Người Mnông ở Đắk Liên đa phần làm rẫy xa. Họ làm việc trên rẫy từ
thứ hai đến thứ bảy. Tối thứ bảy, họ quay về thôn để chuẩn bị đi lễ vào
ngày chủ nhật. Do đó, mong muốn được gặp những người trong cộng
đồng chỉ diễn ra vào ngày chủ nhật, vì đây là ngày nghỉ bắt buộc của tín
đồ Công giáo. Nhờ đó, người dân trong cộng đồng có cơ hội ngồi lại với
nhau sau một tuần làm việc trên rẫy. Vào ngày chủ nhật ở Đắk Liên, quán
cà phê trở nên đông đúc hơn. Người dân tụ họp ăn uống trong gia đình
cũng nhiều hơn. Karaoke được mở và hát suốt ngày này.
Người Mnông cho rằng, nhờ theo Công giáo mà họ có được ngày chủ
nhật để nghỉ. Họ cũng nói, những ngày thường vẫn nghỉ được, nhưng
không vui, vì mọi người đều đi làm. Với giới trẻ, họ thích ngày chủ nhật,
vì có thể gặp bạn bè để cùng uống cà phê hoặc uống rượu mà không gặp
phải sự dị nghị từ cộng đồng. Theo họ, đây là dịp nghỉ ngơi hợp pháp để
lấy lại sức lực cho thời gian lao động sắp tới, nên không gặp bất cứ sự
than phiền nào từ người lớn tuổi trong cộng đồng
11 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 902 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Chuyển đổi tôn giáo: sự lựa chọn duy lý của người Mnông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
126 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
HUỲNH NGỌC THU*
CHUYỂN ĐỔI TÔN GIÁO:
SỰ LỰA CHỌN DUY LÝ CỦA NGƯỜI MNÔNG
(thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước)(**)
Tóm tắt: Chuyển đổi tôn giáo là chuyển đổi niềm tin vào các thực
thể tinh thần, các lực lượng siêu nhiên, cũng là chuyển đổi về nghi
lễ tôn giáo và hành vi tôn giáo của cá nhân hay cộng đồng tộc
người. Cộng đồng người Mnông ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau,
huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hiện nay đã chuyển đổi từ tôn
giáo truyền thống sang Công giáo. Nguyên nhân nào dẫn đến sự
chuyển đổi này? Bằng phương pháp quan sát tham dự và phỏng
vấn sâu tại cộng đồng, kết hợp với lý thuyết lựa chọn duy lý, tác
giả bài viết muốn tìm câu trả lời này một cách thỏa đáng nhất.
Từ khóa: Lựa chọn duy lý, chuyển đổi tôn giáo, người Mnông, tôn
giáo truyền thống, Công giáo.
1. Đặt vấn đề
Tôn giáo là “niềm tin vào các thực thể tinh thần”1 hay “niềm tin vào các
lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một
cách trực giác và tác động qua lại một cách siêu thực (hay hư ảo) với con
người, nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia.
Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tùy thuộc vào từng thời kỳ lịch sử,
hoàn cảnh địa lý - văn hóa khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn
giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau
của từng cộng đồng xã hội/ tôn giáo khác nhau”2. Như vậy, chuyển đổi tôn
giáo là sự chuyển đổi niềm tin vào các thực thể tinh thần, các lực lượng
siêu nhiên, cũng là sự chuyển đổi về nghi lễ tôn giáo và hành vi tôn giáo
của cá nhân hay cộng đồng tộc người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự
chuyển đổi tôn giáo, như nhận thấy giáo lý của tôn giáo khác dễ hiểu, dễ
*
TS., Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học
Quốc gia Hồ Chí Minh.
**
Bài viết được thực hiện dựa trên nguồn tài liệu của đề tài trọng điểm cấp Đại học
Quốc gia Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến
trình phát triển xã hội tộc người do GS.TS. Ngô Văn Lệ chủ nhiệm, 2012.
Huỳnh Ngọc Thu. Chuyển đổi tôn giáo: Sự lựa chọn 127
127
học và hợp lý hơn; do bức xúc vì tôn giáo đang theo không giải quyết được
khó khăn trong cuộc sống; do kết hôn phải theo tôn giáo của vợ/ chồng
Người Mnông ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình
Phước là cộng đồng có sự chuyển đổi tôn giáo mạnh mẽ.
Theo thống kê năm 2012, tại thôn Đắk Liên có 271 hộ, trong đó người
Việt (135 hộ), người Mnông (98 hộ), người Nùng (22 hộ), người Tày (15
hộ) và người Pà Thẻn (1 hộ). Thôn Đắk Liên được chia thành năm tổ.
Người Mnông sống tập trung ở các tổ 1, 2 và 3. Hai tổ còn lại là nơi sinh
sống của người Việt, người Nùng và người Tày3.
Nhân khẩu của người Mnông ở Đắk Liên năm 2012 là 478 người. Họ
thuộc nhóm Mnông nông nghiệp, vốn từ Đắk Nông di cư đến vào những
năm 1960. Đây được xem là cộng đồng Công giáo toàn tòng, do có hơn
90% người Mnông ở đây theo đạo, được linh mục Giáo xứ Đắk Nhau
đánh giá là thôn thành công nhất trong quá trình truyền đạo hơn 30 năm
qua tại khu vực này.
Tôn giáo truyền thống của người Mnông ở Đắk Liên là đa thần. Họ tin
tưởng và cúng bái nhiều loại thần linh như thần lúa (Brah Ba), thần rẫy
(Brah Mir), thần rừng (Brah Bri), thần suối, thần nước (Brah Dak), thần
mưa (Brah Mih), thần sấm (Brah N’glaih)4. Ngoài ra, họ còn tin tưởng
vào các vị thần là tổ tiên như ông Bông và N’du. Đây là những vị thần
cung cấp hạt giống và chăm sóc mùa màng cho họ. Tuy nhiên, khi người
Mnông ở Đắk Liên trở thành cộng đồng Công giáo toàn tòng, thì niềm tin
của họ vào các vị thần này không còn nữa. Những hành vi thờ cúng trong
các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp cũng không còn. Vai trò của các vị
thầy cúng, thầy bùa (Bu N’hum) cũng mất đi. Thay vào đó, niềm tin của
họ dành cho Chúa Trời. Vai trò của linh mục xứ được đề cao trong đời
sống tôn giáo cũng như trong tổ chức xã hội của họ.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự chuyển đổi tôn giáo này? Có phải do
tôn giáo cũ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu tâm linh của họ, hay do
tôn giáo mới có sức hấp dẫn riêng? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi thực
hiện chuyến điền dã dài ngày tại cộng đồng Mnông ở Đắk Liên vào năm
2012. Chúng tôi vận dụng hai phương pháp nghiên cứu chủ yếu của
ngành nhân học là quan sát tham dự (tại các buổi lễ ở Nhà thờ Đắk Nhau)
và phỏng vấn sâu (các giáo dân là người Mnông về vấn đề liên quan đến
đời sống tôn giáo của họ).
Qua quan sát, trao đổi trực tiếp với cộng đồng giáo dân người Mnông,
chúng tôi nhận thấy, việc chuyển đổi tôn giáo của họ dường như có chủ
128 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
đích rõ ràng. Họ có sự suy tính thiệt hơn trong quá trình chuyển đổi. Đặc
biệt là đối với thanh niên và trung niên, họ luôn cân nhắc khi lựa chọn và
tin theo tôn giáo mới. Do đó, có thể nói, sự chuyển đổi tôn giáo trong
cộng đồng người Mnông ở Đắk Liên là một sự tính toán mang tính duy lý
của từng cá nhân trong cộng đồng.
Tính duy lý mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này là lý thuyết nói về
sự chọn lựa duy lý (Rational Choice) được đề cập đến trong ngành nhân
học, xã hội học, kinh tế học vào nửa đầu thế kỷ XX. Lý thuyết này có
nguồn gốc từ tâm lý học, bởi một số nhà tâm lý cho rằng, hành vi của con
người luôn có sự tính toán5. Nội dung cốt lõi của lý thuyết lựa chọn duy
lý đề cập đến chiến lược lựa chọn hành động của cá nhân để đạt lợi ích
tối đa cho mình trong quan hệ xã hội6 và xem trọng mục đích đạt được
trong hành động của chủ thể7. Điều này biểu hiện rất rõ trong sự lựa chọn
chuyển đổi tôn giáo ở cộng đồng người Mnông tại thôn Đắk Liên.
2. Sự duy lý trong chuyển đổi tôn giáo của cá nhân và cộng đồng
người Mnông ở Đắk Liên
Lý thuyết lựa chọn duy lý nhấn mạnh đến việc phải cân nhắc, tính toán
nhằm đạt được những tối ưu trong lựa chọn. Những tối ưu này không chỉ
là yếu tố vật chất mà còn cả yếu tố tinh thần và lợi ích xã hội.
Cộng đồng người Mnông ở Đắk Liên khi từ bỏ tôn giáo đa thần để tiếp
nhận tôn giáo nhất thần (Công giáo), bản thân cá nhân và cộng đồng luôn
có những cân nhắc, tính toán để đi đến sự lựa chọn tối ưu. Những cân
nhắc, tính toán đó được biểu hiện cụ thể qua các yếu tố sau đây:
2.1. Lựa chọn tính hiện đại trong niềm tin tôn giáo
Tính hiện đại được sử dụng trong bài viết này mang giá trị đối lập với
tính truyền thống. Tính hiện đại trong tôn giáo mang các yếu tố như thể
chế hóa (institutionalization) trong tổ chức, thế tục hóa (secularization)
trong hành vi và duy lý hóa (rationalization) trong lựa chọn niềm tin.
- Thể chế hóa trong tổ chức: Trước khi có mặt Công giáo, việc quản lý
niềm tin tôn giáo trong cộng đồng người Mnông ở Đắk Liên gần như
không có sự phân nhiệm rõ ràng. Hệ thống thần linh của họ mang tính
đồng đẳng. Thần rẫy (Brah Mir), thần rừng (Brah Bri), thần nước (Brah
Dak), thần mưa (Brah Mih), thần sấm (Brah N’glaih) gần như không có
sự phân biệt về đẳng cấp, cũng không có một thể chế rõ ràng về việc
cúng mừng, cúng phạt các vị thần này. Việc cúng các vị thần đều căn cứ
vào luật tục và quy định do già làng và thầy cúng (Bu N’hùm) đặt ra dựa
Huỳnh Ngọc Thu. Chuyển đổi tôn giáo: Sự lựa chọn 129
129
trên những giấc mơ mà họ thấy được. Tùy theo giấc mơ, họ đặt ra những
lễ vật và cách thức cúng thần linh. Nhưng hầu như không có sự khác
nhau trong việc cúng các vị thần. Lễ vật luôn là rượu cần, thịt trâu hoặc
thịt lợn (tùy theo mức độ của nghi lễ) và cơm lam. Cả cộng đồng cùng
tham dự lễ cúng để được thụ lễ sau khi cúng. Việc sắm lễ vật chỉ do một
gia đình (bị cúng phạt hoặc được cúng mừng) phụ trách. Điều này trở
thành gánh nặng vật chất nếu một gia đình nào đó phải thực hiện nghi lễ.
Thể chế quản lý cộng đồng tuy có sự phân tách giữa già làng và thầy
cúng, nhưng vai trò của họ luôn chồng lấn về khía cạnh tâm linh. Già
làng nắm giữ quyền cai quản cộng đồng, giữ gìn luật tục của cộng đồng,
cũng là người đặt ra các điều lệ cúng thần linh. Thầy cúng chịu trách
nhiệm thực hiện nghi lễ cúng thần linh, nhưng cũng xen vào các điều lệ
của làng, như việc đề ra lễ vật và cách thức cúng. Nếu so sánh vai trò của
họ trong cộng đồng, thì sự e dè của người dân thường nghiêng về thầy
cúng, vì ông không chỉ đại diện cho cộng đồng trước thần linh, mà còn
đại diện cho thần linh bắt phạt cộng đồng. Nếu làm phiền lòng thầy cúng
sẽ là không tốt. Vì thế, khi được hỏi về sự tồn tại của các ông N’hum hiện
nay, người Mnông ở Đắk Liên hồ hởi trả lời “không còn nữa”. Bản thân
và gia đình của những ông N’hum từ lâu đã không còn sống trong làng vì
không còn được tin tưởng.
Sự hồ hởi của người Mnông ở Đắk Liên có được như hiện nay là do sự
xuất hiện của Công giáo và họ là bộ phận tín đồ của tôn giáo này. Theo
người dân, Công giáo xuất hiện ở đây vào cuối thập niên 80 của thế kỷ
XX. Các linh mục khi đó đang truyền giáo ở Đắk Nông, theo chân những
người làm rẫy, chuyển dần xuống truyền giáo tại thôn Đắk Liên. Lúc đầu,
người Mnông ở Đắk Liên không tin tôn giáo này, vì những ông N’hum ra
sức cản ngăn. Nhưng với sự kiên trì của người truyền giáo bằng các biệp
pháp như dùng tiếng Mnông để thuyết phục, dùng thuốc để chữa bệnh sốt
rét cho cộng đồng, cùng với sự trợ giúp khó khăn từ những người theo
đạo trước, nên người dân dần tin tưởng và trở thành tín đồ Công giáo.
Khi so sánh về vai trò của ông N’hum với linh mục xứ, người dân luôn
cho rằng, ông N’hum không tốt, không có khả năng chữa bệnh, nhưng lại
yêu cầu lễ vật nhiều, cúng nhiều, gây tốn kém; linh mục xứ chỉ dùng
thuốc và cầu nguyện, nhưng khỏi bệnh8. Điều này làm cho người dân tin
vào sự mầu nhiệm nên đã theo đạo.
Mặt khác, sự rõ ràng về vai trò của Chúa Trời là nhân tố quan trọng thu
hút sự chú ý của người Mnông. Theo người dân, với niềm tin truyền
130 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
thống, hàng loạt vị thần có vai trò và nhiệm vụ ngang nhau, nên phải tổ
chức nhiều nghi lễ để cầu xin, tạ ơn, gây tốn kém. Nhưng với tôn giáo
mới, Chúa Trời là duy nhất, đứng trên các thần linh khác và có đủ quyền
năng cao nhất. Người dân chỉ cầu xin Chúa Trời, không dùng lễ vật, chỉ
lòng thành sẽ được ban phúc. Theo chúng tôi, đây là sự cân nhắc lựa
chọn có chủ đích của người Mnông khi tin theo Công giáo.
Một điều quan trọng nữa là vai trò của linh mục xứ với cộng đồng. Tại
thôn Đắk Liên, linh mục xứ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của
giáo dân. Theo người Mnông, linh mục xứ hoàn toàn khác với ông
N’hum. Linh mục xứ luôn khuyến khích người dân giảm sự lãng phí
trong nghi lễ, giảm việc chia của cho người chết, không cúng bái thần
linh vì đã có Chúa Trời; hôn lễ không tổ chức dài ngày và giảm lễ vật để
tránh nợ cho nhà trai. Điều này ngược lại với ông N’hum: đặt ra các nghi
lễ với nhiều lễ vật buộc người dân phải tuân theo như trong đám tang
cha/ mẹ phải chia ½ tài sản cho người chết; trong đám cưới, sính lễ phải
là bò, lợn, gà, tố9, salung10, sarong11, tổng giá trị từ bốn đến năm cây
vàng (chưa kể cặp trâu). Chính vì thế, người Mnông ngày càng tỏ ra tôn
trọng linh mục xứ hơn, vì ông chú trọng đến cuộc sống của người dân.
Như vậy, một thể chế rõ ràng (trong hệ thống thần linh và trong vai trò
tổ chức) đã giúp cho người Mnông có cái nhìn thiện cảm về Công giáo.
Điều này là một trong những nhân tố quan trọng dẫn người Mnông ở Đắk
Liên đến sự lựa chọn niềm tin và trở thành tín đồ của tôn giáo này.
- Thế tục hóa trong hành đạo: Những lời rao giảng của linh mục xứ ở
nhà thờ được người Mnông chú trọng nhất không phải là những lời răn về
sự giải thoát, sự tồn tại của thế giới bên kia, của Chúa Trời và hành động
của Chúa Jesus,v.v Bởi vì, theo cộng đồng người Mnông, kể cả thanh
niên của tộc người này hiện nay cũng không hiểu nhiều về những vấn đề
này. Những người cao niên lại càng không hiểu, vì không có kiến thức để
lĩnh hội hết những lời rao giảng của linh mục xứ nếu đề cập đến những
vấn đề cao siêu. Vì thế, trong các buổi lễ tại Nhà thờ Đắk Nhau, linh mục
xứ chỉ rao giảng về đạo đức cộng đồng, về những vấn đề cụ thể liên quan
đến đời sống xã hội của người dân. Ông giải thích về việc nên làm, việc
không nên làm và lồng ghép vào đó những lời của Kinh Thánh. Ông đưa
các ví dụ cụ thể để cộng đồng dễ hiểu như “không nên cúng bái các vị
thần, vì sẽ không có ích, hãy đến cầu nguyện Chúa Trời, vì là Đấng Tối
Cao, có đủ quyền năng để ban cho những điều tốt đẹp đến cho con
người”12. Ông cấm cộng đồng tín đồ bán bông điều (một hình thức bán
Huỳnh Ngọc Thu. Chuyển đổi tôn giáo: Sự lựa chọn 131
131
điều non của người Mnông), kêu gọi cố gắng làm việc, giảm chi tiêu, tổ
chức lễ lạt đơn giản, tránh lãng phí13.
Linh mục xứ ở Đắk Nhau còn kết hợp với già làng, trưởng thôn và
những người lớn tuổi có uy tín để bàn thảo về nguyên tắc sống của cộng
đồng, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền cắt giảm thách cưới, chia
tài sản cho người chết, v.v Theo linh mục phó xứ, việc thách cưới
trong hôn lễ luôn gây khó khăn cho gia đình nhà trai, vì tài sản thách cưới
thường quá lớn. Để cưới được vợ cho con trai, nhà trai đôi lúc phải bán
đất, cầm cố tài sản. Nghi thức “chặt trâu” cũng tạo ra một khoản nợ
không nhỏ, nếu nhà trai không có điều kiện. Việc chia tài sản cho người
chết là một sự lãng phí, vì “người chết đã về với Chúa, sẽ không sử dụng
những hiện vật ở trần gian”14. Tuy nhiên, một số điều không thể bỏ, như
việc thực hiện nghi thức chặt trâu trong hôn lễ. Đối với già làng, đây là
nghi thức mang tính bắt buộc và có ý nghĩa quan trọng trong hôn lễ của
người Mnông. Nghi thức này được thực hiện nhằm giải phóng người con
trai ra khỏi nhà vợ. Nếu không thực hiện nghi thức này, người con trai
phải ở mãi bên nhà vợ. Đó là điều không tốt đối với nhà trai15. Nhưng
nhiều vấn đề khác được thông qua và thực hiện dần trong cộng đồng. Đây
là sự thành công trong hoạt động mang tính thế tục mà linh mục xứ ở
Đắk Nhau hướng đến.
Chính sự thành công này mà theo người Mnông, cuộc sống của họ dễ
chịu hơn. Hiện nay, trong hôn lễ, người Mnông không còn lo việc thách
cưới của nhà gái. Lễ vật đưa ra trong hôn lễ chỉ mang tính tượng trưng,
được thỏa thuận giữa hai gia đình, không có sự mặc cả hay trả giá như
trước. Hôn lễ cũng được tổ chức đơn giản hơn, diễn ra một ngày (một ngày
ở nhà trai, một ngày ở nhà gái). Trong đám tang, việc chia tài sản cho
người chết chỉ còn hình thức (không còn chia ½ gia tài như trước), chia
một hoặc hai ché thường (bất kể người chết là ai). Ché bị đục vỡ phần đáy
và để bên mộ của người chết. Người Mnông nhìn nhận, bên cạnh việc thực
hiện theo chính sách của Nhà nước, đây cũng là phần đóng góp của linh
mục xứ cho sự thay đổi giúp cuộc sống của họ bớt khó khăn.
Trước đây, thực hiện nghi lễ theo luật tục, người Mnông biết rằng lãng
phí, nhưng vẫn phải theo. Có những gia đình, sau khi tổ chức xong một
nghi lễ trở nên khó khăn hơn, vì phải bán hoặc chia nhiều tài sản trong
nghi lễ. Do đó, họ lựa chọn theo Công giáo.
Theo linh mục xứ Đắk Nhau, người Mnông ở Đắk Liên có tính cố kết
cộng đồng rất cao. Chỉ cần dùng quyền năng của tôn giáo cảm hóa một
132 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
gia đình và giúp gia đình đó có cuộc sống tốt hơn, những gia đình còn lại
sẽ tin theo Công giáo. Do đó, chiến lược truyền giáo của Công giáo ở
người Mnông là cố gắng đem lại lợi ích cho cộng đồng bằng nhiều cách,
trong đó thuyết phục giảm bớt lãng phí trong đời sống tâm linh là cách tốt
nhất. Theo trưởng thôn Đắk Liên, cách này cũng được Đảng và Nhà nước
quan tâm từ rất lâu, nhưng hiệu quả chưa cao, vì một số ít người đại diện
cho chính quyền không được cộng đồng tin tưởng do liên quan đến lợi
ích như đất đai, đền bù giải tỏa, xét hộ nghèo. Do đó, lời nói của những
người này sẽ ít giá trị hơn lời nói của người đại diện tôn giáo trong một
số trường hợp. Đó cũng là lý do dẫn đến sự thành công trong việc truyền
giáo của Công giáo ở cộng đồng Mnông tại Đắk Liên.
- Tính duy lý hóa trong lựa chọn niềm tin: Từ những phân tích trên,
cùng với việc quan sát, phỏng vấn trong thời gian nghiên cứu tại cộng
đồng, chúng tôi nhận thấy, việc tin theo Công giáo của người Mnông
hoàn toàn là sự lựa chọn mang tính duy lý của mỗi cá nhân. Họ luôn có
sự cân nhắc lợi hại trong việc theo hay không theo Công giáo.
Theo thống kê của Giáo xứ Đắk Nhau, hơn 90% người Mnông ở thôn
Đắk Liên theo Công giáo, như vậy đồng nghĩa với việc có gần 10%
không theo tôn giáo này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người
Mnông không theo Công giáo ở thôn này là những người đang làm việc
trong chính quyền, đoàn thể, quân đội và người có độ tuổi 70 trở lên.
Đối với người già, việc theo hay không theo tôn giáo mới không quan
trọng lắm, vì không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. Hiện nay,
những người già sống với con cháu, không làm chủ kinh tế gia đình và
cũng hết bổn phận lo cho con cái nên không còn quan tâm đến lợi ích của
một tôn giáo nào đó đem lại. Chúng tôi đã phỏng vấn cha mẹ một người
có chức vụ trong thôn. Họ cho biết có nghe nói đến Chúa Trời. Con cháu
của ông bà theo Chúa Trời và thường đi lễ vào sáng chủ nhật. Nhưng ông
bà không theo, vì không còn sức để đi lễ. Con cháu cũng không khuyên
ông bà theo đạo. Ông bà cũng không quan tâm nhiều đến sinh hoạt cộng
đồng. Theo chúng tôi, đây là sự lựa chọn của cá nhân trong cộng đồng.
Do bởi, người Mnông ở đây theo Công giáo không phải hướng đến sự
giải thoát, về với Chúa Trời sau cái chết, mà để đạt lợi ích tốt hơn cho
cuộc sống cá nhân và gia đình. Một khi đã không chú trọng đến lợi ích cá
nhân và gia đình nữa, thì việc theo đạo hay không đối với họ không còn
quan trọng. Do đó, trường hợp được phỏng vấn ở đây không quan tâm
đến việc mình đang theo một tôn giáo nào.
Huỳnh Ngọc Thu. Chuyển đổi tôn giáo: Sự lựa chọn 133
133
Những trường hợp không theo đạo còn lại cũng đang có sự lựa chọn về
lợi ích. Chẳng hạn như trường hợp một sĩ quan quân đội không theo
Công giáo, nhưng vợ con của ông đã theo tôn giáo này. Giải thích cho
vấn đề, ông cho rằng, đó là quyền của vợ con ông. Bản thân ông không
theo đạo vì có một niềm tin khác, đó là niềm tin vào Đảng và Bác Hồ.
Ông cho biết thêm, với công việc của mình hiện tại không nên theo một
tôn giáo nào. Các trường hợp khác đang công tác trong chính quyền,
đoàn thể không theo Công giáo là do công việc đảm nhiệm và bản thân
họ cũng không có tôn giáo, nên tự nhận là vô thần.
Như vậy, xét ở góc độ duy lý, việc lựa chọn tôn giáo như trên là có
mục đích. Mục đích này hướng đến lợi ích của từng cá nhân và gia đình
sẽ đạt được. Trên 90% người Mnông ở Đắk Liên theo Công giáo, bởi vì
họ có lợi ích như đã phân tích. Gần 10% người Mnông còn lại không theo
Công giáo cũng vì lợi ích của họ. Do đó, có thể thấy, sự lựa chọn tôn giáo
của cộng đồng Mnông ở Đắk Liên hoàn toàn mang tính duy lý của từng
cá nhân và gia đình trong cộng đồng.
2.2. Gia tăng sinh hoạt cộng đồng và nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động
Một trong những yếu tố để đại bộ phận người Mnông ở Đắk Liên theo
Công giáo mà chúng tôi nhận thấy là tính cộng đồng trong sinh hoạt.
Theo nhận xét của linh mục xứ Đắk Nhau, người Mnông có tính cộng
đồng cao và họ cần có sinh hoạt cộng đồng. Điều này được biểu hiện rõ
qua các nghi lễ truyền thống. Tính cộng đồng luôn được biểu hiện trong
các nghi lễ này. Khi một nghi lễ diễn ra, bất kể đó là lễ mừng hay lễ phạt,
đều có sự tham gia của cộng đồng. Nhưng để tổ chức những nghi lễ này,
chi phí phải bỏ ra nhiều và thường chỉ một gia đình gánh chịu. Do đó,
những nghi lễ mang tính cộng đồng thường không nhiều trong năm.
Nhưng khi Công giáo xuất hiện, nghi lễ cộng đồng thông qua việc tổ
chức thánh lễ diễn ra hằng tuần và không tốn kém, nên đã thu hút sự chú
ý của cộng đồng. Quan sát các buổi lễ, chúng tôi nhận thấy, người
Mnông ở Đắk Liên tham gia rất đông. Thánh lễ thường tổ chức hai đợt: 5
giờ và 7 giờ sáng chủ nhật tại Nhà thờ Đắk Nhau. Cuộc lễ 5 giờ, thường
do linh mục chính xứ phụ trách, với sự tham dự chủ yếu của những người
trên 40 tuổi. Cuộc lễ lúc 7 giờ, thường do linh mục phó xứ phụ trách, đa
phần dành cho những người dưới 40 tuổi, đặc biệt là thanh niên và thiếu
niên. Những người tham dự lễ đều mặc trang phục lịch sự, đi từng nhóm
đến nhà thờ. Khi đến nhà thờ, họ xếp xe máy gọn gàng, vào thẳng trong
khuôn viên nhà thờ ngồi chờ thánh lễ. Trong cuộc lễ, họ nghiêm trang
134 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
kính cẩn nghe những lời linh mục xứ giảng. Tan lễ, họ ra về trong tâm
thế của những tín đồ ngoan đạo. Trong suốt ngày chủ nhật đó, họ nghỉ
ngơi, cùng nhau uống cà phê hoặc uống rượu.
Người Mnông ở Đắk Liên đa phần làm rẫy xa. Họ làm việc trên rẫy từ
thứ hai đến thứ bảy. Tối thứ bảy, họ quay về thôn để chuẩn bị đi lễ vào
ngày chủ nhật. Do đó, mong muốn được gặp những người trong cộng
đồng chỉ diễn ra vào ngày chủ nhật, vì đây là ngày nghỉ bắt buộc của tín
đồ Công giáo. Nhờ đó, người dân trong cộng đồng có cơ hội ngồi lại với
nhau sau một tuần làm việc trên rẫy. Vào ngày chủ nhật ở Đắk Liên, quán
cà phê trở nên đông đúc hơn. Người dân tụ họp ăn uống trong gia đình
cũng nhiều hơn. Karaoke được mở và hát suốt ngày này.
Người Mnông cho rằng, nhờ theo Công giáo mà họ có được ngày chủ
nhật để nghỉ. Họ cũng nói, những ngày thường vẫn nghỉ được, nhưng
không vui, vì mọi người đều đi làm. Với giới trẻ, họ thích ngày chủ nhật,
vì có thể gặp bạn bè để cùng uống cà phê hoặc uống rượu mà không gặp
phải sự dị nghị từ cộng đồng. Theo họ, đây là dịp nghỉ ngơi hợp pháp để
lấy lại sức lực cho thời gian lao động sắp tới, nên không gặp bất cứ sự
than phiền nào từ người lớn tuổi trong cộng đồng.
Như vậy, mong muốn được sinh hoạt cộng đồng, nghỉ ngơi để tái tạo
sức lao động là mong muốn hợp lý của mỗi người và cộng đồng người
Mnông. Sinh hoạt cộng đồng không tốn kém, nghỉ ngơi được hợp thức
hóa và được khuyến khích thì người Mnông theo Công giáo ở Đăk Liên
thực hiện được. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự
quan tâm của cộng đồng Mnông đối với Công giáo. Theo những người
trung niên, trước khi biết đến Công giáo, họ không quan tâm đến việc
đếm lịch, cũng không biết đến ngày chủ nhật, chỉ biết làm việc và nghỉ
ngơi khi mệt mỏi. Nhưng khi theo Công giáo, người dân biết lịch, làm
việc có giờ giấc, định ra thời gian nghỉ ngơi rõ ràng: đó là ngày chủ nhật,
ngày dành cho Chúa và nghỉ ngơi. Người Mnông ở Đắk Liên rất tin và
nghe lời linh mục xứ. Trong Lễ Dâng hoa Đức Mẹ Maria vào ngày
27/5/2012 tại Nhà thờ Đắk Nhau, linh mục xứ tuyên bố, vì là ngày lễ
trọng, nên cấm toàn thể tín đồ làm việc trong ngày này, kể cả những
người buôn bán. Khi tan lễ, cộng đồng tín đồ ở đây thực hiện đúng lời
của linh mục xứ. Các hàng tạp hóa đều đóng cửa. Như vậy, có thể khẳng
định, sinh hoạt thánh lễ và được nghỉ ngơi trong ngày chủ nhật là nguyên
nhân để cộng đồng Mnông cân nhắc lựa chọn khi chuyển đổi tôn giáo
truyền thống sang Công giáo. Đó là sự lựa chọn duy lý, khi họ cần có nhu
Huỳnh Ngọc Thu. Chuyển đổi tôn giáo: Sự lựa chọn 135
135
cầu nghỉ ngơi hợp pháp và sinh hoạt cộng đồng thường xuyên.
3. Kết luận
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, sự chuyển đổi tôn
giáo từ tôn giáo truyền thống sang Công giáo ở cộng đồng người Mnông
thôn Đắk Liên là sự lựa chọn có chủ đích. Họ không quan tâm đến những
triết lý sâu xa về sự giải thoát, cứu rỗi của tôn giáo này đối với họ ở thế
giới sau khi chết, mà chỉ quan tâm đến lợi ích đạt được trong cuộc sống
hiện tại. Đó là đời sống vật chất được nâng cao hơn, giá trị cộng đồng
được duy trì tốt hơn, thời gian nghỉ ngơi thoải mái hơn. Khi Công giáo
đáp ứng được các điều đó, cũng đồng nghĩa với việc tạo được niềm tin
cho người Mnông, nên họ đã tự nguyện chuyển đổi tôn giáo.
Như vậy, việc chuyển đổi tôn giáo của cộng đồng người Mnông ở thôn
Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có thể nói
hoàn toàn mang tính duy lý của cá nhân và cộng đồng. Họ đã có những
sự suy tính và chủ đích rõ ràng khi quyết định là tín đồ Công giáo./.
CHÚ THÍCH:
1 E. B. Tylor (Huyền Giang dịch từ tiếng Nga, 2001), “Văn hóa nguyên thủy”, Văn
hóa Nghệ thuật: 22.
2 Đặng Nghiêm Vạn (2005), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam,
Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 167
3 Báo cáo số liệu của thôn Đắk Liên năm 2012.
4 Trương Bi (chủ biên, 2004), Nghi lễ cổ truyền của đồng bào Mnông, Sở Văn hóa
Thông tin Đắk Lắk: 95 .
5 John Scott (2000), “Rational Choice Theory” in Gary Browning, Abigail Halcli,
Frank Webster, Understading Contemporary Society: Theories of the Present,
Cromwell Press, Trowbridge: 265.
6 Fredrik Barth (1966), Models of Social Organization, Royal Anthropological
Institute, London: 275.
7 Vũ Quang Hà (2001), Các lý thuyết xã hội học, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà
Nội: 447.
8 Một ví dụ mà người Mnông ở Đắk Liên thường nhắc đến là khi chữa bệnh sốt
rét, ông N’hum yêu cầu phải lễ vật, cúng liên tục trong ba ngày, nhưng bệnh vẫn
không thuyên giảm, sốt cao hơn và giật nhiều hơn. Nhưng khi linh mục xứ đến
chỉ dùng thuốc và yêu cầu mọi người cùng cầu nguyện, người bệnh dứt cơn sốt
và khỏe hơn.
9 Tố (còn gọi là ché) có nhiều loại, từ loại một mắt đến sáu mắt. Giá trị của mỗi tố
khác nhau, mắt càng nhiều, giá trị càng cao. Thời điểm năm 2012, giá tố một mắt
khoảng 400 nghìn đồng, sáu mắt khoảng 1,2 triệu đồng.
10 Salung có dáng giống như tố, nhưng màu nâu đen, giá trị cao hơn tố và sarong.
Thời điểm năm 2012, salung ba mắt có giá khoảng 10 triệu đồng.
11 Sarong có dáng giống tố, nhưng thân lớn hơn, màu nâu đen, có hoa văn, giá trị
thấp hơn salung. Thời điểm năm 2012, sarong ba mắt có giá khoảng 5 triệu đồng.
136 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
12 Trích phỏng vấn một tín đồ Công giáo người Mnông ở Đắk Liên.
13 Trích phỏng vấn linh mục phó xứ Đắk Nhau.
14 Trích phỏng vấn linh mục phó xứ Đắk Nhau.
15 Trích quan điểm của già làng khi ông tường thuật lại buổi làm việc với linh mục
chính xứ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Fredrik Barth (1966), Models of Social Organization, Royal Anthropological
Institute, London.
2. Trương Bi chủ biên (2004), Nghi lễ cổ truyền của đồng bào Mnông, Sở Văn hóa
Thông tin Đắk Lắk.
3. Vũ Quang Hà (2001), Các lý thuyết xã hội học, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. John Scott (2000), “Rational Choice Theory” in Gary Browning, Abigail Halcli,
Frank Webster, Understading Contemporary Society: Theories of the Present,
Cromwell Press, Trowbridge.
5. “Tài liệu điền dã của tập thể giảng viên và sinh viên Khoa Nhân học tại thôn Đắk
Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước” phục vụ cho đề tài trọng
điểm cấp Đại học Quốc gia Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông
Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội tộc người do GS.TS. Ngô Văn Lệ chủ
nhiệm, 2012.
6. E. B. Tylor (Huyền Giang dịch từ tiếng Nga, 2001), “Văn hóa nguyên thủy”, Văn
hóa Nghệ thuật.
7. Đặng Nghiêm Vạn (2005), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam,
Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Abstract
RELIGION CONVERSION: A RATIONAL CHOICE OF MNÔNG
(IN CASE OF ĐẮK LIÊN HAMLET, ĐẮK NHAU COMMUNE,
BÙ ĐĂNG DISTRICT, BÌNH DƯƠNG PROVINCE)
Religion conversion refers to the change of an individual and a
community in their belief in spiritual entities, supernatural forces as well
as in their religious rites and behaviour. The Mnông community in Đắk
Liên hamlet, Đắk Nhau commune, Bù Đăng district, Bình Dương
province has converted from traditional religion to the Catholicism. What
were the causes of the conversion? Using methods of participant-
observation, in-depth interview, and applying rational choice theory, the
author indicated adequate answers to the question.
Keywords: Choice, conversion, Mnông, rational, religion, tradition,
Catholicism.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26596_89333_1_pb_3747.pdf