Luận văn Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain

MS: LVVH-VHNN009 SỐ TRANG: 102 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2007 CẤU TRÚC LUẬN VĂN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3. Lịch sử vấn đề 3.1. Thiên nhiên như là tự nhiên 3.2. Thiên nhiên như là bản chất 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Mục đích nghiên cứu 6. Bố cục luận văn CHƯƠNG 1: THIÊN NHIÊN TRONG VĂN HỌC 1.1. Thiên nhiên - đối tượng miêu tả của văn chương 1.1.1. Thiên nhiên như là tự nhiên 1.1.2. Thiên nhiên như là bản chất 1.2. Thiên nhiên trong văn học Mĩ nửa đầu thế kỉ XIX 1.2.1. Thiên nhiên trong văn học lãng mạn Mĩ và Chủ nghĩa Siêu nghiệm 1.2.2. Thiên nhiên – hiện thân của tư tưởng và bối cảnh Mĩ CHƯƠNG 3: THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ TỰ NHIÊN – KHÔNG GIAN PHIÊU LƯU 2.1. Tinh thần biên cương và tiểu thuyết phiêu lưu của Mark Twain 2.2. Thiên nhiên trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer 2.2.1. Thị trấn St Petersburg : không gian thu nhỏ của xã hội văn minh 2.2.2. Đảo Jackson – thiên đường của tự do 2.2.3. Nghĩa địa, Ngôi nhà có ma, hang Mc.Dougal – không gian bí ẩn, hấp dẫn 2.3. Thiên nhiên trong Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn 2.3.1. Rừng – không gian của cảm thức sống 2.3.2. Dòng sông – vị thần dẫn dắt CHƯƠNG 3: THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ BẢN CHẤT – SỰ THUẦN PHÁC CỦA CÁC NHÂN VẬT 3.1. Thiên nhiên với ý nghĩa là bản chất thuần phác 3.2. Sự thuần phác của nhân vật Tom Sawyer 3.2.1. Sự thuần phác và chuyện phiêu lưu 3.2.2. Sự thuần phác và chuyện “tình yêu” 3.2.3. Sự thuần phác và chuyện mê tín 3.3. Sự thuần phác của nhân vật Huck Finn 3.3.1. Sự thuần phác và chuyện phiêu lưu 3.3.2. Sự thuần phác và tình bạn 3.3.3. Sự thuần phác và chuyện mê tín KẾT LUẬN TƯ LIỆU THAM KHẢO

pdf102 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2415 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hững qui định của văn hóa đã khiến con người ngày càng xa rời bản chất tự nhiên của mình. Những điều ấy, nhiều lúc trở thành “sợi dây” kéo con người lại khi chúng ta muốn hành động theo sự dẫn dắt của bản năng. Khi hiểu sự thuần phác với ý nghĩa đó có nghĩa là chúng ta đã nhìn nhận nó dưới góc độ nhân học chứ không phải xem xét dưới góc độ đạo đức. Những chuẩn mực đạo đức sẽ ngày càng nhiều hơn cùng với sự văn minh hiện đại của xã hội. Tuân theo nó có nghĩa là chúng ta đang xa rời bản chất tự nhiên của mình. Mà điều này thì các nhà xã hội học không đồng tình. Họ hết sức đề cao sự tự nhiên của những con người cổ xưa. Biết biểu hiện ra một cách xứng đáng trong bản chất tự nhiên của mình là một dấu hiệu của sự hoàn thiện [21, tr.10]. Đó là ý kiến của Montaigne. Còn Rousseau thì từng khẳng định “Con người tự nhiên cũng có nghĩa là con người hiện thực”. Việc Mark Twain để các nhân vật của mình bộc lộ sự thuần phác tiềm ẩn trong bản chất cũng với ý nghĩa tương tự. Nó là cách ông phản đối những qui định đạo đức của xã hội hiện đại đi ngược lại với sự phát triển tự nhiên của con người. Sau này, trong kiệt tác Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, ông sẽ thể hiện điều đó rõ ràng hơn khi để Tom đồng tình với Huck trong việc trả tự do cho Jim. Làm việc đó là hai câu bé đã đi ngược lại những qui định của xã hội về vấn đề nô lệ, tức là hành động ấy sai trái về mặt đạo đức. Thế nhưng đó lại là hành động rất đáng ca ngợi bởi ý nghĩa nhân văn của nó và là biểu hiện cao nhất của sự thuần phác nơi nhân vật Tom và Huck. Chúng tôi sẽ trở lại điều này khi tìm hiểu bản chất của nhân vật Huck Finn. 3.2.3. Sự thuần phác và chuyện mê tín Cả hai cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn đều có những chi tiết thể hiện chuyện mê tín dị đoan của các nhân vật. Trong lời nói đầu cuốn Tom Sawyer, Mark Twain có nhắc đến điều này Những điều mê tín dị đoan kì quặc nói đến ở đây đều là những chuyện rất phổ biến trong đám thiếu nhi và dân nô lệ ở miền Tây hồi xảy ra câu chuyện này [63]. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội nước Mĩ nửa cuối thế kỉ XIX, khi hai cuốn sách trên ra đời, nhất là cuốn Huck Finn, đã khiến những chi tiết mê tín dị đoan ấy được quan tâm đặc biệt. Đây chính là thời kì mà cuộc cách mạng kĩ thuật đã tác động đến quốc gia này một cách mãnh liệt. Và dĩ nhiên trong bối cảnh chung như vậy, giống châu Au, một sự bừng tỉnh về một nền văn hóa nông nghiệp như là phản ứng mà việc hình thành ngành Folklore học ở Mĩ năm 1888 là một nỗ lực. [11, tr.18]. Trong bối cảnh như vậy, các nhà nghiên cứu quan tâm tới các chi tiết mê tín dị đoan trong tác phẩm của Mark Twain như là những tàn dư của nền văn hóa nông nghiệp cổ xưa. Còn chúng tôi tìm hiểu chúng như là một biểu hiện của sự thuần phác nơi các nhân vật. Nét hồn hậu, thơ ngây của Tom và Huck và sau này là của Huck và Jim sẽ bộc lộ rõ ràng hơn qua việc chúng tin tưởng và làm theo những điều mê tín dị đoan. Trước hết là trong cuốn Tom Sawyer. Những chuyện mê tín mà Tom biết và tin tưởng thì rất nhiều. Cậu bé răm rắp thực hành tất cả mọi điều ấy dù khi đang ở một mình hay khi rủ Huck Finn cùng làm. Sau khi cãi nhau với Becky, trong lòng buồn bực, Tom bỏ vào rừng, ngang qua một ngòi nước, nó vẫn không quên “lội từ bờ bên này sang bờ bên kia hai ba lần” [63, (1), tr.146] vì tin rằng như thế người lớn sẽ không tìm ra. Còn khi quyết định sẽ trốn nhà đi làm cướp biển Tom đã đào cái lỗ mà trước kia đã chôn một hòn bi để tìm lại “của cải” của mình vì tin chắc rằng hòn bi ấy sẽ gọi tất cả những hòn bi khác cùng về. Thế nhưng khi vẫn chỉ thấy một hòn bi thì Tom kết luận rằng “thế nào cũng phải có một phù thủy nào đó đâm chọc vào” [63, (1), tr.153]. Tom còn biết rất nhiều “phương pháp” chữa mụn cơm : nào là dùng nước mưa đọng ở hốc của một cái cây “cụt đến tận gốc, chết lâu ngày đã mục”; hay là dùng hột đậu theo cách : Bửa hột đậu ra làm đôi, rồi cắt hột cơm cho chảy máu, lấy máu bôi vào một nửa hột đậu rồi đào lỗ đem chôn ở ngã ba đường vào lúc nửa đêm ở chỗ khuất bóng trăng, còn nửa hột kia đem đốt đi [63, (1), tr.117]. vì theo Tom, như thế hai nửa hột đậu sẽ bò đi tìm nhau và kéo theo mụn cơm đi mất. Tom và Huck còn hẹn nhau ra nghĩa địa vào lúc nửa đêm để chữa mụn cơm bằng cách chờ lũ quỉ đến mang xác một người “độc ác” mới chết đi thì sẽ ném một con mèo chết theo và con mèo sẽ mang mụn cơm đi cùng. Còn khi tên Joe lai da đỏ khai man trước tòa, Tom và Huck cùng : chờ đợi từ trên bầu trời xanh thẳm kia Thượng đế sẽ giáng một tiếng sét xuống đầu hắn [63, (1), tr.199]. Hai cậu bé còn đến ngôi nhà ma rình bọn cướp và chợt hốt hoảng lúc nhớ ra đang là ngày thứ sáu, ngày ma thường xuất hiện… Cứ thế, nhà văn thuật lại những chuyện mê tín cùng với những chuyện phiêu lưu. Có một điều đáng lưu ý là khi “thực hành” những chuyện mê tín nói trên, các nhân vật thường đọc kèm những câu chú. Chúng là những lời nói có nhịp điệu. Thí dụ khi chữa mụn cơm bằng xác mèo phải đọc : Quỉ kia theo xác chết, Mèo này theo quỉ nốt. Hột cơm theo mèo đi Ta với mày đoạn tuyệt. [63, (1), tr.118]. (Devil follow corpse, cat follow devil, warts follow cat, I’m done with ye!) [75, tr.37]. Hay khi muốn đuổi một con bọ ba ba, vốn “rất tin những chuyện cháy nhà” chỉ cần đọc : Bọ ba ba, bọ ba ba, Sao không về nhà Nhà mày đang cháy Bỏ con một mình. [63, (1), tr.240]. (Lady-bug, lady-bug, fly away home, Your house is on fire, your children’s alone;) [75, tr.65]. Điều này gợi nhớ đến những nghi lễ của các bộ tộc cổ xưa, trong đó những người tiến hành các nghi lễ thường vừa nhảy múa vừa ngân nga những câu chú có nội dung cầu khấn hoặc trừ tà. Theo thời gian, với sự phát triển của xã hội công nghiệp, những nghi lễ ấy cũng mai một. Một trong những dấu tích của chúng chính là các bài chú nêu trên, thường được bọn trẻ dùng trong các trò chơi của chúng. Các nhà xã hội học cũng đã nhận định, trẻ em chính là một trong những đối tượng lưu giữ các yếu tố còn sót lại của một nền văn hóa truyền thống. Những trò chơi, những bài hát đếm… được xem như những hình thức đã bị biến chất đi của những nghi lễ, tập tục của người lớn xưa kia. [21, tr.45]. Điều đó có nghĩa là, khi tiến hành những điều mê tín, tức là các cậu bé đang thực hành những truyền thống cổ xưa mà không hề biết “chúng ra đời khi nào, ở nơi nào và ai đã tạo ra chúng”. [21, tr.38]. Những câu chú mà chúng thường ngân nga chính là một trong những biểu hiện còn sót lại của nền văn minh nông nghiệp xưa kia, khi mà những chuyện thần bí còn chi phối đời sống xã hội. Như vậy, chuyện mê tín dị đoan không chỉ là yếu tố có giá trị hiện thực khi Mark Twain miêu tả cuộc sống và sinh hoạt vùng biên cương miền Tây nước Mĩ thời kì đầu thế kỉ XIX mà còn có tác dụng khắc họa sự thuần phác của các nhân vật. 3.3. Sự thuần phác của nhân vật Huck Finn Khi viết cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, cái nhìn của Mark Twain về thời đại, về con người đã trở nên rõ ràng hơn. Do đó, ý nghĩa bản chất của thiên nhiên được ông thể hiện trong tác phẩm này không còn mang tính dự báo như trong cuốn Tom Sawyer nữa. Sự chất phác của Huck thể hiện nhất quán qua rất nhiều suy nghĩ và hành động trong suốt chuyến hành trình. Vì thế nếu đặt bản chất thuần phác của Huck bên cạnh sự suy thoái đạo đức bởi xã hội công nghiệp ở nước Mĩ khoảng cuối thế kỉ XIX, chúng ta cũng có thể hiểu được thái độ phê phán của nhà văn đối với văn minh công nghiệp. Khác với Tom, Huck Finn không sống trong môi trường “văn minh”. Cậu bé xuất thân “cùng đinh”, lúc nào cũng lôi thôi, luộm thuộm và đã quen với việc sống tự do : Khi trời tạnh ráo thì nó ngủ ở chỗ bậc cửa ra vào nhà người ta, khi mưa gió ướt át thì ngủ trong một cái vỏ thùng rượu; nó không phải đi học hay đi nhà thờ hay phải gọi ai là thầy và vâng lời một ai cả. [63, (1), tr.111]. Do không “bị” ảnh hưởng bởi bất kì sự dạy dỗ nào của cả trường học , nhà thờ lẫn gia đình nên Huck sống và lớn lên cùng sự thuần hậu tự nhiên vốn có trong bản chất con người. Đây là đặc điểm đáng chú ý ở Huck, cơ sở của sự thuần phác thiên nhiên. Cậu bé nghèo, đơn độc và vô cùng trong sáng. Ở Huck, vì thế sự thuần phác được thể hiện đậm nét hơn so với Tom. Nhân vật này không bộc lộ vẻ láu cá như Tom trong nhiều hành động, không giàu tưởng tượng và cũng chẳng bao giờ hành động theo sách vở. Ngược lại, hoàn cảnh khiến Huck nhanh nhẹn, khôn ngoan và thực tế hơn Tom trong hành động. Dù là hành động tự bảo vệ hay hành động vì người khác, Huck đều nghe theo sự mách bảo của bản năng đạo đức hay sự điều khiển của một trái tim thánh thiện. Sự ảnh hưởng của thế giới văn minh đối với cậu không nhiều, có chăng chỉ là những qui ước xã hội lâu đời, cụ thể là những qui định của nền văn hoá duy trì chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kì, mà Huck vẫn coi là đương nhiên vì chẳng biết những điều khác hơn, tiến bộ hơn. Chính điều này khiến trong Huck cũng có lúc diễn ra sự “giằng co” giữa con người thuần phác và con người “văn minh” như Tom. Do đó chúng tôi cũng sẽ xem xét bản chất của nhân vật Huck Finn trong mối quan hệ với chuyện phiêu lưu, tình bạn, chuyện mê tín. 3.3.1. Sự thuần phác và chuyện phiêu lưu 3.3.1.1. Thái độ đối với tiền bạc Điểm giống nhau giữa Huck và Tom chính là sự ưa thích chuyện phiêu lưu, mạo hiểm, dù rằng trong chuyện này Huck luôn chỉ biết làm theo những “sáng kiến” của Tom. Vì thế chúng từng cùng nhau đi làm hải tặc ở trên đảo Jackson, rồi lại làm lục lâm trong rừng Sherwood và cả cùng nhau đi tìm kho báu ở khắp nơi, từ căn nhà có ma, đến quán trọ và tận trong hang sâu. Trong những chuyến phiêu lưu hấp dẫn ấy, nhiều lần Huck thể hiện thái độ của mình đối với tiền bạc. Trong chuyến phiêu lưu cuối cùng ở cuốn Tom Sawyer, dù hăm hở đi tìm kho báu là để trở nên giàu có nhưng trước viễn cảnh do Tom vẽ ra : … đào được một cái nồi đồng trong đó có một trăm đồng đô la hoen gỉ… hay một cái hòm gỗ mục đầy kim cương. [64, (2), tr.107 – 108]. thì Huck lập tức nhận phần mình là “chỗ một trăm đồng đô la kia thôi” còn kim cương thì “nhường” cho Tom vì “tao không cần”. Trong xã hội công nghiệp, khi mà đồng tiền đã xác lập vị trí số một của mình thì thái độ ấy của Huck khiến nó đối lập hẳn với số đông. Thế cũng có nghĩa là sự thuần phác sẽ không có chỗ trong cái xã hội ấy. Sự chất phác của Huck còn hiện ra rõ hơn khi cậu bé bày tỏ ước mơ Tao sẽ ngày nào cũng ăn patê và uống một cốc sôđa và gánh xiếc nào qua đây tao cũng đi xem. [64, (2), tr.110 – 111]. khi Tom hỏi sẽ làm gì nếu may mắn tìm được của chôn giấu. Điều ấy thật khác xa với thái độ của người lớn khi chúng ta so sánh cái cách mà những người dân trong thị trấn đối xử với Huck và Tom sau khi biết chúng vớ được tới “trên mười hai ngàn đôla” : Tom và Huck đi đến đâu cũng được người ta săn đón vồ vập, trố mắt nhìn tỏ vẻ hết sức thán phục. Chúng không còn nhớ được những câu phát biểu của mình trước kia có một giá trị gì không; nhưng giờ đây mỗi lời nói của chúng đều được người ta vồ lấy và quí như vàng, được người ta nhắc đi nhắc lại mãi. [64, (2), tr.265]. Trong cái xã hội ấy, đồng tiền khiến người ta nghiễm nhiên trở thành thần tượng bất kể quá khứ có ra sao. Sự săn đón vồ vập của những người lớn đã biểu thị rõ thái độ đối với tiền. Thế nhưng với Huck, cuộc sống mới giàu sang cùng sự ngưỡng mộ, trọng vọng của mọi người lại làm cậu bé khổ sở. Sau ba tuần “dũng cảm chịu đựng những đau khổ ấy”, Huck bỏ trốn. Khi Tom tìm được nó trong “mấy thùng rượu bỏ không ở phía đằng sau lò sát sinh cũ” [64, (2), tr.269], Huck tâm sự với thằng bạn chí cốt như sau : Mày thử nghĩ mà xem, thật thế, giàu sang không phải như người ta vẫn thường khoe, giàu sang chỉ là mua lấy cái khổ, cái vất vả vào thân, lúc nào cũng chỉ muốn chết đi cho rảnh… Tom ạ, nếu không có món tiền chết tiệt kia thì tao đâu có đến nỗi phải chịu những chuyện khổ sở như thế này; thôi mày lấy nốt cái phần của tao đi, rồi thỉnh thoảng cho tao một hào… [64, (2), tr.272]. Một đứa bé “vô giáo dục” như Huck Finn, đối diện với đồng tiền bỗng trở thành triết gia khi đưa ra những nhận xét hết sức chí lí về tiền và những hệ lụy của nó. Những lời tâm sự trên quả thật rất phù hợp với bản chất của Huck , đứa trẻ mà sự thuần phác còn chưa bị lòng tham làm cho mất đi. Nhưng thái độ ấy sẽ rất buồn cười nếu ta nhìn nó bằng những con mắt của của người lớn. Thái độ đối với tiền bạc của Huck sẽ bị xem là “ba xạo” và nó sẽ bị gọi là một chi tiết “khiên cưỡng” trong tác phẩm nếu chúng ta không xem xét nó trong mối liên hệ giữa việc đề cao bản chất thuần phác của nhân vật với cảm thức của chính nhà văn về thời đại. Bởi sau này trong cuốn Huckleberry Finn, ông còn tiếp tục để Huck đối diện với tiền bằng tâm hồn trong sáng như pha lê ấy. Khi buộc phải theo lão Vua đến nhà Peter Wilk, Huck một lần nữa lại được tận mắt nhìn thấy rất nhiều tiền. Đó là sáu ngàn đô la tiền mặt mà ông Peter Wilk quá cố để lại cho các con gái nhưng đang bị Vua và Quận Công chiếm đoạt. Khi tìm ra chỗ giấu số tiền ấy, cầm nó trên tay, giữa đêm khuya không ai biết nhưng trong đầu Huck không mảy may nghĩ đến việc chiếm nó cho riêng mình mà chỉ lo làm sao có thể giấu những kẻ lừa đảo kia và lúc thích hợp thì sẽ báo cho các cô gái cả tin tội nghiệp kia. Trong đầu óc thuần phác của Huck không có chỗ của lòng tham, sự ti tiện. Thái độ ấy của Huck đối với tiền cũng giống hệt như thái độ của Tom đối với quyền lực mà chúng tôi đã nêu ở phần trước đó. Tom thích làm Robin Hood hơn làm tổng thống Mĩ; Huck thì chọn cuộc sống tự do và dứt khoát từ bỏ tiền bạc. Sự kết hợp hai thái độ ấy của các cậu bé sẽ giúp chúng ta hình dung đầy đủ hơn một khía cạnh của vấn đề bản chất thuần phác. Như vậy từ cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đến cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn thái độ phủ nhận của nhà văn đối với những giá trị vật chất mà xã hội đương thời công nhận cũng hoàn chỉnh hơn, rõ ràng hơn. 3.3.1.2. Thái độ đối với mọi người Nơi nhân vật Huck, sự thuần phác còn biểu lộ qua rất nhiều hành động cứu giúp người khác một cách vô điều kiện, bất kể họ là người tốt hay xấu. Chính cái bản chất đáng quí ấy đã khiến Huck luôn lo lắng hơn đến những khó khăn của người khác, thậm chí khi chứng kiến những kẻ xấu gặp nạn, cậu bé cũng áy náy không yên. Ở cuối cuốn Tom Sawyer, trong một đêm đi rình tên Joe và đồng bọn của hắn để mong tìm ra nơi cất giấu thùng vàng, vô tình Huck biết bà quả phụ Douglas sắp gặp nguy. Nỗi sợ hãi ban đầu đã khiến Huck muốn co giò bỏ chạy, nhưng bản chất thuần hậu giữ nó lại, nhắc Huck nhớ việc “bà quả phụ Douglas đã nhiều lần tỏ ra tốt với nó” [64, (2), tr.173]. Nên cuối cùng Huck đã chạy đi tìm người có thể giúp đỡ. Sau này trong cuốn Huckleberry Finn, gắn với hành trình phiêu lưu của Huck và Jim là rất nhiều chuyện như thế. Tiêu biểu nhất có thể kể đến việc Huck giúp các cô cô gái nhà Wilks thoát khỏi sự lừa đảo bỉ ổi của lão Vua, giữ lại được gia tài. Bản chất lương thiện không cho phép Huck đồng tình với việc lừa đảo nhưng ban đầu cậu bé cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao bản thân mình thoát khỏi được lão Vua và anh chàng Quận Công mà thôi. Thế nhưng sự tốt bụng, dịu hiền của các cô gái đã đánh thức Huck khiến cậu suy nghĩ và đi đến hành động theo sự mách bảo của trái tim thánh thiện : Tôi cảm thấy mình cũng xấu xa, hèn hạ quá, và tự nghĩ tôi sẽ phải cố làm thế nào mà giấu số tiền kia đi cho các cô ấy mới được. [66, tr.281]. Cũng chính trái tim ấy hướng dẫn Huck tìm ra phương cách hành động tốt nhất và khiến các cô gái tin mình. Khi hướng về người khác, nghĩ cho người khác, Huck thường hay tự trách mình, luôn cảm thấy mình có lỗi. Cảm giác đó của Huck cứ trở đi trở lại mỗi khi Huck bị buộc phải chứng kiến chuyện không may của người khác, bất kể người khác đó là ai. Ở trên chúng tôi đã nhắc đến việc Huck tốt cả với những kẻ xấu. Đây chính là những chi tiết có thể làm rõ mức độ thuần phác đậm nét hơn trong bản chất của Huck so với nhân vật Tom Sawyer. Sau khi chứng kiến vụ thanh toán lẫn nhau của bọn cướp trên tàu Walter Scott, Huck và Jim vất vả lắm mới thoát khỏi chiếc tàu đang đắm. Thế nhưng việc đầu tiên Huck nghĩ đến sau khi thoát là làm cách nào để cứu bọn cướp đang bị kẹt trên tàu. Sau khi vừa khóc vừa bịa ra một câu chuyện hoàn hảo để mong có người đến giúp mà không có kết quả, Huck đã nhìn chiếc tàu đang chìm dần trên sông với tâm trạng : …cảm thấy hơi buồn về đám cướp, nhưng cũng không buồn lắm, vì tôi nghĩ nếu như thiên hạ người ta có thể mặc nhiên được thì tôi cũng có thể chịu được. [66, tr.131]. Như vậy không chỉ tốt bụng mà Huck còn rất thành thật. Trong suy nghĩ của cậu, chúng ta không thấy có một chút giả vờ thương cảm nào. Thái độ thành thật ấy cũng chính là một biểu hiện có thể làm sáng tỏ bản chất thuần hậu nơi nhân vật này. Cũng chính bản chất đạo đức ấy đã chi phối những suy nghĩ và hành động của Huck sau này, khi gặp phải hai kẻ lừa đảo là Vua và Quận Công. Không giống như bọn cướp không quen biết nói trên, hai nhân vật này ập lên và xâm chiếm chiếc bè của Huck và Jim rồi thi nhau hành hạ, bóc lột, lôi kéo đôi bạn. Huck hiểu rất rõ bản chất xấu xa, gian xảo của chúng và đã tìm mọi cách để không dính dáng đến những kẻ vô lại ấy nữa. Thế nhưng khi khi đang sống yên ấm ở nhà dì Sally, biết việc mọi người sẽ vạch mặt Vua và Quận Công, Huck đã tìm cách trốn ra khỏi nhà để đi báo cho chúng biết vì sợ “họ sẽ bị nguy”. Đến khi chứng kiến cảnh hai tên lừa đảo khắp người bôi hắc ín, bị kẹp vào một thanh sắt để giải đi, Huck đã nghĩ : Tôi thấy cảnh đó cũng động lòng và lấy làm tiếc cho hai cái tên khốn kiếp đáng thương ấy; tôi cảm thấy như mình sẽ không còn có thể nào nghĩ đến hình phạt gì khác hơn đối với họ nữa. Trông ghê tởm thật cơ. Sao con nguời đối với con người lại có thể độc ác một cách ghê tởm như thế được. [66, tr.360]. Có nghĩa là con người Huck không hề biết đến sự ghét bỏ hay thù hận. Tâm trạng băn khoăn không sao hiểu nổi sự độc ác của con người trong việc đối xử với đồng loại của Huck là sự xác nhận cao nhất bản chất thuần phác nơi nhân vật. Cái tính người ấy phải chăng đã bị những tiến bộ, những luật lệ của xã hội hiện đại làm cho mất đi? Khi tìm hiểu bản chất của nhân vật Huck Finn bộc lộ như thế nào trong mối quan hệ với mọi người, chúng tôi nhận thấy có một nét giống nhau trong một số tình huống. Đó là việc nói dối cừ khôi và thành thục của cậu mỗi khi gặp tình huống nguy hiểm. Nếu không lí giải điều này, e rằng sẽ có sự mâu thuẫn trong việc đánh giá bản chất thuần phác nơi nhân vật. Khi đang trốn trên đảo Jackson vì muốn dò la tình hình, Huck đã giả gái, đến cuối tỉnh gặp một người đàn bà lạ mặt và vừa kể cho bà ta nghe câu chuyện “hư cấu” về mình vừa thăm dò động tĩnh của việc mình và Jim biến mất; hay chuyện cứu toán cướp nói trên. Đặc biệt là sau này để cứu Jim khỏi nguy hiểm Huck còn hành động theo kiểu đó nhiều lần. Có lần trước nguy cơ Jim bị phát hiện, Huck đã thản nhiên mời những tay săn lùng nô lệ bỏ trốn lại chỗ cái bè, rồi lấp lửng nhắc đến căn bệnh đậu mùa và giả vờ buồn bã khi chúng bỏ đi vì sợ lây bệnh. Hay câu chuyện về gia đình li tán “chẳng để lại một thứ gì khác ngoài số tiền mười sáu đô la với anh da đen là Jim” [66, tr.207] cho Huck, khi Vua và Quận Công tỏ ra nghi ngờ Jim là nô lệ bỏ trốn. Những câu chuyện như thế được Huck “sáng tác” rất nhanh và “diễn” rất tự nhiên. Những câu chuyện có thể khác nhau về nội dung nhưng chúng rất giống nhau ở tình huống ra đời. Đó là những lúc nguy cấp cần phải tự bảo vệ bản thân và người khác thoát khỏi nguy hiểm. Như vậy chuyện nói dối của Huck là việc làm mang tính tự vệ, thể hiện bản năng tồn tại của con người chứ không phải là loại hành động thể hiện bản chất giả dối. So sánh với những hành động láu lỉnh của Tom Sawyer, chúng ta sẽ thấy sự khác nhau. Khi Tom vờ vịt thích công việc quét vôi hàng rào thì mục đích rõ ràng của cậu bé là kiếm người làm giúp để vừa thu lợi vừa không phải làm việc. Rồi khi gạ bọn trẻ đổi thẻ ở trường học Giáo lí, Tom cũng đã tính trước sẽ dùng những cái thẻ kiếm được một cách “bất chính” ấy để được “tôn vinh”. Cùng là hành động nói dối nhưng ở Tom là sự bộc lộ sự ranh mãnh, còn ở Huck lại là sự bộc lộ bản năng tự vệ. Điều này có ở Huck cũng là điều dễ hiểu bởi hoàn cảnh sống lang thang từ nhỏ, luôn phải đối phó với người cha nát rượu đã khiến bản năng sinh tồn nơi Huck phát triển mạnh mẽ. Bản năng ấy gợi nhớ đến chi tiết Huck tạo dựng cái chết giả của mình để trốn khỏi sự giam cầm của bố ở phần đầu tác phẩm. Rõ ràng Huck đã tính toán rất kĩ lưỡng mọi việc, từ việc tạo hiện trường giả đến việc chuẩn bị lương thực mang theo, rồi nơi đến, giờ khởi hành… Tất cả là để được tồn tại, sau nữa là để được sống tự do chứ không phải là loại hành động mang tính chất lừa dối. Như vậy, có thể thấy bản chất thuần phác ở nhân vật Huck Finn đậm nét, nổi trội hơn ở nhân vật Tom Sawyer. Mọi hành động của Huck đều theo sự dẫn dắt của bản chất, nếu không muốn nói là bản năng, ấy. Sự đấu tranh giữa con người thuần phác và con người văn minh thể hiện nhiều hơn nơi Tom thì ở nhân vật Huck điều đó tập trung biểu hiện qua những chi tiết liên quan đến việc thả tự do cho Jim mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây. 3.3.2. Sự thuần phác và tình bạn Mối quan hệ giữa Huck, chú bé da trắng nghèo và Jim, người nô lệ da đen bỏ trốn trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nó là sự tiếp nối : Một hiện tượng đặc biệt trong dòng tiểu thuyết phiêu lưu của Mĩ là hệ hai nhân vật thành một cặp lưỡng tính theo kiểu Don Quixote với Pansa.” [13, tr.147]. Qua cặp nhân vật này, Mark Twain muốn nói đến những vấn đề thời đại và thể hiện ý nghĩa của một cuộc cách mạng tư tưởng. Đây là điều chúng tôi đã đề cập đến trong chương thứ hai của luận văn. Sở dĩ nhắc lại điều này bởi thông qua mối quan hệ nói trên giữa Huck và Jim, còn có thể làm rõ vấn đề bản chất thuần phác của nhân vật Huck Finn. Trong suốt hành trình đi tìm tự do của mình, bên cạnh “ông thầy” thiên nhiên, thì Huck còn học được nhiều điều từ Jim nữa. Sự hiểu biết, cảm thông, gắn bó của đôi bạn hình thành và ngày càng trở nên sâu đậm hơn sau những biến cố gặp phải trong suốt chuyến đi. Vì vậy “Người nô lệ bỏ trốn – Jim, trở thành một người cha tinh thần đối với Huck.” [68, tr.123]. Cũng như bất kì người miền Nam nào khác, trong suy nghĩ của Huck, một người da đen thì luôn ngờ nghệch và cố chấp, không thể có những tình cảm đặc biệt. Thế nhưng những ngày sống cùng Jim đã khiến Huck hiểu hơn về những người nô lệ. Trong cái đêm sương mù trên sông mà chúng tôi đã nêu ở trên, Huck lạc mất Jim và khi gặp lại đã đùa Jim rằng tất cả chỉ là một giấc mơ. Jim đã “trách móc” Huck bằng những lời sau : Sau khi tôi đã mệt quá với chuyện loay hoay ở đó rồi mà gọi cậu mãi không thấy, tôi mới đi ngủ, mà trong lòng tôi thì đau đớn vô cùng vì đã mất cậu. Tôi cũng chẳng cần biết là tôi và cái bè ra sao nữa. Lúc tôi tỉnh dậy thì lại thấy cậu trở về nguyên vẹn, tôi ứa nước mắt ra, có thể quì xuống mà hôn chân cậu, vì tôi mừng quá đỗi. [66, tr.148]. Có thể coi đây là bài học đầu tiên Huck nhận được từ Jim. Nó tác động đến Huck thật mãnh liệt : Tôi cảm thấy mình thật xấu xa đến nỗi suýt nữa tôi lại muốn cúi xuống hôn chân Jim để hắn quay lại… Đến mười lăm phút qua tôi mới đứng dậy được, đến xin lỗi trước mặt một người da đen. Nhưng làm việc đó xong rồi, không bao giờ tôi còn phải ăn năn hối hận nữa. [66, tr.148]. Quả thật không dễ dàng chút nào cho Huck để “đến xin lỗi trước mặt một người da đen”. Thế nhưng hành động mang tính cách mạng ấy đã đem lại cho Huck sự ấm áp trong tâm hồn bởi từ đây cậu được đồng hành với một người bạn chứ không phải với một nô lệ bỏ trốn nữa. Do đó nó không chỉ là hành động thể hiện bản chất thuần phác mà còn là hành động đầu tiên xác lập tình bạn giữa Huck và Jim. Cứ thế nhiều lần khác nữa trong chuyến hành trình Huck còn được nghe thêm những quan niệm (cũng rất thuần phác) của Jim về cuộc sống, con người; những tâm sự của Jim về gia đình, kế hoạch tương lai … Đồng thời Huck còn được nhận sự quan tâm, chăm sóc của Jim trong suốt chuyến đi, điều mà lúc còn ở trong thị trấn không bao giờ Huck nhận được. Tất cả như một chất keo dần dần gắn kết họ lại bằng một thứ tình cảm hết sức trong sạch, thánh thiện. Và đến cuối cuộc hành trình, khi Jim bị lão Vua lừa bán đi mất thì cũng là lúc mà Huck thực sự cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của tình cảm ấy. Cậu thấy hụt hẫng, đau đớn như vừa mất đi một người ruột thịt. Tôi gọi to một tiếng, rồi một tiếng nữa – lại một tiếng nữa; chạy hết ngả này ngả khác vào rừng, hú lên, hét lên, nhưng vô ích – Jim đã đi mất rồi. Tôi ngồi xuống khóc, không thể nào kìm được nữa. [66, tr.332]. Nỗi đau khổ của Huck được bày tỏ cũng theo cách rất tự nhiên, không hề che dấu, ngại ngần gì. Hình ảnh Huck hết “gọi to” rồi lại chạy, hú, hét tìm Jim và cuối cùng bật khóc khiến người đọc liên tưởng đến cảnh tượng một con thú lạc mất con đang hoảng loạn, đau khổ đến điên cuồng giữa rừng sâu. Thì ra cuộc sống giữa thiên nhiên không chỉ đem lại cho Huck tự do mà còn có thể đem lại cho cậu bé những tình cảm mà trước đó nó không hề biết là có ở trên đời. Cách biểu lộ sự đau đớn ấy của Huck khiến chúng ta liên tưởng đến cảnh tượng Tom bày tỏ tình cảm với Becky mà chúng tôi đã nêu ở phần trên. Tâm trạng và cảnh ngộ hoàn toàn khác nhau nhưng cách mà hai cậu bé bày tỏ tình cảm thì rất giống nhau. Cả hai đều thành thực với tình cảm của mình và bộc lộ chúng ra bên ngoài một cách hết sức tự nhiên. Trở lại với nhân vật Huck Finn, chúng ta thấy rằng chính sự gắn bó và những tình cảm đối với Jim đã khiến cuộc đấu tranh nội tâm của Huck ở chương thứ XVI diễn ra đầy kịch tính, khi cả hai tưởng đã đến được Cairo, nơi Jim có thể đi đến những bang không còn chế độ nô lệ để bắt đầu cuộc sống tự do. Nó giống như một cuộc kiểm tra đạo đức dành cho Huck. Trái tim thuần phác mách bảo Huck để cho Jim đi, nhưng ý thức vốn rất xa lạ với những qui ước đạo đức lại “đe doạ” cậu, khiến cậu thấy mình có lỗi, thậm chí run sợ. Khi cái ý thức ấy “lấn lướt”, Huck đi đến quyết định sẽ giao nộp Jim. Điều này làm cho Huck thấy : … dễ chịu, sung sướng, nhẹ như một chiếc lông bay bổng. Bao nhiêu những cái bứt rứt đều tiêu tan cả.” [66, tr.152]. Thế rồi trong khi quay xuồng vào bờ để thực hiện ý định trên, khi nghe Jim hét với theo những lời biết ơn, ca ngợi lòng tốt của mình, Huck lại cảm thấy “hình như ruột gan tôi bị bật cả ra ngoài” [66, 153] và khi giáp mặt những người đi bắt nô lệ thì rất tự nhiên bằng trái tim trực cảm, Huck che dấu, bảo vệ Jim rất khéo léo bằng câu chuyện về bệnh đậu mùa đã nói ở trên. Biết chắc là Jim thoát khỏi nguy hiểm lần này rồi nhưng Huck vẫn băn khoăn không biết mình đã làm đúng hay sai. Chính vì vậy mà cậu cứ loay hoay mãi với những suy nghĩ hết sức thật thà : … nếu lúc này mình làm điều phải và đưa Jim ra, thì có phải bấy giờ thấy dễ thở hơn không? Nhưng tôi lại nói : không. Nếu như thế thì mình sẽ thấy khổ tâm chứ, sẽ thấy bứt rứt như chính bây giờ mình đang bứt rứt đây. Rồi tôi lại tự bảo: học làm điều phải để làm gì trong khi làm điều phải thì khổ tâm và làm điều trái thì không thấy phiền lòng gì cả. [66, tr.156]. Có thể coi bản chất thuần phác chính là nguyên nhân nỗi khổ sở mà Huck phải chịu đựng. Thế nhưng ngay trong những suy nghĩ trên, Huck đã thể hiện sự lựa chọn của mình rồi. Huck sẽ không làm “điều phải” nữa vì nó khiến cậu “khổ tâm” tức là Huck đã nghiêng về phía lương tâm thuần khiết. Trong trường hợp này bản năng đạo đức nơi Huck đã đặt nó vào thế đối đầu với xã hội. Sự lựa chọn, do đó không thể không khó khăn. Nếu so sánh với việc Tom bị lương tâm cắn rứt khi không dám ra cứu Muff Potter trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer thì cuộc đấu tranh nội tâm của Huck gay go hơn nhiều. Nó cũng cao hơn về mặt ý nghĩa. Huck phải đối mặt với vấn đề đạo đức lớn hơn nhiều so với chuyện cứu hay không cứu một người vô tội khỏi cảnh tù đầy của Tom. Bản chất thuần phác đậm nét hơn cũng khiến Huck khổ sở hơn Tom và điều quan trọng là trong cuộc đấu tranh của Huck ta thấy rõ hơn vai trò của trực giác trong hành động biểu lộ bản chất ấy. Sau này, ở cuối tác phẩm, một lần nữa Huck lại phải trải qua thử thách tương tự. Chỉ có điều hành động của Huck dứt khoát hơn, quyết liệt hơn. Đó là lúc đang ở nhà dì Sally, Huck quyết định viết thư gửi cô Watson (người chủ nô lệ của Jim) tố cáo Jim khi biết hắn bị ông Silas Phelps bắt nhốt. Nhưng toàn bộ cuộc hành trình đầy bất trắc với Jim sống dậy. Trong đầu Huck như diễn ra một đoạn phim quay chậm trong đó các hình ảnh quá khứ cứ từ từ lướt qua : Rồi lại nghĩ đến cả chuyến đi xuôi con sông này, và tôi luôn luôn thấy hình ảnh Gim ở trước mặt: ngày cũng như đêm, có khi dưới trăng, có khi trong cơn dông tố, chúng tôi vẫn dập dềnh trôi đi, nói chuyện, hát cười. Rồi tôi thấy hình như không có chỗ nào mà mình đáng phải độc ác với hắn, chỉ thấy hắn tốt. Tôi thấy Gim ở trên bè đứng gác thay cho tôi, đáng lẽ gọi tôi dậy thì hắn vẫn để tôi ngủ; thấy Gim sung sướng mừng rỡ biết bao nhiêu khi thấy tôi thoát khỏi sương mù trở về; rồi đến lúc tôi ra đầm gặp lại Gim ở vùng đồn điền kia; nhiều lần như thế; và bao giờ Gim cũng gọi tôi bằng cái tên thân yêu, chiều chuộng tôi, có thể vì tôi mà làm gì cũng làm. Luôn luôn bao giờ Jim cũng tốt như vậy. [66, tr.336]. Dòng hồi tưởng ấy nhắc nhớ lại những ngày tháng phiêu lưu của đôi bạn. Hình ảnh dòng sông vừa êm đềm vừa dữ dội bây giờ làm nền cho những kí ức tốt đẹp về Jim. Huck nhớ như in các sự kiện cùng trải qua với Jim trên dòng sông ấy và cảm nhận rõ rệt tấm lòng bao dung của một người cha, người anh; tâm hồn chân thực của một người bạn nơi người nô lệ ấy. Trở đi trở lại trong kí ức của cậu bé là ý nghĩ về sự lương thiện, hiền lành, tốt bụng của Jim : “Rồi tôi thấy hình như không có chỗ nào mà mình đáng phải độc ác với hắn, chỉ thấy hắn tốt.” Hay “Luôn luôn bao giờ Jim cũng tốt như vậy.”. Chính những kí ức ấy đã đẩy Huck tới một quyết định: Tôi nhặt mảnh giấy lên, mân mê trong tay. Tôi run người lên, vì bây giờ tôi phải quyết định một lần chót, một trong hai điều đây. Tôi biết lắm. Tôi suy nghĩ một phút, nín thở, rồi tự bảo: “Thôi được, mình sẽ đành đi xuống địa ngục” – và xé toang mảnh giấy. [66, tr.336]. Trong cuộc đấu tranh lần này, ý thức dường như “lép vế” hơn so với trái tim. Trái tim thuần phác khiến Huck không hề ngại ngần chuyện sẽ “đi xuống địa ngục” và dẫn dắt Huck tới hành động “xé toang mảnh giấy” kia. Hành động dũng cảm ấy đánh dấu sự chiến thắng hoàn toàn của bản chất thuần hậu trong con người Huck. Nó cũng chính là chi tiết quan trọng biểu hiện chất nổi loạn tư tưởng mà nhà văn muốn thể hiện trong tác phẩm bởi nó phủ nhận những qui định mà xã hội công nhận. Bằng hành động ấy, Huck đã tự đặt mình vào thế đối đầu với xã hội. Cái cách nhà văn đặt cậu bé cao hơn những chuẩn mực xã hội đã thể hiện sự đồng tình của ông với những hành động xuất phát từ bản chất thuần phác của con người. Như vậy tình bạn của Huck và Jim tượng trưng cho những gì thánh thiện nhất. Theo như cách nói của Lionel Trilling thì “Huck và Jim thực sự dựng lên một cộng đồng các thánh trên chiếc bè” [74, tr.11]. Cộng đồng ấy, vì vậy hoàn toàn đối nghịch với xã hội đương thời và cũng chính nó là môi trường khiến bản chất thuần phác của con người có thể bộc lộ và toả sáng. 3.3.3. Sự thuần phác và chuyện mê tín Ở trên, chúng tôi đã nhắc đến việc ngành folklore học ở Mĩ ra đời năm 1888 như một phản ứng với sự phát triển công nghiệp. Việc quay về tìm hiểu nền văn hoá nông nghiệp trước đó là mối quan tâm hàng đầu của các nhà xã hội học lúc bấy giờ. Mark Twain cũng với quan niệm ấy đã đưa vào cuốn Huckleberry Finn những chi tiết có thể gợi nhắc đến nền văn hoá nông nghiệp đó. Đó chính là những chuyện mê tín. Cũng giống như Tom trong cuốn Tom Sawyer, Huck và cả Jim rất tin vào những chuyện loại này trong suốt hành trình của mình. Để những câu chuyện mê tín chi phối các nhân vật cũng là một cách nhà văn thể hiện bản chất thuần phác của họ. Nếu trước kia Huck thường bàn bạc và thực hiện những chuyện ấy cùng Tom thì bây giờ đi với Jim, cậu bé còn biết thêm nhiều chuyện “hay ho” hơn nhờ Jim dạy cho. Do đó chúng không chỉ biểu lộ sự chất phác của Huck (và cả Jim) mà còn mở ra một phương diện khá thú vị trong đời sống tinh thần của người da đen. “Thế giới Huck đang sống được trang bị hoàn hảo để thích nghi với tính thần” [74, tr.8] là ý kiến của Lionel Trilling về vấn đề này. Trong cuốn Huckleberry Finn, những chuyện mê tín dị đoan ảnh hưởng tới Huck có thể xếp vào hai loại. Đó là những chuyện điềm báo và những điều kiêng kị. Huck tin tưởng tuyệt đối vào những điềm báo nên cậu bé luôn sợ hãi cuống cuồng mỗi khi gặp phải. Các điềm báo có thể khác nhau nhưng phản ứng của Huck trước chúng thì luôn giống nhau. Mở đầu tác phẩm, dù trong lòng đang “vô cùng buồn thảm” vì phải sống cảnh “tù đày” ở nhà bà goá Douglas, nhưng khi “một con nhện ở đâu nhảy đến, lồm cồm bò trên vai áo”, Huck vẫn không quên “chồm dậy, quay đi quay lại một chỗ đến ba bốn vòng, rồi lại làm dấu trước ngực rất nhiều lần”. Sau đó là “lấy sợi dây buộc chặt mớ tóc trên đầu để làm cái bùa đuổi yêu quái đi” vì tin rằng “đó là một điều xấu và rồi tôi sẽ gặp rủi ro” [66, tr.20]. Huck không chỉ tin vào những điềm báo tình cờ, cậu còn rất tin vào chuyện bói toán vì cho rằng nhờ việc này mà có thể biết trước mọi chuyện để mà tránh. Tiêu biểu cho loại niềm tin này là việc Huck sau khi phát hiện ra dấu vết của bố đã chạy đến nhờ Jim dùng búi lông “có con ma nó biết tất cả mọi thứ” bên trong để đoán xem “bố tôi sẽ làm gì và có ý định ở lại đây không” [66, tr.42]. Chỉ sau khi Huck trả tiền thì búi lông mới cho cậu bé biết các tiên đoán của mình : Chưa biết là ông bố cậu sẽ làm gì ở đây. Có thể ông ấy sẽ đi xa, cũng có thể ông ấy định ở lại…Nhưng còn cậu thì không hề gì. Đời cậu sẽ gặp nhiều cái rắc rối, mà cũng có nhiều cái vui mừng đấy. Có khi cậu bị đau đớn, lại có khi ốm yếu, nhưng rồi lần nào cậu cũng trở lại lành mạnh như thường… [66, tr.43 – 44]. Nghe những lời phán nước đôi ấy, tất nhiên Huck rất sợ. Bởi thế khi về phòng thấy ông bố đã ngồi sẵn trong đó, cậu bé hết “khiếp sợ” lại “kinh hãi”. Sau này khi cùng thực hiện chuyến phiêu lưu, Huck còn được Jim nhắc nhở nhiều lần về những điều nếu làm sẽ gặp phải chuyện không may vì Jim “biết hầu hết” các thứ điềm báo hiệu trên đời. Đây là chuyện mê tín thuộc dạng thứ hai : những điều kiêng kị. Những chuyện loại này rất nhiều trong niềm tin của Huck. Nào là người bắn chim đang bay sẽ bị : “chết đấy”, hoặc ai vào“lúc mặt trời lặn mà đem rũ cái khăn trải bàn” [66 – tr.86] thì chắc chắn sau đó sẽ gặp phải điều rủi ro, hay “sờ vào da rắn lột sẽ gặp điều không may nhất trên đời” [66, tr.96 – 97], rồi là “nhìn mặt trăng lưỡi liềm qua phía bên trái của mình là một trong những điều không cẩn thận và dại dột nhất” [66, tr.99]. Và tất nhiên chúng cũng khiến Huck phải lo sợ không kém so với những chuyện điềm báo đã kể trên. Điều đặc biệt là niềm tin của Huck vào chúng ngày càng được củng cố vững chắc hơn nhất là sau một điềm báo nào đó lại tình cờ xảy ra sự việc trùng hợp. Tiêu biểu cho niềm tin loại này có thể kể đến câu chuyện ở chương thứ X “Sờ vào cái da rắn lột sẽ ra sao" trong tác phẩm. Đó là khi Huck và Jim còn ở trên đảo Jackson, trong một lần vô tình Huck “tìm thấy cái da rắn lột ở trên đỉnh gò” [66 – tr.96]. Thoạt đầu Huck không tin nhưng sau đó vì sự đùa nghịch của cậu mà Jim bị rắn cắn. Đầu óc ngây thơ của Huck đã bị một phen thử thách. Cậu vừa tin là do cái da rắn lột nó báo oán, vừa ân hận vì việc làm của mình khiến bạn gặp nguy hiểm. Chính vì vậy mà khi Jim qua khỏi, Huck đã : … nghĩ bụng nhất định từ nay sẽ không mó vào cái da rắn lột nữa, vì bây giờ đã thấy nó tai hại như thế nào rồi. [66 – tr.98]. Các tình tiết có liên quan đến chuyện mê tín dị đoan của các nhân vật trong cả cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn” quả thật chứa đựng nhiều ý nghĩa. Trước hết chúng làm cho những câu chuyện phiêu lưu của Tom và Huck thêm màu sắc bí ẩn; chúng còn là biểu hiện của những tàn dư của xã hội nông nghiệp và đặc biệt chúng bộc lộ một nét trong bản chất thuần phác của các nhân vật. Những tàn dư như thế sẽ còn gây cho chúng ta vô vàn những thú vị nếu chúng ta nhìn tác phẩm dưới góc nhìn văn hoá (học). Chúng tôi vừa trình bày ý nghĩa thứ hai của vấn đề thiên nhiên : thiên nhiên – bản chất trong hai tiểu thuyết của Mark Twain Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Cùng với ý nghĩa thứ nhất : thiên nhiên – không gian phiêu lưu, vấn đề bản chất của các nhân vật Tom Sawyer và Huck Finn cũng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về những giá trị nhân văn sâu sắc mà nhà văn muốn gởi gắm vào những đứa con tinh thần của mình. KẾT LUẬN 1. Như vậy là chúng tôi đã giải quyết đề tài của mình dưới ít nhất ba cấp độ: thiên nhiên với hai ý nghĩa tự nhiên và bản chất trong văn học, thiên nhiên như là tự nhiên và thiên nhiên như là bản chất trong hai tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Khi khảo sát vấn đề thiên nhiên với với hai ý nghĩa tự nhiên và bản chất trong văn học, chúng tôi đã kết hợp tìm hiểu song song những vấn đề về lí luận và dẫn chứng trong một số tác phẩm văn chương (tự sự) tiêu biểu của thế giới từ cổ đại đến hiện đại. Điều này giúp tạo ra cái nhìn khái quát về vấn đề để từ đó có thể đi vào trọng tâm của luận văn là Thiên nhiên như là tự nhiên và Thiên nhiên như là bản chất trong hai tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Đối với vấn đề Thiên nhiên như là tự nhiên trong hai tiểu thuyết nói trên của Mark Twain, mặc dù chứa đựng rất nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng chúng tôi chỉ tập trung xem xét thiên nhiên dưới góc độ là không gian gắn liền với những cuộc phiêu lưu của các nhân vật và chỉ xem xét chúng ở những khía cạnh có thể làm rõ thái độ phê phán gay gắt của nhà văn về xã hội công nghiệp đương thời. Cuối cùng là Thiên nhiên như là bản chất cũng trong hai cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Chúng tôi cũng chỉ xem xét sự thuần phác trong bản chất của hai nhân vật chính là Tom Sawyer và Huck Finn cũng với mục đích làm rõ cái nhìn của nhà văn về thời đại và con người. Với mục đích đó chúng tôi đã cố gắng chỉ ra những ý nghĩa xã hội, triết lí trong hai tiểu thuyết đỉnh cao của Mark Twain chỉ thông qua vấn đề thiên nhiên. Như vậy chúng tôi, một cách gián tiếp đã chỉ ra được những nét riêng trong ngòi bút hiện thực của Mark Twain. 2. Theo chúng tôi khuynh hướng vùng miền trong các sáng tác của Mark Twain là một trong những điểm quan trọng làm nên giá trị, sự hấp dẫn cho các tác phẩm của ông nói chung và hai cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn nói riêng. Tiếp cận giá trị ấy thông qua vấn đề thiên nhiên như là tự nhiên, chúng tôi đã khảo sát hai hình ảnh nổi bật là rừng và sông gắn với không gian phiêu lưu của các nhân vật như những biểu tượng chứa đựng ý nghĩa đối lập với thế giới văn minh. Đặt tự nhiên trong thế đối trọng với xã hội công nghiệp hiện đại, theo chúng tôi sẽ làm nổi bật được nét bí ẩn mà quyến rũ rất đặc trưng của không gian miền Tây biên cương nước Mĩ thời kì đầu thế kỉ XIX, nơi mà Mark Twain gắn bó cả tuổi thơ và một phần đời thời trai trẻ phiêu bạt của mình. Riêng ý nghĩa bản chất của thiên nhiên, chúng tôi đã chỉ ra sự thuần phác của hai nhân vật là Tom Sawyer và Huck Finn thông qua các mối quan hệ của chúng với chuyện phiêu lưu, chuyện mê tín và trong mối quan hệ với những người xung quanh. Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến sự đấu tranh giữa bản năng đạo đức nơi các nhân vật với những ảnh hưởng của xã hội văn minh để nhấn mạnh đến sự chiến thắng cuối cùng của tính thuần phác. Nét thuần phác trong bản chất của các nhân vật tạo cho chúng tính cách khác hẳn các nhân vật toan tính, mánh khoé, thực dụng thường gặp trong văn học hiện thực. Kết hợp với không gian hoang sơ trong các chuyến phiêu lưu, các nhân vật vì thế tạo ra một thế giới đối lập với thế giới văn minh hiện đại. 3. Luận văn của chúng tôi lần đầu tiên tiếp cận sáng tác của Mark Twain từ góc độ thiên nhiên. Thông qua việc tìm hiểu thiên nhiên trong hai tiểu thuyết đỉnh cao của ông, chúng tôi đã làm rõ được một số nét đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực Mĩ trong các tác phẩm của nhà văn vĩ đại này. Yếu tố hiện thực trong các tác phẩm của Mark Twain là điều mà các nhà nghiên cứu trong nước đã rất quan tâm và cũng có không ít những bài viết có giá trị. Chúng tôi không theo các cách lí giải ấy nhưng những ý kiến ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc lựa chọn hướng khảo sát của mình. Việc có nhiều nghiên cứu về Mark Twain từ những góc độ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau mà vẫn khám phá ra những giá trị mới mẻ chỉ chứng tỏ rằng ông là một hiện tượng văn học lớn không chỉ của văn chương Hoa Kì mà còn của cả thế giới. TƯ LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT 1. Aristole (1997), Nghệ thuật thơ ca, Tập thể dịch giả, Tạp chí Văn học nước ngoài, (1), trang 180 – 221. 2. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Bakhtin Mikhail (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 4. Barnet Sylvan… (1992), Nhập môn văn học, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 5. Lê Huy Bắc (2002), Văn học Mĩ, Nxb Đại học Sư phạm. 6. Bigelow Albert Paine (1957), Thởu hoa niên của văn hào Mark Twain, Anh Phương dịch, Nxb Thời đại. 7. Borges Luis Jorge (1999) “Nathaniel Hawthorne – Người mộng mơ”, Nguyễn Trung Đức dịch, Tạp chí Văn học (8), trang 75 – 86. 8. Chevalier Jean và Gheerbrant Alain (2002) Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, tập thể dịch giả, Nxb Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du. 9. Đào Ngọc Chương (1997), “Mark Twain (1835 – 1910) trong truyền thống văn học Mĩ”, Bình luận văn học, niên giám 1997, cuốn 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 10. Đào Ngọc Chương (1997), “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer – điểm nhìn của người kể chuyện và những hiệu quả nghệ thuật”, Bản photocopy. 11. Đào Ngọc Chương (1997), “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn – Nhân vật người kể chuyện và hành trình của thời đại”, Bản photocopy. 12. Đào Ngọc Chương (2000), Moby Dick và truyền thống tiểu thuyết Mĩ, Tạp chí văn học (3), trang 79 – 84. 13. Đào Ngọc Chương (2003), Thi pháp tiểu thuyết và sáng tác của Ernest Hemingway, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 14. James Fenimore Cooper (1986), Người cuối cùng của bộ lạc Mohicans, Phan Minh Hồng và Mai Thái Lộc dịch, Nxb Mũi Cà Mau. 15. Lê Đình Cúc (1986) “Ngòi bút hiện thực phê phán và nghệ thuật hài hước của Mark Twain”, Tạp chí Văn học (3), trang 65 – 75. 16. Lê Đình Cúc (2004), Tác gia văn học Mĩ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 17. Lê Đình Cúc (2001) “William Dean Howells (1831 – 1920) – Người gieo trồng và vun xới nền văn học Mĩ”, Tạp chí Văn học (3), trang 17 – 26 18. Lê Đình Cúc (2002) “Văn học Mĩ – Thử nhận diện”, Tạp chí Văn học (4), trang 52 – 58. 19. Lê Đình Cúc (2004), Trích dẫn những bài phê bình tác gia văn học Mĩ : Thế kỉ XVIII – XX, Nxb Khoa học xã hội. 20. Nguyễn Văn Dân (1996), Một số quan niệm về văn học - nghệ thuật của các học thuyết mĩ học phương Tây hiện đại, Tạp chí Văn học nước ngoài (6) trang 176 – 188. 21. Chu Xuân Diên (1995), Văn hóa dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành, Tủ sách đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 22. Daniel Defoe (2003), Robinson Cruso, Hoàng Thái Anh dịch, Nxb Kim Đồng. 23. Nguyễn Đức Đàn (1996), Hành trình văn học Mĩ, Nxb Văn học Hà Nội. 24. Đặng Anh Đào (1995), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 25. Phan Cự Đệ (2003), “Tiểu thuyết phiêu lưu và tiểu thuyết tâm lí”, Tạp chí Nhà văn, (7), trang 81 – 110. 26. Lê Minh Đức, Nguyễn Nghị (1994), Lịch sử nước Mĩ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 27. Nathaniel Hawthorne (1988), Chữ A màu đỏ, Lâm Hoài dịch, Nxb Văn học. 28. Phan Thu Hiền (1999), Sử thi An Độ, tập 1 : Mahabharata, Nxb Giáo dục. 29. Hoàng Ngọc Hiến (2003), Nhập môn văn học và phân tích thể loại, Nxb Đà Nẵng. 30. Trần Văn Hoàn (1967), “Làm quen với Mark Twain”, Tạp chí Diễn đàn Mĩ (6), trang 138 – 143. 31. Homere (1997), Anh hùng ca Iliade, tập 1, Hoàng Hữu Đản dịch, Nxb Văn học Hà Nội. 32. Homere (1982), Odyssey , Phan Thị Miến dịch, Nxb Văn học. 33. Hughes Holly (1999) “Văn học Mĩ (1600 – 1914)”, Lê Xuân Mai dịch, Tạp chí Văn học (10), trang 75 – 84. 34. Lê Quang Huy (2002), Đôi điều cần biết về nước Mĩ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 35. Nguyễn Thái Yên Hương (2005), Liên bang Mĩ : đặc điểm xã hội văn hoá, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 36. Yasunari Kawabata (1988), Cố đô, Thái Văn Hiếu dịch, Nxb Hải Phòng. 37. Khraptrenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 38. Kundera, K. (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Đà Nẵng. 39. Thanh Lê, chủ biên (2003), Xã hội học phương Tây, Nxb Thanh niên. 40. Jack London (2002), Truyện ngắn chọn lọc, Tập thể dịch giả, Nxb Văn học. 41. Phương Lựu (1999), Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học, Hà Nội. 42. Herman Melvill (1987), Cá voi trắng, Công Ba và Sơn Mĩ dịch, Nxb Mũi Cà Mau. 43. Thomas Mann (1998), Ao ảnh, Huỳnh Phan Anh dịch, Nxb Văn học. 44. Hữu Ngọc (1995), Hồ sơ văn hoá Mỹ, Nxb Thế giới, Hà Nội. 45. Plar. K. O (2001), Mark Twain, Thu Thủy dịch, Nxb Trẻ. 46. Vũ Tiến Quỳnh, biên soạn (1995), Phê bình, bình luận văn học”, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. 47. Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh (1981), Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 48. Schultz A. Emily và Lavenda H. Robert (2001), Nhân học – một quan điểm về tình trạng nhân sinh, Tập thể dịch giả, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 49. Đắc Sơn (1961), Đại cương văn học sử Mĩ, Nxb Khai trí, Sài Gòn. 50. Trúc Sơn (1963), Tìm hiểu bản sắc dân tộc Mĩ qua tiểu thuyết Mĩ, Tạp chí Quê hương (43), trang 213 – 224. 51. Tập thể tác giả (1966), Văn chương Hoa Kì và các thể văn – thi ca Hoa Kì khác, Lê Bá Kông và Phan Khải dịch, Nxb Diên Hồng, Sài Gòn. 52. Tập thể tác giả (1990), Văn học phương Tây, Nxb Giáo dục. 53. Tập thể tác giả (1995), Những bậc thầy văn chương thế giới, tư tưởng và quan niệm. Nxb Văn học. 54. Tập thể tác giả (1995), Tìm hiểu Lí luận văn học phương Tây hiện đại, Nxb Văn học Hà Nội. 55. Tập thể tác giả (2001), Tiếp cận đương đại văn hóa Mỹ, Nxb Văn hóa Thông tin. 56. Tzvetan Todorov (2004), Mikhail Bakhtin – Nguyên lí đối thoại, Đào Ngọc Chương dịch, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 57. Lev Tolstoy (2003), Anna Karênina, Nhị Ca, Dương Tường dịch, Nxb Văn học. 58. Lê Ngọc Trà (1989), “Một số vấn đề về bản chất văn học”, Giáo trình lí luận văn học, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 59. Lê Ngọc Trà (1990), Lí luận và văn học, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh. 60. Hoàng Trinh (1999), Phương Tây – Văn học và con người, Nxb Hội nhà văn. 61. Lương Duy Trung (1998), “Một số tác giả của thơ ca Mĩ thế kỉ thứ XIX”, Tạp chí Văn học, (4), trang 48 – 54. 62. Mark Twain (1988), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Ngụy Mộng Huyền và Hoàng Văn Phương dịch, Nxb Văn học, Hà Nội. 63. Mark Twain (1997), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, tập 1, Ngụy Mộng Huyền và Hoàng Văn Phương dịch, Nxb Đồng Nai. 64. Mark Twain (1997), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, tập 2, Ngụy Mộng Huyền và Hoàng Văn Phương dịch, Nxb Đồng Nai. 65. Mark Twain (1998), Hoàng tử nhỏ và chú bé nghèo khổ, Minh Châu dịch, Nxb Kim Đồng. 66. Mark Twain (2002), Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn, Xuân Oanh dịch, Nxb Văn học. 67. Valmiki (1988), Sử thi Ramayana, Phạm Thủy Ba dịch, Nxb Văn học, Hà Nội. 68. Vanspanckeren Kathryn (2001), Phác thảo văn học Mĩ, Lê Đình Sinh và Hồng Chương dịch, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. 69. Walt Whitman (1981), Lá cỏ, Vũ Cận và Đào Xuân Quí dịch, Nxb Văn học. 70. Wyck Van Brooks (1966), Những năm trưởng thành : Lịch sử văn chương Hoa Kì trong những năm 1885 – 1915, Từ An Tùng dịch, Nxb Tin đức thư xã, Sài Gòn. 71. Wanning Esther (1995), Sốc văn hóa Mĩ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. TIẾNG ANH 72. Henry Nash Smith, biên soạn (1963), Mark Twain a collection of critical essays, Nxb Prentice – Hall. 73. Henry David Thoreau “Walden”( 1a.htm1) 74. Mark Twain (1948), Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Nxb Holt, Rinehart and Winston. 75. Mark Twain (2004), “The complete illustrated works of Mark Twain”, Nxb Bounty books. 76. Mark Twain “Life on the Mississippi” ( letterature.co.uk/life-on-the-mississippi/ebook) Mark Twain nhận bằng Tiến sĩ văn chương danh dự của đại học Oxford năm 1907 Chữ kí của Mark Twain Ngôi nhà Mark Twain sống từ 1871 đến 1908 tại Hartford, Connecticut. Bìa cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” Nhà xuất bản: Holt, Rinehart and Winston Bìa cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” Nhà xuất bản: Blackstone Audio, Inc. 86CD-49952F4B3963%7DImg100.jpg Bìa cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” Nhà xuất bản: Bantam Classic Bìa cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” Nhà xuất bản: Troll Illustrated Classic Lưu vực sông Mississppi Hành trình của Huck và Jim Ngã ba của các sông Mississippi và Ohio tại Cairo, Illinois.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHNN009.pdf
Tài liệu liên quan