Luận văn Tội lạm dụng tín nhiệm nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật hình sự 1999

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu. Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử cho thấy loại tội phạm này vẫn chưa giảm đáng kể trong tình hình hiện nay. Vì vậy việc nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống nội dung quy định của Điều 140 BLHS có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác áp dụng thực tiễn. Vì vậy luận văn của chúng tôi đã đề cập được các vấn đề liên quan tới những quy định của luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối chiếu với quá trình lập pháp hình sự của Nhà nước ta về loại tội phạm này trên cơ sở đó chúng tôi phân tích làm sáng tỏ các dấu hiệu pháp lý của tội phạm, đường lối xử lý cũng như thực tiễn xét xử về loại tội phạm này. Từ đó tìm ra những vướng mắc cũng như những hạn chế của việc vận dụng điều luật trong thực tiễn.

doc64 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2250 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tội lạm dụng tín nhiệm nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật hình sự 1999, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
các tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, giúp chúng ta hiểu đúng về từng tội phạm cụ thể, tránh được sự nhầm lẫn trong vận dụng, áp dụng pháp luật trong thực tế, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan sai. 2.2.1 Phân biệt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là thật đã giao nhầm hoặc nhận nhầm tài sản tù người phạm tội. Đây là hai tội phạm có cấu thành gần giống nhau. Dấu hiệu ở yếu tố khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của hai tội này là giống nhau, chỉ khác nhau về mặt khách quan của tội phạm. Chủ thể đều là chủ thể thuờng, khách thể đều xâm phạm đến quan hệ sở hữu, mặt chủ quan đều thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác với lỗi cố ý trực tiếp. Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội nhận được tài sản một cách ngay thẳng hợp pháp thông qua hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế . Trước khi nhận được tài sản và trong khi nhận tài sản người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản. Chỉ sau khi có tài sản ở trong tay, khi đến thời hạn nhất định hoặc thời hạn phải trả lại tài sản, người phạm tội mới có ý định không trả lại tài sản vớI ý thức chiếm đoạt. Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hành vi gian dối có thể xảy ra nhưng chỉ nhằm để che giấu hành vi chiếm đoạt chứ không phải là phương thúc để chiếm đoạt. Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặt khách quan lại bao gồm hai hành vi: hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt (để nhận được tài sản trái phép từ trong tay người chủ sở hữu. Hành vi gian dối là tiền đề cho việc chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt là kết quả trực tiếp từ gian dối thành công. Như vậy hành vi gian dối diễn ra trước hành vi chiếm đoạt về mặt thời gian. Ngược lại, trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hành vi gian dối diễn ra sau khi có hành vi chiếm đoạt về mặt thời gian. Hành vi gian dối đó có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như tạo ra các thông tin không đúng sự thật làm người bị hại tưởng giả là thật nên giao tài sản hoặc gian dối để không trả lại tài sản cho chủ sở hữu mà lẽ ra mình phải trả lại qua khâu cân, đo, đong, đếm thiếu, v.v.. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng pháp luật, việc phân biệt giữa ý thức chiếm đoạt có trước hay có sau khi có được tài sản trong tay là một việc làm rất khó khăn và không phải lúc nào cũng chứng minh được. Vì người phạm tội ít khi để lộ ý thức chủ quan của mình, bởi không ít ngườI phạm tội là cán bộ, công chức Nhà Nước hiểu rõ pháp luật, tìm mọi cách né tránh để không bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chế tài nặng hơn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về thời điểm hoàn thành tội phạm: Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã có hành vi chiếm đoạt tức là đã có sự chiếm đoạt. Điều này có thể hiểu là người phạm tộI đã có hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái phép tài sản thuộc sở hữu của người khác thành sở hữu của mình và có đầy đủ điều kiện khách quan để có thể định đoạt sản theo ý thức chủ quan của mình. Còn ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thời điểm hoàn thành tội phạm sớm hơn, tức là ngay sau khi kẻ phạm tội nhận được tài sản trái phép hoặc khi giữ tài sản trái phép. Chúng ta xem sơ đồ minh hoạ sau: Chiếm đoạt Giai đoạn thực hiện nghĩa vụ Giai đoạn chuyển giao tài sản Tài sản do người khác quản lý Tội lạm dụng tín nhiệm… hoàn thành Tội lừa đảo… hoàn thành Mặt khác, ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không nhất thiết phải thông qua hợp đồng, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng dân sự, kinh tế chỉ là một dạng của hành vi lừa đảo và ở dạng này thì hành vi phạm tội sẽ gây ra hậu quả lớn. 2.2.2. Phân biệt với tội tham ô tài sản. Trong BLHS năm 1985, tội tham ô tài sản được quy định trong chương các tội xâm phạm sở hữu XHCN nhưng nay do tính chất nghiêm trọng của loại tội này nên BLHS năm 1999 đã tách ra và quy định trong chương các tội phạm về chức vụ. Tuy vậy về mặt cấu thành tội phạm hai tội này vẫn có những đặc điểm gần gũi cần phải phân biệt. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội tham ô tài sản về mặt khách quan có đặc điểm giống nhau là đều có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản đang trong sự quản lý của người phạm tội. Điểm khác nhau cơ bản là ở dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, đó là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản bị chiếm đoạt. Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn này để chiếm đoạt tài sản do chính mình quản lý hợp pháp. Trách nhiệm quản lý tài sản này là theo chức năng công tác. Còn ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm là chủ thể bất kỳ. Tài sản bị chiếm đoạt trong tội này đang do người phạm tội quản lý tạm thời trên cơ sở hợp đồng dân sự do có sự tín nhiệm và sau đó đã “ bội tín” (phản bội lại lòng tin của chủ sở hữu). 2.3 Về hình phạt đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong lịch sử lập pháp hình sự của Nhà nước ta, khái niệm hình phạt lần đầu tiên được quy định tại Điều 26 BLHS 1999: "Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà Nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong BLHS và do Toà án quyết định"(10) Sđ d, Tr.27. . Tội phạm có nhiều loại khác nhau và mỗi loại tội phạm khi xảy ra trong thực tế lại có tính chất và mức độ nguy hiểm nhất định cho xã hội do vậy sẽ có hệ thống hình phạt bao gồm nhiều hình phạt khác nhau phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của từng loại tội phạm. Tính chịu hình phạt là dấu hiệu của tội phạm nhưng không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm. Để có biện pháp xử lý đúng đắn, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định gồm bốn khung hình phạt: khung cơ bản và các khung tăng nặng TNHS. * Khung cơ bản: có mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Khung hình phạt này được áp dụng đối với trường hợp phạm tội thông thường, không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Cụ thể áp dụng khoản 1 khi hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Tuy nhiên đối với trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Theo thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001: a) Nếu gây hiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì thuộc các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng: a.1) Làm chết một người; a.2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; a.3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%; a.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 61% đến 100% , nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a.2 và a.3 trên đây; a.5) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; a.6) Hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít trường hợp phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà lại gây thương tích hoặc gây chết người, và trong thực tiễn xét xử hầu như chưa có vụ án nào xảy ra. Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì thực tiễn cho thấy còn có thể có hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cũng theo hướng dẫn của TTLT số 20/2001 tại đểm 4 mục I, trong trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới một triệu đồng nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết 3 người trở lên, điều đó cũng có nghĩa là nếu làm chết hàng chục người cũng chỉ bị xử phạt mức cao nhất là 3 năm tù. Trong khi đó người vô ý làm chết người nếu làm chết nhiều người (từ 2 người trở lên) thì bị xử phạt theo khoản 2 Điều 98 BLHS với khung hình phạt cao nhất bằng 10 năm tù. Điều này thể hiện sự bất hợp lý trong các quy định của thông tư hướng dẫn liên ngành với các quy định khác của BLHS về áp dụng chế tài hình sự(19) Sđd. . Đối với tình tiết đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt thì theo hướng dẫn của thông tư liên tịch số 02/2001 xác định như sau: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; + Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân; + Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy đinh của cơ quan có thẩm quyền. Hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý là hết thời hạn do pháp luật quy định, điều lệnh hoặc điều lệ quy định. Đối với các trường hợp bị xử lý mà chưa có quy định về thời hạn để hết thời hạn đó, người bị xử lý được coi là chưa bị xử lý, thì thời hạn đó là một năm, kể từ ngày bị xử lý. Tóm lại, bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt" nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi như : Hành vi cướp tài sản, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi cưỡng đoạt tài sản, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản v.v…Nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một hành vi khác mà không phải về hành vi chiếm đoạt tài sản như: đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc về hành vi đánh bạc v.v…mà chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt mà lại có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới một triệu đồng thì không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.Việc nắm vững những quy định này rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định có tội hay không có tộI(19). Cần lưu ý một vấn đề là xử phạt hành chính với xử lý hành chính quy định tại pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về thẩm quyền xử lý, về hình thức xử lý. Nhiều trường hợp do không nắm vững được những quy định về xử phạt hành chính, xử lý hành chính, về thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến truy tố, xét xử không đúng. Các hình thức xử lý hành chính bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính. Theo khoản 1 điều 12 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo và phạt tiền. Do đó chỉ trong trường hợp bị cáo đã bị áp dụng những hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền đồng thời chưa hết thời hạn bị coi là chua bị xử phạt vi phạm hành chính, mà còn vi phạm thì mới kết luận là bị cáo có có tội (Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2005). Đối với tình tiết đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản thì theo hướng dẫn của thông tư số 20/2001 quy định như sau: " đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản" nếu trước đó đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều: Điều 133, Điều 134, Điều 135, Điều 136, Điều 137, Điều 138, Điều 139, Điều 140, Điều 278, Điều 280 BLHS năm 1999. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị chiém đoạt dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản. Nếu cộng giá trị tài sản của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm nếu: - Các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. - Nếu các hành vi thực hiện gián đoạn, không có sự liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian thì phải chứng minh được người thực hiện hành vi trên có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà có làm nguồn sống chính. - Hoặc với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu, việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên khi đã áp dụng tình tiết này thì không được áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Hướng dẫn trên đây vẫn còn những hạn chế nhất định, trong chững mực nào đó chưa đáp ứng được những vướng mắc của thực tiễn xét xử như: đối với trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi xâm phạm sở hữu nhưng không cùng loại đồng thời lại thỏa mãn tất cả những điều kiện nêu trên như vừa cướp giật tài sản vừa lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì có bị xử lý không, xử lý về tội gì?. Theo điểm 5 mục 2 TTLT số 02/2001 thì không bị xử lý. Đây là điểm bất hợp lý, không đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đòi hỏi cần sửa đổi bổ sung BLHS theo hướng quy định người thực hiện nhiều lần hành vi chiếm đoạt tài sản mà giá trị tài sản của mỗi lần dưới mức tối thiểu, tổng các lần cộng lại bằng hoặc trên mức tối thiểu thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật tương ứng mà không đòi hỏi các hành vi phải cùng loại. Về định tội danh có thể căn cứ vào dấu hiệu khách quan của hành vi xâm phạm sở hữu sau cùng trước khi bị phát hiện để định tội danh. * Khung tăng nặng thứ nhất: quy định tại Khoản 2 Điều 140 BLHS có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm, được áp dụng cho những trường hợp phạm tội khi có một trong những tình tiết sau: a. phạm tội có tổ chức. Theo Điều 20 BLHS: “phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Cũng theo quy định tại điều này thì những người đồng phạm là những người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người tổ chức, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục đều là những người đồng phạm. Phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, có sự phân công vai trò người chỉ huy, người cầm đầu trong những người cùng tham gia thực hiện một tội phạm. Trước khi thực hiện một tội phạm có vạch ra kế hoạch với sự tính toán kỹ lưỡng, chu đáo. Tuy nhiên tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có tổ chức cũng có những đặc điểm riêng như người thực hành trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người trực tiếp thực hiện hành vi, những thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, những người phạm tội có tổ chức trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thường gây ra những thiệt hại rất lớn về tài sản, vì vậy phải xử lý thật nghiêm khắc. b.Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức. Đây là tình tiết tăng nặng mới được bổ sung vào khoản 2 Điều 140 BLHS. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định khi thực hiện công vụ. Thông thường là người có chức vụ nhưng cũng có thể là người không có chức vụ nhưng được giao hoặc đuợc tham gia thực hiện một công vụ. Người có quyền hạn là người được giao thực hiện một công vụ và do thực hiện công vụ đó nên họ có một quyền hạn nhất định. Từ chức vụ, quyền hạn người phạm tội mới có được lòng tin thực sự đối với chủ sở hữu tài sản, qua đó mới ký kết được hợp đồng, vì lý do nào đó không thực hiện được hợp đồng, và đã chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản đó. c. Dùng thủ đoạn xảo quyệt Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người phạm tội đã có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm để che giấu hành vi chiếm đoạt làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước để dề phòng. Ví dụ như: Dựng hiện trường giả mất tài sản…, nhận hàng về sửa chữa sau đó thay đổi các linh kiện tốt, đắt tiền trong máy móc, thiết bị v.v…bằng các linh kiện kém chất lượng hơn nhằm kiếm phần chênh lệch giá trị tài sản, gây thiệt hại cho chủ sở hữu có tài sản. Thông thường kẻ phạm tội sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng mới dùng thủ đoạn xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên cũng có thể sử dụng thủ đoạn xảo quyệt trước khi có được tài sản nhưng nó không nhằm mục đích chiếm đoạt mà chỉ nhằm ký kết được hợp đồng, lúc dùng thủ đoạn xảo quyệt người phạm tội chưa có ý định chiếm đoạt. d. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng Đây là truờng hợp định lượng tuyệt đối, trước đây khi chưa ban hành BLHS 1999 thì giá trị tài sản bị thiệt hại được quy ra gạo hoặc các vật tư hàng hoá thiết yếu khác như xăng, dầu, đường, mì chínhv.v…điều này gây khó khăn rất nhiều cho việc xác định giá trị tài sản vì điều kiện kinh tế ở mỗi vùng miền là khác nhau. Nay việc xác định giá trị tài sản sẽ căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, trong các trường hợp cơ quan tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá). Do đặc điểm của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội chỉ chiếm đoạt tài sản khi tài sản đó đang do mình quản lý, do đó khi xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt có giá trị bao nhiêu còn phải căn cứ vào hành vi và thủ đoạn phạm tội cụ thể, không thể chỉ xác định giá trị tài sản người phạm tội đang quản lý để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá đúng bằng năm mươi triệu đồng thì xử lý theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 140 BLHS. Nếu đối chiếu vớI sự quy định của Điều 140 ở các điều khoản, như vậy trong trường hợp này tòa án sẽ không biết áp dụng điều khoản nào, nếu có vận dụng hoặc khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 140 thì cũng chỉ là sự khiên cưỡng, suy đoán mà không có căn cứ trong pháp luật. Chúng tôi cho đây là một thiếu sót, hạn chế của điều luật. Nên chăng Điều 140 BLHS cần có sự sửa đổi, bổ xung như sau: bỏ từ “ trên” đứng trước từ “ năm mươi triệu đồng” trong điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS. Nguyên văn của điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS sẽ như sau: “d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”; Có như vậy mới đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, gây khó khăn trong thực tiễn xét xử. đ. Tái phạm nguy hiểm Đây là tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội. Theo Điều 49 BLHS, tái phạm nguy hiểm là: "….a. Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. b. Đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý "(10) Sđ d, Tr.40. . Ví dụ: A phạm tội bị kết án theo khoản 3 Điều 140 BLHS vè tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. A đã chấp hành xong án nhưng chưa được xóa án tích, sau đó A lại phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng theo khoản 3 Điều 140 BLHS. Như vậy, hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Quy định tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là phù hợp với tư tưởng đấu tranh phòng ngừa xu hướng phạm tội chuyên nghiệp. Kẻ phạm tội khi đã bị kết án tức là đã biết rõ sự lên án nghiêm khắc của Nhà Nước và xã hội đối với hành vi phạm pháp, kẻ phạm tội đã chấp hành hình phạt, đã được giáo dục cải tạo qua lao động mà lại tiếp tục phạm tội điều đó chứng tỏ rằng ý thức phạm tội rất sâu sắc, coi thường pháp luật, tính nguy hiểm cho xã hội cao, rất khó cải tạo và phải nghiêm khắc trừng trị. e. Gây hậu quả nghiêm trọng Trong trường hợp này xác định giống như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 140 BLHS (đã phân tích ở trên). * Khung tăng nặng thứ ba: được quy đinh tại Khoản 3 Điều 140 BLHS có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, được áp dụng cho những trường hợp phạm tội khi có một trong những tình tiết sau: a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng Truờng hợp phạm tội này cũng tương tự như điểm d khoản 2 Điều 140, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, việc xác định giá trị tài sản cũng tương tự như trên. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mới được quy định trong BLHS. Quy định này góp phần giúp cho các cơ quan áp dụng pháp luật có thể xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng Cũng theo Thông tư liên tịch số 02/ 2001 nêu trên: b) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả rất nghiêm trọng: b.1) Làm chết 2 ngưòi; b.2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tổng tỷ lệ thưong tật của mỗi người từ 61% trở lên; b.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%; b.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b.2 và b.3 trên đây; b.5) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ 500 triệu đồng; b.6) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai đến ba điểm từ điểm a.1 đến a.6 nêu trên. Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản có thể xác định được như trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Viêc xác định hậu quả phi vật chất cũng tương tự như khoản 1 Điều 140 BLHS đã phân tích ở trên. Cần lưu ý là trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt dưới 1 triệu đồng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 140 nếu không có tình tiết định khung hình phạt khác. * Khung tăng nặng thứ 3: quy định tại khoản 4 Điều 140 BLHS có mức hình phạt tù từ mười hai năm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, được áp dụng cho những trường hợp phạm tội khi có một trong những tình tiết sau: a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc khung hình phạt cao nhất của điều luật. b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng Theo thông tư liên tịch số 02/2001 nêu trên: c) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: c.1) Làm chết 3 người trở lên; c.2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; c.3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của tám người trở lên với tỷ lệ thưong tật của mỗi người từ 31% đến 60%. c.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, nếu không thuộc một trong các truờng hợp được hướng dẫn tại các điểm c.2 và c.3 nêu trên. c.5) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ 500 triệu đồng trở lên; c.6) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản mà hậu quả thuộc bốn điểm trở lên từ điểm a.1 đến a.6 nêu trên. c.7) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản mà hậu quả thuộc điểm trở lên từ điểm b.1 đến b.6 nêu trên. Ngoài các thiẹt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản đã được xác định như trên còn có thiệt hại phi vật chất khác. Thiệt hại này cũng được xác định như khoản 1 Điều 140 BLHS. * Hình phạt bổ sung Ngoài việc chịu các hình phạt chính nêu trên thì tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể, ngưòi phạm tội còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung được quy đinh tại khoản 5 điều 140 BLHS: " Nguời phạm tội có thể bị phạt tiền…, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này". Hình phạt bổ sung có ý nghĩa hỗ trợ, tăng cường hiệu quả của hình phạt chính nhằm mục đích phòng ngừa tội phạm. Trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ nội dung các quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 140 BLHS, chúng tôi thấy rằng sự quy định này đã tiến bộ hơn và hoàn thiện hơn so với quy định tương ứng trong BLHS năm 1985. Sự quy định đó đã tạo điều kiện thuận lợI cho việc xác định tội danh trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời cũng là cơ sở để phân biệt với một số tội phạm khác có cấu thành gần gũi. Tuy nhiên, sự quy định trên đây của Điều 140 BLHS vẫn còn nhiều hạn chế, làm cho quy định này chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện như chúng tôi đã phân tích ở trên, vì vậy theo chúng tôi cần hoàn thiện Điều 140 theo hướng: Thứ nhất: cần coi tình tiết tổng giá trị các lần chiếm đoạt tài sản (bất kể hành vi chiếm đoạt nào) bằng hoặc trên một triệu đồng, mà các tình tiết nếu tách độc lập là hành vi chiếm đoạt tài sản dưới một triệu đồng, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt làm tình tiết cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy chúng tôi đề xuất: khoản 1 Điều 140 cần thêm cụm từ “ hoặc tổng giá trị các lần chiếm đoạt tài sản từ một triệu đồng trở lên” sau cụm từ “ chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Đề xuất này của chúng tôi có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho việc xử lý được công bằng, không bỏ lọt tộI phạm. Thứ hai: Như đã trình bày ở trên, để khắc phục trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt đúng bằng năm mươi triệu đồng chưa có đường lối xử lý, chúng tôi xin đề xuất hoàn thiện tiếp Điều 140 như sau: bỏ từ “ trên” đứng trước từ “ năm mươi triệu đồng” trong điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS. Nguyên văn của điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS sẽ như sau: “d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”; Nếu điều luật được bổ sung những đề xuất như vậy, chúng tôi cho rằng quy đinh này sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn áp dụng pháp luật. CHƯƠNG 3 MỘT SÔ VẤN ĐỀ VỀ THỰC TIỄN XÉT XỬ TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 3.1. Thực tiễn xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản những năm gần đây 3.1.1. Các số liệu thống kê về tình hình tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ta thấy diễn biến tình hình của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ năm 2001 đến năm 2005 diễn ra như sau: Bảng diễn biến tình hình tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (nguồn số liệu thống kê của TANDTC các năm từ 2001 – 2005) Năm Tổng số vụ phạm tội LDTNCĐTS Tổng số bị can phạm tội LDTNCĐTS 2001 2002 2003 2004 2005 Qua bảng số liệu trên đây, ta thấy tình hình tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có sự tăng giảm không đều nhưng nói chung là có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, từ 1.226 vụ phạm tội của năm 2001 giảm xuống còn 1.073 vụ của năm 2005. Bên cạnh đó số vụ bị kháng nghị cũng giảm so với các năm trước điều đó thể hiện chất lượng xét xử của Tòa án các cấp ngày càng được nâng cao, khắc phục được tình trạng một vụ án phải xét xử đi xét xử lại nhiều lần qua nhiều cấp gây tốn kém. 3.1.2 Một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS mấy năm gần đây. Trong những năm gần đây, tình hình xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã đạt được những kết quả nhất định, nhìn chung là chất lượng xét xử của ngành tòa án nhân dân đã được nâng lên một bước, việc xét xử đã đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các trường hợp bị kết án oan, sai nghiêm trọng đã giảm đáng kể. Việc đổi mới một bước thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa hình sự trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây gọi tắt là: BLTTHS năm 2003) và theo tinh thần cải cách tư pháp đã đuợc triển khai sâu rộng, có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm diễn ra trên thực tế. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng còn một số khuyết điểm, thiếu sót như vẫn còn những trường hợp bị xét xử oan sai, một số vụ án do đánh giá chưa đúng tính chất mức độ của hành vi phạm tội nên tòa án đã xác định tội danh, áp dụng hình phạt chưa đúng quy định của BLHS. Theo số liệu thống kê đã trình bày ở trên thì tình hình phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có xu hướng giảm không đáng kể trong mấy năm gần đây nhưng thiệt hại do loại tội phạm này gây ra lại tăng lên, gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử loại tội phạm này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, những bài viết để nhằm nâng cao hiệu quả xét xử loại tội phạm này, tránh tình trạng nhầm lẫn giữa loại tội phạm này với một số tội phạm như tội lừa đảo, tội tham ô cũng như với việc vi phạm nghĩa vụ trong các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn những quan điểm khác nhau, cách hiểu và vận dụng không thống nhất, gây khó khăn cho những người áp dụng luật. Do chưa nhận thức đầy đủ nội dung quy định của Điều 140 BLHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dẫn tới tòa án định tội danh sai, hoặc nhầm lẫn với tộI phạm khác. Có thể thấy được qua ví dụ sau: Ngày 20/3/2000, công an quận Kiến an bắt quả tang Vũ Xuân Tới- Lưu Văn Định- Nguyễn Văn Ngũ xuống tàu NĐ 0737 do anh Nguyễn Minh Phú là chủ tàu đỗ tại khu vực bến sông thuộc địa bàn Quận Kiến An-HP, lấy danh nghĩa là Đội bảo vệ an ninh quốc phòng của phường để thu tiền an ninh của các tàu đỗ qua đêm tại đó. Quá trình điều tra Tới và đồng bọn đã khai nhận: năm 1993 UBND phường Bắc Sơn thành lập Đội an ninh quốc phòng ven sông do Tới làm đội trưỏng, được phép thu tiền bảo vệ của các tàu đỗ qua đêm tại bến. Ngày 10/3/1999, công an phường Bắc Sơn đã lập biên bản thông báo việc giải thể Đội an ninh quốc phòng, chấm dứt mọi hoạt động của Đội. Nhưng Tới, Ngũ, Định vẫn tiếp tục đi thu tiền của các tàu đỗ qua đêm và tự giới thiệu là Đội an ninh của phường, các chủ tàu tin nên đã nộp tiền cho bọn Tới.Tính từ tháng 10/1997 đến khi bị bắt ngày 20/3/2000, Tới đã thu lợi khoảng 4.000.000đ, Định thu được khoảng 2.000.000đ, Ngũ thu được 2.000.000 (gia đình Định và Ngũ đã nộp lại số tiền trên cho cơ quan điều tra). Ngày 05/3/2001, bản án HSST số 19/ HSST của Tòa án nhân dân Quận Kiến an đã xử phạt bị cáo Vũ Xuân Tới, Lưu Văn Định, Nguyễn Văn Ngũ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vi phạm thủ tục tố tụng nên UBTP TANDTP Hải Phòng đã hủy bản án HSST số 19 trên để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục chung. Quá trình điều tra lại các bị hại đều khẳng định không có hợp đồng trông coi tàu với bọn Tới. Ngày 30/3/2003 VKSND quận Kiến An đã có bản cáo trạng số 54 truy tố cả 3 bị can Tới- Định- Ngũ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 khoản 1 BLHS. Song tại phiên tòa sơ thẩm lại nhận định rằng việc Tới đi thu tiền được là do các chủ tàu nhầm tưởng bọn Tới là bảo vệ và vẫn tín nhiệm đưa tiền bảo vệ như trước đây cho bọn Tới, bọn Tới không phải dùng thủ đoạn gian dối cụ thể làm cho chủ tàu, thuyền bắt đầu tin để lần đầu tiên lấy được tiền. Việc làm này diễn ra thường xuyên, liên tục, không phải lén lút hành vi chiếm đoạt tiền đối với chủ tài sản. Chủ tàu thuyền giao tiền cho bọn Tới là hoàn toàn ngay thẳng, họ đã giao tiền cho bọn Tới mà không biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt. Đây là dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy đinh tại Điều 140 BLHS. Vì vậy tại bản án HSST số 51/ HS-ST ngày 30/9/2004 xử Vũ Xuân Tới, Lưu Văn Định, Nguyễn Văn Ngũ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. VKSND quận Kiến an đã kháng nghị bản án trên với nội dung: bản án hình sự sơ thẩm số 51/HSST ngày 30/9/2004 của TAND quận Kiến An-HP đã không phân tích đánh giá đúng hành vi khách quan, ý thức chủ quan của các bị cáo nên đã xét xử các bị cáo về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không đúng, đề nghị xử về tội " lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với lý do để chiếm đoạt tài sản của các bị hại, các bị cáo Tới- Ngũ- Định đã có hành vi gian dối (xưng danh đội an ninh quốc phòng của phường) dể đi thu tiền bảo vệ nhưng thực chất không bảo vệ, không có hợp đồng dịch vụ. Vì tin tưởng là đội an ninh thật nên các bị hại đã đưa tiền cho các bị cáo. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 BLHS. Điều luật quy định:" Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…" Bản án hình sự phúc thẩm số 20/ HS-PT ngày14/01/2005 vẫn xử y án sơ thẩm về tội danh và hình phạt. Như vậy qua vụ án trên ta thấy các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn có những quan điềm khác nhau về việc phân biệt giữa 2 loại tội phạm này.Việc tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử 3 bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không chính xác, chúng tôi đồng ý với quan điểm của VKSND quận Kiến An xử các bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lý do như VKSND quận Kiến An đã nêu. Việc phân biệt sự khác nhau giữa 2 tội phạm này trong thực tế rất phức tạp. Cần phải nắm vững các dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng như bản chất pháp lý của từng loại tội phạm, để từ đó phân biệt được sự giống nhau và khác nhau giũa 2 loại tội phạm này, tránh phải xét xử nhiều lần qua nhiều cấp gây tốn kém, thậm chí vẫn còn những trường hợp bị xử oan sai. Bên cạnh đó có những vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng không hiểu đúng các quy định của pháp luật về tình tiết định khung và tăng nặng trách nhiệm hình sự, dẫn đến việc xét xử sai. Ví dụ 1: Đinh Viết Hùng, trú tại số 115/54/143 Tôn Đức Thắng, Lê Chân, Hải Phòng vào sáng ngày 18/3/2003 có mượn xe đạp của anh Dương Văn Bình để lên nhà chị gái xin tiền, nhưng không gặp nên y đã nảy sinh ý định đi xe đạp ra phố Quang Trung bán cho một người không quen biết được 380.000 đ. Ngày 6/4/2003 Hùng quay về gặp anh Bình và 2 bên dã thỏa thuận Hùng bồi thường anh Bình 300.000 đ, anh Bình đã nhận 300.000 đồng và không yêu cầu Hùng phải bồi thường tiếp. Xe đạp của bình trị giá 400.000 đ đến 450.000 đ. Trước đó ngày 10/11/1999 Đinh Viết Hùng có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt xe đạp trị giá 900.000 đ, ngày 28/2/2000 Tòa án quận Lê Chân có quyết định số 69 đình chỉ vụ án. Vụ án bị đình chỉ nhưng Đinh Viết Hùng không bị xử lý hành chính. Ngày 14/12/2000 tòa án quận Lê Chân xử Đinh Viết Hùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trị giá 1.700.000 đ. Với nội dung trên, bản án sơ thẩm hình sự số 137/HSST ngày 7/8/2003, TAND quận Lê Chân đã áp dụng khoản 1 Điều 140; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm b,p khoản 1 Điều 146 BLHS xử Đinh Viết Hùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Viện trưởng VKSND quận Lê Chân đã có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm hình sự số 17/HSST trên, đề nghị TANDTP Hải Phòng xét xử phúc thẩm theo hướng không áp dụng tình tiết tăng nặng " tái phạm" theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS và giảm hình phạt cho bị cáo Đinh Viết Hùng. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 103/HSPT ngày 24/9/2003, TANDTP Hải Phòng đã giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm. Tại quyết định kháng nghị số 02/KN-VKSNDTC-V3 ngày 19/2/2004, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Tòa hình sự TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng không áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS và giảm hình phạt cho Đinh Viết Hùng. Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, hội đồng xét xử nhận định: Đinh Viết Hùng có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của anh Dương Văn Bình, trị giá tài sản dưới 1.000.000 đồng, chỉ riêng hành vi này thì chưa đủ yếu tố cấu thành của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Vì bị cáo có thêm dấu hiệu đã bị kết án về tội chiếm đoạt chưa được xóa án tích mà còn vi phạm nên bị áp dụng theo khoản 1 Điều 140 BLHS. Vì vậy, tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với bị cáo là không đúng vì theo quy định tại khoản 2 Điều 48: " những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng".Vì các lẽ trên Hội đồng giám đốc thẩm đã ra quyết định hủy quyết định áp điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với bị cáo Đinh Viết Hùng tại bản án hình sự phúc thẩm số 103/HSPT và tại bản án hình sự sơ thẩm số 127/HSST. Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm như trên là hoàn toàn chính xác, vì nếu chỉ xét riêng hành vi chiếm đoạt chiếc xe đạp trị giá dưới 1.000.000đ thì chưa cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bị cáo có thêm dấu hiệu đã bị kết án về tội chiếm đoạt chưa được xóa án tích mà còn vi phạm nên bị áp dụng theo khoản 1 Điều 140 BLHS, như vậy tình tiết này đã được sử dụng là yếu tố định tội, vì vậy theo khoản 2 Điều 48 BLHS không được sử dụng tình tiết này làm tình tiết tăng nặng “tái phạm”. Chính sự nhận thức không đúng của các cấp xét xử dẫn đến phải xét xử nhiều lần, gây tốn kém. Ví dụ 2: Tháng 11/2000 bị cáo Dương Danh Khánh xin làm công nhân hợp đồng tại Xí nghiệp vật liệu và xây dựng điện thuộc công ty xây lắp điện I Hà Nội. Khánh được quản đốc phân xưởng phân công làm tổ trưởng tổ quản lý và xây lắp đường dây cáp điện 35KV tuyến đuờng điẹn từ Quốc Việt đi vào Đào Viên.Trước ngày 3/2/2002 quản đốc phân xưởng yêu cầu Khánh thu hồi cáp điện AC từ cột số 01 giáp bờ sông đến cột số 05 gần nhà anh Dung. Ngày 4/2/2002 Khánh đem số cuộn dây cáp điện đi bán với giá 1.690.000 đ. Tòa án nhân dân huyện Tràng Định đã căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 140 BLHS xử dương Danh Khánh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 27/12/2002 nhận định bản án sơ thẩm quy kết đánh giá và vận dụng điểm b khoản 2 Điều 140 là không đúng vì bị cáo là công nhân hợp đồng, không có quyền hạn, chức vụ…do vậy chưa thỏa mã các tình tiết định khung tăng nặng vì vậy chỉ cần áp dụng áp dụng khoản 1 Điều 140 BLHS là thỏa mãn. Như vậy trong vụ án này, tòa sơ thẩm đã không hiểu đúng quy định về tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm b khoản 2 Điều 140, dẫn đến áp dụng khung hình phạt sai. Những sai sót trên đây là do sự nhận thức không đúng các quy định tại Điều 140 BLHS của những ngưới tiến nhành tố tụng. Bên cạnh đó còn có những vướng mắc do quy định tại Điều 140 BLHS chưa thật chi tiết, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong thực tiễn xét xử. Ví dụ về một loạt các bài viết trao đổi bài " Bà Phạm Thị D có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không" của tác giả Lê Văn Luật- TAND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được đăng trên Tạp chí TAND số 3(2/2004).Tóm tắt nội dụng vụ án như sau: Bà Phạm Thị D có hộ khẩu thường trú tại Huyện H, tỉnh Q, trong quá trình làm ăn , buôn bán bà D vay mượn tiền của nhiều người. Do thua lỗ nên bà D chây ỳ trong việc trả nợ. Chủ nợ khởi kiện, TAND huyện H xác định đây là tranh chấp vay tài sản. Trong quá trình thụ lý, điều tra, xác minh, hòa giải vụ án thì D phản bác những yêu cầu của nguyên đơn và cho rằng mình không vay mượn tiền của các đương sự trên. D không công nhận chữ ký trên giấy vay nợ là chữ ký của mình, TAND huyện H trưng cầu giám định và xác định đó chính là chữ ký của bà D. TAND huyện H nhận thấy hành vi chối bỏ trách nhiệm vay mượn tài sản của bà D đã có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín hiệm chiếm đoạt tài sản, làm công văn đề nghị VKSND huyện H truy cứu TNHS đối với bà D, VKSND huyện H bác bỏ quan điểm này và cho rằng không có dấu hiệu tội phạm mà chỉ là quan hệ tranh chấp dân sự thông thường(20) Lê Văn Luật (2004), “ Bà Phạm Thị D có phạm tội lạm dụng tín nhiệm CĐTS hay không?”, tạp chí TAND số 3 (2/2004). . Vấn đề ở đây là phải giải quyết được việc bà D chối bỏ chữ ký trong giáy vay nợ (mà qua giám định xác định đúng là chữ ký của bà D) có phải là một dạng của thủ đoạn gian dối trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?. Qua trao đổi, có quan điểm cho rằng việc bà D chối bỏ hành vi đã vay tài sản của mình và phủ nhận các chữ ký của chính mình đã ký trong khi viết giấy vay, đây chính là một thủ đoạn gian dối, cố ý thực hiện để chiếm đoạt tài sản của người khác, bởi có một sự thật hiển nhiên mà người đó cố tình nói là không có. Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng nếu coi hành vi chối bỏ, không thừa nhận chữ ký của bà D là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền đã vay của chủ nợ thì thật chưa khách quan vì giấy vay nợ có chữ ký của bà D là bằng chứng duy nhất chứng minh cho việc bà D vay tiền mà bà D không tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong giấy vay nợ. Nếu giấy vay nợ đó được chứng minh là đúng thì nghĩa vụ thanh toán của D đối với các chủ nợ sẽ được xác định, D không phủ nhận đuợc. Trên thực tế thì người phạm tội thường dùng các thủ đoạn như xóa dấu tích việc nợ, hủy bỏ các tài liệu chứng cứ chứng minh nghĩa vụ thanh toán như: giấy vay nợ, các cam kết…hoặc che giấu hành vi chiếm đoạt bằng hiện trường giả như tạo ra bị cướp, bị người khác chiếm đoạt…Theo quan điểm của chúng tôi thì trong trường hợp chối bỏ chữ ký trong giấy vay nợ nên coi là thủ đoạn gian dối. Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định về thủ đoạn gian dối trong Điều 140 BLHS chưa cụ thể, trong khi đó lại chưa có văn bản pháp luật chính thức nào hướng dẫn áp dụng. Do đó cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để có cách hiểu thống nhất về vấn đề này, nâng cao chất lượng xét xử. 3.2. Nguyên nhân của vướng mắc và một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của thực tiễn áp dụng Điều 140 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 3.2.1. Nguyên nhân của vướng mắc - Do quy định của luật còn nhiều hạn chế, cụ thể là điều 140 BLHS quy định về hành vi khách quan mặc dù đã bao quy định được một số hành vi nhưng tính bao hàm chưa được thẻ hiện rõ, chưa bao quát được các tình huống trong thực tế, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào hướng dẫn áp dụng Điều 140 BLHS. Thuật ngữ luật sử dụng khái quát, nếu hiểu chi tiết sẽ gặp khó khăn. Vì vậy trong quá trình áp dụng pháp luật còn có sự nhận thức khác nhau về thế nào là sử dụng thủ đoạn gian dối, sự nhầm lẫn giữa với một số tội phạm gần gũi như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản v.v… - Do đất nước vừa chuyển đổi sang cơ chế thị trường với nhiều thuận lợi và cũng không ít những thử thách, cơ chế quản lý không theo kịp. Trình độ vận dụng pháp luật của một số cán bộ thẩm phán còn yếu, chưa ngang tầm với những thử thách của nền kinh tế trong xu thế hội nhập với khu vực và thế giới, có thể là do được đào tạo trong thời kỳ bao cấp lại không thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ dẫn đến không đáp ứng được những đòi hỏi phức tạp của thực tiễn. - Vấn đề công khai với kết quả xét xử chưa được thực hiện, dẫn đến những trường hợp vận dụng sai không dược làm sáng tỏ và uốn nắn kịp thời. - Việc tổng kết chuyên đề chưa thật sự đi vào chiều sâu. 3.2.2. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của thực tiễn áp dụng Điều 140 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Về vấn đề hoàn thiện luật: + Khoản 1 Điều 140 cần thêm cụm từ “ hoặc tổng giá trị các lần chiếm đoạt tài sản từ một triệu đồng trở lên” sau cụm từ “ chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. + Bỏ từ “ trên” đứng trước từ “ năm mươi triệu đồng” trong điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS. Nguyên văn của điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS sẽ như sau: “d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”; - Các quy định của pháp luật thường khái quát nên cần có hướng dẫn cụ thể hơn, đặc biệt là về các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các tội phạm khác. + Nên có các văn bản giải thích luật, không nên đưa ra quan điểm bởi rất dễ gây ra tình trạng sáng tạo luật. Các văn bản giải thích cần cặn kẽ, kịp thời. + Để tránh mâu thuẫn trong nhận thức nên quy định theo hướng cụ thể hóa hơn nữa, đảm bảo các dạng hành vi đều được đề cập đến, giúp bao quát được các tình huống trong thực tế. - Cần công khai kết quả xét xử. điều này là hoàn toàn phù hợp. - Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, tuyên truyền giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ tư pháp. Bên cạnh đó thì bản thân các cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức chính trị, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, có lối sống giản dị, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. - Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa trong hoạt động giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội và công dân trong công cuộc đấu trang phòng chống tội phạm nói chung và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói riêng nhằm đảm bảo thông tin, tin báo về tội phạm được tiếp nhận và xử lý kịp thời, đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng, hiệu quả, đúng ngưòi, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương (TANDTC, VKSNDTC, CP) cần thường xuyên có sự tổng kết thực tiễn, thống nhất nhận thức để hướng dẫn các cơ quan pháp luật địa phương áp dụng pháp luật được đúng. - Thường xuyên kiểm tra, thanh tra các mặt công tác, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác của các đơn vị và cá nhân cán bộ công chức; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, loại bỏ khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất. Từ đó nâng cao hơn nữa vai trò cũng như trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đối với những trường hợp cán bộ lợi dụng pháp luật dể trục lợi, xử lý oan cho người vô tội thì phải kiên quyết xử lý tránh truờng hợp bao che, viện vào lí do trình độ non kém, nhận thức không đúng mà tha miễn, trốn tránh pháp luật, không đảm bảo được tính pháp chế XHCN. - Tăng cường giáo dục công dân thông qua tất cả các chương trình, phương tiện thông tin đại chúng về tính công bằng xã hội, tinh thần tôn vinh pháp luật và sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Trên đây là một số nhận xét và ý kiến đề xuất mặc dù chưa thật đầy đủ nhưng mong được sự lưu tâm của các cơ quan có thẩm quyền để tôi góp một phần nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh phòng và chống loại tội phạm này. KẾT LUẬN Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu. Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử cho thấy loại tội phạm này vẫn chưa giảm đáng kể trong tình hình hiện nay. Vì vậy việc nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống nội dung quy định của Điều 140 BLHS có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác áp dụng thực tiễn. Vì vậy luận văn của chúng tôi đã đề cập được các vấn đề liên quan tới những quy định của luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối chiếu với quá trình lập pháp hình sự của Nhà nước ta về loại tội phạm này trên cơ sở đó chúng tôi phân tích làm sáng tỏ các dấu hiệu pháp lý của tội phạm, đường lối xử lý cũng như thực tiễn xét xử về loại tội phạm này. Từ đó tìm ra những vướng mắc cũng như những hạn chế của việc vận dụng điều luật trong thực tiễn. Trên cơ sở sự phân tích nội dung của đề tài luận văn, chúng tôi đã đề xuất được một số ý kiến nhằm hoàn thiện luật cũng như nhằm nâng cao hiệu quả của công tác áp dụng luật. Cụ thể chúng tôi đã đề xuất về hướng hoàn thiện luật, về công tác cán bộ, về sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan,… Đấu tranh phòng chống tội phạm là một quá trình bền bỉ, lâu dài với không ít những khó khăn, trách nhiệm ấy thuộc về Đảng, Nhà Nước, và toàn thể nhân dân, để đạt đuợc kết quả cao chúng ta phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hộI, pháp luật. Trên đây là toàn bộ nội dung của luận văn mà chúng tôi đã thể hiện. Tuy còn những hạn chế nhất định do bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, bản thân còn nhiều hạn chế nhất định về trình độ kiến thức, khả năng diễn đạt, cũng như về thời gian nghiên cứu, điều kiện thâm nhập thực tiễn xét xử…nên luận văn chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Vì vậy tôi rất mong được sự góp ý chân thành của thầy cô, các bạn sinh viên và của tất cả những ai quan tâm đến đề tài này giúp tôi nâng cao hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa kỹ năng nghiên cứu phục vụ cho công việc sau này. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] C.Mác- F.Engel toàn tập, tập I, Nhà xuất bản quốc gia Beclin, 1967. [2] C.Mác- F.Engel toàn tập, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H, 1995. [3] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H, 2001. [4] Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1992 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ xung một số điều của Hiến pháp 1992) (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN (1985), Nxb Pháp lý, Hà Nội. [6] Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN (1990), Nxb Pháp lý, Hà Nội. [7] Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN (1991), Nxb Pháp lý, Hà Nội. [8] Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN (1994), Nxb Pháp lý, Hà Nội. [9] Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN (1997), Nxb Pháp lý, Hà Nội [10] Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000. [11] Bộ luật dân sự của nước CHXHCNVN, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005. [12] Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995. [13] Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001. [14] TANDTC (1975), Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, tập I, Hà Nội. [15] TANDTC (1978), Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, tập II, Hà Nội. [16] TANDTC ( 2000-2005), Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án các năm từ 2000-2005. [17] TANDTC (2000-2005), Số liệu thống kê án hình sự các năm từ 2000-2005. [18] Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Nxb CAND, H, 2003. [19] Đinh Văn Quế (2002), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, phần các tội phạm, tập II, Bình luận chuyên sâu, Nxb TPHCM. [20] Lê Văn Luật (2004), “ Bà Phạm Thị D có phạm tội lạm dụng tín nhiệm CĐTS hay không?”, tạp chí TAND số 3 (2/2004). [21] Võ Hồng Sơn (2001), “ Xử lý hành vi lạm dụng tín nhiệm CĐTS khi có sự kiện chủ nợ bãi nại cho con nợ”, tạp chí Kiểm sát số 7/2004. MỤC LỤC Trang

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc32257.doc
Tài liệu liên quan