Luận văn Quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm

MS: LVVH-VHVN023 SỐ TRANG: 107 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2007 CẤU TRÚC LUẬN VĂN MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ 3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Phương pháp lịch sử-xã hội 4.2. Phương pháp hệ thống 4.3. Phương pháp đối chiếu so sánh 4.4. Phương pháp phân tích - tổng hợp 5. GIỚI HẠN ĐỀ TÀI, PHẠM VI NGHIÊN CỨU 6. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN 7. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN CHƯƠNG MỘT : NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA QUAN NIỆM NHÂN SINH TRONG THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM 1.1. Hoàn cảnh lịch sử thế kỷ XVI 1.1.1. Về chính trị 1.1.2. Về xã hội 1.1.3 Về kinh tế 1.2. Cuộc đời, sự nghiệp văn chương và tư tưởng chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm 1.2.1. Tiểu sử 1.2.2. Sự nghiệp văn chương 1.2.3. Tư tưởng chính trị 1.3. Những hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo 1.3.1. Tư tưởng Nho 1.3.2. Tư tưởng Phật 1.3.3. Tư tưởng Đạo 1.4. Truyền thống văn hóa Việt CHƯƠNG HAI : CÁC KHÍA CẠNH CỦA QUAN NIỆM NHÂN SINH TRONG THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM 2.1. Cái nhìn hiện thực 2.1.1. Chiến tranh xảy ra liên miên, tàn khốc 2.1.2. Nhân dân li tán , đói khổ, chết chóc 2.1.3. Đạo đức xã hội suy đồi, thế lực đồng tiền chi phối cuộc sống và những mối quan hệ gia đình- xã hội 2.2. Cách lý giải những vấn đề cuộc sống 2.2.1. Quan niệm về công danh, tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. 2.2.2. Quan niệm sống nhàn và tình yêu cuộc sống 2.2.3. Triết lý Vô sự, tư tưởng bất tranh, thái độ dĩ hòa vi quí 2.2.4 Triết lý về qui luật xoay vần của cuộc sống 2.3. Những ý nghĩa tích cực và tiêu cực trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm: KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO

pdf107 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 6345 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tìm.”(Thơ Nôm, bài 42). Chỉ cần trong lòng không vướng bận thế sự thì sẽ mãi mãi thư nhàn. Chỉ cần nghĩ đến cảnh trăm hoa đua nở giữa mùa xuân thì mùa xuân sẽ mãi mãi không già: “Núi nhuộm sắc thu, xanh chuyển thành nhạt, Sông lồng bóng nguyệt, sắc trắng ganh nhau. Trong lòng không có cơ mưu thì tự nhiên vô sự, Cửa sài ở quán Tân cứ mở suốt ngày.” (Ngụ hứng-bài 8) Quán Trung Tân mở cửa suốt ngày để đón “trăng thanh, gió mát lìa tương thức”(Thơ Nôm, bài 84). Nhà thơ thả hồn vào nước biếc, non xanh; tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng mặc thế sự đôi co; rũ thay thảy mọi muộn phiền mà cười ngạo với gió đông: “Đứng một mình vô sự trong lúc bóng xế, Vấn khăn vải để lộ vầng trán mà cười ngạo với gió đông” (Thuật ý mình-bài một) Có lúc nhà thơ quan niệm vô sự là bất tranh và lánh đời là vô sự. Mà vô sự “ấy là tiên”. Bởi lẽ, con người sống trên đời, dẫu có tài có khôn ngoan đến mấy cũng chẳng tránh khỏi có lúc gặp khó khăn. Cho nên, để giữ gìn cuộc sống yên ổn, người đời nên lánh xa những chốn xấu xa, những nơi lầu vàng gác ngọc; nên xử sự theo đúng đạo lý Thánh hiền, theo lẽ kinh quyền: “Ở thế có khôn thì có khó Chữ rằng: “Vô sự tiểu thần tiên” (Thơ Nôm, bài 64) Triết lý vô sự chẳng những bày tỏ một quan niệm sống mà còn là lời khuyên về cách xử thế. Triết lý đó bắt nguồn từ những ngày Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng kiến cảnh người đời đua tranh quyền lực, tranh nhau cái tiếng trượng phu “Đây cậy, đây khôn đây chẳng chịu. Đấy rằng đấy phải, đấy không thua”(Thơ Nôm, bài 72) và cảnh con người tự phụ, kiêu căng tranh khôn, tranh tiếng. Nếu không có cái nhìn sâu sắc về con người, không trải nghiệm cuộc đời thì làm sao Nguyễn Bỉnh Khiêm có những lời khuyên thâm thúy đến như thế. Từng câu thơ có tính triết lý nhưng không khô khan, đơn điệu trong cách diễn đạt. Để diễn tả cảnh tranh chấp nhau vì quyền lợi, để khuyên người đời nên lấy sự hòa hảo với nhau làm điều cốt yếu, nhà thơ mượn điển tích về loài vật “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” trong Chiến quốc sách và cảnh “Lươn kia hầu dễ kém chi cò”(Thơ nôm, bài 72). Để khuyên nhủ mọi người không nên hăm hở đua tranh, giành giật danh lợi mà phải lo nghĩ đến lúc gặp khó khăn, đến lúc phải rơi vào cảnh thất thế, đến lúc “Được thua sau mới ăn năn lại”(Thơ Nôm, bài 75), nhà thơ sử dụng hình ảnh sinh động vừa có tính quy luật vừa có ý tứ sâu xa. Chẳng bằng không xảy ra chuyện gì thì chẳng lo âu gì, chẳng bằng đừng sinh sự với ai thì chẳng phiền muộn gì, chẳng bằng đừng ăn ở “Tráo trở, khôn ai thói bạc đen”(Thơ Nôm, bài 64) và tốt nhất là “Vô sự chăng hơn có sự ru”(Thơ Nôm, bài 75) hoặc: “Chữ rằng: “Nhân dĩ hòa vi quý” Vô sự thì hơn, kẻo phải lo” (Thơ Nôm, bài 72) Nói chung, không tranh giành, dĩ hòa vi quí chính là tư tưởng bất tranh của Lão Trang và cũng là triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không thôi nhắc nhở mọi người điều ấy để khỏi rơi vào cảnh bất hạnh. Sống trong một đất nước mà “Cương thường ngày một suy sụp, lỏng lẻo”, chiến tranh xảy ra liên miên, tàn khốc thì làm sao Tuyết Giang phu tử không coi trọng “vô sự” hơn “ngọc vàng”. Sống trong một xã hội mà “ Giàu: trọng, sang: yêu, khó: chẳng vì”(Thơ Nôm, bài 82) thì làm sao nhà thơ không để mặc ngoài tai những tiếng thị phi: “Mặc ai chê để, mặc yêu thương, Vô sự thì hơn nữa ngọc vàng.” (Thơ Nôm, bài 90) 2.2.4 Triết lý về qui luật xoay vần của cuộc sống Trong bài “Chu Dịch”với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Văn Các có nhận định: “Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như các nhà nho Việt Nam xưa kia, do hạn chế giai cấp và hạn chế thời đại, không có một hệ tư tưởng triết học độc lập, đã tìm thấy ở Chu Dịch những quan điểm triết lý mà họ cho là cực kỳ thâm ảo, vi diệu. Một số nhà trí thức kiệt xuất của giai cấp phong kiến Việt Nam tiếp thu tư tưởng “vạn vật đều biến động” cũng như tư tưởng “chuyển hóa của các mặt đối lập” là những yếu tố duy vật và biện chứng tuy còn thô sơ nhưng có ý nghĩa khá tích cực của Chu Dịch và vận dụng nó vào hoạt động thực tiễn của mình một cách có kết quả.”[60, tr.193] Khảo sát thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người viết nhận thấy triết lý về qui luật xoay vần của cuộc sống của ông có ảnh hưởng tư tưởng thâm sâu của Chu Dịch. Vấn đề cốt yếu mà người viết muốn đề cập đến là tác giả đã vận dụng linh hoạt triết lý này trong cuộc đời như thế nào và đưa vào trong thơ văn nhằm muốn lý giải điều gì, mặc dù rải rác trong nhiều bài viết, các nhà nghiên cứu đã hướng ngòi bút luận bàn về tư tưởng, về phương pháp tư duy biện chứng-tư duy thế sự, về thế giới quan triết học, về nhân sinh quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đặc biệt là việc sử dụng các cặp từ phản nghĩa với mức độ đậm đặc và những tứ thơ triết lý nhân sinh quán xuyến trong toàn bộ những dòng thơ của Bạch Vân cư sĩ. Có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nho sĩ Việt Nam hứng thú tận dụng sáng tạo các lời hào lời quẻ trong Kinh Dịch để lý giải cuộc sống. Bài thơ Độc Chu Dịch hữu cảm là bài thơ vừa tâm đắc vừa biểu hiện ý tứ triết lý thâm sâu của ông. Các cặp từ đối lập, thuyết Âm-Dương chẳng những nói đến quy luật biến hóa của thiên nhiên mà còn cảnh báo người đời về thói đời: “Xưa nay lẻ thì có chẳn, đầy rồi lại vơi, Âm và dương tiêu tan đi rồi lại sinh sôi ra, đủ nghiệm rõ lẽ thừa trừ của tạo hóa. Quẻ Cấu có hào sơ lục(hào âm ở dưới) mới sinh, tiến lên thì xấu, như con lợn cái đi luẩn quẩn, Quẻ Bác có hào lục ngũ(hào âm thứ 5) đứng đầu các hào âm, như đốc suất một đàn cá để được yêu thương. (Cảm tưởng khi đọc Chu Dịch) Trước hết, qui luật biến hóa của tự nhiên cũng như của xã hội được nhà thơ diễn đạt bằng những dòng thơ độc đáo, giàu thủ pháp tượng trưng. Nhà thơ lấy sự vật, sự việc cụ thể diễn ra thường xuyên trong cuộc sống để tượng trưng cho sự vật, sự việc là điều cát hung, điều thủ xả, được mất, vụng khéo, vinh nhục…….(tư tưởng mâu thuẫn biến hóa). Khi giải thích khởi nguyên của vũ trụ, ông đã dựa vào nguyên lý của Dịch xem Thái cực là vầng nguyên khí chưa phân khai, là hình thái chuyển hóa đầu tiên của bản thể dẫn tới sinh thành nên muôn vật. Tác giả dùng hình tượng này để nói lên sự tuần hoàn của trời đất, sự chuyển biến của xã hội, sự thay đổi của tự nhiên. Theo tác giả thiên, địa, nhân đã được sắp xếp và ổn định vị trí: “Thái cực sơ triệu phân, Tam tài định quyết vị, Khinh thanh thượng vi thiên, Trọng trọc hạ vi địa, Trung tập nhi vi nhân Bẩm thụ thị nhất khí” ( Thái cực từ lúc mới tạo lập đã phân chia, Tam tài đã ổn định vị trí của chúng. Nhẹ và trong bốc lên là trời, Nặng và đục lắng xuống là đất. Ở giữa tập kết lại thành người Bẩm thụ cùng một khí chất….” (Cảm hứng-ba trăm câu) Dựa vào Kinh Dịch, nhà thơ chẳng những cắt nghĩa cụ thể thế nào là trời, đất, nhân mà còn suy từ lời tượng của tám quẻ để biết sự vận động tuần hoàn của vũ trụ, biết được quan niệm triết học và ý nghĩa nhân sinh của quẻ bói, nghiệm tiếng chim đỗ quyên kêu biết lẽ thịnh suy: “Vừa kêu đã có nắng dương tràn”(Nghe đỗ quyên kêu thành thơ-Phùng Khắc Khoan): “Suy từ tượng của tám quẻ, biết sự vãng phục của trời, Nghiệm qua vài tiếng đỗ quyên, hiểu lẽ hưng suy ở đời..” (Trung Tân quán ngụ hứng-thập) Nếu không miệt mài, say mê nghiên cứu Kinh Dịch làm sao Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể hiểu rõ hình tượng của quẻ Khảm là nước, nước luôn luôn trôi đi chảy mãi, vận động không ngừng; hình tượng của quẻ Cấn là núi, núi đứng sừng sững vững vàng và không bao giờ di động. Chỉ cần nắm ý nghĩa của hai quẻ Khảm và Cấn là có thể biết lẽ hành tàng, xuất xử của một con người. Ngoài ra, theo Kinh Dịch, muôn việc muôn vật trong trời đất cứ nối tiếp nhau sinh sản ra mãi mãi là do sự vận động không cùng của âm-dương (sinh sinh chi vị dịch). Chỉ cần hiểu vị trí của âm dương trong quẻ Phục là có thể thấy hoa mai bắt đầu nở vào tháng rét: “Khảm: chảy, cấn: dừng rõ nét hành tàng, Muốn biết cơ trời thần diệu, muôn sự vật cứ sinh sản ra mãi, Hãy xem mai nở tháng rét, sẽ thấy một khí dương lại sinh ra.” (Trung Tân quán ngụ hứng-thập nhất) Vạn vật sinh ra và mất đi đều có cái lẽ vãng phục tuần hoàn của nó. Ngày, tháng, năm, thời tiết, hoa cỏ bốn mùa sinh sinh, diệt diệt đều theo nguyên lý phủ định: “Mặt trời qua thì mặt trăng đến, mặt trăng qua thì mặt trời đến. Mặt trời mặt trăng đẩy nhau mà ngày tháng sinh ra. Rét qua thì nóng tới. Nóng qua thì rét về. Nóng lạnh đẩy nhau mà năm sinh ra”(Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai. Nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên. Hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai. Hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên-Chu dịch, “Hệ từ, hạ”). Hiện tượng mâu thuẫn biến hóa này là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ghép triết lý này vào trong từng bài thơ để bày tỏ quan niệm xuất xử của riêng ông. Từ một qui luật của tự nhiên dẫn đến qui luật của xã hội rồi nói về quan niệm hành tàng, mấy ai có lối diễn đạt độc đáo, uyên thâm như Bạch Vân cư sĩ?. Chẳng hạn, trong bài thơ Nôm số 98, nhà thơ bàn về con đường “xuất”, khẳng định dứt khoát chữ trung với nhà Mạc; kế tiếp là diễn tả lẽ tuần hoàn biến dịch của thiên nhiên qua hiện tượng mọc tàn của hoa sen, lên xuống của nước thủy triều; sau đó dựa vào quẻ Bĩ, quẻ Thái trong Dịch lý mà nói về then máy màu nhiệm của Tạo hóa là hết âm đến dương, hết bĩ thôi thì thái; cuối cùng, nhà thơ quay về cái lẽ suy thịnh tự nhiên của con người, hết xuất thì xử và kết thúc bài thơ là sự ví von sinh động về động tác gấp vào bao nhiêu thì giương ra bấy nhiêu của cây dù. Có thể hiểu rằng có xuất thì có xử, đó là cái lẽ đương nhiên: “Bình cũ, song bình vẫn dấu hương, Con công thần lỡ gọi rằng ương. Sen, mùa trước đổi, mùa sau mọc, Triều, cửa này ròng, cửa khác cường. Âm đã lại dương, đành máy nhiệm, Bĩ thôi thì thái, ấy cơ thường. Thế gian mựa biết nhàn làm tiện Dù gấp bao nhiêu, dù lại giương. (Thơ Nôm, bài 98) Xuân, hạ, thu, đông qua đi rồi trở lại là lẽ tuần hoàn của tự nhiên. Cho nên, người đời đừng tự trách cuộc đời sao dài quá, vì “Một phen xuân tới một phen già”(Thơ Nôm, bài 1), đừng nuối tiếc những gì đã qua vì “Xuân ấy qua thì xuân khác còn”(Thơ Nôm, bài 29). Sống trong thời đại đầy biến động, lúc trị lúc loạn, nếu không tự trang bị cho mình một tư tưởng Dịch lý thì Nguyễn Bỉnh Khiêm làm sao có thể chủ động trên con đường xuất xử, làm sao có đủ bản lĩnh và tinh thần lạc quan để bước vào cuộc đời đầy chông gai hiểm trở. Ông chẳng những nghiên cứu ý nghĩa cao siêu của Kinh Dịch mà còn quan sát sự vận động của thiên nhiên để từ đó trình bày quan niệm lúc hành lúc tàng của mình. Nếu trong bài Vịnh cảnh nghèo, Nguyễn Công Trứ vẫn tin tưởng vào vận hanh thông của con người khi rơi vào cảnh cùng quẫn: “Số khá bĩ rồi thời lại thái, Cơ thường đông hết lại sang xuân.” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa quan sát cảnh hoa mai nở rực rỡ vào cuối mùa đông vừa nghiệm ra một điều vừa có tính quy luật bất tuyệt vừa có tính triết lý: khi mai nở thì người đời biết rằng mùa đông sẽ qua mùa xuân sắp tới, cũng như triều đại này suy vong báo hiệu có một triều đại hưng thịnh khác sẽ đến. Vì sao nhà thơ lại có tư tưởng độc đáo như thế ? “Mai kia chưa dễ thu nên muộn Xuân nọ tin hoa cũng mấy phen.” (Thơ Nôm, bài 8) Vì lẽ thừa trừ của tạo hóa nên con người cần giữ cái tâm bình lặng trước những phong ba bão táp của cuộc đời, trước thế thái nhân tình. Lúc ấm cúng hãy nhớ đến những ngày lạnh giá, khi mưa tuôn hãy nghĩ đến những ngày hạn hán. Và khi giàu sang, công thành danh toại hãy nghiệm lại những lúc nghèo khó, lúc chưa đạt công danh. Lúc đắt thời, đừng vội khoe tài, đừng vội háo hức khi “thân thích chen chân đến”, bởi vì lúc “Thất thế, hương lân ngoảnh mặt đi.”(Thơ Nôm, bài 53). Để diễn tả triết lý vừa bình thường vừa sâu xa này, nhà thơ vận dụng hàng loạt các cặp từ đối lập nhằm phê phán thói đời đen bạc: “Lấy khi đầm ấm bù khi lạnh, Chứa thưở khô khan, có thưở dào Kìa nẻo Tô Tần xuân thưở trước, Chửa đeo tướng ấn, có ai chào?” (Thơ Nôm, bài 44) Nhà thơ mượn điển tích nhà du thuyết Tô Tần thời Chiến quốc đeo ấn về quê để nói về nhân tình thế thái. Mượn hình ảnh thay đổi vị trí của sao trên trời (vật hoán tinh di) để ám chỉ về cái được, cái mất của công danh quyền quý. Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự sang giàu- thiên hạ- giang sơn không nhất định của riêng ai mà sẽ thay đổi nay người này, mai đến người khác. Đó là lẽ tự nhiên của Tạo hóa và cũng là lẽ tự nhiên của cuộc đời. Vì thế, được thì cũng không lấy làm vui mừng, mà mất cũng chẳng âu lo, phiền muộn làm gì: “Được chăng háo hức, mất chăng âu”(Thơ Nôm, bài 28). Việc đời như cuộc cờ, lòng người như sóng bể, “vật hoán tinh di” như vì sao trên trời. Có điều là con người chưa lường trước Tạo hóa cũng như lòng người đổi thay lúc nào, ở mức độ nào, ván cờ cuối cùng ai sẽ thắng. Cặp từ đối lập “cạn-sâu” được tác giả vận dụng khá thành công cho ý “sao dời, vật đổi”: “Sao dời, vật đổi trong nền tưởng. Nước chảy, hoa bay áng cửa hầu Sự thế cuộc cờ đâu miễn được Lòng người sóng bể cạn thì sâu.” (Thơ Nôm, bài 99) Lòng người lúc “cạn” lúc “sâu” như nước thủy triều, hoa có lúc nở sẽ có lúc tàn, nước chứa khi đầy ắt có khi vơi cũng như nơi phồn hoa đô hội có lúc ồn ào, náo nhiệt rồi đến lúc sẽ lạt phai. Đây là một qui luật. Từ qui luật của tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm suy ra qui luật của xã hội. Ông xét đoán sự thăng trầm của thế sự theo tư tưởng phương Đông: âm-dương, bỉ- thái, cùng-thông, thịnh-suy, sang-hèn….Và “do chịu ảnh hưởng của Kinh Dịch, nên ông cho là loạn mãi thì phải đến thời bình, sang thì có khi hèn, giàu thì có khi nghèo khổ rồi ngược lại. Mọi việc cứ tuần hoàn, và nói chung là biến hóa, nhưng nó là một sự biến hóa vòng quanh không có tiến hóa….”(Tư tưởng chính trị và xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua thơ văn- Vũ Đức Phúc)[60, tr.103]: “Áng phồn hoa khá lạt phai Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa, Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi”. (Thơ Nôm, bài 48) Biến đổi tuần hoàn là biến đổi theo vòng tròn, một vòng tròn khép kín. Đó là hình thức vận động của vũ trụ mà triết học phương Đông đã nhận thức và đúc kết. Nhờ thấu suốt tư tưởng này mà cái tâm của Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nào cũng bình thản trước sự đổi thay của cuộc đời, trước sự bình phẩm khen chê chủ quan của thiên hạ: “Khen thì nên ngộ, chê nên dại, Mất ắt chăng âu, được chẳng mừng” (Thơ Nôm, bài 6) Tuy tự dặn lòng: “Thị phi chẳng quản, mặc chê khen,”(Thơ Nôm, bài 41) nhưng đôi khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cảm thấy ngao ngán trước sự đổi thay của thiên nhiên và con người, bởi vì nó có lúc thật đáng sợ, khó lường. Sự đổi thay đó được đúc kết thành một bài thơ tuyệt tác với ý tứ thâm sâu. Có thể nói bài thơ Nôm số 2 cũng là một bài thơ tiêu biểu cho sự biến hóa khôn lường của tạo vật. Trong bài thơ, nhà thơ đã diễn tả thành công quy luật “lượng biến thành chất”. Vũng nước nọ đến một lúc nào đó được bồi thành bãi cát. Doi đất kia tới thời khắc nào đó sẽ lở xuống thành vũng sâu thẳm. Thời thế, cuộc đời con người cũng biến đổi như thiên nhiên, lúc thăng lúc giáng, lúc giàu lúc nghèo, khi sung sướng khi khổ đau…Nghiệm qui luật tự nhiên ra qui luật của xã hội, sự hiểu biết về Dịch học của cụ Trạng trình như là “vỏ nghêu lường bể, trong ống dòm trời”(Phan Bội Châu): “….Vũng nọ ghê khi làm bãi cát, Doi kia có thưở lút hòn Thai Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng, Dại dột nào hay tiểu có đài Đã khuất bao nhiêu thì lại duổi Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai.” (Thơ Nôm, bài 2) Chính vì “Lẽ thường trời đất hẳn là chẳng sai”(ca dao) cho nên người thầy trên dòng sông Tuyết giang đã dùng triết lý về qui luật xoay vần của cuộc sống mà răn mình và giáo dục đạo đức cho người đời. Ông nắm vững triết lý của Chu Dịch với những tư tưởng “mâu thuẫn biến hóa” đồng thời biến nó thành một thứ triết lý nhân sinh của riêng ông. Hàng loạt các cặp từ trái nghĩa được nhà thơ sử dụng tối đa và phát huy tác dụng trong từng câu thơ có tính triết lý. Đặc biệt là cặp từ “lành-dữ”, “khen-chê”, “khôn-dại”……Như trên đã nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng tư tưởng “tự thân tác nghiệp” của nhà Phật để cảnh tỉnh người đời về việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức bản thân. Ông cho rằng: “Dữ lành toàn bởi một mình ta”(Thơ Nôm, bài 55). Tuy lòng người lành dữ rất khó lường “Lành dữ lòng người khôn biết”(Thơ Nôm, bài 24) nhưng nhà thơ vẫn khuyên “Người dữ thì ta miễn có lành”(Thơ Nôm,bài 26). Bởi vì họa và phúc, sống và chết chỉ cách nhau một sợi tóc: “Họa phúc chăng dong cái tóc chen.”(Thơ Nôm, bài 11) nên cần có cách xử thế thích hợp với hoàn cảnh sống. Đó là dứt khoát bày tỏ thái độ bàng quan trước thế sự: “Mảng tiếng dữ lành, tai quản đắp Mặc ai chê miễn mặc ai đàn” (Thơ Nôm, bài 46) Hoặc là có cách xử thế chiết trung(Kinh Dịch nâng lên thành thuật ngữ gọi bằng “thời trung”). Tuyết Giang phu tử chính là người chủ trương chọn cách sống“thời trung”, cách xử thế dung hòa. Theo ông, đó là cách sống phù hợp đối với một đất nước đầy biến động, một xã hội mà “Lòng người rất hiểm nghèo” chỉ chực chờ tranh giành, chém giết nhau vì quyền lợi. Do đó, ông nghiệm theo Kinh Dịch và dùng nó thực hành trong cuộc đời. Nói chung, triết lý về quy luật xoay vần của cuộc sống xuất hiện thường xuyên trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nếu không am hiểu sâu sắc Chu Dịch thì làm sao nhà thơ có thể cho ra đời những bài thơ vừa có tính nghệ thuật cao vừa biểu hiện một quan niệm nhân sinh cao đẹp. Sống trong một thời đại mà mâu thuẫn xã hội càng ngày càng diễn ra gay gắt, quyết liệt thì việc người thầy Tuyết Giang đưa ra triết lý về quy luật biến hóa của tự nhiên, xã hội là điều cần thiết để cảnh tỉnh người đời hãy quên đi giấc mộng bá quyền mà xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Mấy ai hiểu được tấm lòng “ưu đời” của một bậc hiền triết: “Nhìn vật, biết ngay tươi héo, Xem sông, nói chuyện nông sâu. Hun đúc tình cảm tùy theo ý ung dung, Thừa theo hứng thú, vui thích trèo núi. Được hay mất tỏ rõ lành hay dữ, Thịnh và suy phải xét nghiệm ở xưa và nay. Tạm mượn hứng để tỏ nỗi lòng, Lưu thủy có mấy bạn tri âm ? (Ngụ hứng-15 vần) 2.3. Những ý nghĩa tích cực và tiêu cực trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Đầu tiên, khi luận bàn về sự nghiệp văn chương và tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, các nhà nghiên cứu, dù đứng ở góc độ bình luận nào, vẫn không thể không thừa nhận quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của ông trong sáng tác thơ văn, tấm lòng ưu ái của ông đối với cuộc đời. Vì vậy, khi đọc thơ Tuyết Giang phu tử, Nguyễn Khuê nhận định : “Thơ ông là tiếng nói rất chân thực rất nhân bản của một nhà hiền triết trước cảnh ngộ, nhân sinh, thiên nhiên vũ trụ; là một nỗ lực hướng tới chân, thiện, mỹ. Vì thế, tiếng nói ấy mãi mãi vang vọng trong tâm hồn dân tộc”(Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập)[24,tr.182). Trước hết, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là tiếng nói chân thực về hiện thực xã hội thế kỷ XVI. Ông như là một nhà sử học đang tái hiện lại những trang sử đầy biến động với những cuộc nội chiến diễn ra liên miên, với những nạn cát cứ không vì quyền lợi chung của dân tộc mà chỉ giải quyết quyền lợi cá nhân. Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng những đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu nảy sinh các cuộc chiến đẫm máu mà còn vạch ra những hậu quả khôn lường do chiến tranh để lại. Ông đã nhìn thấy nỗi khổ của nhân dân trong thời loạn và những điều ước mong chân chính của bao nhiêu người. Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,Nguyễn Khuyến…..Tuyết Giang phu tử nhận biết sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền có thể lũng đoạn xã hội, lũng đoạn nhân cách con người. Ông bất bình và chán ghét cảnh tranh danh đoạt lợi, chán ghét thủ đoạn tranh hùng xưng bá. Dùng ngòi bút để tố cáo chiến tranh phong kiến, để phê phán bá đạo cường quyền, để lên án một xã hội suy đồi về đạo đức, để cảnh tỉnh mọi người hãy quay về đường ngay nẻo chính, để khuyên răn người đời những điều hay lẽ phải, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có sự đóng góp rất lớn cho nền giáo dục đạo đức nước nhà. Đồng thời, những bài thơ lên án triệt để chiến tranh của nhà thơ không chỉ phù hợp với yêu cầu phát triển của lịch sử mà còn phù hợp với lòng dân, ý dân. Vì thế, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có nói: “Lòng trạng không một lúc nào quên đời. Lo thời thương tục đều phát lộ ra thơ”. Đặc biệt một quan niệm có ý nghĩa tích cực, một bài học đạo đức có giá trị sâu sắc mà người thầy Tuyết Giang để lại cho đời chính là quan niệm phụ tử, phu phụ với các đức nhân nghĩa, lễ, trí, tín của đạo Nho pha lẫn với các tính từ thiện, bác ái của đạo Phật và kết hợp nhẹ nhàng với tư tưởng vô vi, vô sự, vô tranh của Lão Trang. Một phần nào đó, tư tưởng Nho-Phật-Đạo trong thơ Tuyết Giang phu tử đã hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ. Ngày nay, tuy đất nước và con người Việt Nam đang sống trong thời hiện đại, đang phát triển về mọi mặt nhưng những quan niệm nhân sinh của ông vẫn là hành trang đẹp cho mọi thế hệ và cũng chính là truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt. Ngoài ra, quan niệm “xuất xử” của Bạch Vân sĩ bộc lộ một thái độ triết lý, bắt nguồn từ sự hiểu biết quy luật của thời thế, quy luật của tự nhiên và quy luật của xã hội. Chính vì nắm bắt những quy luật này mà ông chẳng những không câu chấp trong quan niệm xuất xử mà còn hăng hái trên con đường lập sự nghiệp công danh và nhẹ nhàng, thanh thản khi quay về làm bạn với thiên nhiên lánh xa cuộc sống ô trọc, xấu xa. Điều thú vị là khi tìm ra các quy luật, ông biến nó thành quan niệm nhân sinh cho riêng ông và vận dụng nó một cách linh hoạt trong cuộc đời. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn biểu hiện truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt. Trong thơ ông, ta bắt gặp đạo lý cao đẹp của dân tộc, lý tưởng thẩm mỹ dân tộc, cách ăn, mặc, ở, những kinh nghiệm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân, cách ứng xử tinh tế, năng động, linh hoạt trong tư duy đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm nhân sinh của nhà thơ…. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đem đến ích nước lợi dân, tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có một số mặt hạn chế cần suy nghĩ. Hạn chế đầu tiên dễ nhận thấy trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tuy nắm được phép duy vật biện chứng, sự vận động của các quy luật nhưng trong tư tưởng của ông vẫn còn nặng về duy tâm, vẫn còn có những mâu thuẫn chưa dứt khoát. Không tìm ra biện pháp để giải quyết được những xung đột xã hội đương thời; không lý giải được các vấn đề sống-chết, may- rủi, phúc-họa….ông lấy tư tưởng Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần. Mặt khác ông cho rằng sự tồn tại hay không tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng và ngay cả chiếc ngai vàng dành cho ai cũng đều do “Trời” quyết định. Vì: “Phép tắc của trời phải thuận theo mà không thể biết. Ngôi vua đã lập nên thì không thể đổ”(Cảm hứng-ba trăm câu): “Bởi lẽ trời ư ? hay bởi việc người ư ? Là lý đấy mà cũng lại là số đấy.” (Cảm hứng-ba trăm câu) Quan niệm về sự phát triển của ông còn nằm trong khung tròn khép kín: “Sinh ra, diệt đi, hết rồi lại bắt đầu”(Cảm hứng- ba trăm câu). Đó là sự phát triển tuần hoàn, là cái phép biện chứng của Chu Dịch cộng với phép biện chứng thô sơ của Lão Tử trong Đạo Đức kinh. ảnh hưởng quan niệm này không chỉ có ở Nguyễn Bỉnh Khiêm mà còn ở rất nhiều Nho sĩ khác. Trong Sức sống của thơ ca và Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Thị Băng Thanh và Vũ Thanh cũng cho rằng: “Mặc dù đã có cách nhìn biện chứng, vũ trụ quan nhất nguyên, đã thấy được quy luật chuyển hóa giữa các mặt đối lập của sự vật và giữa các sự vật nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vẫn bị quan niệm tuần hoàn níu kéo, đồng thời khi ứng dụng trong cách giải quyết mọi quan hệ xã hội ông vẫn trở về với các quan niệm của trung hiếu, tín nghĩa, thuận hòa và lợi cho Nho gia. Đó là chỗ hạn chế của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà cũng là hạn chế của lịch sử, của thời đại.”[60, tr.24] Rõ ràng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát hiện ra sự phát triển của vạn vật, đã nắm bắt được các quy luật cuộc sống và đã nâng lên thành cả một hệ luận biện chứng. Nhưng trong quan niệm của ông thì tự nhiên phát triển trong một cái thế tuần hoàn bế tắc, xã hội vận động trong vòng tròn luẩn quẩn của chế độ phong kiến. Ông không nhận thức được tác dụng mạnh mẽ của hoạt động con người, không nhận ra vai trò to lớn của con người, nét đẹp lao động chân chính của con người có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thế giới hiện hữu. Ông không nhận thấy tác dụng ngược lại của hành động con người trong việc cải tạo thiên nhiên và cải tạo xã hội. Vì đồng nhất quy luật tự nhiên với quy luật xã hội, ông không thấy được sự phát triển ngày càng cao của xã hội, không nhận thấy yêu cầu của lịch sử của thời đại, không quan niệm một trật tự khác thay cho trật tự xã hội phong kiến đương thời. Chính vì vậy, ông không tán thành thậm chí còn phê phán đường lối đấu tranh của các cuộc khỡi nghĩa nông dân, không chấp nhận sự trỗi dậy của một thế lực mới đang cần thay thế cho một thế lực cũ đã hết vai trò lịch sử. Thực ra, ông không nắm được xu thế của thời đại, không hiểu rõ kẻ thù chính của nhân dân là ai? Tuy là nhà yêu nước chân chính nhưng ông không chỉ ra được con đường hữu hiệu để cứu nước, cứu dân. Vì được đào tạo trong môi trường cửa Khổng sân Trình nên khi truyền bá tư tưởng cho đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm không muốn thay đổi nguyên lý chính trị và đạo đức Nho giáo với lý thuyết Tam cương, Ngũ thường. Bằng chứng là tuy không câu nệ, cố chấp trong quan niệm xuất xử nhưng ông vẫn chịu sự ràng buộc bởi chữ “Trung” với nhà Mạc, tức là không thoát khỏi cái vòng kềm tỏa của ý thức hệ phong kiến. Về trí sĩ nhưng khi vua cần ông vẫn “Tạm từ bỏ mũ nhà nho mà cầm cái lọng quang dầu”(Qua sông Hữu-bài một), vẫn “Xông pha tuyết giá, đâu nề hà nghìn dặm xa”(Thư gửi đồng sai là Nghĩa Trai bá và Hoành Trung hầu), kiên quyết “Định kỳ hạn thề khôi phục giang san cũ” cho nhà Mạc. Vì ông nghĩ: “Ngôi vua đã lập nên thì không thể đổ”(Cảm hứng-ba trăm câu) Bên cạnh đó, quan niệm sống nhàn xa lánh thế sự với thái độ: “Dửng dưng mọi sự gác bên ngoài. Dầu được, dầu thua ai mặc ai”(Thơ Nôm-bài 40); bàng quan, thờ ơ để “thế sự ngoài tai, biếng nói năng”(Thơ Nôm-bài16); thậm chí không can thiệp vào lẽ phải, điều trái của con người “Thị phi biếng nói sự nay”(Thơ Nôm-bài 70); Và tư tưởng “nhân dĩ hòa vi quý”, sống theo kiểu “yên phận thì lành”, luôn giữ thái độ “biếng đua tranh” của Nguyễn Bỉnh Khiêm ít nhiều mang ý nghĩa tiêu cực. Thứ nhất dựa vào ý nghĩa câu tục ngữ :“Rút dây, lại sợ động rừng”, tác giả đã bày tỏ thái độ dè dặt, e ngại trước một sự việc cần phê bình mà sợ va chạm : “Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ, Rút dây lại nệ động rừng chăng? Dầu ai nghị luận điều lành dữ, Chữ “vị” là vì biếng nói năng.” (Thơ Nôm-bài 89) Thái độ đó có thể sẽ thủ tiêu tư tưởng đấu tranh giành quyền sống của nhân dân. Trước những sự việc sai trái con người sẽ không thể hiện tinh thần tranh đấu cho lẽ phải, cho công lý; không thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Đồng thời, còn đẩy họ vào rơi vào cách nghĩ “an phận thủ thường”, không có tinh thần cầu tiến, cúi đầu chấp nhận sự an bài của số phận mà không đấu tranh để thay đổi số phận nghèo khó. Điều này Nguyễn Bỉnh Khiêm khác với Phùng Khắc Khoan. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan dõng dạc bày tỏ hùng tâm tráng khí: “Vinh hiển do trời an định sẵn, Nhà tranh có chí vẫn thành danh. (Tâm sự lúc ốm-Phùng Khắc Khoan) Ngoài ra, nhiều bài thơ có tính chất triết lý về thói đời, về thế thái nhân tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm ít nhiều khiến người đọc(đặc biệt đối với những người đã và đang thất bại trên đường đời) rơi vào trạng thái hoang mang, dao động, có khi mất cả niềm tin về một xã hội tốt đẹp, văn minh; về bản chất “chân, thiện, mỹ” trong mỗi con người: “Trong nhàn, ngẫm lẽ xưa nay Không gì hiểm bằng đường đời, Không cắt đi thì toàn là gai góc, Không gì nguy bằng lòng người Buông lỏng ra thì đều là quỉ quái “ (Thơ ngụ hứng ở quán Trung Tân) KẾT LUẬN Trong Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Khuê có nhận định: “Nguyễn Bỉnh Khiêm không những đã có những đóng góp quan trọng cho văn hóa, văn học của dân tộc bằng một sự nghiệp văn học to lớn chứa đựng những tư tưởng cao thâm, những tình cảm sáng ngời, đánh dấu một bước tiến của thơ văn bằng tiếng mẹ đẻ, mà còn cống hiến cho dân tộc bằng chính lòng yêu nước thương đời sâu sắc, bằng thái độ xuất xử hành tàng độc đáo của một nhà trí thức kiệt xuất, bằng chính phẩm cách thanh cao của một bậc hiền triết.”[24,tr.7). 1. Có thể nói, chính những phong ba về mặt chính trị-xã hội đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thể nói, chưa có giai đoạn lịch sử nào có nhiều biến động dữ dội như giai đoạn thế kỷ XV-XVI. Chỉ trong vòng một thế kỷ, đã có hai triều đại (Lê-Mạc) ghi tên trên trang lịch sử Việt Nam. Chỉ trong vòng gần 100 năm, đất nước đã hai lần bị chia cắt bởi hai phe Nam và Bắc triều, bởi sự phân tranh quyền lực của Trịnh-Nguyễn. Trong thời gian này, ngoài xã hội, biết bao cuộc nội chiến đẫm máu đã nổ ra, giặc giã nổi lên khắp nơi, chia bè kết phái đóng ở từng vùng; trong triều đình, diễn ra bao cảnh thay ngôi đổi vị. Sự việc đó đã đẩy triều đại nhà Lê từ hưng thịnh đi đến suy vong; đưa nhà Mạc lên ngai vị cao sang rồi lại rơi vào cảnh mạt vận như là một qui luật tuần hoàn của trời đất. Mầm mống suy vong của triều Lê bắt đầu xuất hiện từ thời vua Quỷ, vua Lợn và tưởng chừng đứt đoạn khi Lê Chiêu Tông khởi binh thất bại, khi Lê Cung Hoàng bị Mạc Đăng Dung giết. Rõ ràng, sau này, nhà Lê suy nhược, bất tài kém đức, không đảm bảo vai trò lịch sử đối với đất nước nên ngôi vị rơi vào tay Mạc Đăng Dung là một lẽ đương nhiên. Còn triều Mạc không còn nhận được sự đồng tình ủng hộ của các bậc sĩ phu từ lúc Mạc Đăng Dung đầu hàng quân Minh và dấu hiệu suy tàn của triều đại này xuất hiện từ đời Mạc Phúc Hải, tạm thời chấm dứt từ đời Mạc Mậu Hợp. Hiện trạng suy tàn của các triều đại đã làm cho chiến tranh xảy ra liên miên, tàn khốc. Nhân dân sống trong cảnh lầm than, khốn khổ. Kỷ cương xã hội lỏng lẻo, đạo đức suy đồi, chính sự đảo điên, lòng người bất ổn. 2. Trong di sản thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho chúng ta, so với các nhà thơ thuộc dòng văn học trung đại, thơ ông chiếm một vị trí rất quan trọng về số lượng lẫn chiều sâu trong tư tưởng và chiều cao về nghệ thuật. Đây chính là những bài thơ tập trung những nét đặc trưng nhất về lý tưởng thẩm mỹ dân tộc, về truyền thống văn hóa dân tộc và còn thể hiện vẻ đẹp kì diệu của một tâm hồn thanh cao, trong sáng, một tài năng nghệ thuật xuất sắc của một nhà yêu nước. Đi vào thế giới thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tức là người đọc sẽ đi vào khám phá thế giới tâm hồn bất tận, bắt gặp những cung bậc tình cảm, những tư tưởng mang tính triết lý thâm sâu của nhà thơ. Từ thơ, người đọc cảm nhận sâu sắc ở con người Tuyết Giang phu tử tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết. Tấm lòng ưu ái của nhà thơ trải dài bàng bạc trong từng câu thơ, trong sáng như vầng trăng, cao rộng như núi sông. Do đặc điểm lịch sử thế kỷ XV-XVI có nhiều biến động nên “Tư tưởng yêu nước, thương dân trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy vẫn tiếp nối truyền thống yêu nước thương dân ở các thế kỷ trước nhưng nó vẫn có những nội dung mới mang đặc sắc của thời đại ông”(Tư tưởng yêu nước, thương dân trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm-Vũ Đình Toàn)[79, tr.286]. 2.1 Vì yêu nước thương dân nên Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn lo lắng, ngậm ngùi, đau xót cho vận mệnh ngả nghiêng của nước nhà. Niềm ưu dân ái quốc chính là nguyên nhân chủ yếu khiến ông lên đường ứng thí đầu quân nhà Mạc, là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho ông có đủ dũng khí dâng sớ chém đầu bọn nịnh thần mà không sợ nguy hại đến bản thân và cũng là nguồn động viên giúp nhà thơ sẵn sàng xả thân tham gia chiến trận “đánh dẹp quân tàn bạo”. 2.2 Quan niệm xuất xử hành tàng độc đáo của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương dân. Ông không câu chấp trong quan niệm xuất xử. Ông chủ động chọn con đường công danh để thỏa chí đem tài năng ra giúp nước, cứu đời và chủ động xa lánh công danh cũng vì không thực hiện được hoài bão. Người hiền sĩ rất phóng khoáng, tự do trong quan niệm công danh và kiên định trong hành động. Không có bất cứ một thế lực phong kiến nào trong xã hội lúc bấy giờ có thể khuất phục được ông. Không có bất kỳ lợi lộc, danh vọng nào có thể lung lay được ý chí của người thầy Tuyết Giang. 2.3 Trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai chữ “ái quốc” không thể tách rời hai chữ “trung quân”, lo lắng cho vận mệnh nước nhà cũng là băn khoăn cho vận mệnh triều Mạc. Cho nên, ra phò tá nhà Mạc, ông tuyên bố rất tự tin rằng “muốn thi thố sức phò nguy” mà “cứu vãn lại quan hà, thành cũ của nhà vua”(Con ngao lớn đội núi). Cho nên, giữ chữ “trung” với nhà Mạc, cũng chính là muốn thực hiện cái chí của một người luôn vì dân, vì nước. Mặt khác, không chỉ riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm phục vụ tận tụy triều Mạc mà cả gia đình ông đều một lòng vị quốc đương triều. 3. Nền văn học Việt Nam có một lịch sử ra đời và phát triển lâu dài gắn bó với vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc. Nền văn học ấy chính là tấm gương phản chiếu trung thực lịch sử tinh thần vô cùng phong phú, đa dạng và tinh tế của dân tộc ta. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là một hiện tượng đặc sắc của nền thơ ca dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn thế kỷ XV-XVI, giữa không khí sôi động của những biến động về mặt chính trị-xã hội, giữa những cuộc chém giết nhau để tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến, giữa một xã hội cương thường lỏng lẻo, thì sự xuất hiện những bài thơ của Tuyết Giang phu tử là sự tái sinh những ánh hào quang đạo đức của một thời thơ cổ điển Việt Nam. Người thầy Tuyết Giang đã tiếp nối và phát huy quan niệm nhân nghĩa của ông cha ta và ngày nay cũng là quan niệm mang tính nhân văn của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhân nghĩa trong việc phơi bày hiện thực xã hội nhiễu nhương, đầy máu lửa vì chiến tranh xảy ra liên miên, tàn khốc; trong việc tố cáo tội ác dã man của bọn tham chiến. Nhân nghĩa trong việc yêu dân, thông cảm với những nỗi bất hạnh, điêu linh của nhân dân và mong ước một đất nước thái bình thịnh trị cho dân lành sống yên bình, hạnh phúc. Nhân nghĩa trong việc dùng thơ văn chuyên chở đạo lý Thánh hiền và chuyên chở những bài học đạo đức cho đời. Bởi vì xã hội thời ấy là một xã hội suy đồi về đạo đức, biết bao cảnh chém giết lẫn nhau để tranh danh đoạt lợi, biết bao thủ đoạn lừa lọc bất nhân, phản trắc diễn ra rất đau lòng; thế lực đồng tiền chi phối cuộc sống và những mối quan hệ gia đình-xã hội. Do vậy, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng những có giá trị hiện thực mà còn có giá trị nhân đạo cao quí. 4. Nhà thơ sử dụng điêu luyện, linh hoạt những khuôn mẫu của tư tưởng Nho- Phật - Đạo và có những sáng tạo độc đáo làm nên một quan niệm nhân sinh cho riêng ông và cũng là nét chung của dân tộc Việt Nam. Điều đó thể hiện một phong cách sáng tác riêng và việc tiếp nhận văn hóa nói chung ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chính vì vậy, những giá trị truyền thống trong thơ ông luôn sống trong tinh thần của thời đại, sống mãi với thời gian. Với tinh thần khoan dung văn hóa, nhà thơ tiếp thu tư tưởng “trung quân” của Nho giáo Trung Hoa trên cơ sở tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sẵn có và biến cái trung quân đó thành tình cảm thẩm mỹ Việt Nam: ái quốc. Ông biến quan niệm “tam cương, ngũ thường” kết hợp với chữ “hiếu”, chữ “nhân” hài hòa với thuyết tính thiện của đạo Nho thành phẩm chất, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Ngoài ra, tư tưởng thiên mệnh của Khổng Tử chỉ là cách nói, là chỗ dựa tinh thần để ông vừa vạch cho mình hướng đi phù hợp trong cuộc đời, vừa tự an ủi bản thân không rơi vào trạng thái bi quan chán nản, vừa cảnh báo răn đe người đời. Sang đời Lê, tuy Phật giáo dần dần suy thoái vì nhà nước tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo nhưng lúc bấy giờ đạo Phật đã trở nên thân thiết trong đời sống tâm linh người Việt. Vả lại, sống trong xã hội bất ổn, Tuyết Giang phu tử muốn dùng triết lý Phật giáo để vừa cảnh tỉnh vừa phê phán vừa khuyên nhủ người đời những bài học đạo đức ở đời, để lý giải qui luật xã hội, qui luật cuộc sống. Tinh thần Lão-Trang với triết lý vô vi, vô sự, vô tranh không chỉ là con đường rút lui của Bạch Vân cư sĩ khi không thực hiện được hoài bão an dân trị nước mà còn là cái chí thích nhàn dật của ông. 5. Nghiên cứu quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thực chất phần nào chúng tôi đã thật sự tiếp cận được với bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam. Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt được thể hiện tập trung trong truyền thống văn hóa dân tộc. Truyền thống văn hóa Việt được Nguyễn Bỉnh Khiêm kế thừa, khai thác và phát huy tạo nên sự tiếp nối của lịch sử văn hóa Việt Nam. Những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng Việt Nam được biểu hiện cụ thể trong thơ. Đó là lòng yêu nước sâu sắc, ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ Quốc; lòng nhân ái khoan dung bao la, thái độ trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử hòa thuận; tính giản dị, thanh bạch trong lối sống; những kinh nghiệm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam; cách tư duy tổng hợp với sản phẩm điển hình là triết lý âm dương quân bình… Cho nên, “Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi vào lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam như một mẫu hình độc đáo góp phần làm phong phú thêm giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.”(Nguyễn Bỉnh Khiêm: Nhà văn hóa lớn-Phạm Xuân Nam)[34,Tạp chí văn học số 6-1991] 6. Tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” hoặc tùy “thời” được nhà thơ vận dụng rất linh hoạt để biểu hiện quan niệm về công danh và quan niệm sống nhàn. Trong 161 bài thơ Nôm và gần 100 bài thơ chữ Hán, Bạch Vân cư sĩ sử dụng khoảng 53 từ “nhàn” và 32 từ “danh”. Điều độc đáo ở chỗ, tư tưởng nhàn được diễn tả bằng những ý tứ vô vi bằng các từ “tự tại, thong thả, đủng đỉnh, ẩn dật…”. Vì chán ngán thói đời đen bạc, chán ngán cảnh tranh danh đoạt lợi mà ông nhàn muốn quay về trí sĩ. Quay về cảnh cũ điền viên, đối với ông cũng là một cách sống nhằm phủ nhận công danh để bảo toàn danh tiết. Lối sống nhàn của cư sĩ không phải là lối sống yếm thế, bi quan mà là cách ứng xử tinh tế, linh hoạt trong một xã hội đầy biến động. Lối sống nhàn còn biểu hiện tính giản dị, trong sạch, thanh cao của bậc ẩn sĩ. Và lối sống nhàn còn tạo ra tư tưởng bất tranh, an phận thì lành, thái độ dĩ hòa vi quí nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm. 7. Theo lẽ biến dịch của vũ trụ, tất cả mọi sự vật hiện tượng không thể ở một điểm cố định mà luôn luôn dịch chuyển, xoay vần. Ảnh hưởng tư tưởng thâm sâu của Kinh Dịch, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vận dụng nguyên lý Dịch để diễn tả qui luật tự nhiên, giải thích qui luật xã hội rồi lý giải về quan niệm hành tàng của con người. Xuyên suốt trong từng bài thơ, nhà thơ sử dụng các cặp từ đối lập nhằm phê phán thói đời đen bạc, phơi bày nhân tình thế thái, xét đoán sự thăng trầm của thế sự và giáo dục đạo đức cho người đời. 8. Quan niệm nhân sinh trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa mang ý nghĩa tích cực vừa có một số hạn chế cần suy nghĩ. Những tư tưởng triết lý, những bài học giáo dục đạo đức, những tình cảm chân thành…chính là hành trang cần thiết cho thế hệ sau bước vững vàng trên đường đời đầy phức tạp. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh lịch sử-xã hội tác động mạnh mẽ đến tư tưởng cho nên trong quan niệm của người thầy Tuyết Giang không tránh khỏi những hạn chế. Điều đáng nói là thế hệ chúng ta sẽ tiếp nhận và vận dụng sáng tạo như thế nào để những vần thơ tuyệt tác của nhà hiền triết không rơi vào quên lãng. Khi nghiên cứu quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi mong muốn đóng góp một chút gì nhỏ bé để hiểu sâu hơn về nhà hiền triết này. Song với tầm vóc của một bậc thầy về đạo đức, người viết luận án này kiến thức còn nông cạn, chưa hiểu hết ý tứ và tâm niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn chuyển tải cho hậu thế, chưa có điều kiện để nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm nên trong khi viết chắc chắn không tránh khỏi nhiều điều thiếu sót. Kính mong các bậc thức giả đóng góp và chỉ bảo thêm. Ngoài ra, tuy vào tháng Mười Hai năm 1985, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 400 năm ngày mất Nguyễn Bỉnh Khiêm (28 tháng XI năm Ất dậu), tu bổ lại đền thờ Bạch Vân Cư sĩ và có hơn 50 bản tham luận của các nhà nghiên cứu viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hội nghị khoa học toàn quốc nhưng trên thực tế “gia tài văn hóa nhiều mặt” (Kỷ yếu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) chưa được bạn đọc tiếp nhận. Tùy theo từng trình độ học sinh các cấp, các nhà soạn sách giáo khoa có thể đưa vào chương trình những bài thơ tả cảnh thiên nhiên vừa giản dị vừa thể hiện cuộc sống thanh bạch của nhà thơ hoặc những bài thơ có tính giáo dục đạo đức nhẹ nhàng….đó chính là điều mong muốn của người thực hiện luận án này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Văn hóa Thông tin và thể thao – Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1991), Nguyễn Bỉnh Khiêm danh nhân văn hóa (Nguyễn Huệ Chi chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003), Giáo trình Triết học Mác-Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 3. Nguyễn Đổng Chi (1993), Việt Nam cổ văn học sử, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh. 4. Nguyễn Huệ Chi (1986), “Nguyễn Bỉnh Khiêm-nhìn từ một nhân cách lịch sử đến dòng thơ tư duy thế sự”, Tạp chí văn học,(số 3), tr.87. 5. Hà Như Chi (1951), Việt Nam thi văn giảng luận, Nxb Tân Việt, Hà Nội. 6. Lâm Hòa Chiếm-Lý Thị Xuân Các-Xuân Huy (1997), Từ điển Việt-Hán thông dụng, Nxb Trẻ. 7. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí-Tập 1-Dư địa chí-Nhân vật chí- Quan chức chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 8. Nguyễn Nghĩa Dân (1982), Thơ quốc âm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong Giảng văn, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 9. Lê Trí Dũng (2001), Tính chất Việt Nam trong thơ Nôm Đường luật, Nxb Văn hóa. 10. Vũ Phương Đề, Công dư Tiệp Ký, tr 397-415. 11. Lê Quí Đôn, Đại Việt thông sử, Cổ học viện tàng bản, bản chép tay VS.15 của Thư viện Khoa học Xã hội Thành Phố Hồ Chí Minh. 12. Thomas Engelbert, “Giúp nước thương dân”, tuần báo Chủ Nhật của Hội Văn hóa Cộng hòa dân chủ Đức,(số ra ngày 5-1-1986) 13. Dương Quảng Hàm (1925), Quốc văn trích diễm, Nghiêm Hàm xuất bản, H., 14. Dương Quảng Hàm (1943), Việt Nam văn học sử yếu, Nha học chính Đông Pháp xuất bản, H., Tóm tắt tiểu sử. Giới thiệu tập Bạch Vân quốc ngữ thi. 15. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 16. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1998), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Giáo Dục Hà Nội, Tập III: Trước tác phần 3, tr 122-123. 17. Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Toản (1951), Thi văn Việt Nam (từ đời Trần đến cuối đời Mạc), Nxb Sông Nhị, Hà Nội. 18. Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quế Phong…(tuyển chọn)(1997), Lê Thánh Tông-Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 19. Trần Đình Hượu (1992), Triết lý nhàn dật và tự tại trong sách Nguyễn Bỉnh Khiêm-danh nhân văn hóa, Nxb Bộ văn hóa thông tin và thể thao, Viện KHXH Việt Nam, Hà Nội. 20. Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc San, Ngô Lập Chi, Nguyễn Sĩ Lâm (1962), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 21. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1979),Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 22. Đinh Gia Khánh, Hồ Như Sơn, Bùi Duy Tân (1983), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, NXB Văn học, Hà Nội. 23. Lê Trọng Khánh, Lê Anh Trà (1957), Nguyễn Bỉnh Khiêm-nhà thơ triết lý, Nxb Văn hóa-Cục xuất bản BộVăn hoá, Hà Nội. 24. Nguyễn Khuê (1997), Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập, Nxb Tp Hồ Chí Minh. 25. Trần Trọng Kim (1955), Nho giáo, 2 qu, in lần thứ 3, Nxb Tân Việt, SàiGòn. 26. Nguyễn Hiến Lê (1998), Lão Tử-Đạo Đức kinh, Nxb Văn hóa TT, Hà Nội. 27. Đặng Thanh Lê (1986), “Từ một phạm trù triết học về một quan niệm đạo đức của Nho gia đến cảm hứng nghệ thuật “thế sự” trong thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Tuyển tập 40 năm Tạp chí văn học,(số 4), tr 395-405. 28. Mai Quốc Liên (1998), Phê bình và tranh luận văn học, Nxb Văn học,Hà Nội. 29. Nguyễn Đăng Long(Tuệ Quang)(1964), Phật giáo, Nxb Trường Sơn, SàiGòn. 30. Nguyễn Lộc (1985), “Nguyễn Bỉnh Khiêm-con người và văn chương”, Báo Đại đoàn kết, (số 26). 31. Phương Lựu (1989), Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 32. Nguyễn Đăng Mạnh (1977), “Những vần thơ Bác”, H, Báo Nhân Dân, (số 19) 33. Hồ Chí Minh (2000), Thơ toàn tập, Nxb Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Quốc học. 34. Phạm Xuân Nam (1991), “Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nhà văn hóa lớn”, Tạp chí văn học, (số 6) 35. Bùi Văn Nguyên (1986), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Hải Phòng. 36. Bùi Văn Nguyên (1988), Văn chương Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Hải Phòng. 37. Bùi Văn Nguyên (1989), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 38. NICULIN.N.I. Văn học Việt Nam từ thời trung cổ đến hiện đại (thế kỉ X-XIX), Nguyễn Mạnh Cường (dịch), Phòng Khoa học công nghệ và sau Đại học, trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 39. Ngô Văn Phú (2003), Danh nhân Việt Nam qua các đời, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. 40.Vũ Tiến Phúc (1974),Việt Nam văn học giảng minh, Nxb Alpha, Sàigòn, tr. 332-365. 41. Nguyễn Quân (1974), Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Sống mới, Sàigòn. 42. Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, Bản dịch của Cao Huy Giu, Nxb Khoa học xã hội, H, 1967. 43.Vũ Tiến Quỳnh (1991), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Mạnh Trinh, Phan Bội Châu, Nxb Tổng hợp Khánh Hòa. 44. Vũ Tiến Quỳnh (1998), Lý Tế Xuyên, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lê Thánh Tông Ngô Chi Lan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb TP.Hồ Chí Minh. 45. Trương Hữu Quýnh-Đào Tố Uyên-Phạm Văn Hùng, Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến 1858, chương IV-Việt Nam trong các thế kỷ XVI-nửa đầu XVIII. 46. Trần Lê Sáng (1990), Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 47. Trần Lê Sáng (2005), Phùng Khắc Khoan-Cuộc đời và thơ văn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 48. Trần Xuân Sinh-hiệu chính Nguyễn Hào Hùng, Việt sử kỷ yếu, Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam á-Việt Nam, Nxb Hải Phòng. 49. Nguyễn Hữu Sơn (2000), “Về cảm quan Phật giáo trong thơ văn Nguyễn Trãi”, Tạp chí Văn học, (số 6) 50. Nguyễn Hữu Sơn (2000), “Anh hưởng Đạo gia trong thơ Nguyễn Trãi”, Tạp chí Văn Học, (số 6) . 51. Hà Thiên Sơn (2001), Lịch sử Triết học, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 52. Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học, Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội. 53. Bùi Duy Tân (1964), Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong Văn học cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 54. Bùi Duy Tân (1983), Bạch Vân am thi tập, trong Từ điển văn học, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 50-51. 55. Bùi Duy Tân (1983), Bạch Vân quốc ngữ thi, trong Từ điển văn học, Tập I (Thư mục, số 38), tr 51. 56. Bùi Duy Tân (1984), Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong Từ điển văn học, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 49-51. 57. Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia-tác phẩm Văn học Trung đại Việt Nam,Tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 58. Văn Tân (1958), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển II, Nxb-Văn sử địa, Hà Nội, tr.322. 59. Trần Thị Băng Thanh (2001), “Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thơ ngôn chí”, Tạp chí văn học, (số 6), 60. Trần Thị Băng Thanh-Vũ Thanh (2001)(tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 61. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục. 62. Chu Thiên (1945), Tuyết Giang phu tử, Nxb Đại La Hà Nội, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh. 63. Huệ Thiên (1991), “Đời làm quan và nghĩa quần thần của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua thơ quốc âm của ông”, Kiến thức ngày nay, Kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1991) 64. Đinh Khắc Thuần, Lịch sử triều Mạc-Qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia Viện nghiên cứu Hán Nôm. 65. Nguyễn Tài Thư (1986), “Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng tiêu biểu của thế kỷ XVI”, Tạp chí Triết học,(số 1), tr.50. 66. Nghiêm Toản (1949), Việt Nam văn học sử trích yếu, Nxb Vĩnh Bảo, Sàigòn. 67. Nghiêm Toản (Hạo Nhiên)(1973), Lão Tử Đạo đức kinh (quốc văn giải thích), in lần thứ 1, Nxb Bộ QGGD, SàiGòn (1959); qu.2, Nxb Khai Trí, SàiGòn. 68. Đào Thái Tôn (1997), “Tìm cách hiểu một câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Tạp chí Văn học,(số 7), tr 47-50. 69. Vân Trình (1976), “Tìm hiểu thêm về nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Tạp chí văn học,(số 3), tr.81. 70. Viện sử học, ủy ban khoa học xã hội Việt Nam(1976), Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 71. Đoàn Thị Thu Vân(1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ thứ XIV, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học. 72. Trần Trung Viên, Hư Chu (hiệu chính)(1968), Văn đàn bảo giám, Nxb Nam Kỳ, H, 1932; Nxb Mặc Lâm tái bản, SàiGòn. 73. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội. 74.Trần Ngọc Vương (2001), “Nguyễn Bỉnh Khiêm-hư và thực”, Tạp chí văn học, (số 6), 75.Trần Ngọc Vương (1990), Văn hóa Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Đại học quốc gia Hà Nội. 76. WILL DURANT, Nguyễn Hiến Lê (dịch), Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb Văn hóa- Thông tin. 77. Lê Thu Yến-Đoàn Thị Thu Vân-Lê Văn Lực-Phạm Văn Nhu (2000), Văn học Việt Nam- Văn học trung đại-Những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục. 78. Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm(1991), Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nxb TP Hồ Chí Minh. 79. Viện văn học và Hội đồng lịch sử Hải Phòng (1991), Kỷ yếu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Hải Phòng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN023.pdf
Tài liệu liên quan