Nghiên cứu tôn giáo - Nghiên cứu so sánh tín ngưỡng thờ táo quân của người việt ở Việt Nam và người hán ở Trung Quốc

Tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán và người Việt có một số điểm giống nhau về hình thức thờ cúng, nhưng về tính chất thờ cúng của hai tộc người lại khác nhau. Nguyên nhân của sự giống nhau là do sự chỉnh hợp và người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa dân gian của người Hán. Còn nguyên nhân của sự khác nhau là do tầng sâu văn hóa mang tính tượng trưng tín ngưỡng của hai tộc người khác nhau. Thần Táo quân của người Hán ban đầu là vị Hỏa thần, Thái dương thần dần hóa thân thành thần Táo quân, cuối cùng nhân cách hóa thành một vị thần quan lại dưới thời phong kiến. Sự chuyển biến Táo quân thành một vị thần mang tính xã hội có lẽ bắt đầu từ thời Tây Hán, đánh dấu mức độ nhân cách hóa và chức năng xã hội của vị thần này lên một cấp bậc cao hơn, từ một vị thần trông coi việc bếp núc trở thành vị thần cai quản họa phúc, tuổi thọ của nhân gian, thậm chí trở thành vị Bồ tát - một vị thần lưu truyền rộng rãi trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người dân Trung Quốc.

pdf19 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 685 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Nghiên cứu so sánh tín ngưỡng thờ táo quân của người việt ở Việt Nam và người hán ở Trung Quốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 TRẦN HẠNH NGUYÊN (*) NGHIÊN CỨU SO SÁNH TÍN NGƯỠNG THỜ TÁO QUÂN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở VIỆT NAM VÀ NGƯỜI HÁN Ở TRUNG QUỐC Tóm tắt: Tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Việt Nam và người Hán ở Trung Quốc đều coi Táo quân là vị thần cai quản việc bếp núc và là một trong những vị thần quan trọng của hệ thống thần bảo hộ gia đình, gồm Thổ công, Thổ địa, Tổ tiên. Thần Táo quân có nguồn gốc từ thời Cổ đại ở Trung Quốc. Khi truyền sang Việt Nam, người Việt đã tiếp nhận và cải biên tín ngưỡng thờ thần Táo quân cho phù hợp với phong tục tập quán của mình, nhưng vẫn bảo lưu nhiều yếu tố thờ cúng, lễ vật, chức năng xã hội của người Hán. Bài viết này thông qua việc nghiên cứu so sánh tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ và người Hán ở Trung Quốc để làm rõ chức năng xã hội và các yếu tố giống nhau, khác nhau của loại hình tín ngưỡng này của hai tộc người Việt - Hán. Từ khóa: tín ngưỡng thờ thần Táo quân, tín ngưỡng thờ thần Bếp, người Việt ở Việt Nam, người Hán ở Trung Quốc. 1. Nguồn gốc tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt ở Việt Nam và người Hán ở Trung Quốc Người Việt ngoài gọi tên thần Táo quân theo âm Hán Việt, còn gọi theo tên Nôm là thần Bếp, và sau này, do thờ cùng với thần Thổ địa nên được gọi chung là thần Thổ công. Người Hán có nhiều cách gọi tên thần Táo quân như Táo quân, Táo thần, Táo vương, Táo vương gia, Táo công, Táo mẫu, Đông trù Tư mệnh, Bản gia Tư mệnh, Trủng hỏa Lão mẫu Nguyên quân, v.v Táo quân là một vị thần có lịch sử lâu đời và lai lịch hiển hách trong văn hóa tín ngưỡng truyền thống Trung Quốc. Trong lịch sử Trung Quốc, từ thời Tiên Tần đến thời Minh Thanh, việc cúng tế thần Táo quân được coi là một lễ tế quan trọng của triều đình phong kiến. Các thư tịch cổ của *. Giảng viên, Đại học Tây Bắc, tỉnh Sơn La. Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 99 99 Trung Quốc có nhiều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân. Ví dụ, Tư Mã Thiên trong Sử ký - Vũ đế bản ký ghi: “Thiên tử sử thân tư táo”, nghĩa là Thiên tử đích thân chủ tế Táo quân. Sách Hán thư viết: “Đại phu tế môn, hộ, tỉnh, táo, trung lưu ngũ tế”(1), nghĩa là Đại phu đảm trách năm loại lễ tế: Môn thần, Hộ thần, Tỉnh thần (thần Giếng), Táo thần (thần Bếp) và Trung lưu thần. Sách Bạch hổ thông - Ngũ tế của Trần Lập, đời Thanh giải thích: “Ngũ tế giả, hà vị dã? Vị môn, hộ, tỉnh, táo, trung lưu dã. Sở dĩ tế hà? Nhân chi sở xứ xuất nhập, sở ẩm thực, cố vi thần nhi tế chi”(2), nghĩa là Ngũ tế bao gồm lễ tế Môn thần, Hộ thần, Tỉnh thần, Táo thần, Trung lưu thần. Vì sao phải cúng tế các vị thần này? Vì đi lại, ăn uống có liên quan mật thiết với cuộc sống của con người. Thờ phụng các vị thần đó để luôn được phù hộ bình an, may mắn trong cuộc sống. Ở Trung Quốc lưu truyền nhiều ghi chép khác nhau về nguồn gốc của thần Táo quân. Thời Tần Hán, thần Táo quân được coi là hiện thân hoặc hậu duệ của các bậc đế vương thời Cổ đại của Trung Quốc như Hoàng Đế, Viêm Đế, Chúc Dung,v.v Sách Sự vật nguyên hội viết: “Hoàng Đế tác táo, từ vi Táo thần”(3), nghĩa là Hoàng Đế tạo ra bếp đun, sau khi mất, được phong là thần Táo quân. Sách Hoài Nam tử - Phàm luận biên viết: “Viêm Đế tác hỏa nhi tử vi táo”(4), nghĩa là Viêm Đế tạo ra lửa, nên sau khi mất được phong làm Táo thần. Sách Chu lễ thuyết viết: “Chuyên Húc thị hữu tử viết Lê, vi Chúc Dung, tế dĩ vi táo thần”(5), nghĩa là Chuyên Húc có con là Lê, còn gọi là Chúc Dung, được thờ phụng như thần Táo quân. Một số văn tịch cổ Trung Quốc cho rằng, thần Táo quân Chúc Dung là một cụ bà phúc hậu. Sách Thái Bình ngự lãm quyển 59 dẫn sách Ngũ Kinh dị nghĩa viết: “Táo thần Chúc Dung, thị lão phụ”, nghĩa là thần Táo quân Chúc Dung là một cụ bà. Trịnh Huyền thời Hán chú thích rằng: “Vương vi quần tính lập thất tế, viết táo, chủ ẩm thực dã, táo thần Chúc Dung thị lão phụ”(6), nghĩa là vua lập ra thất tế cho dân chúng, thần Táo quân chủ quản việc ăn uống, Táo thần là một cụ bà tên là Chúc Dung. Theo sách Lễ khí: “Táo giả, thị lão phu nhân chi tế”(7), nghĩa là (tế) thần Táo quân, là lễ tế một cụ bà. Về sau, thần Táo quân từng bước được thế tục hóa, trở thành một nhân thần có tên tuổi lai lịch và có dung mạo xinh đẹp như mỹ nữ. Thần cũng có vợ con và cuộc sống gia đình bình thường. Trong sách Ngũ Kinh dị nghĩa, Hứa Thận thời Đông Hán ghi: “Táo thần, tính Tô danh Cát Lợi, phụ tính Vương danh Bác Giáp”(8), nghĩa là thần Táo quân, họ Tô tên là 100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 100 Cát Lợi; vợ thần họ Vương, tên là Bác Giáp. Sách Hậu Hán thư - Âm thức truyện trích dẫn sách Tạp ngũ hành thư viết: “Táo thần danh Thiềm, tự Tử Quách, y hoàng y”(9), nghĩa là thần Táo quân tên là Thiềm, tự là Tử Quách, mặc y phục màu vàng. Đời Đường, Đoạn Thành Thí trong sách Tây Dương tạp trở - Nhược Cao ký thượng viết: “Táo thần danh Ngỗi, trang như mỹ nữ, hựu tính Trương, danh Đơn, tự Tử Quách, phu nhân tự Kị Khanh, hữu lục nữ giai danh Tế Hiệp”(10), nghĩa là thần Táo quân tên là Ngỗi, bề ngoài trông như mỹ nữ. Thần họ Trương, tên là Đơn, tự là Tử Quách; vợ thần tên là Kị Khanh. Vợ chồng thần có 6 con gái, đều tên là Tế Hiệp. Như vậy, theo ghi chép trong các thư tịch cổ của Trung Quốc, ban đầu thần Táo quân là hiện thân của những vị thần nửa người nửa thú, là những người đầu tiên biết sử dụng lửa hoặc phát minh ra bếp đun nấu. Họ là một dạng biến thân của thần Ánh sáng và thần Lửa trong tín ngưỡng nguyên thủy. Sự ra đời của tín ngưỡng thờ cúng thần Táo quân đã phản ánh chân thực quá trình tín ngưỡng sùng bái tự nhiên hòa nhập vào không gian sinh hoạt đời thường của con người thời Cổ đại. Về sau, thần Táo quân dần biến thành một lão bà phúc hậu, chuyên quản việc bếp núc theo quan niệm dân gian về thiên chức nấu ăn và chăm sóc gia đình của người phụ nữ Trung Quốc. Cuối cùng, với việc cúng tế trở thành một phong tục lưu truyền ngày càng rộng rãi trong dân gian, thần Táo quân trở thành một vị nam thần có dung mạo xinh đẹp như mỹ nữ và có gia đình vợ con. Tồn tại song song với những ghi chép trong thư tịch cổ, một số vùng khác nhau ở Trung Quốc lại lưu truyền những câu chuyện về nguồn gốc Táo thần với nội dung hết sức phong phú. Vùng Phúc Châu lưu truyền câu chuyện về một người tên là Trương Định Phúc, gia cảnh bần hàn, nhưng lại lười biếng, ham mê cờ bạc đến mức khuynh gia bại sản, phải bán cả vợ. Người vợ vẫn thương xót chồng, thường giấu giếm cho ăn. Về sau, Trương Định Phúc xấu hổ vô cùng, đâm đầu vào bếp lò chết. Sau khi chết, Thượng Đế cho anh ta làm Táo thần(11). Vùng Sơn Đông lại lưu truyền câu chuyện: trước kia, một gia đình họ Trương có hai vợ chồng già sống cùng con trai tên là Trương Lang và con dâu tên là Đinh Hương. Trương Lang không thích làm ruộng, bỏ ra ngoài đi buôn. Đinh Hương ở nhà một mình trồng cấy, gánh vác công việc nhà chồng và chăm sóc cha mẹ chồng. Cuộc sống của nàng vô cùng vất vả. Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 101 101 Sau 5 năm biền biệt bặt vô âm tín, vừa về đến nhà, Trương Lang đuổi Đinh Hương và lấy một người phụ nữ lẳng lơ về làm vợ. Đinh Hương không nơi nương tựa được một bà lão đưa về nuôi, về sau trở thành con dâu của bà và có cuộc sống viên mãn. Một năm nọ, gia đình Trương Lang gặp phải đám cháy lớn, tài sản bị thiêu rụi, người vợ sau cũng bị thiêu chết. Trương Lang bị thiêu mù đôi mắt, không còn cách nào đành lưu lạc xin ăn ngoài đường. Một hôm, Trương Lang đến nhà Đinh Hương xin ăn. Nàng không chỉ mang cơm ngon canh ngọt ra mời, mà còn tặng thêm vàng bạc cho chồng cũ. Về sau, Trương Lang biết được người phụ nữ hảo tâm chính là vợ cũ của mình, trong lòng hối hận, xấu hổ vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lửa và bị chết cháy trong đó. Vì Trương Lang có họ hàng với Ngọc Hoàng Thượng Đế, nên được Ngọc Hoàng phong cho làm Táo vương(12). Cư dân hai bên bờ sông Trường Giang cũng lưu truyền câu chuyện về vị Táo vương bạc tình như sau: Ngày trước, có một chàng trai con phú gia tên là Lý Hồi Tâm. Vợ anh ta tên là Vương Huệ Mẫn, vốn là con gái một gia đình làm ruộng. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con, có bà mối gần nhà đã làm mối cho Lý Hồi Tâm lấy cháu gái mình làm vợ lẽ. Không lâu sau, Lý Hồi Tâm nghe lời xúi giục của vợ bé đuổi Vương Huệ Mẫn ra khỏi nhà. Vương Huệ Mẫn vô cùng đau khổ, bỏ đến một nơi hoang vắng, tự khai hoang lập ấp. Nàng còn chiêu mộ, giúp đỡ thêm nhiều người dân nghèo lang thang cơ nhỡ đến an cư lạc nghiệp ở đó. Mọi người đồng cam cộng khổ, chăm chỉ lao động, xây dựng vùng đất hoang vu ngày nào thành một trang ấp trù mật, giàu có. Mọi người trong ấp đều nhất trí tôn Vương Huệ Mẫn làm thủ lĩnh. Còn về Lý Hồi Tâm, từ khi đuổi vợ cả đi, hằng ngày ăn uống chơi bời với vợ lẽ. Vài năm sau, gia sản ông cha để lại đã bị tiêu tán hết. Người vợ kế vốn lười làm ham chơi, thấy chồng trở nên nghèo khó, đã vội vã đi lấy người khác. Lý Hồi Tâm đành phải đi xin ăn để duy trì cuộc sống. Một hôm, anh ta đến xin ăn đúng nhà Vương Huệ Mẫn. Mọi người trong nhà tiếp đón anh ta ân cần tử tế. Về sau, nhận ra chủ nhà chính là người vợ cũ đã bị mình đuổi đi, anh ta xấu hổ và hối hận vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lò chết cháy. Vương Huệ Mẫn cũng qua đời ít lâu sau đó vì quá thương xót chồng. Ngọc Hoàng Thượng Đế cho rằng Lý Hồi Tâm dũng cảm nhận sai, bèn phong làm Táo thần; Vương Huệ Mẫn thông minh hiền thục được phong làm Táo Vương Bà Bà(13). 102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 102 Vùng Hồ Nam lưu truyền một câu chuyện dân gian về lai lịch của tục cúng tế thần Táo quân như sau: Con gái út của Ngọc Hoàng Thượng Đế là một cô gái hiền hậu đức độ, biết cảm thông và thương xót người nghèo khó. Nàng yêu một chàng trai nghèo chuyên đi đốt bếp thuê dưới hạ giới. Ngọc Hoàng biết được cảm thấy vô cùng phiền não, bèn đuổi nàng xuống trần gian, chịu tội cùng chàng trai nghèo đốt than. Tây Vương Mẫu thương con gái, bèn xin Ngọc Hoàng phong cho chàng trai chức Táo vương. Từ đó, con gái út của Ngọc Hoàng cũng được làm Táo Vương Bà Bà. Thấu hiểu sự nghèo khổ và thiếu thốn dưới trần gian, nên Táo Vương Bà Bà thường lấy cớ về Thiên đình thăm cha mẹ đẻ, nhân tiện thấy có của ngon vật lạ đều để dành mang về trần gian chia cho mọi người. Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện này vô cùng giận dữ, bèn hạ lệnh chỉ cho phép con gái và con rể mỗi năm về thăm Thiên đình một lần vào ngày 23 tháng Chạp. Táo Vương Bà Bà lại tranh thủ chuẩn bị những thực phẩm như đậu phụ, thịt, gà, mỳ, rượu, bánh; nấn ná từ ngày 24 tháng Chạp đến tối ngày 30 mới rời khỏi Thiên đình, đến tận canh 5 ngày mùng 1 mới về đến trần gian. Vì vậy, trong đêm 30 tháng Chạp, mọi người thường ngồi quanh bếp lửa, thắp hương, đốt vàng mã và đốt pháo để đón Táo Vương Bà Bà về trần gian(14). Những câu chuyện dân gian Trung Quốc về sự tích thần Táo quân có nội dung phong phú, vừa ca tụng công đức, lại vừa châm biếm đả kích thần. Qua đó, có thể thấy được tình cảm và thái độ của người dân với thần Táo quân. Vì chuyên quản việc bếp núc, ăn uống, là “Nhất gia chi chủ”, nên mọi người hết sức kính trọng và cảm ơn ân đức của thần. Tuy nhiên, thần lại có trách nhiệm giám sát tội trạng, thiện ác của cả gia đình trong một năm, để đến cuối năm “Thượng thiên bạch nhân tội”, nên mọi người cũng hết sức nể sợ thần, từ sợ sinh ra ghét, nên xuất hiện các câu chuyện trào lộng để châm biếm, đả kích Táo thần. Còn ở Việt Nam lại lưu truyền câu chuyện dân gian gây xúc động lòng người về nguồn gốc thần Táo quân như sau: Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo khổ. Một năm nọ, Trời làm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, đã nhiều năm trôi qua mà không thấy về. Người vợ để tang chồng rồi nối duyên với một người đã cưu mang nàng. Một hôm, trong khi người chồng mới đi vắng thì người chồng cũ sau bao năm bặt tin bỗng trở về. Người vợ chỉ còn biết ôm người chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Rồi để tránh tiếng, người vợ bảo người chồng cũ ra đống rơm núp Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 103 103 tạm. Người chồng mới về vào bếp lấy tro bón ruộng không có, bèn ra đốt đống rơm, vô tình giết chết người chồng cũ. Thấy người chồng cũ chết oan trong đống rơm, người vợ thương xót quá bèn nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, tuy không hiểu đầu đuôi, nhưng vì thương vợ cũng nhảy vào lửa chết theo. Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa bèn phong cho cả ba cùng làm Vua Bếp (Táo quân, ông Táo, do vậy mà bếp có ba ông đầu rau) để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ(15). Tuy dân gian còn lưu truyền nhiều dị bản khác biệt một vài chi tiết nhỏ, nhưng nhìn chung, nội dung chính yếu vẫn như câu chuyện nêu trên. 2. Chức năng xã hội của thần Táo quân Thời Tiên Tần, thần Táo quân chỉ phụ trách việc ăn uống của mỗi gia đình. Sách Thích danh - Thích cung thất viết: “Táo, tạo dã, sáng tạo thực vật dã”(16), nghĩa là Táo thần là người tạo ra thức ăn. Còn theo sách Hán thư - Ngũ hành chí: “Táo giả, sinh dưỡng chi bản”(17), nghĩa là Táo quân là cái gốc của việc dinh dưỡng. Như vậy, có thể thấy, thời Tần Hán, người ta coi Táo quân là vị thần chuyên quản lý chuyện ăn uống. Sách Hậu Hán thư - Âm thức truyện ghi: “Âm Tử Phương, thời Tuyên Đế, sống rất hiếu thảo, nhân đức. Vào buổi sáng sớm, ngày lạp nhật, ông nhóm lửa ở bếp lên thì nhìn thấy Táo thần hiện thân. Âm Tử Phương vô cùng kính cẩn lễ bái thần. Ông còn mổ thịt cả con dê vàng duy nhất trong nhà làm lễ cúng Táo thần. Từ đó về sau, Táo thần phù hộ gia đình ông gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Về già, ông có hơn 700 mẫu ruộng với vô số gia súc, gia cầm và nô lệ. Người ta nói của cải của Âm Tử Phương giàu có sánh ngang với các bậc đế vương. Vậy mà, ngày thường Âm Tử Phương vẫn thường nói: “Sau này, con cháu ta còn hiển hách hơn ta”. Thực vậy, đến tận ba đời sau, con cháu ông vẫn giàu sang phú quý, nhiều người được làm quan to trong triều. Tiếng lành đồn xa, từ đó về sau, nhiều gia đình học theo ông giết dê vàng làm lễ cúng tế thần Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp”(18). Như vậy, đến đời Hán, chức vị của thần Táo quân đã được mở rộng phụ trách tài vận và công danh của con người. Sang đời Tấn, thần Táo quân phụ trách việc tăng giảm tuổi thọ của con người dựa trên những hành vi thiện ác của họ, ghi chép tội lỗi của con người và theo định kỳ bẩm báo lên Thiên giới. Sách Hoài Nam vạn tốt thuật viết: “Táo thần hải nhật quy thiên, bạch nhân tội”(19), nghĩa là thần Táo quân về Trời vào các ngày nguyệt hải để bẩm báo với Thiên 104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 104 đình tội trạng của con người. Cát Hồng, thời Đông Tấn, trong sách Bão Phác tử nội biên - Vi chỉ cũng viết: “Nguyệt hải chi dạ, Táo thần diệc thượng thiên bạch nhân tội trạng. Đại giả đoạt kỷ. Kỷ giả tam bách nhật dã. Tiểu giả đoạt toán. Toán giả, tam nhật dã”(20), nghĩa là vào đêm cuối tháng, thần Táo quân lên chầu Trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về tội trạng của con người dưới hạ giới. Ai phạm tội nặng thì sẽ bị trừ đi 300 ngày tuổi thọ, ai phạm tội nhẹ sẽ bị trừ đi 3 ngày tuổi thọ. Như vậy, đương thời, Táo thần cuối mỗi tháng đều lên Trời bẩm báo với thần Tư mệnh về tội lỗi của con người. Thần Tư mệnh sẽ căn cứ vào những báo cáo của Táo thần về tội trạng con người để trừ đi tuổi thọ của họ, tội nhỏ trừ 3 ngày, tội lớn trừ 300 ngày. Quyền năng của Táo thần từ chỗ chỉ chuyên quản lý ăn uống trong một gia đình biến thành quản lý chuyện sinh tử phúc họa trong nhà, lúc nào cũng có thể ghi chép lại công tội, thiện ác của con người. Từ đời Đường đến đời Thanh, Đạo giáo phát triển hưng thịnh, thần quyền của Táo quân càng trở nên rộng rãi, trở thành vị thần vạn năng cai quản và trông nom mọi sự trong dân gian. Năm Tuyên Thống triều Thanh, Trùng Thuyên trong cuốn Táo Vương phủ quân chân kinh viết: “Táo vương gia tư đông trù nhất gia chi chủ, nhất gia nhân phàm tác sự khán đích phân minh. Thùy tác thiện thùy tác ác quan sát hư thực. Mỗi nguyệt lý tam thập nhất tấu báo thiên đình”(21), nghĩa là Táo thần là thần cai quản nhà bếp, là “Nhất gia chi chủ”; nhìn rõ mọi việc làm của các thành viên trong gia đình, quan sát, phân biệt rõ những việc làm thiện ác của họ. Vào ngày 30 hằng tháng, Táo thần đều lên Thiên đình để bẩm báo lại những điều mắt thấy tai nghe. Táo thần của người Việt là một hệ thống “Tam vị nhất thể”. Trong bộ ba đó, Thổ công trông nom việc trong bếp, Thổ địa trông coi việc trong nhà, Thổ kỳ là phụ nữ nên đảm nhiệm trông coi việc chợ búa. Người Việt cũng phong ba vị thần Táo quân thành “Nhất gia chi chủ”, có nhiệm vụ trông coi nhà cửa, kỵ tà tránh quỷ, và ngày 23 tháng Chạp hằng năm báo cáo lại mọi chuyện khách quan với Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhằm định đoạt phúc họa gia đình trong năm mới. Người Việt không có cách nói hối lộ Táo quân. Dân gian cho rằng, bởi vì ba vị Táo quân sinh tiền trọng tình trọng nghĩa, sau khi hóa thành thần linh có thể phù hộ cho gia đình bình an hạnh phúc, tránh được bệnh tật, nên nhận được sự sùng bái và thờ cúng của người đời. Táo quân ghi lại một cách khách quan các chuyện tốt Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 105 105 xấu ở trần thế, chức trách này là việc của thần thánh, mà Ngọc Hoàng Thượng Đế sẽ căn cứ vào báo cáo của Táo thần để định ra họa phúc cho các gia đình. Lễ cúng tế Táo thần vì thế trở nên vừa nghiêm trang vừa thần thánh. Đồng thời, niềm tin này làm cho người ta thường xuyên nhắc nhở mình làm việc gì cũng phải phù hợp với quy phạm đạo đức và nhân tình thế thái, nhằm bảo vệ phúc lộc của cả gia đình. Điều này thể hiện quan niệm thẩm mỹ nội tại và xu hướng giá trị của người Việt Nam. 3. Hình tượng thần Táo quân Từ rất sớm, các thư tịch cổ của Trung Quốc đã ghi chép về hình tượng của thần Táo quân. Trong sách Trang Tử - Đạt Sinh, Tư Mã Bưu viết: “Táo thần, trác xích y, trang như mỹ nữ”(22), nghĩa là Táo thần mặc áo đỏ, trông như mỹ nữ xinh đẹp. Lý Hiền trong sách Hậu Hán thư - Âm Thức truyện đã chú dẫn sách Tạp ngũ hành thư viết: “Y hoàng y, dạ bị phát tòng táo trung xuất”(23), nghĩa là (Táo thần) mặc áo vàng, giữa đêm xuất hiện giữa bếp, v.v... Những ghi chép này khác với hình dạng của thần Táo quân trong các bức tranh mộc bản lưu truyền rộng rãi trong dân gian ngày nay. Các bức tranh này thường có các màu vàng, xanh lục, đen, đỏ, với các kích cỡ khác nhau, trong đó hình tượng thần Táo quân thường có hai kiểu. Một là, hình tượng “Táo thần mặt to”, tức là khuôn mặt của thần thường không được tô màu và vẽ to hơn hẳn các chi tiết khác trong tranh. Hai là, hình tượng “Táo thần mang châu báu”, tức là trên người thần thường vẽ thêm nhiều thỏi vàng, thỏi bạc hay các xâu tiền. Ngoài ra, trong các bức tranh hoặc bức tượng thờ, thần Táo quân hiếm khi xuất hiện một mình, mà thường xuất hiện cùng với Táo Vương Bà Bà, hay hình tượng Phật Bà Quan Âm, Tài thần, Môn thần, Thổ địa, Lâm Tuyền đồng tử, Thất Cô phu nhân, v.v... Những bức tranh thờ này thường vẽ Táo thần ngồi uy nghiêm ở vị trí trung tâm, bên cạnh có Táo Vương Bà Bà và các thị vệ. Thần Táo quân được vẽ như một vị quan dưới thời phong kiến, mặt đen, râu dài, đầu đội mũ kim quan, thân mặc triều phục. Táo Vương Bà Bà là một phụ nữ xinh đẹp, phúc hậu, ăn mặc sang trọng. Phía trước bức tranh có các loại vật nuôi trong nhà như gà, chó, chậu tích tiền, cây treo tiền. Phía bên trên bức tranh vẽ Nam Thiên Môn. Một số bức tranh còn vẽ thêm hình Bát tiên, Chiêu tài đồng tử, Lợi thị tiên quan, v.v... Ngày trước, phía trên tranh thờ Táo thần ở Trung Quốc thường in thêm bảng 24 tiết khí trong lịch âm để tiện cho nông dân tính toán thời vụ, xem thời tiết. 106 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 106 Trong dân gian Trung Quốc còn lưu truyền một dạng tranh thờ Táo thần chia làm ba phần: phần trên cùng vẽ Quan Âm tống tử ngồi trên đài sen, tay bế một bé sơ sinh hồng hào, mập mạp; phần giữa vẽ Trương Táo quân và phu nhân lần lượt ngồi hai bên phải trái; phần dưới vẽ hình Tài thần tay giữ chậu tích tiền; ngoài ra còn có bát tiên lần lượt đứng hai bên. Tại chùa Nam Sơn, thành phố Côn Minh, Trung Quốc, người ta đặt pho tượng Tài thần bằng sứ với hình dáng giống như tượng Di Lặc cùng với bài vị của thần là Bồ tát Vi Na La Vương trong góc bếp, thờ cúng với các nghi lễ như với thần Táo quân. Trong các gia đình cũng thường thờ tượng vợ chồng thần Táo quân là tượng hai cụ già mặc trang phục sang trọng, dung mạo hiền từ phúc hậu, nụ cười hiền hòa trên khuôn mặt. Hình tượng này phù hợp với hướng phát triển nhân cách hóa của Táo thần của người Hán, gần với thế giới hiện thực của nhân dân, là thế giới quỷ thần được phản ánh trong hiện thực. Còn ở Việt Nam, Táo thần thường được thờ với hình tượng hai nam một nữ. Người Việt thường dùng ba cái mũ giấy (hoặc một cái) và ba cái bài vị (hoặc một cái) tượng trưng cho ba vị thần linh. Hằng năm, vào lúc tế lễ Táo quân đều phải đốt cái cũ và thay cái mới vào. Hai cái mũ nam để vào hai bên, hai bên mũ có cánh chuồn hơi vểnh lên, mũ nữ không có hai cánh đặt ở giữa. Nếu chỉ dâng cúng một cái mũ thì đó là của Thổ công. Mỗi cái mũ còn kèm theo một bộ quần áo và một đôi giày, dưới mũ đặt thêm tiền giấy. Tiền giấy cũng thường có năm màu, tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trên bài vị của ba vị thần này viết: Thổ công chủ quản nhà bếp, Thổ địa chủ quản các sự việc trong nhà, Thổ kỳ chủ quản chuyện chợ búa và vườn rau. Nếu chỉ dâng lên một cái bài vị, tức là “Tam vị nhất thể”, thì trên bài vị có dòng chữ Hán Việt như sau: “Định phúc Táo quân”, hoặc “Bản gia Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân”, hay “Bản gia Thổ địa Long mạch Tôn thần”, hoặc “Bản gia Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chính thần”. Điều này phản ánh quan niệm của người Việt coi Táo thần là “Nhất gia chi chủ”. Mỗi gia đình đều phải thờ cúng Táo thần của gia đình mình, vì thế phía trước các dòng chữ Hán Việt trên bài vị thờ thần Táo quân đều phải có chữ “Bản gia”. 4. Địa điểm cúng tế thần Táo quân Người Hán ở các vùng nông thôn Trung Quốc thờ cúng thần Táo quân ở góc nhà bếp, thường ở trên bệ bếp đun. Bàn thờ thần đơn giản, có gia đình tận dụng không gian bên cạnh bếp đun làm nơi đặt bài vị, bát hương; Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 107 107 có gia đình mua khám thờ nhỏ giống như khám thờ thần Tài, bên trong khám thờ có bài vị viết chữ Hán trên mặt kính hoặc gỗ; có gia đình thì bài vị viết trên mảnh gỗ để thờ; có gia đình thì treo bàn thờ thần Bếp trên vách tường bếp, v.v... Với người Việt thì không có tục thờ thần Bếp ở góc bếp mà phổ biến là có một ban thờ riêng, gọi là ban thờ Thổ công. Ban thờ Thổ công cũng rất đa dạng, phổ biến là dùng mặt tủ để làm ban thờ, hoặc dùng mảnh gỗ treo lên trên vách tường hoặc dùng khung tre làm khám thờ (giống như ngôi nhà nhỏ). Vị trí thờ thần Táo quân thường đặt ở phía đầu hồi phía tây của ngôi nhà. Vì theo kinh nghiệm của dân gian “Đông phòng Tây táo”, có nghĩa là buồng ngủ thì làm bên hướng đông, thờ thần Táo quân thì ở hướng tây. Trên ban thờ đều có bát hương và các đồ thờ khác. Hiện nay, nhà ở của người Việt đang chuyển dần từ nhà gỗ sang nhà kiên cố xây tường bằng gạch, nhà mái bằng, nhà tầng, nên nhiều gia đình thay đổi vị trí thờ Thổ công. Họ thường thờ thần Táo quân tại ban thờ Tổ tiên ở gian chính giữa ngôi nhà; bát hương thần Thổ công luôn đặt ở bên trái (phía Tây), ở giữa và hơi cao lên một chút là ban thờ Bà cô tổ của gia đình, bát hương bên phải là thờ Tổ tiên. Với gia đình mới ra ở riêng, họ chỉ lập một ban thờ Thổ công ở trên mặt tủ ở gian chính giữa ngôi nhà và ban thờ Bà cô tổ trong gia đình thì đặt trên ngàm cửa buồng phía Đông của ngôi nhà. Ngoài ra còn một điểm khác biệt là hình thức trang trí ở nơi thờ thần Táo quân của người Việt ở Việt Nam và người Hán ở Trung Quốc. Bởi vì, câu đối được dán ở địa điểm thờ cúng thần Táo quân phản ánh niềm tin tôn giáo của mỗi tộc người. Người Hán thường chọn câu đối “Thượng thiên ngôn hảo sự/ Hạ giới bảo bình an”, nghĩa là lên Trời nói lại những việc tốt lành/ Dưới hạ giới bảo hộ gia đình được bình yên. Như vậy, nội dung câu đối này đã thể hiện sự mưu lợi của mỗi cá nhân, gia đình của người Hán đối với thần Táo quân. Trái lại, người Việt trước đây cũng có tục dán câu đối vào dịp Tết ở hai bên ban thờ thần Táo quân, với nội dung “Hữu đức năng tư hỏa/ Vô tư khả đạt thiên”, nghĩa là sự đức độ của thần có thể điều khiển được lửa/ Sự vô tư của thần thấu lên tận trời cao. Câu đối này thể hiện thái độ sùng kính của người Việt với sự đức độ và sự vô tư của thần Táo quân. 5. Nghi thức cúng tế thần Táo quân Tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán và người Việt đều có 108 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 108 đặc điểm chung là tính lợi ích, tức mưu cầu thần ban phát cho một vấn đề nào đó được sở nguyện như ý. Song từ việc linh thiêng hóa đến thế tục hóa thần Táo quân của người Hán và người Việt dẫn đến ý thức văn hóa và tập tục thờ cúng vị thần này có sự khác nhau giữa hai tộc người. Người Hán tin rằng, Ngọc Hoàng phái thần Táo quân đến ngự ở trong bếp mỗi gia đình để giám sát mọi hành vi của con người, đến dịp cuối năm lên Thiên đình bẩm báo lại với Ngọc Hoàng để định họa phúc, thọ mệnh cho con người. Để tránh tai họa cho gia đình, người Hán đã hiện thực hóa đời sống tâm linh theo tư duy “Trần sao Thần vậy”, coi thần Táo quân là vị quan lại thời phong kiến thường nhận tiền hối lộ, nên họ cũng hối lộ để thần che chở cho gia đình những điều xấu không tấu lên để Ngọc Hoàng tiếp tục ban thưởng phúc lành cho gia đình. Vì vậy, hằng ngày trước khi nấu ăn, người Hán thường thắp hương lên ban thời thần Táo quân, thi thoảng đặt lên trước ban thờ thần một ít hoa quả, bánh kẹo hoặc các thỏi vàng bạc bằng giấy. Thời xưa, ngoài dâng hoa quả, người Hán còn cúng cả đồ mặn cho thần Táo quân. Nhưng đến thời nhà Thanh, họ chỉ cúng hoa quả và đồ chay. Hiện nay, họ chỉ cúng 1 - 3 chiếc bánh kẹo hay củ lạc, một quả táo, quả lê hoặc quả chuối cho thần mà thôi. Như vậy, lễ vật dâng cúng cho thần Táo quân của người Hán đã có sự thay đổi từ đa dạng đến đơn giản. Thông qua lễ vật dâng cúng, chúng ta cũng thấy rõ nguồn gốc cúng thần Táo quân của người Hán ban đầu của Đạo giáo. Nhưng sang đến nhà Thanh và cho đến hiện nay, đã có sự hòa trộn yếu tố Phật giáo vào trong loại hình tín ngưỡng dân gian. Cụ thể, thần Táo quân đã trở thành vị Bồ tát và dâng cúng đồ chay, đồ ngọt (chủ yếu là đường phèn và bánh kẹo), đồ mặn (muối trắng) cho thần, nhằm hạn chế việc sát sinh để tạo nghiệp phúc và mong thần nói những lời ngọt ngào hay mặn mà với Ngọc Hoàng giống như lễ vật dâng cúng. Ngoài ra, nhiều gia đình người Hán ở vùng nông thôn còn dâng cúng thêm lạc, đậu phụ, gạo, tiền vàng, bạc, với mong muốn thần phù hộ cho gia đình được ấm no, mùa màng bội thu; dâng cúng cỏ ngọt cho ngựa của thần Táo quân ăn, v.v... Trong các ngày lễ liên quan đến thần Táo quân trong năm, thì ngày 23 tháng Chạp là quan trọng nhất và cũng dâng cúng nhiều lễ vật nhất. Sau lễ cúng, các gia đình đốt các thỏi vàng bạc làm bằng giấy màu; đốt hình nhân hay bài vị của thần và đến chiều tối ngày 30 Tết (có nơi sáng mùng 5 Tết) thì dán bài vị hay đặt tượng thần Táo quân mới để thờ, vì mỗi năm có một vị thần Táo quân xuống trần gian trông coi. Tập tục thờ cúng và lễ Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 109 109 vật dâng cúng cho thần Táo quân của người Hán hiện nay thể hiện rõ nhận thức tôn giáo của họ đã có sự thay đổi từ thần linh hóa đến thế tục hóa và bao hàm văn hóa Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, trong đó tính dân gian nổi trội. Với người Việt, thần Táo quân chiếm vị trí rất cao trong hệ thống thần linh bảo hộ gia đình. Mỗi khi trong nhà có người chuẩn bị đi làm ăn xa hay khi trở về nhà, vào ngày rằm và mùng một hằng tháng, các ngày lễ tết hay các việc đại sự (sinh đẻ, cưới xin, tang ma, giỗ chạp,...), người Việt đều thắp hương và cúng xôi, thịt, rượu hoặc hoa quả cho thần Táo quân để nhận sự bảo hộ của thần với các thành viên trong gia đình. Lễ vật dâng cúng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Ngày sóc vọng hằng tháng, phổ biến cúng chay (hoa quả, trầu cau, tiền vàng, bánh kẹo), ngày lễ tết có thêm đồ cúng mặn (rượu, cơm nếp, gà, chân giò). Đối với người Việt, thần Táo quân không phải là vị quan thời phong kiến thích ăn hối lộ, nên họ không nói hối lộ thần Táo quân, mà luôn nói thắp hương dâng cúng thần. Ngày 23 tháp Chạp hằng năm, người Việt cũng thường tổ chức lễ cúng thần Táo quân về Trời. Đây được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vào ngày này, ngoài các lễ vật thường gặp như hoa quả, xôi thịt, trầu cau, mỗi gia đình đều phải chuẩn bị ba bộ mũ áo, bài vị và tiền vàng. Khoảng vài chục năm gần đây, tục thờ thần Táo quân của người Việt ở khu vực thành thị, ngoài lễ vật truyền thống nêu trên, còn cúng cá chép (có gia đình cúng ba con cá chép làm bằng giấy trang kim) cho các thần làm phương tiện lên Trời bẩm báo tình hình cuộc sống ở hạ giới để Ngọc Hoàng phán xét. Theo lệ tục vào dịp đầu xuân, ngày lễ hạ cây nêu cũng là ngày thỉnh thần Táo quân tới nhà để thờ cúng. Nhưng ngày nay, đại bộ phận gia đình thỉnh mời thần Táo quân vào nhà ngay sau lễ cúng giao thừa. Bời vì, họ quan niệm, trong ba ngày Tết, trên bàn thờ Tổ tiên đèn hương luôn thắp cháy, mùi hương lan tỏa khắp nơi, ma quỷ, cô hồn ngửi thấy thường lui tới mang lại các điều không may cho gia đình. Cho nên, họ muốn thỉnh thần Táo quân vào thờ trong nhà ngay từ ngày đầu năm mới để ma quỷ nào có vào nhà thì đã có thần Táo quân trông giữ. Có thể thấy, lễ cúng tiễn thần Táo quân lên Trời và thỉnh mời thần trở lại của mỗi gia đình, địa phương có nhiều điểm không giống nhau là do phong tục tập quán của mỗi vùng miền. Thần Táo quân đã từng chiếm vị trí quan trọng nhất trong hệ thống 110 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 110 thần linh bảo hộ gia đình của người Hán và người Việt. Tập tục thờ cúng vị thần này có từ đời Hán và được lưu truyền rộng rãi đến nay cũng đã gần 2.000 năm ở hai nước Trung - Việt. Nhưng hiện nay, tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán ở Trung Quốc và người Việt ở Việt Nam đã có sự thay đổi ít nhiều như đã trình bày. Song, với người Việt ở Việt Nam, thần Táo quân vẫn được coi là một trong những vị thần bảo hộ gia đình quan trọng, hầu như nhà nào cũng có ban thờ thần Thổ công và địa vị của thần chỉ xếp sau thần Tổ tiên. “Mặc dù địa vị đứng sau, nhưng quyền lực lại to nhất, là đệ nhất gia chi chủ”(24). Mỗi lần gia đình có giỗ đều phải mời thần Thổ công trước, xin phép thần cho phép Tổ tiên được trở về nhà hưởng thụ lễ cúng. Như vậy, có thể thấy, trong khi thần Táo quân của người Hán trải qua quá trình từ hưng thịng đến suy vi, thì trái lại, thần Táo quân của người Việt vẫn giữ được địa vị khá cao trong hệ thống thần linh bảo hộ gia đình. 6. Nguyên nhân của sự giống nhau và khác nhau trong tín ngưỡng thờ thần Táo quân giữa người Hán ở Trung Quốc và người Việt ở Việt Nam Tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán và người Việt có một số điểm giống nhau về hình thức thờ cúng, nhưng về tính chất thờ cúng của hai tộc người lại khác nhau. Nguyên nhân của sự giống nhau là do sự chỉnh hợp và người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa dân gian của người Hán. Còn nguyên nhân của sự khác nhau là do tầng sâu văn hóa mang tính tượng trưng tín ngưỡng của hai tộc người khác nhau. Thần Táo quân của người Hán ban đầu là vị Hỏa thần, Thái dương thần dần hóa thân thành thần Táo quân, cuối cùng nhân cách hóa thành một vị thần quan lại dưới thời phong kiến. Sự chuyển biến Táo quân thành một vị thần mang tính xã hội có lẽ bắt đầu từ thời Tây Hán, đánh dấu mức độ nhân cách hóa và chức năng xã hội của vị thần này lên một cấp bậc cao hơn, từ một vị thần trông coi việc bếp núc trở thành vị thần cai quản họa phúc, tuổi thọ của nhân gian, thậm chí trở thành vị Bồ tát - một vị thần lưu truyền rộng rãi trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người dân Trung Quốc. Tín ngưỡng thờ cúng thần Táo quân của người Việt chịu ảnh hưởng của người Hán từ thời Tống. Nét chung của tập tục này là bài vị của thần Táo quân được viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ Táo quân có chọn lọc và cải biên cho phù hợp: hư cấu truyền Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 111 111 thuyết về thần Táo quân, từ độc thần là nam thần của người Hán thành tam vị thần có cả nam lẫn nữ của người Việt. Đây có thể được coi là bản sắc văn hóa của người Việt: “Hòa đồng chứ không hòa tan”. Ngày nay, văn hóa bếp của người Việt đã có nhiều thay đổi, từ ba ông đầu rau đun bằng rơm rạ, chuyển sang bếp kiềng sắt đun bằng củi, bếp lò đun bằng than và bếp đun bằng ga. Tuy loại hình có thay đổi, nhưng chức năng của bếp và đời sống văn hóa tinh thần liên quan đến bếp thì vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện đại. Tín ngưỡng thờ thần Táo quân không chỉ có ở Trung Quốc, Việt Nam, mà còn có ở nhiều quốc gia Nam Á. Điều này cho thấy, trước khi tập tục thờ thần Táo quân của người Hán ảnh hưởng đến khu vực Bách Việt, có thể ở đây đã có những truyền thuyết tương ứng với hình tượng vị thần này và được ẩn sâu trong hệ thống tín ngưỡng thờ đa thần của người Việt. Chúng tôi cho rằng, ban đầu sự sùng bái đối với bếp lửa có ba ông đầu rau chính là tầng sâu tính biểu tượng và nội hàm văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng thần Thổ công kiểu “Tam vị nhất thể” của người Việt, đã tồn tại trước khi tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán truyền sang. Hình thái tín ngưỡng cổ truyền đó là sự kế thừa từ thời xa xưa của các bậc tiền nhân và lưu truyền cho đến tận ngày nay. Dựa trên các chứng cứ khảo cổ học, Trần Quốc Vượng đã chứng minh: cách đây gần 10.000 năm, chủ nhân của văn hóa Hòa Bình đã sử dụng bếp lửa có ba ông đầu rau. Các di chỉ thời đồ sắt của Việt Nam ở Đường Mai (Hà Nội), Nội Cầm (Bắc Ninh) đã phát hiện ra những chiếc bếp có ba ông đầu rau được chế tạo bằng gốm đất nung dường như không khác biệt nhiều so với ngày nay(25). Nhưng dưới góc độ Dân tộc học, tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt có từ thời viễn cổ, chứ không phải như luận cứ của Trần Quốc Vượng đưa ra dựa trên cứ liệu khảo cổ học là từ tục thờ thần Đá chuyển sang tín ngưỡng thờ thần Táo quân. Sùng bái đá có nguồn gốc lâu đời ở khu vực Đông Nam Á. Sự sùng bái này có liên quan đến lửa, vì đá có thể tạo ra lửa. Nhưng hiện tượng ba hòn đá tạo thành chỉnh thể của “Tam vị nhất thể” lại là tượng trưng của đống lửa và có quan hệ mật thiết với sùng bái đá từ thời xa xưa. Bếp lửa bao hàm nội hàm văn hóa và tích lũy lịch sử một cách sâu sắc, từ chức năng đơn thuần là chiếu sáng, sưởi ấm, nấu ăn đến hình thành một tín ngưỡng vừa mang nội dung văn hóa xã hội vừa là nơi để người và thần giao tiếp với nhau. Đồng thời, bếp lửa cũng là tượng trưng của gia đình với nhiều chức năng khác nhau. Bếp lửa, có thể 112 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 112 nói, là một trong những điểm khởi đầu cho cuộc sống tinh thần của mỗi dân tộc. Người Việt ngày nay sùng bái Thổ công chính là sự kế thừa tập tục thờ cúng thần Lửa, thần Bếp trước đây, là sự tri ân của con người với bếp lửa. Trong quá trình diễn biến từ sùng bái bếp lửa đến tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt là một quá trình xã hội hóa và sự tiếp thu văn hóa Hán của người Việt cho thấy rõ, người Việt tiếp nhận văn hóa ngoại lai có tính sàng lọc, sau đó cải biên thành cái riêng của dân tộc mình. Đáng nói là, tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt bắt nguồn từ việc sùng bái bếp lửa có ba ông đầu rau của con người thời Cổ đại. Nhưng vì sự khác nhau của môi trường xã hội, lịch sử, địa lý..., nên người Hán và người Việt đã lựa chọn những phương thức khác nhau để thờ thần Táo quân. Tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt bảo lưu được nhiều yếu tố tượng trưng và nội hàm văn hóa của việc sùng bái lửa và bếp lửa. Ngược lại, tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán lại có những biến dị tương đối lớn, mất đi nội hàm văn hóa cổ và mang nhiều tượng trưng của xã hội thế tục, thậm chí còn đưa cả yếu tố văn hóa Phật giáo vào trong bếp lửa, đó là việc nhân cách hóa thần Táo quân trở thành vị Bồ tát. Một vấn đề khác cần được lý giải là vì sao người Việt lại có sự chuyển hóa từ thần Táo quân thành Thổ công? Theo chúng tôi, điều này do mấy nguyên nhân sau đây. Trước tiên là tính quan trọng và chức vụ của thần Táo quân không ngừng được mở rộng và đề cao trong gia đình người Việt. Ban đầu, thần Táo quân của người Việt chuyên quản lý lửa, trông coi việc bếp núc liên quan đến sinh kế trong gia đình. Khi tiếp nhận văn hóa Hán, thần Táo quân của người Việt có thêm chức vụ quán xuyến, báo cáo những việc tốt xấu của con người dưới trần gian để Ngọc Hoàng định họa phúc cho mỗi gia đình. Thứ hai, tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt có chịu ảnh hưởng của phong cách và quan niệm tín ngưỡng thờ Thổ địa của dân gian Trung Quốc, vì từ thời Đường Tống, hình thái chính trị quan phương của xã hội phong kiến đã thâm nhập vào trong mỗi gia đình. Để thích ứng với hình thái này, tín ngưỡng thờ Thổ địa cũng bắt đầu thay đổi cho phù hợp, nên sự phân công trách nhiệm, quản lý của thần Thổ địa cũng rõ ràng hơn. Ngoài ra, xã hội ở thời Đường đã có những thay đổi về quan hệ kinh tế. Sang thời Tống, các quan phủ phong kiến chủ trương cho dân gian phát Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 113 113 triển thần Thổ địa theo xu hướng tự nhiên. Cho nên, chức năng, nhiệm vụ, quyền uy và phép thuật của thần Thổ địa không ngừng được nâng cao. Chính sự thay đổi về nhận thức và phương thức sùng bái thần Thổ địa của người Hán, người Việt đã kết hợp với quan niệm về gia đình được hình thành trong bối cảnh văn hóa nông nghiệp và ý thức sùng bái thần Thổ địa để từ đó tiến hành chỉnh hợp lần thứ nhất với tín ngưỡng dân gian người Việt. Quan niệm “đất có Thổ công, sông có Hà bá” đã ăn sâu vào đầu óc của người Việt. Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ, quyền uy của ba vị thần Táo quân tương đương với chức năng của thần Thổ địa bảo hộ trong mỗi gia đình, nên người Việt đã hợp nhất ba vị thần này thành một thần Thổ công. Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Sở dĩ Thổ công vừa là thần Thổ địa vừa là Táo thần là bởi vì đất đai, nhà và bếp đối với các dân cư định canh định cư là đồng nhất, địa vị của chúng đều hết sức quan trọng”(26). Táo thần chịu ảnh hưởng của Thổ địa thần và sự xuất hiện của Thổ địa thần trong gia đình là ý thức sùng bái đất đai của con người được phản ánh trong không gian cư trú. Trong bối cảnh văn hóa nông nghiệp truyền thống của người Việt, thần Táo quân ngầm hàm chứa ý thức sùng bái đất đai của con người hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Ý thức này cực kỳ thâm căn cố đế, dẫn đến thần Thổ công trong phạm vi gia đình đã kiêm chức của cả Táo thần và Thổ địa thần và trở thành vị thần quan trọng của người Việt. Việc thờ cúng Thổ công vì thế cũng thường xuyên được tiến hành song song với việc thờ cúng Tổ tiên. Thổ công cũng giống như Tổ tiên có khuynh hướng huyết thống hóa và gia đình hóa. Thần Thổ công và thần Tổ tiên trong các gia đình đều cùng nhau chủ trì sinh lão bệnh tử, phát đạt hay suy vong của gia đình, cùng nhau giữ sự kéo dài của mối quan hệ huyết duyên, địa duyên trong thời gian sinh tồn và không gian sống của các gia đình. 7. Thay lời kết luận Sự hình thành tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt ở Việt Nam là quá trình chỉnh hợp văn hóa bản địa của người Việt và văn hóa của người Hán. Trong quá trình này, văn hóa người Việt, đặc biệt là văn hóa dân gian, hoàn toàn không tiếp thu phong tục văn hóa dân gian của người Hán một cách thụ động. Hai đối tượng trên không phải quan hệ cho nhận một cách giản đơn. Sự định hình của nó vẫn là một sự chỉnh hợp thực hiện sau quá trình thẩm thấu, lựa chọn và tái cấu trúc của văn 114 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 114 hóa bản địa. Tín ngưỡng thờ thần Táo quân đã phản ánh một cách khá điển hình tín ngưỡng dân gian người Việt và quy luật chủ yếu của sự hình thành văn hóa Việt nam. Kỳ thực, tín ngưỡng dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung là một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu so sánh quan hệ văn hóa hai nước Việt - Trung đáng được đi sâu nghiên cứu./. CHÚ THÍCH: 1. Hán thư, Quyển nhị thập ngũ thượng Trịnh tư chí (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, 2006: 1194. 2. Trần Lập (1994), Bạch hổ thông sơ chứng (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh: 77. 3. Lý Phương (1960), Thái Bình ngự lãm, quyển 186 trích dẫn (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh. 4. Cố Thiên dịch và chú giải (2009), Hoài Nam tử (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh: 171. 5. Vương Lợi Khí (1981), Phong tục thông nghĩa hiệu chú (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh: 310. 6. Dẫn theo Dương Phúc Tuyền (1995), Dân tục Trung Hoa - Bếp và thần Bếp (tiếng Trung), Nxb. Học Uyển, Bắc Kinh: 53. 7. Dương Phúc Tuyền (1995), Dân tục Trung Hoa - Bếp và thần Bếp (tiếng Trung), sách đã dẫn: 54. 8. Dương Phúc Tuyền (1995), Dân tục Trung Hoa- Bếp và thần Bếp (tiếng Trung), sách đã dẫn: 55. 9. Hậu Hán thư, quyển 32 Âm thức truyện (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, 2006: 1133. 10. Dương Phúc Tuyền (1995), Dân tục Trung Hoa - Bếp và thần Bếp (tiếng Trung), sách đã dẫn: 46. 11. Tuyển tập các câu chuyện dân gian Trung Quốc (tiếng Trung), Ban Biên tập Văn học Dân gian Phúc Châu, 1989: 179. 12. Ngô Tử Tân (1957) “Lai lịch của thần Táo quân” (tiếng Trung), Tạp chí Văn học Dân gian, số 12. 13. Hồ Học Minh, “Câu chuyện Táo thần”, trong Từ Hoa Long, Ngô Cúc Phấn (1985), Các truyền thuyết phong tục dân gian Trung Quốc (tiếng Trung), Nxb. Nhân dân Vân Nam. 14. Cát Tinh (1985), Truyện cổ tích Trung Quốc (tiếng Trung), Nxb. Văn nghệ Dân gian Trung Quốc: 219 - 220. 15. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Giáo dục: 139. 16. Dẫn theo Lý Hiện Hồng (2012), “Từ thời gian hình thành phong tục tế thần Bếp nghiên cứu những biến đổi của văn hóa tín ngưỡng thần Bếp” (tiếng Trung), Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, số 2: 51. 17. Lý Hiện Hồng (2012) “Từ thời gian hình thành phong tục tế thần Bếp nghiên cứu những biến đổi của văn hóa tín ngưỡng thần Bếp” (tiếng Trung), bài đã dẫn: 51. Trần Hạnh Nguyên. Nghiên cứu so sánh 115 115 18. Hậu Hán thư, quyển 32 Âm thức truyện (tiếng Trung), Nxb. Trung Hoa thư cục, 2006: 1133. 19. Dương Phúc Tuyền (1995) Dân tục Trung Hoa - Bếp và thần Bếp (tiếng Trung), sách đã dẫn: 57. 20. Cát Hồng (Cố Cửu dịch, 1995) Bao Phác tử nội biên toàn dịch (tiếng Trung), Nxb. Nhân dân Quý Châu: 161. 21. Táo vương phủ quân chân kinh (tiếng Trung), khắc lại năm Tuyên Thống nhà Thanh, bản lưu của Tuyên Hóa phủ, Trương Gia khẩu, ngõ Triều Dương: 3 - 4. 22. Phương Dũng (2008), Trang Tử giảng độc (tiếng Trung), Nxb. Đại học Sư phạm Hoa Đông: 173. 23. Hậu Hán thư, quyển 32 Âm thức truyện (tiếng Trung), Nxb Trung Hoa thư cục, 2006: 1133. 24. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Giáo dục: 139. 25. Trần Quốc Vượng (1976), Tết và phong tục Việt Nam, Nxb. Văn hóa: 59 - 60. 26. Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 283. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dư Hân (2005), “Khảo sát về tín ngưỡng thờ thần Bếp ở Đôn Hoàng” (tiếng Trung), Tạp chí Đôn Hoàng học, số 3: 155-160. 2. Dương Phúc Tuyền (1995), Dân tục Trung Hoa - Bếp và thần Bếp (tiếng Trung), Nxb. Học Uyển, Bắc Kinh. 3. Hà Tinh Lượng (1992), “Sơ lược về tín ngưỡng sùng bái lửa” (tiếng Trung), Khoa học xã hội Nội Mông Cổ, số 1: 73 - 80. 4. Hoàng Vĩnh Phong (2006), “Sơ lược về tín ngưỡng thờ thần Bếp” (tiếng Trung), Đạo giáo Trung Quốc, số 5: 34 - 37. 5. Lâm Kế Phúc (2006), “Nội hàm văn hóa và lịch sử của hình tượng thần Bếp” (tiếng Trung), Báo Đại học Sư phạm Hoa Trung, số 1: 99 - 105. 6. Lý Hiện Hồng (2012) “Từ thời gian hình thành phong tục tế thần Bếp nghiên cứu những biến đổi của văn hóa tín ngưỡng thần Bếp” (tiếng Trung), Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, số 2: 50 - 60. 7. Tào Diễm Hồng (2003), “Sơ lược về tín ngưỡng thần Tư mệnh trong dân gian xã hội cổ đại” (tiếng Trung), Báo Trường Cao đẳng Cao Minh, số1: 57 - 60. 8. Tào Diễm Hồng (2003), “Sơ lược về sùng bái thần Bếp trong tín ngưỡng dân gian thời Tiên Tần, Lưỡng Hán” (tiếng Trung), Tạp chí Quản tử, số 3: 80 - 84. 9. Thiềm Thạch Sương, Trương Tú Phương (1994), “Thảo luận về lửa và hình tượng thần Bếp” (tiếng Trung), Nghiên cứu Tôn giáo Thế giới, số 1: 81 - 92. 10. Từ Phương Vũ (2006), “Nghiên cứu so sánh tín ngưỡng thờ thần Bếp của người Việt và người Hán” (tiếng Trung), Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3: 87 - 91. 11. Trương Hiểu Tĩnh (2010), “Lịch sử phát triển của phong tục thờ cúng thần Bếp trong dân tục truyền thống của Trung Quốc” (tiếng Trung), Hoa Chương, số 18: 19. 116 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 116 Abstract A COMPARATIVE STUDY ON THE WORSHIP OF KITCHEN GOD OF VIETNAMESE IN VIETNAM AND OF CHINESE IN CHINA The folk belief of Vietnamese in Vietnam and of Chinese in China regards kitchen god as deity who manages cooking. He is one of the important deities protecting family. These deities are kitchen god, god of soil and ancestors. The origin of kitchen god was in China in ancient times. When the worship of kitchen god was spread to Vietnam, the Vietnamese changed it to correspond with their custom, but they observed the elements of worship and offerings to kitchen god of Chinese. Through comparative study on the worship of kitchen god of Vietnamese in the Northern delta and of Chinese in China, the writer would like to bring out social function of kitchen god and the similar and different elements of the worship of kitchen god in two countries - Vietnam and China. Key words: The worship of kitchen god, Vietnamese, Chinese, Vietnam, China.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf23758_79462_1_pb_6511.pdf
Tài liệu liên quan