Vận dụng lý thuyết lập luận vào phân tích hơn 300 bài bình luận của các tác giả: Hữu Thọ, Chu Thượng, Quang Lợi; chúng tôi khẳng định rằng: Lập luận là yếu tố then chốt, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quyết định thành công của một bài bình luận báo chí. Sức hấp dẫn của bài bình luận không nằm ở chi tiết giật gân, ly kỳ mà chính là ở cách lập luận, ở cách phân tích, mổ xẻ vấn đề một cách lôgíc, mới mẻ đem lại cho người đọc những thông tin mới, nhận thức mới. Đó là chiến lược trình bày vấn đề, là cách thức sắp xếp nội dung sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, một mặt cần nêu rõ các luận điểm để người đọc hiểu người viết muốn trình bày vấn đề gì, ý kiến của người viết về vấn đề đó ra sao. Mặt khác phải biết cách luận chứng, tức là biết vận dụng các phép suy luận lôgic, đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng cần thiết, phối hợp chúng một cách thích hợp để chứng minh cho các luận điểm được nêu, thuyết phục người đọc tin vào tính đúng đắn của các luận điểm đó.
93 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1956 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Phân tích các bài bình luận báo chí trên cơ sở lý thuyết lập luận ( Qua những bài bình luận của các nhà báo: Hữu Thọ, Chu Thượng và Quang Lợi), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
, phân tích sắc sảo, biện chứng trên mọi góc cạnh của vấn đề: “ Nếu như sắc lệnh đầu tiên của ông là bảo đảm quyền miễn trừ và truy tố dành cho ông B. Enxin thì ngay sau đó, ông lại ký tiếp sắc lệnh bãi chức thư ký tổng thống của con gái B. Enxin là Tachiana và một số quan chức thân cận trong cái gọi là ‘ gia đình B.Enxin”- những người bị coi là dính líu vào những vụ bê bối tham nhũng. Khi ông tuyên bố về khả năng Nga gia nhập NATO- “ nếu như Nga được đối xử như một đối tác bình đẳng”- thì có không ít luồng dư luận đã làm ồn ào lên về sự “ xuống nước” của Nga. Nhưng ông G.Egơn, một nhà phân tích cao cấp của Viện Chiến lược quốc tế ( IISS) tại Luân Đôn lại nhận định: “ V. Putin đang chơi canh bạc rất thận trọng” và còn nói thêm rằng, việc Nga gia nhập NATO chẳng khác gì “ một con voi đang cố ngồi vào bồn tắm”. Vấn đề không phải chỉ ở chỗ là con Voi ( Nga) sẽ làm vỡ cái bồn tắm ( NATO) mà chính là ở chỗ, nếu Nga trở thành thành viên NATO thì khối này đâu còn lý do gì để tồn tại nữa”.
Quang Lợi không phải là một nhà chính trị, ông cũng không phải là một nhà ngoại giao nhưng ông có vốn kiến thức và tư duy lập luận mà không phải nhà bình luận nào cũng có được. Ngay trong cách ông dẫn ra sự kiện, thông tin để chứng minh cho luận điểm rằng Putin giống như một hiện tượng “ bí ẩn” mà phương Tây và các nước đang tìm cách lý giải, người đọc hoàn toàn bị thuyết phục bởi những lý lẽ, dẫn chứng mà ông đưa ra. Trong hàng loạt những lý lẽ- dẫn chứng- lý lẽ- dẫn chứng…, đôi khi cả 2 yếu tố làm nên lập luận này đan xen, hoà vào nhau khó mà phân chia chúng một cách rạch ròi.
Có thế nói, những bài có hệ thống lập luận phân chia rõ ràng như Người cầm lái mới của nước Nga không nhiều. Nhưng đọc bình luận quốc tế của Quang Lợi, người đọc dễ “bắt mạch” được vấn đề bởi ông có cách viết khoa học, lập luận lôgic, lý lẽ thuyết phục. Trong nhiều bài viết, các luận điểm dù không tô đậm nhưng cũng được viết một cách rõ ràng thông qua việc sử dụng câu nghi vấn. Mỗi câu hỏi thường được tách riêng thành một dòng độc lập như để thu hút sự chú ý của người đọc và nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của vấn đề.
Quang Lợi không chỉ đơn thuần dẫn ra sự kiện, kể lại vấn đề mà ông thường có cách dẫn dắt các sự kiện này theo một kết cấu lôgic: thông tin đưa ra đến đâu, nhà báo phân tích bình luận ngay đến đấy. Những lời lẽ, nhận định sắc sảo ấy lại được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm. Như trong bài Mạch ngầm " Thế giới ảo", Quang Lợi viết về cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu á với những lý lẽ đầy thuyết phục “ Không ai có thể ngờ được rằng, cuộc khủng hoảng tiền tệ dẫn tới cơn suy thoái tồi tệ nhất của châu á từ trước đến nay lại khởi nguồn từ sự “ hắt hơi” tưởng như thường tình của đồng bạt Thái Lan- quốc gia đang mơ “ hoá rồng” trong một ngày không xa. Tức thì, mọi thứ rùng rùng chuyển động. Ngân hàng Trung ương Thái ném ra một khoản dự trữ ngoại tệ lớn để cứu nguy nhưng đồng bạt vẫn chết sặc và chìm nghỉm. Như những cơ thể được vỗ béo bằng những liều thuốc kích thích cùng loại, nền kinh tế Thái Lan bị choáng thì lập tức các nền kinh tế trong khu vực đồng loạt lên cơ co thắt. Các thị trường chứng khoán trong khu vực và toàn cầu phập phồng bất ổn”. Một loạt những sự liên tưởng, so sánh, bình luận khiến người đọc bị cuốn vào mạch dẫn của người viết. Nói tới sự chao đảo của đồng tiền Thái Lan, ông dùng hình ảnh sự “ hắt hơi” của quốc gia đang mơ “ hoá rồng” trong một ngày không xa. Khi sự kiện này kéo theo những động thái của Ngân hàng Trung ương Thái và tác động của nó tới nền kinh tế các nước trong khu vực thì Quang Lợi lại dùng hình ảnh: đồng bạt chết sặc và chìm nghỉm, nền kinh tế trong khu vực đồng loạt lên cơn co thắt, thị trường chứng khoán phập phồng ổn định… Mỗi một câu là một sự phân tích, đánh giá và nhận định sâu sắc của người viết. Luận cứ dẫn ra để chứng minh cho luận điểm “ đời sống kinh tế toàn cầu trước thềm thế kỷ XXI đang vận hành theo những cách thức rất mới lạ” nhưng rõ ràng Quang Lợi đã tận dụng mọi câu từ, ở mọi vị trí để có thể phân tích, làm rõ vấn đề mà ông muốn nhấn mạnh.
Người đọc thấy mỗi bài bình luận, Quang Lợi khai thác một mặt của vấn đề. Cuốn ẩn số thời cuộc chọn đăng 19 bài thì có đến 19 chủ đề bàn luận khác nhau. Tính lôgic, biện chứng trong lập luận vấn đề không chỉ giới hạn trong một tác phẩm mà chúng có sự liên kết chặt chẽ giữa các bài bình luận.
Đằng sau những sự kiện hết sức chọn lọc mà ông đề cập đến, người đọc có thể hình dung được bộ mặt thời cuộc vào những thời điểm cực kỳ quan trọng. Nhưng, không chỉ cung cấp sự kiện, Quang Lợi còn là người có biệt tài mô tả sự kiện ở những góc độ có tính vấn đề nhất. Tư cách nhà bình luận thời cuộc ở Quang Lợi không chỉ thể hiện lấp ló ở những bài viết ở cấp độ sự kiện mà được thể hiện một cách trực diện mảng bài viết về các vấn đề thời cuộc có tính toàn cầu. Khó khăn hơn nhiều việc viết về sự kiện là việc hình dung ra dòng vận động bí ẩn của thế giới đằng sau tất cả những sự kiện xô bồ hỗn tạp: “ Nếu như mấy năm trước đây, Mỹ vẫn coi Nhật là đối thủ nguy hiểm nhất trong tương lai, thì bây gìơ, sự trỗi dậy mãnh liệt của Trung Quốc đang thực sự ám ảnh giấc mơ toàn cầu của Mỹ. Đất nước 1,3 tỷ người với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trung bình là 9%- 10% đang xuất hiện dưới con mắt của Oasinhtơn như một ẩn số lớn và bất thường nhất. Nhưng bây giờ là thời hoà dịu và hợp tác toàn cầu. Các cựu địch thủ thời chiến tranh lạnh càng buộc phải tuân thủ luật chơi của thời hoà dịu. Bao vây, cấm vận, thù địch là thuộc tính của thời đối đầu Đông- Tây. Những vũ khí đó giờ đây nếu đưa ra dùng sẽ bị chê cười và cũng sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì.” ( Bài Xung lực biến đổi thế giới, 5-1-1998). Có thể nói, cái tài của Quang Lợi là ông biết xâu chuỗi những sự kiện đơn lẻ thành một chuỗi mắt xích lôgic để lý giải nó trong một tư duy biện chứng.
Những câu nghi vấn xuất hiện với tần suất khá cao trong các bài bình luận quốc tế đem đến cho người đọc những trăn trở, suy tư cùng người viết. Việc đặt ra những câu hỏi trong bài viết không phải là sự ngẫu hứng mà nó là cách để Quang Lợi tạo điểm nhấn cho tác phẩm, chất chứa những điều mà ông đứng ở vị trí công chúng hoài nghi, muốn tìm hiểu để rồi sau đó ông đi sâu phân tích, lý giải một cách cụ thể, chi tiết. Mỗi câu hỏi thường được tách riêng thành một dòng độc lập như để thu hút sự chú ý của người đọc và nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của vấn đề.
Mặc dù thể loại bình luận là sản phẩm của tư duy lôgic, dùng lý lẽ để làm sáng tỏ vấn đề song để chúng có sức mạnh, hấp dẫn người đọc thì người viết phải có thủ pháp nghệ thuật riêng trong việc vận dụng ngôn từ. Bình luận quốc tế của Quang Lợi cuốn hút công chúng bởi chiều sâu trí tuệ và lối viết hấp dẫn. Trong bài Thế giới và nhịp đập Châu á, khi nhận định về những bước thăng trầm đầy kịch tính của châu lục này sau cơn “ bĩ cực”, Quang Lợi sử dụng lối viết hình ảnh, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc: “ Những tia nắng xuân trên bầu trời kinh tế Châu á không chỉ thể hiện kết quả của cuộc chấn hưng vĩ đại sau cơn bĩ cực chưa từng có, mà còn báo hiệu một thời kỳ cất cánh mới của châu lục đông dân nhất thế giới này trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI”.
* Kết cấu linh hoạt và bút pháp tài hoa
Khi đề cập đến kết cấu của một tác phẩm báo chí, người ta thường tập trung vào ba đặc điểm dễ nhận dạng nhất: đó là kết cấu câu, kết cấu ngữ đoạn và kết cấu văn bản. Lối kết cấu câu trong các bài bình luận của Quang Lợi rất đa dạng. Có người nói ông sử dụng nhiều câu ngắn nhưng đôi khi Quang Lợi lại viết những câu dài, rất dài. Điều này thể hiện sự biến hoá và linh hoạt trong câu văn phù hợp với ý đồ của tác giả. Độc giả gặp nhiều câu dài đặc biệt là khi bàn về những vấn đề phức tạp trên chính trường quốc tế. Đó thường là những câu phức nhiều thành phần được kết nối với nhau bằng những liên từ lôgic.
Với việc sử dụng linh hoạt các quan hệ từ: tuy… nhưng, không những… mà còn, nếu… thì… Quang Lợi đã tạo nên chất keo dính kết các mệnh đề trong một câu văn lại với nhau một cách lôgic, liên tục. Việc sử dụng câu dài nhiều thành phần không phải là sự non tay của tác giả mà nó được viết theo dụng ý của ông. Chính cách lập luận chặt chẽ của Quang Lợi đã khiến các câu văn dù có dài nhưng vẫn đảm bảo rõ ràng, mạch lạc và thể hiện được đầy đủ vấn đề mà ông phân tích, nhận định.
Một đặc điểm trong cách viết bình luận của Quang Lợi là ông hay sử dụng hình thức câu hỏi ở tiêu đề tác phẩm rồi sau đó đi tìm lời giải theo hướng diễn dịch. Bên cạnh lối kết cấu câu theo kiểu nghi vấn, trong quá trình xây dựng văn bản, Quang Lợi cũng rất khéo léo trong việc xây dựng đoạn văn. Hầu hết các ngữ đoạn trong tác phẩm chính luận của ông thường là một thể thống nhất về nội dung và hoàn chỉnh về mặt hình thức. Lối kết cấu ngữ đoạn này theo hướng lôgic về ngữ nghĩa và chặt chẽ về cấu tứ. Quang Lợi sử dụng lối kết cấu lôgic theo hệ thống các luận điểm, luận cứ và luận chứng. Những yếu tố này xuất hiện trong bài có lúc đứng độc lập nhưng cũng có khi xuất hiện dưới hình thức câu hỏi. Sau đó tác giả sử dụng các luận cứ, luận chứng để lý giải, phân tích và làm sáng tỏ luận điểm đã nêu. Song, không phải bài bình luận nào của ông cũng có lối kết cấu giống nhau.
Qua 160 bài bình luận trong cuốn ẩn số thời cuộc, Quang Lợi đã cho chúng ta thấy ông có khả năng đa đạng hoá các cách kết cấu tác phẩm. Nổi bật là 3 kiểu kết cấu quen thuộc của loại bài bình luận: kết cấu theo phương pháp thông báo và giải thích; kết cấu theo phương pháp diễn dịch và kết cấu theo phương pháp tóm tắt. Cả 3 kiểu kết cấu này đều được ông sử dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt.
Một điều quan trọng làm nên sức hấp dẫn cho các bài bình luận quốc tế của ông chính là ở sự phong phú và đặc sắc trong giọng điệu. Với những vấn đề chính trị nhạy cảm, Quang Lợi điềm tĩnh, sắc lạnh và nhìn nhận, phân tích các thông tin, sự kiện bằng chất giọng trầm tĩnh, thâm thuý. Thậm chí, trong cùng một bài viết, ông sử dụng đến hai, ba giọng điệu: lúc thâm trầm, lúc sôi nổi, hào hứng và có lúc lại mỉa mai, châm biếm. Nhưng dù viết ở chủ đề nào, giọng điệu chủ yếu trong các bài bình luận của ông vẫn là chất giọng chững chạc đầy lý trí của một chuyên gia về phân tích, nhận định các vấn đề thời sự quốc tế.
Cái tài của Quang Lợi là ông viết về những vấn đề góc cạnh, khô cứng của chính trường thế giới với một cảm xúc chân thành, tự nhiên, với những câu văn chính luận đầy chất trữ tình. Đóng góp quan trọng vào hiệu quả của hệ thống lập luận là tài năng của ông trong việc sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ trong các bài bình luận của Quang Lợi là ngôn ngữ mang chiều sâu trí tuệ nhưng lại rất giàu hình ảnh, sức biểu cảm. Ông biết lựa chọn những từ đắc địa để vận dụng linh hoạt, chính xác vào bài viết để làm cho sự trình bày, phân tích, lý giải thêm phần mạch lạc, lôi cuốn.
2.3.2.3. Kết thúc vấn đề
Giống như cách đặt vấn đề, Quang Lợi thường kết thúc bài viết của mình một cách ngắn gọn, rõ ràng. Với dung lượng chỉ 2, 3 câu; ông khẳng định lại vấn đề, đánh giá một cách khái quát và chỉ ra xu hướng vận động, phát triển của nó. Ví dụ như trong bài Sự bất lực của vũ lực, tác giả viết: “ Chính quyền X.Hutxen đã sụp đổ chóng vánh nhưng cuộc chiến tranh Irắc thì lại đang từng ngày ám ảnh, giày vò nước Mỹ. Càng ngày càng thấy rõ rằng, phát động một cuộc chiến tranh dễ hơn nhiều so với việc kết thúc nó cho dù kẻ gây chiến là siêu cường duy nhất của thế giới”. Sau khi chỉ ra tình hình căng thẳng ở Irắc và những vấn đề mà quân đội Mỹ gặp phải trên đất nước này, Quang Lợi kết luận: cuộc chiến này đang làm đau đầu nước Mỹ, và cho dù có là một siêu cường, có dùng sức mạnh tối tân của quân sự thì cái chính sách bạo lực mà Mỹ đang sử dụng ấy cũng đã thất bại.
Quang Lợi thẳng thắn và khá mạnh bạo trong việc đưa ra lý lẽ và quan điểm- điều mà nhiều người viết bình luận quốc tế né tránh. Dám khẳng định, dám lên tiếng phản đối, chỉ trích những chính sách bạo ngược của Mỹ hay giễu cợt những động thái khoa trương, hình thức của các thế lực thù địch; lật tẩy bộ mặt thật với âm mưu đen tối hòng tranh giành lãnh địa và tài nguyên dầu mỏ…; sức hấp dẫn trong những bài bình luận quốc tế của ông chính ở sự mạnh bạo và tự tin trong việc thể hiện quan điểm, lập trường trước những vấn đề có tính nhạy cảm: “ Nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh quốc tế trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, người ta thấy rõ can thiệp vũ trang, trừng phạt về kinh tế và thương mại, cô lập ngoại giao, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của từng nước… đều là những thủ đoạn chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, được triển khai một cách đồng bộ của Mỹ và phương Tây. Các thủ đoạn đó đều được triển khai dưới sự chỉ đạo nhất quán của một ý thức hệ cơ bản không hề thay đổi trong suốt hơn nửa thế kỷ qua” ( Bài Trận chiến ý thức hệ chưa kết thúc, 17-8-2001).
Bên cạnh khả năng am hiểu tường tận các vấn đề quốc tế, lối tư duy lôgic và bút pháp ngôn ngữ tài hoa; người đọc thấy ở ông bản lĩnh chính trị vững vàng của một người lính quân đội, tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự, ngoại giao. Bình luận về việc Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết “ Đòi Việt Nam thả tất cả các tù nhân tôn giáo và tù nhân chính trị, huỷ bỏ điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam”, sau những chứng cứ và lập luận đanh thép, Quang Lợi nhấn mạnh: “ ở Việt Nam không có tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Hãy đừng khóc thương theo lối rỏ “ nước mắt cá sấu” cho số phận của “ những tù nhân lương tâm” mà họ tưởng tượng ra. Việt Nam là một đất nước tự chủ, chỉ có Chính phủ và nhân dân Việt Nam mới có quyền giải quyết những vấn đề nội bộ của Việt Nam. Không ai, với bất cứ danh nghĩa gì, lại có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của một đất nước có chủ quyền. Chỉ có nhân dân nước đó mới có quyền lựa chọn thể chế chính trị nào cũng như ai là người lãnh đạo họ”. Cuối cùng, ông kết luận: “ Xin hỏi các ông nghị Mỹ- các ông có chịu chấp nhận việc một nước khác ép buộc Mỹ phải thay đổi thể chế chính trị của mình hay không?” ( Bài Tiếng kèn rè lạc điệu, 25-5-2000). Nếu như việc sử dụng hình thức câu nghi vấn trong mở bài để tạo sự thu hút, để mở ra vấn đề mà nhà báo muốn bàn luận thì một dấu chấm hỏi đặt cuối bài bình luận sẽ xoáy sâu vào lòng người đọc, đặt ra trong đầu họ những sự nghi hoặc, ngờ vực về động thái của đối tượng mà tác giả đã phân tích, lý giải rất kỹ trước đó.
Một thành công không thể không nói đến trong nghệ thuật bình luận của nhà báo Quang Lợi là khả năng dự báo trước những sự kiện, vấn đề có thể xảy ra trên chính trường thế giới: “ Tuy nhiên, do mưu đồ chiến lược cũng như cách hành xử của Oasinhtơn, nước Mỹ chưa bao giờ xây dựng được một mối quan hệ suôn sẻ nào với bất cứ một cường quốc nào. Điều đó cũng cho thấy, quan hệ Mỹ- ấn khó mà diễn ra theo đúng kịch bản của Oasinhtơn” ( Bài Quan hệ Mỹ- ấn trên bàn cờ lớn, 30-9-2000). Có thể khẳng định: các bài bình luận quốc tế của Quang Lợi làm người đọc thán phục và cuốn hút họ bởi khả năng “ tiên đoán” khá chính xác về sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai. Nhiều lần, Quang Lợi có những dự báo xác đáng về tính hình chính sự trên thế giới. Khả năng hiếm có ở những người viết bình luận này đã đưa ông trở thành một “ chuyên gia” về bình luận quốc tế với tố chất mẫn cảm và sự am tường sắc bén.
Chương III
Vai trò then chốt và những nét đặc sắc trong cách lập luận trong thể loại bình luận báo chí
3.1. Vai trò then chốt của lập luận trong các bài bình luận báo chí
3.1.1. Nội dung cơ bản của bài bình luận là thông tin lý lẽ
Như chúng tôi đã phân tích trong chương I, thông tin trong bài bình luận là thông tin lỹ lẽ. Thông tin này không chỉ đơn thuần là sự lựa chọn khéo léo, sự sắp xếp các luận điểm một cách khoa học mà còn thể hiện ở việc tập hợp các sự kiện một cách lôgíc. Trên cơ sở đó, người viết trình bày lần lượt các quan điểm, chính kiến, sự thẩm định, đánh giá của mình thông qua hệ thống lý lẽ, dẫn chứng xác thực để làm sáng tỏ vấn đề. Chính đặc trưng này giúp chúng ta phân biệt thể loại này với các thể loại thông tấn báo chí khác.
Nếu tin, phản ánh, ghi nhanh mô tả, thuật lại các sự việc, sự kiện thì bình luận lại thiên về phân tích, lý giải, nhận xét, bình giá. Nó được hình thành trên cơ sở lập luận với các luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc. Chính vì vậy mà bình luận dùng phương thức biện luận trực tiếp để giải quyết vấn đề. Trong các bài bình luận, người viết dùng lý trí của mình thông qua sự lập luận, tư duy lôgic và sắc bén để bàn luận và thuyết phục công chúng về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Ngay cả cái tôi trong bình luận cũng là cái tôi lý lẽ, cái tôi chủ quan của người viết định hướng tư tưởng người đọc theo quan điểm, đường lối của tờ báo.
Với dạng bài bình luận thì sự kiện là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Đôi khi, nó chỉ là cái cớ để nhà bình luận đưa ra lý lẽ, bàn sâu về những vấn đề nhân sinh, thế sự. Khuynh hướng tư tưởng của người viết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các sự kiện. Thông tin trong bài bình luận là thông tin về một quan niệm, quan điểm, thông tin về một chiều hướng giải quyết hiện thực chứ không phải chỉ để thoả mãn nhu cầu nhận thức sự việc. Do phương phức phản ánh hiện thực là biện luận trực tiếp nên người viết bình luận phải bày tỏ chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm, tư tưởng chính trị của mình trước những vấn đề thời sự nóng hổi. Điều này đòi hỏi những nhà bình luận phải là người có vốn sống, lập trường, quan điểm vững vàng, có tầm nhìn, lý lẽ sắc sảo để dẫn dắt vấn đề. Có như thế, họ mới tìm ra bản chất của vấn đề để định hướng dư luận xã hội, đem đến cho người đọc những nhận thức mới, đúng đắn.
Nhìn chung, các bài bình luận báo chí bao giờ cũng xoay quanh những vấn đề thời sự nóng hổi, những hiện tượng của đời sống xã hội hiện đại. Nó chứa đựng khuynh hướng tư tưởng và sự đánh giá của tác giả thông qua cách thức lập luận và lý lẽ biện luận sắc sảo của người viết. Chính vì vậy mà bình luận nói riêng và chính luận nói chung là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng đối với cuộc chiến chống thù trong, giặc ngoài của dân tộc ta đồng thời là công cụ đắc lực để tuyên truyền, cổ động, giác ngộ quần chúng một cách hiệu quả, thiết thực nhất.
3.1. 2. Hình thức thể hiện cơ bản của bình luận là cách sắp xếp lôgic các luận điểm, luận cứ và luận chứng
Một bài bình luận bao giờ cũng được xây dựng trên hệ thống một luận điểm, luận cứ, luận chứng và theo một trình tự lôgic, thống nhất thông qua một chuỗi lý lẽ sắc bén và thuyết phục. Khi đã có được một hệ thống lập luận đầy đủ và chuẩn xác, người viết sẽ tiến hành xây dựng bài bình luận trên cơ sở vận dụng lý lẽ kết hợp với ngôn từ. Một tác phẩm bình luận báo chí bao giờ cũng có 2 phần chính là phần “ bình” và phần “ luận”. Bình là xem xét, phân tích các khía cạnh của sự kiện, vấn đề; đặt nó trong thế so sánh, đối chiếu để làm sáng rõ bản chất vấn đề; khai thác, thẩm định, đánh giá nó ở các nội dung ý nghĩa. Còn luận là sự suy rộng ra, bàn bạc mở rộng vấn đề, đặt nó trong quá trình diễn biến để đi đến nhận định, dự báo khả năng phát triển và ảnh hưởng, tác động của nó đến đời sống xã hội. Chỉ có ở thể loại bình luận, các sự kiện, vấn đề mới được soi rọi, khoan sâu để tìm ra bản chất và đem lại nhận thức sâu sắc hơn.
Nếu tin đăng tải các sự kiện đã và đang diễn ra; phóng sự nhấn mạnh đến chi tiết, hình tượng nhân vật và cái “ tôi” người viết thì bình luận nghiêng về cách lập luận vấn đề theo sự sắp xếp lôgíc, hợp lý hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng. Trong một bài bình luận có thể có một hoặc nhiều luận điểm. Đó là những ý trực tiếp cấu thành chủ đề, có sức khái quát cao, chứa đựng những quan niệm, tư tưởng sâu sắc. Các luận điểm này tương đối độc lập với nhau và cùng có nhiệm vụ làm rõ thêm cho chủ đề. Tính độc lập tương đối của các luận điểm biểu hiện ở chỗ, trong một tác phẩm, luận điểm này không nằm trong luận điểm kia. Luận điểm thường là một bộ phận rất ngắn gọn, cô đúc; có khi luận điểm được khái quát như những chân lý; có khi luận điểm được nêu lên bằng những câu hỏi. Để làm sáng tỏ luận điểm, tư tưởng của người viết được kết đọng trong các luận cứ. Các luận cứ được lập luận một cách chặt chẽ, linh hoạt, muôn màu, muôn vẻ. Nội dung bài bình luận được hình thành do các luận điểm, luận cứ. Tuy nhiên các luận điểm, luận cứ đó gắn kết với nhau không phải bằng sự liệt kê, kể lể tuỳ tiện mà chúng phải được nối với nhau theo những quan hệ nhất định. Luận chứng có nhiệm vụ triển khai, kết dính các luận cứ và luận điểm, giữa các ý với nhau nhằm mục đích dẫn dắt người đọc đến với ý đồ của tác giả.
Có thể nói, bình luận thuyết phục người đọc nhờ cách lập luận của người viết. Lập luận chặt chẽ, lôgic sẽ tìm ra bản chất của sự việc và xu hướng phát triển của nó từ đó thể hiện quan điểm của tác giả, định hướng tư tưởng cho công chúng. Lấy thông tin lý lẽ làm cơ sở nên bình luận báo chí đòi hỏi rất cao hoạt động tư duy là khả năng lập luận chặt chẽ. Một bài bình luận tác động đến công chúng không những thấu tình mà phải đạt cả lý, phải làm cho người đọc “ tâm phục, khẩu phục”. Cho nên Hữu Thọ trong cuốn Bình luận báo chí thời kỳ đổi mới có nói “ trong các sự khó của nghề báo thì viết “ luận là rất khó”.
3.2. Những đặc sắc rút ra từ cách lập luận trong loại bài bình luận báo chí
3.2.1. Đặc trưng thể loại quy định kết cấu lập luận
Qua phân tích bài bình luận của các nhà báo: Hữu Thọ, Chu Thượng, Quang Lợi; người viết rút ra có 2 dạng kết cấu quy định cách lập luận. Dạng thứ nhất thường xuất hiện trong loại bài bình luận sự kiện như các bài “ Sự kiện và bình luận” của Chu Thựơng. Một sự kiện vừa mới xảy ra hôm qua thì có thể ngay ngày hôm sau, độc giả đã thấy nó xuất hiện trong “ Sự kiện và Bình luận” với những lời bình luận sắc sảo, ngắn gọn. Tính thời sự đã buộc chuyên mục này phải bắt kịp những vấn đề, sự kiện, hiện tượng nóng bỏng trong đời sống xã hội và phải được viết một cách cô đọng, hàm súc với dung lượng đã được cố định trên trang nhất. Người viết chỉ cần tóm tắt sự kiện, bổ sung, thông báo thêm một hoặc nhiều thông tin khác cùng đề tài. Tiếp đến là vận dụng lý lẽ để phân tích, giải thích sự kiện trên. Phần cuối thường là hướng giải quyết vấn đề đặt ra hoặc thái độ của tác giả đối với sự kiện đó. Trong dung lượng của một bài bình luận ngắn, thuyết phục được người đọc là không dễ. Không thể “ép” độc giả nghe theo mình nếu nhà báo không đưa ra được những lý lẽ xác đáng, những thông tin cần thiết chứng minh cho lập luận của mình. Chỉ có những yếu tố ấy mới là căn cứ để bài bình luận đạt được giá trị như mong đợi. Cách viết thể loại bình luận này rất thịnh hành từ báo trung ương đến địa phương, từ báo chính trị- xã hội đến báo chuyên ngành… Nó đòi hỏi người viết vừa nhạy bén, bám sát dòng sự kiện lại vừa có khả năng thâu tóm, tìm ra bản chất sự kiện, nhanh chóng định hướng dư luận quần chúng.
Dạng kết cấu bình luận thứ hai thường xuất hiện trong các bài bình luận vấn đề ( các bài bình luận của Hữu Thọ và Quang Lợi). Dạng bài này có kết cấu chặt chẽ hơn, đòi hỏi người viết phải có hệ thống luận cứ, luận điểm và luận chứng lôgic, thống nhất với 3 phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề. Người viết có nhiệm vụ xây chuỗi các sự kiện, hiện tượng và khái quát thành vấn đề có tính thời sự và bức thiết trong đời sống xã hội. Kết cấu thông thường là kết cấu tam đoạn luận gồm 3 phần:
Đặt vấn đề: nêu sự kiện được bình luận. Phần mở đầu có nhiệm vụ giới thiệu chủ đề, xác lập mối quan hệ giữa tác giả với đối tượng giao tiếp; cung cấp những thông tin nền, làm bối cảnh chung cho chủ đề của văn bản. ở một mức độ cần thiết, mở đầu có thể giới thiệu dàn bài tổng quát hoặc phương hướng triển khai của văn bản; khơi gợi được sự chú ý của người đọc đối với các vấn đề sẽ trình bày.
Giải quyết vấn đề: so sánh, đối chiếu, phân tích sự kiện. Phần thân thường được coi là phần quan trọng nhất trong kết cấu của văn bản. Nhiệm vụ trung tâm của phần thân là triển khai đầy đủ đề tài- chủ đề, phát triển những tư tưởng chủ yếu đã được vạch ra ở phần mở đầu cho đầy đủ, trọn vẹn. Nghĩa là nếu phần mở đầu mang những thông tin tổng luận thì phần này mang những thông tin chi tiết, cụ thể, đáp ứng sự chờ đợi của người đọc. Tuỳ thuộc vào số lượng của các chủ đề bộ phận, mức độ phức tạp của vấn đề định trình bày mà triển khai một hay nhiều đoạn văn, dài hay ngắn. Các đoạn văn này được sắp xếp theo một trật tự logic nào đó và được liên kết với nhau về mặt hình thức
Kết thúc vấn đề: đưa ra ý kiến, quan điểm, bình giá của báo nói chung và tác giả nói riêng đối với sự kiện, vấn đề được đề cập.
3.2.2. Khái quát mô hình lập luận
Đi tìm một mô hình lập luận chung cho các bài bình luận là điều rất khó bởi sự phong phú, sáng tạo của các nhà báo khi lý giải, phân tích, nhận định vấn đề. Bài bình luận là dạng bài mang nhiều dấu ấn của cái tôi cá nhân với cá tính sáng tạo và đặc trưng trong phong cách thể hiện. Khi tất cả sự phân chia dạng bài trong thể loại bình luận vẫn chỉ là tương đối thì ở phạm vi nghiên cứu của luận văn này, chúng tôi tạm chia những bài bình luận của 3 nhà báo: Hữu Thọ, Chu Thượng, Quang Lợi thành 2 dạng bài: bình luận sự kiện và bình luận vấn đề.
Dưới đây là 2 mô hình chung, khái quát, đặc trưng cho cách lập luận trong mỗi dạng bài còn việc phân tích cụ thể, chúng tôi đã trình bày rất rõ trong chương II.
Luận điểm 1
Luận điểm 2
Luận cứ 1
Luận cứ 2
Luận cứ 3
Luận điểm 3
Kết thúc vấn đề
Đặt vấn đề
Luận cứ 1
Luận cứ 2
Luận cứ 3
Luận cứ 1
Luận cứ 2
Luận cứ 3
Giải quyết vấn đề
Phương pháp diễn dịch
Phương pháp quy nạp
Mô hình lập luận trong dạng bài bình luận sự kiện ( thông qua bài bình luận của nhà báo Chu Thượng)
Mô hình lập luận trong dạng bài bình luận vấn đề ( thông qua bài bình luận của Hữu Thọ và Quang Lợi)
Đặt vấn đề
Thông tin sự kiện
Thông tin bổ sung
Nhận định, thái độ, hướng giải quyết vấn đề
Phân tích, lý giải
Phương pháp quy nạp
Có thể nói, so với bình luận của Hữu Thọ, các bài bình luận của Quang Lợi thường có kết cấu phức tạp hơn do tính chất vấn đề và sự phức tạp trong việc phân tích, mổ xẻ các mặt của một vấn đề. Bình luận của Quang Lợi thường có nhiều luận điểm nhưng ông lại có cách sắp xếp các luận điểm, luận cứ rõ ràng, lôgic nên lập luận trong bài viết của ông chặt chẽ, biện chứng và rất khoa học. Lối tư duy mạch lạc, trí tuệ đã giúp Quang Lợi có được những tác phẩm thành công, tiêu biểu cho mô hình lập luận và đặc trưng cho cách viết bài bình luận.
3.2.3. Luận cứ- chính xác và lôgic
Để lập luận đúng, thuyết phục được người đọc thì yêu cầu đầu tiên và quan trọng là luận cứ đưa ra phải chính xác. Việc khai thác và dẫn dắt sự kiện, vấn đề quyết định một phần lớn thành công của bài bình luận. Chính vì vậy mà lựa chọn sự kiện và trích dẫn số liệu độc đáo, hợp lý tạo nên sự thành công và sức hấp dẫn cho bài bình luận. Có thể sự kiện được lựa chọn để bình luận không thật sự nổi bật và mang tính thời sự cao nhưng nó có ý nghĩa, tác động xã hội. Những sự kiện được đưa ra để bàn luận vừa mang tính thời sự, vừa chứa đựng ý nghĩa, tầm sâu tư tưởng mà các tác giả muốn gửi gắm đến độc giả. Bên cạnh những số liệu, sự kiện khô khan là những lời bình luận sử dụng những hình ảnh ví von, so sánh, những câu thành ngữ, tục ngữ, những biện pháp tu từ… để bình và luận về hiện tượng, sự kiện, vấn đề.
Chu Thượng là người viết bình luận rất coi trọng sự chính xác của số liệu trong sự kiện vì trong một lần trả lời phỏng vấn trên Nhà báo và Công luận số ra tháng 3/2003, ông nói: “ Số liệu là linh hồn của sự kiện. Nói bằng số liệu là cách nói ngắn gọn nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất”. Những số liệu chính xác của phần sự kiện đã tăng tính thuyết phục, tính báo chí của chuyên mục. Số liệu được cập nhật mang tính thời sự cao đồng thời nó được sắp xếp theo một bố cục chặt chẽ, lôgic phục vụ cho “ ý đồ” của người viết để làm sao thuyết phục người đọc và đồng thời không khô khan, gây ấn tượng với độc giả. Với nhà báo Chu Thượng “ tìm ra số liệu, liệt kê số liệu là một chuyện, nhưng làm thế nào để từng số liệu phải rung lên, nồng ấm lên, cay chua lên… lại là chuyện khác” (trả lời phỏng vấn trên Nhà báo và Công luận số ra tháng 3/2003). Ông thừa nhận “ đã rung động đến mức chính những số liệu tưởng như vô hồn cũng phải rung lên mạnh mẽ”. Vì thế mà Chu Thượng suy nghĩ và tìm thấy cho sự kiện những lơì bình chứa đựng tầm sâu tư tưởng, có sự tác động mạnh mẽ đến độc giả. Tác giả đã kết hợp khéo léo sự khô khan, lạnh lùng của số liệu với sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng, hào hoa của ngôn ngữ bình luận. Bên cạnh cách thức đưa sự kiện bằng lời kể, diễn giải của tác giả, Chu Thượng cũng sử dụng cách trích dẫn trực tiếp câu nói, lời phát biểu của những người có thẩm quyền, chịu trách nhiệm và liên quan trực tiếp đến sự kiện. Sự kết hợp giữa các đặc trưng ngôn ngữ bình luận không chỉ tạo cho các bài viết của Chu Thượng giọng điệu phong phú, đa dạng mà còn giúp độc giả tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, không áp đặt.
Hữu Thọ trong bài viết “Viết luận để bàn luận” đã nói rằng: “ Người bình luận” là một chức danh nghề nghiệp cao quý của báo chí. Đặt bút viết “ luận” là khi thấy một sự kiện, một vấn đề, có khi là một hiện tượng có ý nghĩa đang diễn ra cần phải “ luận” bàn, phân tích lý lẽ, nêu một vấn đề mới, kịp thời trước bạn đọc. Vấn đề quan trọng là bài bình luận đó xuất phát từ tư cách gì mà “ bình” do đó có tầm quan trọng khác nhau. Quy luật, phương pháp thực hiện bình luận phải lấy “ luận” làm gốc nhưng “ luận” nào trên báo cũng phải lấy vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong thực tiễn đang diễn ra làm nguyên liệu”. Coi sự kiện, hiện tượng là nguyên liệu, là cái “ cớ” để bình luận nên rất nhiều bài viết của ông trong tập Bản lĩnh Việt Nam thường mở đầu bằng việc dẫn ra cụ thể thông tin đó. Tuy nhiên, nếu so với Chu Thượng thì Hữu Thọ không cầu kỳ, không “ làm mới” sự kiện, hiện tượng đó bằng cách sử dụng các biện pháp tu từ hay thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh. Thường thì các số liệu, trích dẫn được Hữu Thọ đưa nguyên vào bài viết. Trong lập luận, cách trích dẫn luận chứng như thế đảm bảo tính chính xác, chân thực của thông tin nhưng lại kém hấp dẫn và ít gây ấn tượng với độc giả.
Với một sự kiện quốc tế, một sự kiện mà nó diễn ra ở cách chúng ta nửa vòng trái đất; tác giả không được trực tiếp chứng kiến mà chỉ biết thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng… thì việc hiểu, thấu tóm và tìm ra bản chất của vấn đề là một điều rất khó. Nhất là khi đó lại là những vấn đề động chạm đến thể chế chính trị, xu hướng toàn cầu, tham vọng và việc lập lại trật tự thế giới… Quang Lợi với sự am hiểu tường tận, vốn kiến thức rộng cùng với sự nhạy cảm chính trị đã luôn nắm bắt được những sự chuyển động, những mạch ngầm của một bề mặt thế giới tưởng như phẳng lặng. Một sự thay đổi dù nhỏ nhất: một chiến lược mới của nước Mỹ trong cuộc chiến Côxôvô hay cái bắt tay của những nhà lãnh đạo… cũng không lọt qua nhãn quan chính trị sắc sảo của nhà bình luận quốc tế Quang Lợi. Như bình luận về cuộc chiến tranh Côxôvô- chùm 24 bài của ông xung quanh đề tài này đã được giải báo chí Toàn quốc năm 1999. Dù là bình luận về một sự kiện nhưng do nó là các vấn đề quốc tế có tính chất phức tạp nên các bài bình luận của Quang Lợi thường khá dài và được nâng lên thành những bài bình luận vấn đề. So với Chu Thượng và Hữu Thọ thì cách sử dụng luận cứ của Quang Lợi mang nhiều tính lôgic, nặng yếu tố tư duy. Đơn giản như với những số liệu trích dẫn, ít khi Quang Lợi đưa số liệu không mà ông thường đặt chúng trong sự so sánh, liên tưởng với những con số đối nghịch hoặc cùng loại.
Có thể nói, dù “ cầu kỳ” hay đơn giản thì cách sử dụng luận cứ để chứng minh cho luận điểm của 3 nhà bình luận đều gặp nhau ở 1 điểm chung nhất; đấy là đề cao tính chính xác và lôgic. Đây là yếu tố quan trọng, đảm bảo cho một lập luận đúng và thuyết phục.
3.2.4. Sáng tạo và cá tính trong bình luận của Hữu Thọ, Chu Thượng và Quang Lợi
Cái tôi trong bình luận là cái tôi lý lẽ. Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng sự nhạy cảm và tư duy sắc sảo, bằng trình độ hiểu biết sâu rộng, cái tôi nhà bình luận đi sâu phân tích, lý giải sự kiện và vấn đề mà bài viết đặt ra. Sáng tạo cá nhân có vai trò quyết định trong viết bình luận. Cái tôi của nhà bình luận chính là cá tính sáng tạo vốn không thể tách rời khỏi sự “ đắm mình”, có khi là sự “ hoá thân” vào sự kiện để giúp người bình luận không chỉ hiểu được sự kiện, mổ xẻ được nó mà còn tạo cho mình một tâm thế, một cảm xúc khi viết.
3.2.4.1. Sáng tạo và cá tính trong bình luận của Hữu Thọ
Trong giai đoạn bắt đầu đổi mới nổi lên một cây bút chiến đấu, luôn lăn xả vào cuộc sống, phát hiện ra những vấn đề mới mẻ đó là Hữu Thọ. Từ cách lập luận, cách phân tích, lý giải các vấn đề, cách dùng câu chữ… đều được nhà báo quan tâm đặc biệt với lập trường, quan điểm rõ ràng. Đặt trong hoàn cảnh những năm 1990 của thế kỷ XX, khi mà chúng ta đang đứng trước nhiều sự thay đổi, mới mẻ; cũng do nhu cầu độc giả lúc bấy giờ nên cái “ tôi” nhà báo luôn được người viết thể hiện một cách trực diện.
Có đến hơn 50% các bài bình luận của Hữu Thọ in trong cuốn Bản lĩnh Việt Nam là có sử dụng đại từ xưng hô ngôi thứ nhất bao hàm cả người nói lẫn người nghe, đó là những từ chúng ta, chúng tôi. Nhà báo sử dụng những từ này để thể hiện thái độ của tác giả đồng thời cũng bao hàm cả thái độ của bạn đọc đối với vấn đề tác giả đang đề cập. Ví dụ như trong bài Ngọt ngào ( đăng ngày 1-1-1987), Hữu Thọ viết: “ Chúng ta không có củ cải đường như các nước châu Âu. Chúng ta cũng không có đồng mía bạt ngàn như Cu- ba. Nhưng đất trồng mía của ta không ít… Năng suất của ta mới được 300 tạ mía cây một hecta, một năng suất thấp nhưng làm khá có thể được 500, 600 rồi 700 tạ. Mà một tấn mía cây, ít ra cũng được 75kg đường. Chúng ta thử cầm bút hạ con tính mà xem, đời ta đến nỗi gì thiếu vị ngọt? ấy thế mà ta cứ thiếu…” Trong bài Chuyện gạo ( đăng ngày 14-1-1990), Hữu Thọ đã dùng rất nhiều đại từ tôi: “ Có chuyện gạo thôi mà tôi thấy rất mừng cả ở ngoài chuyện gạo… Lòng tôi mừng lắm và còn phải suy nghĩ tiếp tục về những bài học mà nó mang lại, nhưng tôi không thích dùng tính từ “ kỳ diệu”, “ thần kỳ” vì nó không có mức độ và dễ sinh chủ quan… Cho nên, tôi rất đồng ý với ai đó nói là tình hình lương thực năm nay tạo nên cái đà mới, vì có chính sách đúng…”. Một cái tôi hiển hiện trong từng câu chữ, đặt trong một loại bài mang nặng tính tư tưởng như bình luận là điều dễ thuyết phục người đọc. Bên cạnh đó là khoảng 17% các bài có sử dụng những từ tình thái biểu hiện quan hệ trực tiếp của tác giả đối với vấn đề mà tác giả đang đề cập đến.
Hữu Thọ làm việc ở tờ báo ngày nên các bài bình luận phải đảm bảo tính cập nhật, viết ngắn, chủ yếu bám sát guồng thời sự mà luận: “ Tôi nghĩ rằng trong các sự khó của nghề báo thì viết “ luận” là rất khó. Viết “ luận” phải nghĩ kỹ, viết kỹ, nhưng viết “ luận” cho báo ngày lại phải viết nhanh, có bài vừa nghĩ vừa viết không quá một giờ đồng hồ, phải viết một lần cho kịp, cho nên lại càng khó và nguy hiểm”. Chính vì thế mà các bài bình luận đăng trên báo ngày của Hữu Thọ thường rất ngắn gọn: từ 700 đến 1500 chữ bàn đến những vấn đề cụ thể và đề ra hướng đi, cách giải quyết để bạn đọc cùng quan tâm, suy ngẫm. Viết bình luận, ông luôn tỏ thái độ thẳng thắn, rõ ràng nhưng thuyết phục người đọc một cách có tình có lý, không áp đặt, cực đoan. Nhiều lúc, ngòi bút của ông châm biếm chua cay nhưng vẫn trên tinh thần phê phán, góp ý một cách tích cực
3.2.4.2. Sáng tạo và cá tính trong bình luận của Chu Thượng
Với Chu Thượng thì ông lại có cách thể hiện cái tôi khác. Chu Thượng rất hiếm khi xưng tôi với người đọc nhưng độc giả vẫn thấy hiển hiện một cây bút hóm hỉnh, đầy cá tính. Đó là một cái tôi lý lẽ với những lời bình luận sắc sảo, với những nhận định táo bạo và thẳng thắn. Cách viết này của Chu Thượng là lối bình luận ngắn gọn, hàm súc với quan điểm đại diện cho tiếng nói của toà soạn. Chu Thượng bộc bạch: “ Khi nhiệm vụ của người đưa tin chấm dứt thì người bình luận lên tiếng, có thể viết bình luận về nhiều đề tài khác nhau nhưng cái chính là phải biết đưa vào một ý tưởng, một cách nhìn”.
Chu Thượng luôn tìm cách đưa vào trong bài bình luận của mình những thông tin, sự kiện điển hình để làm nổi bật vấn đề bàn luận. Những bài viết của Chu Thượng trong mục “ Sự kiện và Bình luận” là những bài bình luận ngắn, bình luận sự kiện nên thông thường chỉ có một luận điểm duy nhất chính là chủ đề tác phẩm. Còn những thông tin xung quanh sự kiện, vấn đề chính là những luận cứ minh chứng cho luận điểm mà ông thường thể hiện rõ nhất trong phần kết luận.
Mỗi bài bình luận ngắn thường chỉ loé sáng một ý chủ đạo, đó chính là chủ đề. Dùng những chi tiết sống động, những tư liệu có giá trị minh họa và chứng minh cho lập luận của tác giả, những bài bình luận sự kiện của Chu Thượng điển hình cho lối viết ngắn gọn, hiện đại và hấp dẫn, có sức thuyết phục cao đối với người đọc. So với Hữu Thọ thì cách lập luận của Chu Thượng lôgic, biện chứng và cũng sinh động, linh hoạt hơn. Tác giả vừa thể hiện quan điểm chính thống của tờ Lao Động, không xa dời tôn chỉ, mục đích của tờ báo là phục vụ nhân dân Lao Động, vừa để lại dấu ấn riêng trong từng bài viết. Ngôn ngữ bình luận của ông rất gần với ngôn ngữ đời thường của người lao động nên nó khiến cho các bài bình luận của ông đến gần với độc giả hơn.
3.2.4.3. Sáng tạo và cá tính trong bình luận của Chu Thượng
Nhìn chung, phân tích các bài báo của nhà bình luận quốc tế Quang Lợi, người ta thấy ông là một cây bút tài hoa, trí tuệ. Lối tư duy lôgíc, khoa học và biện chứng đã giúp ông nhìn thấy chiều sâu của mọi vấn đề, chọn lọc sự kiện ở những sắc thái góc cạnh và thời điểm thích hợp nhất. Thành công trong những bài bình luận của Quang Lợi chính là lối lập luận lôgic đầy trí tuệ bên cạnh sự sáng tạo của ngôn từ. Người đọc không chỉ bị thuyết phục trước lối tư duy triết học uyên bác mà còn bởi cách thể hiện vấn đề linh hoạt, sống động. Các biện pháp tu từ và nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, ví von đã được ông sử dụng một cách nhuần nhuyễn và tinh tế.
Trong toàn bộ tuyển tập, Quang Lợi đã tìm được những cách định danh vô cùng ấn tượng, tạo cảm nhận về một sự độc đáo, không chỉ ở bình diện ngôn từ mà đằng sau ngôn từ là một nhận thức mới mẻ về thế giới mà ta đang sống: cơn bão tài chính tiền tệ, hội chứng đôminô, sự ngã bệnh của một nền kinh tế lớn, nhịp đập châu á, kỷ nguyên cất cánh, đường ray của sự sắp đặt, thứ triết lý của kẻ mạnh, sự biến hoá vai diễn, những điểm nhạy cảm và đau nhức trên cơ thể nước Nga, những kẻ sắp đặt thế giới… Trong bài Tấn trò giễu cợt công lý tác giả viết: “ … Chẳng lẽ liên bang Nam Tư với những đặc điểm lịch sử, địa lý, dân tộc riêng của mình lại có thể phù hợp với cả ba loại mô hình có nhiều khác biệt này hay sao? Trong “ phiên chợ chiều” ảm đạm này của nhà nước liên bang, lời đề xuất của ông V. Côxtunica cũng chỉ được xem như một tiếng rao buồn bã, ít động lòng những người trong cuộc. Trong con mắt của những người trọng danh dự và công lý, phiên toà xét xử cựu tổng thống S. Milôxêvích chính là tấn trò giễu cợt công lý…” Chỉ mấy dòng rất ngắn thế nhưng có tới 3 cụm danh từ đặc sắc: phiên chợ chiều ảm đạm, một tiếng rao buồn bã, tấn trò giễu cợt công lý. Những cánh định danh này cho thấy nỗi buồn và sự bất bình của người viết- buồn cho đất nước Nam Tư, bất bình thay cho những người “ trọng danh dự và công lý”.
Đọc bình luận quốc tế của Quang Lợi nhiều khi người đọc quên mất ông là một nhà báo. Sự am tường và cách phân tích, mổ xẻ vấn đề ở nhiều góc độ khiến ông giống một nhà chính trị, ngoại giao, một nhà quân sự, một triết gia. Một cái tôi trí tuệ, bản lĩnh và nhạy cảm với những vấn đề thời cuộc. Người đọc mến mộ và khâm phục ông bởi những lập luận đầy lôgic, biện chứng và hơn hết chính là khả năng phán đoán, dự báo chu trình vận động của sự kiện, hiện tượng.
Hồ Quang Lợi trong bài viết “ Cá tính sáng tạo trong bình luận” có nói: “Trong những trường hợp chưa thể khẳng định một điều gì đó thì nên bớt đi tính khẳng định, chủ yếu dự báo xu thế vận động và phát triển của vấn đề nhằm tránh chủ quan, áp đặt nhưng vẫn phải có sự định hướng cần thiết cho bạn đọc. Đồng thời cách viết đó tăng thêm tính chia sẻ: tức là giúp bạn đọc phát triển ý tưởng của mình lên. Một nhà báo phải chịu trách nhiệm về những gì anh ta viết ra. Mà thực tế thì luôn có những biến động bất ngờ và phức tạp. Nếu anh dự báo sai, bạn đọc sẽ đánh mất niềm tin ở anh, danh dự, sự nghiệp của nhà báo đó có thể sẽ không còn. Khi viết bình luận, đừng đóng chặt cửa sau của mình”.
Mỗi nhà báo tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của vấn đề và quan điểm chính trị, nhạy cảm thời sự mà đưa ra những nhận định riêng trong mỗi bài bình luận. Một cái tôi thiếu lý lẽ, mờ nhạt và ít cá tính sẽ không thuyết phục được người đọc. Và như thế, bài bình luận sẽ không đạt được hiệu quả thông tin như mong đợi.
Kết luận
1. Vận dụng lý thuyết lập luận vào phân tích hơn 300 bài bình luận của các tác giả: Hữu Thọ, Chu Thượng, Quang Lợi; chúng tôi khẳng định rằng: Lập luận là yếu tố then chốt, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quyết định thành công của một bài bình luận báo chí. Sức hấp dẫn của bài bình luận không nằm ở chi tiết giật gân, ly kỳ mà chính là ở cách lập luận, ở cách phân tích, mổ xẻ vấn đề một cách lôgíc, mới mẻ đem lại cho người đọc những thông tin mới, nhận thức mới. Đó là chiến lược trình bày vấn đề, là cách thức sắp xếp nội dung sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, một mặt cần nêu rõ các luận điểm để người đọc hiểu người viết muốn trình bày vấn đề gì, ý kiến của người viết về vấn đề đó ra sao. Mặt khác phải biết cách luận chứng, tức là biết vận dụng các phép suy luận lôgic, đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng cần thiết, phối hợp chúng một cách thích hợp để chứng minh cho các luận điểm được nêu, thuyết phục người đọc tin vào tính đúng đắn của các luận điểm đó.
2. Tuỳ thuộc vào các dạng bài bình luận mà lập luận có kết cấu phù hợp với nội dung, mục đích và dung lượng bài viết. Một bài bình luận ngắn thường chỉ loé sáng một ý chủ đạo, đó chính là chủ đề. Rồi dùng những chi tiết sống động, những tư liệu có giá trị minh họa và chứng minh cho lập luận của tác giả, tạo hồn cho bài viết mới có sức thuyết phục cao đối với người đọc, người nghe. Trong khi đó với những bài bình luận vấn đề, ở những thời điểm quan trọng thì nó phải đảm bảo một hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc. Nó phải thể hiện được quan điểm, đường lối, lập trường và nhận định của nhà báo, cơ quan báo chí về sự kiện, hiện tượng đó. Một bài bình luận phải đạt được 3 cái đúng sau: đúng bản chất của sự việc, vấn đề; đúng xu thế phát triển của tình hình; đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ba yếu tố này không hề trái ngược nhau mà còn bổ sung cho nhau với điều kiện nhà bình luận có lối tư duy khách quan, khoa học.
3. Phân tích các bài bình luận cho thấy: Luận cứ và kết luận là 2 yếu tố then chốt trong lập luận. Các lý lẽ và dẫn chứng thuyết minh, phục vụ cho luận điểm thường được gọi là luận cứ. Yêu cầu của luận cứ là phải xác thực, đáng tin cậy. Dù tiến hành luận chứng theo phương pháp nào thì lập luận bao giờ cũng cần phải chặt chẽ, sắc bén. Tức là các luận điểm phải được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, hệ thống thông tin lý lẽ phải được dẫn dắt, sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Các dẫn chứng cần phải chính xác, phù hợp với các luận điểm được đưa ra. Có nhiều nhà báo, họ chăm chút, đầu tư nhiều công sức vào phần mở đầu mà ít quan tâm đến phần kết luận nên thường viết một cách đại khái. Thực ra đây là phần rất quan trọng đối với toàn bộ cấu trúc văn bản. Nó có nhiệm vụ đặt dấu chấm cuối cùng cho nội dung văn bản, thông báo về sự hoàn chỉnh, trọn vẹn của văn bản.
4. Cái tôi trong bình luận là cái tôi lý lẽ- cá tính sáng tạo. Một bài bình luận vừa dựa trên những cơ sở chung nhất nhưng lại là một sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Văn chính luận thường khô khan, dập khuôn, công thức. Tạo được bản sắc riêng trong viết bình luận là rất khó. Làm cho bài viết trở nên hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn người đọc là điều khó hơn. Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng sự nhạy cảm và tư duy sắc sảo, bằng trình độ hiểu biết sâu rộng, cái tôi nhà bình luận đi sâu phân tích, lý giải sự kiện và vấn đề mà bài viết đặt ra. Sáng tạo cá nhân có vai trò quyết định trong viết bình luận. Cái tôi của nhà bình luận chính là cá tính sáng tạo vốn không thể tách rời khỏi sự “ đắm mình”, có khi là sự “ hoá thân” vào sự kiện để giúp người bình luận không chỉ hiểu được sự kiện, mổ xẻ được nó mà còn tạo cho mình một tâm thế, một cảm xúc khi viết. Qua những bài bình luận của Chu Thượng, người ta thấy ở ông sự thâm trầm, sâu lắng pha chút hóm hỉnh, bình dị của một nhà báo “ lão làng” giàu kinh nghiệm, có bề dày văn hoá và sự trải nghiệm cuộc sống. Bình luận của Hữu Thọ tuy sắc sảo, chặt chẽ trong cấu tứ và lập ý nhưng thiếu sự mượt mà, chau chuốt của ngôn từ và hình ảnh, không có nhiều hình tượng và biểu tượng như Chu Thượng nên bớt đi độ sâu và sự lấp lánh của tác phẩm. Đôi khi ông hay tản mạn, không đi đến cùng và thiếu quyết liệt. Quang Lợi trí tuệ và bản lĩnh, hào hoa và cũng đầy triết lý trong lập luận tuy còn một số hạn chế nhất định như đôi khi vì quá lạm dụng, quá cầu kỳ mà ông đưa ra những từ ngữ chưa thật thông dụng, xa lạ với số đông công chúng nên một số bài viết rơi vào tình trạng “ bác học”, khó hiểu. Việc lạm dụng câu dài cũng khiến cho nhiều bài bình luận dài, dàn trải không cần thiết.
Có thể nói, một bài bình luận thành công, thuyết phục người đọc phải đạt được 3 cái đúng sau: đúng bản chất của sự việc, vấn đề; đúng xu thế phát triển của tình hình; đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ba yếu tố này không hề trái ngược nhau mà còn bổ sung cho nhau với điều kiện nhà bình luận có lối tư duy khách quan, khoa học. Trước xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, trước nhu cầu của độc giả trong thời buổi kinh tế thị trường, thể loại bình luận đã có những thay đổi nhất định, sáng tạo, làm mới mình để ngày càng hấp dẫn độc giả hơn. Ngày nay, độc giả khó có thể chấp nhận những bài viết xơ cứng, một chiều, nói lấy được. Người viết bình luận luôn luôn được định hướng chung bởi chính sách, đường lối của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của tổng biên tập. Đối với báo hàng ngày thì một bài bình luận ra kịp thời, giá trị của nó sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Ngược lại, nếu để chậm thì sự kiện sẽ trôi đi. Chính vì vậy mà bình luận ngắn, bình luận sự kiện là loại bài khá phát triển và phổ biến hiện nay. Nó được xây dựng trên cơ sở chi tiết tiêu biểu về những sự kiện riêng lẻ trong một lĩnh vực nào đó đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tác giả lựa chọn, phân tích một cách hệ thống, bằng tư duy sắc sảo, tái hiện một bức tranh tổng thể về đời sống xã hội, giúp người đọc hiểu sâu sắc và đầy đủ về vấn đề mà tác giả đề cập.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, công chúng có thể dễ dàng, chủ động trong việc lựa chọn các nguồn tin từ các cách tiếp cận khác nhau. Yêu cầu đặt ra đối với các nhà bình luận cũng vì thế mà khắt khe hơn. Trong lúc phải nâng cao sự vững vàng về chính trị, nghiệp vụ thì người viết bình luận phải có đầu óc năng động, sáng tạo, tự tin, dám chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Làm được như thế là một bài toán khó: vừa vững vàng, cẩn trọng mà lại vẫn không kìm hãm sự năng động, sáng tạo. Hai yêu cầu tưởng như đối trọi, kìm hãm nhau phải được bổ sung cho nhau. Sự năng động, sáng tạo phải thăng hoa trên nền của sự vững vàng, cẩn trọng, nghĩa là sự vững vàng cẩn trọng phải là giá đỡ cho sự năng động, sáng tạo còn sự năng động sáng tạo sẽ chắp cánh cho sự vững vàng, cẩn trọng.
Danh mục tài liệu tham khảo
I. Tài liệu tiếng Việt
[1]. Cách viết một bài báo (1987), Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội.
[2]. Hoàng Anh (2003), Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb Lao động, Hà Nội.
[3]. Vũ Quang Hào (2007, tái bản), Ngôn ngữ báo chí, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
[4]. Vũ Quang Hào, Bài giảng môn Ngôn ngữ truyền thông, Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH và NV ( 2006- 2008).
[5]. Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang (2004), Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[7]. Nguyễn Thiện Giáp ( 2000), Dụng học Việt ngữ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
[8]. Đỗ Hữu Châu (1980), “Mấy vấn đề tổng quát trong việc chuẩn mực hóa và giữ gìn trong sáng của tiếng Việt về mặt từ vựng - ngữ nghĩa”, Tạp chí Ngôn ngữ .
[9]. Đỗ Hữu Châu ( 2007), Đại cương ngôn ngữ học ( tập 2), Nxb Giáo dục
[10]. Đỗ Hữu Châu ( 1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục
[11]. Đức Dũng ( 2001), Viết báo như thế nào, Nxb Văn hoá- Thông tin, Hà Nội.
[12]. Hội Nhà báo TP. HCM, Tạp chí Nghề báo, năm 2002 - 2004.
[13]. Hội Nhà báo Việt Nam (1992), Nghề nghiệp và công việc của nhà báo, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
[14]. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2000), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[15]. Viện Ngôn ngữ học (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội.
[16]. Trần Quang ( 2000), Các thể loại chính luận báo chí, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
[17]. Trần Thế Phiệt ( 1997), Tác phẩm báo chí ( tập 3), Nxb Giáo dục
[18]. Trần Đình Sử ( chủ biên) ( 1994), Sách làm văn, Nxb Giáo dục
[19]. Hữu Thọ ( 1997), Nghĩ về nghề báo, Nxb Giáo dục, HN, 1997.
[20]. Hữu Thọ ( 2001), Công việc của người viết báo. Nxb Đại học Quốc gia, HN.
[21]. Hữu Thọ ( 1999), Người hay cãi, Nxb Thanh niên.
[22]. Hữu Thọ ( 1997), Bản lĩnh Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[23]. Hồ Quang Lợi ( 2004), ẩn số thời cuộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
[24]. Hồ Quang Lợi ( 1997), Cuộc bứt phá toàn cầu, Nxb Quân đội, Hà Nội
[25]. Chu Thượng, Chiếc roi trong tâm tưởng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội
[26]. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, Nxb Giáo dục, 1998
[27]. Hoàng Phê, Phân tích ngữ nghĩa, Tạp chí ‘‘Ngôn ngữ’’ số 2/1975
II. Tài liệu dịch
[28]. Nguyễn Văn Dững, Hoàng Anh (dịch) (1998), Nhà báo - bí quyết kỹ năng - nghề nghiệp, Nxb Lao động, Hà Nội.
[29]. Jean - Luc Martin - Lagardette (2003), Hướng dẫn cách viết báo, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
[30]. John Hohenberg (1974), Ký giả chuyên nghiệp, Hiện đại thư xã, Sài Gòn.
[31]. Đào Tấn Anh, Trần Kiều Vân ( dịch) ( 2004), Các thể loại báo chí, Nxb Thông tấn, Hà Nội
III. Tài liệu từ Internet
[32]. Website Google.com.vn
[33]. Website Hocbao.com
[34]. Website Nhabaovietnam.com
[35]. Website Nghebao.com
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 33436.doc