MS: LVVH-LLVH008
SỐ TRANG: 134
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
NĂM: 2009
DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm chiến đấu chống Mỹ xuất hiện lớp nhà thơ mặc áo lính, tuổi
đời còn rất trẻ. Như nhiều thanh niên thời bấy giờ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ lên
đường nhập ngũ. Trong số đó có Nguyễn Duy. Ông tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ,
sinh năm 1948 tại Đông Vệ, Thanh Hóa. Nguyễn Duy từng tham gia chiến đấu nhiều
năm trên các chiến trường Khe Sanh, Đường Chín, Nam Lào, rồi sau này là mặt trận
phía Nam, mặt trận phía Bắc (1979). Nguyễn Duy làm thơ khá sớm nhưng đến năm
1973, ông mới được độc giả biết đến với chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ của
tuần báo Văn nghệ: “Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm”. Từ đó Nguyễn
Duy đã xuất bản nhiều tập thơ sáng giá trong tiến trình thơ đương đại Việt Nam: Cát
trắng (1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Ánh trăng (1984) .đã đưa ông lên vị trí là
một trong những nhà thơ “đem lại vinh quang cho cả thế hệ thơ trẻ thời kỳ chống
Mỹ” (Trần Đăng Suyền) [117, tr.92], góp phần “in đậm dấu ấn của thời đại” (Lưu
Khánh Thơ) [5, tr.4].
Sau 1975, thơ Việt Nam trải qua một giai đoạn chững lại, tìm đường. Trong
hoàn cảnh đó, Nguyễn Duy vẫn “bền bỉ kiên trì trong quá trình sáng tạo, cố gắng đi
sâu vào mọi khía cạnh của hiện thực đời sống, hiện thực tâm trạng” (Lưu Khánh
Thơ)[5, tr.4]. Với các tập thơ: Mẹ và em (1987), Đãi cát tìm vàng(1987), Đường xa
(1989), Quà tặng (1990), Về (1994), Vợ ơi (1995) . cùng tuyển tập Thơ Nguyễn Duy
Sáu & Tám, Nguyễn Duy đã thuộc “lực lượng đi tiên phong” (Trần Nhuận Minh) [4,
tr.4] trong thời kì Đổi Mới với nhiều “chuyển đổi trong phương thức chiếm lĩnh hiện
thực, trong các quan niệm mới về nghệ thuật, trong thế giới nghệ thuật có phần mới
mẻ, khác lạ về con người, trong ý thức mới đối với tư cách chủ thể của nhà
văn”(Phong Lê) [71, tr.344].
Thơ Nguyễn Duy đã được chọn đưa vào chương trình giảng văn ở bậc phổ
thông, giới thiệu ra nước ngoài, đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học
đánh giá, công bố trên các báo chuyên ngành, được công chúng yêu thơ đọc và bình
phẩm. Tuy nhiên, ngoài những bài viết đó và một vài luận văn cử nhân, vẫn chưa có
những công trình nghiên cứu toàn diện về thơ ông. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Thế
giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc công trình
nghiên cứu của những người đi trước để nhằm góp thêm một cái nhìn khái quát về sự
nghiệp thơ ca của nhà thơ Nguyễn Duy.
2. Giới hạn đề tài
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đặt Nguyễn Duy trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại, từ việc khảo sát
nghiên cứu văn bản thơ, tìm hiểu hành trình sáng tạo của nhà thơ, chúng tôi hướng tới
xác định cảm hứng chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy về: ngôn ngữ,
giọng điệu, đặc biệt là thể thơ lục bát. Từ đó khẳng định những đóng góp của ông -
một tác giả có vị trí đáng kể trong đời sống thơ ca Việt Nam từ năm 1970 đến nay.
“Đánh giá một tác giả văn học, cần xem tác giả ấy đã kế thừa được những gì
trong truyền thống văn học quá khứ, của những người đi trước. Và phải xem họ đã
đem lại một cái gì mới: một mảng hiện thực, một cách nhìn cuộc sống, một giọng
văn, những đổi mới về thể loại” [74,tr.717]. Vì vậy, trong điều kiện và chừng mực
nhất định, chúng tôi đối sánh thơ Nguyễn Duy với thơ của một số tác giả trước hoặc
cùng thời như: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Hữu Thỉnh .để từ đó rút ra những nét riêng
biệt ở thơ ông.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
Nguyễn Duy sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như: thơ, tiểu thuyết, bút kí,
phóng sự, kịch thơ và sáng tác các loại lịch thơ, tranh thơ .nhưng với đề tài này, luận
văn chỉ tập trung nghiên cứu thơ trữ tình của Nguyễn Duy. Cụ thể ở các tập thơ: Cát
trắng (1973), Phóng sự 30-4-1975 (1981), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đãi
cát tìm vàng (1987), Đường xa (1989), Về (1994), Thơ Nguyễn Duy Sáu & Tám
(1994), Vợ ơi (1995), Bụi (1997), Tuyển tập thơ Nguyễn Duy (bản thảo do tác giả
cung cấp).
Bên cạnh việc khảo sát các tác phẩm trên, chúng tôi còn tiếp thu một cách chọn
lọc những nhận định đánh giá của các công trình nghiên cứu đã có và những ý kiến
của chính tác giả để đảm bảo tính khoa học, tính khách quan cho luận văn.
3. Lịch sử vấn đề
Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ những năm bảy mươi, Nguyễn Duy đã tạo
ấn tượng nơi người đọc về một giọng thơ nhiều triển vọng. Có thể nói người có công
phát hiện và giới thiệu thơ Nguyễn Duy đầu tiên là Hoài Thanh. Trải qua hơn một
phần tư thế kỷ, đã có nhiều nhà phê bình, nghiên cứu nhận xét, đánh giá thơ Nguyễn
Duy, có thể chia làm bốn nhóm: Một là loại bài tìm hiểu những bài thơ, tập thơ tiêu
biểu. Hai là, loại bài nghiên cứu khái quát thơ Nguyễn Duy. Ba là, những bài phát
biểu, trả lời phỏng vấn của chính nhà thơ về tác phẩm của mình. Bốn là, một số luận
văn cử nhân nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy. Nhìn chung, các bài nghiên cứu đã đi
vào tìm hiểu nội dung và nghệ thuật thơ Nguyễn Duy ở những phương diện và mức
độ khác nhau. Trong phạm vi giới hạn của đề tài, chúng tôi sẽ hệ thống những ý kiến
nổi bật, những nhận định quan trọng liên quan đến cảm hứng chủ đạo và đặc điểm
nghệ thuật thơ Nguyễn Duy.
Để hình dung cụ thể, trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi phân chia ra các
nhóm ý kiến sau:
3.1. Hướng tiếp cận về nội dung
Trong những bài nghiên cứu đánh giá, thẩm bình về thơ Nguyễn Duy, nhiều
tác giả đã có những phát hiện về nét riêng độc đáo đối với từng tác phẩm của ông. Cụ
thể trong Hơi ấm ổ rơm, Vũ Quần Phương cho là “tấm lòng thơm thảo, nhường cơm
xẻ áo của nhân dân ta” [99, tr.154]. Trong Đò Lèn, Trịnh Thanh Sơn cho là “những
thước phim quay chậm” về nỗi gian truân của người bà, khiến độc giả “chỉ đọc thôi
đã muốn trào nước mắt”)[112, tr.14]; Đỗ Lai Thúy thì cho là sự “giải cổ tích hóa”, là
“cốt cách hiện đại” [138 ,tr 379-384]. Trong Ánh trăng, Nguyễn Bùi Vợi đã cảm
“nỗi ăn năn nhân bản, thức tỉnh tâm linh, làm đẹp con người” [148, tr.7]. Ngồi buồn
nhớ mẹ ta xưa, Đặng Hiển cho là “đã động thấu đến những tình cảm thiêng liêng
nhất, sâu xa nhất và thân thương nhất của chúng ta - tình cảm đối với mẹ” [49, tr.34].
Còn Lê Trí Viễn khi nói về bài Tre Việt Nam đã khẳng định đó là những biểu hiện
của “phẩm chất con người” [147, tr.289]. Những bài nghiên cứu ấy đã chỉ ra cảm
hứng trong thơ Nguyễn Duy xuất phát từ sự trân trọng, yêu thương, phát hiện ra vẻ
đẹp của con người Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đặc biệt là
những gian khổ thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của người dân.
Tập thơ của Nguyễn Duy được nhiều nhà phê bình chú ý là Ánh trăng- tác
phẩm được nhận giải thưởng của Hội nhà văn 1984. Nhận xét về nội dung tập thơ
này, Từ Sơn viết: “Tám mươi bài thơ chọn in trong hai tập Cát trắng và Ánh trăng
chiếm số lượng lớn vẫn là những bài thơ viết về người lính, về những điều đã cảm
nhận trên các nẻo đường chiến tranh .Nguyễn Duy đã đi nhiều nơi, đã tiếp xúc với
nhiều người. Bao giờ anh cũng dành những tình cảm tốt đẹp nhất của mình cho đồng
đội và cho những người dân bình thường” [116, tr.2]. Cùng ý kiến đó, Lê Quang
Hưng cũng rất sâu sắc khi nhận định: Tiếng nói của Nguyễn Duy trong Ánh trăng
“trước tiên vẫn là tiếng nói của một người lính, tiếng nói tìm đến những người lính-
những đồng đội để sẻ chia, trò chuyện .Đúng như Nguyễn Duy tâm sự: anh luôn cảm
thấy mình mắc nợ cuộc sống, mắc nợ những đồng đội. Các cảm giác đáng quí cũng
là cái ý thức trách nhiệm ấy đã thôi thúc anh, nâng giúp anh viết ngày một nhiều,
ngày một hay hơn về những người chiến sĩ” [58, tr.156]. Trên cơ sở đó, Lê Quang
Hưng rút ra sự hấp dẫn của tập thơ: “Ánh trăng được nhiều bạn đọc yêu thích trước
hết vì nó thực sự là một phần của một cuộc đời, là tiếng nói của một cây bút có trách
nhiệm trước cuộc sống xây dựng và chiến đấu sôi động trên đất nước ta những năm
qua” [58, tr.158].
Tế Hanh cũng thể hiện sự trân trọng của mình khi nhận xét về tập thơ Ánh
trăng của Nguyễn Duy. Trong bài “Hoa trên đá và Ánh trăng” đăng trên báo Văn
nghệ số 15/1986, ông viết: “Đọc thơ Nguyễn Duy trước hết ta thấy anh là một người
lính đã chiến đấu ở nhiều mặt trận. Hiện nay anh không phải là quân nhân nhưng
những câu thơ anh viết về bộ đội, về cuộc đời quân nhân vẫn là những câu thơ thấm
thía nhất” [40, tr.3]. Dù mỗi người nhìn nhận, đánh giá tập thơ này ở những góc độ
khác nhau, nhưng nhìn chung các ý kiến trên đều thống nhất ở một điểm: cảm hứng
để Nguyễn Duy viết là từ những tâm sự và trải nghiệm của chính bản thân nhà thơ-
một người lính đã từng trải qua những địa danh trận mạc cũng là những địa danh của
thi ca, một công dân có trách nhiệm sâu sắc đối với cuộc đời.
Trong các bài nghiên cứu khái quát thơ Nguyễn Duy của Hoài Thanh, Lại
Nguyên Ân, Nguyễn Thụy Kha, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Sáng, Chu Văn
Sơn, Vũ Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Thu Yến, các tác giả đều
có khuynh hướng đi sâu tìm hiểu những nội dung cơ bản trong thơ Nguyễn Duy. Các
bài viết này đã khẳng định thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy ngay từ khi mới
xuất hiện là những cảnh vật, sự việc, con người bình thường trong cuộc sống, gần gũi
với nhà thơ và với mọi người. Có thể nói, bài phê bình sớm nhất về thơ Nguyễn Duy
là “Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy” của Hoài Thanh, đăng trên Báo Văn nghệ
số 444/1972. Bài viết khẳng định: “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen
thuộc . Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những
cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên . Đọc thơ Nguyễn Duy, thấy anh
thường hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình .”
[129, tr.5]. Cùng ý kiến đó, Lại Nguyên Ân trong bài “Tìm giọng mới thích hợp với
người thời mình” cho rằng thơ Nguyễn Duy “nhạy cảm với cái gì ít ỏi, còm nhom,
queo quắt, cộc cằn , đơn lẻ” [2, tr.11]. Trong bài “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn
Duy”, in trong phụ lục tập thơ Mẹ và em, Nguyễn Quang Sáng nêu ý kiến: “Ngoài
mảng thơ về đề tài chiến trận, thơ Nguyễn Duy chủ yếu dành cho những đề tài muôn
thuở: tình yêu, con người và đất nước quê hương .Trong thơ Duy có hầu hết gương
mặt các miền đất với những cảnh sắc, thần thái riêng” [111, tr.91]. Cũng bình về
những đặc điểm này Vũ Văn Sỹ có những nhận xét khá tinh tế: “Nguyễn Duy thường
nắm bắt những cái mong manh nhưng vững chắc trong đời: chút rưng rưng của ánh
trăng, một tiếng tắc kè lạc về giữa phố, một dấu chân cua lấm tấm ruộng bùn, một kỉ
niệm chập chờn nguồn cội, một mùi thơm của huệ trắng trong đền, thoáng hư thực
giữa người và tiên phật .Và rồi hồn thơ Nguyễn Duy neo đậu được ở đó” [124,
tr.69]. Sau khi nêu những cảm nhận chung, Vũ Văn Sỹ đã mượn ngay câu thơ của
Nguyễn Duy để kết luận về cảm hứng chủ đạo trong thơ ông: “Nguyễn Duy- người
thương mến đến tận cùng chân thật” [124]. Và nếu như Nguyễn Đức Thọ chỉ chú ý
một khía cạnh trong thơ Nguyễn Duy: “Có lẽ sau cụ Tú Xương, tôi chưa thấy ai ca
ngợi vợ tài như Nguyễn Duy” [135, tr.82-90] thì Nguyễn Quang Sáng, một người bạn
thân thiết với Nguyễn Duy, nêu nhận xét cụ thể hơn: “Nguyễn Duy gắn bó máu thịt
với đất nước mình bằng tình cảm rất cụ thể với người dân .Thơ Nguyễn Duy có niềm
tự hào chính đáng về nhân dân mình, cùng với nỗi buồn thương chính đáng” [111,
tr.97]. Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đưa ra một nhận xét có ý nghĩa khái
quát: “Bao dung nên giàu có” [83, tr.280]. Nhìn chung các ý kiến đánh giá trên đã chỉ
ra được nét riêng và độc đáo của thơ Nguyễn Duy là ông thường cảm xúc - suy nghĩ
về những điều bình dị, cụ thể của đời thường. Đặc điểm này thể hiện trong thơ ông
như một mạch thống nhất, xuyên suốt cả trong hoàn cảnh chiến tranh và hòa bình.
Cùng tìm hiểu về nội dung thơ Nguyễn Duy, năm 2008, trong luận văn tốt
nghiệp, sinh viên Nguyễn Thị Thu Hiền với đề tài “Cái tôi nội cảm tìm về cội nguồn
trong thơ trữ tình Nguyễn Duy” đã đi sâu làm rõ một trong những khía cạnh nổi bật
của thơ trữ tình Nguyễn Duy: cảm xúc về quê hương xứ sở, điệu hồn của dân tộc, về
đạo đức truyền thống và những giá trị thiêng liêng cùng nghệ thuật thể hiện cái tôi trữ
tình. Tuy nhiên những vấn đề trên chưa được nghiên cứu sâu.
3.2. Hướng tiếp cận về nghệ thuật
Phương diện được các tác giả quan tâm nhiều nhất và có ý kiến tương đối
thống nhất là thể loại. Bài “Tre Việt Nam” được nhiều nhà phê bình phân tích, đánh
giá; có thể xem đây là một trong những bài thơ lục bát tiêu biểu của Nguyễn Duy.
Văn Giá trong “Một lục bát về tre” nhận xét: “ Lựa chọn thể thơ 6-8, một thể thơ
thuần chất Việt Nam, tác giả xử lý thật nhuần nhuyễn, trôi chảy, trau chuốt, không
non ép, gượng gạo, vấp váp một chỗ nào. Trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ, phần
các bài viết theo thể lục bát không phải là nhiều nhất nhưng anh vẫn được coi là một
trong những nhà thơ hiện đại viết lục bát thành công nhất. Với tất cả những gì đạt
được, anh đã góp phần đem lại một sắc điệu hiện đại cho thể thơ lục bát của dân
tộc” [9, tr.93]. Và chính Nguyễn Duy, khi trả lời phỏng vấn trên báo Đại đoàn kết đã
bộc bạch: “Những bài thơ lục bát là phần quý giá nhất của mình” [12, tr.14]. Lê
Quang Trang khẳng định “Anh vốn là người sở trường về sử dụng thơ lục bát” [141,
tr.200]. Nguyễn Quang Sáng cũng cùng ý kiến đó khi cho rằng: “Nguyễn Duy vốn có
ưu thế và trội hẳn lên trong thể thơ lục bát” [111, tr.91]. Nguyễn Thụy Kha: “Sẵn cái
chất hóm hỉnh, dân dã, sâu sắc hơi chua cay chút chút, Duy quả là thiện nghệ trong
cái trò “ 6&8” này” [61, tr.204]. Và nếu năm 1986, Lại Nguyên Ân còn e dè khi cho
rằng: “Ngay cả những bài lục bát, ta cũng thấy có cái gì bên trong như muốn cãi lại
vẻ êm nhẹ mượt mà vốn có của câu hát ru truyền thống” [2, tr.11] thì đến năm 1999,
Vũ Văn Sỹ đã mạnh mẽ khẳng định: “Nguyễn Duy đã sử dụng lục bát để thuần hoá
chất liệu cập nhật của đời sống. Lục bát trong tay Nguyễn Duy trở nên vừa êm ái vừa
ngang ngạnh, vừa quen thuộc vừa biến hoá, “cựa quậy”. Làm thơ lục bát đến như
Nguyễn Duy có thể xếp vào bậc tài tình” [124,tr.74]. Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong
lời giới thiệu in ở đầu tập thơ “Nguyễn Duy- thơ với tuổi thơ” cũng đã chỉ ra sự đổi
mới cách tân của Nguyễn Duy khi sử dụng thể thơ dân tộc: “Lục bát của Nguyễn Duy
rất hiện đại. Câu thơ vừa phóng túng ngang tàng lại vừa uyển chuyển, chặt chẽ với
một bút pháp khá điêu luyện. Nguyễn Duy là người có công trong việc làm mới thể
thơ truyền thống này” [63]. Nguyễn Thị Thúy Hằng trong luận văn tốt nghiệp đại học
năm 1999, với đề tài “Thơ lục bát của Nguyễn Duy” đã khảo sát Câu lục bát trong ca
dao truyền thống và thơ lục bát của Nguyễn Duy. Từ đó, chỉ ra sự kế thừa những đặc
điểm của ca dao và thơ truyền thống trong câu thơ Nguyễn Duy, nêu một vài điểm
đổi mới trong thơ ông như: Quan niệm về thế giới và con người, hình thức trình bày
thơ, cấu tứ và kết cấu ở một bài thơ lục bát .Có thể thấy, mỗi tác giả đánh giá thơ lục
bát của Nguyễn Duy ở một khía cạnh khác nhau nhưng nhìn chung các ý kiến này
đều thống nhất cho rằng thơ lục bát Nguyễn Duy thực sự có vị trí cao trong các sáng
tác lục bát đương thời.
Ngôn ngữ - vốn là một phương diện rất quan trọng trong việc tìm hiểu nghệ
thuật thơ Nguyễn Duy nhưng lại chưa có sự thống nhất cao. Theo Nguyễn Quang
Sáng: “Thơ Nguyễn Duy đượm tính dân tộc và nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian.”
[111, tr.96], Phạm Thu Yến lại có ý kiến khác: thơ Nguyễn Duy là sự kết hợp giữa
“ngôn ngữ đời thường” và ngôn ngữ “đậm màu sắc hiện đại” [152, tr.79 ]. Còn với
Vương Trí Nhàn, thơ Nguyễn Duy là “bản hợp xướng của những chữ lạ” [83, tr.283].
Hồ Văn Hải thì khẳng định: “Sáng tạo từ láy là điểm nổi bật nhất trong lục bát
Nguyễn Duy” [44, tr.6 ].
Phương diện được nhiều nhà nhiên cứu, phê bình quan tâm là giọng điệu. Khi
bình bài “Tre Việt Nam”, GS.Lê Trí Viễn cho rằng: “Giọng điệu bài thơ là kể chuyện
như kể chuyện cổ tích” [147, tr.289]. Năm 1986, trong bài viết “Tìm giọng mới thích
hợp với người thời mình”, Lại Nguyên Ân tập trung tìm hiểu sự cách tân giọng điệu
trong thơ Nguyễn Duy: “Thật ra thơ Nguyễn Duy nhìn chung vẫn nằm trong điệu trữ
tình .Thơ Nguyễn Duy gần đây thường có thêm sắc giọng thủng thẳng, hơi ngang
ngạnh và ương bướng”. Với Lại Nguyên Ân, giọng điệu đó làm cho thơ tình “bớt đi
cái tha thiết héo ruột héo gan vốn thường có ở những khí chất yếu, những tâm trạng
u sầu lối cũ” “tăng thêm cái khoẻ khoắn mạnh mẽ vốn là đặc điểm của con người
thời nay”[2, tr.11]. Ngô Thị Kim Cúc khi đọc tập thơ “Bụi” của Nguyễn Duy đã
nhận xét: “Từ bài đầu đến bài cuối hầu hết vẫn giống nhau ở một cách viết, vẫn cái
giọng cà tửng cà khịa khiến người ta lúc đầu bật cười rồi sau đó thấm thêm một tí lại
trào nước mắt” [13, tr.5]. Phạm Thu Yến thì cho rằng: khuynh hướng hài hước, trào
lộng là một trong những biểu hiện của thi pháp ca dao và đã nhẹ nhàng phê bình
Nguyễn Duy đôi khi “quá đà”, khiến người đọc phải “ái ngại” [152, tr.76-82].
Trong các bài phê bình nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy, thì bài viết “Nguyễn
Duy - thi sĩ thảo dân” của Chu Văn Sơn là một bài viết công phu, cung cấp cho
người đọc một cái nhìn tương đối rõ về con đường sáng tác của Nguyễn Duy. Ông
gọi thế giới thơ Nguyễn Duy là “cõi chúng sinh thì hiện tại”: binh lửa và bụi bặm,
bùn nước và gió trăng, nghèo đói và tiềm năng, tàn phá và gây dựng, xơ xác và nhen
nhóm, bần bách và phù hoa”; nhân vật là “thập loại chúng sinh”, là bà, mẹ, cha ,vợ,
con .đặc biệt là những con người không may mắn xuất hiện trong đời sống như “chú
bé đi bụi khoèo mái hiên lắng nghe pháo tết, em điếm ế đón giao thừa gốc cây, bà bới
rác nằm co ro gầm cầu .”. Từ đó biện giải “Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân”, chỉ ra
bản chất “thảo dân” ấy ở cảm hứng sáng tác, ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ lục bát
của Nguyễn Duy [114, tr.38-53].
Như vậy, qua các bài nghiên cứu, phê bình thơ Nguyễn Duy nêu trên, chúng tôi
nhận thấy các tác giả đã có những đóng góp nhất định trong việc phát hiện ra một số
đặc điểm về nội dung, nghệ thuật nổi bật của thơ ông. Nhưng nhìn chung, các bài viết
này chỉ mới đi vào tìm hiểu một bài thơ, tập thơ hoặc chỉ dừng lại nghiên cứu một
khía cạnh, một mặt nào đó trong thơ Nguyễn Duy, chưa có một công trình nào đi sâu
nghiên cứu, khảo sát toàn diện và có hệ thống về thơ ông, để từ đó rút ra những đặc
điểm khái quát về nội dung tư tưởng, nghệ thuật thơ Nguyễn Duy .Tuy nhiên đây là
những nhận định hết sức đáng quý, gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề về cảm hứng,
ngôn ngữ, giọng điệu, thể thơ lục bát của Nguyễn Duy trong việc thực hiện đề tài
luận văn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên, chúng tôi vận dụng các phương pháp
chủ yếu sau đây:
4.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp
Đây là phương pháp cơ bản và phổ biến trong nghiên cứu văn học nói chung.
Chúng tôi sẽ vận dụng phương pháp này để phân tích câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, bài
thơ có tính chất tiêu biểu, điển hình để minh họa cho các luận điểm của luận văn.
4.2. Phương pháp cấu trúc- hệ thống
Quan niệm thế giới nghệ thuật là một chỉnh thể, xuất phát từ đặc điểm riêng
của thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, luận văn chú trọng việc tìm ra những thành
tố tạo nên chỉnh thể này và qui luật cấu trúc nên nó. Mọi đối tượng, mọi vấn đề khảo
sát được chúng tôi đặt trong tương quan hệ thống, trong qui luật cấu trúc này.
4.3. Phương pháp so sánh
Mục đích của việc sử dụng phương pháp so sánh là để khẳng định nét độc đáo,
đặc sắc của phong cách thơ Nguyễn Duy trong mối tương quan so sánh với các tác
giả, tác phẩm khác ở cả hai chiều lịch đại và đồng đại. Với việc sử dụng phương pháp
này chúng tôi có cơ sở để tìm hiểu, lí giải và xác định rõ những giá trị cũng như đóng
góp của thơ Nguyễn Duy trên nhiều bình diện khác nhau.
4.4. Phương pháp phân loại, thống kê
Đối với từng thành tố trong chỉnh thể, đối với các yếu tố thuộc phương thức,
phương tiện trữ tình trong thơ Nguyễn Duy, khi cần thiết luận văn thực hiện phân loại
và thống kê qua các con số cụ thể.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn đã tìm hiểu thơ Nguyễn Duy trên bình diện của thế giới nghệ thuật.
Trong quá trình tiếp cận “Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy”, người viết xem đó
như một chỉnh thể nghệ thuật bao gồm nhiều phương diện có mối quan hệ gắn bó
biện chứng với nhau. Với đề tài này, người viết mong muốn đóng góp thêm một
hướng tiếp cận, nhằm tìm hiểu tương đối đầy đủ về sự nghiệp sáng tác thơ ca của
nhà thơ Nguyễn Duy, thông qua việc nghiên cứu những vấn đề nổi bật như: Hành
trình sáng tạo, cảm hứng chủ đạo và những đặc điểm nghệ thuật thơ ông, để từ đó
khẳng định bản sắc riêng độc đáo của ngòi bút Nguyễn Duy và vị thế của ông trong
tiến trình vận động và phát triển của thơ Việt Nam hiện đại.
Người viết cũng hi vọng rằng những tư liệu và kết quả của luận văn sẽ góp một
phần nhỏ vào việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập thơ Nguyễn Duy trong nhà trường
được tốt hơn.
6. Cấu trúc luận văn
Phù hợp với lôgic nội tại của vấn đề đặt ra nghiên cứu, ngoài phần Dẫn nhập
và Kết luận, luận văn được triển khai trong ba chương:
Chương 1: Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Duy.
Chương 2: Cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Duy.
Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Duy.
Cuối cùng là danh mục Tài liệu tham khảo.
7. Giới thuyết khái niệm: “Thế giới nghệ thuật”
Thế giới nghệ thuật là một cụm từ càng gần đây càng được sử dụng nhiều cả
trong đời sống và trong học thuật. Nó được dùng khi con người có nhu cầu diễn đạt ý
niệm về cái chỉnh thể bên trong của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình
tác phẩm, sáng tác của một tác giả, một trào lưu .). Có nhiều cách lý giải về thế giới
nghệ thuật. Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: Thế giới nghệ thuật là một thế giới
được tạo ra trong nghệ thuật. Nó hoàn toàn “khác với thế giới thực tại vật chất hay
thế giới tâm lí của con người mặc dù nó phản ánh thế giới ấy” “Thế giới nghệ thuật
thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được tạo ra theo các
nguyên tắc tư tưởng và nghệ thuật .Mỗi thế giới nghệ thuật như một mô hình nghệ
thuật trong việc phản ánh thế giới, ứng với một cách quan niệm về thế giới, một cách
cắt nghĩa về thế giới” [39, tr.352]. Lê Ngọc Trà quan niệm: “Đối tượng nghiên cứu
đầu tiên của thi pháp học là các yếu tố và cấu trúc tác phẩm văn học như ngôn ngữ,
thế giới nghệ thuật, kết cấu và chủ thể nghệ thuật [140, tr.140]. “Thế giới nghệ thuật
bao gồm nhân vật, cốt truyện và các chi tiết được mô tả, không gian, thời gian nghệ
thuật .Nghiên cứu thế giới nghệ thuật của tác phẩm, khám phá được tính chỉnh thể ấy
có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu cách cảm nhận thế giới cũng như quan
niệm tư tưởng của nhà văn” [140, tr.141]. Lê Tiến Dũng cho rằng: “Qua văn bản
ngôn từ người đọc bắt gặp “bức tranh đời sống”, một thế giới như ta đã gặp đâu đó
trong đời, lại như chưa gặp bao giờ .Người ta gọi lớp này là lớp thế giới nghệ thuật
hay là lớp hình tượng”. “Mỗi nhà văn, mỗi thời đại văn học sáng tạo ra một thế giới
nghệ thuật riêng. Tiếp nhận được thế giới này là cơ sở để hiểu tư tưởng - nghệ thuật
của tác phẩm, cảm nhận được những gì nhà văn miêu tả, kí thác cũng như cái nhìn,
quan niệm của nhà văn về con người, cuộc sống” [15, tr.11].
Những quan niệm trên về thế giới nghệ thuật thiên về tác phẩm văn xuôi và nội
dung được phản ánh trong tác phẩm. Từ góc độ thi pháp học chúng tôi quan niệm
“hình thức mang tính nội dung và nội dung là một nội dung được xác định trong hình
thức” [118, tr.9]. Nói cách khác thế giới nghệ thuật không đơn thuần là vấn đề hình
thức mà trong tính chỉnh thể của nó, hình thức thẩm mĩ đó luôn được thẩm thấu,
chuyển hóa trong một nội dung thích hợp. Thông qua thế giới nghệ thuật của một nhà
thơ ta có thể phân biệt được chỗ sâu sắc, tư tưởng nghệ thuật độc đáo của nhà thơ ấy
với nhà thơ khác. Vậy “Thế giới nghệ thuật” vừa là thế giới được tạo thành trong thơ
qua cách cảm nhận riêng của tác giả vừa là hình thức biểu hiện của thế giới ấy, một
hình thức thích hợp duy nhất để nội dung được biểu hiện trọn vẹn và đầy đủ.
Với “Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy”, chúng tôi tập trung nghiên cứu
cảm hứng sáng tác và phương thức biểu hiện trong thơ như: thể thơ, ngôn ngữ, giọng
điệu . Từ đó thấy được phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Duy vừa mang nét riêng
cá nhân vừa phản ánh trình độ nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử, một thời đại.
134 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 5475 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hôn). Dường như mọi cảm xúc của nhà thơ đều được
dồn nén, ẩn đằng sau câu chữ để ông đem đến cho người đọc những lời tâm tình chân
thành, điềm đạm, ấm áp, vực họ bước qua những nỗi đau tưởng chừng không thể nào
qua được. Đây chính là sự đồng vọng của thái độ sống: “Đừng than phận khó ai ơi /
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (Ca dao) của cha ông thuở nào.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khi tác động của hoàn cảnh lịch sử
khiến thơ ca mở rộng biên độ phản ánh “đưa chất sống thực tế vào thơ” [144, tr.304]
thì kể chuyện tâm tình cũng trở thành một trong những giọng điệu chung của thơ ca
thời kì này. Nhưng sự kể của mỗi nhà thơ thì gắn liền với những sắc thái biểu cảm
khác nhau. Phạm Tiến Duật kể về “Cái vết thương xoàng mà đưa viện”, về tiểu đội xe
không kính, về cuộc gặp gỡ với cô thanh niên xung phong: “Cô ở Thạch Kim sao đùa
anh nói là Thạch Nhọn”…thể hiện chất “hồn nhiên tinh nghịch của tuổi trẻ” (Mã
Giang Lân) [69, tr.320]. Nguyễn Khoa Điềm kể về Đất ngoại ô quê mình, kể về
những ngày tuổi trẻ miền Nam xuống đường đấu tranh chống Mỹ… bộc lộ chất “giàu
suy tưởng, cảm xúc” (Tôn Phương Lan) [144, tr.493]. Thanh Thảo kể về Bài ca ống
cóng, Tổ ba người, Dấu chân qua trảng cỏ… bằng “giọng thơ trầm, giàu nghĩ ngợi
với những liên tưởng độc đáo, bất ngờ mang ý nghĩa khái quát sâu xa” (Bích Thu)
[144, tr.427]. Hữu Thỉnh kể về Chuyến đò đêm giáp ranh, Giấc ngủ trên đường ra
trận, Sau trận đánh…, bộc lộ sự “đằm thắm hồn hậu nghiêng về phía rợp mát”, “lắng
yêu thương lấn át cái ồn ào sôi sục” (Lưu Khánh Thơ) [144, tr.421]. Bùi Minh Quốc
“diễn giải” về Kỷ niệm ở sông Trà, Đôi mắt Việt Nam để “thiên về ngợi ca, hướng về
vẻ đẹp lãng mạn” (Vũ Tuấn Anh) [144, tr.471]. Còn Nguyễn Duy thường kể về
những chuyện đời thường nhỏ nhặt với nỗi niềm tâm tình nhẹ nhàng, chân chất, điềm
đạm, đằm thắm, đậm đà chất ca dao. Chính vì vậy, trên cái nền “tiết tấu quân hành
thời chiến” (Vân Long) cũng như một số những nhà thơ trẻ khác, Nguyễn Duy đã tìm
được giai điệu riêng cho mình.
Khi đất nước bước vào thời bình, thế giới tâm hồn và cái nhìn nghệ thuật của
nhà thơ đối với cuộc sống cũng đã thay đổi. Thơ không còn khuôn vào một số giọng
điệu chung như trước 1975. Tư thế trữ tình của cái tôi hôm nay là tư thế một người
bình thường tự nói với mình và tâm sự với mọi người về cảm xúc cá nhân, về những
vấn đề nhân sinh, thế sự. Mặt khác cuộc sống được cảm nhận nhiều chiều với những
quan niệm thẩm mỹ khác nhau. Vì thế, các nhà thơ, nhất là những cây bút trẻ đã có
những tìm tòi, cách tân mạnh mẽ về cách thức tổ chức giọng điệu. Giữa những giọng
thơ đa dạng đó, Nguyễn Duy vẫn kiên trì giữ vững giọng kể chuyện tâm tình đôn hậu,
ấm áp, điềm đạm, tỉnh táo. Những bài thơ của ông khi viết về người nông dân, về bà,
mẹ, cha, về làng quê vẫn tràn ngập sự da diết yêu thương:
“Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”
(Đò Lèn)
“Cha tôi đó dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn”
(Cầu Bố)
“Điệp khúc sông uốn lượn trong lòng
đò dọc đò ngang lênh đênh cõi nhớ
mùa vải đỏ tu hú về Châu Tử
lách cách mõ thuyền chài xua cá
cô gái chèo thuyền bằng hai chân như múa
đỉnh núi Chum Vàng trăng lu trăng tỏ
dô khoan dô huầy nghiêng ngả cả sông đêm
nhịp đập chân dậm dật sạp thuyền…
bà tôi lặn lội bên sông
lả lá chè xanh xuống đò lên chợ
mẹ tôi gồng gánh thay chồng
da bánh mật mài mòn tre bánh tẻ…”
(Giòng sông mẹ)
Không một từ cám ơn, không một lời ca ngợi, tự giọng điệu bài thơ đã diễn tả
sâu lắng tình cảm đằm thắm, thiết tha ân tình của nhà thơ một cách chân thành, cảm
động.
Sử dụng sắc thái giọng điệu này, Nguyễn Duy đã tạo nên những bài thơ dạt dào
cảm xúc. Những trang thơ đem đến sự rung động chân thành cho người đọc từ chính
lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời của tác giả. Những
trang thơ đi vào dòng đời, lòng người hôm nay để người đọc cảm nhận rõ sự hồn hậu
trong trẻo của nó mặc dù ở đó còn biết bao điều bất cập, bất ổn. Tuy nhiên có một
thực tế rằng giọng kể chuyện tâm tình của Nguyễn Duy trong giai đoạn sáng tác này
không hoàn toàn thuần nhất như trước nữa mà có sự xuất hiện song song hoặc đan
xen của một giọng điệu khác cũng là giọng điệu chính trong thơ ông: Giọng tếu táo,
hài hước
3.3.2. Giọng tếu táo, hài hước
Với cái nhìn hiện thực bộn bề đa dạng, với trách nhiệm của một cây bút chân
chính, trong những sáng tác của Nguyễn Duy từ những năm sau 1980 vừa đi sâu mô
tả dòng chảy trong trẻo giữa dòng sông cuộc sống trong đục, vừa đi sâu phát hiện
nhiều điều bất cập bất ổn trong cuộc sống hiện tại. Để đưa lên trang giấy những điều
bất cập bất ổn ấy, nhà thơ đã lựa chọn một phương tiện thật hữu hiệu. Đó là giọng
điệu tếu táo, hài hước. Nhờ sắc thái giọng điệu này mà những gam màu lạ trong dòng
chảy của cuộc sống hiện tại được tác giả soi chiếu một cách thật tinh tế nhiều chiều.
Sau tiếng cười, mỗi bạn đọc đều cảm nhận rõ sự khắc khoải trăn trở của tác giả trước
những bất cập bất ổn trong cuộc sống đương thời.
Giọng thơ tếu táo này của ông được thể hiện trước hết ở việc Nguyễn Duy
đụng đến những vấn đề “kinh mạch”, “huyệt đạo” của xã hội bằng thứ ngôn ngữ
“cơm bụi” được “thơ hóa”: “Chích một giọt máu thường xét nghiệm/ tí trí thức- tí thợ
cày- tí điếm/ tí con buôn- tí cán bộ - tí thằng hề/ phật và ma mỗi thứ tí ti...” (Nhìn từ
xa...Tổ quốc). Và khi những ngôn ngữ “cơm bụi” được sự hỗ trợ đắc lực và điệu nghệ
của những phép trùng điệp thì cái giọng tếu táo ấy càng trở nên táo bạo: “Ào ạt
xuống đường các tập đoàn con buôn/ buôn hàng lậu- buôn quan- buôn thánh thần-
buôn tuốt.../ quyền lực bày ra đấu giá trước công đường” ( Nhìn từ xa Tổ quốc...).
Với giọng điệu này, Nguyễn Duy đã phơi bày và lên án gay gắt những bất ổn của xã
hội đương thời, nhưng đó không phải là một nét cực đoan vì “đã hàm ý phủ nhận cả
quá khứ, hiện tại, tương lai của dân tộc” như Bùi Công Hùng đã phê phán [56, tr.293-
294]. Một nhà thơ luôn tâm niệm “Dù có sao/ vẫn Tổ quốc trong lòng”, “Dù có sao/
đừng thở dài/ còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (Nhìn từ xa...Tổ quốc) như Nguyễn
Duy thì không thể thiếu niềm tin vào cuộc sống, bởi ẩn đằng sau giọng điệu ấy là sự
“xót xa rơi nước mắt trước số phận mình, số phận người thân và số phận nhân dân,
vừa là sự khoan dung, tự vấn”. Về bản chất, giọng điệu ấy “là một tình thương sâu
sắc với con người Việt Nam” [133, tr.4].
Khi trong cuộc đời còn quá nhiều điều để ngẫm và để nghiệm, trái tim nào
nhạy cảm sẽ dễ bị tổn thương nhiều nhất. Nhưng không ai có thể khóc suốt đời nên
người ta phải nghĩ ra cách để sống chung với nỗi buồn của mình nên thơ Nguyễn Duy
giai đoạn sau có chất giọng tếu táo, hài hước âu cũng là một sự chọn lựa tinh tế. Bản
chất của hài hước là sự mâu thuẫn, sự trật khớp giữa hai mặt nội dung và hình thức,
giữa hạn chế và tích cực, giữa mới và cũ của tất cả các hiện tượng trong đời sống
khách quan. Giọng điệu hài hước trong thơ Nguyễn Duy nhìn chung biểu hiện ở việc
ông nhìn nhận, thể hiện cái mới, cái đẹp theo đặc thù khôi hài của người Việt Nam.
Do vậy, chất hài hước trong thơ Nguyễn Duy đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính trào
lộng, bông đùa , bông lơn, tếu táo…nhằm mục đích giã từ cái xấu, cái cũ, cái thô
kệch…tiềm ẩn trong sự vật, sự việc, con người một cách vui vẻ để mọi người nghiền
ngẫm, hướng thượng.
Bằng giọng điệu hài hước này, Nguyễn Duy đã hết giễu người đến tự giễu
mình, giễu mình là dễ nhất và an toàn nhất:
“Con ơi cha mắc bệnh thơ
u ơ ú ớ ù ờ thâm niên
dở khôn, dở dại, dở điên
động kinh lè lưỡi thánh hiền làm oai…
dạ dày còn nửa phần thôi
phần tư bộ óc với mười quả tim…”
(Tập ru con)
Nguyễn Duy sử dụng điệu ghẹo kiểu này khiến người đọc nhớ đến các vai “hề
áo ngắn” trên sân khấu chèo truyền thống. Các vai hề này thường bằng điệu bộ ngô
ngô, ngọng ngọng, giọng điệu làm như giễu cợt vô tình, “khiến người ta lúc đầu bật
cười rồi sau đó thấm thêm một tí lại trào nước mắt” [13, tr.5]. Quả thật, khi mà “Cơm
áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) thì không ít người đã coi văn chương là vô
bổ, người nào lao vào văn chương coi là không thực tế, là nực cười. Nhờ sắc thái
giọng điệu này nhà thơ đã phản ánh một thực trạng buồn: trong thời buổi con người
đang bươn chãi để làm đầy cái dạ dày, thi sĩ dấn thân vào thơ là lạc lõng, vô tích sự.
Vì vậy sau tiếng cười, mỗi bạn đọc đều cảm nhận rõ sự băn khoăn trăn trở của tác giả
trước những bất cập bất ổn trong cuộc sống hôm nay. Cũng vẫn cái giọng điệu thơ
như thế, ông cười giễu mình:
“Lơ ngơ hơi bị ấm đầu
mù mờ hơi bị ngu lâu tàn đời
Thần kinh hơi bị rối bời
người hơi bị ngợm ta hơi bị gì”
(Chạnh lòng 2)
Giọng hài hước ở đây được tạo nên bằng cách sử dụng ngôn ngữ đời thường
kết hợp với việc dồn trọng âm vào từ “bị”. Từ cách đó tự trào bật ra, lan đến người
đọc - một kiểu hề chèo dân gian trào phúng. Bài Chạnh lòng 1 cũng kiểu như thế:
“Giọt rơi hơi bị trong veo
mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi
Chân mây hơi bị cuối trời
em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu”
Viết về con, viết về vợ, đôi khi ông cũng viết với giọng điệu này nhưng ẩn sau
đó là sự ngợi ca, bộc lộ tình cảm quý trọng của mình. Bài “Vợ ốm” là một ví dụ:
“Vừa một xuân lại một xuân
vợ ơi đại hạn đã gần một năm
một nhà là sáu mồm ăn
một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ…
thình lình em ngã bệnh ngang
phang anh xất bất xang bang sao đành
Cha con Chúa Chổm loanh quanh
anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
việc thiên việc địa việc nhà
một mình anh vãi cả ba linh hồn”
Thương vợ, cảm thông với vợ, nhưng đến khi vợ ốm, phải làm mọi việc thay
vợ mới nhận ra, tự hài hước để tâm tình chia sẻ với vợ, thấy cuộc đời không thể thiếu
vợ. Thơ ca truyền thống của ta cũng đã có những bài tôn vinh người vợ- trụ cột của
hậu phương gia đình, hay cái cách đem những khó khăn, cực nhọc trong đời ra mà
giễu cợt cũng lại không mới, từ những thuở Nguyễn Công Trứ: Ngày ba bữa vỗ bụng
rau bì bạch, người quân tử ăn chẳng cầu no…đến Tú Xương: Một tuồng rách rưới
con như bố…các cụ đều dùng qua cái phép này. Và đến Nguyễn Duy, ông đã tiếp tục
mạch ấy khi viết: “Cha con Chúa Chổm loanh quanh/ Anh như nguyên thủ tanh bành
quốc gia”... Nhưng nếu Tú Xương giễu mình: Bốn con làm lính bố làm quan cũng đã
“oai” thì Nguyễn Duy tiến thêm một bậc khi viết: “Anh như nguyên thủ tanh bành
quốc gia”… “Oai” hơn nhưng cũng thảm hại hơn! Bài thơ có 16 dòng, lời lẽ giản dị
nôm na mà rốt cuộc chở được thật nhiều tình ý- ân tình với vợ, giễu cợt chính
mình…nhưng cười mà lại khiến mủi lòng, giễu cợt mà thấy thêm thương mến. Bằng
giọng điệu ấy, cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Duy bộc lộ sâu sắc, vừa tự ý thức
được mình, ý thức được giá trị của tình nghĩa vợ chồng, vừa tỉnh ngộ mình, tỉnh ngộ
người, mong muốn mọi cái đều tốt đẹp hơn.
Một số bài thơ ở phần “Đường làng”, “Đường xa”, đặc biệt là nhiều bài thơ ở
phần “Đường về” được gom lại từ tập Bụi, Nguyễn Duy cũng đã sử dụng giọng điệu
hài hước này. Ta thấy sau những lời tự trào, đùa cợt là nỗi niềm day dứt và sự tự
thanh lọc của nhà thơ. Phần lớn ở những bài thơ này ông tự lộn trái phần cá nhân của
chính mình, trải mình trên trang giấy để bỡn cợt. Nguyễn Duy thường tự trào cái mơ
mộng, cái viển vông của mình, cái bất cập, cái không ăn khớp giữa khả năng và hiện
thực, kiểu như:
“Nghe đồn thi sĩ đi buôn
Trời sao thỏa thuận bán luôn bầu trời”
(Thi sĩ B)
“Nghe đồn thi sĩ làm quan
Gió mây bỗng muốn hết làm gió mây”
(Thi sĩ C)
“Thất tha thất thểu văn chương
Kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài”
(Xin đừng buồn em nhé)
Giọng điệu tếu táo, hài hước được Nguyễn Duy sử dụng như một cách lý giải
con người và đời sống bằng nghệ thuật, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện
thực. Và nói như Đỗ Minh Tuấn: “Dưới bàn tay đạo diễn của “gã hề”, những bà mẹ,
những người vợ, những bến đò, những phiên chợ, những hoa hậu đồng quê…hiện lên
trước mắt là nhẹ nhàng hơn thấm thía hơn, bề bộn hơn nhưng siêu thoát hơn. Giọt
nước mắt ngày xưa còn nguyên vẹn trong thơ, nhưng đã trở nên lung linh, sống động,
kỳ ảo hơn bởi những luồng sáng ngược của cái nhìn hài hước và trở thành một nỗi
đau lập thể bởi có thêm chiều kích của đời sống thực và chiều kích của sự tự thú, tự
vấn, tự trào” [133, tr.4].
Bài “Hoa hậu vườn nhà ta” được Nguyễn Duy viết nhân cuộc thi hoa hậu tháng
9 năm 1992, khi mà nền kinh tế thị trường đã chi phối đời sống xã hội nước ta, làm
nảy sinh nhiều hiện tượng mới lạ trong sinh hoạt văn hóa dân tộc. Bằng lối tư duy dí
dỏm, nắm bắt cái thuận lý và cái nghịch lý, đối lập chúng khi thể hiện, Nguyễn Duy
đã vẽ lên một bức tranh thi hoa hậu vừa nghiêm túc, vừa nực cười, bộc lộ nhiều khía
cạnh của nền kinh tế thị trường sôi động:
Người thi người
còn ta thì thi nhìn…
Trực giác có triệu chứng mất chuẩn
tri giác hồi này cũng uốn éo hình sin
Thiên hạ buông lơi cái nhìn thành thực
ban giám khảo có vẻ nhìn nghiêm túc
Nhà khoa học ra dáng nhìn chừng mực
nhà đạo đức nhìn he hé mắt
Nhà chức sắc nhìn nghiêng
nhà phê bình nhìn xiên
Nhà thơ lơ mơ nhìn cuốc hóa gà
nhà nhiếp ảnh nhìn vằn vằn vẹo vẹo
Nhà báo nhìn lắt la lắt léo
nhà buôn nhìn lươn lươn lẹo lẹo…
Giọng điệu thơ giàu tính hài hước được bộc lộ qua việc tác giả sử dụng ngôn
ngữ thể hiện sự mâu thuẫn bên trong của các tầng lớp người: nhà khoa học, nhà chức
sắc, nhà phê bình, nhà đạo đức, nhà thơ…trong thời kì kinh tế thị trường- thời mở
cửa. Đoạn kết bài thơ, chất hài hước được thể hiện nghiêng về sự bộc lộ sự không ăn
khớp giữa con mắt những người “nhà quê” và hiện thực sự đời. Vì vậy, từ hài hước
đã tạo ra dòng suy nghĩ trầm tư, thương cảm:
“Nhà quê nhìn em bằng con mắt là
mắt vui vui khúc ruột buồn buồn
Ta dán làm sao hết lỗ thủng định mệnh
em thoát làm sao khỏi cơ chế thị trường
hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm
thua cũng thương mà thắng cũng thương
Hồng nhan ạ giá ta làm chủ khảo
để em thi với cỏ nội hoa vườn…”
Đó là sự hài hước giữa cái được và cái mất của thời kinh tế thị trường. Cười vì
những mâu thuẫn song hành khó tồn tại, giữa hiện thực và ước muốn, giữa khả năng
và hiện thực, giữa nghiệp và nghề. Cười như thế để mong rằng cái được trong thời
kinh tế thị trường sẽ nhiều hơn, con người sớm thích nghi hơn và ngày càng người hơn,
nghệ sĩ hơn.
Và có khi để phê phán những thói hư tật xấu của con người, Nguyễn Duy cũng
sử dụng giọng điệu hài hước. Đó là khi ông viết về sự mê tín dị đoan, cúng cầu, đồng
bóng hoặc những con người lố bịch, nực cười:
“Thiền sư theo chợ bỏ chùa
Loay hoay thui chó nửa mùa hết rơm”
(Thiền sư)
“Chỉ tay ngang dọc rối bời
Những toan nhăng cuội mấy lời không đâu
Thôi đừng bỡn mặt buồn đau
Bàn tay cao số cầm lâu ngại ngùng”
(Bói tay)
“Người về sắm sửa cho ma
Ngựa xe khăn áo lụa là kim ngân
lăm lăm cái thước phàm trần
làm sao đo được thánh thần em ơi”
(Hàng mã)
Giọng điệu ở đây có chút phê phán nhưng không độc địa, chỉ nhằm phát hiện
ra nét mâu thuẫn, buồn cười trong những cá nhân có biểu hiện mất niềm tin vào chính
mình. Hài hước về những sự việc, con người như thế, rồi nhà thơ cũng nói toạc ra
nhận thức của mình: những điều thần bí mà con người tạo ra để tự mê hoặc mình là
hư vô qua bài thơ “Thắp nhang và khấn”: “Tôi vô thần/ Tôi chả tin/ Trời rỗng tuếch
kia có Thiên Đường và Thượng Đế/ Đất ngàn độ dung nham kia có Địa Ngục Diêm
Vương/ Không khí loãng kia ngất ngưỡng Phật và Chúa/ Loài thánh ngoẻo từ lâu rồi/
Bia tạc cả thôi/ Thần linh và ma quỷ/ Tôi chả…”
Như thế, rõ ràng trong sự hài hước về các hiện tượng mê tín dị đoan nhà thơ có
dụng ý phê phán nhắc nhở con người không nên tự mình lâm vào sự giễu cợt. Còn
nhà thơ giễu cợt, châm biếm là muốn giã từ những cái đó một cách vui vẻ.
Chung qui lại, giọng điệu tếu táo hài hước trong thơ Nguyễn Duy có căn cốt từ
tiếng cười của “gã hề chèo áo ngắn”- gã hề chèo nông dân trong văn hóa dân gian
Việt Nam. Điều đáng quý trọng là giọng điệu này ở thơ ông là cơ bản có mức độ, đôi
khi có hơi lạm dụng ở một số bài nhưng nhìn chung là không đến mức quá đà. Vì
vậy, nó tạo ra sự đa dạng thẩm mỹ trong thơ đến với nhiều đối tượng bạn đọc. Tuy
nhiên, trước sau Nguyễn Duy vẫn là một nhà thơ trữ tình, sự tếu táo hài hước kia
không đưa ông sang địa hạt của thơ trào phúng, mà chỉ là một phương tiện độc đáo để
ông bộc lộ tâm tình mà thôi. Hay nói cách khác, giọng điệu chủ yếu trong thơ
Nguyễn Duy vẫn là giọng trữ tình tha thiết.
3.3.3. Giọng chiêm nghiệm, suy tư
Bên cạnh giọng kể chuyện tâm tình, giọng tếu táo, hài hước, thơ Nguyễn Duy
còn có giọng chiêm nghiệm suy tư. Đây cũng là một trong những chất giọng chủ yếu
của thơ sau 1975. Chất giọng này không đơn giản là xuất phát từ cảm hứng “nửa đời
nhìn lại” của các tác giả lớn tuổi mà là sự từng trải của cả một thời đại. Chính sắc thái
giọng điệu này đã góp phần làm cho những trang viết của nhà thơ có bề sâu trí tuệ,
đưa người đọc tới sự cảm nhận sâu sắc thấm thía nhiều điều từ cuộc sống còn bộn bề,
phức tạp.
Sau năm 1975, bên cạnh cảm hứng về độc lập tự do của đất nước thơ Nguyễn
Duy bây giờ là những suy ngẫm về hạnh phúc, về số phận, về mối quan hệ giữa con
người cá nhân với cộng đồng, về chuyện vĩnh hằng và cái phù du...Những bài thơ này
của Nguyễn Duy có giọng điệu chiêm nghiệm suy tư rất rõ. Tiếng nói của cái tôi trữ
tình bây giờ là tiếng nói đầy trăn trở trước thực trạng đất nước đói nghèo (Pháo tết,
Đánh thức tiềm lực, Về đồng, Xó bếp...), trước thực trạng đời sống đầy sự lẫn lộn
trắng- đen, sáng - tối, phải - trái...trước sự đổi thay của tình đời tình người (Nhìn từ
xa Tổ quốc, Mười năm bấm đốt ngón tay, Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ...). Vì vậy, khi
đánh giá “Thơ Việt Nam sau 1975- Diện mạo và khuynh phát triển”, Nguyễn Đăng
Điệp đã viết: “Ý thức nói nhiều hơn về bi kịch khiến cho các tập thơ này không rơi
vào giọng điệu tụng ca dễ dãi mà thể hiện chiều sâu ngẫm ngợi của nhà thơ về thế
thái nhân tình trong sự chuyển động không ngừng của lịch sử”. Bên cạnh đó, Nguyễn
Duy còn có rất nhiều bài thơ mà ở đó cái tôi trữ tình cũng mang nhiều trăn trở về tình
yêu, hạnh phúc, lẽ sống, tình người...Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư cũng vang lên
rất rõ:
“Mẹ trót ru ta câu sấm mệnh con cò
thôi đừng trách cành tre sao mềm thế
đừng tưởng loanh quanh mọi người sống dễ
có hạnh phúc nào giá rẻ không em?” (Chợ)
“Ta rất gần bể rộng với trời cao
để xa cách những gì thân thuộc nhất
nồi gạo hết lúc nào ta chả biết
thăm thẳm nỗi lo trong mắt vợ u sầu” (Bán vàng)
“Rồi tay nổi gân xanh như lá
mắt em giăng sương khói u sầu
anh thẳng cẳng sau một ngày mệt lả
ngoẹo cổ nằm cho con nhổ tóc sâu
Ứa nước mắt mà yêu nhau trọn vẹn
khấp khểnh đường dài thập thễnh bon chen…
Trời cho sống ta cũng già em ạ
con thương cha không bằng bà thương ông
tình như rượu chôn lâu đằm lịm
cuối đời đem ra nhấm mới mềm lòng” (Yêu)
Giọng thơ tình của ông không hề hào nhoáng, ồn ào chỉ như những tiếng thủ
thỉ. Bình dị thôi, vậy mà cứ như rượu lâu năm, nhấm một chút đã thấy “mềm lòng”.
Từ những trăn trở, dằn vặt ấy, dường như ông muốn mách bảo mọi người nên biết
trân trọng sự quý báu của tình yêu và hạnh phúc.
Giọng điệu này đem đến cho thơ Nguyễn Duy chất triết lý và làm sáng rõ thêm
tấm lòng của nhà thơ với cuộc đời. Triết lý có thể hiểu là những nhận xét con người
rút ra được từ một quá trình tìm tòi, khám phá, nghiền ngẫm và kiểm chứng bằng
thực tế về một vấn đề nào đó trong cuộc sống xã hội. Quá trình nhận thức này chịu sự
chi phối của quan điểm tư tưởng cá nhân, nên triết lý thường thể hiện dấu ấn chủ
quan rất rõ nét. Tính triết lý trong thơ được kết tinh từ sự thăng hoa của cảm xúc và
suy nghĩ trên cái nền hiện thực cụ thể mà chủ thể sống qua.
Cho nên đọc những bài thơ của Nguyễn Duy, chúng ta thấy lắng sâu trong
giọng thơ chiêm nghiệm suy tư không chỉ là những tâm tình thiết tha của một hồn
thơ luôn trăn trở trước thân phận con người, trước vận mệnh đất nước mà còn có sự
sâu sắc thâm trầm của những triết lý nhân sinh. Nguyễn Duy đã từng phê phán mình:
“Ta quàu quạu học đòi triết gia táo bón / những câu thơ nhăn nhó nhọc nhằn / quên
rằng sự sống rất hồn nhiên” (Cô bé nhà bên) và tuyên bố: “Em ạ triết gia xa cách
anh / triết lý đồng hành với chuyên nghiệp lưỡi” (Dị ứng), nhưng rồi ông vẫn tiếp tục
viết những câu thơ đậm đà ý vị triết học: “Xin em đừng vội vã già / hiểu cho nhau
sống đã là phiêu lưu” (Bài ca phiêu lưu), “Yêu trả góp cả kiếp người em ạ / ngẫu
sống rồi ngẫu chết ngẫu hư không” (Giọt trời)… Và ông còn trực tiếp khẳng định:
“Cái lõi của văn chương là triết. Từ cả những chuyện đùa cợt, tầm phào nhất cũng
có thể phả triết học vào, có thế mới dội lại được với đời” [145, tr.9]. Phải chăng
Nguyễn Duy đang tự mâu thuẫn chính mình? Làm sao ông có thể phủ nhận mối quan
hệ giữa thơ và triết một khi ngay từ thời cổ đại, Arixtôt đã khẳng định: “Thơ ca có ý
vị triết học” [1, tr.58]. Thực ra cái thứ triết lý mà ông thẳng thừng phủ nhận ấy là sự
nhai lại máy móc, công thức, xa rời cuộc sống. Còn chất triết mà ông đưa vào thơ
mình là những triết lý đời thường được chắt lọc qua trải nghiệm của chính bản thân
ông, trần trụi, thiết thực nhưng không kém phần thâm trầm sâu sắc. Như vậy, nếu
chất ngang tàng tếu táo tạo nên sự mạnh mẽ quyết liệt, chất tâm tình tha thiết tạo nên
sự đằm thắm hồn hậu thì chất triết lý lại tạo nên chiều sâu suy nghĩ trong giọng điệu
thơ Nguyễn Duy.
Sự song song và đan xen giữa các giọng điệu trong thơ Nguyễn Duy không chỉ
thể hiện được sự độc đáo hiếm có mà còn chứng tỏ rằng: “Giọng điệu nhà văn, nhà
thơ không phải là một hiện tượng tĩnh tại, bất biến mà vận động biến hóa” (Nguyễn
Đăng Điệp) [30, tr.342]. Tuy nhiên, Nguyễn Đăng Điệp cũng chỉ ra rằng: “Mỗi một
nghệ sĩ lớn thường là một nghệ sĩ tạo ra một dải phổ giọng điệu rộng lớn, phong phú
mà thống nhất. Đó là sự thống nhất của cái đa dạng” [30, tr.342].
Nguyễn Duy có phải là một nghệ sĩ lớn hay không cái đó phải chờ bậc thầy
thời gian nhưng có thể nói bằng sự đan xen của nhiều giọng điệu kể trên đã góp phần
làm nên sự đa dạng về giọng điệu trong những trang thơ Nguyễn Duy. Giọng tếu táo
hài hước có sự lắng sâu của những tâm tình và sự đậm đà những ý vị triết học trong
giọng chiêm nghiệm suy tư thực ra cũng chỉ là sự chuyển hóa của giọng điệu trữ tình
tha thiết để thơ ông càng giàu chất nhân văn, nhân bản. Đó là giọng điệu được tích
hợp từ ca dao dân ca, từ văn học truyền thống. Dù giọng điệu ấy có biến hóa đến thế
nào, vừa ngân lên, người ta đã nhận ra chất dân dã của thơ ông bởi giọng điệu ấy luôn
hướng về số đông người dân lao động, thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá, ước mơ, khao
khát của “cõi chúng sinh thời hiện tại” (Chu Văn Sơn) [114, tr.45] và luôn đau đáu
một quan tâm sâu sắc đến thân phận con người.
Như vậy, với sự nghiệp thơ ca của mình, Nguyễn Duy đã có đóng góp quan
trọng vào việc kế thừa và phát triển thể loại thơ truyền thống dân tộc trong thời đại
mới. Lục bát trong tay ông vừa thấm đẫm chất ca dao vừa có những cách tân độc đáo
trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Và chính bằng tình yêu, tài năng và lao
động nghệ thuật nghiêm túc, kiên trì, nhà thơ Nguyễn Duy đã biến “lục bát” trở thành
“thương hiệu” cho mình. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá cao vai
trò của ông trong việc giữ gìn và làm mới thể thơ này cho thơ ca Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh đó, với hệ thống ngôn từ đậm đà chất dân gian khi vận dụng thành công
biện pháp so sánh, ẩn dụ và trùng điệp, đặc biệt là sáng tạo ra những từ láy “cồng
kềnh”, cùng phương thức “thơ hóa ngôn ngữ đời thường”, Nguyễn Duy đã góp phần
làm phong phú kho tàng ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, phả nhịp sống sôi động của thời
đương đại vào thơ một cách độc đáo. Ngoài ra, Nguyễn Duy khẳng định phong cách
sáng tạo của mình với một giọng thơ đậm chất dân tộc khi kể chuyện tâm tình một
cách nhẹ nhàng, có lúc mạnh mẽ khi hài hước, tếu táo hay sâu lắng lúc trầm tư triết
lý...Qua đó, người đọc cảm nhận trong thơ ông tình yêu sâu nặng với quê hương, Tổ
quốc, với cuộc đời và con người, được thể hiện với một cảm xúc mãnh liệt, sâu sắc và
tinh tế.
KẾT LUẬN
Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện
đại. Ngay từ khi mới xuất hiện vào những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ
XX, ông đã bộc lộ một giọng điệu mang sắc thái thẩm mỹ riêng trong dòng thơ sử thi
Việt Nam đương thời. Đó là tiếng nói tâm tình, đời thường xen lẫn âm hưởng hào
hùng thi vị của thơ dân tộc thời kì cả nước chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, nhân dân ta ra sức xây dựng đất nước theo đường lối
đổi mới của Đảng, thơ ông là tiếng nói nghệ thuật chân chính, bộc lộ những niềm vui,
nỗi buồn của con người, những trăn trở của một tâm hồn yêu thương, nhân ái và đầy
bản lĩnh.
Với cá tính sáng tạo thi ca độc đáo, kết hợp với tư tưởng nhân văn, nhân đạo
thể hiện xuyên suốt hành trình sáng tạo, ông đã sáng tác một khối lượng thơ khá lớn,
hợp thành một tiếng thơ đậm đà bản sắc dân tộc, có tác động tích cực trong đời sống
tinh thần của số đông quần chúng nhân dân.
1. Xuất phát từ triết lý nhân sinh: “Ta là dân- vậy thì ta tồn tại” (Nhìn từ xa
...Tổ quốc), Nguyễn Duy đã hiện thực hóa quan niệm nghệ thuật này của mình qua
hành trình sáng tạo. Đó là hành trình đầy ắp chất sống đời thường, kiên trì bền bỉ
vượt lên mọi hoàn cảnh để làm thơ và vận động theo hướng trở về gần hơn nữa với
cuộc sống đời thường, với quê hương, nhân dân, đất nước. Điều đó cũng thể hiện ở
chỗ mọi cách tân trong thơ Nguyễn Duy đều xoay quanh cái trục dân dã. Vì vậy, thơ
ông luôn thuộc về số đông “chúng sinh” thời hiện tại, thực sự là “rượu của chúng
sinh” (Bao cấp thơ). Với phong cách độc đáo ấy, Nguyễn Duy đã trở thành một trong
những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống
Mỹ và thuộc hàng ngũ các nhà thơ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, góp phần
quan trọng “làm thay đổi thi pháp của thơ, tạo nên gạch nối giữa thơ hậu chiến và thơ
hiện đại” và là “lực hấp dẫn” thúc đẩy ý thức cách tân ngày càng mạnh mẽ hơn của
thơ trẻ chúng ta hôm nay (Nguyễn Trọng Tạo) [4, tr.4].
2. Cảm hứng chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình sáng tác của tác giả. Nó lý giải
những đặc điểm nghệ thuật, phong cách nhà văn, nhà thơ. Cảm hứng nghệ thuật của
một tác giả bắt nguồn từ hiện thực khách quan, mang đậm dấu ấn thời đại. Đến với
thơ Nguyễn Duy giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cảm hứng chủ đạo là cảm hứng
yêu thương, tự hào về nhân dân và đất nước. Có điều thơ ông không chú trọng thể
hiện những vẻ đẹp hoành tráng mang tính sử thi mà thường phản ánh những vẻ đẹp
đơn sơ bình dị của cuộc sống và con người Việt Nam trong kháng chiến và có những
cảm xúc lắng sâu về thân phận nhỏ bé của con người.
Trong thời bình, khi trực tiếp đối mặt với cuộc sống đời thường, với cảm hứng
thế sự, đời tư ông đã phản ánh một cách mạnh mẽ, tỉnh táo hiện thực đất nước và làng
quê khi chiến tranh lùi xa hàng chục năm, phơi bày những bất cập của xã hội đương
thời; những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về số phận con người, về cái tôi cá
nhân. Chính vì vậy, thơ ông giàu giá trị nhân văn, nhân bản. Lấy sự chân thực làm
điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo, Nguyễn Duy đã tạo được sự đồng cảm và niềm tin
vững chắc nơi người đọc. Có lẽ vì vậy, thơ ông được độc giả yêu thích “trước hết vì
nó thực sự là một phần của một cuộc đời, là tiếng nói của một cây bút có trách nhiệm
trước cuộc sống xây dựng và chiến đấu sôi động trên đất nước ta những năm qua” (Lê
Quang Hưng) [58,tr.158].
3. Để chuyển tải mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của mình, Nguyễn
Duy đã tìm tòi sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau. Trong đó phải kể
đến sự đóng góp của thể thơ, ngôn ngữ thơ và giọng điệu.
Khi đã chọn làm một kiếp tằm nhả tơ, mỗi nhà thơ đều đứng vững ở một thể
thơ sở trường của mình. Với thể thơ lục bát, Nguyễn Duy đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng
của ca dao, uống nước ở nguồn mạch thơ ca dân gian trong trẻo nhưng bằng tình yêu
ca dao, bằng sức lao động sáng tạo của mình, ông đã “đền ơn đáp nghĩa” bằng cách
làm cho ca dao sống mạnh mẽ, khỏe khoắn, sâu sắc trong cuộc sống và thơ ca hiện
đại với những lớp nghĩa vốn đa tầng của nó. Và bằng sự cách tân các yếu tố nghệ
thuật câu thơ lục bát như: sử dụng nhiều thanh trắc, tăng cường nhịp lẻ, phép trùng
điệp ở mọi cấp độ, cập nhật ngôn ngữ “cơm bụi”, “vỉa hè” và gia tăng chất thế sự, đời
tư, Nguyễn Duy đã cải hóa sự mềm mại, óng ả vốn có của lục bát, đem đến cho bạn
đọc một thế giới vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, mang hơi thở nhịp sống của chính thì
hiện tại. Vì vậy, người đọc có thể gặp ở thơ lục bát của Nguyễn Duy “vừa âm hưởng
của ca dao - dân ca ngọt ngào thân mật, vừa vang vọng của thơ ca bác học lắng sâu
vào trí tuệ. Cách tân linh hoạt nhưng lại nhuần nhuyễn cả xưa lẫn nay, truyền thống
và hiện đại” (Lê Trí Viễn) [147, tr..289].
Dung hòa được chất truyền thống và hiện đại, tạo ra cái mới mà không xung
đột với cái cũ là một điều không phải dễ dàng gì đối với nhiều nhà thơ hiện nay. Tuy
nhiên cũng có đôi lúc ông hơi quá đà nhưng trên tất cả, ta vẫn thấy lục bát của
Nguyễn Duy mang một vẻ đẹp vừa quen thuộc, vừa độc đáo, vừa có cả “hồn phố” lẫn
“hồn quê”. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên vị trí của Nguyễn
Duy trên thi đàn Việt Nam hiện đại.
Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy là ngôn ngữ đời sống, được chắt lọc, sắp xếp
lại từ lời nói hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Để vượt lên những lối mòn ngôn
ngữ, Nguyễn Duy đã sử dụng kết hợp nhiều phương thức tái tạo từ: so sánh, ẩn dụ,
trùng điệp, “thơ hóa” ngôn ngữ đời thường. Với vai trò của người kiên trì “luyện thơ”
từ “bụi chữ” (Rơi và nhặt) đồng thời cũng là một vũ công tài hoa “khiêu vũ từ ngữ” (
Khiêu vũ), Nguyễn Duy đã giữ được ngôn ngữ thơ ở giới hạn chênh vênh giữa các
đối cực: mộc mạc và tinh tế, bỡn cợt và nghiêm túc, nhẹ nhàng và sâu cay...
Không chỉ qua thể thơ, ngôn ngữ, chất dân gian còn ngấm trong giọng điệu thơ
Nguyễn Duy. Thơ ông có ba giọng điệu chính: kể chuyện tâm tình, tếu táo hài hước
và chiêm nghiệm suy tư. Những giọng điệu này được hấp thụ từ giọng điệu của người
dân Việt Nam ta rồi tinh lọc, thăng hoa. Nếu yếu tố tự sự trong mỗi bài thơ, những từ
hô gọi có âm điệu tha thiết, sự xuất hiện trực tiếp của cái tôi trữ tình, sự kìm chế, dồn
nén cảm xúc trước những đau thương mất mát...đã tạo nên giọng điệu kể chuyện tâm
tình ấm áp, điềm đạm; giọng thơ tếu táo hài hước phảng phất khẩu khí “gã hề chèo áo
ngắn” được hình thành từ sự táo bạo chạm đến những vấn đề bức thiết của hiện thực
xã hội trước đời sống đương đại có nhiều điều để yêu, để kính trọng, nhưng cũng
không ít những điều chua cay, thương tâm thì giọng chiêm nghiệm suy tư ở thơ ông
là sự đúc kết nhiều vấn đề trong cuộc sống mà nhà thơ đã trải nghiệm, ở đó không chỉ
có sự lắng sâu những tình cảm thiết tha, những suy tư trăn trở về thân phận con người
mà còn đậm đà chất triết học được chắt lọc từ chính cuộc sống bộn bề và những lo
toan thường nhật. Các giọng điệu này vừa song song tồn tại vừa đan xen với nhau và
dù thời gian sau này giọng tếu táo, hài hước nổi lên như một chủ âm, nhưng giọng
điệu chủ đạo trong suốt hành trình sáng tạo gần bốn mươi năm qua của ông vẫn là giọng
trữ tình thiết tha, sâu lắng.
Những hình thức như thế đã làm nên một phong cách thơ Nguyễn Duy: trữ
tình đằm thắm, trào lộng suy tư, khát khao đổi mới thơ ca, đổi mới cuộc sống với tinh
thần hướng thiện, vì cái đẹp, vì hạnh phúc của con người.
4. Gần bốn mươi năm làm thơ, mỗi chặng đường sáng tạo của Nguyễn Duy
đều để lại những tập thơ hay, những bài thơ “rất được” ghim vào trí nhớ của người
đọc. Phần được phần hay đã đành, cả những thể nghiệm chưa phải đã làm hài lòng
độc giả cũng ít nhiều gợi mở, “đánh thức tiềm lực” của thi ca. Cái đáng quý nhất
trong thơ Nguyễn Duy là ông viết về đất nước, về nhân dân, về đồng đội, về những
người thân và về chính mình bằng tấm lòng “thương mến đến tận cùng chân thật”
(Tuổi thơ). “Nguyễn Duy đã thực sự đóng góp vào nền thi ca Việt Nam hiện đại một
giọng trữ tình riêng giàu tính xã hội và đậm hương vị dân tộc”(Vũ Văn Sỹ) [124,
tr.74].
Và hơn thế, tình yêu dành cho thơ ca dân tộc của nhà thơ xứ Thanh không chỉ
đơn thuần được bộc lộ trên “vũ trường giấy trắng” (Khiêu vũ). Để tạo nên sự đa dạng
phong phú cho thơ, Nguyễn Duy đã sáng tác lịch thơ, tranh thơ, tổ chức những cuộc
triển lãm thơ “độc nhất vô nhị” tạo nên những hiện tượng văn hóa độc đáo. Ông còn
đưa nàng thơ ra khỏi biên giới quốc gia để nàng có dịp thể hiện dáng vẻ và khẳng
định vị trí của mình trong sân chơi văn hóa quốc tế... Bằng những việc làm thiết thực
như vậy, Nguyễn Duy đã thể hiện tình cảm gắn bó, trân trọng những giá trị văn hóa
của dân tộc. Những vần thơ ấy tác động mạnh đến trái tim người đọc, góp phần xây
dựng trong tâm hồn người Việt hiện đại tình cảm yêu mến, quý trọng, nâng niu, gìn
giữ bản sắc của dân tộc mình. Do vậy, thơ Nguyễn Duy có ý nghĩa thanh lọc sâu sắc
và bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn Việt cho người đọc.
Trong tình hình xã hội hiện nay, khi thơ ca đương đại Việt Nam luôn phải vận
động trong ánh sáng nhập nhòa giữa cũ và mới, thơ Nguyễn Duy đã có những đóng
góp tích cực cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân
tộc.
“Thế giới nghệ thuật” có chiều sâu vô tận, mỗi người chỉ có thể chiếm lĩnh
được một hay vài khía cạnh nào đó. Với Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, người
viết đã cố gắng trình bày một phần nào hình tượng nhà thơ, bởi vì nói như Hoài
Thanh trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam rằng phần sâu sắc nhất trong tâm hồn các
nhà thơ “đã ghi lại nơi những vần thơ đẹp”. Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng và
thời gian nghiên cứu có hạn, chắc chắn luận văn còn nhiều thiếu sót. Kính mong Quý
Thầy cô đóng góp ý kiến để người viết sửa chữa luận văn tốt hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arixtôt - Lưu Hiệp (1961), Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa- Nghệ thuật, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (1986), “Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình”, Báo Văn
nghệ, (15 ), tr.11.
3. Lại Nguyên Ân (2004), “Nhà quê” và thơ lục bát”, Báo Văn nghệ, (1+2), tr 29.
4. Báo thơ,(2), (Quý II /2003).
5. Báo thơ,(3), (Quý III /2003).
6. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ văn hóa thông tin và thể
thao- Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
7. M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, NXB Giáo dục.
8. Nguyễn Duy Bắc (1998), Bản sắc dân tộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại(1945-
1975), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
9. Trần Hòa Bình- Lê Dy -Văn Giá ( 2003), Bình văn, NXB Giáo dục.
10. Phạm Quốc Ca (2003), Những đặc điểm cơ bản của thơ Việt Nam sau 1975,
Luận án tiến sĩ ngữ văn, Thành phố Hồ Chí Minh.
11. Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hoá- Thông tin, Hà
Nội.
12. Khánh Chi (1994), “Với Nguyễn Duy- những bài thơ lục bát là phần quí giá nhất
của mình”, Báo Đại đoàn kết, (43), tr.14.
13. Ngô Thị Kim Cúc (1997), “Như hạt- bụi- người”, Báo Thanh niên, (193), tr.5.
14. Xuân Diệu (1984), Công việc làm thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.
15. Lê Tiến Dũng (2003), Giáo trình lý luận văn học, phần Tác phẩm văn học, Nxb
Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
16. Lê Tiến Dũng (1998), Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
17. Nguyễn Duy (1973), Cát trắng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
18. Nguyễn Duy (1981), Phóng sự 30-4-75, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
19. Nguyễn Duy (1984), Ánh trăng, Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam.
20. Nguyễn Duy (1987), Mẹ và em, Nxb Thanh Hóa.
21. Nguyễn Duy (1987), Đãi cát tìm vàng, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
22. Nguyễn Duy (1989), Đường xa, Nxb Trẻ TP.HCM.
23. Nguyễn Duy (1994), Về, Nxb Hội nhà văn.
24. Nguyễn Duy (1994), Sáu và tám, Nxb Văn học.
25. Nguyễn Duy (1995), Vợ ơi..., Nxb Phụ nữ.
26. Nguyễn Duy (1997), Bụi, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội
27. Nguyễn Duy, ( Bản thảo), Tuyển tập thơ Nguyễn Duy.
28. Trần Thanh Đạm (2003), “Thử nhìn lại văn học Việt Nam sau 1975…”, Tạp chí
nhà văn, (9/2003), tr.19-23.
29. Hữu Đạt ( 2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
30. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà
Nội.
31. Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb Văn học, Hà Nội.
32. Hà Minh Đức (1998), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
33. Hà Minh Đức (1999), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
34. Hà Minh Đức (Chủ biên) ( 1991), Mấy vấn đề lý luận văn nghệ trong sự nghiệp
đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội.
35. Nguyễn Xuân Đức (2003), Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, Nxb Khoa
học xã hội , Hà Nội.
36. Trinh Đường (1999), Thơ Việt Nam thế kỷ XX chọn lọc và bình, Nxb Thanh
niên.
37. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
38. Hồ Thế Hà (2005), “Nghĩ về tính triết lý trong thơ”, Nghiên cứu văn học (9),
tr.110-116.
39. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn
học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
40. Tế Hanh(1986), “Hoa trên đá và Ánh trăng”, Báo Văn nghệ, (15), tr.3
41. Nguyễn Văn Hạnh (1998), “Suy nghĩ về thơ Việt Nam từ sau năm 1975”, Tạp
chí văn học ( 9), tr.8-12.
42. Nguyễn Văn Hạnh( 1987), “ Đổi mới tư duy, khẳng định sự thật trong văn học
nghệ thuật”, Tạp chí văn học ( 2), tr.9-12.
43. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học- Vấn đề và suy
nghĩ, Nxb Giáo duc, Hà Nội.
44. Hồ Văn Hải (2001), “Từ láy trong lục bát Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ và đời sống,
(4), tr.6-8.
45. Hồ Văn Hải (2002), “Về những con chữ “méo mó, oái ăm” trong thơ Nguyễn
Duy”, Ngôn ngữ và đời sống , ( 1+ 2), tr.40-41.
46. Hồ Văn Hải (2004), “Tiếp cận bài thơ Tre Việt Nam từ góc độ ngôn ngữ học”,
Tạp chí Ngôn ngữ, tr.31-34.
47. Hegel (1998), Mĩ học, tập I (Phan Ngọc dịch, chú giải và giải thích), Nxb Văn
hóa thông tin, Hà Nội.
48. Hoàng Ngọc Hiến (1997), Văn học và học văn, Nxb Văn học..
49. Đặng Hiển (2005), “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy- một bài thơ hay
về mẹ”, Ngôn ngữ, (6), tr.34-35.
50. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
51. Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên) (2004), Từ điển văn học ( Bộ mới), Nxb Thế
giới.
52. Lê Huy Hòa- Nguyễn Bình Phương biên soạn (2002), Những bậc thầy văn
chương, Nxb Văn học, Hà Nội.
53. Nguyễn Thái Hòa (1999), “Tiếng Việt và thể thơ lục bát”, Tạp chí văn học (2),
tr.37-42.
54. Bùi Công Hùng (2000), Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà
Nội.
55. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà
Nội.
56. Bùi Công Hùng (2000), Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hóa-
Thông tin, Hà Nội.
57. Mai Hương (2001), “Thơ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh cách mạng”, Tạp
chí văn học , (6), tr.43-54.
58. Lê Quang Hưng (1986), “Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng”, Tạp chí văn học, (3),
tr.155-158.
59. Tố Hữu (1973), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời
đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội.
60. Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
61. Nguyễn Thụy Kha (2002), Bóng thế kỷ, Nxb Đà Nẵng.
62. Trần Đăng Khoa tuyển chọn (1998), Thơ Nguyễn Duy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
63. Trần Đăng Khoa tuyển chọn (2000), Nguyễn Duy- thơ với tuổi thơ, Nxb Kim
Đồng.
64. M.B. Khrapchenkô (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực và con người, Nxb
Khoa học xã hội , Hà Nội.
65. M.B. Khrapchenkô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn
học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
66. M.B. Khrapchenkô (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên
cứu văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
67. Lê Đình Kỵ - Phương Lựu (1983), Cơ sở lý luận văn học tập III, Nxb giáo dục,
Hà Nội.
68. Lê Đình Kỵ (1991), “Đối thoại với văn học dân gian và bản lĩnh của người viết”,
Tạp chí văn học,( 5), tr.30-31.
69. Mã Giang Lân (2001), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
70. Mã Giang Lân ( 1989 ), “Thơ hôm nay”, Tạp chí Văn học (1), Hà Nội.
71. Phong Lê (1997), Văn học Việt Nam trên hành trình thế kỷ XX, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
72. Phong Lê (2001), Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại,
Nxb Giáo dục.
73. Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ (2002), Thơ Việt Nam hiện
đại, Nxb Lao động, Hà Nội.
74. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
75. Phương Lựu (2002), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học, Nxb Văn
hóa -Thông tin, Hà Nội.
76. Nguyễn Đăng Mạnh (1986), Các nhà văn nói về văn, II, Nxb Tác phẩm mới, Hà
Nội.
77. Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên) (1992), Tác giả văn học Việt Nam - tập 2, Nxb
Giáo dục.
78. Nguyễn Đăng Mạnh (2002), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn,
Nxb Giáo dục , Hà Nội.
79. Trần Nhuận Minh (2001), “Ngôn ngữ thơ hiểu thế nào cho phải?”, Ngôn ngữ,
(6), tr. 54-55.
80. Nguyễn Thị Bích Nga (2001), “Câu thơ lục bát Nguyễn Duy”, Ngôn ngữ, (12),
tr.20-23.
81. Nguyễn Thị Bích Nga (2003), “Thiên nhiên trong thơ lục bát Nguyễn Duy”,
Ngôn ngữ , (12), tr.49-52.
82. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1999), Thơ ca Việt Nam- Hình thức và thể loại,
Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.
83. Vương Trí Nhàn (2001), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Văn nghệ TP.
Hồ Chí Minh.
84. Phùng Quý Nhâm (1991), Thẩm định văn học, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ
Chí Minh.
85. Phùng Quý Nhâm (1998), “Tinh thần phân tích tâm linh- một đặc trưng của chủ
nghĩa hiện thực”, Tạp chí Văn học, (4), tr.37-40.
86. Anh Ngọc (2001), Hồn thơ thế kỷ, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
87. Nhiều tác giả (1996), 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội.
88. Nhiều tác giả (2000), Bàn về thơ- Đến với những bài thơ hay, Nxb Văn hóa
Thông tin Hà Nội.
89. Nhiều tác giả (1981), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới.
90. Nhiều tác giả (1985), Thơ Việt Nam 1945-1985, Nxb Giáo dục.
91. Nhiều tác giả (2002), Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động.
92. Nhiều tác giả (1992), Lý luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
93. Lê Lưu Oanh (1991), “Sự thức tỉnh những nhu cầu xã hội và cá nhân của cái tôi
trữ tình trong thơ hiện nay”, Tạp chí văn học, (4), tr.18-22.
94. Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000, Nxb Đại học Quốc gia,
Hà Nội.
95. Hoàng Phê (Chủ biên) (1994), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội -Trung
tâm Từ điển học, Hà Nội.
96. Phan Diễm Phương (1988), “Thơ lục bát ở một thế hệ nhà thơ hiện đại”, Tạp chí
văn học, (2), tr.83-94.
97. Phan Diễm Phương (1994), “ Những biến đổi trên dòng thơ lục bát hiện đại”,
Tạp chí văn học, (10), tr.30-33.
98. Phan Diễm Phương (1998), Lục bát và song thất lục bát, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
99. Vũ Quần Phương (1999), Thơ với lời bình, Nxb Giáo dục , Hà Nội.
100. Vũ Quần Phương (2001), Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb Hội nhà văn,
Hà Nội.
101. Vũ Quần Phương (2003), “Thơ Bùi Giáng – Điên trong cõi mộng”, Tài hoa Trẻ,
(295-296) (28/12/2003), tr 91-93
102. G.N.Pospelov (chủ biên) (1985 ), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
103. Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn (1998), Phê bình-bình luận văn học (Bằng Việt,
Phạm Tiến Duật, Vũ Cao, Nguyễn Duy), Nxb Văn nghệ T.p Hồ Chí Minh.
104. Thạch Quỳ (1994), “Nguyễn Duy- Hoa hậu và hậu hoa hậu ở tập thơ “Về”, Tạp
chí Văn nghệ, (42).
105. Nguyễn Thị Đỗ Quyên (2005), “Nguyễn Duy và thơ lục bát”, Báo Thơ, (22),
tr.9,13.
106. Nguyễn Đức Quyền (2001), Nét đẹp thơ, Nxb Giáo dục.
107. Roman Jakobson, Ngôn ngữ và thi ca, Cao Xuân Hạo dịch.
108. IU.V. Rozdextvenxki (1997), Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương, Nxb
Giáo dục , Hà Nội.
109. J.P Sartre (1999), Văn học là gì?, Nxb Hội nhà văn , Hà Nội.
110. Ferdinand De Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa
học xã hội , Hà Nội.
111. Nguyễn Quang Sáng (1987), “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy”, in trong
phụ lục tập thơ Mẹ và em , Nxb Thanh Hóa.
112. Trịnh Thanh Sơn (2004), “Lời bình của Trịnh Thanh Sơn về bài Đò Lèn”, Báo
thơ (7+8) (1+2/2004), tr.14.
113. Trịnh Thanh Sơn (2001), “Bàn về ngôn ngữ thơ”, Ngôn ngữ, (6), tr.56-59.
114. Chu Văn Sơn (2003), “ Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân”, Tạp chí Nhà văn, (3),
tr.38-53.
115. Chu Văn Sơn (2003), Ba đỉnh cao thơ mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
116. Từ Sơn (1985) , “ Thơ Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ , (30 ), tr.2,11.
117. Trần Đăng Suyền (2002), Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb
Văn học, Hà Nội.
118. Trần Đình Sử (1993), Giáo trình Thi pháp học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ
Chí Minh.
119. Trần Đình Sử (1995), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục.
120. Trần Đình Sử (2001), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Đại học Quốc gia, Hà
Nội.
121. Trần Đình Sử (2002), Văn học và thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội.
122. Phan Sự (1997), “Ly thân với thơ”, Thế giới mới,( 267), tr.79-80.
123. VladimirNabokov (2004), “Suy nghĩ về nghề văn”, Báo Văn nghệ, (34), tr.11.
124. Vũ Văn Sỹ (1999), “Nguyễn Duy – người “thương mến đến tận cùng chân thật”,
Tạp chí Văn học, (10), tr. 68-74.
125. Vũ Văn Sỹ (1995), “Thơ 1975- 1995 biến đổi của thể loại”, Tạp chí Văn học,
(4), tr.20-23.
126. Vũ Văn Sỹ (1999), Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945-1995, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội.
127. Nguyễn Trọng Tạo (1998), Văn chương- cảm và luận, Nxb Văn hóa- Thông tin,
Hà Nội.
128. Đỗ Ngọc Thạch (1997), “Người vợ trong thơ Nguyễn Duy”, Báo phụ nữ Việt
Nam, ( 1), tr.11,17.
129. Hoài Thanh ( 1972), “Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ, (
444 ), tr.5.
130. Hoài Thanh (1978), Chuyện thơ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
131. Nguyễn Bá Thành (1996), Tư duy thơ và tư duy thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Văn
học, Hà Nội.
132. Vũ Duy Thông (1998), Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975,
Nxb Giáo dục.
133. Đỗ Minh Tuấn (1998). “Nhân triển lãm thơ Nguyễn Duy”, Báo Văn nghệ, (13),
tr.4.
134. Nguyễn Huy Thiệp (2002), “Trở về với mẹ ta thôi”, Văn nghệ Trẻ, (45), tr.5.
135. Nguyễn Đức Thọ (2003), “Nguyễn Duy- thi sĩ đồng quê”, Nhà văn trong mắt
nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.82-90.
136. Chu Thị Thơm (2001), “Phải chăng đó là thơ hiện đại?”, Báo Giáo dục và thời
đại, (39) tr.9.
137. Hà Văn Thùy (1997), “Nói chuyện “Ngày xửa ngày xưa” với nhà thơ Nguyễn
Duy”, Tạp chí Thế giới mới, ( 247), tr.65, tr.111.
138. Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
139. Đỗ Lai Thúy (2000), Mắt thơ I , Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
140. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí
Minh.
141. Vân Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng sưu tầm và biên soạn (1997), Văn học 1975-
1985 Tác phẩm và dư luận, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
142. Võ Gia Trị (2002), “Trăm năm thơ ca”, Tạp chí nhà văn, (4-2002), tr.63-
71.
143. Nguyễn Quang Tuyên (2004), “Câu thơ lục bát hiện đại”, Báo thơ, (7+8), tr.16.
144. Ủy ban KHXHVN, Viện Văn học (1984), Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
145. Lưu Trọng Văn (2004), “Nhà thơ Nguyễn Duy: Dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong
lòng”, Báo Thanh Niên, (95), tr.9.
146. Chế Lan Viên (1971), Suy nghĩ và bình luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
147. Lê Trí Viễn (1997), Đến với thơ hay, Nxb Giáo dục.
148. Nguyễn Bùi Vợi (1986), “Ánh trăng”, Báo Văn nghệ (16 ), tr.7
149. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Tiếng vọng những mùa qua, Nxb Trẻ.
150. Hoàng Xuân tuyển chọn (1996), Nguyễn Bính- Thơ và đời, Nxb Văn học, Hà
Nội.
151. Trần Đăng Xuyền (1995), “Về một đặc điểm của thơ Việt Nam từ 1955 đến
1975”, Tạp chí Văn học, (9 ), tr.13-15.
152. Phạm Thu Yến (1998), “Ca dao vọng về trong thơ Nguyễn Duy”, Tạp chí Văn
học, (7 ), tr.76-82.
Internet
153. Nguyễn Duy, Nỗi nhớ thời khó thở của Nguyễn Duy (tùy bút),
www.tuoitre.com.vn, ngày 21.1.2006.
154. Nguyễn Duy, Tình như rượu chôn lâu đằm lịm, www.tuoitre.com.vn, ngày
14.2.2007
155. Nguyễn Văn Học, Có một Nguyễn Duy làm thơ lục bát,
www.baophuyen.com.vn, ngày 2.10.2008
156. Lê Huy Mậu, Chân dung một người chơi, www.vanchuongviet.org
157. Trần Hoàng Nhân, Nhà thơ Nguyễn Duy: “Thơ bỏ tôi đi”, ww.vietvan.vn
158. Hoàng Nhân, Nguyễn Duy viết “tham luận” bằng...thơ lục bát!,
www.thethaovanhoa.vn , ngày 30.7.2008
159. Nguồn Tuổi trẻ Online, Nguyễn Duy và bài thơ mới nhất, www.tuoitre.com.vn,
ngày 4.2.2008
160. Đỗ Ngọc Yên, Về cái mới trong văn chương Việt Nam hôm nay,
www.evan.com.vn
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN DUY
Từ trái qua: nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng,
ông Võ Văn Kiệt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhà văn Nguyễn Khải, NSND Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Duy,
kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn chụp ảnh lưu niệm
tại tổng hành dinh Mường Phăng
Nhà thơ Nguyễn Duy trong cuộc họp phát động bình chọn
99 bài thơ lục bát hay nhất thế kỷ
Nhà thơ Nguyễn Duy ký tên trên gốm Tâm Việt
Nhà thơ Nguyễn Duy bên tác phẩm độc đáo của mình
(Cuốn thơ thiền cao 1,11m)
Nhà thơ Nguyễn Duy bên một bài thơ thiền in trên giấy dó
Chùm ảnh về lịch thơ Nguyễn Duy
Đoàn làm phim Đi tìm dấu tích Ba Vua chụp ảnh chung với gia
đình cụ Nguyễn Mẫn (cháu nội của thầy Nguyễn Nhuận –
thầy vua Hàm Nghi).
Nhà thơ Nguyễn Duy tham gia thực hiện bộ phim lịch sử này
với vai trò MC và biên tập.
Nguyễn Duy gặp bà Vĩnh San Andree Marie Gisele –
con gái út của Cựu hoàng Duy Tân - tại đảo Réunion.
Nguyễn Duy với nhà thơ Fred Marchant, chủ nhiệm khoa viết văn
của Trường ĐH Suffolk
Nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Thanh Thảo tại Quảng Ngãi
Nhà thơ Nguyễn Duy đến thăm và tặng nhà thơ Phạm Tiến Duật những bông hồng
thắm đỏ trước ngày ông Duật nhập Viện.
Nhà thơ Nguyễn Duy chụp ảnh trước "bàn tưởng niệm" mà các bạn văn thơ
lập vội để nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Nguyễn Duy hồi tưởng về bạn văn Thu Bồn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHLLVH008.pdf