Một số giải pháp gia tăng sức hấp dẫn của nghệ thuật múa rối nước đối với khách du lịch tại Hà Nội

Múa rối nước là nghệ thuật dân gian truyền thống, di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Giá trị đặc sắc của nó được thể hiện qua các yếu tố cấu thành và đặc trưng của nghệ thuật múa rối nước: con rối, kỹthuật biểu diễn, kịch bản, ngôn từ, nghệ nhân múa rối, âm thanh giai điệu, sân khấu rối nước tạo nên một môn nghệ thuật đầy sức truyền cảm.Với khả năng lôi cuốn lòng người, rối nước đang được duy trì cả ở sân khấu múa rối truyền thống và chuyên nghiệp, có chỗ đứng trong lòng khán giả, đặc biệt là khách du lịch. Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay, cũng như nhiều ngành nghệ thuật truyền thống khác, rối nước đang đứng trước nhiều thách thức cần đổi mới để vừa tồn tại, phát triển; vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Đây là trách nhiệm chung, không chỉ của các nhà hát, các phường, hội rối nước, các nghệ nhân; mà còn của nhiều đơn vị, cấp, ngành.

pdf14 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 490 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số giải pháp gia tăng sức hấp dẫn của nghệ thuật múa rối nước đối với khách du lịch tại Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
114 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIA TĂNG SỨC HẤP DẪN CỦA NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC ĐỐI VỚI KHÁCH DU LỊCH TẠI HÀ NỘI Mai Hiên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Tóm tắt: Những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách quốc tế tìm đến Việt Nam để khám phá những nét văn hóa cổ truyền. So với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác đang rơi vào tình cảnh thiếu vắng khán giả, thì múa rối nước hiện tại thu hút đông đảo người xem. Hầu hết các chương trình du lịch dành cho du khách nước ngoài dừng chân tại Hà Nội đều có nội dung xem biểu diễn rối nước. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, trước sức ép của nền kinh tế thị trường, nghệ thuật múa rối nước đang có biểu hiện suy giảm giá trị truyền thống. Từ thực tế hoạt động của các phường rối nước dân gian và các nhà hát múa rối tại Hà Nội, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát triển, khai thác hiệu quả hơn nữa nghệ thuật độc đáo này. Từ khóa: Múa rối nước, sức hấp dẫn, du lịch Hà Nội Nhận bài ngày 01.6.2018; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 15.7.2018 Liên hệ tác giả: Mai Hiên; Email: mhien@daihocthudo.edu.vn 1. MỞ ĐẦU Với tích chuyện hấp dẫn, sự công phu trong nghệ thuật tạo hình, sự điêu luyện trong cách thức điều khiển con rối..., nghệ thuật múa rối nước Việt Nam trải qua hàng nghìn năm hình thành, phát triển đã trở thành một “đặc sản” độc đáo của văn hóa dân tộc. Là trung tâm đón khách sôi động bậc nhất Việt Nam, Hà Nội trở thành “bà đỡ” cho những làng nghề múa rối truyền thống và các nhà hát múa rối chuyên nghiệp. Khách du lịch tới Hà Nội đã quen với nếp “ăn tối, múa rối”. Tuy nhiên, đứng trước cuộc sống mới nhiều biến động, ngành múa rối đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng nhu cầu vừa bảo tồn, vừa phát triển. Trước tình trạng đó, cần phải nghiêm túc hoạch định lại các chính sách, biện pháp để phát triển nghệ thuật múa rối lên những tầm cao mới, nhất là khi múa rối nước Việt Nam đang xây dựng đề án trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Gia tăng sức hấp dẫn của múa rối nước với khách du lịch đem lại lợi ích kép cho phát triển du lịch và quảng bá văn hóa dân tộc. TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 115 2. NỘI DUNG 2.1. Múa rối nước- tài nguyên du lịch văn hóa hấp dẫn Múa rối nước Việt Nam từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với người Việt Nam và du khách quốc tế. Những yếu tố làm nên giá trị của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam được thể hiện trong nội dung của tác phẩm và hình thức thể hiện. *Giá trị văn hóa trong nghệ thuật múa rối nước Múa rối nước gắn liền với môi trường nước, cảnh quan, cuộc sống và tâm hồn người nông dân. Người Pháp gọi môn nghệ thuật này là “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”. “Phổ biến ở miền Bắc, đây là nghệ thuật về những con rối làm bằng gỗ, được khắc và vẽ, biểu diễn trên sân khấu bằng nước. Nội dung kể về các câu chuyện có nguồn gốc từ cuộc sống đồng quê của người Việt và nền văn minh lúa nước. Một dàn nhạc dân tộc sẽ biểu diễn đi kèm để tạo phần nhạc nền cho các ca sĩ hát” (Trích lời dẫn từ kênh truyền hình Mỹ National Geographic). Trước đây, nghệ thuật rối nước truyền thống thường được biểu diễn trên “sân khấu” tự nhiên là ao làng, ở đình hoặc đầu làng. Ao làng là một nét biểu hiện đặc thù, không thể thiếu khi nói tới nông thôn Bắc Bộ. Ao làng không chỉ cung cấp nguồn nước tại chỗ cho cuộc sống sinh hoạt và sản xuất thường nhật mà còn là nơi tổ chức nhiều trò chơi mang tính giải trí, sáng tạo của người nông dân. Từ ao làng, người ta biểu diễn nhiều trò chơi tập thể như chèo thuyền, bơi chải, bắt vịt..., trong đó có rối nước. Nước trở thành thành tố thứ nhất của nghệ thuật múa rối nước, nâng đỡ con rối và che giấucác dụng cụ máy móc điều khiển. Nước là không gian, là hoàn cảnh của hành động, là bạn diễn của nghệ sĩ và có lúc cũng biến thành nghệ sĩ. Khán giả hồi hộp, vui buồn cùng với nhịp điệu của nước. Kỹ thuật điều khiển quân rối trong múa rối nước gợi cho ta liên tưởng đến việc người xưa dùng mái chèo khuấy động mặt nước trong các cuộc đua thuyền tại các ngày lễ hội. Buồng trò hay còn gọi là nhà rối, được dựng ở trên mặt ao, thường ở chính giữa, cách xa bờ xung quanh, duyên dáng với hình khối và màu sắc trang trí nổi bật, như một điểm nhấn, trung tâm trong không gian lễ hội đình. Có lẽ vì gắn liền với ao đình, với hội đình, nên người dân từ lâu đã quen gọi “thủy đình”, thay vì cách gọi buồng trò, nhà rối. Không có hội đình, ao đình, thủy đình không làm nên múa rối nước. Trong hệ thống những tiết mục múa rối nước ở các phường, hội châu thổ sông Hồng, trò diễn về đề tài lao động chiếm tỷ lệ lớn. Nhân vật rối chủ yếu là những người nông dân chân lấm tay bùn và các hoạt độngnhà nông như cày, bừa, cấy, xới, cuốc, gánh mạ, đánh cá, đi câu, úp nơm, chăn vịt, tát nước, cất vó, quăng chài, đánh lưới, đánh giậm, chèo thuyền, chăn trâu, xay thóc, giã gạo, dệt cửi,lò rèn được mô phỏng, “diễn”khá sinh động. Các con rối là động vật như trâu, bò, ngựa, vịt, gà... cùng các hành động tự nhiên, thường 116 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI nhật như cày bừa, chọi trâu, cáo bắt vịt, múa rắn, múa cá, chăn vịt, chọi gà, múa bồ nông, quần ngựa, trâu chui ống, rái cá cũng được tái hiện đặc sắc. Từ những trò diễn đó, người xem thấy được khát vọng về một cuộc sống no đủ, yên ổn, thanh bình của người nông dân ở nông thôn Việt Nam. Nhân vật điển hình, được xem như biểu tượng của nghệ thuật múa rối nước là chú Tễu. Chú được tạo hình trông hồn nhiên, miệng cười toe toét, da hồng, tóc để trái đào, mình trần vận khố điều, bụng to căng tròn biểu thị cho sự no đủ, vô tư, trong sáng, phồn thực– vẻ đẹp khỏe khoắn, tự nhiên của cơ thể lao động thuần tuý. Chú Tễu thường vào vai chủ trò, mở đầu buổi diễn, kết nối chương trình. Chú kể chuyện xóm làng, phê cái dở, khen điều hay, phân công việc làng, việc xã. Chú kéo cờ, đốt pháo giới thiệu tiết mục, hát, ngâm thơ, múa, kêu gọi lạc quan, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và khuyên mọi người nên ca hát, sáng tạo cái hay, cái đẹp cho cuộc sống. Tễu không là hiện thân của những tư tưởng giáo huấn bác học, mà là đại diện cho cuộc sống bình dân, cho không khí náo nhiệt hội hè, của những công việc nhà nông trong không gian làng quê thanh bình sau lũy tre làng và của những sinh hoạt cộng đồng giàu tình làng nghĩa xóm. Thông qua nghệ thuật múa rối nước, khán giả nhận thức sâu sắc rằng: Múa rối nước là sản phẩm văn hóa tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp, được chính những chủ nhân trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng sáng tạo ra. Nó mang nhịp điệu cuộc sống đương thời, phù hợp với tư duy, quan niệm thẩm mỹ và tồn tại trong môi trường tự nhiên của con người, là nhu cầu tự nhiên, cần thiết trong cuộc sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. * Giá trị nghệ thuật của múa rối nước Múa rối nước được hình thành từ lâu đời và phát triển cực thịnh vào thế kỷ XI - kỉ nguyên Đại Việt. Ở Trung Quốc, trò “ổi lỗi” có được nhắc đến, tuy nhiên đến đời Tống thì không thấy đề cập nữa. Ngoài ra, không thấy múa rối nước ở quốc gia nào khác. Như vậy, nói đến múa rối nước là nói đến Việt Nam, múa rối nước Việt Nam là một đóng góp sáng tạo độc đáo cho thế giới. - Tính kỳ, tính nghịch thường Trên thế giới có rất nhiều hình thức sân khấu rối: Rối dây, rối que, rối tay, rối bì ảnh Trung Quốc, rối bóng Indonesia, rối đen Nhật Bản... Dù hình thức nào, cách điều khiển có khác nhau, nhưng chung quy, mục đích chính các nghệ sĩ múa rối là nhằm làm cho con rối hoạt động sinh động, điều khiển dễ dàng, động tác phong phú và cố gắng không để “lộ diện” người điều khiển. Rối nước thành công là vì những yêu cầu trên được giải quyết tốt, đáp ứng đòi hỏi một cách mỹ mãn trên mặt nước. Con rối nước đi đứng, chạy nhảy dễ dàng, thoắt biến, thoắt hiện, có thể nhanh nhẹn như con cáo săn mồi, tinh tế và khéo léo như đôi lân tranh cầu, dũng mãnh, kiêu hùng như đôi rồng phun lửa... Tất cả hiện ra sống động như TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 117 thật, người xem không thể biết được điều khiển bằng cách nào, ai điều khiển, diễn viên ở đâu. Nước giúp các nghệ nhân giấu kín que, sào, dây và những đạo cụ khác, để các con rối diễn những trò diễn trong một thế giới đầy bất ngờ, bí ẩn trước mắt người xem. “Những con rối Việt Nam như có phép lạ... Thật lạ lùng khi chúng ta được xem những con rồng phun lửa, người đánh cá bắt cá rất tài tình... Múa rối nước vừa đẹp, vừa đầy tính ảo thuật, là một cái gì đó trong đời bạn chưa từng được chứng kiến...” (Tạp chí Frilstret (Đức), số 7/1993). Tính kỳ của trò diễn rối nước, trong chừng mực nào đó, cũng chính là sự thể hiện ở tính nghịch thường, trái với quy luật của tự nhiên. Đôi khi, ranh giới giữa tính kỳ và nghịch thường rất khó phân biệt, nó hòa quyện vào nhau, hội tụ trong trò diễn, nghịch thường cũng chính là cái kỳ và độc đáo. Tính kỳ biểu hiện ở chỗ, nó xuất hiện hết sức bất ngờ, ngoài sự phán đoán, tưởng tượng của người xem. Đặc điểm này rất giống với nghệ thuật xiếc. Trên sân khấu xiếc, ta thấy người diễn viên có thể giữ thăng bằng trên dây, có thể đi bằng tay... Những điều nghịch thường ở hai loại hình nghệ thuật này gây tác động mạnh đến tâm lý và nhận thức của người xem, tạo nên cảm nhận phấn chấn, muốn tìm hiểu, khám phá và tư duy, nhưng không thể lý giải. Trong tâm thức người Việt và các dân tộc vùng Đông Nam Á khác, rồng bao giờ cũng được coi là vật linh thiêng, là biểu tượng của quyền lực tối thượng, của vua chúa. Vậy mà ở rối nước, rồng đã mang tính kỳ ở chỗ, bình thường như những con vật khác và biết hút nước, phun nước, phun lửa, tạo ra những vệt sáng kỳ lạ trong không gian và trong lòng nước. Lửa - nước là hai yếu tố theo quan niệm triết học phương Đông vốn khắc nhau, nhưng lửa - nước trong múa rối nước Việt Nam đã được nghệ sĩ cấu trúc hài hoà trong một chỉnh thể, gây cho người xem có cảm giác thích thú trong cái nghịch thường. Trong trò diễn đôi chim phượng, ta thấy chúng múa lượn trên mặt nước, tỏ tình, rồi quấn quýt nhau, tạo nên ở mặt nước những cơn sóng cuộn gấp, làm tăng thêm vẻ đẹp của tình yêu. Kết thúc, đôi chim phượng chia tay bịn rịn, quyến luyến..., mặt nước được giữ lặng yên, tạo nên không gian trống vắng làm nao lòng người... - Tính trào tiếu Các trò diễn rối nước Việt Nam thấm đẫm tinh thần lạc quan của người nông dân vùng châu thổ sông Hồng. Từ trò “Chọi trâu” với hai con trâu nhìn nhau chằm chằm rồi lao vào nhau, cọ sừng, lắc, ghì, hết sức vui nhộn đến trò “Đánh cá” với cả đàn bơi lội tung tăng, thỉnh thoảng có một con vụt nhảy lên khỏi mặt nước. Rồi trò “Vợ chồng ông thuyền chài”, bà vợ mặc yếm chèo thuyền, ông chồng cởi trần, đóng khố, cầm cần câu. Thấy nhiều cá, vợ chồng ông hớn hở gọi mọi người ra bắt, người úp nơm, người cầm rổ xúc, thỉnh thoảng một con cá lại nhảy vụt lên khỏi mặt nước, nhảy rất xa, ra ngoài sân khấu... Hay trò “Lân tranh cầu”, quả cầu bập bềnh chìm nổi lúc chỗ này, khi chỗ khác, rất nhởn nhơ, làm cho 118 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI hai con lân đang múa diễn rất đẹp bỗng dũng mãnh, lồng lộn lao vào nhau, tranh cầu, nước cuồn cuộn trào lên, cuốn xuống thân hình hai con lân... mãi đến ba lần vồ, khi đã thấm mệt, tưởng chừng thất bại, quả cầu mới nằm gọn bên chúng..., tất cả tạo ra một không khí rất hào hứng, vui nhộn, kịch tính, mang đến cho người xem những tiếng cười vô cùng sảng khoái. Hiện thực cuộc sống ở múa rối nước được các nghệ nhân phản ánh không bằng tư duy hiện thực mà bằng tư duy lãng mạn dân gian. Nhờ có tư duy sáng tạo này, các trò diễn rối nước không hướng tới phơi bày chân thực những tính cách điển hình trong hoàn cảnh xã hội- lịch sử cụ thể mà chủ yếu phản ánh cái đẹp chủ quan, tự nhiên với khí thế của nhân dân hướng tới cái đẹp lý tưởng. Vì vậy, hiện thực trong múa rối nước được thể hiện theo quan niệm và cách thức riêng;trình bày, lý giải cuộc sống thực tại theo tư duy, nhận thức thẩm mỹ của mình. Bởi thế mới thấy, rồng là con vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua, vậy mà trong nghệ thuật rối nước, nó vẫn ngụp lặn, phun nước phục vụ con người. Hay người đi bắt cá, bắt được con cá to hơn cả người... Hơn nữa, hiện thực cuộc sống trong múa rối nước không được phản ánh, giải quyết qua và bằng mâu thuẫn, xung đột như kịch, mà chỉ là những hình ảnh hướng về cái đẹp, cái vui của người nông dân Việt Nam. Do đó, ở các trò múa rối nước, ít gặp những hình ảnh về cái xấu, cái bi; và bộ dạng của con rối cũng không đến nỗi khó ưa, đáng căm ghét như ở các loại hình nghệ thuật khác. Chất hồn nhiên, ngây thơ chính là một đặc trưng của múa rối nước. Nó dễ dàng chấp nhận được ở trẻ nhỏ và người lớn. Mỗi thế hệ, mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau, nhưng cùng đạt đến hiệu quả thưởng thức là tiếng cười vui sảng khoái. - Tính nguyên hợp Ngoài con rối và kỹ thuật biểu diễn, thì yếu tố âm nhạc – nhạc sống đã giữ vai trò quan trọng, tạo nên sự hấp dẫn của loại hình múa rối nước. Rối nước là một nghệ thuật nguyên hợp, luôn có âm nhạc dân gian và dân ca, dân vũ. Múa rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn trong không gian ngoài trời, trong các lễ hội làng ồn ào, náo nhiệt. Tiếng trống rộn ràng, cùng với mặt nước phản âm làm âm thanh càng thêm vang, xa, náo động, kích động mạnh cả người diễn lẫn người xem. Khán giả đến với nghệ thuật rối nước không chỉ xem những con rối ngộ nghĩnh, chuyển động tài tình trên mặt nước, mà còn được thưởng thức không khí biểu diễn náo nhiệt, sôi động, phấn khởi từ âm nhạc của bộ gõ. Sau này, khi tiếp thu chèo trong quá trình phát triển, thì dàn nhạc chèo cũng được chuyển vào múa rối nước, tuy nhiên có đơn giản hơn. Ngoài thành phần bộ gõ như trống đế, thanh la, mõ, sanh tiền, trống cơm, trống bản, còn có bộ hơi sáo, kèn... Đi kèm với âm nhạc, người ta còn bổ sung diễn viên có giọng hát tốt để vừa nói lời giáo, vừa hát các làn điệu chèo. Ngoài ra, còn có pháo, tù và ốc hỗ trợ đắc lực cho trò diễn. Trò diễn rối nước thường không lời, bởi vậy, sự chuyển động của con rối cần thiết có sự hỗ trợ của âm nhạc. Qua âm nhạc, người nghệ nhân mới có thể diễn tả được hết vẻ đẹp của TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 119 con rối. Có thể nói, âm nhạc là công cụ đắc lực trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm của con rối vô tri mà lời thoại dẫu có cũng không chuyển tải hết. Âm nhạc còn làm nhiệm vụ gắn kết các trò diễn với nhau, làm người xem không có cảm giác vụn vặt giữa các trò diễn, giúp truyền tải nội dung tốt hơn, tạo nên sự giao lưu, gần gũi giữa con rối và người xem. Chính điều này làm cho khán giả thoải mãi, thích thú theo dõi từ đầu đến cuối buổi biểu diễn. *Ngôn ngữ biểu hình, dễ hiểu Khi nói về các thể loại sân khấu, sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem thường thông qua kịch bản, ngôn ngữ văn học và thể hiện bằng nghệ thuật diễn xuất, nội tâm, giọng nói, hành động của người diễn viên. Còn ở múa rối nước, điều hấp dẫn khán giả chính ở hành động ngoại hình của con rối. Nhiều trò rối không cần lời, như trò múa tứ linh, cấy cày, bơi chải... Sau này, khi rối nước thật sự phát triển, tiếp thu ngôn ngữ văn học, thì quân rối cũng được biểu hiện bằng hành động ngoại hình là chính. Ngôn từ trong nghệ thuật múa rối nước không phải là điều kiện cần, mà chỉ mang tính hỗ trợ, không nhất thiết phải có, người xem vẫn hiểu được nội dung thông qua hình ảnh và diễn xuất của quân rối mang lại. Rối nước không chỉ là nghệ thuật riêng của cộng đồng dân cư người Việt sau lũy tre làng, nó có thể đến với những cộng đồng người ở khắp nơi trên thế giới, thuộc những nền văn hóa khác nhau, những ngôn ngữ khác nhau, bởi chính ở đặc trưng khác biệt với tất cả các thể loại nghệ thuật khác. Người xem có thể hiểu gần như trọn vẹn nội dung và sắc thái của vở diễn mà không cần phải hiểu về ngôn ngữ, tiếng nói. Từ đó, ai cũng thấy, nội dung truyền tải qua ngôn ngữ biểu hình có tính phổ quát rộng hơn so với sự diễn giải bằng lời nói. Xem rối nước không cần biết ngôn ngữ bản địa, không khó “thưởng thức” như nghệ thuật chèo, tuồng với ngôn ngữ nghệ thuật biểu trưng, cách điệu, đòi hỏi người xem phải biết, phải hiểu ngôn ngữ nghệ thuật mới có thể cảm nhận được. 2.2. Thực trạng hoạt động biểu diễn múa rối nước phục vụ khách du lịch tại Hà Nội * Thực trạng So với một số thể loại nghệ thuật truyền thống khác như chèo, tuồng, cải lương... đang rơi vào tình cảnh thiếu vắng khán giả thì múa rối nước hiện nay ngày càng thu hút đông đảo người xem. Hoạt động biểu diễn rối nước tăng mạnh, phát triển với nhiều hình thức, trên cả phương diện rối nước chuyên nghiệp và rối nước truyền thống, khẳng định sức hấp dẫn của rối nước Việt Nam. Trong số 28 phường, hội rối nước dân gian thuộc 11 tỉnh thành đã từng tồn tại trong lịch sử nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, chỉ còn 15 phường đang duy trì hoạt động. Trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 4 phường: Đào Thục (Đông Anh); Phú Đa, Chàng Sơn, Yên 120 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Thôn (Thạch Thất). Ở các phường rối nước này, hoạt động biểu diễn không chỉ diễn ra trong phạm vi làng xã mà còn mở rộng địa bàn sang các tỉnh, thành khác; đi lưu diễn tại nước ngoài hoặc tham dự các liên hoan múa rối ở trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển của du lịch, múa rối nước được đặc biệt yêu thích đối với khách du lịch làng quê, làm cho hoạt động tổ chức biểu diễn của các phường rối trở nên thường xuyên hơn, nhiều thủy đình được xây dựng cố định tại các làng. Hoạt động tổ chức biểu diễn sôi động, hiệu quả nhất hiện nay phải kể đến rối nước chuyên nghiệp của các nhà hát. Nhà hát Múa rối nước Thăng Long có rạp biểu diễn trong nhà với sức chứa gần 300 chỗ ngồi, ở vị trí trung tâm với quần thể thắng cảnh lịch sử Hồ Gươm- Tháp Rùa- Đền Ngọc Sơn- Cầu Thê Húc, rất thuận lợi cho hoạt động tổ chức biểu diễn. Với lịch biểu diễn đến 6 xuất diễn mỗi ngày, nhà hát thực sự là điểm sáng trong hoạt động tổ chức biểu diễn, xứng đáng là “nhà hát 365 ngày đỏ đèn”. Tính riêng năm 2017, nhà hát thu hút được gần 500.000 lượt người xem, doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng. Trung tâm sản xuất con rối, Nhà hát Múa rối Việt Nam không chỉ cung cấp quân rối cho các tiết mục biểu diễn mà còn thiết kế quân rối với nhiều kích cỡ dùng làm tặng phẩm, quà lưu niệm cho khán giả, nhằm quảng bá hình ảnh nghệ thuật rối nước Việt Nam. Từ năm 2000, trong phong trào rối nước còn xuất hiện một mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ do nghệ nhân Phan Thanh Liêm sáng chế, thể nghiệm và đi vào hoạt động rất hiệu quả. Sân khấu mini này vẫn giữ nguyên được những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều: toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1 mét vuông, chứa khoảng 2/3 mét khối nước, con rối cao nhất cũng chỉ 20 phân và chỉ cần một người biểu diễn. Nếu như những nhà hát múa rối đóng trên địa bàn Hà Nội phải cần đến 5 tấn đạo cụ và hơn 10 diễn viên để trình diễn thì Phan Thanh Liêm chỉ cần “một người một ngựa” trình diễn với 100 kg đạo cụ. Sự cơ động, tiện lợi ấy giúp anh nhanh chóng đến gần với công chúng theo cách riêng. Khán giả tìm đến sân khấu rối nước của anh thường là những vị khách nước ngoài thích du lịch phượt, thích khám phá tận cùng nghệ thuật rối nước Việt, từ cách làm con rối, cách điều khiển cho đến việc được trải nghiệm cách sinh hoạt, làm nghệ thuật của một nghệ sĩ múa rối thực thụ. * Tồn tại, hạn chế Nhìn vào lượng khách du lịch đến với rối nước tăng đều qua các năm, nhìn vào sự gia tăng số lượng các vở diễn mới, có cảm giác lạc quan với công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước. Nhưng thực tế, khi nhìn nhận và đánh giá một cách sâu sắc, có thể thấy, trong tiến trình phát triển, ở giai đoạn hiện nay, nghệ thuật múa rối nước bộc lộ một số hạn chế cơ bản theo hai hướng: So với truyền thống, có những biểu hiện trì trệ, thiếu mới mẻ, không phát triển; so với hiện tại, vì cải tiến, phát triển thiếu đồng bộ, thiếu chiều sâu, lại rơi vào tình trạng bị đe dọa biến dạng nghệ thuật, làm mất đi bản thể văn hóa của rối nước dân gian..., nên suy giảm sức hấp dẫn. TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 121 Rối nước vốn là sáng tạo của tập thể, xuất phát từ trò chơi của cộng đồng, mang tính tự phát, ngẫu hứng. Rồi sau đó, phát triển và phục vụ trong những dịp hội hè, đình đám ở làng quê. Hiện nay, vì mục đích kinh tế, người ta làm mới rối nước, nhằm đến đối tượng khán giả không chỉ còn là cộng đồng cư dân địa phương nữa dẫn đến vốn nghệ thuật dân gian tiềm ẩn trong nhân dân ngày bị mai một, bị lãng quên, nghèo nàn về tích trò. 17 trò rối cổ được thường xuyên biểu diễn ở bất kỳ nhà hát hay phường rối nào, ít khác biệt từ nội dung, tạo hình con rối đến xử lý âm nhạc. Điều này đã gây sự nhàm chán đối với người xem và không khơi dậy được sức sáng tạo của các nghệ sĩ trong biểu diễn. Tính dân gian của rối nước truyền thống dần mai một, thay vào đó là tính chuyên nghiệp, đơn nhất, rập khuôn. Mặt khác, cái hay của múa rối nước là ở trò diễn, tiết mục diễn, mà không thành tích, thành vở diễn. Cho dù chỉ là những trò rối đơn lẻ, giản dị, mộc mạc, nhưng nó cô đọng, khái quát toàn bộ đời sống nông nghiệp của người nông dân, nông thôn vùng châu thổ sông Hồng. Bởi vậy, việc xây dựng kịch bản rối nước với những đề tài thời sự, mải chạy theo tích (chuyện) mà quên trò thì đã làm cho rối nước mất đi cái bản thể ban đầu của nó. Xu hướng thử nghiệm kết hợp rối nước với rối cạn, kịch nói... có tính chất tạp kỹ tổng hợp khiến người xem, nhất là công chúng nước ngoài dễ bị nhầm lẫn giữa loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo vốn có từ nghìn đời này với những hình thức mới được tạo lập gần đây nửa cổ nửa kim, pha tạp không hoàn chỉnh. Không giống với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác, múa rối nước dùng phương tiện biểu đạt là hành động của quân rối, và yếu tố quyết định hành động ấy chính là ở bộ phận máy rối. Bởi vậy, trò hay, làm nên độc đáo, trở thành dấu ấn riêng của mỗi phường thể hiện ở những bộ máy rối phức tạp trong kết cấu và sự khéo léo, linh hoạt trong điều khiển, để quân rối có được càng nhiều động tác biểu đạt, để đem đến những yếu tố kỳ, lạ thường của trò diễn, mang tới người thưởng thức sự thán phục. Tuy nhiên, trong số các trò diễn rối nước hiện nay, phần lớn ở các trò rối, các quân rối đều thực hiện những động tác đơn lẻ là chính, thiếu sự liên hoàn giữa các con rối, chưa thật sự tạo ra nét chấm phá trong sự phát triển mức độ khó của kỹ thuật máy rối. Mặc dù phong trào rối nước phát triển tương đối mạnh mẽ ở cả mảng dân gian và chuyên nghiệp, nhưng những hoạt động thực sự sôi động chỉ có được ở phạm vi các đơn vị nghệ thuật múa rối nước chuyên nghiệp với sự tập trung của những nghệ sĩ hàng đầu, cùng với sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về kinh phí, cơ sở vật chất và cơ chế tổ chức.Hoạt động của các phường rối nước dân gian phần lớn vẫn theo hình thức phục vụ hội hè, đình đám là chính, lịch diễn chưa đều. Diễn viên là những người nông dân, thợ thủ công... không làm nghề toàn thời gian, thiếu tính chuyên nghiệp. Doanh thu từ việc bán vé phục vụ khách du lịch cũng không đáng là bao để duy trì hoạt động của phường rối tự quản, tự trang trải, cũng như thù lao cho công sức của nghệ sĩ. Trên thực tế, kinh phí thu được do biểu diễn 122 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI phục vụ khách du lịch, tùy theo số lượng khách mà giá thành dao động từ 700.000 đồng (đoàn 6 người) - 2.000.000 đồng (đoàn 30 người) cho khoảng 60 phút xem múa rối nước. Sau khi trích bồi dưỡng cho các thành viên trực tiếp tham gia biểu diễn (mỗi người khoảng 30.000 đồng - 50.000 đồng), phường rối chỉ còn lại khoảng trên dưới 200.000 đồng xung quỹ. Theo nghệ nhân Đinh Hữu Tự ở phường rối Đào Thục, công diễn rối nước không bằng công làm ruộng vì không phải lúc nào cũng có hợp đồng đều đặn, thấp hơn cả công thợ xây, thợ nề (200.000 đồng - 300.000 đồng/ngày). Nghệ thuật rối nước phường hội chỉ dừng lại ở mức thể nghiệm, không phát triển. Giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam không chỉ chứa đựng trong các trò rối nước, nó còn được hiện diện ở tất cả những gì xung quanh không gian của trò diễn, với các yếu tố cảnh quan, trong mối giao hòa trời - đất - nước - rối - người, đem đến cho người xem cảm giác được đắm mình trong khung cảnh thanh bình của làng quê mới là sự thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn nhất. Dù nguồn gốc rối nước xuất phát từ các phường hội dân gian, nhưng ngày nay, nói đến rối nước, hay đi xem rối nước, người ta thường nghĩ và đến các nhà hát. Việc tách rối nước khỏi không gian làng xã, đưa vào biểu diễn chuyên nghiệp trong các nhà hát phần nào cũng làm suy giảm sức cuốn hút đối với đối tượng du khách muốn trải nghiệm văn hóa một cách thực thụ. Về khán giả thưởng thức nghệ thuật rối nước, phần lớn là khách du lịch nước ngoài, rất ít khán giả trong nước, trong đó đa số là trẻ em và người già. Tại Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, mỗi tháng có hơn 10.000 lượt khán giả thưởng thức nghệ thuật, thì tỷ lệ khán giả nước ngoài chiếm đến 80% thị phần. Dù các nhà hát đã tập trung đầu tư chương trình quy mô, công phu về ánh sáng, sân khấu, âm nhạc... dành những thời lượng chương trình cho những buổi diễn cố định cho khán giả trong nước, giá vẻ giảm một nửa... thì sự quan tâm của khán giả trong nước vẫn không mặn mà. Rối phường cũng vậy, dù đã tổ chức biểu diễn thường xuyên hơn, số lượng khán giả phục vụ cũng nhiều hơn, như phường Đào Thục, mỗi tháng có ít nhất mười ngày biểu diễn tại làng, vừa diễn lưu động, nhưng chủ yếu biểu diễn là phục vụ khách nước ngoài, theo hợp đồng với các công ty du lịch, khán giả trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu là người làng, hay các địa bàn lân cận. Khách du lịch nước ngoài tìm đến rối nước như món ăn lạ, hấp dẫn, độc đáo mà họ chưa bao giờ được thưởng thức. Khán giả trong nước, ngoài đối tượng trẻ em, thường chỉ xem rối nước một vài lần cho biết, rồi thôi. Khách đến với rối nước nhìn chung chỉ để thỏa mãn nhu cầu tò mò, khám phá cái mới, không phải như khán giả thường xuyên, theo nhu cầu tự thân về thưởng thức nghệ thuật. Vậy thì đến một lúc nào đó, khi không còn cảm giác háo hức của lần đầu tiên, xem đi xem lại vẫn chỉ chừng ấy tích trò, lượng khán giả thưởng thức rối nước vì thế không còn dồi dào, tình hình các đơn vị nghệ thuật rối, các phường hội rối dân gian sẽ đi về đâu? TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 123 2.3. Giải pháp gia tăng sức hấp dẫn của nghệ thuật múa rối nước đối với khách du lịch tại Hà Nội * Bảo tồn, phục hồi , phát huy vốn cổ Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, nghệ thuật múa rối (bunraku) đã tồn tại sáu, bảy trăm năm mà vẫn bảo tồn được nguyên xi, có cải tiến một phần cho quân rối đẹp hơn, tinh xảo hơn, dễ dàng trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại, bởi nó được bảo tồn như báu vật quốc gia, do một hiệp hội quản lý. Các hoạt động tuyên truyền, tổ chức hoạt động biểu diễn hoàn toàn do Ban quản lý hiệp hội chịu trách nhiệm. Khi cần biểu diễn, nghệ nhân được triệu tập, biểu diễn không cần luyện tập (vì quá thuần thục), và họ có thu nhập cao từ biểu diễn và sự trân trọng của xã hội. Với rối nước Việt Nam, nhiều phường rối nước dân gian còn giữ được một số quân rối cổ (phường Đào Thục giữ được mấy con chừng 200 - 300 tuổi) và hàng trăm trò diễn cổ đặc sắc chưa được phục hồi. Trong khi đó, số lượng nghệ nhân rối nước dân gian còn lại ở các phường còn lại không nhiều, phần lớn tuổi cao, sức yếu, nhiều người bỏ nghề đã lâu, nếu tài năng kinh nghiệm của nghệ nhân không được truyền lại sẽ dẫn đến mai một nghệ thuật sáng tác, tạo hình, kỹ thuật điều khiển con rối, âm nhạc và lời thoại. Bởi vậy, để phát triển nghệ thuật múa rối nước Việt Nam giai đoạn hiện nay, trước hết là phải tập trung phục hồi các trò diễn chưa được khai thác và phát huy ở tất cả các phường hội rối nước dân gian. Muốn làm được điều đó, Nhà nước cần có một chiến lược tổng thể trong việc bảo tồn, phục hồi, phát huy vốn cổ, gồm các nội dung: - Ổn định cơ cấu tổ chức và hoạt động của các phường rối nước dân gian, hỗ trợ nguồn lực, kinh phí, tạo cơ chế thuận lợi trong hoạt động và xã hội hoa, kêu gọi tài trợ bằng nhiều hình thức để các phường rối hoạt động ổn định, thường xuyên, nghệ nhân yên tâm hoạt động nghệ thuật. Thực hiện chế độ chính sách đặc biệt trong đãi ngộ, trọng dụng các nghệ nhân, coi họ thực sự như bảo tàng sống, để họ có thể yên tâm trao truyền nghệ thuật cho con cháu. - Gắn bó chặt chẽ với công tác đào tạo nhân lực, cụ thể là đội ngũ diễn viên, lý luận phê bình, đạo diễn... một cách có hệ thống, theo hướng đào tạo bài bản từ trường đại học, kết hợp chặt chẽ với phương thức kèm cặp, truyền nghề từ các nghệ nhân phường và các nghệ sĩ của các nhà hát chuyên nghiệp, để thế hệ nghệ sĩ trẻ nắm vững tinh hoa vốn cổ, “hồn cốt” của nghệ thuật. Phần lớn, từ trước đến nay, công tác đào tạo mang tính tự phát, theo hướng truyền nghề. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đầu những năm 2000, các nhà hát đã kết hợp với trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội để mở các lớp đào tạo bài bản, nhưng nguồn nhân lực sau khi được đào tạo phần lớn vào làm việc tại các nhà hát múa rối chuyên nghiệp, các phường hội không có cơ hội và khả năng tiếp nhận. 124 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI - Hoàn thiện không gian biểu diễn, trả múa rối nước về đúng với môi trường đã sản sinh và nuôi dưỡng nó. Hoàn thiện các nhà thủy đình biểu diễn rối nước ở những phường, hội chưa có thủy đình. Không gian này là cảnh quan tự nhiên của làng xã, với ao làng, đình làng, với cuộc sống lao động thường nhật đang diễn ra với con trâu, bóng đa, cánh đồng... để người xem cảm nhận người nghệ sĩ là nông dân thực thụ, rời công việc cày cấy lúc nông nhàn để đến với rối nước, cho họ cảm nhận được tính cộng đồng, những giá trị văn hóa của múa rối nước và giữa đời sống, nghệ thuật không có sự tách rời. - Có cơ chế đẩy mạnh hoạt động giao lưu, liên kết trong hoạt động giữa các phường, tạo môi trường hoạt động thuận lợi khơi dậy sức sáng tạo của nghệ nhân, bồi đắp thêm kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy vốn cổ. Nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống để đúc rút lý luận, phương pháp sáng tạo nghệ thuật, đánh giá vai trò của rối nước trong cuộc sống hiện đại. - Quy hoạch các phường rối nước dân gian trong việc phát triển du lịch. Coi các phường rối nước là một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm múa rối nước. Ngoài xem múa rối nước, du khách có thể tham gia các hoạt động: giao lưu, trò chuyện với các nghệ sĩ dân gian hoặc tập điều khiển, biểu diễn trên sân khấu rối nước thu nhỏ hay tập làm con rối * Đào tạo đội ngũ quản lí, nghệ sĩ và khán giả am hiểu giá trị văn hóa của múa rối nước - Nhà quản lý có vai trò đặc biệt trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu múa rối nước nói riêng: vạch ra đường lối, chỉ đạo sáng tác, cấp kinh phí cho các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: tiền lương và chế độ chính sách cho nghệ sĩ, kinh phí sản xuất vở diễn, đầu tư xây dựng, sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, hạn chế các xu hướng phát triển văn hóa không có lợi cho tình hình phát triển, kiểm soát, kiểm duyệt các tác phẩm độc hại Trên cơ sở đó, yêu cầu trước hết đối với nhà quản lý sân khấu múa rối nước hiện nay là phải có một bản lĩnh văn hóa. Vì nghệ thuật sân khấu là một trong những thành tố của văn hóa. Theo PGS.TS. Trần Trí Trắc: “Muốn tìm hiểu, nhận thức và bảo tồn, phát huy bất kỳ nền nghệ thuật sân khấu nào, thì trước hết phải bắt đầu từ văn hóa, bằng văn hóa, vì văn hóa. Tách khỏi văn hóa, mọi nhận thức về nghệ thuật sân khấu sẽ bị phiến diện và thiếu biện chứng”. Trong khi đó, thực tế cho thấy, phần lớn các nhà quản lý đứng ở góc độ chính trị- đạo đức để đánh giá, nhận thức nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật múa rối nước nói riêng, mà ít quan tâm tới mối quan hệ giữa nghệ thuật sân khấu và văn hóa. Nghệ thuật múa rối nước bao giờ cũng phải được nằm trong vùng văn hóa châu thổ sông Hồng, văn hóa Bắc Bộ và luôn luôn được văn hóa Bắc Bộ mở đường cho sự tồn tại, phát triển của mình. Tách sân khấu múa rối nước ra khỏi văn hóa gốc của nó, tức là tách các yếu tố nội sinh của nghệ thuật múa rối TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 125 nước ra khỏi bản thể của nó và sự phát triển của thời đại thì nhà quản lý sẽ không thể quản lý được nghệ thuật múa rối nước, không thể có những tác động đúng đắn, thúc đẩy nghệ thuật múa rối nước phát triển. - Trong nghệ thuật sân khấu, nghệ sĩ tài năng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không có tài năng nhất định thì không có tác phẩm, vai diễn hay, vai diễn lớn. Tài năng ở đây là sự tổng hợp của trình độ tư tưởng, của nhận thức, của lao động trí óc, năng khiếu, phương pháp, năng lực biểu hiện và kỹ thuật đạt đến mức sáng tạo, đưa đến hiệu quả cuối cùng là giá trị và chất lượng của tác phẩm để cống hiến cho xã hội, cho công chúng. Việc tuyển chọn, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tài năng, nâng cao trình độ của người nghệ sĩ, nghệ nhân là vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn của các đơn vị múa rối nước. - Khán giả là yếu tố quyết định sự tồn tại của nghệ thuật biểu diễn. Không có khán giả, mọi sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ đều trở thành vô nghĩa vì không có người thưởng thức. Hiện nay, khán giả của sân khấu múa rối nước nói riêng và khán giả nghệ thuật nói chung đang đứng trước những mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, cũ và mới. Với sự phát triển của xã hội hiện đại với chất lượng cuộc sống được nâng cao, các phương tiện truyền thông, công chúng múa rối nước chủ yếu ở các vùng đô thị, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật trong và ngoài nước, đồng thời có điều kiện tiếp cận và hòa nhập với xu thế phát triển của xã hội. Không ít những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã làm ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mĩ của công chúng thông qua những sản phẩm văn hóa độc hại, đi kèm với cái nhìn lệch lạc cho những gì thuộc về văn hóa truyền thống là cũ kĩ, lỗi thời và những gì thuộc về văn hóa phương Tây là hiện đại, là đúng. Do đó, việc trang bị cho công chúng sự hiểu biết về văn hóa dân tộc là vô cùng cần thiết. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường rối nước Đào Thục đưa ra những con số so sánh nghịch cảnh: “Nước ta hiện có tới 90% cư dân nông nghiệp, vẫn hàng ngày tiếp xúc với ao hồ, sông nước ruộng đồng, quá quen thuộc với môi trường nước; nhưng cũng thật khó hiểu là có đến hơn 90% người dân trong số hơn 90 triệu người Việt Nam vẫn chưa có cơ hội xem múa rối nước”. Việc bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rối nước cho khán giả nên được coi là một trong nhiều giải pháp đồng bộ có tính lâu dài trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước. * Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giáo dục về múa rối nước - Đẩy mạnh các hình thức hoạt động câu lạc bộ, giao lưu, hợp tác quốc tế: Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế cụ thể theo kế hoạch từng năm, ưu tiên phát triển các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước trong khối ASEAN và trên thế giới, theo phương châm vừa tiếp nhận, chủ động giới thiệu quảng bá nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới. Tăng cường giao lưu, hội nhập văn hóa thông qua việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở nước ngoài. Nội dung giao lưu với các đoàn nghệ thuật quốc tế, ngoài biểu 126 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI diễn nghệ thuật, cần chú trọng đến việc tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kỹ năng nghiệp vụ với cơ quan quản lý, các đơn vị nghệ thuật của bạn. Xây dựng chiến lược quảng bá nghệ thuật của dân tộc gắn với phát triển du lịch trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế. - Thông tin tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật: Bên cạnh việc tuyên truyền, dạy và học các thể loại nghệ thuật cổ truyền đến công chúng, cần tăng thời lượng phát sóng các chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có múa rối nước. Cập nhật, phổ biến kiến thức về nghệ thuật múa rối nước, giới thiệu hình ảnh, hoạt động nghệ thuật, về nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu, về các phường hội rối nước dân gian, về các nhà hát múa rối, về các tích trò biểu diễn Xây dựng thành chương trình, chuyên mục định kỳ hay thường xuyên về các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc, trong đó có múa rối nước. Cần chú ý các chương trình, chuyên mục này phải có hình thức hấp dẫn, nội dung phong phú, đầu tư kỹ lưỡng để thu hút, lôi cuốn sự chú ý của mọi người. - Nghiên cứu, đưa kiến thức, nội dung nghệ thuật múa rối nước vào chương trình giáo dục học đường: Việc đưa vào chương trình giáo dục ở bậc tiểu học và trung học thực hiện dưới hình thức tự chọn, ngoại khóa, trong chương trình học tập chung thông qua cách học trực quan: tiếp xúc với nghệ nhân, nghệ sĩ, nghe nghệ nhân, nghệ sĩ giới thiệu về nghệ thuật, về các tích trò, về kỹ thuật tạo tác quân rối...; được xem biểu diễn; làm quen với các quân rối nước... Tất cả các hoạt động học tập sẽ làm nảy sinh trong các em tình cảm yêu mến và niềm say mê với nghệ thuật truyền thống, ý thức về bảo tồn đối với di sản văn hóa của dân tộc. Để thực hiện nội dung này, cần phối hợp với các phường hội rối nước dân gian, các nhà hát múa rối nước chuyên nghiệp, sử dụng lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn múa rối nước có nhiều kinh nghiệm và tài năng, làm lực lượng giảng dạy. 3. KẾT LUẬN Múa rối nước là nghệ thuật dân gian truyền thống, di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Giá trị đặc sắc của nó được thể hiện qua các yếu tố cấu thành và đặc trưng của nghệ thuật múa rối nước: con rối, kỹthuật biểu diễn, kịch bản, ngôn từ, nghệ nhân múa rối, âm thanh giai điệu, sân khấu rối nước tạo nên một môn nghệ thuật đầy sức truyền cảm.Với khả năng lôi cuốn lòng người, rối nước đang được duy trì cả ở sân khấu múa rối truyền thống và chuyên nghiệp, có chỗ đứng trong lòng khán giả, đặc biệt là khách du lịch. Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay, cũng như nhiều ngành nghệ thuật truyền thống khác, rối nước đang đứng trước nhiều thách thức cần đổi mới để vừa tồn tại, phát triển; vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Đây là trách nhiệm chung, không chỉ của các nhà hát, các phường, hội rối nước, các nghệ nhân; mà còn của nhiều đơn vị, cấp, ngành... TẠP CHÍ KHOA HỌC  SỐ 25/2018 127 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc Bảo (2006), “Rối nước Việt Nam”, - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2. 2. Trần Lâm Biền (2001), “Đôi nét về nghệ thuật tạo hình trong nghệ thuật rối Việt”, - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2. 3. Hà Văn Cầu (1996), “Múa rối nước Việt Nam”, - Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1. 4. Huyền Chiêm (2001), “Múa rối trên đường phát triển”, - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2. 5. Nguyễn Thị Chiến (2004), “Khai thác di sản văn hóa như là một tài nguyên du lịch”, - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2. 6. Lý Khắc Cung (2001), Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, - Nxb Văn hóa Thông tin. 7. Nguyễn Huy Hồng (1974), Nghệ thuật múa rối Việt Nam, - Nxb Văn hóa. 8. Hữu Ngọc, Lady Borton (2006), Rối nước - Watter puppet, - Nxb Thế giới. 9. Tô Sanh (1976), Nghệ thuật múa rối nước, - Nxb Văn hóa Hà Nội. SOME SOLUTIONS TO INCREASE THE APPEAL OF WATER PUPPETRYFOR TOURISTS IN HANOI Abstract: In the recent years, more and more international visitors have come to Viet Nam to explore the traditional culture. Compared to other folk art forms whose audience is getting smaller, water puppet shows are attracting crowds. They have become a popular part in almost everytour programs for foreign visitors in Ha Noi. However, in the process of development, under the pressure of the market economy, signs of declining traditional values have been found in the the art of water puppetry. In view of the practical activities of the local water puppet groups and the Viet Nam National PuppetryTheater in Ha Noi, the article proposes some solutions to contribute to preserving, developing and exploiting more effectively the art of water puppetry. Keywords: Water puppetry, attraction, Ha Noi tourism.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfmot_so_giai_phap_gia_tang_suc_hap_dan_cua_nghe_thuat_mua_roi.pdf