Một số quy định mới về chứng minh và chứng cứ trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Kết luận Tóm lại, so với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 đã có những sửa đổi quan trọng về chứng cứ và chứng minh, giúp cho quá trình tố tụng được diễn ra nhanh chóng, khách quan và toàn diện hơn. Trong đó, việc bổ sung một số nguồn chứng cứ mới là một bước tiến vượt bậc, phù hợp với tình hình tội phạm trong thực tiễn và vấn đề hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, những quy định về quá trình chứng minh tội phạm bao gồm thu thập chứng cứ, kiểm tra và đánh giá chứng cứ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, không rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Hơn nữa, yếu tố về lập pháp khi xây dựng các điều luật vẫn chưa được chú trọng, dẫn đến thiếu tính logic và tính mạch lạc trong việc sắp xếp các điều luật. Nhưng nhìn chung thì BLTTHS 2015 nói chung và những quy định về chứng cứ và chứng minh nói riêng đã thật sự bảo vệ tốt quyền con người thông qua những quy định cụ thể, đáp ứng yêu cầu đề ra của Hiến pháp 2013 và chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

pdf6 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 19/01/2022 | Lượt xem: 397 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số quy định mới về chứng minh và chứng cứ trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thông báo Khoa học và Công nghệ Information of Science and Technology Số 1/2017 No. 1/2017 106 MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHỨNG MINH VÀ CHỨNG CỨ TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 CN. Nguyễn Thị Ngọc Uyển Phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung Tóm tắt Chứng cứ và chứng minh là một vấn đề quan trọng, là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử vụ án hình sự. Trong Bộ luật tố tụng hình sự (Sau đây viết tắt là BLTTHS) năm 2003 những quy định liên quan đến chứng cứ được quy định ở chương V còn nhiều thiếu sót, bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hiện nay. Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLTTHS năm 2015 với nhiều điểm mới, trong đó giành riêng Chương VI quy định về “Chứng minh và chứng cứ”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung trình bày quan điểm về những điểm tiến bộ trong BLTTHS 2015 về chế định chứng cứ, chứng minh so với BLTTHS 2003 và đề xuất những kiến nghị hoàn thiện. Từ khóa Chứng minh, chứng cứ 1. Đặt vấn đề Chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự bao gồm chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Trong đó chế định về chứng cứ và chứng minh là chế định quan trọng mà ba chức năng cơ bản kể trên dựa vào đó để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. BLTTHS 2015 đã có những sửa đổi quan trọng về chế định về chứng cứ và chứng minh, vì thế mà sự đối trọng giữa chức năng buộc tội và chức năng bào chữa ngày càng được nâng lên giúp cho nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo; chức năng xét xử cũng nhờ đó mà chính xác và khách quan hơn tránh bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội, đảm bảo tốt quyền lợi của người bị buộc tội nói riêng và quyền con người nói chung. Bên cạnh đó, một số quy định về chứng minh và chứng cứ chưa thực sự rõ ràng, logic và cần nghiên cứu sửa đổi, khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như sau: 2. Những điểm tiến bộ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 2.1. Về tên chương BLTTHS 2003 đã đặt tên chương là chứng cứ nhưng phạm vi điều chỉnh của chương lại bao gồm cả các quy định về chứng minh trong vụ án hình sự, điều này không đơn thuần chỉ là sự thiếu xót về mặt lập pháp mà còn gây khó khăn cho cho các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý cũng như những người muốn tìm hiểu pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài. Để khắc phục những thiếu xót này nhằm tạo sự thống nhất về mặt lập pháp cũng như tạo sự thuận lợi trong việc nghiên cứu pháp luật, BLTTHS 2015 đã đổi tên chương thành “chứng minh và chứng cứ”. Xét thấy việc thay đổi này là phù hợp. 2.2. Về chứng cứ và nguồn chứng cứ Thông báo Khoa học và Công nghệ Information of Science and Technology Số 1/2017 No. 1/2017 107 Về khái niệm chứng cứ và các thuộc tính của chứng cứ Khái niệm này được quy định tại Khoản 1 Điều 64 BLTTHS 2003: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Trong BLTTHS 2015 đã bỏ các chủ thể sử dụng chứng cứ để xác định sự thật vụ án bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án ra khỏi quy định khái niệm về chứng cứ. Cụ thể Điều 86 BLTTHS 2015 đã khẳng định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Có thể thấy khái niệm này đã gián tiếp thừa nhận việc xác định sự thật vụ án hay chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó không chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền chứng minh tội phạm mà trách nhiệm chứng minh tội phạm còn thuộc về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đây là một điểm tiến bộ, không chỉ tạo sự thống nhất về mặt lập pháp (Thống nhất các quy định tại Điều 15, tên chương II, Điều 34, 35 BLTTHS 2015) mà còn mở rộng trách nhiệm chứng minh vụ án của một số chủ thể khác, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các chủ thể được quy định thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc làm rõ sự thật vụ án. Để một loại nguồn chứng cứ được xem là chứng cứ thì nó phải đảm bảo ba thuộc tính là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Nếu BLTTHS 2003 chỉ quy định gián tiếp ba thuộc tính này thông qua khái niệm chứng cứ, thì BLTTHS 2015 đã khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng ba thuộc tính của chứng cứ thông qua quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Theo đó, “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án”. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý để hoạt động kiểm tra, đánh giá được chính xác, khách quan và toàn diện. Về nguồn chứng cứ: Trước tiên là về mặt lập pháp, BLTTHS 2015 đã tách quy định nguồn chứng cứ thành một điều luật riêng (Điều 87 BLTTHS), như vậy thì chứng cứ và nguồn chứng cứ đã có sự phân định rõ ràng về vấn đề khái niệm, không còn gây ra sự tranh cãi. Thứ hai, BLTTHS 2015 đã bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ các loại nguồn như lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú; lời khai của người chứng kiến; dữ liệu điện tử; kết luận định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác. Việc bổ sung các loại nguồn chứng cứ này cũng đã đồng thời mở rộng khả năng thu thập chứng cứ của các chủ thể có thẩm quyền, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, khách quan và toàn diện. Thứ nhất, BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú trở thành những nguồn chứng cứ. Quy định này được xem là một điểm tiến bộ vượt bật so với quy định của BLTTHS 2003 vì không chỉ lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mới được xem là một nguồn chứng cứ mà lời khai của người sau khi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố hay sau khi tự thú, đầu thú cũng được xem là những nguồn chứng cứ. Trên thực tế việc mâu thuẫn lời khai của người bị buộc tội trong các giai đoạn tố tụng sau so với chứng cứ được thu thập theo đúng quy định của pháp luật thường xuyên xảy ra nên đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có những nguồn chứng cứ khác xảy ra ở các giai đoạn trước để đối chiếu, tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn và xác định đâu là sự thật của vụ án. Thứ hai, lời khai của người chứng kiến cũng được xác định là một nguồn chứng cứ, Thông báo Khoa học và Công nghệ Information of Science and Technology Số 1/2017 No. 1/2017 108 đây cũng là một quy định tiến bộ. Theo quy định tại Điều 176 BLTTHS 2015 thì “Người chứng kiến được triệu tập để chứng kiến hoạt động điều tra trong các trường hợp do Bộ luật này quy định. Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung, kết quả công việc mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. Ý kiến này phải được ghi vào biên bản”. Như vậy, lời khai của người chứng kiến là vô cùng quan trọng trong việc xác định có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra hay không để từ đó người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra những quyết định phù hợp. Thứ ba, dữ liệu điện tử; kết luận định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác là những nguồn chứng cứ hoàn toàn mới, lần đầu được công nhận trong BLTTHS. Quy định này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tháo gỡ những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và yêu cầu hội nhập quốc tế. Mặt khác, sự thừa nhận các nguồn chứng cứ mới này đã hợp pháp hóa các chứng cứ được rút ra từ những nguồn trên, những nguồn đã từ lâu tồn tại trên thực tiễn và thường được đem ra tranh cãi về tính hợp pháp của nó. Ngoài những loại nguồn chứng cứ mới được bổ sung thì Khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015 cũng đã bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ, theo đó: “Những thông tin được thu thập từ các nguồn chứng cứ nhưng vi phạm quy định của Bộ luật này thì không có giá trị pháp lý và không được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Đây được xem là một quy định mới, tiến bộ trong việc gián tiếp thể hiện các yêu cầu của chứng cứ về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. 2.3. Về thu thập chứng cứ BLTTHS 2015 đã có một bước tiến quan trọng trong việc cho phép người bào chữa được quyền thu thập chứng cứ thông qua quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án. Trong khi tại BLTTHS 2003, người bào chữa cũng có quyền gặp những chủ thể trên nhưng không được quyền thu thập chứng cứ mà chỉ được quyền thu thập nguồn chứng cứ là các tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa của mình. Hơn nữa, quyền của người bào chữa còn được nâng lên khi ngoài việc tự mình được quyền thu thập chứng cứ thì theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 còn cho phép người bào chữa được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ. Đây rõ ràng là những quy định vô cùng tiến bộ, mở rộng gần như tối đa thẩm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, giúp họ có đầy đủ quyền hạn để thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình với vai trò là một bên trong quá trình tranh tụng, góp phần đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; góp phần nâng cao sự đối trọng, tạo cơ chế bình đẳng giữa hai chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng buộc tội và chức năng bào chữa. 2.4. Về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử Đứng trước tình hình tội phạm công nghệ thông tin đang diễn biến phức tạp, BLTTHS 2015 đã bổ sung “dữ liệu điện tử” là một nguồn chứng cứ hoàn toàn mới và có giá trị như các nguồn chứng cứ khác để làm cơ sở xác định hành vi phạm tội và xử lý tội phạm. Hơn nữa, quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế của Hội đồng Châu Âu về tội phạm mạng đã được ký tại Budapest ngày 23/11/2011 và pháp luật Việt Nam (BLHS 2015 đã quy định 10 tội phạm từ Điều 285 đến Điều 294 trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông). BLTTHS 2015 đã dành riêng Điều 99 để định nghĩa về dữ liệu điện tử, về các nguồn chứa dữ liệu điện tử và yêu cầu về giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử cũng như Điều 107 để quy định về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử. Về thu thập, thu giữ chứng cứ là dữ liệu điện tử, BLTTHS 2015 đã đưa thêm dữ liệu điện tử vào nội dung của hoạt động thu thập chứng cứ của hai nhóm chủ thể bao gồm cơ quan có Thông báo Khoa học và Công nghệ Information of Science and Technology Số 1/2017 No. 1/2017 109 thẩm quyền tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào. Theo đó thì những chủ thể trên có quyền thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử để phục vụ cho quá trình chứng minh vụ án. Một điểm hoàn toàn mới nữa đã được bổ sung vào BLTTHS 2015 là việc quy định cho người bào chữa quyền được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Quy định này góp phần mở rộng phạm vi thẩm quyền của người bào chữa trong việc thu thập chứng cứ, tạo cơ hội cho họ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, tránh oan sai. Về bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử, BLTTHS 2015 quy định phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng. Căn cứ vào Điều 107 và Điều 196 BLTTHS, hai điều luật quy định về thu thập và thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử. Theo đó thì khi không thể thu giữ được phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì phải sao lưu vào phương tiện điện tử và ngược lại, sau đó thì tiến hành bảo quản như đối với vật chứng. Nghĩa là phương tiện điện tử, phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử sau khi được thu giữ phải được niêm phong theo đúng quy định của pháp luật và phải đảm bảo tính nguyên vẹn, sau đó đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản trong giai đoạn xét xử và thi hành án. Còn phương tiện điện tử, phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử gốc mà đã không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản. Nhìn chung những quy định về việc bảo quản phương tiện điện tử, phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử chứa nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử được quy định khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng ra những quyết định phù hợp, đồng thời cũng thể hiện được tính chất quan trọng của hoạt động này khi đối chiếu với Phụ lục Công ước của Hội đồng Châu Âu về tội phạm mạng (ngày 23/11/2001). Về căn cứ khám xét dữ liệu điện tử, BLTTHS 2015 đã bổ sung những căn cứ để có thể tiến hành khám xét dữ liệu điện tử. Theo đó thì khi có căn cứ nhận định trong dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể tiến hành khám xét dữ liệu điện tử đó. Bởi trong nhiều vụ án, để thu được dữ liệu điện tử làm chứng cứ, phải khám xét cả phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử như máy tính, máy điện thoại di động, thiết bị lưu dữ liệu điện tử như đĩa quang, USB, ổ cứng di động, email, tài khoản quản trị, dữ liệu lưu trên điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lưu trên máy chủ nước ngoài (chỉ có thể truy cập từ xa) Vì vậy việc bổ sung quy định này là cần thiết để có căn cứ pháp lý thực hiện hoạt động tố tụng trong những trường hợp trên. Về khám nghiệm hiện trường, Điều 201 BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm quyền thu giữ dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ án như là một thẩm quyền mới của Điều tra viên khi tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm mà phát hiện các dữ liệu điện tử này mang dấu vết của tội phạm. Quy định này như một sự hợp thức hóa việc thu giữ dữ liệu điện tử khi khám nghiệm hiện trường, giúp cho hoạt động bảo quản phương tiện điện tử, phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử sau khi thu giữ được diễn ra liền mạch theo đúng quy định của pháp luật, giúp cơ quan có thẩm quyền không phải lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ. 2.5. Về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự Ngoài những vấn đề phải chứng minh đã được quy định trong BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm hai vấn đề mới mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải chứng minh để xác định sự thật vụ án. Thứ nhất là nguyên nhân và điều kiện phạm tội, có thể xuất phát từ yếu tố chủ quan hoặc Thông báo Khoa học và Công nghệ Information of Science and Technology Số 1/2017 No. 1/2017 110 khách quan, khi chứng minh được vấn đề này sẽ góp phần xác định được khung hình phạt phù hợp được áp dụng cũng như xác định được những căn cứ để tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo. Thứ hai, một vấn đề cần phải được chứng minh nữa là những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. BLHS 1999 đã có quy định về các căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt nhưng BLTTHS 2003 lại không quy định việc chứng minh các căn cứ này để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Vì vậy, để khắc phục những thiếu xót này, BLTTHS 2015 đã quy định việc chứng minh các căn cứ này để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao ý thức của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. 3. Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện - Về khái niệm chứng cứ Khi quy định khái niệm của chứng cứ, Điều 86 BLTTHS 2015 đã gián tiếp quy định đầy đủ ba thuộc tính của chứng cứ là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Tuy nhiên khi xét về tính hợp pháp, Điều 86 BTTHS chỉ quy định chứng cứ “được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”, trong khi Điều 87 BLTTHS đã khẳng định thêm chứng cứ được xem là có tính hợp pháp khi “chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn”. Như vậy có thể thấy quy định tại Điều 86 vẫn chưa bao quát được hết tính hợp pháp của chứng cứ, thiết nghĩ nên bổ sung vào khái niệm chứng cứ đặc tính đã được quy định tại Điều 87, cụ thể: “chứng cứ là những gì có thật, được thu thập từ nguồn chứng cứ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. - Về sự sắp xếp các điều luật Thứ tự sắp xếp các điều luật trong BLTTHS 2015 có nhiều điểm bất hợp lý, gây khó hiểu và khó khăn trong quá trình nghiên cứu pháp luật, thiết nghĩ sau quy định về nguồn chứng cứ (Điều 87), thu thập chứng cứ (Điều 88) nên quy định về nội dung của các nguồn chứng cứ cụ thể theo thứ tự tại các Điều 89, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104. Còn các quy định về bảo quản vật chứng (Điều 90), thu thập vật chứng (Điều 105), xử lý vật chứng (Điều 106) nên để ngay sau quy định cụ thể về nguồn chứng cứ là vật chứng (Điều 86). Tương tự, quy định về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử nên để sau quy định cụ thể về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử (Điều 99). Và quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ (Điều 108) ở cuối cùng của chương VI. Nếu quy định theo thứ tự vừa trình bày thì thiết nghĩ các vấn đề cần tìm hiểu sẽ liền mạch và logic hơn. - Các quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ BLTTHS 2015 quy định kiểm tra chứng cứ và đánh giá chứng cứ ở chung một điều luật, quy định này là không phù hợp bởi kiểm tra chứng cứ và đánh giá chứng cứ không đồng nhất với nhau, mỗi hoạt động đều có những cách thức khác nhau góp phần vào quá trình xác định sự thật vụ án. Nếu kiểm tra chứng cứ là xác định thông tin thu thập được có đáp ứng đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ không, có phải là chứng cứ trong vụ án hình sự không? Thì đánh giá chứng cứ được xem là hoạt động của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm làm sáng tỏ bản chất của chứng cứ một cách sâu sắc, chính xác hơn, đầy đủ so với giai đoạn nghiên cứu, kiểm tra chứng cứ trước đó, đồng thời xác định những chứng cứ thu thập được có đảm bảo đủ để giải quyết vụ án hình sự hay chưa. Vì vậy cần tách quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ thành hai điều luật riêng và quy định riêng về cách thức kiểm tra và cách thức đánh giá chứng cứ, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra và đánh giá chứng cứ một cách khách quan và toàn diện. 4. Kết luận Tóm lại, so với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 đã có những sửa đổi quan trọng về chứng cứ và chứng minh, giúp cho quá trình tố tụng được diễn ra nhanh chóng, khách quan và toàn diện hơn. Trong đó, việc bổ sung một số nguồn chứng cứ mới là một bước tiến vượt bậc, phù hợp với tình hình tội phạm trong thực tiễn và vấn đề hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, Thông báo Khoa học và Công nghệ Information of Science and Technology Số 1/2017 No. 1/2017 111 những quy định về quá trình chứng minh tội phạm bao gồm thu thập chứng cứ, kiểm tra và đánh giá chứng cứ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, không rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Hơn nữa, yếu tố về lập pháp khi xây dựng các điều luật vẫn chưa được chú trọng, dẫn đến thiếu tính logic và tính mạch lạc trong việc sắp xếp các điều luật. Nhưng nhìn chung thì BLTTHS 2015 nói chung và những quy định về chứng cứ và chứng minh nói riêng đã thật sự bảo vệ tốt quyền con người thông qua những quy định cụ thể, đáp ứng yêu cầu đề ra của Hiến pháp 2013 và chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Luật Hình sự 2015. [2] Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003. [3] Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. [4] Công ước của Hội đồng Châu Âu về tội phạm mạng đã được ký tại Budapest ngày 23/11/2011. [5] Trần Văn Hòa (2015), “Chứng cứ là dữ liệu điện tử và chứng minh trong dự thảo BLTTHS 2015 (sửa đổi)”, Tạp chí Kiểm sát (số 9). [6] Trần Quang Tiệp (2008), “Chế định chứng cứ trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfmot_so_quy_dinh_moi_ve_chung_minh_va_chung_cu_trong_bo_luat.pdf
Tài liệu liên quan