Nghiên cứu tôn giáo - Góp phần tìm hiểu khổng giáo ở Việt Nam

Như đã nói, Kinh Dịch được cả Đạo giáo lẫn Khổng giáo đánh giá rất cao. Ngay Khổng Tử cũng tự thán mình có quá ít thời gian chuyên chú Kinh Dịch, ước mong Trời cho thêm vài năm để hiểu hết cuốn kinh này. Kinh Dịch đứng đầu trong Ngũ Kinh, Tứ Thư của Khổng giáo. Từ thời nhà Chu, một mặt Kinh Dịch như là một loại sách chuyên về lý luận siêu hình, mặt khác lại là cẩm nang về bói tướng số. Về cơ bản, hai mặt đó không những không mâu thuẫn với nhau, mà còn bổ sung cho nhau. Kinh Dịch gồm trong đó cách giải thích của tám quẻ đơn hay quẻ ba vạch, tức lấy các vạch liền hay vạch đứt lập thành các Hào (Bát Quái), tức Tiên Thiên Bát Quái, hay như sách Chu Lễ gọi là Kinh Quái, và sáu mươi tư quẻ kép (gồm hai quẻ đơn chồng lên nhau). Quẻ đơn và quẻ kép thể hiện vũ trụ và tất cả những gì tồn tại. Chu Hy, trong lời bàn về Dịch từng nói: “Thái cực (một tên khác của Đạo) sinh Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng; Tứ Tượng sinh Bát Quái; Bát Quái sinh thiện ác, cát hung”. Bát Quái vì vậy là hình của vũ trụ và định mệnh của con người, thể hiện việc cát hung (lành dữ, tốt xấu). Bát Quái không chỉ thể hiện thực tế dưới dạng quẻ, mà còn là thực tại theo quan điểm của người Trung Hoa.

pdf29 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 744 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Góp phần tìm hiểu khổng giáo ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hưng những triều đại ngoại tộc như vậy lại đua nhau Hoa hóa. Uy lực của văn minh Trung Hoa có sức mạnh khó cưỡng. Lúc này, Phật giáo đã giành được những thành công to lớn, song Khổng giáo vẫn là nền tảng cơ bản của văn minh Trung Hoa: các nghi lễ chính, các nho sĩ - quan lại vẫn còn đó. Đây là những yếu tố làm cho xã hội vẫn ổn định dù nằm dưới ách ngoại tộc. Ở những nhà nước Bắc Triều, các bản chú giải kinh của Trịnh Huyền được coi là nền tảng của quan niệm chính thống. Còn ở các nhà nước Nam Triều (mà sử gia đời sau mới coi là những nhà nước hợp pháp, chính thống vì là người Hoa), Khổng giáo phải cạnh tranh với Phật giáo, Đạo giáo, phải nhân nhượng để hậu nho có phần chê trách. Dù vậy, học thuyết của nho sĩ và các nguyên tắc luôn được duy trì. Từ năm 581 đến năm 589, nhà Tùy thống nhất được Trung Quốc. Sự thống nhất này được nuôi dưỡng trong hơn năm trăm năm không bị phá vỡ (trừ cuối nhà Đường đến đầu nhà Bắc Tống (907 - 959). Hoa Bắc về cơ bản do nhà Kim chiếm cứ, từ Hoa Trung trở xuống lại do các triều đại người Hoa kế nhau cai trị mà sử gia đời sau gọi là thời Ngũ Đại. Từ nhà Tùy và nhà Đường, Phật giáo rất thịnh vượng. Một số vua nhà Đường 12 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 thậm chí đã thể chế hóa Phật giáo và chính thức hóa tôn giáo này trong cấu trúc nhà nước. Nhưng dù vậy, Khổng giáo vẫn là học thuyết chính của nhà nước. Đường Thái Tông nhận thấy tình trạng các nho sĩ bị phân rẽ vì phía Bắc theo thuyết của Trịnh Huyền, phía Nam theo thuyết của Vương Túc (nhà Ngụy), Đỗ Dự (nhà Tây Tấn), bèn sai Khổng Dĩnh Đạt, cháu xa đời của Khổng Tử, cùng với các nho sĩ khác chiết chung cả hai loại thuyết Nam Bắc để làm ra Ngũ Kinh chính nghĩa, biến thành tiêu chuẩn cho kẻ thức giả. Một lần nữa, Khổng giáo lại được tái hệ thống hóa, song vẫn còn chưa đủ. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với ý thức xã hội không ngừng tăng, nhất là sau khi Trung Quốc tái thống nhất chính trị từ nhà Đường về sau. Mặt khác, Kinh Dịch, cuốn kinh chuyên bàn về hình nhi thượng học (siêu hình) của cả nho sĩ và đạo sĩ, trở thành môn học bắt buộc từ ngay thời đó cho đến thế kỷ X, lúc nhà Tống bắt đầu. Vào thời nhà Tống, Khổng giáo mới được tạo dựng một cách đầy đủ. Về sau, người ta gọi thời nhà Tống là thời Tam giáo đồng nguyên, có nghĩa lúc ấy Khổng giáo và Phật giáo gặp nhau. Sau những tiến triển riêng rẽ lâu dài, cả hai đều cảm nhận cần cùng nhau lý giải nguyên ủy của vũ trụ, trời đất, vạn vật, con người bằng triết lý thấm đượm tính phổ quát. Tuy nhiên, đó là vấn đề mà Đạo giáo đụng chạm từ lâu, khi mà môn đồ của Khổng giáo còn ít quan tâm. Từ đây về sau, Khổng giáo trình ra những khái niệm như Vô cực hay Thái hư như là nguyên lý đầu tiên, nguyên lý tuyệt đối, được đồng hóa với Đạo qua nguyên tắc Lý để chỉ ra lý do của quy luật hằng thường nằm bên trong của vạn vật, vũ trụ. Không có Lý thì mọi vật không tồn tại. Đại diện hoàn bị cho nền Khổng giáo mới là Chu Hy (hậu Nho gọi là Chu Tử). Ông đã bỏ sức những năm đầu tiên học hỏi Phật giáo và Đạo giáo. Tác phẩm của ông thực sự đạt đỉnh cao của tân Khổng giáo. Theo ông, Lý là vĩnh hằng và tồn tại trước hết, trước cả trời đất. Chính Lý làm cho Khí nhẹ và nâng đỡ Lý. Từ Khí mà sản sinh ra Âm Dương, Âm lặn xuống dưới là Đất, Dương dâng cao là Trời. Âm Dương vừa đối lại vừa hợp trong khoảng không vũ trụ và trong vô hạn mà tạo ra vạn vật muôn loài. Thực ra, tính siêu hình trên đây đề cập đến thuộc về lịch sử hơn là thuộc về triết học. Song cách tư biện và siêu hình đó mở ra con đường phản ánh tôn giáo. Hơn nữa, các kỳ thi tuyển chính tạo cơ sở cho việc lý Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 13 giải Tứ Thư, Ngũ Kinh, đặc biệt là Tứ Thư gồm Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học, trong đó, hai cuốn sau đặc biệt nhấn mạnh về Lễ (Lễ Ký) qua những đoạn ghi chép về sự dâng cúng và các nghi tiết thờ tự cơ bản. Chúng được nêu rất rõ ràng để các nho sĩ nhớ, không những thế còn mang theo tình cảm tôn giáo một cách sâu sắc. Đấy là những khái niệm và quan niệm tôn giáo một cách cơ bản nhất. Bây giờ, chúng ta hãy trở lại xem xét các quan niệm và nghi lễ của Khổng giáo, còn gọi là tôn giáo chính thức, một bộ phận tối quan trọng để xác định tư cách hiện tượng như tôn giáo, để phần nào phân biệt với tôn giáo dân chúng bắt đầu từ thời nhà Hán. Theo lối tiên nghiệm, một tôn giáo chính thức sẽ phải gồm các niềm tin và nghi lễ mang tính chính thức của nhà nước. Các thực hành tôn giáo do hoàng đế và các đại thần khâm sai, quan chức đứng đầu địa phương thực thi. Nhưng cũng có điểm chung giữa tôn giáo chính thức và tôn giáo dân chúng, đó là sự thờ cúng tổ tiên. Đây không còn là đặc quyền của một tầng lớp xã hội nào, là quyền và trách nhiệm của những người chủ gia đình và dòng họ mà theo quy định và tập quán là người đàn ông. Mặt khác, có thể xem đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc xác định Khổng giáo với tư cách là tôn giáo. 3. Các khái niệm và quan niệm cơ bản của tôn giáo chính thức Thiên - Nhân tương dữ: Ý niệm về sự tương thuộc giữa vũ trụ và năng hoạt của nó với hành vi của con người là trung tâm của tôn giáo chính thức. Ý niệm này phát triển từ trước thế kỷ II trước Công nguyên, là vấn đề quan trọng nhất trong những trước tác của Khổng Tử. Ý tưởng diễn giải mối tương thuộc giữa Thiên - Nhân là ý niệm cơ bản của Khổng giáo. Đây là mối quan hệ giữa tự nhiên và đạo lý. Nó được thu gọn vào trong quan niệm Tam Tài, trong đó Thiên che phủ và sản sinh, Địa cưu mang và nuôi dưỡng, còn Nhân là sinh vật duy nhất, trong vạn vật mà Trời sinh, Đất dưỡng, được phú bẩm khả năng suy tư và ý thức. Trong thuyết này, Nhân không phải là con người cá nhân, mà là con người nói chung, con người như một tập thể, được đại diện và thể hiện thông qua vai trò của Hoàng Đế - Thiên Tử, độc nhất, là những niên hiệu và quốc hiệu của các triều đại. Thiên Tử dùng Lễ mà cai trị, người đúng Lễ là người có đức Nhân, đức Nghĩa. Nhân, Nghĩa là những đức cơ bản. Khổng Tử không tiếc lời 14 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 ca tụng Nhân, Nghĩa. Nhân là đầu của các điều thiện (với Thiên đạo là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh; với Nhân đạo là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí), chủ cho sự sinh trời đất. Bằng Nhân, Nghĩa, hoàng đế có sự giao hòa với Trời, và giao hòa lại là kết quả của trật tự tốt đẹp giữa tự nhiên và hành động của con người. Nhân, Nghĩa tối cao là nền tảng và hằng xuyên trong mọi ứng xử của hoàng đế. Đây là điều bắt buộc và ấn định tính chất tôn giáo mạnh mẽ đối với Thiên Tử, thông qua thờ cúng tổ tiên (Lễ Cáo Miếu), các nghi lễ theo mùa, đặc biệt quan trọng trong một quốc gia lấy nông nghiệp làm chính. Bằng hai đức Nhân, Nghĩa này, hoàng đế trở thành người có khả năng làm trung gian giữa Hạ giới và Thiên giới. Hai đức đó của hoàng đế làm cho hình ảnh của ông thật sự sáng ngời trong con mắt người dân. Do đó, hai đức này là của Trời ban theo cách huyền diệu tự nhiên, dẫn dắt đạo đức của người dân cho hài hòa với Trời, đưa đến nền thái bình thịnh trị. Không Tử nói: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển” (Cái đức của người quân tử như gió, cái đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi trên cỏ thì cỏ phải lướt xuống mà theo)2. Trị vì bằng đức Nhân, Nghĩa, hoàng đế có thể làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dù dân có bất mãn cũng không nổi lên. Bằng không, sẽ có điềm báo như hạn hán, lụt lội, mùa màng thất bát, nhân dân lầm than. Kết cục dân không tuân phục, nổi lên phế bỏ ngai vàng. Như thế, hoàng đế là cột trụ của tự nhiên và định mệnh của con người. Thiên Mệnh: Giữa quan niệm Thiên - Nhân tương dữ và quan niệm Thiên Mệnh có mối liên hệ rõ ràng. Hoàng đế, dù lên ngôi bằng chiến tranh, bằng nhường ngôi hay truyền ngôi cũng vậy, theo Mệnh Trời, phải có trách nhiệm cao cả là thiết lập một trật tự tốt đẹp giữa tự nhiên và con người qua chính đạo đức của mình. Với Thiên Mệnh, hoàng đế có một quyền lực vô biên, ở ngôi vị siêu nhiên và tôn giáo đặc biệt. Tuy nhiên, các khuynh hướng tôn giáo trong tư tưởng Trung Hoa cũng có khía cạnh duy lý. Thiên Mệnh không phải là thường trực, mà cũng bị mòn đi như những đức khác của con người theo dòng thời gian. Những người kế vị thường phải phục dựng đạo đức vốn bị xói mòn ở người trước. Trước những dấu hiệu báo trước sự sụp ngôi, sự đấu tranh triều chính, người thắng cuộc sẽ được báo những điềm tốt, được Trời thừa nhận, chiến thắng của người ấy là do Trời định đoạt trước, như người Trung Hoa thường nói. Những hiện tượng tự nhiên bất thường là dấu hiệu Trời nổi Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 15 giận, là sự rút lại Mệnh Trời. Đó là báo hiệu sự kết thúc của triều đại đang trị vì, nhưng lại ban cho người sáng lập triều đại mới mở đầu cho thời kỳ thái bình thịnh trị mới, hòa hợp với Trời. Rất nhiều lần trong lịch sử, nhiều vị vua đã tự trách sự thiếu đức của mình, gây cho nước nhà và người dân đau khổ, kinh sợ, và họ nghĩ là do Trời nổi giận giáng họa. Nhưng cũng diễn ra hiện tượng các triều đại và quan lại - nho sĩ muốn độc quyền trong việc giải thích những bất thường của trời đất theo lợi ích riêng và trừng trị những giải thích không được phép, ghép vào tội hình. Bởi tính tạm thời, ngược lại, Thiên Mệnh còn dẫn đến biện hộ tính hợp pháp cho sự nổi lên của người dân chống lại triều đình sa sút đạo đức. Mạnh Tử nói: “Tặc nhân giả, vị chi tặc, tặc nghĩa giả, vị chi tàn. Tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hỹ, vị văn thí quân dã” (Người làm hại dân gọi là tặc (giặc), người làm hại nghĩa gọi là tàn, người tàn tặc là người không ra gì. Nghe nói giết một thằng Trụ, chưa nghe nói đó là giết vua vậy)3. Đây là lần duy nhất ở Trung Quốc có sự biện hộ cho cuộc nổi dậy của người dân, cho đến thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tính tạm thời của Thiên Mệnh biện hộ cho tính hợp pháp của người sáng lập triều đại mới kể từ nhà Hán, dù người đó có nguồn gốc quý tộc hay không. Người nào có Thiên Mệnh, tức được Trời trao, người đó sẽ lên ngôi hoàng đế. Người dân luôn chấp nhận quan niệm Thiên Mệnh. Quan niệm này thể hiện nền tảng bất biến của tôn giáo nhà nước với quan niệm Thiên - Nhân tương dữ. Thiên, Địa, Nhân: Thiên, Hoàng Thiên Thượng Đế, trong mắt người Trung Hoa là vị thần tối cao, liên quan đến quan niệm Thiên - Nhân tương dữ và Thiên Mệnh. Thiên đứng đầu trong Tam Tài. Chỉ có nhà vua mới được tế Trời. Thiên được tưởng tượng như có hình dạng của người. Tuy nhiên, Thiên được các nho sĩ có khuynh hướng diễn tả như một lực lượng tối cao phi nhân cách hóa. Nho sĩ không thể hiện bằng hình ảnh, mà dùng bài vị khắc các tên gọi tôn kính của Thiên mỗi khi dâng cúng. Song cách thể hiện trừu tượng này không hề là dấu hiệu nói lên ý thức không coi Thiên là vị thần tối cao. Ngay với tổ tiên của nhà vua cũng vậy. Các vị được thờ bằng những bài vị duệ hiệu và được nhìn nhận là nơi chốn linh thiêng của âm hồn hoàng gia (rộng hơn là gia đình quan lại, dân chúng), được xác định một cách đặc biệt. Tinh thần Trung Hoa ít dựa vào việc định nghĩa các phạm trù và chuyên biệt. Thiên là thuật ngữ có 16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 thể dùng để chỉ tự nhiên cũng như thần linh trị vì tự nhiên. Khi nhấn mạnh nghĩa này hay nghĩa kia của thuật ngữ Thiên, cần làm sao cho gần với cách hiểu của người Trung Hoa. Đến nhà Thanh (1644 - 1911), Thiên luôn biểu tượng cho bầu trời bao la điều hòa vũ trụ; xác định đường đi của tinh tú, thời tiết, bốn mùa, định mệnh con người theo một trật tự nội tại, loại trừ cách sắp xếp khác. Khi nhà vua tế đàn Nam Giao (nằm ở phía Nam của Kinh thành), phần lễ nhạc chính là để dâng cho Đấng Tạo Hóa, ca tụng sức mạnh thần linh của Người. Có đến mười tám lần trong Luận Ngữ, từ Thiên được dùng để chỉ cho ý chí, hành vi hay tình cảm. Khi môn đệ Vạn Chương hỏi Mạnh Tử rằng, vua Thuấn có được thiên hạ là do ai? Mạnh Tử trả lời ấy là do Thiên, Thiên không nói, song cứ nhìn hành vi và sự nghiệp thì biết đó là do Thiên làm. Như vậy, tất cả đều do Thiên định đoạt. Địa đứng hàng thứ hai trong Tam Tài, là chốn cưu mang và nuôi dưỡng. Thời Cổ đại, Thổ Thần (gọi là Xã) là vị thần địa phương, hoặc là vị thần của đất ở từng gia đình, từng họ tộc, từng làng hay một phần của làng. Thổ Địa về sau vẫn còn như vậy, tồn tại cho đến nay. Thổ Địa trong thời Cổ đại được sắp đặt trên dưới cho đến bậc cao nhất thờ cúng tại đô ấp của chư hầu và Thiên Tử. Có cả Cốc Thần (gọi là Tắc) mà theo truyền thuyết thì có Hậu Tắc (vua của loài kê, loại cây trồng chính ở phía Bắc Trung Quốc thời Cổ đại) là vị hiền thần giúp việc nông cho vua Thuấn (có người lại cho của vua Nghiêu). Xã Tắc có thể gộp lại là vị thần của đất đai và mùa màng, nhưng cũng có thể tách thành Thổ Thần và Cốc Thần. Tế Thần Xã ở các cấp khác nhau tạo thuận lợi cho sự cố kết đất đai do bản lai của thần. Tế Thần Xã có thể diễn ra vào năm 197 trước Công nguyên, lúc Hán Cao Tổ khai sáng nhà Hán xuống chiếu cho các quận, phủ dâng tế bằng lễ riêng. Đầu đời Đường Thái Tông đã lặp lại như Hán Cao Tổ, nhất định bắt dân chúng tế Thần Xã của các làng, nhưng ông không cho các viên chức đương nhiệm tham gia. Vì vậy, mới có việc thờ cúng của dân chúng trong khuôn khổ của tôn giáo chính thức. Việc phong cho các chư hầu bắt đầu bằng việc treo một hòn đất lấy ở Đàn Xã của Thiên Tử. Đàn Xã có hình kim tự tháp cao trên nền hình vuông. Ngược với quan niệm Trời tròn, Địa được hình dung là vuông. Bốn mặt đàn mang màu của bốn phương: màu xanh ở phía Đông, màu đỏ ở phía Nam, màu trắng ở phía Tây và màu đen ở phía Bắc. Hòn đất Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 17 phong cho chư hầu mới có màu tương ứng với vị trí của nước đó so với kinh đô nhà Chu. Hòn đất ấy thường được cho nhập vào với Đàn Xã của mỗi vua chư hầu. Nhà Hán vẫn giữ lệ này đối với họ hàng thân thuộc và các công thần. Tập quán này kéo đến thế kỷ VII. Năm 113 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế, người có vai trò ra lệnh đầu tiên, cũng là vị hoàng đế đầu tiên cảm nhận được giá trị to lớn của Khổng giáo đối với quyền lực triều đình, đã quyết định thể chế hóa tế Hậu Thổ (vua của đất đai). Từ nhà Chu đến thời của Hán Vũ Đế, các nghi lễ thờ cúng đất, dù nằm trong khuôn khổ của công xã nông thôn nhỏ hay diễn ra ở triều đình của các vua chư hầu, dường như là dâng cho Thần Xã nam giới, cho thấy quan hệ phụ thuộc của người đàn ông gia trưởng với đất đai. Từ Hán Vũ Đế trở đi, Thần Đất đã mang yếu tố nữ (âm) để đối với Trời mang yếu tố nam (dương). Hán Vũ Đế cương quyết theo cách phân chia Âm Dương - Đất Trời kiểu này. Năm 31 trước Công nguyên, theo chỉ dụ, đàn thờ thần Thổ Địa được thiết lập ở phía Bắc của Hoàng thành. Từ đời Thanh, đàn thờ bắt đầu có mái che, nằm ở phía Bắc, ngoài thành Bắc Kinh. Đàn Nam Giao tế Trời nằm ở phía Nam, giống như sự đối xứng âm dương. Đất và Trời ở trong trường hợp này thể hiện rõ sự đối nhau trong định vị. Thờ Thổ Thần gắn rất chặt với thờ tổ tiên. Các sản phẩm đầu mùa ở ruộng vườn của gia đình thường được dâng cúng tổ tiên, là thế lực được coi sẽ bảo đảm cho phong đăng hòa cốc, chống được thiên tai. Đấy là một trong những lý do mà đền thần Hậu Thổ và Thái Miếu cùng có mặt trong Cấm Thành ở Bắc Kinh (đối mặt với nhau). Điều đó chỉ ra mối phụ thuộc chặt chẽ giữa hai loại thờ cúng này và nhắc lại nguồn gốc chung của chúng trong thời tiền sử của xã hội nông nghiệp Trung Hoa. Gắn với thờ đất là thờ Thần Nông, vị thần chuyên việc nông tang của con người. Nhân đứng hàng thứ ba trong Tam Tài, như đã trình bày, không phải là con người cụ thể. Con người cá nhân không tồn tại trong tôn giáo chính thức, chỉ có con người tập thể mà thôi, con người ấy là toàn thể, trừu tượng, thể hiện ra bằng chính con người của vị hoàng đế. Ngoài hoàng đế, còn có những người được đại diện không phải bởi nguồn gốc gia đình, mà bằng sự khôn ngoan, tri thức và thái độ của họ. Những người này cũng tham dự quyền lực thiêng, điều làm cho họ đứng trên xã hội. Đấy là tập đoàn quan lại - Nho sĩ. Tập đoàn này làm thành cái mà kinh sách gọi là Dân, theo cách giải thích của Nho sĩ. Lớp Dân này nhỏ bé so với toàn bộ 18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 quần chúng (ngôn từ cũ gọi là Chúng, tức quảng đại xã hội) trong đế chế, lớp Dân này thống trị toàn bộ bộ máy triều đình. Song cũng chính lớp Dân này có cả quyền đạo đức để nổi dậy, hay ít nhất, dựa vào cuộc nổi dậy, một cách ít nhiều bí mật để chống lại hôn quân, kẻ đánh mất Đức của vị tiên đế khai/ tiền triều. Đám Chúng khổng lồ không có một phần nào tham gia vào bộ máy nhà nước và tôn giáo chính thức. Các nghi lễ do hoàng đế hoặc khâm sai đại thần thực hiện. Đám Chúng chỉ là những người tham gia một cách bị động vào nghi lễ vốn có mục đích đạt được từ sức mạnh siêu nhiên nền thái bình thịnh trị, phong đăng hòa cốc. Một số quan niệm khác: Ngoài hai nguyên lý cơ bản của tôn giáo chính thức là Thiên - Nhân tương dữ và Thiên Mệnh, còn có một số quan niệm là thành phần. Đạo (nghĩa đen là con đường) có một tầm quan trọng thật sự trong toàn bộ tư tưởng tôn giáo và triết học của người Trung Hoa. Đầu tiên, Đạo có thể dùng để chỉ đường đi của Mặt Trời, Mặt Trăng và tinh tú được người nguyên thủy quan sát và định ra. Nói như H. Maspéro, Đạo có thể được coi là “hiện hữu siêu nhiên tối thượng”, là tuyệt đối, có trước cả vĩnh viễn, nguyên ủy tồn tại của mọi hình thức. Đạo là nguyên lý đầu tiên của vạn vật, huyền bí và vô cực, không thể gọi tên. Những tư tưởng này vừa thể hiện một tầng nền của ý thức Trung Hoa và được trình bày đầu tiên bởi các đạo sĩ, đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến Khổng giáo. Trong đó, Đạo trở thành chuyển động của vũ trụ và sáng tạo. Khác với trình bày của Lão Tử về Thiện, Ác thuộc thế giới trên cao, Khổng Tử và môn đồ lại gắn Đạo trước hết với một giá trị đạo đức. Với tư cách là Đạo của nhân quần (Nhân Đạo), thể hiện ra như là con đường mà hoàng đế và triều đình cần dẫn dắt dân chúng đi đến sự hòa hợp với Đạo của trời đất đã thiết lập. Đạo là tinh chất và toàn thể đối với trật tự vũ trụ (Thiên Đế Đạo). Trật tự của quốc gia phải hài hòa với trật tự của vũ trụ. Xuất hiện như tư chất là Đạo của Đức (thường ghép là Đạo Đức), cũng có nghĩa Đạo thể hiện ngay trong thực tế trần gian. Đức là cái biểu hiện của Đạo, nhưng được tượng trưng bằng các hành vi của hoàng đế, người thực hiện Đạo với tư cách con người toàn thể. Các hành vi đó được xác định và định hướng bằng các nghi lễ mà thiếu chúng thì sự hòa hợp với Đạo không thể thực hiện được. Đạo, nguyên lý tự nó, có trước sự tồn tại của mọi vật, của Thiên, Địa, là tổng số của yếu tố vũ trụ hay hai thể Âm và Dương, mà thể này kế tiếp Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 19 thể kia trong một chuyển dịch vô cùng vô tận, không bao giờ lẫn lộn. Cứ kế một Âm rồi lại một Dương, đó là Đạo (nhất âm nhất dương chi vị đạo). Âm là cái, tối, lạnh, co rút, mềm, nghỉ ngơi, cũng là tiêu cực. Dương là đực, sáng, nóng, giãn nở, khôn khéo, cứng, hoạt năng, cũng là tích cực. Đất là Âm, Trời là Dương. Nguyên thủy, Âm được dùng theo nghĩa chỉ sườn núi che phủ râm mát, Dương để chỉ sườn núi được Mặt Trời chiếu sáng. Cũng như quan niệm về Đạo, chắc chắn sự quan sát của nông dân Trung Quốc thời Cổ đại là nguồn gốc hình thành hai quan niệm Âm và Dương. Mỗi yếu tố tư tưởng, đạo đức, thiên nhiên và con người, mỗi thể mỗi vật đều dựa vào sự tồn tại song song vĩnh cửu của Âm và Dương. Người con trai dựa vào cha mình là Âm, người cha có đạo đức cao hơn là Dương, chẳng hạn như vậy. Cố nhiên, người con trai đó chỉ là Âm đối với cha mình. Cũng vậy, hoàng đế là Dương, chủ tể thiên hạ, song lại là Âm đối với tiên đế và Trời. Sự luân phiên Âm, Dương ở chỗ Âm không tăng tiến, tạo thành chuyển động chu kỳ bốn mùa và thời nông tang. Từ tiết Đông Chí, Dương bắt đầu lên để giảm dần vào tiết Hạ Chí, Âm ngày càng dâng cho đến kết thúc, lúc các việc đồng áng ngừng hẳn, đất được nghỉ ngơi bởi những cấm kị. Mùa nông nhàn là mùa của công việc phụ nữ, dệt vải,... ở trong nhà. Lúc này, việc tang lễ, cưới hỏi bị cấm. Mùa Xuân và mùa Hạ là Dương, thời của con người yêu thương và đính hôn, thời lúa màu nảy mầm và sinh sản cho đến khi gặt hái, cũng là thời tham dự chiến trận theo binh thư. Mùa Thu và mùa Đông là Âm. Mùa Thu, theo điển lễ cổ, Thiên Tử để quân lính chỉnh trang vũ khí chống nổi loạn, cũng là mùa xét xử tội nhân. Trong các phiên xét xử án trọng tội thường diễn ra trước tiết Đông Chí, hoàng đế thường mặc áo tang, tọa vị giữa các đại thần trong triều, duyệt đọc các bản án của kẻ mắc trọng tội, rồi nghị xét giữ nguyên án hay giảm án để các hình quan ghi chép và xác định lần cuối thời hạn thi hành án. Dù quan niệm Âm, Dương có nguồn gốc hay thời đại thế nào chăng nữa thì từ thế kỷ V trước Công nguyên, mọi học phái đều chấp nhận. Đến nay, quan niệm này vẫn là đại diện của các phạm trù cơ bản của tư tưởng triết học và tôn giáo Trung Hoa. Nếu thuyết Âm - Dương và Đạo nhắm đến giải thích chuyển động vũ trụ thì thuyết Ngũ Hành, dẫn đến Ngũ Đức, giải thích tính động của vũ trụ một cách phong phú chi tiết hơn. Hành nguyên nghĩa là bước chân đi, 20 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 hay bước luân phiên bằng hai chân. Do vậy, Ngũ Hành có thể diễn tả như là năm bước tuần tự lên trước, tượng trưng cho chu kỳ vĩnh hằng đến và về qua năm thời. Các Hành tự tàn không ngừng, kế tiếp lần lượt trong một chu kỳ không có điểm dừng. Ngũ Hành đã thấy có trong thiên “Hồng phạm” của Kinh Thư. Ngũ Hành gồm Mộc (gỗ), Hỏa (lửa), Thổ (đất), Kim (kim loại), Thủy (nước). Chúng tương sinh theo theo thứ tự vừa nêu. Ngũ Hành ứng trong không gian, thời gian như sau: Mộc là phía Đông và mùa Xuân, Hỏa là phía Nam và mùa Hạ, Thổ nằm giữa và là trung tâm của không gian - thời gian, Kim là phía Tây và mùa Thu, Thủy là phía Bắc và mùa Đông. Đấy cũng là thứ tự của thời gian. Ngũ Hành còn được gắn với Ngũ Sắc gồm xanh, đỏ, vàng, trắng, đen; Ngũ Âm trong âm nhạc; Ngũ Thường (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè) trong xã hội; Ngũ Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín); Ngũ Lễ tại gia, v.v... Các sự vật gắn với con số năm còn được liệt kê nhiều hơn. Cuối cùng trong số đó còn phải kể đến Ngũ Đế trị vì trên Thiên Giới. Nếu thể hiện Ngũ Hành thành chữ thập thì ở điểm giao giữa là Thổ và bốn điểm cực của hướng là bốn phương trời. Nếu lại chia tiếp điểm giữa của bốn phương, chúng ta có một biểu đồ hướng gió và tám cực, cùng với tâm, thành chín. Các con số 1, 2, 5 và 9 là những con số đặc biệt để chỉ tuần hoàn số học và đo đạc của Trung Hoa thời Cổ đại. Chúng là những con số thiêng. Trâu Diễn còn áp dụng Ngũ Hành vào lịch sử từ thuở vũ trụ hỗn mang, trời đất chưa tách nhau cho đến thời đại mình và các thời đại tương lai. Bằng hệ thống đó, ông nghĩ rằng, có thể hiểu được các thay đổi trong lịch sử, mở đầu và kết thúc một triều đại. Dấu hiệu của Trời tương ứng với Ngũ Đức của mỗi triều. Thời cai trị của Hoàng Đế (một vị vua thần thoại) thuộc hành Thổ vì đã có điềm ứng xuất hiện vố số đất ở mọi hướng và dế dũi báo hiệu hành Thổ đang lên. Nhà Hạ thuộc hành Mộc, nhà Ân - Thương thuộc hành Kim, nhà Chu thuộc hành Hỏa. Tần Thủy Hoàng thuộc hành Thủy. Tuy nhiên, Ngũ Hành có tương sinh thì cũng có tương khắc: Mộc khắc Kim, Kim khắc Hỏa, Hỏa khắc Thủy, Thủy khắc Thổ, Thổ khắc Mộc, có sinh song có chế ngự, Kinh Thư đã nói như vậy. Ngũ Hành cũng như Âm, Dương, là những thành tố hội nhập và thường xuyên trong sự phản ánh tôn giáo của người Trung Hoa. Bậc hiền nhân có lòng tin không lay chuyển vào Thiên và Mệnh. Nhiều đoạn trong kinh sách Khổng giáo chứng thực điều đó. Một hôm Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 21 Khổng Tử cùng học trò tập lễ ở dưới một gốc cây thuộc nước Tống chư hầu, quan Tư mã nước Tống là Hoàn Đôi muốn hại Không Tử, sai người chặt cây. Học trò sợ cho Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Trời sinh đức cho ta, Hoàn Đôi có thể làm gì ta”. Khổng Tử gặp nguy ở đất Khuông, nói rằng: “Nếu Trời muốn thuyết (của các thánh vương) mất đi, làm sao ta có thể biết sau Văn Vương mất đi? Vì Trời chưa muốn mất, vậy người Khuông có thể làm gì được ta”. Có thể tìm thấy nhiều đoạn nữa trong kinh sách Khổng giáo thể hiện ý niệm cơ bản của tôn giáo về sự phụ thuộc của con người đối với lực lượng siêu phàm định trước định mệnh của con người ấy, cũng có nghĩa nếu gặp điều xấu thì khó gỡ khỏi những tai họa giáng xuống, lực lượng siêu phàm tiên định thành công hay thất bại. Cảm ý về Thiên Mệnh và Định Mệnh luôn có trong Khổng giáo. Ngay cả với những người hoài nghi thần linh, thì Thiên Mệnh và Định Mệnh được Trời xác định vẫn được dùng để giải thích các sự kiện lịch sử và đời sống con người. Như đã nói, Kinh Dịch được cả Đạo giáo lẫn Khổng giáo đánh giá rất cao. Ngay Khổng Tử cũng tự thán mình có quá ít thời gian chuyên chú Kinh Dịch, ước mong Trời cho thêm vài năm để hiểu hết cuốn kinh này. Kinh Dịch đứng đầu trong Ngũ Kinh, Tứ Thư của Khổng giáo. Từ thời nhà Chu, một mặt Kinh Dịch như là một loại sách chuyên về lý luận siêu hình, mặt khác lại là cẩm nang về bói tướng số. Về cơ bản, hai mặt đó không những không mâu thuẫn với nhau, mà còn bổ sung cho nhau. Kinh Dịch gồm trong đó cách giải thích của tám quẻ đơn hay quẻ ba vạch, tức lấy các vạch liền hay vạch đứt lập thành các Hào (Bát Quái), tức Tiên Thiên Bát Quái, hay như sách Chu Lễ gọi là Kinh Quái, và sáu mươi tư quẻ kép (gồm hai quẻ đơn chồng lên nhau). Quẻ đơn và quẻ kép thể hiện vũ trụ và tất cả những gì tồn tại. Chu Hy, trong lời bàn về Dịch từng nói: “Thái cực (một tên khác của Đạo) sinh Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng; Tứ Tượng sinh Bát Quái; Bát Quái sinh thiện ác, cát hung”. Bát Quái vì vậy là hình của vũ trụ và định mệnh của con người, thể hiện việc cát hung (lành dữ, tốt xấu). Bát Quái không chỉ thể hiện thực tế dưới dạng quẻ, mà còn là thực tại theo quan điểm của người Trung Hoa. Bát Quái, thực tại của mọi hiện tồn, sinh từ Vô Cực (trạng thái vô hạn) là các vạch ngang, mà mỗi quẻ gồm ba vạch liền hoặc ba vạch đứt. Vạch liền là Dương, vạch đứt là Âm. Các vạch nói lên sự thay đổi giữa tiến và 22 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 thoái, giữa nở và co ở mức độ chuyển dịch thấp một cách trừu tượng lên mức độ cao hơn của vũ trụ, vạn vật. Bắt đầu của Bát Quái là quẻ Kiền, rồi quẻ Khôn, quẻ Chấn, quẻ Tốn, quẻ Khảm, quẻ Ly, quẻ Cấn, quẻ Đoài. Nếu đem các quẻ đơn chồng lên nhau thì có sáu mươi tư quẻ kép. Tám quẻ đơn và sáu mươi tư quẻ kép được xem là do Phục Hy, một vị vua thần thoại, bắt chước vằn lưng con long mã hiện ra ở Sông Hà để chế ra. Về sau, vua Văn Vương nhà Chu nhân đó mà làm thành Kinh Dịch4. Cũng như Âm, Dương và Ngũ Hành, các quẻ thể hiện ý muốn hệ thống hóa tư tưởng về thế giới siêu nhân và định mệnh con người do Thiên Mệnh xác quyết. Giống như lời chỉ giáo của thần linh và Trời, các quẻ này được dùng như những sự kiện ngẫu nhiên để quyết định hành động sao cho phù hợp với Mệnh Trời. Nội dung 21 bộ chính sử của Trung Quốc cung cấp nhiều ví dụ dùng các quẻ để xem xét chính sự. Các lời sấm vĩ được lưu truyền thường biểu hiện thành các quẻ. Điềm triệu cũng vậy. Dự đoán trước sự kiện và các dấu hiệu báo cho biết trời đất muốn gì luôn được bộ máy nhà nước quân chủ Trung Hoa chú ý. Kinh sách Khổng giáo cũng đề cập đến sự kết thúc triều đại cũ bằng một triều đại mới qua những điềm triệu được giải mã là vui hay buồn, tốt hay xấu. Những gì vừa trình bày, tuy chưa toàn diện, song có thể thấy phần nào những quan niệm và ý niệm của tôn giáo chính thức đã có một ảnh hưởng lâu dài, cho đến tận ngày nay. 4. Lễ nghi Toàn bộ hành vi tôn giáo, trong đó hoàng đế bắt buộc phải như một trung gian giữa Thiên và Nhân, Thiên Mệnh, thờ cúng tổ tiên, tế lễ, điềm triệu sẫm vĩ, đều được cột chặt vào lễ nghi. Lễ nghi toát ra từ Đạo và ở dưới dạng của Lễ thì nó là Đạo Đức, được thực hiện trong thế giới con người. Thực hiện Lễ chu đáo là cần thiết để hài hòa với Trời. Cần hiểu chữ Lễ ở đây gồm Đức Lễ, các tế tự, tức hành vi thờ cúng cụ thể. Lễ nghi xuất hiện từ thời thượng cổ của Trung Quốc và được coi là phẩm chất quan trọng của thánh nhân. Lễ và nghi thức nhắm vào việc chuẩn mực hóa tất cả các phương diện và thái độ trong đời sống chung cũng như riêng của người quý tộc và người quân tử. Lễ là một đức lớn, đối lập với hình luật là loại chỉ dành cho đám Chúng, loại người bị xem như không biết đến Lễ (Lễ không xuống đến thứ dân). Trong trường hợp đó, Lễ đã được thiêng hóa và là đặc quyền của giới Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 23 thượng lưu của xã hội. Sau này, nhiều cuộc tranh luận giữa các nho sĩ về lễ nghi, đặc biệt là phần liên quan đến trời đất, tổ tiên. Sự thật thì lễ nghi, nếu đúng như trên, không tạo những tình cảm xuất thần như khi hành lễ trong Đạo giáo, Phật giáo và tôn giáo dân chúng. Lễ nghi không thừa nhận sự gắn bó tinh thần đối với các thực thể siêu nhiên. Khổng Tử nói: “Vụ dân chi nghĩa. Kính quỷ thần nhi viễn chi” (Chăm cho cái nghĩa của dân. Kính quỷ thần nhưng kính từ xa), tức là cần tôn kính quỷ thần, song không tìm đến sự hợp nhất huyền bí với quỷ thần. Kinh Thư cũng có một sự lưu ý như vậy khi cho rằng, sau khi vua Thuấn sai Tượng Thần và Lôi Thần chặt đứt đường lên Trời thì thần linh ngừng đi lại và không còn ở mặt đất nữa. Từ đó, Thiên Giới và Hạ Giới có ranh giới rõ ràng. Sự ghê sợ chung lộn giữa hai thế giới trong kinh sách Khổng giáo cũng giống như sự ghê sợ giữa cuộc lễ có đàn bà tham dự vậy. Có người nói rằng, tôn giáo chính thức chỉ là chủ nghĩa lễ nghi hình thức mà không phải là tinh thần thực sự tôn giáo. Không phải không có hình thức chủ nghĩa trong lễ nghĩa Khổng giáo, nhưng nếu như vậy thì nguy cơ đó là của mọi khuynh hướng tôn giáo. Nhìn thật kỹ, lễ nghi Khổng giáo không loại trừ tình cảm sùng kính thực sự. Điều này thể hiện rất rõ trong sự thờ cúng tổ tiên. Tóm lại, giáo huấn của Khổng Tử, môn đệ và danh nho tạo thành cái mà chúng ta gọi là tôn giáo chính thức hay tôn giáo nhà nước có hạt nhân trung tâm là Thiên tối cao tuyệt đối và nguyên lý đạo đức hằng thường của mối quan hệ Thiên - Nhân. Đó có thể xem như là một sự quay lại với tín điều của thời thượng cổ, một dạng của chủ nghĩa phản kháng với sự tha hóa của hiện thực xã hội, do đó cũng có thể dùng thuật ngữ tin lành/ tin mừng, thuật ngữ được dùng như một phạm trù lịch sử phổ quát của các tôn giáo (trong đó Tin Lành giáo/ Protestantism phát triển từ thế kỷ XVI ở Châu Âu chỉ là một trường hợp đặc biệt) để nói về tôn giáo chính thức hay Khổng giáo. Khổng giáo có cách phản ánh duy lý vào thời Khổng Tử thì về sau lại là một thứ bất khả tri luận thuần khiết và đơn giản. Sau nhiều lần so sánh các bản Luận Ngữ còn lại, có từ thế kỷ II trước Công nguyên đến năm 1917, nhiều học giả nước ngoài đã định ra rằng, các chú giải kinh nghĩa theo lối bất khả tri luận chỉ có từ thời nhà Tống, tức phải hơn một nghìn năm sau khi Khổng Tử mất. Bất khả tri luận không tồn tại trong học thuyết chính thống của Khổng Tử. 24 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Dưới đây xin điểm một số loại lễ nghi chính trong hệ thống lễ thức của Khổng giáo. Cúng tế của hoàng đế và triều đình: Theo quan niệm của người Trung Hoa, hoàng đế là trung tâm của thế giới con người, do sao cực tinh chiếu mà theo Khổng giáo thì sao ấy bất động trong khi các sao khác chuyển động quanh nó. Thể hiện như người trung gian giữa Thiên và Nhân trong trật tự vũ trụ, hoàng đế chịu trách nhiệm tế cáo trời đất, thần linh ở Thượng Giới. Tư cách đó hoàn toàn hòa nhập với vai trò chính trị của ông. Có một sự thực là các triều đại Trung Quốc không phân biệt cơ bản giữa tư tưởng triết học và cái mà chúng ta gọi là thần học, không có sự khác biệt giữa mặt nào đó là tôn giáo và mặt kia là hiện thực do lợi ích nhà nước áp đặt. Vì vậy, các hành vi tôn giáo quan trọng nhất như lễ tế Thiên, Địa, Xã Tắc sau kỳ Đông Chí dành cho hoàng đế. Vì vậy, ông ta có quyền thành lập và ban bố lịch, có quyền phong tặng thần linh như một đấng chủ tể tối cao. Sau đây là một số nghi lễ chính. Tế Đông Chí: Ngày Đông Chí được coi là ngày khí Dương bắt đầu lên lại và báo hiệu cho mùa Xuân. Hoàng đế tế Hạo Thiên Thượng Đế bằng lễ nghi cực lớn. Tế này còn gọi là Tế Giao. Tế Giao được ghi trong Lễ Ký và Trung Dung như một sự tiếp nối của tôn giáo Trung Quốc thời Cổ đại. Tế này kéo dài suốt thời kỳ quân chủ Trung Quốc cho đến thời kỳ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tế ngày Đông Chí là Tế Giao, cũng là Tế Nam Giao, bởi lễ lớn này được tiến hành tại phía Nam của Bắc Kinh (ở đây chỉ nói đến các thời Minh và Thanh). Phương Nam là phương của khí Dương. Khu đất lập đàn tế là khu đất thiêng, nằm ở góc của vòng Thành Ngoại và cạnh phía Đông của đường thiên lý Bắc Nam, con đường chia Kinh thành làm hai nửa. Mặt bằng của khu đất hình chữ nhật được bao tường, chu vi khoảng chừng sáu đến bảy cây số. Cạnh phía Bắc của khu đất có hình vòng cung nhẹ. Trong khuôn viên bao tường đó, các loại cây như bách, tùng, thông, các loại cây rừng, bãi cỏ chăn các vật hiến sinh tế lễ chiếm hầu hết diện tích cho đến sát tận đàn Viên Khâu (nghĩa đen là gò đất tròn), phần chủ yếu của Nam Giao. Nhìn toàn thể, đàn Nam Giao gồm các kiến trúc nằm thẳng hàng từ Nam đến Bắc theo thứ tự đàn Viên Khâu, Trai Cung, là nơi thường xuyên đặt bài vị thờ Trời ở đây, cuối cùng là Thiên Miếu, kiến trúc chuyên dùng cầu đảo. Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 25 Đàn Viên Khâu hình tròn bởi quan niệm Trời tròn, cao bốn mét, chia làm ba tầng ốp đá cẩm thạch theo kiểu xếp chồng viên giật cấp. Tầng dưới cùng có đường kính khoảng bảy mươi mét, còn tầng trên cùng có đường kính khoảng ba mươi mét. Toàn bộ ba tầng này tọa lạc trên một mặt đế hình vuông, hình tượng trưng cho Đất. Hoàng đế và các đại thần dự tế phải trai giới. Các đại thần chỉ làm việc khi có việc khẩn cấp, không được nghe nhạc, không gần đàn bà, không thăm viếng đám tang. Nếu gia đình có tang, họ không được dự tế, dù đã trai giới. Buổi sáng trước ngày tế, hoàng đế ngồi kiệu rồng do ba mươi sáu người khiêng đi từ Cấm Cung đến Nam Giao. Xung quanh kiệu là đội ngự giá ăn mặc lộng lẫy vừa ngồi ngựa vừa đi bộ, tiếp đó là đội nhã nhạc gồm ca vũ và nhạc thiều với trang phục mã công, cùng với các thầy pháp vừa đi vừa làm động tác xua đuổi tà ma dọc đường đi. Họ đi trước mười hai con voi. Còn các hoàng tử, quan lại Lục Bộ, đại thần quỳ làm hàng rào. Sau khi kiểm tra việc chuẩn bị tế, hoàng đế lui về Trai Cung. Đêm hôm ấy, đến khắc thứ bảy của canh năm, trước khi Mặt Trời mọc, hoàng đế ra đàn Viên Khâu. Trước đó, các quan đặt trên tầng cao nhất của đàn Viên Khâu bài vị của Hạo Thiên Thượng Đế, mặt bài vị quay về hướng Nam, hướng hoàn toàn Dương, bên trái và bên phải (hàng Chiêu, hàng Mục) bài vị Thiên là bài vị các tiên đế, tiên hậu để tổ tiên chứng giám và bảo đảm cho lời khấn lọt đến Trời. Ở tầng giữa, đặt bài vị của Nhật Tinh (thần Mặt Trời), tinh tú ở phía Đông, bài vị Nguyệt Tinh (thần Mặt Trăng), các bài vị của thần Vân, Vũ, Phong, Điện (mây, mưa, gió, sấm) ở phía Tây. Ý nghĩa của bài vị ở chỗ khắc tên và thụy hiệu của thần hay người quá cố tức là nơi ngự của thần và âm hồn. Cũng có nghĩa bài vị đó “đang sống”. Hoàng đế mặc áo cổn, đi từ dưới lên, lần lượt đủ ba tầng đàn. Trong khi đó, vị bồi tế châm lửa đốt củi, theo lệnh xướng của các quan bồi tế. Hoàng đế dâng hương trước bài vị chính, bài vị phụ bằng các động tác quỳ lạy theo hiệu xướng. Đấy có nghĩa là lời mờiThượng Đế, âm hồn tổ tiên, thần linh phối hưởng. Nhạc thiều cử hành tụng ca cùng lúc với hoàng đế khấn vái. Đây là những bài nhã nhạc do Bộ Lễ soạn chuyên dùng cho tế tự. Lời văn tế viết bằng mực đỏ trên giấy xanh da trời, giọng xướng ngân nga cao vang, hoàng đế quỳ để nghe. Cỗ Thái Lao cùng nhiều món khác, rượu tế được đặt trước bài vị Thượng Đế và tổ tiên. Rượu và thịt giờ đây đã trở thành thiêng và mang sức mạnh của thần. 26 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Sau cùng, giống như lúc khấn mời, kết thúc cuộc tế, hoàng đế khấn tiễn các vị thần linh trở về. Các vật hiến sinh, sớ tấu, lụa và đồ tế được thiêu. Tế Nam Giao là loại tế cao nhất và ấn tượng nhất của tôn giáo chính thức. Toàn bộ điển lễ, người tế, nghi thức bao giờ cũng là cao nhất. Tế Hạ Chí: Ngày Hạ Chí tế thần Hậu Thổ, lúc đó Âm bắt đầu lên. Tế này còn gọi là Tế Bắc Giao, bởi nó diễn ra ở phía Bắc của Kinh thành, phía Bắc là phía hoàn toàn Âm. Khu đất làm đàn Hậu Thổ được bao tường hình chữ nhật gần vuông với chu vi khoảng hơn hai cây số. Một gò đất cao dựng trên nền vuông vì đất được quan niệm như hình vuông, do đó có tên gọi là đàn Phương Trạch. Trên đàn đặt bài vị thần Hậu Thổ, Sơn Thần là những núi linh thiêng, Hà Bá, Long Vương là những vị thần đứng sau thần Hậu Thổ. Ngoài ra còn có thêm bài vị các thần nơi có lăng tẩm của tiên đế, dù các vị thần này không được điển lễ kê tên, để một mặt chứng minh mối quan hệ hiện tại giữa thần Hậu Thổ và các vị thần khác, giữa thần Hậu Thổ với tổ tiên. Theo nghĩa đó, tổ tiên luôn được coi là người tạo ra màu mỡ của đất đai ở mọi nơi. Chi tiết của Tế Bắc Giao tương tự như Tế Nam Giao. Tế Bắc Giao chỉ khác Tế Nam Giao ở chỗ, toàn bộ vật tế không bị thiêu, mà được đem chôn vào một hố với ý nghĩa đồ tế được dâng cho thần một cách trực tiếp. Tuy nhiên, ngay trong Cấm thành cũng lập một đền thờ thần Hậu Thổ, ngay trước mặt nhà Thái Miếu (thờ linh vị các tiên đế, tiên hậu). Lễ Tịch Điền: Gần với khu đàn Nam Giao, nhưng là ở phía Tây của đường chính đạo hướng Bắc Nam của Kinh thành, là nơi thờ Thần Nông, cũng gọi là thần Tiên Nông (vị thần sáng tạo ra nghề nông). Theo thần thoại Trung Hoa thời Cổ đại, vị thần này đứng hàng thứ hai trong Tam Hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Chuyên Húc). Tam Hoàng là các vị thần thuở khai thiên lập địa, mở đầu cho lịch sử thần thoại. Thần Nông đã sáng chế ra cái cày và dạy dân nghề nông, do vậy vị thần này có quan hệ rất thân thuộc với Thần Xã, Thần Tắc. Nơi thờ Thần Nông nhỏ hơn khu đàn Viên Khâu, được bao bằng tường có chu vi trên bốn cây số. Chọn ngày tốt đầu mùa Xuân, thường sau mùng một tết âm lịch, vào ngày mùng năm đến mười tám tháng Giêng, hoàng đế tế Tiên Nông, sau lễ Cáo Miếu tổ tiên. Ông bắt đầu một mùa vụ bằng nghi lễ cổ là cày ruộng Tịch Điền gồm vài đường cày do hai Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 27 bò kéo. Ba đường cày tiến lại ba đường cày lui trên ruộng tịch điền. Ba hoàng tử con đầu, quan Lục Bộ và các đại thần cùng theo sau hoàng đế trong tiếng nhã nhạc nổi lên. Sau khi hoàng đế cày xong đến lượt các hoàng tử cày mỗi người ba đường, quan đại thần mỗi người cày một đường. Cuối cùng là các nô bộc cày hết ruộng tịch điền. Tiếp đó, các viên quan gieo kê ở ruộng mới cày. Các loại ngũ cốc mọc trên tịch điền sau khi thu hoạch sẽ được dâng cúng ở Thái Miếu. Tế Phong và Tế Sơn: Dù đã tế Đông Chí, tế Hạ Chí huy hoàng rực rỡ, Tế Phong (gió nhưng tượng trưng cho Trời), Tế Sơn (núi) vẫn có thể được tiến hành trong tôn giáo chính thức. Tư Mã Thiên đã dành hẳn một chương trong Sử Ký, và các sách khác nữa, để mô tả Tế Phong và Tế Sơn. Dù được gán cho thời thượng cổ, song tế này chỉ thực sự xuất hiện vào thời nhà Hán. Tế Phong và Tế Sơn rất ít được thực hiện. Lần thứ nhất, Hán Vũ Đế tiến hành vào năm 110 trước Công nguyên và lặp lại bốn lần nữa cho đến năm 93 trước Công nguyên. Một thế kỷ rưỡi sau, vào năm 56 sau Công nguyên, Hán Quang Vũ thời Hậu Hán cử hành một lần. Đến năm 666, tức hơn sáu thế kỷ, Đường Cao Tông cử hành một lần, năm 725, Đường Hoàng Tông lặp lại. Lần cuối cùng Tế Phong và Tế Sơn là dưới triều Tống Thần Tông, năm 1008. Tế Phong và Tế Sơn phải do đích thân hoàng đế tiến hành lần lượt. Tế Phong tại đàn thờ trên đỉnh núi Thái Sơn, Tế Sơn ở đàn thờ hình lục giác5 nằm trên đồi ngay dưới chân núi Thái Sơn. Núi Thái Sơn (cao 1.545m) nằm giữa tỉnh Sơn Đông hiện nay. Với người Trung Hoa, núi này là núi thiêng ở phía Đông đất nước, là phía Mặt Trời mọc và được coi là nơi bắt đầu lên của khí dương. Tế Phong và Tế Sơn nhằm kính cáo trời đất về nền thái bình thịnh trị của đất nước, thực hiện mệnh Trời ban. Do vậy, Tế Phong và Tế Sơn chỉ cử hành vào lúc đất nước phồn thịnh mà thôi. Năm 595, Tùy Văn Đế đã định tế, nhưng vào lúc đó xảy ra hạn hán, nên phải hủy bỏ Tế Sơn. Tùy Văn Đế định Tế Phong ở chân núi và bị hậu nho chê là mất đức. Lễ Tiến Lịch: Điển lễ quy định bắt buộc hoàng đế lập và ban bố lịch biểu hằng năm. Mỗi năm, hoàng đế lập ra một hội đồng các quan ở Khâm Thiên Giám trong triều để thực hiện phận sự. Sự chuyển động của trời đất, bốn mùa, sự màu mỡ của đất đai, sự sinh sôi của vật nuôi, của con người được cư dân nông nghiệp Trung Hoa thời Cổ đại ghi nhận và tôn 28 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 thờ. Vì vậy, quan niệm Thiên - Địa - Nhân tương dữ và chuyển dịch hằng năm mang một tính chất thần linh. Tương truyền, Hoàng Đế, một trong Ngũ Đế, trở thành bất tử bởi là người lập ra lịch biểu hoàn thiện đầu tiên. Theo Kinh Thư, vua Nghiêu đã ban lệnh tính kỹ đường quỹ đạo của tinh tú, báo cho mọi người biết dựa vào thời biểu để làm những công việc khác nhau. Thiên “Nguyệt Lệnh” trong Lễ Ký định ra lệ Thiên Tử cứ đến tháng thứ ba của mùa Đông tính theo âm lịch phải xác định lịch biểu của năm sau. Lịch cung cấp thời gian biểu cho các mùa, các ngày quan trọng đối với việc nông tang, đối với các ngày tế lễ, các ngày tốt xấu. Loại lịch này tính theo chu kỳ Mặt Trăng cho phù hợp với chu kỳ Mặt Trời, gồm mười hai tháng, mỗi tháng có hai mươi tám ngày. Ở một số năm, người ta tính ngày thêm vào một tháng gọi là tháng nhuận để trùng với năm tính theo Mặt Trời. Từ thế kỷ II trước Công nguyên, lịch đã được nhập với Ngũ Hành, Ngũ Sắc, Ngũ Âm... Vì vậy, sau cuộc cải tiến lịch lớn vào đời Hán Vũ Đế năm 104 trước Công nguyên, sau một cuộc tranh cãi giữa các Nho sĩ, thì Hành Thổ và màu vàng được coi là tương ứng với nhà Hán (bởi nhà Tần thuộc Hành Thủy, màu đen). Năm mới bắt đầu được tính từ ngày Đông Chí. Tuy nhiên, loại lịch này chưa phải được tính hoàn toàn chính xác, nhưng nó vẫn được sử dụng trong suốt các triều đại về sau, có lúc thêm, có lúc bớt, đến năm 1911. Các nghi lễ tế tự khác: Ngoài những loại lễ do hoàng đế và nhà nước tiến hành, tôn giáo chính thức còn có các loại lễ do các quan châu, quận, phủ tiến hành, cố nhiên là thay mặt cho Thiên Tử. Trước hết là tế Thần Xã, Thần Tắc của từng địa phương vào mùa Xuân, mùa Thu. Hoàng đế thì làm Lễ Tịch Điền, còn các quan đứng đầu địa phương rồi sau đó là các vị trưởng làng được thông báo một số sự kiện về thời tiết, khí hậu, xác định ngày tốt để bắt đầu việc nông tang. Các vị đầu địa phương này gửi các bản sao đến mỗi làng một tờ lịch biểu. Các quan đứng đầu địa phương còn phải chịu trách nhiệm tế lễ các vị thần gắn với Trời như Nhật Tinh, Nguyệt Tinh, các tinh tú, Mưa, Gió, Sấm, Sơn Thần, Thủy Thần... Ngoài ra, họ còn phải cúng tế Khổng Tử và các vị tiên nho. Năm 195 trước Công nguyên, Hán Cao Tổ đã đến viếng mộ Khổng Tử và tế lễ. Đây là cuộc hành hương đầu tiên trong các triều đại Trung Quốc. Nhưng phải đến năm 442, miếu thờ Khổng Tử đầu tiên mới xuất hiện. Sau đó, ở lỵ sở mỗi châu, quận, phủ cũng lập một miếu Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 29 thờ riêng, tên là Văn Miếu nếu ở kinh đô, Học Miếu nếu ở lỵ sở. Văn Miếu và Học Miếu có vị trí trang trọng trong các trường học địa phương. Các quan đứng đầu địa phương khi đến trấn nhậm bắt buộc phải đến lễ ở Học Miếu. Người ta còn thấy hiện tượng Khổng Tử biến thành thần trong các sách nho không chính thống. Hoàng đế thay mặt và thừa mệnh Trời còn có quyền ban sắc phong cho các vị thần ở địa phương. Sự chính thức hóa đó được ghi vào điển lễ triều đình. Có thể thấy, đây là sự nhượng bộ đối với tôn giáo dân chúng, thể hiện sự cố kết thông qua tôn giáo trong một nước thống nhất và có một vai trò xã hội, chính trị to lớn. Chính sự phong thần này cho phép nhà nước can thiệp vào hoạt động tôn giáo nằm bên ngoài tôn giáo chính thức, đồng thời thu hẹp hành vi tôn giáo ngoài lề vốn nhiều vô kể của tôn giáo dân chúng trong mức độ cho phép. Do được sắc phong, nên cũng có thể nói rằng, các vị thần được phong (gồm nhiều dạng) là một phần của tôn giáo chính thức. Các ngày lễ chung thì các vị thần đó đều được thụ hưởng. Mặt nào đó, việc được phong tặng cũng là một điều kiện cho thần tồn tại. Có nhiều anh hùng lịch sử hay huyền thoại, hiền nhân, quan thanh liêm, các liệt nữ trung trinh hiếu tiết là những đức lớn được cả nho sĩ và người bình dân xưng tụng. Bên cạnh đó, những sự kỳ dị phi thường được gán cho sự linh ứng đều là đối tượng phong tặng. Trường hợp của Quan Vũ là một ví dụ. Ông là một nhân vật thời Tam Quốc có lòng trung thành tuyệt đối với nhà Thục. Hình tượng của ông sống động qua nhiều thế kỷ. Ông được thờ như vị thần có nhiều dũng khí, trung với lời thề, rất hiển linh, hơn thế là mối khiếp sợ đối với quỷ ác trong con mắt người Trung Hoa. Ví dụ khác là về phong Thành hoàng. Đây là thần giúp việc trên Thiên đình, chuyên quản hình luật cho Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nhưng thần này cũng được coi là vị thần trông nom về sự an lành về ban đêm, cao hơn là của sự thịnh vượng, đạo đức, phù hộ dân chúng chống lại ác họa. Thần có nhiều viên chức giúp việc. Mỗi năm mới, thần này trình lên Ngọc Hoàng những việc chi tiết trong sự dẫn dắt đạo đức của người dân vùng thần cai quản. Thần cũng kiểm soát việc ở Hạ Giới và cả dưới mặt đất. Mỗi châu phủ đều có một vị Thành hoàng. Hàm phẩm của Thành hoàng, tương tự như Thổ Thần ứng với hàm phẩm của hương hào thôn quê, dập lại hàm phẩm của bộ máy triều đình. Từ thời nhà Đường và nhà Tống về sau, Thành hoàng được chính thức hóa, có một vị trí quan trọng 30 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 trong các cuộc tế lễ. Bây giờ mỗi nơi có một miếu thờ Thành hoàng riêng. Các quan địa phương khi về nhậm chức thường phải ngủ đêm đầu tiên ở miếu. Tương truyền, những lời báo mộng của thần trong đêm ấy sẽ giải trước các nghi án, hay đưa ra được những lời nghị án chính xác. Qua trường hợp thần Thành hoàng, người Trung Hoa không có cách nào khác hơn để hình dung về thế giới siêu việt khi hình dung ra khía cạnh đẳng cấp của các thần giống như một loại viên chức. (Kỳ sau đăng tiếp) CHÚ THÍCH: 1 Câu chuyện mang tính giai thoại huyền kỳ này cho thấy, hậu thế đã thiêng hóa các vĩ nhân. Ngay Khổng Tử, dù được xác định như một nhân vật có thật, cũng không tránh khỏi. Có thể liên hệ huyền thoại này với câu chuyện về sự ra đời của Phật Tổ. Khổng Tử được coi là người siêu phàm trong hàng chục thế kỷ sau, được tôn vinh tột đỉnh, việc đó cho thấy tính cách giáo chủ của ông. 2 Thiên “Nhan Uyên”, sách Luận Ngữ. 3 Thiên “Lương Huệ Vương hạ”, sách Mạnh Tử. 4 Có thể nói đến sự kiện Sông Hà hiện Đồ, Sông Lạc hiện Thư, rồi thánh nhân bắt chước làm ra Hà Đồ, Lạc Thư. Đồ là vằn lưng con long mã, còn Thư là các vạch trên mu con rùa. 5 Số 6 cũng như tất cả các số chẵn là số Âm, tất cả số lẻ đều là Dương. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Quang Đạm (1994), Nho giáo xưa và nay, Nxb. Văn hóa, Hà Nội. 3. Lê Quý Đôn (1962), Vân đài loại ngữ, tập 1, Nxb. Văn hóa, Hà Nội. 4. Marcel Granet (1968), La Civilisation Chinoise, Édition Albin Michel, Paris. 5. Trần Đình Hượu (1994), “Nho giáo với tư cách là một tôn giáo”, trong Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Trần Trọng Kim (1929), Nho giáo, Nhà in Tân Việt, Sài Gòn. 7. Hoàng Thọ Kỳ, Trương Thiện Văn (1999), Chu Dịch Dịch Chú, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 8. Ngô Sĩ Liên (1971), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 9. Ngô Sĩ Liên (1972), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 10. Ngô Sĩ Liên (1972), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Ngô Sĩ Liên (1974), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 4, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 12. Henri Maspero (2000), Đạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 13. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, 7, 8, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Nguyễn Quốc Tuấn. Góp phần tìm hiểu Khổng giáo 31 14. Henri Charles Puech chủ biên (1976), Histoire des religions, tome III, Encyclopédie de la Pléide, Édition Gallimard, Paris. 15. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 16. Ngô Đức Thọ chủ biên (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội. 17. Ngô Tất Tố (1991), Kinh Dịch, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Nguyễn Quốc Tuấn (1993), “Thờ cúng Thành hoàng làng Việt ở Bắc Bộ: nhận thức nguồn gốc”, trong: Văn hóa vì con người, Nxb. Văn hóa và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội. 19. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1991), Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 20. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 21. Viện Triết học (1994), Nho giáo tại Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Abstract CONTRIBUTION TO RESEARCH ON CONFUCIANISM IN VIETNAM Confucianism or religion of Confucius - Mencius had many contributions towards Vietnamese traditional culture. In general, Confucianism was studied as a social- political doctrine. However, on the process of existing, Confucianism had a system of conception, rite and practice along with the principles of thought on cosmology and human life which created a base for recognizing it as a religion. This text clarifies the religious aspect of Confucianism and Confucianism in Vietnam. Keywords: Confucianism, Confucius, dominant religion, legitimate religion.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26696_89724_1_pb_922.pdf
Tài liệu liên quan