Một số chỉ dẫn hàng hải trên vùng biển và bờ biển Phú Yên-Bình Định

Viên sĩ quan người Pháp tham gia tác chiến trong hàng ngũ thủy quân Nguyễn Ánh thời nội chiến Nguyễn - Tây Sơn là Jean Baptiste Chaigneau đưa ra một chỉ dẫn tuy không đích xác về mặt danh xưng, song gần như chắc chắn thuộc về Phú Yên, tương quan cùng với các thương cảng khác trong chuyên mục khảo sát hải cảng dọc bờ biển vương quốc Cochinchine: “Các bến cảng chính yếu của Đại quốc là các bến cảng tại Sài Gòn; bến cảng Cam Ranh là một bến cảng rất bảo đảm và rất đẹp của Cô-Sen-Sin; bến cảng Lavait nằm giữa hai hòn núi tránh được tất cả gió bão; bến cảng Quảng Nam hay Tourane, nằm sâu vào trong một cái vịnh có nhiều bến cảng khác nhỏ bé hơn; bến cảng Hòn Khói; bến cảng Cửa Bé; bến cảng Vũng Chàm; bến cảng Cù Mông; bến cảng Qui Nhơn” (Phan Xưng, Hà Xuân Liêm dịch, 2002, tr. 267-268). Theo lôgic sự kiện và dưới con mắt quan sát quân sự nhà nghề, đây là các hải cảng mà theo những chiến dịch gió mùa, quân đội Nguyễn Ánh phản công lên phía Bắc, đã từng có sự tham gia đắc lực của J. B. Chaigneau với vị trí chỉ huy tàu bọc đồng Long Phi, trong đó không thể bỏ qua một tiêu điểm chiến tranh vùng giáp ranh phải giành đi giật lại rất nhiều lần giữa đôi bên tham chiến: Xuân Đài - Vũng Lấm. Hải cảng Vũng Lấm nằm trong vịnh lớn Xuân Đài, được chắn bên ngoài bởi bán đảo Phước Thịnh và núi Xuân Đài

pdf17 trang | Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 419 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số chỉ dẫn hàng hải trên vùng biển và bờ biển Phú Yên-Bình Định, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
58 CHUYÊN MỤC SỬ HỌC - NHÂN HỌC - NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI TRÊN VÙNG BIỂN VÀ BỜ BIỂN PHÚ YÊN - BÌNH ĐỊNH (Qua nguồn tư liệu phương Tây) NGUYỄN LỤC GIA Phú Yên và Bình Định thuộc duyên hải Nam Trung Kỳ Việt Nam nằm trên lộ trình xuyên Biển Đông theo tuyến dọc ven bờ bán đảo Đông Dương nối liền Ấn Độ - Malacca với Trung Hoa - Nhật Bản. Sau cap Varella và pullo Gambir, tàu thuyền sẽ tiếp cận pullo Canton rồi hướng thẳng về phía bờ biển Trung Hoa và ngược lại. Do vậy, cùng với Quảng Ngãi, các chỉ dẫn hàng hải trên vùng biển và bờ biển Phú Yên - Bình Định có vai trò đặc biệt quan trọng. Lịch sử hải hành phương Tây các thế kỷ từ XVI đến đầu XX đã chứng thực điều này. 1. DẪN NHẬP Con đường thương mại quốc tế kết nối phương Tây với miền viễn đông Á châu khởi đầu từ các cuộc phát kiến lớn về địa lý ở thế kỷ XV. Một trong hai vương quốc đóng vai trò tiên phong trong việc khai thông đó là Bồ Đào Nha. Sau khi chiếm cứ thành phố Ceuta của Maroc trên bờ Địa Trung Hải vào năm 1415, Bồ Đào Nha đã mở rộng quá trình chinh phục dọc theo đường bờ biển phía Tây lục địa châu Phi. Được khích lệ bởi bản chỉ dụ năm 1493 của giáo hoàng Alexandre VI, đến năm 1498 nhà hàng hải Vasco da Gama đã chỉ huy đoàn tàu thám hiểm của vương quốc Bồ vượt qua mũi Hảo Vọng và đặt chân lên đất Ấn Độ, sau đó đem về cho nhà vua Dom Manuel một chuyến tàu đầy ắp hàng hóa trị giá gấp 60 lần so với toàn bộ phí tổn của chuyến đi. Viên hải quân Tham mưu trưởng Affonso de Albuquerque tiếp tục tiến về hướng Đông vào đầu thế kỷ sau, chiếm cứ và thiết lập các cơ sở thương mại tại Goa (Ấn Độ) năm 1510 và Malacca (Mã Lai) năm 1511, kiểm soát các đảo cung cấp hương liệu trong khu vực. Những cuộc thám hiểm liên tục đến Nguyễn Lục Gia. Trường Trung học Phổ thông Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 59 vùng biển Trung Hoa - Nhật Bản vào giữa thế kỷ XVI cuối cùng đã xác lập một thương điếm cực kỳ quan trọng khác tại Macao (Trung Hoa) năm 1557. Trong khi đó, nhà hàng hải gốc người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đã đưa hạm tàu vương quốc Tây Ban Nha đến quần đảo Luzon nằm đối diện với bán đảo Đông Dương vào năm 1521 và tuyên bố cụm đảo quốc này thuộc về lãnh thổ của nhà vua Philip II, để rồi hai mươi năm sau chính thức mang danh xưng Philippines và bắt đầu đẩy mạnh công cuộc chinh phục với việc xây dựng thương cảng Manilla. Đội tàu Hà Lan xuất hiện đầu tiên ở quần đảo Java vào năm 1598 và thiết lập quan hệ buôn bán tại đây từ đầu thế kỷ sau. Người Anh đến với khu vực Đông Nam Á muộn hơn Hà Lan, còn nước Pháp thì càng muộn sau hơn nữa. Như vậy, Bồ Đào Nha là vương quốc phương Tây đầu tiên chính thức xác lập quan hệ thương mại với vùng viễn đông và thường xuyên đáp tàu qua lại Biển Đông hay còn gọi là Biển Champa, danh xưng gắn với đường bờ biển thuộc vương quốc Champa từng có chiều dài lãnh thổ chạy suốt từ dãy Hoành Sơn phía Bắc đến sông Đồng Nai ở phía Nam. Từ đó, việc thực hiện các chỉ dẫn hàng hải (tức các điểm định vị cho tàu thuyền đi trên biển) đầu tiên phải do người Bồ tiến hành với tính cách là một điều kiện thiết yếu đảm bảo tối ưu lợi ích mậu dịch quốc tế. 2. CÁC CHỈ DẪN HÀNG HẢI CỦA BỒ ĐÀO NHA Tập hải đồ của Francisco Rodrigues (nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha có mặt đầu tiên trong cuộc chinh phục Malacca năm 1511) có tấm bản đồ hướng dẫn đường đi từ Malacca đến Trung Hoa với mốc niên đại khoảng 1511 - 1512 mà các nhà nghiên cứu cho đó là bản sao của một hải đồ Trung Hoa có tên Wou Pei Tche (Vũ Bị Chí) xuất xứ từ những chuyến thám hiểm của đô đốc Tchang Ho/Trịnh Hòa đầu thế kỷ XV được lưu lại tại Java hoặc Malacca. Tuy chỉ là bản sao, hải đồ của F. Rodrigues vẫn bị đánh giá là bước thụt lùi so với nguyên bản bởi sự sơ sài của nó về các mũi đất chỉ ra, chưa kể những bất tiện về mặt đơn vị đo khoảng cách mà nó sử dụng. Dù vậy, tấm hải đồ này là tài liệu đầu tiên được biên soạn bởi một người phương Tây về hành trình đi qua Biển Đông, trong đó có đề cập đến tiêu điểm hàng hải nằm trên bờ biển Phú Yên, mà lúc này vẫn còn nằm trong địa giới Champa dưới danh xưng tiểu quốc Aryaru như sau: “ từ Terra Vermelha dọc theo bờ biển này cho mãi đến Pomta da Berela thì có 14 jãos (đơn vị đo chiều dài của người Mã Lai), tương đương với đơn vị keng/ canh của người Trung Hoa, mà theo cách tính của Mulder thì mỗi keng bằng 6,9 cho đến 22,8 milles marins (tức đơn vị hải lý = 1.852 mét) ở phía Đông Bắc, và từ Berela đến pulo Catom có 12 jãos dọc theo con đường cũng tên như thế” (Manguin, 1972, tr. 58-59). Đối chiếu với tài liệu Trung Hoa Wou Pei Tche, Pomta da Berela chính là Linh-chan/Ling-chan TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 60 hoặc Linh Sơn, tức núi Đá Bia/Thạch Bi sơn mà sau đó các nhà hải hành Bồ Đào Nha cũng gọi thành Varella, nghĩa là thần tượng, đền thờ hoặc chùa chiền mang tính cách tín ngưỡng linh thiêng(1). Theo nhận thức của những người Chàm theo Hindou giáo, đó là một Lingaparvata cổ xưa nhất ở miền Đông Nam Á châu, sánh cùng ngọn Vat Ph’u/Wat Phou, “cũng có tên chữ Hán Ling (Lãnh/Lĩnh) (Linggaparvata), và tên châu Âu hiện nay, trong các tài liệu Bồ Đào Nha, được dùng để chỉ các ngôi chùa” (Coedès, 2008, tr. 130). Rõ ràng, ở đây có một sự vận động giống nhau của các đặc điểm thiên nhiên, làm thành nơi thờ tự linh thiêng của những người Hindou giáo cùng các nhà hàng hải khắp các châu lục từ Á đến Âu. Một tập tài liệu chép tay khác nhan đề Adverncias para a navegacão da India - Roteiros (Những tài liệu giới thiệu về ngành hàng hải ở Ấn Độ - Các tập hải đồ) mà thời gian biên soạn được xác định trong khoảng từ năm 1565 cho đến nửa sau thế kỷ XVII, được viên hoa tiêu Franoisco Pires người Bồ sưu tập và chú giải đã tiếp cận vùng biển và bờ biển giáp ranh giữa Đại Việt, nếu chưa gọi là xứ Đàng Trong, với Champa rõ nét hơn. Hải đồ số 1 với niên đại 1565, và như vậy Phú Yên vẫn còn nằm trong lãnh giới Champa, cho biết đường đi theo hướng Malacca - Trung Hoa: “Từ cái mỏm đã ghi ấy [mỏm Padaran] và nằm ở vĩ độ 110, anh sẽ đi về phía Đông Bắc Bắc, cách xa bờ biển trên dưới 4 hải lý và như thế anh sẽ nhìn thấy Varella; anh sẽ tìm thấy một cái lõm vào ở bờ biển và một vài hòn đảo nhỏ trong cái lõm ấy; mũi Varella này ở ngang tầm với chỗ còn thiếu một tý nữa thì là vĩ độ 130, đây là một ngọn núi cao, và khi anh đến gần nó thì anh sẽ trông thấy trên đỉnh núi có một tảng đá với hình thù của một núi đá linh thiêng (Varella) đến đây những người đi biển Trung Hoa thường tìm lên để lễ bái; khi anh đến gần đó về phía Nam thì anh sẽ tìm thấy một nơi thuận tiện cho tàu thuyền ẩn nấp, tại đây thế là có một hải cảng và tàu thuyền ghé vào đây tốt lắm. Anh cũng sẽ tìm thấy nước ngọt () Khi anh đến gần Varella ở phía Bắc thì anh sẽ thấy một vịnh có cát và như vậy là anh có thể ghé vào bờ nếu trời yên tĩnh và kiếm được nước ngọt vì ghé tàu thuyền vào đó là có sự bảo đảm an toàn” (Manguin, 1972, tr. 68-69). Những mô tả trên gần khớp với thực tế: đỉnh Varella nằm ở vĩ tuyến 12054’, chếch về phía Nam là hải cảng Vũng Rô được các sườn núi bọc kín ở bên trong, có điểm lấy nước ngọt nằm trên một bãi cát trắng mịn có plei (làng) của người Chàm trước khi họ dời xa về phía Nam mà người Việt về sau gọi tên là Đại Lãnh; trong khi chếch về phía Bắc cũng có điểm lấy nước ngọt khác nhưng hải đồ lại không chỉ định rõ nó thuộc về cửa Đà Nông hay cửa Đà Lãng/Đà Rằng. Tuy nhiên, xét về chiều dài, độ dốc, lưu lượng dòng sông Ba đổ ra cửa Đà Rằng đều vượt gấp nhiều lần so với sông Bàn Thạch đổ ra cửa Đà Nông, do đó lượng cát bồi trên vùng bờ biển cũng tỉ lệ thuận NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 61 theo đó. Nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Champa người Pháp Henri Parmentier chứng thực đoạn bờ biển ngang với cửa sông Đà Rằng vào cuối thế kỷ XIX như sau: “con sông [Đà Rằng], do dòng chảy của nó mang ra biển hàng năm rất nhiều cát, nên đã phủ lên bờ biển ở hai bên thành những cồn cát sáng loáng” (Parmentier, 1909, tr. 9). Những trang khảo tả đầu tiên trong sách Xứ An Nam của Trưởng Sở Giáo dục Trung Kỳ B. Bourotte bổ túc thêm ấn tượng về những bãi cát bồi trên dải bờ biển này: “Ở cửa sông Đà Rằng thấy có nhiều đụn cát và muối, rồi đến mũi Varella với những phiến đá màu tím đang đặt chân xuống vùng biển trong xanh”; hay “ ngày trước, bến đò ngang ở đây phải mất hai giờ để đi qua đoạn sông nhiều chỗ trở ngại vì cát” (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003, tr. 46, 71). Rõ ràng, trong trường hợp hải đồ thứ nhất này, các bờ cát vùng cửa sông Đà Rằng mới thực sự khiến cho các nhà hàng hải Bồ Đào Nha lưu ý và được họ chọn làm một trong các chỉ dẫn địa lý khi lái tàu ngang qua cap Varella. Tiếp tục hướng lên phía Bắc sau mũi Varella và cửa Đà Rằng là vùng biển và bờ biển có kinh thành Vijaya của vương quốc Champa trước đó gần một thế kỷ mà lúc này đã trở thành phủ Hoài Nhân hoặc Qui Nhơn về sau. Trước niên điểm xác lập thương điếm Macao vào năm 1557, viên hải quân Tham mưu trưởng đầu tiên của cuộc thám hiểm Trung Hoa - Nhật Bản Duarte da Gama rất thường xuyên qua lại khu vực Biển Đông từng nhiều lần mục kích các hòn đảo ngoài khơi phủ Hoài Nhân cũng như ghé tàu vào thương cảng Nước Mặn, như hải đồ số 1 mô tả: “Giữa Varella và pullo Gambi, có một con sông nhỏ mà tại đó các loại tàu và thuyền lớn có thể ra vào được. Khi thì các nhà hải hành thám hiểm các nước Trung Hoa và Nhật Bản; đôi khi Duarte da Gama cũng đến đây để nghỉ mùa đông; ở ngoài khơi của cửa sông này độ 3 hải lý có một hòn đảo phẳng lì, hòn đảo này được gọi là pullo Gambi, gọi như thế có nghĩa là đảo Dê. Hướng của đảo này nằm song song với bờ biển. Người ta nói rằng có thể kiếm được nước ngọt trên đảo này ở phía nhìn về đất liền. Anh sẽ nhận thấy hòn đảo này ở chỗ nó không đến nỗi thấp lắm ở mỏm phía Bắc; mới nhìn thấy nó cứ tưởng nó gồm hai hòn đảo nhỏ, nhưng khi anh tới ngang hòn đảo thì chỉ còn thấy có một () Từ hòn đảo “đôi” này đi vào đất liền anh sẽ nhìn thấy ngay cửa [sông nhỏ pullo Gambi]; ở những vũng này không còn đâu có chỗ đậu [tàu thuyền] tốt hơn chỗ cửa sông này nữa: đấy là con sông pullo Gambi mà Duarte da Gama thường đến nghỉ mùa đông. Anh sẽ có thể đi sát hòn đảo này (pullo Gambi), gần nó bao nhiêu là tùy ý anh muốn, bởi vì đáy biển ở đây an toàn lắm. Từ Varellla đến pullo Gambi đường dài là 12 hải lý” (Manguin, 1972, tr. 69). Thực ra con sông được mô tả mang tên Kôn giang này nằm chếch về phía Bắc đảo pullo Gambi, tức cù lao Xanh, chứ không phải nằm giữa Varella và TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 62 pullo Gambi, tuy nhiên những chỉ dẫn và ấn tượng của tác giả bản hải đồ lại hết sức chân thật và sinh động. Pullo Gambi hoặc pullo Gambir/Gambier có nguồn gốc Mã Lai của thuật từ Kambing, nghĩa là “dê”, nằm trên khoảng vĩ tuyến 13036’-13038’. Trong Wou Pei Tche, pullo Gambi còn được gọi là Yang Siu/Dương Dư với thời gian đi từ Linh Sơn đến đây mất 5 keng, tức khoảng 12 giờ. Linh mục Manuel Ferreira trong câu chuyện kể của mình, đã định danh pullo Gambi là “pulo Cabi hoặc cù lao Nước Mặn” và xác nhận rằng Nước Mặn ở phía bờ biển là một trong 4 hải cảng chính của xứ Cochinchina có đủ điều kiện tiếp nhận các tàu biển có bờ thành cao (Ferreira, 1700, tr. 6). Trong hải đồ số 5, theo một lộ trình ngược lại, từ Macao đi Malacca cho biết sau khi qua khỏi pullo Canton, tức cù lao Ré thuộc hải phận dinh Quảng Ngãi, phía ngoài khơi huyện Phù Ly/Phù Cát còn có nhóm đảo mang tên João Preto, tên của viên hoa tiêu Bồ Đào Nha có công phát hiện đầu tiên, mà người Việt gọi thành hòn Ông Cơ/Cỏ, hòn Ông Căn/Cân, ở vào khoảng vĩ tuyến 13054’B. Hải đồ số 5 cho biết: “ khi ấy anh lại tiếp tục tiến tới với hướng Tây Nam Nam, và rồi như thế anh sẽ nhìn thấy những cù lao nhỏ của João Preto nếu thời tiết tốt; nhưng trời quang đãng mà hướng gió lại không thuận lợi, không phải gió Bắc, mà cũng không phải gió Đông Bắc thì các cù lao nhỏ của João Preto sẽ cho anh biết rằng anh sẽ phải làm gì. Nếu anh đã nhìn thấy các cù lao nhỏ của João Preto nói trên và anh thì ở giữa đất liền và các hòn đảo nhỏ này, anh có thể cứ tiến tới bởi vì đáy biển ở đây rất an toàn, độ sâu 13-16 sải, đáy biển là cát đen () Từ cù lao nhỏ này tới pullo Cambim [cũng là Gambi] đường dài là 6 hải lý. Cù lao Cambim này phẳng lì và dài độ 1 hải lý và về phía ngoài khơi nó có những vệt đỏ. Rừng nhú trên cù lao này cũng thấp. Ở phía Bắc chỏm của cù lao này, trên đất liền của cù lao, có một con sông nhỏ, đó là con sông chính của pullo Cambim. Tiếp cận cửa sông bằng gió mùa từ hướng Nam thổi lên (gió nồm) thì anh có thể đến lấy nước ngọt ở đây nếu cần” (Manguin, 1972, tr. 75). Thêm một số đặc trưng nhận diện khác của pullo Gambi tấm hải đồ này mô tả chính xác hơn vị trí thương cảng Nước Mặn so với tấm hải đồ đầu tiên kể trên. Điều đặc biệt của tấm hải đồ số 5 là những thông tin dường như không lặp lại ở các hải đồ khác của người Bồ Đào Nha lẫn của người Âu nói chung khi qua vùng bờ biển Phú Yên, rằng “Đỉnh Varella này có 3 hải cảng rất tốt, nhưng người ta không thể nhìn thấy 3 hải cảng này từ ngoài khơi bởi vì các loại đất ở đây màu nọ lẫn với màu kia” (Manguin, 1972, tr. 69). Trừ hải cảng Vũng Rô chếch về phía Nam mũi Varella được che chắn bởi bán đảo Vũng Rô, hình thành từ những dải núi nối tiếp nhau của dãy đèo Cả, hai hải cảng còn lại chắc chắn nằm về mạn Bắc Varella và chỉ có thể đó là hải cảng Vũng Lấm ẩn sâu trong vịnh Bà Đài/Xuân Đài và thương cảng Thành NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 63 Hồ khuất sau các cồn cát chắn ngang cửa tấn Đà Lãng/Đà Rằng. Thực vậy, nếu gán cho tấm hải đồ số 5 có niên đại trước năm 1578 thì Thành Hồ chính là một thương cảng sầm uất của vương quốc Champa mà cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Fernão Mendes Pinto cùng người bạn đồng hành Antonio de Faria vào thập niên 1530 đã mô tả rằng “Sau khi đi qua đảo pulo Campello [cù lao Chàm], một hòn đảo nằm ở 14020’ Bắc, họ đã tới đảo pulo Capas, nơi một đoàn thuyền gồm 40 chiếc thuyền mành lớn, mỗi chiếc hai hoặc ba tầng sàn đã được nhìn thấy ở con sông Boralho (Varella trên các hải đồ); Faria đã cử người đi khám phá đảo đó. Và sau đó là một đoàn thuyền khác, hình như có đến 2.000 thuyền lớn nhỏ, và một thành phố có tường bao với khoảng chục nghìn nóc nhà” (Barrow, 2008, tr. 123- 124). Thành lũy đồ sộ xây bao quanh bằng gạch Chàm tại tiêu điểm định vị Varella chỉ có thể là Thành Hồ vừa được vương quốc Champa tu bổ quy mô sau khi kinh thành Vijaya ở phía Bắc thất thủ năm 1471; và con sông Boralho trong bối cảnh này cũng chỉ có thể là con sông Apa/Ba, con sông lớn duy nhất thuộc xứ Tsiompa/ Champa có tên trên các bản đồ Bồ Đào Nha thế kỷ XVI, được người Hà Lan vẽ lại năm 1635(2). Ở một đoạn khác trong cuốn hồi ký nhan đề Peregrinacam (Tập truyện phiêu lưu ký) nổi tiếng của mình, F. M. Pinto đã cho biết mục đích của việc thám hiểm vùng bờ biển Đông Ấn của ông là “ để đi đến vương quốc Chiêm Thành [Champa], với ý định là đi tìm tòi ra ở đó những bến tàu và những hải cảng của các vùng bờ biển ở xứ này, và với một cách cướp bóc khôn khéo để tiếp tế cho mình những thứ gì mà mình còn thiếu”, nghĩa là không ngoài mục đích xúc tiến thương mại, trong đó có lần tàu ghé lại “ một con sông mà người dân địa phương thì gọi là Tinacoreu và chúng ta thì gọi là Varella” (Manguin, 1972, tr. 183). Như vậy, dù là Boralho hay Tinacoreu, địa điểm buôn bán tấp nập nói trên trong bối cảnh biển còn ăn sâu vào đất liền, vẫn chỉ có thể là thương cảng Thành Hồ nằm ngang cửa sông Ba đổ ra tấn Đà Lãng/Đà Rằng theo danh xưng Hán-Việt hóa. Nhằm giành về phần mình lợi thế giao thương trong điều kiện tích lực phân quyền với vua Lê - chúa Trịnh, viên Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng đã sai danh tướng Lương Văn Chánh đem đại binh tấn công Thành Hồ năm 1578. Chiến thắng nhưng không chủ trương chiếm đóng mà ngược lại ra lệnh cho thuộc tướng lui binh về ranh giới Cù Mông, sự kiện cho thấy mục đích tranh giành ảnh hưởng kinh tế ngoại thương của Nguyễn Hoàng theo như diễn tiến lịch sử xứ Đàng Trong minh chứng (Nguyễn Lục Gia, 2013, tr. 41- 48). Với hải đồ số 11, các chỉ dẫn hàng hải trên vùng biển và bờ biển của Phú Yên được mô tả cụ thể và chính xác hơn: “Varella là một chỗ đất cao, nó tiến ra sát bờ biển và nó có ở trên đỉnh một núi đá giống như một cái “tháp” mà những người Trung Hoa gọi TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 64 là Varella, nó có nghĩa giống như một cái đền, chùa. Từ phía Nam lên, trước khi đến đó, người ta thấy một cái vịnh lớn, đất ở đây thấp và phủ đầy cây cối, và ở đó cũng có một cù lao nhỏ bằng đá rất gần bờ biển. Ở phía Bắc đỉnh Varella cũng có một vịnh và đất ở đây cũng rất thấp. Gần với đỉnh Varella cũng vẫn ở phía Bắc này, anh sẽ thấy 2 tảng đá nó giống như những cái thuyền “Paro”. Trước mặt [cù lao] có một bãi cát thoải và một điểm nước ngọt () Ở phía Bắc đỉnh Varella anh sẽ thấy về phía bờ biển một quần sơn nhỏ hình tròn. Gần đỉnh Varella ở phía Bắc, trước mặt một mỏm đất thấp nằm ở phía Bắc, như tôi vừa mới nói, người ta tìm thấy 2 tảng đá thấp với nước ngọt, và nếu người ta không chú ý đề phòng thì người ta có thể bị mắc kẹt vì để tàu thuyền xô lên trên đó” (Manguin, 1972, tr. 83). Theo đó, cù lao nhỏ bằng đá đứng trước Vũng Rô chính là hòn Nưa mà đối diện với nó chếch về phía Tây là bãi cát thoải Đại Lãnh với một điểm dừng chân lấy nước ngọt cho tàu thuyền; còn 2 tảng đá nằm về phía Bắc Varella được gọi chung là hòn Khô/Cô hay được ghi chú trên các hải đồ về sau bằng cụm từ Núi đá Thủng lỗ (Rocbe Percée) mang dáng dấp một loại tàu nhỏ có tên gọi perabu xuất xứ từ Mã Lai không thiết kế boong tàu. Điều đặc biệt, lần đầu tiên hòn Nữu Sơn/Chóp Chài hay núi Diều Hâu (La montagne de L’Epervier) với độ cao xấp xỉ 400 mét nằm cạnh hải tấn Đà Rằng được người Bồ Đào Nha chọn làm tiêu điểm hải hành. Hải phận phủ Qui Nhơn trên hải đồ số 11 cũng được các nhà thám hiểm người Bồ chú giải tỉ mỉ hơn, nhất là phía bờ biển vùng Phù Ly/Phù Cát, rằng “pullo Cambi [cũng gọi là Gambir] (đảo Dê) là cù lao thấp và dài. Anh rất có thể đi vào giữa cù lao này với đất liền. Trước mặt cù lao này, trên bờ biển, có một con sông nhỏ. Đứng ở phía Nam cù lao có một vài núi đá hình sừng dê và vì lẽ đó mà cù lao này mang tên là pullo Cambi. Cù lao còn mang một vài những vệt đỏ Cách về phía Bắc pullo Cambi độ 5 hoặc 6 hải lý, nó hình thành [tại bờ biển] một vịnh rất hoàn hảo bằng cát trắng và ở đầu phía Nam vịnh này có những cù lao nhỏ bằng đá có sườn dựng đứng. Ở đầu phía Bắc vịnh, trên vùng đất liền người ta nhìn thấy một ngọn núi tròn và vào độ 4 hải lý ở đàng trước phía Bắc các cù lao nhỏ trên đây, đất liền làm thành một vệt trắng ở trước 3 hoặc 4 cù lao nhỏ đính cái nọ vào cái kia. Về phía Bắc vệt trắng này có một vùng lớn rất nhiều cát. Những cù lao nhỏ này chính là những cù lao nhỏ mà người ta quen gọi là nhóm cù lao João Preto” (Manguin, 1972, tr. 83). Vệt trắng về phía đất liền chính là động cát trắng mịn nối liền từ hòn Vi Rồng đến hòn Lang trước cửa Đề Gi, kéo dài hàng chục cây số; và ngọn núi tròn đứng làm tiêu điểm hàng hải hẳn là hòn Chuông cao ngất với xấp xỉ 900 mét đóng vai trò chủ sơn trong khối núi Bà, có hình dáng tròn trịa, đứng xa trông giống hình quả chuông úp sấp. Vì trên đỉnh hòn Chuông có các tảng NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 65 đá hình thù giống người nên truyền thuyết dân gian còn gán cho mỹ tự Vọng Phu sơn. Chỉ có điều trên thực tế, quyền quản lãnh pullo Cambi từ sau năm 1611 thuộc về Phú Yên chứ không phải Qui Nhơn, như quốc sử Nguyễn triều về sau ghi rõ: hòn Thanh Châu, tức pullo Cambi, “ tục gọi núi Cù Lao, là trấn sơn của cửa biển Thi Nại, đầu đời Gia Long thuộc huyện Đồng Xuân đạo Phú Yên, đến giữa năm Minh Mệnh đổi lệ vào huyện Tuy Phước [thuộc tỉnh Bình Định]” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, tr. 35). Tương tự như hải đồ số 5, hải đồ số 14 cũng mạnh dạn chỉ dẫn lối đi cho tàu thuyền ở vào khoảng giữa nhóm cù lao João Preto với bờ biển ở độ sâu khoảng 15 sải nước theo hướng Bắc - Nam, đồng thời lưu ý rằng “Anh đừng có đi gần bờ biển quá; nếu anh thấy mình đã vào gần bờ biển quá rồi thì anh phải lái xa ra phía ngoài khơi, nghĩa là đi về phía Đông Nam; tốt hơn hết là cứ đi vào khoảng 5 hải lý ra phía ngoài khơi, để phòng xa nếu có một trận gió Đông bất ngờ xảy ra. Cù lao pullo Cambi thì thấp và dài và có mang một vệt đỏ ở sườn phía ngoài khơi. Cây cối bao phủ trên mặt cù lao này cũng thấp. Ở về phía Bắc mỏm của cù lao có một con sông nhỏ, đó chính là sông pullo Cambi. Và nếu anh muốn lấy nước ngọt thì anh có thể lấy được ở sườn phía Tây cù lao, nhưng nước ở đây không tốt lắm đâu” (Manguin, 1972, tr. 89). Phái viên của Công ty Đông Ấn Anh Charles Chapman kinh lý trên chiếc Amazon vào những năm kề cuối thập niên 1770 đã kiểm chứng thông tin sau cùng này như sau: “chúng tôi cho tàu đậu tại làng đánh cá cù lao Xanh (pullo Gambir) để kiếm nước ngọt và lương thực tươi sống sắp cạn kiệt. Dân làng tiếp chúng tôi khá lịch sự. Nhưng nước tại đây chua mặn, chúng tôi liền nghĩ tới Qui Nhơn có thể có nước tốt hơn và cả thực phẩm khác” (Nguyễn Đình Đầu, 2001, tr. 13-15, 32). Vì lẽ đó, tàu thuyền đi lại ngoài khơi phía pullo Cambi bắt buộc phải ghé qua thương cảng Nước Mặn nếu thấy thực sự cần thiết phải tiếp tế nước ngọt. Hải đồ số 16 có niên đại sau năm 1638 tiếp tục cập nhật một số chỉ dẫn hàng hải mới trên chặng qua Phú Yên mà lúc này đổi lập thành dinh Trấn Biên. Hành trình tính từ pullo Cambi: “Nếu xuất phát từ cù lao này mà anh muốn đi đến Varella, anh sẽ cho lái về hướng Nam 1/4 Đông Nam trong vòng 12 hải lý; còn cách 4 hải lý nữa thì đến nơi, anh sẽ nhìn thấy trên bờ biển một ngọn núi tròn, đấy là đoạn bờ biển nó làm thành cái vịnh gọi là Rão Rão, và từ đây, khi ấy anh sẽ nhìn thấy đỉnh Varella, nó là một nơi đất cao chạy dài từ Đông sang Tây, đất cao này chấm dứt ở phía Đông và bằng một bờ dốc thẳng đứng. Ở chân cái mỏm này người ta thấy một bãi biển có nhiều cát và một cù lao nhỏ nằm hơi xa đất liền. Người ta có thể lấy nước ngọt ở bãi biển nhiều cát này. Chếch về phía Đông một tí khi anh từ đỉnh núi Varella đi xuống, anh sẽ thấy có một tảng đá rất to hơi nghiêng về phía biển mà người ta gọi là Varella” (Manguin, TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 66 1972, tr. 99). Được biết, khi mô tả các đơn vị hành chính xứ Đàng Trong năm 1621, linh mục người Italia Cristoforo Borri đã từng gọi phủ Phú Yên là dinh Renran(3), nhưng vịnh biển ngang hải tấn Đà Rằng được người Bồ Đào Nha gán cho danh xưng Rão Rão hay Ran Ran/Ram Ram thì hẳn có lẽ đây là lần đầu. Linh mục người Pháp Alexandre de Rhodes trên bản đồ vẽ năm 1651 chính thức gọi dinh Trấn Biên (Phú Yên) là dinh Pho An kèm theo danh xưng ngoại quốc Ran Ran (Nguyễn Đình Đầu, 1996, tr. 34- 35). Hải đồ số 16 cũng xác nhận một điểm lấy nước ngọt nằm ngang cửa Đà Nông, đối diện với cù lao/hòn Khô, cùng với việc tiếp cận chân xác hơn đỉnh đá Varella. Nếu như từ hải đồ số 11, núi Chóp Chài xuất hiện phổ biến bên cạnh tiêu điểm định vị Varella chếch về phía Bắc với hình dáng “một quần sơn nhỏ hình tròn” hay “một ngọn núi tròn” thì trên hải đồ số 24 nó được mô tả rằng “ từ cái mỏm của vịnh Ran Ran, tại đó có một hòn cù lao khá lớn tròn như một tấm bánh đường” (Manguin, 1972, tr. 123). Ngoài ra, tấm hải đồ số 22 còn chi tiết hơn với một chỉ dẫn địa lý kế cận: “ cho mãi đến Ram Ram thì có một ngọn núi tròn và một ngọn núi khác thấp hơn nằm cách đó ước độ 1 hải lý 1/2 về phía Nam, trên ngọn núi thấp có alcorão. Người ta nói rằng ở đây có một dòng nước biển chảy mạnh của thủy triều xuống” (Manguin, 1972, tr. 120). Thuật từ alcorão mà người Bồ Đào Nha sử dụng có ý đề cập đến một thánh đường Hồi giáo theo nhận thức của các nhà hàng hải Ả Rập, trong trường hợp cụ thể này đồng nghĩa với varella hoặc pagoda. Thực tế, ngọn núi đang được nói đến là núi Tháp gắn với hai khu đền tháp theo tín ngưỡng Hindou của người Chàm mà lúc này chỉ còn sót lại một ngọn chơ vơ chếch về phía Đông và thấp khoảng gần chục mét so với chót núi(4). Có lẽ người Bồ Đào Nha xác lập tấm hải đồ này đã mạnh dạn cho chiếc tàu thám sát của mình bẻ lái áp sát bờ vịnh Ran Ran hoặc neo tàu tại cửa khẩu Đà Rằng nên có những chỉ dẫn tương đối chi tiết đến vậy. Không kể các tập hải đồ khác đề cập đường biển Phú Yên - Bình Định không có điều gì mới lạ, tập hải đồ mang tên Toteiro da India Oriental (Hải đồ phía Đông Ấn Độ) do Manuel Pimentel sưu tập có niên đại sau năm 1699 cung cấp một số thông tin bổ túc trên chặng Phú Yên như sau: “Sau khi đã vượt khỏi Varella, thường thường trong một số những tuần trăng người ta sẽ gặp phải những trận gió Tây Bắc rất mạnh, nhưng những trận gió này không bao giờ kéo dài quá 24 giờ và vì thế cho nên tốt hơn hết là đi gần về phía bờ biển Từ Varella đến Ram Ram, hòn cù lao này là một cù lao nhỏ như [tấm thớt của] một cối đá xay cỏ khô, nằm gần bên bờ biển đường dài có độ 6 hải lý và từ đó đến Pulo Cambim cũng có độ 6 hải lý nữa” (Manguin, 1972, tr. 146). Như vậy, chặng sau đỉnh Varella theo hướng Nam - Bắc không những cho phép tàu thuyền đi gần về phía bờ biển một cách an toàn mà còn khẳng định vịnh NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 67 Ram Ram/Ran Ran với điểm định vị núi Chóp Chài chính là vùng biển ngang cửa khẩu Đà Rằng, cho dù khoảng cách từ Varella đến đây chỉ độ chừng 2/3 con số 6 hải lý mà hải đồ đưa ra. Ngược lên phía Bắc Qui Nhơn còn có một cảng khẩu dành cho tàu thuyền hạng vừa và nhỏ. Một ghi chép khác của người Bồ Đào Nha xác nhận vị trí này ngang với nơi con sông Tân Quan/Tam Quan đổ ra biển: “Các tàu buôn biển từ Trung Hoa đến đó thường xuyên trao đổi hàng hóa, tuy nhiên các tàu này không thể vào tận hải cảng được vì thiếu độ sâu mực nước trong cảng. Chính bản thân tôi, cùng với chiếc tàu của tôi, đã bị mắc kẹt ở đây trên một bãi cát, tôi đã bị mắc cạn như thế là 6 ngày đêm”; do đó “Chỉ có những tàu nhỏ có 2 cột buồm [tàu xà lúp] thì có thể vào đậu được, bởi vì độ sâu ở đây chỉ có 2 sải và vịnh này cũng không phải là kín đáo gì cho lắm” (Manguin, 1972, tr. 166). 3. CÁC CHỈ DẪN HÀNG HẢI CỦA HÀ LAN VÀ CÁC NƯỚC ÂU - MỸ KHÁC Năm 1649, một sứ đoàn Hà Lan được gởi sang Nhật Bản đã lái tàu ngang qua mũi Varella. Họ mô tả vị trí này trong bối cảnh một sự kiện quan trọng xảy ra ngay trên chuyến đi của họ qua lời kể của các nhà du hành về sau rằng: “ các sứ giả Hòa Lan [Hà Lan] đi từ Cambốt giương buồm về Champa, và họ sau 4 ngày đi qua St. Jean de Fix, đó là một ngọn núi khá cao trên đó người ta thấy một tảng đá thật cao có hình dáng một người. Chính ở đây ngài đại sứ Blokhovius qua đời đêm ngày 13 tháng 8. Người ta ướp hương thân thể ông và các vật dụng được đặt trong một chiếc hòm, người ta thả xuống biển sau khi đã cử hành tang lễ. Từ đó người ta đi qua poulo Cambier và Calao, kế đó người ta khám phá đảo Aynam (Hải Nam)” (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003, tr. 433). Hành trình thật vắn tắt nhưng ấn tượng về tiêu điểm Varella hết sức đặc biệt với một danh xưng cũng hoàn toàn lạ lẫm. Chuyến du hành vòng quanh thế giới một cách kỳ lạ của Gemelli Careri đã đưa ông đến xứ Đàng Trong vào thời điểm tháng 7/1695. Chặng qua mũi Varella được lược kể trong tình huống như sau: “ chúng tôi tiếp tục hành trình trong gió thuận suốt dọc bờ biển xứ Đàng Trong, nhưng 2 giờ sau bữa cơm trưa một cơn mưa lớn trong các cơn mưa thường lệ đến cùng với một cơn gió cuồng loạn, chúng tôi phải đi theo nhiều đường những nơi không ngược nước. Và may thay chúng tôi đến được mũi Veritable Varella (Varella đích thực - phân biệt với Varellas giả ở bên trong ngọn núi, trên đó có một tảng đá nhiều nhánh mà người ta gọi là chùa [Pagoda]) bởi vì ngọn gió dữ sau một lúc đã ngừng và biển không còn quá động” (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003, tr. 432). Cách G. Careri gọi tảng đá trên đỉnh núi là ngôi chùa có thể xuất phát từ nhận thức đem so sánh nó với một bức tượng hay hình ảnh của một nhà sư. Quan niệm của người Bồ Đào Nha và nguồn gốc Mã Lai của thuật từ Varella đồng TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 68 nghĩa với Pagoda như bên trên đã giải thích. Thực ra, tùy theo góc nhìn mà khối đá trên chóp đỉnh có khi lại giống hình dáng một nhà sư đang ngồi thiền hoặc đang đi xuống núi. Điều khác biệt ở đây là, trong khi người Bồ Đào Nha cho rằng mũi Varella giả/Varella Falsa nằm trong dãy núi Đá Vách thuộc vùng Phan Rang thì G. Careri đưa nó xích gần với Varella đích thực/Veritable Varella hoặc Varella Verdadeira. Sự ra đời của địa danh Varella Falsa được biện giải rằng do nó giống với Varella Verdadeira: “Nó tỏ ra khá cao với một núi đá ở trên đỉnh trông giống như một cái chòi canh gác, những người Bồ Đào Nha cho nó cái tên Varella giả để phân biệt nó với cái Varella ở quá về phía Bắc” (Manguin, 1972, tr. 120). Một tài liệu Hà Lan khác có niên đại đồng thời với chuyến du hành của G. Careri dường như cũng đề cập đến tiêu điểm Varella. Tập số 21 trong sách L’Atlat de la Navigation et du Commerce Amsterdam (Tập Bản đồ về Hàng hải và Thương mãi Amsterdam) ghi chú các tiêu điểm hàng hải thuộc bờ biển xứ Đàng Trong từ Nam lên Bắc theo thứ tự: B. Cecir, B. Paradan, B. Lomeryn, Pagoda Schuyt Bay (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003, tr. 431). Hẳn Pagoda Schuyt Bay là một cách gọi khác Varella của người Hà Lan. Trong khi đó, nhà thám hiểm người Anh Peter Mundy ngay từ những năm 1634-1637 đã không ngớt lời xưng tụng ngọn núi đá Varella như một kỳ quan thiên nhiên tuyệt hảo và để lại cho nghệ thuật hàng hải thế giới một bức ký họa thực sự xứng đáng được ngưỡng mộ. Viên sĩ quan người Pháp tham gia tác chiến trong hàng ngũ thủy quân Nguyễn Ánh thời nội chiến Nguyễn - Tây Sơn là Jean Baptiste Chaigneau đưa ra một chỉ dẫn tuy không đích xác về mặt danh xưng, song gần như chắc chắn thuộc về Phú Yên, tương quan cùng với các thương cảng khác trong chuyên mục khảo sát hải cảng dọc bờ biển vương quốc Cochinchine: “Các bến cảng chính yếu của Đại quốc là các bến cảng tại Sài Gòn; bến cảng Cam Ranh là một bến cảng rất bảo đảm và rất đẹp của Cô-Sen-Sin; bến cảng Lavait nằm giữa hai hòn núi tránh được tất cả gió bão; bến cảng Quảng Nam hay Tourane, nằm sâu vào trong một cái vịnh có nhiều bến cảng khác nhỏ bé hơn; bến cảng Hòn Khói; bến cảng Cửa Bé; bến cảng Vũng Chàm; bến cảng Cù Mông; bến cảng Qui Nhơn” (Phan Xưng, Hà Xuân Liêm dịch, 2002, tr. 267-268). Theo lôgic sự kiện và dưới con mắt quan sát quân sự nhà nghề, đây là các hải cảng mà theo những chiến dịch gió mùa, quân đội Nguyễn Ánh phản công lên phía Bắc, đã từng có sự tham gia đắc lực của J. B. Chaigneau với vị trí chỉ huy tàu bọc đồng Long Phi, trong đó không thể bỏ qua một tiêu điểm chiến tranh vùng giáp ranh phải giành đi giật lại rất nhiều lần giữa đôi bên tham chiến: Xuân Đài - Vũng Lấm. Hải cảng Vũng Lấm nằm trong vịnh lớn Xuân Đài, được chắn bên ngoài bởi bán đảo Phước Thịnh và núi Xuân Đài, nổi NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 69 tiếng các trận giao chiến Nguyễn - Tây Sơn cũng như là vị trí tập kết của thủy quân Nguyễn Ánh mỗi khi xuất kích về hướng Qui Nhơn hoặc phải rút lui do thời tiết bất lợi. Lavait có thể là cách viết của Lamuc, tức Lâm úc/Vũng Lấm, danh xưng dùng trong bộ sử biên niên Đại Nam thực lục sau này. Bên cạnh Vũng Lấm, J. B. Chaigneau còn chỉ ra hai vị trí hàng hải khác trong vùng Phú Yên - Bình Định là Cù Mông và Qui Nhơn. Các chỉ dẫn hàng hải trên chặng đường biển Phú Yên bao gồm đỉnh Varella, hải cảng Vũng Rô, cù lao hòn Khô, cửa biển Đà Nông, vịnh Ran Ran cùng bờ cát trắng loáng vùng cửa sông Đà Rằng, núi Chóp Chài và núi Tháp đã được những ghi chép của nhà du hành người Anh James Horsburgh minh chứng lần nữa vào đầu thế kỷ XIX. Sau khi khảo tả các vị trí xung quanh đỉnh Varella, J. Horsburgh tiếp tục: “Vịnh Fuiên [Phú Yên] rộng lớn, nó được hình thành do bờ biển ở nơi này nằm theo hướng Tây Tây Bắc sau mũi Varella và cho mãi đến sông Fuiên, nằm cách xa đó chừng 5 hải lý; sau đó bờ biển nằm trở lại về phía Bắc. Cách mũi Varella độ 6 hải lý hoặc 6 hải lý 1/2 về phía Tây Bắc, ở phía trong đất liền một tí thì có một ngọn núi cao, hình dáng trông giống như một hình nón đều thường được gọi là núi Chóp Nón hoặc núi Diều Hâu; và ở phía Nam núi này một chút có một miếng đất nhỏ (sic) với một tảng đá lớn hoặc một ngôi đền, mà người ta chỉ nhìn thấy khi nào người ta đã áp tàu vào đến gần đất liền” (Horsburgh, 1827, tr. 227). Mô tả của J. Horsburgh về hướng bờ biển của vịnh Phú Yên/Ran Ran vào trước thời điểm 1827 so với ngày nay có một khoảng chênh lệch đáng kể về phía Đông khoảng 300, tức từ hướng Tây Tây Bắc đổi thành hướng Tây Bắc 1/4 Bắc, cũng như núi Tháp nguyên là một doi đất nhô ra ngoài đường bờ biển thì nay đã lùi sâu vào đất liền và cách bờ biển tới khoảng 3km. Hai biến đổi này cho thấy đã diễn ra một sự bồi lấp mạnh mẽ và làm biến dạng hoàn toàn thể dáng vùng vịnh Ran Ran, bởi nó không thể nào gọi thành một vịnh biển được nữa. Chính nhà khảo cổ Henri Parmentier cũng đã đưa ra kiến giải tương đồng như đã nêu trên. Nhà bản đồ học trứ danh người Bỉ Philippe Vandermaelen trong bộ Atlas Universel de Géographie đồ sộ bao gồm 6 tập, xuất bản tại Bruxelles vào năm 1827 đã hướng dẫn cụ thể lộ trình đi qua vùng biển miền Trung của vương quốc Việt Nam, trong đó nổi bật hệ thống tiêu điểm hải hành với các đảo, cù lao, hải cảng, cửa sông, thành phố, kể cả độ sâu từng vị trí trên biển thuộc Phú Yên - Bình Định. Bởi tấm hải đồ mang tên Partie de la Cochinchine, tức chỉ đề cập một phần lãnh thổ và lãnh hải của xứ Đàng Trong từ vĩ tuyến 120B đến 170B, và các danh xưng hành chính cấp dinh/phủ đều chú dẫn theo cách gọi từ thời chính quyền chúa Nguyễn, như Bink-Kang (Bình Khang) để chỉ Bình Hòa/Khánh Hòa, Quin-Hone (Qui Nhơn) để chỉ Bình Định nên chắc TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 70 chắn nó phải được tác giả biên soạn hoặc sưu tập trước thế kỷ XIX, tức từ nhiều mươi năm trước thời điểm xuất bản. Theo đó, vào khoảng vĩ tuyến 130B là C. Avarella ou Varella (cap Avarella hay Varella), liền kề có cù lao hòn Khô với danh xưng Perfarated Rock; chếch về phía Bắc ngang vịnh Bà Đài/Xuân Đài là Phuyen havre (hải cảng Phú Yên) và Pt. Vung Chao (port Vũng Chào); kế tiếp là Cambir B. (Cambir bay, tức vịnh cù lao Xanh) và Pt. Quin hone (port Qui Nhơn) mà phía ngoài biển là một loạt các vị trí theo trình tự: C. Sanho (cap Sanho, tức mũi San Hô hay mũi Yến), Black Jack (tương ứng nhóm cù lao João Preto), Buffalo I. (Buffalo ile, tức hòn Trâu); cuối cùng là nhóm đảo ven bờ Turtle I. (Turtle ile) và cửa vịnh Tanquain (Tân Quan hay Tam Quan) mà ngày nay đã bị bồi lấp và phần lớn trở thành đất liền, chỉ còn thấy một hòn duy nhất với phương danh hòn Yến. Chi tiết hơn nữa, hải đồ Partie de la Cochinchine còn mô tả trên vùng bờ biển Phú Yên hiện diện cả bốn con sông lớn, trong đó có Powai R. (Powai river, tức sông Ba/Đà Rằng) nằm chếch về phía Nam so với hai cù lao nhỏ (hòn Chùa và hòn Dứa) và một con sông chảy qua thị trấn có tên Koalay rồi đổ ra vịnh Cù Mông mà đó chính là sông Bà Bông hoặc sông Bà Nam (Vandermaelen, 1827, tr. 116). Đây đích thực là một tấm hải đồ dùng để hướng dẫn tàu thuyền trong cuộc hành trình từ Ấn Độ - Malacca đi Trung Hoa - Nhật Bản và ngược lại, bởi sau khi tiếp cận với Carnraigne havre (hải cảng Cam Ranh) ở vào khoảng vĩ tuyến 120B, các thuyền trưởng sẽ cho lái tàu men theo đường bờ biển, lần lượt băng qua mũi đất Varella hướng tới pullo Canton (cù lao Ré) và pullo Champella (cù lao Chàm), từ đó vượt biển sang thẳng Macao với sự lưu ý đặc biệt phải tránh xa các bãi cạn và đá ngầm đã được khoanh lại thành một khối hình đa diện kéo dài từ vĩ tuyến 140B đến 170B và trải rộng từ khoảng kinh tuyến 1090Đ sang 1110Đ (tức trong khoảng 1110Đ-1130Đ theo hệ kinh tuyến Greenwich sử dụng hiện nay, lệch 2020’14”) ngoài khơi dinh Quảng Nam, mang danh xưng địa lý Paracels đang thuộc về chủ quyền của vương quốc Cochinchine, tức xứ Đàng Trong. Sứ bộ Anh quốc do John Crawfurd dẫn đầu đến vương quốc Việt Nam năm 1821 với sứ mệnh xác lập quan hệ thương mại đã có dịp mục kích tường tận mũi Varella. J. Crawfurd lưu ý một vài tình tiết thú vị rằng “Sáng sớm tàu chúng tôi vượt qua đèo Cả, điểm nổi bật nhất của hàng hải Đàng Trong. Ngọn núi đèo ấy cao ước chừng 1.500 đến 2.000 thước Anh (feet). Một trong những ngọn núi đá đáng chú ý nhất có hình dáng một trụ cột cao ngất bị gãy và đổ, có thể trông thấy từ khoảng cách xa 15 đến 18 hải lý, dù nhìn từ Nam hay từ Bắc. Truyền rằng núi có mỏ bạc và có suối nước nóng nhiệt độ cao ở lưng chừng núi” (Crawfurd, 1967, tr. 229). Trước thời điểm người Anh nói trên, năm 1819 John White đến từ Hợp Chúng quốc Mỹ cũng tiến hành chuyến khảo sát thương mại dài ngày NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 71 tại Việt Nam. Do không diện kiến được hoàng đế Gia Long tại Huế, J. White quyết định rời Việt Nam sang cập cảng Manille. Viên thuyền trưởng người Mỹ đã chọn Qui Nhơn làm vị trí chuyển hướng tàu ra biển để nhắm thẳng tới quần đảo Hoàng Sa theo chiều gió. Đây là vùng hải phận Bình Định trên đường biển quốc tế: “ chúng tôi đi dọc theo bờ biển phía Nam, vì chúng tôi đã quyết định theo hướng gió để đi ngang qua một nhóm đảo và những chỗ cạn gọi là Paracel (tức quần đảo Hoàng Sa) mà chúng tôi hy vọng là chúng tôi sẽ hưởng được những luồng gió thuận cho đến Manille. Khi chúng tôi đi đến gần vĩ độ 140, đối diện với Qui Nhơn, thì chúng tôi tách khỏi bờ biển xứ Nam Hà và chúng tôi nhắm theo hướng thẳng đến đảo Lucon. Dọc theo bờ biển, chúng tôi hưởng được thời tiết đẹp với những gió thổi đều từ lục địa ra và từ biển tới, một dòng nước mạnh chảy ngược lại về hướng Tây Bắc” (Hà Xuân Liêm dịch, 2010, tr. 257). Hiệp ước Giáp Tuất ký kết ngày 15.3.1874 tại Sài Gòn giữa phái bộ của triều đình Huế với phái bộ của chính phủ Pháp đã xác nhận tại Điều 11 rằng triều đình cam kết mở cửa Thi Nại cùng với cửa Ninh Hải, Hà Nội và sông Hồng cho thương thuyền ngoại quốc vào buôn bán. Cuộc chinh phục của người Pháp bắt đầu đối với Trung Kỳ từ thương cảng lớn nhất thuộc tỉnh Bình Định khi Tourane ở Điều 5 của Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) được thay thế bằng Thi Nại tại Hiệp ước Giáp Tuất (1874). Trong buổi đầu thời kỳ thuộc địa, quan cai trị thực dân đồng thời nhà khảo sát kinh tế - văn hóa Étienne Aymonier đã có một số kiến giải thuyết phục về các vị trí hàng hải vùng Nam Trung Kỳ. E. Aymonier cũng gọi mũi Varella là cap de la Pagode và phân biệt: “Phía trên cao của Vũng Găng là đỉnh Varella giả cao 930 mét. Đỉnh Varella giả này chỉ giống với đỉnh Varella thực ở chỗ nó cũng là những ngọn núi càng gần tới biển thì càng thấp, nhưng người ta không hề thấy ở Varella giả những tảng đá giống như “Đá Bia” của Varella thật”; và mô tả: “Cảng Vũng Ro [Vũng Rô] nằm ở phía Nam, cạnh mũi Varella. Là một cảng đẹp nhất và có những bến đỗ an toàn nhất của bờ biển vùng này. Cửa vào cảng rộng 1 hải lý, và ở phía trong, vũng cảng rộng 3 hải lý theo hướng Đông Bắc, sâu 16, 13 và 11 mét. Cảng đầy bùn, ngoại trừ một vài nơi cách bờ chừng trăm mét thì ta có thể thấy cát hoặc san hô. Đảo Hòn Ro [Hòn Rô, nay là Hòn Nưa] nằm ở phía Tây Nam của cửa cảng. Đảo và bờ biển tách rời nhau bằng một con lạch khá hẹp, nhưng ở gần đảo nước sâu tới 14 mét. Ta cũng có thể tìm thấy nước ngọt ở phía Tây của cảng”; đồng thời cảnh báo rằng “Hiện nay, cảng Vũng Ro là một trong những ổ chính của bọn cướp biển người Annam hay Trung Quốc của bờ biển này” (Aymonier, 1886). Đó là thời điểm 1884-1885, khi mà ranh giới giữa Phú Yên với Khánh Hòa vẫn còn nằm ở mốc chót đỉnh đèo Cả. Trên cơ sở tài liệu của người đồng hương đi trước J. B. Chaigneau, viên TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 72 công sứ đầu tiên của Phú Yên là Tirant đã đệ trình lên Chính phủ thuộc địa những triển vọng xán lạn về lĩnh vực thương mại địa phương vào năm 1890: “Vịnh Sông Cầu [Xuân Đài - Vũng Lấm] là một trong những vịnh đẹp nhất trên toàn thế giới mà 100 tàu có thể đến thả neo ở đây”; ông còn nhấn mạnh thêm rằng “ nó phải được thừa nhận như là hải cảng chính của miền Trung An Nam” (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003, tr. 382). Ý tưởng của quan Pháp Tirant sang thập niên 20 ở thế kỷ sau đã được người đồng sự Albert Laborde tán đồng khi đem nó đối sánh với vịnh Qui Nhơn: “ thật thế, không thể không nhớ rằng cái vịnh lớn này đáy thay đổi từ 5 đến 15 thước, có thể cung hiến cho tàu thuyền một hải cảng an toàn và có thể tiện lợi hơn vịnh Qui Nhơn, như người ta nói, mà lối vào càng ngày càng trở nên khó khăn. Tôi tin chắc rằng trong mọi trường hợp nếu vào buổi đầu thời kỳ bảo hộ của chúng ta, con đường thuộc địa và các con đường địa phương đi lại được như ngày hôm nay, cảng Sông Cầu hẳn đã được ưa chuộng hơn cảng Qui Nhơn, vì hơn Qui Nhơn nó dễ dàng giao thông với vùng cao nguyên theo ngả La Hai và nhất là ngả Củng Sơn, cửa khẩu dễ dàng dẫn đến Kontum và Darlac” (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003, tr. 382-383). Trước A. Laborde, viên toàn quyền Joseph Athanase Paul Doumer (1897- 1902) được biết đến qua đề án cải cách tầm vĩ mô xứ Đông Dương thuộc Pháp, tổng thống thứ 14 nước Cộng hòa Pháp về sau, cũng đã ấn tượng mạnh mẽ trong những chuyến kinh lý bởi vùng bờ biển Phú Yên mang nhiều nét dị biệt đặc sắc này. Ngọn núi đá cao 706 mét trong dãy đèo Cả là một chứng cứ hùng hồn ấy mà quý ngài Doumer đã dành những dòng lưu ý hữu ích và hàm xúc trong tập hồi ký Indochine Francaise của mình như sau: “Đây, mỏm Varella, núi cao và lớn, màu sẫm, kỳ dị với hòn đá dài và to tướng ở trên đỉnh và chỉ thẳng lên trời: Ngón Tay Chúa [Le Doigt de Dieu], mà từ chung quanh cách xa 20 dặm người ta có thể trông thấy. Đó là mũi đất xa nhất về hướng Đông của bán đảo Đông Dương; nơi đây tàu Trung Hoa và Nhật Bản đến cập bến. Ban ngày núi đất rất dễ nhận thấy, cái ngón tay là điểm mục tiêu không bao giờ nhầm. Điều may mắn là nó không thường bị mây che khuất” (Võ Liệu, 1959, tr. 37-38). Tuy nhiên, tầm nhìn của tiêu điểm Varella thậm chí còn có thể được phóng xa hơn, như Huấn thị về hàng hải cho biết: “ mực đất cứ đi về phía Tây thì lại cao dần lên cho mãi đến một ngọn núi cao, tại đó có một hòn đá đáng chú ý là Đá Bia (núi đá đền thờ), khi trời quang thì cách xa 50 dặm (mille marin) ở ngoài khơi vẫn trông thấy” (IN, 1959, tr. 307). Trong khi đó, Qui Nhơn cũng là điểm kết thúc của chặng bờ biển ấn tượng nhất tính từ phía Nam ra, như điều nhận xét của viên trung úy hải quân R. Castex trong chuyên đề Bờ biển Đông Dương - khảo sát kinh tế về hàng hải vào năm 1904: “Qua Qui Nhơn thì bờ biển của Trung Bộ không còn giống như bờ biển ở Khánh Hòa và Phú Yên, NGUYỄN LỤC GIA – MỘT SỐ CHỈ DẪN HÀNG HẢI 73 không có cái ngoạn mục làm cho người ta say mê nữa. Qui Nhơn đánh dấu sự chấm dứt không còn những vịnh lớn, những mỏm nhô ra biển và lượn quanh (conteurné) những đảo chen chúc một cách lạ thường” (Castex, 1904, tr. 4). Rất nhiều lợi ích hàng hải hoặc đã cung hiến, hoặc đang tiềm ẩn đằng sau vẻ đẹp lãng mạn của những chuyến du hành qua vùng biển và bờ biển miền Nam Trung Kỳ Việt Nam.  CHÚ THÍCH (1) Theo cách giải thích của Manguin, trong tiếng Bồ Đào Nha cũng như tiếng Mã Lai, các âm b và v thường xuyên thế chỗ cho nhau. Với nghĩa là “tượng thờ, giả thần”, từ điển Mã Lai - La Tinh của Haex cho ra hai văn tự pháp bralla và berhalla; sách của Houtman cho ra chữ barhalla. Trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha, động tác hít vào ở giữa chữ không có nên không được giữ lại, như vậy người ta có: berhala > berela > varela. Các Huấn thị về Hàng hải cũng xác nhận: berhala > varella. Xem: Manguin, Pierre Yves. 1972. Sách đã dẫn, tr. 59 (chú thích số 21). (2) Bản đồ Hà Lan: Guiljelmus BLAEU, 1635, Atlas 27x43 cm. Trong các bản đồ của người Bồ Đào Nha phác họa từ trước, con sông Apa thường được gọi là Rio Frei d’Abreu. Xem: Dournes, Jacques. 2013. Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jorai Đông Dương, Hà Nội: Nxb. Tri thức, tr. 10. (3) Nguyên văn: la quinta, che confina con Chiamp à, si chiama Renran (dinh thứ 5 tiếp giáp với Champa gọi là Renran). Xem: Sica, Mario. 2013. Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Thế giới, tr. 213. (4) Theo mô tả của Henri Parmentier, trên đỉnh núi Tháp từng tồn tại hai khu đền tháp: “Cây tháp bị đổ nát là cây tháp to lớn hơn, nằm trên giữa đỉnh đồi; cây tháp kia nằm ở chân đồi trên một mặt phẳng ở chỗ 5 hoặc 6 mét thấp hơn”. Xem: Parmentier, Henri. 1909. Mục lục mô tả các lâu đài của người Chàm ở Trung Kỳ. Tập I. Paris: Ernest Leroux, tr. 139. TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 1. Aymonier, E. 1886. Annam ký sự: tỉnh Khánh Hòa. Nguồn: saobiennhatrang.net 2. Barrow, John. 2008. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793). Hà Nội: Nxb. Thế giới. 3. Castex, R. 1904. Bờ biển Nghĩa Bình. Trong Bờ biển Đông Dương: khảo sát kinh tế về hàng hải. Thư viện tỉnh Bình Định. VV11. 4. Coedès, George. 2008. Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông. Hà Nội: Nxb. Thế Giới. 5. Crawfurd, John. 1967. Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China exhibiting a View of the Actual State of those Kingdoms. Kuala Lumpur, London, New York, Oxford Press (fisrt ed., London, 1830). 6. Ferreira, Manuel. 1700. Nôtias samarias das perseguicôes da Missam de Cochinchina Lisboa. TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (201) 2015 74 7. Hà Xuân Liêm (dịch). 2010. Những người bạn cố đô Huế. Tập XXIV. Năm 1937. Huế: Nxb. Thuận Hóa. 8. Horsburgh, Jemes. 1827. Roteiro da India ou Instruccões para Navegar nos mares da India e China (Bản dịch của India Directory, éd, 1917). Caleutta. 9. IN - Instructione nautiques du SHM (Chỉ thị về hàng hải của SHM). 1959. Vol. XIV. 10. Manguin, Pierre Yves. 1972. Les Portugais sur les Côtes du Viet-nam et du Campà. Étude sur les routes maritimes et les relations commerciales d’après les sources Portugaises (XVIè, XVIIè, XVIIIè siècles). EFEO. Paris. 11. Nguyễn Đình Đầu. 2001. Sứ giả Anh Chapman triều kiến Nguyễn Nhạc. Tạp chí Xưa & Nay. Số 92. 12. Nguyễn Đình Đầu. 1996. Phải chăng bản đồ Alexandre de Rhodes 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490?. Tạp chí Xưa & Nay. Số 33. 13. Nguyễn Lục Gia. 2013. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - người mở đầu thời hội nhập của xứ Đàng Trong thế kỷ XVI - XVII. Tạp chí Khoa học Xã hội TP HCM. Số 9 (181). 14. Nguyễn Cửu Sà (dịch). 2003. Những người bạn cố đô Huế Tập XVI. Năm 1929. Huế: Nxb. Thuận Hóa. 15. Nguyễn Cửu Sà (dịch). 2003. Những người bạn cố đô Huế. Tập XVII. Năm 1930. Huế: Nxb. Thuận Hóa. 16. Nguyễn Cửu Sà (dịch). 2003. Những người bạn cố đô Huế. Tập XVIII. Năm 1931. Huế: Nxb. Thuận Hóa. 17. Parmentier, Henri. 1909. Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ. Paris: Ernest Leroux. Bản đánh máy được photocopy tại Thư viện Ninh Thuận. 18. Phan Xưng, Hà Xuân Liêm (dịch). 2002. Những người bạn cố đô Huế. Tập X. Năm 1923. Huế: Nxb. Thuận Hóa. 19. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2006. Đại Nam nhất thống chí. Tập 3. Huế: Nxb. Thuận Hóa. 20. Vandermaelen, Philippe. 1827. Atlas Universel de Géographie. Tập II. Bruxelles. Nguồn: artie,-la-Cochinchine--Asie-106- 21. Võ Liệu. 1959. Núi Vọng Phu và Bi Sơn. Tạp chí Giáo dục Phổ thông. Số 44.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfmot_so_chi_dan_hang_hai_tren_vung_bien_va_bo_bien_phu_yen_bi.pdf
Tài liệu liên quan