MS: LVVH-VHVN051
SỐ TRANG: 126
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2010
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
2. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
4. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA VĂN HÓA ẨM THỰC VIỆT NAM
1.1. Khái quát chung về văn hóa ẩm thực Việt Nam
1.1.1. Khái niệm văn hóa ẩm thực
1.1.2. Đặc điểm cơ bản của văn hóa ẩm thực Việt Nam
1.1.3. Một vài quan niệm của người Việt trong văn hóa ẩm thực
1.2. Hà Nội, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa của văn hóa Việt Nam trong đó có văn hóa ẩm thực
1.2.1. Hà Nội, nơi hội tụ văn hóa Việt Nam
1.2.2. Ẩm thực Hà Nội, nơi hội tụ tinh hoa
Chương 2: VĂN HÓA ẨM THỰC – MỘT GÓC ĐỘ TIẾP CẬN CỦA THẠCH LAM, NGUYỄN TUÂN, VŨ BẰNG
2.1. Gặp gỡ trên bình diện trân trọng văn hóa truyền thống của dân tộc
2.1.1. Trân trọng văn hóa Hà thành
2.1.2. Tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt
2.2. Độc đáo ở góc độ tiếp cận văn hóa ẩm thực
2.2.1. Không gian tiếp cận văn hóa ẩm thực
2.2.2. Cách thức tiếp cận văn hóa ẩm thực
2.2.3. Cách thức mô tả món ăn
Chương 3: VẺ ĐẸP TRONG CÁCH VIẾT
3.1. Thạch Lam - một văn phong tinh tế, tươi tắn
3.1.1. Ngòi bút tinh tế, nhạy cảm
3.1.2. Lối viết linh hoạt, tươi tắn, hồn nhiên
3.2. Nguyễn Tuân - một phong cách tài hoa, lịch lãm
3.2.1. Vẻ đẹp của ngôn từ
3.2.2. Vẻ đẹp của sự tài hoa, uyên bác
3.3. Vũ Bằng - một hồn văn nồng nàn, đắm đuối
3.3.1. Ngôn từ giàu giá trị biểu cảm
3.3.2. Giọng điệu tâm tình, hoài niệm
KẾT LUẬN
DANH MỤC THAM KHẢO
126 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2293 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Vấn đề ẩm thực dưới góc nhìn văn hóa trong sáng tác của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng thể tưởng (ví dụ 4). Dường như giữa hai sự vật này chẳng có mối
liên quan nào cả. Tuy nhiên, dưới sự biến hóa của “phù thủy ngôn từ”, chúng ta dễ dàng
nhận ra mối liên hệ ấy. Ở vế so sánh (A), tác giả không nói cụ thể kết quả của việc giã giò
mà “nhịp chày kép, không đặm đều”, nhưng vế được so sánh (B) lại cụ thể việc “ôi xi măng”
là kết quả từ nguyên nhân “chậm chạp, lóng ngóng”. Như vậy, thông qua B, chúng ta sẽ
đoán kết quả của A là giò không ngon, ôi, thiu. Đây là trường hợp nhà văn dựa vào đặc
điểm giống nhau của sự vật để chọn B cho phù hợp nhưng thành công của tác giả là hình
ảnh được so sánh cụ thể, sống động, làm cho người đọc bị bất ngờ nhưng sau đó là bị thuyết
phục ngay.
Một trong những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là nhà văn
luôn tìm đến những cảm giác mới lạ nhưng rất đời thường để thể hiện cảm xúc. Để đạt được
điều đó, Nguyễn Tuân luôn tích lũy kho từ vựng độc đáo, vận dụng linh hoạt các biện pháp
tu từ, dẫu có lúc vì điều này mà ông không khỏi mang tiếng là cầu kỳ, kiểu cách, thiếu tính
đại chúng nhưng điều ai cũng hiểu là một phong cách ngôn ngữ không dễ đáp ứng yêu cầu
của những thị hiếu khác nhau.
3.2.2. Vẻ đẹp của sự tài hoa, uyên bác
Đọc văn Nguyễn Tuân, người ta có nhiều lý do để yêu quý ông và trân trọng sản
phẩm tinh thần của ông. Về phương diện nào đó, ông đã lưu giữ được một cách đặc biệt
nhiều giá trị tinh thần quí báu của dân tộc. Trước cách mạng, người nghệ sĩ ấy là kẻ biết
chắt chiu làm giàu cho tiếng Việt và say mê những vẻ đẹp của nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa
dân tộc. Sau cách mạng, ông lại tiếp tục đi tìm bản sắc dân tộc, phát hiện ra những vẻ đẹp
mang đậm màu sắc Việt Nam trong điêu khắc cổ, âm nhạc dân tộc, văn hóa ẩm thực…
Một nhà văn luôn xông xáo, luôn tìm tòi trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ những
điều thú vị, bất ngờ chính là Nguyễn Tuân. Ông đi nhiều nơi để “tìm thực phẩm cho tâm hồn,
thay thực đơn cho các giác quan”. Con người ấy không chấp nhận sự hời hợt, bằng phẳng;
không thích những khuôn sáo gò bó, sự lặp lại đến nhàm chán. Chính vì thế mà trong văn
chương, Nguyễn Tuân luôn tìm đến sự đặc sắc, độc đáo. Chính quan niệm văn chương như
vậy nên tác giả đã có một cách nhìn sự vật ở một góc độ mới lạ, góc độ của cái đẹp. Vậy
nên, mọi sự vật, hiện tượng trong tác phẩm của ông luôn được soi chiếu ở phương diện văn
hóa, mĩ thuật. Đến ăn uống, cái việc mà thiên hạ coi là tầm thường, không đáng nói trong
văn chương, ông nâng nó lên thành một sự “thưởng thức của tâm hồn”, trí tuệ. Hóa ra
những điều tưởng chừng tủn mủn, lặt vặt kia được Nguyễn Tuân gọi về để làm sống dậy
trong chúng những ý nghĩa có tính tư tưởng cao cả.
Những trang tùy bút của Nguyễn Tuân chứng tỏ ông là một nhà văn từng trải, lịch
lãm, “một cây bút thích la cà, tọc mạch” (Phan Cự Đệ), một con ngươi tỉ mỉ, kỹ tính, đã
nghiên cứu cái gì thì tìm hiểu đến từng chi tiết, con số. Tùy bút Nguyễn Tuân có một lượng
thông tin khá cao vì ông là người sành sỏi việc đời, trí tuệ sắc sảo cộng vào đó là một sự
hiểu biết sâu sắc nhiều ngành nghệ thuật. Ông cũng biết sử dụng luôn cả ngôn ngữ của
nhiều ngành nghệ thuật để làm giàu có thêm cho vốn ngôn từ của mình, nên những trang tùy
bút của ông có sức hấp dẫn thẩm mỹ riêng mà nhiều nhà văn khác không có. Suy cho cùng,
vẻ đẹp những trang tùy bút của Nguyễn Tuân chính là ở phong cách tài hoa, uyên bác, một
phong cách “rất Nguyễn Tuân”.
Ngay cả thú ẩm thực cũng được Nguyễn Tuân nâng lên thành một hiện tượng đẹp và
cảm nhận dưới góc độ một người nghệ sĩ tài hoa. Đó là cụ Ấm, cụ Sáu, cụ Kép… những con
người biết sống thanh cao, ưa nhàn hạ và đặc “biệt biết hưởng thụ, nhấm nháp một cách khá
trịnh trọng trong cuộc đời”. Nguyễn Tuân đã tìm thấy cái đẹp nghệ sĩ trong lối sống của họ.
Đó là một cụ Ấm thích uống trà trong sương sớm và pha trà với thứ nước đọng trên lá sen.
Đó là một cụ Sáu chỉ pha trà với nước giếng chùa Đồi Mai, ngoài ra không pha với bất kỳ
loại nước nào khác. Kia là một cụ Kép để tất cả cái “quãng đời xế chiều” của mình vào việc
chăm sóc một vườn hoa quý hay chỉ thưởng thức kẹo ướp với hoa lan. Ngay cả một gã ăn
mày cổ quái trong Những chiếc ấm đất cũng được Nguyễn Tuân nhìn nhận ở góc độ tài hoa,
nghệ sĩ. Một người mê uống trà đến mức khuynh gia bại sản, phải đi ăn mày, vẫn giữ cho
mình bộ ấm chén độc ẩm. Ăn mày thì xin miếng ăn thiên hạ mà cầm cự nuôi thân, nhưng
ông này thì lại xin miếng uống, xin miếng trà ngon. Những khi xin được ít trà, ông lại xin
luôn ít nước nóng và pha trà một mình. Ông ăn mày uống trà với đầy đủ nghi thức trân trọng
phong lưu và cũng chỉ duy nhất mình ông cảm nhận trong hương trà nhà chủ nhân có lẫn
mùi vỏ trấu. Chỉ có những ai đạt đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật uống trà mới có khả năng
thẩm trà một cách tinh vi như thế. Ngay cả những con người trong lao động, chế biến cũng
được Nguyễn Tuân miêu tả như những nghệ sĩ thực thụ. Đó là cụ Líu, “chuyên viên tột cấp
về giò lụa”, rất sành điệu khi luận về món giò. Đó là các nghệ nhân làng cốm đã kỳ công
sáng tạo để hiến cho đời một món ăn tao nhã mang đậm hương vị Việt Nam…Dù họ là ai,
làm gì nhưng dưới cái nhìn của Nguyễn Tuân, ở họ vẫn toát lên vẻ đẹp của một nghệ sĩ tài
hoa.
Tình yêu cuộc sống kết hợp với sở thích khám phá, tìm tòi, sáng tạo cũng như ý thích
“xê dịch” đã tạo cho mỗi trang viết của Nguyễn Tuân là một kho tàng kiến thức. Đọc văn
Nguyễn Tuân, chúng ta có cơ hội nâng cao tầm hiểu biết của mình về nhiều lĩnh vực: âm
nhạc, hội họa, điện ảnh, võ thuật, ẩm thực…
Tiếp xúc với Hương cuội, Chén trà sương, Những chiếc ấm đất, người đọc thấy
ngồn ngộn những kiến thức liên quan đến thú uống trà và thú chơi hoa lan của các bậc nhà
nho ngày xưa. Không chỉ sành sỏi trong nghệ thuật uống trà (cách pha trà, cách chọn ấm,
cách đun nước, cách quạt lửa, cách chọn bạn uống…), Nguyễn Tuân còn am hiểu luôn các
loại ấm pha trà: Thứ nhất Thế Đức gan gà/ thứ nhì Lưu Bội/ thứ ba Mạnh Thần. Hay khi
viết về thú chơi hoa lan, Nguyễn Tuân cũng tỏ ra là một nghệ nhân sành sỏi khi hiểu rõ đặc
điểm từng loại lan. Đầu tiên, ông liệt kê sự phong phú của các loại lan: Tiểu kiều, Đại kiều,
Nhất điểm, Loạn điểm, Yên tử, Bạch ngọc, Mặc lan, Đông lan, Trần mộng…Sau đó, ông
trình bày luôn đặc điểm một số loại lan:
Tôi tự biết không chăm được lan Bạch ngọc. Công phu lắm, ông ạ. Gió mạnh là gẫy,
nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cánh. Bạch ngọc thì đẹp lắm. Nhưng những
giống nhẹ nhàng ấy thì yểu lắm. Chăm như chăm con mọn ấy. Chiều chuộng quá như con
cầu tự. Lầm lỡ một chút là chúng đi ngay. Những vật quý ấy không ở lâu bền với người ta.
Lan Bạch ngọc hay ưa hơi đàn bà. Trồng nó ở vườn các tiểu thư thì phải hơn.
Giống này khỏe (Mặc lan, Đông lan, Trần mộng), đen hoa và rò đẫy, hoa có khi đậu
được đến nửa tháng và trong mươi ngày, nếu chủ vườn có quên bón tưới, cũng không lụi.
[68, tr.559]
Đọc những trang viết về cốm của Thạch Lam, chúng ta chỉ biết đó là “thức quà đặc
biệt riêng của đất nước” nhưng đọc cốm của Nguyễn Tuân, chúng ta biết rõ nguồn gốc, quá
trình làm cốm, các loại nếp dùng làm cốm, cốm trong thời bình ra sao, cốm trong thời chiến
thế nào…Hãy nghe Nguyễn Tuân miêu tả quá trình làm cốm: “Rang mà giòn quá, giã nó
đướn ra cám hết. Mới rang xong chưa nguội mà giã thì nó dính. Phải giã nhẹn và nhanh
chày, không có sữa hạt nếp nó bết lại (…). Phải giã đủ bảy lượt. Giã không đủ lượt, giã vội
nó đỏ cốm lên. Đủ bảy lượt, cốm mới sạch mới xanh, mới đẹp mặt cốm” [72, tr.867]. Rồi
đến việc chọn nếp làm cốm, Nguyễn Tuân cũng làm ta ngạc nhiên vì sự am hiểu tường tận
về các giống lúa nếp: “Nếp làm cốm ra nhiều giống thật (…). Nào là nếp sớm Bắc nếp sớm
ta, nếp Phùng, nếp Chẩm, nếp mộ. Cuối mùa cốm là thứ nếp dụt, và ngon nhất vẫn là thứ
nếp hoa vàng.” [72, tr.870]. Rất tỉ mỉ và chính xác, Nguyễn Tuân đã cung cấp cho người
đọc một thông tin khá bổ ích về cách rang, giã, chọn nếp làm cốm. Về khía cạnh này,
Nguyễn Tuân không khác một nhà chế biến thực phẩm, một đầu bếp kinh nghiệm. Hay
chung quanh một bát phở, Nguyễn Tuân đã bàn rộng ra biết bao nhiêu là vấn đề bất ngờ:
nào là lịch sử của phở, nào là giá trị mĩ học của bát phở chín, quần chúng tính của phở, nào
là đức tính của phở…, rồi chuyện cái mũ phở, cách đặt tên những hiệu phở… Với ông, ăn
uống không còn là chuyện tủn mủn thường ngày nữa mà được ông nâng lên như một thú
chơi nghệ thuật, một “nét văn minh của tâm hồn dân tộc” ( ý của Lê Quang Trang). Chính
điều này đã góp phần dẫn đến những trang tuyệt tác của Nguyễn Tuân khi nói đến phở, đến
giò, đến trà, đến rượu.
Xét một phương diện nào đó, giọng văn khề khà có thể làm cho người đọc sốt ruột,
mất hứng, nhưng với những tác phẩm viết về ẩm thực của Nguyễn Tuân nó lại phù hợp. Sự
cảm nhận tinh tế, văn phong độc đáo kết hợp với sự tài hoa uyên bác đã lột tả được tất cả
những gì mà ông định nói. Có lúc cần phải so sánh thì ông đối chiếu với Tây Tàu, kim cổ
(Giò lụa), có lúc cần phủ nhận thì ông hài hước nhẹ nhàng (Phở). Lúc nào ông cũng tự tin,
điềm tĩnh thể hiện vốn hiểu biết của mình, bộc lộ suy nghĩ thật của mình. Có những hiện
tượng, đối với những cây bút khác tưởng chừng chẳng có gì đáng nói, nhưng Nguyễn Tuân
thì có thể viết mãi, bàn mãi hết trang này đến trang khác; ông xoay ngang, xoay dọc, nhìn xa,
nhìn gần, khi thì bằng cặp mắt văn học, khi thì bằng con mắt hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc,
vũ đạo hay điện ảnh, khi lại soi bằng cặp kính nhà sử học, nhà địa lí học…
Với phong cách uyên bác, lịch lãm, tùy bút Nguyễn Tuân đã làm say đắm trái tim của
biết bao thế hệ độc giả. Nguyễn Tuân yêu những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, muốn
tìm lại những vẻ đẹp của quá khứ còn vang bóng một thời. Ông mô tả những phong tục đẹp,
những thú tiêu dao hào hoa và trang nhã. Ông cũng đóng góp cho nền văn học mới những
trang viết đầy nghệ thuật ngợi ca quê hương đất nước, đề cao những đóng góp của nhân dân
trong lao động và sản xuất. Đọc những áng văn của Nguyễn Tuân, ta thấy tiếng Việt lấp
lánh mà gần gũi, văn hóa Việt Nam dân dã mà tinh tế, để rồi ta thảng thốt chợt nhận ra
những nét tinh diệu trong văn hóa Việt, để thêm hiểu, thêm thương, thêm yêu và tự hào về
di sản văn hóa mà cha ông đã gửi lại cho cháu con, từ đó có ý thức gìn giữ và bảo tồn những
di sản này.
3.3. Vũ Bằng - một hồn văn nồng nàn, đắm đuối
Với Vũ Bằng, tùy bút là để trao gửi, để hoài nhớ. Cái đã xa tưởng như mất hút, nay
sống lại bằng tâm tình, kể lể, bằng gợi nhớ, bằng miếng ngon quen thuộc. Sức hấp dẫn của
ba tập tùy bút không chỉ ở tình yêu quê hương đất nước thiết tha hay ở những món ngon
đậm hương vị dân tộc mà còn bởi vẻ đẹp riêng, độc đáo của nghệ thuật ngôn từ và giọng
điệu tâm tình, hoài niệm mà chỉ ở tùy bút Vũ Bằng mới có.
3.3.1. Ngôn từ giàu giá trị biểu cảm
Ngôn từ gợi cảm, giàu chất thơ không phải là nét riêng trong tùy bút Vũ Bằng mà là
đặc điểm, yêu cầu chung của thể loại tùy bút. Những ai đã đọc tùy bút của Thạch Lam,
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn… chắc sẽ không quên những câu thơ văn xuôi tài hoa,
say mê lòng người. Cái đặc sắc của Vũ Bằng là ông đã tạo cho tác phẩm những câu văn,
những hình ảnh mang vẻ đẹp độc đáo, mới lạ. Một trong những giải pháp để tạo ra điều đó
là Vũ Bằng sử dụng tối đa và linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa.
Như trên đã nói, biện pháp tu từ là một trong những phương tiện hiệu quả để nhà văn
làm đẹp tác phẩm của mình.Việc sử dụng hiệu quả các biện pháp này làm cho câu văn ngập
tràn hình ảnh thú vị và nâng cao trí tưởng tượng của người đọc. Thông thường, tùy vào yêu
cầu cụ thể của từng tác phẩm mà nhà văn chọn cho mình biện pháp tối ưu để phát huy hiệu
quả nghệ thuật của ngôn từ.
Vũ Bằng là một trong những nhà văn có trí tưởng tượng khá phong phú. Mỗi yếu tố
ngôn ngữ thường được ông “khoác lên một bộ cánh nghệ thuật”, góp phần quan trọng tạo
nên vẻ đẹp đặc sắc cho tác phẩm và gây sự tò mò thú vị đến người đọc. Dưới đây là một số
ví dụ về phép so sánh trong ba tập tùy bút ẩm thực của Vũ Bằng:
(1) Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát lúc nào không biết. [9, tr.
9]
(2) Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như
mầm non cây cối nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti, giơ
tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh. [9, tr.19]
(3) Cái đẹp của trăng tháng giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa
ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỷ. [9, tr.30]
(4) Cái tháng Ba ở Bắc có những ngày huyền ảo như thế đấy. Nếu là người thích ví von,
anh có thể ví tháng ấy với một cô gái có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước. [9, tr.53]
(5) Ăn cháo ám mà thiếu rau cần thì… hỏng, y như thể là vào một vườn mà không thấy
hoa, đi trong mùa xuân mà không thấy bướm. [9, tr.63]
(6) Thiếu vỏ quít, nhất định không phải là rươi nữa, cũng như non thiếu nước, trăng
thiếu hoa, gái thiếu trai. [9, tr.192]
(7)…cái ngon đó (bánh cuốn) nó thoang thoảng như da thịt của một người đàn bà đẹp
vừa gội đầu bằng nước nấu lá mùi. [8, tr.45]
(8) Bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân. [8, tr.32]
(9)…chính vào đến cổ họng, tiết canh mới phát huy được hết thơm ngon của nó, cũng
như một thiếu nữ chỉ phát triển hoàn toàn sau khi đã sinh nở một lần. [8, tr.152]
(10) Cái và nước là hai mâu thuẫn (hẩu lốn) (…) lại hòa hợp với nhau như tiếng chim
loan hòa với tiếng kêu của chim phượng, như trai hòa với gái, như tình nhân trong một phút
yêu thương diễm ảo hòa trộn linh hồn với người tình nhân. [8, tr.165]
(11) Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương
được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai gái như hồng và cốm. [8, tr.67].
(12)… lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên cho khẽ chạm lấy môi ta kiểu một cái
hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất. [8, tr.36]
(13)…gắp thêm một miếng đuông nữa đưa lên môi (…), tôi cảm như hôm đó vừa “làm
một cuộc mạo hiểm diễm kì và mới lạ” với một người thương mới quen biết trong hương
ngát của hoa đồng nội. [8, tr.260]
Đọc kỹ những ví dụ trên, ta thấy cách so sánh của Vũ Bằng đã đem lại nhiều điều thú
vị và bất ngờ.
Điều thú vị đầu tiên là dường như Vũ Bằng không dùng những thành ngữ so sánh
quen thuộc, nghĩa là ông không dựa vào những cái có sẵn, mà luôn khám phá, tìm tòi sáng
tạo những hình ảnh đẹp nhất, gợi cảm nhất để so sánh. Trong ví dụ 1, Vũ Bằng đã biến hóa
những khái niệm trừu tượng thành những đối tượng cụ thể tưởng chừng như nhìn và sờ
được. Ông liên tưởng nỗi sầu đau của người lữ thứ rất mỏng manh, dễ vỡ, dễ nát dù chỉ là
một cái chạm nhẹ. Với sự so sánh bất ngờ, nhà văn đã tạo trong người đọc một cảm xúc
dâng trào và sự thấu hiểu nỗi lòng của những người xa quê. Bên cạnh đó, Vũ Bằng cũng rất
giỏi đưa những hình ảnh cụ thể gợi cảm để đặc tả những cảm xúc tinh thần. Niềm vui, say
mê của người đàn ông Bắc Việt trước vẻ đẹp rạo rực của mùa xuân được nhà văn liên tưởng
đến “máu căng lên trong lộc của loài nai” và mầm non của cây cối “trỗi ra thành những cái
lá nhỏ tí ti, giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh” (ví dụ 2). Những hình ảnh so sánh
ấy không chỉ là khơi gợi mà còn nhúm lên cảm xúc yêu thương, men tình ngây ngất của đôi
lứa yêu nhau.
Những so sánh, liên tưởng của Vũ Bằng không mang nặng tính công thức mà thiên
về những cảm xúc và chất liệu dân gian (Dương Quý Phi làm nũng, Liễu Hạ Huệ ngẩn ngơ
trước cái đẹp, rét tháng Ba bà già chết cóng…). Trong ví dụ 3 và 4, nhà văn đã có những
liên tưởng khá thú vị khi cụ thể hóa vẻ đẹp thiên nhiên với vẻ đẹp “thẹn thùng, nghiêng
nước nghiêng thành” của người thiếu nữ. Trong thế giới nghệ thuật của Thương nhớ mười
hai, quê hương Bắc Việt được miêu tả bằng cảm hứng lãng mạn, bằng tình yêu và nỗi nhớ
nên cảnh sắc thiên nhiên, con người nơi đây đều được mĩ lệ hóa. Đây là điểm mà Vũ Bằng
và Xuân Diệu rất gần nhau. Xuân Diệu cũng viết rất hay những câu thơ có ý nghĩa so sánh
như thế:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
(Vội vàng)
Vũ Bằng và Xuân Diệu đều nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên qua lăng kính của tình yêu,
qua căp mắt của tuổi trẻ, nhờ vậy mà thiên nhiên, cảnh vật đều nhuốm màu tình tứ, tràn
ngập xuân tình. Đó là cái nhìn lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực cho thiên nhiên, quy
chiếu thiên nhiên về vẻ đẹp của giai nhân.
Một nét thú vị và hấp dẫn khác trong cách so sánh của Vũ Bằng là bất ngờ. Có những
vật bình thường, thậm chí là tầm thường trong cuộc sống nhưng đã được nhà văn “thơ hoá”
nhờ hình ảnh so sánh liên tưởng bất ngờ, qua lối cảm nhận rất tình tứ, lãng mạn. Vốn xem
chuyện ăn uống cũng là văn hóa, nghệ thuật nên khi viết về món ăn, Vũ Bằng không ngại
khi liên tưởng đến những hình ảnh rất thơ, rất mộng. Nhiều món ăn dân giã được nhà văn
quan sát tỉ mỉ và ông so sánh việc hoà phối các gia vị trong món ăn cũng thật độc đáo: món
rươi mà thiếu vỏ quýt thì sẽ như “non thiếu nước, trăng thiếu hoa, gái thiếu trai”. Còn nếu
“ăn cháo ám mà thiếu rau cần thì… hỏng, y như thể là vào một vườn mà không thấy hoa, đi
trong mùa xuân mà không thấy bướm”…Như vậy, ta thấy, vế so sánh là sự tương hợp
hương vị của các món ăn (vỏ quít và rươi, cháo ám và rau cần), còn vế được so sánh là sự
hòa hợp không thể tách rời của hai vật thể. Vũ Bằng đã khéo léo, tinh tế trong cách liên
tưởng, tạo cho người đọc hiểu được vẻ đẹp, ý nghĩa và giá trị chất chứa trong những món ăn
của quê hương xứ sở. Đó cũng chính là cách tôn vinh văn hóa ẩm thực của tác giả.
Có lẽ một trong những nét hấp dẫn, thú vị nhất trong cách so sánh của Vũ Bằng là sự
độc đáo. Độc đáo vì nó lạ, “không đụng hàng”. Vậy thì, yếu tố nào đã tạo nên sự độc đáo
này? Chính nhờ sự nhạy cảm, sự quan sát tinh tế kết hợp với khả năng liên tưởng phong phú
và biệt tài kết ghép của tác giả.
Khi viết về ẩm thực (khi ăn hay ngắm món ăn), Vũ Bằng luôn liên tưởng đến tình
yêu trai gái (hay liên tưởng đến những dáng, nét rất cụ thể của các cô gái.). Trong ba tập tùy
bút, nhà văn phát huy tối đa cách so sánh này để vừa có khả năng cụ thể hóa, liên tưởng hóa
cảm giác, vừa tạo nên vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo cho ngôn từ tác phẩm.
Thứ nhất, đó là sự so sánh hương vị, sự hấp dẫn của món ăn với dáng vẻ, vẻ đẹp của
người phụ nữ.
Từ xưa đến nay, vẻ đẹp người phụ nữ luôn là đề tài hấp dẫn cho các nghệ sĩ. Chúng
ta không thể quên một nàng Mona Lisa xinh đẹp trong bức họa nổi tiếng của Leonardo Da
Vinci, một Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân hay một nàng Kiều tài sắc của Nguyễn
Du... Vẻ đẹp của người phụ nữ là chuẩn mực, gợi cảm nên thu hút những ai yêu cái đẹp, yêu
nghệ thật. Vũ Bằng không ngoại lệ, với ông, ăn uống cũng là một nghệ thuật nên ông cũng
biết tìm đến vẻ đẹp của người phụ nữ để liên tưởng, so sánh. Tuy nhiên, với ông, bên cạnh
vẻ quyến rũ mà tạo hóa ban cho người phụ nữ, cuộc sống còn ban tặng cho con người vẻ
đẹp và sự hấp dẫn của những thức quà ngon, song vẻ đẹp người phụ nữ vẫn là chuẩn mực để
hướng đến nên nhà văn đã so sánh hương vị, sự hấp dẫn của món ăn với dáng vẻ, vẻ đẹp của
người phụ nữ. Điều này đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt cho những trang văn ẩm thực của
Vũ Bằng.
Xét ví dụ 7, 8, 9 ta thấy công thức chung của hướng so sánh này là: vế so sánh là
những thức quà ẩm thực (phong vị của bát phở gà, hương vị thoang thoảng của bánh
cuốn…), vế được so sánh là vẻ đẹp của người phụ nữ (phong vị của một nàng con gái thanh
tân, da thịt của người đàn bà đẹp vừa tắm gội…). Vẻ đẹp người phụ nữ sẽ được khai thác ở
nhiều phương diện khác nhau cho phù hợp với hương vị của từng món ăn. Tuy nhiên, khi
không hài lòng với thức quà nào đó, tác giả sẽ gắn thức quà ấy với sự vô duyên, tẻ nhạt của
người phụ nữ: “mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và cải cúc chẳng khác nào
người đàn bà đẹp mà vô duyên, tẻ lắm…”
Thư hai, đó là so sánh cảm giác khi thưởng thức món ăn với cảm giác rung động
trong tình yêu. Vũ Bằng là một thực khách sành điệu, với ông, miếng ăn phải được ăn trước,
nó thỏa mãn sự vồ vập của người thích ăn, nó làm cho “ngũ quan bừng tỉnh và náo nức như
ngày hội” (Văn Giá). Vậy nên, khi được thưởng thức một món ngon, ông luôn tìm sự tương
đồng giữa cảm giác được ăn với cảm giác thăng hoa, bay bổng trong tình yêu: một miếng
bánh cuốn chạm vào môi như một cái hôn yêu trong buổi trao duyên lần đầu, ăn một bữa
rươi trái mùa chẳng khác nào được hưởng ân tình với người đẹp ở một nơi u tịch (ví dụ 6,
7).
Thứ ba, đó là so sánh sự hòa hợp hương vị của món ăn với sự quấn quýt, hòa hợp của
trai gái. Món thanh tao như cốm và hồng, ông nhắc “những cuộc tình duyên tươi đẹp”, “đôi
lứa tốt đôi”; phần nước và cái của hẩu lốn ông lại liên tưởng “như tình nhân trong một phút
yêu thương diễm ảo hòa trộn linh hồn với người tình nhân” (ví dụ 10, 11)…
Với Vũ Bằng, sử dụng độc đáo biện pháp so sánh là dịp để ông thể hiện tài năng của
mình. Những cách so sánh này được nhà văn sử dụng dày đặc trong ba tập tùy bút viết về
ẩm thực, nó không tạo sự nhàn chán cho người đọc mà ngược lại, luôn tạo ra sự thích thú
cùng tiếng cười nhẹ nhàng thoải mái. So với những trang văn ẩm thực của Thạch Lam,
Nguyễn Tuân, có lẽ đây là điểm đặc biệt nhất mà chỉ Vũ Bằng mới có. Cái đẹp của phương
tiện nghệ thuật đã tạo cái đẹp cho tác phẩm.
Bên cạnh nghệ thuật so sánh, nghệ thuật nhân hóa cũng được tác giả phát huy tối đa
trong ba tập tùy bút này. Nếu nghệ thuật so sánh đem lại sự gợi cảm thì nhân hóa tạo cái
tình, cái hồn cho sự vật. Vũ Bằng làm sự vật trở nên sống động, giục giã lòng người bằng
những hình ảnh lãng mạn và đầy cảm xúc. Thiên nhiên được nhìn nhận với vẻ đẹp mĩ miều,
đa tình, đầy sức sống: “Trăng tháng giêng non như người con gái mơn mởn đào tơ”, “trăng
giãi trên đường thơm; trăng cài trên tóc ngoan của những khóm tre xào xạc; trăng thơm
môi mời đón của dòng sông chảy êm đềm; trăng ôm lấy những bộ ngực xanh của những trái
đồi” [9, tr.162]. Ngòi bút tinh tế, nhạy cảm của nhà văn khiến cho trăng trở thành một tình
nhân đa cảm, quyến rũ lạ lùng. Cả cái rét tháng Ba cũng được nhà văn nhân hóa như “người
đẹp đang làm nũng”. Có lẽ cũng không ngẫu nhiên mà vẻ đẹp tháng Ba lại ám ảnh nhà văn
từ vẻ đẹp của tình cảm vợ chồng, bởi vì bản thân người viết đang phải chia lìa người vợ hiền
mà ông rất mực yêu thương. Bởi thế chăng nên mỗi câu văn đều tràn ắp thương nhớ? Có thể
nhận thấy một khả năng liên tưởng phóng túng tạo bất ngờ của Vũ Bằng qua lối cảm nhận
rất tình tứ lãng mạn này. Ai mà không yêu vẻ đẹp của cây cỏ đất trời, không cảm nhận được
bước đi của thời gian, khó có những nhận xét táo bạo thế này: “thời tiết sao mà đĩ thế?”
Luôn nhìn nhận sự vật trong trạng thái có hồn, sống động, nên ngay cả những món
ăn cũng được nhà văn thổi vào một sức sống mới. Sự hòa hợp của các món ăn được ông
nhìn nhận như tình duyên của con người: “hồng thì có cốm đẹp duyên, bưởi thì có bồng ân
ái, gió bấc có mưa phùn, cam vàng có quít xanh, ăn cái món rươi thế nào cũng phải có vỏ
quít mới dậy mùi” [9, tr.187] hay “lòng vịt với dứa hình như có duyên nọ với nhau từ kiếp
trước cho nên lòng vịt xào với dứa ăn ý nhau lạ lùng” [9, tr.124]. Hãy nghe tác giả miêu tả
đời sống của Rươi “còn công tử rươi, cũng nhân dịp đó trưng bảnh với chị em, tha hồ mà
tán tỉnh, tha hồ mà gạ gẫm, nhưng họ không phải mất công gì cho lắm vì rươi cũng như
mình hiện nay có cái nạn…trai thiếu, gái thừa” [8, tr.82]. Nghệ thuật nhân hóa của Vũ Bằng
không đem lại sự gượng gạo, thiếu tự nhiên mà luôn tạo ra sự hóm hỉnh, vui tươi.
Ẩn dụ giúp ngôn ngữ thoát khỏi sự tầm thường, đem cái lạ vào ngôn ngữ, tạo hình
ảnh và đồng thời đem đến cho ngôn ngữ một chiều sâu. Với Vũ Bằng đó là cách để nhà văn
nhìn cuộc sống, con người. Một con người tinh tế, nhạy cảm như Vũ Bằng luôn nhìn sự vật
bằng cặp mắt đa tình. Thiên nhiên sinh động được miêu tả trong bầu trời “khéo đa tình”, với
vẻ đẹp “nõn nường, diễm tình bát ngát”. Ngay cả những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt
đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm cũng trở nên đẹp và đáng yêu lạ thường. Cái rét ở
miền Bắc được Vũ Bằng gọi là “hoa rét”: “Hoa rét còn đọng ở lộc cây, ngọn cỏ”,“đến
tháng này thấy hoa rét trở về”. Rõ ràng, đấy là cái nhìn tin yêu, mê say của một tâm hồn
lãng mạn, yêu đời. Sau những hình ảnh ẩn dụ ấy là tình yêu đắm say của Vũ Bằng với quê
hương, với thiên nhiên Bắc Việt.
Những biện pháp tu từ dưới ngòi bút của Vũ Bằng là một phương tiện nghệ thuật đắc
dụng. Bằng tài năng của mình, Vũ Bằng đã biến những cái tưởng chừng như tầm thường
thành những yếu tố mang tính nghệ thuật cao. Tất cả vừa quyến rũ, vừa rất đỗi thân quen, có
sức cuốn hút làm đắm say lòng người.
3.3.2. Giọng điệu tâm tình, hoài niệm
Giọng điệu là một trong những yếu tố quyết định sự hấp dẫn của tác phẩm và góp phần
tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn là nhà sáng tạo ngôn từ, nó được cá thể
hóa đến mức trở thành giọng điệu riêng của từng người.
Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như
trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng
điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Chúng ta không thể quên một Nguyễn Công Hoan hài
hước, châm biếm; một Nam Cao lạnh lùng mà xót xa; một Vũ Trọng Phụng trào phúng sâu
cay; hay một Nguyên Hồng thống thiết yêu thương…
Ấn tượng đầu tiên khi đọc ba tập tùy bút ẩm thực của Vũ Bằng là giọng điệu thủ thỉ,
tâm tình, hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối của người lữ khách tha phương. Đặc điểm của
loại giọng điệu này cho phép nhà văn thổ lộ tình cảm, bộc lộ nỗi lòng mình đối với con
người và cuộc sống. Đồng thời, nó cũng thể hiện được nỗi bâng khuâng, trăn trở của nhà
văn khi nhớ về những kỷ niệm xưa.
Giọng điệu này xuất hiện với tần số cao trong cả ba tập tùy bút đặc biệt là Thương
nhớ mười hai và Món ngon Hà Nội. Những câu văn có chất thơ, chất nhạc chính là khúc
nhạc lòng mà nhà văn muốn gửi gắm về phương Bắc, nơi đã chôn giấu biết bao kỷ niệm
trong bốn mươi năm đầu đời của ông. Không ồn ào, phô diễn, giọng văn của Vũ quân dung
dị mà sâu lắng, gợi trong lòng người đọc sự bâng khuâng, trăn trở và nồng nàn tình người.
Với giọng văn thủ thỉ, tâm tình, hoài niệm, tác giả cho phép mình sử dụng nhiều điệp
từ, điệp ngữ, câu cảm thán, câu hỏi tu từ, lời gọi đáp… để biểu lộ cảm xúc. Vũ Bằng là một
con người thành thật, không bao giờ giấu giếm tình cảm, cảm xúc của mình mà bộc lộ
nguyên vẹn như nó vốn có. Trong những tháng ngày xa quê, chính những lúc hoài niệm,
tâm tình với vợ con, người thân, bạn bè đã có tác dụng sưởi ấm tâm hồn, tâm trạng chồng
chéo những suy tư của ông.
Đầu tiên, đó là sự hoài niệm về quê hương với nỗi nhớ chất chứa và tràn đầy. Giọng
văn vừa nhẹ nhàng, vừa đắm đuối, vừa đầy tâm sự yêu thương được gợi ra bằng hàng loạt
câu văn buông lơi, mềm mại: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì
của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của
người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ
quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của
bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn
Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống” [9, tr.12].
Đoạn văn giàu chất thơ, như khúc nhạc lòng buông ra mênh mang, mênh mang.
Những câu tràn ngập nỗi nhớ buông lơi như tiếng thở nhẹ khơi gợi dòng suy nghĩ bâng quơ
cho người đọc. Giọng điệu trữ tình đằm thắm dịu nhẹ ấy là của Vũ Bằng.
Để cụ thể hơn giọng điệu hoài niệm, tâm tình, Vũ Bằng hay sử dụng lối điệp từ, điệp
ngữ. Những từ ngữ thường hay lặp lại nhiều nhất là: nhớ, yêu, thương, anh, ở đây, bây giờ,
ngày xưa…, trong đó từ “nhớ” được sử dụng khá linh hoạt, như một điệp khúc. Trong tác
phẩm Thương nhớ mười hai (tính luôn lời đề tặng), có tới 272 lần nhà văn dùng từ “nhớ”
với nhiều dáng vẻ và sắc thái biểu cảm khác nhau (nhớ đến, nhớ ngay đến, nhớ lại, nhớ về,
nhớ thương, thương nhớ, tiếc nhớ, nhớ tiếc, nhớ nhung, sầu nhớ, nhớ ra, nhớ nhất, nhớ da
diết, nhớ day dứt, nhớ ơi là nhớ, nhớ sao nhớ quá, nhớ quá chừng là nhớ…). Chính các từ
ngữ thường xuyên lặp lại ấy tạo cho những trang viết của Vũ Bằng thêm du dương, mềm
mại, đằm thắm, da diết hơn và có tác dụng khắc sâu nỗi nhớ, một nỗi nhớ se sắt của người
xa quê luôn hướng về quê.
Trong ba tập tùy bút, có đến hơn 20 lần nhà thơ bật lên những lời tâm tình trong tâm
trí hướng về người thân bạn bè, đặc biệt là hướng về người vợ mang tên Quỳ:
(1) Em ơi, em ơi, nhắc lại như thế thì nhớ quá. Nhớ cũng đúng vào cữ tháng ba như
thế này, vạn năm đã xa xôi, chúng ta cùng nhịn đói đi xem tung còn mà bụng thấy no, phải
không Quỳ? [9, tr.66]
(2) Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu? Tại cái xứ có nhiều loại kèn xe hơi cực kì tối tân này,
em có biết rằng người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa
tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng con chim tu hú, đều
mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú ở đâu mà kêu to như thể ở phía bên tai ta vậy?
[9, tr.86]
Những lúc như thế là nhà văn đang chìm đắm trong nỗi nhớ, đang bay bổng trong cõi
mơ. Nhìn hiện tại mà nhớ đến quá khứ, đó là những quá khứ đẹp đầy ắp kỉ niệm với hình
ảnh người vợ “tấm mẳn” mà ông hết lòng yêu thương, trân trọng. Hoài niệm đã xáo trộn
thời gian, biến hiện tại thành quá khứ. Sống trong lòng miền Nam mà ông cứ ngỡ đang ở
Bắc Việt thân yêu, để rồi nhìn con người và sự vật nơi đây đều mang bóng hình quê hương.
Đây là một nét đậm, một nhịp mạnh trong tùy bút Vũ Bằng.
Tâm tình, hoài niệm là hành trang của nhà văn nơi đất khách quê người. Thậm chí,
hành trang ấy có khi trở thành một gánh nặng. Nỗi nhớ quê hương đè nặng tâm hồn người lữ
khách, trở thành nỗi nhớ da diết, xót xa:
(3) Em yêu ơi, sống là tin tưởng và chờ đợi, nhưng biết rằng mái tóc người ta có còn
xanh mãi được chăng? (…) Nhưng thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được
đâu? Tại sao không chịu yên vui với hiện tại, tiếc nuối làm gì vô ích? Lịch sử không đứng
yên một chỗ bao giờ. Cái đã đi là cái đã mất. Đành vậy. Lấy hiện tại so sánh với quá khứ, e
bị chủ quan mà có sự bất công [9, tr.13].
Đoạn văn vừa là lời tâm tình trong tâm tưởng với người vợ yêu thương, vừa là tự vấn
chính mình. Những câu hỏi dồn dập là sự trăn trở, suy tư của của tác giả về cuộc đời. Dẫu
biết rằng con người không thể sống mãi với quá khứ nhưng những kỷ niệm về quê hương cứ
đeo đẳng, bám riết người lữ thứ, để rồi trong cơn mê, người con chung tình ấy lại trở về với
đất mẹ yêu thương.
Đặc biệt, những đoạn văn hoài niệm về những món ăn, đầy những lời thiết tha,
thương mến. Ngôn ngữ, có một lúc đã thành những cung bậc để ngân nga, để réo rắt trong
lòng người xa xứ: “Nỗi sầu Hà Nội làm cho lòng người ta rã rời se sắt. Lúc đó, mặc hết cả,
người ta chỉ còn biết cầm lấy cái gậy mà đi ngay đi đến bất cứ chợ quê nào cũng được,
miễn là có hàng bánh cuốn để ngồi sà xuống một cái ghế nào đó ăn một đĩa bánh xem có
thể vơi được phần nào sự thèm khát miếng ngon Hà Nội không...”[9, tr.35].
Với Vũ Bằng, miếng ngon bao giờ cũng gắn với kỷ niệm, mà kỷ niệm có khi an ủi
lòng người, vì vậy, sống trong hiện tại nhiều ngang trái, bao giờ ông cũng ngoái lại với quá
khứ để nhấp nháp hương vị của những miếng ngon ngày xưa. Ở đó, hương vị của những
miếng ngon khiến cho lời tâm tình, thủ thỉ của ông khi thì nồng nàn tha thiết, khi thì sôi nổi,
vui vẻ. Ngược lại, những miếng ngon càng ngon hơn qua sự chia sẻ tận tình, chu đáo của
nhà văn. Cứ thế, Vũ Bằng luận miếng ăn trong hoài niệm, trong nhớ nhung:
Này mình, em đố vào tháng hai này, xứ sở mình còn có gì đặc biệt nữa nào?
(…) À đúng rồi, cá anh vũ mùa này béo, ăn chả cá thì tuyệt trần đời.
Người vợ vừa đích than ngồi quạt chả ở ngoài sân vừa nói chuyện với chồng đương
nhắm nhót một ly rượu sen Tây Hồ:
- Đây, cá anh vũ Việt Trì đây. Chả cá phải ăn cá này mới được…[9, tr.46].
Những lời tâm tình trực tiếp với vợ được nhà văn hồi tưởng lại nghe thật ấm áp và
hạnh phúc nhưng nếu đặt trong hoàn cảnh thực của tác giả sao nghe ngậm ngùi, xót xa.
Những món ngon hiện lên trong tâm tưởng thông qua những lời lẽ tâm tình thủ thỉ cũng
chính là nỗi niềm, khát vọng của nhà văn được trở về quê hương, được “nhúng toàn bộ con
người mình vào nền văn hóa truyền thống Bắc bộ”. Đó là ước mơ, khát vọng chân chính của
một con người vẹn nghĩa chung tình.
Không chỉ trò chuyện, tâm tình với những người thân trong tưởng tượng, đôi khi Vũ
Bằng còn tạo cho người đọc cảm giác ông đang tâm tình, thủ thỉ với chính mình, rằng mình
đang tham gia trực tiếp vào câu chuyện của ông. Những lúc như thế, nhà văn hay dùng đại
từ “ai” phiếm chỉ một cách vu vơ, hay xưng “tôi” nhưng không gọi tên người đối diện tưởng
tượng,
(1) Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước mà biểu dương được tinh
thần của những cuộc nhân duyên giữa trai và gái như hồng với cốm. [8, tr.67]
(2) Hỡi các bà nội trợ lưu tâm đến miếng ăn ngon cho chồng con! Hãy gọi hàng cốm
lại mà mua ngay lúc cốm hãy còn tươi, kẻo cuối buổi thì kém dẻo kém ngọt, phí của trời đi
đấy! [8, tr.71].
(3) Gắp một miếng thịt đó, đừng ăn vội hỡi người háu ăn ơi! Cứ từ từ chầm chậm để
làm khổ ông thần khẩu đã! Anh đưa miếng chả lên trước mắt mà xem: miếng thịt cứ săn lại
như thịt một người lực sỹ, mà bóng nhễ bóng nhại một cách mới lành mạnh làm sao! Nó
thơm quá đi mất thôi anh ạ! [8, tr.137].
(4) Nếu tôi có lầm, xin cô Năm, cô Sáu, cô Bảy, cô Tám, cô Chín, cô Mười cứ chỉ dạy
cho tôi: rượu nếp bắp làm bằng gạo lứt, loại nếp cái chưa giã, còn cơm rượu thì làm bằng
nếp trắng; riêng hai cái nếp đã khác nhau rồi, và cái ngon, cái bùi của hai thứ đó cố nhiên
là đã khác biệt hẳn nhau [9, tr.105].
(5) Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng một mấy mươi năm nay ở Bắc Việt
trời có rét lắm không…[9, tr.227].
Đối tượng độc giả được Vũ Bằng tâm sự, kể lể rất đa dạng. Có thể đó là những người
cùng cảnh ngộ với ông, có thể là những bà nội trợ khéo tay hay làm, hay đó là cô cô Năm,
cô Sáu, cô Bảy, cô Tám… nào đó. Cách trò chuyện, tâm tình như thế tạo sự thân mật, gần
gũi giữa nhà văn và người đọc.
Trở lại cuộc đời Vũ Bằng ta thấy ông là nhà văn có số phận vào loại “éo le”, bi kịch
nhất trong các nhà văn Việt Nam hiện đại. Vì chiến tranh, nên ông phải bỏ vợ con, quê
hương vào định cư tại Sài Gòn với vai trò là chiến sĩ tình báo cách mạng nhưng phải chịu
mang tiếng là phản quốc. Những ngày gửi thân nơi đây, ông luôn khắc khoải nhớ thương
quê hương Bắc Việt, nơi chất chứa biết bao kỷ niệm trong bốn mươi năm đầu đời. Cũng như
bao người khác, ông hy vọng sau ngày đất nước thống nhất sẽ được một lần về thăm quê
hương, đoàn tụ gia đình nhưng không ngờ cuộc đời thay đổi, niềm hy vọng ấy trở thành nỗi
tuyệt vọng khi hay tin người vợ mà ông hằng yêu thương, bà Nguyễn Thị Quỳ đã qua đời
(1967). Đọc tác phẩm của Vũ Bằng, người ta thấy có một cái gì đấy rất đỗi thiêng liêng,
thấm thía khi hiểu đó chính là tâm sự “ngày Nam đêm Bắc” như tiếng con đỗ quyên khắc
khoải nhớ thương nước cũ. Những tập tùy bút là hoài niệm, hồi tưởng của nhà văn về quê
hương Bắc Việt thân yêu bằng một hồn văn trữ tình đắm đuối, được viết khi “Vũ Bằng lạc
lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội” (Tô Hoài).
Những lí do ấy giải thích vì sao nét riêng trong các tập tùy bút của Vũ Bằng xuất hiện hình
ảnh người lữ thứ. Người lữ thứ ấy ghi lại cảm xúc, nỗi buồn nhớ của mình bằng một giọng
điệu tâm tình, thủ thỉ, thỉnh thoảng lại xen tiếng thở dài.Vì được viết bằng giọng điệu tâm
tình, hoài niệm nên những trang ký Vũ Bằng có sức hút và sức ám ảnh kỳ lạ. Những ví dụ
trên là minh chứng cho điều đó. Ai dã từng đọc Vũ Bằng sẽ không quên những tâm sự của
ông thông qua giọng điệu thủ thỉ, tâm tình. Ẩn sau giọng điệu ấy là một ước mơ cháy bỏng
được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.
KẾT LUẬN
1. Ngày nay, khi xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống thay đổi thì nhu cầu ẩm thực
cũng được quan tâm đáng kể. Hầu như tờ báo, tạp chí nào cũng đề cập đến văn hóa ẩm thực,
vấn đề cốt lõi của cuộc sống. Điều này chứng tỏ văn hóa ẩm thực đã phổ biến đến toàn dân,
toàn xã hội. Ẩm thực không chỉ mang giá trị vật chất mà nó còn chứa đựng giá trị tinh thần
và được nâng lên thành một hiện tượng văn hóa, vẻ đẹp nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên
mà Thạch Lam nói rằng: “muốn biết rõ một thành phố, không cần phải biết những lâu đài
mỹ thuật, những nhà bảo tàng, những tờ báo hay những nhà văn, nhưng cần phải biết
những chốn mà dân thành phố ấy ăn chơi. Ăn và chơi, phải, đó là hai điều hành động mà
trong ấy người ta tỏ rõ cái tâm tình, cái linh hồn mình một cách chân thực nhất…. Và nhất
là những thức mà họ ăn ...Bảo cho tôi biết ăn gì, tôi sẽ nói anh là người thế nào” [37,
tr.423]. Như vậy, mọi mặt đời sống thường nhật, tính cách con người, văn hóa, tri thức...
đều được phản ánh qua ẩm thực. Đôi khi, qua cái ăn, con người còn bộc lộ những cách nghĩ,
cách cảm về cuộc đời...
2. Nói đến văn học thế kỷ XX viết về “phong cách ăn” Việt Nam, không ai quên
được các nghệ sĩ tài hoa Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Có thể nói, Thạch Lam là
người đầu tiên đưa món ăn vào văn hóa Hà Nội, và khuynh hướng này trở thành một
“trường phái” với Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và những người viết sau như Băng Sơn, Mai
Thảo..., tất cả đều ít nhiều chịu ảnh hưởng Thạch Lam. Tuy nhiên, mỗi nhà văn đều có con
đường riêng, giọng điệu riêng. Tiếp cận văn hóa ẩm thực, nếu Thạch Lam chú ý đến “không
gian văn hóa” quây quanh người bán, người ăn, người làm món ăn, thức ăn, khung cảnh;
Nguyễn Tuân quan tâm phương diện kĩ thuật và nâng phương diện kĩ thuật lên thành
phương diện mỹ thuật, phương diện của cái đẹp (theo nhà phê bình Phan Ngọc) thì Vũ Bằng
lại ca ngợi sự tinh tế của các món ăn với sự khoái khẩu của người thưởng thức, hưởng thụ.
Dù các nhà văn có cách tiếp cận và mô tả món ăn khác nhau, song điểm gặp nhau lớn nhất
là ở chỗ cả ba đều tự hào, trân trọng, ngưỡng mộ văn hóa ẩm thực nổi tiếng nhã lịch, thanh
tao của người Việt; qua những món ăn ấy thấy được “cá tính Việt, tâm hồn Việt” với tất cả
những nét đặc sắc và tinh tế của Hà Nội, rộng ra là của dân tộc và đất nước.
Ấn tượng đầu tiên về thế giới ẩm thực của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng là sự
phong phú và đa dạng về số lượng, hương vị thức quà. Thông qua những trang viết, người
đọc hình dung gần như trọn vẹn về nền ẩm thực phong phú của dân tộc với hơn 500 thức
quà đặc trưng của hai miền Nam, Bắc. Ấn tượng tiếp theo là cách nhà văn khéo léo giới
thiệu, dẫn dắt người đọc tìm hiểu nguồn gốc, nguyên vật liệu, cách chế biến, cách thưởng
thức, ngay cả quá trình lịch sử của từng món ngon. Đôi khi, họ còn tạo cho chúng ta cả cảm
giác thích thú, thèm thuồng, muốn thưởng thức ngay những thời trân của dân tộc. Tuy nhiên,
đó không phải là điều cốt yếu mà tác giả muốn gửi đến người đọc, mà quan trọng hơn là
thông qua bức tranh ẩm thực ấy người đọc nhận ra giá trị tinh thần, giá trị văn hóa truyền
thống của ẩm thực Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng. Bên cạnh đó, tác phẩm còn
giúp ta hiểu thêm những câu chuyện về cuộc sống, con người và những tâm sự chân tình mà
các nhà văn gửi gắm trong đó, đặc biệt với Vũ Bằng, con người luôn mang tâm trạng “ngày
Nam đêm Bắc”. Nhưng vượt lên trên hết, người ta thấy cái đẹp, cái cao cả trong nét ẩm thực
chung ấy chính là tình người thân thương, là tình yêu tha thiết những tên đất, tên làng gắn
với mỗi vùng, miền của Tổ quốc, tạo nên cái đẹp vĩnh cửu của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
3. Thông qua khả năng quan sát tinh tế, nhạy cảm và cách “thưởng thức” độc đáo,
các nhà văn đã đem đến cho người đọc cách tiếp cận mới về văn hóa ẩm thực, tạo nên diện
mạo đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Văn phong giản dị mà tinh tế về chất liệu ngôn từ, đã
tạo nên những trang viết đậm chất thơ, tỏa sáng một xúc cảm thẩm mỹ diệu kỳ. Tuy nhiên,
để viết nên những áng văn đầy quyến rũ, gợi cảm ấy, cả Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ
Bằng đều tạo cho mình một phong cách, giọng điệu riêng. Nếu người đọc khâm phục,
ngưỡng mộ sự lịch lãm, tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân, thì lại say mê với sự nhạy cảm,
tinh tế của Thạch Lam và thích thú trước sự hóm hỉnh nhưng chân thật, tha thiết của Vũ
Bằng. Xuất phát từ những đặc điểm riêng đó nên cả ba, thông qua món ăn quê hương, đã để
lại cho di sản văn hóa ẩm thực những áng văn bất hủ. Bởi thế, có những món ăn Hà Nội đẹp
như bài thơ trữ tình hay những món ăn Sài Gòn đậm chất hoang dã, đẹp muôn màu muôn vẻ.
Vượt qua khuôn khổ của giá trị văn học, những áng văn ấy trở thành một tài liệu quý giá
cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc đặc biệt là văn hóa ẩm thực
Việt Nam.
4. Trên con đường hội nhập và giao lưu văn hóa, chúng ta có nhiệm vụ khôi phục,
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam. Những
Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng đã có những trang sách chan chứa yêu mến và tâm hồn
say đắm về những món quà Việt Nam, đặc biệt là quà Hà Nội, như nét văn hóa đáng trân
trọng bảo tồn. Tuy nhiên, ý thức gìn giữ nét văn hóa ấy hiện nay không còn đủ mạnh như
trước nữa mà đang có nguy cơ bị mai một trước những xô bồ, nhốn nháo và lai căng. Vì thế,
tìm về nguồn cội để bảo tồn truyền thống văn hóa là ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt
Nam yêu nước chân chính.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam mãi mãi là một nét son của nơi đã và đang “lắng hồn núi
sông ngàn năm”. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, thế hệ chúng ta và sau nữa cũng sẽ noi
gương tổ tiên, biết hội nhập văn hóa ẩm thực với khu vực, với thế giới nhưng cũng biết giữ
gìn và phát huy bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam.
5. Vẻ đẹp văn hóa ẩm thực Việt Nam không chỉ thể hiện trong những trang văn của
Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng mà còn tập trung khá nhiều trước và sau các ông, đang
chờ sự khám phá, tìm tòi của những công trình nghiên cứu quy mô hơn. Trong sự cố gắng
của người thực hiện, đề tài mới chỉ là bước đi ban đầu, tất nhiên không tránh khỏi thiếu sót.
Vì thế, người viết rất mong được sự góp ý, bổ sung chân thành của quý thầy cô và những ai
đang quan tâm đến vấn đề này.
DANH MỤC THAM KHẢO
1. Hoài Anh (1996), Thạch Lam trong những trang văn xanh màu cốm non, TC Văn
số 6, TP. Hồ Chí Minh.
2. Vũ Tuấn Anh, Lê Dục Tú (Tuyển chọn và giới thiệu) (2007),Thạch Lam về tác gia
và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội .
3. Huỳnh Công Bá (2008), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4. Nguyễn Thị Bảy (2000), Quà Hà Nội ( Tiếp cận từ góc nhìn văn hóa ẩm
thực), Viện văn hóa và Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
5. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập I, Nxb Văn học, Hà Nội .
6. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập II, Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập III, Nxb Văn học, Hà Nội.
8. Vũ Bằng (2002), Miếng ngon Hà Nội và Món lạ miền Nam, Nxb Văn hóa thông tin,
Hà Nội .
9. Vũ Bằng (2006), Thương nhớ mười hai, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
10. Vũ Bằng, Mai Khôi, Băng Sơn, Thượng Hồng (biên khảo và sáng tác)(2002), Văn
hóa ẩm thực Việt Nam (3 tập), Nxb Thanh niên, Hà Nội.
11. Trần Văn Bính (2003), Văn hóa Thăng Long Hà Nội hội tụ và tỏa sáng, Nxb Chính
Trị Quốc Gia, Hà Nội.
12. Nguyễn Nguyệt Cầm (2006), Giáo trình văn hóa ẩm thực, Nxb Hà Nội.
13. Hà Minh Châu (2009), Văn hóa dân tộc trong văn xuôi Vũ Bằng, Chuyên đề tiến sĩ.
14. Hà Minh Châu (2009), Đóng góp của văn xuôi Vũ Bằng, nhìn từ góc độ thể loại và
ngôn ngữ, Chuyên đề tiến sĩ.
15. Phan Cự Đệ (2002), Văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb Văn học, Hà
Nội .
16. Phan Cự Đệ (chủ biên) (1988), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 29A, Nxb KHXH,
Hà Nội
17. Chu Xuân Diên (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.
18. Vu Gia, Thế Lữ, Vũ Ngoc Phan (2000), Thạch Lam và cái đẹp, Nxb Văn hóa thông
tin, Hà Nội
19. Văn Giá (2000), Vũ Bằng bên trời thương nhớ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội .
20. Văn Giá (sưu tầm, tuyển chọn) (2002), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời,
Nxb…
21. Nguyễn Thị Hồng Hà (2004), Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, Luận án tiến sĩ, ĐH
KHXH & NV, Tp. HCM.
22. Thái Hà (sưu tầm, tuyển chọn), Những áng văn ẩm thực (2001), Nxb Văn hóa thông
tin, Hà Nội.
23. Lê Thị Đức Hạnh (1993), Mấy nét về màu sắc dân tộc trong sáng tác Thạch Lam,
Tạp chí Sông Hương số 6.
24. Tô Hoài (2000), Chuyện cũ Hà Nội, Nxb Hà Nội.
25. Tô Hoài (1992), Cát bụi chân ai, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
26. Nguyễn Bá Hoàn (1999), Ẩm thực phương Nam, TC Văn hóa nghệ thuật ăn uống số
1.
27. Phạm Đình Hổ (1989), Vũ trung tùy bút, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
28. Xuân Huy (sưu tầm và giới thiệu)(2000), Văn hóa ẩm thực và các món ăn Việt Nam,
Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
29. Nguyễn Thị Lan Hương (2009), Ẩm thực trong tùy bút Vũ Bằng, Luận văn thạc sĩ,
ĐHSP, Tp. HCM
30. Trần Thu Hương, Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật của Vũ Bằng, luận văn thạc sĩ,
ĐHSP, Tp. HCM.
31. Đinh Gia Khánh (1989), Văn hóa trong ăn uống, TC Văn hóa dân gian số3
32. Vũ Ngọc Khánh (2002), Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Nxb Lao động.
33. Trần Văn Khê (1999), Nói về văn hóa ẩm thực Việt Nam, TC Thể thao văn hóa, số
Xuân Kỹ Mão.
34. Mai Khôi (1996), Hương vị quê hương, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
35. Nguyễn Hoành Khung (1990), Truyện ngắn Việt Nam 1930-1945, tập I, Nxb KHXH,
Hà Nội.
36. Thạch Lam (1940), Phê bình Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, báo Ngày nay,
Hà Nội.
37. Thạch Lam (2007), Tuyển tập, Nxb Lao động, Hà Nội.
38. Thuận Lý (1999), Đắng cay khẩu vị của người khẩn hoang, Báo Tiếp thị Sài Gòn,
Xuân Kỹ Mão.
39. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào nghệ thuật của các nhà văn, Nxb
Giáo dục, Hà Nội .
40. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Nhà văn Việt Nam hiện đại chân dung và phong
cách, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
41. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) (1984), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 30A, Nxb
KHXH và Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
42. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn) (2002), Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận, Nxb Văn
học, Hà Nội.
43. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn) (2002), Thạch Lam tác phẩm và dư luận, Nxb Văn
học, Hà Nội.
44. Ngô Minh (1997), Nhà văn Vũ Bằng với “Miếng ngon Hà Nội”, TC Thương mại,
Xuân Đinh Sửu.
45. Nguyễn Thị Thanh Minh (2005), Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong
sáng tạo nghệ thuật, Nxb Văn học.
46. Bùi Việt Mỹ, Trương Sĩ Hùng (sưu tầm và biên soạn)(1999), Văn hóa ẩm thực Hà
Nội, Nxb Lao động, Hà Nội.
47. Phương Ngân (tuyển chọn) (2000), Nguyễn Tuân cây bút tài hoa và độc đáo, Nxb
Văn hóa thông tin, Hà Nội .
48. Vương Trí Nhàn (1992), Tìm vào nội tâm, tìm vào cảm giác, TC Văn học số6.
49. Vương Trí Nhàn (2006), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
50. Vũ Ngoc Phan (1989), Nhà văn hiện đại (2 tập), Nxb KHXH, Hà Nội.
51. Hoàng Phê (chủ biên) (2000), Từ điển Tiếng Việt 2000, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ
điển học.
52. Nguyễn Vĩnh Phúc (2009), 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí
Minh.
53. Nguyễn Vĩnh Phúc (2009), Hà Nội cõi đất, con người, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
54. Vũ Quần Phương (1990), Lời giới thiệu cho cuốn Miếng ngon Hà Nội, Nxb Văn học,
Hà Nội.
55. Nguyễn Quang Sáng (1997), Chuyện ăn uống của nhà văn, Báo Công an Tp. Hồ
Chí Minh , Xuân Đinh Sửu.
56. Băng Sơn (2000), Thú ăn chơi người Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
57. Tô Ngọc Thanh (1998), Văn hóa ẩm thực Việt Nam và Asean, TC Văn hóa Nghệ
thuật ẩm thực, số 13,14.
58. Bùi Thanh Thảo (2005), Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân
trước Cách Mạng Tháng Tám, Luận văn thạc sĩ, ĐHSP, Tp. HCM.
59. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh.
60. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
61. Nguyễn Thành Thi (2000), Thạch Lam, từ quan niệm về cái đẹp đến những trang
văn Hà Nội băm sáu phố phường, TC Văn học số 10.
62. Nguyễn Thành Thi (2000), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Luận án
tiến sĩ, ĐH KHXH & NV, Tp. HCM.
63. Nguyễn Thành Thi (2006), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Nxb
KHXH, TP Hồ Chí Minh.
64. Trần Quốc Thịnh (2004),Văn hóa ẩm thực Kinh Bắc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà
Nội.
65. Nguyễn Trác - Đái Xuân Ninh (1989), Về Tự lực văn đoàn, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
66. Chế Diễm Trâm (2008), Mỹ học ẩm thực của Vũ Bằng qua hai tập ký Miếng Ngon
Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai, TC Non Nước số 137.
67. Lê Minh Truyên (2006), Thạch Lam với nét đẹp văn hóa đặc sắc trong Hà Nội băm
sáu phố phường, TC Công Nghiệp ngày 12/04.
68. Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập I, Nxb Văn học, Hà Nội.
69. Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập II, Nxb Văn học, Hà Nội.
70. Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập III, Nxb Văn học, Hà Nội.
71. Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập IV, Nxb Văn học, Hà Nội.
72. Nguyễn Tuân (1988), Cảnh sắc và hương vị đất nước, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
73. Sơn Tùng (sưu tầm, biên soạn)(2000), Thạch Lam và văn chương, Nxb Hải Phòng.
74. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tuyển tập bút ký, tập 1, Nxb Trẻ, Tp. HCM
75. Trần Quốc Vượng (chủ biên)(2008), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
76. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán (1998), Hà Nội nghìn xưa, Nxb Hà Nội.
77. Trần Quốc Vượng (1998), Văn hóa ẩm thực Việt Nam – Hà Nội đôi ba điều lý luận,
TC Văn hóa dân gian, số 4
78. Trần Quốc Vượng (1999), Trò chuyện về bếp núc và văn hóa ẩm thực Việt Nam,
TC Tia sáng, số 3.
79. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1984), Hà Nội – thủ đô nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
80. Khả Xuân (1997), Văn hóa ăn uống dưới mắt các nhà văn, TC Văn hóa nghệ thuật
ăn uống số 2.
81. Nhiều tác giả (1995), Thăng Long- Hà Nội, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
82. Nhiều tác giả (1996), Tiếng nói tri âm, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
Những trang web tham khảo:
83. vnthuquan.net/truyen/
84.
85.
86.
87.
88.
89. Cay-lieu-Thach-Lam.
90.
91. noichac loc tinh hoa
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN051.pdf