Stress has been called the global health epidemic by the World Health Organization,
and related to the six leading causes of death, including: heart disease, cancer, pneumonia, liver
cirrhosis, accidents and suicide. This thesis used the stress level scale and the table of strategies
to cope with stress, conducting a survey on a sample of 250 students from school of hospitality
& tourism, Hue University in order to find the correlation between the methods of handling
stress and the level of stress of students. The result illustrates that there is a correlation between
the handling methods and stress levels. Students who choose active ways of coping with stress
will feel less stressed, and vice versa. As a result, it is suggested that if students regularly apply
active methods to deal with stress, they will lessen the stress level that they have to bear, and
vice versa.
9 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 741 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mối tương quan giữa cách thức ứng phó và mức độ stress của sinh viên khoa du lịch, đại học Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 03(43)/2018: tr. 75-83
Ngày nhận bài: 20/7/2018; Hoàn thành phản biện: 08/8/2018; Ngày nhận đăng: 23/8/2018
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁCH THỨC ỨNG PHÓ VÀ MỨC ĐỘ
STRESS CỦA SINH VIÊN KHOA DU LỊCH, ĐẠI HỌC HUẾ
NGUYỄN HOÀNG ĐÔNG1, HỒ CÔNG NGHIỆP2
1Khoa Du lịch, Đại học Huế. Email: dongnguyen15051981@gmail.com
2Trường Cao đẳng Bình Định. Email: hocongnghiep@gmail.com
Tóm tắt: Stress được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo là một đại dịch toàn
cầu và liên quan đến sáu nguyên nhân hàng đầu cướp đi sinh mạng của con
người: tim mạch, ung thư, viêm phổi, xơ gan, tai nạn và tự tử. Đề tài sử dụng
thang đo mức độ stress và bảng kiểm chiến lược ứng phó, tiến hành khảo sát
trên 250 mẫu khảo sát là sinh viên Khoa Du Lịch, Đại học Huế (KDL - ĐHH)
nhằm tìm hiểu mối tương quan giữa cách thức ứng phó và mức độ stress trên
đối tượng sinh viên. Kết quả cho thấy có sự tương quan giữa cách thức ứng
phó với mức độ stress. Những sinh viên có cách thức ứng phó chủ động thì
sẽ có mức độ stress thấp và ngược lại những sinh viên có cách thức ứng phó
bị động sẽ có mức độ stress cao. Kết quả đó cho thấy, nếu sinh viên sử dụng
thường xuyên các cách thức ứng phó chủ động thì sẽ giúp họ giảm mức độ
stress mà bản thân gánh chịu và ngược lại.
Từ khóa: stress, Cách ứng phó với stress của sinh viên
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị stress ở Việt Nam khá cao. Một khảo sát do
công ty Hoffmann – La Roche tiến hành vào năm 2002 nhằm đánh giá tình trạng stress
ở Việt Nam cho thấy 52% người Việt Nam có biểu hiện stress, trong đó có 30% học
sinh có biểu hiện stress lo âu (Hồ Hữu Tính, 2010). Nghiên cứu trên cho thấy tỷ lệ có
biểu hiện với stress ở Việt Nam là khá cao và có xu hướng lan rộng trên đối tượng là
học sinh sinh viên.
Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa cách thức ứng phó với mức độ stress, các nghiên
cứu trước đây đã chỉ ra rằng các cá nhân có kiểu ứng phó tích cực chủ động sẽ có mức
độ stress thấp và ngược lại. Tiêu biểu nghiên cứu của Folkman và Lazarus (1984), kết
luận tình trạng tinh thần được cải thiện khi các nhân sử dụng chiến lược ứng phó tập
trung vào vấn đề và tập trung vào tình cảm. Billings và Moos (1981, 1984), cũng chỉ ra
rằng các cá nhân có kiểu ứng phó chủ động, lý giải vấn đề theo hướng tích cực, tìm
kiếm sự hỗ trợ xã hội có ít biểu hiện stress và trầm cảm hơn các cá nhân sử dụng các
chiến lược lảng tránh (dẫn theo Author, 1996). Williams và De Lisi (2000) cũng kết
luận rằng chỉ kiểu ứng phó đối đầu hay tập trung vào vấn đề mới đem lại sự cải thiện
sức khỏe tâm lý, trong khi đó, hành vi lảng tránh và chiến lược tập trung vào tình cảm
làm cho mức độ stress tăng cao. Ở Việt Nam, tác giả Phan Thị Mai Hương (2007), khi
nghiên cứu về mối quan hệ giữa cách ứng phó và mức độ stress cũng chỉ ra rẳng, tìm
kiếm sự hỗ trợ xã hội là cách phương cách hiệu quả nhất có thể giúp làm giảm căng
76 NGUYỄN HOÀNG ĐÔNG, HỒ CÔNG NGHIỆP
thẳng, việc thể hiện cảm xúc là phương cách tương đối hiệu quả để ứng phó với stress,
ngoại trừ trường hợp thể hiện tính công khai nóng giận, kém hiệu quả nhất là sự chạy
trốn và sự dối mình hạ thấp khả năng của mình dù phương cách này có thể tạm giúp
giảm nhẹ mức độ stress. Như vậy có thể thấy việc sử dụng các cách ứng phó tích cực
chủ động sẽ giúp cá nhân giảm nhẹ các tác động của stress.
Ở nước ta, các nghiên cứu về stress trước đây đa phần tập trung vào các vấn đề như: tác
nhân gây ra stress (Đỗ Thị Lệ Hằng, 2009), mức độ stress (Đinh Thị Hồng Vân và
Nguyễn Phước Cát Tường 2010), cách ứng phó với stress (Nguyễn Phước Cát Tường và
Đinh Thị Hồng Vân, 2010; Bùi Thị Thanh Diệu, 2011) mà rất ít nghiên cứu chỉ ra mối
tương quan giữa cách thức ứng phó với mức độ stress, đặc biệt là trên đối tượng sinh
viên.Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, và xuất phát từ mục tiêu của nghiên cứu
này là tìm kiếm sự liên quan giữa cách thức ứng phó với mức độ stress. Đề tài sử dụng
các trắc nghiệm stress của Cohen và Williamson (1988) và thang đo Bảng kiểm chiến
lược ứng phó của Garcia và các cộng sự (2006). Cả hai thang đo này đều đã được thích
ứng và sử dụng tại Việt Nam bởi các tác giả Nguyễn Phước Cát Tường (2010), Bùi Thị
Thanh Diệu (2011). Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, bài báo đề xuất các biện
pháp nâng cao khả năng ứng phó với stress tâm lý cho sinh viên KDL – ĐHH nói riêng
và sinh viên Việt Nam nói chung.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để hoàn thành mục tiêu của đề tài, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp trắc nghiệm,
bao gồm 2 thang đo: trắc nghiệm stress của Cohen và Williamson (1988) và Bảng kiểm
chiến lược ứng phó của Garcia và các cộng sự (2006).
Thang đo stress (Percieved Stress Scale – PSS) của Cohen và Williamson (1988)
Thang đo gồm 10 câu dễ hiểu và đơn giản nhằm đo lường mức độ mà chủ thể nhận thấy
cuộc sống của họ trong 1 tháng qua là không thể dự đoán trước, không kiểm soát được
và quá tải. Điểm số được tính từ 1 đến 50, điểm càng cao cho thấy mức độ stress càng
nặng. Dưới 34 điểm: stress cấp tính, có thể kiểm soát được; từ 34 – 40 điểm: bắt đầu
quá tải vì stress, không đủ năng lực kiểm soát các trở ngại gặp phải, cần được hỗ trợ để
vượt qua; trên 41 - 50 điểm: bị stress nặng, cần được khám và điều trị.
Bảng kiểm Chiến lược ứng phó (Coping Strategies Inventory - CSI) của Garcia và các
cộng sự (2007)
Chúng tôi sử dụng bảng kiểm chiến lược ứng phó với stress của Garcia và các cộng sự
(2007), thích nghi hóa tại Tây Ban Nha từ CSI phiên bản gốc của Tobin, Halroyd và
Reynolds (1989) để đánh giá các cách ứng phó với trạng thái hoặc các sự kiện gây stress
trong một tháng qua. CSI rút gọn này gồm có 40 câu (nguyên bảng CSI của Tobin và
các cộng sự gồm có 72 câu), đánh giá ứng phó theo 8 loại cơ bản: giải quyết vấn đề
(GQVĐ), cấu trúc lại nhận thức(CTLNT), tìm kiếm chỗ dựa xã hội(TKCDXH), bộc lộ
cảm xúc(BLCX), lảng tránh vấn đề(LTVD), mơ tưởng(MT), cô lập bản thân(CLBT) và
đổ lỗi cho bản thân(ĐLCBT). Mỗi loại ứng phó cơ bản được đánh giá thông qua 5 items
mô tả các mặt biểu hiện của loại ứng phó đó.
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁCH THỨC ỨNG PHÓ VÀ MỨC ĐỘ STRESS... 77
Hai thang đo này được chúng tôi khảo sát trên 250 sinh viên KDL – ĐHH. Kết quả khảo
sát được phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0. Chỉ số Cronbach’Alpha của thang đo
mức độ stress là 0,82 và của Bảng kiểm chiến lược ứng phó là 0,72. Điều này cho thấy
bộ công cụ chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu này đạt yêu cầu về độ tin cậy, kết quả
nghiên cứu là đáng tin cậy.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1 Mức độ stress của sinh viên KDL – ĐHH
Hiện nay các nghiên cứu về stress được tiếp cận đa phương diện, dưới góc độ sinh học,
xã hội học và tâm lý học, dưới mỗi gốc độ stress được hiểu theo những cách khác nhau
(Bùi Thị Thanh Diệu, 2011). Tuy nhiên, định nghĩa về stress phổ biến nhất và được xem
là được thừa nhận nhất là: “Stress là trạng thái cảm xúc mà chủ thể trãi nghiệm khi họ
nhận định rằng những yêu cầu và đòi hỏi bên trong hoặc bên ngoài vượt qua nguồn lực
của cá nhân và xã hội mà họ có thể huy động được” (Lazarus, 1999).
Dựa vào thang đo stress của Cohen và Williamson (1988), mức độ stress của mỗi cá
nhân được chia thành ba mức. Mức độ thấp: dưới 34 điểm, mức stress cấp tính, có thể
kiểm soát được; mức độ trung bình: Từ 34-40, bắt đầu quá tải vì stress, không đủ năng
lực kiểm soát các trở ngại gặp phải, cần được hỗ trợ để vượt qua; mức độ cao: trên 40
điểm, bị stress nặng , cần được khám và điều trị.
Bảng 1. Mức độ stress của sinh viên KDL – ĐHH
N M SD Tần suất %
Mức độ stress 250 3,04 0,55
Dưới 34 điểm 34 – 40 điểm 41-50 điểm
175 70,0 68 27,2 7 2,8
Kết quả từ Bảng 1 cho thấy, mức độ stress của sinh viên KDL – ĐHH là tương đối vừa
phải, với M = 3,04 (nằm trong khoảng 2.61 – 3.40). Cụ thể trong số 250 mẫu khảo sát,
có 175 mẫu thuộc khoảng dưới 34 điểm, tức là ở mức độ cấp tính (mức độ thấp), chiếm
tỷ lệ 70,0%. Tiếp đó có 68 mẫu khảo sát nằm trong khoảng 34-40 điểm, tức là ở mức độ
bắt đầu quá tải vì stress (mức độ trung bình), cần được hỗ trợ để vượt qua, chiếm tỷ lệ
27,2%. Đặc biệt có 7 mẫu khảo sát nằm trong khoảng trên 40 điểm, thuộc nhóm bị
stress nặng (mức độ cao), cần được khám và điều trị, chiếm tỷ lệ 2,8%.
Có thể khi tiến hành khảo sát, chúng tôi lựa chọn thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi
học kỳ 2 và sinh viên năm thứ 4 chuẩn bị cho các hoạt động liên quan đến tốt nghiệp và
tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp nên mức độ stress của sinh viên giai đoạn này cao
hơn so với mức bình thường. Ngoài ra, sinh viên KDL – ĐHH phần lớn là sinh viên
ngoại tỉnh đến Huế học tập, áp lực của việc thích nghi, áp lực học tập, áp lực kinh tế
cũng là một trong những nguyên nhân khiến mức độ stress của họ tăng cao.
3.2. Đặc trưng ứng phó với stress của sinh viên KDL – ĐHH
Ứng phó với stress được hiểu là những nỗ lực không ngừng nhằm thay đổi nhận thức và
hành vi của cá nhân để giải quyết các yêu cầu cụ thể, tồn tại bên trong cá nhân và trong
78 NGUYỄN HOÀNG ĐÔNG, HỒ CÔNG NGHIỆP
môi trường mà cá nhân nhận định chúng có tính đe dọa, thách thức hoặc vượt qua nguồn
lực của họ (Lazarus, 1999). Có nhiều nghiên cứu khác nhau về đặc trung ứng phó với
stress, trong nghiên cứu này, chúng tôi dựa vào cách phân loại ứng phó với stress của
Tobin và các cộng sự (1988). Cách thức ứng phó sẽ được phận chia thành 8 kiểu ứng phó
khác nhau dựa trên hai tiêu chí lớn là tập trung vào vấn đề hoặc lãng tránh với stress.
Bảng 2. Đặc trưng về cách thức ứng phó với stress của sinh viên KDL - ĐHH
TT Cách thức ứng phó Điểm trung bình Độ lệch chuẩn
1 GQVĐ 3,57 0,66
2 CTLNT 3,48 0,67
3 BLCX 3,20 0,58
4 TKHTXH 3,36 0,79
5 LTVĐ 3,03 0,69
6 MT 3,52 0,77
7 ĐLCBT 3,25 0,77
8 CLBT 3,23 0,84
Kết quả nghiên cứu từ Bảng 2 cho thấy, sinh viên KDL – ĐHH sử dụng cách thức ứng
phó “giải quyết vấn đề” và “cấu trúc lại nhận thức” khá cao (M =3,57;3,48). Điều này
cho thấy tính tích cực và chủ động trong ứng phó với stress của sinh viên, vì đây là
những cách thức ứng phó thuộc vào nhóm tiêu chí ứng phó tập trung vào vấn đề - nhóm
được xem là hiệu quả và tích cực nhất trong việc giảm mức độ stress trên mỗi cá nhân
(Folkman và Lazarus,1984; Tobin,1988; Author,1996).
Trong chiến lược tập trung vào vấn đề, hai nhóm chiến lược bộc lộ cảm xúc và tìm kiếm
hỗ trợ xã hội cũng được sinh viên KDL – ĐHH sử dụng với mức độ trung bình vừa phải
(nằm trong khoảng 2,61-3,40). Theo quan điểm của Tobin (1988) đây là kiểu ứng phó
tập trung vào cảm xúc. Việc cá nhân sử dụng chiến lược ứng phó dựa nhiều vào tìm
kiếm hỗ trợ xã hội là phương cách được xem là hiệu quả, có thể làm giảm căng thẳng,
nhất là sự hỗ trợ có tính chuyên nghiệp từ các trung tâm cung cấp các dịch vụ sức khỏe
tinh thần (Phan Thị Mai Hương, 2007). Tìm kiếm hỗ trợ xã hội được xem là cách thức
ứng phó tích cực bởi nó có thể làm giảm mức stress khi con người có nơi tin cậy để bộc
lộ, chia sẽ cảm xúc, lắng nghe những lời khuyên để tìm cách giải quyết vấn đề theo
hướng tích cực (Nguyễn Phước Cát Tường, 2010; Phan Thị Mai Hương, 2007).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bên cạnh những cách thức ứng phó tích cực thì các
chiến lược thuộc nhóm lảng tránh vấn đề cũng được sinh viên KDL – ĐHH sử dụng khá
cao. Cao nhất là nhóm chiến lược ứng phó với stress thuộc nhóm “mơ tưởng” (M=3,52),
tiếp đến là nhóm “đổ lỗi cho bản thân” (M = 3,25), kế tiếp là nhóm “cô lập bản thân”
(M=3,23) và cuối cũng là nhóm “lảng tránh vấn đề” (M=3,03). Đây là nhóm ứng phó
thuộc vào nhóm lãng tránh, theo Williams và De Lisi (2000), hành vi lãng tránh là một
trong những nguyên nhân khiến mức độ stress tăng cao. Điều nãy cũng phù hợp với
nghiên cứu của Phan Thị Mai Hương (2007), kém hiệu quả nhất là sự chạy trốn và sự
dối mình, hạ thấp khả năng của mình dù những phương cách này có thể tạm thời giúp
giảm nhẹ mức độ stress.
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁCH THỨC ỨNG PHÓ VÀ MỨC ĐỘ STRESS... 79
Như vậy từ kết quả phân tích cho thấy, sinh viên KDL – ĐHH sử dụng các cách thức
ứng phó với stress khá đa dạng và phong phú, với các các thức ứng phó chủ động lẫn bị
động. Việc sử dụng nhiều các cách thức ứng phó chủ động, hiệu quả khiến mức độ
stress của phần đa sinh viên nằm ở mức độ thấp. Tuy nhiên cũng có một bộ phận sinh
viên sử dụng các cách thức ứng phó bị động, không hiệu quả khiến cho một bộ phận
sinh viên vẫn có mức stress tương đối cao. Điều này cho thấy sinh viên cần phải nhận
thức được vai trò của các nhóm ứng phó hiệu quả và tác hại của các nhóm ứng phó
không hiệu quả và tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn nếu muốn làm giảm nhẹ
các mức độ stress âm tính mà cá nhân phải gánh chịu.
3.3. Mối tương quan giữa cách thức ứng phó với mức độ stress của sinh viên Khoa
Du lịch, Đại học Huế
Phân tích mối tương quan nhị biến giữa các cách thức ứng phó với các mức độ stress
chủ yếu là dựa trên việc phân tích hệ số tương quan để tìm ra được mối liên quan mật
thiết giữa các biến liệu có hay không sự tương quan với nhau.
Bảng 3. Tương quan giữa cách thức ứng phó với mức độ stress của sinh viên KDL - ĐHH
Cách thức ứng phó 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
GQVĐ -
CTLNT 0,65** -
BLCX 0,36** 0,35** -
TKHTXH 0,38** 0,49** 0,38** -
LTVĐ -0,28** -0,02 -0,03 -0,07 -
MT -0,42** -0,35** -0,06 -0,14* 0,32** -
ĐLCBT -0,22** -0,16** -0,15* -0,25** 0,33** 0,51** -
CLBT -0,23** -0,25** -0,13* -0,49** 0,34** 0,32** 0,46** -
Mức độ stress thấp 0,34** 0,33** 0,06 0,15* -0,11 -0,42** -0,26** -0,18** -
Mức độ stress TB -0,21** -0,25** 0,03 -0,04 0,02 0,38** 0,19** 0,10 -0,93** -
Mức độ stress cao -.37** -0,25** -0,28** -0,31** 0,25** 0,14* 0,20** 0,20** -0,25** -0,10
Chú thích: *: Tương quan nhị biến có ý nghĩa ở mức 0.05
**: Tương quan nhị biến có ý nghĩa ở mức 0.01
3.3.1. Tương quan giữa cách thức ứng phó “tập trung vào vấn đề” với mức độ stress
Tương quan giữa cách thức ứng phó “giải quyết vấn đề” với mức độ stress.
Kết quả phân tích từ Bảng 3 cho thấy, có tương quan thuận giữa “giải quyết vấn đề” với
mức độ stress thấp (r=0,34, p<0,01), và có tương quan nghịch giữa giải quyết vấn đề” với
mức độ stress trung bình và cao (r=-0,21; -0,37, p<0,01; p<0,01). Điều này có nghĩa là
những mẫu khảo sát nào có cách thức ứng phó “giải quyết vấn đề” càng cao thì mức độ
stress càng thấp và ngược lại “giải quyết vấn đề” càng thấp thì mức độ stress càng cao.
Tương quan giữa cách thức ứng phó “cấu trúc lại nhận thức” với mức độ stress
Kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy, có tương quan thuận giữa “cấu trúc lại nhận thức”
với mức độ stress thấp (r=0,33, p<0,01), và có tương quan nghịch giữa “cấu trúc lại
80 NGUYỄN HOÀNG ĐÔNG, HỒ CÔNG NGHIỆP
nhận thức” với mức độ stress trung bình và cao(r=-0,25; -0,25, p<0,01; p<0,01). Điều
này có nghĩa là những mẫu khảo sát nào có cách thức ứng phó “cấu trúc lại nhận thức”
càng cao thì mức độ stress càng thấp và ngược lại “cấu trúc lại nhận thức” càng thấp thì
mức độ stress càng cao.
Tương quan giữa cách thức ứng phó “bộc lộ cảm xúc” với mức độ stress
Kết quả phân tích ở bảng 3 cho thấy, không có tương quan thuận giữa “bộc lộ cảm xúc”
với mức độ stress thấp và trung bình (r=0,06; 0,03, p>0,05), tuy nhiên có tương quan
nghịch giữa “bộc lộ cảm xúc” với mức độ stress cao( r=-0,28, p<0,01). Điều này có
nghĩa là những mẫu khảo sát nào có cách thức ứng phó “bộc lộ cảm xúc” càng thấp thì
mức độ stress càng cao.
Tương quan giữa cách thức ứng phó “tìm kiếm hỗ trợ xã hội” với mức độ stress
Kết quả phân tích ở bảng 3 cho thấy, có tương quan thuận giữa “tìm kiếm hỗ trợ xã hội”
với mức độ stress thấp (r=0,15, p<0,05), đồng thời có tương quan nghịch giữa “tìm
kiếm hỗ trợ xã hội” với mức độ stress cao( r=-0,31, p<0,01). Điều này có nghĩa là
những mẫu khảo sát nào có cách thức ứng phó “tìm kiếm hỗ trợ xã hội” càng cao thì
mức độ stress càng thấp và ngược lại “tìm kiếm hỗ trợ xã hội” càng thấp thì mức độ
stress càng cao.
Như vậy, trong bốn nhóm cách thức ứng phó được xếp vào nhóm chiến lược “tập trung
vào vấn đề” đều có mối tương quan thuận với mức độ stress thấp và có mối tương quan
nghịch với mức độ stress cao. Kết quả nghiên cứu này khá tương đồng với các kết quả
nghiên cứu trước đây của Folkman và Lazarus (1984); Author (1996); Williams và De
Lisi (2000); Nguyễn Phước Cát Tường (2010).
3.3.2 Tương quan giữa cách thức ứng phó “lảng tránh” với mức độ stress
Tương quan giữa cách thức ứng phó “lảng tránh vấn đề” với mức độ stress
Kết quả phân tích từ Bảng 3 cho thấy, không có tương quan giữa “lảng tránh vấn đề”
với mức độ stress thấp, tuy nhiên có tương quan thuận giữa lãng tránh vấn đề với mức
độ stress (r=0,25, p<0,01). Điều này cho thấy những mẫu khảo sát có cách ứng phó
“lảng tránh vấn đề” càng cao thì mức độ stress càng cao.
Tương quan giữa cách thức ứng phó “mơ tưởng” với mức độ stress
Từ kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy, có tương quan nghịch giữa “mơ tưởng” với
mức độ stress thấp (r=-0,42, p<0,01) và có tương quan thuận giữa “mơ tưởng” với mức
độ stress trung bình và cao (r=0,38; 0.14, p<0,01; 0,01). Điều này cho thấy những mẫu
khảo sát có cách ứng phó “mơ tưởng” càng thấp thì mức độ stress càng thấp và ngược
lại “mơ tưởng” càng cao thì mức độ stress càng cao.
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁCH THỨC ỨNG PHÓ VÀ MỨC ĐỘ STRESS... 81
Tương quan giữa cách thức ứng phó “đổ lỗi cho bản thân” với mức độ stress
Từ kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy, có tương quan nghịch giữa “đổ lỗi cho bản thân”
với mức độ stress thấp (r=-0,26, p<0,01) và có tương quan thuận giữa “đổ lỗi cho bản
thân” với mức độ stress trung bình và cao (r=0,19; 0.20 p<0,01; 0,01). Điều này cho
thấy những mẫu khảo sát có cách ứng phó “đổ lỗi cho bản thân” càng thấp thì mức độ
stress càng thấp và ngược lại “đổ lỗi cho bản thân” càng cao thì mức độ stress càng cao.
Tương quan giữa cách thức ứng phó “cô lập bản thân” với mức độ stress
Từ kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy, có tương quan nghịch giữa “cô lập bản thân”
với mức độ stress thấp (r=-0,18, p<0,01) và có tương quan thuận giữa “cô lập bản thân”
với mức độ stress trung bình(r=0,20, p<0,01). Điều này cho thấy những mẫu khảo sát có
cách ứng phó “cô lập bản thân” càng thấp thì mức độ stress càng thấp và ngược lại “cô
lập bản thân” càng cao thì mức độ stress càng cao.
Như vậy, trong bốn nhóm cách thức ứng phó được xếp vào nhóm “lảng tránh” đều có
mối tương quan thuận với mức độ stress cao và tương quan ngịch với mức độ stress
thấp. Kết quả nghiên cứu này cũng khá tương đồng với các kết quả nghiên cứu của các
tác giả Williams và De Lisi (2000); Phan Thị Mai Hương (2007).
4. KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên KDL – ĐHH có mức độ stress nằm ở mức độ
trung bình, việc sử dụng các cách thức ứng phó khá phong phú và đa dạng, bao gồm cả
những cách thức ứng phó chủ động - tập trung vào vấn đề và những cách thức ứng phó
bị động - lảng tránh với vấn đề. Cách thưc ứng phó chủ động – tập trung vào vấn đề có
mối tương quan thuận với mức độ stress thấp và tương quan nghịch với mức độ stress
cao. Ngược lại, cách thức ứng phó bị động – lãng tránh có mối tương quan thuận với
mức độ stress cao và tương quan nghịch với mức độ stress thấp. Kết quả cho thấy, nếu
sinh viên nhận thức được vai trò của các cách thức ứng phó và biết sử dụng các cách
thức ứng phó chủ động sẽ giúp giảm được mức độ stress mà bản thân mỗi cá nhân phải
gánh chịu.
Từ kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa cách thức ứng phó với mức độ stress,
chúng tôi có một số đề xuất sau:
- Bản thân sinh viên cần nhận thức được vai trò của nhóm ứng phó tích cực, để từ đó rèn
luyện cho mình những cách thức ứng phó phù hợp và sử dụng một cách chủ động, linh
hoạt khi đối mặt với stress.
- Cần nhận thức được tính thiếu hiệu quả của các nhóm ứng phó tiêu cực, để giúp bản
thân bớt phải gánh chịu mức độ stress cũng như hạn chế được sự tấn công của stress
mỗi khi đối mặt với khó khăn tâm lý trong cuộc sống
- Đội ngũ giảng viên, nhà trường cũng như gia đình và phụ huynh cũng cần nhận thức
được vai trò của cách thức ứng phó với mức độ stress, cũng như cần đồng hành và tuyên
82 NGUYỄN HOÀNG ĐÔNG, HỒ CÔNG NGHIỆP
truyền giáo dục cho sinh viên các cách thức ứng phó tích cực chủ động để giúp sinh
viên hạn chế sự tấn công của stress và giảm bớt các khó khăn tâm lý.
- Chỗ dựa xã hội là một nhân tố quan trọng làm giảm mức độ stress, nên nhà trường, gia
đình và xã hội cần tạo ra những môi trường văn hóa, lành mạnh, tạo niềm tin để sinh
viên có thể tìm đến chia sẻ, lắng nghe những lời tâm sự, những giải đáp thắc mắc khi họ
đối mặt với stress và những khó khăn khác trong cuộc sống.
Các câu lạc bộ trong trường đại học, ngoài việc hỗ trợ các kỹ năng mềm cho các thành
viên cũng nên tạo những hoạt động vui chơi, những diễn đàn để sinh viên có nơi san sẻ,
chia sẻ và tiếp thu những lời khuyên khi họ gặp phải những áp lực trong học tập, trong
cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]
Bùi Thị Thanh Diệu (2016), Cách ứng phó với stress của sinh viên trường ĐHSP – Đại
học Đà Nẵng – phân tích dưới gốc độ giới tính, Kỷ yếu hội thảo khoa học cán bộ trẻ
các trường sư phạm toàn quốc lần thứ V, Hồ Chí Minh, 56-60.
[2] Phan Thị Mai Hương (2007), Cách ứng phó của trẻ vị thành niên với hoàn cảnh khó
khăn, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[3] Nguyễn Phước Cát Tường (2010), Mối quan hệ giữa chỗ dựa xã hội và cách ứng phó
với stress của sinh viên trường Đại học Y Dược – Đại học Huế. Tạp chí Khoa học và
Giáo dục, Trường Đại học sư phạm Huế, số 01(13), 93-100.
[4] Nguyễn Phước Cát Tường (2012), Các cách ứng phó với stress của sinh viên đại học
Huế, Tạp chí khoa học đại học Huế - Vol.76.
[5] Hồ Hữu Tính, Nguyễn Doãn Thành (2010), Thực trạng stress lo âu và những liên quan
đến lo âu ở học sinh cấp 3 trường THPT Phan Bội Châu, Phan Thiết Bình Thuận. Tạp
chí Y học TP HCM, tập 14, phụ bản số 2
[6] Author, N. (1996). Effects of stress, depression and anxiety on postsecondary students’
coping strategies. Journal of College Student Development, 39, 11- 22.
[7] Cohen, S.,Williamson, G. (1988), Perceived stress in a probability sample of the United
States, Social Psychology of Health. Newbury Park, CA: Sage
[8] Garcia, F. J, Franco, R. L., Martinez, G. J. (2006), Spainish version of Coping
Strategies Inventory, Actas Esp Psiquiatr, 35(1), 29 -39.
[9] Larazus, R (1999), Stress and emotion. New York: Springger Publishing Company.
[10] Lazarus, R.S., Folkman, S. (1984), Stress, appraisal, and coping, NY.
Title: THE CORRELATION BETWEEN THE METHODS OF COPING WITH STRESS
AND THE LEVEL OF STRESS OF STUDENTS FROM SCHOOL OF HOSPITALITY &
TOURISM, HUE UNIVERSITY
Abstract: Stress has been called the global health epidemic by the World Health Organization,
and related to the six leading causes of death, including: heart disease, cancer, pneumonia, liver
cirrhosis, accidents and suicide. This thesis used the stress level scale and the table of strategies
to cope with stress, conducting a survey on a sample of 250 students from school of hospitality
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁCH THỨC ỨNG PHÓ VÀ MỨC ĐỘ STRESS... 83
& tourism, Hue University in order to find the correlation between the methods of handling
stress and the level of stress of students. The result illustrates that there is a correlation between
the handling methods and stress levels. Students who choose active ways of coping with stress
will feel less stressed, and vice versa. As a result, it is suggested that if students regularly apply
active methods to deal with stress, they will lessen the stress level that they have to bear, and
vice versa.
Keywords: Stress, managing stress by student in university
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- moi_tuong_quan_giua_cach_thuc_ung_pho_va_muc_do_stress_cua_s.pdf