ giữ được vẻ tươi mới lâu bền. Nhiều nhà nghiên cứu văn
học đã chỉ ra rằng: thứ ngôn ngữ trau chuốt, gọt gũa quá kĩ lưỡng sẽ chóng cũ hơn lời
văn dân dã đời thường và lời kể của những truyện cười, truyện tiếu lâm luôn có vẻ
“hiện đại”. Tất nhiên, nếu đưa thứ ngôn ngữ bình dân “đầu đường xó chợ” vào quá
liều lượng sẽ gây phản cảm cho người đọc, nhất là khi người đọc đồng thời là những
nhà đạo đức.
Cùng với đặc tính gia tăng khẩu ngữ, các nhà văn nữ cũng tăng cường sử dụng
các đại từ nhân xưng. “Y”, “hắn”, “gã”, “thị”, “ả”… làm thành giọng điệu suồng sã,
bỡn cợt, phá vỡ tính mực thước quen thuộc của văn xuôi: “Gần như Ngâu biết rõ vợ
hắn làm gì trong ngày ấy. Hắn mường tượng mồn một, đến đau đớn, khuôn mặt đẹp
võ vàng của vợ hắn đang bị phủ dưới bản mặt của một gã lạ hoắc nào đó. Xong việc.
Một nắm tiền còm” (Ngày không mút tay – Võ Thị Hảo); “Ả muốn thời gian không
gian ngưng lại hết. Ả ước ao tay trong tay cho đến khi nào ả chẳng còn cảm nhận
được gì nữa cả”. (Đàn bà sinh ra từ bóng đêm – Y Ban). Trái lại “chàng”, “nàng”
làm cho văn phong mềm mại, đầy nữ tính: “Khoan khoái sau một giấc ngủ say, sâu,
êm đềm, không mộng mị, nàng mở mắt nhìn qua cửa sổ. Đã giũa thu, nắng thủy tinh
rờ rỡ ngoài trời. Những cái lá trên cây xanh sạch sẽ mơn mởn sau trận mưa đêm
đang làm duyên dưới nắng. Ồ, một buổi sáng mới thanh bình làm sao. Nàng vùng dậy
chạy vào nhà tắm. Ồn ào tiếng nước xối xả vào nàng. Nhẹ nhõm, nàng chạy ra đứng
trước gương”. (Người đàn bà đứng trước gương – Y Ban)
3.3.2. Ngôn ngữ tăng cường tính tốc độ, thông tin và triết luận là một đặc
điểm nữa của các ngòi bút nữ. Tính tốc độ thể hiện ở lối kể liệt kê như Phạm Thị
Hoài, ở sự đậm đặc các chi tiết như Thuận, ở các đoạn đối thoại dồn dập như Lý Lan,
ở câu văn xô lệch ngữ pháp như Nguyễn Thị Thu Huệ và cả ở lối văn tung phá rất trẻ
trung của Phan Thị Vàng Anh… Lượng thông tin đạt đến mức tối đa nằm ở một thứ
ngôn ngữ phức điệu, đa thanh, mang tinh thần tiểu thuyết: “Tôi chẳng biết bây giờ Vũ
đã đội chiếc mũ phớt thứ bao nhiêu trong đời, Lâm đã lầm bầm nguyền rủa bao
nhiêu lưỡi dao cạo. Một hôm nào đó gần đây tôi chợt trông thấy Vũ dắt chiếc một-
linh-ba mặt mũi đầy tự trọng kiểu trí thức thuộc địa, và theo sau một quãng nghi binh
là một nàng đeo kính cố tách khỏi môi trường. Tóc nàng để rất dụng ý. Khoé miệng
thì chán chường căng thẳng. Những phụ nữ hạng siêu việt này chỉ có một mục đích
trong cuộc đời là săn tìm một người đàn ông có thể hiểu được mình. Họ quả là không
đơn giản chút nào. Tôi mừng cho Vũ từ đằng sau. Thế là nó đã tìm được ai đó đáng
cho nó nói chuyện, thế là nó đã trưởng thành, đã có một đời sống xã hội thật rồi, cứ
nhìn cách nó chọn xe pháo thì biết. Còn Lâm đôi ba lần lướt qua sát mũi tôi nhưng
tôi chẳng kịp đánh hơi xem nó bây giờ là ai. Mà tôi chắc cũng không bốc mùi V.I.P.
khiến nó phải miễn cưỡng ngoảnh lại. Nó đã quệt vỡ đèn xi nhan bên trái của tôi để
lách lên chui qua chiếc chắn tàu ở đầu đường Khâm Thiên. Nó tỏ ra biết quý thời
gian ở tình huống chắn tàu như phần lớn người Hà Nội hiện đại và cũng như họ, nó
không xin lỗi. Thế cũng là một trưởng thành”. (Man nương – Phạm Thị Hoài) Khả
năng thông tin thể hiện ở việc nhà văn biết dung nạp những thành phần ngôn ngữ
mới, biết sử dụng các “điển cố” văn học mới, mở rộng khả năng diễn đạt của ngôn từ.
Cái cách nhà văn làm cho các từ “mũ phớt”, “lưỡi dao cạo”, “V.I.P.” trở nên đa
nghĩa; cái cách miêu tả xen lẫn bình luận: “…mặt mũi đầy tự trọng kiểu trí thức thuộc
địa, và theo sau một quãng nghi binh là một nàng đeo kính cố tách khỏi môi trường.
Tóc nàng để rất dụng ý. Khoé miệng thì chán chường căng thẳng” làm cho ngôn ngữ
trở nên đa thanh, hàm chứa nhiều ẩn ý.
Hứng thú triết luận không chỉ là hứng thú của những nhà văn nam giới như
Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh
Thái, Nguyễn Việt Hà… Những nhà văn nữ của chúng ta cũng rất ưa triết luận. Tính
triết luận thể hiện qua những thành phần ngôn ngữ có tính khái quát, trừu tượng.
Ngôn ngữ cũng bớt đi phần kể, phần tả để xen vào một vài đoạn triết luận ngắn,
nhưng có ý nghĩa khái quát cao.“Thiên đường. Hình như ai trong đời cũng đã từng
đặt chân tới đó. Chỉ khác nhau là thiên đường của họ là cái gì, và đem lại hạnh phúc
cho họ ra sao. Có người thì chạy hết từ thiên đường này tới thiên đường khác, có khi
vừa lao vào rồi lại chạy tọt ra ngay vì kinh hãi”. (Hậu thiên đường – Nguyễn Thị
Thu Huệ) “Tôi nhìn ảnh Ma-ra-đô-na. Không hiểu sao tôi thấy lo lắng khi nhìn thấy
con người này đang đứng trên đỉnh cao chót vót, trong khi cả hành tinh nhìn vào anh
ta. Không vui gì khi phải giữ thăng bằng trên cao, và tất cả mọi người bắt anh ta
phải đứng như thế theo ý họ. Nếu là tôi, tôi sẽ biến mất, sẽ trốn đi, hoặc sẽ ngừng to
tiếng khi đã lên đến đỉnh. Không một người nào lên mãi mãi, vĩ đại mãi mãi được.
(Cơn mưa cuối mùa – Lê Minh Khuê)
3.3.3. Ở nhiều tác giả, ngôn ngữ thật sự là một cuộc trình diễn của cá tính
nghệ sĩ. Trong số các nhà văn nữ Việt Nam hiện nay, người có ý thức trong việc sử
dụng ngôn ngữ nhất có lẽ là Phạm Thị Hoài.
Chị từng nói rằng: “Nhà văn là kẻ đã ngầm ký một hợp đồng nào đó với các
con chữ, đôi khi là một hợp đồng rất khắt khe. Càng ở lâu trong nghề thì hợp đồng ấy
càng dày lên và phức tạp hơn, khiến việc viết càng khó khăn hơn. Đương nhiên là
nhà văn có điều gì đó muốn nói, nhưng ai cũng có điều gì đó muốn thổ lộ, bất kể ai,
từ một đứa trẻ sơ sinh trở đi. Song với người bình thường, chỉ có bản thân nhu cầu
thổ lộ ấy là quan trọng, họ làm tất cả để thoả mãn nhu cầu ấy, cách nào cũng được,
miễn là thổ lộ, nhiều khi họ cũng dùng cách viết và có được hiệu quả cần thiết. Nhà
văn là kẻ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thổ lộ của mình một cách cao nhất trong việc
viết. Thậm chí hạn hẹp hơn nữa: hắn chỉ có thể được thoả mãn trong một vài lối
viết”. [11] Chị viết với một quan niệm rất rõ ràng, “viết như một phép ứng xử toàn
diện, trước hết là ứng xử với bản thân mình, sau là ứng xử với môi trường, và môi
trường ở đây là toàn bộ những gì tự nhiên và con người tạo ra, kể cả di sản của quá
khứ và những tín hiệu dù còn mơ hồ về tương lai”. [31]
Tác phẩm của Phạm Thị Hoài là một dòng thác ngôn từ. Truyện ngắn của chị
đầy rẫy những phép liệt kê, khiến cho người đọc vừa cảm thấy thích thú với vốn kiến
thức sâu rộng của chị về đối tượng được miêu tả, vừa choáng ngợp bởi khả năng biểu
cảm phong phú của tiếng Việt. Hãy nghe nhà văn mượn lời một nhân vật làm “ôsin”
kể về cô chủ của mình để phô diễn lớp từ vựng mà người Việt Nam dùng để phân
biệt các loại mĩ phẩm:
“Hai năm qua tôi thu thập những thứ đẹp cô Cam bỏ đi như sau: lọ dầu gội
giã biệt gầu; lọ dầu gội cho loại tóc cực kỳ mẫn cảm; lọ dầu xả táo tầu jujube để tóc
không bị tổn thương khi chải và hết hẳn chẻ ngọn; lọ sữa tắm vòi hoa sen gật gù; lọ
sữa tắm bồn bầu dục; lọ sữa rửa mặt; lọ sữa thoa mềm da toàn thân; vô số lọ nước
hoa; hộp kem làm sạch mụn cám, mụn đầu đen, tẩy lớp sừng hoá dưới da, thông
thoáng lỗ chân lông; hộp kem dưỡng da siêu hạng dùng cho loại da mỏng dễ dị ứng;
hộp kem chống nắng, không trôi khi gặp nước; hộp kem một bước đột phá trong việc
trị nám và tàn nhang; hộp kem bào chế từ thực vật của hãng mỹ phẩm Kanebo nổi
tiếng nhất ở Nhật; hộp kem làm tan mỡ bụng, làm thon và săn chắc vùng đùi, trị các
vết rạn nứt trên bụng; hộp kem làm mượt da vùng ngực, tẩy thâm đầu ngực và làm
hồng nhũ hoa... Chúng đều bền và nắp đóng rất khít. Để đựng kim chỉ cúc áo linh
tinh, hạt cườm, ghim băng, chun buộc tóc, khuyên tai, mì chính, cau khô, muối tinh,
ớt bột... cho sạch. Tôi còn chưa kể vô vàn túi giấy bóng và hộp giấy cứng một mình
cô Cam thải ra, đủ cho cả huyện Mường Lặt nhà tôi dùng mọt đời. Những thứ sau
đây cô Cam bỏ đi tôi không giữ: tuýp kem lột nhẹ da mặt; tuýp kem đắp mặt nạ thư
giãn và sảng khoái; tuýp kem tẩy lông tay vĩnh viễn; tuýp kem nền; vô số ống
mascara và ống son; lọ dung dịch dưỡng dài và dày lông mi lông mày, làm mắt long
lanh; lọ nước hoa khô; lọ nước hoa xịt; lọ thuốc bôi móng tay; lọ dung dịch tẩy thuốc
bôi móng tay; lọ keo tẩy da móng tay; lọ keo xịt tóc giữ nguyên hình dáng cả ngày; lọ
nước xịt miệng thơm cả ngày; hộp kem đặc trị túi mỡ mắt, xoá nhăn mắt và quầng
thâm dưới mắt; hộp phấn đánh quầng mắt mười hai mầu, hộp sáp giữ môi mềm ẩm...
Cũng đẹp nhé mà vô dụng, trẻ con không thèm chơi, đồng nát không thèm nhặt. Ai
cũng như cô Cam thì chết cả nút trong rác đẹp”.
Hãy nghe nhà văn tả người. Với số lượng từ ngữ tối thiểu, chân dung nhân vật
hiện lên sắc nét, ấn tượng một cách tối đa:
“Cô Cam cao tới một mét bẩy, lưỡng quyền cao, mũi cao, cổ cao, mặt dài,
lông mi dài, tóc dài, ngón tay dài, móng tay dài, chân dài. Những lúc uể oải yểu điệu
cũng ra cây liễu. Còn bình thường như cây sào”.
Hãy nghe nhà văn kể về các đồ vật của người Việt để thấy vốn ngôn ngữ của
người Việt ta quả là đáng nể:
“Cái gùi mầu khói hun nâu sẫm ở tận Sa Pa đem về treo ở góc phòng khách,
bên trong chỉ đựng nửa dải thắt lưng lụa hoa hiên, nửa kia buông lơi bên ngoài hờ
hững. Chiếc quạt mo che ngang miệng một cái vại da lươn cực lớn, bảo là vại đời
vua gì gì. Bên cạnh lố nhố chĩnh, cóng, chum, khạp, ấm, nậm, áng, âu. Những thứ
người ta dẹp gọn vào gầm giường, góc bếp, gốc chuối, thì cô cậu giăng ra, rồi phàn
nàn là thiếu không gian”.
Còn đây là các loại vải:
“Tôi chỉ biết gộp những thứ cô Cam mặc trên người thành bốn loại, một là
giặt máy bằng nước lạnh, hai là giặt máy bằng nước ấm, ba là giặt tay, bốn là giặt
khô ở tiệm. Cô chia sẵn, bảo việc này không giao cho mày được. Ủi cũng giao cho
tiệm, sau khi tôi làm cháy một chiếc tất siêu sợi và chăm chỉ là phẳng những nếp gấp
li ti của một chiếc khăn lụa nhăn. Tôi tưởng cô Cam sợ nhăn. Cậu an ủi cô, may mà
nó chưa cắt hết mấu của cái áo khoác bằng vải lanh sùi. Tôi nghe tên vải mà hoảng
hốt. Vải bông, cô cậu gọi là cốt tông, nghe mấy chục lần còn nhớ. Như siu, soa, sẹc,
ka tê, lai cờ rơ, tuýt xi, giơ xi, mút xơ lin, cát xơ mia, la tếch, cờ rếp, vít cớt, với thun
bò, thun gân, thun lưới, thun nhún, nhung chìm, nhung sổ, nhung sẹo, len dê, len cừu,
len cào, len tuyết... thì chịu, mỗi loại một chế độ chăm sóc, một kiểu thưởng thức, một
cách sáng tạo, một chức năng thẩm mỹ, một đời sống, một linh hồn, như cô cậu tuyên
bố. Hàng trăm linh hồn khoác ngoài da như thế là văn minh. Chín mươi vía người
Mường giấu bên trong thì đại phản động”.(Cam tâm – Phạm Thị Hoài)
Còn đây là một đoạn văn khác, bản sưu tập những dấu sắc nghe muốn thủng lỗ
tai: “Cả bọn hai chục đứa tên toàn dấu sắc nghe phát ngốt. Tuất, Bích, Trúc, Ðát,
Phúc, Thoát, Ngát, Thấm, Bắc... Bà chủ là Tuyết, cô con gái Xuyến, hai cô con dâu
Phấn, Ðức, bốn thầy Quýt, Túc, Chiến, Thắng. Ở tầng trên suốt ngày vang vang chia
mông cộng ngực trừ nách, mông ngực nách”. (Tiệm may Sài Gòn – Phạm Thị Hoài)
Người đọc bị nhà văn dẫn vào mê hồn trận của câu chữ. Chuyện tưởng như
chẳng có gì, nhưng khi Phạm Thị Hoài nhúng tay vào, lại thành ra có truyện. Truyện
của chị, khác với phần lớn các nhà văn nữ, không thấy có bóng hình cuộc đời chị,
nhưng cái cá tính sáng tạo hiện lên rất rõ. Chị không giấu mình trong tác phẩm mà
luôn tìm cách mách người đọc rằng, chuyện mà chị đang kể sở dĩ là như vậy vì chị là
người kể. Càng về sau này, các sáng tác của Phạm Thị Hoài càng cung cấp cho người
đọc những kinh nghiệm đọc mới. Đọc Phạm Thị Hoài, không nên đặt ra câu hỏi: “Tác
giả định nói lên điều gì qua tác phẩm này?”, bởi chính nhà văn cho rằng đó là cách
cảm thụ nghệ thuật đã lỗi thời.
Bên cạnh Phạm Thị Hoài, một gương mặt nữ nhà văn có ngôn ngữ văn xuôi
đầy cá tính nữa là Nguyễn Thị Thu Huệ. Nếu như Phạm Thị Hoài để lại dấu ấn của
mình trong văn xuôi bằng từ vựng và chất giọng giễu nhại đầy ám ảnh thì dấu ấn của
Nguyễn Thị Thu Huệ nằm trong cú pháp. Câu văn của chị thường cố ý sai ngữ pháp.
Chúng thường bị xé vụn, dồn ý tưởng vào các thành phần phụ.
“Bỗng dưng. Chiều nay. Tất cả ùa về. Đầy ắp ứ như thể có ai đó đã thu gom
mọi thứ vào một cái bao tải to tướng, buộc chặt nút lại. Và nay, đem mở òa ra trước
tôi. Đủ đầy. Nguyên vẹn” (Hậu thiên đường)
“Năm giờ.
Chị ngồi bệt dưới thảm. Nhìn ra vườn.
Chiều xuống thong thả. Nhẹ nhàng. Khu vườn nhuộm màu vàng sậm, ánh chút
đỏ phía góc trời”. (Tân cảng)
Không thiếu những cụm từ chỉ thời gian, không gian được đặt thành hẳn một
câu, thường là ở đầu đoạn: “Ba giờ.”, “Mùa hè.”, “Năm giờ.”, “Buổi sáng”. “Phi
trường.”, “Phía sau.”, “Trên máy bay.”… (Tân cảng)
Câu văn ngắn, bị bẻ vụn. Đoạn văn cũng ngắn. Có những đoạn chỉ một câu, có
khi vài ba câu. Sáu bảy đoạn ngắn như vậy liền nhau. Nhiều chỗ xuống dòng, tạo ra
nhiều khoảng giấy trống. Chị tạo được nhiều khoảng cách cho câu chữ của mình, và
cũng tạo được nhiều khoảng không gian xa, gần, cao, thấp cho những sự việc đang
được miêu tả. Nhân vật là những khối rời, cô đơn, khó hòa nhập.
Không giống như Nguyễn Thị Thu Huệ, với Y Ban, câu văn thường dài, dàn
trải theo dòng tâm trạng của nhân vật. Y Ban cũng thường dùng từ “hòa nhập”: “Một
người đàn ông nàng không thể nào nắm bắt và hoà nhập được”. “Đầu óc nàng miên
man và cơ thể thì không hoà nhập được với khối óc”. “Hoà nhập đến thế là cùng”.
[4]
Nhà văn Thuận tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam với ba tiểu thuyết nhưng
cũng đã bước đầu xây dựng cho mình được một phong cách ngôn ngữ độc đáo.
“Ngổn ngang và tung tóe như những mảnh của một trò chơi ghép hình, không
chương hồi liền một mạch suốt hơn 200 trang sách, bề bộn những suy ngẫm, hình
tượng, chi tiết nhấn đi nhấn lại bất tận đến thành ám ảnh, như lưỡi dao cùn nhay mãi
không đứt, như cái đĩa hát cũ bị vấp rãnh, cuốn sách đậm đặc một thứ humour xót xa
và không thiếu những yếu tố mà giờ đây người ta gọi là hậu hiện đại này nhiều lúc
làm tôi như nhập đồng”. [69] Nhà văn Dương Tường đã có những nhận xét như vậy
về văn phong của tiểu thuyết Phố Tầu. Còn đây là một đoạn trong Paris 11 tháng 8:
“ Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Tay bà váy đỏ chém vào không khí. Tay giáo viên
chém vào không khí. Bên ngoài sơ mi tím than là một áo khoác cũng màu tím than.
Cả cây tím than nhìn từ xa vẫn không hết nghiêm trang và năng động. Liên tự hỏi có
nên trốn vào gốc cây bên cạnh thì cả hai đã đi qua. Giầy cao gót mà bước nhanh
ghê. Phăm, phăm, phăm. Cứ như không có gì dưới đất. Những phụ nữ quan trọng
như thế chắc không bao giờ vấp ngã. Không nhìn xuống đất cũng không bị vấp ngã.
Những phụ nữ kém quan trọng thì không đi guốc cao gót cũng vấp ngã. Bác gác cổng
khu nhà Liên ở chẳng hạn, hay vấp ngã đến nỗi bạc cả mũi giày. Bà đưa thư cũng vài
lần vấp ngã, từ cổng đến hộp dựng thư có mấy bước chân mà cũng vấp ngã, không
hiểu thế nào. Hai cô nhân viên siêu thị Franprix tuần trước bê sọt rau xà lách va
phải chiếc xe đẩy, cả người cả hàng đổ kềnh đổ càng. Các cụ già thì thường xuyên
vấp ngã, nhất là trong buồng tắm, móng tay dài cào rách da Liên. Con bé Cuba có vẻ
rắn rỏi thế mà cũng vấp ngã, nó bảo nhà cửa ở đây kinh thật, toàn kính là kính, lại
lau trong veo, nhiều khi tưởng không có gì cứ thế lao đi, may mà kính năm li chứ
không đền sạt nghiệp. Bà hàng xóm của Liên thì sau đợt vấp ngã một mạch từ tầng
bảy xuống tầng năm còn ngã thêm một lần nữa, cũng vì giẫm nhầm vỏ chuối, nhưng
đến tầng sáu thì dừng lại, cái chổi vẫn leo xuống đến tầng trệt”. Văn của chị có nhịp
điệu: lúc nhịp nhàng “Tay bà váy đỏ chém vào không khí. Tay giáo viên chém vào
không khí”, khi gấp gáp: “Phăm, phăm, phăm”, có khi do sự hoà phối âm thanh bằng
trắc, bay bổng lên xuống cứ như thơ: “cả người cả hàng đổ kềnh đổ càng” . Nhiều từ
được nhay đi nhay lại tạo ấn tượng cho người đọc ( hai lần cụm từ “chém vào không
khí”, ba lần từ “tím than”, chín lần từ “vấp ngã”) . Lời gián tiếp của người kể chuyện,
lời trực tiếp của nhân vật (“Giầy cao gót mà bước nhanh ghê” – lời Liên, “ở đây kinh
thật, toàn kính là kính, lại lau trong veo, nhiều khi tưởng không có gì cứ thế lao đi,
may mà kính năm li chứ không đền sạt nghiệp” – lời nhân vật khác qua lời kể của
Liên) hòa quyện vào nhau rất giống với kiểu văn của Nam Cao trong Chí Phèo.
Trong một chừng mực nào đó, ngôn ngữ địa phương cũng tạo nên nét khác biệt
trong ngôn ngữ văn xuôi của từng nhà văn, dù nó chưa đủ để tạo nên một phong cách.
Bên cạnh đó, nó còn tiết lộ với chúng ta vùng đất mà nhà văn ấy sinh ra và lớn lên.
Văn của Nguyễn Ngọc Tư có cái duyên dáng của thổ ngữ vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Lời văn nghệ thuật Dạ Ngân, và Lý Lan cũng vậy. Những phương ngữ Nam
Bộ xuất hiện nhiều trong ngôn ngữ nhân vật. Trong văn Dạ Ngân chúng ta hay gặp
những từ “nầy”, “chớ”, “vầy”, “rỉ rả”, “ngầy ngà”, “chụp giựt”; còn Lý Lan lại rất ưa
dùng từ “nhứt” và cách nói “bả”, “ổng”, “ảnh”.
Tóm lại, các cây bút nữ đều có ý thức cá tính hóa về mặt ngôn ngữ, đồng thời
có xu hướng tiệm cận ngôn ngữ đời sống với sự gia tăng thành phần khẩu ngữ trong ý
thức đưa tác phẩm đến gần hơn với người đọc. Tuy vậy, có người tạo được ấn tượng,
tiến dần tới tạo ra một bút pháp riêng, cũng có những người còn mờ nhạt, chìm khuất.
Bằng một nhãn quan ngôn ngữ mới, các chị góp phần vào việc phá vỡ tính khuôn
định trong cách sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ mực thước, trang trọng không còn là lựa
chọn duy nhất. Dường như, văn xuôi nữ Việt Nam nói riêng và văn xuôi Việt Nam
nói chung đang cố bắt kịp với văn xuôi thế giới, tiệm cận với xu thế hậu hiện đại, nơi
mà ranh giới giữa tính chất bình dân và tính chất bác học hàn lâm bị xóa nhòa.
KẾT LUẬN
Gần ba trăm năm trước, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết Đền thiêng ở cửa bể kể
chuyện về nàng Nguyễn Cơ quý phi của Trần Duệ Tông. Đây có thể nói là tác phẩm
văn xuôi đầu tiên của một nhà văn nữ viết về người phụ nữ. Bẵng đi hơn một trăm
năm sau, mới có các nữ sĩ Đạm Phương, Tương Phố đủ thấy dòng văn học nữ khởi
nguyên thật chật vật. Nhưng từ nửa cuối thế kỉ qua, khi văn nữ chảy thành dòng với
các tác giả Mộng Sơn, Thanh Hương, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú… thì nó
lại mạnh mẽ, ào ạt với hàng loạt tác giả ngang ngửa với nhà văn phái mạnh. Và trong
khoảng hai mươi năm trở lại đây, các nhà văn nữ đã không ngừng xuất hiện trên bục
nhận giải nhất văn chương trong các cuộc thi lớn. Điều đó chứng tỏ có một dòng văn
học nữ Việt Nam đang cuộn chảy và ngày càng lớn mạnh trong lòng dân tộc.
Người phụ nữ Việt Nam nói chung và các nhà văn nữ Việt Nam nói riêng đang
có một khoảng trời tự do ở phía trước để học tập, phấn đấu và tự khẳng định mình.
Đội ngũ viết văn nữ ngày càng đông lên, do những người phụ nữ đã có đủ vốn tri
thức để thi thố với chữ nghĩa, và cũng còn bởi ngày nay quan niệm về nghiệp văn
chương không còn nhiều khe khắt, giáo điều như trước. Cơ chế xuất bản cũng thông
thoáng hơn. Văn chương thực sự trở thành một sân chơi rộng lớn, nơi bất kì ai cũng
có thể tham dự một cách tự do và bình đẳng. Người phụ nữ nào cũng có thể thử sức
mình trong lĩnh vực văn chương, nếu thành công thì họ ở lại, nếu thất bại thì họ ra đi.
Ngay cả khi đã ở lại họ cũng có thể chọn cho mình con đường trở thành nhà văn
chuyên nghiệp, hay chỉ là một người viết nghiệp dư, nghĩa là khi nào thích thì viết,
mệt thì nghỉ. Hầu như không có nhà văn Việt Nam nào sống được bằng nhuận bút,
nên các nhà văn nữ thường kiêm nhiệm nhiều việc, thường là những việc có liên quan
đến chữ nghĩa văn chương như làm báo, làm biên tập viên văn học, làm xuất bản…
để có thể nuôi sống nghiệp văn. Nghề tiếp xúc nhiều với chữ mang đến cho họ tầm
hiểu biết rộng; nỗi lo mưu sinh rèn luyện cho họ trở thành những con người thực tế;
thiên chức làm vợ, làm mẹ khiến cho họ gần gũi với những cái lỉnh kỉnh, lặt vặt của
cuộc sống đời thường. Tất cả những thứ đó cộng lại tạo nên một lối viết ít tô vẽ, rất
“đời” nhưng cũng rất giàu nữ tính.
Đọc tác phẩm của các nhà văn nữ hiện nay viết về đề tài người phụ nữ hiện đại,
chúng ta sẽ tìm thấy được những đặc điểm về tính cách của người phụ nữ hiện đại
trong mối quan hệ với xã hội, với gia đình và bản thân. Cuộc sống muôn màu muôn
vẻ cộng với cá tính sáng tạo của từng nhà văn đã tạo nên nhiều hình ảnh khác nhau về
người phụ nữ Việt Nam ở cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Chúng ta gặp ở đây những
gương mặt phụ nữ ở đủ mọi tính cách, đủ mọi lứa tuổi. Đó có thể là những người phụ
nữ đẹp, tự tin, năng động mà cũng có thể là những người phụ nữ nhan sắc bình
thường mà lại nhẹ dạ, cả tin. Đó có thể là những người mẹ suốt đời hi sinh cho con,
hay những người mẹ chỉ biết sống cho riêng mình. Đó còn là những người phụ nữ
thành đạt trong công việc, có một gia đình hạnh phúc nhưng vẫn không ngừng khát
khao một cuộc sống tinh thần luôn phong phú, tươi mới. Đó còn là những người phụ
nữ nghèo khó gánh trên vai một gánh gia đình, lúc nào cũng loay hoay với những câu
hỏi về mưu sinh. Đó còn là hình ảnh của những cô thiếu nữ đang chập chững bước
vào đời luôn băn khoăn với những câu hỏi về tình yêu, về lẽ sống… Những người
phụ nữ ấy hiện lên dưới cái nhìn của các nhà văn nữ đều rất sống động với thế giới
nội tâm phức tạp, với những nét tính cách rất chân thực, không tô vẽ. Lấy giá trị nhân
bản làm gốc, những trang truyện của các nhà văn nữ đi sâu lí giải, trân trọng từng nỗi
khát khao; cảm thông với những lầm lẫn, ngô nhận; nâng đỡ từng số phận sa ngã; yêu
quý từng cuộc đời đơn lẻ. Các nhà văn với thế mạnh là những người cùng giới, hiểu
tường tận những nỗi niềm của người phụ nữ hiện đại, thể hiện nó trên những trang
văn làm cho nam giới hiểu phụ nữ hơn, và chính phụ nữ cũng hiểu mình hơn.
Các nhà văn nữ ngày nay đã được trang bị học vấn và những tri thức toàn diện
về đời sống. Nhờ biết tiếp thu những yếu tố nội sinh của văn học dân tộc và tiếp biến
kĩ thuật hiện đại của thế giới, chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm của họ mỗi ngày
một nâng cao. Họ biết lựa chọn những điểm nhìn thích hợp để bày tỏ cái tôi nội cảm
của nhân vật một cách tự nhiên và thuyết phục. Tiêu điểm nội quan được lựa chọn
nhiều nhất, và có thể nói đây là một lựa chọn thích hợp, là một trong những yếu tố
góp phần tạo nên thành công cho hệ thống tác phẩm viết về người phụ nữ. Cái nhìn từ
bên trong tạo thuận lợi cho việc miêu tả tâm lý nhân vật, phù hợp với kiểu “truyện
tâm tình”, không chú trọng nhiều đến tình tiết và cốt truyện mà hướng đến những
khoảnh khắc tâm trạng.
Tâm lý nhân vật được mô tả bằng nhiều thủ pháp. Có khi các nhà văn để cho
nhân vật tự bộc lộ, tự giãi bày. Cũng có khi các nhà văn áp dụng biện pháp vẽ cảnh
để tả tình, nhờ thiên nhiên nói hộ lòng người. Ngôn ngữ nhân vật cũng là một trong
những phương tiện để nhân vật bộc lộ tính cách và tâm trạng.
Về ngôn ngữ văn xuôi, các nhà văn cũng có những đóng góp nhất định trong
việc làm cho ngôn ngữ văn chương gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Khẩu ngữ được
gia tăng, làm cho nhân vật sống thật hơn, gần với người đọc hơn. Ngoài ra, ngôn ngữ
văn xuôi của các nhà văn nữ cũng mang những đặc điểm có tính thời đại: tăng cường
tính tốc độ, thông tin và triết luận. Có những nhà văn đã bước đầu tạo ra được dấu ấn
ngôn ngữ riêng trong lòng độc giả.
Bên cạnh những thành công nêu trên, văn chương nữ Việt Nam ở thời điểm
cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Thứ nhất, nội dung đề tài còn chưa thật sự phong phú, phần nhiều xoay quanh
những mảnh đời nhỏ bé của người phụ nữ giữa dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời.
Tác phẩm của họ chưa có tầm khái quát cao và ít tác phẩm “đứng” được lâu trong
lòng độc giả.
Thứ hai, các nhà văn nữ thường lấy cuộc đời mình ra làm chất liệu cho những
sáng tạo nghệ thuật. Việc làm này có những lợi thế như sự chân thực trong cảm xúc,
chiều sâu trong những chiêm nghiệm về cuộc đời, nhưng ngược lại có những bất lợi,
mà như cách nói của nhà thơ Đặng Minh Châu “viết mà xài đến vốn rồi, lấy cả cuộc
đời mình ra viết, như thế, về mặt làm nghề mà xét phải rất tài, nếu không chóng hết
lắm”. [55]
Thứ ba, không phải tất cả, nhưng một số nhà văn nữ đang có nguy cơ lặp lại
mình. Sự lặp lại thể hiện trong việc chọn lựa đề tài, cách dàn dựng kết cấu, cách chọn
lựa lối hành văn cho tác phẩm. Tất nhiên trên một chặng đường dài của sáng tạo nghệ
thuật, chúng ta không thể đòi hỏi các nhà văn lúc nào cũng ở trong trạng thái cảm xúc
thăng hoa để tạo nên những thành công, nhưng chúng ta cũng mong muốn được
thưởng thức những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị, chịu được thử thách khắc
nghiệt của thời gian.
Để phát huy những mặt tích cực và hạn chế đi những nhược điểm của mình,
không có con đường nào khác là các nhà văn nữ Việt Nam phải tăng cường học hỏi
và rèn luyện tay nghề. Như một “người trong cuộc” đã nói: “Chúng ta đang ở một
thời mà người cầm bút buộc lòng phải có một giao tiếp nhất định với sản phẩm tinh
thần và nghệ thuật toàn thế giới. Tôi cho rằng, ngày nay, một nhà văn thực sự không
được phép xin lỗi cho sự thiếu hiểu biết của mình về hoạt động của các đồng nghiệp
xuất sắc trên thế giới nữa…”. [31]
Để nâng mình lên một tầm cao mới, cố gắng của cá nhân là chưa đủ. Nhà
nước, xã hội và gia đình cũng cần chắp đôi cánh để các nhà văn nữ của chúng ta bay
cao, bay xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tạ Duy Anh (2006), “Tôi thích tự huyễn hoặc mình đấy”, Tường thành, Nhà
xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Nhuệ Anh (2006), “Các nhà văn nữ của “thế kỉ nàng”, Văn nghệ, (21).
3. Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ (2002),
Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
4. Y Ban (2005), Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh
Niên, Hà Nội.
5. Lê Huy Bắc (1998), “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại”, Tạp chí
Văn học, (9).
6. Nguyễn Thị Bình (2003), “Đổi mới ngôn ngữ và giọng điệu – Một thành công
đáng chú ý của văn xuôi sau 1975”, Tự sự học: một số vấn đề lí luận và
lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
7. Xuân Cang, “Y Ban và những thân phận đàn bà”, www.hanoi.vnn.vn.
8. Văn Chinh (2001), “Văn nữ thế kỉ XX, một tuyển tập đáng quý”, Nông nghiệp
Việt Nam, (138).
9. Trương Chính (1990), “Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự
lực văn đoàn”, Tạp chí Văn học,(5).
10. Ngô Thị Kim Cúc (1996), Thảm cỏ trên trời, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản
Công an nhân dân.
11. Phạm Việt Cường , “Hợp đồng ngầm với các con chữ”, www.talawas.org.
12. Trần Ngọc Dung (2006), “Đời sống thể loại văn học sau 1975”, Nghiên cứu
văn học,(2).
13. Hạnh Đỗ, “Không nên tước đi bản năng tự nhiên của nhân vật”, Tường thành,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
14. Đào Đồng Điện, Phụ nữ là đàn bà, tuoitre online.com.vn.
15. Nhị Hà (2005), “Tôi ngồi bệt trên đất và viết”, Người sót lại của rừng cười,
Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
16. Minh Hà (2005), “Tôi vốn là người đàn bà thích che chở”, Hồn trinh nữ, Nhà
xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
17. Võ Thị Xuân Hà (2002), Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ,
Hà Nội.
18. Võ Thị Xuân Hà (2006), Chuyện của con gái người hát rong, Tập truyện ngắn,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
19. Võ Thị Xuân Hà (2006), Tường thành, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn,
Hà Nội.
20. Lê Thị Đức Hạnh (1967), “Nhân vật phụ nữ nông thôn trong truyện ngắn Vũ
Thị Thường”, Tạp chí Văn học, (9).
21. Lê Thị Đức Hạnh (1968), “Nhân vật phụ nữ ba đảm đang qua sáng tác của một
số nhà văn nữ”, Tạp chí Văn học,(7).
22. Nguyên Hằng (2005), “Suốt đời chỉ mơ một giấc”, Người sót lại của rừng
cười, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
23. Võ Thị Hảo (2005), Người sót lại của rừng cười, Tập truyện ngắn, Nhà xuất
bản Phụ Nữ, Hà Nội.
24. Võ Thị Hảo (2005), Hồn trinh nữ, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà
Nội.
25. Võ Thị Hảo (2005), Góa phụ đen, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà
Nội.
26. Hoàng Ngọc Hiến, “Không chỉ là một “Gia đình bé mọn”, www.hanoi.vnn.vn.
27. Hoàng Ngọc Hiến (2003), “Kể lại nội dung và viết nội dung”, Tự sự học: một
số vấn đề lí luận và lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
28. Đỗ Đức Hiểu (1990), “Đọc Phạm Thị Hoài”, Văn Nghệ ngày nay, (50).
29. An Hoa, “Văn chương một thời để nhớ”, www.cpv.org.vn.
30. Nguyễn Thái Hòa (2003), “Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và Điểm nhìn
nghệ thuật trong truyện”, Tự sự học: một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nhà
xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
31. Phạm Thị Hoài (1989), “Viết như một phép ứng xử”, Tạp chí Sông Hương,
(39).
32. Phạm Thị Hoài (1989), Mệ lộ, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Tổng hợp Phú
Khánh.
33. Phạm Thị Hoài (1990), “Một trò chơi vô tăm tích”, Văn Nghệ (50).
34. Phạm Thị Hoài (1995), Thiên sứ, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà
Nội.
35. Phạm Thị Hoài, “Hư cấu thật, hiện thực giả”, www.talawas.org.
36. Phạm Thị Hoài, Cam tâm, truyện ngắn, www.thoivan.com.
37. Phạm Thị Hoài, Man nương, truyện ngắn, www.evan.com.vn.
38. Phạm Thị Hoài, Ám thị, truyện ngắn, www.thoivan.com.
39. Lê Thị Tâm Hoài (2005), Cái nhìn nghệ thuật về người phụ nữ trong một vài
tiểu thuyết đoạt giải năm 1991 của Hội nhà văn Viêt Nam, Luận văn Thạc
sĩ ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh.
40. Đoàn Thị Hương (1978), “Người phụ nữ Việt Nam xã hội chủ nghĩa và cuộc
cách mang khoa học kĩ thuật trong văn học”, Tạp chí Văn học,(1).
41. Châm Khanh: “Phụ nữ và văn chương”, www.tienve.org.
42. Bích Khuê, “Tọa đàm về tác phẩm nhà văn nữ được giải thưởng 2005”, Văn
Nghệ (24).
43. Lý Lan (2006), Người đàn bà kể chuyện, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn
Nghệ. Tp. Hồ Chí Minh.
44. Hồ Thị Liễu (2002), Khảo sát truyện ngắn các nhà văn nữ Việt nam từ 1986
đến 1996, Luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.
45. Hà Linh, “Phụ nữ viết văn trong xã hội Iran”, www.evan.com.vn.
46. Phương Lựu chủ biên (1997), Lí Luận văn học , Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà
Nội.
47. Trần Thùy Mai (2003), Biển đời người, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Công
an nhân dân.
48. Trần Thùy Mai (2005), Mưa đời sau, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn
Nghệ.
49. Hoài Nam, “Bốn lới bình về “Gia đình bé mọn” của Dạ Ngân”,
www3.thanhnien.com.vn.
50. Lê Thanh Nga: “Ngụ cư” và thân phận người phụ nữ”, Văn Nghệ, (24).
51. Bích Ngân (2005), Truyện ngắn Bích Ngân, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố
Hồ Chí Minh.
52. Bích Ngân (2005), Người đàn bà bơi trên sóng, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản
Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
53. Dạ Ngân (1995), “Dù phải sống ít hơn”, Truyện ngắn chọn lọc 14 tác giả nữ,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
54. Dạ Ngân (2006), Gia đình bé mọn, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội.
55. Vương Trí Nhàn (1996), “Phụ nữ và sáng tác văn chương”, Tạp chí Văn học,
(6).
56. Đỗ Hải Phong (2003), “Vấn đề người kể chuyện trong thi pháp tự sự hiện đại”,
Tự sự học: một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
Hà Nội.
57. Hà Phạm Phú (2002), “Ngôi nhà gương của Võ Thị Xuân Hà”, Truyện ngắn Võ
Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
58. Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Hạnh (1995), Lí luận văn học: vấn đề và suy
nghĩ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
59. Huỳnh Như Phương (1995), “Trong sân chơi của Vàng Anh”, Khi người ta trẻ,
Nhà xuất bản Hội nhà văn.
60. Trần Hữu Tá (1994), “Về cây bút trẻ ấy”, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh,(9).
61. Thanh Tâm (2006), “Ưu thế tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà?”, Tường thành,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
62. Hồ Anh Thái, Wayne Karlin chủ biên (2004), Tình yêu sau chiến tranh (Love
after War), Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội.
63. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn
xuôi”, Tạp chí Văn học, (2).
64. Bùi Việt Thắng (2002), “Tứ tử trình làng”, Truyện ngắn bốn cây bút nữ , Nhà
xuất bản Văn học, Hà Nội.
65. Bùi Việt Thắng (1998), “Một giọng nữ trầm trong văn chương”, Văn hóa,
(397).
66. Bích Thu, “Cảm nhận về văn xuôi của các cây bút nữ”, www.hanoi.vnn.vn.
67. Lý Hoài Thu (2006), “Về tiểu thuyết “Tường thành” của Võ Thị Xuân Hà”,
Văn Nghệ (24).
68. Dương Thuấn (2007), “Văn học dân tộc thiểu số ngày càng thêm nhiều cây bút
nữ”, Văn Nghệ (10).
69. Thuận (2005), Phố Tầu, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
70. Thuận (2005), Paris 11 tháng 8, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
71. Nguyễn Thị Bích Thuận, “Người phụ nữ hiện đại luôn tin vào khả năng của
mình”, www.322duc.org.
72. Lê Hương Thủy (2006), “Truyện ngắn sau 1975 – Một số đổi mới về thi pháp”,
Nghiên cứu văn học, (11).
73. Trịnh Thanh Thủy, “Sex”, VIETWEEKLY,
74. Nguyễn Thị Thu Thủy (2003), “Về khái niệm “Truyện kể ở ngôi thứ ba” và
“Người kể chuyện ở ngôi thứ ba”, Tự sự học: một số vấn đề lí luận và lịch
sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
75. Trịnh Thu Tiết (1979), “Đề tài phụ nữ trong văn học yêu nước thời cận đại”,
Tạp chí Văn học (3).
76. Trần Thị Trường (2005), Lời cuối cho em, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà
văn, Hà Nội.
77. Lê Dục Tú (2007), “Thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học đương
đại”, Nghiên cứu văn học, (2).
78. Lê Dục Tú (1994), “Miêu tả nội tâm trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn”, Tạp
chí Văn học, (8).
79. Hoàng Thị Văn (2001), Đặc trưng truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến đầu thập
niên 90, Luận án Tiến sĩ ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí
Minh.
80. Phỏng vấn Y Ban, Y Ban viết về nỗi đau rất đàn bà, www.thotre.com.
81. Phỏng vấn Y Ban, “Hãy lắng nghe tác phẩm của nhà văn nữ”,
www.evan.com.vn.
82. Phỏng vấn Y Ban, “Y Ban và lối viết phá cách về tình yêu”,
www.Vnexpress.net.
83. Phỏng vấn Y Ban, “Sex là giải trí và văn hóa”, www.Vnexpress.net.
84. Phỏng vấn Y Ban, “Tình yêu được tôi chắt chiu và dùng dè xẻn”,
www.vnexpress.net.
85. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Viết để đỡ đau đớn hơn khi nhìn thực tế”,
www.vnexpress.net.
86. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Nhà văn Võ Thị Xuân Hà phiêu lưu”,
www.hatay.gov.vn.
87. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Có thể con tôi chân không dài lắm nhưng nó vẫn
xinh”, www.thotre.com.
88. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Trả lời phỏng vấn giáo sư Trần Quý Phiệt”,
Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
89. Phỏng vấn Võ Thị Hảo do tác giả luận văn thực hiện, Phụ lục của luận văn.
90. Phỏng vấn Võ Thị Hảo (2005), “Gương mặt Võ Thị Hảo”, Góa phụ đen, Nhà
xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
91. Phỏng vấn Võ Thị Hảo và Trần Thanh Hà, Nữ quyền trong văn chương nữ
Việt nam chưa mạnh, www.tuoitre.com.vn.
92. Phỏng vấn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Thu Huệ muốn tận hưởng tình
yêu đích thực, www.vnexpress.net.
93. Phỏng vấn Nguyễn Thị Thu Huệ, Tôi không hạ bệ đàn ông,
www.vnexpress.net.
94. Phỏng vấn Lý Lan do tác giả luận văn thực hiện, Phụ lục của luận văn.
95. Phỏng vấn Dạ Ngân do tác giả luận văn thực hiện, Phụ lục của luận văn.
96. Phỏng vấn Dạ Ngân, Viết văn như xây nhà, hanoi.vnn.vn.
97. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Trần Thùy Mai: một cái nhìn khai phóng về cuộc
sống, www.tuoitre .com.vn.
98. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Với đôi cánh tình yêu, www.tuoitre.com.vn.
99. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Nếu có siêu thị đàn ông, www.hue.vnn.vn.
100. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Viết văn là một cách thương yêu,
www.tuoitre.com.vn.
101. Phỏng vấn Thuận, Phỏng vấn Thuận (tác giả Made in Vietnam),
www.tienve.org.
102. Phỏng vấn nhà văn Trần Thị Trường, Nhà văn Trần Thị Trường: say mê
viết về thân phận phụ nữ, www.hanoi.vnn.vn.
103. Phỏng vấn nhiều nhà văn, Vẻ đẹp dâng hiến, www.dddv.com.vn.
104. “Phụ nữ - nguồn cảm hứng sáng tác của văn xuôi Việt Nam thời kì đổi
mới”, www.hanoi.vnn.vn.
105. “Tường thành” – Thế giới đa diện của những người làm báo”,
www.evan.com.vn.
106. Nhiều tác giả (1999), Truyện ngắn nữ thập niên 90, Nhà xuất bản Phụ Nữ,
Hà Nội.
107. Nhiều tác giả (2006),Văn chương một thời để nhớ, Tập truyện ngắn, Nhà
xuất bản Văn học, Hà Nội.
PHỤ LỤC
Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo*
1. Xin cho biết quan niệm của chị về người phụ nữ Việt Nam hiện đại?
- Người phụ nữ hiện đại là người luôn nắm bắt được thông tin, kiến thức và
hành xử cập nhật thời đại. Đồng thời, không nô lệ trong suy nghĩ, không lệ thuộc lối
mòn, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của chính mình.
2. Khi viết về người phụ nữ, theo chị có điểm khác biệt giữa một cây bút
nữ với một cây bút nam không?
- Cơ bản là giống nhau. Chỉ khác ở chỗ phụ nữ viết về chính giới của mình thì
sẽ phát hiện ra nhiều nỗi đau hơn của phụ nữ và cảm thấy tình yêu ở một khía cạnh
khác hơn là khía cạnh hưởng thụ và chiêm ngưỡng như nam giới thường hay quan
tâm trong các tác phẩm của họ.
3. Theo chị, đâu là những khó khăn của nhà văn nữ trong thời điểm hiện
nay?
- Vẫn ở vấn đề thời gian và quan niệm. Phụ nữ Việt Nam rất khó để trở thành
nhà văn chuyên nghiệp vì phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm trong gia đình và
trong xã hội. Và việc cô ta ngồi vào bàn viết văn như là một hành động phí phạm thời
gian đối với nhiều người đàn ông: Chỗ của cô ta là trong bếp hoặc bôn ba đi kiếm
tiền để nuôi cả nhà thì "phải lẽ hơn".
4. Đóng góp của nhà văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ?
- Đương nhiên, họ là những người tiên phong, khi nhu cầu này nằm trong máu
của họ và khi đó, cây bút viết nên nỗi đau, nỗi tổn thương. Bình đẳng giới, đáng buồn
là đa phần mọi người đều hiểu đó là việc mấy mụ đàn bà đòi quyền làm chồng. Hoàn
toàn sai lầm nếu hiểu như vậy. Bình đẳng giới không cho riêng ai. Nó là nhu cầu tự
thân về những tổn thương xẩy ra do sự mất cân bằng của xã hội đem lại, Khi những
kẻ yếu bị kẻ mạnh ức hiếp, rồi chính kẻ mạnh cũng đến lượt bị tổn thương gián tiếp vì
không một kẻ mạnh nào có thể tách rời hoàn toàn được những kẻ yếu...
5. Những dự định của chị có liên quan đến các nhân vật là nữ?
- Tôi còn nhiều đề tài để viết tiểu thuyết. Vấn đề là dành thời gian để viết ra
nó. Đề tài nào thì cũng liên quan đến phụ nữ. Và đương nhiên, cả đàn ông.
Phỏng vấn nhà văn Lý Lan*
1. Xin cho biết quan niệm của chị về người phụ nữ hiện đại?
- Là người phụ nữ độc lập, tự do.
2. Khi viết về người phụ nữ, theo chị, có điểm nào khác biệt giữa một cây bút
nữ với một cây bút nam?
- Tôi không thấy khác biệt giữa cây bút nữ và cây bút nam viết về phụ nữ - tôi thấy sự
khác biệt giữa người viết giỏi và người viết không giỏi mà thôi.
3. Những khó khăn của nhà văn nữ Việt Nam trong thời điểm hiện nay?
- Tôi không thể nói thay cho các nhà văn khác, phần tôi, trong thời điểm hiện nay,
khó khăn nhứt là việc đưa tác phẩm của mình vượt qua cơ chế xuất bản, hệ thống
phát hành, sự rụt rè của giới nghiên cứu phê bình, sự hờ hững của công chúng, để
đến được bạn đọc tri âm.
4. Đóng góp của nhà văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ / bình đẳng
giới?
- Lẽ ra có thể đóng một vai trò lớn hơn thực tế hiện nay.
5. Những dự định tương lai của chị có liên quan đến đề tài người phụ nữ?
- Xuất bản tiểu thuyết "Đàn Bà".
Phỏng vấn nhà văn Dạ Ngân*
1. Xin cho biết quan niệm của chị về người phụ nữ Việt Nam hiện đại?
- Người phụ nữ hiện đại nếu được giải phóng triệt để về mặt tự do cá nhân, họ
sẽ có tất cả năng lực như nam giới. Chính khách ư, nhà khoa học ư, các cương vị
chuyên môn xã hội học ư, tướng lĩnh ư… tôi tin họ làm được hết và còn làm xuất sắc.
Thế giới ngày càng nhiều chính khách chủ chốt là nữ đã nói lên tiềm năng của nữ
giới. Tuy vậy, không người phụ nữ nào có thể nhạt đi vai trò làm vợ làm mẹ, tính nữ
trong đời sống hôn nhân và tình mẫu tử bao quát càng khiến cho người phụ nữ hiện
đại thấu đáo hơn, tức là thành đạt một cách có hương vị.
2. Khi viết về người phụ nữ, theo chị có điểm khác biệt giữa một cây bút
nữ với một cây bút nam không?
- Dĩ nhiên khi viết về phụ nữ thì nhà văn nữ đã sẵn lợi thế hơn cây bút nam. Sự
tinh tế trong phát hiện chi tiết, trong chiều sâu tâm lí và sự chân thực trong tính cách
nhân vật… đó là thế mạnh không ai giành được ở nhà văn nữ. Trên hết, sự trải
nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân của người nữ mặc nhiên sẽ có sự đồng cảm lớn lao
với nhân vật của mình, từ đó khoảng cách giữa nhà văn với độc giả, nhất là độc giả
nữ sẽ ngắn hơn nhiều.
3. Theo chị, đâu là những khó khăn của nhà văn nữ trong thời điểm hiện
nay?
- Khó khăn cụ thể là thời gian. Họ bị xẻ đôi, xẻ ba cho nhiều nghĩa vụ: nghĩa
vụ công sở, nghĩa vụ gia tộc, nghĩa vụ gia đình. Và nếu người đó là nhà văn nữa thì
ôi thôi, người họ lúc nào cũng căng như sợi dây đàn, chạm đến là rung mà cũng có
thể đứt bất cứ lúc nào. Trên hết, khó khăn chung vẫn là áp lực xã hội khi phán xét họ:
viết thế nào là vừa liều lượng để không bị kêu “con này hay chính trị hoá” (tôi hay bị
kêu như vậy), hoặc viết về tình dục sao cho “con này vén cao váy quá đấy” (hình như
tôi cũng có bị kêu), hoặc viết sao cho không mang tiếng “đem đời mình và những
người chung quanh ra bới” (trên thế giới nhiều tiểu thuyết gia nữ thường đưa yếu tố
tự truyện vào, đó là đặc điểm nữ). Xã hội Nho giáo Việt Nam vẫn chưa cởi mở bằng
Nho giáo gốc là Tàu, vì vậy cái trần cho nhà văn Việt Nam vẫn rất thấp.
4. Đóng góp của nhà văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ?
- So với phụ nữ Hàn, phụ nữ Nhật, phụ nữ đạo Hồi, phụ nữ các nước Nam Á,
phụ nữ Việt Nam nói chung rất có ý thức vùng dậy. Đó là do nhu cầu tự thân của xã
hội chiến trận Việt Nam. Vai trò người phụ nữ trong từng gia tộc rất lớn, rất phi
thường. Phụ nữ Việt Nam rất có uy với cộng đồng của mình. Nhà văn nữ cũng nằm
trong số đó, tuy vậy, độc giả nữ ở Việt Nam lại không đông như nam giới, vì vậy tác
dụng của nhà văn nữ trong xã hội Việt Nam chưa cao. Do dân trí thấp, mà số thấp lại
nằm phần lớn ở phụ nữ. Đó là thiệt thòi của nhà văn nữ nói riêng và cũng là thiệt
thòi của phụ nữ Việt Nam nói chung.
5. Những dự định của chị có liên quan đến các nhân vật là nữ?
- Tôi tiếp tục chung thủy với những nhân vật trung tâm là nữ. Nhưng những
tiểu thuyết tôi đang nghĩ tới tính xã hội rộng hơn, nhân vật nam không lép vế. Ví như
tôi đang thai nghén một tiểu thuyết về đề tài hậu chiến và hòa giải dân tộc, nam và
nữ đều được chăm sóc như nhau. Ví như sẽ có cuốn về cuộc chiến tranh 10 năm ở
Campuchia, ở đó những nhân vật là người lính. Tôi đang cố gắng rời chất tự truyện
trong sáng tác của mình để tầm bao quát có thể rộng hơn.
______________________________
* Phỏng vấn do tác giả luận văn thực hiện vào tháng 4 năm 2007.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN021.pdf