Nghiên cứu tôn giáo - Nhà thờ phát diệm một công trình kiến trúc công giáo phong cách á đông đặc sắc

Các nhà thờ nhỏ này được xây nhằm thỏa mãn việc tôn sùng nhiều vị thánh của giáo dân. Nhưng điều quan trọng hơn, nó thể hiện điểm khác biệt cơ bản giữa kiến trúc Phương Đông và kiến trúc Phương Tây. Kiến trúc Phương Tây tập trung tất cả vào trong một nhà thờ lớn duy nhất là theo khuynh hướng gothic (hai vòng chụm nhọn lại), giúp người ta xây cất các nhà thờ rất cao, thể hiện khát vọng vươn lên, nên phải nổi bật trên khung cảnh của thiên nhiên. Còn kiến trúc Phương Đông là trải rộng, phân tán, thể hiện thiện chí hòa nhập với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên sự êm dịu cuộc sống. Các nhà thờ nhỏ xung quanh sẽ tôn vinh tối đa nhà thờ lớn. Cách bố trí này thể hiện vị trí xây dựng theo kiểu ngũ hành mà trung tâm là nhà thờ chính thuộc hành thổ13. Quần thể Nhà thờ Phát Diệm là sự khẳng định các loại hình nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XIX: kiến trúc, xây dựng, chạm khắc, v.v.

pdf8 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 722 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Nhà thờ phát diệm một công trình kiến trúc công giáo phong cách á đông đặc sắc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 – 2014 109 LÊ VĂN THƠ * NHÀ THỜ PHÁT DIỆM MỘT CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÔNG GIÁO PHONG CÁCH Á ĐÔNG ĐẶC SẮC Tóm tắt: Giáo phận Phát Diệm là một trong những địa bàn đầu tiên ở Miền Bắc “đón nhận Tin Mừng” do các giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo vào năm 1627. Việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của Giáo phận Phát Diệm không thể tách rời việc tìm hiểu giá trị của quần thể Nhà thờ Phát Diệm. Bài viết trình bày lịch sử xây dựng và một số đặc điểm của quần thể di tích này. Từ khóa: Công giáo, nhà thờ, giáo phận, Phát Diệm, Trần Lục. Quần thể Nhà thờ Phát Diệm là công trình kiến trúc Á Đông độc đáo nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam và là nhà thờ Công giáo duy nhất ở Việt Nam được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 19881. Tổng công trình sư của khu di tích này là Linh mục Trần Lục (1825 - 1899). Ông tên thật là Trần Triêm. Năm 1855, ông vào Đại Chủng viện Kẻ Non, sau đó được Giám mục Charles Hubert Jeantet (1847 - 1866) phong chức năm và chức sáu. Năm 1858, ông bị đày tới Lạng Sơn. Vì đã là phó tế, nên ông được mọi người gọi là cụ Sáu, từ đó có tên là Lục2. Năm 1865, Trần Lục về làm chính xứ Phát Diệm. Qua 30 năm làm chính xứ, ông đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất cho giáo xứ này, trong đó nổi tiếng nhất là quần thể Nhà thờ Phát Diệm3. Quần thể Nhà thờ Phát Diệm, hiện ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899. Khu di tích này khá đồ sộ, gồm các công trình: Phương đình, Nhà thờ lớn, bốn nhà thờ nhỏ ở hai bên, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá, tất cả tọa lạc trên diện tích khoảng 22 ha (243 mét dài và 117 mét rộng), xung quanh xây tường bao bọc. Nhà thờ Phát Diệm là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật Âu Châu và nghệ thuật Á Đông, với kiểu kiến trúc vừa trọng điểm, vừa trải rộng trong không gian, xây dựng chủ yếu bằng đá trong 24 năm. * TS., Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình. 110 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 110 Nhà thờ lớn Phát Diệm (Nhà thờ Chính tòa) là một công trình kiến trúc nổi tiếng, quy mô lớn và giá trị nghệ thuật cao, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đình chùa truyền thống Việt Nam với lối kiến trúc tôn giáo Phương Tây. Do xây dựng trên vùng đất bồi, nên đầu tiên, Linh mục Trần Lục cho xây dựng hang đá Belem hay còn gọi là hang Táng xác vào năm 1875 để thăm dò độ lún, thử sức chịu lực của nền đất. Năm 1883, Linh mục Trần Lục cho xây Nhà thờ Kính Trái tim Đức Mẹ. “Công trình này hoàn toàn bằng đá, hầu hết là đá cẩm thạch. Danh từ “nhà thờ đá” chính là tòa Trái tim Đức Mẹ, sau này gọi lâu thành quen để chỉ cả khu vực Nhà thờ Phát Diệm”4. Năm 1889, xây Nhà thờ Trái tim Chúa. Năm 1891, xây Nhà thờ lớn (thực ra nền móng của công trình đã bắt đầu từ năm 1875). Năm 1895, xây Nhà thờ Thánh Rôcô. Năm 1896, xây Nhà thờ Thánh Phêrô, Nhà thờ Thánh Giuse và hang đá Lộ Đức. Năm 1897, xây Phương đình. Năm 1898, xây Núi Sọ. Năm 1899, toàn bộ quần thể kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng xong. Phía trước Nhà thờ Phát Diệm có hồ nước, phía sau có núi theo đúng quan niệm phong thủy của người Phương Đông “tiền thủy, hậu sơn”. Vẫn không gian thông thoáng, trải rộng của kiến trúc truyền thống Việt Nam, nhưng cách sắp đặt khu di tích này lại có những thay đổi để phù hợp với các lễ nghi Công giáo. Các thành phần của một cơ sở thờ tự Công giáo như tháp chuông, nhà thờ, giếng rửa tội, tòa giảng, cung thánh, đều được xây dựng phù hợp với nét văn hóa Việt Nam. Đó là nét mềm mại trong tư duy ứng xử của người Việt Nam: chấp nhận và biến cái mới phù hợp với văn hóa truyền thống để tạo nên sự hiền hòa. Mái ngói vảy rồng của nhà thờ mang nét đặt trưng kiến trúc dòng dõi con cháu Lạc Hồng. Được làm hoàn toàn bằng đá và gỗ, Nhà thờ Phát Diệm khiến du khách phải khâm phục bởi quá trình xây dựng công phu. Khác với kiểu dáng tháp chuông cao vút thường thấy của hầu hết nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, tháp chuông Nhà thờ Phát Diệm có hình vuông, nên gọi là Phương đình. Đây là nét sáng tạo độc đáo, đăng đối, uy nghiêm, hài hòa với thiên nhiên, mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông. Hình vuông là biểu tượng diễn trình của cuộc sống đều có góc cạnh theo triết lý truyền thống trời tròn, đất vuông. Bước vào đây là chấp nhận thực trạng cuộc sống với tất cả khía cạnh. Nhưng trong thâm tâm con người luôn ước vọng vươn tới tương lai, vươn tới vô biên, vươn tới bầu trời, nên vào đây sẽ hóa thành sự hòa hợp giữa vuông và tròn. Lê Văn Thơ. Nhà thờ Phát Diệm 111 111 Phương đình còn được gọi là Tiền đình Nhà Chúa, nơi giáo dân dừng chân để tâm hồn lắng đọng trước khi bước vào nơi tôn thờ Chúa. Cho nên, Phương đình trống không. Trống không tượng trưng cho lòng con người trống để vào đây ơn thiêng mới đổ đầy được. “Phương đình có những bàn đá để ngồi, thể hiện lối kiến trúc đặc biệt, vừa là Tam quan, vừa là Lầu chuông. Cho nên gọi là Phương đình hay Tam quan cũng được. Ở đây sử dụng các yếu tố cổ truyền vào việc tôn thờ: số 3, số 7, số 9 là con số đầy đủ, trọn vẹn”5. Ở mặt chính của Phương đình khắc bốn chữ Hán “Thánh Cung Bảo Tòa”. Điều độc đáo của Phương đình là có ba tầng đều được xây ghép bằng những phiến đá thước, có phiến nặng hàng tấn được đẽo gọt, lắp ghép chuẩn xác và tài tình. Các phiến đá vuông vắn, xếp chồng lên nhau để lộ rõ đường vân, trông thật vững chãi và cao sang. Phương đình giống như Tam quan ở ngôi chùa hoặc Nghi môn ở ngôi đình, ngôi đền truyền thống, hay phảng phất vóc dáng lầu Ngũ phụng, Ngọ môn trong cung đình Huế. Tầng một của Phương đình có năm cửa (ngũ quan), gồm ba lòng và hai lối đi tả hữu. Ba lòng là Tam quan vừa là cổng đi vừa là chỗ ngồi nghỉ mát trên ba sập đá. Các vòm cửa bằng đá ở đây lắp ghép rất tinh xảo, khiến những phiến đá nặng hàng tấn vẫn dính kết lại với nhau bền chặt, tạo thành những vòm cuốn vời vợi trên cao, đường cong mềm mại. Trong mỗi lòng của tầng một đều có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa to nhất, bằng đá xanh nguyên khối, có chiều dài 4,2m, chiều rộng 3,2 m và dày 30cm. Tương truyền, đây là Sập Rồng ở thành nhà Hồ (Thanh Hóa)6. Sập đá này còn dùng làm nơi cử hành Lễ Rửa chân thứ Năm tuần chịu nạn. Trên vách của Phương đình có những phù điêu đồ sộ chạm sự tích Chúa Giêsu từ khi vào thành Jerusalem đến khi lên Trời. Đường nét chạm thanh thoát, khoáng đạt, điệu nghệ, bay bổng, không còn cảm giác nặng nề bởi những khối đá lớn. Đặc biệt, các chấn song bằng đá ở đây được chạm hình cây trúc với những mầm lá quấn quýt xung quanh rất đẹp, mang đậm phong cách Phương Đông. Nó gần gũi, thân quen với mọi người Việt Nam. Hàng chấn song cây trúc này tạo ra sự thông thoáng của tường vách, đồng thời có tác dụng như những cột đỡ cho phần kết cấu trên. Cây trúc gióng thẳng, lòng rỗng biểu hiện cho cõi trống ở Phương đình. 112 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 112 Phương Đình còn thể hiện một lối kiến trúc đặc biệt là xây dựng thành năm tháp. Tháp chính ở giữa cao 25 mét, chứa Tam quan. Bốn tháp phụ thấp hơn, liền thân, tạo thành hình chữ “Môn”. Mỗi tháp đều mang hai tấm mái. Mái vuông, uốn tròn cong nhẹ, gần như bán nguyệt, lợp ngói chiếu. Bốn góc mái cuộn trôn ốc, đầu cùng cất cao đuôi phượng, tận cùng là một nhành bông sói tẻ ba, được đắp mềm mại. Đường viền mái gợn răng cưa. Mỗi tấm mái được chống đỡ bởi bốn cột vuông cạnh, chạy thẳng từ nền lên tận đỉnh, không chạm trổ, không tiện khúc. Theo Lã Đăng Bật, mái cong của Phương đình Nhà thờ Phát Diệm là “đường nét đặc thù của văn hóa Phương Đông, giống như các mái cung điện, các mái chùa ở Việt Nam. Mái cong trông giống như con thuyền, giống như hai cánh chim đang dang rộng để bay lên, như sóng nước uyển chuyển vòng lượn, là hệ quả do sự hòa hợp giữa vuông và tròn, âm dương hòa hợp, đường cong này đã thấy khắc trên mặt các trống đồng thời Hùng Vương, Lạc Việt. Đó là sự khác biệt lớn nhất của Nhà thờ đá Phát Diệm so với các nhà thờ khác”7. Đỉnh nóc mái giữa đặt cây Thánh giá. Giữa nóc bốn mái xung quanh đặt tượng bốn vị thánh sử, tác giả Phúc âm: Thánh Marcô ở nóc tháp phía Đông Nam, Thánh Luca ở nóc tháp phía Tây Nam, Thánh Gioan ở nóc tháp phía Đông Bắc, Thánh Mathêu ở nóc tháp phía Tây Bắc. Nguyễn Hồng Dương cho rằng: “Nét độc đáo là bốn vị thánh ngồi quay bốn hướng, đọc sách - một tư thế rất hiếm thấy trong các điêu khắc Công giáo. Bốn tượng thánh đó không khác gì bốn vị hiền triết Phương Đông đang nghiên cứu sách thánh hiền. Có thể nói, Phương đình được kiến trúc theo phong cách Á Đông. Các đầu đốc uốn mái cong uyển chuyển. Mái lợp ngói mũi hài. Bốn vị thánh chép Phúc âm, phía sau lưng là áo đằng vân. Trên tháp treo trống và chuông Nam càng làm cho Phương đình đượm màu sắc dân tộc”8. Sau Phương đình đến một sân nhỏ có tường đá bao bọc, ở giữa có mộ phần Linh mục Trần Lục. Khoảng trống được tạo ra này cũng thể hiện một đặc tính của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam gắn với môi trường xung quanh là trời và đất, khai triển lối kiến trúc chiều ngang và điều hòa các đường nét đối xứng. Nhà nguyện Trái tim Đức Mẹ (Nhà thờ đá) là điểm nhấn của quần thể Nhà thờ Phát Diệm, được xây dựng đầu tiên vào năm 1883, dài 15,3m, rộng 8,5m, cao 6m. Đây là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá, Lê Văn Thơ. Nhà thờ Phát Diệm 113 113 từ nền, tường, chấn song, cột, xà, các bức phù điêu qua bàn tay tài hoa của người thợ và dụng cụ đục đá nhỏ. Người thợ đã ghép những phiến đá nặng hàng tấn với độ chính xác rất cao. Cột, kèo, bẩy đá được đánh bóng như cột gỗ bào nhẵn. Tuy làm toàn bằng đá, nhưng nó vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng, hợp với tước hiệu mà nó mang tên Đức Mẹ. “Đây là một kiến trúc đặc sắc duy nhất ở Việt Nam và cũng thật hiếm trên thế giới. Vì thế, người ta lấy tên gọi của nó để gọi chung cho cả khu Nhà thờ xứ Phát Diệm. Quả đúng là một kỳ quan bằng đá, một viên ngọc quý”9. Hai vách bên trong nhà thờ là những chấn song đá, gần vách có các bức phù điêu đá chạm thông phong tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai (tùng và cúc ở phía Đông, mai và trúc ở phía Tây) và chim phượng xòe cánh mang bút nghiên, thể hiện phong cách Á Đông. Tương truyền, nghệ nhân phải làm trong bốn tháng mới chạm khắc xong được cây trúc đá. Bức “Phượng Hàm Thư” phải làm trong một tháng rưỡi. Bức chạm thông phong sư tử đá có bờm và răng nanh nhưng mặt trông như mặt người đang cười, là một tác phẩm điêu khắc hiếm có10. Theo Nguyễn Hồng Dương, chim phượng là biểu tượng cho cái đẹp và quyền uy. Trong tâm thức người Phương Tây, chim phượng là biểu hiện của hoàng hậu. Như vậy, ở đây rất có thể chim phượng là biểu tượng cho Đức Maria, mẹ Thiên Chúa. Còn sư tử theo quan niệm của Phương Tây là biểu tượng của sức mạnh. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu có lần được ví với sư tử. Vậy, có thể suy đoán sư tử ở đây là biểu tượng cho Chúa Giêsu11. Trên cung thánh có bàn thờ bằng đá liền khối. Giếng niêm phong, vườn rào kín chỉ sự trinh khiết của Đức Mẹ. Mặt trước bàn thờ có tòa Đức Mẹ ở giữa và hai tháp hai bên. Tháp hình vuông năm tầng, kiến trúc theo lối dật cấp nhỏ dần về phía trên. Tháp năm tầng kiến trúc theo lối tháp cổ Việt Nam. Tòa Đức Mẹ bằng đá, có khắc bốn thứ tiếng. Trên cùng là chữ Việt: “Trái tim rất Thánh Đức Bà, chẳng hề mắc tội tổ tông, truyền cầu cho chúng tôi”. Đây là hàng chữ Việt duy nhất khắc vào thời điểm đó12. Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ là linh hồn của quần thể Nhà thờ Phát Diệm, là duy nhất của Việt Nam là vậy. Gian cung thánh cao hơn lòng nhà thờ hai bậc (hai gian), không có cột ở giữa, chỉ có xà dọc đá rất to, là một công trình điêu khắc bằng gỗ và đá, đặc biệt được trang trí bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tất cả là một khu chạm trổ sáng chói càng vào trong 114 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 114 càng lộng lẫy. Đường nét chạm trổ trên gỗ theo kiểu Á Đông với mây, trúc là cách trang trí luôn thấy trong đình đền Việt Nam. Các nhà thờ nhỏ này được xây nhằm thỏa mãn việc tôn sùng nhiều vị thánh của giáo dân. Nhưng điều quan trọng hơn, nó thể hiện điểm khác biệt cơ bản giữa kiến trúc Phương Đông và kiến trúc Phương Tây. Kiến trúc Phương Tây tập trung tất cả vào trong một nhà thờ lớn duy nhất là theo khuynh hướng gothic (hai vòng chụm nhọn lại), giúp người ta xây cất các nhà thờ rất cao, thể hiện khát vọng vươn lên, nên phải nổi bật trên khung cảnh của thiên nhiên. Còn kiến trúc Phương Đông là trải rộng, phân tán, thể hiện thiện chí hòa nhập với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên sự êm dịu cuộc sống. Các nhà thờ nhỏ xung quanh sẽ tôn vinh tối đa nhà thờ lớn. Cách bố trí này thể hiện vị trí xây dựng theo kiểu ngũ hành mà trung tâm là nhà thờ chính thuộc hành thổ13. Quần thể Nhà thờ Phát Diệm là sự khẳng định các loại hình nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XIX: kiến trúc, xây dựng, chạm khắc, v.v... Nhà thờ Phát Diệm là một công trình hội tụ những nghệ nhân chạm khắc đá và gỗ tài năng nhất, đồng thời cũng hội tụ những đỉnh cao về các mặt nghệ thuật. Nói đến Nhà thờ Phát Diệm phải nói đến sự kết hợp thành công hai dòng kiến trúc Đông, Tây. Những mái dốc, mái cong, chồng diêm, hành lang bao quanh thật quen thuộc và gần gũi tâm hồn Việt Nam. Mặt khác, tầm cao không gian của Phương đình, của nhà thờ chính cùng các hạng mục đặc trưng mô típ gothic mặc dầu được cải biến, vẫn đủ vang lên ở đây tiếng nói của kiến trúc Công giáo Phương Tây. Chính ở quần thể kiến trúc này, sự giao lưu văn hóa Đông - Tây được thể hiện một cách thành đạt. Lã Đăng Bật đánh giá: “Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể nhà thờ kiểu Việt Nam, đằm thắm hồn văn hóa Việt, mang phong cách Phương Đông, đậm đặc màu sắc dân tộc, từ những chi tiết nhỏ trong điêu khắc đến kiến trúc tổng thể và từng nhà thờ. Bất kỳ chỗ nào trong điêu khắc đá và gỗ đều là những hình ảnh thân thuộc, gần gũi của người Việt Nam và chỉ họ mới làm được điều kỳ diệu tuyệt vời đó”14. Còn Ngân Hà cảm nhận: “Nhà thờ đá Phát Diệm khác với các nhà thờ khác là các mái của 5 vòm Phương đình không cao vút mà lại uốn cong, cổ kính, như mái đình, chùa ở Việt Nam”15. Nếu như Nguyễn Công Trứ là người có công lớn khai lập ra vùng đất Kim Sơn, thì Linh mục Trần Lục là người có công lớn xây dựng nên một quần thể kiến trúc Công giáo độc nhất vô nhị trên miền đất mới, sa bồi, Lê Văn Thơ. Nhà thờ Phát Diệm 115 115 sình lầy, không cơ giới xây dựng, không kỹ sư, khiến cho giáo dân và du khách thập phương tới đây đều phải kinh ngạc. Tất cả hạng mục công trình của khu di tích này đều hài hòa, hoàn chỉnh, hùng vĩ. Nhà thờ Phát Diệm thật là một kỳ quan của dân tộc Việt Nam trên đất Kim Sơn, Ninh Bình./. CHÚ THÍCH: 1 Tòa Giám mục Phát Diệm (2009), Nhà thờ lớn Phát Diệm, Nxb. Tôn giáo. 2 Lê Ngọc Bích (2006), Nhân vật Công giáo Việt Nam (lưu hành nội bộ): 453 - 454. 3 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kim Sơn (1991), Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn 1945 - 1954, tập 1: 25. 4 Trương Đình Tưởng (chủ biên, 2004), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb. Thế giới: 307. 5 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 211 - 212. 6 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, sđd: 213. 7 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, sđd: 215 - 216. 8 Nguyễn Hồng Dương (2003), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 68. 9 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, sđd: 225. 10 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, sđd: 225. 11 Nguyễn Hồng Dương (2003), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, sđd: 67. 12 Nguyễn Hồng Dương (2003), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, sđd: 67. 13 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, sđd: 222. 14 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, sđd: 230. 15 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình (2007), Ninh Bình 185 năm: Lịch sử và phát triển, Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt & Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 97. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 A. D. Rhoder (1994), Hành trình và truyền giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Tủ sách Đại kết. 2 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kim Sơn (1991), Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn 1945 - 1954, tập 1. 3 Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Bình (2007), Ninh Bình 185 năm: Lịch sử và phát triển, Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 4 Lã Đăng Bật (2011), Đất và người Ninh Bình, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5 Lê Ngọc Bích (2006), Nhân vật Công giáo Việt Nam (lưu hành nội bộ). 6 Nguyễn Hồng Dương (2003), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 7 Trần Ngọc Thụ (2001), Lịch sử Giáo phận Phát Diệm (1901 - 2001), Roma. 8 Tòa Giám mục Phát Diệm (1999), Nhà thờ lớn Phát Diệm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 9. Trương Đình Tưởng (chủ biên, 2004), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb. Thế giới. 116 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 116 Abstract PHÁT DIỆM CATHEDRAL - A CATHOLIC ARCHITECTURE WITH THE ORIENTAL CHARACTERISTIC STYLE The Phát Diệm diocese was one of the first places in the North where the Order of Christ missionaries arrived to evangelize in 1627. Researching on the Phát Diệm diocese’s process of establishing and developing can not conduct without studying the value of the Phát Diệm Cathedral. This article mentioned the history of construction and some characteristics of this relic. Key words: Catholicism, Cathedral, diocese, Phát Diệm, Priest Trần Lục.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25312_84838_1_pb_9712.pdf
Tài liệu liên quan