MS: LVVH-LLVH012
SỐ TRANG: 117
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2008
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Thời kì đổi mới được đánh dấu bắt đầu từ năm 1986 và kéo dài đến tận ngày
nay. Song song cùng sự biến đổi của xã hội, văn học cũng có nhiều thay đổi. Thời
kì này, văn xuôi phát triển mạnh, có nhiều sự đổi mới. Trong cuốn Tiểu thuyết
Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã nhận xét về tình hình sáng tác
văn xuôi của thời kì này: “mở rộng đề tài và các phương thức tiếp cận, chấp nhận
cả lãng mạn, tượng trưng, huyền thoại, viễn tưởng, quan niệm cởi mở hơn về vai
trò của chủ thể nhà văn, về điển hình hoá, về các kiểu ngôn ngữ trần thuật, nhìn
chung là khuyến khích sự đa dạng về hình thức và phong cách biểu hiện” và
“chúng ta được mùa về truyện ngắn và tiểu thuyết”. Đặc biệt là tiểu thuyết. Cũng
theo sự thống kê của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ thì từ năm 1980 đến năm 1996,
độc giả đã được đón nhận đến 360 cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi bật là tên tuổi
những nhà tiểu thuyết như: Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Chu Lai,
Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường,
Triệu Bôn, Ngô Ngọc Bội, Vũ Huy Anh, Bảo Ninh, Hoàng Ngọc Hà, Nhật Tuấn,
Ông Văn Tùng, Xuân Đức, Nguyễn Trí Huân, Phan Tứ . Sau này, còn xuất hiện
thêm nhiều tác giả, tác phẩm khác.
Với số lượng tác phẩm, tác giả như thế, có thể nói, để tìm hiểu, nghiên cứu
tất cả các đề tài, nội dung của tiểu thuyết thời kì này là một điều khó, thậm chí
không thể. Vì vậy, trong luận văn này, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu một khía
cạnh nội dung của tiểu thuyết thời kì này, đề tài mang tên: “Nông thôn Việt Nam
trong các tiểu thuyết từ năm 1986 đến năm 2000”. Lí do để chúng tôi chọn đề
tài này là:
Thứ nhất, đề tài này có liên quan đến những tiểu thuyết đoạt giải của Hội
Nhà Văn, đã được công bố rộng rãi và được công chúng đón nhận.
Thứ hai, các tiểu thuyết đều nằm trong giai đoạn 1986-2000, là giai đoạn có
ý nghĩa quan trọng, mở đầu thời kì đổi mới và kết thúc một thế kỉ.
Thứ ba, khi tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết thời kì đổi mới, người ta chủ
yếu xoáy sâu vào các nội dung như: vấn đề chiến tranh, vấn đề xây dựng chủ
nghĩa xã hội, vấn đề số phận con người trong thời kì mới, sự thay đổi trong những
quan niệm về giá trị con người . Ít người chú ý tới khía cạnh nội dung phản ánh
hiện thực nông thôn trong các tác phẩm.
Chính vì những lí do kể trên mà chúng tôi quyết định chọn đề tài này.
Chúng tôi mong muốn việc nghiên cứu đề tài sẽ phần nào đó đóng góp một
cách nhìn khách quan và tương đối toàn diện cho bức tranh xã hội Việt Nam trong
thời kì vốn được xem là cực kì nhạy cảm này.
2. Lịch sử vấn đề
Đề tài chủ yếu tập trung khảo sát ba tiểu thuyết Thời xa vắng (Lê Lựu),
Bến không chồng (Dương Hướng) và Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường), những tiểu thuyết đã đoạt giải chính thức của Hội nhà văn nên thu
hút được sự quan tâm, chú ý của các nhà nghiên cứu và độc giả. Trong quá trình
tìm hiểu và thu thập tài liệu, chúng tôi sưu tập được một số bài viết nghiên cứu về
các tiểu thuyết này. Cụ thể như:
Hoàng Ngọc Hiến trong bài “Đọc Thời xa vắng của Lê Lựu” đăng trên tạp
Tạp chí văn nghệ quân đội, số 4, năm 1987 đã tập trung nghiên cứu tiểu thuyết
Thời xa vắng trong giới hạn vấn đề số phận cá nhân, số phận của người nhà quê
trước những biến động của xã hội, cụ thể là cuộc đời, số phận của nhân vật Giang
Minh Sài. Theo Hoàng Ngọc Hiến thì anh nông dân Giang Minh Sài “ “người nhà
quê” của Lê Lựu hai lần khốn khổ, vừa xung đột với hệ tư tưởng gia trưởng, vừa
xung đột với thành phố ở bộ phận phức tạp nhất của nó là đàn bà, con gái.”[16,
tr119], thế nên cuộc sống của anh cứ bùng nhùng, bế tắc, vướng vào hết bi kịch
này đến bi kịch khác. Và từ những vấn đề thuộc về nhân vật, thuộc về tác phẩm,
tác giả Hoàng Ngọc Hiến suy luận đến những vấn đề lớn, những vấn đề bức xúc
của xã hội suốt một thời: “Lê Lựu chỉ đụng đến đề tài “người nhà quê và đô thị”
một cách ngẫu nhiên: chỉ là câu chuyện thương tâm một “anh nhà quê” chơi trèo
với thành phố bị bại. Trên đất nước ta sau khi thống nhất, không phải cán bộ tiếp
quản nào cũng trở thành người chủ của thành phố, không ít “người nhà quê” tiếp
xúc với đô thị đã bị bại hoàn toàn, sống dở chết dở, điêu đứng bi thảm, sự thất bại
của họ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc”[16, tr119].
Thiếu Mai cũng trong Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4, năm 1987 có bài:
“Nghĩ về một “thời xa vắng” chưa xa”. Bài viết của Thiếu Mai nghiên cứu khá sâu
sắc cả khía cạnh nội dung lẫn nghệ thuật của Thời xa vắng. Ở khía cạnh nội dung,
tác giả phân tích sự tác động của hoàn cảnh đến quá trình hình thành tính cách của
nhân vật. Trong tác phẩm, nhân vật Giang Minh Sài cả cuộc đời đã phải gánh trên
vai hệ tư tưởng gia trưởng, những quan niệm, những định kiến . khiến cho anh
không lúc nào được sống bằng chính cuộc đời của mình, chỉ biết nghe và chiều ý
mọi người, đến nỗi theo lời của tác giả Thiếu Mai thì: “trong con người anh, luôn
luôn tồn tại hai thế lực: chống đối và khuất phục. Hai thế lực ấy ngày càng phát
triển, càng mâu thuẫn, và đẩy bi kịch trong con người Sài lên một mức độ ngày
càng cao hơn.” [32, tr121]. Và cũng theo sự đánh giá của Thiếu Mai thì “ Lê Lựu
đã tỏ ra hiểu nhân vật của mình đến tận chân tơ kẽ tóc, đến tận những ngọn
ngành sâu thẳm nhất của tình cảm, suy nghĩ. Xót xa cho cuộc đời Sài bao nhiêu,
tác giả lại giận dữ lên án cách sống, cách ứng xử thiếu bản lĩnh của anh ta bấy
nhiêu” [32, tr122]. Mà đâu chỉ có Sài, bên cạnh anh còn biết bao nhiêu người cũng
làm những điều mình không muốn chỉ vì không dám làm phật ý hay làm khác với
mọi người xung quanh như ông đồ Khang, anh Tính, chú Hà, Chính uỷ Đỗ Mạnh,
anh Hiền, anh Hiển . Nói cách khác, Sài và những nhân vật liên quan đến tấn bi
kịch của cuộc đời anh vừa là đại diện cho những cá nhân riêng lẻ nhưng cũng là
sản phẩm chung của “một thời, thời xa vắng, nhưng chưa xa là bao”, cái thời mà
do hoàn cảnh lịch sử của nó, ý thức cá nhân phải tạm lu mờ, nhường chỗ cho
những vấn đề lớn lao mang ý nghĩa dân tộc. Đấy là xét về mặt nội dung. Xét về
mặt nghệ thuật, mặc dù “nhiều người có ý cho là văn Lê Lựu không chuốt, mộc
quá, và không phải là không có những câu què, hoặc trúc trắc, thậm chí có câu
ngữ pháp chưa chỉnh” , nhưng tác giả Thiếu Mai vẫn cho rằng tiểu thuyết Thời
xa vắng được xây dựng bằng “một giọng văn trầm tĩnh vừa giữ được vẻ đầm ấm
chân tình, vừa khách quan, không thêm bớt, tô vẽ, đặc biệt là không cay cú, chính
giọng văn như vậy đã góp phần đáng kể vào sức thuyết phục, hấp dẫn của tác
phẩm” [32, tr.123]. Tuy chưa thích thú với kết cấu ba phần mà phần kết “khó chấp
nhận vì tính chất bất hợp lí của nó, và vì nó thể hiện một sự áp đặt do ý muốn chủ
quan của tác giả” [32,tr.125]. Thế nhưng, với tác giả Hiếu Mai, Thời xa vắng
“tuy vẫn còn có những nhược điểm, còn thiếu một sự chặt chẽ, nhất quán cần
thiết, nhưng với ưu điểm rất trội của nó, nó là một thành công, một đóng góp vào
nền văn học đang có đà phát triển khởi sắc cùng chúng ta mấy năm vừa qua.”
[32, tr.125]
Đinh Quang Tốn trong cuốn Tản mạn và chính kiến văn chương có bài: “Lê
Lựu - Thời xa vắng”. Trong bài viết này, Đinh Quang Tốn muốn nói đến sự hoá
thân của cuộc đời tác giả Lê Lựu vào trong các tác phẩm của mình. Trong khi giới
thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Lê Lựu, những dấu ấn cá nhân của tác
giả để lại trong các sáng tác ., Đinh Quang Tốn có vài dòng nhận xét về tiểu
thuyết Thời xa vắng: “Thời xa vắng viết về hậu phương miền Bắc trong cuộc
chống Mĩ cứu nước với cả cái vui và cái buồn, cái nồng nhiệt và sự non nớt,
những quầng sáng và những bóng mờ, có cả nụ cười và nước mắt .” [49, tr.18].
Nhìn chung, đề tài hậu phương nông thôn miền Bắc trong chiến tranh chống Mĩ có
nhiều người viết, nhưng theo sự đánh giá của Đinh Quang Tốn thì: “Lê Lựu là
người viết thành công nhất” [49, tr.22] và “ Nếu trong tổng số sáu trăm hội viên
Hội nhà văn Việt Nam, cứ mười người chọn lấy một người tiêu biểu, thì Lê Lựu là
một trong tổng số 60 nhà văn ấy. Nếu về văn xuôi Việt Nam hiện đại, chọn lấy 30
tác phẩm, thì có mặt Thời xa vắng. Nói thế để thấy, trong văn học Việt Nam hiện
đại, Lê Lựu đã có một vị trí đáng kể.” [49, tr.22]
Trung Trung Đỉnh trong bài “Dương Hướng và Bến không chồng” đăng
trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 12 năm 1991 đã đưa ra một số nhận xét về
mặt đề tài, nội dung và kết cấu của tiểu thuyết Bến không chồng của Dương
Hướng. Về mặt đề tài, tác giả Trung Trung Đỉnh nhận xét: “ Có người nói, tiểu
thuyết Bến không chồng viết về đề tài nông thôn. Lại có người nói, tiểu thuyết
này viết về đề tài chiến tranh. Có người lại cho rằng đây là cuốn sách viết về đề
tài xã hội. Tất cả đều có đấy, nhưng theo tôi Dương Hướng không nhằm vào đề
tài. Anh khai thác đến tận cùng thân phận những nhân vật chính ” [8, tr.99]. Để
lí giải cho ý kiến của mình, tác giả bài viết đã đưa ra dẫn chứng về cuộc đời, thân
phận các nhân vật như: nhân vật Nguyễn Vạn suốt cả đời gìn giữ cái bóng của
vinh quang mà đánh mất đi cái chính yếu là bản thân mình, cá nhân mình; các
nhân vật nữ như bà Nhân, bà Khiêm, mụ Hơn, cô Hạnh, cô Thủy, cô Dâu ., mỗi
người một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau và đều để lại ấn tượng sâu sắc
trong lòng người đọc; Về mặt nội dung, tác giả Trung Trung Đỉnh cảm nhận được
sự chân thật, giản dị trong ngòi bút hiện thực của Dương Hướng qua việc miêu tả
ngôi làng Đông, những con người của làng Đông, những cảnh sinh hoạt thường
nhật, những nếp nghĩ, tình cảm, cách cư xử . tự nhiên, gần gũi như nó đang diễn
ra trước mắt người đọc, khiến người đọc như đang được sống trong không khí của
làng, được hòa nhập vào cuộc sống của người dân; Còn về kết cấu của tiểu thuyết,
Trung Trung Đỉnh chỉ ra: “Cuốn sách được kết cấu một cách hồn nhiên, thuận
theo chiều thời gian, theo sự kiện chung của đất nước trong khoảng thời gian đó,
và theo sự đến với thân phận từng nhân vật. Chính vì thế anh không mất nhiều
thời gian trong việc tính toán chương hồi, mặc dù vẫn có chương hồi” [8, tr.99]. Ở
đây, tác giả Trung Trung Đỉnh cũng có chỉ ra những mặt hạn chế của cuốn tiểu
thuyết này, đó là quá trình dẫn dắt “có những chỗ sắp xếp vụng và đôi khi lại thiếu
sự tế nhị của nghề nghiệp”, “ phần đầu dài quá. Câu chữ có chỗ hơi luộm thuộm
quá. Cái cười của cô Dâu cứ hi hí thế, e tự nhiên chủ nghĩa quá” [8, tr.100] . Thế
nhưng, tác giả bài viết lại đánh giá “đây là nhược điểm của người say”, đấy là
biểu hiện cái say của người nghệ sĩ Dương Hướng giữa làng Đông. Nhưng cuối
cùng, ưu điểm vẫn là chủ yếu, tác giả Trung Trung Đỉnh thừa nhận: “Anh chiếm
lĩnh được tâm hồn người đọc bằng sức hút của tấm lòng yêu thương nhân hậu, tự
nhiên, không ồn ào văn vẻ với một bút lực dồi dào đầy trách nhiệm.
Dương Hướng là người có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước những số phận bi
ai, không né tránh nửa vời khiến cho thiên truyện càng tới những trang cuối càng
dồn nén, dồn nén đến nghẹt thở” [8, tr.98]
Về tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Hữu Sơn, trong
cuốn Điểm tựa phê bình văn học có bài: “Bóng đêm - Một phương diện tư duy
nghệ thuật trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma” chủ yếu khảo sát
thủ pháp nghệ thuật, cụ thể là thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết này. Theo tác
giả Nguyễn Hữu Sơn thì tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma “không có
những trang miêu tả, thể hiện thời gian tâm lí, tâm trạng gây ấn tượng như Sầu
đong càng lắc càng đầy – Ba thu dồn lại một ngày dài ghê! (Truyện Kiều), song
chính mối liên hệ giữa các biến cố, sự kiện với thời điểm nảy sinh các biến cố, sự
kiện đó mới là đặc điểm chính yếu tạo nên đặc trưng thời gian cho tác phẩm” [43,
tr.131-132]. Và đặc trưng thời gian của tác phẩm là thời gian bóng đêm. Các phân
đoạn mở đầu hay kết thúc trong tác phẩm cũng gắn liền với cảnh chiều tà, bóng
tối. Phần lớn những thời gian được đặc tả trong tác phẩm là thời gian bóng đêm,
hơn thế nữa “chúng lại thuộc về đêm cuối tháng không trăng sao, hoặc có trăng
thì chỉ thấy hình hài kì dị, không bao giờ được miêu tả như cái đẹp vĩnh hằng của
thiên nhiên” [43, tr.133]; Đêm cũng là thời điểm bộc lộ thân phận, tính cách của
con người: ngay đầu tác phẩm là những hồi ức về chuyện mấy mươi năm trước lão
Quềnh đã từng gặp ma và ăn ở với ma trong đêm, rồi đến cảnh đám ma cụ cố Đại
trong đêm, cảnh Thó lợi dụng đêm tối bê trộm hũ rượu, cảnh bí thư Thủ và phó
công an Cao đã bày trận địa giả đẩy bà Son phải ra mặt chống ông Phúc - người
tình của bà năm xưa nay là là kẻ thù của dòng họ nhà chồng cũng được tiến hành
trong đêm, bà Son bị dồn đẩy cũng lao mình xuống sông tự vẫn giữa đêm tối .;
Thời gian bóng tối là thời gian của ma quỉ, hắc ám, hiểm họa, là sự đồng lõa với
tâm địa đen tối của từng con người, những phe nhóm , những “chi bộ gia đình”,
những sự ăn chia ngấm ngầm của các đối thủ, hay nói cách khác nó là thời gian
cho phần ma trong con người được bộc lộ Chính vì thế, tác giả Nguyễn Hữu Sơn
đã kết luận: “Thời gian đêm tối là sự thống lĩnh trong Mảnh đất lắm người nhiều
ma, đồng thời nó lấn át ánh sáng của trăng sao, càng vượt qua, thậm chí triệt tiêu
sự mô tả ánh bình minh, mặt trời, nắng ấm rực rỡ, hoa nở, chim bay .”. Và trong
khi khảo sát cái không khí hắc ám, ngột ngạt của bóng tối trong tác phẩm, tác giả
Nguyễn Hữu Sơn đã tìm ra một tầng giá trị khác của tiểu thuyết này: “phải chăng
ý nghĩa thanh lọc, khát khao hoàn thiện tính người, dứt bỏ bóng đêm ma quỉ mới
chính là thông điệp tác giả muốn gửi tới bạn đọc”[43, tr.135].
Lê Thị Tâm Hoài trong luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu đề tài: “Người phụ
nữ trong ba tiểu thuyết đoạt giải năm 1991”. Bến không chồng của Dương Hướng
và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường là hai trong số ba
tiểu thuyết đó. Ở bài viết này, tác giả Lê Thị Tâm Hoài đi sâu khai thác hình ảnh,
vẻ đẹp và bi kịch của những người phụ nữ thể hiện trong ba tiểu thuyết. Đọc bài
viết này ta sẽ thấy bà Nhân, cô Hạnh .(Bến không chồng), bà Son, cô
Đào .(Mảnh đất lắm người nhiều ma) đã được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác
nhau. Họ đều là những người phụ nữ đẹp, đẹp ở hình thể, đẹp ở tâm hồn, đẹp
trong bản năng . Nhưng cuộc đời họ cũng đầy bất hạnh, đầy bi kịch chỉ vì họ sinh
ra là phụ nữ, họ phải chịu đựng biết bao áp lực, định kiến ở đời
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều bài viết chúng tôi muốn lấy làm ví dụ
minh họa cho sự quan tâm, những vấn đề nghiên cứu khác nhau của các tác giả về
ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma.
Có thể nói, khi nghiên cứu ba tiểu thuyết này, các nhà nghiên cứu hầu như không
phân tích sâu bức tranh xã hội nông thôn thể hiện trong các tác phẩm, mà chỉ
chạm tới, chỉ nói qua. Dẫu không phải là tiền sử của vấn đề luận văn nghiên cứu,
nhưng các bài viết vẫn có giá trị tham khảo rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn
nhấn mạnh rằng vấn đề nông thôn không mới, không đặc biệt trong nghiên cứu
văn học, cũng không mới trong phạm vi nghiên cứu các tiểu thuyết Thời xa vắng,
Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nhưng việc đi sâu nghiên
cứu bức tranh nông thôn miền Bắc Việt Nam một cách có hệ thống dựa trên ba
tiểu thuyết kể trên lại là một việc tương đối mới mẻ, tương đối khái quát.
3. Đối tượng nghiên cứu
Viết về nội dung nông thôn Việt Nam giai đoạn 1986-2000, có thể kể tên
nhiều tác phẩm như: Thuỷ hoả đạo tặc (Hoàng Minh Tường), Người giữ đình làng
(Dương Duy Ngữ), Chuyện làng Cuội (Lê Lựu) .
Nhưng, trong phạm vi đề tài nghiên cứu, luận văn chỉ tập trung khảo sát bức
tranh nông thôn miền Bắc Việt Nam qua ba tác phẩm: Thời xa vắng (Lê Lựu),
Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường).
4. Phạm vi nghiên cứu.
Nhìn chung, các tiểu thuyết thời kì đổi mới phản ánh nhiều vấn đề xã hội
như: vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề chiến tranh, vấn đề con người và
quan niệm về giá trị con người trong thời kì mới . Ở đề tài này, chúng tôi chủ yếu
tập trung nghiên cứu các vấn đề của nông thôn miền Bắc qua một số tiểu thuyết
như đã xác định ở trên.
5. Mục tiêu của việc nghiên cứu - Những đóng góp.
Khi tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng tôi hướng tới những mục tiêu sau:
Thứ nhất, trong khi nghiên cứu các vấn đề thuộc về nông thôn được trình
bày trong ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người
nhiều ma, chúng tôi sẽ cố gắng phác hoạ những tồn tại và nảy sinh trong bức
tranh văn hoá làng quê Việt Nam thời kì đổi mới.
Thứ hai, chúng tôi quan tâm đến vấn đề con người cũng như quan tâm đến
việc phát hiện những chuyển biến trong lối sống, tâm lí, tình cảm của người nông
dân trước sự thay đổi của xã hội.
Thứ ba, bên cạnh những tìm tòi về nội dung thể hiện của tác phẩm, chúng
tôi cũng thực sự chú ý đến phong cách chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực của các
tác giả.
Đạt được những mục tiêu kể trên, đề tài cũng có những đóng góp nhất định,
đó là đưa ra một cái nhìn tương đối khách quan, toàn cảnh về nông thôn miền Bắc
Việt Nam trong thời kì mới. Thêm nữa, những điểm hạn chế của đề tài, thiết nghĩ,
cũng có thể tạo hứng thú cho những ai cùng có mối quan tâm đến vấn đề này.
6. Phương pháp nghiên cứu.
Xuất phát từ yêu cầu của đối tượng nghiên cứu và mục đích cần hướng tới
của luận văn, chúng tôi đã vận dụng một số phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp phân tích - loại hình: Nắm vững đặc trưng, phương pháp
luận loại hình thể loại tiểu thuyết để khái quát bức tranh nông thôn, tìm ra và phân
tích những vấn đề chung, những biến đổi của xã hội, của con người và những bi
kịch mà con người phải chịu đựng sau luỹ tre làng.
Phương pháp lịch sử: Trên quan điểm lịch sử cụ thể, luận văn xem xét sự
vận động và chuyển biến của xã hội theo xu thế tất yếu của nó, để từ đó cố gắng
tiếp cận một cách đầy đủ nhất những quan điểm của tác giả về đời sống, xã hội và
con người thể hiện trong các tiểu thuyết.
Phương pháp so sánh: Phương pháp này được sử dụng không nhiều,
nhưng chúng tôi có sử dụng để so sánh ba tiểu thuyết kể trên với một số tiểu
thuyết khác cùng thời có phản ánh những vấn đề liên quan đến vấn đề luận văn
đang nghiên cứu.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có ý thức vận dụng những hiểu biết
về thi pháp học hiện đại kết hợp với cảm thụ truyền thống để nghiên cứu, chiếm
lĩnh tác phẩm theo quan niệm của mình. Đồng thời, cũng có ý thức tham khảo
những ý kiến đánh giá, nhận xét đã có về từng tác phẩm. Nhưng, cái chính yếu là
chúng tôi luôn cố gắng cảm nhận tác phẩm dựa trên ý nghĩa bản thân nó. Chúng
tôi hi vọng những gì thể hiện trong luận văn này sẽ hạn chế được phần phiến diện
chủ quan.
7. Kết cấu luận văn.
Luận văn gồm 113 trang. Ngoài hai phần dẫn luận và kết luận, luận văn có ba chương:
Chương I: Bức tranh văn hoá làng quê trong ba tiểu thuyết: Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma.
Chương II: Bi kịch của con người nông thôn.
Chương III: Nghệ thuật miêu tả hiện thực
117 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2041 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nông thôn Việt Nam trong các tiểu thuyết từ năm 1986 đến năm 2000, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
u. Họ luôn cố gắng giữ
gìn nề nếp gia phong, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Họ luôn biết
điều tiết bản thân mình trong mọi mối quan hệ để đảm bảo tình cảm, sự yên ấm,
tránh làm phiền lòng, làm ảnh hưởng tới người khác... Thật vậy. Và trong đời sống
thường ngày, những bản chất, tình cảm ấy qui định ở họ một số nét tâm lí thường
gặp.
Đầu tiên, có thể kể đó là tâm lí luôn quí trọng và đề cao gia đình mình. Có
lẽ, đối với bất cứ con người Việt Nam nào, gia đình cũng luôn là điều thiêng liêng,
quan trọng. Với các nhân vật này cũng vậy. Gia đình là lẽ sống của họ. Gia đình là
báu vật cần phải nâng niu giữ gìn. Gia đình là thứ mà họ có thể hi sinh tất cả, kể
cả bản thân mình để bảo vệ nó. Đó là tâm lí chung.
Đối với những con người chịu ảnh hưởng mạnh nền học vấn nho học thì nét
tâm lí này thể hiện cụ thể bằng việc luôn cố gắng giữ gìn nề nếp gia phong, chèo
chống gia đình sao cho trên dưới thuận hòa, vui vẻ, đầm ấm. Chẳng hạn như ông
Khiên (Bến không chồng), gánh trên vai trách nhiệm trưởng tộc, ông luôn điều
hành gia đình theo những nền nếp được coi là chuẩn mực cho xứng với danh tiếng
của dòng họ Nguyễn to nhất làng Đông mà từ trước đến nay luôn được dân làng
nể trọng. Có cậu con trai duy nhất là người thừa tự cơ nghiệp của ông cũng như
của dòng họ Nguyễn nhà ông, ông ra sức kèm cặp, dạy dỗ văn chương, nhạc,
hoạ... với sự kỳ vọng con trai sẽ làm cả nhà, cả dòng họ mở mày, mở mặt. Đến khi
con trai có nguy cơ sẽ phải đi bộ đội, dù hiểu rõ trách nhiệm của người dân đối với
sự an nguy của tổ quốc, dù không muốn cả gia đình vợ chồng, cha con đều mang
tiếng hèn nhát, nhưng ông vẫn phải đau khổ van xin cho Nghĩa được ở nhà, ông sợ
nhà ông, dòng họ ông mất người nối dõi, như vậy là có tội với tổ tiên, dòng họ...
Hay như ông đồ Khang (Mảnh đất lắm người nhiều ma), cả đời ông nỗ lực để
giữ gìn sự gia giáo của gia đình, trên dưới rõ ràng, cha ra cha, con ra con, chồng ra
chồng, vợ ra vợ. Ngay cả khi ông thật nể cậu con trai thứ hai vì nó làm lớn, vì nó
tiếp thu nền giáo dục mới nên nó quyết đoán, quyết định việc gì cũng lanh lẹ và
hợp lý hơn ông..., nhưng trong những vấn đề lớn, ông vẫn tỏ ra là người có quyền
to nhất, là người quyết định tất cả. Ví dụ như chuyện lấy vợ cho thằng con trai út ở
tuổi lên mười, dù cho em trai và con trai quyết liệt phản đối, ông vẫn bắt Sài lấy
Tuyết. Hay khi đánh đuổi Sài vì Sài dám đuổi vợ, dù thương con, xót con đứt ruột
nhưng sợ mang tiếng là “họ nhà tôm” với thông gia, với hàng xóm nên ông đành
bỏ mặc, không đi tìm..
Tư tưởng nho giáo ăn sâu bén rễ vào đời sống của những người nông dân
nên dù già hay trẻ, dù đàn ông hay đàn bà cũng mặc nhiên thừa nhận những đạo lí
mà nó vạch ra. Thế nên, bên cạnh những nền nếp được giữ gìn bền vững, cũng có
lắm vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn như thói gia trưởng. Trong cả ba tiểu thuyết,
người đọc đều được chứng kiến cảnh mâm trên mâm dưới ở các gia đình, cảnh
những người chồng người cha ngồi ung dung, sai khiến vợ con. Song hành với
những cảnh ấy là hình ảnh những người phụ nữ như bà Khiên (Bến không
chồng), bà đồ Khang, chị Tính (Thời xa vắng), bà Son, bà Dần, chị Luyến
(Mảnh đất lắm người nhiều ma)..., những người phụ nữ này tính cách hiền dữ
khác nhau nhưng gặp nhau ở một điểm, đó là đức nhẫn nhịn hi sinh, một lòng cúc
cung tận tuỵ cho chồng cho con. Cuộc sống của họ diễn ra đúng như đạo đức nho
giáo truyền thống qui định “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
Trong cuộc sống gia đình, họ chịu kiếp dây leo, phụ thuộc hoàn toàn vào người
đàn ông của họ, dù rằng họ cũng vẫn tự sống, tự lao động sản xuất với tư cách là
những lao động chính trong gia đình. Những bà Khiên, bà Khang, bà Son, chị
Tính, chị Luyến cả đời không dám cãi chồng một câu, chỉ nep nép nhìn thái độ
của chồng để cư xử cho khéo. Những bà Dần, chị Luyến nghe đồn chồng trăng
hoa vẫn giả lả nói cười, cắn răng chịu đựng mà không dám tỏ thái độ gì. Bà Son
không yêu chồng, nhưng đã về làm vợ ông, bà vẫn cố im lặng chấp nhận thói gia
trưởng, chấp nhận những tính toán bủn xỉn của ông Hàm với vợ con, chấp nhận sự
bạc đãi của chồng với gia đình mình, chấp nhận cả những đêm ân ái miễn cưỡng
không chút mùi vị tình yêu... Có thể thấy rằng không biết bắt đầu từ bao giờ và
đến bao giờ mới kết thúc, nhưng trong suy nghĩ của người phụ nữ Việt Nam nói
chung và đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn nói riêng luôn có tâm lí cam
chịu, nhẫn nhục vì chồng vì con, họ không biết, hay nói đúng hơn là không dám
đòi hỏi quyền lợi gì cho bản thân mình. Người ta luôn ca ngợi những điều ấy ở
người phụ nữ. Nhưng chính điều ấy lại đem những thiệt thòi, bất hạnh đến cho họ.
Nhìn chung, trong những giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội thì thói gia trưởng
của người đàn ông, sự nhẫn nhịn, cam chịu của người đàn bà chính là biểu hiện
cao nhất sự bền chặt của gia đình truyền thống.
Chính từ cái ý thức về gia đình như vậy nên trong con người ta ai cũng có
tính ích kỉ, thủ lợi cá nhân, chỉ lo chăm chăm bảo vệ gia đình người thân mà
không màng đến người khác, không màng đến lẽ phải, đến đạo đức ở đời. Trong
Mảnh đất lắm người nhiều ma, ông Hàm đã vì những cạnh tranh giữa dòng họ
nhà ông với dòng họ Vũ Đình mà táng tận lương tâm đi đào mộ người ta lên để trù
ếm cho gia đình đối thủ lụn bại, ba đời không ngóc đầu lên được.
Cô Đào, con gái ông Hàm, biết rõ cha mình sai nhưng vẫn nằng nặc bảo vệ,
vẫn sẵn sàng chanh chua với những kẻ buông lời rèm pha, vẫn ương bướng đòi
người chú có chức quyền cứu cha mình ra bằng được và kiên quyết từ mặt người
yêu, kẻ đã làm cha mình bị bắt. Cô cũng hùng hổ đòi sấn ra chửi nhau tay đôi với
hàng xóm khi bà Dần chửi mẹ cô vu vạ cho chồng bà tội quan hệ bất chính.
Cũng cần nói thêm một chút, khi ông Phúc ngoại tình thật, bà Dần không hề
chửi rủa, gây gổ gì với tình địch, chỉ chửi đổng một câu: “Rõ đồ quạ mổ! Không
nhịn được nữa hay sao mà đâm đầu đi theo người đã có vợ, cho nó chết!” [trang
97]; vậy mà khi chồng bị vu vạ cho tội quan hệ bất chính, quên cả sĩ diện, không
hề xấu hổ, bà ra giữa làng mà chửi. Chứng tỏ bà chửi không phải chỉ để thoả cái
ghen, cái tức của bản thân mà bà chửi còn để bảo vệ danh dự gia đình, bảo vệ
chồng bà.
Cái tâm lí đề cao quan hệ gia đình trong mọi trường hợp rất phổ biến nên
khi em gái làm thủ kho mắc tội ăn cắp thì Nẫm, nguyên phó chủ tịch xã kiêm
trưởng ban công an đã dám tuyên bố một câu xanh rờn: “dù mất chức, mất quyền,
mất đảng, chứ tôi không cho ai động đến người nhà của tôi” [52, tr.134]. Bởi vậy
ở làng ấy người ta luôn tự hiểu với nhau một điều là: “Dân gốc vùng này hễ động
đến họ hàng ruột thịt của họ, là họ dễ nổi điên lên lắm” [52, tr.134]. Hiện tượng
này diễn ra nhiều ở các làng quê. Chính cái tâm lí bảo thủ ấy khiến cho cuộc sống
nơi thôn dã diễn ra vừa rất tình cảm, thân thiện, vừa vô phép tắc, có khi cay nghiệt
đến mức vô đạo đức.
Cũng xuất phát từ tính tự tôn gia đình, dòng họ. Người dân quê luôn muốn
gia đình mình được xóm làng nể trọng, hoặc ít nhất là không bị khinh thường. Và
họ tìm cách để gia đình mình được nể trọng ở các khía cạnh khác nhau của cuộc
sống. Có gia đình tự tôn vinh mình ở góc độ tinh thần, tức là làm cho dân làng
ngưỡng mộ truyền thống, nề nếp gia đình, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, thành
đạt..., ví dụ như nhà ông Khiên, nhà ông đồ Khang. Có gia đình lại trang sức cho
mình bằng sự khá giả, sang trọng với sa-lông, sập gụ, tủ chè, với những bữa cơm
cầu kì mang vẻ chuyên nghiệp... như nhà ông Hàm, nhà anh Tính. Với quan niệm
“hơn nhau tấm áo manh quần, đến khi ở trần ai cũng như ai” nên không chỉ có
những nhà tương đối có tiền có của như nhà ông Hàm, anh Tính thích phô trương
mà những gia đình dân chay, chạy ăn từng bữa cũng lo sắm sanh đồ đạc, bởi “đói
mà được ngồi sa-lông gỗ lát cũng vênh vang” và như thế mới “mở mày mở mặt
với xóm làng”.
Cuộc sống của người nông dân thuần tuý vốn dĩ gắn bó với con trâu, cái
cày, cái cuốc, với đồng ruộng...Mỗi ngày của họ trôi qua bình dị giản đơn, việc
nhà ai nhà ấy làm, cơm nhà ai nhà ấy ăn, thỉnh thoảng có việc gì lớn hàng xóm
xúm lại đỡ đần nhau chút ít, không bon chen, không vụ lợi... Thế nhưng, từ khi
nông thôn mở rộng sản xuất theo mô hình những hợp tác xã nông nghiệp mở rộng
với qui mô sản xuất lớn hơn thì xã hội nông thôn có nhiều biến đổi, phân hoá rõ
rệt, điều này chi phối rất lớn đến tâm lí, tình cảm của người nông dân. Từ không
bon chen, không màng thế sự, họ trở nên tham vọng hơn. Từ lối sống chất phác,
đơn giản, họ nảy sinh mánh khoé, sự ti tiện. Những tố chất dân dã dần dần phai
nhạt, nhất là trong những con người có trong tay chút quyền hành, địa vị. Trong sự
đổi thay của xã hội, cái xóm Giếng Chùa cũng ngỡ ngàng trước những đổi thay
của con người. Trước hết là ở những con người nông dân thấp cổ bé họng, chân
lấm tay bùn, những con người chất phác, thật thà như đếm ấy đứng trước cuộc
sống khó khăn, thóc cao gạo kém đã trở nên mánh khoé, mưu mô. Họ biết trữ lại
thóc, không trả nợ cho hợp tác xã trong ngày mùa để giữ lại miếng ăn. Họ biết
dùng những câu chuyện tếu để đánh lạc hướng chú ý của nhà cầm quyền, biết nghĩ
ra cách gửi thóc vào những nhà giàu có, những nhà có chức có quyền không bao
giờ thiếu miếng ăn để che mắt những nhà quản lí nông thôn. Họ đã thay đổi để
thích nghi với cuộc sống vốn đang thay đổi, không dễ dàng, thực dụng, thủ lợi cá
nhân...Trong làng Giếng Chùa cũng đã xuất hiện những con người đam mê quyền
lực, sẵn sàng đạp lên đầu lên cổ người khác, quên đi danh dự bản thân, làm mọi
chuyện thượng vàng hạ cám để “giành một cái ghế ngồi không to hơn cái vẩy ốc,
chen một chỗ đứng không cao hơn cái đế dép thường ngày” [52, tr.87]. Đấy là
những con người như Vũ Đình Phúc, suốt ngày lo thảo đơn từ kiện tụng nhằm hạ
địch thủ. Đấy là những con người như Trịnh Bá Thủ suốt ngày lo tính toán, mưu
mô để giữ ghế bí thư, để củng cố quyền lực và để khống chế, loại bỏ đối thủ của
mình. Thủ không từ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi nhất để đạt
được mục đích. Hay những người như Trần Văn Sửu, chấp nhận là cái bóng, là tay
sai, là con chó phản chủ cũng chỉ vì muốn giữ cho mình một vị trí và nuôi tham
vọng có một vị trí cao hơn.
Xuôi theo tiến trình phát triển xã hội, con người thích nghi và tiến tới làm
chủ hoàn cảnh, làm chủ xã hội. Chính vì thế mà tư tưởng, tình cảm, tâm lí của con
người cũng dần thay đổi để thích ứng với cuộc sống. Dĩ nhiên, đổi mới chưa hẳn
đồng nghĩa với hoàn toàn tốt, nhất là sự đổi mới ấy mới đang đi những bước đầu
chập chững, dò dẫm. Bên cạnh cái không khí mới, nhịp sống mới, cung cách quản
lí và sản xuất mới... khiến con người hoạt bát, khả năng thích ứng cao hơn, chính
nó cũng khiến con người trở nên chai sạn hơn, lạnh lùng hơn, hám lợi và hãnh tiến
hơn. Nhưng mâu thuẫn là cơ sở của sự phát triển. Những sự phức tạp nảy sinh
trong tâm lí người nông dân chính là sự phản ánh những chuyển biến, những phức
tạp trong các quan hệ xã hội Việt Nam thời đổi mới, trong đó những cái xấu, cái
lạc hậu, những cái làm cho xã hội trì trệ, những con người, những quan điểm
không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội sẽ dần bị tẩy chay, loại bỏ. Chính
vì thế, xã hội hứa hẹn một thực trạng mới tươi sáng hơn, phát triển hơn. Phải
chăng đấy chính là những điều các tác giả Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc
Trường muốn phản ánh.
3.3. Nghệ thuật miêu tả hiện thực khách quan, không né tránh, phản ánh
được bản chất xã hội nông thôn đương thời.
Bức tranh nông thôn được miêu tả chân thực và sinh động tạo nên sự lôi
cuốn kỳ lạ cho ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm
người nhiều ma. Nhưng nếu bức tranh ấy chỉ được thể hiện bằng toàn những gam
màu sáng, sặc sỡ, toàn những hình khối hoàn hảo, trơn láng... thì có lẽ nó đã
không hấp dẫn đến vậy. Mà trong những bức tranh này, đôi khi những màu tối,
những hình khối méo mó lại là những điểm nhấn đầy thu hút cho bức tranh nghệ
thuật về cuộc sống ấy.
Trong ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm
người nhiều ma, cuộc sống nơi thôn dã được các tác giả miêu tả tỉ mỉ, chi tiết đến
độ dù không sống trong những ngôi làng ấy, nhưng nếu được đưa đến đấy, ta sẽ có
thể đi từ đầu làng đến cuối xóm mà không sợ bị lạc. Ta có thể tìm ra đình làng
Đông, tìm ra cây cầu Đá Bạc, tìm đến và gõ cửa nhà bà Khiên, bà Nhân, nhà chú
Vạn...trong Bến không chồng. Ta có thể tìm ra ngõ nhà cụ đồ Khang trong Thời
xa vắng. Ta cũng có thể đến chiêm ngưỡng sự phong lưu của nhà ông Hàm, nhà
ông Thủ, nhà ông Phúc trong Mảnh đất lắm người nhiều ma mà không cần phải
hỏi thăm đường. Nói như thế để thấy rằng qua ngòi bút của các tác giả Dương
Hướng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, những ngôi làng Đông, làng Hạ Vị, làng
Giếng Chùa bỗng quá đỗi thân quen, gần gũi với độc giả. Đấy là cái tài của các tác
giả. Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Những tác phẩm ấy còn thu hút người đọc ở
ngòi bút miêu tả hiện thực khách quan, không nể nang, né tránh.
Cả ba tác phẩm đều phản ánh xã hội trong những giai đoạn nhạy cảm, đấy là
thời kì cải cách ruộng đất, thời kì bước đầu xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa
đầy bỡ ngỡ, lúng túng của đất nước. Phản ánh thời kì này, cả ba tác giả đều mạnh
dạn phản ánh sự thật, những sai lầm trong quản lí kinh tế, quản lí xã hội của ba
làng quê cũng như của tất cả các làng quê khác ở Việt Nam trong thời kì bấy giờ.
Suốt một thời kì, phong trào đấu tố địa chủ, cường hào ác bá, tay sai đế
quốc được phổ biến, tiến hành rầm rộ ở các địa phương. Khi chính sách này về
đến các địa phương, có thể hiểu nôm na rằng xã hội này là của những người
nghèo, nghèo kiết xác, của những người không biết chữ, của các “ông bà nông
dân”. Những người giàu có là những đối tương cần triệt tiêu, cần loại bỏ triệt để
trong xã hội. Những người có một chút miếng ăn, của cải cũng có nguy cơ bị các
“ông bà nông dân” đấu tố. Và có rất nhiều hành động bình thường bỗng trở nên
bất thường, trở thành hành động chỉ điểm tay sai. Có nhiều tiểu thuyết đã phản
ánh những hiện hiện thực hết sức u ám, đó là có những nơi người ta tiến hành đấu
tố theo chỉ tiêu, mỗi địa phương phải bảo đảm đấu tố được bao nhiêu phần trăm
địa chủ, bao nhiêu phần trăm cường hào ác bá, bao nhiêu phần trăm phản động
tay sai bán nước hại dân như các tiểu thuyết: Người đàn bà buồn của Phan Hách,
Ở đất kẻ thù của Lê Lan Anh, ... Có thể thấy, việc thi hành chính sách cải cách
như một lưỡi dao hành hình kéo lê đi khắp các làng quê, khắp các hang cùng ngõ
hẻm gây hiểm họa, chết chóc đến cho bất cứ ai vô tình hay cố tình chạm phải nó.
Hai tiểu thuyết Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma đều nói
đến, phản ánh cái buổi tối tăm nghiệt ngã ấy của đất nước. Dĩ nhiên mức độ có
khác nhau. Nhưng trong đó, người đọc được chứng kiến tương đối đầy đủ những
ngang trái, oan trái của giai đoạn này. Đấy là những cảnh hàng xóm tố cáo nhau,
vu vạ cho nhau như việc cả làng Đông tố địa chủ Hào (Bến không chồng), cả
làng Giếng Chùa tố gia đình Vũ Đình Đại (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Đấy
là cảnh con cái xỉa xói tố cha mẹ mình là địa chủ để thể hiện mình tiến bộ, thức
thời, thoát ly giai cấp phi vô sản như việc vợ chồng Vũ Đình Phúc tố cáo cha ruột
của mình (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Và cũng có cảnh những con người bị
hành hình một cách oan ức, thương tâm như Xèng, Xình, Hinh vì bị nghi là việt
gian phản động. Cũng có những cảnh cười ra nước mắt khi có những con người
được bổ nhiệm vào địa vị cao nhất của địa phương nhưng hành trang duy nhất chỉ
là cái sự nghèo hơn người, cái sự thất học đến một chữ bẻ đôi cũng không biết như
trường hợp chủ tịch Đột... Tất cả những điều đó là hiện thực của những trang sử
đen tối nhất của nước nhà mà nhiều năm sau người ta còn nhắc tới, còn phải rùng
mình.
Qua cái thời đen tối ấy, rồi qua nhiều năm nữa, đến những năm đầu của thời
kì đổi mới, xã hội Việt Nam bước sang một trang khác, bớt u ám hơn, sôi động,
nhạy cảm và vì thế phức tạp hơn nhiều. Lúc này, trong xã hội những tàn tích
phong kiến nặng nề trộn lẫn một cách kì quặc với những hậu quả của những cơ
chế phi tự nhiên áp đặt nhiều năm, lẫn những áp lực mới của một nền kinh tế thị
trường què quặt đang đến, tạo nên một sự hỗn loạn lạ lùng và tệ hại trong tất cả
các quan hệ xã hội. Xã hội phân hoá. Nội bộ tầng lớp lãnh đạo phân hoá nặng nề,
cụ thể đó là hiện tượng phân chia bè phái trong lãng đạo chính quyền. Trong tiểu
thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, bằng những hiểu biết sâu sắc, tuyệt vời về
thực trạng nông thôn vùng châu thổ sông Hồng lâu đời, tác giả Nguyễn Khắc
Trường đã phản ánh sinh động tất cả những vấn đề đó.
Nhìn vào cơ cấu chính quyền xã Giếng Chùa, dễ dàng nhận thấy tư tưởng
thống trị ở đây là tư tưởng cục bộ địa phương và phân chia bè phái.
Trong cơ cấu lãnh đạo xã, có hai người được lọt vào danh sách lãnh đạo như
một điều đặc biệt. Nhân vật thứ nhất là Trần Văn Sửu. Sở dĩ nói cái sự thăng tiến
của Sửu là một điều đặc biệt là vì Sửu xuất thân là người xóm Trại. Mà trong suy
nghĩ của người làng Giếng Chùa thì “xóm trại vẫn là xóm của dân ngụ cư, dù thế
nào cũng không thể là cái xương sống của xã” [52, tr.121] và “đất có thổ công
sông có hà bá, thành hoàng vùng này chưa đến nỗi mạt vận phải chuyển bài vị
sang dân ngụ cư xóm trại” [52, tr.122]. Với cái tư tưởng cục bộ địa phương thống
trị không biết từ khi nào, ở địa phương, không ai là dân nhập cư mà có thể ngự
trên ghế cao của làng lâu. Thậm chí, có người xóm Trại đã leo lên đến chức bí thư
đảng uỷ xã mà cũng bị quần chúng dân gốc làng Giếng Chùa cho rớt phiếu xuống
làm thường dân, lại còn bị một phen sính quýnh vì những rắc rối trong chuyện
giấy tờ, lí lịch, chỉ vì cái tội đã lỡ trừng phạt con em làng Giếng Chùa đào ngũ.
Bởi cái “tiền sử” như vậy nên những người dân xóm Trại luôn kiêng dè dân gốc ở
đây. Và khi tham gia chuyện chính quyền, bao giờ những người nhập cư ấy cũng
khiêm nhường nhận chức phó chứ không bao giờ dám tranh chiếu trên ở địa
phương, dù cho số phiếu có cao tới đâu. Nhân vật thứ hai là bí thư chi bộ Xuân
Tươi. Xuân Tươi cũng không phải là dân gốc của vùng này. Theo tiêu chuẩn lựa
chọn lãnh đạo của dân vùng này thì cả hai nhân vật trên đều không đủ tiêu chuẩn.
Nhưng họ đã trúng cử với số phiếu cao và được xếp vào những vị trí quan trọng.
Sở dĩ như vậy là vì những người có uy quyền nhất trong xã đã ra mặt vận động
cho họ trúng cử. Hay nói cách khác lúc bấy giờ ở xã chỉ có hai phe cánh lớn đó là
phe của dòng họ Trịnh Bá, đứng đầu là Trịnh Bá Thủ và phe của dòng họ Vũ
Đình, đứng đầu là Vũ Đình Phúc đang tranh giành địa vị, cả hai phe đều đang cần
người để chi phối số phiếu của đối phương trong các kì đại hội. Thế nên, dù vẫn
còn tồn tại tư tưởng phân biệt địa phương nhưng những người nắm giữ quyền
hành kia vẫn bỏ phiếu và vận động mọi người bỏ phiếu cho người nhập cư vì họ
nghĩ “thà thế còn hơn là để rơi vào tay người đối chọi với mình. Rồi sẽ lôi kéo hắn
dần dần” [52, tr.229] và cũng là để chứng tỏ với mọi người mình không phải là
người “hẹp hòi bè phái”...
Thế nhưng có thể thấy không ở đâu mà chính quyền, đảng bộ địa phương
hỗn loạn, chia năm xẻ bẩy hơn Giếng Chùa. Chỉ một chi bộ nhỏ với số lượng đảng
viên khiêm tốn (bởi người ta không thích giới thiệu thêm đảng viên mới), nhưng
đã tồn tại đến ba phe. Một phe của những người thuộc dòng họ Trịnh Bá gồm các
nhân vật như Thủ, Cao, Vi, Vu... Một phe của những người thuộc dòng họ Vũ
Đình gồm các nhân vật như Phúc, Địch, Tính... Phe còn lại là những người trung
lập như Sửu, Xuân Tươi, Hiển Vinh, Tùng, Chỉnh... Nhưng ngay trong số những
người thuộc phe trung lập cũng tồn tại hai nhóm người khác nhau. Những người
như Xuân Tươi, Hiển, Vinh, Tùng, Chỉnh là những người hoàn toàn trung lập,
không bị lôi kéo bởi bất kì phe nhóm nào, dĩ nhiên mỗi người mang một lí do khác
nhau. Còn chủ tịch Trần Văn Sửu thì trung lập kiểu cơ hội, kiểu láu cá của những
người nhập cư luôn bị khinh thường, bị chèn ép, may mắn được đắc cử nên gió
chiều nào theo chiều ấy, nhũn nhặn chờ thời, lúc thuận lợi là sẵn sàng đạp lên đầu
lên cổ người khác mà tiến, kể cả những người hàng ngày Sửu vẫn tỏ ra cung kính,
trung thành. Thử tưởng tượng một cái xã mà từ đầu xã đến cuối xã chỉ có khoảng
năm cây số mà bị chi phối bởi một cơ cấu chính quyền be bét như vậy thì nó sẽ
tồn tại như thế nào? Để củng cố quyền lực cho mình, các phe không ngừng tìm
cách triệt hạ nhau. Họ không từ bỏ một thủ đoạn nào từ bịa đặt, vu khống, doạ nạt
đến đào mồ cuốc mả, hãm hại, trù dập, kể cả đẩy người thân vào chỗ chết...
Những con người ngay thẳng, chính trực như Tùng, như trung tá Chỉnh thấy hết
những tiêu cực trong chính quyền xã, cũng trăn trở trước những thực tế diễn ra
trước mắt, nhưng họ là số ít và họ cũng chưa đủ thế và lực để làm được một điều
gì đó. Và bởi thế, hằng ngày những con người nơi đây sống với nhau, cư xử vói
nhau lá mặt lá trái, thật giả khôn lường. Họ có thể vừa tỏ vẻ gần gũi thân thiện vừa
thì thụt, xúi bẩy, kích động, ném đá giấu tay làm hại người khác. Họ cũng có thể
bả lả nói cười, chén chú chén anh trong những bữa tiệc “đồng chí” nhưng trong
bụng lại rủa nhau sau bữa rượu ấy sẽ sa chân lỡ bước chết dấp đi cho rảnh...
Bằng những ngòi bút hiện thực sắc sảo, không né tránh, không khoan
nhượng, các tác giả Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường đã đưa đến cho
người đọc những hình dung, những cảm nhận rõ nét nhất về những bước thăng
trầm trong quá trình phát triển của nông thôn Việt Nam. Đấy là những sai lầm
đáng tiếc trong thời kì cải cách ruộng đất, quá trình hợp tác hoá nông nghiệp của
những năm 50, 60 của thế kỉ XX. Đấy là những thất bại không thể cứu vãn của mô
hình hợp tác xã sản xuất theo lối quan liêu bao cấp của những năm 70, 80 của thế
kỉ này. Thời kì đầu hợp tác xã còn làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó. Nhưng chúng
ta đã thất bại khi xây dựng những mô hình hợp tác xã mở rộng với qui mô lớn
trong khi trình độ văn hoá, tổ chức, quản lí của cán bộ vẫn còn trì trệ, lạc hậu, sản
phẩm mồ hôi nước mắt của người lao động thực chất trở thành một thứ vô chủ mà
những phần tử quan liêu, bè phái theo kiểu dòng họ tha hồ đục khoét, tham ô...
Tình trạng xã hội này còn được phơi bày trong nhiều tiểu thuyết khác, mà Thủy
hoả đạo tặc của tác giả Hoàng Minh Tường cũng có thể được kể đến như là một
ví dụ tiêu biểu. Những vấn đề kể trên vừa có thể gọi là những hạn chế nhưng nó
cũng là những tất yếu lịch sử khi mà quan hệ sản xuất phát triển không phù hợp
với trình độ của lực lượng sản xuất. Cái đáng quý là chúng ta biết thẳng thắn nhìn
nhận và chấp nhận sự thật để khắc phục. Cả ba tác phẩm chỉ mới dừng lại ở việc
phản ánh, chưa hướng tới một giải pháp cụ thể, hữu hiệu cho sự đổi mới phương
thức quản lí và sử dụng con người, đổi mới phương thức sản xuất và quản lí kinh
tế ở nông thôn. Dẫu vậy, các tác giả đã tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề
của nông thôn, dám nghĩ và dám nói những điều mình trăn trở trong tác phẩm.
Đấy là sự thẳng thắn, nghiêm túc khi nhìn nhận những vấn đề xã hội. Còn
một vấn đề khác cũng vô cùng thu hút sự quan tâm của các tác giả, đó là vấn đề
con người, vấn đề số phận con người. Trong lịch sử loài người, con người chính là
thước đo sự phát triển của xã hội. Xã hội nào mà trong đấy con người được hưởng
tự do, được sống yên vui, no đủ, hạnh phúc, được tự bộc lộ mình, đấy là một xã
hội phát triển. Còn trong một xã hội mà con người không có được những quyền
tối thiểu của con người, không quan tâm đến vấn đề con người thì đấy chẳng qua
cũng chỉ là một xã hội sơ khai, điêu tàn và ấu trĩ.
Ấy thế mà trong suốt một khoảng thời gian tương đối dài của sự phát triển
đất nước, vấn đề con người, con người cá nhân tạm thời bị nhạt nhoà, ít được quan
tâm, hay nói đúng ra là nó bị tạm lãng quên. Ta có thể cảm nhận rõ điều ấy hai
tiểu thuyết Thời xa vắng và Bến không chồng.
Ở tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, cuộc sống của nhân vật Giang
Minh Sài đã thể hiện điều đó. Cả cuộc đời Sài sống một cuộc sống như là sống
nhờ, sống hộ, bị che lấp. Chưa bao giờ Sài tự sống cho mình, theo ý mình, tự
quyết định được điều gì cho bản thân. Trong mối quan hệ nhỏ ở gia đình, Sài sống
trong cái bóng của cha, của chú, của anh trai. Sài lấy vợ theo ý cha. Sài không
được bỏ vợ dù trong lòng ghét cay ghét đắng là vì sợ chú, sợ anh. Sài đi nhập ngũ
như lẩn trốn tất cả, lẩn trốn dư luận, lẩn trốn Hương, lẩn trốn tình yêu đầu đời
trong sáng của mình là do quyết định của một hội đồng những người lớn trong gia
đình luôn yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho Sài. Còn trong mối quan hệ lớn với
xã hội, Sài cũng lại luôn bị cái tập thể vô danh tính che lấp. Khi còn là một cậu
thiếu niên, được bầu làm liên đội trưởng của xóm, Sài đã có ý thức sợ tai tiếng, sợ
dư luận. Ghét vợ, không ngủ chung, không nhìn mặt vợ, thậm chí bát tương nào
vợ đã chấm là Sài nhất định không chấm chung, nhưng ra ngoài vẫn phải đi cùng
nhau, phải tỏ ra đoàn kết, phải tỏ ra yêu vợ cho mọi người thấy. Khi đi bộ đội,
sống trong quân ngũ, thoát khỏi cái bóng của gia đình, Sài lại lặng lẽ sống, lao
động và học tập theo những nguyên tắc, những kỉ luật của quân đội. Từ sau vụ
cuốn nhật kí viết lại những tâm sự dành cho Hương, Sài càng co mình lại như một
cái bóng vô cảm, không buồn, không vui, không giãi bày tâm sự, chỉ biết chăm chỉ
làm việc cho khỏi mang cái án “tư tưởng có vấn đề”. Lãnh đạo của Sài: chính uỷ
Đỗ Mạnh, anh Hiền, anh Hiển... là những người sống chuẩn mực và nguyên tắc.
Họ luôn muốn lính tráng dưới quyền cũng là những người sống đúng chuẩn mực,
đúng nguyên tắc, sạch sẽ, không tì vết... Đối với riêng Sài, họ yêu quý và chăm
sóc Sài với tình cảm không chỉ là của những người chỉ huy có trách nhiệm mà còn
là tình cảm của những người thân kì vọng vào đứa con, đứa em chăm chỉ, giỏi
giang của mình. Đấy là niềm tự hào, niềm vinh dự. Nhưng chính nó đồng thời
cũng là áp lực đối với Sài. Sài phải luôn cố gắng phấn đấu trong lao động, học tập,
đó là việc tốt. Sài còn luôn phải che giấu đi những tình cảm, những cảm xúc thật
của con người mình để cấp trên yên lòng, đấy là điều đáng xót xa. Hương đến đơn
vị tìm Sài, anh Hiển giấu, Sài nuối tiếc đến tê tái lòng nhưng im lặng chịu đựng.
Muốn viết thư cho Hương, cấp trên bảo đừng, Sài lại thôi trong đau khổ. Cấp trên
bảo ngủ chung với vợ, Sài ngủ chung. Cấp trên bảo phải yêu vợ, Sài yêu, yêu một
lần duy nhất trong đời. Nhìn chung, tình thương, uy lực, tính quyết đoán khi lo
lắng cho cuộc đời Sài của cha, của chú, của anh, biến Sài thành một con người
giống như một rôbốt biết thở, biết nói, biết làm việc. Đến tận tuổi trung niên, khi
đã qua nhiều năm rèn luyện ngoài chiến trường với những chiến tích anh hùng nổi
tiếng, trở lại thời bình, Sài mới được một lần tự quyết định cuộc sống cho mình,
đó là quyết định cưới Châu, một cô gài Hà thành. Thế nhưng, như là không quen,
lần đầu tiên, lần duy nhất Sài tự quyết định cuộc đời mình cũng lại là sai lầm, để
rồi hôn nhân tan vỡ, Sài phải về sống một mình thui thủi, tìm kiếm sự thanh thản ở
quê hương. Cuộc đời của Sài là một bi kịch kéo dài. Sở dĩ như vậy là do Sài sống
nhưng không dám sống đúng nghĩa, không dám bộc lộ bản thân. Dõi theo cuộc
sống của nhân vật, ta thấy con người cá nhân, khát vọng của cá nhân bị chôn vùi,
đấy là một cuộc sống nhạt nhoà, không hương không sắc.
Bến không chồng của Dương Hướng cũng là một tiếng kêu thét đầy mạnh
mẽ, thống thiết về số phận cá nhân bị vùi lấp, trong đó hình tượng nhân vật
Nguyễn Vạn là tiêu biểu. Nguyễn Vạn là một con người quá tốt, suốt đời lo cho
hạnh phúc của những người xung quanh, lo cho sự yên bình của làng Đông, nhưng
đến một chút hạnh phúc của riêng mình thì không bao giờ dám. Một chút hạnh
phúc riêng tư của bản thân, với Nguyễn Vạn cũng là tội lỗi, thậm chí là tội ác.
Được lướt vội bàn tay trên thân thể chị Nhân, người đàn bà mà Vạn yêu thương
hơn bản thân mình, Vạn cho đấy là tội lỗi. Trót “sờ tí” mụ Hơn, người đàn bà lẳng
lơ, đĩ thõa luôn mời kéo Vạn, Vạn cho đấy là tội lỗi. Và sau một lần dám sống thật
với đòi hỏi bản năng trong cơn say với Hạnh, Vạn nghĩ mình phạm tội ác không
thể tha thứ... Vạn luôn quên mình vì danh dự, vì uy tín, vì trách nhiệm. Những thứ
đó đem lại chút vinh quang cho cuộc đời Nguyễn Vạn. Nhưng cũng chính những
thứ đó đã làm cho cuộc đời của Vạn trở nên khổ hạnh, cuối cùng giết chết Vạn.
Những bi kịch xảy ra với các nhân vật Giang Minh Sài, Nguyễn Vạn không
chỉ là bi kịch của mỗi cá nhân, một số cá nhân mà là bi kịch của số đông những
con người trong một thời kì nhạy cảm của đất nước. Đấy là thời kì mà cả đất
nước, cả dân tộc đang hướng đến những vấn đề lớn lao như: chiến tranh, xây dựng
chủ nghĩa xã hội, lí tưởng cách mạng... Phần đông các cá nhân đều quên mình
hăng say thực hiện lí tưởng cách mạng. Đấy là những tình cảm, là phần nhiệt
huyết quan trọng và đáng quý. Nhưng khi người ta quá theo đuổi lí tưởng sẽ có
nguy cơ dẫn đến sai lầm, sẽ triệt tiêu con người cá nhân, biến các cá nhân thành
những người máy giống nhau, không có nét riêng cá tính và tâm hồn, như thực tế
đã được nói đến trong hai tác phẩm kể trên, điều này thật trái với mục tiêu xây
dựng đất nước lấy con người, những vấ đề liên quan đến con người làm trọng tâm
của đất nước ta. Nhìn chung, vấn đề vai trò của cá nhân, vị trí và quyền của từng
con người như một cá nhân có thể bừng nở tự do và toàn diện là một vấn đề lớn
của xã hội Việt Nam không chỉ thời bấy giờ mà cả ngày nay. Các tiểu thuyết Thời
xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng có phản ánh nhưng
thực chất chỉ chớm chạm đến vết thương xã hội đó, tất cả vẫn còn lẻ tẻ, mờ nhạt
chưa có sức khái quát cao.
Bằng lối viết theo một kiểu phóng sự kéo dài, dựa ngay vào những sự việc
xã hội có thật, những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm trong từng giai đoạn,
các tác giả Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường đã phản ánh, phơi bày
tất cả những nội dung xã hội ấy trong các tác phẩm của họ. Và trong đó, một cách
thận trọng, rắn rỏi và đầy trách nhiệm, các tác giả đã bày tỏ chính kiến của mình
trước thời cuộc. Dĩ nhiên, bên cạnh việc phơi bày, kể lể, tố cáo hiện thực thì các tác giả vẫn ngấm
ngầm gửi vào trong những khát vọng, niềm tin vào một xã hội tiến bộ, đổi mới thực sự. Bởi vậy, bên
cạnh giá trị văn chương, các tác phẩm còn mang nặng tính chính luận. Điều ấy không làm cho tác
phẩm khô khan, mất tính văn chương mà trái lại càng làm tăng thêm sức hấp dẫn, càng thêm giá trị .
KẾT LUẬN
Xã hội nông thôn tưởng như chỉ có nét bình dị, yên ả với những xóm làng,
những nóc nhà lặng lẽ bên những rặng tre, những cánh đồng, những dòng sông,
những con suối...; với những con người chăm chỉ với ruộng với vườn, thuỷ chung
gắn bó với quê hương; với những câu chuyện không bao giờ hết về cảnh vật, về
đất, về người... Thế nhưng, hoà mình vào cuộc sống ấy, chúng ta mới thấy những
điều không hề giản đơn, không hề tĩnh lặng. Nó cũng mang trong mình lắm điều
nhiêu khê, bức bối, ngột ngạt.
Toàn bộ những gì thể hiện trong luận văn này là những tìm tòi, cảm nhận
của chúng tôi đối với ý tưởng, quan điểm, tình cảm của các tác giả Lê Lựu, Dương
Hướng, Nguyễn Khắc Trường về những vấn đề của nông thôn, cả những vấn đề
đời thường cũng như những vấn đề mang tính đặc trưng, bản chất.
Trong quá trình nghiên cứu, với ý thức lấy bức tranh hiện thực nông thôn
làm tâm điểm, cùng với quan niệm luôn luôn coi trọng “cái tôi” của người sáng
tác cũng như coi trọng ý nghĩa tự thân của tác phẩm, về vấn đề nông thôn Việt
Nam được phản ánh trong ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh
đất lắm người nhiều ma, chúng tôi có thể đi đến một vài tổng kết:
Về mặt xã hội, trong ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng,
Mảnh đất lắm người nhiều ma, hiện thực nông thôn Việt Nam đã được tái hiện
một cách tương đối đầy đủ, rõ nét và sinh động với tất cả những cái hay, cái dở,
cái tốt, cái chưa tốt, cái tích cực, cái tiêu cực.... Và tất cả những điều ấy đều hấp
dẫn, đều khiến chúng ta phải tìm hiểu, phải suy ngẫm.
Chúng ta bị cuốn hút bởi đời sống văn hoá tinh thần vô cùng phong phú của
làng quê, trong đó chứa đựng biết bao điều kì thú với các câu chuyện huyền thoại,
những phong tục, luật tục thể hiện ý thức, quan niệm, thế giới tinh thần của người
nhà quê. Có biết bao những điều mang giá trị truyền thống, nhân văn, nhân đạo
sâu sắc được duy trì như tục giỗ tổ, thờ cúng tổ tiên, quan hệ gia đình trên dưới rõ
ràng, tình làng nghĩa xóm chân tình, khắng khít...Và, cũng có bao nhiêu hủ tục
nhiêu khê còn tồn tại, còn kìm hãm những bước phát triển của làng quê như tục
mê tín dị đoan, thói gia trưởng, quan hệ thân tộc phức tạp, tính tủn mủn, vụn vặt
trong đời sống thường nhật,...Có thể nói, cái cổng làng chính là biểu tượng gianh
giới hành chính cũng như gianh giới tinh thần giữa các làng xã. Cái cổng cứng cáp
và giản đơn ấy cũng là biểu tượng của sự gói ghém, ràng buộc, đoàn kết nhau của
những công dân trong làng. Cũng chính cái cổng ấy lại thể hiện sự bảo thủ, tính tự
tôn, không muốn giao lưu, không thừa nhận những gì nằm bên kia cổng làng. Tất
cả những điều ấy tạo nên một sự đa tầng, đa sắc màu cho thế giới văn hoá tinh
thần của nông thôn khiến ta càng khám phá càng thêm ngỡ ngàng, thú vị.
Cũng như thế, khi chứng kiến cuộc sống thực ở các làng quê, chúng ta cũng
phải trăn trở cùng với những biến động trong cuộc sống của họ.
Thời chiến tranh, các làng quê cùng đắm chìm trong không khí đau thương,
mất mát, chia li. Không một làng quê nào không mang trên mình những dấu tích,
tàn tích của chiến tranh. Làng quê nào cũng trở nên vắng vẻ, quạnh quẽ, vắng
bóng đàn ông, đàn bà con gái thì ê hề, cô đơn, trống trải. Làng quê nào cũng có
những cảnh cha mẹ chết không được thấy mặt con, cảnh những người phụ nữ vật
vã giữ gìn danh tiết để chờ chồng nuôi con... Và làng quê nào cũng có những
người anh hùng sẵn sàng quên mình, xả thân vì sự nghiêp giữ gìn và giải phóng
đất nước. Một điều đáng quí là trong cuộc sống thường ngày, họ có thể vụn vặt
trong những lợi ích cá nhân, tủn mủn trong những lo toan vun vén cho gia đình và
có thể nhận thức của họ mới chỉ dừng bên trong cổng làng, nhưng khi đứng trước
vận mệnh của đất nước, những con người “nông tri điền” cũng biết đến trách
nhiệm, cũng biết đến hiến dâng, cũng biết đến hi sinh... Những ông bố bà mẹ hiến
dâng cho tổ quốc những đứa con thân yêu, thậm chí là những đứa con cuối cùng
như bà Nhân, ông bà Khiên, ông bà đồ Khang. Những chàng trai hiến dâng cho tổ
quốc tuổi thanh xuân, sự hăng hái nhiệt tình, sức khỏe, thậm chí cả tương lai của
bản thân và gia đình như lão Vạn Điện Biên, Thành, Nghĩa, Sài, Thông... Đứng
trước thực tế đó thì không thể phủ nhận một điều: dù họ là ai, dù họ sống ở đâu,
dù nhận thức của họ ở mức độ nào, nhưng đã là người Việt Nam thì bất cứ ai cũng
có lòng yêu nước, dám hi sinh vì đất nước, vì dân tộc.
Kết thúc chiến tranh, các làng quê lại bình thản đón nhận cuộc sống mới
trong ngày hoà bình. Những chính sách mới, những chủ trương mới dày vò cuộc
sống, sự bình yên của người nông dân. Nào là đấu tố địa chủ, cường hào ác bá, tay
sai chỉ điểm bán nước hại dân. Nào là cải cách ruộng đất, đổi mới sản xuất theo
mô hình hợp tác xã với cơ chế quan liêu bao cấp... Tất cả đều xa lạ với họ. Điều
quan trọng là tất cả những điều ấy không đem lại cho họ cuộc sống thực sự no đủ,
yên vui. Nhưng với bản chất hiền lành, chất phác, họ vẫn thích nghi, vẫn chấp
nhận tất cả như một điều mặc nhiên phải thế.
Chỉ đến khi ở nông thôn xây dựng những mô hình hợp tác xã mở rộng với
cơ chế khoán trong sản xuất thì người nông dân mới thực sự sống, thực sự làm chủ
cuộc sống của mình. Trong cơ cấu xã hội giảm được phần lớn những chức danh
hữu danh vô thực, sống gửi ăn theo. Người nông dân làm nhiều hưởng nhiều làm
ít hưởng ít. Điều ấy tạo động lực, hứng khởi cho người dân hăng say sản xuất.
Điều ấy làm cho người nông dân có cuộc sống ổn định hơn, nhẹ nhàng hơn, no đủ
hơn. Cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc, ngày càng khấm khá. Một bộ mặt
mới của nông thôn dần hiện ra...
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Bên cạnh những chuyển biến khá
tích cực ấy thì xã hội nông thôn cũng phân hoá mạnh mẽ, bộc lộ nhiều mặt hạn
chế, nhiều tiêu cực, nhiều trì trệ.
Con người nông thôn trước những đổi thay của xã hội, trước những đòi hỏi
của cuộc sống cũng biến đổi theo. Trong họ đã xuất hiện những toan tính, mánh
khoé để làm đầy nồi cơm, đầy bồ thóc của mình mà không cần để ý đến xung
quanh. Tình làng nghĩa xóm dần được thay thế bằng những quan hệ mua bán, đổi
trác. Thỉnh thoảng còn bắt gặp những người lợi dụng, giẫm lên đầu lên cổ người
khác để kiếm lời.
Trong nội bộ quần chúng nhân dân đã vậy, đối với những người nằm trong
bộ phận lãnh đạo chính quyền, những người mà công việc của họ liên quan trực
tiếp đến kinh tế, những người có quyền sinh quyền sát trong tay, có thể dựa vào
địa vị để kiếm lợi... thì những toan tính, mánh khoé, sự gian ngoan càng bộc lộ
nhiều. Bởi thế ở nông thôn, hiện tượng che mắt nhân dân để “chấm mút”, mưu lợi
cá nhân diễn ra nhan nhản. Tình trạng chia bè kết phái trong hàng ngũ lãnh đạo
ngày càng trở nên sâu sắc. Bởi thế mà một cái xã bé xíu mà chính quyền bị chia
thành những mấy phe, chỉ toàn đối đầu, triệt tiêu đối thoại. Bởi thế nên những
làng quê tưởng như mãi thanh bình, im ắng lúc nào cũng um sùm những chuyện
cãi vã, kiện cáo, vu khống cho nhau. Bởi thế người ta sống với nhau lá mặt lá trái,
miễn sao yên ổn và có lợi cho mình... Cuối cùng chỉ có nhân dân là phải gánh hậu
quả, chịu khốn khổ.
Trong tiến trình vận động, phát triển của đất nước, mỗi giai đoạn lịch sử đều
mang những đặc điểm riêng. Giai đoạn này bộc lộ một tính chất, giai đoạn khác lại
mang tính chất khác. Mỗi giai đoạn đều chứa đựng trong nó những vấn đề, những
thành tựu và tồn tại. Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách khách quan thì dù là thành
tựu hay tồn tại thì tất cả đều là những nấc thang trong một cái thang, đều là những
tiền tố, là bàn đạp thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tốt hơn.
Tất nhiên, dù bức tranh cuộc sống có mang màu sắc nào thì trung tâm của
bức tranh ấy vẫn là con người. Cuộc sống đưa đến cho con người bao điều kì diệu.
Và cũng ẩn chứa trong nó biết bao ngang trái, đắng cay. Có một điểm chung nhất
giữa ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều
ma là cả ba tác giả dường như cùng có chủ tâm khắc hoạ bi kịch của người nông
thôn thể hiện trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Tìm trong ba tác phẩm ta thấy những con người lặn hụp trong một cuộc
sống mà con người cá nhân, ý thức cá nhân bị lãng quên, bị vùi dập, đấy là những
con người như lão Vạn, như anh cu Sài. Họ mải miết sống theo lí tưởng, sống theo
ý kiến, sự ngưỡng mộ của người khác, trong khi không dám làm điều gì, dành
riêng điều gì cho bản thân. Tuy nhiên, đấy có thể là tư tưởng không đúng nhưng
đấy là một tư tưởng phù hợp, cần thiết, ít nhất là cũng phù hợp, cần thiết với một
thời, một giai đoạn nào đấy của xã hội.
Ta cũng tìm thấy trong đó những con người gánh trên vai tấn bi kịch của
lòng thù hận. Ở nhà quê, khi mà cái ăn cái mặc vẫn luôn là gánh nặng, người ta
chỉ vương thù oán với nhau trong những chuyện hôn nhân, điền thổ. Và những
mối thù ấy đều có một sức sống dai dẳng đến khủng khiếp, truyền từ đời này sang
đời khác, mãi không thôi. Từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ
con trai đến con gái...tất cả đều phải ghi nhớ, tất cả đều phải thực hiện lời nguyền
của dòng họ. Trẻ con ghi nhớ bằng việc luôn luôn phải lắng nghe về những câu
chuyện ân oán của đời trước. Người lớn ghi nhớ bằng cách giữ mình trong tình
cảm, trong cư xử... Những mối thù ấy tồn tại qua bao đời, người ta lại không thể
sống bằng tình cảm của người khác, nhất là khi đó là sự căm hờn, nên biết bao bi
kịch, bao ngang trái đã xảy ra.
Còn một thứ bi kịch nữa mà các tác giả đề cập đến, đó là bi kịch nảy sinh từ
sự hãnh tiến, khát vọng quyền lực của con người. Vì cái quan niệm “một miếng
giữa làng hơn sàng xó bếp” mà biết bao còn người vì ham quyền lực mà bị chính
quyền lực sai khiến. Vì cái bả lợi danh ấy mà họ sẵn sàng trở nên man trá. Vì chút
địa vị trong xã hội mà họ sẵn sàng quên đi luân lí, đạo đức, thậm chí giết cả người
thân mà không hối cải. Nhưng quyền lực không chính đáng sẽ bị loại bỏ, bị đào
thải, đấy vẫn là thông điệp ngầm mà các tác giả muốn gửi đến người đọc.
Giai đoạn 1986 – 2000 là một giai đoạn cực kì nhạy cảm của lịch sử xã hội
Việt Nam, đánh dấu chặng đường mười lăm năm đất nước chúng ta bước những
bước chập chững, dò dẫm trong sự đổi mới. Như người bị nhốt trong bóng tối lâu
ngày bước ra ánh sáng, chúng ta choáng ngợp, lúng túng trong thời mở cửa. Xã
hội mới. Nhịp sống mới. Nền sản xuất mới... Nhưng con người, nhất là người
quản lí chưa đổi mới. Thế nên, những sai lệch, những yếu kém là tất yếu.
Bằng cái nhìn khách quan và nhạy cảm, cả ba tác giả Lê Lựu, Dương
Hướng, Nguyễn Khắc Trường đã nhìn ra, phân tích và phản ánh tất cả những vấn
đề của nông thôn một cách cụ thể, rõ ràng và sinh động. Ngòi bút hiện thực của
các tác giả đã giúp chúng ta được nắm bắt cuộc sống nông thôn từ góc độ tinh
thần, vật chất lẫn tâm lí. Đấy là thể hiện cá tính “cái tôi” trong sáng tác. Đấy cũng
là sự thành công của các tác giả. Tuy nhiên, dẫu rằng phản ánh hiện thực một cách
mạnh mẽ, tự tin, không né tránh, nhưng hầu như cả ba tác giả mới chỉ nêu ra,
chạm tới các vấn đề, chứ chưa thực sự đối đầu với những vấn đề họ nêu ra. Nhưng
đấy cũng là một điều tất yếu. Nếu đứng trên quan điểm lịch sử cụ thể có thể thấy,
cái giai đoạn nhạy cảm kia có giá trị như một bước đà. Trong quá trình phát triển
xã hội, những tồn tại của nó như những vết xước, đau nhưng gây hại không đáng
kể. Và việc các tác giả mới chỉ dừng lại để nhìn, để chạm vào nó thôi cũng là phù
hợp.
Trên đây là tất cả những gì chúng tôi tìm kiếm, khám phá được từ các tiểu
thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma. Với
luận văn này, có thể sự đóng góp chưa thật sự nhiều, nhưng đó là kết quả của một
quá trình nghiên cứu nghiêm túc. Những gì đã được và chưa được, những điều
thừa và thiếu, những cái hay cái dở... của luận văn này hi vọng sẽ gợi cảm hứng
cho những người khác tiếp tục nghiên cứu làm cho vấn đề được hoàn thiện hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Lan Anh (2007), Ở đất kẻ thù, NXB Văn học – Công ty văn hoá truyền
thông Võ Thị
2. Ngô Vĩnh Bình (1991), “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Tạp chí Văn nghệ
Quân đội, (8).
3. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ Văn hoá thông tin
và thể thao, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. ( Phạm Vĩnh Cư
tuyển chọn, dịch và giới thiệu).
4. M. Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, NXB Giáo dục, Hà
Nội. (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch)
5. Hồng Diệu (1991), “Về Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Tạp chí Văn nghệ
Quân đội, (8).
6. Phan Cự Đệ (2001), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Giáo
Dục, Hà Nội.
7. Phan Cự Đệ (2001), “Tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới”, Tạp chí Văn
Nghệ Quân đội, (3), tr.99-104
8. Trung Trung Đỉnh (1991), “Dương Hướng và Bến không chồng”, Tạp chí
Văn nghệ Quân đội, (12), tr.98-99.
9. Hà Minh Đức (Chủ biên) (1998), Chặng đường mới của văn học Việt Nam,
NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội
10. Hà Minh Đức (Chủ biên) (1991), Mấy vấn đề lí luận văn nghệ trong sự
nghiệp đổi mới, NXB Sự Thật, Hà Nội.
11. Phan Hách (2001), Người đàn bà buồn, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Hạnh (1972), “Một số điểm cần nói rõ thêm về vấn đề nghiên
cứu tác phẩm văn học”, Tạp chí Văn học, (6), tr.117-126.
13. Nguyễn Văn Hạnh - Huỳng Như Phương (1995), Lý luận văn học - Vấn đề
và suy nghĩ, NXB Giáo dục, TP HCM.
14. Phạm Hoa (1991), “Mảnh đất lắm người nhiều ma - Bức tranh gắn chặt với
hiện thực”, Báo Quân đội nhân dân thứ 7, (5).
15. Phạm Thị Hoài (2004), “Nhà văn thời Hậu Đổi Mới”,
16. Hoàng Ngọc Hiến (1987), “Đọc Thời xa vắng của Lê Lựu”, Tạp chí văn
nghệ quân đội,(4), tr.118-119.
17. Nguyễn Minh Hùng (2002), Đọc và tiếp nhận văn chương, NXB Giáo Dục,
Hà Nội.
18. Dương Hướng (1998), Bến Không Chồng, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
19. –leipzig.de..., “Một trăm điều nên biết về phong
tục Việt Nam”.
20. “Việt Nam - Đất nước con người”.
21. Nguyễn Vy Khanh, “Thế kỷ tiểu thuyết”,
22. Trần Đăng Khoa (1998), Chân dung và đối thoại, NXB Thanh Niên, Hà
Nội.
23. M.B. Khrapchenco (1985), Cá tính sáng tạo, hiện thực và con người,2,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. (Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch).
24. Lê Quý Kỳ, “Văn học thời đổi mới”, Sách “Văn học thời luận”, NXB Văn
học, Hà Nội.
25. Lê Đình Kỵ (1984), Tìm hiểu tác phẩm văn học, NXB TP. Hồ Chí Minh.
26. Tôn Phương Lan (1998), “Một số vấn đề trong văn xuôi thời kì đổi mới”,
Chặng đường mới của văn học ( Hà Minh Đức chủ biên), NXB
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 732-738.
27. Đoàn Lê (2001), Cuốn gia phả để lại, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
28. Nguyễn Văn Long (2006), “Nhìn lại tiến trình vận động văn học Việt Nam
từ 1975 đến nay”, Báo Hà Tây Online.
29. Lê Lựu (2002), Chuyện làng Cuội, NXB Văn học, Hà Nội.
30. Lê Lựu (1989), Thời xa vắng, NXB Tác Phẩm Mới, Hà Nội.
31. Phương Lựu (1997), Tiếp nhận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
32. Thiếu Mai (1987), “Nghĩ về một “Thời xa vắng” chưa xa”, Tạp chí Văn
nghệ quân đội,(4), tr.120-125.
33. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà
văn, NXB Giáo dục, Hà Nội.
34. Vương Trí Nhàn (1996), Khảo về tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
35. Phùng Quý Nhâm (1991), Thẩm định văn học, NXB Văn nghệ TP. hồ Chí
Minh.
36. Bảo Ninh (2005), “Tiểu thuyết thời đổi mới”, Báo Văn nghệ trẻ.
37. Nguyên Ngọc (2004), “Văn xuôi Việt Nam hiện nay, logic quanh co của
các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và triển vọng”,
38. Lã Nguyên (1998), “Văn học nghệ thuật trong bước chuyển mình”, Báo
Văn nghệ, (45), tr.7-10
39. Dương Duy Ngữ (2001), Người giữ đình làng, NXB Quân đội Nhân dân,
Hà Nội.
40. Thanh Phước (1991), “Cấu trúc, cái dở nhất của tiểu thuyết Mảnh đất lắm
người nhiều ma”, Tạp chí Văn học và dư luận, (7), tr.52-53.
41. Huỳnh Như Phương (1991), “Văn chương những năm 80 và vấn đề dân
chủ hoá nền văn học”, Tạp chí Văn học, (4).
42. Từ Sơn (1990), “Đổi mới xã hội và đổi mới văn học”, Báo Văn nghệ, (13).
43. Nguyễn Hữu Sơn (2000), “Bóng đêm - Một phương diện tư duy nghệ thuật
trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Điểm tựa phê bình
văn học, tr.131-135...
44. Trần Đình Sử (2003), Dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
45. Bùi Việt Thắng (2000), Bàn về tiểu thuyết, NXB Văn hoá tư tưởng, Hà
Nội.
46. Hoà Thu (2001), “Người giữ đình làng”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (3),
tr.108-109
47. Lý Hoài Thu (2001), “Tiểu thuyết - Tầm vóc hiện thực và số phận con
người”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (2),tr.105-108.
48. Đỗ Lai Thuý (1994), “Một cách nhận diện thời kì văn học vừa qua”, Phụ
san Văn nghệ, tháng 6.
49. Đinh Quang Tốn (1997), “Lê Lựu - Thời xa vắng”, Tản mạn và chính kiến
văn chương, tr.12-23.
50. Hoàng Minh Tường (1996), Thuỷ hoả đạo tặc, NXB Văn học.
51. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
52. Nguyễn Khắc Trường (2003), Mảnh đất lắm người nhiều ma, NXB Hội
Nhà Văn.
53. Nguyễn Văn Xuất (2001), “Hình tượng và ngôn từ trong tiểu thuyết”, Khoa
Ngữ văn một phần tư thế kỉ, NXB Đại học Sư phạm, TP. Hồ Chí
Minh, tr.147-154.
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU
Chương 1: BỨC TRANH VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG BA TIỂU THUYẾT:
THỜI XA VẮNG, BẾN KHÔNG CHỒNG, MẢNH ĐẤT LẮM
NGƯỜI NHIỀU MA
1.1. Bức tranh nông thôn đa dạng với nhiều phong tục tập quán............................ 10
1.2. Một xã hội nhức nhối những vấn đề nóng bỏng khó giải quyết....................... 19
1.2.1. Nông thôn với những lí tưởng và niềm đau trong chiến tranh............ 19
1.2.2. Quan hệ lao động sản xuất đầy khắc nghiệt........................................ 32
1.2.3. Sự đối đầu khốc liệt giữa các dòng họ ................................................ 39
1.3. Con người nông thôn trước những biến đổi của xã hội..................................... 44
1.3.1. Lối sống theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”,
dựa vào uy danh dòng họ .................................................................... 44
1.3.2. Sức mạnh nằm trong tay kẻ lắm tiền .................................................. 50
Chương 2: BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI NÔNG THÔN
2.1. Con người bị trói buộc bởi uy danh dòng họ.................................................... 55
2.2. Con người nô lệ của khát vọng quyền lực ........................................................ 64
2.3. Con người cam chịu khuất phục trước định kiến của gia đình,
dòng họ ............................................................................................................. 72
Chương 3: NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ HIỆN THỰC
3.1. Bức tranh làng quê được miêu tả chân thực, cụ thể mà sinh động................... 82
3.2. Những người nông dân thuần chất được phát hiện dưới nhiều góc độ
tâm lí khác nhau làm nên sự đa dạng nhưng cũng đầy phức tạp của
cuộc sống sau luỹ tre làng ................................................................................ 89
3.3. Nghệ thuật miêu tả hiện thực khách quan, không né tránh, phản ánh
được bản chất xã hội nông thôn Việt Nam đương thời .................................... 95
KẾT LUẬN .................................................................................................................... 104
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................................. 110
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHLLVH012.pdf