Ở vùng đất mới, người Công giáo phải tạo dựng rất nhiều thứ mới từ
vốn liếng văn hóa mang theo. Điều này có lẽ tạo tiền đề thuận lợi cho
việc hình thành bản sắc cộng đồng. Hệ thống tổ chức, quản lý giáo xứ
theo mô hình làng xã Miền Bắc truyền thống được tái tạo và có tác động
nhất định đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
Có thể nói, nó là chất keo gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với
nhau, góp phần hiện thực hóa các chương trình phát triển cộng đồng.
Tóm lại, cuộc di cư năm 1954 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối
với một bộ phận người Công giáo. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là
cuộc di cư cơ giới mà còn là cuộc di cư về văn hóa. Theo thời gian, người
Công giáo di cư đã hình thành những đặc trưng cộng đồng truyền thống.
Đây là một trong những đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Cách tổ chức và
sinh hoạt trong khuôn khổ làng xã đã tạo một sợi dây vô hình ràng buộc
mọi người trong cộng đồng. Tinh thần cộng đồng đã phát khởi và được
nuôi dưỡng. Ngày nay, khi đến các khu vực tập trung đông người Công
giáo di cư như: Hố Nai, Gia Kiệm, Cái Sắn chúng ta thấy, tên gọi các
giáo xứ tương ứng với tên các làng gốc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chẳng
hạn: Ngọc Đồng, Kẻ Sặt, Lai Ổn, Ngô Xá , nhất là tên một số đơn vị
dân cư như khu phố, ấp tương đương với tên các giáo xứ. Bởi vậy, nhiều
người không phải là tín đồ Công giáo khi gặp gỡ cư dân vùng Hố Nai,
Gia Kiệm, Cái Sắn đều hỏi: “Anh/chị là người Công giáo hả?”. Có vẻ
như đây là sự mặc nhiên, vì đa số cư dân sinh sống trong các khu vực này
là người Công giáo. Trong khi đó, những người từng biết nhau là giáo
dân thường đặt hỏi câu hỏi ở mức độ sâu hơn “Anh/chị thuộc xứ nào?”,
ngầm muốn biết thêm thông tin về quê gốc của họ. Cách nói vắn tắt dùng
từ “xứ ” thay vì “giáo xứ” cũng là cách nói phổ biến trong giao tiếp hằng
ngày của người Công giáo di cư. Điều này càng thể hiện sự phân định
một cách rõ ràng về tính địa phương, vùng miền của cộng đồng Công
giáo di cư. Vì vậy, các cụm từ “người Bắc di cư” hay “người Bắc 54”
được ngầm hiểu là người Công giáo di cư vào Nam Bộ năm 1954 như
một bản sắc riêng biệt của cộng đồng này
11 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 852 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Cuộc di cư năm 1954 phải chăng là một định mệnh lịch sử của người công giáo miền bắc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 77
NGUYỄN ĐỨC LỘC*
CUỘC DI CƯ NĂM 1954 PHẢI CHĂNG LÀ
MỘT ĐỊNH MỆNH LỊCH SỬ CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
MIỀN BẮC?
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến sự kiện lịch sử năm 1954 với cuộc
di cư diễn ra trên quy mô tập trung theo từng làng, từ làng gốc
ở Miền Bắc cho tới làng định cư ở Miền Nam. Bên cạnh đó, bài
viết còn tìm hiểu trải nghiệm của người trong cuộc về cuộc di cư
đầy bi tráng này.
Từ khóa: Công giáo, cuộc di cư năm 1954, Hố Nai, Cái Sắn,
Gia Kiệm.
1. Khúc quanh lịch sử
Hiệp định Genève 1954 là một dấu mốc quan trọng trong việc khôi
phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp ước này bãi bỏ quyền cai trị của người
Pháp trên bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của các quốc gia
bản xứ, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève công nhận nền độc lập và toàn
vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, với hiệp định này, Việt Nam bị
chia thành hai miền, lấy ranh giới là vĩ tuyến 17. Theo nội dung bản hiệp
định, sau hai năm, chậm nhất là tháng 7/1956, người dân hai miền sẽ đi
bỏ phiếu hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trong bối cảnh
ấy, Hoa Kỳ đã có động thái can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam
với việc hậu thuẫn thành lập Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình
Diệm làm Thủ tướng.
Ngay sau khi làm Thủ tướng, ông Ngô Đình Diệm đã xây dựng một
kế hoạch chi tiết di cư người Miền Bắc vào Miền Nam, trong đó nhấn
mạnh đến những nội dung tuyên truyền dân chúng cụ thể:
“Vạch rõ sự di cư bất đắt dĩ. Nêu những vụ đó (di cư bất đắc dĩ) khi
Việt Minh hiện đã bắt đầu ở các vùng Hà Nam, Nam Định.
*
TS., Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh.
78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
78
Nêu các vụ mời đi học tập tại nơi nước độc như Chi-lê, Nho-quan của
một số người ở Nam Định. Nêu rõ chính sách vô sản chuyên chính của
Việt Minh.
Nêu rõ chính sách tranh đấu giai cấp. Trong giai đoạn đầu, Việt Minh
sẽ mơn trớn xong rồi sẽ thực hiện khẩu hiệu tiêu diệt các giai cấp đối lập.
Tất cả những thành phần trung nông, địa chủ, tiểu tư sản phải vô sản hóa.
Những người lao động cũng sẽ bị khủng bố và lừa dối.
Ở lại Bắc Việt sẽ làm nô lệ cho chính thể độc tài Cộng sản, đi Nam
Việt được sự giúp đỡ thiết thực”1.
Trong khi đó, ở Miền Bắc, ngay sau khi hòa bình được lập lại, chính
quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bắt tay vào công cuộc xây dựng
Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn do hậu quả của cuộc
chiến tranh để lại. Tình hình này được Wojciech Ketrzynski, thành viên
phái đoàn Công giáo Ba Lan được Việt Nam mời thăm vào mùa xuân
1955, kết luận trong bản báo cáo như sau: “Nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa phải đương đầu với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: ngay từ
bước đầu, phải tìm cách xây dựng Nhà nước, đồng thời tiến hành cuộc
đấu tranh gian khổ nhằm thống nhất đất nước. Trong tổng thể các vấn đề
chính trị của Việt Nam, yếu tố Công giáo không giữ một vai trò quan
yếu. Tuy nhiên, là nhóm tôn giáo có tổ chức, thuần nhất và lớn mạnh
nhất, có lẽ Công giáo có một trọng lượng nhất định trong cán cân quyền
lực chung”2.
Đầu năm 1955, trong bản báo cáo đầu tiên của Tomasz Pietka, Đại sứ
Ba Lan khi đặt chân tới Hà Nội, cho biết: “Vấn đề di cư của người Công
giáo vẫn tiếp diễn: Chính phủ và Đảng đã làm tất cả những gì có thể để
giảm bớt, nhưng vẫn gặp những khó khăn to lớn (...). Vấn đề giáo dân sẽ
còn đè nặng lên chính sách nội trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong
thời gian tới đây, vì vậy mà họ vẫn thường yêu cầu sứ quán giúp đỡ và
tham vấn”3.
Trong bản báo cáo tiếp theo, Tomasz Pietka hoan nghênh việc mở
rộng Mặt trận Tổ quốc ra những giới xã hội khác, đặc biệt là chủ trương
bắt tay người Công giáo thể hiện qua việc Linh mục Vũ Xuân Kỷ tham
gia Đại hội Liên Việt tổ chức vào tháng 01/1955 tại Hà Nội. Theo Pietka,
một nguyên nhân quan trọng khác của làn sóng di cư là tình hình kinh tế
bi đát ở Miền Bắc Việt Nam. Trong bản báo cáo tháng 2/1955, ông viết:
Nguyễn Đức Lộc. Cuộc di cư năm 1954 79
79
“Thị trường cần được cung cấp thêm lúa gạo và các nông sản khác
đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cần phải ngăn ngừa nạn đói có thể xảy ra
ở khu 4 là nơi hội đủ những triệu chứng (hạn hán, ruộng đất bỏ hoang)...
Nông thôn quá đông dân. Nông dân bỏ ra thành phố nhưng không tìm ra
việc làm (các nhà máy không hoạt động), chỉ còn cách buôn bán vặt trên
vỉa hè hoặc đi bán rong...).
Ở nông thôn, thấy rõ những dấu hiệu thiếu đói gây ra bất mãn, ngay
trong những người đã tham gia kháng chiến, là những người đã quen ăn
rễ, ăn củ để tiếp tục chiến đấu giành lại tự do cho Tổ quốc (...). Gặp
những người phụ trách những bộ quan trọng của Chính phủ, nhiều khi
thấy họ rơm rớm nước mắt khi nói tới những vấn đề của họ”4.
Pietka nhấn mạnh, vấn đề di cư không chỉ ở người Công giáo, mà còn
ở người không Công giáo: “Trong đời sống nội bộ của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, tồn tại cuộc di cư của giáo dân. Có thể nói, vấn đề di cư đã
tăng lên trong thời gian vừa qua, không những người Công giáo mà cả
người không Công giáo cũng xin đi vào Nam. Nguyên nhân tình trạng
này là nạn thiếu lương thực, thất nghiệp và cả chiến dịch tuyên truyền Mỹ
- Pháp vẫn tiếp tục khai triển”5.
Tháng 4/1955, một báo cáo khác của Pietka xác nhận bức tranh kinh
tế bi thảm và nêu lên nguy cơ xảy ra nạn đói ở Miền Bắc: “Năm ngoái,
các đồng chí Việt Nam đã không biết xử lý vấn đề với sự nghiêm chỉnh
cần thiết. Người Pháp đã báo trước với họ về nguy cơ đói kém, song
Chính phủ bạn khẳng định sẽ giải quyết thành công bằng cách tăng năng
suất, đẩy mạnh thủy lợi và nhất là trồng những loại cây sản lượng cao
(khoai, sắn, đậu). Chính sách này đúng nhưng chỉ đúng về dài hạn. Nếu
Việt Nam không nhận được viện trợ to lớn về lúa gạo, thì tình hình sẽ trở
thành nguy ngập và cuộc bầu cử sẽ hết sức bấp bênh”6.
Jerzy Grudzinsky, Đại diện Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát,
cũng nhất trí với phân tích tình hình kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa của Tomasz Pietka nói trên. Trong bản báo cáo đề ngày 27/4/1955,
Grudzinsky coi việc người Công giáo di cư là một trong những vấn đề
lớn nhất đặt ra cho Ủy hội Quốc tế Kiểm soát trong thời gian qua. Ông
nhấn mạnh: “Một vài nhóm cực đoan trong dân chúng ra sức kích động di
cư, phối hợp với cuộc vận động của Giáo hội, của chính quyền Pháp, của
phe Bảo Đại. Tình hình này tiếp tục xấu đi do hạn hán, mất mùa đang đe
dọa vùng Công giáo. Trên lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
80
giáo dân bắt đầu tổ chức những cuộc tập hợp lớn, cả vạn người, yêu cầu
được di cư vào Nam”7.
Từ đây, nhiều người từ Miền Bắc đã bỏ nhà cửa, làng mạc kéo nhau
vào Nam với nhiều phương tiện khác nhau. Khoảng một triệu người đổ
dồn về Hà Nội, Hải Dương, nhiều nhất là ra Hải Phòng chờ phương tiện
vào Nam theo lời hiệu triệu của vị Thủ tướng theo Công giáo Ngô Đình
Diệm và sự bảo trợ vật chất của Hoa Kỳ.
Tính đến ngày 30/6/1955, tổng số đồng bào di cư vào Nam là 810.000
người, trong đó di chuyển bằng tàu thủy: 534.761 người; bằng tàu bay:
213.657 người và bằng các phương tiện khác: 61.582 người. Dưới đây là một
vài số liệu cụ thể về cuộc di cư theo tổng kết của Phủ Tổng ủy di cư tị nạn:
Bảng 1: Tình hình định cư ở Miền Nam (số liệu tính đến tháng
11/1955)8.
Stt Tình hình định cư Số người di cư
1. Đã định cư ở trại 586.129
2. Định cư chưa công nhận 24.400
3. Định cư lẻ tẻ chưa công nhận 140.039
4. Tạm cư 10.920
5. Binh sĩ và gia đình 125.393
Tổng cộng: 886.881
Bảng 2: Tình hình định cư ở Miền Nam phân theo tôn giáo (số liệu
tính đến tháng 11/1955)9.
Stt Tôn giáo Số người
1. Tin Lành 1.041
2. Phật giáo 209.132
3. Công giáo 676.348
Tổng cộng: 886.881
Bảng 3: Tình hình các làng định cư ở Miền Nam phân theo tôn giáo
(số liệu tính đến tháng 11/1955)10.
Stt Tôn giáo Số làng
1. Tin Lành 3
2. Phật giáo 18
3. Công giáo 265
Tổng cộng: 286
Nguyễn Đức Lộc. Cuộc di cư năm 1954 81
81
Tính đến ngày 31/12/1955, số lượng đồng bào di cư là 887.861 người.
Trong đó, số định cư tại Biên Hòa là 130.280 người. Việc định cư ở thời
điểm này đã tạm ổn với 600.177 người trong tổng số 887.861 người11.
Các trại định cư được phân loại thành trại đồng bào thiểu số, trại ngư
nghiệp, trại tiểu công nghệ, trại nông nghiệp (chiếm đa số) và một số ít
trại hỗn hợp.
Theo Võ Tự Do, dân cư Hố Nai đa số là người di cư năm 1954 từ Thái
Bình, Hải Hưng, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh,... Năm
1955, dân số Hố Nai có 40.961 người. Đến năm 1973, con số này lên đến
69.978 người. Như vậy, gần 20 năm sau, dân số địa phương này tăng
thêm 29.017 người.
Bảng 4: Tình hình dân cư tại vùng Hố Nai trước năm 1975 (số liệu
tính đến năm 1973)12.
Năm Dân số Năm Dân số
1955 40.961 1969 57.869
1960 42.300 1970 61.144
1965 45.603 1971 63.926
1966 46.990 1972 65.981
1967 50.326 1973 69.970
1968 55.591
Trước năm 1954, Hố Nai là vùng đất hoang, cây cối um tùm, khí hậu
nóng bức. Nhiều người di cư từ Miền Bắc vào đây do không quen khí hậu
đã sinh bệnh tật, ốm đau, nhất là trẻ con. Nhiều người nhớ quê hương, ôm
con khóc thầm và cắn răng chịu đựng.
Trong giai đoạn đầu, một bộ phận khá lớn người di cư đến cư trú tại
Hố Nai. Đến 1956, nhiều giáo dân từ vùng Hố Nai - Biên Hòa và một vài
nơi tại Sài Gòn di chuyển về vùng Dinh điền Cái Sắn, Gia Kiệm để định
cư. Theo Trần Hữu Hợp, thời kỳ trước khi lập dinh điền 1956, dân cư khu
vực này còn thưa thớt, sống thành từng xóm dọc theo tỉnh lộ 8 và hai bên
bờ kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang13.
Đa số đất đai vùng Cái Sắn khi ấy được nông dân khai phá hoặc địa
chủ chiếm hữu, phát canh thu tô. Nhưng do hệ thống thủy lợi chưa hoàn
chỉnh và ảnh hưởng của chiến tranh, nên nhiều khu đất bị bỏ hoang. Do
đất rộng, người thưa, đồng trũng, nên bà con sạ lúa mùa nổi. Một vài chợ
nhỏ đã hình thành dọc theo trục lộ Cái Sắn. Đồng bào từ các trại tạm cư
được đưa về vùng Cái Sắn trong điều kiện các kênh chưa đào xong, đất
82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
82
chưa cấp, nhà chưa có. Phủ Tổng ủy di cư tị nạn đã cho cất những lán trại
bằng tre lá dọc theo tỉnh lộ 8 để đồng bào ở tạm chờ đào kênh, cấp đất,
dựng nhà. Để cấp phát ruộng đất cho dân di cư, Phủ Tổng ủy di cư tị nạn
đã áp dụng Dụ số 07, ngày 5/2/1955 của chính quyền Sài Gòn, quy định
việc tái canh tác ruộng hoang.
Theo tinh thần của Dụ số 07, điền chủ trong vùng Cái Sắn phải khai
báo diện tích đất xin giữ lại để canh tác, số còn lại bán cho chính phủ với
giá 500$/1hécta. Chính phủ tạm cấp cho đồng bào di cư mỗi hộ ba hécta
(đất thổ cư và đất canh tác) và một số phương tiện để canh tác. Khi canh
tác có hiệu quả, họ phải trả góp cho chính phủ trong sáu năm, với giá
500$/1hécta.
Ngoài ra, công điền, công thổ trong vùng cũng được tạm cấp cho dân
di cư. Khi được cấp đất, việc cất nhà cho mỗi gia đình được tiến hành (tự
làm, hoặc đổi công, hay thuê mướn). Phủ Tổng ủy di cư tị nạn cung cấp
vật liệu và tài trợ 3.000$ cho việc đắp nền và cất nhà. Cùng với việc cất
nhà, việc đắp đường cũng được làm tập thể. Đất đào lên từ các con kênh
mới được đắp thành những con lộ giao thông dọc theo hai bên bờ kênh
nối liền các thổ cư và nối vùng đồng bào di cư với vùng đồng bào địa
phương14. Dinh điền Cái Sắn được hình thành từ ba đợt chuyển cư với
tổng số 11.500 gia đình, 56.750 giáo dân, cụ thể:
Bảng 5: Tình hình định cư tại Dinh điền Cái Sắn (số liệu tính đến năm
1959)15.
Đợt Năm Thành lập Hộ định cư Khẩu định
cư
Đất cấp
1
2
3
1956
1958
1959
Cái Sắn I
Cái Sắn II
Cái Sắn III
9.000
1.000
1.500
45.000
4.250
7.500
27.153 ha
4.000 ha
4.900 ha
Cộng : 11.500 56.750 35.153 ha
Như vậy, Hố Nai và Cái Sắn là hai khu vực cư trú đông đúc của cộng
đồng người Công giáo ở Miền Bắc di cư vào năm 1954.
Có thể nói, cuộc di cư năm 1954 là một định mệnh lịch sử làm thay
đổi cuộc đời của hàng trăm ngàn người Công giáo Miền Bắc lúc bấy giờ.
Năm tháng trôi qua, định mệnh lịch sử ấy đã trở thành di sản cộng đồng
đối với thế hệ con cháu của họ. Bởi trong quá trình lập xứ, lập làng,
người Công giáo di cư đã mang theo phong tục, tập quán, lối sống của
người Miền Bắc vào việc tổ chức cuộc sống mới trên vùng đất Nam Bộ.
Nguyễn Đức Lộc. Cuộc di cư năm 1954 83
83
Điều này được xem như là sự nhắc nhớ về lịch sử ly hương của cộng
đồng này trong bối cảnh có nhiều thay đổi.
2. Thân phận ly hương
Trong lịch sử Việt Nam, người ta hay nhắc đến các cuộc di cư với các
tính chất và tên gọi khác nhau như Nam tiến, tập kết, di cư. Trong đó,
cuộc di cư năm 1954 có nét đặc thù mang tính lịch sử, nên được nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm. Diệp Đình Hoa cho rằng: “Khái niệm di cư
trong tiếng Việt chỉ dùng để gọi những người từ Bắc vào Nam năm
1954”16.
Người di cư, nhất là những trường hợp di cư đơn lẻ, thường nhanh
chóng thích nghi với điều kiện sống mới. Điều này đồng nghĩa với việc
người di cư sẽ phải bỏ bớt một số giá trị văn hóa, lối sống, chí ít là những
tập tục, thói quen của cộng đồng cũ để hội nhập với điều kiện cuộc sống
mới. Ở một khía cạnh khác, những cộng đồng ly hương (di cư cả cộng
đồng) thường ứng xử phòng vệ, cố kết cộng đồng nhằm giữ gìn giá trị
văn hóa cốt lõi của cộng đồng như một sự phản ứng tự nhiên trong điều
kiện sống mới đầy trắc trở. Cuộc di cư 1954 gieo vào lòng người Công
giáo hai day dứt: trước hết là việc họ phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để
vào Nam đầy trắc trở; thứ hai là chuyến ra đi ấy của họ bị khoác lên mình
màu sắc chính trị, mà lịch sử ngày nay vẫn còn ghi lại như cuộc chia ly
trong một xứ sở.
Trong tâm khảm của người dân Bắc Bộ, chuyến đi năm 1954 là một
định mệnh của bản thân họ và các thế hệ con cháu của họ. Cuộc ra đi này
buộc người Công giáo phải đưa ra lựa chọn khắc nghiệt giữa đức tin tôn
giáo và quê hương làng xóm. Trong các cuộc điền dã ở Hố Nai, chúng tôi
được những người lớn tuổi trong cộng đồng Công giáo nơi đây trao tặng
một số tập sách tự ghi chép về lịch sử cuộc di cư và quá trình định cư của
cộng đồng. Dường như thời khắc cuộc di cư luôn là ký ức khó phai trong
tâm khảm của những giáo dân này:
“Sự kiện tháng 7 năm 1954, mọi người ở các giáo họ xa xôi đã ùn ùn
kéo về nhà xứ như những dòng nước từ con suối nhỏ đổ ra suối cái. Tất
cả họ dừng chân tại nhà xứ để nghỉ ngơi, kiểm tra dân số và nhận thông
báo về cuộc di cư.
Sáng ngày 22 tháng 7 năm 1954, cha chính xứ Đỗ Đức Thụ cùng toàn
thể dân xứ hiệp dâng thánh lễ cuối cùng tại nhà thờ xứ Lai Ổn để xin bình
84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
84
an cho cuộc lữ hành. Sau thánh lễ, cha xứ bùi ngùi lên tiếng từ giã thầy
xứ và những giáo dân ở lại, từ giã ngôi thánh đường thân yêu, từ giã quê
hương yêu dấu là nơi các bậc tổ tiên đang an nghỉ, làm nhiều người mủi
lòng và khóc nức nở.
Đúng 13 giờ cùng ngày, cha xứ dẫn đoàn chiên lên đường, đoàn người lũ
lượt theo nhau, tay xách, nách mang ra đi trong thinh lặng buồn bã. Họ bỏ lại
sau lưng tất cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Hành trang quý
nhất họ mang theo là một niềm tin. Thỉnh thoảng, người ta ngoảnh đầu lại
ngắm nhìn làng xã thân yêu mỗi lúc một xa dần, rồi mất hút”17.
Cuộc ly hương từ cuộc di cư năm 1954 khiến cho người Công giáo liên
tưởng đến thân phận của mình với người Do Thái trong lịch sử. Khi định
cư trên vùng đất mới, họ khắc khoải chọn lựa phương thức sống đầy gian
nan. Họ vừa phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống nơi vùng đất
mới, vừa phải thiết lập lại cấu trúc làng xã cổ truyền phù hợp với các giá trị
đạo đức, phong tục tập quán của những người cùng quê quán để tồn tại.
Qua đó, họ có điều kiện bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống nơi quê nhà,
cùng nhau gắn bó, giúp nhau trong thân phận dân ngụ cư.
Từ đây, quá trình tái cấu trúc cộng đồng làng xã truyền thống Đồng
bằng Bắc Bộ nơi vùng đất Nam Bộ đã diễn ra. Nhà thờ được xây dựng
trước tiên. Đối với người ly hương, thần linh là đối tượng mà họ có thể
nương nhờ, cầu mong sự chở che trong lúc gian nan. Do vậy, trong
những ngày đầu định cư trên vùng đất mới, mặc dù còn phải lo cuộc sống
gia đình, nhưng hầu hết giáo dân rất nhiệt thành tham gia vào việc xây
dựng nhà thờ của giáo xứ.
Công việc được phân chia cho các giáo họ tùy theo số giáo dân nhiều
hay ít. Các thanh niên, trung niên khỏe mạnh rủ nhau vào rừng, xuống
khe tìm những cây gỗ tốt và đủ kích cỡ. Việc đưa được một cột từ dưới
khe lên mặt đồi thật là vất vả, sau đó mới hò nhau khiêng về. Ở nhà đã có
sẵn toán thợ lành nghề đẽo gọt, bào nhẵn từng cây rồi cưa cắt, đục mộng.
Những người kém sức khoẻ hơn thì ở nhà tham gia công việc nhẹ.
Ngày cất nhà thờ là một ngày hội, người khoẻ mạnh đều đến tham gia,
nét mặt ai nấy hết sức vui mừng. Theo lệnh của thợ cả, từng vì được cất
lên trong tiếng reo hò, chẳng mấy chốc bộ khung nhà thờ được dựng lên
sừng sững, hiên ngang giữa bầu trời18.
Nguyễn Đức Lộc. Cuộc di cư năm 1954 85
85
Ở vùng đất mới, người Công giáo phải tạo dựng rất nhiều thứ mới từ
vốn liếng văn hóa mang theo. Điều này có lẽ tạo tiền đề thuận lợi cho
việc hình thành bản sắc cộng đồng. Hệ thống tổ chức, quản lý giáo xứ
theo mô hình làng xã Miền Bắc truyền thống được tái tạo và có tác động
nhất định đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
Có thể nói, nó là chất keo gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với
nhau, góp phần hiện thực hóa các chương trình phát triển cộng đồng.
Tóm lại, cuộc di cư năm 1954 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối
với một bộ phận người Công giáo. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là
cuộc di cư cơ giới mà còn là cuộc di cư về văn hóa. Theo thời gian, người
Công giáo di cư đã hình thành những đặc trưng cộng đồng truyền thống.
Đây là một trong những đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Cách tổ chức và
sinh hoạt trong khuôn khổ làng xã đã tạo một sợi dây vô hình ràng buộc
mọi người trong cộng đồng. Tinh thần cộng đồng đã phát khởi và được
nuôi dưỡng. Ngày nay, khi đến các khu vực tập trung đông người Công
giáo di cư như: Hố Nai, Gia Kiệm, Cái Sắn chúng ta thấy, tên gọi các
giáo xứ tương ứng với tên các làng gốc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chẳng
hạn: Ngọc Đồng, Kẻ Sặt, Lai Ổn, Ngô Xá, nhất là tên một số đơn vị
dân cư như khu phố, ấp tương đương với tên các giáo xứ. Bởi vậy, nhiều
người không phải là tín đồ Công giáo khi gặp gỡ cư dân vùng Hố Nai,
Gia Kiệm, Cái Sắn đều hỏi: “Anh/chị là người Công giáo hả?”. Có vẻ
như đây là sự mặc nhiên, vì đa số cư dân sinh sống trong các khu vực này
là người Công giáo. Trong khi đó, những người từng biết nhau là giáo
dân thường đặt hỏi câu hỏi ở mức độ sâu hơn “Anh/chị thuộc xứ nào?”,
ngầm muốn biết thêm thông tin về quê gốc của họ. Cách nói vắn tắt dùng
từ “xứ ” thay vì “giáo xứ” cũng là cách nói phổ biến trong giao tiếp hằng
ngày của người Công giáo di cư. Điều này càng thể hiện sự phân định
một cách rõ ràng về tính địa phương, vùng miền của cộng đồng Công
giáo di cư. Vì vậy, các cụm từ “người Bắc di cư” hay “người Bắc 54”
được ngầm hiểu là người Công giáo di cư vào Nam Bộ năm 1954 như
một bản sắc riêng biệt của cộng đồng này./.
CHÚ THÍCH:
1 Kế hoạch di cư Bắc Việt 1954, hồ sơ số 14613, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
2 Dẫn theo Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư
liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956)”, Nghiên cứu & Thảo luận - Thời Đại Mới, số 4.
86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
86
3 Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ
Ba Lan (1954-1956)”, bđd.
4 Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ
Ba Lan (1954-1956)”, bđd.
5 Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ
Ba Lan (1954-1956)”, bđd.
6 Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ
Ba Lan (1954-1956)”, bđd.
7 Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ
Ba Lan (1954-1956)”, bđd.
8 Hồ sơ về hoạt động của Phủ Tổng ủy di cư tị nạn năm 1955, hồ sơ số 4042,
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
9 Hồ sơ về hoạt động của Phủ Tổng ủy di cư tị nạn năm 1955, tlđd.
10 Hồ sơ về hoạt động của Phủ Tổng ủy di cư tị nạn năm 1955, tlđd.
11 Trong số 887.861 người, ngoại trừ 125.393 binh sĩ và gia đình của họ do Bộ
Quốc phòng đảm nhiệm, 762.408 người do Phủ Tổng ủy di cư phụ trách, thì hơn
80% được định cư trong các trại chính thức, còn gần 20% tự định cư và 734
người tạm trú trong các trại tiếp cư.
12 Hiện nay, số lượng người di cư năm 1954, trong đó có số lượng người Công
giáo, chưa thống nhất. Theo số liệu của Phủ Tổng ủy di cư, tính đến đầu tháng
9/1956, số người di cư là 887.917. Theo William J.Tater, trong Land in Tenure
in Viet Nam, tháng 10/1967, thì có 888.503 người di cư, v.v... Tuy thế, các số
liệu này đều phản ánh bối cảnh người di cư ồ ạt lúc bấy giờ.
13 Võ Tự Do (1974), Công cuộc phát triển cộng đồng tại Hố Nai, Luận văn tốt
nghiệp Trường Quốc gia Hành chánh.
14 Trần Hữu Hợp (2000), Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng Công giáo
người Việt vùng Cái Sắn từ năm 1956 - 1975, Luận văn cao học, Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ.
15 Trần Hữu Hợp (2000), Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng Công giáo
người Việt vùng Cái Sắn từ năm 1956 - 1975, tlđd: 19.
16 Trần Hữu Hợp (2000), Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng Công giáo
người Việt vùng Cái Sắn từ năm 1956 - 1975, tlđd: 20.
17 Diệp Đình Hoa (2001), Lịch sử văn hóa làng Tân Biên, Báo cáo nghiệm thu đề
tài nghiên cứu khoa học Bảo tàng tỉnh Đồng Nai: 21.
18 Đinh Đức Khương (2011), Kỷ yếu Giáo xứ Lai Ổn: 50 năm hồng ân (1957 -
2007), lưu hành nội bộ: 14.
19 Đinh Đức Khương (2011), Kỷ yếu Giáo xứ Lai Ổn: 50 năm hồng ân (1957 -
2007), tlđd: 18.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2008), Một số vấn đề nghiên cứu Công giáo,
Nxb. Tôn giáo - Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
Nguyễn Đức Lộc. Cuộc di cư năm 1954 87
87
2. Peter Hansen (2009), “Dân Công giáo tị nạn từ Miền Bắc vào Miền Nam và vai
trò của họ tại Cộng hòa Miền Nam, 1954 - 1959”, Vietnamese Studies, volume 4,
issue 3, Califorlia, USA.
3. Trần Hữu Hợp (2005), Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng Công giáo
người Việt vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Luận án tiến sĩ, Viện Khoa học xã
hội vùng Nam Bộ.
4. Đỗ Quang Hưng (1990), Một số vấn đề về lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam,
Nxb. Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hà Nội.
5. Nguyễn Quang Hưng (2004), “Vài nét về cuộc di cư của giáo dân Bắc Kỳ sau
Hiệp định Giơnevơ năm 1954”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 6.
6. Đinh Đức Khương (2011), Kỷ yếu Giáo xứ Lai Ổn: 50 năm hồng ân (1957 -
2007), lưu hành nội bộ.
7. Nguyễn Đức Lộc (2008), Cấu trúc cộng đồng Công giáo di cư năm 1954 tại
Nam Bộ (Nghiên cứu trường hợp Hố Nai - Đồng Nai và Cái Sắn - Cần Thơ,
Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Trần Thị Liên (2005), “Vấn đề Công giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ
Ba Lan (1954-1956)”, Nghiên cứu & Thảo luận - Thời Đại Mới, số 4.
9. Bùi Đức Sinh (1994), Lịch sử Giáo hội Công giáo, Chân lý xuất bản, Sài Gòn.
10. Steven Vertovec (2000), “Religion and Diaspora”, tham luận tại Hội thảo New
Landcapes of Religion in the West, Đại học Oxford.
Abstract
WHETHER OR NOT THE EMIGRATION IN 1954 WAS A
DESTINY OF THE CATHOLICS IN NORTHERN VIETNAM
The article mentioned the historical event in 1954 through the
migration took place on the scale of the whole village, from the original
villages in the North to the villages settled in the South. Besides, the
article indicated the insider's experience of the woeful and majestic
emigration.
Key words: Catholicism, the emigration in 1954, Hố Nai, Cái Sắn,
Gia Kiệm.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25219_84464_1_pb_303.pdf