Nghiên cứu tôn giáo - Giá trị bền vững, tính thánh thiêng của hôn nhân và gia đình công giáo Việt Nam

Giữa hôn nhân và gia đình Công giáo có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại và quy định lẫn nhau. Giá trị bền vững và tính thánh thiêng của hôn nhân và gia đình Công giáo được hình thành trước hết từ kinh sách Công giáo với nội dung căn bản là kính Chúa và yêu người. Đây là cơ sở cho những giá trị của hôn nhân Công giáo Việt Nam tồn tại và phát triển. Tất nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, nó chịu những tác động từ tồn tại xã hội. Điều đó có nghĩa là, nghiên cứu giá trị hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam thực chất là phân tích quan niệm của người Công giáo Việt Nam về hôn nhân và gia đình từ đó hình thành nên các giá trị của nó. Nền tảng thế giới quan và nhân sinh quan Công giáo là cơ sở quan trọng hình thành nên giá trị của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam

pdf9 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 695 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Giá trị bền vững, tính thánh thiêng của hôn nhân và gia đình công giáo Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 – 2014 73 ĐỖ THỊ NGỌC ANH* GIÁ TRỊ BỀN VỮNG, TÍNH THÁNH THIÊNG CỦA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM Tóm tắt: Tôn giáo và văn hóa có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nói đến tôn giáo không thể không nói đến vai trò văn hóa của nó. Công giáo là một tôn giáo lớn có mặt ở Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XVII. Trải qua những thăng trầm trong lịch sử, Công giáo đã bước đầu hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt và ngày càng khẳng định giá trị của tôn giáo này. Bài viết góp phần tìm hiểu một số giá trị cơ bản của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam. Từ khóa: Công giáo, giá trị bền vững, gia đình, hôn nhân, thánh thiêng, Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Mỗi sự vật, hiện tượng có nhiều giá trị khác nhau như giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, giá trị giáo dục,... trong đó có giá trị cơ bản và giá trị không cơ bản. Tổng hợp những giá trị đó sẽ tạo nên giá trị chung của sự vật, hiện tượng. Giá trị của sự vật, hiện tượng được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này tìm hiểu giá trị bền vững của hôn nhân và gia đình Công giáo từ góc độ triết học. Tức là làm rõ cơ sở hình thành cũng như nội dung của giá trị hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam ở khía cạnh đạo đức, văn hóa và tôn giáo. Nghiên cứu Công giáo, hay bất kỳ tôn giáo nào, đều cần nhìn nhận ở ba góc độ: niềm tin tôn giáo, nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo. Giá trị bền vững của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam cũng được biểu hiện ở ba góc độ này. 2. Một số giá trị cơ bản của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam 2.1. Giá trị bền vững của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam * ThS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 74 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 74 Bền vững là một trong những giá trị nổi bật của hôn nhân và gia đình Công giáo, biểu hiện ở nhiều nội dung khác nhau như vợ chồng yêu thương nhau trọn đời, ít ly dị, ít ngoại tình, biết hòa giải, biết kìm chế, sống trách nhiệm với nhau,... Giá trị này được quy định bởi giáo lý và giáo luật Công giáo. Thiên Chúa ấn định mục đích của hôn nhân Công giáo là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau. Vợ chồng đến với nhau do tình yêu mách bảo, rồi kết hôn để cùng nhau nuôi dưỡng và phát triển tình yêu ấy. Câu “Adam không tìm được sự trợ giúp tương hợp” trong Kinh Thánh diễn tả cái thiếu và cái cần của Adam. Thiên Chúa ban cho vạn vật xung quanh, nhưng Adam vẫn thấy tâm hồn trống trải. Để lấp đầy sự trống vắng đó, Thiên Chúa ban Eva cho Adam. Khi Thiên Chúa đưa Eva tới, Adam đã thốt lên sung sướng: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” [St 2, 23]. Lời nói ấy biểu lộ sự hài lòng của Adam khi tìm thấy “trợ tá tương xứng”. Cảm xúc vui mừng, phấn khởi của Adam chứng tỏ, nếu con người tìm thấy cho mình một tình yêu chân chính và đích thực thì đó là niềm hạnh phúc bền chặt và vĩnh cửu. Tình yêu nam nữ sẽ được phát triển thành hôn nhân. Dù là hôn nhân Công giáo hay hôn nhân ngoài Công giáo thì mục đích cũng là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau. Tuy nhiên, để vợ chồng sống với nhau có trách nhiệm suốt đời không phải là dễ, vì nhân vô thập toàn. Bước vào đời sống hôn nhân, không phải vợ chồng nào cũng cảm thấy mọi thứ như mong muốn. Với ý thức kính Chúa, người Công giáo duy trì sự gắn bó vợ chồng và coi đây như một ân sủng được ban tặng. Đó là lý do hôn nhân Công giáo ổn định và ít ly dị hơn so với hôn nhân ngoài Công giáo. Từ mục đích của hôn nhân và gia đình Công giáo nêu trên, Công đồng Vatican II đã đưa ra những lý do cơ bản nhằm phản đối việc ly hôn. Đó là hạnh phúc của lứa đôi, của con cái và của xã hội1. Lý do thứ tư có tính cách thần học được rút ra từ vai trò của Bí tích Hôn phối. Lý luận này chỉ được áp dụng cho các Kitô hữu. Đó là, một khi thành sự và trở thành bí tích thì không thể chia lìa. Chuẩn mực của quan hệ này là sự hợp nhất giữa Chúa Kitô với Hội Thánh. Vì tượng trưng cho mối liên hệ hết sức mật thiết giữa người nam và người nữ, được nối kết trong việc sinh sản và giáo dục con cái, cho nên hôn nhân Công giáo mang tính đơn nhất và bất khả phân ly. Hơn nữa, ngay từ buổi đầu thành hôn, vợ chồng phải có trách nhiệm và bổn phận gìn giữ, bảo vệ và phát triển hạnh phúc lứa đôi. Đỗ Thị Ngọc Anh. Giá trị bền vững 75 75 Như vậy, với người Công giáo, hôn nhân là một ơn gọi cao quý và thánh thiêng. Khi kết hôn thành sự và lĩnh nhận bí tích, thì sợi dây hôn phối không thể tháo gỡ. Qua Bí tích Hối phối, vợ chồng thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, nhờ đó tăng cường sức mạnh và tiếp nhận sự thánh hiến trong các nhiệm vụ và phẩm giá của họ. Người Công giáo quan niệm, tình yêu và hôn nhân là bản năng được Thiên Chúa gieo vào bản tính con người. Thiên Chúa đã dùng quyền năng liên kết bền chặt vợ chồng với nhau để thông truyền sự sống. Vì thế, vợ chồng trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và nuôi dạy con cái là mục đích của hôn nhân Công giáo, cũng là ước vọng tự nhiên của con người. Người Công giáo cho rằng, hôn nhân là một việc trọng đại mang tính thánh thiêng, vì thế phải có quá trình tìm hiểu và chuẩn bị. Sự tìm hiểu bắt đầu thông qua lớp học giáo lý về hôn nhân. Khi đến với nhau, các bạn trẻ được quyền tìm hiểu về người bạn đời của mình với những sinh hoạt của một gia đình Công giáo tương lai. Ngoài ra, trong quá trình học giáo lý, các bạn trẻ Công giáo được trang bị kỹ lưỡng kiến thức về ứng xử trong gia đình, cách khắc phục sai phạm của mình cũng như người bạn đời trong tương lai để cuộc sống gia đình ngày càng hoàn thiện hơn. Hôn nhân và tính dục là vấn đề tất yếu của con người. Vì thế, vấn đề này phải được tìm hiểu và giáo dục một cách căn bản, nghiêm túc. Sự chuẩn bị sớm cho hôn nhân giúp người Công giáo tránh được hiện tượng hôn nhân sét đánh hoặc hôn nhân phi pháp khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Với người Công giáo, hôn nhân là việc vô cùng quan trọng liên quan đến hạnh phúc cả đời. Vì vậy, để bước vào đời sống hôn nhân, trước hết phải có sự nhận thức nghiêm túc và đúng đắn về vấn đề này. Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính là một vợ một chồng và bất khả phân ly. Hai đặc tính này được thiết lập từ sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, đó là biết yêu thương, kết hợp với nhau, sẵn sàng tha thứ khuyết điểm của nhau và sống vì con cái. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới cho phép vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không coi ly hôn là một giải pháp lý tưởng. Ở Việt Nam, tình trạng ly hôn trong vài thập niên gần đây trở thành một vấn đề đáng báo động. Số vụ ly hôn ở Việt Nam tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010. Cấp độ ly hôn gia tăng một cách nhanh chóng. Nhiều lý do được đưa ra cho hiện tượng ly hôn như vô sinh, hiếm muộn, vợ chồng không hợp, 76 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 76 v.v Nhưng một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là mâu thuẫn trong gia đình và ngoại tình ngày càng nhiều. Đồng nghĩa với nó là hiện tượng ly hôn ngày một tăng lên, trong đó có cả người Công giáo. Tuy nhiên, số vụ ly hôn của người Công giáo vẫn ít hơn so với người ngoài Công giáo. Điều này có cơ sở của nó. Một trong mười điều răn của Thiên Chúa là “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta” [Xh 20, 17]; “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” [Mt 5, 28]. Với người Công giáo, lời dạy của Chúa trở thành phương châm và triết lý sống. Vì vậy, họ quan niệm rõ ràng về ý nghĩa cuộc sống cũng như các giá trị đạo đức - xã hội, trong đó có vấn đề hôn nhân. Đặc tính một vợ một chồng và bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo có giá trị văn hóa, đạo đức to lớn trong bối cảnh hiện nay. Người Công giáo quan niệm: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” [Mc 10, 9]. Cho nên, với họ, hôn nhân là một việc trọng đại đòi hỏi đôi nam nữ phải tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài. Vì không có cơ hội tái hôn một khi đã thành sự, nên hôn nhân Công giáo thường được xây dựng trên nền tảng tình yêu chân chính. Điều này khác với kiểu tình yêu sét đánh, tình yêu thực dụng và nạn ngoại tình phổ biến của giới trẻ trong thời kỳ cơ chế thị trường hiện nay. Như vậy, về mặt lý thuyết, đơn nhất và bất khả phân ly là đặc thù của hôn nhân Công giáo. Bởi vì, con người không được tháo gỡ điều mà Thiên Chúa đã nối kết. Nhưng trên thực tế, các vị mục tử phải luôn đương đầu với thực trạng người Công giáo ly dị và tái hôn. Về mặt giáo luật, những người này sống trong tình trạng tội nhân công khai, với hậu quả là không được xưng tội và lĩnh Bí tích Thánh thể. Nhưng về mặt tình cảm, có nên để họ suốt đời sống xa Chúa và Giáo hội hay không? Cho tới nay, giải pháp thường được áp dụng là cố gắng tìm cách tuyên bố giá thú thứ nhất vô hiệu (vì mắc ngăn trở tiêu hôn, thiếu sự ưng thuận, hoặc không tuân theo thể thức). Giải pháp khác là khuyên nhủ họ vẫn chấp nhận sống với nhau. Vậy đâu là giải pháp tốt nhất cho những bế tắc trong hôn nhân? Đây là vấn đề vẫn còn mở ngỏ và là câu hỏi khó cho Giáo hội Công giáo ngày nay. Những quan niệm nêu trên là cơ sở cho các giá trị của hôn nhân và gia đình Công giáo tồn tại và phát triển. Tất nhiên, các giá trị đó thuộc lĩnh Đỗ Thị Ngọc Anh. Giá trị bền vững 77 77 vực ý thức của đời sống con người, nên trong quá trình tồn tại cũng chịu sự chi phối của các quy luật xã hội và tồn tại xã hội. 2.2. Tính thánh thiêng của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam Thánh thiêng cũng là một trong những giá trị tiêu biểu của hôn nhân và gia đình Công giáo. Giá trị này thể hiện chủ yếu thông qua ý thức tôn giáo và các nghi lễ tôn giáo. Cụ thể, tính thánh thiêng trong hôn nhân và gia đình Công giáo thể hiện ở những nội dung sau đây: Thứ nhất, người Công giáo quan niệm, Thiên Chúa tạo ra con người. Cho nên, hôn nhân của con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì quan niệm này, nên quan hệ vợ chồng của người Công giáo thường hài hòa. Khi xảy ra bất trắc, họ cùng nhau tìm ra giải pháp tích cực để duy trì hôn nhân do chính họ lựa chọn và được Thiên Chúa chúc phúc, mà không phải là sự chạy trốn hoặc tìm cách kết thúc. Điều này do hai nguyên nhân chính: Một là, người Công giáo quan niệm, Thiên Chúa luôn theo sát và che chở cho con người. Vì thế, nếu trái ý của Ngài, con người sẽ bị đày xuống Hỏa Ngục. Hai là, việc kết giao giữa người nam và người nữ không phải là một hành vi trần thế thuần tuý, mà do Thiên Chúa tạo dựng. Hôn nhân là một ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban riêng cho Dân Chúa, nên trong cuộc sống hằng ngày, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng người Công giáo luôn hướng tới sự kiện toàn tình yêu và trách nhiệm vợ chồng. Quan niệm này giúp cho hôn nhân của người Công giáo có tính bền vững và ít ly dị. Thứ hai, Giáo hội Công giáo xác định, hôn nhân là một bí tích, vì vậy nó có tính thánh thiêng. Việc cử hành Bí tích Hôn phối trước mặt cộng đoàn giáo dân và do một linh mục điều hành khiến nó trở nên một giao ước vĩnh cửu giữa người nam và người nữ. Người Công giáo tin rằng, khi lĩnh nhận Bí tích Hôn phối một cách chính thức, đôi nam nữ sẽ được chúc phúc yêu thương, chung thủy với nhau suốt đời, trong một giao ước do Chúa Kitô thiết lập. Với người ngoài Công giáo, dưới góc độ pháp lý xã hội, hôn nhân được coi như một bản hợp đồng được pháp luật công nhận ràng buộc hai con người cùng có trách nhiệm về của cải và con cái. Hoạt động hôn nhân và gia đình được pháp luật và xã hội giám sát, giải quyết bằng luật pháp, chỉ hủy bỏ khi hai người ly dị. 78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 78 Đối với người Công giáo, hôn nhân không chỉ là sự tự nguyện giữa người nam và người nữ, được pháp luật công nhận, mà còn phải có sự chứng kiến và công nhận của Chúa qua sự chứng giám là thừa tác viên chính thức của Giáo hội. Đó là lý do để Bí tích Hôn phối trải nghiệm thiêng liêng nhất đối với mỗi cặp vợ chồng muốn gắn kết với nhau ở nhà thờ. Hôn nhân thời nay có nhiều khác biệt so với thời xưa. Một mặt, hôn nhân thời nay là sự kết hợp bình đẳng giữa hai con người, chứ không còn là sự phụ thuộc của người này vào người kia. Mặt khác, hôn nhân thời nay nhiều khi thiếu bền vững, bởi xã hội có lắm thứ chi phối khiến con người cảm thấy lúng túng và mất phương hướng. Tỷ lệ ly hôn cao khiến nhiều trẻ em không được nuôi dạy trong gia đình truyền thống. Tình trạng sinh con ngoài giá thú hay làm mẹ đơn thân đã làm thay đổi nền tảng gia đình. Ngoài ra, hôn nhân ngày càng trở nên phức tạp khi một số quốc gia cho phép kết hôn đồng giới. Nhưng với Giáo hội Công giáo, hôn nhân dường như không thay đổi nhiều. Sự ràng buộc về thể xác và tinh thần trong hôn nhân Công giáo tạo ra những mẫu mực cho một gia đình, làm nền tảng để duy trì mối quan hệ gia đình với xã hội, đặc biệt là Giáo hội. Điều 1056, Bộ Giáo luật 1983 quy định: “Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất bất khả phân ly. Nhờ tính cách bí tích, những đặc tính ấy được kiện toàn trong hôn phối Kitô giáo”2. Do đó, hôn nhân một vợ một chồng là quy luật của Thiên Chúa. Như vậy, hôn phối của người Công giáo không chỉ là một khế ước giữa một người nam và một người nữ tự do kết ước và có giá trị trọn đời, mà còn là một bí tích do Chúa Kitô thiết lập để thánh hiến tình yêu vợ chồng, giúp họ hưởng trọn vẹn hạnh phúc và đảm nhận mọi trách nhiệm của hôn nhân. Đôi nam nữ chỉ là vợ chồng thực sự khi hôn phối của họ được cử hành đúng theo giáo luật. Người Công giáo đặt sự chung thủy và tôn trọng nhau lên hàng đầu. Mỗi người tự nhận ra sai lầm của mình và sẵn sàng tha thứ cho bạn đời. Đây là tiền đề cho gia đình bền vững và hạnh phúc. Thứ ba, người Công giáo quan niệm, gia đình là Hội Thánh tại gia. Bí tích Hôn phối giúp người Công giáo xây dựng gia đình thành một mái ấm hạnh phúc, nơi Thiên Chúa và tình yêu ngự trị. Để xây dựng Hội Thánh thu nhỏ này, gia đình Công giáo được mời gọi sống nếp sống của Hội Thánh. Đối với người Công giáo Việt Nam, nếp sống là sự giao thoa giữa Đỗ Thị Ngọc Anh. Giá trị bền vững 79 79 đức tin tôn giáo và văn hóa dân tộc. Nếp sống của người Công giáo Việt Nam được quy định bởi giáo lý Công giáo và sự tiếp thu nếp sống của dân tộc. Nếp sống đó thể hiện ở mỗi tín đồ, trong gia đình hay ngoài cộng đoàn, là nét văn hóa đặc sắc của người Công giáo Việt Nam, góp phần làm phong phú cho văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước tác động về kinh tế, văn hóa và xã hội của thời đại, nếp sống của người Công giáo đang có những biểu hiện nhạt đạo. Đây là một thực tế mà Giáo hội Công giáo ở nhiều nước trên thế giới gặp phải, trong đó có Giáo hội Công giáo Việt Nam. Thứ tư, người Công giáo quan niệm, hôn nhân gồm phần đạo và phần đời, trong đó phần đạo là quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, sau khi làm xong thủ tục đăng ký kết hôn tại chính quyền, đôi nam nữ cần phải hoàn tất những thủ tục và nghi lễ tôn giáo sau đây: Khi có ý định hôn nhân, hai bên nam nữ đến gặp linh mục. Linh mục giúp hai người làm tờ khai hôn phối, hiểu rõ ý nghĩa của hôn nhân Công giáo, biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu3; học hoặc ôn lại giáo lý hôn nhân cũng như cách sống đức tin trong đời sống hôn nhân và gia đình. Việc chuẩn bị này rất quan trọng để lời cam kết của hai người trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước của họ có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài. Sau khi học hỏi giáo lý hôn nhân, nếu hai bên quyết định kết hôn thì trình cho linh mục bên nữ. Linh mục làm lời rao hôn phối để mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện, xem xét có ngăn trở gì và để ấn định lễ cưới4. Sau cùng là lễ cử hành Bí tích Hôn phối. Buổi lễ này có hai người chứng hôn5 để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận lấy nhau và nhân danh Hội Thánh đón nhận sự bày tỏ ấy. “Vì các bí tích đều liên quan trực tiếp đến Bí tích Thánh thể, nên bình thường Bí tích Hôn phối phải được cử hành trong thánh lễ”6. Nghi thức hôn phối được bắt đầu sau bài Phúc âm và bài giảng, gồm ba phần: Phần một, thẩm vấn đôi tân hôn. Chủ tế lần lượt hỏi cô dâu và chú rể về sự tự do, việc yêu thương, tôn trọng nhau suốt đời và việc đón nhận con cái nhằm giúp đôi tân hôn xác nhận trước mặt mọi người sự ý thức và trưởng thành khi quyết định kết hôn. 80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 80 Phần hai, trao đổi lời thề hứa. Đây là phần chủ yếu của Bí tích Hôn phối. Đôi tân hôn sẽ trao đổi lời thề hứa nhận nhau làm vợ chồng và cam kết chung sống với nhau suốt đời. Phần ba, làm phép và trao nhẫn cưới. Chủ tế làm phép nhẫn, sau đó hai người trao nhẫn cho nhau như dấu chỉ của tình yêu và lòng trung thành. Tiếp đến, đôi tân hôn, hai người chứng hôn và linh mục cùng ký tên vào sổ hôn phối. Sau Kinh Lạy Cha, Hội Thánh cầu Chúa ban ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn để bản thân họ được thánh thiện và hạnh phúc, gia đình họ được hòa thuận và bền vững. Trước khi đám cưới kết thúc, người thân và bạn bè hai bên đọc lời cầu nguyện để chúc phúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc. 3. Kết luận Giữa hôn nhân và gia đình Công giáo có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại và quy định lẫn nhau. Giá trị bền vững và tính thánh thiêng của hôn nhân và gia đình Công giáo được hình thành trước hết từ kinh sách Công giáo với nội dung căn bản là kính Chúa và yêu người. Đây là cơ sở cho những giá trị của hôn nhân Công giáo Việt Nam tồn tại và phát triển. Tất nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, nó chịu những tác động từ tồn tại xã hội. Điều đó có nghĩa là, nghiên cứu giá trị hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam thực chất là phân tích quan niệm của người Công giáo Việt Nam về hôn nhân và gia đình từ đó hình thành nên các giá trị của nó. Nền tảng thế giới quan và nhân sinh quan Công giáo là cơ sở quan trọng hình thành nên giá trị của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam. Nghiên cứu bước đầu về giá trị bền vững, tính thánh thiêng của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng có chức năng kiểm soát hành vi con người. Việc giáo dân thực hành nghiêm túc giáo lý, giáo luật của Hội Thánh tạo nên giá trị Công giáo nói chung, hôn nhân và gia đình Công giáo nói riêng. Giữa văn hóa Công giáo và văn hóa Việt Nam có sự gần gũi, giao thoa nhất định. Theo Ngô Đức Thịnh, hệ giá trị văn hóa Việt Nam gồm “những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói một cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và Đỗ Thị Ngọc Anh. Giá trị bền vững 81 81 nâng cao bản chất người”7. Do đó, chúng ta cần chọn lựa và phát huy những giá trị nhân bản trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa của người Việt Nam hiện nay. Những giá trị hôn nhân và gia đình Công giáo góp phần làm phong phú đời sống văn hóa Việt Nam. Những giá trị đó được biểu hiện ở niềm tin tôn giáo, nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo, tạo nét đặc trưng của hôn nhân và gia đình Công giáo Việt Nam./. CHÚ THÍCH: 1 Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay của Công đồng Vaticano II, số 48. 2 Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983, Điều 1056, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3 Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983, các điều 1063, 1067, sđd. 4 Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983, các điều 1063 - 1070, sđd. 5 Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983, Điều 1108, sđd. 6 Tông huấn về gia đình của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 1981, số 57. 7 Ngô Đức Thịnh (2003), “Một số quan điểm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, Văn học Nghệ thuật, số tháng 7. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay của Công đồng Vaticano II, số 48. 2. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998. 4. Ngô Đức Thịnh (2003), “Một số quan điểm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, Văn học Nghệ thuật, số tháng 7. Abstract SUSTAINABLE VALUE, THE SACREDNESS OF CATHOLICS’ MARRIAGE AND FAMILY IN VIETNAM Religion and culture have a dialectical relation. When mentioning religion, we could not help indicating its cultural role. The Catholicism was propagated in Vietnam in the middle of the 17th century. Through the vicissitudes of history, the Catholicism is initially integrated into Vietnamese cultural life and gradually confirms its value. This article indicated the main values of the Vietnamese Catholics’ marriage and family. Keywords: Sustainable value, sacredness, Vietnamese Catholics’ marriage and family.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25261_84636_1_pb_9725.pdf