Luận văn Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac

MS: LVVH-VHNN004 SỐ TRANG: 141 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2008 CẤU TRÚC LUẬN VĂNLỜI CẢM ƠN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: 3. Lịch sử vấn đề: 3.1. Hệ thống các ý kiến liên quan đến đề tài: 3.1.1. Ý kiến của các nhà nghiên cứu nước ngoài: 3.1.2. Ý kiến của các nhà nghiên cứu trong nước. 3.2. Nhận xét: 4. Nhiệm vụ khoa học: 4.1. Mục đích nghiên cứu: 4.2. Đóng góp của luận văn: 5. Phương pháp nghiên cứu: 6. Cấu trúc luận văn: CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ THỜI ĐẠI VÀ TÁC GIẢ 1.1. Nước Pháp thời đại Balzac. 1.1.1. Thời đại xã hội “xây dựng tượng đài cho đồng tiền”. 1.1.2. Thời đại của mâu thuẫn giai cấp và dục vọng cá nhân. 1.2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Honoré de Balzac. 1.2.1. Cuộc đời Honoré de Balzac – một khát vọng mãnh liệt. 1.2.2. Sự nghiệp sáng tác. CHƯƠNG 2. HỆ THỐNG VÀ PHÂN TÍCH MỘT SỐ NHÂN VẬT TÁI XUẤT HIỆN TRONG TÁC PHẨM CỦA BALZAC. 2.1. Khái niệm nhân vật và nhân vật tái xuất hiện. 2.2. Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac. 2.2.1. Quá trình hình thành. 2.2.2. Khảo sát, phân loại. 2.3. Một số nhân vật tái xuất hiện tiêu biểu. 2.3.1. Loại nhân vật trước sau vẫn là chính diện. 2.3.2. Loại nhân vật lấm bùn từ đầu đến chân. 2.3.3. Motif nhân vật bán linh hồn cho quỷ sứ. CHƯƠNG 3. HIỆU QUẢ NGHỆ THUẬT CỦA THỦ PHÁP TÁI XUẤT HIỆN NHÂN VẬT 3.1. Khắc họa đối tượng trong tổng thể. 3.1.1. Xây dựng tính thống nhất cho Tấn trò đời. 3.1.2. Xây dựng những tính cách hoàn chỉnh. 3.2. Thực hóa tiểu thuyết. 3. 2.1. Tái hiện một thế giới “đang bước đi”. 3.2.2. Xây dựng những cuộc đời chân thật. 3.3. Những đóng góp quan trọng cho chủ nghĩa hiện thực. 3.3.1. Sự phát triển có quy luật của tính cách trong quan hệ với hoàn cảnh. 3.3.2. Góp phần xây dựng những nhân vật điển hình. 3.4. Hình thành những quan niệm mới về nhân vật văn học. KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC: MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ BALZAC

pdf141 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3705 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
gnac, Lucien Chardon, Valentin de Raphael, Nucingen, Vautrin, Bianchon v.v…Có điều cũng cần lưu ý là thời gian miêu tả cuộc đời nhân vật không phải lúc nào cũng tuyến tính với thứ tự xuất hiện của tác phẩm. Có nhiều trường hợp tác phẩm xuất hiện sau nhưng lại miêu tả quãng đời trước của nhân vật so với tác phẩm ra đời trước, như trường hợp Valentin de Raphael đã đề cập ở trên. Với nhân vật tái xuất hiện, cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc của các xung đột mà sẽ còn tiếp tục với nhiều thắng lợi hay thất bại trong tương lai, nhiều niềm vui hay nỗi buồn. Bởi vì cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn, mâu thuẫn và đấu tranh vẫn tiếp diễn, xung đột được giải quyết ở trường hợp này, bộ phận này, lại bùng nổ ở trường hợp khác, bộ phận khác. Nhân vật là một thành viên của xã hội, sự kết thúc những xung đột riêng tư không hề chấm dứt xung đột ở quy mô toàn xã hội. 3.2. Thực hóa tiểu thuyết. Trong Lời mở đầu cho Tấn trò đời , Balzac đã viết rằng: “Tiểu thuyết sẽ không là gì cả nếu trong lời nói dối uy nghiêm ấy, nó không chân thực ở từng chi tiết”[3, tr.51]. Tất nhiên, là một thể loại văn học nghệ thuật, tiểu thuyết phản ánh hiện thực khách quan, phản ánh cái thế giới vô cùng phức tạp và đa dạng của cuộc sống cũng theo quy luật là phản ánh đi liền với sáng tạo. Nhưng với mục đích đóng vai một “người thư kí” của thời đại, Balzac đã cố gắng tìm mọi cách để giúp người đọc hình dung ra một thế giới chân thực qua những tác phẩm của mình. 3. 2.1. Tái hiện một thế giới “đang bước đi”. Trong Lời mở đầu cho Tấn trò đời năm 1842, Balzac đã nêu một quan điểm có tính chất chỉ đạo toàn bộ quá trình sáng tác của mình là trong khi tái hiện cuộc sống một cách tổng hợp, ông phải tìm cho ra “cái nguyên cớ, cái động lực xã hội”, bởi vì “xã hội được họa lên như vậy, ắt phải mang trong bản thân nó nguyên nhân sự vận động đó”[3, tr.43]. Những lời giới thiệu rải rác cho từng tác phẩm khi được xuất bản riêng lẻ cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về ý thức sáng suốt của Balzac về việc tái hiện cuộc sống trong tính vận động, trong quy luật tất yếu của nó. Giới thiệu cho Phòng cổ vật năm 1839, Balzac đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ trung tâm là viết “lịch sử của một xã hội đang hành động”, “một hiện tại đang bước đi”. Sự vận động ấy có thể không phù hợp với quyền lợi và tình cảm của Balzac, nhất là khoảng những năm 1840, khi ông đang mong ước đạt được sự giàu sang, của cải bằng mối nhân duyên với phu nhân Hanska. Song là nhà bác học về lịch sử, về xã hội, Balzac trong lời đề tặng tiểu thuyết Nông dân cho một nhà khoa học vẫn viết rằng: “Tôi nghiên cứu bước đi của thời đại, và tôi xuất bản tác phẩm này”[27, tr.25]. Tiếp xúc với các tác phẩm của Balzac, ta có cảm giác như đang đứng trước một sự vận động không ngừng của đời sống, bởi đại đa số nhân vật thường không chết đi mà sau khi bước ra khỏi tác phẩm này, anh ta lại bước vào một tác phẩm khác, giống như một con người cứ bước từ căn phòng này sang căn phòng khác của cùng một ngôi nhà. Chính vì vậy, trước mắt ta, nhân vật luôn đang vận động, đang tiến bước theo cái sự “bước đi” của cuộc sống. Chính đội quân các nhân vật được tái hiện đã làm cho thế giới Tấn trò đời sống dậy, tạo ra những liên hệ và tạo ra những cốt truyện đa tuyến. Đội quân này hoạt động theo nguyên tắc chỉ có tiến không có lùi, không khoan nhượng. Bởi lẽ tất cả đều đang đứng chêng vênh trên bờ vực thẳm. Lùi lại là tự tiêu diệt và bị tiêu diệt. Hơn năm trăm nhân vật được tái xuất hiện trong tác phẩm của Balzac chẳng khác gì một đại quân đang rầm rộ tiến quân trên quảng trường, trên các đại lộ, vào các phòng khách, các căn gác trọ, rồi tỏa về các tỉnh lẻ, thậm chí vượt biên giới nước Pháp sang những miền xa xôi như Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, Sibérie v.v…Đại quân đó có xuất phát điểm chính là căn phòng trọ của mụ Vauquer trong Lão Goriot. Có thể nói, tất cả các nhân vật trong tác phẩm đầu tiên sử dụng thủ pháp tái xuất hiện nhân vật này đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến cái quán trọ tồi tàn kia. Nếu gọi Lão Goriot có vai trò như điểm gặp gỡ, giao thoa, như những cái ngã ba, ngã tư trong xã hội Tấn trò đời thì quán trọ Vauquer chính là hợp điểm của cái ngã ba đường này. Ở đây, các nhân vật hiện ra rồi biến mất: gặp mặt, chia tay, lui tới, qua lại với đủ gương mặt, đủ hạng người. Tính chất động đó của các ngã ba đường góp phần dựng lại hình ảnh dòng chảy cuộc đời, minh hoạ cho sự vận động không ngừng của xã hội. Do đó không gian quán trọ Vauquer trở thành một không gian nghệ thuật quan trọng nơi các nhân vật sẽ lộ ra qua các vai diễn của mình. Và vì vậy việc miêu tả cái quán trọ này ngoài ý nghĩa định vị cho các sự kiện của một tiểu thuyết cụ thể, còn là cánh cửa mở cho phép chúng ta thâm nhập vào xã hội Tấn trò đời. Từ Lão Goriot, các nhân vật sẽ bước sang các tác phẩm khác, cứ như thế, nó tạo nên một Tấn trò đời với nhiều mối quan hệ phức tạp, đa dạng và trong thế chuyển động không ngừng. Cuộc sống của các nhân vật trong từng tác phẩmriêng rẽ không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục với nhiều thắng lợi hay thất bại, nhiều niềm vui hay nỗi buồn. Bởi vì cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn, mâu thuẫn và đấu tranh vẫn tiếp diễn, xung đột được giải quyết ở trường hợp này, bộ phận này lại bùng nổ ở trường hợp khác, bộ phận khác. Nhân vật là một thành viên của xã hội, sự kết thúc những xung đột riêng tư không hề chấm dứt xung đột ở quy mô toàn xã hội. Mà sự vận động của xã hội là sự thay thế liên tục nhau những xung đột được giải quyết. Sự tiếp nối các xung đột thông qua thủ pháp tái xuất hiện nhân vật như thế tạo nên một dòng chảy không ngừng, không đầu, không cuối của cuộc sống, tạo ra dòng đời bất tận. Vì vậy, xét trong từng tác phẩm riêng rẽ, mỗi tác phẩm đều có một dung lượng nhất định, đều có mở đầu và kết thúc của nó. Song số phận của các nhân vật thì chưa thể hoàn tất, bởi anh ta vừa đi ra từ tác phẩm này nhưng lát sau ta lại thấy bước vào một tác phẩm khác. Kết thúc Lão Goriot là chi tiết Rastignac sau khi nguyền rủa gay gắt hai cô con gái Goriot tàn nhẫn với cha, đứng nơi nghĩa trang Père – Lachaise nhìn về Paris kèm theo lời thách thức “Bây giờ còn mày với ta!” nhưng thực chất đó là một sự thỏa hiệp. Vì ngay sau đó anh ta trở về phòng trọ, đóng bộ bảnh bao vào và đến dự tiệc tại nhà Delphine. Ở đó, anh ta bắt đầu một cuộc sống mới. Để rồi sau đó anh ta lại từ đây mà bước vào những cảnh đời khác, những môi trường khác. Sự xuất hiện trở đi trở lại của các nhân vật, như trên đã nói, tạo nên những số phận hoàn chỉnh. Vì vậy, muốn biết quá khứ của họ như thế nào, tương lai ra làm sao, chúng ta phải theo dõi trong những tác phẩm trước và sau đó. Cứ thế cuộc đời nhân vật “trôi” từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, liên tục, không nghỉ. Và chúng ta cũng sẽ thấy hiện lên những số phận rất cụ thể nếu chúng ta sắp xếp các tác phẩm theo một trình tự nhất định, như trường hợp Éugene de Rastignac đã đề cập ở trên đây. Đã có người nhận định rất xác đáng rằng Tấn trò đời đã tái hiện lịch sử nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX chính xác đến từng năm một. Quả đúng như vậy nếu như chúng ta chịu khó khảo sát thời gian mà tác giả miêu tả trong toàn bộ các tác phẩm của mình. Không tính đến vài ba tác phẩm viết về những sự kiện xảy ra trước cách mạng tư sản như Thuốc trường sinh, Jésus – Christ ở Flandre, Kiệt tác không người biết đến, các tác phẩm trong Tấn trò đời đã miêu tả hết sức chi tiết và liền mạch lịch sử nước Pháp từ 1792 đến 1845. Không theo tình tự xuất bản của mà theo thời gian được thể hiện trong các tác phẩm ta sẽ thấy điều này: Cô gái xua cá miêu tả khoảng thời gian từ 1792 đến 1839, Những người Chouans miêu tả thời điểm 1799, Thù truyền kiếp miêu tả thời gian từ 1800 đến 1815, Gobseck miêu tả thời gian 1806 đến 1830, Bông huệ trong thung miêu tả thời gian từ 1809 đến 1823, Đi tìm tuyệt đối miêu tả thời gian 1812 đến 1824, Đại tá Chabert miêu tả thời gian 1814 – 1840, Lão Goriot miêu tả thời gian 1819 – 1820, Ảo tưởng tiêu tan miêu tả thời gian 1819 – 1825, Lễ cầu hồn của kẻ vô thần miêu tả thời gian 1821 – 1824, Phòng cổ vật miêu tả thời gian 1822 – 1824, Vinh và nhục của kỹ nữ miêu tả thời gian 1824 – 1830, Eugéne Grandet miêu tả thời gian 1819 – 1833, Mặt trái của lịch sử hiện đại miêu tả thời gian 1809 – 1836, Cô nhân tình hờ miêu tả thời gian 1835 – 1842, Anh họ Pons miêu tả thời gian 1844 – 1845 v.v… Tất nhiên, để tạo cảm giác như ta đang đứng trước cuộc đời thực luôn trong tư thế vận động, ngoài thủ pháp tái xuất hiện nhân vật còn có sự hỗ trợ đắc lực của những yếu tố khác: tác giả chủ yếu miêu tả nước Pháp trong nửa đầu thế kỷ XIX, trong đó thời gian được kể trong tác phẩm thường rất gần với thời gian xuất hiện tác phẩm; những tác phẩm của Balzac luôn tắm trong không khí hiện tại bởi bóng dáng của “Đấng Quyền lực vạn năng”, “vị thần tiền hiện đại duy nhất, mà người ta tín ngưỡng, thần Tiền”[50, tr.350] xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm; tác giả đề cập đến những lực lượng có vai trò thúc đẩy sự vận động của xã hội v.v…Nhưng việc cho các nhân vật xuất hiện tuần tự qua các tác phẩm đã tạo cho người đọc một cảm giác rất thật về một cuộc đời đang luôn luôn vận động không ngừng. 3.2.2. Xây dựng những cuộc đời chân thật. Dù Balzac tự nhận mình là “một người thư kí của thời đại” nhưng rõ ràng tất cả chúng ta đểu thừa nhận tác phẩm của ông không thể là những tài liệu sao chụp một cách máy móc những gì xảy ra trong đời sống hiện thực của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Bởi tác giả đã sử dụng một loại hình nghệ thuật để thực thi cái nhiệm vụ phản ánh đó: tiểu thuyết, tức là cái phần sáng tạo của chủ thể phản ánh là phần rất chủ yếu. Trong Kiệc tác chưa được biết đến, tác giả viết: “Sứ mệnh của nghệ thuật không phải là sao chép tự nhiên mà là biểu hiện nó (…). Chúng ta phải nắm lấy tinh thần, linh hồn, diện mạo của mọi sự, mọi vật…”[19, tr.13]. Ông khẳng định: “Chân lý văn học là ở chỗ lựa chọn các sự kiện và tính cách, nâng chúng lên một quan điểm từ đó mỗi người nhìn vào đều tin chúng là sự thật, vì mỗi người đều có cái thật riêng, và mỗi người đều phải nhận ra màu sắc của mình trong màu sắc chung của cái điển hình do nhà tiểu thuyết trình bày”[19, tr.13]. Song, dù coi “tiểu thuyết là lời nói dối trang nghiêm” thì nhà sáng tạo vẫn đề cao “tính chân thật trong chi tiết”. Vì vậy, tác giả đã cố gắng vận dụng nhiều phương cách khác nhau để làm sao vẽ ra những nhân vật gần với con người trong cuộc sống thực. Balzac sáng tác trong một bối cảnh xã hội đầy biến động với những cuộc biến thiên thay bậc đổi ngôi liên tục và đến chóng mặt kéo theo sự ngả nghiêng của biết bao số phận trong cái xã hội ấy. Hôm nay anh ta còn là một anh chàng tỉnh lẻ ngơ ngác trước chốn thị thành thì hôm sau anh ta đã có thể là một công tử hào hoa, sành sỏi đủ ngón nghề ăn chơi. Hôm nay anh còn là một ngài quý tộc đầy quyền uy thì ngày mai anh ta trở thành một thứ đồ cổ. Nhân vật tái xuất hiện đã tái hiện được cái thực tế đó. Trong các tác phẩm của Balzac, ta bắt gặp những Rastignac, Lucien Chardon, Chaler Grandet v.v… đã biến từ những chàng trai trẻ có khát vọng đẹp đẽ, có những triết lý sống rất đáng ngợi ca thì qua va chạm với cuộc sống đầy vị kỷ đã biến đổi hoàn toàn, thành những hình tượng điển hình cho thời đại kim tiền lúc bấy giờ. Ta cũng bắt gặp một loạt những kẻ thuộc tầng lớp quý tộc một thời oanh liệt như hầu tước D’Espard, bá tước De Fontain, nữ vương tước De Cadignan, nữ tử tước De Beauséant v.v…chẳng mấy chốc bị phế bỏ để nhường chỗ cho những kẻ tư sản mới phất như De Marsay, Maxim de Trailles, Ajuda – Pinto v.v… Trong cái rừng nhân vật của mình, Balzac tập trung khắc họa công phu những nhân vật được xem là đại biểu của thời đại, đó là những ông, bà bá tước, hầu tước, tử tước v.v… chỉ còn cái danh hão để lòe thiên hạ và những kẻ cơ hội mới phất trong buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản. Ta dễ dàng liệt kê ra vô vàn các tên tuổi như vậy xuất hiện không chỉ một lần duy nhất. Đầu thế kỷ XIX, mặc dù chưa thật là một nước tư bản hiện đại nhưng đời sống xã hội Pháp đã khá phát triển, việc thông thương giữa các vùng, miền với nhau, đặc biệt là thông thương giữa Paris với các vùng lân cận là khá nhộn nhịp. Con người có thể đi lại nhộn nhịp giữa các địa điểm đó rất nhanh chóng. Cho nên trong sáng tác của Balzac, dù là miêu tả một con người cụ thể nhưng qua mỗi lần xuất hiện khác nhau lại ở những không gian khác nhau, điều này là hoàn toàn thực tế. Tuy nhiên, Paris là trung tâm của mọi cái tốt cũng như cái xấu, nó như cái cối xay khổng lồ sẽ ngấu nghiến tất cả mọi cá thể “lảng vảng” xung quanh. Nên hầu như tuyệt đại đa số nhân vật tái hiện đều có mặt ở Paris. Chính đây là môi trường để thử thách bản lĩnh của mỗi người, để chứng minh rằng anh ta là đao phủ hay nạn nhân. Vì vậy mà đọc Tấn trò đời, ta sẽ thấy nhân vật lúc thì ở miền Nam, khi thì lên miền Bắc, hay về cái tỉnh lẻ Angoulême hẻo lánh, rồi lại vượt biên giới sang cả Châu Phi, Trung Hoa, Ấn Độ v.v…nhưng vẫn hoạt động chủ yếu ở Pari. Qua những lần xuất hiện như thế, do sự cọ xát với cuộc sống, ta thấy một quá trình biến đổi nhân cách của các nhân vật, điều này trở thành một quy luật và thể hiện tính chân thực trong ngòi bút của Balzac. Bởi nếu như tính cách của những Rastignac, Lucien Chardon, Chaler Grandet v.v… không biến đổi thì rõ ràng tác giả đã quá “lãng mạn” khi không để cho hoàn cảnh chi phối sự vận động của tính cách theo quan niệm của chủ nghĩa hiện thực. Điều này giải thích vì sao khi miêu tả những nhân vật thuần tính cách chính diện như Bianchon, Michel Chrestien thì ngòi bút của Balzac trở nên xa hiện thực như thế. Nói tóm lại, chính nhờ thủ pháp cho nhân vật trở đi trở lại qua những tác phẩm khác nhau, và qua mỗi lần như vậy, đa số nhân vật sẽ biến đổi tính cách và vị thế xã hội, hoặc là lụi tàn dần hoặc là càng ngày càng tiến lên chinh phục xã hội theo cái suy vong của nhân cách, các nhân vật lại càng sống, càng thực, và vì thế mặc dù là sản phẩm nghệ thuật thì ta vẫn có cảm giác như đang đối diện với những con người có thực ngoài đời. 3.3. Những đóng góp quan trọng cho chủ nghĩa hiện thực. Khi nói đến phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, chúng ta vẫn thường nói đến những luận điểm rất quen thuộc như: tính cách là kết quả của hoàn cảnh, xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình v.v… Mà một trong những nhà văn đặt nền móng cho những luận điểm như vậy chính là Honoré de Balzac với thủ pháp nhân vật tái xuất hiện. 3.3.1. Sự phát triển có quy luật của tính cách trong quan hệ với hoàn cảnh. Mục đích của Balzac khi viết Tấn trò đời là muốn khám phá cái quy luật vận hành của con người trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Trong Lời nói đầu của công trình, ông viết: “Xã hội giống như tự nhiên. Chẳng phải là xã hội cũng làm cho con người trở thành bao kiểu người khác nhau, tuỳ theo môi trường hoạt động của họ, giống như bấy nhiêu loài trong động vật học hay sao?”[3, tr.33]. Như vậy, theo Balzac, tính cách con người tuỳ thuộc vào sự ảnh hưởng của môi trường xã hội: “Con người không tốt, cũng không xấu; con người sinh ra với những bản năng và những thiên tư, xã hội không hề làm hư hỏng con người, như Rousseau đã khẳng định, xã hội hoàn thiện con người, làm cho con người tốt hơn; song, quyền lợi làm cho những khuynh hướng xấu của con người phát triển mạnh quá đáng”[3, tr.43]. Vì vậy, dù tự nhận “xã hội Pháp sẽ là nhà sử học, còn tôi chỉ là người thư ký”[3, tr.41] nhưng Balzac không đi phản ánh một cách máy móc, vụn vặt hiện thực khách quan. Ông chú ý “lựa chọn những biến cố chính yếu của xã hội, cấu tạo những điển hình bằng cách phối hợp các nét nhiều tính cách đồng nhất”[3, tr.41] để tạo nên những hình tượng nghệ thuật có giá trị điển hình sâu sắc. Trong đó ông đặc biệt quan tâm đến việc miêu tả mối quan hệ giữa tính cách điển hình với hoàn cảnh điển hình. Trong tác phẩm Honoré de Balzac: sáng tạo và khát vọng, André Allemand khẳng định: “Sáng tạo không phải là sao chép lại cái sẵn có. Trước hết, từ chỗ những gì đã có phải tạo ra cái phải có và chỉ ra những gì sẽ xảy ra trong hoàn cảnh tương tự”[19, tr.43]. Tức Balzac đặt ra nhiệm vụ phải thiết lập nên những quy luật cho sự phát triển của tính cách trong quan hệ với hoàn cảnh, nó có ý nghĩa như những công thức quy định tính cách con người. Cuộc sống có quy luật của nó, quy luật là tập hợp của vô số cái ngẫu nhiên. Và ngẫu nhiên, theo Balzac chỉ là quy luật chưa được hiểu thấu. Sáng tạo nghệ thuật là một hành động nhận thức, khám phá ra cái quy luật đó, phá vỡ tính ngẫu nhiên bên ngoài của sự vật. Vì vậy, trong tư tưởng của mình khi sáng tác, Balzac luôn có xu hướng vươn tới cái tổng thể và cái có tính quy luật khi thể hiện cuộc sống. Trong thư viết cho em gái, ông đã nêu ra mục đích: “sẽ vạch ra những nguyên nhân và kết quả (…) khi anh thể hiện lịch sử của họ, anh sẽ chỉ ra quy luật chi phối sự hưng thịnh ngày hôm nay, sự suy vong của họ ngày mai”[27, tr.16]. Qua một loạt nhân vật được trở đi trở lại từ hai, ba … đến hàng chục tác phẩm như De Rastignac, Félix de Vandensse, Lucien Chardon, Charles Grandet, Raphael de Valentin v.v… chúng ta có thể thấy sự tác động của hoàn cảnh lên tính cách của nhân vật trong đó chủ yếu là quá trình phản diện hoá nhân vật. Điều này hoàn toàn phù hợp với những phát hiện của nhiều nhà nghiên cứu Balzac. Ranph Fox, nhà nghiên cứu người Anh từng so sáng Balzac với Scott, Dickenx: “Vì sao Scott không đạt vị trí vượt trội hơn hẳn của Balzac hay Dickenx không đạt được tầm cỡ của Toistoi? Vì sao chúng ta thường cùng phát hiện thấy nhân vật của Scott và Dickenx có cái gì đó không đạt? Bởi vì họ không có khả năng thấy được rằng dưới cái vỏ bên ngoài đáng kính của xã hội họ đã diễn ra sự sa đọa dần dần của con người như thế nào”[19, tr.52]. Chính nhờ thủ pháp nghệ thuật này mà sự sa đọa của con người, sự mất dần những phẩm chất chính diện được biểu hiện như một kết quả của quá trình liên hệ giữa tính cách và hoàn cảnh. Cũng cần nói thêm, xuất phát điểm của nhân vật Balzac gồm hai loại khá rạch ròi: chính diện hoặc phản diện. Nhưng trong quá trình tiếp xúc với môi trường xã hội, những tính cách đó sẽ vận động theo những chiều hướng khác nhau mà chỉ có lịch sử mới có thể giải thích nổi: nhân vật chính diện sẽ phân hoá thành hai loại là phản diện hoặc tiếp tục là chính diện. Khi anh ta đầu hàng hoàn cảnh tức là không thể chống lại được những cám dỗ của hoàn cảnh thì anh ta sẽ bị tha hóa và biến thành quỷ sứ. Còn khi anh ta đứng được trên hoàn cảnh thì sẽ giữ được những phẩm chất tốt đẹp của mình, hoàn cảnh lúc đó trở thành hòn đá thử vàng. Còn nhân vật phản diện trong tác phẩm Balzac từ đầu đến cuối sẽ mãi là phản diện. Điều này có căn nguyên của nó. Thứ nhất, nhân vật Balzac là những cá tính mãnh liệt, họ đều có một đam mê là vượt lên, khẳng định mình. Trong khi đó, thực trạng xã hội lại đầy rẫy những cạm bẫy. Môi trường đó không thể là môi trường lương thiện hóa con người. Chỉ khi tự tách mình ra khỏi những cám dỗ thì anh ta có thể trở nên tốt đẹp, điều này là không thể đối với những nhân vật phản diện của Balzac. Trong ba loại nhân vật tái xuất hiện như phần 2.3 đã thể hiện, loại nhân vật “bán linh hồn cho quỷ sứ” thể hiện rõ nhất quy luật phát triển tính cách trong quan hệ với hoàn cảnh. Thử lấy nhân vật De Rastignac làm ví dụ. Eugéne de Rastignac được tái hiện trong hơn hai mươi tác phẩm của Tấn trò đời. Ở đây chúng tôi chỉ lấy năm tác phẩm tiêu biểu để theo dõi quá trình phát triển tính cách của nhân vật này, hay cụ thể hơn là theo dõi quý trình phản diện hoá tính cách của nhân vật này. Từ Lão Goriot, Ảo tưởng tiêu tan, Luật đình chỉ, Nhà ngân hàng Nucingen, Đại biểu thành Arcis, ta sẽ thấy trong hai mươi năm trời, người thanh niên nghèo nơi quán trọ Vauquer ấy đã thay đổi như thế nào. Lão Goriot – miêu tả thời gian những năm 1819 – 1821: Vừa ở quê nhà lên Paris, Rastignac vẫn còn giữ nhiều xúc động của tuổi trẻ. Tuy có tham vọng ngoi lên và chấp nhận “luật chơi” của xã hội thượng lưu nhưng nhìn chung vẫn còn có xung đột với hoàn cảnh. Dù cố tình tìm đến những phòng khách thượng lưu nhưng chút ánh sáng còn lại của tuổi trẻ, của một thanh niên có giáo dục không cho phép anh ta nhẫn tâm mạo hiểm thực thi bài giảng của tên đồ tể Vautrin. Nhưng anh ta lại tiếp nhận bài học ấy dưới dạng hợp pháp, “dễ chịu” hơn qua một mệnh phụ phu nhân quý tộc. Anh cũng đã với Bianchon lên án gay gắt hai cô con gái “giẫm lên xác cha để đi vũ hội” nhưng cũng bị hút tới cái vũ hội đó như con thiêu thân. Và ở cuối tác phẩm này, lời thách thức trước Paris “Bây giờ còn mày với ta!” thực chất là một sự thỏa hiệp. Ảo tưởng tiêu tan – miêu tả thời gian 1821 – 1825: De Rastignac nổi lên giữa đám công tử bột được vô số những phụ nữ quý tộc o bế, khiến Lucien Chardon phải thèm khát cái dáng dấp thanh lịch, dòng dõi của anh ta. Anh ta “khai mào cho nụ cười Paris, mỗi ngày nhằm một miếng mồi mới, mau chóng khai thác đề tài trước mắt để chỉ một lát nó thành cũ rích”[8, tr.187]. Anh ta còn mạnh dạn đóng vai trò kẻ chăn dắt những chàng trai trai trẻ đang còn ngơ ngác trước ngưỡng cữa cuộc đời khi tuyên bố sẽ giúp Lucien làm quen với “những tay thanh niên thời thượng” và biến anh chàng này thành một tay sành diệu như mình. Luật đình chỉ – miêu tả thời gian 1827 – 1828: Là “một trong những trang nam nhi thanh lịch nhất Paris”, Rastignac tuôn ra hàng tràng những phát ngôn đầy ranh mãnh của một kẻ lọc lõi, cơ hội: “Vợ một chính khách là một cơ quan để cai trị, là một bộ máy để ca tụng, để vái chào; bà ta là cộng cụ hàng đầu, công cụ trung thành nhất mà kẻ tham vọng sử dụng”[5, tr.24]. Đến gặp Bianchon về một vụ án đình chỉ tài sản, dù mến phục tài đức của người bạn cũ nhưng gã bộ trưởng tương lai vẫn không quên rao giảng với bạn những lời khuyên đầy tham vọng và hãnh tiến: “Hãy trở thành nam tước (…), thành nguyên lão nước Pháp, và hãy gả các con gái của mình cho các vị quận công”[5, tr.92]. Nhà ngân hàng Nucingen – miêu tả thời gian 1826 – 1836: Từ một gã ăn bám vào phụ nữ, Rastignac đã có cổ phần trong các ngân hàng, đã cùng người chồng nhân tình của mình là chủ nhà băng Nucingen tham gia vào những vụ mờ ám khiến bao gia đình phải khuynh gia bại sản. Anh ta thản nhiên tự nguyện trở thành công cụ của gã đại tư sản kia, điềm nhiên nhận những tài khoản lớn mà chẳng cần quan tâm đến đầu đuôi sự việc, “anh ta nhìn thế gian như chốn tụ họp mọi sự tha hóa, mọi hành động bất lương”[9, tr.356]. Đại biểu thành Arcis – miêu tả thời gian 1839: Trong tác phẩm này, Rastignac đã đạt được những đỉnh cao của thành đạt: giữ chức bộ trưởng lần hai, được phong bá tước, bố vợ là nguyên lão nước Pháp, họ hàng được cân nhắc. Hơn thế nữa, anh ta được coi như là một nhân vật không thể thiếu trong những vụ áp phe chính trị. Như vậy, từ 1819 đến 1839, từ một chàng sinh viên trong trắng, mang trong mình một lý tưởng sống cao đẹp nhưng sống ngoài lề xã hội thượng lưu, trải qua bao nhiêu va chạm với cái xã hội tôn sùng dục vọng và con bê vàng, Rastignac đã biến thành một kẻ cơ hội, thành một đại diện của cái xã hội đầy tội lỗi ấy. Cuộc đời của nhân vật này là điển hình cho sự thay đổi tính cách của con người trong quá trình tiếp xúc với môi trường sống của họ. 3.3.2. Góp phần xây dựng những nhân vật điển hình. Balzac đã nêu mục đích của mình trong Lời mở đầu cho Tấn trò đời khi xây dựng các nhân vật là làm sao để các nhân vật có sức sống trường cửu hơn các nguyên mẫu của nó. Tức là ông muốn thiết lập nên những tính cách nổi bật, sâu sắc và có ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Và kết quả đúng như mong muốn của ông, các nhân vật do ông sáng tạo ra có một đời sống thật bền lâu trong lòng người đọc. Cuộc sống của những nguyên mẫu mà từ đó Balzac sáng tạo, nếu có, chắc chắn đã đi vào dĩ vãng nhưng ngày nay khi đọc lại những tác phẩm được viết cách đây gần hai thế kỷ, ta vẫn thấy hiện nguyên những tính cách như cái thời tác giả sinh ra chúng. Bởi vì, như theo thuật ngữ lí luận văn học thì Balzac đã xây dựng nên được những nhân vật điển hình kinh điển của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Và để đạt được điều này, thủ pháp tái xuất hiện nhân vật có một vai trò quan trọng. Thủ pháp này đã góp phần làm cho nhân vật “có sức mãnh liệt không gì sánh nổi”, nhà văn “áp đặt cho người đọc hình tượng mạnh đến mức ám ảnh, làm ta thấm sâu tận đáy tâm can ý nghĩa đặc biệt của nó”[50, tr.336]. Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật đã tạo nên một sự gắn chặt nhân vật, tính cách trong những tình huống khác nhau của hoàn cảnh, và như thế nó đạt được yêu cầu điển hình hóa. Các nhân vật chỉ có thể bộc lộ hết tính cách của mình khi cọ xát với môi trường, mà như thế thì nhân vật phải được thử thách trong nhiều cảnh huống khác nhau. Tức là càng xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau thì khả năng nhấn mạnh cái tính cách điển hình càng được thể hiện rõ nét hơn. Nhân vật Rastignac chẳng hạn. Anh ta chỉ có thể bộc lộ hết tham vọng ngoi lên bằng bất cứ giá nào khi anh ta được cọ xát với nhiều môi trường khác nhau của xã hội tư sản. Mặt khác, sự cọ xát với nhiều môi trường khác nhau sẽ chỉ ra sự biết chuyển trong tính cách của con người đầy dục vọng này. Hay như với nhân vật Nucingen. Càng tiếp xúc với nhiều tác phẩm, ta lại càng củng cố cái ấn tượng về một gã chủ nhà băng đầy thủ đoạn trong nghệ thuật kiếm tiền. Như chúng tôi đã phấn tích về mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh ở phần 3.3.1, tác phẩm của Balzac đã xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Tức là nhân vật của Balzac không chỉ giới hạn ở những cá tính, che lấp hoàn cảnh mà có nét phổ biến và tính cách sống động, luôn ở trong thế phát triển. Tuy nhiên, nếu như nhân vật chỉ xuất hiện trong một tác phẩm, ta thường chỉ thấy sự phát triển tính cách trong một vài hoàn cảnh nhất định, còn nếu nhân vật xuất hiện trong nhiều tác phẩm thì ta sẽ thấy được sự phát triển của tính cách trong nhiều hoàn cảnh điển hình khác nhau. Tính cách điển hình vì thế mà đây đặn hơn, sức khái quát vì thế mà cao hơn. “Tính cách điển hình là sự thống nhất hài hòa cao độ giữa tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao, “là người lạ mà quen” như một ý kiến của Bêlinxki”[40, tr.528]. Đó không chỉ dừng lại ở sự thống nhất giữa tính riêng vả tính chung, vì bất kì sự vật hiện tượng nào cũng thể hiện điều này. Chỉ khi nào cái riêng thật sắc nét và cái chung phải thật khái quát cao, chúng lại phải thống nhất và hài hoà cao độ với nhau thì mới có cái gọi là điển hình. Chính vì vậy, muốn xây dựng được các hình tượng điển hình, nhà văn phải phát hiện những chi tiết cá biệt, độc đáo, không lặp lại để làm nổi bật những nét, những tính cách quan trọng, những quan hệ tiêu biểu trong đời sống. Nhân vật văn học, vì vậy, càng có những nét riêng nổi bật lại càng mang trong mình những thuộc tính chung của đời sống. Để xây dựng được những nhân vật như vậy, trước hết nhà văn cần phải cá thể hóa, tức là làm sao cho nhân vật manh những đặc điểm khác biệt để phân biệt với nhân vật khác. Trong Tấn trò đời, nếu theo dõi một nhân vật nào đó trong nhiều tác phẩm khác nhau ta càng thấy những “nét nổi bật” của anh ta. Bởi vì mỗi lần xuất hiện là một lần anh ta được tác giả “làm mới”. Ta có cảm giác như tác giả đang xoay chuyển nhân vật để quan sát ở nhiều góc độ, và điều này sẽ tạo những ấn tượng rất riêng nơi người đọc trong việc phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Đọc lần lượt toàn bộ Tấn trò đời rồi tổng hợp lại, chúng ta sẽ thấy cũng là những chàng trai từ tỉnh lẻ lên Paris mang theo tham vọng lớn nhưng Rastignac khác Lucien, cũng là nhà báo nhưng Lousteau khác xa Ranal Nathan, cũng là nhà tư tưởng cách mạng nhưng Daniel D’Ather khác Michel Chrestien, cũng là chủ nhân hàng nhưng Nucingen khác Du Tilet, cũng là luật sư như Derville khác Joseph Lebas v.v…Tất nhiên, với ngòi bút độc đáo thì chỉ cần xuất hiện một lần thì cái nét riêng của nhân vật cũng đã bộc lộ, nhưng nếu xuất hiện nhiều lần, chắc chắn hiệu quả của nó sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, mục đích của tác giả không phải chỉ dừng lại ở việc miêu tả những cá nhân cụ thể với những nét riêng của họ mà là nhằm khái quát hóa để làm sao cho hình tượng mang trong mình những nét quan trọng nhất, bản chất nhất của đời sống. Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật chính là một thủ pháp khái quát hóa rất hiệu quả. Bởi vì, qua nhiều lần xuất hiện như vậy, cái tính cách của nhân vật đươc nhắc đi nhắc lại, được nhấn mạnh, khắc sâu làm cho nó trở thành cực kỳ sâu sắc và để lại một ấn tượng đến mức ám ảnh người đọc. 3.4. Hình thành những quan niệm mới về nhân vật văn học. Trước hết phải khẳng định, theo quy luật của sự phát triển của nghệ thuật, một giai đoạn văn học luôn luôn tiếp thu, phát huy những thành tựu của các giai đoạn trong quá khứ. Và Balzac cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Trong Tấn trò đời, Balzac đã nhắc đến hơn 200 tác giả trước hoặc đương thời với ông, trong đó ông đặc biệt chú ý đến Molìere. Balzac đương thời cũng rất khâm phục Walter Scott và học tập nhiều ở tác giả này và có một phát biểu táo bạo, đầy cá tính: “Muốn bằng được Walter Scott, phải vượt ông”[50, tr.304]. Nói thế có nghĩa rằng trong lúc xây dựng các nhân vật của mình, Balzac cũng không muốn, hay là không thể thoát li hoàn toàn quá khứ. Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo vô song lại thúc dục bởi một mong muốn làm sao “lớn hơn hết thảy mọi người” đã khiến Tấn trò đời chứa đựng những phát kiến độc đáo, góp phần tạo nên một bức tranh sinh động, phong phú cho đời sống văn học. Với những tác phẩm của mình, Balzac có những phát kiến rất đáng chú ý về vị trí, vai trò, chức năng của nhân vật tiểu thuyết. Với việc cho nhân vật trở đi trở lại, Balzac đã phá vỡ những quan niệm truyền thống về những khái niệm như nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nếu chúng ta xem Tấn trò đời là một tổng thể không tách rời. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, những nhân vật có khi được gọi là phụ lại chính là nhân vật mang lại cho tác phẩm lớn kia một bề dày và một ý nghĩa sâu sắc. Như ta đã biết, nhân vật chính, phụ, chính diện, phản diện, là những khái niệm mà lí luận văn học rút ra từ đối tượng nghiên cứu là các tác phẩm tự sự và kịch trong thế độc lập. Nhân vật chính là nhân vật then chốt của câu chuyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật phụ thì ngược lại, đó là những nhân vật giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong diễn biến của cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Nhân vật chính diện là nhân vật thể hiện những giá trị tính thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lí tưởng xã hội – thẩm mỹ nhất định. Nhân vật phản diện là là kiểu nhân vật mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế diễu, lên án, phủ định. Những khái niệm trên đây gần như đã quá định hình lâu nay đến gần như là cứ hễ tiếp xúc với bất kỳ một tác phẩm tự sự nào thì điều đầu tiên mà chúng ta sẽ làm là đi khảo sát tác phẩm đó có bao nhiêu tác phẩm, trong đó nhân vật nào là chính, là phụ, nhân vật nào là chính diện, phản diện. Điều này là hoàn toàn hợp lí nếu như đối tượng mà ta lấy để khảo sát là từng tác phẩm riêng lẻ. Nhưng có những trường hợp thì thói quen tưởng như tất yếu đó trở nên vô cùng phức tạp, nan giải. Bởi lúc đó ta khó mà phân loại nhân vật được thành các loại như trên đây. Tình hình này ta sẽ bắt gặp khi tiếp xúc với Tấn trò đời. Ở đây có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất: đọc Tấn trò đời ta thấy một hiện tượng rất phổ biến là nếu như ở tác phẩm này, nhân vật nào đó còn là một nhân vật chính thì sang tác phẩm khác anh ta đã biến thành nhân vật phụ, thậm chí chỉ được nhắc đến như một hơi gió nhẹ, và ngược lại, có nhân vật ở trong tác phẩm này bị xếp vào một “xó” nào đó, chẳng có ấn tượng gì thì ở tác phẩm khác anh ta bổng nổi lên chiếm lĩnh câu chuyện. Tương tự như thế, có những nhân vật trong tác phẩm này còn mang những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả thì sang tác phẩm khác, anh ta đã là hiện thân cho những điều phi đạo đức, trái với đạo lý và lý tưởng của con người. Như vậy, ở trường hợp này chúng ta sẽ xét hai hiện tượng nhân vật: loại nhân vật dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm – nhân vật chính và nhân vật phụ; loại nhân vật dựa vào đặc điểm của tính cách, việc truyền đạt lí tưởng của nhà văn – nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Trong Tấn trò đời, số lượng nhân vật có vị trí khác nhau trong từng cốt truyện khác nhau là vô cùng nhiều: Eugéne de Rastignac, Gobseck, De Nucingen, Gaudissanrt, César Birotteau, Louis Lambert, nữ hầu tước D’Espard, nữ công tước De Langeais, nữ vương tước De Cadignan v.v…Mỗi nhân vật trong số này đều có lúc được tác giả cho chiếm lấy diễn đàn, phát biểu chủ đề tư tưởng của tác phẩm nhưng cũng không ít lần chỉ được tác giả cho đóng một vai trò rất khiêm tốn, thậm chí chẳng để lại ấn tượng gì đáng kể. Chúng ta thử đến với vài ví dụ là Gobseck và Nucingen. Lão già Do Thái chuyên nghề cho vay nặng lãi Gobseck xuất hiện trong gần 10 tác phẩm của Tấn trò đời, và tên của lão cũng là tên của một tác phẩm: Gobseck. Trong tác phẩm này, hình tượng nhân vật chính được xuất hiện rất thường xuyên, giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các nhân vật khác và cũng là nhân vật bộc lộ tư tưởng chủ đề của câu chuyện. Đó là câu chuyện về thói nô lệ cho đồng tiền, vì đồng tiền mà con người có thể làm mọi cách, với Gobseck đó là cho vay với lãi suất cắt cổ. Sang những tác phẩm khác, dù vẫn là hiện thân của thủ đoạn kiếm tiền này nhưng Goseck không hề là người đóng vai trò phát biểu chủ đề chính của câu chuyện mà nhường vai trò này cho nhân vật khác, như trong Lão Goriot, lão chỉ thoáng qua khi những nhân vật khác có nhu cầu vay nợ vì cần tiền để cho con hay để ăn chơi xa xỉ. Bởi chủ đề của Lão Goriot là bi kịch về tình cha con và lối sống tôn thờ chủ nghĩa dục vọng tư sản. Gã chủ nhà băng Nucingen mặc dù xuất hiện trong gần 20 tác phẩm nhưng chỉ là nhân vật chính trong Nhà ngân hàng Nucingen. Tác phẩm này chủ yếu kể về cuộc đời và những mánh khóe làm ăn của hắn ta còn ở những tác phẩm khác, dù vẫn hiện lên là một chủ ngân hàng đầy thế lực nhưng nhân vật này không còn được tác giả tập trung miêu tả cụ thể nữa. Cũng qua những lần xuất hiện khác nhau như thế, có tính cách không còn hoàn toàn thuần nhất, Rastignac là một hình tượng điển hình cho hiện tượng này. Trong Lão Goriot, dù đã có biểu hiện của một anh chàng có tham vọng mãnh liệt và đang tìm cách để thỏa mãn tham vọng đó nhưng cơ bản anh ta vẫn còn giữa được những đức tính tốt đẹp của một con nhà có giáo dục, đặc biệt là anh ta đã có những hành vi ứng xử rất cao cả với người cha tội nghiệp Goriot. Nhưng sang những lần xuất hiện khác như trong Miếng da lừa, Luật đình chỉ, Nhà ngân hàng Nucingen v.v…thì anh ta đã biến thành một kẻ khác: cơ hội, lọc lõi và đầy xảo quyệt. Vì vậy khó mà xếp nhân vật này vào loại tính cách nào nếu như xét trong tổng thể Tấn trò đời. Ở trường hợp thứ hai, trong Tấn trò đời, chúng ta bắt gặp nhiều nhân vật xét về tần số xuất hiện hay vị trí trong tác phẩm thì chưa bao giờ là “nhân vật then chốt của câu chuyện” nhưng lại thể hiện một chức năng quan trọng. Horace Bianchon, Vautrin và Michel Chrestien là những ví dụ tiêu biểu. Dù xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm nhưng Bianchon không hề là nhân vật chính của bất kỳ một tác phẩm nào, tất cả đều là nhân vật phụ, thậm chí chỉ được nhắc đến sơ sài như trong Một gia đình kép, Cô gái xua cá v.v… Thế nhưng người đọc khó có thể quên được hình ảnh của nhân vật này từ lúc còn là một sinh viên trường y và sau là một thầy thuốc danh tiếng. Nhân vật này là một nhân tố quan trọng thể hiện lý tưởng nhân văn cao đẹp mà tác giả hướng đến: nhân ái với mọi người, kiên quyết đứng về cái đẹp, cái tiến bộ. Đây cũng là một hiện tượng trong số ít nhân vật có thể đứng ngoài mọi cám dỗ của thời buổi đầy rẫy cám dỗ của đồng tiền và dục vọng. Vautrin xuất hiện vời tần số ít hơn Bianchon và cũng chưa bao giờ được tác giả khoác lên bộ quần áo của nhân vật chính. Vậy mà, cũng như vị thầy thuốc khả kính kia, tên đồ tể này đã để lại một ấn tượng đặc biệt sâu đậm. Thậm chí hắn là hiện thân cho một triết lí sống trong thời đại Balzac : sống tức là chiến đấu, để tiêu diệt lẫn nhau, là tìm mọi cách để trở thành đao phủ chứ không thì sẽ là nạn nhân. Dù thay hình đổi dạng, ẩn nấp dưới nhiều cái tên khác nhau thì ở bất cứ tác phẩm nào, hễ Vautrin xuất hiện thì bộ mặt đời sống xã hội được phản ánh mới thật sinh động và chân thật. Một nhân vật phụ khác là căn cứ đặc biệt quan trọng để tìm hiểu tư tưởng chính trị của tác giả là Michel Chrestien. Là một trong số những nhân vật được tái hiện ít nhất, lại hầu như không mang một chân dung cụ thể nào, mà lại cứ “lởn vởn” đâu đó trong từng tác phẩm, nhưng nhân số lượng ngôn từ mà giới nghiên cứu viết về nhân vật này còn nhiều hơn dung lượng mà tác giả dành cho anh. Nhân vật này được xem là “một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của chủ nghĩa hiện thực và một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Balzac ”[50, tr.344], thể hiện sự khát khao vươn tới một sự hoàn thiện trong quan hệ đạo đức và xã hội, trong quan hệ ứng xử thẩm mỹ. Do đó, Chrestien dù không là một nhân vật đầy đặn của bất kỳ tác phẩm nào nhưng vẫn là nhân vật đọng lại trong tâm trí người đọc đẹp nhất, lý tưởng nhất, là đại diện đẹp nhất của tầng lớp trí thức cách mạng, trở thành một biểu tượng của con người trong kỷ nguyên mới. KẾT LUẬN Honoré de Balzac là một tác giả thiên tài với một thực tế sáng tạo khổng lồ. Sự nghiệp sáng tác do ông thiết lập nên chứa đựng những giá trị nội dung và nghệ thuật vô cùng phong phú. Đi tìm hiểu thấu đáo những thành tựu nghệ thuật chứa đựng trong bộ “hài kịch của nhân gian” là một việc làm có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc, mang tầm cỡ to lớn, tuy nhiên là một công việc không hề đơn giản. Trong công trình khiêm tốn này, chúng tôi chỉ mạnh dạn đưa ra một cái nhìn tương đối cụ thể đối với một đối tượng không hẳn là mới trong sáng tác của Balzac, tuy nhiên vẫn có những đóng góp nhất định. Tấn trò đời là một cuốn “lịch sử phong tục” theo cách nói của chính Balzac nhưng cũng là thành quả của một quá trình lao động sáng tạo mãnh liệt, liên tục trong gần hai mươi năm của tác giả. Với bộ “siêu tiểu thuyết” này, Balzac thể hiện một tài năng phản ánh và sáng tạo vô cùng tuyệt vời trên rất nhiều cấp độ, phương diện từ chủ đề, kết cấu, ngôn từ v.v… đến thế giới nhân vật. Trong đó việc cho nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm là một sáng tạo đặt biệt độc đáo, được nhà văn dụng công xây dựng trong suốt cả sự nghiệp viết văn của mình. Thủ pháp này đem lại cho Tấn trò đời những giá trị nổi bật, không trộn lẫn với bất kỳ một tác phẩm nào, một sự nghiệp sáng tác nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Nhân vật tái xuất hiện là một kiểu nhân vật văn học mà biểu hiện của nó là sự xuất hiện qua nhiều tác phẩm khác nhau của cùng một nhân vật. Sự xuất hiện liên hoàn như vậy có tác dụng vô cùng to lớn trong việc thiết lập một Tấn trò đời toàn vẹn mà các tác phẩm liên kết chặt chẽ với nhau như các hồi của một vở kịch trường thiên. Nó cũng giúp cho nhà văn có thể xoay trở nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau mà cảm nhận, mà miêu tả. Nó tái hiện được cái dòng chảy vô cùng, vô tận của cuộc đời. Vì thế mà nhân vật sẽ gần với con người thực hơn, xã hội được miêu tả cũng vì thế mà gần gũi với đời sống thực hơn. Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật không những có giá trị tự thân đối với Tấn trò đời, nó còn góp phần làm cho đời sống văn học bấy lâu nay vốn đã vô cùng sinh động lại càng sinh động hơn. Lần đầu tiên, Balzac trình làng một thủ pháp nghệ thuật độc đáo và ngay lập tức gây sự chú ý của hầu như mọi ai quan tâm đến nhà văn này, dù thành ý hay ác ý. Chính kiểu nhân vật này đã làm cho tác phẩm của Balzac trở nên có chiều sâu hơn trong việc tái hiện hiện thực, tức là nó củng cố hơn cho cái phương pháp sáng tác của tác giả: phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Mặt khác, sáng tạo độc đáo này cũng làm thay đổi những quan niệm lâu nay về một số vấn đề lí luận thuộc cái gọi là nhân vật văn học. Nếu như thế giới nhân vật của Balzac có những loại nào thì thế giới nhân vật tái xuất hiện cũng có bấy nhiêu loại như thế. Điều này giải thích vì sao mà chúng ta có thể hoàn toàn tiếp cận được mọi đặc điểm của nhân vật Balzac thông qua việc nghiên cứu kiểu nhân vật này. Những nhân vật thành công nhất, có ấn tượng nhất mà nhà văn để lại cũng chính là những nhân vật tái hiện. Kiểu nhân vật tái xuất hiện có vai trò đặc biệt quan trong trong Tấn trò đời, thể hiện quan niệm của nhả văn đối với thực tại, giúp nhà văn thể hiện những quan sát, suy ngẫm trước thực tế cuộc sống lúc bấy giờ nói riêng và trong mọi thời đại nói chung. Hiệu quả của loại nhân vật này là điều chắc chắn không cần bàn cãi nếu ta đặt vấn đề: giả sử không có các nhân vật này thì Tấn trò đời liệu có còn nguyên vẹn và đạt đến độ sâu sắc thế không? Thế giới nhân vật của đời sống văn học liệu có sinh động như hôm nay không? Người đọc, đặc biệt, cũng sẽ thấy giá trị vô cùng to lớn của nhân vật tái xuất hiện nếu như so sánh với kiểu nhân vật chỉ xuất hiện một lần. Balzac đã vượt qua bao trở ngại và được được ca tụng bấy lâu nay là nhờ tính khuynh hương trong trong sáng tác của ông, nó “biểu hiện không những ở những quan điểm và thái độ nhìn nhận đúng đắn các hiện tương được miêu tả, mà còn ở sự nhận thức được chiều sâu của các hiện tượng ấy, miêu tả được sự vận động và xu thế phát triển tất yếu của cuộc sống”[29, tr.237]. Những nhân vật tái xuất hiện đã hỗ trợ tích cực để Balzac có thể làm nên được điều này. Bước đầu nghiên cứu kiểu nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac, mà cụ thể là qua một số tác phẩm tiêu biểu trong bộ Tấn trò đời của ông, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện nghiên cứu thật sâu nên chỉ mới dừng lại ở một số vấn đề như trên, có chỗ còn khá sơ lược, như ở phần nghiên cứu hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp. Cũng do nhiều hạn chế cả khách quan và chủ quan như thời gian nghiên cứu có hạn, trình độ ngoại ngữ, khả năng cảm thụ, sự am hiểu về nền văn hoá – xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX v.v…nên những vấn đề mà công trình này đề cập chắc chắn có những sai sót, hy vọng chúng tôi có cơ hội củng cố trong thời giai tới, rất mong nhận được sự góp ý của những ai quan tâm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân (chủ biên): (1990), 150 thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 2. Baktin: (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 3. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 1, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 4. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 2, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 5. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 3, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 6. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 4, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 7. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 5, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 8. Honoré de Balzac : (1999), Tấn trò đời, tập 6, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 9. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 7, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 10. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 8, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 11. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 9, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 12. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 10, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 13. Honoré de Balzac : (2000), Tấn trò đời, tập 11, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 14. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 12, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 15. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 13, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 16. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 14, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 17. Honoré de Balzac : (2001), Tấn trò đời, tập 15, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 18. Lê Nguyên Cẩn: (1999), Cốt truyện đa tuyến tính trong tiểu thuyết Balzac, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 19. Lê Nguyên Cẩn: (2002), Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, Nhà xuất bản Đại học sư phạm, Hà Nội. 20. Xavier Darcos: (1997), Lịch sử văn học Pháp (Phan Quang Định dịch), Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội. 21.Đỗ Đức Dục: (1965), Vỡ mộng, một đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực của Balzac, Tạp chí văn học, số 3, Hà Nội. 22. Đỗ Đức Dục: (1966), Hônôrê đơ Bandắc, một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 23. Đỗ Đức Dục: (1966), Nhân đọc “Lời giới thiệu” tiểu thuyết “Lão Gôriô”, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 24. Đỗ Đức Dục: (1970), Về tiểu thuyết Hiện thực Phương Tây thế kỉ XIX, Tạp chí văn học, số 420, Hà Nội. 25. Đặng Anh Đào: (1979), Về nhân vật chính diện trong Tấn trò đời (Luận án phó tiến sĩ), Hà Nội. 26. Đặng Anh Đào: (2000), Banzăc và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong bộ Tấn trò đời, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 27. Đặng Anh Đào: (2002), Ô. đơ. Banzăc và một thế giới đang bước đi, hội nghiên cứu và giảng dạy văn học, Nhà xuất bản Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. 28. Hà Minh Đức (chủ biên): (2003), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 29. Trọng Đức: (1986), Hô-nô-rê đơ Ban-dắc (1799 – 1850), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 30. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi: (1998), Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội. 31. Nguyễn Văn Hạnh: (1972), Ý kiến của Lê Nin về mối qun hệ văn học và đời sống, Tạp chí văn học, số 4, Hà Nội. 32. Đào Duy Hiệp: (1999), Cấu trúc bên trong – bi kịch môi trường và nhân vật trong Lão Goriot của Balzac , Tạp chí văn học nước ngoài, số 2, Hà Nội. 33. Đỗ Đức Hiểu: (1999), Balzac … đó … đây, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 34. M. B. Khrapchenko: (1978), Cá tính sang tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nhà xuất bản tác phẩm mới, Hà Nội. 35. M. B. Khrapchenco: (1981), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 36. M. B. Khrapchenco: (2002), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội. 37. Thái Thu Lan (1996), Eugénie – Nghịch lí đau khổ và thánh thiện, Tạp chí văn học, số 5, Hà Nội. 38.Thái Thu Lan: (2002), Những tác gia lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 39. Thái Thu Lan: (2002), Nỗi đau thế kỷ và ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm Victor Hugo, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 40. Phương Lựu (chủ biên): (1998), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 41. Các Mác – Phriđrich Ănghen: (1980), Tuyển tập, (tập 1, 2), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 42. Mác – Ănghen – Lênin: (1997), Về văn học nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 43. Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng: (1998), Lịch sử thế giới cận đại, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 44. Hoàng Nhân: (1998), Phác thảo văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau. 45. Nhiều tác giả: (1967), Việt Nam tân từ điển minh họa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn. 46. Nhiều tác giả: (1973), Cơ sở lí luận văn học (tập 1), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 47. Nhiều tác giả: (1998), Văn học phương Tây, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, (Chương 5, Đặng Anh Đào). 48. Nhiều tác giả: (1996), Văn học 11, (Sách giáo viên, Tài liệu giáo khoa thí điểm, Ban khoa học xã hội), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. (Phần gợi ý giảng dạy đoạn trích Đám tang Lão Gôriô: Đặng Anh Đào) 49. X. M. Pêtơrốp: (1986), Chủ nghĩa hiện thực phê phán (Nguyễn Đức Nam dịch), Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 50. Lê Hồng Sâm (chủ biên) – Đặng Thị Hạnh: (1985), Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 51. Lê Hồng Sâm: (1999), Balzac và bộ Tấn trò đời, Tạp chí văn học nước ngoài, số 2, Hà Nội. 52. Lê Hồng Sâm: (1999), Xung quanh “chủ nghĩa hiện thực” của Balza , Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 53. Trần Đình Sử: (1998), Lý luận và phê bình văn học, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội. 54. Rose Tortassier: (1999), Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 55. Lê Ngọc Trà: (1990), Lý luận và văn học, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh. 56. Cao Vũ Trần: (1999), Balzac và truyện kể, Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội. 57. Lưu Đức Trung (chủ biên): (2001), Tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài trong nhả trường, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (mục Balzac và Tấn trò đời: Lê Nguyên Cẩn). 58. Lưu Đức Trung (chủ biên): (2003), Tác giả văn học thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (phần Balzac: Lê Nguyên Cẩn). 59.Lưu Đức Trung (chủ biên): (2004), Chân dung các nhà văn thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, (phần Hônôrê Đờ Bandăc: Lê Nguyên Cẩn). 60. Phùng Văn Tửu – Lê Hồng Sâm: (2005), Lịch sử văn học Pháp, thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, (tập 2), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 61. Stefan Zweig: (1998), Ba bậc thầy Doxtoiepxki, Balzac, Dickenx, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. PHỤ LỤC: MỘT SỐ H ÌNH ẢNH VỀ BALZAC Chân dung H. Balzac Mộ phần H. Balzac Bút tích những trang bản thảo o Goriot – tác phẩm đầu tiên sử Lã của Balzac dụng thủ pháp tái xuất hiện nhân vật Bìa một số công trình ngh ề tác phẩm của Balzac iên cứu v Khách sạn và quán càphê mang tên Balzac ở Paris

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHNN004.pdf