Luận văn Vấn đề phát triển vốn từ vựng cho học sinh lớp 9 - THCS (trường hợp tỉnh Tây Ninh)

MS: LVVH-PPDH009 SỐ TRANG: 141 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VĂN HỌC TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2008 CẤU TRÚC LUẬN VĂN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu 3. Phương pháp nghiên cứu và việc sưu tầm tư liệu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Lịch sử vấn đề nghiên cứu 6. Đóng góp của luận văn 7. Bố cục CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ TỪ VỰNG VÀ VIỆC GIẢNG DẠY TỪ VỰNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THCS 1.1. Giới thuyết chung 1.2. Quan niệm về Từ 1.3. Phân loại từ 1.4. Ngữ cảnh 1.5. Trường từ vựng 1.6. Chương trình THCS 1.7. Môn Ngữ văn ở trường THCS 1.8. Việc giảng dạy từ ngữ lớp 9 ở trường THCS 1.9. Tiểu kết CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT SỰ SỬ DỤNG TỪ NGỮ CỦA HỌC SINH LỚP 9 - THCS 2.1. Nhận xét chung 2.2. Bảng tổng hợp số lỗi về từ vựng 2.3. Tình trạng mắc lỗi của học sinh (9 loại từ) 2.4. Tiểu kết CHƯƠNG 3 : MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN VỐN TỪ CHO HỌC SINH LỚP 9 – THCS 3.1. Nhận xét chung 3.2. Vấn đề phương pháp dạy tiếng Việt ở trường THCS 3.3. Vai trò của người thầy trong giờ dạy Tiếng ở trường THCS 3.4. Hoạt động của người học trong giờ học Tiếng ở trường THCS 3.5. Phương tiện dạy học trong giờ dạy học Tiếng ở trường THCS 3.6. Một số dạng bài tập đề xuất của luận văn để phát triển vốn từ 3.7. Các hình thức hoạt động khác 3.8. Xây dựng từ theo trường từ vựng 3.9. Từ trong các phong cách chức năng 3.10. Một số ghi nhận từ Tây Ninh 3.11. Một số kiến nghị KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO

pdf141 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3320 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Vấn đề phát triển vốn từ vựng cho học sinh lớp 9 - THCS (trường hợp tỉnh Tây Ninh), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ạy Ngữ văn chú ý đến yếu tố tâm sinh lí của học sinh, mục tiêu cấp học, không thể không quan tâm đến cơ sở tâm lí ngôn ngữ học. Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo quan niệm: “ Thủ đắc ngôn ngữ nói chung và từ ngữ nói riêng phải thông qua hoạt động. Giao tiếp chính là môi trường để thủ đắc từ ngữ. Mặt khác, mục đích của việc dạy học từ ngữ cũng như học bất kì một ngôn ngữ nào là để tham gia vào hoạt động giao tiếp.”[6, tr.86] Muốn việc phát triển vốn từ cho học sinh lớp 9 có hiệu quả thực sự, giáo viên cần phải chú ý đến yếu tố tâm sinh lí của lứa tuổi 14 này. Năng lực từ ngữ là một nội dung, một vấn đề quan trọng đối với học sinh trong giờ học tiếng. Năng lực từ ngữ chính là kết quả của quá trình trau dồi vốn từ vựng của bản thân người học. Đó là: - Vốn từ của cá nhân: là vốn từ được hình thành bằng cách học tự nhiên của người bản ngữ..., vốn từ cá nhân có những đặc điểm: + Có những nét riêng biệt không ai giống ai; + Vốn từ vựng của một ngôn ngữ và vốn từ của cá nhân sử dụng có quan hệ bao hàm. Vốn từ của cá nhân chính là bộ phận của vốn từ vựng chung. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng vốn từ cá nhân và vốn từ chung có một khoảng giao, khoảng giao đó chính là khoảng chung. Chính vốn từ trong khoảng giao này là vốn từ rất quan trọng mang tính toàn dân, mang tính phổ biến, thống nhất cao, giúp học sinh, giúp cho mỗi cá nhân có thể giao tiếp được ở bất kì một vùng nào. Do đó, việc phát triển vốn từ cho học sinh là rất quan trọng. Vậy ta cũng hiều rằng vốn từ của cá nhân luôn là hệ thống mở, luôn luôn biến động, phát triển theo tuổi tác, theo môi trường sống và những hoạt động của cá nhân ấy. Vốn từ cá nhân chính là vốn từ ngữ của mỗi người đang sở hữu trong thời điểm nhất định. Theo một quan niệm phổ biến nên khó lượng hoá vốn từ của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, theo chúng tôi, giáo viên dạy Ngữ văn THCS cũng nên tham khảo và đề ra giải pháp phát triển vốn từ cho học sinh lớp 9 trên cơ sở vốn từ ngữ của các em có được từ cấp tiểu học. Muốn như vậy, giáo viên phải kiểm tra vốn từ của các em thông qua các hình thức như hoạt động theo chủ đề (hoạt động tập thể), hoạt động giao tiếp trong phạm vi hẹp (học sinh – học sinh, học sinh – giáo viên). Có thể vốn từ của mỗi học sinh có được từ tiểu học mang theo lên cấp THCS sẽ dần trở thành từ tiêu cực và phải được thay thế một vốn từ khác phù hợp với môi trường, đối tượng, nội dung giao tiếp mới hơn, cấp độ cao hơn. 3.4. Hoạt động của người học trong giờ học Tiếng ở trường THCS Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến hoạt động dạy, tức là chỉ chú trọng người thầy mà bỏ quên, hoặc xem nhẹ hoạt động học của học sinh. Chính vì thế đã dẫn đến một cơ chế hoạt động thiếu tính dân chủ trong giờ học. Theo chương trình mới hiện hành trong nhà trường THCS thì người học được chú ý đặc biệt hơn, được xem là nhân vật trung tâm của giờ học. Luận văn chấp nhận và trình bày những quan điểm, những biện pháp liên quan đến hoạt động của học sinh theo tài liệu bồi dưỡng thường cho giáo viên THCS chu kì III (2004 – 2007) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hoạt động của học sinh trong một tiết học nói chung là hoạt động mang tính động, nhưng ở đây đã có sự thay đổi hẳn so với hoạt động học trước đây. Hoạt động ngày nay hiểu theo nghĩa tích cực, tính chủ động của người học. Hoạt động của học sinh trong một giờ Tiếng Việt có thể được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau : - Học sinh làm việc độc lập; - Học sinh làm việc theo nhóm; - Học sinh làm việc theo lớp; Vận dụng các kiểu loại nhóm : - Chia theo số lượng : + Nhóm nhỏ; + Nhóm lớn; - Chia theo tính chất + Nhóm ngẫu nhiên; + Nhóm tình bạn; + Nhóm kinh nghiệm; + Nhóm hỗn hợp; + Nhóm gần nhau. Cách thức chia nhóm trong tài liệu của Vụ Giáo dục trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày, theo luận văn muốn vận dụng cho phù hợp với tình hình của tỉnh Tây Ninh (bàn ghế, thiết bị dạy học, năng lực tiếp nhận của học sinh, sự chênh lệch giữ các vùng giáo dục) thì giáo viên nên linh hoạt trong tổ chức nhóm hoạt động sao cho đạt hiệu quả. Đối với Tây Ninh thì chỉ có thể áp dụng cách chia nhóm nhỏ (2,3,4 em) hoặc nhóm lớn (5,6 em), tuỳ theo yêu cầu công việc, còn nhóm gần nhau là loại nhóm được sử dụng thường xuyên, rất phù hợp với Tây Ninh. Nhóm này có vài ưu điểm và hạn chế sau: - Ưu điểm : + Các em chỉ hoạt động theo nhóm học sinh bàn trên bàn dưới đấu mặt lại nhau; + Tổ chức hoạt động này thì đơn giản, không di chuyển chỗ ngồi, hoặc dịch chuyển bàn ghế như thế sẽ làm ảnh hưởng thời gian của tiết học. - Hạn chế : + Cách tổ chức theo nhóm này chỉ phù hợp một số hoạt động, không phù hợp với hình thức hoạt động mang tính quy mô; + Tổ chức nhóm này duy trì quá lâu sẽ dễ gây cho học sinh tâm lí nhàm chán; + Duy trì quá lâu nhóm này sẽ thiếu đi sự giao lưu, trao đổi với các học sinh khác. Xét ở góc độ tâm lí học, theo Nguyễn Quang Uẩn [57, tr.110]: “Kí hiệu từ ngữ cũng tác động vào hoạt động, làm thay đổi hoạt động, nhưng là hoạt động tinh thần, hoạt động trí tuệ, hoạt động bên trong của con người, nó hướng vào và làm trung gian hoá cho các hoạt động tâm lí cấp cao của con người như tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng.v.v…” Theo tâm lí học hành vi, hoạt động của con người bao gồm : - Học không chủ định; - Học có chủ định hay là hoạt động học, loại hoạt động tích cực mà giáo dục hướng đến là loại hoạt động thứ 2 3.5. Phương tiện dạy học trong giờ dạy– học Tiếng ở trường THCS Trong chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ mỗi năm học đều yêu cầu giáo viên lên lớp phải sử dụng đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, vấn đề thiết bị dạy học vẫn là nỗi lo đối với các trường phổ thông hiện nay, nhất là môn Ngữ văn chịu thiệt thòi nhiều nhất, vì số lượng thiết bị thì ít, chỉ lèo tèo vài cái tranh cho phân môn Văn, đĩa hình (nhưng ở Tây Ninh thì không phải trường nào cũng có đầu đĩa CD),.v.v... Điều đó cho chúng ta thấy rằng tầm quan trọng của thiết bị dạy học đối với hoạt động dạy và học, nhất là nó gắn chặt với việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với yêu cầu của mục tiêu đào tạo trong nhà trường phổ thông hiện nay, chống lối dạy chay, học chay, học không đi đôi với hành, thiếu tính thực tiễn ứng dụng .Cho nên ngành giáo dục tăng cường thiết bi dạy học là vấn đề cần thiết đối với giáo viên nói chung, môn Ngữ văn nói riêng, nhất là trong các giờ dạy tiếng cho học sinh lớp 9. Các thiết bị dạy học là những đối tượng vật chất được giáo viên sử dụng với tư cách là những phương tiện tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh và là phương tiện nhận thức của học sinh để thực hiện nhiệm vụ học tập. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan niệm trong tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên Ngữ văn THCS: “Phương tiện dạy học có tác dụng chính sau : - Hỗ trợ triển khai bài học; - Làm tường minh các khái niệm trừu tượng, giúp quá trình lĩnh hội của học sinh nhanh và hiệu quả; - Tạo môi trường trực quan sinh động trong dạy học.” [6, tr.7] Tài liệu đã liệt kê ra những thiết bị dạy của môn Ngữ văn như : - Tranh ảnh trong sách giáo khoa; - Tranh ảnh ngoài sách giáo khoa (do Bộ cung cấp hoặc do giáo viên tự làm); - Băng hình, băng tiếng; - Biểu đồ, bảng; - Một số thiết bị hiện đại như: máy chiếu overhead – OHV và bản giấy trong (phôli); máy đa năng (Projector). Theo luận văn, ngoài ra giáo viên còn sử dụng được cả phần mềm như Powerpoint để dạy tiếng Việt cũng rất phù hợp và hiệu quả. Đề sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả đối với trong giờ dạy tiếng, giáo viên Ngữ văn phải xác định những thiết bị dạy học cần để sử dụng, mục đích sư phạm, tính năng của từng loại thiết bị dạy học để sử dụng, hoặc có thể kết hợp, ví dụ sử dụng bảng tổng hợp, sơ đồ (dùng phim trong), trình bày bằng máy chiếu overhead, hoặc dùng máy chiếu projector để biểu diễn hoạt động biến hoá của từ, sự chuyển nghĩa của từ, sự cấu tạo từ mới, bảng ghép chữ, bẻ chữ, gắn chữ vào cho thích hợp, điền vào chỗ trống; phân loại từ toàn dân, từ địa phương, .v.v… Nói chung, trong xu thế phát triển của giáo dục, người giáo viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của việc dạy tiếng, phát triển vốn từ cho học sinh bản ngữ. Như thế sẽ đạt hiệu quả hơn, kích thích sự ham thích phân môn tiếng Việt, giáo dục biết yêu quý tiếng Việt, tự hào về dân tộc. 3.6. Một số dạng bài tập đề xuất của luận văn để phát triển vốn từ Luận văn xin được trình bày những quan điểm, những biện pháp tổ chức trong quá trình dạy và học Tiếng Việt, trong đó đặc biệt là phát triển vốn từ cho học sinh. Ngoài những dạng bài tập đã được nêu trong sách giáo khoa Ngữ văn – THCS hiện hành, chúng tôi xin được trình bày một số dạng bài tập dùng để giúp học sinh phát triển vốn từ trên cơ sở đặc thù ở tỉnh Tây Ninh. Nhằm tránh gây xáo trộn không cần thiết, ở đây luận văn trình bày theo từng loại bài trong sách giáo khoa Ngữ văn THCS: 3.6.1. Từ ghép Bài tập 1: Hãy tìm : a) Ba từ ghép theo kiểu ghép hai tiếng có nghĩa ngang nhau; b) Ba từ ghép theo kiểu ghép hai tiếng, trong đó có 1 tiếng chính, một tiếng phụ (ghép phân nghĩa); c) Đặt câu với các từ ghép đã tìm được. Bài tập 2 : Các từ dưới đây được tạo nên những từ đơn nào? nhàn nhã, nhạt nhẽo, đau đớn, xinh xắn, rét mướt, hèn hạ, lạnh lùng, nhức nhối. Bài tập 3 : Xếp các từ ghép sau đây : suy nghĩ, xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn, chào hỏi, cây cỏ, ẩm ướt, đầu đuôi, cười nụ theo bảng dưới đây : (đáp án) TỪ GHÉP CHÍNH PHỤ TỪ GHÉP ĐẲNG LẬP xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn, cười nụ suy nghĩ, chào hỏi, cây cỏ, ẩm ướt, đầu đuôi, Bài tập 4 : Điền thêm tiếng vào các tiếng dưới đây tạo thành từ ghép chính phụ: ăn ...; bát...; thước...; mưa...; vui...; nhát...; trắng... (ví dụ: ăn cơm) Bài tập 5 : Điền thêm tiếng vào các tiếng dưới đây tạo thành từ ghép đẳng lập: núi...; ham...; xinh...; mặt...; học...; tươi... (ví dụ: học hành) 3.6.2. Từ láy Bài tập 1 : Hãy tìm: a) 3 từ láy đôi; b) 3 từ láy ba; c) 3 từ láy tư. Bài tập 2 : Đặt câu với mỗi từ láy đã tìm . Bài tập 3 : Xác định các từ láy sau đây đâu là từ láy toàn bộ, láy bộ phận và đặt mỗi câu có một từ láy đó : đăm đăm, mếu máo, lum xùm Bài tập 4 : Tổ chức câu lạc bộ tiếng Việt. Yêu cầu chọn và ghi ra những từ láy nào dùng để miêu tả người. Chia ra mỗi nhóm một công việc khác nhau. Có thể chọn nhân vật trong tác phẩm văn học đã học, có thể cho một nhân vật tưởng tượng, giáo viên cung cấp một số cơ sở để các nhóm làm việc (ví dụ: một bạn học sinh của lớp: nam, ngoan, học giỏi, giúp đỡ bạn trong học tập...) Miêu tả khuôn mặt Miêu tả dáng đi Miêu tả lời nói Miêu tả tiếng cười Miêu tả hành động (cách tổ chức này nhằm thực hiện phương pháp tích hợp giữa tiếng Việt là làm văn miêu tả) 3.6.3. Từ đồng nghĩa Quan điểm của luận văn về phát triển vốn từ cho học sinh lớp 9 chủ yếu là thực hành. Thực hành thông qua các loại bài tập khác nhau. Có thể là các dạng bài tập sau :  Bài tập phát hiện;  Bài tập sử dụng, điền từ vào ô trống;  Bài tập thay thế (cho từ sai, hoặc từ đúng);  Bài tập nâng cao cách dùng từ;  Bài tập trắc nghiệm. Hình thức bài tập có thể áp dụng cho tất cả các từ. Từ đồng nghĩa còn có thể là những từ mượn, từ thuần Việt. Chẳng hạn : TỪ THUẦN VIỆT TỪ MƯỢN Nịt vú Xu chieng Áo ngực Cooc sê Máy bay Phi cơ Xe lửa Hoả xa Ví dụ : Bài tập 1: Hãy chọn từ thích hợp để điền vào chỗ trống của các ví dụ sau : a) Bố em … em một quyển vở. (đáp án : cho); Mẹ em … bà em một hộp sữa (đáp án : biếu); Em … bạn em bông hoa hồng(đáp án : tặng). b) Em bé… quá ! (đáp án : xinh); Bức tranh … quá ! (đáp án : đẹp). Bài tập 2 : Thay thế các từ của các ví dụ sau cho chính xác, phù hợp với mục đích nói: a) Bố em tặng em một quyển vở. (đáp án : cho); Mẹ em cho bà em một hộp sữa (đáp án : biếu); Em biếu bạn em bông hoa hồng(đáp án : tặng). b) Em bé đẹp quá ! (đáp án : xinh); Bức tranh xinh quá ! (đáp án : đẹp). Bài tập 3 : Thay thế những từ in nghiêng trong đoạn văn sau bằng những từ ngữ mà em cho là sát nghĩa hơn, hay hơn : “Cỏ non mọc khắp nơi. Một màu xanh non ngọt ngào thơm ngát toả ra mênh mông trên khắp các sườn đồi. Cả đàn bò hò lên sung sướng : “ò...ò”. Chúng nhảy tung tăng, xô nhau chạy.” (Hồ Phương) Bài tập 4 : Trong đoạn văn sau, em hãy điền những cặp từ đồng nghĩa : “ Ngoài vườn, trên các lối xóm, những cây xoan gầy, thân mốc trắng, giơ lên những cẳng tay đen đủi, trơ trụi, đã trổ từng túm lá tơ. Trong những đám lá nhỏ, xanh rờn vân vân ấy, nhoi ra từng chùm nụ be bé. Gặp mưa bụi li ti, những chùm nụ nở hoa. Hoa xoan nhỏ, tim tím, trăng trắng , vừa nở lại vừa rụng phơi phới trong mùa xuân “ (Tô Hoài) 3.6.4. Từ trái nghĩa : Bài tập 1 : Hãy xác định cặp từ trái nghĩa trong đoạn văn sau : “Đối với ông Nguyễn, nước Nga nhất định không phải là một địa ngục. Nhưng lúc bấy giờ cũng chưa phải là một thiên đường mà là một nước đang xây dựng có nhiều ưu điểm.” (Trần Dân Tiên) Bài tập 2 : Tìm những từ trái nghĩa trong các câu ca dao, tục ngữ sau : + Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng; Ngày tháng mười chưa cười đã tối. + Ba năm được một chuyện sai; Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê. Bài tập 3 : Tìm các từ trái nghĩa với những từ in đậm trong các cụm từ sau : Cá tươi ......... (cá ươn) ăn yếu ....... ăn khoẻ (ăn mạnh) Tươi Yếu Hoa tươi ...........(hoa héo) học lực yếu ... (học lực khá, giỏi) Bài tập 4 : Hãy tìm những từ trái nghĩa với từ in đậm vào trong ô trống cho sẵn chữ đẹp Ví dụ : chữ xấu Xấu đất xấu Bài tập 5 : Em hãy đọc kĩ câu sau và trả lời câu hỏi : đất tốt Cái áo dài của chị em ngắn quá a) Tìm từ trái nghĩa. (dành cho học sinh trung bình) b) Nói như thế đúng hay sai? (dành cho học sinh khá giỏi) 3.6.5. Từ đồng âm Bài tập 1 : Đặt câu với mỗi cằp từ đồng âm sau (mỗi câu phải có cả hai từ đồng âm) : + bàn (danh từ) - bàn (động từ); + năm (danh từ) - năm (số từ). Bài tập 2 : Đọc mẫu chuyện dưới đây, xác định anh chàng trong câu chuyện đã sử dụng biện pháp gì để không trả lại cái vạc cho người hàng xóm? Nếu em là viên quan xử kiện, em sẽ phân rõ phải trái như thế nào? “Ngày xưa có anh chàng mượn của người hàng xóm một cái vạc. Ít lâu sau, anh ta trả cho người hàng xóm hai con cò, nói là vạc đã bị mất nên đền hai con cò này. người hàng xóm đi kiện. Quan gọi hai người này đến xử. người hàng xóm thưa : “Bẩm quan, con cho hắn mượn vạc, hắn không trả.” Anh chàng nói: “Bẩm quan, con đã đền cho anh ta cò.” - Nhưng vạc của con là vạc thật. - Dễ cò của tôi là cò giả đấy phổng? – Anh chàng trả lời. - Bẩm quan, vạc của con là vạc đồng . - Dễ cò của tôi là cò nhà đấy phổng? Trả lời: - Anh chàng nọ đã sử dụng biện pháp dùng từ đồng âm để lấy lí do không trả cái vạc lại cho người hàng xóm. - Nếu sử dụng biện pháp chặt chẽ về ngữ cảnh mà hỏi anh chàng nọ rằng: “ Vạc của ông hàng xóm là vạc bằng đồng cơ mà?” thì anh chàng nọ sẽ phải chịu thua. 3.6.6. Từ địa phương Bài tập 1 : Dùng các lỗi học sinh mắc phải thông qua bài kiểm tra, hoặc những lỗi thường dùng qua phát biểu để dùng làm nội dung rèn luyện viết đúng chính tả . Bài tập 2 : Yêu cầu học sinh sưu tầm những từ ngữ địa phương nói về sự vật, hiện tượng và nêu những tứ ngữ toàn dân tương ứng với từ ngữ địa phương theo bảng phân loại sau : ĐỊA PHƯƠNG TỪ NGỮ TOÀN DÂN ghi địa danh của từ sưu tầm được (tỉnh Tây Ninh, huyện, thị xã) Bài tập 3 : Đặt các từ sau đây vào đúng từ địa phương (đối với học sinh trung bình thi yêu cầu rõ; Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ), từ toàn dân: hòm, hàng, quan tài, mũ, nón, chén, bát, li, cốc, heo, lợn, mè, vừng, nhìn, trông, ngó, nào, đâu, ba, cha, bố, tía, bắp, ngô,... Bài tập 4 : Chữa lỗi chính tả do phát âm địa phương : Giáo viên tổng hợp những lỗi đã phát hiện từ bài làm của học sinh hoặc từ thực tế địa phương để giúp các em tự sửa. Ví dụ : Em hãy sửa các từ sau đây cho chính xác : - Bào Đồn (Bàu), dị tha (vị), Trãng Bàng (Trảng), điếm (đếm), Vỏ Thị Thu (Võ), Đổ Thị Quyên (Đỗ), Lê Thị Hoa May (Mai), Dương Hoàng Hải (Vương) mai mắn (may), .v.v... (những lỗi này đã được phát hiện trong lần kiểm tra hồ sơ dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2006 – 2007 của học sinh Tây Ninh trong các loại giấy tờ như khai sinh, hộ khẩu,..., hoặc do cán bộ tin học nhập liệu sai, hoặc do cán bộ tư pháp xã, phường viết sai khi cấp giấy khai sanh) 3.6.7. Từ thuần Việt và từ mượn Bài tập 1 : Tìm từ thuần Việt và từ mượn từ tiếng Hán trong những từ cho sẵn; Bài tập 2 : Nêu nhận xét về cách viết các từ mượn đó; giả sử thay từ khác thì nghĩa của câu, đoạn như thế nào? Bài tập 3 : (dành cho học sinh trung bình) Hãy xác định nghĩa của từng tiếng tạo thành các từ Hán – Việt dưới đây : a) Khán giả (người xem); thính giả (người nghe); độc giả (người đọc); b) Yếu điểm (điểm quan trọng); yếu lược (tóm tắt những điều quan trọng). yếu nhân (người quan trọng). Bài tập 4 : (dành cho học sinh khá, giỏi) Hãy xác định nghĩa của các từ Hán – Việt dưới đây và đặt mỗi từ một câu: Khán giả, thính giả, độc giả, yếu điểm, yếu lược, yếu nhân. Bài tập 5: (dành cho học sinh khá, giỏi) Hãy kể ít nhất 5 từ mượn và nói rõ đó là từ mượn của nước nào? (không lập lại trong sách giáo khoa) Bài tập 6: Phân biệt nghĩa của các từ sau có khác nhau không? (dùng chung) yếu điểm – điểm yếu ; yếu nhân – người yếu ; bán cầu – mua bán Giải thích nghĩa của mổi từ? (dành cho học sinh khá, giỏi) 3.6.8. Nghĩa của từ Có nhiều cách để kiểm tra, đánh giá khả năng thủ đắc nghĩa của từ. Chẳng hạn giáo viên chuẩn bị một số dạng bài tập như : Bài tập 1: Lựa chọn và ứng dụng từ trong câu (điền vào chỗ trống): + Cho sẵn từ và những nét nghĩa phù hợp với từng từ, sắp xếp chúng không theo một trật từ nào, yêu cầu học sinh lựa chọn, điền vào chỗ trống trong những câu có sẵn (dành cho học sinh trung bình trở xuống): đề bạt, đề cử, đề xuất, đề đạt. + Yêu cầu học sinh tự tìm từ (không cho sẵn) điền vào chỗ trống của câu sau : Ví dụ : - ...... trình bày ý kiến hoặc nguyện vọng lên cấp trên (đề đạt);. - ........ cử ai đó giữ chức vụ cao hơn (đề bạt); - ........ giới thiệu ra để lưa chọn và bầu cử (đề cử) - ......... đưa vấn đề ra để xem xét, giải quyết (đề xuất). Bài tập 2 : Hãy phát hiện và thay thế từ sai : + Cho một đoạn, một câu có từ sai. Yêu cầu học sinh phát hiện và tự tìm từ để thay thế bằng một từ khác.(dành cho học sinh khá, giỏi); + Tương tự như trên, yêu cầu học sinh phát hiện từ sai và chọn từ cho sẵn để thay thế. (dành cho học sinh trung bình trở xuống). Bài tập 3 : Từ “chân trời” mang nhiều nghĩa : - Chỉ nơi xa xôi; - Chỉ đường giới hạn của tầm mắt (nơi tưởng như bầu trời tiếp giáp với đất liền); - Chỉ giới hạn. phạm vi rộng lớn của hoạt động nhận thức của con người. Em hãy xác định nội dung nghĩa của từ “chân trời” được dùng như thế nào trong các ví dụ dẫn ra dưới đây : a) Một chân trời chói lọi đang mở rộng trước mắt các nhà khoa học Việt Nam; b) Phía chân trời, một đàn cò trắng đang chở nắng qua sông; c) Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Nguyễn Du, Truyện Kiều) d) Nhắc ai góc bể chân trời Nghe mưa ai có nhớ lời nước non (Ca dao) Bài tập 4 : Học sinh tự chọn từ (không cho sẵn) để điền vào chỗ trống trong câu, đoạn văn thích hợp, đúng nghĩa một người không còn sống (không dùng một từ hai lần) và trình bày thái độ của mỗi câu qua cách dùng từ. a) Người chiến sĩ ấy đã .... một cách oanh liệt. (hi sinh) b) Bác ấy đã ..... rồi ! (mất, đi) c) Hắn đã .... tại chỗ . (chết, mất mạng). 3.6.8.1. Tách khỏi ngữ cảnh Bài tập : Cho một hộp từ và những câu có sẵn, yêu cầu học sinh chọn từ để điền vào chỗ trống của câu hoặc đoạn văn cho chính xác.(chú ý cho một số từ có nghĩa gần nhau để các em chọn) 3.6.8.2. Gắn với ngữ cảnh Bài tập 1: Yêu cầu học sinh sử dụng từ ăn , chân , tay, đi, trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Bài tập 2 : Kiểm tra về khả năng nhận biết nghĩa của từ trong văn cảnh. yêu cầu học sinh giải thích nghĩa của từ trong câu, đoạn văn cho sẵn. 3.6.9. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ Bài tập 1: Học sinh tra từ điển nghĩa của từ (...) trong một văn bản (văn, thơ) Bài tập 2: Tìm những từ chuyển nghĩa so với nghĩa gốc của từ “bụng” - Ăn cho ấm bụng; - Anh ấy tốt bụng; - Chạy nhiều, bụng chân rất săn chắc 3.7. Các hình thức hoạt động khác 3.7.1. Bài tập trắc nghiệm Theo quan niệm của luận văn, đây là dạng bài tập phù hợp với chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, nhằm khuyến khích cho học sinh quen dần với hình thức trắc nghiệm khách quan. Do đó, có thể áp dụng các loại từ cho học sinh ở lớp 9 trong việc phát triển vốn từ tiếng Việt. Bài tập 1: Em hãy chọn và khoanh tròn vào từ ngữ của địa phương và gọi tên địa phương đó. (dành cho học sinh khá, giỏi) a) Bút ; b) Viết a) Chén ; b) Bát a) Mày ; b) Cậu; a) Mũ ; b) Nón ; Bài tập 2: Hãy chọn và khoanh tròn cách nói nào dưới đây là không đúng: a) Một cuốn sách; b) Một cuốn vở; d c) Những sách vở; Một cuốn sách vở. 3.7.2. Bài tập bẻ từ Phương pháp bẻ từ có thể thực hiện là chia tách một cấu trúc ngôn ngữ thành những cấu trúc ngôn ngữ nhỏ hơn có ý nghĩa. Ý nghĩa của các cấu trúc bộ phận ở đây là ý nghĩa lâm thời, do sự liên tưởng với một hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa nào đó. Ví dụ : Bài tập 1: Thực hiện chia tách từ xanh, có những cấu trúc ngôn ngữ nhỏ như: - xa / nh (xa xôi, xa vắng,...) : phần đầu của xanh; - x / an / h (an toàn, bình an,...) : phần giữa của xanh; - x / anh (anh em, anh cả,...) : phần cuối của xanh. 3.7.3. Bài tập ghép từ Phương pháp ghép từ để tạo ra từ mới có nghĩa khác với từ gốc. Phương pháp này có thể áp dụng cho các loại từ. Cách ghép từ là x + từ , hoặc từ + x. Bài tập 1: Từ ô có thể ghép được với các từ như: - ô + tô = ô tô (từ mượn đã được Việt hoá); - ô + xy = ô xy (từ mượn đã được Việt hoá); - Cái + ô = cái ô, cái dù (từ toàn dân, từ địa phương). Bài tập 2: Hoặc với cách ghép từ theo chủ đề : Các chủ đề phải bám sát với các chủ đề mà các em đã được học trong chương trình kết hợp với chủ đề học tập. Ví dụ : Tháng 11, chủ đề thầy giáo,yêu cầu học sinh ghép từ theo cách : - x + giáo hoặc giáo + x; - x + thầy hoặc thầy + x. Với phương pháp ghép chữ có thể tổ chức ở dạng sinh hoạt câu lạc bộ ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Việt,...) hoặc tổ chức trong giờ học chính khoá như : + Trong bước kiểm tra bài cũ: Giáo viên chuẩn bị một số từ, gọi số học sinh tương ứng với số từ đã cho, yêu cầu học sinh ghép từ khác tạo một từ mới, có nghĩa; + Trong tìm hiểu bài mới hoặc phần luyện tập: Giáo viên chia nhóm (tuỳ theo nhóm nhỏ, nhóm lớn,...). Cho sẵn một số từ, phân cho mỗi nhóm, đưa ra yêu cầu với thời gian quy định. Giáo viên khơi dậy không khí học tập, mang tính ganh đua giữa các nhóm. 3.8. Xây dựng từ theo trường từ vựng Theo các tài liệu giảng dạy ngoại ngữ, muốn giỏi tiếng Anh, điều kiện đầu tiên và bắt buộc là phải giàu từ vựng. Từ vựng được xem như là những viên gạch. Còn các cấu trúc về ngữ pháp thì được xem như hồ và các vật liệu khác để xây dựng một ngôi nhà. Như vậy để có một ngôi nhà khang trang vững chắc, ta hãy trang bị một số gạch khả dĩ để thợ nề không phải lúng túng khi xây cất. Cũng như gạch là nhu cầu cần thiết trong việc xây nhà, bạn muốn giỏi tiếng Anh là phải giỏi từ vựng. Muốn giỏi từ vựng phải biết cách tổ chức để học từ vựng. Các tài liệu khuyên chúng ta nên học từ vựng theo nhóm từ (trường từ vựng), đó là : “+ Kết hợp theo bộ phận của một sự vật hay sự kiện, hiện tượng nào đó . Ví dụ : khi viết từ nose (cái mũi) ta phải liên hệ ngay tới các bộ phận trên mặt ta để nhớ ra một loạt từ ở phần đầu đó là: hair (tóc), fore head (mặt trước của đầu), eye (mắt), ear (tai), nose (mũi), mouth (miệng), face (mặt).” Tương tự biện pháp cách học từ vựng tiếng Anh, chúng ta có thể vận dụng cho cách học tiếng Việt cho học sinh bản ngữ theo các đề tài như từ về thân thể, từ về nghề nghiệp, từ về dụng cụ học tập, dần nâng cao hơn theo các chủ đề trong chương trình Ngữ văn đã quy định. Hoặc có bài tập thông thường như : Bài tập 1: Hãy đặt tên trường từ vựng cho mỗi dãy từ sau: (dành cho học sinh trung bình): a) bút, mực, thước, compa, ê ke, tập vở, (trả lời: dụng cụ cho học sinh) b) banh, giày, vớ (tất). (trả lời: dụng cụ chơi thể thao: môn bóng chuyền, bóng đá) c) nóng, giận, vui, buồn (trả lời : trạng thái tâm lí) Bài tập 2: Xếp các từ sau đây vào các trường từ vựng của nó theo bảng phân loại (một từ có thể xếp ở cả 2 trường). (dành cho học sinh khá, giỏi) + mũi, thơm, thính, tai, nghe, điếc, rõ Trả lời : KHỨU GIÁC THÍNH GIÁC mũi, thơm, điếc, thính Tai, nghe, thính, điếc, rõ 3.9. Từ trong các phong cách chức năng Trong dạy học môn Tiếng Việt, điều cốt yếu là giáo viên phải chú ý giúp học sinh rèn luyện cách dùng từ theo đúng phong cách – phong cách ngôn ngữ văn bản. Lênin đã từng nói: “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất”. Trong giao tiếp, theo như nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu cho rằng phong cách ngôn ngữ luôn luôn giữ vai trò môi giới. Phong cách chính là cái trạm, là chiếc cầu để giúp cho hoạt động giao tiếp có tính hiệu quả tích cực và bền vững. Tất cả những nét phong phú và sâu sắc, tất cả những khả năng biến hoá khôn lường của tiếng Việt đều bộc lộ trong giao tiếp. Không ít giáo viên dạy tiếng Việt THCS đã bộc lộ sự non kém trong nhận thức và thực tế khi lên lớp, hoặc không chú ý đến yếu tố phong cách trong dạy học tiếng Việt. Họ không hiểu rằng việc dạy tiếng mẹ đẻ cho người bản ngữ trong mối quan hệ chặt chẽ với phong cách sẽ tạo cho người học thấy được sự hấp dẫn, sức mạnh tiềm tàng và hiệu quả tích cực của ngôn ngữ, cụ thể là việc chọn từ. Việc giảng dạy tiếng Việt trong sự gắn bó với phong cách còn đòi hỏi mỗi giáo viên phải quan tâm đúng mức tới khẩu ngữ của học sinh, phải thực sự quan tâm, tránh tình trạng đối phó, xem nhẹ những yêu cầu cần thiết trong giao tiếp, mà yếu tố phong cách là sự biểu hiện rõ nhất. Trong giao tiếp, khẩu ngữ cũng phải mang nét văn hoá, tức là ngôn ngữ cần phải được gọt dũa, trau chuốt. Trong thực tế nhiều năm qua, việc dạy tiếng Việt với các phong cách đa dạng của ngôn ngữ dân tộc gần như bị bỏ quên, xao lãng, chưa thực sự gắn chặt mối quan hệ giữa nhà trường và thực tiễn cuộc sống chung quanh. Nhiều người đã phàn nàn về tình trạng khẩu ngữ của học sinh hiện nay trong nhà trường. Đây là vấn đề nhà trường, trực tiếp là giáo viên dạy tiếng Việt cần quan tâm và có biện pháp giúp đỡ học sinh khắc phục, trong sạch hoá vốn từ và điều chỉnh phong cách chức năng ngôn ngữ trong giao tiếp cho các em. Điều quan trọng giáo viên cần nhớ rằng không nên độc đoán, không áp đặt, không buộc các em phải có lời ăn tiếng nói như người lớn mới là chuẩn, điều này sẽ làm mất đi tính hồn nhiên của các em, không đúng với mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông; cần phải có định hướng, khợi gợi cho các em phát triển một cách tự nhiên, ngôn ngữ trong sáng, văn minh, phong cách phù hợp với lứa tuổi 11 đến 14 ở cấp THCS . Nếu người giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh với tư cách là dạy cho người bản ngữ học tiếng mẹ đẻ biết gắn bó chặt chẽ với phong cách thì buộc người dạy phải nỗ lực phấn đấu bản thân mình nhiều hơn nữa để nắm vững sự kì diệu của tiếng Việt, tính đa phong cách của ngôn ngữ Việt, những nét sinh động, đa dạng, biến hoá của ngôn ngữ dân tộc trong hoạt động giao tiếp, trong đời sống hàng ngày của xã hội, của mọi công đồng khác nhau (môi trường). Phong cách mà chúng ta đang nói tới chính là phong cách chức năng ngôn ngữ. Nói rõ hơn đó là phong cách ngôn ngữ văn hoá đã được gọt dũa. Đây là mục tiêu cần đạt của nhà trường phổ thông trong việc dạy học tiếng Việt. Theo chúng tôi, phong cách không chỉ thể hiện qua năng lực sử dụng từ một cách chính xác, khoa học và hiệu quả mà phong cách còn được biểu hiện qua thái độ, cử chỉ trong quá trình giao tiếp. Cũng một lời nói nhưng nếu được thể hiện bằng ngữ điệu khác nhau, thái độ và cử chỉ khác nhau thì hiệu ứng của hoạt động giao tiếp sẽ khác nhau. Hiệu ứng đó có thể là hiệu ứng trội- hiệu ứng tích cực, nhưng có thể là hiệu ứng lặn (không trội), tức là tính hiệu quả không cao, hoặc thậm tệ hơn là nó đem lại cho sự bất lợi. Rèn luyện phong cách giao tiếp bằng ngôn ngữ đúng chức năng là góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh; nêu cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tạo nên mối quan hệ cộng đồng bền vững, xây dựng nét đẹp xã hội văn minh. Ngoài ra còn giúp cho học sinh phát triển kĩ năng diễn đạt trong tạo lập ngôn bản viết, trong làm văn, trong sáng tác, nếu các em có thể. Vậy giáo viên dạy Ngữ văn giúp cho học sinh rèn luyện kĩ năng sử dụng vốn từ theo phong cách như thế nào? * Đối với văn bản khoa học Yêu cầu phải dùng thuật ngữ khoa học và những từ có tính chính xác cao. Không dùng từ nhiều nghĩa, chuyển nghĩa, từ biểu cảm, từ địa phương, từ thông tục,... * Đối với văn bản chính luận Yêu cầu dùng nhiều từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội...dùng những từ ngữ quen thụôc với đông đảo nhân dân. Từ ngữ sử dụng nhất thiết phải biểu đạt trung thành và sáng tỏ tư tưởng, tình cảm, ý chí của người viết. Phong cách này không chấp nhận những từ ngữ khó hiểu, mập mờ. * Đối với văn bản hành chính Yêu cầu dùng nhiều từ có tính chất hành chính, những từ ngữ chỉ tên các tổ chức, đơn vị, cơ quan, các chức danh, những từ ngữ xã giao, trang trọng. Phải bảo đảm yêu cầu chính xác tuyệt đối trong việc dùng từ. Không dùng từ nhiều nghĩa, chuyển nghĩa, từ tục, từ địa phương, từ biểu cảm. * Đối với văn bản nghệ thuật Do sự chi phối của những yêu cầu về tính hình tượng, tính truyền cảm và về phong cách sáng tạo của nhà văn, cách viết của các văn bản nghệ thuật,...nên yêu cầu việc dùng từ ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc. Từ ngữ trong văn bản nghệ thuật mang dấu ấn phong cách riêng của từng nhà văn. Chính những nhà văn đã góp phần rất lớn trong việc làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc. BẢNG TÓM TẮT VỀ PHONG CÁCH PHONG CÁCH CHỨC NĂNG ĐẶC TRƯNG PHONG CÁCH Khoa học tính chính xác khách quan, tính lôgic nghiêm ngặt, tính khái quát trừu tượng cao Chính luận tính bình giá công khai, tính lập luận chặt chẽ, tính truyền cảm mạnh mẽ Hành chính tính khuôn mẫu, tính chính xác, tính có hiệu lực cao Nghệ thuật tính hình tượng, tính truyền cảm, tính riêng của nhà văn, tính dân tộc của ngôn ngữ Rèn luyện ngôn ngữ đúng phong cách còn yêu cầu học sinh thể hiện qua tập đọc, phát âm chính xác, diễn cảm các văn bản theo các phong cách khác nhau, thể hiện rõ xúc cảm của mình với nội dung của văn bản. Đây cũng chính là phương pháp tích hợp giữa các phân môn của bộ môn Ngữ văn đúng với tinh thần đổi mới của chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Đối với giáo viên dạy môn Ngữ văn, khi giảng dạy tiếng Việt cho học sinh cần phải biết liên hệ giữa việc dạy tiếng với những đặc điểm tu từ sẽ gây được sự hứng thú học tập, tránh đi không khí khô khan của một giờ học tiếng. Có được như thế thì với vốn liếng ngôn ngữ phong phú và đa dạng của người giáo viên sẽ có cơ sở giúp học sinh đi sâu vào khai thác được những văn bản nghệ thuật trong chương trình một cách linh hoạt, uyển chuyển và sẽ làm cho các em thêm rung động, cảm xúc với những nét độc đáo của văn bản nghệ thuật. 3.10. Một số ghi nhận từ Tây Ninh Chương trình Ngữ văn hiện hành chỉ là thực hiện trên cơ sở nền tảng của chương trình cải cách giáo dục năm 2000, tuy có những đổi mới đáng kể phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại, nhưng xét về chương trình, sách giáo khoa có nhiều vấn đề về nội dung, phương pháp, dung lượng kiến thức cần phải hoàn thiện. Đối tượng học sinh là vấn đề cơ bản, nó quy định mối quan hệ “tác chiến” giữa thầy – học sinh, giữa học sinh – học sinh, giữa học sinh - hoạt động trong tiết học tiếng Việt. Vấn đề đáng quan tâm học sinh Tây Ninh là tình trạng bỏ học và chất lượng học tập có phần đáng lo ngại trong thực hiện phương pháp dạy học mới đối với giáo viên Ngữ văn (năm học 2006 – 2007, cuối năm bỏ học 1,785 em, tỉ lệ 2,6 %, tăng so với năm học trước 0,7 %; học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở xuống là 36.680 em/ 67.650 em, tỉ lệ 56,5 %). [31, tr. 2] Kế đến là yếu tố người thầy. Do yếu tố lịch sử, số giáo viên được đào tạo trong giai đoạn chữa cháy vẫn còn. Số này, mặc dù đã chuẩn hoá đại học (đa số là đại học từ xa), nhưng vẫn còn hạn chế về chất lượng giảng dạy do bị hẫng hụt từ cái nền đào tạo ban đầu. Để các tiết tiếng Việt đạt hiệu quả, người thầy phải “ thiên biến vạn hoá”, phải linh hoạt trong phương pháp, phải sáng tạo trong tổ chức hoạt động, phải khéo léo trong nghệ thuật sư phạm để động viên kịp thời, khuyến khích các em học tập. Với một hiện trạng về chất lượng học sinh, một tỉnh biên giới còn chênh lệch các mặt giữa các vùng giáo dục, một đội ngũ còn hạn chế về đào tạo, trước yêu cầu dạy và học tiếng mẹ đẻ, quả thật là gánh nặng đối với nhà trường phổ thông nói chung, đối với giáo viên dạy Ngữ văn nói riêng càng phải đáng quan tâm. Với năng lực nhất định, trong điều kiện nghiên cứu bị hạn chế, luận văn chỉ nhấn mạnh một số chỗ cần lưu ý trong quá trình dạy các bài cụ thể, đồng thời đề xuất một số dạng bài tập nhằm kích thích học sinh tham gia hoạt động. Một vài dạng bài tập tuy lặp lại trong sách giáo khoa nhưng được cải tiến, vận dụng phù hợp từng loại đối tương học sinh để các em thuận lợi trong quá trình thủ đắc kiến thức tiếng Việt. Những yếu tố trên có ảnh hưởng nhất định về sự phát triển vốn từ cho học sinh, bởi lẽ muốn dạy tốt tiết tiếng Việt cho học sinh, người thầy phải trang bị cho mình một kiến thức nền và có khả năng nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu dạy học phân môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 9 đang ở chặng cuối của một cấp học và chuẩn bị buớc sang một cấp học mới, cao hơn. Phân môn Tiếng Việt vốn đã khô khan như nhiều nhận định của người học, cho nên người dạy phải có những hoạt động hấp dẫn, xoá đi cảm giác ấy. Phát triển vốn từ cho học sinh lớp 9 trong nhà trường phổ thông chủ yếu là phát triển vốn từ chuẩn, vốn từ văn hoá, giúp cho học sinh nắm chắc từ toàn dân, từ địa phương, từ mượn…để vận dụng trong tạo lập văn bản và nhận hiểu văn bản. Giáo viên chú ý các dạng bài tập, rèn học sinh sử dụng từ với nghĩa gốc phát triển từ với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ và hoán dụ, giá trị biểu đạt cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu nhận thức và giao tiếp của người bản ngữ. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, xã hội biến đổi, ngôn ngữ cũng biến đổi theo một cách tự nhiên. Đây cũng là một sự chuyển dịch có điều kiện, hợp quy luật. Như chúng ta đã biết, sự phát triển của tiếng Việt, cũng như sự phát triển của ngôn ngữ nói chung được thể hiện ở cả 3 mặt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Luận văn chủ yếu chỉ đề cập đến yếu tố từ vựng, nhưng chỉ ở góc độ phát triển vốn từ mà thôi. 3.11. Một số kiến nghị - Theo chúng tôi, một vấn đề quan trọng liên quan đến việc phát triển vốn từ vựng tiếng Việt cho học sinh phổ thông cần được đặt ra là “chức năng ngôn ngữ (từ vựng)”. Cụ thể là “ vấn đề từ trong câu” cũng góp phần đáng kể về sự phát triển vốn từ của học sinh đồng thời nếu nghiên cứu tiếp vấn đề này sẽ giúp cho giáo viên Ngữ văn thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động hành chức của từ vựng tiếng Việt. Như vậy, việc phát triển vốn từ cho học sinh không chỉ dừng lại ở phạm vi từ pháp mà còn ở phạm vi hành chức của đơn vị câu. - Theo chúng tôi nên phân phối chương trình của môn Ngữ văn THCS sắp xếp các tiết có liên quan đến việc phát triển vốn từ cho học sinh như : BẢNG THỐNG KÊ SỐ TIẾT VỀ TỪ VỰNG THCS NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG LỚP 6 LỚP 7 LỚP 8 LỚP 9 1. Chương trình địa phương (tiếng Việt) 2 tiết 2 tiết 2 tiết 2 tiết 2. Luyện nói 5 tiết 3 tiết 2 tiết 2 tiết 3. Chữa lỗi dùng từ 2 tiết 4. Chữa lỗi quan hệ từ 1 tiết 5. Chuẩn mực sử dụng từ 2 tiết 6. Sự phát triển của từ vựng 2 tiết 7. Luyện sử dụng từ 1 tiết 8. Hành động nói 2 tiết 9. Hội thoại 2 tiết 10. Phương châm hội thoại 4 tiết 11. Lựa chọn trật tự từ trong câu 2 tiết 12. Chữa lỗi diễn đạt 1 tiết 13. Tổng kết về từ vựng 5 tiết Cộng : 9 tiết 7 tiết 9 tiết 13 tiết Với số tiết của chương trình được phân chia ra nhiều hoạt động cho mỗi khối lớp, các hoạt động đó đều tập trung rèn luyện cho học sinh kĩ năng nói và viết. Ngoài ra, theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình Ngữ văn lớp 8 và 9 có bố trí 2 tiết dạy học môn tự chọn trong một tuần.Với 2 tiết tự chọn, giáo viên Ngữ văn lớp 9 có thể tận dụng giúp học sinh rèn luyện phát triển vốn từ vựng tiếng Việt. - Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà quản lí Giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ban ngành Trung ương cần có những tác động đáng kể đối với Quốc hội để có sự quan tâm về việc chuẩn hoá tiếng Việt, như một số thuật ngữ chưa thống nhất, chuẩn hoá chính tả (i/y, qui/quy, x/s, d/gi, ch/tr, tr/gi...), dấu câu tiếng Việt (trong thực tế tiếngViệt không có dấu chấm hết (./.)), nhưng các cấp chính quyền yêu cầu sử dụng dấu này trong các văn bản như quyết định, công văn) .Điều này có khó khăn trong dạy học và ứng dụng trong thực tế đời sống (soạn thảo văn bản hành chính). - Về chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh các tiết thực hành tiếng Việt (mang tính tổng hợp, theo chủ đề), đưa hẳn vào chương trình, mang tính pháp quy giúp học sinh rèn luyện kĩ năng diễn đạt, các em sẽ cố gắng lựa chọn từ, chuẩn bị có hệ thống, rèn kĩ năng giao tiếp trước một tập thể, mạnh dạn, tự tin hơn. Đó là thực hiện mục tiêu giáo dục: phát triển toàn dịện (kiến thức, 4 kĩ năng); - Ở đây cần có sự thống nhất về mặt quan điểm giữa những nhà biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn và các nhà lãnh đạo, chỉ đạo bộ môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bố trí số tiết chương trình cho thống nhất và phù hợp với kiến thức, chẳng hạn từ đồng nghĩa, theo nhóm tác giả thì sắp xếp 2 tiết (ghi ở sách giáo viên), nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Trung hoc) thì chỉ xếp 1 tiết. Như vậy có hai vấn đề cần được giải quyết để giúp cho giáo viên Ngữ văn dễ thực hiện và đảm bảo lượng kiến thức cần đạt trong 2 tiết học đối với bài Từ đồng nghĩa: + Khẳng định và thống nhất giữa các tác giả và người chỉ đạo bộ môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quan niệm dạy từ đồng nghĩa cho học sinh THCS, kiến thức cần đạt là tới đâu? + Cần có sự hợp lí giữa dung lượng của sách giáo khoa và phân phối chương trình (biên soạn theo tinh thần 2 tiết, nhưng chương trình lại chỉ sắp xếp 1 tiết). Điều đáng nói thêm ở luận văn này là cần phải có sự hoạt động tích cực đồng bộ trong nhà trường của các bộ môn. Lâu nay ta cứ quan niệm việc dạy tiếng Việt là trách nhiệm của thầy Văn, còn các thầy Sử, Địa, Toán, Lí,...cả môn Ngoại ngữ thì chẳng phải màng đến. Oái ăm thay các thầy này lại là người bản ngữ nhưng cũng sai phạm trong nói và viết tiếng Việt. Việc phát triển vốn từ cho học sinh trong nhà trường phổ thông cần phải có một chủ trương, một phong trào, thể hiện bằng những hoạt động mang tính giáo dục đối với giáo viên và học sinh. - Trong nhận thức của chúng tôi, các tiết làm văn miệng, rèn kĩ năng nói trong giờ học tiếng Việt, tập làm văn cần được xem như là một tiết thực hành. Do đó cần có chế độ như các tiết thực hành của các bộ môn khác (Sinh, Lí, Tin học,...). Để tránh gánh nặng cho giáo viên Ngữ văn ở lớp 9, luận văn thiết nghĩ giáo viên ở mỗi khối lớp cần làm tròn nhiệm vụ của mình để góp phần phát triển vốn từ cho học sinh thông qua các tiết có liên quan đến hoạt động của từ. Đến lớp 9, các em sẽ được giáo viên rèn luyện và nâng cao các kĩ năng, chuẩn bị tốt để học tiếp lên lớp trên. KẾT LUẬN Vấn đề phát triển vốn từ cho học sinh THCS nói chung, cho học sinh lớp 9 nói riêng là một vấn đề phức tạp, liên quan nhiều đến các yếu tố trong và ngoài ngôn ngữ, trong đó không thể không đề cập đến các vấn đề: vai trò của người thầy, vai trò của học sinh, các biện pháp sư phạm cụ thể... Là một người làm công tác quản lí, có liên quan trực tiếp đến đề tài này, quả nhiên chúng tôi thấy vấn đề không đơn giản chút nào. Tuy nhiên từ góc độ của một luận văn thạc sĩ, đối chiếu với những yêu cầu, mục đích đặt ra ở phần dẫn nhập, đến đây chúng tôi xin đúc kết một số nhận xét khái quát như sau : 1. Ở chương 1, luận văn đã trình bày tổng quan một số tri thức quan yếu về các lớp từ vựng có liên quan đến các bài học ở THCS. Tại đây, cũng để tiện cho việc sưu tập, phân loại và đề ra các bài tập nhằm phát triển vốn từ cho học sinh, luận văn đã đề cập đến các mục tiêu của chương trình Ngữ văn THCS, nhận xét đánh giá, vai trò, vị trí của chúng và đặc biệt nêu lên những nhận định về việc giảng dạy chương trình Ngữ văn 9. Đây có thể coi là bộ khung lí thuyết giúp chúng tôi có điều kiện đi vào mô tả những vấn đề cụ thể ở sau. 2. Xuất phát từ nhận thức rằng, muốn cho việc phát triển vốn từ vựng cho học sinh có hiệu quả, trước hết cần phải có cái nhìn khái quát về tình hình sử dụng từ vựng của chính đối tượng đó như thế nào. Từ đó, người nghiên cứu mới xây dựng những biện pháp cụ thể nhằm giúp cho giáo viên thông qua môn Tiếng Việt nói riêng, các môn khác nói chung để nâng cao hiệu quả định danh, giao tiếp của học sinh. Hơn thế nữa, việc nhận diện lỗi, sửa chữa cho các em, cũng là một biện pháp, trong đó nhằm nâng cao vốn từ. Từ những nhận thức trên, ở chương 2, luận văn khảo sát cả thảy 9 loại lỗi, bao trùm lên tất cả các bình diện của từ. Ở mỗi loại lỗi, sau khi liệt kê, chúng tôi còn xem xét chúng trong ngữ cảnh câu để phân tích và đề xuất cách sửa chữa. Ở mỗi địa hạt như vậy luận văn có kèm theo hàng loạt phân tích. Với cách làm này, chúng tôi hi vọng rằng sẽ giúp ích hữu hiệu cho thầy và trò trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập. 3. Ở chương 3, luận văn thông qua các thủ pháp cụ thể, thông qua các ngữ liệu cụ thể, tiến hành xây dựng một hệ thống bài tập như trong phạm vi đã quan sát ở chương 2. Nói cụ thể, các bài tập được phân ra dựa vào các loại từ như : từ ghép, từ láy, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm, từ địa phương, từ thuần Việt, từ vay mượn, nghĩa của từ... và bao trùm lên tất cả, luận văn đặt trọng tâm vào 3 kiểu bài tập là : trắc nghiệm, bẻ từ và ghép từ. Cuối cùng, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng từ ngữ cho học sinh lớp 9 nói riêng, cho học sinh THCS nói chung. 4. Như đã nói, đề tài phát triển vốn từ cho học sinh lớp 9 THCS là một vần đề khó. Có thể những khảo sát của chúng tôi chỉ phù hợp với học sinh ở Tây Ninh, và những đề xuất cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi một địa phương cụ thể. Bởi chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, để có được cái nhìn mang tính tổng kết, cần phải tiếp tục chi tiết hoá các đề xuất, mà muốn cho các đề xuất có sức nặng, có sức thuyết phục, cần phải tiếp tục trả lời cho được những trọng điểm nghiên cứu như: lứa học sinh tuổi 14, học sinh lớp 9 sử dụng bao nhiêu đơn vị từ vựng, đó là lớp từ nào? Học sinh sử dụng từ trong hội thoại nói năng hằng ngày như thế nào? Trong văn viết như thế nào?... Quả nhiên, các câu hỏi đó vượt quá tầm vóc của một luận văn thạc sĩ. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê A - Chủ biên (2005), Phương pháp dạy học tiếng Việt , Nxb Giáo dục. 2. Diệp Quang Ban, Nguyễn Ngọc Hoá (1995), Dạy sách giáo khoa chỉnh lí môn Tiếng Việt ở trường THCS , Hà Nội . 3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2002), Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học ở trường THCS môn Ngữ văn, Lưu hành nội bộ, Hà Nội. 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THCS chu kì III (2004–2007) môn Ngữ văn, (Quyển 1), Nxb Giáo dục. 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THCS chu kì III (2004–2007) môn Ngữ văn, (Quyển 2), Nxb Giáo dục. 6. Đỗ Việt Hùng (1998),“ Phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh trong việc dạy học tiếng Việt”, Sách bồi dưỡng thường xuyên chu kì 1997- 2000 cho giáo viên PTTH và THCB, Nxb Giáo dục . 7. Nguyễn Huy Cẩn (1992),“Một số vấn đề cấp thiết trong việc nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em hiện nay”, Văn học và ngôn ngữ học, tập 5, Nxb Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. 8. Đỗ Hữu Châu (1986), Các bình diện của từ và từ trong tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội . 9. Đỗ Hữu Châu (1987),Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 10. Cục Đào tạo Bồi dưỡng (1983), Phương pháp giảng dạy Tiếng Việt và Văn học, Nxb Giáo dục. 11. Nguyễn Văn Dung (1997), Vấn đề phát triển vốn từ ngữ cho học sinh phổ thông THCS, Luận văn Thạc sĩ, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 12. Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục . 13. Dương Kì Đức, Nguyễn Văn Dựng, Vũ Quang Hào (1988), Từ điển trái nghĩa, Nxb Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp, Hà Nội. 14. Nguyễn Thiện Giáp (1978), Từ vựng tiếng Việt, Nxb trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 15. Nguyễn Thiện Giáp (1985), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội . 16. Phạm Minh Hạc (2003), Một số gợi ý về đổi mới phương pháp dạy học dưới góc độ Tâm lí học, Tạp chí Giáo dục, (số 59). 17. Hoàng Văn Hành chủ biên (1994), Từ điển Từ láy Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục. 18. Hồ Lê (1976), Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 19. Hồ Lê, Trần Thị Ngọc Lang, Tô Đình Nghĩa (2005), Lỗi từ vựng và cách khắc phục, Nxb Khoa học Xã hội. 20. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội (2001), Hà Nội- Những vấn đề ngôn ngữ văn hoá, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 21. Nguyễn Quốc Luân (1987), Trên đường dạy và học Văn - Tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 22. Phan Trọng Luận (1996), “Báo cáo đề dẫn”, Đổi mới phương pháp dạy học Văn và Tiếng Việt ở trường THCS, Vụ Giáo viên và Khoa Ngữ văn trường ĐHQG-ĐHSP Hà Nội. 23. Phan Trọng Luận (2003), Một cơ hội tốt để đổi mới toàn bộ chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông, Tạp chí Giáo dục, (số 64). 24. Võ Hoàng Ngọc (2003), Bồi dưỡng khả năng tự học cho học sinh THCS, Tạp chí Giáo dục, (số 56). 25. Đái Xuân Ninh (1978), Hoạt động của từ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội. 26. Hoàng Phê chủ biên (1997), Từ điển Tiếng Việt,Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng. 27. Việt Phong, Phan Công Giàu (1968), Những tiếng đồng âm, Nxb Tân Việt, SàiGòn. 28. Đào Quý – Văn Thuỷ (2005), “ Phương pháp học tập và giảng dạy ”, Tâm lí giáo dục, Nxb Thống kê, Hà Nội . 29. Hữu Quỳnh (1980), Ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục. 30. Sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn lớp 6,7,8,9 (2001– 2005), (tập 1,2), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 31. Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh (2007), Báo cáo Tổng kết năm học 2006-2007, Phương hướng nhiệm vụ năm học 2007-2008. 32. Tạp chí Giáo dục, số chuyên đề đặc biệt 58,59,62,63,64/2003; số 80/2004. 33. Tạp chí Ngôn ngữ (1978), (số 2); (1997), (số 4). 34. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống (1996), (số 5, 6). 35. Tập san Giáo dục cấp III (1984), Vụ Giáo dục Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, (số 1). 36. Lê Xuân Thại (1999), Tiếng Việt trong trường học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 37. Những cơ sở triết học trong ngôn ngữ học (1984), Trúc Thanh dịch, Nxb Giáo dục. 38. Đào Thản (2006), Một sợi rơm vàng, Nxb Trẻ, Hà Nội. 39. Lí Toàn Thắng (1998), “ Lí thuyết hoạt động ngôn ngữ và dạy tiếng Việt ở Trung học cơ sở ”, Sách bồi dưỡng thường xuyên chu kì 1997- 2000 cho giáo viên THCS, Nxb Giáo dục. 40. Trần Ngọc Thêm (1985), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 41. Phan Thiều (1997), “Làm giàu vốn từ cho học sinh bản ngữ”, Tiếng Việt trong trường học,(tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 42. Phan Thiều (1997), “Giáo học pháp dạy tiếng thuộc lĩnh vực giáo dục học hay lĩnh vực ngôn ngữ học ”, Tạp chí ngôn ngữ, (số 4). 43. Đỗ Ngọc Thống (2002), Đổi mới việc dạy và học môn Ngữ văn ở THCS, Nxb Giáo dục. 44. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phân môn Tiếng Việt), (2001– 2005), Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6,7,8, 9, Nxb Giáo dục. 45. Nguyễn Minh Thuyết (1988), “Về dạy tiếng Việt ở trường phổ thông”, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục . 46. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên), (1996), Tiếng Việt thực hành, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 47. Phạm Văn Tình (2004), Tiếng Việt từ cuộc sống; Nxb Trẻ, Hà Nội. 48. Lê Hữu Tỉnh (2001), Hệ thống bài tập rèn luyện năng lực từ ngữ cho học sinh tiểu học, Luận án Tiến sĩ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 49. Bùi Minh Toán (Chủ biên) (1996), Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục . 50. Nguyễn Hùng Trương (2003), Chánh tả dành cho người miền Nam, Nxb Thanh niên. 51. Nguyễn Nguyên Trứ, Trịnh Sâm (1992), Dạy và học Tiếng Việt lớp 9, Trung tâm Thông tin Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 52. Trường ĐHKHXH & NV (2001), Mấy vấn đề tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 53. Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục Tây Ninh (1983), “Hội nghị khoa học Dạy và học tiếng Việt trong nhà trường”, Kỷ yếu, Tây Ninh. 54. Hoàng Tuệ (1984), Cuộc sống ở trong ngôn ngữ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 55. Hoàng Tuệ (2001), Tuyển tập Ngôn ngữ học, Hội ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 56. Bùi Tất Tươm (Chủ biên) (2003), Phương pháp dạy học môn Tiếng Việt bậc THCS, Nxb Giáo dục . 57. Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên) (1995), Tâm lí học đại cương, Nxb Hà Nội. 58. Viện Ngôn ngữ học (1999), Giao lưu văn hoá và ngôn ngữ Việt – Pháp, Nxb thành phố.Hồ Chí Minh. 59. Viện Thông tin Khoa học xã hội (1992), “Cái mới trong khoa học xã hội”, Văn hoá và ngôn ngữ học, (tập 4), Nxb Viện Thông tin KHXH, Hà Nội. 60. Website : moet.gov.vn, http:// www.ngonngu.net.vn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHPPDH009.pdf
Tài liệu liên quan