Kết luận và kiến nghị
Khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ có tiềm năng
và lợi thế trong phát triển NNCNH. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhanh
và và bền vững NNCNH tại vùng này cần sớm triển khai các nội dung sau:
Một là, Bộ NN&PTNT sớm chỉ đạo triểu khai xây dựng Đề án Phát triển
NNCNH hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ, từ đó hình
thành một số dự án, nhiệm vụ phát triển sản phẩm cụ thể để làm căn cứ lập
Quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ
Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ.
Hai là, các địa phương cần nghiên cứu, xác định các sản phẩm chủ lực cụ
thể và những vấn đề cần KH&CN tác động trực tiếp. Có cơ chế, chính sách
phù hợp để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nông
nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến tại
hành lang đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác với nước
bạn Lào nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai nước./.
11 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 308 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
81
NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA
HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VÙNG BẮC TRUNG BỘ
Trần Anh Tuấn1
Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ KH&CN
Trương Thu Hằng
Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi, Bộ KH&CN
Tóm tắt:
Phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa (NNCNH) là một khái niệm còn khá mới ở nước
ta, nhưng nội hàm của nó không mới và đã được triển khai ở một số nơi với những mô
hình khác nhau2. Kể từ khi Chính phủ quyết định đầu tư và đưa vào hoạt động tuyến đường
Hồ Chí Minh đoạn qua 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã tạo ra vùng sản xuất rộng lớn dọc theo hành lang
tuyến đường, đặc biệt, đã có khá nhiều doanh nghiệp như: Công ty CP Mía đường Lam
Sơn, Công ty CP sữa TH; Công ty CP Nafoods Group,... tiên phong đầu tư một cách bài
bản, phát triển chuỗi giá trị và được xem như là các mô hình phát triển NNCNH và đã
thành công trong sản xuất kinh doanh, có sức lan tỏa, thu hút người dân cùng tham gia.
Đây cũng là vùng còn nhiều tiềm năng rất lớn về đất đai, diện tích đất lâm nghiệp lớn, tập
trung các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, thích hợp để phát triển NNCNH và
phát triển bền vững.
Từ khóa: Nông nghiệp công nghiệp hóa; Sản phẩm chủ lực; Phát triển vùng; Vùng Bắc
Trung Bộ.
Mã số: 18081601
1. Mở đầu
Vùng hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua vùng Bắc Trung Bộ bao
gồm 24 huyện, thị xã3, chủ yếu là các huyện miền núi. Tổng diện tích tự
nhiên hành lang đường Hồ Chí Minh là 2.073 nghìn ha, chiếm 40,6% diện
tích tự nhiên vùng Bắc Trung Bộ, trong đó, diện tích đất sản xuất nông
nghiệp chiếm 43% và diện tích đất lâm nghiệp chiếm 42,6%. Lợi thế để
phát triển nông nghiệp vùng hành lang đường Hồ Chí Minh bao gồm: cây
lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc,
1 Liên hệ tác giả: trananhtuan@most.gov.vn
2 Có thể nói: NNCNH là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo phương thức sản xuất công
nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
3 Huyện, thị xã: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Nghĩa Đàn, Thái Hòa,
Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng
Ninh, Lệ Thủy, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Dakrông, A Lưới.
82
trồng rừng kinh tế, Một số loại nông sản vùng hành lang đường Hồ Chí
Minh chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất của vùng Bắc Trung Bộ
như: sản lượng mía chiếm 58,8%, lạc chiếm 23,3%, ngô chiếm 44,8%, sắn
chiếm 58,8%, tổng đàn gia súc trên 40%, tổng đàn gia cầm chiếm 32,4%,
diện tích rừng chiếm 36,5%4,... Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa
tập trung như: vùng mía đường, vùng lạc, vùng chè, vùng cây ăn quả,.
KH&CN đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nhiều giống mới, kỹ
thuật canh tác tiên tiến đã được ứng dụng, cơ giới hóa được đẩy mạnh góp
phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đã có một số doanh nghiệp
đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: rau
quả, hoa, chăn nuôi bò sữa, với việc đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị tạo
tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa.
2. Một số vấn đề cơ sở lý luận về nông nghiệp công nghiệp hóa
2.1. Cơ sở lý luận xét trên góc độ kinh tế
Một là, ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo ra sự bứt phá trong phát
triển nông nghiệp. NNCNH đã trở thành phương thức sản xuất chủ lực ở
hầu hết các quốc gia như: Israel, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ,... Đặc điểm cơ bản
của NNCNH là sản xuất dựa trên các thành tựu của công nghiệp, tích hợp
các công nghệ sản xuất hiện đại như: công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự
động hóa, tin học hóa,... Đặc điểm quan trọng khác của NNCNH là sản xuất
quy mô lớn, có giá trị cao và lợi nhuận cao. NNCNH là một phương thức
sản xuất cơ bản của thời đại công nghiệp. Mỗi một giai đoạn phát triển của
các cuộc cách mạng công nghiệp, có một trình độ phát triển tương ứng của
nông nghiệp. NNCNH hiện đại là phương thức sản xuất dựa trên các thành
tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0.
NNCNH hiện đại dựa trên các nền tảng cơ bản: (i) Các công cụ sản xuất,
công nghệ sản xuất tiên tiến; (ii) Tổ chức hệ thống sản xuất dựa trên doanh
nghiệp; quy mô sản xuất công nghiệp, được tổ chức và quản lý theo chuỗi
từ đồng ruộng đến tiêu dùng; có sản lượng lớn, chất lượng cao, thân thiện
với môi trường và có sức cạnh tranh trên toàn cầu.
Hai là, xu thế phát triển kinh tế đang đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức
sản xuất. Nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu ngoạn mục, trở
thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy
nhiên, nền nông nghiệp đang có xu hướng phát triển kịch trần do tình trạng
sản xuất manh mún, dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, phương thức sản xuất lạc
hậu. Đây là hình thức sản xuất mang nặng tính “phong kiến”, không đủ sức
sống và khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng
4 Theo Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT.
83
sâu rộng. Do vậy, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng
công nghiệp hóa là yêu cầu cấp bách và được xem là cốt lõi trong tái cơ cấu
ngành nông nghiệp.
Ba là, yếu tố thị trường đã có nhiều thay đổi và tác động trực tiếp đến phát
triển. Hiện nay, nông nghiệp thế giới chia làm 2 cực khá rõ rệt:
- Tình trạng phát triển bão hòa và dư thừa nông sản, chiếm hầu hết trong
20 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Những quốc gia này cũng là quốc
gia nhập khẩu nông sản chủ lực, nhưng là những sản phẩm chất lượng
cao và giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhu cầu tiêu dùng
các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa (thực phẩm chức năng, rau quả cao
cấp, nông sản hữu cơ, thực phẩm không chuyển gen - Non GMO),...;
- Các nước kém phát triển với khoảng 2 tỷ người đang thiếu lương thực.
Thị trường chủ yếu của các nước này là nông sản với chất lượng và giá
thành trung bình. Đây là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của
nông nghiệp hành lanh đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ.
Thị trường nông sản toàn cầu đã có sự chuyển dịch khá rõ:
- Thị trường nông sản quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, từ 342 tỷ USD năm
2001 lên tới 1.036 tỷ USD năm 2016 với 9 mặt hàng nông sản chủ lực.
Trong đó rau quả năm 2016 đạt 237 tỷ USD, chiếm 23% tỷ trọng toàn bộ
thị trường nông sản quốc tế, tiếp theo là ngũ cốc (chiếm 14,4%) và thủy
hải sản (chiếm 13,2%). Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm rau quả nhiệt đới,
trái mùa sẽ tăng ở các nước phát triển. Theo thống kê của FAO, thị
trường rau quả sẽ tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2017-2020 và đạt
320 tỷ USD vào năm 2020;
- Nhiều nước trong số các nước ký hiệp định thương mại tự do với Việt
Nam là các nước nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới (Trung Quốc,
Mỹ, EU,... là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam).
2.2. Căn cứ vào xu thế và cơ hội phát triển vùng
Mức độ hội nhập toàn cầu thể hiện qua sự thông thoáng của bốn “dòng
chảy” (tri thức, công nghệ, tiền tệ, thị trường - hàng hóa) trên thế giới. Quốc
gia nào khai thác được bốn “dòng chảy” trên đây sẽ có trong tay các nguồn
lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Đây cũng là một cơ hội đầu tư phát
triển quan trọng hàng đầu đối với NNCNH ở nước ta. Xuất phát từ nghiên
cứu, đánh giá và lựa chọn trọng điểm tổ chức liên kết sản xuất thì khu vực
hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ là nơi tập trung các
doanh nghiệp hàng đầu đủ sức mạnh thu hút 4 “dòng chảy” trên đây nhằm
tạo ra một vùng NNCNH hàng đầu khu vực.
84
Nguồn lực tri thức, công nghệ chủ yếu nằm trong tay các nước phát triển và
là động lực mạnh nhất làm thay đổi phương thức sản xuất xã hội. Để phát
triển NNCNH phải tạo ra nguồn lực để thu hút được các chuyên gia hàng
đầu, giống và công nghệ ưu tú trên thế giới.
Hàng loạt các hiệp ước thương mại tự do (FTA), nhất là hiệp định xuyên
Thái Bình Dương (TPP) thể hiện xu thế liên kết và cạnh tranh quốc tế. Các
nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Israel, Trung Quốc có nền
NNCNH phát triển mạnh mẽ, cần tranh thủ cơ hội này để chuyển hóa liên
kết chính trị thành liên kết phát triển kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Vai
trò của Nhà nước là giúp các vùng NNCNH thu hút các nguồn lực và đáp
ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Thiếu các nguồn lực này nông
nghiệp công nghệ cao nước ta khó đạt đến các đỉnh cao phát triển rực rỡ.
Trong hệ thống sản xuất, đã có nhiều sự thay đổi dựa vào công nghệ đã tạo
ra các trào lưu mới, bao quát toàn bộ các mô hình kinh tế mới nổi nhằm tạo
giá trị tối đa trong chuỗi sản xuất, cụ thể: Kinh tế sinh học, kinh tế sinh
khối, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh,... đó chính là những
khái niệm và trào lưu sản xuất mới rất quan trọng đối với phát triển
NNCNH trên thế giới.
2.3. Bài học từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến
Israel là một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, có diện tích (khoảng
20.000 km2) chỉ lớn hơn rất ít so với diện tích của tỉnh Nghệ An (gần
16.500 km2) nhưng lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới
trong lĩnh vực nông nghiệp. Công nghệ sử dụng nước, chất lượng sữa và
các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá hàng đầu trên thế giới. Chỉ với
2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng Israel là nước xuất khẩu nông sản
hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel là bắt đầu từ việc
đầu tư cho KH&CN. Năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm
đủ cho 17 người, hiện nay là 90 người. Một ha đất hiện cho 3 triệu bông
hồng hay 500 tấn cà chua/vụ. Một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm (khoảng
55 lít sữa/con/ngày) - mức năng suất mà không một nước nào trên thế giới
có được.
Thái Lan vốn là nước nông nghiệp truyền thống với số dân nông thôn
chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng các mô
hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào quá trình sản
xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng thành công chuỗi sản phẩm liên kết. Do
vậy, nhiều mặt hàng nông nghiệp có chất lượng cao được thị trường thế giới
ưa chuộng. Trong đó, gạo Thái Lan đứng hàng đầu trên thế giới về số
lượng, chất lượng và giá thành.
Hà Lan là “đất nước trũng”, có 1/4 diện tích thấp hơn mực nước biển, 1/3
lãnh thổ chịu sự uy hiếp của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập
85
úng. Đất đai hiếm hoi, diện tích đất canh tác chỉ khoảng 580m2/người, thấp
nhất của thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất tại Hà Lan lại đứng hàng
đầu trên thế giới bởi thực thi chiến lược “đầu tư cao - sản xuất nhiều”, cốt
lõi là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Vậy nên, nông
nghiệp Hà Lan được xếp vào hàng phát triển cao nhất thế giới; đặc biệt là
công nghệ trồng và xuất khẩu hoa.
Kinh nghiệm cho thấy, các nước nằm sát nước lớn và phát triển sẽ có nhiều
cơ hội nhất trong phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản; các nước xuất
khẩu nông sản hàng đầu như Mexico rất giống nước ta về địa lý đã thu
được kết quả vượt trội; Hà Lan là nước nhỏ, diện tích và dân số chỉ bằng
các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng nhưng xuất khẩu nông sản đứng thứ 2
thế giới, chỉ sau Mỹ, đạt 94 tỷ USD năm 2017.
Từ thành công của các quốc gia trên, chúng ta có thể rút ra bài học quan
trọng: Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn là con đường duy
nhất để hiện đại hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Bên cạnh
đó, với những điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, Việt Nam chỉ cần có
thêm những chính sách đột phá và sự ưu đãi của Nhà nước, nông nghiệp sẽ
đạt được những thành tựu to lớn.
3. Tình hình phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường
Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ
Qua điều tra, khảo sát của nhóm nghiên cứu đã ghi nhận và khẳng định vai
trò của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại hành
lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ là nhân tố đặc biệt quan
trọng, đóng vai trò hạt nhân lan tỏa để người dân tham gia và cũng là nơi
triển khai trực tiếp. Nhờ đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô
hình sản xuất tập trung đã thu hút được lực lượng đông đảo người dân tham
gia, tạo ra lượng hàng hóa có giá trị, tạo được thương hiệu và thị trường.
Tính đến hết năm 2016, khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc
Trung Bộ có 3.587 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có nhiều doanh
nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để có thể phát triển vùng
NNCNH. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất sản
phẩm nông nghiệp theo chuỗi, triển khai trên địa bàn rộng, thu hút được
người dân tham gia và mang lại hiệu quả như:
3.1. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa của Công ty Cổ
phần Mía đường Lam Sơn
3.1.1. Đổi mới công nghệ sản xuất mía đường
86
Công ty luôn xác định mía đường là nền tảng cốt lõi trong đầu tư phát triển,
với các giải pháp đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới phương thức
tổ chức sản xuất từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ một nhà
máy sản xuất lạc hậu đến nay thương hiệu Lasuco đã trở thành tập đoàn
hàng đầu về công nghiệp mía đường.
Vùng sản xuất mía nguyên liệu mía đường tại Lam Sơn (Thanh Hóa) được
quy hoạch từ 17.000-20.000 ha nhưng đến nay chỉ tập trung 10.000 ha
trồng thâm canh (giảm gần một nửa diện tích so với trước đây). Năng suất
mía trước đây chỉ đạt 40-45 tấn/ha đến nay đã đạt bình quân 70-75 tấn/ha
(tăng 67%). Nhà máy sản xuất đường hiện nay đang áp dụng công nghệ
hàng đầu thế giới, hiệu suất thu hồi đường đạt 8 tấn mía/1 tấn đường, do
vậy dù giảm 7.000 ha trồng mía nhưng vẫn đảm bảo sản lượng mía nguyên
liệu cho nhà máy hoạt động.
Để đạt được kết quả trên, Công ty đã ứng dụng công nghệ cao, phát triển và
nhân giống mía công nghiệp 3 cấp theo phương pháp nuôi cấy mô, công
suất 3 triệu cây/năm, đầu tư xây dựng phòng chuẩn đoán bệnh sinh học
phân tử, phòng phân tích nông hóa và nuôi vi sinh vật, trạm khí tượng tự
động Imentos, hệ thống thủy lợi hóa, cơ giới hóa phục vụ canh tác mía công
nghệ cao.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường, Công ty đã đầu tư
nghiên cứu chế biến sinh khối (sinh khối mía được tạo ra khoảng 750.000
tấn bã mía, 100.000 tấn mật rỉ, 75.000 tấn bùn bã mía) thành giá thể và
phân hữu cơ vi sinh.
3.1.2. Sản xuất rau, hoa, quả an toàn
Từ năm 2010 đến nay, Công ty đã bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu
phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quy mô diện tích 150 ha. Trong
đó, xây dựng 20 ha nhà kính, nhà lưới đồng bộ, quy mô tập trung, hiện đại
và tạo ra doanh thu hàng năm đạt 3-5 tỷ VNĐ từ các sản phẩm dưa vàng,
dưa lưới, cà chua, dưa chuột, lan Hồ điệp,... hình thành khu vực chuyên
canh hàng hóa dọc hành lang đường Hồ Chí Minh của tỉnh Thanh Hóa.
Song song với việc tổ chức sản xuất tập trung tại Trung tâm Nghiên cứu
phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Công ty đã đẩy mạnh việc đầu tư
chuyển giao công nghệ sản xuất rau, quả an toàn trong nhà lưới cho các hộ
gia đình chuyển đổi từ trồng mía tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định,
Thường Xuân, Ngọc Lặc,... kết nối xây dựng vùng chuyên canh nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị hàng hóa lớn.
Hiện nay, Công ty đã xây dựng được vườn cam mang thương hiệu “Cam
vàng xứ Thanh” có quy mô 50 ha. Trong đó, với hệ thống vườn tập đoàn
87
giống cam rộng 1 ha và vườn ươm quy mô 3 ha, cung cấp 3-5 triệu mắt
ghép chất lượng cao và 5 triệu cây giống ghép sạch bệnh phục vụ sản xuất
thương mại.
3.1.3. Phát triển lúa gạo bền vững
Công ty đã phối hợp với Công ty CP giống cây trồng Trung ương, Công ty
CP giống và vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam xây dựng vùng
trồng lúa chất lượng cao theo hướng công nghiệp hóa và chế biến sinh khối
rơm rạ, trấu, cám thành các sản phẩm có giá trị gia tăng (thực phẩm chức
năng từ gạo đen, cám gạo; sữa gạo). Đồng thời, liên kết với nông dân phát
triển vùng trồng gạo hữu cơ quy mô 500 ha, năng suất 8 tấn/vụ (16
tấn/năm). Đây là mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ
và phương pháp trồng lúa hữu cơ đầu tiên tại Thanh Hóa, giúp giảm giá
thành sản xuất từ 15-20% so với phương pháp truyền thống.
3.2. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa của Công ty Cổ
phần Nafoods Group (Nafoods Group)
Nafoods Group là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản
xuất, chế biến và xuất khẩu nước ép trái cây và củ quả đông lạnh. Nafoods
Group là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phát triển chuỗi giá trị cây chanh leo,
từ chủ động sản xuất được giống sạch bệnh, đến trồng trọt, chế biến, xuất
khẩu.
Nafoods Group có cơ sở sản xuất giống chanh leo công nghệ cao với hệ
thống nhà lưới đồng bộ trên 5 ha theo công nghệ Đài Loan với quy trình
khép kín, sạch bệnh - năng suất cao theo hợp đồng chuyển giao công nghệ
của Đại học Chung Hsing (Đài Loan). Từ năm 2017, Nafoods Group có khả
năng cung cấp trên 3,5 triệu cây giống/năm, đủ trồng cho 4.000 ha trở lên.
Hiện nay, Nafoods Group đang phối hợp với các chuyên gia Đài Loan tạo
giống chanh leo mới phù hợp với các vùng sinh thái, mang bản quyền Việt
Nam, sẽ được sản xuất thử từ năm 2019.
Tại khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ, Nafoods
Group đã liên kết với các địa phương và hộ nông dân trồng trên 800 ha
chanh leo. Trong chuỗi liên kết, Nafoods Group đang tập trung cung cấp
gói kỹ thuật đồng bộ cho hộ nông dân (cây giống, vật tư đầu vào và quy
trình kỹ thuật), kèm hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tạo ra mô hình sản xuất
bền vững.
3.3. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa của Công ty Cổ
phần Sữa TH (TH Truemilk)
TH Truemilk đã đầu tư vào miền Tây của tỉnh Nghệ An hơn 10 năm - bắt
đầu từ dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, quy mô công
88
nghiệp, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD. Để có được sản phẩm sạch, TH
Truemilk đã ký hợp đồng chuyển giao toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ
thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế
giới từ các nước tiên tiến. Để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH
Truemilk đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc
và hướng dẫn, đào tạo cán bộ kỹ thuật Việt Nam. Tất cả các khâu được
quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia là Công ty Afikim của Israel
về quản trị công nghệ và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về
mặt thú y.
Việc TH Truemilk ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã mang đến cho
miền Tây Nghệ An một diện mạo hoàn toàn mới: một thành phố du lịch
sinh thái trong tương lai, đời sống người dân được nâng lên và chất lượng
sống được cải thiện rõ rệt. Công nghệ cao đã giúp nâng cao hiệu suất canh
tác, biến 1 ha đất nơi trước đây chỉ cho thu hoạch trung bình khoảng 70
triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương,... theo phương thức
sản xuất mới đã cho thu hoạch từ 500 triệu-1,5 tỷ VNĐ/năm.
Ngoài ra, TH Truemilk có một số dự án khác đang đi vào hoạt động như:
trồng rau và hoa quả trong nhà kính (FVF), vốn đầu tư 2.423 tỷ VNĐ, quy
mô 520 ha; dự án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn
với phát triển rừng bền vững, vốn đầu tư 19.512 tỷ VNĐ; nhà máy chế biến
phân gia súc, vốn đầu tư 756 tỷ VNĐ; nhà máy nước tinh khiết và nước hoa
quả Núi Tiên, vốn đầu tư 1.176 tỷ VNĐ... các dự án này đều nằm trên hành
lang đường Hồ Chí Minh, tạo vành đai phát triển kinh tế khu vực Thanh
Hóa - Nghệ An.
4. Đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông
nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc
Trung Bộ
Để phát triển NNCNH thì điều trước tiên phải xác định được các sản phẩm
chủ lực, có lợi thế của Vùng để phát triển. Sau đó là xác định các giải pháp
chủ yếu để thúc đẩy phát triển.
4.1. Lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có lợi thế phát triển
UNSTAD5 đã rà soát đưa ra danh mục các sản phẩm thương mại chủ lực
đang được thương mại hóa trên thế giới, bao gồm 7 chủng loại: rau quả;
ngũ cốc và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; thủy sản; thịt và các sản
phẩm chế biến từ thịt; cà phê, chè, ca cao; thức ăn chăn nuôi; đường và các
chế phẩm từ đường và mật ong. Trong đó, rau quả chiếm thị phần lớn nhất
5 Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc.
89
và cũng là sản phẩm nông sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu
nhanh nhất6.
Xu hướng tiêu dùng trên thế giới mới nổi lên bao gồm các sản phẩm nông
nghiệp hữu cơ, thực phẩm chức năng và thực phẩm dinh dưỡng.
Bảng 1. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế phát triển
TT Ngành Sản phẩm chủ lực
1
Sản phẩm rau
quả
Phát triển cây ăn quả chất lượng cao, cây có múi không hạt;
một số loại rau củ phù hợp với Vùng.
2
Sản phẩm lâm
nghiệp
Phát triển một số loại cây có năng suất cao, cây gỗ lớn.
3
Sản phẩm chăn
nuôi
Tập trung hướng đến đối tượng vật nuôi có thế mạnh như: bò,
lợn và có khả năng mở rộng địa bàn.
4
Sản phẩm dược
liệu
Phát triển một số loài dược liệu quý dưới tán rừng; các nguồn
gen đặc trưng của Vùng.
Nguồn: Lê Tất Khương, 2017.
Ngoài ra, còn một số sản phẩm mang tính đặc thù của các địa phương trong
vùng như: cam Vinh (Vân Du, Xã Đoài, Sông Con); cam Bù ở Hương Sơn,
Hương Khê (Hà Tĩnh), bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh; bưởi Thanh Trà ở Thừa
Thiên - Huế; cà phê, hồ tiêu ở Quảng Trị; bò vàng ở Thanh Hóa; hươu ở
Nghệ An, Hà Tĩnh; ong ở Nghệ An,
4.2. Đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ
4.2.1. Lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện để Nhà nước hỗ trợ đầu tư ứng
dụng, đổi mới công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản, góp phần tái
cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia
tăng trong sản xuất nông nghiệp
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp
tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (xây dựng nhà
máy chế biến tại các tỉnh trọng điểm sản xuất: hồ tiêu, cà phê, cao su,
nguyên liệu giấy,...) để tận dụng một số ưu thế: doanh nghiệp có vốn, khả
năng đầu tư theo chiều sâu; doanh nghiệp có khả năng tổ chức sản xuất và
chế biến sản phẩm; doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, cần khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở chế
biến vừa và nhỏ ở các địa phương để thu gom sơ chế, làm vệ tinh cho các
nhà máy chế biến trong Vùng; hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao với quy mô vừa, làm dịch vụ sản xuất giống kết hợp chế
biến nông sản chất lượng cao.
6 UNSTAD năm 2017: Rau quả chiếm 22,9%.
90
4.2.2. Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tạo lập thị trường tiêu
thụ sản phẩm
Nhà nước cần có chính sách xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển thương
hiệu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, trong đó, ưu tiên
hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu. Tăng cường
công tác tiếp thị, hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm có khả
năng xuất khẩu trong Vùng. Xúc tiến nghiên cứu, đăng ký thương hiệu sản
phẩm hàng hóa trên thị trường quốc tế như: bưởi Phúc Trạch, cam Xã Đoài,
cà phê Hướng Hóa, tiêu Tân Lâm,...).
Kết hợp đầu tư công nghệ kết nối thông tin, kiểm soát chất lượng trong việc
xây dựng các chợ đầu mối để làm nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa nông sản,
trao đổi thông tin đầu vào - đầu tư ở những vùng có sản phẩm hàng hóa tập
trung, trước mắt cần ưu tiên xây dựng ở những trung tâm huyện lỵ, thị xã ở
các tỉnh trong Vùng.
Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ việc khai thác thị
trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản.
Đồng thời, chủ động hợp tác, khuyến khích các thành phần, tổ chức kinh
tế tham gia thiết lập các mạng lưới kết nối tự động trong việc thu mua trực
tiếp từ nông dân, bao tiêu sản phẩm nông sản hàng hóa, gắn chế biến với
tiêu thụ sản phẩm.
4.2.3. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất
lượng cây trồng, vật nuôi
Bộ KH&CN phối hợp cùng các địa phương xác định và triển khai các vấn
đề nội hàm KH&CN trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa
phương trong Vùng. Trong đó, trước mắt ưu tiên xem xét, lựa chọn doanh
nghiệp và các nội dung để hỗ trợ triển khai phát triển một số sản phẩm theo
chuỗi giá trị.
- Phát triển một số loại quả chất lượng cao ở quy mô hàng hóa: Cùng các
địa phương lựa chọn vùng để hỗ trợ doanh nghiệp hình thành vùng sản
xuất ở quy mô công nghiệp một số loại quả phù hợp (cam, bưởi, bơ, ổi,
chanh leo,...); nghiên cứu chọn tạo giống và công nghệ sản xuất giống
cây trồng có năng suất cao và chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường
trong nước và xuất khẩu, chống chịu điều kiện bất lợi (hạn, mặn, ngập,
nóng, lạnh; chuyển đổi diện tích trồng trọt có hiệu quả thấp (đất lúa một
vụ không chủ động nước) sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò;
- Phát triển chăn nuôi: Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ nhân giống bò, sản
xuất thức ăn phù hợp với điều kiện từng địa phương để phát triển vùng
chăn nuôi công nghệ cao. Đồng hành cùng các doanh nghiệp (TH
91
Truemilk, Vinamilk,...) và người dân vùng công nghiệp sữa dọc hành
lanh đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ;
- Phát triển cây dược liệu: Tiếp tục hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác và phát
triển bền vững nguồn gen đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế; phát
triển một số loại dược liệu dưới tán rừng gắn với chế biến dược liệu.
5. Kết luận và kiến nghị
Khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ có tiềm năng
và lợi thế trong phát triển NNCNH. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhanh
và và bền vững NNCNH tại vùng này cần sớm triển khai các nội dung sau:
Một là, Bộ NN&PTNT sớm chỉ đạo triểu khai xây dựng Đề án Phát triển
NNCNH hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ, từ đó hình
thành một số dự án, nhiệm vụ phát triển sản phẩm cụ thể để làm căn cứ lập
Quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ
Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ.
Hai là, các địa phương cần nghiên cứu, xác định các sản phẩm chủ lực cụ
thể và những vấn đề cần KH&CN tác động trực tiếp. Có cơ chế, chính sách
phù hợp để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nông
nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến tại
hành lang đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác với nước
bạn Lào nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018. Tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển nông
nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018. Thông báo Kết luận Hội nghị Khoa học và công
nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí
Minh vùng Bắc Trung Bộ, tháng 8/2018.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2018. Định hướng nghiên cứu và ứng dụng
khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp công nghiệp hóa của ngành nông nghiệp
cho khu vực Bắc Trung Bộ.
4. Tạ Thu Hằng, 2011. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ
nhằm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ở các
huyện miền núi Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh). Đề tài cấp Bộ
KH&CN. Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng.
5. Lê Tất Khương, 2017. Nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ nhằm
khai thác tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù phục vụ phát triển bền vững ngành
nông nghiệp tại các vùng kinh tế của Việt Nam. Đề tài cấp Bộ KH&CN. Viện Nghiên
cứu và Phát triển Vùng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nghien_cuu_de_xuat_giai_phap_khoa_hoc_va_cong_nghe_thuc_day.pdf