Nghiên cứu quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm cho bê tông đúc sẵn
Tùy thuộc vào hàm lượng tro bay thay thế xi
măng trong khoảng nghiên cứu (0 ÷ 35%) và mục
đích đạt cường độ nén lớn nhất ở 1 ngày, 7 ngày,
28 ngày hoặc 180 ngày tuổi sẽ có quy trình gia
nhiệt trong dưỡng hộ nhiệt ẩm với các thông số
khác nhau về thời gian chờ tĩnh định; nhiệt độ
bảo dưỡng tối đa; thời gian duy trì ở nhiệt độ tối
đa và tốc độ tăng nhiệt. Xu hướng cho thấy quy
trình dưỡng hộ nhiệt ẩm ảnh hưởng nhiều đến
cường độ nén của bê tông ở tuổi trước 7 ngày và
giảm dần ảnh hưởng đến chỉ tiêu này ở tuổi sau
28 ngày, cụ thể:
- Để bê tông đạt cường độ cao ở tuổi sớm từ
1 đến 7 ngày thì thời gian chờ tĩnh định ngắn (3
h), nhiệt độ bảo dưỡng tối đa cao (85oC), thời
gian duy trì ở nhiệt độ tối đa dài (4h) và tốc độ
tăng nhiệt nhanh (30oC/h).
- Để bê tông đạt cường độ cao ở tuổi 28 ngày,
tùy thuộc hàm lượng tro bay thay thế xi măng: Nếu
hàm lượng tro bay thay thế xi măng từ (20% ÷
35%) thì thời gian chờ tĩnh định dài (5h), nhiệt độ
bảo dưỡng tối đa thấp (55oC), thời gian duy trì ở
nhiệt độ tối đa ngắn (2h). Nếu không sử dụng tro
bay thì cường độ nén ở 28 ngày tuổi hầu như
không phụ thuộc vào quy trình gia nhiệt trong
phạm vi dưỡng hộ nhiệt ẩm đã nêu
7 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 816 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm cho bê tông đúc sẵn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 47
NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH DƯỠNG HỘ NHIỆT ẨM
CHO BÊ TÔNG ĐÚC SẴN
TS. TRẦN VĂN MIỀN
Trường Đại Học Bách Khoa – Đại Học Quốc Gia TP.HCM
TS. NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Viện KHCN Xây dựng
ThS. NGUYỄN LÊ THI
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3
Tóm tắt: Dưỡng hộ nhiệt ẩm là phương pháp
dưỡng hộ bằng cách cung cấp hơi nước ở nhiệt
độ cao dưới áp suất thường. Các cấu kiện có kích
thước lớn, phổ biến là các cấu kiện bê tông ứng
suất trước đều được áp dụng phương pháp
dưỡng hộ này. Kết quả nghiên cứu của bài báo
cho thấy, tùy thuộc vào hàm lượng tro bay thay
thế xi măng và mục tiêu cần đạt cường độ ở độ
tuổi xác định, có thể xác lập quy trình dưỡng hộ
phù hợp.
Từ khóa: Dưỡng hộ nhiệt ẩm, nhiệt độ, thời
gian chờ tĩnh định, tro bay, bê tông đúc sẵn.
1. Giới thiệu
Trong sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, chỉ
tiêu cường độ cao ở tuổi sớm của bê tông là rất
quan trọng. Yếu tố này quyết định thời gian tháo
khuôn và do đó ảnh hưởng đến công suất của
dây chuyền sản xuất. Vì vậy, các nhà máy sản
xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn thường áp dụng
các phương pháp khác nhau nhằm giúp bê tông
đạt cường độ cao ở tuổi sớm như sử dụng xi
măng rắn nhanh, phụ gia đông kết nhanh, dưỡng
hộ nhiệt ẩm hay dưỡng hộ autoclave Trong đó,
phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm thường được
lựa chọn do có nhiều ưu điểm. Việc dưỡng hộ
nhiệt ẩm sẽ giúp cho bê tông luôn duy trì độ ẩm,
giảm thiểu việc bay hơi nước từ sản phẩm. Mặc
dù quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm của tất cả sản
phẩm bê tông đúc sẵn như ống cống, cọc ống, trụ
điện về nguyên tắc là như nhau nhưng quy
trình gia nhiệt sẽ có khác nhau cho mỗi loại cấu
kiện. Ví dụ, cấu kiện có kích thước nhỏ nhưng
diện tích bề mặt lớn thì tốc độ truyền nhiệt và bay
hơi sẽ nhanh. Một số cấu kiện như ống cống, cọc
ống khi dưỡng hộ nhiệt ẩm thường bao gồm cả
phần khuôn đúc, nhờ vậy sẽ giảm thiểu việc bay
hơi nước nhưng sẽ giảm khả năng truyền nhiệt
vào bê tông dẫn đến có sự chênh lệch lớn về
nhiệt độ bề mặt và bên trong sản phẩm, là
nguyên nhân gây nên ứng suất nhiệt làm nứt bê
tông.
Theo Verbeck và Helmuth (1968), đối với bê
tông không sử dụng tro bay thay thế xi măng, sự
thủy hóa nhanh chóng của xi măng ở nhiệt độ
bảo dưỡng cao sẽ dẫn đến cường độ ban đầu
cao do sản phẩm thủy hóa nhiều hơn được hình
thành. Tuy nhiên, ở các độ tuổi sau, quá trình
thủy hóa có sự chậm phát triển là do có một lớp
vỏ dày đặc xung quanh các hạt xi măng đang
thủy hóa sẽ dẫn đến một cấu trúc xốp hơn và
giảm cường độ như minh họa ở hình 1.
Việt Nam hiện chưa có quy định hay hướng
dẫn liên quan đến quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm.
Tuy nhiên, Hiệp hội kỹ sư Nhật Bản (JSCE) [1] và
Hội Bê tông Hoa Kỳ (ACI) [2] đã đề cập các thông
số cần lưu ý trong quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm
bao gồm: Thời gian chờ tĩnh định, tốc độ tăng và
giảm nhiệt, nhiệt độ dưỡng hộ tối đa và thời gian
duy trì đẳng nhiệt ở nhiệt độ tối đa này.
Thời gian chờ tĩnh định (x1) là thời gian tính từ
khi cho nước vào xi măng trong quá trình trộn bê
tông đến khi bắt đầu cung cấp hơi nước để
dưỡng hộ nhiệt ẩm. JSCE kiến nghị tỉ lệ nước/
chất kết dính (N/CKD) càng cao thì thời gian chờ
càng lớn, thông thường từ (2h ÷ 3h). ACI chỉ đề
cập thời gian chờ không nên nhỏ hơn thời gian
bắt đầu đông kết của bê tông. Thực tế, ở Việt
Nam áp dụng thời gian chờ từ (1h ÷ 2h) đối với
công nghệ ly tâm và (3h ÷ 5h) đối với công nghệ
khác.
Nhiệt độ dưỡng hộ tối đa (x2) theo JSCE kiến
nghị nên nhỏ hơn 65oC trong khi theo ACI có thể
đến 82 oC. Theo nghiên cứu của ACI, nếu không
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 48
tiếp tục bảo dưỡng trong môi trường ẩm, cường
độ bê tông ở 28 ngày khi dưỡng hộ nhiệt ẩm ở
(70oC ÷ 80oC) có giảm chút ít so với dưỡng hộ ở
(48oC ÷ 50oC) và nếu thời gian chờ phù hợp, sự
suy giảm cường độ này nằm trong khoảng 5%
sau 28 ngày tuổi. Ở Việt Nam thường áp dụng
nhiệt độ dưỡng hộ tối đa từ (55oC ÷ 85oC).
Đối với thời gian duy trì ở nhiệt độ tối đa
(đẳng nhiệt) (x3), JSCE không đề cập cụ thể còn
ACI cho rằng thông thường thời gian này kết thúc
khi nhiệt độ bên trong cấu kiện đạt đến nhiệt độ
tối đa. ACI cũng cho rằng, cường độ bê tông sẽ
tăng trong khoảng thời gian đẳng nhiệt từ (4h ÷
10h) nhưng nếu kéo dài sau (10h ÷ 12h), cường
độ sẽ có xu hướng giảm. Ở Việt Nam thường áp
dụng thời gian đẳng nhiệt từ (2h ÷ 6h).
Tốc độ tăng nhiệt khi dưỡng hộ nhiệt ẩm (x4)
theo JSCE kiến nghị cần nhỏ hơn 20oC/h trong
khi ACI cho rằng tốc độ tăng nhiệt có thể biến
thiên từ (11oC/h ÷ 44oC/h) và nếu thời gian chờ
thích hợp sẽ không ảnh hưởng đến cường độ
sớm và cường độ lâu dài của bê tông. Ở Việt
Nam thường áp dụng tốc độ tăng nhiệt từ (15oC/h
÷ 25oC/h), cá biệt có thể lên đến 30 oC/h.
Tốc độ giảm nhiệt khi dưỡng hộ nhiệt ẩm theo
JSCE kiến nghị cần giảm từ từ đến nhiệt độ môi
trường trong khi ACI không đưa ra con số cụ thể
nhưng khuyến cáo là tốc độ giảm nhiệt cần chậm,
tương đương với tốc độ tăng nhiệt để không gây
vết nứt. Ở Việt Nam thường không theo dõi tốc
độ giảm nhiệt, phổ biến là ngưng cấp nhiệt, chờ
khoảng 2h kể từ khi kết thúc chu trình đẳng nhiệt.
Quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm điển hình ở các
nhà máy sản xuất cấu kiện đúc sẵn Việt Nam
được mô tả như ở hình 2.
Bài báo này trình bày nghiên cứu ảnh hưởng
của quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm đến đặc trưng
cường độ nén của bê tông khi sử dụng những
hàm lượng tro bay khác nhau thay thế xi măng.
Hàm lượng tro bay sử dụng thay thế xi măng
poóc lăng dùng trong nghiên cứu thay đổi từ 0%
đến 35% trong cấp phối bê tông điển hình sử
dụng cho cấu kiện đúc sẵn. Các nghiên cứu
được tiến hành trên các mẫu thử 1 ngày tuổi,
ngay sau khi được dưỡng hộ nhiệt ẩm và các
mẫu sau khi dưỡng hộ nhiệt ẩm, được tiếp tục
bảo dưỡng trong nước ở (27oC ± 2) cho đến thời
điểm thử nghiệm ở 7 ngày tuổi, 28 ngày tuổi và
muộn hơn.
Hình 1. Quan hệ nhiệt độ và cường độ bê tông Hình 2. Quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm điển hình
2. Phương pháp nghiên cứu
Cấp phối bê tông sử dụng trong nghiên cứu
được thiết kế tham khảo theo ACI 211.1 [3], áp
dụng tỉ lệ tro bay thay thế xi măng 0%; 20% và
35%, ứng với các cấp phối có ký hiệu B0; B3 và
B7. Thành phần cấp phối được trình bày ở bảng
1 theo nguyên tắc sau:
- Giữ nguyên tỉ lệ C/(C+Đ) = 0,38 trong tất cả
các cấp phối.
- Thiết kế thay đổi tỉ lệ N/CKD và liều lượng
của phụ gia hóa học để có độ sụt của hỗn hợp bê
tông không đổi (4 ± 2)cm.
- Mẫu thử có kích thước (70,7 x 70,7 x 70,7)
mm, được bảo dưỡng trong nước ở (27oC ± 2)
Nhiệt độ bảo dưỡng,
o
C
ư
ờ
ng
đ
ộ
né
n,
M
P
a
Thời gian, h
N
hi
ệt
đ
ộ
bả
o
dư
ỡ
ng
, o
C
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 49
sau khi dưỡng hộ nhiệt cho đến khi thử nghiệm,
ngoại trừ mẫu thử ở 1 ngày tuổi.
Quy trình gia nhiệt được nghiên cứu bằng
phương pháp quy hoạch thực nghiệm [4], mô
hình được lựa chọn là mô hình tuyến tính gồm 4
yếu tố: y' = bo + b1x1+b2x2+b3x3+b4x4. Thực
nghiệm đã thực hiện là thực nghiệm các yếu tố
toàn phần TYP với số lượng mẫu: 24-1= 8 mẫu.
Nguyên vật liệu sử dụng trong nghiên cứu
gồm: Xi măng poóc lăng (X) phù hợp ASTM C
150, Type I; tro bay (F) phù hợp ASTM C 618,
loại F; đá dăm 1x2 có kích thước cỡ hạt lớn nhất
Dmax = 20mm; cát sông hạt nhỏ (Cs) có Mđl = 2,0,
sử dụng kết hợp với cát nghiền (CN) phù hợp
theo ASTM C33 và phụ gia hóa học (PG) phù
hợp ASTM C494, loại F. Các vật liệu sử dụng
trong nghiên cứu có tính chất cơ lý phù hợp với
tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm dùng trong
nghiên cứu như mô tả ở bảng 2. Thiết bị dưỡng
hộ nhiệt ẩm và theo dõi nhiệt độ môi trường,
nhiệt độ mẫu thử trong quá trình dưỡng hộ nhiệt
ẩm dùng trong nghiên cứu mô tả như ở hình 3 và
hình 4.
Bảng 1. Thành phần cấp phối bê tông
Thành phần vật liệu cho 1m3, kg Ký hiệu
cấp phối
X F CS CN Đ N PG
N/CKD Khối lượng thể tích, kg/m3
B0 500 0 311 383 1160 130 5.0 0.26 2490
B7 400 100 318 391 1174 110 6.0 0.22 2500
B3 325 175 313 385 1156 130 5.0 0.26 2490
Hình 3. Tủ dưỡng hộ nhiệt ẩm và thiết bị theo dõi nhiệt độ Hình 4. Mẫu được bảo dưỡng nhiệt ẩm
Bảng 2. Tóm tắt quy trình dưỡng hộ nhiệt ẩm
Tăng nhiệt Giảm nhiệt
Giai đoạn Chờ đông kết
Chậm Nhanh
Đẳng nhiệt
Tmax Chậm Nhanh
Thời gian, h 3→5 2→4 -
Nhiệt độ, oC (27 ± 2) 20 oC/h 30oC/h 55oC → 85oC 20 oC/h 30oC/h
3. Kết quả thực nghiệm và bàn luận
a. Ma trận quy hoạch thực nghiệm và kết quả cho
ở bảng 3 như sau:
- Z1: Thời gian chờ tĩnh định, biến thiên từ (3h
÷ 5h), giá trị mã hóa là x1, biến thiên từ (-1; +1).
- Z2: Nhiệt độ bảo dưỡng tối đa, biến thiên từ
(55 oC ÷ 85 oC), giá trị mã hóa là x2, biến thiên từ
(-1; +1).
- Z3: Thời gian duy trì nhiệt độ tối đa, biến thiên
từ (2h ÷ 4h), giá trị mã hóa là x3, biến thiên từ
(-1; +1).
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 50
- Z4: Tốc độ tăng/ giảm nhiệt, biến thiên từ
(20oC/h ÷ 30oC/h), giá trị mã hóa là x4, biến thiên từ
(-1; +1).
- Các thí nghiệm từ 1 ÷ 8 theo ma trận quy
hoạch thực nghiệm. Các thí nghiệm 9 ÷ 11 là thí
nghiệm bổ sung ở tâm phương án để xác định
phương sai tái hiện.
- Cường độ nén được thử nghiệm tại các độ
tuổi: 1, 7, 28 và 180 ngày. Trong đó:
+ y: Giá trị cường độ nén trung bình của 2
viên mẫu theo thực nghiệm ở các chế độ dưỡng
hộ nhiệt ẩm, MPa.
+ y’: Giá trị cường độ nén theo tính toán từ
phương trình hồi quy, MPa.
b. Biểu diễn kết quả thực nghiệm:
- Kết quả thực nghiệm cường độ nén theo độ
tuổi và biểu đồ so sánh theo nhóm cấp phối, nhiệt
độ dưỡng hộ của cấp phối B0 (không sử dụng tro
bay), B7 (sử dụng 20% tro bay thay thế xi măng)
và B3 (sử dụng 35% tro bay thay thế xi măng)
được thể hiện lần lượt ở hình 5, hình 6 và hình 7.
- Giải hệ phương trình tương ứng ta được
các phương trình hồi quy tương thích với thực
nghiệm cho các cấp phối B0, B7 và B3 như sau:
y'1(B0) = 83.80 +2.90x2+3.45x3 (1)
y'7(B0) = 95.25 -2.38x1+3.55x4 (2)
y'28(B0) = 105.2 (3)
y'180(B0) = 113.1 (4)
y'1 (B7) = 72.48 +3.83x2+4.15x3 (5)
y'7 (B7) = 83.35 +4.80x4 (6)
y'28 (B7) = 99.76 -4.39x2-5.09x3 (7)
y'180 (B7) = 113.8 (8)
y'1(B3) = 55.61 +4.16x1+7.06x2+2.71x3 (9)
y'7(B3) = 70.95 -2.80x4 (10)
y'28(B3) = 93.50 +4.93x1-12.43x2 (11)
y'180(B3) = 108.3 -11.81x2 (12)
c. Bàn luận kết quả thực nghiệm:
- Kết quả thử nghiệm cường độ nén ở
phương trình (1), (2), (3) và (4) của cấp phối B0
cho thấy: Cường độ ở 1 ngày tuổi chỉ phụ thuộc
vào nhiệt độ bảo dưỡng tối đa và thời gian duy trì
ở nhiệt độ tối đa. Cường độ nén ở 7 ngày tuổi lại
phụ thuộc vào thời gian chờ tĩnh định và tốc độ
tăng nhiệt. Cường độ nén ở 28 ngày tuổi và 180
ngày tuổi lại không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố
nào. Ngoài ra, cường độ nén ở 1 ngày tuổi sẽ đạt
giá trị lớn nhất khi nhiệt độ bảo dưỡng và thời
gian duy trì ở nhiệt độ này đạt đến giá trị lớn
nhất. Trong khi đó, cường độ nén ở 7 ngày tuổi
sẽ đạt giá trị lớn nhất khi thời gian chờ tĩnh định
nhỏ nhất và tốc độ tăng nhiệt lớn nhất.
- Kết quả thử nghiệm cường độ nén ở
phương trình (5), (6), (7) và (8) của cấp phối B7
cho thấy: Cường độ ở 1 ngày tuổi và 28 ngày tuổi
đều phụ thuộc vào nhiệt độ bảo dưỡng tối đa và
thời gian duy trì ở nhiệt độ tối đa. Cường độ nén
ở 7 ngày tuổi chỉ phụ thuộc vào tốc độ tăng nhiệt.
Ngoài ra, cường độ nén ở 1 ngày tuổi sẽ đạt giá
trị lớn nhất khi nhiệt độ bảo dưỡng và thời gian
duy trì ở nhiệt độ này đạt đến giá trị lớn nhất.
Cường độ nén ở 7 ngày tuổi sẽ đạt giá trị lớn
nhất khi tốc độ tăng nhiệt lớn nhất. Cường độ
nén ở 28 ngày tuổi sẽ đạt giá trị lớn nhất khi nhiệt
độ bảo dưỡng đạt giá trị nhỏ nhất và thời gian
duy trì ở nhiệt độ này đạt đến giá trị lớn nhất.
Cường độ nén ở 180 ngày tuổi sẽ đạt giá trị lớn
nhất khi nhiệt độ bảo dưỡng đạt giá trị nhỏ nhất.
- Kết quả thử nghiệm cường độ nén ở
phương trình (9), (10), (11) và (12) của cấp phối
B3 cho thấy: Cường độ ở 1 ngày tuổi phụ thuộc
vào thời gian chờ tĩnh định, nhiệt độ bảo dưỡng
tối đa và thời gian duy trì ở nhiệt độ tối đa.
Cường độ nén ở 7 ngày tuổi lại phụ thuộc vào tốc
độ tăng nhiệt và cường độ nén ở 28 ngày tuổi lại
phụ thuộc vào thời gian chờ tĩnh định và nhiệt độ
bảo dưỡng tối đa. Ngoài ra, cường độ nén ở 1
ngày tuổi sẽ đạt giá trị lớn nhất khi thời gian chờ
tĩnh định, nhiệt độ bảo dưỡng và thời gian duy trì
ở nhiệt độ này đạt đến giá trị lớn nhất. Cường độ
nén ở 7 ngày tuổi sẽ đạt giá trị lớn nhất khi tốc độ
tăng nhiệt nhỏ nhất. Cường độ nén ở 28 ngày
tuổi sẽ đạt giá trị lớn nhất khi khi thời gian chờ
tĩnh định lớn nhất và nhiệt độ bảo dưỡng đạt giá
trị nhỏ nhất. Cường độ nén ở 180 ngày tuổi lại
không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào.
- Căn cứ kết quả tính toán cường độ nén từ
các phương trình hồi quy đã nêu thì: Cường độ
nén 1 ngày của các cấp phối B0, B7 và B3 sẽ đạt
giá trị cực đại lần lượt là 90.2 MPa; 80.5 MPa và
69.6 MPa; cường độ nén 7 ngày của các cấp
phối B0, B7 và B3 sẽ đạt giá trị cực đại lần lượt là
101.2 MPa; 88.2 MPa và 73.8 MPa; cường độ
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 51
nén 28 ngày của các cấp phối B0, B7 và B3 sẽ
đạt giá trị cực đại lần lượt là 105.2 MPa; 109.2
MPa và 110.9 MPa; cường độ nén 180 ngày của
các cấp phối B0, B7 và B3 sẽ đạt giá trị cực đại
lần lượt là 113.1 MPa; 113.8 MPa và 120.2 MPa.
Các kết quả tính toán này tương đối phù hợp với
thực tế thực nghiệm, có sai số so với kết quả
thực nghiệm chỉ từ 0,1% đến 6,4%.
- Từ kết quả thực nghiệm và tính toán cũng
cho thấy nếu xét về cường độ nén cực đại thì ở 1
ngày tuổi và 7 ngày tuổi, cấp phối sử dụng càng
nhiều tro bay thay thế xi măng sẽ cho cường độ
nén cực đại thấp hơn. Tuy nhiên, ở 28 ngày tuổi
và 180 ngày tuổi thì ngược lại, cấp phối sử dụng
càng nhiều tro bay thay thế xi măng sẽ cho
cường độ nén cực đại cao hơn. Bên cạnh đó, kết
quả thử nghiệm cho thấy tất cả các cấp phối
nghiên cứu B0, B7 và B3 đều có sự gia tăng
cường độ nén của mẫu bê tông theo độ tuổi bê
tông ở tất cả điều kiện nghiên cứu.
Bảng 3. Ma trận quy hoạch thực nghiệm kết quả thử nén mẫu bê tông – B0, B7 và B3
Đơn vị của y và y’ tính bằng MPa
B0
Giá trị mã hóa Giá trị thực
1 ngày 7 ngày 28 ngày 180 ngày STT
x1 x2 x3 x4 Z1 Z2 Z3 Z4 y y' y y' y y' y y'
1 + + + + 5 85 4 30 95.2 90.2 96.6 96.4 105.4 105.2 111.3 113.1
2 - + + - 3 85 4 20 87.3 90.2 95.3 94.1 106.9 105.2 107.0 113.1
3 + - + - 5 55 4 20 81.2 84.4 87.0 89.3 107.7 105.2 119.1 113.1
4 - - + + 3 55 4 30 85.3 84.4 96.2 101.2 107.6 105.2 116.4 113.1
5 + + - - 5 85 2 20 84.0 83.3 87.3 89.3 98.9 105.2 120.0 113.1
6 - + - + 3 85 2 30 80.3 83.3 101.8 101.2 105.9 105.2 106.4 113.1
7 + - - + 5 55 2 30 80.4 77.5 100.6 96.4 101.9 105.2 109.9 113.1
8 - + - - 3 55 2 20 76.7 77.5 97.2 94.1 107.4 105.2 114.9 113.1
9 0 0 0 0 4 70 3 25 96.8 - 94.1 - 101.8 - 117.0 -
10 0 0 0 0 4 70 3 25 94.0 - 91.8 - 95.6 - 115.0 -
11 0 0 0 0 4 70 3 25 93.6 - 94.6 - 94.5 - 110.2 -
B7
Giá trị mã hóa Giá trị thực
1 ngày 7 ngày 28 ngày 180 ngày TT
x1 x2 x3 x4 Z1 Z2 Z3 Z4 y y' y y' y y' y y'
1 + + + + 5 85 4 30 83.3 80.5 85.8 88.2 97.0 90.3 111.6 113.8
2 - + + - 3 85 4 20 78.1 80.5 81.5 78.6 92.9 90.3 105.7 113.8
3 + - + - 5 55 4 20 71.4 72.8 77.8 78.6 95.6 99.1 111.9 113.8
4 - - + + 3 55 4 30 73.7 72.8 83.2 88.2 93.2 99.1 115.3 113.8
5 + + - - 5 85 2 20 72.3 72.2 79.2 78.6 99.0 100.5 112.2 113.8
6 - + - + 3 85 2 30 71.5 72.2 90.6 88.2 92.6 100.5 108.0 113.8
7 + - - + 5 55 2 30 68.8 64.5 93.0 88.2 114.5 109.2 116.7 113.8
8 - + - - 3 55 2 20 60.7 64.5 75.7 78.6 113.3 109.2 128.8 113.8
9 0 0 0 0 4 70 3 25 73.4 - 85.1 - 97,4 - 115.7 -
10 0 0 0 0 4 70 3 25 78.0 - 89.8 - 92.4 - 94.2 -
11 0 0 0 0 4 70 3 25 75.8 - 84.2 - 95.2 - 95.2 -
B3
Giá trị mã hóa Giá trị thực
1 ngày 7 ngày 28 ngày 180 ngày TT
x1 x2 x3 x4 Z1 Z2 Z3 Z4 y y' y y' y y' y y'
1 + + + + 5 85 4 30 70.0 69.6 70.5 68.2 82.7 86.0 85.8 96.5
2 - + + - 3 85 4 20 65.8 61.2 70.9 73.8 71.2 76.2 90.5 96.5
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 52
3 + - + - 5 55 4 20 54.8 55.4 72.4 73.8 112.2 110.9 134.0 120.2
4 - - + + 3 55 4 30 42.7 47.1 64.5 68.2 103.4 101.0 116.5 120.2
5 + + - - 5 85 2 20 60.8 64.1 72.2 73.8 90.9 86.0 98.6 96.5
6 - + - + 3 85 2 30 54.1 55.8 73.7 68.2 79.5 76.2 111.2 96.5
7 + - - + 5 55 2 30 53.5 50.0 63.9 68.2 107.9 110.9 124.9 120.2
8 - + - - 3 55 2 20 43.2 41.7 79.5 73.8 100.2 101.0 105.2 120.2
9 0 0 0 0 4 70 3 25 67.2 - 78.2 - 86.6 - 90.4 -
10 0 0 0 0 4 70 3 25 65.6 - 75.6 - 91.3 - 100.5 -
11 0 0 0 0 4 70 3 25 64.5 - 74.9 - 86.4 - 93.8 -
Hình 5. Quan hệ giữa cường độ nén và tuổi của bê tông theo các cấp phối B0, B7 & B3
Hình 6. Quan hệ giữa cường độ nén và tuổi của bê tông theo các Nhóm – Nhiệt độ dưỡng hộ 85 oC
VẬT LIỆU XÂY DỰNG - MÔI TRƯỜNG
Tạp chí KHCN Xây dựng – số 1/2016 53
Hình 7. Quan hệ giữa cường độ nén và tuổi của bê tông theo các Nhóm – Nhiệt độ dưỡng hộ 55 oC
4. Kết luận và kiến nghị
a. Tùy thuộc vào hàm lượng tro bay thay thế xi
măng trong khoảng nghiên cứu (0 ÷ 35%) và mục
đích đạt cường độ nén lớn nhất ở 1 ngày, 7 ngày,
28 ngày hoặc 180 ngày tuổi sẽ có quy trình gia
nhiệt trong dưỡng hộ nhiệt ẩm với các thông số
khác nhau về thời gian chờ tĩnh định; nhiệt độ
bảo dưỡng tối đa; thời gian duy trì ở nhiệt độ tối
đa và tốc độ tăng nhiệt. Xu hướng cho thấy quy
trình dưỡng hộ nhiệt ẩm ảnh hưởng nhiều đến
cường độ nén của bê tông ở tuổi trước 7 ngày và
giảm dần ảnh hưởng đến chỉ tiêu này ở tuổi sau
28 ngày, cụ thể:
- Để bê tông đạt cường độ cao ở tuổi sớm từ
1 đến 7 ngày thì thời gian chờ tĩnh định ngắn (3
h), nhiệt độ bảo dưỡng tối đa cao (85oC), thời
gian duy trì ở nhiệt độ tối đa dài (4h) và tốc độ
tăng nhiệt nhanh (30oC/h).
- Để bê tông đạt cường độ cao ở tuổi 28 ngày,
tùy thuộc hàm lượng tro bay thay thế xi măng: Nếu
hàm lượng tro bay thay thế xi măng từ (20% ÷
35%) thì thời gian chờ tĩnh định dài (5h), nhiệt độ
bảo dưỡng tối đa thấp (55oC), thời gian duy trì ở
nhiệt độ tối đa ngắn (2h). Nếu không sử dụng tro
bay thì cường độ nén ở 28 ngày tuổi hầu như
không phụ thuộc vào quy trình gia nhiệt trong
phạm vi dưỡng hộ nhiệt ẩm đã nêu.
- Để bê tông đạt cường độ cao ở tuổi 180
ngày, tùy thuộc hàm lượng tro bay thay thế xi
măng: Nếu hàm lượng tro bay thay thế xi măng là
35% thì nhiệt độ bảo dưỡng tối đa cần phải thấp
(55oC). Nếu hàm lượng tro bay thay thế xi măng
từ 20% trở xuống thì cường độ nén ở 180 ngày
tuổi hầu như không phụ thuộc vào quy trình gia
nhiệt trong phạm vi dưỡng hộ nhiệt ẩm đã nêu.
b. Sử dụng tro bay hàm lượng từ (20% ÷ 35%)
thay thế xi măng trong điều kiện dưỡng hộ nhiệt
ẩm sẽ làm giảm cường độ cực đại của bê tông
trong giai đoạn từ 1 đến 7 ngày tuổi. Tuy nhiên,
sau 28 ngày tuổi, nếu tiếp tục bảo dưỡng trong
môi trường ẩm thì cấp phối sử dụng nhiều tro bay
thay thế xi măng sẽ cho cường độ nén cực đại
cao hơn.
c. Bê tông sau khi dưỡng hộ nhiệt ẩm, nếu vẫn
tiếp tục được bảo dưỡng trong môi trường ẩm
sẽ gia tăng cường độ đáng kể sau 28 ngày tuổi.
Kiến nghị, cần tiếp tục theo dõi cường độ nén của
bê tông ở tuổi dài ngày hơn như 1 năm hoặc lâu
hơn để có cơ sở đánh giá độ bền của bê tông
trong điều kiện dưỡng hộ nhiệt ẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. JSCE Concrete Committee, Standard Specification
for Concrete Structure 2007 (update 2011).
[2]. ACI 517-2R-1987 Revised 1992, Accelerated
Curing of Concrete at Atmospheric Pressure –
State of the Act.
[3]. ACI 211.1-91(Reapproved 2002), Standard
Practice for Selecting Proportions for Normal,
Heavyweight, and Mass Concrete.
[4]. Nguyễn Cảnh (2011), Quy hoạch thực nghiệm,
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Ngày nhận bài: 12/01/2016.
Ngày nhận bài sửa lần cuối: 03/03/2016.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 1462764369tranvanmien_7491.pdf