Luận văn Nguyễn Du và con đường hoạn lộ qua thơ chữ Hán

MS: LVVH-PPDH033 SỐ TRANG: 111 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VĂN HỌC TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2010 CẤU TRÚC LUẬN VĂN MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHẠM VI KHẢO SÁT 4. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ 5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN 7. ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI CHƯƠNG 1 : THỜI ĐẠI, CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DU 1.1. THỜI ĐẠI 1.1.1. Chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng 1.1.2. Sự bùng nổ của phong trào nông dân khởi nghĩa 1.2. CUỘC ĐỜI 1.2.1. Truyền thống gia đình 1.2.2. Lập thân dưới triều Lê 1.2.3. Bất hợp tác cùng Tây Sơn 1.2.4. Ra làm quan triều Nguyễn 1.3. SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CHƯƠNG 2 : CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ VỚI NHỮNG NỖI NIỀM RIÊNG 2.1. NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN 2.2. NỖI THẤT VỌNG VỀ CHỐN QUAN TRƯỜNG 2.3. NIỀM ƯỚC AO VỀ MỘT CUỘC SỐNG THANH NHÀN 2.4. NHỮNG LÍ LẼ TỰ KHUYÊN MÌNH CHƯƠNG 3: CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ VỚI NỖI BĂN KHOĂN VỀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI 3.1. SỐ PHẬN NHỮNG CON NGƯỜI NGHÈO KHỔ 3.2. SỐ PHẬN NHỮNG BẬC HIỀN TÀI, BẠC MỆNH 3.2.1. Những bậc hiền tài 3.3. NHỮNG KẺ BẤT NGHĨA, GIAN ÁC, XẤU XA CHƯƠNG 4: CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ VÀ NHỮNG TRIẾT LUẬN VỀ THẾ SỰ NHÂN SINH 4.1. CÁI NHÌN MANG TÍNH PHẨN VỀ LỊCH SỬ 4.2. NỖI ÁM ẢNH VỀ SỰ TÀN PHAI CỦA CUỘC ĐỜI KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO

pdf111 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2499 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nguyễn Du và con đường hoạn lộ qua thơ chữ Hán, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
, một lẫn nữa Nguyễn Du lắc đầu ngao ngán: Nhân gian huân nghiệp nhược trường lai, Thử địa cao đài ưng vị khuynh. (Đồng Tước đài) (Nghiệp lớn ở đời nếu còn mãi được, Thì toà đài cao ở khoảng đất này chắc chưa bị đổ!) Đài Đồng Tước tráng lệ nguy nga xưa, nay chỉ còn lại “nền đài nghiêng lở”, “cỏ thu tàn úa”, “gió lạnh gào giận dữ”. Hình ảnh ngôi đài sụp đổ cũng chính là biểu tượng của sự tan vỡ, suy vong không thể cứu vãn nỗi của quyền lực, của những con người một đời chạy theo quyền lực! Nguyễn Du từ chỗ phê phán đi đến phủ nhận giá trị của quyền lực, đưa ra bài học thấm thía cho những kẻ vẫn còn thiết tha với giấc mộng tranh quyền đoạt lợi. Bên cạnh Tào Tháo hùng trấn một thời nhưng để lại “xú danh” muôn thuở, còn có hình ảnh ngậm ngùi của người anh hùng thất chí: Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà? Túc hận du du ký thiển sa. Bá Thượng dĩ thành thiên tử khí, Trướng trung không thính mỹ nhân ca. (Sở Bá Vương mộ I) (Có sức dời núi nhấc vạc nhưng làm gì được mệnh trời? Mối hận cũ dằng dặc gửi dưới lớp cát mỏng. Đất Bá Thượng đã hiện ra khí thiên tử, Trong màn luống nghe tiếng hát của người đẹp.) Hạng Vũ khởi binh cùng Lưu Bang tranh đoạt thiên hạ, cuối cùng bị thua phải chạy đến Ô Giang rồi tự vẫn. Nhận xét về Hạng Vũ, Tư Mã Thiên viết: Hạng Vũ trong tay không có quyền bính gì, thừa kế nổi lên nơi thảo dã, trong ba năm liền đem năm nước chư hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là bá vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ cổ đến nay chưa hề có người nào như thế! [44, tr.377]. Nguyễn Du dường như không mấy để tâm đến điều ấy. Ông thổn thức cùng tiếng hát bi thiết của mỹ nhân, đau lòng trước nước mắt anh hùng lau chẳng ráo: Cập thức bại vong phi chiến tội Không lao trí lực dữ thiên tranh. (Sở Bá Vương mộ II) (Đến khi biết bại vong không phải do tội đánh trận kém, Mới hay đem trí lực tranh với trời chỉ uổng công.) Quyền lực đâu thể trường tồn cùng trời cao. Vậy thì đem trí lực của bản thân ra tranh đoạt mà làm gì, để ngàn năm còn chưa lau khô giọt lệ? Xưa nay anh hùng không đạt được sở nguyện đều tự cho rằng trời chẳng chiều lòng người. Chu Công Cẩn cũng từng thầm oán giận: “Trời đã sinh Du sao còn sinh ra Lượng?”. Ấy là nỗi lòng của kẻ không chấp nhận người khác hơn mình. Sở Vương, Chu Du cho đến lúc chết còn mang mối hận ấy! Tào Tháo gian hùng, Mã Viện tham danh, Tô Tần ti tiện. Trong con mắt của Nguyễn Du, tất cả chỉ còn lại hoang tàn, đổ nát. Hình ảnh cỏ thu, gió lạnh, chiều tà, thành nghiêng, quách lở cứ láy đi láy lại trong những trang thơ tựa một điệp khúc não nề. Tất cả như muốn nói với hậu thế về sự hư ảo, phù phiếm của vinh hoa, danh lợi. Như vậy, trong thế giới nhân vật lịch sử mà Nguyễn Du xây dựng nên, luôn tồn tại hai kiểu nhân vật đối lập: những người tài tình, tài hoa mà cuộc đời hẩm hiu và những kẻ gian ác, phản bội, xu thời, vô dụng. Không phải ngẫu nhiên mà hai hình tượng nhân vật ấy song song tồn tại trong cùng một bài thơ, cùng một tập thơ. Có thể thấy, từ cảm hứng ca ngợi, yêu thương, Nguyễn Du đã tiến dần đến cảm hứng hiện thực. Vạch ra được hình ảnh của một loại người gian tà trong cuộc sống, cũng tức là đã cụ thể hoá được “số mệnh” bằng một lực lượng xã hội nhất định. Nguyễn Du vừa là hiện thân của thời đại vừa đi xa hơn, đi trước thời đại chính là ở đó. Nguyễn Du bị ám ảnh với chữ “tài” và chữ “mệnh”. Cuộc đời ông u uất, day dứt về những câu hỏi tự mình không thể trả lời mà cũng chẳng thể hỏi ai. Tuy nhiên, nếu những mặt bế tắc trong tư tưởng muốn dắt Nguyễn Du đến chỗ buông xuôi theo định mệnh thì hiện thực cuộc sống lại giúp Nguyễn Du phát hiện ra vẻ đẹp của cuộc đời, làm cho vị quan thao thức không nguôi trước số phận con người, căm giận bừng bừng trước những thế lực đen tối, gian ác chà đạp quyền sống và mọi gia trị đẹp đẽ. Ông đau xót, u uất khi viết về những linh hồn tài hoa bạc mệnh đồng thời đanh thép, sắc sảo khi viết về những con người xấu xa. Người đọc tự giác nhận ra rằng thế lực xấu xa ấy đã chà đạp tài hoa, vùi dập nhân phẩm, đem đến đau khổ, tan vỡ, bất hạnh cho con người. Đó mới thực là logic của cuộc sống, là căn nguyên của mọi vấn đề. Nguyễn Du, trong tầm hạn chế của thời đại, chưa thể nhận ra điều đó song hình tượng thơ, tự thân nó có thể cất lên tiếng nói. Hiện thực sắc nét trong tác phẩm đã bác bỏ quan niệm tài mệnh tương đố ám ảnh Nguyễn Du. * * * Theo quan niệm của người xưa, lương y và lương tướng cũng chỉ là một, chỉ khác ở chỗ một bên chữa bệnh cho người, một bên chữa bệnh cho nước. Nguyễn Du không chỉ chữa bệnh cho nước, ông muốn chữa bệnh cho cả xã hội, cả cuộc đời này cho nên suốt quãng đường làm quan, ông không trăn trở vì những chức phận lớn nhỏ, vì bổng lộc công danh mà mải miết suy tư tìm lời giải đáp cho những vấn đề mình quan tâm, nung nấu. Hiện lên trong thơ chữ Hán không chỉ là hình ảnh một vị quan triều Nguyễn mà là tầm vóc của một nhà tư tưởng. Tư tưởng của Nguyễn Du trước hết là tư tưởng nhân đạo. Tấm lòng nhân đạo là dấu ấn lớn nhất, sâu đậm nhất của Nguyễn Du và thơ Nguyễn Du: Lòng thương người bao la của Nguyễn Du giống như tấm áo cà sa của nhà sư trong một câu chuyện cổ tích phật giáo đã bao trùm lên tất cả [24, tr.357]. Phải, trước hết và trên hết, tấm lòng yêu thương con người của nhà thơ rộng mở đến vô cùng. Không một đối tượng nào gặp bất hạnh, thiệt thòi mà không được Nguyễn Du đồng cảm, thương xót. Cũng không một ranh giới lãnh thổ, thời gian nào ngăn cản được giọt lệ ấm áp tình người của nhà thơ. Trên những nẻo đường Trung Hoa, vị quan chánh sứ của Việt Nam ít có dịp thảnh thơi thả hồn theo những phong cảnh diễm lệ, tuyệt mĩ; cũng ít để tâm đến việc gặp gỡ, thù tiếp với các bậc tao nhân mặc khách xứ người. Điều làm cho nhà thơ không thể rời mắt, không thể điềm nhiên là cảnh nhân dân đói khổ, phiêu tán, nằm chết bên vệ đường, những chiếc hột táo trong túi rơi ra. Là cảnh hai ông cháu người hát rong mù nhẫn nhục đến tội nghiệp, chua xót. Là cảnh bốn mẹ con người hành khất lấm lem bên cong rãnh, con thơ ngây ngô mỉm cười mà mẹ nước mắt nghẹn ngào, không dám ngước mặt lên nhìn người qua lại. Trái tim Nguyễn Du bồi hồi khắc khoải trước hiện thực rướm máu ấy. Giọt lệ thương cảm rơi xuống làm mặn chát, đắng nghét cả những thức sơn hào hải vị người ta bày la liệt để đón tiếp sứ thần. Nguyễn Du là vậy, như một cây đại thụ luôn mở lòng lắng nghe âm vang của từng chiếc lá rơi khẽ dưới chân mình và lắng nghe cả âm vang của những thanh âm từ quá khứ vọng về. Bao nhiêu bài thơ viết về những linh hồn nghìn xưa tiết nghĩa là bấy nhiêu lần vị quan thổn thức khóc thương cho họ. Những bậc thánh nhân để lại đức trọng muôn đời, những bậc trung thần, nghĩa sĩ danh thơm lưu truyền, những tấm lòng cô trung phải nhận cái chết thảm khốc, những người phụ nữ tài sắc nghiêng thành bị xô đẩy, vùi dập. Chỉ riêng trong những vần thơ Nguyễn Du viết về người phụ nữ cũng đủ thấy tấm lòng yêu thương của nhà thơ thẳm sâu đến nhường nào. Hình tượng người phụ nữ ngời sáng trong thơ Nguyễn Du, lấp lánh muôn sắc hương diệu kì. Nguyễn Du gọi họ là “báu vật kinh thành”, là hoa, là ngọc. Họ bất hạnh, họ khổ đau nhưng tâm hồn họ vẫn toát lên vẻ đẹp trong sạch, thuần khiết. Nguyễn Du thương xót họ, đồng thời ngưỡng mộ, kính trọng họ. Ông bồi hồi khi gặp lại người ca nữ đánh đàn Cầm ở thành Thăng Long, nghiêng mình rót rượu viếng hai bà phi khóc hết nước mắt tìm chồng và không ngần ngại lên tiếng bênh vực cho Dương Quý Phi – mầm họa khuynh thành của triều đại vua Đường. Cuộc đời của cô Cầm, Dương Phi trong “Bắc hành tạp lục” đã khơi dậy ngọn nguồn yêu thương trong tâm hồn Nguyễn Du để dâng trào thành những con sóng yêu thương dạt dào vỗ theo bước chân nàng Kiều suốt mười lăm năm lưu lạc sau này. Vượt lên trên sự thương yêu, đồng cảm là sự nhập thân. Nguyễn Du nhập thân mình vào người để thấy hết nỗi bi thương mà người phải gánh chịu. Nguyễn Du nhắc nhiều đến hình ảnh các nhà thơ Trung Quốc: Liễu Tông Nguyên, Văn Thiên Tường, Khuất Nguyên và cảm động nhất là hình ảnh Đỗ Phủ. Đỗ Phủ một đời tài hoa không ai sánh bằng mà cùng quẫn cũng không ai bằng Đỗ Phủ. Suốt cả ngàn năm, người ta chỉ ca ngợi Đỗ Phủ, khao khát cái danh “thầy thơ muôn đời” của Đỗ Phủ chứ có ai hiểu Đỗ Phủ, xem Đỗ Phủ là tri kỉ như Nguyễn Du. Xưa Đỗ Phủ từng “độc đăng đài”, nay Nguyễn Du “độc bi”. Đó là sự cộng hưởng lớn lao giữa hai tâm hồn lớn, sự giao hoà của hai bản nhạc lòng uất nghẹn, bi thương. Đọc thơ Nguyễn Du ta thương Đỗ Phủ. Thương Đỗ Phủ lại càng thương Nguyễn Du! Xuất phát từ tình thương bao la với mọi kiếp người, Nguyễn Du thường lớn tiếng phê phán kẻ ác, kẻ xấu. Nguyễn Du thấy được nguyên nhân vì đâu những bậc trung thần phải ôm mối hận nghìn năm, vì đâu những đấng tài hoa bị mai một cuộc đời. Vì đâu, nếu không phải do bọn tham quan ô lại tàn nhẫn, nếu không phải do một hệ tư tưởng cay nghiệt ràng buộc con người. Tuy Nguyễn Du chưa nêu bật được thành hệ thống song người đọc có thể nhận ra tư duy ấy thể hiện qua cảm hứng phê phán của ông. Có lúc sự phê phán được biểu hiện qua nụ cười mai mỉa. Có lúc nó bật lên thành câu hỏi đau đáu xót xa. Có lúc cảm hứng phê phán bộc lộ một cách sâu sắc, mãnh liệt. vị quan Nguyễn Du đã lên tiếng phê phán người đời và phê phán cả chế độ xã hội nhẫn tâm vùi dập những giá trị tinh thần đẹp đẽ của cuộc đời. Lập trường phê phán của vị quan không phải là lập trường đạo đức phong kiến mà là lập trường nhân sinh. Nguyễn Du đứng ở tầm cao thời đại để lên án những hành động, những tư tưởng, những thế lực đi ngược lại với quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận, tấm lòng nhân đạo của vị quan Nguyễn Du khong chỉ có nước mắt nghẹn ngào mà có sự đấu tranh mạnh mẽ với cái xấu cái ác. Tấm lòng nhân đạo ấy vì thế không chỉ an ủi, vỗ về mà còn lay động và có cả sự thức tỉnh. Yêu thương hay phê phán, thương cảm hay uất giận, tất cả đều là hai mặt của một bản thể thống nhất : Nguyễn Du – nhà nhân đạo từ trong cốt tủy – vị quan hết lòng vì con người. CHƯƠNG 4: CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ VÀ NHỮNG TRIẾT LUẬN VỀ THẾ SỰ NHÂN SINH Hình ảnh Nguyễn Du trên con đường hoạn lộ là một vị quan không tơ hào danh lợi, chán ngán chốn quan trường nhưng muốn thực hiện lí tưởng của cuộc đời, yêu ghét phân minh, ôm trong mình mối ưu tư không gỡ ra được - mối ưu tư lớn về cuộc đời. Bóng dáng một vị đại quan với những công việc triều chính hiện lên mờ nhạt trong thơ ca và hiện lên sắc nét là hình ảnh một vị quan không nguôi xúc cảm về cuộc đời. Không dừng lại ở những xúc cảm thông thường, không bằng lòng với những gì tai nghe mắt thấy, vị quan Nguyễn Du luôn có xu hướng muốn nắm bắt, đúc kết, lí giải những quy luật nhân sinh, thế sự. Đó là hình ảnh của một vị quan – nhà tư tưởng. 4.1. CÁI NHÌN MANG TÍNH PHẨN VỀ LỊCH SỬ Từ việc gặp gỡ những cảnh đời, những số phận cụ thể trên con đường hoạn lộ, Nguyễn Du luôn có cái nhìn phản tỉnh vô cùng sắc bén về lịch sử. Cái nhìn ấy mới lạ và độc đáo so với thơ vịnh sử, thơ đi sứ của các vị sứ quan Việt Nam trước đó, mà cũng là mới lạ so với cách nhìn nhận, đánh giá của người Trung Quốc. Từ xưa đến nay, người Trung Quốc vẫn xem vợ chồng Tần Cối là kẻ bán nước hại dân, là quân gian tặc, hãm hại trung thần. Vì thế, họ dựng tượng Tần Cối quì chịu tội dưới chân miếu Nhạc Phi, thường lấy gậy đánh đập, phỉ nhổ vào đầu, vào mặt tượng. Cách làm này đã tồn tại gần một ngàn năm qua. Đứng trước tượng vợ chồng Tần Cối, Nguyễn Du cũng căm giận những tên bán nước cầu vinh nhưng nhà thơ lại không đồng tình với cách làm ấy: Đả mạ hà thương nhất giả nhân. (Tần Cối tượng I) (Đánh mắng có làm đau đớn gì cái thân giả ấy?) Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan. (Tần Cối tượng II) (Nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kỳ lạ.) Ai cũng nghĩ phỉ nhổ, đánh đập vào tượng là có thể trừng phạt Tần Cối, Vương Thị. Trong con mắt nhà thơ, tượng chỉ là đống sắt thép, vôi vữa, chúng chỉ mang dáng hình của kẻ bán nước, chúng nào có tội tình gì! Bậc hiền tài như Nhạc Phi bất tử là tất yếu, cớ sao những kẻ gian ác cũng được trường tồn? Dáng hình của chúng không xứng được đứng cạnh danh nhân! Cách nhìn, cách nghĩ ấy của nhà thơ là cả một sự biến đổi tư duy lớn lao mà không phải ai cũng làm được. Ở những bài thơ viết về Khuất Nguyên, Nguyễn Du cũng thể hiện rất nhiều suy nghĩ sắc sảo như thế. Để tưởng nhớ Khuất Nguyên, hàng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, người Trung Quốc lại tổ chức đua thuyền tượng trưng cho việc tìm thi thể của nhà thơ. Nguyễn Du đứng trên bờ xem đua thuyền chỉ thấy đó là trò đua tranh vô nghĩa lý. Trông khói sóng mênh mang, nghe trống chiêng rộn rã, lòng Tố Như càng thêm đau thương oán giận. Khi Tống Ngọc viết bài “Chiêu hồn” để viếng Khuất Nguyên, gọi hồn Khuất Nguyên về, Nguyễn Du lại làm bài “Phản chiêu hồn”, phản bác ý của Tống Ngọc. Đó là một việc làm rất kỳ lạ! Xưa nay người ta chiêu hồn chứ có ai phản chiêu hồn như Nguyễn Du! Bằng việc làm lạ lùng ấy, Nguyễn Du đã đặt ra những vấn đề về văn hóa, về con người, về thời đại, về cuộc đời như cách Shakespeare đặt vấn đề To be or not to be trong Hamlet. Thái tử Hamlet là một chàng trai đang độ hoa niên, là một chàng trai hoạt bát vui vẻ đang háo hức, say sưa với cuộc sống và tình yêu thì bỗng nhiên bị gọi về quê nhà để chịu tang vua cha. Khi trở về Đan mạch, chàng phải đối diện với những sự thật cay đắng làm cho cuộc đời chàng mang một màu tang u uất. Bao nhiêu giá trị tốt đẹp mà bấy lâu chàng tôn thờ bỗng chốc bị sụp đổ. Trước hết đó là niềm tin vào người mẹ của mình, một người mẹ mà bấy lâu nay chàng thương yêu quý trọng bỗng nhiên đột ngột lấy người chú, em chồng của mình, kém xa đức vua chồng cũ của bà ta về cả ngoại hình lẫn đức độ. Sự đổ vỡ trong tình mẫu tử đã làm chàng nghi ngờ phụ nữ nói riêng và nghi ngờ vào con người nói chung, chàng nhận ra bi kịch lãng quên của người đời: nếu một đức vua mà mới hai tháng đã quên rồi thì một danh nhân chắc là được năm tháng. Phần cuối vở kịch, thông qua câu chuyện đầy khôi hài nhưng chua chát của hai tên phu đào huyệt chúng ta càng thấy rõ tâm trạng đỗ vỡ của Hamlet đối với sự lãng quên, sự phũ phàng của người đời. Trước ông chú tham lam, phạm những tội ác trầm trọng mà vẫn nhởn nhơ, Hamlet thất vọng một cách sâu sắc về quan hệ giữa con người với con người, quan hệ họ hàng thân thích. Những giá trị tốt đẹp mà chàng tôn thờ bị chính những người thân yêu nhất của chàng chà đạp, dày xéo không thương tiếc. Bi kịch của Hamlet ban đầu chỉ là bi kịch của một gia đình, là sự đỗ vỡ trong quan hệ vợ chồng, quan hệ anh em, quan hệ mẹ con. Nhưng gia đình Hamlet lại là một vương triều nên bi kịch gia đình trở thành bi kịch của một dân tộc thậm chí của cả nhân loại. Hamlet nhận ra bản chất của bọn vua chúa, bản chất của những tên quan gian ác, lọc lừa như Polonius cho nên chàng đã thốt lên chua chát: thế gian là một ngục thất mà Đan Mạch là một ngục thất ghê tởm nhất. Đó là một thời đại đảo điên, tan tác. Hamlet bị cô lập giữa những con người và xã hội xấu xa, thối nát quanh chàng. Hamlet hoàn toàn cô đơn trong thời đại của chàng. Từ sự đổ vỡ các giá trị, từ bi kịch cô đơn của chính mình trước thực trạng đảo điên của xã hội, Hamlet không ngừng suy tư. Với chàng, sống là phải sống sao cho ra Con Người, và chết cũng phải chết cách nào đó để không hổ danh là Con Người. Vậy sống hay là không sống, tồn tại hay không tồn tại. Sống mà cam chịu thì chẳng khác nào chết, theo chàng sống là phải chiến đấu để tiêu diệt khổ đau và cái ác, phải khôi phục lại trật tự, làm cho cái thời đại đảo điên, tan tác của chàng trở nên ngay ngắn vững vàng. Cuối cùng, Hamlet đã quyết định vung gươm. Nếu Shakespeare phát hiện ra bi kịch thời đại ông qua bi kịch của Hamlet thì Nguyễn Du phát hiện ra bi kịch thời đại mình qua bi kịch của Khuất Nguyên. Nếu Hamlet sụp đổ niềm tin, hoang mang về cuộc đời, rơi vào nỗi cô đơn cùng cực; thì Khuất Nguyên bị cái xấu, cái ác ghen ghét, vùi dập, cô lập, dồn vào bước đường cùng. Cũng như Hamlet, Khuất Nguyên là người cô tỉnh giữa thời đại tan tác đảo điên. Và cũng như Hamlet, Khuất Nguyên bị đặt trong sự lựa chọn gay gắt: sống hay không sống, tồn tại hay không tồn tại. Hamlet cuối cùng cũng phải ngã quỵ, Khuất Nguyên cuối cùng phải ôm đá mà trầm mình dưới dòng Mịch La lạnh lẽo. Khi sống không ra sống, không được sống đúng với giá trị và bản chất người, người ta thà chết! Vì vậy mà Nguyễn Du đã lớn tiếng phản chiêu hồn, một mực khuyên hồn Khuất Nguyên đừng về cõi trần nữa, vì xã hội đầy những kẻ ăn thịt người ngọt xớt như đường, vì cuộc đời đầy đau thương oán giận, chỉ trừ thời Tam Hoàng mà thôi. Thật đau đớn khi con người phải từ bỏ sự sống! Nhưng thật đau đớn, thật dữ dội và cũng thật quyết liệt khi Nguyễn Du khuyên con người đừng trở về tìm lại sự sống! Trở về mà làm gì để rồi tiếp tục lại phải từ bỏ nó một cách đầy tủi hận, oan khiên? Chi bằng dùng chính kết cục bi đát của mình làm tấm gương phản tỉnh cho toàn nhân loại. Không tồn tại mà vẫn tồn tại là ở lẽ ấy! Tầm nhìn, tầm tư tưởng của Nguyễn Du vượt ra khỏi khuôn khổ một thời đại, một dân tộc cũng chính ở lẽ ấy. Đó là cái nhìn có tính phản đề đầy sắc sảo của Nguyễn Du - cái nhìn mấy trăm năm sau còn khiến người đời kinh ngạc vì sự nhạy bén, mới mẻ của nó! Trong “Bắc hành tạp lục” có thể bắt gặp rất nhiều cái nhìn có tính phản đề như thế. Xưa nay sách vở thánh hiền thường nêu gương Tô Tần, ca ngợi việc Tô Tần lấy dùi đâm vào vế đùi để thức đọc sách. Nhưng Nguyễn Du nhìn nhận Tô Tần là con người có khí độ nhỏ mọn, “dùi đâm vế” chẳng qua là để mưu cầu quyền lợi, để khoe sang giàu với người thân mà thôi! Về nhân vật Hàn Tín, người đời sau thường ca ngợi công trạng bậc nhất của ông đối với nhà Hán, ca tụng ông là một trong “Tam kiệt” thời bấy giờ. Nguyễn Du khi viết về Hàn Tín dường như không mấy để tâm đến những điều ấy. Nhà thơ cảm phục Hàn Tín là cảm phục con người tình nghĩa sâu sắc, ăn một bữa cơm Phiếu Mẫu mà đền đáp ngàn vàng! Nói về Hoàng sào, lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa, người vốn bị triều đình phong kiến xem là giặc cỏ, là quân phản nghịch, Nguyễn Du không hề có giọng phê phán, chê bai. Ngược lại, nhà thơ khẳng định đó là con người “có thể làm biến đổi gió mây”: Cùng thời tự khả biến phong vân. (Hoàng sào binh mã) (Người ta đến lúc cùng có thể làm biến đổi gió mây.) Và nhà thơ cung nhìn thấy rất rõ mầm mống của sự loạn lạc, căn nguyên sự nghiêng đổ của các triều đại: Ngộ quốc mỗi nhân câu hạn lượng. (Hoàng Sào binh mã) (Lầm lỡ việc nước chỉ vì câu nệ hẹp hòi.) Tự thị cử triều không lập trượng, Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành. (Dương Phi cố lý) (Từ đấy cả triều đều là người đứng như phỗng, Mà nghìn năm còn đổ tội oan cho người đẹp khuynh thành.) Căn nguyên của việc Hoàng Sào khởi binh đâu phải vì muốn làm loạn. Nguyễn Du bao giờ cũng nhìn thấy căn nguyên của sự biến xuất phát từ chính sách cai trị hà khắc của giai cấp phong kiến. Trong bài “Trở binh hành”, nhà thơ đã từng bày tỏ chính kiến về vấn đề này khi buông lời mỉa mai: Dân tử tại tuế bất tại ngã. Vật đắc khi tâm tế thánh minh. (Trở binh hành) (Dân chết vì gặp năm hạn, đâu phải tại ta? Chớ nên dối lòng mà che mắt vua thánh.) Nguyễn Du nhìn thấu tận cốt tủy bọn tham quan vô lại. Chúng vơ vét của dân, đẩy dân vào cảnh khốn cùng; đến khi nhân dân đói khổ không chịu nổi, “chỉ vì miếng ăn mà coi nhẹ thân mình” thì chúng lại đổ ngay là do thiên tai, hạn hán. Việc binh đao Nguyễn Du tận mắt chứng kiến trên đường đi và việc binh đao của Hoàng Sào khi xưa nào có khác nhau là mấy? Nếu triều đình biết an dân, biết trọng dụng hiền tài, không câu nệ hẹp hòi ở tướng mạo thì đâu xảy ra sự biến! Mầm loạn, không phải nảy sinh từ dân nghèo, cũng chẳng phải do má phấn giai nhân mà do triều đình bất tài vô dụng, chỉ biết câu nệ hẹp hòi! Khi viết những câu thơ này, Nguyễn Du đã đứng ở tầm cao thời đại, nhân danh lý tưởng nhân văn cao đẹp về con người mà phán xét lịch sử. Sinh thời Nguyễn Du có thể hoang mang dao động chưa thể đứng vào hàng ngũ của lực lượng xã hội tiến bộ. Song, âm vang của một thời đại đầy bão táp, của một cuộc đời đầy sóng gió đã giúp nhà thơ nhận ra rành rẽ đâu là điều cần khẳng định, bảo vệ, đâu là điều phải phủ nhận, lên án. Vì thế cái nhìn của vị quan trên con đường hoạn lộ dù vẫn thấp thoáng ánh buồn đau nhưng, so với trước, đã khỏe khoắn hơn và chứa đầy ý tưởng lớn: Mạc đạo chủy thủ cánh vô tế, Yết can trảm mộc vi tiên thanh. (Kinh Kha cố lý) (Chớ bảo rằng mũi dao nhọn kia chẳng ích gì, Nó mở đầu cho việc chặt cây làm giáo, làm cán cờ khởi nghĩa.) Đó là cái nhìn khái quát sự vận động tất yếu của lịch sử đồng thời cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo dành cho các bậc đế vương. Xưa nay nếu người trị nước nào cũng nhìn rõ cái lẽ tất yếu ấy thì đã không có cảnh vua quan thừa mứa, hoang dâm vô độ, chèn ép trọng thần, vơ vét của dân; cũng không có thảm cảnh đau lòng dân nghèo dắt díu nhau đi tha phương cầu thực chết đói phơi xương đầy đường chợ! Một điều đáng lưu ý nữa là khi viết về lịch sử Trung Hoa, Nguyễn Du luôn có ý thức nối kết lịch sử – hiện tại, Trung Quốc – Việt Nam. Đó là ý thức thường xuyên và nhất quán, thể hiện cái nhìn sâu sắc và hiệu quả của nhà thơ đối với việc nhận thức bản chất xã hội. Từ sự liên kết có quy luật này, Nguyễn Du đã vạch ra một cách tự phát đặc trưng của nền chính trị “ ăn thịt người” tồn tại ở Trung Hoa mà cũng là ở Việt Nam mấy nghìn năm qua. Hiện thực thường xuyên được nhắc đến ở cuối mỗi bài thơ viết về nhân vật lịch sử. Hiện thực hiện lên trong trang thơ có thể là không gian hoang vu, là thời gian úa tàn. Hiện thực còn hiện lên qua hình ảnh những con người “thời bình”, “thời nay”. Ở những bài thơ này, cái nhìn đối sánh của nhà thơ thể hiện rõ nét nhất, từ đó cái nhìn phản tỉnh cũng được bộc lộ một cách sắc sảo: Thanh thời đa thiểu tu như kích, Thuyết hiếu đàm trung các tự tôn. (Tam liệt miếu) (Thời bình biết bao kẻ râu vểnh lên như ngọn kích, Nói hiếu, bàn trung, ai cũng tự suy tôn mình.) Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục, Sở bội tiêu lan cánh bất đồng. (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu II) (Gần đây mỗi khi người ta thích trang phục lạ, Thì thứ hoa tiêu, hoa lan họ đeo chẳng giống ông chút nào.) Thanh bình thời tiết vô chiến tranh, Nhất khẩu hùng đàm bất sổ Liêm Pha dữ Lí Mục. (Liêm Pha bi) (Gặp thời thanh bình không có chiến tranh, Đều nhất loạt nói hăng, chẳng kể Liêm Pha, Lí Mục.) Có thể thấy cảm quan hiện thực thấm đượm trong những bài thơ viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Du. Làm những bài thơ này, Nguyễn Du đã mượn xưa bàn nay, mượn những sự tích, những nhân vật của quá khứ để phát biểu về cuộc sống theo như nhà thơ nhìn thấy và cảm nhận. Bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc trong quá khứ hay thực tại cũng giống xã hội phong kiến Việt Nam mà thôi. Ở đó, tinh hoa dân tộc bị rẻ rúng, ruồng rẫy, bị bức đến đường cùng. Ở đó, nhân dân lao động bị đói rét cùng cực đến chết. Ở đó, danh lợi, quyền lực là miếng mồi ngon khiến người đời cấu xé, thậm chí giẫm đạp lên nhau để giành lấy. Ở đó, những kẻ hèn nhát, xu thời hay gian ác xấu xa mà vẫn chức cao vọng trọng, vinh hoa phú quý. Viết về quá khứ, Nguyễn Du đau nỗi đau của người xưa. Nỗi đau ấy nhân lên gấp bội khi nhà thơ nhìn vào hiện thực, thấy những bậc hiền tài, tiết nghĩa chỉ còn lại những nấm mồ hoang, mọc đầy cỏ dại còn bọn “ăn thịt người” thì vẫn vênh váo, vẫn đi lại xênh xang. Bi phẫn tột độ khi thi nhân nhận ra đời sau người người đều là Thượng Quan hiểm ác, nơi nơi đều là dòng chảy Mịch La oan nghiệt. Một thái độ phủ nhận rõ ràng! Không chỉ phủ nhận xã hội sau thời Tam Hoàng mà còn phủ nhận chính cuộc sống thực tại, phủ nhận cả một nền chính trị “chuyên ăn thịt người”! Điều gì còn tồn tại được nếu con người, xã hội đi ngược lại với lí tưởng nhân văn? Bằng cái nhìn nối kết quá khứ – hiện tại, Trung Quốc – Việt Nam, cái nhìn của vị quan Nguyễn Du chứa đựng những bài học lớn về thời thế, nhân sinh. Danh lợi phú quý chỉ là thứ phù phiếm, nếu chỉ biết đuổi theo những điều phù phiếm ấy, con người sẽ phải ôm hận vì không đạt được sở nguyện hoặc đạt được sở nguyện nhưng chỉ để lại tiếng xấu đến muôn đời sau như Tào Tháo, như Chu Du. Những giá trị được trân trọng và trường tồn cùng hậu thế đó là lòng trung trực, tiết nghĩa, tài hoa của con người. Những bài học ấy nhẹ nhàng đi vào lòng người với sức sống mãnh liệt, không hề có tính chất răn đe, áp đặt. Khi nào xã hội này vẫn còn những Tần Cối, Vương Thị, Tào Tháo, Mã Viện, Tô Tần… thì khi ấy những bài học nhân sinh của Nguyễn Du vẫn còn nguyên tầm giá trị lớn lao của nó! 4.2. NỖI ÁM ẢNH VỀ SỰ TÀN PHAI CỦA CUỘC ĐỜI Trong những năm tháng lưu lạc giữa gió bụi trần gian, Nguyễn Du từng băn khoăn về lẽ đổi thay của cuộc đời, về số mệnh và văn chương. Trên con đường hoạn lộ, điều mà ông quan tâm không chỉ là những vấn đề của một triều đại, không chỉ là những chức phận ông được triều đình giao phó; điều ông quan tâm rộng lớn hơn rất nhiều, đó là cả cuộc đời này. Tại sao có những đống xương tàn của trăm trận đánh? Tại sao có những người phải lê la đầu đường xó chợ kiếm miếng ăn và biết bao người bỏ mạng bên ngòi rãnh vì đói trong khi có những người khác vây cá gân hươu cũng không thèm đụng đũa? Tại sao người hồng nhan, bậc tài hoa thường hay bạc mệnh vắn số? Và tại sao biển đời này không ngừng dồn dập những cơn sóng dâu bể, tang thương? Tất cả những câu hỏi ấy luôn thôi thúc trong lòng, khiến vị đại quan họ Nguyễn luôn thao thức, băn khoăn, khiến ông không bao giờ cảm thấy vui vẻ, thanh thản. Trên con đường đi sứ, những điều mắt thấy, tai nghe, cộng với những điều từ lâu trăn trở, ấp ủ trong lòng làm dấy lên trong lòng vị đại quan một nỗi trăn trở lớn, tạo thành một cảm hứng bi thiết về sự mong manh của cuộc đời và số phận con người. Trước hết, sự đổi dời không ngừng nghỉ của tạo hóa, sự biến động khôn lường của cuộc đời tạo một mối u hoài lớn trong lòng nhà thơ. Nó không phải là nỗi bi cảm nhẹ nhàng, kín đáo như trong thơ Haikư Nhật Bản: Chim đỗ quyên hót ở kinh đô mà nhớ kinh đô. (Ba-sô) Ba Tiêu thi sĩ ở cố đo Ki-ô-tô từ thời còn trẻ, sau đó chuyển lên Ê-đô. Hai mươi năm sau, vào lúc cuối đời, ông trở lại, nghe tiếng chim đỗ quyên hót mà viết nên bài thơ. Ở Nhật Bản, chim đỗ quyên là loài chim rất nổi tiếng trong thơ ca. Nó thường kêu vào mùa hè, không hót khi trời đẹp mà thường hót vào xẩm tối, vào đêm trăng, sau khi trời mưa… tiếng kêu rất thê thiết. Vì thế tiếng chim thường được dùng với nghĩa thương tiếc thời gian, thể hiện nỗi buồn và sự vô thường. Trong bài thơ, chủ thể đã bị xóa nhòa, chỉ còn tiếng chim kêu khắc khoải và nỗi hoài niệm. Ở kinh đô nhưng vẫn nhớ đến kinh đô, đó là kinh đô của ngày xưa, một kinh đô đầy kỉ niệm, một kinh đô đã vĩnh viễn qua rồi. Thơ Nguyễn Du cũng không có được sự tự tại vững vàng trước dòng chảy thời gian, sự trôi chảy của cuộc đời như trong thơ Thiền thời Lí Trần: Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Mãn Giác, Cáo tật thị chúng) (Xuân đi trăm hoa rụng Xuân đến trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu, già đến rồi Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành mai.) Bài thơ mở đầu bằng quy luật muôn đời của tạo hóa như một vòng quay bất tận “xuân khứ bách hoa lạc – xuân đáo bách hoa khai”. Gắn với lạc – khai là xuân khứ - xuân đáo mang ý nghĩa khái quát về cái mất đi – cái đang đến trong ý thức của chúng sinh đang đắm chìm giữa vòng vây luân hồi. Ngụ ý của Mãn Giác đại sư khi chọn hai thời điểm mùa Xuân trong mối liên hệ đời hoa dường như cũng để khai nhãn cho chúng sinh đừng ảo tưởng về một mùa xuân bất biến, con người vẫn phải chấp nhận lẽ vô thường, hư huyễn của tự nhiên mà thôi! Hai câu thơ tiếp theo thể hiện nhận thức của thiền sư trước quy luật sinh, lão, bệnh, tử của đời người. Năm tháng qua đi, việc đời cứ thế tiếp diễn. Con người cũng theo đó mà biến đổi dần đi trước cuộc đời dâu bể. Vũ trụ thì chảy trôi bất tận trong khi đó con người và cuộc đời thì hữu hạn. Hai câu kết của bài thơ đã diễn giải một cách hết sức giản đơn nhưng thâm thúy giáo lý của Thiền tông - thuộc Phật giáo Đại thừa. Điều mà Thiền học muốn hướng con người đến không phải là trông chờ vào một cõi tồn tại khác sau cái chết, cũng không phải là tìm cách thay đổi thực tại mà là thay đổi thái độ với chính hiện thực ấy. Cái vòng sinh, lão, bệnh, tử sẽ vẫn luôn còn đấy như mùa hạ và mùa đông vẫn sẽ đến rồi đi nằm ngoài nhân ý của con người. Nếu như ở bốn câu đầu ngắn và đều đặn với nhịp thơ 2/3 diễn tả sự tuần hoàn chảy trôi của thời gian và thoáng gợn chút thảng thốt, lo âu thì hai câu kết kéo dài hơn với nhịp thơ 2/2/3, vững vàng, trang trọng, đĩnh đạc thể hiện sự ung dung, bình tĩnh, tự tại của nhà thơ trước cuộc đời mang những biến đổi không ngừng. Hai chữ “mạc vị” thể hiện sự khẳng định mạnh mẽ, “đối thoại với thiên nhiên, con người. Xuân tàn nhưng hoa không rụng hết. Cái nồng ấm, tươi đẹp của mùa xuân đã đi qua nhưng vẫn còn đó một cành mai rung rinh trước sân. Sự sống tươi đẹp vẫn đang tồn tại ngay trong chính sự héo úa, tàn phai bất chấp gánh nặng thời gian đang đè nặng. Nổi bật trong hai câu kết, và trong cả bài thơ, là hình ảnh nhành mai thanh thản rung rinh trước gió. Mai là một trong tứ quý của người xưa. Mai thể hiện sức sống mãnh liệt, thể hiện sự cao quý và thanh khiết. Trong bài kệ này, cành mai là biểu hiện cho cái chân tâm của người đạt đạo, an nhiên tự tại vượt lên trên sinh diệt, là niềm tin vào sự sống vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở đến bất tận dù cuộc sống thì có hạn định, có thời gian, là biểu tượng cho những giá trị đẹp đẽ tồn tại vĩnh hằng mãi mãi. “Nhất chi mai” thể hiện sự bất diệt và vẻ đẹp tâm linh theo quan niệm Phật giáo. Vượt trên mọi bể dâu, biến đổi của cuộc đời cành mai kia vẫn kiêu hãnh tươi thắm. Hai câu thơ bảy chữ như một bước rẽ ngoặt bứt khỏi nhịp đều đặn tuần hoàn của bốn câu thơ năm chữ, toát lên sự tự do tuyệt đỉnh, tự do với chính cả cái chết của con người đã giác ngộ được quy luật cuộc sống và hiểu rõ giá trị đời sống. Nhưng thơ Nguyễn Du không có được cái an nhiên tự tại ấy. Nó chứa đựng sự nuối tiếc, đôi khi là nỗi lo sợ và niềm chua xót trước bước đi nghiệt ngã của thời gian: Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long Thiên niên cự thất thành quan đạo Nhất kiến cô thành một cố cung Tương thức mỹ nhân khan bảo tử Đổng du hiệp thiếu tẫn thành ông Quan tâm nhất dạ khổ vô thuỵ Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung. (Thăng Long I) (Núi Tản sông Lô bao nhiêu năm vẫn thế Đầu đã bạc rồi mà lại thấy Thăng Long Những ngôi nhà xưa nay đã thành đường cái quan. Dãi thành mới làm mất cung điện xưa Các mỹ nhân ngày trước giờ đã có con bồng Các bạn hào hiệp thuở xưa giờ đã thành ông Suốt đêm nghĩ ngơi, thao thức không ngủ Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng.) Bài thơ được làm trên đường Nguyễn Du đi sứ qua Thăng Long năm 1813. Nguyễn Du chỉ xa Thăng Long khoảng mười năm trời, nhưng ông thấy dường như tất cả đều đã biến đổi, tất cả đều tàn lụi và buồn. Chỉ có một niềm vui chua chát: Bạc đầu còn được thấy Thăng Long! Cho nên trong đêm trùng phùng đất cũ, người thơ suốt đêm dài thao thức. Lặng nghe tiếng sáo hoà lẫn ánh trăng man mác một nỗi u hoài. Thân thì tĩnh mà lòng dấy động phong ba! Lúc khác, lẽ thương hải tang điền của cuộc đời khiến nhà thơ đau lòng mà rơi lệ: Thuấn tức bách niên năng kỉ thì, Thương tâm vãng sự lệ triêm y. (Long Thành cầm giả ca) (Trăm năm như chớp mắt có là bao, Đau lòng việc cũ lệ thấm áo.) Trải qua nhiều biến cố dồn dập của cuộc sống, cuộc đời trôi dạt nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những sự kiện vật đổi sao dời, những cảnh đời thương tâm, ngang trái… Nguyễn Du thấm thía triết lý của đạo Phật coi cuộc đời là vô thường. Ông nhìn cuộc đời bằng con mắt của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, yêu thương, xót xa cho thân phận con người: Cuộc đời trăm năm biết bao nhiêu chuyện thương tâm (Giang Đình Hữu Cảm). Câu thơ nặng trĩu nỗi niềm xúc cảm của Nguyễn Du. Xúc cảm ấy trong mạch văn ấy biểu lộ nỗi đau đời khôn nguôi, nỗi thương đời vô hạn do chính cảm nhận chân thực của ông về cuộc đời, nên có sức mạnh truyền cảm, lan toả đến muôn đời sau. Hơn nữa, câu thơ của Nguyễn Du còn cho thấy tâm thế khái quát sự vật, khái quát cuộc đời của ông. Ông không phải là người ngoài cuộc trong cuộc đời đầy rẫy những bi ai này. Những nỗi đau đời của người khác cũng là nỗi đau đời của chính Nguyễn Du. Ông là người quan sát, người đồng cảm, người cùng chia sẻ, người trong cuộc. Cái tâm thương cảm, đồng cảm, chia sẻ của Nguyễn Du đã khiến cho triết lý cuộc đời của ông tràn đầy chủ nghĩa nhân văn. Sự trôi chảy nhanh chóng của tuổi trẻ, nhan sắc, sự nổi chìm lạ kì của số phận con người theo dòng thời gian và dòng đời cũng tạo mối thương tâm, trăn trở lớn trong lòng Nguyễn Du. Trong bài Long thành cầm giả ca, Nguyễn Du đã kể lại hai lần gặp gỡ một cô đào hát tên Cầm. Ở lần gặp thứ nhất, hiện lên trong trang thơ là hình ảnh cô gái tươi đẹp như hoa mùa xuân: Kì thì tam thất chính phương niên Hồng trang yểm ái đào hoa diện Đà nhan hám thái tối nghi nhân Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến. (Long thành cầm giả ca) (Lúc đó nàng khoảng hai mươi mốt tuổi, Áo hồng ánh lên mặt hoa đào, Má hừng rượu, vẻ ngây thơ, rất dễ thương, Năm cung réo rắt, theo ngón tay mà thay đổi điệu.) Hai mươi năm sau gặp lại, cũng là người con gái ấy, nhưng hình ảnh đã hoàn toàn khác xưa: Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa Nhan sấu thần khô hình lược tiểu Lang tạ tàn mi bất sức trang Thùy tri tựu thị đương niên thành trung đệ nhất diệu. (Duy ở cuối chiếu có một nàng tóc đã hoa râm, Mặt gầy thần khô hình bé nhỏ, Đôi mày phờ phạc không điểm tô, Ai biết đó là người tài danh bậc nhất của kinh thành xưa). Và trước cái biến đổi “nhãn tiền” của nàng Cầm, nước mắt nhà thơ đã ướt đẫm vạt áo. Những giọt nước mắt kia, ngoài việc dành cho sự biến đổi chóng vánh của cuộc đời; sâu hơn, nó còn dành cho nỗi buồn đau về những gì càng tài năng, càng thanh sắc thì càng bị hủy diệt nhanh chóng. Quy luật nghiệt ngã ấy, Nguyễn Du từng nhiều lần đau đớn thốt lên: chữ tài liền với chữ tai một vần; tài tình chi lắm cho trời đất ghen (Truyện Kiều) hay: Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kì oan ngã tự cư. (Độc Tiểu Thanh kí) Nguyễn Du cũng không khỏi đau lòng, ngao ngán khi phát hiện ra ngay cả những giá trị tinh thần đẹp đẽ nhất của cuộc đời, của văn hóa nhân loại cũng bị thời gian tàn phá, không thoát được dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Thành quách, công danh tan theo bèo nước đã đành; đền đài, bia miếu vốn là không gian linh thiêng nơi người sống thể hiện lòng thương xót, lưu luyến, kính trọng đối với những bậc hiền tài, danh nhân vậy mà, bày ra trước mắt Nguyễn Du là hình ảnh bia tàn, chữ mất, là miếu mồ trở thành hang chuột cáo. Có sự đau đớn trước bước đi lạnh lùng của thời gian. Và có nỗi xót xa trước sự hững hờ của hậu thế đối với những linh hồn nghìn xưa tiết nghĩa. Trên con đường hoạn lộ, Nguyễn Du bị ám ảnh một khung cảnh rất hay xuất hiện gợi lên bao nỗi u hoài: đó là không gian hoang tàn đổ nát của đền đài, mồ mả, gò đống, lồng trong thời gian của những buổi chiều thu tê tái gió thổi hiu hắt. Theo tác giả Lê Thu Yến, Nguyễn Du đã 84 lần nhắc đến hình ảnh đền đài, mồ mả, gò miếu trong thơ chữ Hán [55]. Hình ảnh đền đài, gò miếu, mồ mả trong “Bắc hành tạp lục” xuất hiện với tần số cao ở những bài thơ viết về hai kiểu nhân vật: những bậc hiền, tài bạc mệnh và những nhân vật quyền thế một thời. Chúng tôi cũng nhận thấy dụng ý nghệ thuật, cảm xúc Nguyễn Du khi sử dụng những hình ảnh đền đài, miếu mộ gắn liền với hai kiểu nhân vật trên là khác nhau. Các nhân vật quyền thế xuất hiện trong bài thơ với những nét phác họa về một thời lừng lẫy tranh hùng xưng bá thiên hạ. Nhưng rồi, ở cuối bài thơ luôn là hiện thực điêu tàn: Đài cỏ tuy tại, dĩ khuynh dĩ Âm phong nộ hào thu thảo mĩ. (Đồng Tước đài) (Nền đài tuy còn nhưng đã nghiêng lở Gió lạnh réo gào giận dữ, cỏ thu tàn úa.) Ngõa lịch Ngô cung hoang đế nghiệp, Kinh trăn cổ mộ thượng hùng danh. (Chu Lang mộ) (Cung Ngô thành đống gạch vụn, nghiệp đế tan tành, Ngôi mộ cổ gai góc mọc đầy còn nức tiếng anh hùng.) Công danh, quyền lực tất cả đều thuộc về dĩ vãng. Tướng soái, đế vương cuối cùng cũng chỉ còn lại nấm mồ đầy cỏ dại. Vậy thì tại sao con người lại phải thù hằn chém giết nhau để tranh giành ngôi vị, đất đai? Há chẳng phải cát bụi lại trở về với cát bụi đó ư? Nhân gian huân nghiệp nhược trường tai, Thử địa cao đài ưng vị khuynh. (Đồng Tước đài) (Nghiệp lớn ở đời nếu còn mãi được, Thì tòa đài cao ở khoảng đất này chắc chưa bị đổ.) Nguyễn Du đưa ra một lập luận rất chặt chẽ. Nghiệp lớn trên đời nếu trường tồn thì tòa đài cao kia cũng phải đứng nguy nga cho đến hôm nay. Nay trước mắt đài đã tan hoang, vậy thì nghiệp lớn cũng chỉ là mây khói. Đó là bài học, là lời nhắc nhở thấm thía đối với những ai nuôi giấc mộng tranh đoạt công danh. Khác với thông điệp ấy, hình ảnh đền đài, gò miếu, mồ mả xuất hiện trong những bài thơ viết về các nhân vật danh nhân văn hóa mang một ý nghĩa khác. Nguyễn Du đã 27 lần sử dụng các hình ảnh ấy trong 48 bài thơ viết về các bậc hiền tài, tiết nghĩa. Công danh, quyền lực tan biến theo bèo nước đã đành, tại sao những giá trị đẹp đẽ nhất của con người cũng bị thời gian tàn phá? Tự cổ chí kim, người nghệ sĩ hơn ai hết luôn nhận ra rất rõ bước đi khắc nghiệt của thời gian. Người xưa từng u hoài: Xử thế nhược đại mộng (Lý Bạch ) Người nay cũng khắc khoải: Thời gian qua kẽ tay Làm khô những chiếc lá Kỉ niệm trong tôi Rơi Như tiếng sỏi Trong lòng giếng cạn. (Văn Cao) Nhưng nhận ra rồi bàng hoàng, rồi thảng thốt, rồi trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi thì có lẽ chỉ riêng Tố Như: Thu thảo nhất khâu tàng thử hạc, Danh gia bát đại thiện văn chương. (Âu Dương Văn Trung mộ) (Một gò cỏ thu trở thành nơi chứa chuột chồn, Đứng tromg hàng tám văn hào lớn lừng tiếng văn chương.) Bi tàn một tự mai hoang thảo, Thiên cố văn phong nhất há xa. (Liễu Hạ Huệ mộ) (Bia tàn chữ mất chôn vùi trong cỏ hoang, Nghìn năm sau, nghe danh tiếng ông, tôi xuống xe để tỏ lòng kính trọng.) Đền đài, bia miếu vốn là không gian linh thiêng của những người đã ra đi khỏi thế giới. Đó cũng là nơi người sống thể hiện lòng thương xót, lưu luyến, kính trọng đối với những bậc hiền tài, danh nhân. Vậy mà, ngày nay, bày ra trước mắt Nguyễn Du là hình ảnh bia tàn, chữ mất, là miếu mồ trở thành hang chuột cáo. Có sự đau đớn trước bước đi lạnh lùng của thời gian. Và có nỗi xót xa trước sự hững hờ của hậu thế đối với những linh hồn nghìn xưa tiết nghĩa: Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa, Sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này ? Dưới ánh mắt Nguyễn Du, qua sự tàn phá của thời gian, không một thứ gì còn lại nguyên vẹn. Thành quách nghiêng lở, đình miếu hương lạnh, khói tàn, bia mộ vùi lấp trong cỏ áy chiều tà, dung nhan yêu kiều chỉ còn lại vẻ mặt bơ phờ, tiều tuỵ. Ta hiểu được vì sao Nguyễn Du lại nhạy cảm đến thế trước sự tàn phai của tạo vật, đời người. Sống giữa một thời đại lịch sử đầy biến động dữ dội, trải qua những cơn gia biến lưu lạc, chứng kiến bao phen thay đổi sơn hà, cảm nhận rõ ràng sự suy tàn của một đế chế, Nguyễn Du không khỏi thảng thốt, bàng hoàng. Ông không thể yên tâm chọn cho mình một hướng đi nhất định, làm thế nào cũng thấy không thỏa lòng. Con người ấy đã cô độc, day dứt đi giữa cõi phù sinh, giữa gió mưa li loạn của thời đại để đi tìm câu trả lời cho cuộc đời, cho số phận con người. Và càng đi tìm thì càng không thấy cho nên tất cả những băn khoăn, yêu ghét cứ quấn quyện lại với nhau, dội ngược trở lại vào lòng, làm thành một mối bi thiết không cách gì gỡ ra được và dường như bản thân ông cũng không muốn, không nỡ gỡ ra! Những cảm xúc bi thương ấy dâng tràn theo mỗi bước chân ông và trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn vị quan suốt cả cuộc hành trình dài: NỖI – ÁM – ẢNH – VỀ – SỰ – TÀN – PHAI. Đó không chỉ là nỗi ám ảnh về sự phai tàn của tuổi trẻ, của giấc mộng gác vàng. Cũng không phải là sự tàn phai của một kiếp người, một triều đại. Mà đó là nỗi ngậm ngùi của một bậc thánh nhân trước sự phai tàn của mọi vẻ đẹp trong cuộc đời này! Nguyễn Du xem nhẹ, phủ nhận quyền lực, vinh hoa. Nhưng Nguyễn Du trân trọng, khẳng định con người và những giá trị tốt đẹp thuộc về bản chất người. Không chỉ đề cao, nhà thơ khao khát lưu giữ bảo vệ những giá trị đẹp đẽ ấy. Vì vậy trong nỗi ám ảnh về sự tàn phai, nhà thơ dường như muốn lên tiếng nhắc nhở hậu thế về lẽ tiết nghĩa trên đời. Nếu thế hệ hôm nay không gìn giữ truyền thống văn hóa thì thế hệ mai sau làm sao biết đến một nền văn hóa truyền thống đẹp đẽ, ngời sáng giá trị nhân văn mà tiền nhân đã phải đánh đổi bằng máu xương để tôn tạo. Nhân loại sẽ đi về đâu nếu con người quay lưng lại với những giá trị nhân bản, nhân văn của chính mình? KẾT LUẬN 1. Lịch sử văn học dân tộc tự hào có những vị đại quan đồng thời là những nhà thơ tài hoa. Nguyễn Du cũng là một trong số đó. Con đường hoạn lộ của Nguyễn Du khá bằng phẳng, hanh thông; ông làm việc được sĩ phu và nhân dân yêu mến. Song có một con đường hoạn lộ khác hiện diện trong thơ ca, không hề bằng phẳng, hanh thông và đơn giản. Ấy là con đường mà vị đại quan – nhà thơ đã trải qua trong tư tưởng của mình. 2. Trên con đường ấy, Nguyễn Du gửi gắm những tâm sự riêng tư, ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, bày tỏ thái độ của mình đối với việc nguời, cảnh đời… Trước hết, có thể thấy trong thời gian làm quan, nhà thơ luôn rơi vào một tâm trạng u uất, bất đắc chí. Ông chán ngán chốn quan trường nhiễu nhương, thờ ơ với vòng danh lợi, tha thiết muốn trở về với cuộc sống thanh sơ đạm bạc chốn quê nhà nhưng lại không thể quay lưng với cuộc đời dâu bể. Không chỉ có những tâm sự riêng, nhà thơ, với những điều mắt thấy tai nghe, với những gì từ lâu nung nấu trong lòng đã thẳng thắn bày tỏ thái độ của mình đối với thời thế, nhân sinh. Ông ca tụng, trân trọng những giá trị tinh thần đẹp đẽ của con người: khí tiết, lòng trung nghĩa, tài hoa; đồng thời khinh bỉ, căm ghét những kẻ xấu xa, gian ác, ti tiện, cả một đời chỉ biết chạy theo phú quý công danh để mong vinh thân phì gia. Và thi nhân thương cảm, xót xa vô hạn trước nỗi đau khổ và những bi kịch của con người. Vượt lên trên tâm trạng riêng và thái độ đối với mỗi việc, mỗi cảnh đời cụ thể, ở vị quan Nguyễn Du còn là một nỗi băn khoăn, thao thức lớn về số phận của con người và cuộc đời. Băn khoăn nhưng không thể lí giải cho nên nhà thơ mang trong lòng một nỗi trăn trở lớn, một cảm hứng bi thiết về sự mong manh của cuộc đời và số phận con người. 3. Trong quãng đời làm quan của mình, Nguyễn Du ghi lại dấu ấn đẹp đẽ của một vị quan thanh liêm, luôn cố gắng làm tròn chức phận, không một chút thiết tha cầu vị với danh lợi phú quý. Hiện lên trong thơ ca còn là hình ảnh một vị quan cả cuộc đời bất đắc chí, ôm mối ưu tư và nỗi cô đơn không cách gì giải tỏa được. Song quan trọng hơn, đến với những bài thơ chữ Hán Nguyễn Du làm trên con đường hoạn lộ, có thể thấy, rõ ràng việc ra làm quan hay vấn đề các triều đại không phải là mối quan tâm lớn nhất của ông. Mối quan tâm lớn của Nguyễn Du chính là cuộc đời và số phận con người. Vì vậy hình ảnh Nguyễn Du hiện lên trong những bài thơ sáng tác trên con đường hoạn lộ là hình ảnh của một vị quan ưa triết luận, suy tư. Những triết luận, suy tư chứa đựng tư tưởng nhân đạo, nhân văn là những giá trị ngời sáng của tâm hồn Nguyễn Du và thơ ca Nguyễn Du. Không dừng lại ở đó, những vấn đề Nguyễn Du nung nấu còn là những vấn đề sinh tồn mang tính bản thể luận. Nó đưa nhà thơ vượt ra khuôn khổ của thời đại và dân tộc, khiến ông bất tử và thuộc về nhân loại. 4. Sống giữa một thời đại đầy biến động bể dâu, mang trong mình những ý tưởng lớn của cuộc sống, Nguyễn Du rơi vào một nỗi cô đơn mênh mang sâu thẳm giữa cõi đời: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Câu hỏi lớn, đau đáu, thiết tha thể hiện niềm hi vọng, mong chờ vào hậu thế, vào sự hồi sinh đẹp đẽ của cuộc đời. Đến nay, từ điểm nhìn hai trăm năm, cả dân tộc vẫn hướng về ông để cùng chia sẻ những yêu thương, căm giận, để ngưỡng mộ ông về sự mẫu mực tuyệt vời của một nhân cách và tầm tư tưởng đạt đến đỉnh cao chói lọi trong nền thơ ca mà chưa ai sánh ngang bằng. Hôm nay đây, đọc lại Nguyễn Du đã hai thế kỷ mà vẫn như đang gợi mở cho ta biết bao câu hỏi lớn về thời cuộc, bao vấn đề lớn đang đặt ra cho sự nghiệp giải phóng nhân loại; xây dựng một cuộc sống thật sự dân chủ, bình đẳng, tự do, ấm no và hạnh phúc cho con người. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nhật Chiêu (2003), Văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh. 2. Trương Chính - Nguyễn Thạch Giang (2001), Nguyễn Du cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 3. Nguyễn Văn Dân (1998), Lý luận văn học so sánh, Tái bản có bổ sung và sửa chữa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 4. Xuân Diệu (2000), Ba thi hào dân tộc, NXB Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh. 5. Ngô Viết Dinh (2000), Đến với thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh. 6. Trần Hữu Duy - Nguyễn Phong Nam (1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, NXB Giáo dục. 7. Lê Anh Dũng (1994), Con đường tam giáo Việt Nam, NXB TP HCM. 8. Trần Xuân Đề (2002), Lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh. 9. Trần Xuân Đề (2003), Tác giả tác phẩm Văn học phương Đông (Trung Quốc), NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh. 10. Trịnh Bá Đĩnh (1999), Nguyễn Du về tác gia tác phẩm, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh. 11. Nhiều tác giả (1971), Thơ văn Lý Trần, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, HN. 12. Nguyễn Thị Bích Hải (1995), Thi pháp thơ Đường, NXB Thuận Hóa. 13. Hồ Sĩ Hiệp (1998), Đỗ Phủ, NXB Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh. 14. Nguyễn Thị Dư Khánh (1995), Phân tích tác phẩm nhìn từ góc độ thi pháp học, NXB Giáo dục Hà Nội. 15. Đinh Gia Khánh (2005), Điển cố văn học, NXB Văn học, Hà Nội. 16. Vũ Ngọc Khánh (1992), Giai thoại văn học Trung Quốc, NXB Văn học, TP. Hồ Chí Minh. 17. Lê Đình Kỵ (1998), Phê bình nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 18. Nguyễn Lai (1991), Ngôn ngữ và sáng tạo văn học, NXB KHXH Hà Nội. 19. Mai Quốc Liên (1992), Trước đèn, NXB Văn nghệ TP HCM. 20. Mai Quốc Liên (1996), Nguyễn Du toàn tập, NXB Văn học, TP. Hồ Chí Minh. 21. Nguyễn Thế Long (2001), Chuyện đi sứ - tiếp sứ thời xưa, NXB Văn hóa thông tin, TP. Hồ Chí Minh. 22. Nguyễn Lộc (1990), Nguyễn Du con người và cuộc đời, NXB Đà Nẵng. 23. Nguyễn Lộc (2004), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh. 24. Phương Lựu (chủ biên) (2003), Lí luận văn học, Tái bản lần thứ ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 25. Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Tái bản lần thứ 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 26. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ, NXB Trẻ. 27. Ngô Thì Nhậm (2004), Ngô Thì Nhậm toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 28. Bùi Văn Nguyên – Hà Minh Đức (1969), Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, NXB KHXH Hà Nội. 29. Nguyễn Khắc Phi (2001), Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh, NXB Giáo dục, Hà Nội. 30. Vũ Tiến Quỳnh (1991), Nguyễn Du (Tuyển chọn những bài bình luận), Khánh Hòa. 31. Trương Hữu Quýnh (2005), Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh. 32. Trần Trọng San (1990), Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, NXB ĐH Tổng hợp TP HCM. 33. Đặng Đức Siêu (1999), Ngữ liệu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 34. Nguyễn Hữu Sơn - Trần Đình Sử… (1997), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 35. Trần Đình Sử (1993), Giáo trình thi pháp học, NXB TP HCM. 36. Trần Đình Sử (1996), Lí luận phê bình văn học, NXB Hội nhà văn Hà Nội. 37. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 38. Trần Đình Sử (2007), Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội. 39. Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số thể loại - tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập 2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 40. Bùi Duy Tân (chủ biên) (2007), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X – XIX), 2 tập, Tái bản lần 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 41. Quách Tấn (1998), Thi pháp thơ Đường, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh. 42. Nguyễn Bá Thành (2005), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, NXBĐHQG Hà Nội. 43. Tư Mã Thiên (1988), Sử Kí, Nhữ Thành dịch, NXB Văn học, TP. Hồ Chí Minh. 44. Phạm Thiều - Đào Phương Bình (1993), Thơ đi sứ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 45. Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam: dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, Hà Nội. 46. Lương Duy Thứ (2000), Đại cương văn hóa phương Đông, NXB Giáo dục. 47. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và Văn học, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 48. Lê Ngọc Trà (1994), Mỹ học đại cương, NXB Văn hóa thông tin. 49. Đỗ Minh Tuấn (1995), Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội. 50. Phan Thị Bích Vân (2003), Hình tượng nghệ thuật về con người trong “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du, Luận văn thạc sĩ, ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh. 51. Lê Trí Viễn (2001), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh. 52. Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học: Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 53. Trần Ngọc Vương (2007), Văn học Việt Nam thế kỉ X – XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, NXB Giáo dục, Hà Nội. 54. Lê Thu Yến (1995), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh. 55. Lê Thu Yến (2003), Văn học trung đại những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHPPDH033.pdf