Nghiên cứu tôn giáo - Lý giải về bản chất tôn giáo từ góc độ triết học

Một khi loại phản ánh, nhận thức như vậy cần thực thi bởi hành động của con người, biến thành hiện thực, nó cần phải có phương thức đặc thù để thực hiện điều đó. Trên thực tế, với tư cách là một hiện tượng mang tính tinh thần, tính tâm thức của con người, tác dụng trở lại của tôn giáo tới hiện thực xã hội là không giống với các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần khác. Thông thường, tôn giáo thông qua tổ chức chặt chẽ, chức sắc chuyên nghiệp và nghi lễ quy chuẩn khiến nó trở thành một lực lượng xã hội quan trọng và hình thành nên phương thức hành vi đặc thù, từ đó ảnh hưởng và tác dụng đến đời sống và sự phát triển của con người.

pdf17 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 708 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Lý giải về bản chất tôn giáo từ góc độ triết học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 – 2014 3 LÝ LAN PHẦN* LÝ GIẢI VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO TỪ GÓC ĐỘ TRIẾT HỌC Tóm tắt: Trên cơ ở đề cập đến sự tương đồng ẩn sau những phân rẽ của định nghĩa về tôn giáo, bài viết tập trung bàn lại về ý nghĩa và phương pháp lý giải bản chất tôn giáo, cũng như hai phương diện cơ bản của tôn giáo từ góc độ triết học. Từ khóa: Bản chất, định nghĩa, tôn giáo, triết học. 1. Sự tương đồng ẩn sau những phân rẽ của định nghĩa tôn giáo Giống như mọi ngành khoa học quy chuẩn, trong ngành nghiên cứu tôn giáo, việc đưa ra định nghĩa về đối tượng nghiên cứu là công việc tất yếu đầu tiên. Điều này liên quan đến việc khởi đầu cho một nghiên cứu, cũng như sự tự giác của người nghiên cứu đối với giới hạn và ý nghĩa trong giải thích của mình. Cho nên, mỗi định nghĩa tôn giáo không những thể hiện góc nhìn và phương pháp tiếp cận của người nghiên cứu, mà còn thể hiện lý giải của người nghiên cứu về ý nghĩa và tác dụng của tôn giáo. Trên thực tế, nhà nghiên cứu tôn giáo ngoài việc đứng từ góc độ khoa học và vận dụng quy tắc khoa học nhất định, còn phải xuất phát từ thể nghiệm đời sống con người để lý giải tôn giáo. Những định nghĩa tôn giáo khác nhau đều được đưa ra từ các góc độ, quy tắc và thể nghiệm cá nhân khác nhau. Các nhà nghiên cứu khác nhau cùng đứng từ góc độ khoa học giống nhau cũng đưa ra những định nghĩa khác nhau về tôn giáo. Như vậy, sự phân rẽ giữa các định nghĩa tôn giáo không chỉ bởi sự khác nhau về góc độ khoa học và quy tắc khoa học, mà còn bởi vấn đề thể nghiệm đời sống cá nhân. Nhưng sự phân rẽ này hoàn toàn không dẫn đến việc không công nhận ý kiến của nhau về tôn giáo giữa các nhà nghiên cứu. Tranh luận của họ thường xảy ra ở chỗ, loại định nghĩa nào đáng tin cậy nhất và có thể thay thế định nghĩa khác. Còn nguyên nhân chủ yếu của việc bất đồng ý kiến và tranh luận thì hoàn toàn do không nhìn thấy tính hạn chế của bản thân1. * GS.TS., Trường Đại học Trung Sơn, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 4 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 4 Nếu như không đi sâu vào bất đồng ý kiến và tranh luận giữa các phân rẽ, thì chung quy chúng vẫn hướng đến một đối tượng. Điều này phải chăng vì đối tượng của mọi định nghĩa đều vận dụng một từ giống nhau là tôn giáo? Hay là thông qua hàm nghĩa của định nghĩa, mọi ý hướng đều ngầm chỉ một đối tượng? Kỳ thực, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bất đồng ý kiến và tranh luận không phải là vấn đề dùng từ, mà là vấn đề hàm nghĩa. Hàm nghĩa khiến các định nghĩa phân rẽ, cũng khiến các nhà nghiên cứu hiểu rõ sự phân rẽ này là phân rẽ trong giới thuyết về vấn đề (đối tượng) giống nhau, mà không phải phân rẽ trong giới thuyết về vấn đề (đối tượng) khác nhau. Nhà nghiên cứu Đài Loan Tăng Ngưỡng Như trong sách Triết học về tôn giáo từng làm rõ sự khác nhau trong định nghĩa mặt chữ và nghĩa của từ “tôn giáo” giữa Phương Tây và Trung Quốc: Chữ “tôn giáo” (宗 教) trong tiếng Trung tạo thành bởi chữ “tôn”/ “tông” (宗) và chữ “giáo” (教). Trong sách cổ của Trung Quốc đều có hai chữ này, nhưng không tìm thấy tổ hợp hai chữ “tôn giáo”. Cho nên, từ “tôn giáo” chỉ thông dụng từ thời Cận đại, do người Nhật Bản dịch và tạo ra. “Tông” (宗) gồm bộ “miên” (宀) là mái nhà và bộ “thị” (示) là thần. Cho nên, “tông” tức là tông miếu tổ tiên, cũng có những nghĩa khác như tôn (kính) (尊), gốc (bản) (本), chủ (主), chúng (众),v.v... “Giáo” (教) là “trên thực thi dưới bắt chước”, như Kinh Dịch viết: “Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo, nhi thiên hạ phục hĩ” (圣 人 以 神 道 设 教,而 天 下 服 矣/ Thánh nhân căn cứ đạo thần để giáo hóa dân chúng, thiên hạ theo đó mà phục theo). Ở đây, “giáo” có nghĩa là giáo dục. Nhưng “giáo” cũng có nghĩa là tôn giáo, vì mục đích của nó là “trên thực thi dưới bắt chước”. Thánh nhân khiến dân chúng noi theo mọi niềm tin, thờ cúng và thực hành kính lễ đối với thần thánh thiêng liêng tối cao vô thượng. Cho nên, nghĩa mặt chữ của từ tôn giáo là “có sự thờ kính để làm việc giáo hóa” (giải thích của Từ Hải), hoặc “dùng đạo thần để giáo hóa, thiết lập điều răn cấm, khiến mọi người tin theo và thờ cúng” (giải thích của Từ Nguyên). Nguyên văn của tôn giáo là tiếng Latinh: Religio, theo Marcus T. Cicero, được biến thể từ động từ relegere, nghĩa là đọc lại, xem lại, suy tư (to read over, to think over divine things). Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 5 5 Lactantius (260 - 340) cho rằng, danh từ tôn giáo bắt nguồn từ động từ religare, có nghĩa là gắn bó, liên kết với Thượng Đế (to bind to God). Augustin chủ trương dùng động từ reeligere, tức là tái lựa chọn, lại có được (to choose again God lost by sin). Thomas tương đối đồng thuận ý kiến của Lactantius khi cho rằng, religare nghĩa là liên kết, liên kết giữa con người và Thần/ Thượng Đế. Nhưng ông cũng không bỏ qua các ý kiến khác. Bởi vì, theo ông, “từ tôn giáo hoặc có nghĩa gốc là đọc lại hoặc lại có được, nhưng đã mất dần ý nghĩa này do bị coi nhẹ; hoặc bắt nguồn từ sự bó buộc, nhưng ý nghĩa chủ yếu là chỉ mối liên hệ giữa con người và Thượng Đế. Bởi vì, Thượng Đế là suối nguồn không thể thiếu mà con người cần gắn bó; con người vì tội lỗi mà đánh mất Thượng Đế, cần phải tin tưởng và phục tùng Ngài để lại có được Ngài”2. Dưới đây là một số định nghĩa mô tả về tôn giáo của các ngành khoa học hữu quan: Samuel Koenig trong sách Xã hội học đưa ra định nghĩa tôn giáo theo quan điểm xã hội học là “một loại niềm tin tôn giáo đối với lực lượng siêu nhiên hoặc lực lượng thần bí, loại niềm tin này kết hợp với sự tôn kính, sợ hãi và thành tâm, rồi biểu hiện ra bên ngoài các hoạt động tôn giáo nhằm ứng xử với lực lượng siêu nhiên và thần bí”. James G. Frazer trong sách Cành vàng (The Golden Bough) định nghĩa tôn giáo là “hướng đến lực lượng siêu nhân đang dẫn dắt, khống chế tự nhiên và tiến trình đời sống loài người để chuộc tội (cầu xin tình cảm) và giảng hòa”. W. Robertson Smith cho rằng, tôn giáo là “toàn thể thành viên trong cộng đồng nảy sinh mối liên hệ với một loại thế lực, thế lực này quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, bảo hộ trật tự của luật lệ và đạo đức của cộng đồng”. Emile Durkheim trong công trình Những hình thức sơ khai của đời sống tôn giáo (The Elementary Forms of Religious Life) giải thích, tôn giáo là “hệ thống liên kết các niềm tin và thực hành liên quan đến sự vật thiêng”. James Martineau cho rằng, tôn giáo là “niềm tin đối với Thượng Đế vĩnh hằng thống lĩnh vũ trụ và có mối quan hệ tinh thần với con người”. 6 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 6 Herbert Spencer nhấn mạnh, tôn giáo là “biểu hiện sự thừa nhận vạn vật đều là một lực lượng mà con người không thể lý giải (tri thức siêu nhân loại)”. Theo Immanuel Kant, “tôn giáo là sự công nhận mọi nghĩa vụ của con người đều tốt đẹp như mệnh lệnh của Thượng Đế”. Thomas Henry Huxley cho rằng, “tôn giáo là sự tôn trọng và yêu quý đối với lý tưởng luân lý, tiếp đến nguyện thực hiện lý tưởng đó vào trong đời sống”. Morris Jastrow trong sách Nghiên cứu tôn giáo (The Study of Religion) xuất bản năm 1901 cho rằng: “Tôn giáo có ba điểm lớn: thứ nhất là, thừa nhận sự tồn tại của một thần linh hoặc một số thần linh mà con người không thể khống chế; thứ hai là, đối với thần linh, con người có cảm giác lệ thuộc; thứ ba là, con người lĩnh hội được mối quan hệ nào đó với thần linh. Nếu liên kết ba điểm lớn này lại với nhau, tôn giáo là một loại niềm tin tự nhiên của con người đối với một thần linh hoặc một số thần linh mà con người không thể khống chế, đồng thời cũng là một cảm giác lệ thuộc đối với thần linh. Loại niềm tin và cảm giác này xúc tác nên tổ chức tôn giáo, hành vi tôn giáo và luật lệ tôn giáo, vì vậy tạo dựng nên những mối quan hệ nào đó giữa con người với thần linh”. Max Schmidt trong sách Dân tộc nguyên thủy của loài người (Primitive Races of Mankind) cho rằng: “Tôn giáo là niềm tin đối với thần linh nào đó. Đối với đời sống tình cảm của con người mà nói, thần linh là căn nguyên của mọi vật, đồng thời là nguồn gốc mọi hiện tượng phát sinh trong giới tự nhiên và đời sống con người”3. Trong sách Triết học tôn giáo (宗 教 哲 学), nhà nghiên cứu Trung Quốc Tạ Phù Nhã đã phê bình vấn đề dịch thuật từ “tôn giáo”, từ đó khái quát cách nhìn của ông về hàm nghĩa của “tôn giáo” như sau: “Từ D. E. Khaitun trở về sau, Tây học chuyển hướng sang Phương Đông, sự bất hạnh của danh từ dịch thuật không gì hơn hai chữ tôn giáo. Khảo cứu từ religion của Phương Tây hiện nay sử dụng so với cái mà Trung Quốc gọi là tôn giáo (宗 教) thực tế là không ăn nhập. Danh từ này được người Nhật Bản dịch rồi truyền vào Trung Quốc, trải qua nhiều năm, dùng lâu trong xã hội và văn tự, tuy muốn sửa cũng đã quá muộn. Người ban đầu dịch chữ này, không rõ là ai, đã căn cứ theo câu “Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo” trong Kinh Dịch. Còn nguồn gốc chữ “tôn” (tông) là từ sách Thư kinh - Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 7 7 Nghiêu điển (书 经 ·尧 典), Thư kinh - Thuấn điển (书 经 · 舜 典). Trong sách này có câu “yên vu lục tông” (湮 于 六 宗), (Lục tông chỉ sáu loại thần linh cần phải tế tự, có khi gồm nhật (Mặt Trời), nguyệt (Mặt Trăng), lôi (sấm), phong (gió), trạch (ao đầm); có khi gọi Thiên tông, gồm nhật, nguyệt, tinh tú, núi, sông, biển; có khi là bốn mùa, nói chung là bất nhất). Còn tôn giáo, ý nghĩa trong văn tự tiếng Hán chỉ là sự thờ cúng nhất thần hay nhiều thần mà thôi, không khái quát hết cả Phật giáo vô thần và Nho giáo nửa vô thần nửa hữu thần, cũng không bao hàm hết trải nghiệm liên thông với thần và các hành vi luân lý. Nếu tìm trong từ điển Trung Quốc danh từ tương đương với religion, chỉ có từ “đạo” (道) miễn cưỡng chấp nhận được. “Đạo” kiêm cả hai mặt bản chất nội tại lẫn biểu hiện ngoại tại, religion cũng có hai mặt tôn chỉ lẫn phương pháp. Đạo có thể biểu thị hoàn toàn mối quan hệ khăng khít giữa con người với bản thể vũ trụ, đồng thời nói đến hoạt động và thích ứng của con người đối với xã hội. Tiếc là chữ này phổ biến dùng riêng cho Đạo giáo, chuyển sang dùng để dịch religion dễ bị nhầm lẫn vô bổ. Nay mong rằng, người trong nước (Trung Quốc) đừng có suy diễn ý nghĩa từ mặt chữ, cần lưu ý đến nội dung các tôn giáo lớn trên thế giới và tự xây dựng nên một quan niệm về tôn giáo gần như có thể tránh được mọi mắc mớ không cần thiết”4. Lã Đại Cát trong sách Tôn giáo học thông luận (宗 教 学 通 论) giải thích gốc gác của từ tôn giáo như sau: Thư tịch cổ Trung Quốc không có từ tôn giáo. Từ ngoại lai này có hai nguồn gốc. Thứ nhất là từ Phật giáo Ấn Độ. Phật giáo lấy lời Phật thuyết làm “giáo”, lấy lời đệ tử thuyết làm “tông”, tông là phái (phân nhánh) của giáo, gọi gộp là tôn giáo, nghĩa là giáo lý của Phật giáo. Trong Cảnh Đức truyền đăng lục - Khuê Phong Tông Mật Thiền sư đáp Sử Sơn nhân thập vấn có từ “tông giáo” với ý nghĩa là tông phái của Phật giáo. Từ tôn giáo mà người Trung Quốc sử dụng hiện nay bắt nguồn từ tiếng Tây religion, ý nghĩa của nó rộng rãi hơn nhiều ý nghĩa từ tôn giáo trong Phật giáo, hơn nữa nó phiếm chỉ niềm tin vào thần linh. Cho dù đây là khái niệm ngoại lai, nhưng thư tịch cổ Trung Quốc cũng có cách nói tương tự. Tư tưởng “dĩ thần đạo thiết giáo” phản ánh một quan niệm tôn giáo của người xưa. Họ lý giải tôn giáo như một phương thức dùng đạo thần (神 道 设 教) để giáo hóa dân chúng. Lễ ký - Tế nghĩa viết: “Hợp quỷ dữ thần, giáo chi chí dã” (合 鬼 与 神,教 之 至 也), nghĩa là niềm tin và thờ cúng đối với quỷ thần là sự chí lý trong việc giáo hóa dân chúng, đó cũng là lẽ phải căn bản của 8 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 8 tôn giáo. Một số người Trung Quốc thời Cận đại vẫn theo truyền thống này, căn cứ mặt chữ để giải thích nghĩa của tôn giáo: tôn (tông) là gốc; tôn giáo có nghĩa gốc là giáo dục (giáo hóa). Cái gọi là gốc (bản), hay các đạo thần, là cách nói khác của “thần đạo thiết giáo”5. Nhà nghiên cứu Hoa Kỳ Leonard Swidler từng hợp tác với nhà thần học nổi tiếng Hans Küng đề xướng tư tưởng “luân lý toàn cầu” nỗ lực đưa ra một định nghĩa đầy đủ về tôn giáo: Tôn giáo theo cách gọi truyền thống là “một loại lý giải về ý nghĩa sau rốt của cuộc sống và tương ứng với điều đó là nên sống như thế nào”. Thông thường, các tôn giáo đều gồm: tín điều, quy tắc/ luật lệ, sự thờ cúng và kết cấu đoàn thể (4C = creed, code, cult, community structure), được hình thành trên cơ sở quan niệm về cái siêu việt (transcendent). Tín điều là chỉ phương diện nhận thức tôn giáo, thuyết minh về ý nghĩa rốt ráo của cuộc sống. Quy tắc, luật lệ là chỉ quy phạm về hành vi và luân lý, bao gồm mọi quy tắc hành động và tập quán hoặc nhiều hoặc ít đi cùng với một phương diện nào đó của tín điều. Sự thờ cúng (sùng bái) là chỉ những hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho tín đồ liên quan với một phương diện nào đó của cái (đấng) siêu việt. Cầu nguyện là ví dụ về mối liên quan trực tiếp, còn những hành vi chính thức của đại diện cho đấng siêu việt, như chức sắc tôn giáo chẳng hạn, là ví dụ về mối liên quan gián tiếp. Kết cấu cộng đồng là chỉ các loại quan hệ giữa tín đồ, có thể không tương đồng với nhau ở các mức độ khác nhau, từ mối quan hệ bình đẳng (như quan hệ giữa tín đồ hệ phái Quaker của Tin Lành), kết cấu kiểu cộng hòa (như tín đồ hệ phái Trưởng Lão của Tin Lành), cho đến kết cấu kiểu quân chủ (như tín đồ hệ phái Hasidic của Do Thái giáo). Cái (đấng) siêu việt, đúng như từ gốc transcendent, chỉ cái vượt ra ngoài kinh nghiệm đối với bề ngoài của thực tại thường nhật và phổ thông. Nó có thể là tinh linh, thần linh, Thượng Đế có nhân cách, Thượng Đế phi nhân cách, hư vô, v.v...6 Trong rất nhiều định nghĩa tôn giáo nêu trên, sự phân rẽ gần như tập trung ở hai phương diện: Thứ nhất, tôn giáo thông qua tính siêu việt nào để thể hiện ý nghĩa và tác dụng của nó đối với đời sống con người. Sự phân rẽ này ngoài thể Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 9 9 hiện sự khác nhau về định nghĩa mặt chữ giữa Trung Quốc và Phương Tây, còn biểu hiện ở sự khác nhau của các góc độ khoa học khi giới thuyết đối tượng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Phương Tây giới thuyết về tôn giáo từ góc độ nhân học và xã hội học như Samuel Koenig, James G. Frazer, Emile Durkheim, Max Schmidt; giải thích về tôn giáo từ góc độ triết học như Herbert Spencer, James Martineau, Jastrow; giải thích về tôn giáo từ góc độ luân lý học như W. Robertson Smith, Immanuel Kant, Thomas Henry Huxley. Thứ hai, hiện tượng tôn giáo thông qua con đường nào để thể hiện bản chất của nó: là niềm tin, tình cảm kết hợp với hành động (theo Koenig), hay là tình cảm kết hợp hành động (theo Huxley); là hệ thống liên hợp giữa niềm tin và hành vi (theo Durkheim), hay là một cộng đồng gồm niềm tin, cảm giác, tổ chức, hành vi, quy tắc/ luật lệ (theo Jastrow), hoặc là sự kết hợp 4C trên cơ sở quan niệm về cái siêu việt (theo Swidler), hoặc là biểu hiện của sự công nhận đối với một lực lượng siêu việt (theo Spencer, Kant), biểu hiện mối liên hệ giữa con người với một thế lực (theo Smith), biểu hiện như một sự chuộc tội hoặc giảng hòa (theo Frazer). Không khó nhận ra bản thân sự phân rẽ nêu trên cũng biểu hiện một mặt đồng thuận của các nhà nghiên cứu tôn giáo. Điều đó nói lên rằng, các nhà nghiên cứu tôn giáo có cách nhìn khác so với kết quả quan sát, phân tích và giải thích về tôn giáo của người khác, từ đó dẫn đến tranh luận, thậm chí là đối chọi nhau, nguyên nhân căn bản là do họ có cách nhìn khác nhau về một đặc điểm, đó là tôn giáo ra sao với tư cách một hiện tượng đặc biệt. Họ đều công nhận, tôn giáo có nền tảng đặc biệt và phương thức biểu hiện đặc thù. Vấn đề chỉ là, cái gì làm nền tảng đặc biệt của tôn giáo, và tôn giáo thể hiện phương thức đặc biệt của mình như thế nào. Hai vấn đề này một khi trở thành nội dung được các nhà nghiên cứu mô tả, phân tích và giải thích sẽ có được những đáp án khác nhau. 2. Bàn lại về ý nghĩa và phương pháp lý giải bản chất tôn giáo Hiển nhiên, những nhà nghiên cứu tôn giáo khác nhau khi quan sát, mô tả, giải thích về hiện tượng tôn giáo, bất kể là đồng thuận hay phân rẽ quan điểm đều xoay quanh vấn đề chủ yếu là nên giải thích như thế nào về đặc điểm của tôn giáo. Cố nhiên, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tôn giáo đặc biệt, hơn nữa cái đặc biệt của nó có thể biểu hiện ra ngoài và quan sát được. Vậy vấn đề đầu tiên là, tôn giáo đặc biệt ở chỗ nào, hoặc bản chất của tôn giáo là gì. 10 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 10 Khi so sánh các loại định nghĩa tôn giáo, không khó nhận thấy, các nhà nghiên cứu đều coi đặc điểm (hoặc bản chất) của tôn giáo là tôn giáo thông qua khơi dậy tình cảm, niềm tin hoặc cảm giác của con người đối với cái (tính) siêu việt, từ đó ảnh hưởng và tác dụng đối với sự sinh tồn và phát triển của con người, hoặc nói cách khác là mang đến ý nghĩa cho nhân sinh. Như định nghĩa mặt chữ trong ngôn ngữ Phương Tây nhấn mạnh mối quan hệ sống còn giữa con người với vũ trụ (Tạ Phù Nhã); “Thánh nhân dùng đạo thần để giáo hóa” (Tăng Ngưỡng Như và Lã Đại Cát đều dùng cách nói này của cổ văn Trung Quốc để lý giải hàm nghĩa của từ tôn giáo. Nhà nghiên cứu sử dụng định nghĩa mô tả cũng nhấn mạnh, tôn giáo là niềm tin của con người đối với lực lượng siêu nhiên hoặc thần bí (siêu nhân, vật thiêng, lực lượng không thể giải thích, mệnh lệnh của thần linh, lý tưởng luân lý, một thế lực quan tâm lợi ích cộng đồng, bảo hộ luật lệ và trật tự luân lý cộng đồng, các hiện tượng mà con người không thể khống chế nhưng lại là căn nguyên của mọi vật, nảy sinh trong thế giới tự nhiên và đời sống con người, v.v...) và các hoạt động xuất phát từ niềm tin đó (định nghĩa trong sách Triết học về tôn giáo của Tăng Ngưỡng Như). Đằng sau sự phân rẽ của các định nghĩa tôn giáo ẩn chứa một tính thống nhất có thể suy đoán, bản chất tôn giáo là niềm tin của con người đối với cái (tính) siêu việt. Nhưng trong tiến trình hàng trăm năm của ngành tôn giáo học, các nhà nghiên cứu luôn nhiệt tâm với việc mô tả bản chất tôn giáo biểu hiện cụ thể như thế nào, cố giữ lập trường nghiên cứu và phương pháp luận của từng người trong mô tả về tôn giáo. Do đó, họ dần quên mất truy vấn bản chất tôn giáo đằng sau các hiện tượng tôn giáo khác nhau, cũng như ý nghĩa của việc truy vấn này đối với tri thức nhân loại và việc nghiên cứu tôn giáo. Nhà sáng lập ngành tôn giáo học Max Müller muốn đem nghiên cứu tôn giáo trở thành một môn khoa học (science), mục đích căn bản là muốn thông qua phương thức nghiên cứu và thao tác nghiên cứu khác nhau đi tới quy chuẩn hóa, cố gắng loại bỏ thiên kiến giá trị mà người nghiên cứu thường mang vào trong giải thích tôn giáo, khiến cho thành quả nghiên cứu tôn giáo được chấp nhận rộng rãi với ý nghĩa phổ cập và vượt lên tính hạn chế của chủ quan cá nhân. Tôn giáo học trong nhãn quan Max Müller không phải là để thuyết minh người này hay người kia Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 11 11 nhìn nhận, cảm thụ và suy nghĩ thế nào về tôn giáo, mà là cần thông qua nghiên cứu một cách lý trí về tôn giáo, lý giải tôn giáo có cơ sở gì trong tâm hồn nhân loại, cuối cùng đạt tới mục đích hiểu được con người, thuyết phục con người với con người cần hiểu biết lẫn nhau7. Bởi vậy, ông đã trao một sứ mệnh thiêng liêng cho những người đối diện và lý giải tôn giáo bằng lý trí, thông qua tìm kiếm phương pháp thích hợp để nghiên cứu tôn giáo, chỉ ra khởi nguồn của tôn giáo trong tâm thức và tư tưởng của con người, chỉ ra các con đường liên hệ lẫn nhau giữa tôn giáo với đạo đức và thần thoại8. Nếu nói phương pháp miêu tả tôn giáo từ góc độ quan sát chủ quan chỉ rõ các hiện tượng về mối liên quan giữa tôn giáo với con người, thì bước tiếp theo cần giải thích là các hiện tượng về mối liên quan này tại sao được gọi chung là mối liên quan giữa tôn giáo với con người. Nhà nhân học người Anh W. James từng nói, giả dụ muốn lý giải bản chất của việc nghiên cứu tôn giáo và nội dung không ngừng phát triển của nó, giả dụ việc nghiên cứu tôn giáo được xây dựng trên cơ sở chân thực tốt đẹp, thì bất kể vì mục đích học thuật hay với tư cách một phương thức của đời sống, vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo và nền hòa bình quốc tế, nghiên cứu tôn giáo vừa cần nghiên cứu lịch sử và khoa học, vừa cần có đánh giá của thần học và triết học9. Trong nghiên cứu tôn giáo, triết học lý giải như thế nào về tính đặc thù của tôn giáo hoặc bản chất của tôn giáo? Triết học chủ yếu quan tâm vấn đề căn bản và phổ biến về sự sinh tồn và phát triển của con người. Tại sao tôn giáo lại thuộc một trong những vấn đề nói trên, tính tất yếu và tính khả năng của nó khi trở thành một trong những vấn đề nói trên..., đều trở thành nguyên nhân quan trọng để triết học từ góc độ của mình nghiên cứu và lý giải bản chất tôn giáo. Trên thực tế, nhiệm vụ của nghiên cứu triết học về tôn giáo (còn gọi là triết học tôn giáo) là thông qua các phân tích tổng hợp, giải thích mối quan hệ giữa đặc tính tôn giáo với bản tính loài người, về khả năng và tính tất yếu của việc tôn giáo với tư cách là một thế giới quan, nhân sinh quan tác động và ảnh hưởng đến đời sống con người. Nó có cách giải quyết cụ thể khác với các ngành nghiên cứu tôn giáo khác đối với quan hệ giữa tôn giáo và nhân sinh, chú trọng giải quyết vấn đề một cách toàn diện và căn bản. Ví dụ, các ngành nghiên cứu tôn giáo khác đứng trên cơ sở mô tả thực tế, đưa ra phân tích và thuyết minh cụ thể về quan hệ giữa tôn giáo và nhân sinh. Còn nghiên cứu triết học về tôn giáo lại đứng trên cơ sở phân tích và thuyết minh cụ thể đó, đi tới khái quát về bản tính của 12 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 12 tôn giáo, đưa ra phân tích và thuyết minh chân thực về ý nghĩa của mối quan hệ giữa tôn giáo và con người10. Nhưng từ góc độ khoa học, nghiên cứu và lý giải về tôn giáo là công việc có mức độ nhất định. Từ góc độ triết học giải thích về bản chất tôn giáo cũng không nằm ngoài điều đó. Mức độ của nó nằm ở hai phương diện sau đây: Thứ nhất, triết học xuất phát từ so sánh đặc trưng của các hiện tượng văn hóa tinh thần để giải thích bản chất hoạt động văn hóa tinh thần có tính đặc thù như tôn giáo. Tức là, triết học khi nhấn mạnh tôn giáo có nền tảng của riêng mình thì hoàn toàn không nói một cách chung chung về đặc tính thông thường các trạng thái của con người và tự nhiên, mà xuất phát từ so sánh đặc trưng của các sinh hoạt văn hóa tinh thần. Nói rõ điểm này giúp cho việc giới thuyết về bản chất tôn giáo sẽ không bị mở rộng vô hạn, sẽ không làm cho thuyết minh về bản chất tôn giáo lan man tới giải thích bản chất các hiện tượng vật lý, hóa học, sinh vật một cách vô nghĩa. Thứ hai, triết học khi giải thích bản chất tôn giáo như một hoạt động văn hóa tinh thần đặc thù cũng nhấn mạnh không thể đem đặc tính làm nên nền tảng của tôn giáo phân tách khỏi các hoạt động văn hóa tinh thần khác, coi nó là riêng có của tôn giáo, coi nó là giới tuyến giữa tôn giáo và các hoạt động văn hóa tinh thần khác. Triết học nhấn mạnh, bất cứ đặc tính và bản chất hiện tượng nào cũng là biểu hiện nổi trội, đầy đủ nhất ở hiện tượng đó, chứ không có nghĩa là không liên quan đến các hiện tượng khác, cũng không phải không thể biểu hiện ở các hiện tượng khác. Cố nhiên, mọi sự vật đều có quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau, cùng tồn tại trong vũ trụ, vậy thì mỗi hiện tượng trong quá trình quan hệ, tác động lẫn nhau thường khiến cho mỗi phương diện đều để lại dấu ấn trong các sự vật, hiện tượng khác. Cái làm nên bản chất hoặc đặc trưng nổi trội nhất của một sự vật, hiện tượng cũng sẽ để lại dấu ấn ở các sự vật, hiện tượng khác trong quá trình quan hệ lẫn nhau. Từ ý nghĩa đó, triết học không thừa nhận việc giải thích bản chất của sự vật, hiện tượng là sở hữu riêng của sự vật, hiện tượng đó. Cũng giống như nói rằng, bản chất tôn giáo là biểu hiện niềm tin và tình cảm của con người đối với cái siêu việt thì không phải có riêng ở tôn giáo, mà chỉ là nói tôn giáo biểu hiện điều này mạnh mẽ nhất và đầy đủ nhất. Rõ ràng là, triết học cơ bản đứng từ góc độ tri thức và hành vi để lý giải đặc trưng hoạt động văn hóa tinh thần của con người. Cho nên, từ hai Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 13 13 mức độ nêu trên, việc lý giải bản chất tôn giáo từ góc độ triết học có hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là từ hai phương diện chức năng phản ánh, nhận thức và chức năng thực tiễn, hành động, phân tích bản chất tôn giáo như một hoạt động văn hóa tinh thần đặc thù. 3. Hai phương diện của bản chất tôn giáo Trước hết, khác với các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần khác, tôn giáo và các loài (gồm cả con người) và sự vật bên ngoài (có mối quan hệ tới sự sinh tồn và phát triển của con người) nảy sinh tác dụng tương hỗ sẽ dẫn đến sự phản ánh và nhận thức có tính niềm tin mãnh liệt. Ở đây nói về sự thật khách quan. Tính chân thực khách quan được phản ánh và nhận thức trong ngôn ngữ triết học (khi biến thành lý luận gọi là chân lý khách quan), tức là con người có thể dựa vào diện mạo của sự vật đang nảy sinh mối quan hệ (tác dụng) tương hỗ với mình để đối xử. Việc dựa vào diện mạo của sự vật (bao gồm con người) để đối xử cho thấy, con người trong quá trình phản ánh và nhận thức cố gắng gác tình cảm và thiên kiến cá nhân (người quan sát) sang một bên, khiến cho việc mô tả, phân tích và lý giải về đối tượng (bị quan sát) có thể khách quan, chính xác về bản chất sự vật (và con người). Mọi người đều có thể mô tả và giải thích về mức độ chiếu sáng của Mặt Trời, sự cấu thành gen di truyền của con người, sự tăng trưởng kinh tế và thực hiện phúc lợi của một quốc gia (một khu vực), sự hình thành núi non và biển cả, tốc độ gió bão, nguyên nhân sấm chớp, nguyên nhân sinh lão bệnh tử của đời người,... một cách hiện thực khách quan, không thiên kiến chủ quan. Nhưng tôn giáo mô tả và giải thích về nhiều sự việc liên quan đến con người hoặc trực tiếp là của bản thân con người, lại không thể không mang theo thành phần chủ quan khi hoàn toàn chân thực khách quan hóa. Có điều, niềm tin trong phản ánh và nhận thức tôn giáo không có nghĩa tôn giáo phản ánh về con người và sự vật đều là đen trắng lẫn lộn, nhào nặn tùy tiện. Nói một cách tương đối, sự phản ánh và nhận thức của tôn giáo đối với sự vật và con người ngay từ khởi đầu đã mang màu sắc chủ quan, khiến cho sự phản ánh và nhận thức của tôn giáo không xuất phát từ diện mạo vốn có của sự vật và con người, ngược lại, chủ yếu xuất phát từ tình cảm và ý muốn của con người. Nếu nói biểu hiện nổi trội của đặc tính con người khi nảy sinh quan hệ với vạn vật (gồm cả con người với con người) thông qua tâm thức và tình cảm, thì tất yếu xuất hiện tính chủ động và tính tự giác của con người trong lựa chọn quan hệ. Vậy thì, nhân 14 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 14 tố quan trọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của con người là tính chủ động, tính tự giác và tính năng động theo hướng có lợi cho con người trong những mối quan hệ đó. Trong đó, tính năng động mà con người thể hiện khi thay đổi các nhân tố bất lợi hoặc tận dụng các nhân tố có lợi cho mình trong mối quan hệ với tự nhiên đều có quan hệ với niềm tin tôn giáo khi phản ánh và nhận thức sự vật. Điều này có nghĩa là, con người luôn có phần chủ quan khi nhìn nhận sự vật cũng như bản thân con người. Đây là sự phản ánh và nhận thức của một loại tình cảm mang tính mục đích của con người đối với các nhân tố có lợi và bất lợi trong bất kỳ mối quan hệ nào, trong đó con người ẩn chứa kỳ vọng của mình về loại tác dụng và ảnh hưởng nào tốt nhất mà quan hệ mang đến. Sự phản ánh và nhận thức của các hình thức hoạt động văn hóa khác có lẽ cũng cố gắng tách bạch sự kỳ vọng này của con người với bản thân đối tượng được phản ánh và nhận thức, để sự phản ánh và nhận thức đó được khách quan chân thực, khi hành động lại đem sự thực kết hợp cùng với mục đích mà bản thân muốn cải biến và cảm thụ tình cảm đối với đối tượng, quyết định chỗ nào thì tác dụng trở lại tới đối tượng. Tính chân thực khách quan trong phản ánh và nhận thức là một yêu cầu tự giác mà con người dần đặt ra cho mình trong tiến trình lịch sử lâu dài, nhằm làm cho sự tác dụng trở lại tới đối tượng không vì cảm thụ tốt xấu mà khiến bản thân sa vào nhận thức không rõ ràng. Tôn giáo chủ động đem nhân tố chủ quan của con người ẩn chứa trong phản ánh, nhận thức và hành động thể hiện ra bên ngoài. Nó hoàn toàn không đem cái xấu của đối tượng vốn đang có quan hệ với con người nói thành cái tốt. Nó nhấn mạnh, nên nhận thấy trong đối tượng có một mặt tốt đối với con người, nên nhận thấy năng lực con người có thể khiến bản thân từ chỗ hữu hạn đi đến vô hạn (bao gồm con người có thể đem cái xấu của đối tượng biến thành cái tốt, con người có thể khiến bản thân mối quan hệ đối lập với đối tượng trở thành quan hệ thống nhất, hài hòa, v.v...). Nếu nói các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần khác khi biểu hiện chức năng phản ánh và nhận thức thường chú tâm đến việc con người cần phải xuất phát từ nhận thức, phản ánh về bản tính sự vật đã hiện hữu, thực hiện nguyện vọng của mình trong phạm vi hữu hạn, tác dụng trở lại với các sự vật (bao gồm con người) đang có quan hệ với mình thì, tôn giáo với tư cách là một hiện tượng mang tính tâm thức, tinh thần đặc biệt Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 15 15 chú trọng đến việc con người nên không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu hòa hợp, thống nhất các mối quan hệ như từng làm trong quá khứ chứ không chỉ chú ý đến hiện tại. Bởi vì, mối quan hệ giữa sự vật và con người (bao gồm quan hệ con người với con người) bất kể ở đâu và khi nào đều tồn tại một mặt hòa hợp, và con người lại là con người chủ động và năng động. Nói cách khác, tôn giáo nhấn mạnh sự hòa hợp quan hệ đối với sự sinh tồn và phát triển của con người, tức là sự tồn tại tự nhiên, nhưng chỉ có được thông qua nỗ lực của con người. Mối quan hệ tự nhiên như vậy trong thực tế chỉ là một mặt của quan hệ giữa con người với sự vật, con người với con người, mà không phải là toàn bộ. Hơn nữa, phương diện biểu hiện sự hòa hợp lúc này sẽ không giống phương diện biểu hiện sự hòa hợp lúc khác. Sự sinh tồn và phát triển của con người cần nhận được nguồn vốn và điều kiện từ các mối quan hệ, cần thiết phải nhận thức sâu sắc về sự tồn tại của cái siêu việt, cái hữu hạn hiện tồn trong các mối quan hệ hòa hợp. Từ góc độ tôn giáo mà nói, cũng giống như triết học, việc thừa nhận sự sâu sắc này không đơn thuần rút ra trực tiếp từ nhận thức của con người đối với sự vật, quan hệ trước mắt. Sự sâu sắc này cần thiết lập trên sự tương thông và bao quát lẫn nhau của các loại nhận thức khác nhau. Mặt khác, tôn giáo cho rằng, việc có được sự sâu sắc này càng quan trọng hơn ở chỗ, dựa vào tinh thần mang tính bản tính con người, không ngừng theo đuổi mối quan hệ hòa hợp và cần có cả niềm tin vững bền. Người không có loại nhu cầu, định hướng và niềm tin đó, cho dù có thực hiện hành động, thì hiệu quả thu được nhất định có cả mặt bất lợi cho bản thân. Tính niềm tin chỉ giới hạn ở việc biểu đạt tôn giáo với tư cách một loại phản ánh và nhận thức mang hình thức đặc biệt. Nó theo đuổi một phương diện có lợi cho con người trong việc giải thích mối quan hệ giữa sự vật và con người, con người và con người từ góc độ vĩnh cửu, vô hạn. Nó được thiết lập trên sự hướng thượng, sự theo đuổi và niềm tin, mà không chỉ là sự phản ánh, nhận thức khách quan và chủ động thực hành trên phương diện có lợi cho bản thân. Rất rõ ràng, tôn giáo không chỉ đem một phương diện nào đó trong mối quan hệ giữa con người và sự vật, con người và con người, mà còn đem một phương diện nguyện vọng chủ quan của con người từ trong sự tồn tại hữu hạn của thời gian và không gian biểu hiện ra ngoài thành đối tượng của sự phản ánh, nhận thức có tính trừu tượng và vĩnh cửu. 16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 16 Loại phản ánh, nhận thức như vậy do thấm nhuần khuynh hướng tình cảm, giá trị, nên bản tính của đối tượng được phản ánh, nhận thức không giống với đối tượng của các hình thức phản ánh, nhận thức khác - chỉ là diện mạo vốn có, hữu hạn và hiện hữu, mà ngược lại, là đối tượng thiêng liêng, chí cao vô thượng. Một khi loại phản ánh, nhận thức như vậy cần thực thi bởi hành động của con người, biến thành hiện thực, nó cần phải có phương thức đặc thù để thực hiện điều đó. Trên thực tế, với tư cách là một hiện tượng mang tính tinh thần, tính tâm thức của con người, tác dụng trở lại của tôn giáo tới hiện thực xã hội là không giống với các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần khác. Thông thường, tôn giáo thông qua tổ chức chặt chẽ, chức sắc chuyên nghiệp và nghi lễ quy chuẩn khiến nó trở thành một lực lượng xã hội quan trọng và hình thành nên phương thức hành vi đặc thù, từ đó ảnh hưởng và tác dụng đến đời sống và sự phát triển của con người. Hiển nhiên, tôn giáo không chú tâm vào phương diện hiện hữu hoặc sở hữu trong mối quan hệ giữa sự vật và con người, con người và con người, cũng không chú tâm các phương diện chức năng mang tính tinh thần của con người. Cho nên, phương thức thực hiện khi biến đổi từ tư tưởng, nhận thức, lý luận sang hành động, hiện thực tất nhiên cũng khác so với các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần khác. Tôn giáo chú trọng thông qua nỗ lực của con người để phát huy mặt hòa hợp đồng thuận trong các mối quan hệ. Nó tất nhiên coi nguyện vọng, niềm tin và ý chí của con người về sự việc tốt đẹp là nguồn động lực để con người nỗ lực và hành động vì điều đó. Điều này cũng có nghĩa là, tôn giáo coi quan điểm nội tâm của con người đồng nhất với hành động thực tế của con người. Căn cứ và nguồn gốc của hành động đều từ niềm tin nội tâm của con người, mà không phải từ sự can thiệp ép buộc bởi lực lượng bên ngoài. Nhưng với tư cách là một hình thức hoạt động văn hóa có sự phản ánh, nhận thức và tất nhiên có hành động thực tế, tôn giáo tuy chú trọng ý nghĩa và tác dụng phương diện nào đó của thực tại và tâm thức con người có ý nghĩa đối với đời sống con người, song lại không thể không nhìn nhận thực tại và tâm thức con người về mặt khách quan có ít nhất hai phương diện khác nhau cùng tồn tại. Để có thể ứng phó hữu hiệu với tác dụng mặt trái của thực tại và tâm thức, để khiến cho niềm tin con người không bị lung lay khi gặp phải hiện thực khách quan tàn khốc, tôn giáo trong lịch sử đã Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 17 17 dần phát triển được phương thức hành vi đặc thù để duy trì niềm tin và hình thức tổ chức có sự khích lệ, giám sát và chế ngự lẫn nhau giữa những tín đồ. Giống như niềm tin cần xuất phát từ nội tâm, tính đặc thù của hành vi và tổ chức tôn giáo về mặt nguyên tắc mà nói, chỉ là sáng tạo ra điều kiện và từ phương diện tình cảm, lý trí thuyết phục tín đồ kiên trì niềm tin tôn giáo và không ngừng nỗ lực trong hành vi và trong cộng đồng nhất định, tạo ra một môi trường và không khí niềm tin tôn giáo cho tín đồ. Nói một cách đơn giản, tôn giáo thể hiện chức năng thực tiễn của nó không giống với các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần khác. Trước tiên, tôn giáo kiên trì một cách cố chấp rằng, căn cứ để nó phát huy chức năng thực tiễn là một mặt của sự hòa hợp vĩnh cửu trong mối quan hệ tương hỗ, là sự theo đuổi, lý tưởng và niềm tin con người đối với loại bản tính sự vật này một cách chủ động và không biết mệt mỏi. Vậy thì, mục đích thực tiễn tôn giáo không nên giới hạn trong sự toan tính được mất về lợi ích trước mắt của con người. Phương thức thực hiện mục tiêu thực tiễn tôn giáo cũng không nên tính toán có được trong sự tồn tại cụ thể của con người. Nói cách khác, tiêu điểm của thực tiễn tôn giáo không phải là tác dụng tức thời, ảnh hưởng tức thời và cải biến tức thời đối với sự vật, con người và đối với quan hệ. Nó hy vọng đạt được tác dụng vĩnh cửu, ảnh hưởng phổ biến và cải biến triệt để của sự siêu việt đối với sự vật, con người và quan hệ tương hỗ. Bởi vậy, tôn giáo tất yếu phát triển phương thức thực tiễn đồng nhất với mục tiêu bản thân. Ngoài ra, tôn giáo khi thể hiện chức năng thực tiễn của mình đã nhận thấy rằng, mắt xích để có thể thực hiện được tác dụng vĩnh cửu, ảnh hưởng phổ biến và cải biến triệt để đối với sự vật, con người và quan hệ tương hỗ không phải ở chỗ con người cải biến cái không thể cải biến đối với sự vật, con người và quan hệ giữa con người và sự vật, giữa con người và con người (như cưỡng chế biến đổi trật tự hiện hữu, biến đổi nhân tạo diện mạo hiện có của sự vật hoặc con người, v.v...); mà chỉ có thể ở chỗ bồi dưỡng niềm tin kiên định trong tâm thức con người đối với lý tưởng hòa hợp vĩnh cửu mà họ đang theo đuổi, đồng thời thúc đẩy con người nguyện vì điều đó mà nỗ lực không mệt mỏi. Cũng tức là, tôn giáo nhận thấy mắt xích của việc thực hiện được hay không chức năng thực tiễn ở chỗ có khiến con người thoát ra khỏi những toan tính được mất, những lợi ích cụ thể hữu hạn, thiết lập lòng tin đối với sự hòa hợp vĩnh cửu, đồng thời sẵn lòng hy sinh để thực hiện điều đó. Từ ý nghĩa đó, tôn giáo chủ yếu đem thực tiễn của mình đặt vào sự cải biến tâm thức và tinh 18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 18 thần con người, nhấn mạnh sự cải biến đó không thể thực hiện bằng phương thức mang tính vật chất. Con đường mà tôn giáo cải biến lòng người chỉ có thể là ôn hòa, như: thuyết phục con người bằng tình cảm và lý trí, gây cảm động và ảnh hưởng tới con người bằng sự kết nối lẫn nhau giữa người với người, kiên định niềm tin vào sự hòa hợp vĩnh cửu bằng tu luyện hành vi một cách tự giác, v.v... Thông qua tính đặc thù của mục đích và phương thức chức năng thực tiễn của tôn giáo lý giải tính đặc thù hiệu quả thực tiễn của tôn giáo nhằm nhấn mạnh, tôn giáo sẽ thông qua phương thức đặc thù để tác dụng, ảnh hưởng, cải biến tâm thức và đời sống con người, khiến cho lý tưởng của tôn giáo đối với thế giới từ niềm tin biến thành chân thực. Rõ ràng, tôn giáo là cái đặc biệt. Ít nhất tôn giáo đưa ra chiều kích có ý vị đặc biệt về tri thức và hành vi nhằm giải quyết vấn đề lý tưởng của con người được định vị ra sao và thực hiện như thế nào./. Trần Anh Đào dịch CHÚ THÍCH: 1 Tác giả từng thảo luận về sự liên quan giữa tính chất của bộ môn khoa học về tôn giáo và sự phân rẽ định nghĩa tôn giáo trong bài “Giải thích lại về hàm nghĩa, tác dụng và mức độ của quy phạm nghiên cứu tôn giáo học”, đăng trên tập san Đại học Sư phạm Hoa Đông, số 4/2000. 2 Tăng Ngưỡng Như (1989), Triết học về tôn giáo, Nxb. Nhân dân Sơn Đông: 72 - 74. 3 Tăng Ngưỡng Như (1989), Triết học về tôn giáo, Sđd: 87 - 91. 4 Tạ Phúc Nhã (1998), Triết học tôn giáo. Nxb. Nhân dân Sơn Đông: 204 - 205. 5 Lã Đại Cát chủ biên (1989), Tôn giáo thông luận, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc: 48. 6 Leonard Swidler (1995), “Hướng tới Tuyên ngôn phổ quát toàn cầu” (bản dịch Trung văn), Đông Phương, số 2. 7 Eric J. Sharpe (Lã Đại Cát, Hà Quang Hộ, Từ Đại Kiến dịch, 1988), Comparative Religion: A History (Lịch sử tôn giáo học so sánh), Nxb. Nhân dân Thượng Hải: 56. 8 Eric J. Sharpe (Lã Đại Cát, Hà Quang Hộ, Từ Đại Kiến dịch, 1988), Comparative Religion: A History (Lịch sử tôn giáo học so sánh), Sđd: 48. 9 Eric J. Sharpe (Lã Đại Cát, Hà Quang Hộ, Từ Đại Kiến dịch, 1988), Comparative Religion: A History (Lịch sử tôn giáo học so sánh), Sđd: 372. Các nhà nghiên cứu tôn giáo quan tâm sự phát triển của tư tưởng đương đại luôn thảo luận về mối quan hệ giữa tôn giáo và triết học chỉ ra rằng, lý giải tôn giáo từ góc độ triết học là không thể thiếu. Tham khảo: John Macquarrie (Cao Sư Ninh, Hà Quang Hộ dịch, 1988), Twentieth Century Religious Thought (Tư tưởng tôn giáo thế kỷ XX), Nxb. Nhân dân Thượng Hải; Luther J. Binkley (Mã Nguyên Đức dịch, 1986), Conflict of Ideals (Sự xung đột của các lý tưởng), Thương vụ ấn thư quán; Hà Quang Hộ (2000), “Tiếng nói trăm năm của ngành tôn giáo học”, trong Tư liệu báo chí Đại học Nhân dân Trung Quốc - Tôn giáo, số 3. Lý Lan Phần. Lý giải về bản chất tôn giáo 19 19 10 Loại hình nghiên cứu được gọi là “triết học tôn giáo về cơ bản không cần xuất phát từ lập trường một tôn giáo nào đó, nó không phải là một phân ngành của Thần học (John Hick, 1988, Philosophy of Religion/ Triết học tôn giáo, bản dịch Trung văn, Tam Liên thư điếm), mà là “nghiên cứu tôn giáo từ quan điểm triết học, hoặc qua nhãn quan khách quan, cởi mở và điềm tĩnh của lý trí con người, thảo luận về giải đáp của tôn giáo đối với các vấn đề quan trọng của nhân sinh, như sinh tử, thiện ác, thưởng phạt, sướng khổ, v.v...; để xem ý nghĩa sứ mệnh và tâm nguyện của tôn giáo trong cứu nhân độ thế; nghiên cứu về hiện tượng của tôn giáo; tư duy về khởi nguyên của tôn giáo; phê phán sự phát triển của tôn giáo; quan sát và phân loại tôn giáo; phân tích chức năng của tôn giáo; tìm hiểu tìm cảm của tôn giáo; nghiên cứu bản chất và nhân tố của tôn giáo; khảo cứu các hoạt động và hành vi của nó” (Tăng Ngưỡng Như, 1989, Triết học về tôn giáo, Sđd: 3). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luther J. Binkley (Mã Nguyên Đức dịch, 1986), Conflict of Ideals (Xung đột tư tưởng), Thương vụ ấn thư quán. 2. Lã Đại Cát chủ biên (1989), Tôn giáo thông luận, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc. 3. John Hick (1988), Philosophy of Religion (Triết học về tôn giáo), bản dịch Trung văn, Tam Liên thư điếm. 4. Hà Quang Hộ (2000), “Tiếng nói trăm năm của ngành tôn giáo học”, trong Tư liệu báo chí Đại học Nhân dân Trung Quốc - Tôn giáo, số 3. 5. John Macquarrie (Cao Sư Ninh, Hà Quang Hộ dịch, 1988), Twentieth Century Religious Thought (Tư tưởng tôn giáo thế kỷ XX), Nxb. Nhân dân Thượng Hải. 6. Tạ Phúc Nhã (1998), Triết học tôn giáo, Nxb. Nhân dân Sơn Đông. 7. Tăng Ngưỡng Như (1989), Triết học về tôn giáo, Nxb. Nhân dân Sơn Đông. 8. Lý Lan Phần (2000), “Giải thích lại về hàm nghĩa, tác dụng và mức độ của quy phạm nghiên cứu tôn giáo học”, Đại học Sư phạm Hoa Đông, số 4. 9. Eric J. Sharpe (Lã Đại Cát, Hà Quang Hộ, Từ Đại Kiến dịch, 1988), Comparative Religion: A history (Lịch sử tôn giáo học so sánh), Nxb. Nhân dân Thượng Hải. 10. Leonard Swidler (1995), “Hướng tới Tuyên ngôn phổ quát toàn cầu” (bản dịch Trung văn), Đông Phương, số 2. Abstract INTERPRETATION OF THE NATURE OF RELIGION FROM PHILOSOPHY Basing on the obscure homogeneity in the differences of religious definitions, this article focused on re-discussing on significance and method to interpret the nature of religion as well as two basic aspects of religion from philosophy. Keywords: Nature of religion, philosophy, religious definition.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26585_89301_1_pb_5737.pdf