Dưới thời nhà Nguyễn, công tác quản lý, sử dụng đối với các quốc tự
hay những chùa tổ đình có những quy định cụ thể. Nếu quốc tự hoàn toàn
do triều đình sử dụng, tổ chức nghi lễ, đồng thời quản lý về nhân sự, từ
Tăng cang, sư sãi cho đến người giúp việc, quân canh giữ., thì ở chùa tổ
đình, việc quản lý sư sãi có phần nới lỏng hơn. Triều đình chỉ tổ chức
kiểm soát trình độ người tu hành, đặc biệt là những Tăng cang, sư trưởng
để cấp độ điệp. Việc quản lý chùa tổ đình do tăng sĩ các hệ phái thực
hiện, mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội đều được tham gia vào hoạt
động nghi lễ Phật giáo, cũng như được đóng góp công quả để sửa chữa
chùa. Nhân dân trong vùng, dù không quy y, nhưng khi mất có quyền gửi
gắm hương linh lên chùa để được cúng tế, hương khói. Như vậy, đối
tượng sử dụng với chùa tổ đình được mở rộng cả trong dân chúng
15 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 772 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Nhà nguyễn với việc quản lý và sử dụng hệ thống chùa sắc tứ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 – 2014 31
TẠ QUỐC KHÁNH*
NHÀ NGUYỄN VỚI VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
HỆ THỐNG CHÙA SẮC TỨ
Tóm tắt: Chùa sắc tứ là ngôi chùa được vua nhà Nguyễn ban sắc
chỉ chấp nhận chính thức và có tên trong danh sách của Bộ Lễ.
Thời nhà Nguyễn, chùa sắc tứ xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong
cả nước. Ở giai đoạn đầu, chỉ chùa tổ đình, đại danh lam, quốc tự
mới được liệt vào hàng sắc tứ. Về sau, việc ban sắc tứ cho các ngôi
chùa có phần dễ dãi hơn. Tất cả những ngôi chùa này được triều
đình nhà Nguyễn quản lý, sử dụng bằng nhiều quy định đôi khi rất
chi tiết.
Từ khóa: Chùa sắc tứ, chùa tổ đình, chùa làng, ban sắc tứ, nhà
Nguyễn.
1. Nhà Nguyễn với vấn đề xây dựng và trùng tu chùa sắc tứ
Năm 1802, Nguyễn Ánh giành được chính quyền từ nhà Tây Sơn, lên
ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô. Bên
cạnh những chính sách nhằm củng cố chính quyền, phát triển đất nước,
nối tiếp truyền thống từ thời chúa Nguyễn, vua Gia Long (và các vị vua
quan triều Nguyễn về sau) tùy mức độ khác nhau, đã có những đóng góp
đáng kể trong việc dựng chùa, độ tăng, ban sắc tứ..., góp phần đưa xứ
Huế trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam1.
Trong một chuyến tuần du Bắc Hà năm 1804, mặc dù vua Gia Long
đã ban chỉ dụ: “Chùa quán có đổ nát mới được tu bổ còn làm chùa mới,
tô tượng, đúc chuông, đàn chay, hội chùa hết thảy đều cấm”2, nhưng
những hành động thực tế sau đó của vị vua đầu triều Nguyễn cho thấy,
ông không phải là người quay lưng với Phật giáo. Bản thân vua Gia
Long, vương phi và hoàng hậu trong triều đã bỏ tiền của sửa chữa rất
nhiều chùa tháp, đặc biệt là những ngôi chùa quanh kinh đô Huế. Năm
1803, vua Gia Long cho tu sửa chùa Long Quang. Năm 1805, công chúa
Nguyễn Ngọc Tú (Long Thành thái trưởng công chúa) công đức tiền bạc
*
TS., Viện Bảo tồn Di tích, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
32 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
32
tái thiết chùa Quốc Ân. Năm 1808, Hiếu Khang Hoàng thái hậu công đức
tiền bạc sửa chữa chùa Báo Quốc, v.v... Đặc biệt, năm 1815, vua Gia
Long cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ, đồng thời xây thêm nhiều công
trình mới như: Đại Hùng bảo điện, điện Di Lặc, điện Quan Âm, lầu tàng
thư, nghi môn, lầu chuông, lầu trống...3; sau đó, mời Thiền sư Mật Hoằng
đang trụ trì chùa Đại Giác ở Gia Định về phong làm Tăng cang để coi sóc
và sách tấn giáo đoàn tăng sĩ ở đây. Trong suốt thời gian trị vì của vua
Gia Long, chùa Thuyền Tôn, một chùa tổ đình lớn nhất do Tổ sư Liễu
Quán khai sơn tại Huế, nhiều lần được triều đình cho trùng tu, mở rộng
thêm; đồng thời tăng tín cũng ngày một đông đảo, khiến Phật giáo xứ
Huế phục hưng và phát triển.
Phật giáo thực sự hưng thịnh dưới thời vua Minh Mạng không chỉ bởi
trong 20 năm trị vì, ông vua này đã năm lần mở đại trai đàn tại chùa
Thiên Mụ và một lần tại Chùa Thầy (Hà Nội), cho tu bổ chùa tổ đình
Quốc Ân (Huế) khang trang hơn, mà còn vì ông đã cho xây dựng lại
chùa Thánh Duyên và chùa Giác Hoàng (Huế)4. Bên cạnh đó, năm 1829,
vua Minh Mạng còn cho dựng chùa Linh Hựu ở bờ bắc Ngự Hà trong
kinh thành Huế, cấp giới đao độ điệp5 và phong Tăng cang cho Thiền sư
Nhất Định về trụ trì tại đây. Rất nhiều thái giám có ruộng đất gần đó đã
xin quy y với vị thiền sư này. Đây có thể coi là ngôi quốc tự thứ ba được
vua Minh Mạng cho dựng. Thiền sư Nhất Định còn được cử làm Tăng
cang chùa Giác Hoàng ngay khi cơ sở Phật giáo này được khánh thành.
Bên cạnh việc xây dựng, tu bổ các ngôi chùa ở kinh đô, vua Minh
Mạng còn ra chỉ dụ cho xây dựng nhiều chùa ở các tỉnh thành khác trong
cả nước. Chẳng hạn, năm 1823, vua chỉ dụ quan tỉnh Quảng Nam chọn
đất tìm thợ dựng chùa Vĩnh An; năm 1824, xuống dụ tu bổ chùa Phúc
Long, tỉnh Quảng Trị; năm 1825, ban sắc tứ cho chùa Phúc Hải, tỉnh
Quảng Nam. Năm 1832, cho dựng chùa Khải Tường ở Gia Định (nơi
Hoàng thái hậu Kim Thiên sinh ra nhà vua), sau đó chuẩn nghị cho chùa
Khải Tường các tiết hằng năm như: tuế trừ, thượng tiêu, Chính Đán,
Đoan Dương, sóc vọng hằng tháng,... mỗi án thờ phải đủ cỗ chay và
hương trà, giấy vàng bạc. Gặp tiết Vạn Thọ (23 tháng 4), tiết Thánh Thọ
(17 tháng 11), các nhà sư đều chiểu y lễ lệ sắm đủ cỗ chay dâng lên trước
bàn thờ Phật, đốt hương khấu chúc. Còn những tăng sĩ ở chùa ấy chuẩn
do địa phương chiêu mộ, lấy 20 người làm hạn định6.
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 33
33
Tại ngôi được 20 năm, vua Minh Mạng băng hà. Năm 1841, ngôi báu
được truyền cho Thái tử Miên Tông, lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Ngay
năm 1841, vua Thiệu Trị đã cấp 2.500 quan tiền tiếp tục sửa chữa chùa
Quốc Ân. Ngôi chùa này vốn bắt đầu trùng tu từ năm 1838, tới năm 1843
mới hoàn thành. Năm 1842, quốc tự Diệu Đế được hoàn thành trên đất
nhà cũ của Phúc quốc công (phía ngoài kinh thành Huế), gồm các hạng
mục: điện Đại Giác, bảo tháp, tịnh xá Trí Tuệ, lầu chuông, nhà bia, gác
Đạo Nguyên, v.v...7 Vào tháng 7/1842, vua cho mở đại trai đàn tại chùa
Thiên Mụ; ban cấp tiền gạo cho dân chúng và tăng sĩ ở chùa Hoằng Phúc
(Quảng Bình).
Ngoài ra, năm 1845, vua Thiệu Trị còn cho xây bảo tháp Phước
Duyên cao bảy tầng, tạo nên một mặt bằng hoàn chỉnh, không chỉ là niềm
tự hào của chùa Thiên Mụ, mà còn là biểu tượng của chùa tháp xứ Huế
và vẻ đẹp thắng tích chốn Thần kinh. Tuy chỉ tại ngôi bảy năm, công việc
xây sửa chùa tháp, phát triển Phật giáo chưa nhiều, nhưng các bản lưu bút
do vua Thiệu Trị để lại tại chùa Diệu Đế cho thấy, ông là người thấu hiểu
sâu rộng tư tưởng và triết lý Phật giáo: “Xây dựng ngôi chùa, mở rộng
tâm Bồ Đề mà hóa thông vạn loại; thi hành sức phương tiện để thức tỉnh
chúng sinh”. “Nay, chùa ở bờ sông, quay chầu kinh khuyết, mũ lọng
nghênh ngang, xe thuyền tấp nập. Sự thanh tĩnh ngăn phòng lòng tham
lợi dẫn dắt lung tung mà chỉ lấy điều thiện làm của quý”8.
Tiếp nối vua Thiệu Trị, ngay năm đầu nối ngôi, vua Tự Đức đã ban
cấp tiền của tái thiết thảo am An Dưỡng do Thiền sư Nhất Định dựng
năm 1844 tại Huế để vừa tu hành, vừa phụng dưỡng mẹ già. Sau khi chùa
xây xong, vua ban biển “Sắc tứ Từ Hiếu tự” (tên chùa Từ Hiếu có từ đây,
bởi ông cảm phục tấm lòng hiếu thuận của thiền sư, và cũng bởi, Tự Đức
là một ông vua trọng Nho học và rất có hiếu với mẹ). Rất đông Phật tử là
người trong hoàng gia, quý tộc cúng dường và xin quy y tại ngôi chùa
này. Từ Hiếu là một ngôi chùa đặc biệt, đóng góp nhiều mặt về kiến trúc
và tôn giáo, góp phần tạo cho Phật giáo xứ Huế có một đặc trưng riêng9.
Cũng dưới thời vua Tự Đức, nhiều chùa chiền tiếp tục được quan tâm tu
bổ. Chùa Báo Quốc được trùng tu năm 1858, tiếp đó năm 1873, xây lại
tam quan ngôi chùa này. Năm 1881, công tử Hồng Thiết ở Phủ Tùng
Thiện Vương bỏ tiền sửa chùa Viên Thông (Huế), v.v
Trong việc xây dựng và sửa chữa chùa chiền vào nửa đầu thế kỷ XIX,
bên cạnh sự quan tâm của các vị vua Nguyễn, còn phải kể đến sự ủng hộ
34 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
34
tích cực từ những người trong hoàng tộc và tầng lớp quan lại. Bà Từ Dũ
(Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức), Hiếu Khương
hoàng hậu (Nguyễn Thị Hoàn), Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Tống Thị
Lan), Thuận Thiên Cao hoàng hậu (Trần Thị Đang) cùng một số người
trong hoàng tộc như bà Trang Ý (Vũ Thị Duyên), các công chúa Lại Đức,
Quý Đức, Long Thành, Ngọc Duệ, cúng tiền bạc để đúc tượng, xây sửa
nhiều ngôi chùa, nhất là vùng xung quanh kinh thành như các chùa Thiên
Hưng, Thiên Thai Ngoại, Khánh Vân, Kim Long, Viên Giác, Thiền Lâm,
Quốc Ân, Báo Quốc, Thuyền Tôn, Từ Hiếu. Ngoài ra, các vị quan đầu
triều Nguyễn đều đóng góp công của tu bổ, tôn tạo những ngôi chùa nơi
quê nhà: Thượng thư Bộ Hình là Đặng Lễ Trai tu bổ chùa làng Thanh
Lương, Thượng thư Bộ Lễ là Nguyễn Đình Tân tu bổ chùa Trường Xuân,
Tổng đốc Ninh Thái là Trương Văn Uyển tu bổ chùa Phú Lễ, v.v... Bên
cạnh đó, chùa chiền xứ Huế nói riêng, cả nước nói chung còn được tu
sửa, xây dựng bằng sự đóng góp của nhân dân và của các nhà sư đứng ra
phát nguyện. Theo thống kê của Nguyễn Duy Hinh trong bộ Đại Nam
nhất thống chí, dưới thời vua Tự Đức, 245 chùa thuộc hàng danh lam
được sửa chữa và xây dựng trên cả nước10.
Sau khi vua Tự Đức băng hà, triều đình nhà Nguyễn bị người Pháp
thao túng, tước hết quyền lực. Phật giáo không còn được triều đình quan
tâm như trước, chỉ một vài ngôi chùa được ban sắc tứ hay cấp tiền tu sửa
nhỏ: vua Thành Thái cho tu sửa chùa Ngọc Sơn (Huế) năm 1898; vua
Bảo Đại ban sắc tứ cho chùa Diệc Cổ (Nghệ An) năm 1930, chùa Kim
Tiên (Huế) năm 1939, chùa Châu Lâm (Huế) năm 1940, v.v... Tuy nhiên,
đây là thời kỳ nhiều ngôi chùa bị triều đình và chính quyền thực dân dẹp
bỏ, nhất là khu vực quanh xứ Huế như các chùa: Giác Hoàng, Kim Sơn,
Long Quang, Sùng Hóa, Kim Quang, Huệ Minh, Bạch Vân, Linh Hựu,
Ngọc Sơn, v.v...
2. Nhà Nguyễn với việc bổ dụng trụ trì và quy định số lượng tăng
sĩ, sái phu trong chùa sắc tứ
Trước năm 1945, đứng đầu chùa sắc tứ là một vị Tăng cang và một vị
trụ trì. Việc bổ nhiệm chức trụ trì chùa sắc tứ do Bộ Lễ và Phủ Tôn Nhân
đảm nhận. Chức Tăng cang ban đầu được vua Gia Long đặt cho chùa
Thiên Mụ. Các vua kế tiếp là Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức lập thêm
nhiều quốc tự và cử Tăng cang quản lý các chùa đó. Ban đầu, vua là
người quyết định chọn Tăng cang rồi lệnh cho Bộ Lễ cấp độ điệp và giao
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 35
35
chùa cho cai quản. Sau này, khi nhiều chùa được thành lập, nếu chùa nào
khuyết chức Tăng cang sẽ trình lên Bộ Lễ. Bộ Lễ sức cho các Tăng cang
tổ chức họp rồi cử ra một vị Tăng cang mới, trình lên Bộ Lễ để xin nhà
vua phê chuẩn. Sau khi vua phê chuẩn và sát hạch thì cấp sắc chỉ. Ở mỗi
chùa quan, phụ giúp Tăng cang thường có một trụ trì để quản tăng chúng
trong chùa. Các vị Tăng cang, trụ trì được triều đình miễn thuế khóa, sưu
dịch, cấp lương hằng tháng để chi độ, cấp pháp phục. Những công việc
nêu trên được thực hiện tới tận những vị vua cuối cùng của triều đình nhà
Nguyễn.
Các triều đình trong lịch sử phong kiến Việt Nam, từ triều Đinh đến
triều Nguyễn, đã sắc phong, đặt ngạch cai quản tôn giáo đối với tu sĩ Phật
giáo. Những nhà sư được phong Tăng thống, Tăng cang, hay những cơ
quan như Tăng Lục, tuy nằm trong ngạch hành chính của các nhà nước
quân chủ phong kiến, nhưng không có nghĩa đó là một trung tâm đầu
não. Những người được phong chỉ là đại diện của giới tu sĩ Phật giáo đối
với triều đình, không phải là người đứng đầu tổ chức giáo hội. Như vậy,
trước thế kỷ XIX, công tác bổ nhiệm trụ trì là do triều đình hoặc tự phát
của các tổ đình (theo kiểu truyền thừa).
Những quốc tự được triều đình nhà Nguyễn quy định số tăng sĩ cụ thể.
Điều này ghi rõ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Năm 1815,
triều đình định lệ tăng đạo ở chùa Thiên Mụ là 21 người. Đến năm 1850,
triều đình thống kê số lượng tăng sĩ trong quốc tự để có chính sách quản
lý, chu cấp lương bổng được rõ ràng. Theo đó, chùa Thiên Mụ có một
Tăng cang, 48 nhà sư; chùa Diệu Đế có một Tăng cang, một sư trưởng,
20 nhà sư; chùa Giác Hoàng có một sư trưởng, 15 nhà sư; chùa Linh Hựu
có một sư trưởng, 10 nhà sư; chùa Thánh Duyên có một sư trưởng, chín
nhà sư, hai chú tiểu; chùa Long Quang có một sư trưởng, 20 nhà sư, ba
chú tiểu11. Sau khi thống kê, triều đình có chỉ dụ: chùa Thiên Mụ để lại
một Tăng cang, 30 nhà sư (bớt đi 18 nhà sư); chùa Long Quang để lại
một sư trưởng, 10 nhà sư (bớt đi 10 nhà sư, ba chú tiểu) còn giữ nguyên
số nhà sư ở các chùa Diệu Đế, Giác Hoàng, Linh Hựu và Thánh Duyên12.
Triều đình quy định số tăng sĩ cụ thể không chỉ với những quốc tự, mà
còn với nhiều ngôi chùa khác, đặc biệt là chùa sắc tứ và chùa công ở kinh
thành. Năm 1849, triều đình ra chỉ dụ, mỗi chùa công (chùa sắc tứ) chỉ để
từ năm đến sáu nhà sư (được cấp lương), nhưng phải tinh thông Phật
pháp và qua Bộ Lễ sát hạch. Với chùa làng, tuy không thuộc quản lý của
36 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
36
triều đình, nhưng quan phủ huyện nơi đó sau khi sát hạch, chỉ lưu lại mỗi
chùa một người tinh thông Phật pháp, còn lại đều bắt hoàn tục, chịu sai
dịch13. Năm 1850, triều đình tiếp tục quy định số tăng sĩ và người phục
vụ trong các ngôi chùa như sau: “Các chùa cảnh ở dân gian, trừ ngoài ra
mỗi sở một tự trưởng, còn tăng chúng xin chỉ cho một, hai người, nếu có
chỗ quá cái số năm người, nhưng do quan sở tại địa phương phải kiểm
soát, sau đây phàm có khuyết tăng, đề thực là không đủ cái số hạn định
lần này, mới được điều thêm đủ hạn mà thôi”14.
Sở dĩ vua Tự Đức ban những chỉ dụ quy định cụ thể số tăng sĩ trong
chùa sắc tứ cũng như chùa chiền trong dân chúng như vậy, vì đến thời
điểm này, “các địa phương thường bắt chước nhảm theo thói dựng nhiều
cảnh chùa, phí tổn đến hàng vạn, tiếng tuy là vì dân cầu phúc, thực thì tổn
hại của dân”15.
Đối với người canh giữ, người giúp việc trong chùa cũng được quy
định rõ không chỉ số lượng, mà còn nguồn gốc dân cư để dễ bề kiểm soát.
Những canh phu trong quốc tự được miễn đi lính: Năm 1805, điều lấy 30
dân tám xã xung quanh kinh thành sung làm dân phụ lũy ở chùa Thiên
Mụ. Đến năm 1822, chỉ lấy 30 dân xã An Ninh ở gần đấy còn trả dân tám
xã kia cho về. Đến năm 1836, lại trả 30 tự phu thuộc xã An Ninh về và
điều 30 binh biền thay giữ chùa Thiên Mụ (gọi là vệ giám).
Tương tự chùa Thiên Mụ, chùa Thánh Duyên ngay sau khi dựng xong
(năm 1836), vua Minh Mạng phái thêm 20 vũ lâm, cấm binh chia nhau
coi giữ, mỗi tháng thay đổi một lần. Ngoài ra, do đây là hành cung, nên
định lệ hằng năm từ mùng 1 tháng 2 đến cuối tháng 7 làm thêm hành
dinh đề phòng vua đến chơi, phái thêm một suất đội, 20 biền binh để coi
giữ16.
Đến thời vua Thiệu Trị, việc cắt đặt người giúp việc trong quốc tự vẫn
tiếp tục được triều đình đệ trình lên nhà vua chuẩn phê và quy định rõ
ràng. Năm 1844, vua Thiệu Trị chuẩn cho lấy dân tám xã trực lệ chia
nhau coi giữ các quốc tự quanh kinh thành: chùa Giác Hoàng là 10 người,
chùa Diệu Đế là 20 người, chùa Linh Hựu là 15 người. Năm 1845, nhà
vua lại phê chuẩn cho phủ Thừa Thiên lấy 10 người dân gần đấy thay giữ
chùa Thánh Duyên, rút bớt số cấm binh được phái coi giữ hành cung từ
thời vua Minh Mạng, chỉ lưu một suất đội, chín biền binh, (lệ cũ một suất
đội, 20 biền binh)17. Đối với chùa Diệu Đế, nhà vua quy định rõ số người
làm phu ở chùa gồm: năm người dân xã Phú Xuân, năm người dân xã
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 37
37
Dương Xuân và 10 người dân xã An Bảo. Tất cả những người này được
miễn binh và dao dịch, còn thuế thân phải nộp theo như lệ18.
Các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị quy định số tăng sĩ, sái
phu, lao dịch giúp việc không chỉ với những quốc tự hay chùa sắc tứ
quanh xứ Huế, mà còn với các chùa công trong cả nước. Năm 1812,
chuẩn định cho chùa Long Vinh ở Hải Phòng có 20 nhà sư, 15 sái phu
được miễn binh và dao dịch. Năm 1820, cho chùa Kim Chương ở Gia
Định được lấy 30 dân làm sái phu. Năm 1821, cho 10 dân làm sái phu ở
chùa Từ Ân ở Gia Định. Năm 1822, chuẩn cho 10 dân làm sái phu chùa
Pháp Vũ ở Gia Định (năm 1823, đổi “sái phu” thành “tự phu”). Năm
1826, cho chùa Tam Thai ở Quảng Nam 30 tự phu (trong đó thôn Hóa
Khê 12 suất, hai giáp Đông và Tây xã Quán Khái 18 suất)19.
Năm 1827, triều đình điều cấp ba dân sở tại làm tự phu chùa Long
Phúc (Quảng Trị). Năm 1837, điều chuyển 10 tự phu chùa Kim Chương
sang chùa Khải Tường (Gia Định). Tự phu ở chùa Tam Thai và chùa
Châu Ứng (Quảng Nam) là 31 người, chùa Hoằng Ân (Hà Nội) là hai
người, chùa Linh Thứa (Định Tường) là 15 người20.
Như vậy, số người coi giữ, phục vụ ở các chùa cũng được quy định cụ
thể không chỉ với quốc tự, mà còn với một số chùa tổ đình ở các tỉnh
thành khác trong cả nước. Theo đó, dưới thời Tự Đức, chùa Hoàng Ân
(Hà Nội) có số sái phu ít nhất (hai người), chùa Thiên Mụ nhiều nhất (49
người). Việc quy định số sái phu/ tự phu phần nào cho thấy vị trí và vai
trò quan trọng của từng ngôi chùa đối với triều đình. Rõ ràng là, những
quốc tự quanh kinh thành Huế được triều đình quan tâm nhiều hơn cả.
Tất cả sái phu, tăng sĩ trong các ngôi chùa đó đều được miễn binh và sai
dịch, còn các loại thuế khác vẫn phải nộp như thường.
3. Nhà Nguyễn với việc kiểm tra trình độ của tăng sĩ và chi cấp
lương bổng, lễ vật trong chùa sắc tứ
Triều đình đề cao việc thông hiểu giáo lý nhà Phật, nên việc kiểm tra
trình độ tăng sĩ được tổ chức khá thường xuyên nhằm tìm ra người giỏi, hạn
chế kẻ núp bóng cửa Phật để mưu sinh. Các đời vua Gia Long, Minh Mạng,
Thiệu Trị, Tự Đức đều tổ chức sát hạch cấp giới đao độ điệp. Vua Gia Long
và vua Tự Đức đều ban một chỉ dụ thống nhất quản lý số sư sãi chân tu.
Năm 1804, vua Gia Long ra lệnh: “Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại
phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số”21. Năm
38 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
38
1855, vua Tự Đức cũng ra chỉ dụ: “Sư ở chùa, có người nào chân tu, thì lý
trưởng phải khai liệt họ tên nộp quan, để biết rõ số sư tăng”.
Năm 1830, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “Lần này sư các chùa đến kinh,
chuẩn cho Bộ Lễ xét thực, ai giữ được giới luật tinh nghiêm, thông được
giáo lý nhà Phật, đều chiếu cấp cho một độ điệp để cho yên tâm mà trì
giáo, chứng được cơ mầu nhiệm của đạo Thiền, tạp dịch và thuế thân đều
khoan miễn cho cả (...). Lần này, sư ở chùa các hạt gọi đến kinh, gồm 53
người, đã qua Bộ Lễ sát hạch lập thành danh sách, tâu lên, nay chuẩn
thưởng cấp cho 12 người vào hạng xảo thông đều 5 lạng bạc, 38 người
vào hạng hơi thông đều 3 lạng bạc, lại ban tiệc chay ở chùa Thiên Mụ
một lần, chuẩn đều cấp độ điệp giới đao còn 3 người không thông, không
chuẩn cho thưởng cấp, để tỏ ra có sự phân biệt, đều khiến cho về”22.
Triều đình thậm chí còn ra chỉ dụ: “Nếu tăng đạo nào không được cấp
cho tờ điệp mà tự tiện gọt đầu, thì phải phạt 80 trượng. Các tăng đạo trụ
trì ở các chùa, quán nào và thầy dạy học của các tăng đạo mà tự tiện cấp
tờ điệp thì cùng chịu tội, đều phải đuổi về nhà cả (ghi tên vào sổ chịu sai
dịch)”23. Quy định này còn được ghi trong bộ Hoàng Việt luật lệ24.
Liên tiếp nhiều năm dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị tiến
hành kiểm tra giới luật, cấp văn bằng và chọn ra người giỏi phái đến
trông coi các quốc tự. Năm 1841, vua Thiệu Trị có dụ: “Lần này, những
người ứng hạch tuy không có ai xuất sắc cho lắm, nhưng tựu trung cũng
có người kia hơn người này, không nên nhất khái khắt khe, cộng là 7
người chuẩn cho chiểu theo nghề nghiệp của mình phái đến chùa Giác
Hoàng, chùa Linh Hựu làm việc, còn thì đều cho về”25.
Những tăng sĩ tinh thông Phật pháp đã qua thi tuyển được triều đình
bổ dụng coi giữ chùa công. Đặc biệt, những tăng sĩ được giao giữ quốc tự
đều có lương bổng, gạo muối do triều đình ban cấp. Tùy mỗi thời kỳ hay
mỗi ngôi chùa được coi giữ mà số lương bổng có khác nhau. Năm 1815,
vua Gia Long định lệ tăng đạo ở chùa Thiên Mụ cấp cho một người mỗi
tháng một phương gạo.
Đến năm 1822, vua Minh Mạng quy định tăng sĩ ở chùa Thiên Mụ,
mỗi tháng cấp cho 60 quan tiền, 60 phương gạo, sáu thưng muối. Tăng sĩ
chùa Long Quang mỗi tháng cấp 15 quan tiền, 21 phương gạo. Năm
1834, cấp cho sư trưởng chùa Linh Hựu mỗi tháng hai quan tiền, một
phương gạo; các sư khác một người mỗi tháng một quan tiền, một
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 39
39
phương gạo. Năm 1836, ban lệnh chi cấp cho sư trưởng chùa Thánh
Duyên, mỗi tháng hai quan tiền, một phương gạo; các sư khác một người
mỗi tháng một quan tiền, một phương gạo; chú tiểu mỗi tháng năm quan
tiền, 15 đấu gạo. Năm 1839, ban lệnh chi cấp cho sư trưởng chùa Giác
Hoàng mỗi tháng ba quan tiền, một phương gạo; các sư khác một người
mỗi tháng một quan tiền, một phương gạo26.
Khi vua Thiệu Trị cho dựng thêm quốc tự Diệu Đế, thì người coi giữ
ngôi chùa này được triều đình chu cấp: sư trưởng một tháng hai quan
tiền, một phương gạo; các sư khác một người mỗi tháng một quan tiền,
một phương gạo27.
Thời vua Tự Đức không xây thêm quốc tự nào. Những quốc tự từ
trước được triều đình quản lý và chu cấp lương bổng theo lệ cũ. Năm
1850, triều đình ban định các chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Giác Hoàng, Linh
Hựu, Thánh Duyên đều cấp cho: Tăng cang một người mỗi tháng ba quan
tiền, một phương gạo. Sư trưởng một người mỗi tháng hai quan tiền, một
phương gạo, các nhà sư khác một người mỗi tháng một quan tiền, một
phương gạo. Chùa Long Quang có một sư trưởng, 20 nhà sư, ba chú tiểu.
Tất cả số người ấy mỗi tháng được cấp 15 quan tiền, 21 phương gạo28.
Ngoài việc quản lý số tăng sĩ, triều đình còn rất quan tâm đến ban cấp
vật phẩm cần thiết cho chùa sắc tứ. Lễ vật được ban cấp dùng cho việc
cúng tế vào các dịp: Chính Đán, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Vu Lan,
Phật Đản, Thánh Thọ, Vạn Thọ, Đoan Dương, cầu siêu cho tướng sĩ tử
trận, v.v... Cơ quan trực tiếp giám sát việc chuẩn bị là Phủ Tôn Nhân và
Viện Đô Sát. Vật dụng được cấp là tiền bạc, nến sáp, hương vòng, vàng
mã, các loại giấy, trà tàu, trầm hương, than gỗ, than hầm, than đá, sợi vải,
dầu đèn, gạo trắng, muối, rượu, mâm cỗ các loại (nhất, nhì, trung, nhỏ),
bài vị, lễ phẩm, đèn hương, v.v... Lễ vật cúng tế được quy định và kiểm
tra rất cụ thể về số lượng, trọng lượng, hình thức và thể lệ. Ví dụ, chùa
Thiên Mụ vào tiết Thánh Thọ được cấp 60 đôi nến sáp, sáu bao hương
vòng, 30 quan tiền, vàng mã, giấy màu để cắt áo mã. Chùa Long Quang
vào tiết Thánh Thọ được cấp 10 quan tiền, cả năm được phát sáu cân trà,
240 cây nến, 470 cân dầu đốt đèn. Chùa Diệu Đế mỗi năm cấp 25 cân trà,
640 cây nến. Chùa Thánh Duyên, mỗi năm được cấp 411 quan 2 tiền 8
đồng để nhà sư mua sắm hương nến, giấy vàng, các tiết Thánh Thọ và
Vạn Thọ có chi cấp tiền riêng29.
40 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
40
Những quy định tỷ mỷ, rườm rà, phức tạp không chỉ cho thấy thái độ
coi trọng của triều Nguyễn đối với các nghi thức Phật giáo nói riêng, các
nghi thức tế lễ nói chung, mà còn thông qua đó có thể nhận diện được vị
trí và vai trò của từng ngôi chùa đối với hoạt động Phật giáo của triều
đình. Trong đó, rõ ràng chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên là hai quốc
tự quan trọng nhất.
Ở mỗi quốc tự có một Tăng cang, một trụ trì, từ sáu đến mười nhà sư,
đều do triều đình bổ đến, ăn bổng lộc vua ban, không có tự quyền tại đây
và không được xây tháp mộ. Tăng sĩ được cử làm trụ trì hoặc Tăng cang
ở quốc tự đều là những vị đạo cao đức trọng. Họ ở khắp vùng miền trong
cả nước, do Bộ Lễ tìm tòi, tâu lên nhà vua xem xét, phê duyệt và triệu vời
về kinh thành nhận chùa. Quốc tự đều thuộc quyền sử dụng của triều
đình. Xưa kia, chỉ quốc tự mới được mở các đại trai đàn cầu siêu mỗi dịp
Vu Lan, nhà vua và triều đình chủ trì đại lễ. Dân chúng không được tự
tiện đến tế lễ, cầu cúng hay sinh hoạt tôn giáo. Trụ trì chùa không được
tự ý truyền thừa kế thế cho đệ tử. Những quốc tự ở xa kinh thành như
chùa Thánh Duyên còn là hành cung mỗi khi vua đi tuần giá, ở đó có
giếng nước riêng chỉ để cho vua dùng. Việc quốc tự kiêm hành cung thực
ra có từ lâu trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Chùa Dạm, chùa Phật
Tích (Bắc Ninh), chùa Chương Sơn (Nam Định), chùa Long Đọi (Hà
Nam) là những hành cung của vua triều Lý; chùa Phổ Minh (Nam Định),
khu chùa tháp ở Yên Tử (Quảng Ninh) là hành cung của các vua triều
Trần. Quốc tự kiêm hành cung là một trong những biểu hiện chứng tỏ
mối quan hệ khăng khít giữa Phật giáo và triều đình phong kiến trong
lịch sử dân tộc.
4. Quy định của nhà Nguyễn về cỗ cúng trong nghi lễ ở chùa sắc tứ
Nghi lễ tôn giáo có vị trí quan trọng trong các hoạt động chính thức
của lục bộ và nhiều cơ quan chức năng của nhà nước. Điều này thể hiện
trong việc điều hành, giám sát quá trình thực hiện các điển lệ nghi lễ tôn
giáo triều Nguyễn với sự xuất hiện của hầu hết các cơ quan của triều đình
như: Phủ Tôn Nhân, Viện Tập Hiền, Kinh Diên, Ty Điển Nghi, Bộ Lại,
Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Triều đình đề ra những quy
định chặt chẽ, cụ thể, chi tiết về thời gian, địa điểm, người phụ trách tế lễ,
thành phần tham dự nghi lễ; số lượng và loại lễ phẩm dùng làm cỗ. Bên
cạnh đó, triều đình còn quy định về người phụ trách kiểm tra, chuẩn bị và
tiến hành cúng tế; hình thức xử phạt đối với người không làm tròn nhiệm
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 41
41
vụ trong các lễ cúng tế của nhà nước: “Đại tế lễ cúng vật thú sống, ngọc,
lụa, lúa, nếp, các thứ ấy làm sai phép thì phạt 50 roi. Nếu thiếu một món
nào là phạt 80 trượng, thiếu toàn bộ thì phạt 100 trượng. Ban, Ty chăn
nuôi súc vật để đưa vào đại tế lễ, mà nuôi dưỡng không đúng phép đến
nỗi chúng ốm còi. Một con thì phạt 40 roi, mỗi con kể thêm một bậc cho
đến mức tội là 80 trượng, nếu con nào chết thì thêm một bậc tội. Tế lễ
bậc trung, ai phạm thì tội cũng giống vậy”30.
Số mâm cỗ vào các lễ lớn còn được quy định cụ thể trong các quốc tự
như Giác Hoàng, Diệu Đế, Linh Hựu. Chẳng hạn như quy định đối với
chùa Giác Hoàng: “Cỗ cúng hạng nhất 5 mâm (mỗi mâm 5 tiền...), cỗ
cúng hạng nhì 17 mâm (mỗi mâm 3 tiền...), cơm chay hạng nhất 5 mâm
(mỗi mâm 3 tiền 20 đồng...), cơm chay hạng nhì 17 mâm (mỗi mâm 2
tiền 30 đồng...)”31.
Quy định số mâm cỗ, vật phẩm và nơi làm lễ cúng vào các dịp: ngày
sinh Bồ tát Quán Thế Âm, ngày sinh Bồ tát Văn Thù, ngày sinh Bồ tát
Phổ Hiền ở chùa Linh Hựu. Cụ thể, lễ vía Quán Thế Âm quy định cỗ
cúng hạng nhất một mâm, cỗ cúng hạng nhì ba mâm, quả phẩm bốn mâm
(mỗi mâm hai tiền). Lễ vía Văn Thù và Phổ Hiền đều làm cỗ cúng hạng
nhì ba mâm, quả phẩm ba mâm32. Số mâm cỗ, hạng cỗ, các món để lập
đàn chay, tụng kinh cầu phúc và dâng lễ cúng Phật được quy định như
sau: “Phàm có lập đàn chay lớn, tụng kinh cầu phúc, có dâng lễ cúng lớn,
ở Phật tiền một lần, dùng cỗ cúng hạng nhất 16 mâm, cơm chay hạng
nhất 16 mâm, cỗ cúng hạng nhì 58 mâm. Lễ cúng nhỏ mỗi lần: hoặc dùng
cỗ cúng hạng nhì 5 mâm, hoặc dùng cơm chay hạng nhì 10 mâm, hay 6
mâm, nguyên không có định hạng. Cỗ cúng mỗi mâm đều dùng: bánh in
hình rồng, bánh hình rùa, bánh nếp nặn tròn, bánh ú, bánh hoa, bánh nếp
xanh...”33.
Năm 1832, vua Minh Mệnh ra quy định, mỗi năm, trong ba kỳ đại tiết
(chúc thọ Hoàng Thái hậu, Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Dương ) cùng
tiết đại khánh (chúc thọ vua trong ngày sinh nhật) đều ban sóc (triều đình
ban cáo cho quần thần biết để tế cáo tại các nhà tổ miếu trong ngày mùng
1 tháng Giêng), truyền lô (gọi loa cho dân chúng biết). Ngày sóc, vọng
hằng tháng, các nơi phiên trấn dâng lễ về triều, đều được tấu nhạc. Bỏ
việc ca múa vào ngày sóc, vọng hằng tháng ở hành cung, chỉ dùng các
nhạc khí nhỏ34.
42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
42
Như vậy, tương tự như việc ban cấp phẩm vật, quy định về cỗ cúng
trong các ngày lễ của triều đình cũng rất chi tiết, tỷ mỷ, thể hiện sự coi
trọng nghi lễ Phật giáo của nhà Nguyễn. Trái với những quy định có phần
rắc rối đó của triều đình, lễ vật cúng Phật trong chùa làng, thậm chí cả
với chùa tổ đình trong các dịp sóc, vọng hằng tháng lại thường thanh
tịnh, giản dị. Ngoài các tự khí như tượng Phật, chuông mõ, tràng hạt,
“trên bàn thì chỉ có đèn sáng, hương trầm thơm, hoa quả tươi tắn, có sự
cân xứng để tạo tâm tưởng chỉnh nghi”, vật thực làm cỗ cúng tổ tiên, chỉ
cần “cỗ chay vừa hợp vệ sinh, vừa đỡ hao tốn, tránh ruồi nhặng bâu hút
truyền mầm bệnh vào đồ ăn”35.
5. Kết luận
Dưới thời nhà Nguyễn, công tác quản lý, sử dụng đối với các quốc tự
hay những chùa tổ đình có những quy định cụ thể. Nếu quốc tự hoàn toàn
do triều đình sử dụng, tổ chức nghi lễ, đồng thời quản lý về nhân sự, từ
Tăng cang, sư sãi cho đến người giúp việc, quân canh giữ..., thì ở chùa tổ
đình, việc quản lý sư sãi có phần nới lỏng hơn. Triều đình chỉ tổ chức
kiểm soát trình độ người tu hành, đặc biệt là những Tăng cang, sư trưởng
để cấp độ điệp. Việc quản lý chùa tổ đình do tăng sĩ các hệ phái thực
hiện, mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội đều được tham gia vào hoạt
động nghi lễ Phật giáo, cũng như được đóng góp công quả để sửa chữa
chùa. Nhân dân trong vùng, dù không quy y, nhưng khi mất có quyền gửi
gắm hương linh lên chùa để được cúng tế, hương khói. Như vậy, đối
tượng sử dụng với chùa tổ đình được mở rộng cả trong dân chúng.
Việc sử dụng chùa cho hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội có sự
phân biệt rõ giữa quốc tự và chùa tổ đình. Nếu quốc tự do triều đình đứng
ra tổ chức các đại trai đàn, dân thường không được lui tới cúng lễ, thì
chùa tổ đình là nơi nhiều thành phần trong xã hội từ hoàng phi, vương tử,
quan lại đến thứ dân có thể đến sinh hoạt tôn giáo. Chùa tổ đình cũng là
nơi tổ chức giới đàn truyền giới độ tăng, trong đó có cả những giới đàn
được tổ chức do yêu cầu của triều đình.
Khác với quốc tự hay chùa tổ đình, một số chùa làng dù được ban sắc
tứ, nhưng lại do chính cộng đồng dân cư sở tại quản lý và sử dụng.
Những chùa này thường không có sư trụ trì (kể cả khi được ban sắc tứ),
mọi việc trông coi, hương khói, quét dọn đều do dân làng cắt cử người
thực hiện; công việc sửa chữa mỗi khi chùa hư hỏng cũng do cộng đồng
dân địa phương đóng góp công của tiến hành. Chùa làng không phải là
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 43
43
nơi diễn ra các lễ an cư kiết hạ hay giới đàn truyền giới, nhưng các lễ tiết
Phật giáo khác như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan,... vẫn được tổ chức một
cách trang nghiêm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của
nhân dân trong vùng, tuy quy mô không được hoành tráng như tại quốc
tự hay chùa tổ đình.
Việc nghiên cứu chính sách của triều đình nhà Nguyễn đối với chùa
sắc tứ hy vọng cung cấp một số bài học trong việc quản lý, sử dụng và
phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa Phật giáo ở nước ta trong giai
đoạn hiện nay./.
CHÚ THÍCH:
1 Trước đó, trong hai thế kỷ XVII - XVIII, các chúa Nguyễn chú trọng phát triển
Phật giáo Đàng Trong, biểu hiện qua việc: ban sắc tứ, xây chùa, thỉnh tăng, v.v...
Xem: Tạ Quốc Khánh (2008), “Nhà Nguyễn với việc trùng tu chùa tháp, phát
triển Phật giáo xứ Huế xưa”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9: 20 - 25.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà
Nội: 586.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb. Thuận
Hóa, Huế: 82.
4 Chùa Giác Hoàng xây năm 1838 bên trong kinh thành Huế. Tuy nhiên, vào năm
1885, chùa bị triệt bỏ, dấu vết còn lại hiện nay là Tam tòa, được dùng làm trụ sở
của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.
5 Cấp giấy chứng nhận và con dao để dùng gọt tóc khi tu hành, hàm ý cắt hết dục
vọng mà an tâm trì giáo.
6 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 369 - 371.
7 Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, sđd: 82.
8 “Tuyển dịch văn bia chùa Huế”, Nghiên cứu và Phát triển, đặc san, số 1 - 2,
2005: 17.
9 Xem thêm: Tạ Quốc Khánh (2011), “Sắc tứ Từ Hiếu Tự ở Huế”, Khuông Việt, số
14: 53 - 59.
10 Nguyễn Duy Hinh (2005), Văn minh Đại Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin & Viện
Văn hóa, Hà Nội: 648.
11 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 363.
12 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 363.
13 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 370.
14 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 371.
15 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 371.
16 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 512 - 513.
17 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, sđd: 513.
18 Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 185 - 188.
19 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, sđd: 512.
44 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014
44
20 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, sđd: 513.
21 Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 587.
22 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 361.
23 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 173.
24 Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 2 và 3, Nxb. Thuận
Hóa, Huế: 276.
25 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd: 362.
26 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 452.
27 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, sđd: 453.
28 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, sđd: 453.
29 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, sđd:
357 - 371.
30 Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 2 và 3, sđd: 406 -
409.
31 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb. Thuận
Hóa, Huế: 178.
32 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, sđd: 181.
33 Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, sđd: 191.
34 Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, tập 2, Nxb. Thuận
Hóa, Huế: 170 - 174.
35 Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa: Đời sống văn hóa làng xã, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 504.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Duy Hinh (2005), Văn minh Đại Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin & Viện
Văn hóa, Hà Nội.
2. Tạ Quốc Khánh (2008), “Nhà Nguyễn với việc trùng tu chùa tháp, phát triển
Phật giáo xứ Huế xưa”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9.
3. Tạ Quốc Khánh (2011), “Sắc tứ Từ Hiếu Tự ở Huế”, Khuông Việt, số 14.
4. Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa: Đời sống văn hóa làng xã, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
5. Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
6. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
7. Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4B, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
8. Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
9. Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
10. Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, tập 2, Nxb. Thuận
Hóa, Huế.
Tạ Quốc Khánh. Nhà Nguyễn với việc quản lý 45
45
12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 2 và 3, Nxb. Thuận
Hóa, Huế.
13. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục.
14. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb. Thuận
Hóa, Huế.
15. “Tuyển dịch văn bia chùa Huế”, Nghiên cứu và Phát triển, đặc san, số 1 - 2,
2005.
Abstract
THE MANAGEMENT AND THE USE OF “SẮC TỨ” PAGODA
SYSTEM UNDER THE NGUYỄN DYNASTY
“Sắc Tứ” was a Buddhist temple that was officially recognized by a
royal decree of the Nguyễn Dynasty and was written its name in the list
of the Ministry of ceremony. Under the Nguyễn Dynasty, “Sắc Tứ”
Buddhist temples were built in many provinces all over the country. At
the early stage, only the original and national temples were recognized in
“Sắc Tứ” pagoda system. Then, the promulgation of a royal decree for a
“Sắc tứ” Buddhist temple was easier. All of the “Sắc Tứ” Buddhist
temples were managed and used by many detail regulations.
Keywords: “Sắc Tứ” Buddhist temple, original pagoda, village
pagoda, “Sắc Tứ” royal decree, Nguyễn Dynasty.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25254_84604_1_pb_9301.pdf