Nghiên cứu tôn giáo - Đại sư khuông việt với nền ngoại giao đại việt buổi đầu độc lập

Phong cách ngoại giao của Đại sư Khuông Việt là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự uyên thâm của Nho giáo và sự tự tại của Phật giáo. Thật đáng kính biết bao trước một nhà ngoại giao trí dũng vẹn toàn như thế. Trí ở chỗ tinh thông Nho học, hiểu biết tường tận địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của Trung Quốc cũng như của Đại Việt. Dũng ở chỗ vượt qua mọi khó khăn, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, dám đề xuất những điều có lợi cho dân, cho nước, kiên quyết chống lại những hành động đe dọa Tổ quốc. Những phẩm chất ấy, phong cách ngoại giao ấy của Đại sư Khuông Việt là những bài học cần thiết và còn nguyên giá trị cho nhà ngoại giao nước ta ngày nay./

pdf9 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 559 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Đại sư khuông việt với nền ngoại giao đại việt buổi đầu độc lập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 – 2014 51 NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH* ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT VỚI NỀN NGOẠI GIAO ĐẠI VIỆT BUỔI ĐẦU ĐỘC LẬP Tóm tắt: Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê ra sức củng cố nền độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Để làm được điều đó, trong suốt buổi đầu độc lập, các triều đại phong kiến Đại Việt đặc biệt coi trọng mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Hoạt động ngoại giao của Đại Việt khi ấy dựa vào những người tinh thông địa lý, lịch sử, văn học, tài năng mẫn tiệp, ứng đối nhanh trí. Tăng thống Ngô Chân Lưu, hiệu Khuông Việt, là một trong số những trí thức tiêu biểu ấy. Ông được biết đến không chỉ là một danh tăng, mà còn là một nhà ngoại giao trí dũng song toàn. Vậy điều gì đã hun đúc nên phong cách ngoại giao mẫn tiệp ở Đại sư Khuông Việt? Ông có đóng góp gì đối với nền ngoại giao nước nhà buổi đầu độc lập? Đó là những vấn đề trọng tâm mà bài viết này muốn làm sáng rõ. Từ khóa: Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, ngoại giao, triều Ngô, triều Đinh, triều Tiền Lê. 1. Bối cảnh lịch sử tác động đến đường lối, phong cách ngoại giao của Đại sư Không Việt Đại sư Khuông Việt tên thật là Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lỵ1, huyện Thường Lạc, là dòng dõi Ngô Thuấn Đế2. Thuở nhỏ, ông đã có diện mạo khôi ngô, khí phách hiên ngang khác thường. Ông theo Nho học từ nhỏ, lớn lên lại theo Phật giáo, được Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc nhận làm đệ tử. Bởi vậy, ông không chỉ am hiểu Nho học, tinh thông chữ Hán, mà còn hiểu rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chỉ Thiền học. Điều này góp phần làm nên sự kết hợp đặc biệt giữa sự thâm thúy của một nhà nho trác kiệt và sự ung dung tự tại của một nhà sư trong phong cách Đại sư Khuông Việt. * ThS., Đại học Sư phạm Hà Nội. 52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 52 Theo Thiền Uyển tập anh, Đại sư Khuông Việt sinh năm 933 và mất năm 10113. Nghĩa là, ông sinh ra ngay trước những năm đất nước ta thoát khỏi 1.000 năm Bắc thuộc, chứng kiến đất nước độc lập, tự chủ dưới sự lãnh đạo của các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê và viên tịch khi vương triều Lý thành lập được hai năm. Trong khoảng gần 80 năm ấy, lịch sử dân tộc buổi đầu độc lập với biết bao khó khăn, thử thách đã hun đúc trong ông đường hướng, phong cách ngoại giao của riêng mình. Sau chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, lịch sử nước ta chuyển sang một trang mới, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập dài lâu. Từ đây, mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt với Trung Quốc mới chính thức được mở ra. Sau khi giành độc lập dân tộc, nhu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt với Trung Quốc, tránh chiến tranh giữa hai nước, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước là vô cùng cần thiết. Trong khi đó, để duy trì địa vị thống trị và trấn áp sự chống đối liên tục từ phía nhân dân trong nước cũng như các nước Kim, Liêu, Hạ ở phía bắc, chính quyền phong kiến Trung Hoa đã liên tiếp dùng vũ lực để trấn áp các quốc gia xung quanh, trong đó có nước ta. Vì thế, ngay trong buổi đầu độc lập, quan hệ giữa Đại Việt và Trung Quốc nhiều lúc bị gián đoạn. Thực hiện đường lối ngoại giao mềm mỏng và ngoan cường là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đè nặng lên vai các triều đại phong kiến Đại Việt, với tư cách là một nước nhỏ luôn phải đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Trong quan hệ bang giao với Trung Quốc, ngoài những lễ nghi như triều cống theo lệ, xin phong vương, báo tang, chúc mừng Thiên tử lên ngôi, các nhà ngoại giao Đại Việt còn phải điều đình việc các biên thần của Trung Hoa lấn chiếm đất đai vùng biên giới, giải quyết hậu quả của chiến tranh giữa hai nước và nhiều việc lớn khác liên quan đến an nguy của đất nước. Trong bối cảnh buổi đầu độc lập, các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, cũng như các triều đại Lý, Trần sau này, đã dựa vào những trí thức đại diện cho nước Đại Việt văn hiến giao thiệp với Trung Quốc. Những trí thức ấy là ai khi mà trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc trước đó, người Hán luôn hạn chế đào tạo trí thức người Việt? Trong hoàn cảnh ấy, Phật giáo đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo ra một tầng lớp trí thức Việt đầu tiên. Họ tinh thông địa lý, lịch sử, văn Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Đại sư Khuông Việt 53 53 hóa và am hiểu Nho học. Chính sự nô dịch hà khắc của chính quyền đô hộ thời Bắc thuộc và nhu cầu bức thiết khẳng định chủ quyền quốc gia sau khi giành độc lập đã gián tiếp hun đúc ở các tăng sĩ Việt Nam ý thức dân tộc mạnh mẽ. Thêm vào đó, tinh thần nhập thế tích cực vốn có của Phật giáo càng thôi thúc họ phải giúp dân, giúp nước. Từ đây, họ không chỉ cống hiến tài năng trong việc xây đắp nền văn hóa dân tộc, mà còn luôn sát cánh cùng quân dân Đại Việt trong mọi hoạt động đối nội cũng như đối ngoại. Thiền sư Ngô Chân Lưu là một trong số đó. Ông là người đã thành công trong việc tiếp nối truyền thống ngoại giao của ông cha và nâng lên ở một tầm cao mới trong bối cảnh lịch sử đầy thử thách. 2. Đóng góp của Đại sư Khuông Việt cho nền ngoại giao Đại Việt trong buổi đầu độc lập Bằng tài năng và sự thông tuệ, Đại sư Khuông Việt đã chinh phục được các vị vua đứng đầu đất nước buổi đầu độc lập. Năm 40 tuổi, tài năng mẫn tiệp của ông đã vang dội đến triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng liền vời ông vào cung hỏi Phật pháp. Khâm phục trước tài ứng đối rành mạch, giảng luận tinh tường, nhà vua phong cho ông chức Tăng thống. Hai năm sau (971), vua tiếp tục ban phong cho ông tước Khuông Việt4, giữ lại tu hành ở kinh đô để tiện hỏi han, bàn luận việc nước. Từ đây, ông không chỉ chăm lo tu hành, giảng pháp, mà còn nhập thế, coi việc nước cũng là việc đạo. Từ đó, nhân cách của một nhà ngoại giao trí dũng song toàn trong ông có dịp bộc lộ rõ nét. Đối với Đại sư Khuông Việt, muốn khẳng định được vị thế trong quan hệ bang giao với nước ngoài, thì thế nước phải ổn định. Muốn cho thế nước ổn định thì phải thu phục được lòng dân. Nhận thức như vậy, nên Đại sư Khuông Việt luôn tìm cách giúp vua vạch ra đường lối trị nước, ổn định nhân tâm. Ông từng khuyên vua Đinh: “Hoàng thượng nay đã làm vua nên vâng theo lời Phật Tổ dạy: thứ nhất phải như mặt trời soi sáng khắp thế gian; thứ hai phải như mặt đất nuôi dưỡng muôn loài; thứ ba phải như cái cầu không quản khó nhọc đem lưng ra tế độ mọi người; thứ tư phải như cái cân không vì họ hàng thân thích mà nghiêng lệch, không vì kẻ yêu, người ghét mà nặng nhẹ; thứ năm phải như người mẹ hiền, ruột thắt gan mòn nuôi nấng con dân”5. Đây là những lời tâm huyết của một bậc danh tăng vì nước, vì dân. Nó khắc sâu vào tâm trí của các vị vua Đại Việt thời bấy giờ và được hiện thực hóa bằng những đường lối, chính sách cai trị cụ thể. Cũng vì muốn giữ vững thế nước 54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 54 trước nguy cơ xâm lược đang đến gần của phong kiến Phương Bắc, dù được vua Đinh quý trọng, ban phong nhiều ân huệ, nhưng ông vẫn gác tình riêng để ủng hộ Lê Hoàn, người tài đức vẹn toàn lên làm vua, khi cha con vua Đinh ngày càng đi vào con đường hưởng lạc. Sau khi dùng biện pháp đe dọa ngoại giao6 bằng tối hậu thư không thành, tháng 4/981, quân Tống theo ba đường tiến vào xâm lược nước ta. Nhưng trên cả ba đường hành quân, giặc đều bị quân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo tài tình của Lê Hoàn đánh bại. Đúng như dự đoán của Đại sư Khuông Việt, sau thất bại này, nhà Tống buộc phải thông hiếu với triều Lê. Từ năm 982 đến 985, sứ thần hai nước thường qua lại. Đặc biệt, cuối năm 986, vua nhà Tống cho Lý Nhược Chuyết và Lý Giác sang Đại Việt để nhận tù binh và mang sắc của vua nhà Tống phong Lê Hoàn chức Tiết độ sứ7. Hơn ai hết, Đại sư Khuông Việt hiểu rằng, nhà Tống cũng như các triều đại phong kiến Phương Bắc khác chỉ công nhận quan hệ bang giao với nước ta khi không thể nào phủ nhận được sự thất bại về mặt quân sự. Ông cũng hiểu rằng, để độc lập và tự chủ trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trước hết phải khẳng định Đại Việt là một dân tộc có văn hiến lâu đời với những con người học thức và tài năng. Có như thế, Trung Quốc mới từ bỏ thái độ coi thường nước ta. Bởi vậy, năm Đinh Hợi (987), được tin nhà Tống cử sứ giả sang Đại Việt, Đại sư Khuông Việt đã bày tỏ rõ quan điểm với vua Lê rằng: “Hai lần trước, sứ Tống sang thấy triều quan thưa thớt, trong bụng họ không khỏi khinh thường nước Việt thiếu văn tài. Vậy, lần này phải tỏ cho họ biết trong nước mình không hiếm người có học thức và người nước mình khác người nước họ ở chỗ không phải ai cũng học chỉ để ra làm quan”8. Sau đó, ông đã tiến cử Thiền sư Đỗ Thuận làm Giang lệnh9 chở đò đón sứ giả Phương Bắc với lập luận: “Thầy tăng họ Đỗ thông Nho học, tính lại hay nói thơ, nói văn, có thể làm cho sứ Tống giật mình kinh sợ mà bỏ thói kiêu ngạo”10. Thực tiễn lịch sử đã minh chứng hùng hồn cho con mắt tinh tường, sự nhạy cảm tuyệt vời về ngoại giao của Đại sư Khuông Việt. Nhà Lê bố trí cho Lý Giác, sứ thần nhà Tống nổi tiếng vì học vấn uyên thâm, đi trên thuyền của Thiền sư Đỗ Thuận mang danh chủ thuyền, cùng một vài quan lại tham sự vào việc tiếp đón. Trên đường đi, sứ nhà Tống đứng ở mạn thuyền, ngắm cảnh trời mây, sông nước, nhìn thấy hai con ngỗng bơi lội dưới sông liền ngâm hai câu thơ: “Nga nga lưỡng nga nga Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Đại sư Khuông Việt 55 55 Ngưỡng diện hướng thiên gia” (Ngỗng ngỗng, hai một đôi Vươn cổ ngước chân trời). Lái thuyền Đỗ Thuận ngay lập tức ngâm tiếp: “Bạch mao phô lục thủy Hồng trạo bãi thanh ba” (Nước xanh ngời lông trắng Sóng biếc chèo hồng bơi)11. Bốn câu thơ hợp lại thành một bài thơ hay. Sứ thần Lý Giác rất khâm phục và rất ngạc nhiên vì sự thông minh của Đỗ Thuận. Bởi Lý Giác ngâm hai câu thơ có sẵn trong một bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ thời Đường nổi tiếng là Lạc Tân Vương và thay đổi một vài chữ cho phù hợp với cảnh vật lúc ấy. Vậy mà, Đỗ Thuận ngay lập tức đã ngâm tiếp hai câu cuối trong bài thơ của Lạc Tân Vương và cũng thay đổi vài chữ cho thích hợp với hoàn cảnh. Lý Giác rất ngạc nhiên bởi Đỗ Thuận chỉ là một người lái thuyền mà lại tinh thông Nho học và có tài ứng đối vô cùng mẫn tiệp. Qua tài trí của người lái thuyền, chắc hẳn Lý Giác cũng thầm khâm phục văn hiến của Đại Việt. Vậy là mục đích của Đại sư Khuông Việt nhằm “tỏ rõ cho họ biết trong nước mình không hiếm người có học thức và người nước mình khác người nước họ ở chỗ không phải ai cũng học chỉ để làm quan” đã đạt được. Đến lượt mình, trong những lần gặp Lý Giác, Đại sư Khuông Việt tiếp tục khiến cho sứ thần nhà Tống phải khâm phục trước sự tinh thông, am hiểu Nho học. Những câu đối đáp của Đại sư thật thâm thúy khiến Lý Giác nể trọng vô cùng. Một lần, khi Lý Giác tò mò hỏi: “Được biết hồi trai trẻ, Đại sư tinh thông Nho học, nhưng không hiểu vì cớ gì người lại chuyển sang Thiền học?”, “Phật học hơn gì Nho học?”. Đại sư đã trả lời đầy thâm ý: “Hồi lão tăng còn ít tuổi, trên đường tìm thầy học đạo, nghỉ lại chùa Sơn Tĩnh, thấy trên vách đá khắc một bài thơ, xem kỹ mới biết Thẩm Thuyên Kỳ12 sang Nam Việt chơi, nghe tiếng Vô Ngại thường nhân đang tu ở chùa Sơn Tĩnh, Cửu Chân, bèn tìm đến yết kiến. Do cảm phục đạo học cao siêu, đạo hạnh cao vời của Vô Ngại thường nhân, Vân Khanh đại nhân tự xưng là đệ tử, hai thầy trò đàm đạo khá tương đắc. Trước lúc từ biệt, vị đại nho này để lại bài thơ tỏ lòng tôn kính thượng 56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 56 nhân như Đức Phật giáng thế ở cõi Nam Việt vậy”13. Chỉ nói vậy, chắc Lý Giác cũng tự hiểu rằng, đến một bậc đại nho như Thẩm Thuyên Kỳ mà còn ước mong học Phật huống gì là Khuông Việt. Cách đối đáp thâm thúy của Đại sư vừa thể hiện trình độ học vấn tinh thông lại vừa dí dỏm, thông minh, khiến cho sứ thần nhà Tống nổi tiếng tài cao học rộng cũng phải tự suy ngẫm. Khi đón tiếp sứ thần nhà Tống, bên cạnh sự mềm dẻo, Đại sư Khuông Việt cũng tỏ rõ thái độ kiên quyết, dứt khoát trong việc khẳng định sự độc lập bền vững của dân tộc. Câu chuyện sau đây là một minh chứng. “Một lần, khi đón tiếp sứ thần Lý Giác ở vườn chùa Quốc Sư, Lý Giác thấy có một con hươu đang bứt lá. Dù thấy người nhưng vì đã quen nên hươu không chạy. Lý Giác khen ngợi nhà chùa thật từ bi, đến hươu nai cũng tự nhiên như chỗ rừng rậm núi cao của chúng. Khuông Việt không nói gì, từ từ tiến lại gần con vật rồi bất thình lình vung gậy thiên trượng vụt tới tấp. Con vật hoảng sợ kêu rống lên và co cẳng chạy trốn. Khuông Việt nhìn Lý Giác cười hỏi: Ông chánh sứ thấy lão tăng có ác không? Vậy đó! Cái lũ chúng là chúa tham lam. Vì thương nó nên lão tăng mới đánh nó, để nó chừa cái thói xông bừa vào vườn nhà người ta đi! Nếu không, đến khi nó mò vào vườn nhà người khác thì họ không đánh đuổi nó đâu, mà sẽ bắt nó để lột da xẻ thịt! Có phải không ông chánh sư?”14. Lý Giác ắt hẳn hiểu được những điều Đại sư Khuông Việt muốn nói đằng sau câu chuyện của chú hươu kia. Tại sao con hươu đã quen ăn lá vườn chùa lâu rồi mà nay Đại sư lại đánh đuổi nó ngay trước mặt chánh sứ Trung Hoa. Phải chăng ông muốn mượn chuyện đánh đuổi hươu để răn đe, cảnh cáo nhà Tống. Nếu Trung Hoa có ý xâm chiếm đất đai, bờ cõi, thì Đại Việt sẽ kiên quyết đánh trả để bảo vệ nền độc lập. Chắc rằng, Lý Giác chưa thể nào quên được thất bại nặng nề mà nhà Tống phải nếm trải ở Đại Việt cách đấy 5 năm. Dư âm nặng nề của thất bại ấy luôn đè nặng trong lòng Lý Giác mỗi khi lĩnh mệnh đi sứ sang Đại Việt. Lời răn đe đầy kiên quyết nhưng thâm thúy và nhẹ nhàng của Đại sư lần này sẽ lại khắc sâu thêm nỗi ám ảnh khôn nguôi ấy. Đại sư nhắc nhở Lý Giác chính là sự răn đe gián tiếp đối với âm mưu xâm lược thường trực của nhà Tống đương thời. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Đại sư Khuông Việt 57 57 Đứng trước thực trạng biên cương đất nước thường xuyên bị de dọa và nhà Tống luôn mượn tiếng cử sứ thần sang sách phong Đại Việt nhưng thực ra là để dò xét chính sự và đòi cống biếu các vật phẩm quý hiếm, Đại sư Khuông Việt đã mượn lời văn trong bài Tống Vương Lang quy tiễn biệt Lý Giác để bày tỏ rõ sự bất đồng của mình. “Tường quang phong hảo cẩm phàm trương Dao vọng thần tiên phục đế hương Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang Cửu Thiên quy lộ trường Tình thảm thiết, đối ly thương Phan luyến sư tinh lang Nguyện tương thâm ý vị biên cương Phân minh tấu ngã hoàng” (Trời quang gió thuận, buồm gấm căng Xa trông thần tiên trở về trời Muôn trùng non nước lênh đênh trên sóng biếc Đường về chín tầng trời còn dài Tình thảm thiết cất chén chia tay Lòng quyến luyến sứ thần không nỡ. Xin đem thâm ý vì biên cương Tâu rõ ràng lên đức hoàng đế)15. Tiễn biệt Lý Giác mà bài hát lại được soạn theo điệu hát đang thịnh hành ngay trong triều đại của nhà Tống khiến vị sứ thần càng kính nể tài năng và thành ý của Đại sư Khuông Việt cũng như của triều đình Tiền Lê lúc bấy giờ. Đằng sau lời tiễn biệt thiết tha ấy là thâm ý sâu xa mà Đại Việt muốn nhắn gửi đến Trung Hoa. Hai nước nghìn trùng sông núi cách trở, mỗi lần sứ thần qua lại muôn phần vất vả. Chi bằng có việc gì hệ trọng cứ giao thư cho viên quan ở biên giới nhận chuyển về triều. Rõ ràng, thông qua từ khúc tặng tiễn Lý Giác, Đại sư Khuông Việt đã gián tiếp bày tỏ ý muốn bãi bỏ lệ sứ thần mang chiếu thư hay chế sách của Trung Quốc sang Đại Việt, với bao lễ nghi đón rước, tiễn đưa phiền toái. Kết quả là, từ đó, chỉ trong những trường hợp đặc biệt, nhà Tống mới sai sứ thần sang tận kinh đô Hoa Lư. Đại Cồ Việt dưới thời Lê Hoàn theo đó 58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 58 đã giảm bớt được nạn sứ thần Trung Hoa sách nhiễu. Cho đến năm Đinh Dậu (997), Tống Nhân Tông lên ngôi đã ra lệnh bãi bỏ hẳn việc cử sứ thần sang Nam Việt, chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh. Như vậy, bằng phong cách ngoại giao mềm dẻo mà kiên quyết, Đại sư Khuông Việt đã thành công trong việc bãi bỏ nạn sứ thần nhà Tống sang quấy nhiễu nước ta. Đây là một thắng lợi lớn của nền ngoại giao Đại Cồ Việt dưới thời Tiền Lê. Từ đây, một mô thức mới trong việc tiếp đón sứ thần Trung Quốc ra đời, đó là: “Mỗi khi sứ Trung Quốc về nước đều có đưa thơ tiễn tống để khoa trương văn hóa”16, tăng thêm sự tôn trọng quốc thể, đồng thời qua đó mà khuất phục được sứ thần Phương Bắc. 3. Kết luận Phong cách ngoại giao của Đại sư Khuông Việt là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự uyên thâm của Nho giáo và sự tự tại của Phật giáo. Thật đáng kính biết bao trước một nhà ngoại giao trí dũng vẹn toàn như thế. Trí ở chỗ tinh thông Nho học, hiểu biết tường tận địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của Trung Quốc cũng như của Đại Việt. Dũng ở chỗ vượt qua mọi khó khăn, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, dám đề xuất những điều có lợi cho dân, cho nước, kiên quyết chống lại những hành động đe dọa Tổ quốc. Những phẩm chất ấy, phong cách ngoại giao ấy của Đại sư Khuông Việt là những bài học cần thiết và còn nguyên giá trị cho nhà ngoại giao nước ta ngày nay./. CHÚ THÍCH: 1 Cát Lỵ (Cát Lợi) tên hương/ làng thời Lý. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ 1, tờ 8a) chép việc Phạm Hạp bị Lê Hoàn đánh đuổi phải chạy về hương Cát Lỵ ở Bắc Giang. Theo Truyện danh nhân Thanh Hóa (Hoàng Tuấn Phổ chủ biên, Nxb. Thanh Hóa, 1983), Ngô Chân Lưu vốn người Châu Ái. 2 Ngô Thuấn Đế là một thụy hiệu của Ngô Quyền. Theo gia phả họ Ngô, Ngô Chân Lưu (Khuông Việt) là con Ngô Xương Tỷ, cháu Ngô Xương Sắc. 3 Xem thêm Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích (1990), Thiền Uyển tập anh, Nxb. Văn học, Hà Nội: 42. 4 Hai chữ Khuông Việt nghĩa là giúp đỡ, khuông phù nước Việt. 5 Hoàng Tuấn Phổ chủ biên (1983), Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, Nxb. Thanh Hóa: 89. 6 Còn gọi là biện pháp “phạt giao”, tức dùng ngoại giao để bắt người phải hàng phục, phải cống nạp, phải chịu sự thống trị. “Phạt giao” thành công thì không phải vũ trang xâm lược. 7 Thực tế, Lê Hoàn là vua của một nước độc lập, không phải là Tiết độ sứ một địa phương của nước Tống. 8 Hoàng Tuấn Phổ chủ biên (1983), Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, sđd: 98. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Đại sư Khuông Việt 59 59 9 Giang lệnh là người trông coi một khúc sông. 10 Hoàng Tuấn Phổ chủ biên (1983), Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, sđd: 98. 11 Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích (1990), Thiền Uyển tập anh, sđd: 180 - 181. 12 Thẩm Thuyên Kỳ, tự Vân Khanh, đỗ tiến sĩ niên hiệu Tràng An (701 - 704), làm quan đến Tu văn quán học sĩ, nức tiếng thơ hay thời Đường. 13 Hoàng Tuấn Phổ chủ biên (1983), Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, sđd: 101. 14 Hoàng Tuấn Phổ chủ biên (1983), Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, sđd: 102. 15 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961: 178. 16 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, sđd: 178. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961. 2. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội. 3. Nguyễn Thế Long (2005), Bang giao Đại Việt triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Nxb. Văn hóa Thông tin. 4. Khánh Vân Nguyễn Thụy Hòa (1974), Tiểu truyện các thiền sư Việt Nam - phái Vô Ngôn Thông, Nha Tuyên úy Phật giáo, Sài Gòn. 5. Hoàng Tuấn Phổ chủ biên (1983), Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, Nxb. Thanh Hóa. 6. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích (1990), Thiền Uyển tập anh, Nxb. Văn học, Hà Nội. Abstract THE GREAT MONK KHUÔNG VIỆT WITH ĐẠI VIỆT'S DIPLOMACY IN THE EARLY TIME OF INDEPENDENCE After Bạch Đằng victory in 938, the Ngô, Đinh and pre-Lê dynasties strove for consolidating national independence, building and developing the country. To do that, during the early independence, Đại Việt feudal dynasties particularly cared about diplomatic ties with China. Đại Việt diplomatic activities at this time based on masters in geography, history, literature, wise, and extempore quick-minded. The manager of Buddhist activities Ngô Chân Lưu, title Khuông Việt, was one of those typical intellectuals. He was not only a famous monk, but also a diplomat. So what should temper the diplomatic style in the Great Monk Khuông Việt? What has he contributed to the diplomatic of the early Đại Việt independence? That is the key issue that this article would like to do more. Key words: Ngô Chân Lưu, Khuông Việt, diplomat, the dynasties of the Ngô, the Đinh, the pre-Lê.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf24311_81312_1_pb_3968.pdf