MS: LVVH-VHVN058
SỐ TRANG: 116
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2009
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu và những đóng góp của luận văn
5. Phương pháp nghiên cứu
6. Cấu trúc của luận văn
Chương 2: YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 TỪ GÓC NHÌN THỂ TÀI
2.1. Điểm qua một số tác giả và tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo và một vài nhận xét về đặc trưng thể loại truyện kỳ ảo
2.1.1. Một số tác giả và tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo
2.1.2. Một vài nhận xét về đặc trưng thể loại truyện kỳ ảo
2.2. Phân loại yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945
2.2.1. Kỳ ảo ma quỷ
2.2.2. Kỳ ảo thần linh
2.2.3. Kỳ ảo kỳ bí
2.3. Chức năng của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945
2.3.1. Yếu tố kỳ ảo – sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá trị Chân – Thiện – Mĩ
2.3.2. Yếu tố kỳ ảo và cõi bí ẩn tâm linh
2.3.3. Yếu tố kỳ ảo và những khát khao về hạnh phúc lứa đôi
2.3.4. Yếu tố kỳ ảo và cảm hứng triết luận về con người
2.3.5. Yếu tố kỳ ảo và những lý giải khoa học về các hiện tượng thần bí
Chương 3: YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 TỪ GÓC NHÌN THẨM MĨ
3.1. Kỳ ảo như một yếu tố mang giá trị mĩ cảm
3.1.1. Thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng lãng mạn
3.1.2. Thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh
3.2. Kỳ ảo như một yếu tố, phương tiện kỹ thuật trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945
3.2.1. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên cốt truyện
3.2.2. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên thế giới nhân vật
3.2.3. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên trần thuật
3.2.4. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên không gian và thời gian nghệ thuật
KẾT LUẬN
Chương 1 : YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 TỪ GÓC NHÌN LỊCH SỬ
1.1. Các khái niệm
1.1.1. Khái niệm “yếu tố kỳ ảo”
1.1.2. Khái niệm “văn xuôi lãng mạn Việt Nam”
1.2. Yếu tố kỳ ảo – từ văn xuôi trung đại đến văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945.
1.2.1. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam
1.2.2. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945
1.2.3. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945 – sự kế thừa và cách tân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
116 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 4299 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
không thể xác định được liệu các sự kiện này diễn ra trong thế giới thực hay
phạm vi của cái siêu nhiên. Kể từ đây, trong đời sống văn học thế giới xuất hiện
nhiều hơn những công trình nghiên cứu về yếu tố kỳ ảo.
Đặc biệt, vào thế kỉ XX, nghiên cứu về yếu tố kỳ ảo trở nên sôi nổi hơn và
nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu phê bình trên thế giới. Các tác
phẩm sử dụng yếu tố kỳ ảo ngày càng nhiều. Những công trình nghiên cứu lý luận
về yếu tố kỳ ảo trong văn học cũng nhiều hơn. Có thể kể đến một số công trình
nghiên cứu đáng chú ý: Hợp tuyển văn chương kỳ ảo, Từ truyện thần tiên đến
truyện khoa học kỳ ảo của R Cailois, Dẫn nhập văn học kỳ ảo của Todorov, Cái
kỳ ảo trong văn học của Eric Rabkin, Văn học kỳ ảo Pháp của M.Schneider,
Truyện ky ảo Pháp từ Nodier tới Maupassant của Castex, Nghệ thuật và Văn
chương kỳ ảo của Vax …
Ở Việt Nam, tính thời sự của “yếu tố kỳ ảo” cũng được mổ xẻ hết sức sôi nổi
trong các trang viết chuyên ngành, đặc biệt là trên Tạp chí Nghiên cứu văn học.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã đưa ra được một cơ sở lý
thuyết khá xác thực về yếu tố kỳ ảo. Một số công trình nghiên cứu công phu, có
chất lượng và uy tín khoa học cao đã giới thiệu cho bạn đọc thêm những cách hiểu
cơ bản về khái niệm “kỳ ảo” như: Tìm hiểu các dạng truyện kỳ ảo trong văn học
cổ trung đại và cận đại Đông Tây của Nguyễn Huệ Chi, Dư ba của truyện truyền
kỳ, chí dị trong văn học Việt Nam hiện đại của Vũ Thanh, “Yếu tố kỳ ảo trong
truyện ngắn Việt Nam hiện đại sau 1975” của Phùng Hữu Hải, Đi tìm nguyên
nhân hồi sinh của yếu tố kỳ ảo trong văn học đương đại Việt Nam của Bùi Thanh
Truyền, Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo của Lê Huy Bắc, Về khái niệm cái kỳ ảo
và văn học kỳ ảo trong nghiên cứu văn học của Lê Nguyên Long, hoặc Những
hướng đổi mới của văn học kỳ ảo thế kỉ XX của Phùng Văn Tửu…
Nội hàm khái niệm “yếu tố kỳ ảo”
Về khái niệm, tên gọi yếu tố kỳ ảo vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi trong
giới nghiên cứu văn học, mỗi học giả đưa ra mỗi cách hiểu khác nhau. Vì thế, việc
tìm ra một khái niệm chính danh là hoàn toàn không đơn giản. Để tiện cho công
việc nghiên cứu chúng tôi điểm qua một vài ý kiến về yếu tố kỳ ảo trong các bài
viết, công trình nghiên cứu văn học, từ đó lựa chọn, sử dụng một khái niệm mang
tính khái quát nhất.
Chuyên gia kỳ ảo Roger Cailois gọi yếu tố kỳ ảo trong văn học là “Mọi cái
kỳ ảo đều là một sự vi phạm trật tự quen thuộc, một sự đảo lộn của cái không thể
tiếp nhận được trong lòng những qui luật bất biến của đời thường” [57]. Còn Vax
thì nhận định: “Truyện kỳ ảo… thích giới thiệu những con người giống như chúng
ta, sống trong thế giới thực tại mà ta đang sống, họ đột nhiên bị đối diện với cái
không thể giải thích được” [57].
Todorov cho rằng: “Trong một thế giới chính là thế giới của chúng ta này,
thế giới như chúng ta vẫn biết là chẳng có quỷ dữ, thiên thần hay ma cà rồng, xảy
ra một sự kiện không thể giải thích được bằng các qui luật của thế giới thân thuộc.
Người chứng kiến sự kiện này phải chọn lựa một trong hai giải pháp có thể xảy ra:
hoặc anh ta là nạn nhân của một ảo giác trong nhận thức, một sản phẩm của trí
tưởng tượng và những qui luật của thế giới do vậy vẫn tiếp tực tồn tại, hoặc sự kiện
này đã thực sự xảy ra, nó là một bộ phận trọn vẹn của hiện thực – nhưng thế thì
hiện thực này bị kiểm soát bởi những qui luật mà chúng ta không biết … Cái kỳ ảo
diễn ra trong một khoảnh khắc của sự không xác định được này (…) Cái kỳ ảo là sự
do dự được cảm nhận bởi một người đang đối mặt với một sự kiện có vẻ siêu nhiên,
mà anh ta lại chỉ biết các qui luật tự nhiên” [57].
Tác giả Lê Nguyên Cẩn lý giải: “Cái kỳ ảo… được tạo ra nhờ trí tưởng
tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc
đáo…” [5].
Phùng Hữu Hải định nghĩa: “Cái kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng …
được biểu hiện bằng những năng lực, yếu tố có tính siêu nhiên, nằm ngoài tư duy lí
tính của con người.” [22].
Lê Huy Bắc thì cho rằng: “ Thế giới của văn học huyễn ảo là thế giới của trí
tưởng tượng, nơi sự khác lạ hoang đường, thần diệu,… luôn ngự trị. Có lúc nó giúp
người đọc bình tâm, tự tại; có lúc nó khiến người đọc hoang mang khiếp đảm và có
lúc khiến họ hoài nghi, bối rối…” [3].
Tác giả Lê Nguyên Long nhận xét: “Cái kỳ ảo là cái không thể cắt nghĩa
được bằng lí tính từ điểm nhìn của chúng ta với tầm nhận thức hiện tại. Chính cái
không thể cắt nghĩa bằng lý tính ấy đã tạo nên một “sự đứt gãy trong chuỗi liên kết
vũ trụ”, gây ra tâm trạng hoang mang cho những người nào đối diện với nó, bởi
theo Vax, khi con người không còn xem những mê tín của mình là điều nghiêm túc
nữa thì họ sử dụng chúng để sáng tạo nên nghệ thuật” [30].
Có thể thấy rằng, làn sóng luận bàn về yếu tố kỳ ảo không chỉ nóng bỏng
trên các tạp chí chuyên ngành ở phương Tây mà còn thu hút được sự quan tâm của
rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Sự xuất hiện phong phú các công trình
nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong văn học cho thấy biên độ nội hàm khái niệm có độ
dãn nở tự do, vì thế khó có thể thiết lập một khái niệm có sức thuyết phục hoàn
toàn. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau ở chỗ: cái kỳ ảo phải
đề cập đến cái siêu nhiên (supernatural), cái không thể xảy ra (impossible). Sự
tranh cãi chủ yếu diễn ra ở các bình diện sau: Thứ nhất, yếu tố kỳ ảo kỳ ảo xuất hiện
từ văn học dân gian hay hiện đại? Thứ hai, sự khác biệt giữa cái kỳ ảo (fantastic)
cái huyền diệu (marvellous) và cái phóng túng hư huyễn thuần tuý (fantasy). Thứ
ba là, quan niệm về "cái không thể xảy ra" và "cái không có thực".
Trước hết, chúng tôi cho rằng, văn học dân gian đã xuất hiện yếu tố kỳ ảo,
“nó phản ánh nhận thức còn ngây thơ, niềm tin lý tưởng của người cổ đại về thế
giới. Yếu tố kỳ ảo thành một dòng chảy liên tục trong dòng chung của lịch sử văn
học nhân loại từ thời cổ đại qua trung đại đến cận đại” [30]. Tuy nhiên, ý nghĩa
biểu hiện và quan niệm về yếu tố kỳ ảo ở mỗi thời kì là không giống nhau. Yếu tố
kỳ ảo trong văn học dân gian và văn học trung đại là những bóng ma, quỷ dữ, oan
hồn, thần thánh, tiên nữ… nói chung là “thế giới bên kia” xuất hiện ở trong thực tại
cuộc sống với những năng lực bí ẩn, siêu phàm chi phối toàn bộ đời sống con
người. Những yếu tố siêu nhiên, kỳ ảo này xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm:
Lĩnh Nam chích quái của Vũ Đình và Kiều Phú, Việt điện u linh của Lý Tế
Xuyên, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ… Ngược lại, yếu tố kỳ ảo ở trong văn
học hiện đại là những sự kiện, con người trên thế gian được kỳ ảo hóa qua sự tưởng
tượng phóng túng của nhà văn. Và, lẽ dĩ nhiên ở đó chẳng có thế lực siêu nhiên,
thần linh hay ma quái, quỷ dữ nào chi phối nhân vật và sự kiện. Việc sử dụng yếu tố
kỳ ảo là nằm trong tư duy nghệ thuật có chủ đích của nhà văn. Họ sử dụng chúng
như là một phương thức nghệ thuật để gây nên cảm giác mãnh liệt, sức hấp dẫn của
tác phẩm.
Bên cạnh đó cũng không nên đồng nhất “cái không thể xảy ra” với “cái
không có thực”. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long: “trong việc đi tìm một định
nghĩa cho cái kỳ ảo, không nên đồng nhất cái kỳ ảo với cái huyền diệu, và tất cả các
dạng thức tưởng tượng huyễn hoặc đối lập với hiện thực, theo đó văn học kỳ ảo đã
ra đời từ xa xưa, và các hình thức cụ thể của nó thì bao trùm một lĩnh vực rộng lớn
từ kiểu truyện cổ tích thần kì (fairy tale) đến văn học viễn tưởng trong thời hiện
đại. Cái kỳ ảo phải diễn ra trong một môi trường có tính hiện thực ở đó, sợ tưởng
tượng được phép phát triển ồ ạt và đi cùng với điều đó thì tính chất mơ hồ, lưỡng
trị là đặc trưng của thể loại. Cái kỳ ảo chỉ tồn tại khi đối diện với nó, người ta luôn
ý thức về một sự độc lập giữa những cái siêu nhiên, hư huyễn với thế giới thực
tại”[30]. Và ông cũng cho rằng: “Cái kỳ ảo không đơn thuần là cái siêu nhiên, cái
không thể xảy ra. Cái siêu nhiên, cái không thể xảy ra ấy muốn trở thành cái kỳ ảo
thì phải có tác dụng tạo ra hiệu ứng hoang mang cho những người đối diện với nó,
bởi theo Vax, khi con người không còn xem những mê tín của mình là điều nghiêm
túc nữa thì họ sử dụng chúng để sáng tạo nghệ thuật” [30].
Trên tinh thần tiếp nhận những điểm tương đồng trong nội dung khái niệm
của các nhà nghiên cứu văn học, chúng tôi nhận diện yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm
văn học qua các biểu hiện sau:
Thứ nhất: Yếu tố kỳ ảo chỉ có trong thế giới tinh thần. Yếu tố kỳ ảo là sản
phẩm của trí tưởng tượng và được tiếp nhận qua trí tưởng tượng.
Thứ hai: Yếu tố kỳ ảo tồn tại dưới dạng: thần linh, ma quỷ, phi thường, phi
lý…
Thứ ba: Hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kỳ ảo là tạo ra một sự do dự, phân
vân lưỡng lự trong lòng độc giả… Sự phân vân lưỡng lự này không đưa độc giả vào
một thế giới rùng rợn, khủng khiếp, kinh dị… mà thường để tạo ra cảm giác mới lạ,
đầy hấp dẫn và lôi cuốn.
Từ cơ sở nhận diện các biểu hiện của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm văn
học, chúng tôi tạm thời đi đến kết luận: Yếu tố kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng
tượng, là phương thức sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ chính thế giới tinh thần, thế
giới nội tâm của con người. Là sự phát triển “vượt ngưỡng của tư duy lãng mạn lẫn
tư duy hiện thực sang vùng siêu thực”. Yếu tố kỳ ảo tồn tại dưới hình thức huyền bí,
thần linh, ma quỷ, phi thường, siêu tự nhiên... Nó không chỉ nhằm mục đích tạo ra
sự hoang mang, rùng rợn, li kì trước sự xâm nhập của cái siêu nhiên, cái không thể
xảy ra vào thế giới tự nhiên mà còn là phương tiện để chuyển tải tư tưởng, ước mơ,
khát vọng, bài học nhân sinh, đạo lý cuộc đời. Là chìa khóa mở cánh cửa bí ẩn về
thế giới vô thức của con người, là sự lý giải hợp lý cho những khiếm khuyết của tư
duy lý tính trước các hiện tượng không thể dùng qui luật thông thường để giải thích.
Trên đây là quan điểm nhận thức sơ bộ của chúng tôi về khái niệm yếu tố kỳ
ảo. Chúng tôi không có tham vọng đề xuất một khái niệm chính danh, nhưng hy
vọng nó sẽ phục vụ tốt cho công việc nghiên cứu đề tài.
1.1.2. Khái niệm “văn xuôi lãng mạn Việt Nam”
Trước khi đi vào tìm hiểu về khái niệm văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai
đoạn 1930 – 1945, chúng tôi xin được điểm qua một đôi nét về chủ nghĩa lãng mạn.
Thiết nghĩ đây là một công việc cần thiết, bởi nó sẽ là nên tảng giúp ta hiểu rõ hơn
về văn xuôi lãng mạn Việt Nam.
Về chủ nghĩa lãng mạn
Chủ nghĩa lãng mạn vừa có nghĩa là một trào lưu văn học, vừa là một
phương pháp sáng tác mang một nội dung lịch sử, xã hội cụ thể được hình thành ở
Tây Âu sau cách mạng Pháp năm 1789. Chủ nghĩa lãng mạn chia làm hai khuynh
hướng: chủ nghĩa lãng mạn tích cực và chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, giữa chúng có
mối liên hệ qua lại khá phức tạp với nhau. Trong bài viết này chúng tôi không bàn
luận sâu về chủ nghĩa lãng mạn tích cực và tiêu cực chỉ đi vào tìm hiểu những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn. Nhìn chung, chủ nghĩa lãng mạn thể hiện
qua những nguyên lý cơ bản như sau:
Chủ nghĩa lãng mạn là sự phản ánh những khuynh hướng mâu thuẫn của xã
hội và những khuynh hướng tiến bộ của thời đại. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao thế
giới nội tâm của con người, trước hết là thể hiện những khuynh hướng tự do cá
nhân. Họ đã miêu tả những yếu tố khác thường của thế giới tình cảm và yếu tố trữ
tình trong nghệ thuật. Các chủ đề về tình yêu, nỗi cô đơn, nỗi buồn, những lý tưởng
không đạt được...
Chủ nghĩa lãng mạn là sự phản ứng chống lại xã hội đương thời, con người
muốn thoát li thực tế tìm đến một thế giới khác giúp con người quên đi cuộc sống
mà họ cảm thấy chán ghét, vẽ ra một cuộc sống làm thỏa mãn "cái tôi" bị tổn
thương cái tôi của con người, nên thế giới trong chủ nghĩa lãng mạn là thế giới
mộng tưởng. Tùy vào sự phản ứng khác nhau của hai khuynh hướng tiêu cực và tích
cực. Đối với những người lãng mạn tiêu cực thì họ có thái độ bi quan trốn chạy
cuộc đời, họ thường tìm về quá khứ vào mộng ảo hay thu mình vào "cái tôi" bí ẩn,
thiên định về cuộc đời, về ái tình, về cái chết (Nỗi lòng chàng Werther của Johann
Wolfgang von Goethe). Đối với những người lãng mạn tích cực thì họ không hòa
hoãn thỏa hiệp với thực tại mà họ mong muốn thiết lập nên một xã hội mới đảm bảo
hạnh phúc cho con người, họ thường vẽ nên một xã hội lý tưởng (Nhà thờ Đức Bà
Paris, Những người khốn khổ của Victor Huygo).
Chủ nghĩa lãng mạn còn được gọi là chủ nghĩa tình cảm, vì ở đây tình cảm
của con người được biểu hiện rõ rệt nhất. Vì vậy, chủ nghĩa lãng mạn chính là sự
phản ứng chống lại chủ nghĩa cổ điển đề cao và tôn sùng lý trí với những quy tắc
duy tâm nghiêm ngặt (không đề cập đến tình cảm của của con người, không đưa
thiên nhiên vào tác phẩm ...) đã siết chặt tính sáng tạo và tình cảm của con người.
Nên trong chủ nghĩa lãng mạn tình yêu của con người được khai thác ở mọi phương
diện, thiên nhiên được phản ánh một cách sinh động nhất, trở thành nơi phản ánh
nội tâm và nuôi dưỡng tình cảm của con người.
Chủ nghĩa lãng mạn đề cao mộng tưởng và tình cảm nên con người muốn
hướng đến một cuộc sống tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc. Ở chủ nghĩa lãng mạn
người nghệ sĩ được trả lại tất cả mọi quyền tự do để họ thỏa sức sáng tạo và tưởng
tượng. Nên đa số các tác phẩm của họ hướng đến cái khoáng đạt phi thường, vì chủ
nghĩa lãng mạn không chấp nhận những quy định nghiêm ngặt, nên nó đã tự cho
phép mình đạt đến sự tự do tuyệt đối. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn chương được
thể hiện rõ nét qua các phương diện sau:
Chủ nghĩa lãng mạn không phân biệt đề tài cao cả hay thấp hèn. Nếu trong
chủ nghĩa cổ điển đề tài là cảnh sống giàu có, hành động đấu tranh cho lý tưởng cao
cả của những ông hoàng bà chúa hoàn toàn không đề cập đế những khía cạnh đời
sống của những tầng lớp dưới (những người bình dân). Thì ở chủ nghĩa lãng mạn
mọi vấn đề của cuộc sống, mọi tầng lớp trong xã hội đều ngang nhau trở thành đề
tài cho văn học nghệ thuật. Mọi người dù ở bất kỳ tầng lớp xã hội nào cũng đều
được phản ánh qua các tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, không phân biệt giai cấp,
mọi người đều có quyền bước chân vào văn học. Văn học lãng mạn đã thành công
khi thể hiện hình ảnh "đám đông" quần chúng với những kiếp người đau khổ. Ví dụ:
Hình ảnh đám đông trong Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo.
Chủ nghĩa lãng mạn sử dụng những câu văn uyển chuyển, phóng túng giàu
hình ảnh, nhạc điệu, màu sắc, giàu tính hội họa. Các phương tiện diễn đạt được mở
rộng, các biện pháp nghệ thuật: tỉ từ, ẩn cụ, ngoa dụ, tương phản được sử dụng rộng
rãi, tạo nên một văn phong truyền cảm, thống thiết gây ấn tượng mạnh trong lòng
người.
Trên đây là những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn. Khuynh hướng
văn học này đã có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn học Việt Nam vào những năm
30 của thế kỉ XX, đặc biệt là trong thơ và văn xuôi. Trong phạm vi của bài viết này
chúng tôi chỉ đề cập đến những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn trong văn
xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
* Về văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945
Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (là những tác phẩm viết bằng văn xuôi thỏa
mãn những yêu cầu của chủ nghĩa lãng mạn) hình thành và phát triển trên văn đàn
hợp pháp Việt Nam thời kì trước những năm 1945, là tiếng nói của tầng lớp trí thức
thanh niên tư sản và tiểu tư sản, gắn liền với sự thức tỉnh của ý thức cá nhân trong
đời sống thành thị đương đại. Văn xuôi lãng mạn Việt Nam được thai nghén từ
những năm đầu của thế kỉ XX với những tác giả và tác phẩm mở đường: Thề non
nước, Giấc mộng lớn… (Tản Đà), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách)… Nhưng phải đến
những năm 1930, văn xuôi lãng mạn Việt Nam mới thật sự khai sinh, phát triển và
đạt được những đỉnh cao về nghệ thuật. Ngự trị trên văn đàn văn xuôi lãng mạn lúc
bấy giờ là đội ngũ các nhà văn tuổi đời còn rất trẻ. Họ thuộc tầng lớp thanh niên
Tây học được đào tạo ở các trường Pháp – Việt, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng
văn hóa của phương Tây (Pháp), đồng thời lối sống, sinh hoạt thành thị đã Âu hóa
mạnh mẽ. Những Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Đái Đức Tuấn,
Thế Lữ… là những tên tuổi không thể không nhắc đến của dòng văn học này.
Văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 là sự hợp thành của
nhiều yếu tố, hoàn cảnh và tâm lý xã hội, sự tiếp thu chất lãng mạn trong văn
chương quá khứ, ảnh hưởng của văn chương lãng mạn phương Tây. Mặt khác, sau
cuộc khủng bố trắng 1930 – 1931 của thực dân Pháp, phong trào cách mạng tạm
lắng xuống, không khí xã hội trở nên nặng nề và buồn chán. Một bộ phận tầng lớp
thanh niên tư sản và tiểu tư sản trí thức đã rút lui khỏi con đường đấu tranh chính trị
với đế quốc, con đường văn chương lúc bấy giờ đối với họ là một lối thoát ly trong
sạch, là một nơi có thể gởi gắm nỗi niềm tâm sự yêu nước. Trong Nhật ký ngày 19
tháng 12 năm 1930, Nguyễn Huy Tưởng đã từng tâm sự: “Phận sự một người tầm
thường như tôi, muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn Quốc ngữ thôi”.
Điều đó chứng minh rằng, văn chương lãng mạn trở thành cứu cánh tinh thần của
tầng lớp dân chúng thành thị, vừa tiếp tục hướng đấu tranh chống lễ giáo phong
kiến lại vừa tạo nên thế giới lãng mạn nhiều mộng tưởng làm dịu đi những trăn trở
nhức nhối của tình hình thời cuộc. Tác phẩm của văn xuôi lãng mạn được người đọc
tiếp nhận như một hướng đi tới, có mục tiêu đấu tranh lại tiếp tục mở ra những khát
vọng và mơ ước về quyền cá nhân, cho dù đó chỉ là cá nhân của những con người
dưới chế độ nửa thực dân phong kiến. Xuất phát từ những ý tưởng, mục đích chính
đáng ấy, nhiều tác giả muốn bộc lộ, phát biểu quan điểm sáng tác của mình. Trên
con đường mười lăm năm với biết bao những biến cố, sự kiện chính trị xã hội phức
tạp nhưng các nhà văn vẫn luôn cố giữ lập trường trường đúng đắn, tích cực. Từ các
sáng tác của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng đến các tác phẩm của
Lan Khai, Thế Lữ, Trần Tiêu, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh… luôn có sự tìm tòi, đổi
mới theo hướng hiện đại làm cho văn xuôi lãng mạn Việt Nam ngày càng mới mẻ,
giàu có và phong phú thêm. Hơn thế, còn tạo dựng được nhiều phong cách cá nhân
độc đáo.
Văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 phát triển trong một
thời kì lịch sử có nhiều biến động sâu sắc nên ngày càng phân hóa phức tạp thành
những khuynh hướng khác nhau. Theo Nguyễn Hoành Khung: “Trên đại để, văn
xuôi lãng mạn Việt Nam có hai khuynh hướng chủ yếu nổi bật, phản ánh tư tưởng
tâm lý của hai tầng lớp xã hội khác nhau, tuy cả hai đều có sự thức tỉnh ý thức cá
nhân và đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa phương Tây. Khuynh hướng thứ
nhất có chủ thuyết cải cách gia đình, xã hội theo hướng canh tân tư sản rõ ràng,
tiêu biểu là nhóm Tự Lực văn đoàn với Khái Hưng, Hoàng Đạo. Khuynh hướng thứ
hai chỉ muốn thoát ly chính trị xã hội mà họ sợ hãi, từ đó tìm vào quá khứ, vào tình
yêu đủ mọi sắc thái, và giải phóng cá nhân đòi hỏi quyền sống, tiêu biểu là các thi
sĩ của phong trào “Thơ mới” và các nhà văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Lan
Khai… Nhìn chung, hai khuynh hướng văn học này có nhiều chỗ thống nhất khá
căn bản, nhưng về thái độ chính trị, tâm lý, nguyện vọng, nghệ thuật biểu hiện, sức
chinh phục đối với độc giả, vị trí lịch sử trong từng giai đoạn… cũng có sự khác
biệt tương đối rõ rệt” [11, tr.1959]. Nhìn chung, văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai
đoạn 1930 – 1945 phát triển qua ba chặng đường sau:
Thời kì 1930 – 1935 là chặng đường cực thịnh của văn xuôi lãng mạn, Tự
Lực văn đoàn ra đời và ngự trị trên văn đàn, đem lại hơi thở và sức sống mới cho
văn học dân tộc. Như một yêu cầu bức thiết của thời đại, các tác phẩm văn xuôi thời
kì này tập trung phê phán đại gia đình phong kiến trên các vấn đề tình yêu, hôn
nhân, gia đình, đấu tranh giành quyền sống, quyền cá nhân, quyền hạnh phúc cho
thế hệ trẻ và tạo dựng được nhiều hình ảnh đẹp về một số thanh niên có chí hướng
hoạt động chính trị: Dũng (Đôi bạn, Đoạn tuyệt – Nhất Linh), Trúc (Đoạn tuyệt),
những cô gái tân học có bản lĩnh và biết vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống để
bảo vệ nhân cách và danh dự của mình: Loan (Đôi bạn), Mai (Nửa chừng xuân).
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm mang chất lãng mạn thoát ly khi đi sâu vào
miêu tả những mối tình lãng mạn, ảo tưởng, những bi kịch của số phận không rõ
căn nguyên xã hội, những tính cách cá nhân không phổ biến.
Thời kì 1936 – 1939, văn xuôi lãng mạn Việt Nam không còn thống nhất
dưới lá cờ của Tự Lực văn đoàn, nó đã phân hóa thành những khuynh hướng khác
nhau. Một số sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo vẫn tiếp tục đấu tranh
bài xích những hủ tục cổ hủ của lễ giáo phong kiến (Lạnh lùng, Thừa tự, Thoát ly,
Gia đình…) và đi sâu vào tình yêu, lối sống nhiễm triết lý cá nhân chủ nghĩa cực
đoan hưởng thụ (Đời mưa gió, Trống mái, Dưới ánh trăng, Đẹp). Mặt khác, các
tác phẩm văn xuôi lãng mạn thời kì này còn quan tâm đến xã hội và đời sống của
những người dân nghèo khổ, cần lao. Họ đưa ra chủ đề cải cách xã hội qua những
tiểu thuyết luận đề, qua những nhân vật hăng say cải cách xã hội có tính chất cải
lương (Gia đình, Con đường sáng).
Bước vào thời kì 1940 – 1945, trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng bức bối
và văn xuôi lãng mạn cũng bước vào thời kì thoái trào. Tổ chức Tự Lực văn đoàn
bắt đầu phân hóa và tan rã, các tác phẩm của nhóm cũng không còn thuần túy mang
tính chất lãng mạn nữa mà đã nhiễm triết lý hiện sinh, lối sống hưởng thụ... Trong
thời kì này, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của Nguyễn Tuân, Lan Khai, Lê Văn
Trương… Chính họ đã đem đến nhiều giọng điệu, nhiều phong cách mới lạ và độc
đáo, đem đến cái tôi cá nhân mang nhiều khuôn dáng, cái tôi cao ngạo, khinh bạc…
đem đến một tấm lòng hướng đến cái thiện cái cao cả, cái hoàn mĩ. Tất nhiên cả
những tâm sự u uất, bất bình với lối sống bụi bẩn xung quanh.
Mặc dù văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 có nhiều khuynh
hướng phát triển không thuần nhất. Nhưng, nhìn chung các tác phẩm văn học thời kì
này có những đặc trưng chuẩn mực sau:
Thứ nhất, văn xuôi lãng mạn mang tính chất thoát ly: thoát lý khỏi hiện thực
cuộc sống, khỏi không khí ngột ngạt và yêu cầu bứt thiết và những sự kiện quan
trọng của xã hội. Các tác giả văn xuôi lãng mạn thường tưởng tượng nên những câu
chuyện xa rời thực tế: đó là một mối tình đầy ảo mộng trong cảnh chùa dưới bóng
Phật tổ (Hồn bướm mơ tiên), đó là câu chuyện tình giữa một cô gái Hà Nội trưởng
giả với một anh dân chài nghèo chất phác (Trống mái – Khái Hưng)… Có tác giả
tìm vào quá khứ của lịch sử dân tộc để dệt nên những chuyện tình say đắm mà
không bị hiện thực cuộc sống kiềm tỏa (Tiêu sơn tráng sĩ – Khái Hưng, Đỉnh non
thần – Lan Khai). Viết về truyện đường rừng, chốn rừng thẳm nước thiêng chứa
đựng nhiều bí ẩn, các nhà văn đã thêu dệt nên những mối tình đặc biệt, những câu
chuyện ly kỳ ở chốn sơn lâm hoang dã: Tiếng gọi nơi rừng thẳm, Suối đàn, Hồng
thầu… (Lan Khai), Ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ (Đái Đức Tuấn). Cũng có
những tác giả tập trung miêu tả cuộc sống riêng tư cùng những ràng buộc giữa cá
nhân và xã hội, số phận của nhân vật đi theo con đường riêng của nó mà không phụ
thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Đó chính là những cách thoát ly của nhà văn khỏi hiện
thực bức bối của xã hội để đi vào hướng lãng mạn phiêu bồng.
Thứ hai, mọi định hướng mọi chuẩn mực trong các tác phẩm văn xuôi lãng
mạn đều do cái tôi quyết định. Nghĩa là: “Nhà văn không dựa vào quy luật của xã
hội, không nghiên cứu khảo sát hoàn cảnh mà lấy cái tôi làm quyền lực tôi cao
quyết định tất cả. Thế giới nghệ thuật không được tổ chức song song với cuộc đời
như một tấm gương phản chiếu mà theo vòng tròn hướng tâm” [20, tr.708].
Thứ ba, văn xuôi lãng mạn giàu cảm xúc trữ tình. Mạch nguồn cảm xúc
chính là phương thức biểu hiện của tác phẩm. Theo dòng cảm xúc, câu chuyện
thường được tô điểm nhấn mạnh, thậm chí cường điệu để tạo nên nhiều khác biệt,
nhiều tương phản gây ấn tượng rõ rệt với người đọc. Dấu ấn cá nhân người viết với
nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau nhiều khi in đậm qua các trang viết. Bạn đọc có
thể nhận thấy: “lối văn gọn ghẽ chặt chẽ của Thế Lữ, chải chuốc và tình cảm của
Khái Hưng, trong sáng, gợi cảm của Thạch Lam, cầu kỳ và độc đáo của Nguyễn
Tuân, thương cảm của Hồ Dzếch,…” [20, tr.708].
Tóm lại, đánh giá về thành tựu của dòng văn học này tuy vẫn còn nhiều ý
kiến khác biệt nhau. Nhưng có điều không thể phủ nhận là non hai thập niên tồn tại
và phát triển, văn xuôi lãng mạn Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên
bước đường hiện đại hóa văn học nước nhà. Hơn thế, nó còn sản sinh ra nhiều tên
tuổi xứng danh: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Lan Khai… Và,
“vẫn còn lại mãi mãi với thời gian những trang viết nhiều màu sắc và những phong
cách sáng tạo, hấp dẫn, độc đáo” [20, tr.718].
1.2. Yếu tố kỳ ảo – từ văn xuôi trung đại đến văn xuôi hiện đại Việt Nam trước
1945.
1.2.1. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam
Văn xuôi trung đại Việt Nam tồn tại và phát triển từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX
trong một môi trường xã hội phong kiến với ý thức hệ Nho giáo, lực lượng sáng tác
chủ yếu là tầng lớp trí thức, những người được đào tạo từ “cửa Khổng sân Trình”.
Văn học giai đoạn này gắn liền với cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo và thế
sự. Theo quan niệm của các văn nhân nho sĩ đương thời loại văn chương kỳ ảo, linh
dị là loại văn chương thấp kém, hạ lưu, phi chính thống, là đi ngược lại với những
tín điều của Nho giáo. Nhưng không phải vì thế mà sức sống của yếu tố kỳ ảo trong
đời sống văn học trung đại trở nên khô cằn. Bất chấp sự kìm kẹp của hệ tư tưởng
Nho giáo các đệ tử ưu tú của “cửa Khổng sân Trình” đã tìm đến yếu tố linh dị, kỳ
ảo với một sức hút kì lạ. Đi tìm nguyên nhân trỗi dậy của “mảng độc” văn chương
này, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền cho rằng: “một phần là do những cảm xúc
nghệ thuật mạnh mẽ mà yếu tố kỳ ảo mang lại cho người viết. Nó còn là biểu hiện ý
thức “trước thư lập tôn” của tác giả. Mặt khác không loại trừ sự gặp gỡ giữa yếu
tố kỳ ảo trong sáng tác văn học với những chủ trương chính trị tích cực của Nho
giáo. Với đăc trưng nhận thức và phản ánh cuộc sống bằng những yếu tố thần linh
linh dị, kỳ ảo dễ dàng giúp cho lớp nho sĩ vốn chịu không ít những kìm tỏa bức bối
của tam cương ngũ thường tìm được con đường để giải tỏa những ẩn ức dồn nén
đồng thời thông qua đó bộc lộ những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời” [60]. Bên
cạnh đó, ông còn cho rằng: "cái kì trong truyền thống văn học phương Đông còn
gắn bó chặt chẽ với triết học Phật giáo và phần nào triết học Lão Trang, hai học
thuyết đối trọng với Nho giáo nhưng lại khá dung hoà với tín ngưỡng gốc dân gian
để góp phần tạo ra bản sắc dân tộc Việt Nam (… ). Chính là nhờ hai học thuyết
này, cộng với văn hoá dân gian mà đời sống văn học của phương Đông thời trung
đại giữ được thế quân bình cần thiết giữa một bên là cách nhìn hiện thực – thực
dụng, khô khan của nhà nho và một bên là trí tưởng tượng bay bổng qua các truyện
truyền kỳ, các truyện ngụ ngôn kỳ ảo” [60]. Đó là những cơ sở thiết yếu lý giải về
sự hiện diện của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam.
Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại gắn liền với thể loại truyện truyền kỳ
(tiểu thuyết truyền kỳ): Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ tân
phả… Vậy truyền kỳ là gì? Truyền kỳ có nghĩa là truyền đi một sự lạ. Hạt nhân cơ
bản của loại truyện này là “kì”. Cái kì – lạ trong truyện truyền kỳ không đơn thuần
chỉ là ghi chép những “kì sự”– “kì nhân”. Ở một trình độ cao hơn, kì là một
phương thức tư duy nghệ thuật kiểu phương Đông để tạo nên những “kì văn”. Đặc
trưng của truyện truyền kỳ là miêu tả những câu chuyện lạ, kỳ ảo.
Trên bước đường mười thế kỉ hình thành và phát triển, văn xuôi trung đại đã
để lại rất nhiều những tác phẩm đậm chất kỳ ảo, hoang đường. Có thể kể đến những
tác phẩm tiêu biểu: Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của
Vũ Đình và Kiều Phú, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ,
Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm…
Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại là địa hạt của những điều siêu nhiên
huyền bí: hồn ma, điềm báo, hóa kiếp, đạo sĩ làm bùa phép phù chú, nhà sư có phép
thần thông… Chính những yếu tố kì lạ, khác thường ấy thể hiện một niềm tin thiêng
liêng và lòng tôn sùng ngưỡng mộ của con người và thời đại đối với lực lượng ấy.
Đồng thời thông qua đời sống tâm linh của mình, của người, các tác giả trung đại
còn thể hiện nguyện vọng ước mơ của họ về nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Động cơ sáng tác kỳ ảo của các tác giả trung đại cũng không vượt khỏi
phạm vi “tải đạo ngôn chí” của quan niệm sáng tác văn chương trung đại. Bởi, theo
lời hé lộ của tác giả Lĩnh Nam chích quái: "Chỉ cốt khuyên điều thiện, răn điều ác,
bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà thôi". Tuy nhiên, “họ tải đạo bằng
con đường khác – con đường nhỏ (tiểu đạo), và đã thoáng nói đến những cái khác –
những ước muốn bị coi là cấm kị, cả sự bất đắc chí… mà dù có cố gắng chính thống
hóa nó đến mấy chăng nữa cũng nổi lên như một giấc mộng đẹp, một nổi khắc
khoải chân thành” [53]
Như vậy, yếu tố kỳ ảo đã góp một phần quan trọng trong việc tạo nên những
thành tựu cho văn xuôi trung đại Việt Nam, nhất là ở thể loại truyền kỳ. Trong suốt
quá trình phát triển đó, yếu tố kỳ ảo đã được các tác giả sử dụng như một thủ pháp
nghệ thuật mang tính đặc trưng thể loại. Nó còn là phương tiện thẩm mĩ, nghệ thuật
tạo nên sức hấp dẫn bề nổi cho những câu chuyện và tác phẩm như được khoác
thêm chiếc áo sặc sỡ bắt mắt. Mặt khác, sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo trong các tác
phẩm văn xuôi trung đại Việt Nam như là những bước chạy đà quan trọng để hình
thành nên dòng văn xuôi kỳ ảo Việt Nam hiện đại.
1.2.2. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945
Trọng tâm của mục này chủ yếu chúng tôi đi vào tìm hiểu sự có mặt của yếu
tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Song để có cái
nhìn tổng thể về yếu tố kỳ ảo từ văn xuôi trung đại đến văn học hiện đại Việt Nam,
chúng tôi thiết nghĩ cần phải điểm qua đôi nét về yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi giai
đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930.
Như chúng ta đã biết, yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi Việt Nam là mạch chảy
xuyên suốt từ truyền thống đến hiện đại. Tuy nhiên khoảng 30 năm đầu thế kỉ XX
(cụ thể là từ đầu thế kỉ XX đến 1920), yếu tố kỳ ảo đột nhiên vắng bóng trong các
sáng tác của các nhà văn. Nghiên cứu giai đoạn văn học này, chúng tôi nhận thấy số
lượng tác giả, tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo là rất ít. Người mặn mà nhất với thể
loại truyện kỳ ảo đó chính là Tản Đà. Ngoài việc dịch Liêu trai chí dị của Bồ Tùng
Linh (Trung Quốc) sang tiếng Việt, ông còn được biết đến với những tác phẩm đầy
mộng tưởng nơi chốn thần tiên: Giấc mộng con I, Giấc mộng con II, Giấc mộng
lớn… Bên cạnh đó, còn phải kể đến: Giấc mộng (Bửu Đình), Lời than vãn của bà
Trưng Trắc (Nguyễn Ái Quốc). Tuy nhiên, dấu ấn thẩm mĩ của yếu tố kỳ ảo trong
văn học giai đoạn này là không nhiều. Vì thế, có rất nhiều ý kiến (của các nhà
nghiên cứu phê bình văn học) cho rằng đây là giai đoạn văn xuôi kỳ ảo có sự đứt
quãng, không liền mạch.
Bước sang những năm 1930 – 1945, xã hội Việt Nam có sự biến chuyển khá
mạnh mẽ so với ba mươi năm đầu thế kỉ XX. Nhiều đô thị lớn mọc lên, tầng lớp trí
thức tiểu tư sản ngày càng một lớn mạnh và khẳng định được vị thế nhất định của
mình trong xã hội. Thị hiếu thẩm mĩ tiếp nhận văn học của công chúng cũng có
nhiều thay đổi. Trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại, văn học cũng có sự
“lột xác” mới mẻ. Dấu ấn sinh động nhất của đời sống văn học thời kì này chính là
sự ra đời của văn học lãng mạn Việt Nam. Chính sự ra đời của văn xuôi lãng mạn
Việt Nam cùng với việc tiếp thu những thành tựu của văn học phương Tây mà nhiều
thể loại văn học mới đã ra đời (thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói…), nhiều
phong cách sáng tác độc đáo, phá cách được hình thành. Cuộc sống đương đại với
những con người hiện đại tràn ngập trong tác phẩm. Nhưng không vì thế mà những
gì thuộc về truyền thống lại bị gạt bỏ, cắt đứt. Nghiên cứu văn xuôi lãng mạn Việt
Nam giai đoạn 1930 – 1945, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những tác phẩm lãng
mạn thấm nhuần tư duy thẩm mĩ hiện đại vẫn còn rất nhiều trang viết âm thầm tiếp
nối quá khứ. Cái mới và cái truyền thống cùng hòa điệu để tạo nên nét độc đáo của
văn học giai đoạn này. Cái mới tạo năng lượng cần, đủ để các nhà văn bước ra khỏi
những khuôn sáo của cái truyền thống. Cái truyền thống là nguồn mạch nuôi dưỡng
hồn cốt của dân tộc. Chính sự giao thoa giữa Đông – Tây đã tạo điều kiện thuận lợi
cho thể loại văn học kỳ ảo tiếp tục phát triển.
Xét ở một góc cạnh nào đó, nói đến yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn
1930 – 1945 là một điều phi lý. Bởi, đây là thời đại của văn minh, thời đại của
những phát kiến khoa học, thời đại của chủ nghĩa duy lý. Nhưng, không phải vì thế
mà thế giới huyễn tưởng, ma quái, thần linh bị đẩy lùi vào quá khứ. Mảnh đất hiện
đại vẫn là bầu sữa mát dung dưỡng dòng văn học kỳ ảo phát triển. Sức vóc của nó
được tác tạo, bồi đắp bởi những cây bút chuyên nghiệp: Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Đái
Đức Tuấn, Lan Khai, Phạm Cao Củng… Đây là những phong cách tài hoa, sắc sảo
được nuôi dưỡng bởi hai luồng văn hóa Đông – Tây. Chính sự xuất hiện của những
phong cách “truyền kỳ đời mới” này đã làm sinh động đời sống văn học lúc bấy giờ.
Non hai thập kỉ hình thành và phát triển, văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai
đoạn 1930 – 1945 đã trình làng rất nhiều những trang viết kỳ ảo: Rừng khuya – Lan
Khai, Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn, Vàng và máu,
Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ, Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam, Loạn âm… –
Nguyễn Tuân, Lan rừng, Bóng người trong sương mù – Nhất Linh, Ngậm ngải
tìm trầm – Thanh Tịnh… Tác phẩm của họ “đã trở thành món “khoái khẩu” đối với
cái dạ dày “ăn tạp” của độc giả thành thị thích săn tìm cái lạ” [65, tr.86]. Đồng
thời, qua lăng kính kỳ ảo hiện đại, thế giới ma quỷ: ma trành, ma xó, ma khách, ma
mường, hùm tinh, ma báo oán, ma tài tử… và những truyền thuyết dân gian về quan
ôn bắt lính, chuột tha lá phủ mặt, ngậm ngải tìm trầm… khiến không khí truyện trở
nên chập chờn ma mị, đậm chất liêu trai nhưng đánh thức nhiều quan niệm mới về
tình yêu và cuộc sống.
“Chất men” của yếu tố kỳ ảo không chỉ có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các
cây bút có sở trường: Nguyễn Tuân, Lan Khai, Đái Đức Tuấn, Phạm Cao Củng…
mà còn quyến rũ tất thảy những người cầm bút khác. Nhất Linh ngoài vị thế chủ
soái của những trang tiểu thuyết tình cảm lãng mạn chủ trương cổ vũ cái mới còn
được biết đến với một Nhất Linh đầy rùng rợn ly kỳ, ma quái trong các tác phẩm:
Lan rừng, Bóng người trong sương mù… Hay, Thế Lữ không chỉ là cây đàn muôn
điệu ru đời, ru tình bằng những vần thơ lãng mạn, say đắm mà còn là một nhà văn
đầy kinh dị, ma quái qua các tác phẩm: Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Ma
xuống thang gác…
Có thể thấy rằng yếu tố kỳ ảo mang một sức hút không cưỡng đối với đông
đảo đội ngũ cầm bút đương thời. “Mảng độc” văn chương này ngày một đơm hoa
kết trái và trở thành một dòng, một nhánh riêng trong tiến trình hiện đại hóa của văn
học dân tộc. Đóng góp của dòng văn học này vào thành tựu chung của văn xuôi
lãng mạn là một điều không thể phủ nhận. Nó không chỉ nối lại nguồn mạch của
mảng văn học truyền kỳ truyền thống có lúc bị đứt quãng khoảng 30 năm đầu của
thế kỉ XX mà còn tạo ra một cuộc bức phá ngoạn mục so với văn học truyền thống
để giúp dòng văn học kỳ ảo Việt Nam hòa vào quĩ đạo của văn học thế giới.
1.2.3. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945 – sự kế thừa
và cách tân
Nếu 30 năm đầu thế kỉ XX yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi Việt Nam có sự đứt
mạch thì đến những năm 1930 – 1945 mạch chảy ấy đã được nối lại trong các tác
phẩm của văn xuôi lãng mạn. Tuy có sự gián đoạn như thế nhưng yếu tố kỳ ảo trong
văn xuôi lãng mạn Việt Nam không phải là những “kì hoa dị thảo” đột ngột xuất
hiện như một sự "thất cước với giống nòi" mà là mạch chảy được khơi nguồn từ văn
học truyền thống có sự sáng tạo bổ sung. Dấu ấn của văn hóa dân gian và văn học
trung đại vẫn còn in đậm trong cảm thức của các chủ thể sáng tác. Các sáng tác của
Thế Lữ, Nhất Linh, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Tchya Đái Đức Tuấn, Nguyễn Tuân,
Phạm Cao Củng… là những cuộc “về nguồn” có ý thức. Chất liệu mà các nhà văn
này dùng để tạo ra yếu tố kỳ ảo phần lớn được chiết lọc từ những quan niệm về tâm
linh, tín ngưỡng trong dân gian. Cốt truyện cũng được thu nhặt, gợi ý từ các truyền
thuyết và chuyện kể dân gian có tính chất ly kỳ, rùng rợn. Tuy nhiên, chúng lại
được kể bằng bút pháp tiểu thuyết hiện đại và phản ánh qua tâm trạng và bối cảnh
của con người hiện đại. Tạo nền cho những cốt truyện về sự kiện, con người, xã hội
hiện đại, các tác giả thường tìm đến những câu chuyện được lưu truyền trong dân
gian. Các tác phẩm Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Đái Đức Tuấn), Ngậm ngải
tìm trầm (Thanh Tịnh), Vàng và máu, Một đêm trăng (Thế Lữ)… đều là những câu
chuyen ly kỳ, hấp dẫn có nguồn gốc từ các truyện ma (ma hổ, ma trành, ma xó, ma
cụt đầu, ma thắt cổ, ma nhà hoang), truyện thần (thần giữ của, khách để của) kết
hợp với các truyền thuyết dân gian (quan ôn bắt lính, chuột tha lá phủ mặt). Nhưng
nếu cứ bám chặt vào “dưỡng chất của truyền thống” mà không có sự sáng tạo thì
dòng văn học ấy sẽ sớm “đoản mệnh”. Ý thức được luật chơi của sáng tạo nghệ
thuật, các nhà văn kỳ ảo giai đoạn này luôn biết cách bứt phá khỏi những khuôn
mẫu. Ví dụ, khi viết về các truyện ma quỷ, thần linh các tác giả dân gian và trung
đại thường gởi gắm niềm tin, sự tín ngưỡng của mình và cộng đồng vào trong tác
phẩm. Không chỉ nham mục đích khuyên lành, lánh dữ và xác tín thế giới tâm linh
như một biểu tượng văn hóa tinh thần của người Việt như trong các tác phẩm
Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo… mà các tác phẩm kỳ ảo thuộc dòng văn
xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 còn muốn chuyển tải những trăn trở, xúc cảm
của con người trong thời đại mới. Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ) là minh chứng cho
sự kế thừa và cách tân ấy. Tác phẩm viết về một chuyện tình đắm say, mơ mộng,
ngọt ngào ái ân, bất chấp khuôn phép. Một cuộc tình tự do phóng khoáng đầy bí ẩn
đậm chất ma quái. Bối cảnh, tung tích nhân vật, sự xuất hiện, những buổi hò hẹn,
những lần hoan lạc của đôi trai gái… đều in đậm dấu ấn của truyện truyền kỳ, liêu
trai. Có điều, câu chuyện thường được kể bằng bút pháp hiện đại, bằng khả năng
đào sâu vào cái tôi nội cảm nhân vật của các nhà văn hiện đại. Chính sự tìm tòi và
đổi mới về nghệ thuật của các chủ thể sáng tác đã giúp cho văn học giai đoạn này có
được khuôn diện mới khắc hẳn với truyền thống.
Sự nở rộ của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945
không chỉ là sự tiếp nối văn học truyền thống mà còn là cuộc bén duyên với văn học
phương Tây. Như chúng ta đã biết, ở thế kỉ XIX trong đời sống văn học phương
Tây đã hình thành nên dòng truyện kỳ ảo với những tên tuổi: Hoffmann (Đức),
Edgar Allan Poe (Mỹ), Balzac (Pháp)… Sáng tác của họ là sản phẩm của xã hội văn
minh hiện đại. Nhạy cảm trước những biến chuyển của thời đại, các tác giả đã dùng
phương thức kinh dị – “bất khả giải”, “bất khả tri” để chuyển tải quan niệm của
mình về cuộc sống mới. Ngọn gió kỳ ảo Tây phương từ sáng tác của các nhà văn
như thế, đã thổi vào khu vườn văn học Việt Nam những hạt mầm kỳ ảo hiện đại.
Trong khu vườn văn học ấy, những người thợ làm vườn (là những trí thức Tây học)
tâm huyết đã ra sức vun xới cho hạt giống kỳ ảo ngày một tốt tươi. Có điều, hạt
giống ấy sinh trưởng trong mảnh đất vốn giàu tính dân tộc nên hương sắc của nó, vì
thế, đậm chất vị phong thổ bản địa hơn. Có đi sâu vào tìm hiểu các tác phẩm kỳ ảo
giai đoạn này chúng ta mới thấy hết được sự tiếp biến tài tình đó. Sáng tác Vàng và
máu, Trại Bồ Tùng Linh, Thế Lữ chịu ảnh hưởng khá rõ nét truyện trinh thám của
Edgar Allan Poe nhưng cách đặt tên truyện và nội dung lại rất gần gũi với truyền
thống tâm linh người Á Đông. Tác phẩm Tâm sự nước độc của Nguyễn Tuân, Trên
bồng lai, Quyến rũ, Người con gái thần rắn của Cung Khanh, Người đàn bà trong
trắng, Người bạn kì dị của Hoàng Trọng Miên… đậm tính triết lý, óc khoa học của
truyện kinh dị Hoffmann nhưng ẩn chứa một niềm tin về sự tương thông, tương
giao giữa người sống và người chết, giữa thế giới thực tồn và thế giới siêu nhiên.
Chính những ảnh hưởng đó đã góp phần tạo nên một diện mạo đặc trưng cho văn
xuôi kỳ ảo lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện
đại trước 1945, đặc biệt là trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 là sự kết
hợp khá nhuần nhị các yếu tố truyền thống và hiện đại. Một mặt, chúng mang bóng
dáng truyền thống, vì phần lớn cốt truyện đều xuất phát từ các truyền thuyết và
chuyện kể dân gian. Mặt khác, chúng được thể hiện bằng bút pháp của truyện ngắn
hiện đại và phản ánh qua tâm trạng và bối cảnh của con người hiện đại. Phần lớn
những truyện này đều hướng vào thực tại sôi động, ở đó yếu tố kỳ ảo là nhân tố
quan trọng mang lại những giá trị thẩm mĩ thực sự cho tác phẩm chứ không chỉ
nhằm mục đích kích thích nhu cầu chuộng lạ đơn thuần của người đọc. Bút pháp kỳ
ảo, phi thực đa dạng, nhiều biến ảo này đã khiến văn học trở nên phong phú, sinh
động hơn và người viết bước đầu cũng đã có được gương mặt riêng, sức cuốn hút
riêng của mình. Hơn nữa, yếu tố kỳ ảo trong văn học giai đoạn này còn chịu ảnh
hưởng của văn học kinh dị phương Tây. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận yếu tố
ngoại lai, hiện đại các nhà văn luôn biết tự khẳng định và làm mới để không trở
thành cái bóng của những bậc thầy kinh dị phương Tây khi điểm tô vào trang viết
của mình chút kỳ dị của phương Đông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Đình Ân (giới thiệu và tuyển chọn) (2007), Thế Lữ – về tác gia và tác
phẩm, NXB Giáo dục.
2. Bakhtin, M. (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển
chọn, giới thiệu và dịch), Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
3. Lê Huy Bắc (2006), Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo, Tạp chí nghiên cứu văn
học số 8.
4. Ngô Vĩnh Bình (1996), Thanh Tịnh – văn và đời (sưu tầm và tuyển chọn),
NXB Thuận Hóa.
5. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, NXB Giáo dục
6. Nguyễn Cừ, Nguyễn Hoành Khung, Phong Hà, Trần Hồng Nguyên (1998),
Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945 (8 tập), H. Khoa học xã hội.
7. Nguyễn Huệ Chi (1999), Tìm hiểu các dạng truyện kì ảo trong văn học trung
đại và cận đại Đông Tây (in trong Những vấn đề lý luận và lịch sử văn
học, Viện Văn học).
8. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 1, NXB
Giáo dục, Hà Nội.
9. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 2, NXB
Giáo dục, Hà Nội.
10. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 3, NXB
Giáo dục, Hà Nội.
11. Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Từ điển văn
học (bộ mới), NXB Văn hóa.
12. Trường Chinh (1974), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, NXB Sự thật, in
lần hai, Hà Nội.
13. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học, Lý luận và ứng dụng, NXB
giáo dục.
14. Nguyễn Đăng Duy (2002), Văn hóa tâm linh, NXB Thông tin.
15. Đặng Anh Đào (2006), “Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt
Nam”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8.
16. Phan Cự Đệ, Tuyển tập (tập 3), NXB Giáo dục.
17. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí
Dũng, Hà Minh Đức (1999), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nhà xuất
bản giáo dục.
18. Hà Minh Đức (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỉ XX (truyện ngắn trước 1945
– quyển II, tập 3), NXB Văn học, Hà Nội, 2002.
19. Hà Minh Đức (1999) Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học
20. Hà Minh Đức, Khải luận về văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945
(trong Hà Minh Đức tuyển tập – tập 2), NXB Giáo dục.
21. E.M.Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch),
NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
22. Phùng Hữu Hải (2006), “Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam từ sau
1975”, Tạp chí nghiên cứu văn học.
23. Đoàn Trọng Huy, Hình tượng không gian đa dạng trong văn xuôi nghệ thuật
Nguyễn Tuân, Đại học sư phạm Hà Nội.
24. Đào Duy Hiệp (2006), “Cấu trúc cái kì ảo trong truyện ngắn Maupassant”, Tạp
chí nghiên cứu văn học số 9.
25. Hoàng Ngọc Hiến (1992), Năm bài giảng về thể loại, Trường viết văn Nguyễn
Du, Hà Nội.
26. Vũ Ngọc Khánh (2001), “Truyện thần linh ma quái và vấn đề giáo dục con
người”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 10.
27. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (2004), Từ điển Việt Nam văn hóa tín
ngưỡng phong tục, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội.
28. Ngô Tự Lập, Những đường bay mê lộ, www.viet-studies.info/NgoTuLap-
Melo.htm.
29. Ngô Tự Lập, Ma với tư cách là nhân vật văn học, www.viet-
studies.info/NgoTuLap-Melo.htm.
30. Lê Nguyên Long (2006), “Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong
nghiên cứu văn học”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 9.
31. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006), Văn học Việt Nam sau 1975, những
vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, Hà Nội.
32. Nguyễn Trường Lịch (1997), “Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong
văn chương xưa và nay”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 5.
33. Nhất Linh, Câu chuyện mơ trong giấc mộng, vantuyen.net.
34. Thế Lữ (1997), Truyện ngắn, NXB Hội nhà văn.
35. Thế Lữ (1999), Vàng và máu, NXB Văn học.
36. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945,
NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
37. Nguyễn Đăng Mạnh, “Tinh tuyển văn học Việt Nam (Tập 7 – quyển 1) – Văn
học giai đoạn 1900 – 1945”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
38. Nguyễn Đăng Mạnh, Lý luận và phê bình văn học, NXB Đà Nẵng.
39. Nguyễn Đăng Mạnh (2005), Nhà văn hiện đại Việt Nam – Chân dung và
phong cách, Nhà xuất bản trẻ.
40. Trần Thanh Mại (1961), “Những câu chuyện thần linh ma quái”,Tạp chí
nghiên cứu văn học số 2.
41. Lưu Sơn Minh (2007), Truyện không nên đọc vào lúc giao thừa (tuyển tập
truyện ma Việt Nam), NXB Văn học.
42. Nguyễn Trà My (2008), “Yếu tố kì ảo trong tác phẩm của Nguyễn Tuân”, Báo
Văn nghệ, số 51.
43. Tôn Thảo Miên (Tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Tuân – về tác giả và tác
phẩm, NXB Giáo dục, 2007.
44. Tôn Thảo Miên (2006), “Nguyễn Tuân - Dấu ấn của cá tính sáng tạo”, Tạp chí
nghiên cứu văn học số 2.
45. Nguyễn Nam (2006), “Từ Chùa Đàn đến Mê Thảo liên văn bản trong văn
chương và điện ảnh”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 12.
46. Nhiều tác giả (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
47. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (tập 3), NXB giáo dục.
48. Vũ Ngọc Phan, Một tiểu thuyết gia có biệt tài, trong Thế Lữ về tác gia và tác
phẩm, NXB Giáo dục, 2007.
49. Vũ Quỳnh, Kiều Phú (2003), Lĩnh Nam chích quái, NXB Văn học.
50. S.Iu. Nekliudov (2007), “Những hình ảnh của thế giới bên kia trong tính
ngưỡng dân gian và văn chương cổ điển” (Phạm Vĩnh Cư dịch), Tạp chí
nghiên cứu văn học số 11.
51. Trần Đình Sử, Tự sự học (một số vấn đề lí luận và lịch sử), NXB Đại học
sư phạm.
52. Vũ Thanh, “Dư ba của truyện truyền kì, chí dị trong văn học Việt Nam hiện
đại” (in trong Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học,
1999).
53. Bùi Thị Thiên Thai, Truyện kì ảo hiện đại – dư ba của truyện truyền kì truyền
thống (luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn), trường Đại học Khoa học xã
hội và nhân văn Hà Nội.
54. Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Anh Thư (2003), Đồng hồ báo tử (tập truyện ngắn
kinh dị – Nhiều tác giả), NXB Văn học.
55. Nguyễn Minh Thái (2007), Người săn đuổi và thờ phụng cái đẹp (trong Thế
Lữ – Về tác gia và tác phẩm), NXB Giáo dục.
56. Bùi Việt Thắng (1999), Bình luận truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội.
57. Tzevan Todorov, Dẫn luận về văn chương kỳ ảo (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh
Đào dịch), NXB Đại học sư phạm, 2008.
58. Nguyễn Thành Thi, “Lược đồ” văn học quốc ngữ Việt Nam - Nhìn từ quá trình
hình thành và tương tác thể loại, Đại học sư phạm TP. Hồ Chí
Minh.
59. Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Thanh Trường (2004), Lan Khai - Truyện đường
rừng (Tác phẩm và chuyên khảo), NXB Thông Tin, Hà Nội.
60. Bùi Thanh Truyền (2006), “Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương
đại Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 11.
61. Bùi Thanh Truyền (2007), “Song đề truyền thống – hiện đại trong điểm nhìn
nghệ thuật của truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại đời mới”, Tạp chí
nghiên cứu văn học số 2.
62. Bùi Thanh Truyền (2001), Cái kì ảo trong văn học Việt Nam: Từ truyền thống
đến hiện đại, Thông báo khoa học trường ĐHSP Huế.
63. Bùi Thanh Truyền (2004), “Kiểu nhân vật ma trong văn xuôi đương đại Việt
Nam”, Tạp chí khoa học Đại học Huế.
64. Bùi Thanh Truyền (2006), Đi tìm nguyên nhân hồi sinh của yếu tố kì ảo trong
văn xuôi đương đại Việt Nam, Hội thảo Văn học kì ảo, Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội.
65. Bùi Thanh Truyền (2005), “Truyện kì ảo trong đời sống văn học Việt Nam
đương đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học.
66. TchyA – Đái Đức Tuấn (2007), Thần hổ, NXB Thanh Hóa
67. TchyA – Đái Đức Tuấn (2007), Ai hát giữa rừng khuya, NXB
68. Nguyễn Tuân (2004), Truyện ngắn, NXB Văn học.
69. Phùng Văn Tửu (2006), “Những hướng đổi mới của văn học kì ảo thế kỉ XX”,
Tạp chí nghiên cứu văn học số 5.
70. Phùng Văn Tửu (2007), “Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học”,
Tạp chí nghiên cứu văn học số 10.
71. Hoàng Thị Văn (2008), Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam
sau 1975 (Đề tài nghiên cứu khoa học ấp Bộ), Trường ĐHSP TP. Hồ
Chí Minh.
72. Đinh Phan Cẩm Vân (2000), “Cái “kì” trong tiểu thuyết truyền kì”, Tạp chí
nghiên cứu văn học số 10.
73. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê Bình văn học Việt Nam (Nửa đầu thế kỉ XX
1900 – 1945), NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN058.pdf