Đa thần giáo (Polytheism) là hình thái
tôn giáo điển hình trong xã hội khi loài
người thoát khỏi trạng thái nguyên thủy để
bước vào xã hội chiếm hữu nô lệ. Tôn
giáo được miêu tả khá cụ thể trong thánh
ca Veda của Ấn Độ và huyền thoại Hy
Lạp. Mỗi hiện tượng tự nhiên và xã hội
như mặt trăng, mặt trời, sấm chớp, mưa,
gió, lửa, đại dương, tình yêu, chiến tranh,
chết chóc,v.v đều được gắn cho một vị
thần. Các vị thần được nhân cách hóa
thành những con người cụ thể có nhiệm
vụ trông coi lãnh địa và công việc mà
mình phụ trách. Theo Tylor, đa thần giáo
phản ánh bước phát triển của tư duy nhân
loại, để từ đó thực hiện bước chuyển thần
thánh từ lĩnh vực tự nhiên sang lĩnh vực
xã hội, tức thần thánh hóa các vị hoàng đế
mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình, ở
đây, vua được coi là “Thiên tử”, “thế thiên
hành đạo”, nên mọi thần dân phải một
lòng tuân phục mà không chống đối.
8 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 1064 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Edward Burnett Tylor và nghiên cứu của ông về thuyết vật linh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Edward Burnett Tylor và nghiên cứu của ông
về thuyết vật linh
Lê Công Sự(*)
Tóm tắt: E.B. Tylor (1832-1917) là người tự học mà trở
nên hiểu biết. Cả đời ông cống hiến cho ngành nhân
chủng học và khảo cổ học. Thông qua các cuộc điền dã,
ông đã nghiên cứu văn hóa nguyên thủy, trong đó có
thuyết vật linh - như một hiện tượng đặc biệt giúp người
hiện đại hiểu được nền văn hóa đó. Bài viết trình bày
những nét chính trong tiểu sử của Tylor và nêu bật vai
trò của ông trong nghiên cứu thuyết vật linh, ảnh hưởng
của thuyết này đến sự hình thành các nghi lễ, tín ngưỡng
tôn giáo khác của người nguyên thủy.
Từ khóa: Thuyết vật linh, Bái vật giáo, Thờ ngẫu tượng,
Tuẫn táng, Thờ vật tổ, Đa thần giáo
1. Thuyết vật linh - một cái nhìn chung
từ thần học và triết học (*)
“Animism” chuyển ngữ sang tiếng Việt
thường được hiểu là “thuyết vật linh”, “vật
linh luận”, “vạn vật hữu linh”, “đạo vật
linh”,v.v Tuy chuyển ngữ khác nhau
nhưng cách hiểu khá thống nhất rằng, đây
là quan niệm xuất hiện từ thời nguyên thủy
với hàm ý: không chỉ có con người mà các
đồ vật, cây cối, động vật đều có linh hồn;
từ quan niệm đó xuất hiện “lòng tin vào
linh hồn và thần thánh, coi đó như những
lực lượng tác động đến cuộc sống con
người, của động vật và hiện tượng thế giới
xung quanh” (M.M Rozentan, 1986, tr.663).
(*)
PGS.TS., Giảng viên triết học, trường Đại học
Hà Nội; Email: sulecong@yahoo.com
Từ thời cổ đại, thuyết vật linh đã gây
sự chú ý cho các triết gia, vì đây không
chỉ là một tín ngưỡng dân gian mà còn có
ý nghĩa triết lý sâu sắc về sự tồn tại của
vạn vật trong thế giới, hướng tới trả lời
câu hỏi về mối quan hệ giữa tồn tại và tư
duy. Các triết gia Hy Lạp cổ đại như
Platon, Pythagoras, Heraclitus, Empedocles,
Aristotle, Epicure, Plotin,v.v đều nghiên
cứu và đề cập đến vấn đề quan hệ giữa thể
xác và linh hồn, coi linh hồn như một yếu
tố quan trọng trong sự chuyển hóa đời
sống của thể xác. Theo Aristotle, trong sự
tác động qua lại lẫn nhau, linh hồn là yếu
tố tạo nên sự sống của thể xác, thiếu linh
hồn thể xác không thể sống, khi đó sự vật
chỉ là một tên gọi trống rỗng không có
sinh khí. Ông phân biệt ba dạng linh hồn
4 Th«ng tin Khoa häc x· héi, sè 4.2016
khác nhau để diễn tả cách tổ chức của các
cơ thể sinh vật: Thảo hồn - linh hồn của
các thảo mộc hay cây cỏ, chỉ có chức năng
sống đơn thuần như quang hợp, trao đổi
muối khoáng hay tự dinh dưỡng. Sinh hồn
- linh hồn của của các loài động vật có
cảm giác, biết vận động và có mong
muốn. Nhân hồn - hồn của con người, là
động vật có địa vị cao nhất, tồn tại với tư
cách “động vật chính trị”, vì nó không chỉ
có cảm giác, khát vọng, đam mê mà còn
có cả tư duy và trí tưởng tượng (Xem:
Aristotle, 2006, tr.100). Quan niệm này về
sau được các triết gia cận đại và cận hiện
đại khác nghiên cứu dưới góc độ sử học
tôn giáo, tôn giáo học so sánh, hiện tượng
học tôn giáo, tâm lý học tôn giáo, xã hội
học tôn giáo, nhân loại học tôn giáo, địa lý
học tôn giáo, triết học tôn giáo, thần học
tôn giáo (Xem: Trác Tân Bình, 2007).
Không đi theo lối mòn truyền thống,
bác sĩ nổi danh người Áo Sigmund Freud
đã tiếp cận vấn đề từ góc độ phân tâm học,
trong tác phẩm Vạn vật hữu linh, ma thuật
và quyền năng tối thượng của tư duy ông
cho rằng, “vạn vật hữu linh theo nghĩa hẹp
là luận thuyết về các ý tưởng linh hồn.
Theo nghĩa rộng, nó là học thuyết về
những bản chất tinh thần. Người ta còn
phân biệt vạn vật hữu linh với tính cách là
luận thuyết về sự tái sinh của tự nhiên mà
đối với chúng ta nó tỏ ra không tái sinh và
người ta xếp vạn vật hữu linh và thuyết
thờ cúng tổ tiên (manismus) vào cùng một
hàng. Cái tên vạn vật hữu linh trước kia
vận dụng cho một hệ thống triết học nhất
định, sau đó có lẽ được ý nghĩa như hiện
nay là nhờ E.B. Tylor” (Sigmund Freud,
2006, tr.123). Theo Freud, Tylor có vai trò
lớn không chỉ trong việc khơi dậy thuyết
vật linh nguyên thủy mà còn giải thích nó
thông qua những bằng chứng sinh động
của khảo cổ học, dân tộc học và nhân
chủng học.
2. Thân thế và sự nghiệp E.B. Tylor
E.B. Tylor sinh ngày 2/10/1832 trong
gia đình tín đồ quaker giàu có ở khu ngoại
ô Kamberwell, London. Thân phụ là
Joseph Tylor, một chủ đúc đồng, muốn
con mình kế tục gia nghiệp nên Tylor
không được học đại học như những con
em giàu có khác thời bấy giờ. Nhưng như
một định mệnh, một cuộc gặp mặt không
ngờ với Henry Christy(*) tại châu Mỹ khi
Tylor sang đó điều dưỡng đã làm thay đổi
hoàn toàn cuộc đời ông. Tài năng bẩm
sinh và lòng nhiệt thành khoa học không
bao giờ nguội lạnh đã đưa ông đến đỉnh
vinh quang của Nhân chủng học. Tuy
không có bằng đại học, nhưng ông đã
được phong danh hiệu viện sĩ cao cấp, làm
thành viên của Hội Hoàng gia Anh (Royal
Society) năm 1871, được trao bằng Tiến sĩ
danh dự Đại học Oxford năm 1875, trở
thành giáo sư đại học ngành nhân loại học
ở Đại học Oxford từ năm 1896 đến 1909.
Trở lại cuộc gặp như đã nói trên, chủ
ngân hàng Henry Christy là một người
giàu có, thích đi điền giã, tổ chức nhiều
cuộc khai quật, nhiều chuyến du hành sưu
tầm di chỉ người cổ. Sở thích này của
Henry đã đánh thức tài năng bẩm sinh và
niềm hứng thú tìm tòi ở chàng Tylor trẻ
tuổi, họ đã tiến hành nhiều chuyến điền
giã, nhiều cuộc khai quật, sự hợp tác này
chỉ chấm dứt khi Henry mất. Năm 1857,
sau khi trở về từ châu Mỹ, Tylor kết hôn
với một phụ nữ Anh giàu có. Cuộc hôn
nhân đã tạo tiền đề kinh tế cho ông có thể
đi xa trên con đường nghiên cứu, ông học
một số ngôn ngữ châu Âu, tiến hành nhiều
cuộc hành trình khắp châu Âu, châu Phi,
(*)
Henry Christy (1810-1865) - Giám đốc London
Joint-Stock Bank, người say mê sưu tập các di chỉ
người cổ đại và đã cống hiến cho Bristish Museum
nhiều cổ vật quý giá về văn hóa nguyên thủy.
Edward Burnett Tylor vµ nghiªn cøu 5
châu Úc và châu Mỹ. Kết quả là ông đã
công bố gần 250 công trình về nhân chủng
học, điển hình trong số đó là cuốn
Anahuak, or Mexico and the Mexicans,
Ancient and Modern (Anahuak, hay
Mexico và người Mexico cổ đại và hiện
đại) xuất bản năm 1861, là thành quả của
chuyến du hành và du khảo quanh xứ
Mexico năm 1856, khơi gợi nhiều hướng
nghiên cứu về văn hóa tộc người. Bốn
năm sau (1865), Tylor tập hợp một số
tiểu luận thành cuốn Researches into the
Early History of Mankind and the
Development of Civilization (Những
nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử nhân
loại thời kỳ đầu). Trong đó ông cho rằng,
lịch sử văn hóa là sự tiến bộ không ngừng
từ trạng thái hoang dã nguyên thủy đến
văn minh hiện đại.
Năm 1871, Tylor ra mắt độc giả công
trình Primitive Culture (Văn hóa nguyên
thủy) gồm 2 tập. Tập đầu Origins of
Culture (Nguồn gốc của văn hóa) nghiên
cứu về nhiều lĩnh vực nhân loại học như
sự tiến hóa xã hội, ngôn ngữ học và huyền
thoại. Tập hai Religion in Primitive
Culture (Tôn giáo nguyên thủy) dành
phần lớn số trang cho việc luận giải sự
hình thành và phát triển của thuyết vật
linh. Cuốn Anthropology (Nhân loại học)
xuất bản năm 1881 như một văn bản tổng
kết những công trình nghiên cứu riêng rẽ
của ông trong khoảng mười năm trước đó,
đồng thời bổ sung cho cuốn Văn hóa
nguyên thủy. Cuốn sách không chỉ bàn về
nguồn gốc con người mà còn bàn đến sự
phát triển của những yếu tố văn hóa.
Những năm sau 1881, Tylor không đi điền
giã mà tập trung giảng dạy ở các trường
đại học, hoạt động truyền bá khoa học của
ông chỉ ngừng khi thực sự về già và bệnh
tật. Ngày 2/1/1917, tại thị trấn Wellington
xứ Somerset, nước Anh, trái tim nhà nhân
chủng học xuyên hai thế kỷ ngừng đập.
3. Nghiên cứu của E.B. Tylor về
thuyết vật linh
Quan niệm chung về thuyết vật linh
Là một người đã tiến hành nhiều cuộc
điền giã, sống chung với thổ dân châu Phi,
châu Úc, thổ dân các đảo Thái Bình
Dương nhiều năm, với sự nghiên cứu
huyền thoại (myth) một cách căn bản,
Tylor có một cái nhìn về thuyết vật linh
hoàn toàn khác so với các triết gia tiền bối
và đương thời. Ông tiếp cận thuyết vật
linh theo một hệ thống các phương pháp
như thống nhất giữa logic và lịch sử,
phương pháp đối chiếu, so sánh, phương
pháp lịch đại và đồng đại. Nhờ tuân thủ
các phương pháp nghiên cứu khoa học
như vậy mà ông đã đưa đến cho độc giả
một cái nhìn có chiều sâu và toàn diện về
thuyết vật linh. Theo ông, thuyết vật linh
là hình thức tôn giáo nguyên thủy sơ khai
và phổ biến của loài người, nó “là sự thể
hiện bản chất của triết học duy linh đối lập
với triết học duy vật thuận tiện cho việc
giải thích những quan niệm tôn giáo của
loài người Thuyết này có nguồn gốc từ
chủ nghĩa duy linh (spiritualism) - một
học thuyết về những thực thể tâm linh”
(E.B. Tylor, 2001, tr.509). Về cơ bản,
thuyết vật linh được “tách làm hai tín điều
chủ yếu như hai bộ phận của một học
thuyết hoàn chỉnh. Tín điều thứ nhất bao
trùm hồn của những thực thể khác nhau có
thể tiếp tục tồn tại cả sau khi thân thể bị
hủy diệt. Tín điều thứ hai bao trùm những
vị thần được đưa lên trình độ cao của
những vị thần hùng mạnh. Người thờ vật
linh thừa nhận rằng các thực thể tâm linh
cai quản những hiện tượng của tôn giáo
vật chất và sự sống của con người hoặc
ảnh hưởng tới chúng ở đây và sau khi
chết” (E.B. Tylor, 2001, tr.511).
Theo Tylor, thuyết vật linh tuy biểu
hiện khác nhau trong các tộc người, nhưng
6 Th«ng tin Khoa häc x· héi, sè 4.2016
bản chất chung với quan niệm cho rằng,
linh hồn là nguyên nhân sự sống của
muôn vật, muôn loài, do vậy nghiên cứu
thuyết vật linh phải được bắt đầu từ khái
niệm linh hồn. Trên quan điểm Từ nguyên
học (Etymology) - khoa học về nguồn gốc
các từ, Tylor cho rằng, thuật ngữ linh hồn
có trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong
tiếng Phạn, linh hồn được gọi là “Atman”,
trong tiếng Hy Lạp cổ đại gọi là “Psyche”,
còn trong tiếng Latinh gọi là “Anima”.
Thuật ngữ “Anima” trong tiếng Latinh
này được lấy làm quy ước chung để gọi
tên cho thuyết vật linh. Về khái niệm linh
hồn, Tylor viết: “Linh hồn là một hình ảnh
tinh tế phi vật chất của con người, mà về
bản chất nó giống như hơi, không khí hay
bóng đen. Nó là nguyên nhân của sự sống
và của ý tưởng về một thực thể được nó
đem lại sự sống. Nó hoàn toàn và độc lập
chi phối ý thức và ý chí cá nhân của con
người có thân thể trong quá khứ cũng như
trong hiện tại. Nó có thể rời bỏ thân thể và
nhanh chóng đi từ nơi này sang nơi khác.
Tuy phần lớn là không thể sờ thấy được
và nhìn thấy được, nó vẫn bộc lộ một sức
mạnh vật chất và hiện lên với những
người đang ngủ hay đang thức, chủ yếu
như một ảo ảnh, một bóng ma, tách rời
thân thể nhưng giống với nó. Nó có thể
nhập vào thân thể những người khác,
những động vật hay những đồ vật, chi
phối chúng” (E.B. Tylor, 2001, tr.514).
Những khảo sát thực tế qua những
cuộc khai quật, những lần đi điền giã,
cũng như qua việc nghiên cứu tư liệu khoa
học của các học giả khác đưa Tylor đến
quan niệm cho rằng, thuyết vật linh bao
gồm cả tín ngưỡng, những hiện tượng mê
tín dị đoan, những nghi lễ dân gian như
chôn cất, thờ tự người chết. Cơ sở lý luận
của thuyết vật linh dựa trên quan niệm
“con người gồm bốn phần hợp thành:
phách, thể xác, tinh thần, bóng. Bốn phần
ấy được định sẵn cho bốn chỗ: Thể xác
chôn xuống đất, hồn lởn vởn quanh đồi
mộ. Địa ngục đón nhận phách, còn tinh
thần bay lên các vì sao” (E.B. Tylor, 2001,
tr.521).
Theo quan niệm chung của mọi dân
tộc trên thế giới, cuộc sống hay kiếp làm
người ở chốn trần gian của mỗi con người
chỉ là hiện tượng tạm thời, còn kiếp sau,
tức cuộc sống sau khi chết là vĩnh cửu.
Điều này được giải thích với quan niệm
“linh hồn hay tinh thần lìa bỏ thân thể khi
chết có thể ở lại trong mộ, đi phiêu diêu
trên mặt đất, bay trên không hay tới nơi cư
trú thật sự của linh hồn - ở thế giới bên kia
- theo ý muốn của nó” (E.B. Tylor, 2001,
tr.543). Khi siêu thoát, linh hồn tồn tại
dưới nhiều dạng như hơi thở, bóng ma,
thậm chí dưới cả dạng vật chất như một
chất ether bay hơi. Quan niệm này phát
sinh không phải là vô cớ mà có căn cứ
thực tế, đó là việc người ta nhìn thấy hình
ảnh người thân đã chết qua giấc mơ hay
“thị giác kép” mà người Hy Lạp cổ đại gọi
là “thần báo mộng”. Xuất phát từ quan
niệm này “mà có tập quán hết sức phổ
biến là chui những cái lỗ vào vật cứng
(như quan tài, mồ mả) để cho linh hồn đi
qua” (E.B. Tylor, 2001, tr.540). Còn trong
tín ngưỡng người Việt, khi xây mộ, cúng
bái, người ta phải để một lỗ hở, mở cửa để
“linh hồn”, “ma quỷ” có đường siêu thoát
vào nhà “ăn” các đồ cúng.
Những tập quán và mê tín dị đoan
phái sinh từ thuyết vật linh
Trong quan niệm thông thường của
những người tin vào thuyết vật linh, “ma”
(the ghost) là một biểu tượng khá phổ
biến. Ma không chỉ tồn tại trong tâm thức
con người của mọi dân tộc thời đại xa
xưa, mà ngay cả thời hiện đại, đa số con
người vẫn tin có ma. Ma được ví như linh
hồn của người chết hiện về trong thế giới
Edward Burnett Tylor vµ nghiªn cøu 7
hiện tại để phù hộ độ trì hoặc quấy nhiễu
họ (ví dụ hiện tượng trùng tang). Vì tin có
ma, nên phát sinh nhiều tập quán và mê
tín dị đoan tiếp theo như: Tuẫn táng, thờ
cúng người chết bằng thức ăn, đốt vàng
mã, cầu xin ma, trừ tà ma, quan niệm về
đầu thai thành những con vật, quan niệm
tái sinh của các bậc tiền nhân trong các
kiếp hậu duệ, quan niệm “ma xui, quỷ
khiến”,v.v
Tuẫn táng là phong tục chôn cất (thiêu
hỏa) theo người chết (chủ yếu là đối với
những bậc vua chúa, tướng lĩnh, người
giàu có) những người đang sống như vợ,
nô lệ, người hầu, binh lính,v.v để sang
thế giới bên kia còn có người hầu hạ.
Không chỉ có vậy, theo quan niệm “sống
sao, thác vậy”, người ta còn giết, chôn cất
(hay thiêu đốt) theo người chết những con
vật, những tư liệu sản xuất, đồ trang sức,
binh khí,v.v... Do tính bất nhân và sự tốn
kém của nó, về sau các “đồ thật” được
thay bằng các đồ mang tính biểu trưng hay
vật mô phỏng mà người Việt gọi nôm na
là “vàng mã” và hình thành phong tục đốt
vàng mã. “Vàng mã” chủ yếu được làm từ
gỗ, giấy (những chất dễ đốt cháy), hình
thức thật đa dạng như hình nhân thế mạng,
nhà cửa, ngựa, xe, quần áo, dày, dép, mũ
nón, đồ trang sức, tiền bạc,v.v... tùy theo
cuộc sống và sinh hoạt của từng thời
(ngày nay có cả vàng mã đồ điện tử như
xe máy, điện thoại di động,v.v). Đồng
thời với tuẫn táng là việc hiến tế trong lễ
tang. Những người sống, thường là những
người có quan hệ họ hàng hay thân thích
với người đã chết đem “tặng một thứ tài
sản nào đó cho người chết”, và đây “là
một trong những tập quán tôn giáo phổ
biến nhất trên thế giới” (E.B. Tylor, 2001,
tr.569). Lễ vật và hình thức hiến tế tùy
thuộc vào cuộc sống trần tục của cá nhân
và phong tục của từng dân tộc. Theo quan
niệm chung thì việc hiến tế lễ vật cho
người chết cũng có ý nghĩa giống như quà
tặng cho người sống, với mong ước rằng
người chết sẽ có cảm tình mà giúp đỡ mình
trên nguyên tắc “sống khôn, chết thiêng”.
Dựa trên những khảo sát thực tế,
Tylor khẳng định thờ cúng người chết là
một hiện tượng tín ngưỡng phổ biến ở
phương Đông. Người ta đặt một bức vẽ
người chết lên quan tài, mộ chí hoặc bàn
thờ rồi cúng thức ăn, đồ uống (theo
nguyên tắc dương sao, âm vậy) với quan
niệm cuộc sống vẫn tiếp diễn ở thế giới
bên kia. Biểu tượng về thế giới bên kia
cũng là một đề tài khá hấp dẫn của thuyết
vật linh, đó là một thế giới giống như sự
miêu tả của văn hào người Italy - Đantê
trong Thần khúc, ở đó có thưởng điều
thiện và trừng phạt điều ác. Việc thờ cúng
không chỉ giới hạn trong những liên hệ
thân thích (gia tộc) mà còn mở rộng ra
toàn xã hội như thờ cúng các vị anh hùng
có công với nước, các vị thần giúp ích cho
sản xuất, tổ nghề, thành hoàng,v.v
Tylor cũng bỏ khá nhiều công sức nghiên
cứu hiện tượng mê tín dị đoan như ma ám
hay lên đồng, cầu hồn. Ông cho rằng,
“người bị ma ám thường lo lắng và đi lại
hấp tấp, lồng lộn và buồn rầu, như thể ở
bên trong anh ta có một thực thể nào đó
hành hạ mình, anh ta bỗng có những ý
nghĩ và lời lẽ đẹp đẽ vượt quá trình độ
thông thường về năng lực của mình, sai
bảo và tiên đoán tương lai” (E.B. Tylor,
2001, tr.701). Từ quan niệm ma là nguồn
gốc sinh bệnh, làm nên những điềm xấu
mà phát sinh hiện tượng đuổi ma, trừ tà,
cũng từ đây sinh ra những pháp sư, thầy
cúng, thầy phù thủy, thầy địa lý, thầy bói
đóng vai trò trung gian giữa thần và
người, thực hiện chức năng chữa bệnh,
giải hạn, giảm điềm xấu, cầu điều tốt.
Phong tục này tồn tại đến ngày nay, chủ
yếu trong các tộc người ít tiếp xúc với xã
hội văn minh, thiếu phương tiện chữa bệnh.
8 Th«ng tin Khoa häc x· héi, sè 4.2016
Ảnh hưởng thuyết vật linh đến sự hình
thành nghi lễ và hình thái tôn giáo khác
Theo Tylor, thuyết vật linh ảnh hưởng
sâu rộng trong đời sống xã hội, nhiều
phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo và lễ nghi
là sự tiếp nối, biến thái của thuyết này. Ví
dụ như bái vật giáo, thờ ngẫu tượng,
niệm thần chú, thờ vật tổ hay totemism, đa
thần giáo và một số nghi lễ tôn giáo bản
địa khác.
Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử ngôn
ngữ, ông cho rằng, thuật ngữ “Fetishism”
(Bái vật giáo) có nguồn gốc từ tiếng
Latinh “factitius”, mà thuật ngữ “factitius”
lại mượn từ thuật ngữ “feitico” (phù phép)
trong tiếng Bồ Đào Nha. Về sau, người
Pháp và người Anh dịch thành “fetich,
fetish” (bái vật), tức thờ cúng những đồ
vật, cây cối, muông thú và lông, móng
vuốt của chúng,v.v tất cả đều được coi
là vật linh thiêng. Bái vật giáo là căn
nguyên của “thờ ngẫu tượng” và “niệm
thần chú”.
Thờ ngẫu tượng (Idol) là hiện tượng
phổ biến ở Ấn Độ. Ngẫu tượng được làm
từ gỗ, rơm (hình nộm) hay từ đất sét với ý
nghĩa là sự hiện thân của thần thánh trong
đó. Ngẫu tượng cũng có thể là những hiện
tượng tự nhiên như trong quan niệm dân
gian người Việt: “thần cây đa, ma cây đề”.
Theo Tylor, “phần lớn người ta coi ngẫu
tượng như một đối tượng tự nó có thật,
hay như một vật chứa thần thánh” (E.B.
Tylor, 2001, tr.745). Những ngẫu tượng
nhân tạo được đặt lên mộ người chết, ví
dụ phong tục chôn cất người chết ở Tây
Nguyên Việt Nam, trên mồ người chết
người ta cất nhà (nhà mồ), trong nhà đó có
dựng các công cụ lao động như cày, cuốc
và những công cụ lao động phổ biến của
địa phương, ngẫu tượng có thể để trong
nhà (những nơi cao ráo, trang trọng), trên
bàn thờ.
Niệm thần chú (Mantra) là việc người
ta nói các âm thanh có khả năng giao tiếp
với các cảnh giới tâm linh. Các tôn giáo
khác nhau có những câu thần chú không
giống nhau. Trong các câu chuyện cổ,
nhất là trong Nghìn lẻ một đêm (Xem:
Antoine Galland, 2002) thường nhắc đến
hiện tượng niệm thần chú với mục đích sai
khiến tà ma, quỹ dữ không làm việc ác đối
với con người, cầu mong thần thánh trợ
giúp một việc gì đó. Trong tín ngưỡng thờ
cúng tổ tiên của người Việt, những lời nói
của thân chủ trong khi cúng bái cũng có
thể được xem như hình thức biến tướng
của niệm thần chú. Lời cúng, văn tế
thường tuân thủ một nguyên tắc chung là
trước hết nêu tên tuổi, nghề nghiệp, nơi cư
trú của thân chủ, sau đó cầu xin ông bà, tổ
tiên, thần thánh phù hộ độ trì, giúp đỡ
những việc cụ thể nào đó như sức khỏe,
con cái, tiền tài, danh vọng,v.v Tylor
cho rằng, việc niệm kinh trong Phật giáo
(Buddhism), trong Ki Tô giáo
(Christianism) cũng là một hình thức niệm
thần chú, với ý nguyện các bậc thần linh
sẽ giúp đỡ người cầu nguyện thành tâm,
chăm chỉ.
Thờ vật tổ (Totemism) là một hình
thức thần thánh hóa các hiện tượng tự
nhiên. Tylor viết: “Ở các nấc văn hóa
thấp, thường thấy có một thể chế xã hội
được biết dưới cái tên gọi thờ vật tổ
(totemisme). Đối với lịch sử loài người, ý
nghĩa của nó đã được Mac Lenman làm
sáng tỏ. Theo ông, thời kỳ tô-tem (vật tổ)
ban đầu trong lịch sử xã hội có ảnh hưởng
lớn tới đầu óc con người. Một bộ lạc tô-
tem chia thành các thị tộc. Thành viên mỗi
tộc gắn bó với nhau bằng tên gọi một con
vật, một cây hay một vật nào đó, nhưng
phần lớn là một con vật, họ tự gọi mình
bằng tên gọi này và thậm chí còn truy
dòng họ huyền bí của mình từ con vật, cây
hay vật đó Người ta không ăn thịt con
Edward Burnett Tylor vµ nghiªn cøu 9
vật tô-tem của mình, cũng không mặc da
nó, và nếu họ giết con vật để tự vệ thì phải
làm lễ tạ tội” (E.B. Tylor, 2001, tr.803-
807). Việc chọn con vật nào làm vật tổ tùy
thuộc vào từng dân tộc và có nguồn gốc từ
xa xưa thông qua phong tục thờ động vật
và huyền tích xuất xứ của dân tộc đó. Ví
dụ, trong tín ngưỡng dân gian, dựa theo
chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ”,
người Việt lấy chim Lạc làm vật tổ. Từ
câu chuyện này mà người Việt gọi nhau
bằng “đồng bào”, coi mình như là “con
Rồng, cháu Tiên”, những người cùng sinh
ra từ một bọc ban đầu.
Đa thần giáo (Polytheism) là hình thái
tôn giáo điển hình trong xã hội khi loài
người thoát khỏi trạng thái nguyên thủy để
bước vào xã hội chiếm hữu nô lệ. Tôn
giáo được miêu tả khá cụ thể trong thánh
ca Veda của Ấn Độ và huyền thoại Hy
Lạp. Mỗi hiện tượng tự nhiên và xã hội
như mặt trăng, mặt trời, sấm chớp, mưa,
gió, lửa, đại dương, tình yêu, chiến tranh,
chết chóc,v.v đều được gắn cho một vị
thần. Các vị thần được nhân cách hóa
thành những con người cụ thể có nhiệm
vụ trông coi lãnh địa và công việc mà
mình phụ trách. Theo Tylor, đa thần giáo
phản ánh bước phát triển của tư duy nhân
loại, để từ đó thực hiện bước chuyển thần
thánh từ lĩnh vực tự nhiên sang lĩnh vực
xã hội, tức thần thánh hóa các vị hoàng đế
mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình, ở
đây, vua được coi là “Thiên tử”, “thế thiên
hành đạo”, nên mọi thần dân phải một
lòng tuân phục mà không chống đối.
4. Kết luận
Như một hình thái tín ngưỡng sơ khai,
thuyết vật linh hình thành từ thời nguyên
thủy do trình độ nhận thức của con người
thời đó còn hạn chế, cộng với những khó
khăn về đời sống, sự bất lực của con
người trước những lực lượng tự nhiên và
thế lực áp bức xã hội đã làm cho “con
người tha hóa bản chất của mình” (K.
Marx), từ đó bằng “phương pháp nhân
cách hóa bất kỳ mọi vật” (X.A. Tocarev)
đã biến “những lực lượng trần thế thành
những lực lượng siêu trần thế” (F.
Engels). Xét về phương diện lịch sử,
thuyết vật linh “với hình thức này hay
hình thức khác đã có mặt trong tất cả các
tôn giáo, từ những tôn giáo nguyên thủy
cho đến những tôn giáo phát triển nhất
mức độ biểu hiện của những tín ngưỡng
vật linh ở các hình thức tôn giáo khác
nhau, trong các giai đoạn phát triển cũng
không giống nhau không có một tôn
giáo phát triển nào lại có thể thiếu những
biểu tượng vật linh” (X.A. Tocarev, 1994,
tr.37-38).
Trong thời đại ngày nay, điều kiện tự
nhiên đã thay đổi khác xa so với thời
nguyên thủy, những cánh rừng đã được
canh tác và được quy hoạch, có đường cao
tốc xuyên qua, những con sông đã được trị
thủy để tàu bè đi lại, con người đã biết sử
dụng thủy lưu để làm thủy điện. Ban đêm
bóng tối không còn bao phủ khắp mọi nơi
mà phần lớn đã được thay bằng ánh điện,
làm cho tự nhiên mất đi cái vẻ sợ hãi. Về
vấn đề này, nhà tâm lý học nổi tiếng người
Thụy Sĩ - Carl Gustav Jung đã nói rất
đúng rằng, ngày nay “sấm chớp không
còn là trận lôi đình của Ngọc Hoàng
Thượng đế, sét không còn là khí giới trả
thù của thiên thần, sông không còn có hà
bá, cây không còn có ma, hang đá không
còn có quỷ. Hòn đá, cái cây không còn đối
thoại với người và người ta không trao đổi
tâm tình với nó làm như nó nghe được. Sự
liên lạc giữa con người với thiên nhiên bị
gián đoạn, vì như thế mà biến mất những
sinh lực tâm tình sâu xa được tạo ra bởi
những liên lạc với những biểu tượng của
con người” (Sigmund Freud, 2001,
tr.139). Điều kiện xã hội cũng biến đổi
10 Th«ng tin Khoa häc x· héi, sè 4.2016
khá nhiều, khoa học công nghệ phát triển,
người ta tìm nguyên nhân của những cái
chết bất thường bằng các xét nghiệm y
học, các hiện tượng sấm, chớp, mây mưa,
động đất, núi lửa,v.v... đã được giải thích
bằng kiến thức địa lý, thiên văn. Thời thế
thay đổi căn bản như vậy, song không vì
thế mà thuyết vật linh mất hết ý nghĩa. Cả
về phương diện lý thuyết và thực tế, học
thuyết này vẫn còn hiện diện trong tâm
thức con người, tạo thành những phong
tục tập quán, nghi lễ tôn giáo, góp phần tô
điểm cho sự đa dạng của đời sống tâm
linh nhân loại. Tuy nhiên, nếu không hiểu
rõ bản chất vấn đề, truyền bá và phát triển
thuyết vật linh theo hướng cực đoan, một
chiều thì dễ dẫn đến những ảnh hưởng
xấu, nhất là lãng phí tiền của, mất trật tự
an ninh xã hội, rối loạn tâm lý cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, những luận giải của
Tylor về thuyết vật linh đã góp thêm tiếng
nói khoa học cho chúng ta hiểu sâu hơn về
bản chất đa dạng của đời sống tâm linh -
một lĩnh vực khá phức tạp và nhạy cảm
trong đời sống hiện thực con người, làm
cho đời sống trở nên hấp dẫn và cao
thượng hơn
Tài liệu tham khảo
1. Antoine Galland (2002), Những
chuyện hay nhất trong Nghìn lẻ một
đêm (bản dịch của Vũ Liêm, Đoàn
Doãn), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Aristotle (2006), Về linh hồn, Tuyển
tập các danh tác triết học, Nxb. Văn
hóa thông tin, Hà Nội.
3. Benjamin Jowett (2008), Plato chuyên
khảo, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
4. Trác Tân Bình (2007), Lý giải tôn
giáo, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
5. Carl Gustav Jung (2007), Thăm dò
tiềm thức, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
6. C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn
tập, Tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
7. Đantê (1978), Thần khúc, Nxb. Văn
học, Hà Nội.
8. E.B. Tylor (2001), Văn hóa nguyên
thủy (Huyền Giang dịch), Tạp chí Văn
hóa nghệ thuật xuất bản, Hà Nội.
9. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant
(1997), Từ điển biểu tượng văn hóa
thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
10. M.M. Rozentan (chủ biên, 1986), Từ
điển triết học, Nxb. Tiến bộ, Moskva
(tiếng Nga).
11. Tom Butler - Bowdon (2012), Những
danh tác vượt thời gian của triết học
tâm linh, Nxb. Văn hóa văn nghệ Thành
phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
12. Sigmund Freud (2001), Nguồn gốc của
văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kỵ),
Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
13. Sigmund Freud (2006), Vạn vật hữu
linh, ma thuật và quyền năng tối
thượng của tư duy. In trong: Những vấn
đề nhân học tôn giáo, Nxb. Đà Nẵng,
Đà Nẵng.
14. V.N. Nikolski (2001), Cuộc đời và
hoạt động của Edward Tylor (Lời giới
thiệu cuốn Văn hóa nguyên thủy),
Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hóa
nghệ thuật xuất bản, Hà Nội.
15. Viện nghiên cứu tôn giáo (2004), Về
tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
16. X.A. Tocarev (1994), Các hình thức tôn
giáo sơ khai và sự phát triển của chúng,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26178_87926_1_pb_203.pdf