Nghiên cứu tôn giáo - Cơ sở hình thành tư tưởng phật giáo đại thừa

Nói đến sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa là nói đến quá trình những dòng tư tưởng dưới tác động của nhiều lĩnh vực nội tại và ngoại tại. Tạo nên phong trào này ngoài vai trò của tăng sĩ mang tư tưởng canh tân, còn có sự đóng góp không nhỏ của giới cư sĩ tại gia. Chính vì thế, sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa còn được xem là phong trào bình đẳng về tinh thần Bồ tát. Phật giáo Đại Thừa là hình thức phát triển dựa trên nền tảng của Phật giáo Nguyên Thủy. Nói cách khác, phong trào này được xem là cuộc chấn hưng tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy. Sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa là một điều kiện tự nhiên, tất yếu để điều hòa, cách tân, dung nạp các hệ tư tưởng đương thời, từ đó đưa ra hình thái tư tưởng mang tính tích cực, chẳng hạn như tư tưởng “hội tam quy nhất”, một nét đặc trưng của giáo lý Đại Thừa được hiển bày trong Kinh Pháp Hoa. Khi xã hội phát triển, Phật giáo cũng phải phát triển bởi sự ứng dụng của tôn giáo này chính là nhân gian. Thế nên, văn học Phật giáo Đại Thừa cũng phải có lối văn phong thích ứng vừa phong phú vừa mang tính triết lý, lập luận sâu sắc nhằm phù hợp với nhu cầu thời đại. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác của Phật giáo đều có những chuyển biến tương tự. Đây là nét đặc thù của Phật giáo trong quá trình phát triển. Sự hình thành tư tưởng Đại Thừa là tiền đề cho Phật giáo Đại Thừa thành hình và phát triển sau này

pdf8 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 744 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Cơ sở hình thành tư tưởng phật giáo đại thừa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
36 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 NGUYỄN QUANG CƯ* CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA Tóm tắt: Tư tưởng Phật giáo Đại Thừa mang một luồng sinh khí mới, tạo nên một sức sống vượt thời gian cho Phật giáo. Muốn thừa kế, phát huy có hiệu quả tư tưởng Phật giáo Đại Thừa nhất định phải hiểu biết về cơ sở hình thành nên tư tưởng này. Bài viết trình bày khái lược cơ sở hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa trên hai phương diện ngoại tại và nội tại, bao hàm sự tác động mang tính xã hội từ sự giao lưu, xâm nhập của văn hóa ngoại lai cũng như sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Bà La Môn giáo tồn tại trước đó. Đồng thời, bài viết trình bày hoàn cảnh và sự biến chuyển tự thân của Phật giáo thông qua hai thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Bộ phái hình thành nên tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Từ khóa: Phật giáo, Đại thừa, Nguyên thủy, Bộ phái. 1. Dẫn nhập Trong tiến trình lịch sử, có thể chia Phật giáo thành ba giai đoạn: giai đoạn Phật giáo Nguyên Thủy, giai đoạn Phật giáo Bộ phái và giai đoạn Phật giáo Đại Thừa. Sự chuyển tiếp các giai đoạn Phật giáo là một quy luật vận động tự nhiên bao hàm cả nguyên nhân nội tại và nguyên nhân ngoại tại. Sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa là phong trào phát triển một đường lối Phật giáo mới, hình thành từ năm 150 trước Công nguyên đến năm 100 sau Công nguyên. Phong trào này là kết quả của sự thừa kế và phát huy nhưng mang tính độc lập, khởi dậy từ miền Nam, miền Tây Bắc và miền Đông Ấn Độ. Với ba đặc tính nổi bật là vũ trụ quan mới, kiến giải mới về Abhidhamma và quan niệm mới Bồ tát đạo làm phương châm thực tiễn, từ đó phát sinh một cách nhìn mới về Đức Phật và Phật pháp, đưa ra nhiều kiến giải mới, dần cấu thành phong trào * Thích Quảng An, học viên Cao học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Quang Cư. Cơ sở hình thành tư tưởng 37 37 Phật giáo Đại thừa. Đây là một sự mở đầu cho bước phát triển mới trong hệ thống tư tưởng Phật giáo. 2. Một số cơ sở hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa 2.1. Ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư và văn hóa Hy Lạp Theo dòng lịch sử, khi nhắc đến Ba Tư và Hy Lạp, người ta liên tưởng ngay đến hai dòng văn hóa lớn của nhân loại. Sự xâm lấn Ấn Độ của Đại đế Alexandros được xem là sự mở đầu cho nền văn hóa Ấn Độ thăng hoa sau này. Vào năm 326 trước Công nguyên, trong cuộc chinh phạt của mình, Đại đế Alexandros đã đặt chân lên Bắc Ấn, quanh khu vực sông Indus (Pakistan ngày nay). Tại đây, Alexandros đã chạm trán với một vị tướng tài, sau này là vua Chandragupta của Triều đại Maurya sau khi lật đổ Vương triều Nanda. Hai bên bất phân thắng bại, dù cuộc chiến kéo dài suốt ba năm, vì thế họ kết bạn và ký hiệp ước. Trong hiệp ước, Alexandros nhượng khu vực sông Ấn (Afghanistan ngày nay) cho Chandragupta; còn Chandragupta giao cho Alexandros 500 voi chiến. Nhờ vậy, quân đội của Alexandros đã tăng thêm sức mạnh, dẫn đến cuộc chiến thắng tại Ipsus. Sau cuộc chiến thắng Ipsus vang dội, Alexandros đã phong cho vị vua chiến bại thống lĩnh lại phần đất của mình và hóa giải mối thù địch giữa hai vị vua Porus và Taxiles. Hy Lạp cổ đại (550 trước Công nguyên) bao trùm toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, Biển Đen và kéo dài gần một nghìn năm, được coi là nền tảng văn hóa Phương Tây. Văn hóa Hy Lạp ảnh hưởng rất lớn đến khắp các vùng của Châu Âu trên nhiều phương diện như: ngôn ngữ, chính trị, giáo dục, triết học, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,... góp phần thúc đẩy phong trào Phục hưng tại Tây Âu cũng như làm sống lại các phong trào Tân Cổ điển tại Châu Âu và Châu Mỹ vào các thế kỷ XVIII và XIX. Với chủ trương dùng nghệ thuật để truyền bá tư tưởng vào Ấn Độ, nét đẹp sự hài hòa giữa điêu khắc và kiến trúc của Hy Lạp đã biến thể sang đường nét căn bản trong các hình tượng của Phật giáo, khởi nguyên từ khu vực được xem là một phần thuộc Afghanistan và một phần thuộc Pakistan ngày nay. Hình tượng đầu tiên là Đức Phật Thích Ca được tạc theo mô hình của thần Apollo1. Sự điều hành của Triều đại Maurya bị ảnh hưởng bởi nền chính trị của người Nam Tư. Vùng Gandhara, thuộc Tây Afghanistan và Tây Bắc 38 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 Pakistan ngày nay, được xem là nơi pha trộn các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Á, Nam Tư và Hy Lạp. Loại hình văn hóa kết hợp này duy trì đến tận thế kỷ V, ảnh hưởng đến sự phát triển nghệ thuật của Phật giáo Đại Thừa. Như vậy, cuộc chinh phạt của Đại đế Alexandros đã bắt nguồn cho hai nền văn hóa Ba Tư và Hy Lạp ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Ấn Độ nói chung và phong trào Phật giáo Đại Thừa nói riêng. 2.2. Ảnh hưởng của Bà La Môn giáo phục hưng Bà La Môn giáo trong giai đoạn 1000 - 500 trước Công nguyên đã có những bước phát triển mới. Đây là giai đoạn phát triển cao của Bà La Môn giáo, chuyển hóa tôn giáo này thành Ấn Ðộ giáo (Hinduism). Kinh điển Ấn Ðộ giáo gồm bốn bộ Vệ Ðà và các tác phẩm văn học khác. Bà La Môn giáo nổi tiếng với hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana, trong đó phải kể đến tác phẩm Chí Tôn ca/ Bhagavad - Gita lồng vào bộ sử thi Mahabharata. Về phương diện tế lễ, quá trình tế lễ của Bà La Môn giáo thể hiện tính khoa học, xử lý mối tương quan giữa năng lực hữu hiệu và quy luật vũ trụ. Ý nghĩa của sự tế lễ này ảnh hưởng đến những tôn giáo mới đương thời như Phật giáo, Kỳ Na giáo, v.v... Lúc này, trong Phạm Thư chỉ nhắc đến những gì ban đầu vốn có một cách sơ sài. Trong khi đó, Áo Nghĩa Thư lại trình bày rõ ràng về khái niệm tái sinh và quy luật nhân quả. Theo đó, những hành động tốt xấu trong đời này sẽ có kết quả tương ứng trong đời sau. Khái niệm này trùng với giáo lý Nghiệp của Phật giáo. Quan niệm về Thiên Đường không còn là mục đích chính hướng đến của họ, mà giải thoát thật sự phải được thực hiện qua trí tuệ. Về mặt tư tưởng, Bà La Môn giáo sẵn sàng thu nạp nguyên lý, khái niệm của các tôn giáo khác, nhất là việc thu nạp tư tưởng Phật giáo để chuyển hóa thành tư tưởng của mình. Vả lại, trong Phật giáo có rất nhiều tu sĩ xuất thân từ tầng lớp Bà La Môn, nên ít nhiều có sự ảnh hưởng đến Phật giáo về tư tưởng cũng như nguyên tắc. Bấy giờ, Bà La Môn giáo mở ra một phạm vi rộng lớn trên lĩnh vực tư tưởng, gần như bao trùm mọi tư tưởng các tôn giáo có mặt tại Ấn Độ. Chính vì thế, Phật giáo cũng được đưa vào trở thành một bộ phận của Bà La Môn giáo. Bà La Môn giáo cho rằng, thần Vishnu có mười hóa thân, mà Đức Phật Thích Ca là hóa thân thứ tám. Chính vì tư tưởng bị pha trộn như thế, nên một người bình thường khó có thể phân biệt đâu là giáo lý Phật giáo và đâu là tư tưởng Bà La Môn giáo. Nguyễn Quang Cư. Cơ sở hình thành tư tưởng 39 39 Về phương diện thờ cúng, Bà La Môn giáo ảnh hưởng Phật giáo về hình tượng Văn Thù bốn tay ba mặt, Quán Thế Âm bốn tay, Quán Thế Âm nghìn tay, v.v Sự ảnh hưởng này càng rõ nét hơn đối với Phật giáo Kim Cương Thừa, đó là hình ảnh Tara (24 giọt nước mắt của Quán Thế Âm) với 24 màu sắc khác nhau, trong đó Tara xanh và Tara trắng là quan trọng nhất. Tara vốn là hình tượng thần tình ái của Bà La Môn giáo. Bên cạnh đó còn có hình ảnh mà Phật giáo Kim Cương Thừa gọi là Kim Cương Du Già Nữ, được xem là vị hộ pháp (ở những ngôi chùa ni của Tây Tạng hiện nay vẫn còn thờ). Vị thần này vốn là nữ thần Durga, với hình tượng khát máu. Phật giáo thời kỳ này đi sâu vào sự chia chẻ phân tích, hình thành những nội dung mang tính triết học cao siêu nên khó phổ cập quần chúng. Có thể nói, Phật giáo khi ấy là một tôn giáo của tầng lớp trí thức. 2.3. Ảnh hưởng lần kiết tập kinh điển thứ tư Thời gian kết tập kinh điển lần thứ tư diễn ra vào khoảng 400 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (khoảng đầu thế kỷ II), tại vùng Kasmira miền Tây Bắc Ấn Độ. Nhận thấy có nhiều khác biệt về kiến giải Phật giáo, là một Phật tử thuần thành, vua Kanishka đã khởi tâm bảo trợ cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ tư. Hội nghị gồm có 500 học giả giỏi Tam Tạng, do Vasamitra (Thế Hữu) chủ tọa với sự trợ giúp của Parsva (Hiếp Tôn Giả). Sau khi kiết tập, vua Kanishka ra lệnh khắc lại Tam Tạng bằng tiếng Sanskrit lên những lá đồng, được bảo quản một cách cố định trong những hòm đá và thờ trong các tháp. Tuy nhiên, những di vật này đã bị thất lạc, nay chỉ còn phần thích luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa (Abhidharma Mahavibhasa Sastra). Đường Huyền Trang đã dịch sang tiếng Hán, gồm hai trăm quyển. Như vậy, đại hội kiết tập kinh điển lần thứ tư là khởi điểm cho sự phát triển của Phật giáo Ðại Thừa sau này. Nhờ vua Kanishka mà Phật giáo được truyền sang Trung Quốc vào khoảng thế kỷ II. Đây là thời kỳ xuất hiện những đại luận gia Phật giáo, tiêu biểu như Nagarjuna (Long Thọ), Vasamitra (Thế Hữu) và Asvaghosha (Mã Minh). 2.4. Ảnh hưởng từ nền tảng Phật giáo Nguyên Thủy Giai đoạn Phật giáo Nguyên Thủy được tính kể từ khi Đức Phật còn tại thế cho đến khoảng 100 năm sau khi ngài nhập Niết Bàn. Sau đó, Phật giáo Bộ phái ra đời thay thế chỗ đứng của Phật giáo Nguyên Thủy. Tư 40 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 tưởng Phật giáo lúc này bắt đầu phân thành hệ thống rõ rệt. Khi Phật giáo Đại Thừa ra đời thì Phật giáo Bộ phái vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, sự ra đời của Phật giáo Đại Thừa được xem là phong trào chấn hưng tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy. Phong trào Phật giáo Đại Thừa là kết quả tích tụ của nhiều tư tưởng phát triển từ trước. Cái gọi là Đại Thừa (Mahayana) là bước phát triển mới của Đại Chúng Bộ, mở ra một đường hướng mới nhằm khôi phục lại tinh thần của Đức Phật, cũng là khôi phục tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy, lấy Phật làm lý tưởng và sự chứng ngộ làm mục đích hướng đến vốn bị nhạt mờ trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái. Phong trào với tên gọi Đại Thừa này “không có sự liên hệ với một cá nhân nào, cũng không liên kết đặc biệt với một tông phái nào của Phật giáo thời kỳ sơ khai”2. Có thể khẳng định, tư tưởng Đại Thừa xuất phát từ nền tảng Phật giáo Nguyên Thủy bởi những điểm sau: - Căn cứ vào những trước tác của Ấn Độ khoảng trước sau Công nguyên thì tư tưởng Đại Thừa vẫn chưa hình thành rõ rệt. Còn theo lịch sử Phật giáo Trung Hoa, đến thế kỷ II, kinh điển Đại Thừa mới được phiên dịch. Từ đó, có thể kết luận, tư tưởng Đại Thừa được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ I trước Công nguyên đến đầu thế kỷ II sau Công nguyên. Còn về hình thức, đến khoảng trước hay sau Công nguyên, cuộc vận động Đại Thừa mới thật sự rõ ràng. Có thể nói, đây là thời gian Phật giáo Đại Thừa hưng khởi. - Địa điểm phát khởi Đại Thừa hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Kimura Taiken, trung tâm đầu tiên của Đại Thừa là ở vùng Nam Ấn, nhất là khu vực Át Đạt La Phái, nơi sinh ra tư tưởng Bát Nhã, cũng là nơi Đại Chúng Bộ từng rất thịnh hành, mà tư tưởng của phái này lại có mối quan hệ mật thiết với Đại Thừa. Tuy nhiên, căn cứ vào nghệ thuật và văn học của Phật giáo, thì Phật giáo Đại Thừa phồn thịnh ở Bắc Ấn. Vì vậy, Phật giáo Đại Thừa Nam Ấn là đại biểu của Không luận, Bắc Ấn là Hữu luận. - Khởi xướng cho tư tưởng Đại Thừa là những tăng sĩ có tư tưởng tiến bộ và những cư sĩ với khuynh hướng tự do tư tưởng. Điều này chứng minh qua Kinh Duy Ma Cật. Khi Phật giáo Bộ phái mang tính chuyên môn hóa, biến Phật giáo thành chủ nghĩa hình thức và chú trọng vai trò tu sĩ. Cư sĩ tự đứng lên để lãnh đạo, nên vai trò của Duy Ma Cật là vai trò của tư tưởng trí tuệ. Ý nghĩa thích ứng và vực dậy vai trò của cư sĩ trong Phật giáo thể hiện không chỉ trong Kinh Duy Ma Cật, mà còn trong Kinh Nguyễn Quang Cư. Cơ sở hình thành tư tưởng 41 41 Thắng Man. Đây là khuynh hướng mới, cũng là một trong những nguyên nhân ra đời của Phật giáo Đại Thừa, kết quả của sự vận hành trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái3. - Phật giáo Đại thừa ra đời không gì khác hơn là nhằm thích ứng với tinh thần thời đại, luôn thể hiện tính tích cực, phong trào quần chúng và chủ trương đưa Phật pháp về cứu cánh giải thoát. - Học thuyết Đại Thừa làm cho tư tưởng kinh điển Phật giáo sâu sắc hơn với những biện luận triết lý làm nền tảng phát triển cho các trường phái sau này. Kinh điển Đại Thừa được xem như “thời kỳ chuyển pháp luân lần thứ hai”. Phật giáo Nguyên Thủy chủ trương, một người bất luận thế nào, chỉ cần lập chí nguyện thì đều có thể thành Phật. Họ tin bản thân có thể thành Phật và có thể làm việc cứu thế độ sinh như Phật. Bắt nguồn từ tư tưởng này, Phật giáo Đại Thừa chủ trương ai cũng có thể thành Phật và tiến thêm một bước nữa: “Muốn được viên mãn như Phật, người ta phải tu hạnh Bồ tát, trên cầu đạo Bồ đề, dưới phát đại nguyện hóa độ chúng sinh, vì lợi ích của chính mình và của cả thế giới mà nỗ lực tu hành làm mọi việc thiện”4. Giữa Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Nguyên Thủy có nhiều điểm tương đồng mà đơn cử dẫn liệu sau đây có thể minh chứng: “Tôi nghiên cứu Phật giáo Ðại thừa nhiều năm. Càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Ðại thừa về mặt giáo lý căn bản. - Cả hai đều chấp nhận Ðức Phật Thích Ca là bậc đạo sư. - Tứ Thánh Ðế trong cả hai trường phái đều giống nhau. - Bát Chánh Ðạo trong cả hai trường phái cũng tương tự. - Lý Duyên Khởi trong cả hai trường phái đều giống nhau. - Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về Thượng Đế tạo ra thế gian này. - Cả hai đều chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam vô lậu học (Giới, Ðịnh, Huệ), không có bất kỳ sự khác biệt nào. Ðây là những giáo lý quan trọng nhất của Ðức Phật và cả hai trường phái đều công nhận”5. Tóm lại, Phật giáo Đại Thừa là sự phát triển tất yếu, khẳng định vị thế của Phật giáo, đáp ứng trào lưu tư tưởng đương thời. Sự phát triển ấy có 42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 định hướng trên tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy, lấy phổ cập và thực tiễn làm phương châm, lấy giải thoát làm mục đích tối hậu. 3. Kết luận Nói đến sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa là nói đến quá trình những dòng tư tưởng dưới tác động của nhiều lĩnh vực nội tại và ngoại tại. Tạo nên phong trào này ngoài vai trò của tăng sĩ mang tư tưởng canh tân, còn có sự đóng góp không nhỏ của giới cư sĩ tại gia. Chính vì thế, sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa còn được xem là phong trào bình đẳng về tinh thần Bồ tát. Phật giáo Đại Thừa là hình thức phát triển dựa trên nền tảng của Phật giáo Nguyên Thủy. Nói cách khác, phong trào này được xem là cuộc chấn hưng tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy. Sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại Thừa là một điều kiện tự nhiên, tất yếu để điều hòa, cách tân, dung nạp các hệ tư tưởng đương thời, từ đó đưa ra hình thái tư tưởng mang tính tích cực, chẳng hạn như tư tưởng “hội tam quy nhất”, một nét đặc trưng của giáo lý Đại Thừa được hiển bày trong Kinh Pháp Hoa. Khi xã hội phát triển, Phật giáo cũng phải phát triển bởi sự ứng dụng của tôn giáo này chính là nhân gian. Thế nên, văn học Phật giáo Đại Thừa cũng phải có lối văn phong thích ứng vừa phong phú vừa mang tính triết lý, lập luận sâu sắc nhằm phù hợp với nhu cầu thời đại. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác của Phật giáo đều có những chuyển biến tương tự. Đây là nét đặc thù của Phật giáo trong quá trình phát triển. Sự hình thành tư tưởng Đại Thừa là tiền đề cho Phật giáo Đại Thừa thành hình và phát triển sau này./. CHÚ THÍCH: 1 Apóllon là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp, thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc và mang đàn lia. 2 John R. O’Neil (Phước Hạnh trích dịch), The Formation of Mahayana, 3 Kimura Taiken (HT. Thích Quảng Độ dịch, 2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo: 64 - 66. 4 Kimura Taiken (HT. Thích Quảng Độ dịch, 2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, sđd: 68. 5 Hòa thượng W. Rahula (Tỳ kheo Thiện Minh dịch, 1996), “Theravada - Mahayana Buddhism”, Gems of Buddhist Wisdom, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur, Malaysia. Nguyễn Quang Cư. Cơ sở hình thành tư tưởng 43 43 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kimura Taiken (HT. Thích Quảng Độ dịch, 2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo. 2. John R. O'Neil (Phước Hạnh trích dịch), The Formation of Mahayana, 3. Almanach những nền văn minh thế giới, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999. 4. Hòa thượng W. Rahula (Tỳ kheo Thiện Minh dịch, 1996), “Theravada - Mahayana Buddhism”, Gems of Buddhist Wisdom, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur, Malaysia. Abstract THE FOUNDATION OF THE MAHAYANA THOUGHT The thought of the Mahayana brought a new vitality and created a timeless vitality for the Buddhism. It needs to understand the base that formed the thought of the Mahayana in order to inherit and effectively promote this thought. This article summarily mentioned the base formation the thought of the Mahayana on the external and internal aspects which included social impacts from the exchanges and the intrusion of foreign culture and the effects of the Brahmanism’s culture. This article simultaneously presented the context and self-transformation of the Buddhism though the periods of Theravada and Vada which formed the thought of the Mahayana. Key words: Mahayana, Theravada, Vada.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25306_84813_1_pb_281.pdf