Luận văn Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững

LUẬN VĂN THẠC SỸ: "Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững" MS: LVDL-DLH005 SỐ TRANG: 94 NGÀNH: Địa lý CHUYÊN NGÀNH: Địa lý học Năm: 2007 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, du lịch đang phát triển không ngừng. Đối với Việt Nam, du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế quốc dân mà còn góp phần đưa bạn bè quốc tế đến với nước ta, tạo ra mối quan hệ toàn cầu về kinh tế, văn hoá và thúc đẩy việc quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, du lịch Dak Lak cũng đang có những bước khởi sắc. Với đặc điểm địa lí của một vùng đất cao nguyên, quy tụ rất nhiều các dân tộc và tài nguyên du lịch đa dạng, Dak Lak được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động du lịch chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có, môi trường tự nhiên đang bị xuống cấp, bản sắc văn hóa của các dân tộc phần nào bị mai một. Đó là vấn đề bức xúc đang đặt ra cho ngành du lịch địa phương. Tài nguyên du lịch của Dak Lak là những gì, ngành du lịch của Dak Lak đang phát triển như thế nào, có thể phát triển theo xu hướng bền vững hay không và chúng ta phải làm gì để du lịch Dak Lak phát triển bền vững? Đề tài “Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững” sẽ trả lời các câu hỏi đó. 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu tiềm năng, thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cho ngành du lịch đang còn non trẻ của tỉnh Dak Lak. Đây là nguồn kiến thức, thông tin tham khảo bổ ích để ngành du lịch tỉnh Dak Lak điều chỉnh các hoạt động du lịch, nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao mức sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu - Thu thập và hệ thống các thông tin về du lịch Dak Lak. - Khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Dak Lak trên quan điểm phát triển bền vững. - Đề ra giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững. 4. Phạm vi nghiên cứu Đề tài nghiên cứu vấn đề du lịch trên địa bàn tỉnh Dak Lak trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2005. Phân tích tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh Dak Lak trên quan điểm bền vững và đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời có tham khảo hoạt động du lịch của Thái Lan, Trung Quốc và xu hướng du lịch bền vững của thế giới. Luận văn không nghiên cứu hết các nội dung liên quan đến phát triển bền vững, cũng như không đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành như kiến trúc, sinh học, dân tộc học, môi trường, marketing. 5. Lịch sử nghiên cứu 5.1.Trên thế giới Hơn 842 triệu người du lịch ra nước ngoài năm 2005, hơn 76,7 triệu việc làm được tạo ra từ du lịch, doanh thu của du lịch chiếm 10,3 % GDP cả thế giới. Du lịch đang là hiện tượng toàn cầu. Lợi nhuận khổng lồ thu được từ du lịch đã khiến cho nhiều tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, môi trường bị ô nhiễm, và nền kinh tế - xã hội của các lãnh thổ đón khách bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Một chiến lược du lịch tôn trọng môi trường và quan tâm đến khả năng đáp ứng các nhu cầu trong tương lai đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Từ khi cụm từ “phát triển bền vững” ra đời ở Đức vào năm 1980, nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành nhằm phân tích những tác động của du lịch đến sự phát triển bền vững, sự cần thiết phải bảo vệ tính toàn vẹn của môi trường sinh thái trong khi khai thác du lịch. Chuyên gia du lịch người Thuỵ Sĩ Jos Krippendorf (1975) và Jungk (1980) là những nhà khoa học đầu tiên trên thế giới cảnh báo về những suy thoái do hoạt động du lịch gây ra và đưa ra khái niệm về du lịch rắn (hard tourism) - loại hình du lịch ồ ạt, bằng xe hơi, gây ảnh hưởng nhiều nhất đối với môi trường và du lịch mềm (soft toursim/gentle tourism) - loại hình du lịch ít gây ảnh hưởng nhất đến môi trường và có chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng địa phương [13]. Năm 1992, trong Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất đã diễn ra Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc, 182 Chính phủ đã thông qua chương trình Nghị sự 21 nhằm đảm bảo một tương lai bền vững cho nhân loại bước vào thế kỉ XXI. Chương trình Nghị sự đã nêu lên các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển, đề ra chiến lược hướng tới các hoạt động mang tính bền vững hơn. Về du lịch bền vững, từ những năm 1990, nhiều nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững đã được tiến hành. Một số loại hình du lịch mới ra đời, nhấn mạnh khía cạnh môi trường như du lịch sinh thái, du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch thay thế hay du lịch khám phá nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về hoạt động du lịch có trách nhiệm, đảm bảo sự phát triển bền vững. Năm 1996, “chương trình Nghị sự 21 về du lịch: Hướng tới phát triển bền vững về môi trường” đã được Hội đồng Lữ hành du lịch thế giới, Tổ chức du lịch thế giới và Hội đồng Trái đất xây dựng, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp hành động giữa các Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ và ngành du lịch trong việc xây dựng chiến lược du lịch và nêu bật những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch bền vững. Các nhà Địa lý học bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực du lịch từ những năm 30 (Mc Murray 1930; Jones 1935; Selke 1936) và đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ II. Nhiều nhà Địa lý học người Mỹ, Anh, Canađa đã tiến hành các nghiên cứu về du lịch ở góc độ địa lý như Gilbert (1949), Wolfe (1951), Coppock (1977). Về sau, khi du lịch ngày càng phát triển và cụm từ du lịch bền vững được nhắc đến nhiều hơn thì những nghiên cứu của các nhà địa lý học về du lịch cũng đã tăng lên rất nhiều, bởi khó có thể tìm thấy một khía cạnh của du lịch mà không dính dáng đến địa lý và rất ít các ngành của địa lý mà không có ít nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu hiện tượng du lịch. 5.2. Việt Nam Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, các nghiên cứu về du lịch ở nước ta cũng ngày một nhiều hơn. Có thể điểm qua một số công trình như: Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam 1995 - 2000, Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2010, Cơ sở Địa lý du lịch, Địa lý du lịch, Tổng quan du lịch, nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn, ở những quy mô và phạm vi khác nhau. Tất cả đều phục vụ cho du lịch và cũng cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến môi trường, đến khía cạnh bền vững trong du lịch Việt Nam. Năm 1997, Tổng cục du lịch Việt Nam kết hợp với Quỹ Hanns Seiden (Đức) tổ chức Hội thảo về Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam tại Huế, sau đó các hội thảo khác về du lịch bền vững cũng được tổ chức như Hội thảo về du lịch sinh thái với phát triển bền vững ở Việt Nam tại Hà Nội năm 1998, Hội thảo về Nâng cao nhận thức và năng lực phát triển du lịch bền vững trong thời đại toàn cầu hoá tại Hà Nội năm 2006 thu hút nhiều nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học, các cán bộ du lịch trong và ngoài nước tham gia. Các hội thảo và các công trình nghiên cứu đều hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam, bằng nhiều cách khác nhau. Đó là dấu hiệu tốt cho định hướng chiến lược phát triển du lịch của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy rằng ngành du lịch Việt Nam đang còn non trẻ và những đóng góp của các nhà khoa học về du lịch bền vững vẫn đang là bước khởi đầu và du lịch bền vững chưa thực sự đi vào thực tiễn ở nhiều địa phương. Du lịch bền vững đã được Tỉnh uỷ, UBND và Sở Thương mại - Du lịch Dak Lak đánh giá cao, tuy vậy, tỉnh hiện chưa có nghiên cứu nào về du lịch bền vững. Vì vậy, luận văn này có thể là sự đóng góp đầu tiên cho du lịch bền vững của tỉnh Dak Lak. 6. Các quan điểm và phương pháp nghiên cứu 6.1. Các quan điểm 6.1.1. Quan điểm hệ thống tổng hợp Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống mở, gồm các thành phần tự nhiên, kinh tế, xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và chịu sự chi phối của nhiều quy luật cơ bản. Nghiên cứu du lịch không thể tách rời hệ thống kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Quan điểm hệ thống giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, khái quát của toàn bộ hệ thống du lịch trong khi vẫn bao quát được hoạt động của mỗi phân hệ trong hệ thống đó. Du lịch Dak Lak cần được nghiên cứu trong mối quan hệ tương hỗ: kinh tế - xã hội - môi trường không chỉ riêng Dak Lak mà của cả nước. Quan điểm này được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện luận văn. 6.1.2. Quan điểm lịch sử, viễn cảnh Mọi sự vật, hiện tượng đều có quá trình phát sinh, vận động và biến đổi. Quá trình ấy có thể bắt đầu từ trong quá khứ, hiện tại vẫn tiếp diễn và kéo dài đến tương lai. Đứng trên quan điểm lịch sử, phân tích nguồn gốc phát sinh, đánh giá đúng đắn hiện tại sẽ là cơ sở để đưa ra các dự báo xác thực về xu hướng phát triển trong thời gian sắp tới. Quan điểm này được vận dụng trong khi phân tích các giai đoạn chủ yếu của quá trình phát triển hệ thống du lịch và dự báo xu hướng phát triển của hệ thống lãnh thổ. 6.1.3. Quan điểm lãnh thổ Lãnh thổ du lịch được tổ chức như là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch trên cơ sở các nguồn tài nguyên và dịch vụ cho du lịch. Việc nghiên cứu du lịch bền vững của tỉnh Dak Lak không thể tách rời với hiện trạng và xu hướng du lịch của Việt Nam. Quá trình phát triển du lịch bền vững của tỉnh Dak Lak là một phần trong quá trình phát triển du lịch bền vững của Tây Nguyên và của cả nước. 6.1.4. Quan điểm sinh thái Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Quan điểm sinh thái cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái, đánh giá tác động của du lịch đến môi trường và khả năng chịu đựng của môi trường trước sự phát triển của kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. 6.1.5. Quan điểm du lịch bền vững Mục tiêu của du lịch bền vững là bảo vệ tài nguyên và môi trường, tăng cường bảo tồn và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch nhằm đạt đến sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Luận văn quán triệt quan điểm này trong suốt quá trình đánh giá tiềm năng, phân tích hiện trạng và đề xuất giải pháp. 6.2. Phương pháp nghiên cứu 6.2.1. Thu thập, xử lí thông tin Thu thập những tài liệu có liên quan ở các nguồn tin cậy, sắp xếp và xử lí tài liệu một cách có hệ thống, phân tích từng nội dung đưa ra những kết luận đúng đắn nhất. 6.2.2. Phân tích, tổng hợp, so sánh Thông tin, số liệu sau khi thu thập sẽ được so sánh, phân tích, tổng hợp cho phù hợp với mục đích của từng phần. Quá trình tổng hợp sẽ có được cái nhìn bao quát về du lịch Dak Lak. Qua phân tích, các thông tin được chắt lọc với độ tin cậy và mang lại hiệu quả cao nhất. 6.2.3. Thực địa Đây là phương pháp không thể thiếu nhằm tích luỹ tài liệu thực tế về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của tổ chức lãnh thổ du lịch. Trong quá trình thực hiện luận văn, phương pháp này rất được coi trọng vì nó phản ánh thực tiễn khách quan của đề tài mà luận văn nghiên cứu. 6.2.4. Khai thác phần mềm hệ thống thông tin Các thông tin, số liệu và dự báo trong luận văn được xử lý bởi phần mềm MS Word, Excel, AutoCad, Mapinfo để thể hiện các phân tích, đánh giá, so sánh và xu hướng du lịch của tỉnh Dak Lak. 6.2.5. Bản đồ, biểu đồ Đây là phương pháp đặc trưng của địa lý. Sử dụng các bản đồ, biểu đồ làm tăng tính trực quan của đề tài, không chỉ cho biết đặc điểm, phân bố, mạng lưới mà còn thể hiện một số kết quả của công trình nghiên cứu. 6.2.6. Phương pháp thống kê Sau khi thu thập thông tin, số liệu, tiến hành thống kê, sắp xếp chúng lại cho phù hợp với cấu trúc của đề tài, trình tự thời gian và lập ra các bảng biểu về quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ngành du lịch Dak Lak. 7. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được trình bày qua 3 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận về phát triển du lịch bền vững. Chương 2. Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững. Chương 3. Định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Daklak theo hướng bền vững.

pdf94 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3028 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
rên đường đi, hoặc ném rác xuống thác nước. Đặc điểm của các điểm du lịch này là phân bố ở huyện, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc thu gom rác chưa được thực hiện đầy đủ và lượng khách không thường xuyên, ổn định. Một số tour du lịch băng rừng do địa điểm cắm trại, nghỉ đêm ở trong rừng nên vấn đề rác thải chưa được giải quyết. Hơn nữa, sự phát triển của công nghiệp và sản xuất đang hàng ngày huỷ hoại môi trường như mùi hôi thối của cao su, nước thải, chất thải từ các nhà máy. Nếu không có biện pháp bảo vệ, trong thời gian tới, sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ là điều không thể tránh khỏi. Điều này vi phạm nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng bền vững và sẽ cản trở du lịch Dak Lak phát triển. Đa dạng sinh học trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn đang bị suy giảm. Giá trị cao về kinh tế của các động vật quý hiếm ở Dak Lak như cầy giông, ba ba, lợn rừng, nhím khiến cho việc săn bắn thú rừng trở thành “nghề” của nhiều người. Mốt chơi cây cảnh đẹp và độc của nhiều gia đình cũng làm cho lượng cây cảnh, cây dược liệu quý bị bứng cả gốc, đem ra khỏi rừng. Diện tích rừng tự nhiên hiện nay của tỉnh đã bị thu hẹp gần một nửa so với 30 năm trước, các địa bàn có nhiều người dân di cư đến như các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Sup thì mức độ phá rừng rất cao. Ngay cả ở Vườn quốc gia York Đôn, Chư Yang Sin được coi là bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng lâm tặc vẫn thường xuyên săn bắt động vật quý hiếm, chặt trộm các loại gỗ quý và khai thác dược liệu. Khu bảo tồn thiên Ea Sô là khu rừng có đàn động vật rất phong phú và đa dạng, gần đây còn chịu nạn lâm tặc săn bắn nhiều bò rừng, bò tót và khai thác trầm hương. Nguyên tắc 1, 3, 8,10 của du lịch bền vững đã không được thực hiện. Môi trường văn hoá chính là tài nguyên du lịch của tỉnh với những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch bền vững và nó cũng là nét đặc trưng, khác hẳn mọi địa phương khác của Dak Lak. Tuy nhiên, hiện nay môi trường này đang đứng trước một thử thách rất lớn đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu tất yếu của sự phát triển và việc gìn giữ văn hoá bản địa. Ở nhiều buôn, nhà dài đã được thay thế bằng nhà xây; mái tranh không còn, thay vào đó là tôn, mái ngói. Người dân tộc không còn mặc đồ truyền thống nhiều như trước đây mà chuyển sang mặc đồ tây, quần jeans, áo thun như người Kinh. Một bộ phận lớp trẻ không biết tiếng nói của dân tộc mình. Một số buôn không còn giữ được các lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới vì “bây giờ có ai trồng lúa nữa đâu mà cúng, người ta chuyển sang trồng cà phê hết rồi” - lời của H’Nin, Buôn Gia Wầm. Để du lịch phát triển bền vững, tỉnh Dak Lak đã có những chủ trương hết sức đúng đắn nhằm bảo tồn văn hoá bản địa như vận động xây nhà văn hoá cộng đồng ở tất cả các buôn, mở các lớp dạy đánh chiêng, dệt vải, dạy tiếng dân tộc, tổ chức nhiều festival văn hoá cồng chiêng, có các kênh truyền hình dành riêng cho dân tộc Ê Đê, M’nông, Ba Na. Tỉnh cũng có những người con tâm huyết với mảnh đất cao nguyên, đã thực hiện nhiều nghiên cứu về văn hoá dân tộc như nhà báo Trương Bi, Linh Nga Niêkđăm, Hoàng Chuyên, Vũ Lân. Tất cả đang nỗ lực nhằm bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo, di sản của nhân loại và cũng góp phần tạo điều kiện cho du lịch Dak Lak phát triển bền vững. Kết luận chương 2 Dak Lak có tiềm năng to lớn về du lịch. Sự đa dạng, tính nguyên sơ và hùng vĩ của thiên nhiên vùng cao nguyên và nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc cũng như những di tích văn hoá - lịch sử cho phép Dak Lak phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó thế mạnh là du lịch sinh thái - văn hoá. Tài nguyên du lịch Dak Lak vừa mang tính đặc thù của cao nguyên về mặt tự nhiên, vừa độc đáo với các nền văn hoá còn khá nguyên vẹn của dân tộc bản địa. Thêm vào đó, sự chung sống của 44 dân tộc, trải qua quá trình chung sống lâu dài với những biến cố trong lịch sử đã tạo nên nét rất riêng cho văn hoá Dak Lak, thu hút ngày càng nhiều du khách. Hoạt động du lịch trong mười năm trở lại đây đã có sự phát triển đáng kể, góp phần cải thiện kinh tế địa phương và được xác định là một trong những thế mạnh của Dak Lak. Tuy nhiên, du lịch hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Du khách nước ngoài gặp nhiều trở ngại khi xin giấy phép được tham quan Dak Lak. Cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của du lịch. Yếu tố con người, lao động trong ngành chưa bắt kịp với yêu cầu của ngành du lịch trong thời hội nhập. Môi trường tự nhiên chưa được quan tâm đúng mức và bước đầu có những dấu hiệu của ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp và từ chính hoạt động du lịch gây ra. Nền văn hoá đậm đà bản sắc đang đứng trước mâu thuẫn rất lớn giữa bảo tồn những giá trị truyền thống và tiếp thu văn hoá hiện đại. Mặc dù chưa nhiều, nhưng một số dấu hiệu của sự phát triển không bền vững đã xuất hiện, các nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng bền vững chưa được tôn trọng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có chiến lược lâu dài và những giải pháp thích hợp nhằm tạo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch Dak Lak. CHƯƠNG 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH DAK LAK THEO HƯỚNG BỀN VỮNG 3.1. Định hướng phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững 3.1.1. Quan điểm phát triển du lịch - Phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, môi trường bền vững, phát triển gắn với bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái. - Phát triển du lịch văn hoá: phát triển du lịch dựa trên nguyên tắc bảo vệ, phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại để bổ sung và làm phong phú thêm cho văn hoá địa phương, đưa vào chương trình phục vụ du lịch. - An ninh quốc phòng: phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo cũng sẽ là môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển. - Phát triển du lịch phải đảm bảo hiệu quả lâu dài cả về mặt kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. - Quan điểm du lịch phải gắn liền với việc khai thác các nguồn lực và tiềm năng về văn hoá nghệ thuật của cộng đồng, gắn liền trách nhiệm của cộng đồng với phát triển du lịch bền vững, điều này quan trọng đối với các khu du lịch sinh thái, văn hoá, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. - Hỗ trợ kinh tế địa phương, duy trì sự đa dạng của thiên nhiên và văn hoá, giảm chất thải huỷ hoại môi trường. - Nghiên cứu du lịch, quy hoạch các điểm, khu du lịch và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. 3.1.2. Cơ sở cho việc định hướng - Căn cứ vào văn bản số 5123/VPCP - ĐPL ngày 23/10/2001 của văn phòng chính phủ về việc đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch tỉnh Dak Lak; công văn số 1095/CP - KTTH ngày 25/11/2000 và số 969/VPCP - KTTH ngày 5/3/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc đưa Dak Lak là tỉnh trọng điểm phát triển du lịch. - Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kì 1995 – 2010; căn cứ vào quyết định số 153/2004/QĐ - TTg về “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam”; Chương trình nghị sự 21; Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên số 134/2005/QĐ - TTg. - Căn cứ vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Dak Lak lần thứ 13: “Các tiềm năng về sinh thái và truyền thống văn hoá của các dân tộc phong phú ở tỉnh ta cho phép phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”. - Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Dak Lak số 35/2006/NQ - HĐND và Đề án phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2003 - 2005 và đến năm 2010. - Căn cứ vào quan điểm phát triển và chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững. Những cơ sở, quan điểm phát triển trên là cơ sở cho định hướng phát triển du lịch Dak Lak bền vững, tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây. 3.1.3. Định hướng phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững - Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch bền vững, đặc biệt là đồng bào Ê Đê, M’nông, Giarai, Ba Na, đào tạo chuyên môn cho nhân viên, cán bộ du lịch. - Lập các quy hoạch, dự án kêu gọi đầu tư cho du lịch. - Đầu tư, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm đa dạng hoá nguồn đầu tư và khai thác triệt để tiềm năng về vốn, kỹ thuật, lao động vào tài nguyên nhằm tạo sự hấp dẫn đặc thù. - Định hướng phát triển các loại hình du lịch: căn cứ vào tài nguyên du lịch của tỉnh, hai loại hình du lịch được định hướng tổ chức là du lịch thái và du lịch văn hoá - lịch sử. - Định hướng về sản phẩm và xúc tiến du lịch: ưu tiên phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá - lịch sử. Đa dạng hoá sản phẩm du lịch, khai thác văn hoá ẩm thực miền núi, làng nghề truyền thống của dân tộc Tây Nguyên và vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, vừa thể hiện được nét độc đáo, nguyên thuỷ của văn hoá. Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin như truyền hình, internet, tạp chí, quà lưu niệm. - Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò quản lý của nhà nước về du lịch trên địa bàn nhằm thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước; phân cấp cho các chủ thể trong việc đầu tư, kinh doanh điểm du lịch, khu du lịch để phát huy tính năng động và chủ động trong việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. - Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường nhằm mục đích phát triển bền vững. 3.1.4. Mục tiêu phát triển ngành du lịch - Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho du lịch, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, góp phần xoá đói giảm nghèo. Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. - Giữ gìn bản sắc văn hoá, khai thác các di sản văn hoá, các di tích văn hoá lịch sử, góp phần nâng cao đời sống và tạo việc làm cho người dân. - Bảo vệ môi trường sinh thái. - Phát triển du lịch cả chiều rộng lẫn chiều sâu đồng thời phải đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội của tỉnh và cả nước. - Về mặt định lượng, mục tiêu phát triển du lịch Dak Lak trong thời gian tới như sau: + Tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm. + Doanh thu năm 2010: 200 - 300 tỉ đồng. + Lượng khách 2010: 500.000 lượt khách. + Ngày lưu trú bình quân/khách: 2,5 - 3 ngày. 3.2. Các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững Để thực hiện các định hướng, mục tiêu đã nêu cũng như khai thác tốt các tài nguyên du lịch, có các nhóm giải pháp chính như sau. 3.2.1. Nhóm giải pháp về kinh tế 3.2.1.1. Quy hoạch đầu tư phát triển du lịch Trước hết cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2010 vì quy hoạch này được xây dựng và phê duyệt khá sớm(phê duyệt vào tháng 4/1996). Lúc đó, hoạt động du lịch trong cả nước phát triển rất nhanh và tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 30%/ năm, vì vậy các tính toán dự báo đưa ra về tốc độ tăng trưởng trong thời kì ấy rất lạc quan, các điểm du lịch khảo sát và phát hiện chưa đầy đủ, không lường trước được các biến động có tính chất toàn cầu như khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á năm 1997, dịch SARS năm 2002, cúm gia cầm đã ảnh hưởng đến lượng khách vào châu Á trong đó có Việt Nam, mặt khác, không lường được khả năng kêu gọi đầu tư khó khăn. Đối với các huyện và TP. BMT, trên cơ sở của quy hoạch tổng thể cần tiến hành xây dựng các quy hoạch chi tiết cho từng khu du lịch, xây dựng các dự án đầu tư cụ thể cho từng điểm du lịch để từ đó triển khai việc đầu tư xây dựng và kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch. Theo chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh ban hành năm 2001 theo quyết định số 3767/QĐ - UB, các dự án đầu tư vào các điểm du lịch, khu du lịch quy hoạch sẽ nhận được sự hỗ trợ của tỉnh về đầu tư cơ sở hạ tầng và các ưu đãi khác về tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, điều đó khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào các hạng mục công trình cụ thể theo dự án tổng thể. Trong thời gian tới, cần hoàn thành các quy hoạch, dự án đầu tư như: dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010; dự án quy hoạch xây dựng khu du lịch Ea Kao (TP. BMT); dự án quy hoạch phát triển du lịch Krông Năng; dự án quy hoạch phát triển du lịch Cư M’gar; dự án đầu tư khu du lịch hồ Lak; dự án đầu tư khu du lịch Buôn Đôn. Xây dựng các dự án quy hoạch và dự án đầu tư du lịch như dự án đầu tư du lịch sinh thái thác Dray Nao (huyện M’Đrăk), dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Yang Sin. 3.2.1.2. Đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm Do đặc thù riêng của ngành cũng như trong điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm năng du lịch của tỉnh, cơ cấu đầu tư bao gồm những nội dung cơ bản sau.  Đầu tư hạ tầng, xây dựng các khu, điểm du lịch. Đây là hướng đầu tư hết sức quan trọng, tạo cơ sở cho sự hình thành các sản phẩm du lịch, tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch. Dựa vào sự phân bố tài nguyên du lịch, tỉnh đang hình thành tương đối rõ ba cụm du lịch. Các cụm này được nối với nhau bởi các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh. + Cụm du lịch hồ Lak: là cụm du lịch tổng hợp phát triển trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch đặc sắc của hồ Lak, gắn với những lợi thế về vị trí tiếp giáp với thị trường du lịch Đà Lạt, tạo nên tour du lịch liên hoàn: Đan Kia suối vàng - Lak - Buôn Đôn và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Sự phát triển du lịch ở khu du lịch này sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn phía Đông là Lak, Krông Bông. Sản phẩm du lịch của cụm này là du lịch bơi thuyền trên hồ Lak, leo núi, săn bắn, sinh hoạt văn hoá dân tộc, thăm nhà nghỉ của Cựu hoàng Bảo Đại, lưu trú và dịch vụ. Không gian du lịch bao gồm thác Krông Kmar, căn cứ kháng chiến hang đá Dak Tuôr, hang đá Ba Tầng (xã Krông Nô, huyện Lak). + Cụm du lịch Buôn Đôn - Ea Sup - Cư M’gar - Krông Năng: đây là cụm có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch, đặc biệt là môi trường còn tương đối hoang sơ và trong sạch. Việc phát triển cụm du lịch này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra sản phẩm du lịch có ý nghĩa quốc tế, tính cạnh tranh cao, với đường Hồ Chí Minh đi qua, tạo nên tam giác du lịch: Buôn Đôn - Dak Min (khu du lịch sinh thái Dak Ken tiếp giáp vườn quốc gia York Đôn) - TP. BMT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Sản phẩm du lịch đặc trưng là cưỡi voi dã ngoại trong rừng, xem thuần dưỡng voi, sinh hoạt văn hoá các lễ hội của dân tộc Ê Đê, M’nông, Giarai, du lịch sinh thái - văn hoá Buôn Đôn, vườn quốc gia York Đôn. + Cụm du lịch phía Đông: Krông Păk - Ea Kar - M’Đrăk: cụm du lịch này tuy tiềm năng du lịch không tập trung, các khu du lịch không liên hoàn nhưng có nhiều điểm du lịch có khả năng đầu tư, khai thác có hiệu quả như hồ Ea Nháie, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thác Dray Nao, mở rộng phát triển với các địa bàn Nha Trang, Phú Yên. Hiện nay, những cụm du lịch với đầy đủ ý nghĩa của nó bao gồm các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hấp dẫn lớn kèm theo các điều kiện về cơ sở vật chất và các dịch vụ tương ứng thoả mãn nhu cầu của du khách chưa có. Vì vậy, việc tập trung xây dựng và phát triển các khu du lịch, đặc biệt là các khu du lịch có ý nghĩa quan trọng của tỉnh như khu du lịch hồ Lak, khu du lịch hồ Ea Kao, khu du lịch sinh thái - văn hoá Buôn Đôn là yêu cầu bức xúc của du lịch tỉnh. Chủ trương của Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan, môi trường ở hai khu du lịch hồ Lak và Buôn Đôn là điều kiện thuận lợi để Dak Lak thu hút đầu tư. Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ Năm 2005 tỉnh đón 203.149 lượt khách, dự báo đến năm 2010 đạt trên 700.000 lượt khách. Số khách sạn đạt chuẩn phục vụ du lịch trên địa bàn hiện nay là 39 với 1019 phòng, để đón được số khách theo dự báo thì cần phải đầu tư xây dựng dần dần để đến năm 2010 số khách sạn và số phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay. Các tiêu chuẩn về dịch vụ khách du lịch phải được nâng cao, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Khi đầu tư xây dựng các khách sạn mới cần chú ý đến hướng đầu tư phát triển không gian hệ thống khách sạn để hình thành các công trình dịch vụ phụ trợ cho khách sạn như khu tổ hợp thể dục thể thao, hội nghị hội thảo, các nhà hàng, bãi đỗ xe. Đầu tư phát triển các công trình vui chơi giải trí Một trong những điểm còn hạn chế đối với sự phát triển du lịch Dak Lak hiện nay là sự nghèo nàn của hệ thống các công trình vui chơi giải trí. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú của du khách và hiệu quả kinh doanh du lịch. Một số công trình vui chơi giải trí như công viên nước, các trò chơi điện tử, điện cơ đã được đầu tư phát triển, tuy nhiên còn hạn chế về quy mô và nội dung chưa phong phú. Trong thời gian tới, cần đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí mang tính đặc trưng của Dak Lak - Tây Nguyên phù hợp với thị hiếu của khách để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Các công trình này có thể xây dựng ở một trong ba cụm du lịch của tỉnh, nhằm thu hút khách kết hợp tham quan và vui chơi. Các trò chơi nên mang tính đặc thù của vùng cao nguyên như cưỡi ngựa, bắn nỏ, leo núi. Đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch Một trong những mục đích chính của khác du lịch nước ngoài đến Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng là để tìm hiểu về nền văn hoá, lịch sử phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và phát triển các lễ hội truyền thống không chỉ có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ sau về những giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch. - Các di tích lịch sử - văn hoá cần được đầu tư nhằm tôn tạo cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan cũng như chất lượng dịch vụ để phục vụ khách tham quan du lịch là: + Bảo tàng tỉnh + Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột + Nhà đày Buôn Ma Thuột + Căn cứ kháng chiến: hang đá Dak Tuôr (huyện Krông Bông) - Xây dựng làng văn hoá dân tộc: + Xây dựng mới làng nghề truyền thống ở TP. BMT. + Đầu tư cho làng văn hoá buôn Jun (huyện Lak) + Đầu tư cho làng văn hoá buôn Ako Dhong (TP. BMT) - Xây dựng điểm tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột, dệt thổ cẩm - mây tre đan Tăng - Bông và dệt thổ cẩm buôn Alê A (TP. BMT). Hiện nay một số xã, phường đã xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, do vậy, việc triển khai xây dựng làng văn hoá dân tộc và làng nghề truyền thống cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển ngành nghề với việc sử dụng có hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng trong hoạt động du lịch. 3.2.1.3. Đa dạng hoá sản phẩm, chương trình du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm  Loại hình du lịch sinh thái: Dak Lak có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái; phát triển du lịch sinh thái cũng là thực hiện quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển du lịch, nhằm tạo ra hình ảnh mới, đặc sắc của du lịch Dak Lak. Các loại hình sau đây cần được khai thác, tổ chức thực hiện: - Du lịch trên hồ, sông nước, tham quan các thắng cảnh tự nhiên như hồ Lak, hồ Ea Nhaie, hồ Ea Sup - Du lịch leo núi Chư Yang Sin, Chư Diju, Chư Hmu - Du lịch hang động ở hang đá Dak Tuôr, hang đá Ba tầng - Du lịch dã ngoại, sinh thái: tham quan vườn quốc gia York Đôn, Chư Yang Sin, các khu bảo tồn thiên nhiên; đi bộ kết hợp với đi voi.  Loại hình du lịch văn hoá - lịch sử Đây là thế mạnh của du lịch Dak Lak, được chọn làm bước đột phá trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. - Du lịch văn hoá được tổ chức ở các dạng: + Tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử - văn hoá như nhà đày Buôn Ma Thuột, chùa sắc tứ Khải Đoan, đình Lạc Giao, tháp Chăm Yang Prong. + Lễ hội văn hoá: pháp lý hoá một số lễ hội tại địa phương và tổ chức theo định kì thống nhất trong năm như hội voi, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, hội cồng chiêng, lễ cúng bến nước, lễ cúng voi, lễ mừng nhà mới. Các lễ hội này trước đây cũng được tổ chức nhưng còn mang tính tự phát, ngày giờ tổ chức không thống nhất, nghi thức còn ít nhiều tuỳ tiện, vì vậy mà việc xây dựng các chương trình du lịch để chào bán rất khó khăn. + Sinh hoạt văn hoá truyền thống tại các buôn làng đồng bào dân tộc, thưởng thức ca múa nhạc dân tộc, uống rượu cần, nghe kể sử thi của đồng bào Ê Đê, M’nông, hoà nhập với cuộc sống cộng đồng của bà con trong buôn làng. - Du lịch vui chơi giải trí, thể thao: tổ chức tại công viên nước Dak Lak, công viên nước Đại Dương, khu du lịch Phúc Ban Mê. - Du lịch nghiên cứu khoa học: tổ chức tại vườn quốc gia York Đôn, Chư Yang Sin và các khu bảo tồn thiên nhiên. Các dự án đầu tư cần có sự nhìn nhận đúng đắn về tiềm năng và lợi thế của sản phẩm ở từng vùng để thiết kế xây dựng chương trình và sản phẩm dịch vụ theo tính chất đặc thù riêng của từng vùng, buộc du khách phải đi đến nơi đó mới thưởng thức được các sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu và mục đích du lịch của mình. Điều đó sẽ khắc phục tâm lý nhàm chán của du khách vì đi đến đâu cũng thấy giống nhau về sản phẩm và dịch vụ phục vụ. Đồng thời, buộc du khách phải đi thật nhiều điểm du lịch mới thưởng thức được hết các sản phẩm đặc thù của từng nơi, nhờ vậy du lịch Dak Lak mới có thể kéo dài thời gian lưu lại của khách, tăng được số ngày lưu trú bình quân, các khách sạn sẽ có cơ hội phục vụ để tăng doanh thu.  Khai thác văn hoá ẩm thực phục vụ khách du lịch Dak Lak có những món ăn, thức uống đặc sản, nguyên liệu từ núi rừng Tây Nguyên, vừa lạ, vừa hấp dẫn du khách. Các nhà hàng lớn ở tỉnh đều có những món ăn Âu, Á, thuỷ hải sản, rau quả từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, ẩm thực của Dak Lak còn có những món ăn đặc trưng khác cần được nghiên cứu, đưa vào chương trình ẩm thực để trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Các sản phẩm ẩm thực sẵn có cần được đưa vào khai thác như súp cà đắng, thịt heo nướng xiên, núc nác thịt bò, heo nướng ống lồ ô, thục chua, lá bép, cơm lam gà nướng nhằm làm phong phú ẩm thực địa phương. Muốn vậy, cần tham gia các liên hoan ẩm thực trong nước và các sự kiện du lịch khác của các địa phương để giới thiệu ẩm thực Dak Lak; gắn với các sự kiện du lịch để giới thiệu và phục vụ khách, làm cho ẩm thực trở thành món ăn ưa thích của du khách. Làm được điều này vừa khai thác được nguyên liệu sẵn có, vừa thu hút khách du lịch và tăng thu nhập cho một số vùng dân cư.  Thúc đẩy sản xuất và bán hàng hoá phục vụ du lịch Tại Dak Lak, tỉ lệ chi tiêu của khách trong du lịch rất thấp, dưới 10%, trong khi đó ở Thái Lan là 50%. Để khai thác thế mạnh làng nghề truyền thống và tăng chi tiêu của khách du lịch, cần đầu tư cho các làng nghề và đa dạng hoá sản phẩm và bán sản phẩm tại chỗ cho du khách. Các cơ sở chế biến lớn như cà phê, hạt điều, nuôi ong cũng trở thành nơi tham quan của khách du lịch, tuyên truyền quảng bá về nghề và sản phẩm, tổ chức hoạt động triển lãm, xúc tiến các làng nghề thu hút khách và nâng cao chất lượng phục vụ khách.  Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch Tăng cường năng lực của ngành, nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, nhà hàng, trong hoạt động hướng dẫn và vận chuyển khách du lịch và các khâu đón tiếp, dịch vụ khác. Đa dạng hoá các loại hình lưu trú, các tour, tuyến du lịch, loại hình du lịch, hàng lưu niệm cung cấp cho khách du lịch. Tăng cường khả năng hội nhập của du lịch tỉnh trong vùng, khu vực và cả nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tiếp cận với công nghệ hiện đại, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hoá giao tiếp với khách du lịch của các nhân viên du lịch để thể hiện sự hiểu biết và tính hiếu khách của mình, coi đây là một rong những lợi thế cạnh tranh. 3.2.1.4. Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường Hiện nay, các nguồn thông tin chính thức được phát hành về du lịch Dak Lak còn rất hạn chế về mọi mặt. Những thông tin không chính thức qua kinh nghiệm và truyền miệng của du khách được đánh giá là những nguồn thông tin quan trọng để khách du lịch biết được và đến với Dak Lak. Để góp phần đẩy nhanh sự phát triển của ngành du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cần tập trung thực hiện một số việc sau đây.  Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch - Nhanh chóng phát hành những ấn phẩm, những tập gấp có chất lượng, bản đồ du lịch, sách du lịch có nội dung bao gồm những thông tin cần thiết cho du khách như các điểm lưu trú, các điểm tham quan du lịch, chương trình du lịch, giá cả, phương tiện và cung cấp miễn phí cho du khách tại sân bay, khách sạn, trên các phương tiện di chuyển du lịch và các điểm du lịch. - Phát hành rộng rãi các băng hình, phim ảnh, tư liệu về lịch sử, văn hoá, các công trình kiến trúc nghệ thuật, các lễ hội văn hoá và cả những cơ hội, khả năng đầu tư phát triển du lịch để giới thiệu với du khách và doanh nhân trong và ngoài nước. - Xây dựng các biển quảng cáo lớn tại các trục đường chính vào Dak Lak, đặt các biển chỉ dẫn tại các khu, điểm du lịch. - Lập website về du lịch để đưa lên mạng internet, làm đĩa CD-ROM du lịch. - Cộng tác chặt chẽ với các tạp chí, báo du lịch, các cơ quan phát thanh truyền hình của trung ương và địa phương bằng cách thường xuyên gởi bài viết, quay phim tư liệu để giới thiệu về du lịch Dak Lak. - Nối mạng thông tin với Tổng cục Du lịch và các ngành liên quan để thường xuyên cập nhật các thông tin quản lý Nhà nước trong du lịch, cập nhật thông tin về tiềm năng du lịch và các thông tin chuyện đề của từng vùng, từng khu; xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm du lịch Dak Lak. - Tham gia các hội nghị, hội thảo và hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để có điều kiện tiếp thị những sản phẩm đặc sắc của du lịch Dak Lak. - Trong những điều kiện thuận lợi, có thể mở văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên mở văn phòng đại diện ở nước ngoài để tiếp thị, xúc tiến du lịch Dak Lak. - Phổ biến thời gian và các chương trình lễ hội voi, cồng chiên, các hoạt động du lịch sẽ diễn ra trong năm để du khách biết đến và thưởng thức.  Phát triển thị trường Xác định thị trường chính của du lịch Dak Lak là thị trường nội địa, hiện đang chiếm 92,84% lượng khách. Chiến lược sản phẩm và thị trường bao gồm: - Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường cũ: tiếp thị ở các thị trường đã chấp nhận và quen với sản phẩm du lịch của địa phương. Cần có những chính sách thích hợp về giá cả, có dự đầu tư thoả đáng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để khuyến khích họ sử dụng các sản phẩm du lịch. - Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường mới: tiếp thị các thị trường lớn như Nhật Bản, các nước Asean và các tỉnh trong vùng du lịch Nam Trung Bộ. Việc tiếp thị, quảng bá này sẽ gặp nhiều khó khăn vì đây là những thị trường mới, đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể. - Chiến lược sản phẩm mới, thị trường cũ: đây là chiến lược có nhiều khả năng thực thi hơn cả, vì chỉ có đa dạng hoá sản phẩm du lịch mới có khả năng xoá tan sự nhàm chán và giảm sút của thị trường khách cũ, đồng thời, có sức hấp dẫn, thu hút thị trường khách mới. - Chiến lược sản phẩm mới, thị trường mới: chiến lược này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cho việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, cho công tác tuyên truyền quảng cáo để tìm thị trường mới. Nếu không thực hiện tốt hai việc trên thì chiến lược này ít có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 3.2.1.5. Vốn Theo tính toán dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của du lịch Dak Lak thời kì 2006 – 2010 là 17%. Để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng trên, cần có sự đầu tư rất lớn. Do đó, cần huy động sự tham gia của nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế và toàn xã hội. Các nước trong khu vực đã chi từ ngân sách nhà nước những khoản chi phí rất lớn cho hoạt động du lịch như Thái Lan trung bình 70 triệu USD/ năm, Singapo 60 triệu USD/năm, Malaixia 50 triệu USD/ năm, nhờ vậy lượng khách quốc tế đến thị trường này khá ổn định. Một số tỉnh ở nước ta cũng đầu tư rất lớn cho du lịch như Nha Trang đầu tư 1620 tỷ đồng giai đoạn 2001 - 2005. Đối với tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2001 - 2005, đầu tư của nhà nước và các thành phần kinh tế cho du lịch mới chỉ đạt 305,79 tỷ đồng. Dự kiến số vốn đầu tư cho du lịch Dak Lak giai đoạn 2006 - 2010 cần huy động là 677,12 tỷ đồng. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế vào kinh doanh du lịch. Các nguồn vốn có thể huy động cho du lịch như sau: - Vốn ngân sách nhà nước. Hàng năm, bình quân ngân sách nhà nước trung ương và địa phương cần đầu tư cho du lịch khoảng 28 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2006 – 2010, vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu du lịch Dak Lak là 140,27 tỷ đồng. “Nguồn: Sở Thương mại - Du lịch Dak Lak 2006”. - Vốn từ nguồn tích luỹ của ngành du lịch. Đây là giải pháp tích cực về vốn, mở ra khả năng cho phép ngành du lịch chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng xây dựng các kế hoạch phát triển cụ thể trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Nguồn tích luỹ này có thể tập trung cho việc thiết kế và phát triển tour du lịch, đa dạng hoá sản phẩm du lịch đặc thù của Dak Lak và xúc tiến thực hiện các dự án. - Vay từ quỹ hỗ trợ phát triển: từ cuối năm 2001, UBND tỉnh Dak Lak đã có chủ trương để các doanh nghiệp du lịch được vay tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển theo quyết định số 3767/2001/QĐ - UB ngày 03/12/2001. Nguốn vốn vay nên tập trung cho cơ sở hạ tầng du lịch và hỗ trợ đào tạo lao động cũng như kinh tế của các địa phương làm du lịch, thường là các huyện đang có điều kiện kinh tế khó khăn như Krông Bông, Ea Súp. - Vay ngân hàng thương mại; nguồn vốn này chiếm tỉ lệ thấp vì khả năng của các doanh nghiệp để vay nguồn vốn này rất giới hạn, 10% vốn dự án. - Thu hút vốn đầu tư trong nước thông qua việc tăng cường liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư nhằm tập trung cho cơ sở hạ tầng, và phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa. - Thu hút vốn đầu tư tư nhân và các thành phần kinh tế khác thông qua chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh nhằm thu hút nguồn vốn còn nhàn rỗi trong dân và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển du lịch. Nguồn vốn này có thể đầu tư cho cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác như nhà hàng, khu giải trí. - Huy động từ các nguồn vốn khác. 3.1.2. Nhóm giải pháp về xã hội 3.1.2.1. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch văn hoá và sinh thái, đặc biệt là nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng cư dân Dak Lak, có sự phối hợp hành động giữa các ngành, các cấp và toàn xã hội trong hoạt động du lịch. Quán triệt nghị quyết số 45/NQ - CP của Chính phủ, chỉ thị số 46/CT - TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về quan điểm đổi mới về phát triển du lịch trong tình hình mới, phổ biến Pháp lệnh du lịch và các văn bản liên quan hướng dẫn thi hành. Đào tạo nhân viên hiểu biết bản chất của du lịch bền vững, khích lệ ý thức trách nhiệm đối với địa phương của khách du lịch, đào tạo cán bộ và quản lý người địa phương, đề cao ý thức tự hào trong công việc và chăm lo đến địa phương, đến nhân dân. Đưa những vấn đề về môi trường, văn hoá và xã hội vào chương trình đào tạo. Nâng cao ý thức của người dân về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và bản sắc văn hoá dân tộc, tự hào dân tộc. Thực hiện giải pháp này sẽ nâng cao nhận thức cho toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành để có cách nhìn, cách suy nghĩ đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Người dân cũng nhận thức sâu hơn về vai trò của mỗi cá nhân trong phát triển du lịch bền vững. Từ đó, trong công tác sẽ có sự tác động, giúp đỡ, hỗ trợ cho sự phát triển của hoạt động du lịch. Trong giải pháp này cần lưu ý đến vấn đề nâng cao dân trí và văn hoá của người dân Dak Lak để từ đó nâng cao nhận thức của cư dân về hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho họ tham gia với trách nhiệm cộng đồng, có biện pháp giải quyết một cách hài hoà giữa lợi ích và thu nhập xã hội nhằm xã hội hoá hoạt động du lịch và phát triển du lịch một cách bền vững. 3.1.2.2. Tăng cường quản lý Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch  Hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách du lịch - Bổ sung, hoàn chỉnh chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh - Nghiên cứu cơ chế vay ưu đãi để đầu tư phát triển du lịch - Xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ, tôn tạo và khai thác các công trình văn hoá, di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh. - Thành lập Hiệp hội du lịch nhằm hỗ trợ và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh du lịch.  Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên nhằm nâng cao trình độ quản lý, năng lực công tác và nghiệp vụ du lịch cho cán bộ nhân viên đang công tác trong ngành. Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp đối với khách, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao dịch, ứng xử của nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên, lễ tân phải rất cao, nhất là kiến thức về lịch sử, văn hoá, ngoại ngữ. Trong thời gian qua, do sự bức xúc trong phát triển cũng như do sự tồn tại của lề lối làm việc thời bao cấp đã phải tạm chấp nhận một đội ngũ cán bộ nhân viên với trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Còn hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, du lịch Việt Nam đang vươn tới hội nhập với du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành buộc phải được nâng cao để đạt được những chuẩn mực của quốc gia và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu trên, cần phải có một chương trình đào tạo toàn diện với kế hoạch cụ thể về đào tạo mới và đào tạo bổ túc, nâng cao kiến thức quản lý và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên hiện đang công tác trong ngành, kể cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Hướng đào tạo của chương trình này bao gồm: - Điều tra lại để phân loại trình độ nghiệp vụ của toàn bộ cán bộ nhân viên du lịch để đưa ra một kế hoạch đào tạo cụ thể về các cấp trình độ chuyên ngành. - Tiến hành thực hiện chương trình đào tạo lại theo hướng đào tạo bổ túc, đào tạo tại chức cho cán bộ nhân viên theo các cấp trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau như quản lý, lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ bàn, bếp, hướng dẫn viên. - Tào tạo ngắn hạn định kì tại địa phương, mời giảng viên của các trường nghiệp vụ du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế tham gia giảng dạy. - Khuyến khích mở rộng hệ đào tạo chính quy về du lịch. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành du lịch.  Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Giải pháp này xuất phát từ tính đa ngành của du lịch. Nó đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của bản thân ngành du lịch cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để tổ chức thực hiện chứ bản thân ngành du lịch tự thân vận động thì không thể làm tốt được. Sự phối hợp này càng chặt chẽ, đồng bộ thì hoạt động du lịch càng có điều kiện để phát triển nhanh và vững chắc. Trong giai đoạn tới cần tập trung giải quyết các lĩnh vực: giao, cho thuê đất, rừng cho các khu du lịch, vấn đề thuế, phí; phương tiện vận chuyển khách du lịch; chính sách đầu tư vào du lịch.  Xem xét và kiến nghị các chính sách ưu đãi đới với địa phương để thu hút mạnh vốn đầu tư, đẩy nhanh việc phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành du lịch. Tổ chức các đợt tham quan để nghiên cứu và học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố mà đã thực hiện tốt việc kêu gọi đầu tư nhờ chính sách đãi ngộ và thủ tục thông thoáng. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề sau: - Chính sách, thuế: có sự ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế trong thời gian nhất định nhằm thay đổi cơ cấu đầu tư vào các vùng đất còn hoang sơ và tài nguyên du lịch chưa được khai thác; khuyến khích mở các hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch mới mẻ có khả năng tăng thời gian lưu trú của khách, tăng hiệu quả xã hội, hấp dẫn với cộng đồng dân cư. - Chính sách về đầu tư: tập trung cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục hành chính, rút ngắn về mặt thời gian để tăng thêm sự hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư khi có ý định tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. - Chính sách về tổ chức, quản lý: đảm bảo sự quản lý có hiệu quả, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hệ thống cơ chế chính sách với quá trình tổ chức thực thi của bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ công chức.  Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề bất cập nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Nòng cốt của việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát này là bộ phận thanh tra của Sở Thương mại – du lịch và có sự phối hợp của phòng du lịch của sở, ngành công an, y tế, văn hoá thông tin và Chi cục quản lý thị trường tỉnh để giải quyết, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch. 3.1.3. Nhóm giải pháp về môi trường – tài nguyên Du lịch phát triển sẽ có nhiều tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Song việc phát triển du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác, đều có tác động đến tài nguyên và môi trường theo hướng tích cực và tiêu cực. Nghiên cứu để có giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường là vấn đề cần thiết và quan trọng để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững. Ở đây cần chú ý đến hai khía cạnh môi trường tài nguyên thiên nhiên và môi trường nhân văn. - Đối với môi trường tài nguyên thiên nhiên, cần khắc phục những tác động tiêu cực như tình trạng chất thải của khu du lịch. Biện pháp là tổ chức các hệ thống thu gom, xử lý chất thải cho các khu du lịch, điểm du lịch. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường của các dự án ứng dụng các công nghệ thích hợp để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm. Khắc phục việc làm giảm tính đa dạng sinh học như chặt phá rừng bừa bãi để xây dựng các công trình dịch vụ, săn bắn những loại động vật hoang dã để phục vụ khách du lịch hoặc bản thân khách du lịch thực hiện. Biện pháp khắc phục là thường xuyên tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ môi trường cho nhân dân trong vùng dự án, cho những người làm công tác du lịch, xây dựng nội quy về bảo vệ môi trường cho các khu du lịch, điểm du lịch và động viên cư dân bản địa cùng phối hợp tham gia làm công tác bảo vệ môi trường; ban hành quy chế và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, làm giảm đa dạng sinh học. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành như: Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công nghiệp, Sở Y tế, cùng với các huyện, TP. BMT để xây dựng chương trình giám sát việc thực thi lụât về môi trường, về quản lý và xử lý chất thải, vận động hướng dẫn các doanh nghiệp, các tổ chức, các tầng lớp dân cư đăng ký tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, tham gia kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Luật Môi trường và các quy định có liên quan của tỉnh. - Đối với môi trường nhân văn, tác động tiêu cực thể hiện ở một số vấn đề như cơ cấu dân số sẽ thay đổi, cả về thành phần, giới tính, tình trạng nhập cư là hiện tượng khá phổ biến tại các điểm du lịch, khu du lịch, trật tự xã hội sẽ phức tạp hơn; chuẩn mực xã hội và đạo đức xã hội dễ bị thay đổi, tệ nạn xã hội dễ gia tăng; văn hoá bị ảnh hưởng, dễ xảy ra hiện tượng lai căng, bắt chước những yếu tố không phù hợp với văn hoá bản địa; giá cả các loại hàng hoá tăng, dịch vụ tuỳ tiện làm ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Biện pháp khắc phục là phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tổ chức quản lý các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch theo Chỉ thị số 07/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tổng cục du lịch, giữ gìn bản sắc văn hoá và sự cân bằng trong đời sống văn hoá. Bên cạnh đó, phải giải quyết các vấn đề xã hội khác như tệ nạn xã hội, tình trạng người ăn xin, những người sống lang thang cơ nhỡ, tệ móc túi, cướp giật và giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh môi trường đô thị. Cần tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng các nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Dak Lak, cả về tự nhiên lẫn nhân văn. Nhanh chóng nghiên cứu phát hiện ra những nơi có nhiều tiềm năng du lịch để quy hoạch thành những điểm du lịch mới, cân đối hài hoà giữa hoạt động khai thác và bảo tồn tài nguyên du lịch. Tôn tạo các di tích, các công trình kiến trúc cổ có giá trị như tháp Chăm Yang Prong, tái hiện lại các loại hình nghệ thuật đặc sắc như các điệu múa của các dân tộc, kể sử thi, nhằm mục đích tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên nhân văn du lịch, tạo sự phong phú đa dạng của sản phẩm. Xây dựng bộ phận chuyên quản lý và phát triển về các nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Dak Lak. Nhanh chóng lập kế hoạch, phát triển tài nguyên, nâng cấp, trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử có giá trị văn hoá cao. Có thể mời các chuyên gia du lịch, tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường, tài nguyên du lịch của tỉnh nhằm kết hợp hài hoà giữa yêu cầu phát triển với gìn giữ môi trường và tài nguyên. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận và kiến nghị Trong thời gian qua, mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, nhưng do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan về cơ chế nên Sở Thương mại - Du lịch chưa phát huy hết vai trò của mình trong công tác quản lý, tham mưu với các cấp chính quyền về các cơ chế, chính sách, các quy định cụ thể phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương nhằm tạo môi trường phát triển thuận lợi cho hoạt động du lịch, để du lịch có thể có những đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Trong những điều kiện thuận lợi mới hiện nay, Việt Nam đã được đánh giá là an toàn và thân thiện hơn đối với các nước trong khu vực, số lượng khách đến Việt Nam và từ đó đến Dak Lak ngày càng tăng nhanh, khả năng thu hút vốn đầu tư du lịch và khách du lịch là một thách thức và là cơ hội phát triển. Du lịch Dak Lak hiện nay tuy có tốc độ tăng trưởng liên tục qua từng năm nhưng nhìn chung, du lịch vẫn còn chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu GDP của tỉnh, vì đây là ngành kinh tế còn rất non trẻ. Xét về triển vọng tương lai, Dak Lak đang ở ngưỡng cửa của một vùng có tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch bởi tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù của vùng đất Tây Nguyên. Tiềm năng du lịch sinh thái và văn hoá là thế mạnh của Dak Lak, phù hợp với xu thế tham quan du lịch của thời đại ngày nay là muốn hoà nhập với thiên nhiên và tìm hiểu các giá trị văn hoá xa xưa có tính truyền thống. Phải cố gắng giữ cho được những thắng cảnh thiên nhiên, truyền thống văn hoá lâu đời và những di tích kiến trúc lịch sử có giá trị. Chỉ khi nào còn giữ được những nét đặc thù, những nét truyền thống độc đáo này thì Dak Lak mới có thể thu hút được nhiều du khách và việc phát triển du lịch mới có tính bền vững. Để nhanh chóng khai thác một cách đầy đủ tiềm năng du lịch của tỉnh, duy trì được cảnh quan thiên nhiên, trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, khôi phục và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, xin đưa ra một số kiến nghị:  Kiến nghị với Tỉnh: Tỉnh đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc tại các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng du lịch lớn của tỉnh. Hàng năm sử dụng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác chuẩn bị đầu tư, làm cơ sở cho việc kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm phục vụ cho du lịch.  Kiến nghị với Chính phủ: Quan tâm hơn nữa đến ngành du lịch Dak Lak, ưu tiên về việc cấp vốn hỗ trợ cho Dak Lak để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện phát triển các tuyến, điểm du lịch và khu du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trước mắt là cho hai khu du lịch lớn là khu du lịch sinh thái Buôn Đôn và khu du lịch hồ Lak. Xem xét nội dung Đề án phát triển du lịch của tỉnh để có chủ trương đưa Dak Lak thành tỉnh trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.  Kiến nghị với Tổng cục du lịch: - Tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn về quản lý, đầu tư khai thác các khu, tuyến điểm du lịch nhằm giúp cho Sở Thương mại - du lịch có cơ sở triển khai công tác quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác tốt nhất hệ thống các tuyến điểm du dịch của địa phương trong quá trình hoạt động kinh doanh. - Xây dựng quy chế phối hợp giữa Tổng cục du lịch và Bộ Văn hoá thông tin để các địa phương có cơ sở triển khai và vận dụng vào tình hình thực tiễn của mình, tạo điều kiện thực hiện và đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá. - Có kế hoạch đào tạo nghề du lịch cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên và có chính sách hỗ trợ trong khâu đào tạo để các doanh nghiệp có điều kiện tham gia đào tạo nguồn nhân lực được thuận lợi. - Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch Dak Lak và kinh phí cho công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. - Xem xét đưa Dak Lak vào danh sách những tỉnh trọng điểm phát triển du lịch theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. GS. TSKH. Lê Huy Bá (2004), Du lịch sinh thái, Nxb TP. HCM, TP. HCM. 2. GS. TSKH Lê Huy Bá chủ biên (2002), Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, Nxb Khoa học và kỹ thuật, TP. HCM. 3. Bảo tàng Dak Lak (2005), Buôn Ma Thuột những sự kiện lịch sử, Dak Lak. 4. Nguyễn Đình Hoè, Vũ Văn Hiếu (2004), Du lịch bền vững, Nxb Quốc gia, Hà Nội. 5. GS. TS. Nguyễn Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hoá Tây Nguyên, Nxb Trẻ, TP. HCM. 6. Tổng cục Thống kê, cục thống kê tỉnh Dak Lak (2006), Niên giám thống kê 2005, Dak Lak. 7. Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục vì sự nghiệp phát triển bền vững (2007), Nâng cao nhận thức và năng lực phát triển du lịch bền vững trong thời đại toàn cầu hoá, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội. 8. PGS. Nguyễn Minh Tuệ, PGS. PTS. Vũ Tuấn Cảnh, PGS. PTS. Lê Thông, PTS. Phạm Xuân Hậu, PTS. Nguyễn Kim Hồng (1996), Địa lý du lịch, Nxb TP. HCM, TP. HCM. 9. UBND tỉnh Dak Lak (2006), Nghị quyết về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Dak Lak đến năm 2020, Dak Lak. 10. UBND tỉnh Dak Lak (2006), Báo cáo tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch năm 2007, Dak Lak. 11. UBND tỉnh Dak Lak (2005), Báo cáo tình hình thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Dak Lak, tài liệu làm việc với Đoàn giám sát của Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, Dak Lak. 12. UBND tỉnh Dak Lak (2004), Quy chế bảo vệ môi trường du lịch tỉnh Dak Lak, ban hành kèm theo quyết định số 29/2004/QĐ-UB ngày 26/12/2004 của UBND tỉnh Dak Lak, Dak Lak. 13. UBND tỉnh Dak Lak (1994), Chỉ thị số 08/CT-UB ngày 21/4/1994 về việc bảo tồn văn hoá cồng chiêng, Dak Lak. 14. Văn phòng Quốc hội (1994), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kì 1995-2010, Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam Lawdata, Hà Nội. 15. La Nữ Ánh Vân (2005), Phát triển du lịch bền vững tỉnh Bình Thuận, Luận án thạc sĩ khoa học Địa lý, trường Đại học Sư phạm TP. HCM, TP. HCM. 16. Hồng Vân (2006), Đường vào nghề du lịch, Nxb Trẻ, TP. HCM. 17. Bùi Thị Hải Yến (2006), Quy hoạch du lịch, Nxb Giáo dục, TP. HCM. 18. WWW, IUCN (1998), Bên kia chân trời xanh, Báo cáo tham luận các nguyên tắc phát triển bền vững, Cục môi trường dịch và xuất bản. Tiếng Anh 1. Colin Hunter, John Shaw (2007), The ecological footprint as a key indicator of sustainable tourism, Tourism Management, Volume 28, Issue 1. 2. David Leslie (2006), Managing Sustainable Tourism – A legacy for the future, Tourism Management, New York. 3. Frances Heyward Currin (2002), Transformation of paradise: Geographical perspectives on tourism development on a small Caribbean island(Utila, Honduras), Master’s thesis, the Department of Geography and Anthropology, University of Memphis. Trang web 1. Uỷ ban dân tộc. URL: 2. Bộ văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam. URL: 3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Chính phủ. URL: 4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Dak Lak. URL: 5. Du lịch Dak Lak. URL: 6. Food and agriculture organization of the United Nations. URL: 7. The global development research center. URL: 8. Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam. URL: 9. Bộ kế hoạch và đầu tư. URL: 10. National geographic. URL: 11. Báo nhân dân. URL: 12. Bộ tài nguyên và môi trường. Cục bảo vệ môi trường URL: 13. Tourism watch. URL: 14. Du lịch Việt Nam. URL: 15. Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam. URL: 16. Sustainable tourism research interest group. URL:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVDLDLH005.pdf
Tài liệu liên quan