Nghiên cứu tôn giáo - Quá trình hình thành đường hướng “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” của hội đồng giám mục Việt Nam

Những bức thư của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn và các vị giám mục cho thấy, giới Công giáo Miền Nam đang lo lắng một cuộc bách hại sắp xảy ra. Điều này có thể bắt nguồn từ những lời đồn đại rằng cộng sản bách hại tôn giáo vì chủ nghĩa vô thần. Tuy nhiên, việc chủ động hòa giải, hòa hợp dân tộc, sẵn sàng cùng chính quyền cách mạng xây dựng đất nước không phải do sợ bị bách hại, mà như đã trình bày, hàng giám mục Việt Nam đã có những bước chuẩn bị khá lâu dài và chu đáo. Trong Thông cáo chung ngày 20/12/1975 hay Thư chung 1976 của Hội nghị Giám mục Miền Nam đều nói rõ, Công giáo là thành phần của cộng đồng dân tộc, hòa mình vào cuộc sống của đồng bào, cùng chung nỗi vui mừng, niềm hy vọng và nỗi âu lo của toàn dân; giữa đức tin Kitô giáo và chủ nghĩa Mác - Lênin tuy có xung khắc, nhưng không vì thế mà không thể không có đối thoại và cộng tác chân thành giữa những ai cùng phục vụ con người trong xứ mạng cá nhân và xã hội

pdf16 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 612 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Quá trình hình thành đường hướng “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” của hội đồng giám mục Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 35 NGUYỄN NGỌC PHÚC(*) QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐƯỜNG HƯỚNG “SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC ĐỂ PHỤC VỤ HẠNH PHÚC ĐỒNG BÀO” CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Tóm tắt: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” là đường hướng mục vụ của Hội đồng Giáo mục Việt Nam đề ra trong Thư chung 1980, thể hiện sự hợp tác của Hội đồng Giám mục Việt Nam với Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, đường hướng này được người Công giáo Việt Nam thực hiện khá lâu trước năm 1980. Bài viết này sẽ góp phần tìm hiểu về vấn đề đó. Từ khóa: Thư chung 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Công giáo Việt Nam, Công đồng Vatican II. 1. Dẫn nhập Đường hướng sống Phúc âm giữa lòng dân tộc được hàng giám mục Công giáo Việt Nam thực hiện từ khá lâu trước khi khẳng định trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Muốn sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, tín đồ Công giáo phải đồng hành cùng dân tộc. Giám mục Bùi Tuần đã giải thích về sự đồng hành cùng dân tộc của người Công giáo Việt Nam như sau: “Đồng hành ở đây là sự có mặt trong đời sống đồng bào, là một sự đối thoại thân tình giữa ta với Cha và với Dân tộc (...). Trên con đường cuộc sống hôm nay, tôi thấy dân tộc tôi đang lo phát triển về nhiều mặt, tôi nhìn sang Chúa Kitô, hỏi Người xem tôi phải làm gì cho chương trình phát triển ấy. Và qua Phúc âm, Chúa trả lời tôi rằng: Trước đây và bây giờ, Cha vẫn ưu tiên cho việc đào tạo môn đệ, xây dựng con người, để những con người được đào tạo tốt sẽ có thể tự phát triển mình và xã hội mình. Cha muốn con và cộng đoàn của con hãy bắt chước Cha như vậy, để những người tốt sẽ là những đốm sáng Tin * ThS., Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ. 36 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 mừng được nhân lên mãi, làm nền tảng vững chắc cho mọi sự phát triển”1. Đường hướng mục vụ “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” được đề ra trong Thư chung 1980 như một lời khẳng định cho sự đồng hành cùng dân tộc của Hội đồng Giám mục Việc Nam. Để hình thành được đường hướng mục vụ nêu trên, trước 1980, hàng giám mục Công giáo Việt Nam đã từng bước có sự thay đổi từ quan điểm đến hành động. 2. Tác động của yếu tố khách quan đến đường hướng hoạt động của Công giáo ở Việt Nam từ 1945 đến 1975 Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức lãnh đạo đất nước. Mặc dù sau năm 1945, Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng xem ra chừng đó chưa đủ để tránh một cuộc đối đầu giữa người Công giáo với Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới đây là một số yếu tố dẫn đến cuộc đối đầu này. 1.1. Ảnh hưởng từ Tòa Thánh Vatican Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, hệ thống xã hội chủ nghĩa được thiết lập trên phạm vi thế giới, Tòa Thánh Vatican đã lo ngại về sự lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản. Lập trường chống cộng của Tòa Thánh Vatican được khẳng định rất rõ trong Sắc chỉ Divini Redemptoris do Giáo hoàng Pio XI ban hành năm 1937, trong đó có đoạn: “Chủ nghĩa cộng sản hiện nay che phủ một ý tưởng giải thoát sai lầm hơn bất cứ phong trào nào trong lịch sử. Toàn cục học thuyết đó nung nấu một lý trưởng sai lầm về chính nghĩa, về công bằng và tình bác ái cộng với một thứ chủ nghĩa thần bí nào đó. Bằng những lời hứa hão huyền, nó chinh phục quần chúng, lôi cuốn họ vào những phong trào nhiệt huyết bằng lòng hăng hái nhiệt tâm”2. Giáo hoàng Pio XII đã tiếp nối quan điểm nêu trên, và cho rằng, cộng sản là sự đe dọa lớn lao nhất của thời đại đối với Dân Chúa và nhân loại. Vì thế, vị Giáo hoàng này đã lái Giáo hội Công giáo về các quốc gia dân chủ Phương Tây, đồng thời tìm cách kêu gọi giáo dân thế giới chống lại cộng sản. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1945 đến 1975 là thời kỳ trị vì của ba vị Giáo hoàng. “Dưới thời Giáo hoàng Pio XII không thể có sự thỏa hiệp, bắt tay với chủ nghĩa cộng sản. Từ sau Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 37 37 được thành lập tháng 10 năm 1949, Tòa Thánh công khai ủng hộ Pháp, chống lại Chính phủ Hồ Chí Minh. Tháng 7 năm đó, Giáo hoàng Pio XII ban hành sắc chỉ nhắc lại nội dung cơ bản của Sắc chỉ Divini Redemptoris cấm người Công giáo Việt Nam hợp tác với những người cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là duy vật chống lại Đức Kitô. Cả khi những nhà lãnh đạo cộng sản trên lời nói đảm bảo rằng, họ không chống tôn giáo, thì bằng học thuyết và hành động của họ cũng cho thấy, họ là kẻ thù của Chúa, kẻ thù của tôn giáo chân chính và Giáo hội Đức Kitô”3. Tòa Thánh Vatican huấn thị cho Công giáo thế giới “tuyệt đối ngăn ngừa mọi dân tộc khỏi bị tiêm nhiễm tà thuyết cộng sản lầm lạc và nguy hại, phải giải phóng dân chúng khỏi ách nô lệ của một thứ lý thuyết đang đặt ra mục đích buộc sinh hoạt của con người vào sự khoái lạc của thế giới hiện đại... Ta vui lòng nhắc lại ở đây lời ta đã nói với Hội đồng các Hồng y và Giáo chủ trong bài diễn văn ta đọc năm 1942 nhân dịp Lễ Giáng sinh: Giáo hội đã lên án nhiều môn phái khác nhau thuộc chủ nghĩa mác xít. Giáo hội còn duy trì mãi bản án ấy, vì nhiệm vụ và quyền lợi vĩnh viễn của Giáo hội là phải chặn đón những dòng nước mãnh liệt của những ảnh hưởng tai hại đang đẩy nhân loại đến nguy đốn phần rỗi...”4. Trên tinh thần ủng hộ nhiệt thành huấn thị nêu trên, các giám mục Đông Dương ra Thư chung 1951 để loan báo về vấn nạn cộng sản vô thần duy vật. Thư chung cho rằng: “Chủ nghĩa cộng sản xung khắc tuyệt đối với Công giáo đến nỗi Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng, không bao giờ có thể vừa theo cộng sản vừa theo Công giáo và người Công giáo nào gia nhập cộng sản thì ngay lập tức bị khai trừ ra khỏi Giáo hội. Chẳng những không được gia nhập Đảng Cộng sản, mà lại anh em không thể cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào có thể giúp họ nắm chính quyền Anh em hãy kháng cự ngay từ đầu, đừng để mình bị lường gạt bởi mật ngọt cộng sản hãy trung thành với Thiên Chúa, hãy thức tỉnh, can đảm và vững tâm trong đức tin”5. Trong Thư chung 1960, các giám mục Miền Nam cũng bày tỏ thái độ bất hợp tác với Đảng Cộng sản. Họ cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin và học thuyết Công giáo hoàn toàn xung khắc nhau. Thư chung này cấm người Công giáo gia nhập hay ủng hộ Đảng Cộng sản dưới bất kỳ hình thức nào. Tóm lại, lập trường của Tòa Thánh Vatican dưới thời Giáo hoàng Pio XII đã ảnh hưởng đáng kể đến hàng giám mục Công giáo Việt Nam khi 38 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 đó. Bởi vì, phần lớn người đứng đầu Hội đồng Giám mục Việt Nam đương thời là thừa sai Châu Âu. Một số chức sắc Công giáo Việt Nam khi ấy mặc dầu có tinh thần dân tộc, nhưng vì chịu ảnh hưởng của việc thổi phồng sự đối trọng giữa vô thần và hữu thần đã bất hợp tác với Chính phủ Hồ Chí Minh6. 1.2. Ảnh hưởng từ việc thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta và sự can thiệp của đế quốc Mỹ Ngay khi quay lại xâm lược Miền Nam, thực dân Pháp đã chuẩn bị những cánh tay đắc lực phục vụ cho công việc này. Công giáo là một trong những đối tượng giúp thực dân Pháp thực hiện mục tiêu trên. Jean LeRo là một trong những người tiêu biểu cho việc huy động và thành lập các lực lượng vũ trang Công giáo. Đến tháng 7/1947, Jean LeRo thành lập được ba Chiến đoàn Lưu động Công giáo (Unites Mobiles de Défense des Chrétiens, viết tắt là UMDC). UMDC mang khẩu hiệu “vì Chúa và Tổ quốc”. “Vì Chúa” thì đã rõ, vì lực lượng này được thành lập để bảo vệ Công giáo. “Vì Tổ quốc” đôi khi bị hiểu nhầm. Thực ra, “Tổ quốc” ở đây là nước Pháp chứ không phải là Việt Nam. Lực lượng UMDC ngày càng lớn mạnh. Trong mấy năm kế tiếp, lực lượng này được tổ chức thành 88 đơn vị, mỗi đơi vị có 71 người, tổng số là 6.200 người. Đồng thời, dưới ảnh hưởng sự bài xích cộng sản của Tòa Thánh Vatican, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã ủng hộ việc thành lập Đảng Dân chủ Công giáo. Cả UMDC và Đảng Dân chủ Công giáo đều là những lực lượng phụ trợ cho quân Pháp. Hơn nữa, vào tháng 2/1950, Tòa Thánh Vatican công nhận chính quyền Bảo Đại do thực dân Pháp dựng lên. Khâm sứ John Dooley, người có lập trường chống cộng cực đoan được cử sang thay thế Tổng Giám mục Antoni Drapier. Ở Miền Bắc, Phong trào Quốc gia Tự vệ hình thành từ khi được Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến trao quyền tự trị cho toàn quận Kim Sơn với 150.000 dân, Khu an toàn Phát Diệm được thành lập. Lực lượng tự vệ Công giáo Bùi Chu - Phát Diệm trở thành công cụ cho thực dân Pháp. Sau Hiệp định Giơnevơ, Tòa Thánh Vatican là quốc gia đầu tiên trên thế giới ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm. “Tuy không chủ động nhưng Tòa Thánh Vatican đã thờ ơ và tạo điều kiện cho một số vị hàng giám mục Công giáo tại Việt Nam đứng ra vận động, cưỡng ép người Công giáo di cư vào Nam. Theo Trần Tam Tỉnh năm 1952, Tòa Thánh có chỉ thị cho phép các giáo sư thần học và chủng sinh di cư trong trường hợp người Pháp thất bại7. Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 39 39 Như vậy, trong giai đoạn 1945 - 1975, ảnh hưởng của Tòa Thánh Vatican và Thư chung các năm 1951 và 1960 làm người Công giáo Việt Nam phân hóa thành ba bộ phận rõ rệt. Một bộ phận bị thực dân Pháp lợi dụng, lôi kéo khiến họ quên dần và xa rời cuộc kháng chiến của dân tộc, thậm chí giúp đỡ tích cực quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, trở thành lực lượng đối đầu gay gắt với Đảng Cộng sản Việt Nam. Một bộ phận ý thức được vai trò và trách nhiệm trong công cuộc chống ngoại xâm, giác ngộ tinh thần cách mạng, nên đã sát cánh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Một bộ phận lo trau dồi đức tin, đứng ngoài thời cuộc, thái độ chính trị trung lập. 2. Sự chuyển hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam trước 1980 2.1. Một vài yếu tố tác động đến sự chuyển hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2.1.1. Tác động từ phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam Một trong những chức sắc Công giáo có tinh thần yêu nước sâu sắc, góp phần không nhỏ trong việc giúp giáo dân đến với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là Linh mục Phạm Bá Trực. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông hăng hái tham gia phong trào cách mạng và đi giải thích cho đồng bào Công giáo chính sách đoàn kết lương giáo và tự do tín ngưỡng của Chính phủ Việt Nam. Linh mục vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946. Uy tín ngày càng được khẳng định hơn khi ông được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội vào tháng 11/1946. Cũng trong năm này, ông còn là một trong những người sáng lập ra Hội Liên Việt và là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Hội8. Từ 1951 đến 1954, với uy tín của một nhà tu hành, một đại biểu Quốc hội, một thành viên của Hội Liên Việt, Linh mục Phạm Bá Trực tiếp tục tích cực vận động, giải thích cho đồng bào Công giáo hiểu rõ chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Chính phủ Việt Nam; về những âm mưu của Mỹ - Diệm nhằm chia rẽ đoàn kết lương giáo9. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức Công giáo yêu nước kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam hay theo phong trào yêu nước tự do, trong đó không thể không nhắc đến các trường hợp như Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, Giám đốc Nha Thông tin Chính phủ Lâm thời, Ủy viên Thường vụ Quốc hội; Luật sư 40 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 Thái Văn Lung ở Sài gòn; Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ, Chủ tịch Công giáo Cứu quốc Nam Bộ; Trần Công Chính, Bí thư Công giáo Cứu quốc Trung ương; Ngô Tử Hạ, Bộ trưởng Bộ Thương binh10. Ở Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Công giáo cũng diễn ra sôi nổi. Ngày 18/5/1946, tại Sài Gòn, một cơ quan lãnh đạo phong trào yêu nước của người Công giáo được tổ chức xây dựng với 81 giáo dân và linh mục. Ngày 15/8/1948, Hội Công giáo Kháng chiến Nam Bộ được thành lập do Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh làm Hội trưởng. Dưới sự điều hành của Ban Chấp hành Công giáo Kháng chiến Nam Bộ, Ban Chấp hành Công giáo các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Long Châu Hà, Long Châu Sa, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Trà Vinh lần lượt ra đời. Công việc của Hội là vận động phong trào yêu nước trong đồng bào Công giáo; tuyên truyền đường lối cách mạng của Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Việt Minh; vận động tài vật, lương thực, thuốc men ủng hộ kháng chiến; vận động thanh niên Công giáo tòng quân giết giặc; xây dựng phát triển tổ chức hội, tổ chức các cuộc hội thảo để đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của kẻ thù xâm lược11. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước bị chia cắt, với tinh thần yêu nước sâu sắc các linh mục Hồ Thành Biên, Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm, Lương Minh Ký, Nguyễn Hiếu Lễ mặc dù đã tập kết ra Miền Bắc, nhưng vẫn liên lạc với đồng bào Công giáo yêu nước ở ba miền để thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo. Họ tích cực tham gia hoạt động cách mạng, thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo một số tỉnh, tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội, tham gia Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, tham dự Hội nghị Hội đồng Kitô giáo Thế giới, qua đó góp phần tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức Kitô giáo thế giới đối với cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam12. Tại miền tây Nam Bộ có “Thầy Năm” Nguyễn Văn Tú, một chiến sĩ cách mạng người Công giáo được Đảng tin tưởng và giao nhiều trọng trách, trong đó có việc vận động giáo dân ủng hộ phong trào chống Mỹ - Ngụy. Linh mục Nguyễn Văng Luyến di cư từ Miền Bắc vào năm 1954 và được chính quyền Mỹ - Ngụy cho định cư ở dinh điền Cái Sắn, tham gia cách mạng từ năm 1962. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Thạnh An, ông Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 41 41 đã dùng nhà thờ làm nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, đào hầm bí mật dưới sàn nhà xứ, dành phòng cho tổ chức cán bộ hội họp, ăn nghỉ, cung cấp lương thực, thuốc men cho cách mạng13. Ở Sài Gòn, phong trào yêu nước của người Công giáo nổ ra dưới nhiều hình thức như dùng ngòi bút để đấu tranh với sự ra đời của các tờ báo Hành trình, Tin Mừng hôm nay, nhất là phong trào Thanh - Lao - Công, có tác dụng giác ngộ người Công giáo đến với những vấn đề nóng bỏng của dân tộc đương thời như chiến tranh xâm lược, áp bức bất công, chia cắt đất nước. Ngoài ra, lực lượng Công giáo tiến bộ còn tiến hành nhiều hoạt động với nội dung tìm về dân tộc, chống đàn áp sinh viên, chống chế độ lao tù, Có thể nói, lực lượng Công giáo tiến bộ thời gian này biết dựa vào những thay đổi của Giáo hội có lợi cho phong trào để chọn hướng đi thích hợp cho hoàn cảnh Miền Nam, biết vận dụng sự ủng hộ quốc tế, biết kết hợp với các tổ chức cách mạng, đoàn kết trong Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của đồng bào Công giáo yêu nước ngày càng mở rộng và lớn mạnh14. Có thể thấy, phong trào yêu nước của người Công giáo nêu trên không xuất phát từ chủ trương của Hội đồng Giám mục Việt Nam, mà từ tinh thần yêu đất nước, tin tưởng vào chiến thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào là chiếc cầu nối quan trọng để Hội đồng Giám mục Việt Nam có cái nhìn khách quan hơn về Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào còn khơi lại truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ, để rồi khi công cuộc thống nhất đất nước được hoàn thành, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng hành đạo. 2.1.2. Tác động từ Công đồng Vatican II Tinh thần canh tân, hòa giải, thích nghi, đoàn kết, đối thoại,... của Công đồng Vatican II (1962 - 1965) đã tác động mạnh mẽ đến sự chuyển hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Sau Công đồng Vatican II, Tòa Thánh Vatican gần như đoạn tuyệt với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trong cuộc viếng thăm Châu Á, Giáo hoàng Phaolô VI đã không ghé Việt Nam, một đất nước có tỷ lệ giáo dân lớn. Hơn thế, Giáo hoàng Phaolô VI không tiếp Nguyễn Văn Thiệu, một tín đồ Công giáo, khi vị Tổng thống Sài Gòn này đến diện kiến, nhưng lại tiếp phái đoàn của bà Nguyễn Thị Bình đi thương thuyết Hiệp định Paris. 42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 Đặc biệt, từ năm 1968, Giáo hoàng Phaolô VI đã lập ra Ngày quốc tế hòa bình, cổ vũ cho hòa bình bằng thương thuyết ở Việt Nam. Tòa Thánh Vatican xác định chấm dứt chiến tranh, quan hệ tốt với Miền Bắc và Chính phủ lâm thời Miền Nam. Từ đó, nhiều phong trào phản đối Nguyễn Văn Thiệu nổ ra ở Miền Nam. Phong trào chống tham nhũng do Linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu đã tạo ra một cuộc biểu tình rầm rộ, rộng khắp thu hút hàng chục ngàn giáo dân tham gia. Nhóm do Linh mục Trương Bá Cần lãnh đạo có cảm tình với chính quyền cách mạng đã lợi dụng các buổi thuyết giảng tại nhà thờ để công khai tuyên truyền đường hướng giải phóng dân tộc. Khi tổ chức đại hội, các tuyên úy Công giáo rao giảng với giáo dân rằng, cộng sản cũng là con cái của Chúa, Công giáo và cộng sản có thể sống chung hòa bình. 2.1.3. Tác động từ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Trong thư gửi Liên đoàn Công giáo và Nhà dục anh Thái Bình ngày 10/5/1946, Hồ Chủ tịch đã đưa ra phương châm cho đồng bào Công giáo là “Phụng sự Tổ quốc, phụng sự Chúa Trời”. Khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ngày 14/6/1955, Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 234/SL về vấn đề tôn giáo. Điều 13 của sắc lệnh này ghi rõ: “Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam và Tòa Thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”. Từ đó, phần lớn giáo sĩ và đại bộ phận giáo dân ngày càng thêm tin tưởng vào chính sách của Nhà nước Việt Nam. Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 11/11/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị Quyết 297-CP về một số chính sách đối với tôn giáo trong đó quy định: Nhà tu hành và người chuyên hoạt động tôn giáo được tự do giảng đạo tại nơi thờ cúng và trong các cơ quan tôn giáo. Khi truyền bá tôn giáo, ngoài việc giảng giáo lý, họ còn có nhiệm vụ động viên tín đồ làm tốt nghĩa vụ công dân và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống chính quyền, chống chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được tuyên truyền chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan. 2.2. Sự chuyển hướng của hàng giám mục Việt Nam Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 43 43 Công đồng Vatican II đã thúc đẩy các giám mục Việt Nam nhìn lại đường hướng mục vụ và hướng dẫn giáo dân thực hiện theo đường hướng mà công đồng này vạch ra. Ngay sau khi kết thúc khóa 2 (29/9/1963 - 21/11/1964) của Công đồng Vatican II, các giám mục Việt Nam đã gửi Thư Luân lưu 1964 yêu cầu toàn thể Dân Chúa trên đất nước Việt Nam phải tự kiểm thảo; kêu gọi người Công giáo đoàn kết với nhau và đoàn kết với người không theo Công giáo, coi nhau như anh em ruột thịt; đưa ra cái nhìn thoáng hơn trong việc giáo dân gia nhập các đảng phái chính trị: “Hết mọi người Công giáo với tư cách là người công dân đều có thể tự do ghi tên gia nhập đảng này hay đảng khác tùy ý, bất cứ là đảng ấy thành lập rồi, hay là sẽ được những công dân đầy đủ khả năng, can đảm thành lập về sau”15. Đóng góp quan trọng cho hàng giám mục Việt Nam trong quá trình chuyển hướng đồng hành cùng dân tộc là việc Giáo hoàng Phaolô VI luôn kêu gọi các đảng phái chính trị, tổ chức cá nhân, Giáo hội Công giáo mang lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Trong Sứ điệp gửi các tổng giám mục và giám mục Việt Nam năm 1966, Giáo hoàng nói: “Ta tưởng không cần nhắc lại đây rằng, những vấn đề của quốc gia cao quý này, Ta luôn coi như của mình, và không ngừng khẩn khoản mời gọi tất cả mọi người, cả những ai đang cầm vận mệnh dân tộc trong tay hãy làm sao để gây được sự tâm đồng ý hợp giữa mọi người, đó là những yếu tố cần thiết khả dĩ giúp công cuộc an cư lạc nghiệp và thực hiện những cải tạo xã hội, các cơ cấu chính trị như mọi người hằng mong muốn”16. Hưởng ứng nỗ lực của Giáo hoàng Phaolô VI, ngày 5/01/1968, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Thông cáo kêu gọi người Công giáo bằng hành động cụ thể “hãy năng kiểm thảo về phần thực hành và cứ gia tăng việc cầu nguyện, học tập cho đến khi được lại hòa bình. Đồng thời cũng kêu gọi các tôn giáo bạn hãy kiến tạo cho sự hòa bình. Cuối cùng, Hội đồng Giám mục Việt Nam khẩn thiết kêu gọi đến thiện chí của chính quyền hai miền Nam - Bắc hãy cùng nhau kiến tạo hòa bình. Nhân danh Thiên Chúa hãy dừng lại, hãy gặp nhau, hãy đi đến bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết. Chính ngay bây giờ hãy giải quyết các mối bất hòa tranh chấp, dầu phải chịu chút ít thiệt thòi, vì thế nào rồi cũng phải hòa giải, nhưng có lẽ với nhiều tai hại tàn khốc khủng khiếp mà hiện nay không ai lường được. Chúng tôi cũng lập lại lời nói của Giáo hoàng Phaolô VI vào ngày 2/5/1967: Phải chấm dứt các cuộc oanh tạc trên lãnh 44 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 thổ Bắc Việt và đồng thời cũng phải chấm dứt những cuộc xâm nhập vũ khí và vật liệu chiến tranh vào Miền Nam”17. Một câu hỏi được các giám mục luôn tìm cách trả lời là làm sao góp phần xây dựng hòa bình ở Việt Nam? Trước tình trạng chiến tranh gây chia rẽ dân tộc, sự chết chóc, sự hỗn loạn của xã hội làm cho đức tin của một bộ phận không nhỏ tín đồ Công giáo ở Miền Nam bị giảm sút nghiêm trọng, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thốt lên rằng: “Nếp sống xa hoa, bất công bên cạnh tiếng súng nổ rền ngày đêm, bên cạnh những đồng bào chiến nạn, thật là đắc tội với Thiên Chúa và Tổ quốc”18. Thực ra, Hội đồng Giám mục Việt Nam đương thời đứng giữa nhiều vấn đề xảy ra như việc Giáo hoàng Phaolô VI tẩy chay Nguyễn Văn Thiệu và tích cực kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Đặc biệt, sự kiện quân giải phóng đã giáng một đòn chí tử vào Sài Gòn tết Mậu Thân (1968) làm cho Hội đồng Giám mục Việt Nam nhìn thấy sức mạnh tiềm ẩn của người cộng sản. Việc tìm cách giải quyết vấn đề hòa bình được đặt ra với Hội đồng Giám mục Việt Nam trong hoàn cảnh bấy giờ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, do cuộc chiến chưa kết thúc, nên Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa thể bày tỏ quan điểm ủng hộ hay chống đối ai trong lúc này và cũng đã chuẩn bị phương án cho việc thay đổi chính quyền, khi đó hòa bình sẽ là sự hòa hợp dân tộc. Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng: “Hòa bình là trật tự trong công lý và khôn ngoan, là sự thích hợp của cộng đồng dân tộc để cùng nhau mưu cầu công ích, là kết quả của tình thương quảng đại bao dung, xóa bỏ hận thù, là nỗ lực không ngừng để cải thiện đời sống xã hội và đem ích chung cho mọi tầng lớp người dân; hòa bình ấy chúng ta xây dựng không bằng khủng bố, đàn áp, mà bằng nghị lực tinh thần, vừa tin tưởng vào sức mạnh thiêng liêng phù trợ, vừa tin tưởng mãnh liệt vào tiền đồ Tổ quốc và cùng hiệp lực, tận dụng khả năng của mỗi người để xây dựng, tôn trọng phẩm vị con người và hòa hợp quốc gia”19. Sự hòa bình và hòa hợp luôn được Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc nhiều lần trong Thư Luân lưu xây dựng hòa bình. Một giả thiết đặt ra lúc đó là nếu chính quyền mới thành công, người Công giáo có hòa hợp cùng “cộng sản vô thần”. Câu trả lời là có, vì Hội đồng Giám mục Việt Nam đã sẵn sàng cho sự hòa hợp, một sự chuẩn bị cho chuyển hướng được bắt đầu kể từ Thư Luân lưu năm 1969: “Dân tộc ta do nhiều nguồn gốc, văn hóa, thành phần cấu tạo nên. Nhưng không vì đó gây Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 45 45 thành nguyên nhân chia rẽ, trái lại phải là yếu tố bổ sung cho nguồn sinh lực thêm phong phú hơn. Người Việt gốc Miên, gốc Chàm, gốc Hoa, Kinh hay Thượng đều là công dân Việt Nam. Người Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Công giáo là công dân Việt Nam. Mỗi công dân đều phải được hưởng quyền lợi và thi hành nghĩa vụ như nhau theo Hiến pháp và luật pháp ấn định. Mặc dầu khác nhau về tín ngưỡng, sắc tộc, nhưng cùng là công dân trong một nước, có những mối tương quan thiêng liêng ràng buộc với nhau, tất cả có phận sự cố gắng xây dựng Tổ quốc, kiến thiết nước nhà trong tình đoàn kết và hòa hợp”20. Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/01/1973, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, công cuộc thống nhất đất nước xem như sắp hoàn thành. Đứng trước vấn đề này, người Công giáo Việt Nam hoang mang lo sợ. Sự lo sợ này có căn cứ, vì thế việc đối đầu “với nạn chủ nghĩa cộng sản vô thần” buộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phải xem lại và tìm cách ứng phó. Ngày 3/2/1973, Hội đồng Giám mục Miền Nam gửi thư cho toàn thể người Công giáo Việt Nam chuẩn bị cho một đường hướng mục vụ phù hợp: “Nhằm cống hiến những nguyên tắc mục vụ cho sự lựa chọn thái độ thích đáng trước những biến chuyển của lịch sử đang dồn dập tới, lá thư như đoán trước một thử thách nặng nề. Đối phó với tình thế mới các giám mục không còn gay gắt với chế độ cộng sản. Các ngài coi cuộc chiến tranh kéo dài trong những năm qua là cuộc huynh đệ tương tàn, hậu quả của cuộc tranh giành quyết liệt của hai khối. Qua đó Hội đồng Giám mục Miền Nam nhìn nhận “chủ nghĩa vô thần” duy vật vô thần không phải chỉ có nơi những quốc gia ra mặt chống đối Giáo hội, vu khống Giáo hội, chia rẽ Giáo hội, nó còn ngấm ngầm phá hoại kinh khủng trong các nước người ta thường gọi là thuộc khối tự do”21. Năm 1974, chiến cuộc gần như đã ngã ngũ, việc lật đổ chính quyền Sài Gòn chỉ là thời gian, Hội đồng Giám mục Việt Nam tích cực cho công cuộc chuyển hướng về mặt tinh thần cũng như về mặt nhân sự. Về tinh thần, từ sau Công đồng Vatican II, thái độ của hàng giám mục Việt Nam bớt gay gắt với cộng sản. Qua các Thư chung, Thông cáo, Thư Luân lưu, họ đã bày tỏ quan điểm người Công giáo là một bộ phận của dân tộc Việt Nam, sẵng sàng hòa hợp với bất kỳ phe đảng nào để được hòa bình. Về nhân sự, từ năm 1974 đến tháng 9/1975 là một quá trình chuẩn bị về mặt nhân sự của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như ở các giáo phận để phục vụ cho một cuộc đối thoại sắp tới. Năm 1974, Hội đồng 46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 Giám mục Việt Nam đã nhóm họp thường niên để thí nghiệm cơ cấu mục vụ, rút ra khuyết điểm, cuối cùng quyết định: Một là, vẫn giữ nguyên 4 miền mục vụ như trước. Hai là, mở rộng thêm Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ba là, đặt thêm một số Ủy ban Giám mục mới. Bốn là, mỗi đặc nhiệm Hội đồng Giám mục Việt Nam do một vị giám mục đặc trách gồm: Hội Thừa sai Việt Nam, Đại học Đà Lạt, Trung tâm Công giáo Việt Nam, Nha Tuyên úy Quân đội22. Mặc dù việc thay đổi cơ cấu mục vụ là sự thích nghi với tinh thần Công đồng Vatican II, nhưng điều này cũng cho thấy sự chuẩn bị trong quá trình chuyển hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Từ trước, trong và sau ngày 30/4/1975 có tất cả 12 vị giám mục Việt Nam được thụ phong. Một loạt giám mục phụ tá được bổ nhiệm vừa để việc mục vụ được thuận lợi hơn, vừa để củng cố cơ cấu tổ chức tiện đối phó với tình hình mới. Đáng chú ý là việc thuyên chuyển Giám mục Huỳnh Văn Nghi làm Giám mục phụ tá Giáo phận Sài Gòn, Giám mục Nguyễn Văn Hòa làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết. Giám mục Huỳnh Văn Nghi đã làm phụ tá Giáo phận Sài Gòn lại được bổ nhiệm ra Giáo phận Phan Thiết, còn Giám mục Nguyễn Văn Hòa chưa tới Giáo phận Phan Thiết thì được bổ nhiệm về Giáo phận Nha Trang thay thế Giám mục Nguyễn Văn Thuận ngày 25/4/1975. Cùng ngày này, Giám mục Nguyễn Văn Thuận ở Giáo phận Nha Trang được bổ làm Giám mục phụ tá Giáo phận Sài Gòn. Như vậy, các bước chuẩn bị cho một cuộc chuyển hướng xem như đã hoàn tất chỉ còn chờ cơ hội mà thôi. Ngay sau khi Huế - Đà Nẵng được giải phóng, trong một bức thư gửi các linh mục, tu sĩ và tín hữu, Giám mục Nguyễn Kim Điền đã bày tỏ quan điểm: “Chiến tranh đã chấm dứt trên Giáo phận Huế. Đó là điều mà chúng ta mong ước và cầu nguyện từ 30 năm nay. Giờ đây đã đến lúc chúng ta hoan hỷ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Cách mạng để xây dựng lại quê hương sau bao đổ vỡ tang tóc, hầu đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt”. Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, ngay sau khi đất nước được giải phóng cũng đã gửi thư cho linh mục, tu sĩ và giáo dân kêu gọi Kitô hữu sẵn sàng cho sự hợp tác. Ngày 12/6/1975, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ban hành Thư Luân lưu kêu gọi toàn thể Dân Chúa hãy công nhận sự tồn tại và phục tùng sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng. Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn một mặt biểu hiện sự đồng tình, nhưng mặc khác cũng Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 47 47 muốn nhắc nhở chính quyền cách mạng thực hiện tốt những gì đã hứa: “Riêng đối với chính quyền cách mạng đang thực sự điều hành việc quản trị Miền Nam, chúng ta cùng sẻ chia tâm tình của dân tộc, hoan nghênh chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc và tự do tôn giáo được đề ra trong Sắc lệnh về tôn giáo của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề ngày 14/5/1955, trong chính sách tôn giáo của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Những bức thư của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn và các vị giám mục cho thấy, giới Công giáo Miền Nam đang lo lắng một cuộc bách hại sắp xảy ra. Điều này có thể bắt nguồn từ những lời đồn đại rằng cộng sản bách hại tôn giáo vì chủ nghĩa vô thần. Tuy nhiên, việc chủ động hòa giải, hòa hợp dân tộc, sẵn sàng cùng chính quyền cách mạng xây dựng đất nước không phải do sợ bị bách hại, mà như đã trình bày, hàng giám mục Việt Nam đã có những bước chuẩn bị khá lâu dài và chu đáo. Trong Thông cáo chung ngày 20/12/1975 hay Thư chung 1976 của Hội nghị Giám mục Miền Nam đều nói rõ, Công giáo là thành phần của cộng đồng dân tộc, hòa mình vào cuộc sống của đồng bào, cùng chung nỗi vui mừng, niềm hy vọng và nỗi âu lo của toàn dân; giữa đức tin Kitô giáo và chủ nghĩa Mác - Lênin tuy có xung khắc, nhưng không vì thế mà không thể không có đối thoại và cộng tác chân thành giữa những ai cùng phục vụ con người trong xứ mạng cá nhân và xã hội. 3. Thư chung 1980 và đường hướng mục vụ “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” Sự thống nhất về chính trị - xã hội trong cả nước tạo điều kiện thuân lợi cho sự thống nhất đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Từ ngày 24/4 đến ngày 1/5/1980, Đại hội Giám mục toàn quốc được tổ chức. Ngày 1/5/1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Thư chung với đường hướng mục vụ “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”; khẳng định quyết tâm gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước; đồng hành cùng dân tộc, cùng chia sẻ sinh mạng với dân tộc. Ngoài việc vạch ra đường hướng mục vụ chung, Thư chung 1980 còn kêu gọi người Công giáo Việt Nam thực hiện tốt đường hướng đó. Đối với giáo dân: “Các nỗ lực để xây dựng gia đình Công giáo theo tinh thần Phúc âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những 48 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Nhờ hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng đất nước”. Đối với tu sĩ: “Chính các anh chị em sẽ tự thấy được rằng đường hướng mà chúng tôi vạch ra cho cả Hội thánh ở Việt Nam: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với tinh thần sẵn sàng phục vụ, phù hợp với cách riêng ơn gọi của anh chị em. Do đó, anh chị em hãy nêu gương cho giáo dân bằng việc tích cực đi vào con đường ấy”. Đối với linh mục: “Chúng ta hãy làm cho mọi tín hữu biết sống Phúc âm trên tinh thần yêu mến và trung thành với Hội thánh, trước hết bằng chính đời sống của chúng ta Xin anh chị em hãy cùng chúng tôi đưa Hội thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn là: Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”23. 4. Kết luận Với Thư chung 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chính thức đồng hành cùng dân tộc, hòa mình vào dân tộc, thay đổi đường hướng mục vụ trước sự thay đổi của đất nước. Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi cộng đồng Dân Chúa sống Phúc âm và đem Phúc âm vào trong cuộc sống, nghĩa là đem Phúc âm vào hoàn cảnh thực tế của đất nước, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn và nhân bản hơn. Đường hướng mục vụ “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” là một quá trình lâu dài, chính thức khẳng định và phổ biến rộng rãi từ Thư chung 1980; được bổ sung, bồi đắp qua các Thư mục vụ, Thư chung những năm tiếp theo. Đường hướng này thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức và hành động của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thể hiện vai trò vừa làm một tín đồ trung thành với Hội Thánh, vừa làm người công dân tốt của Tổ quốc./. CHÚ THÍCH: 1 ĐGM. Bùi Tuần, Thao thức 1: Mở lòng ta ra với người nghèo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 13. 2 Dẫn theo Nguyễn Quang Hưng (2006), “Vài nét về lập trường của Tòa Thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975)”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1: 40. 3 Nguyễn Quang Hưng (2006), “Vài nét về lập trường của Tòa Thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975)”, bđd: 40. 4 Giáo hoàng Pio XII (1951), Sứ giả Phúc âm, Nxb. Bùi Chu. Nguyễn Ngọc Phúc. Quá trình hình thành đường hướng 49 49 5 Nguyễn Quang Hưng (2006), “Vài nét về lập trường của Tòa Thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975)”, bđd: 40. 6 Nguyễn Quang Hưng (2006), “Vài nét về lập trường của Tòa Thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975)”, bđd: 40. 7 Nguyễn Quang Hưng (2006), “Vài nét về lập trường của Tòa Thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975)”, bđd: 40. 8 Ngô Quốc Đông - Nguyễn Kim Huỳnh, “Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Linh mục Phạm Bá Trực”, trong PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2011), Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Nxb. Từ điển Bách khoa: 42. 9 Lê Đức Hạnh, “Linh mục Phạm Bá Trực và tinh thần kính Chúa yêu nước đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ”, trong PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2011), Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954), sđd: 126. 10 Đỗ Quang Hưng, “Công giáo và Cách mạng (1945 - 1954) bài học lịch sử và ý nghĩa của nó”, trong Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2011), Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954), sđd: 176 - 177. 11 Trần Hữu Hợp, “Một vài nét về phong trào yêu nước của giới Công giáo Nam Bộ 1945 - 1975”, trong Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2011), Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954), sđd: 344 - 345. 12 Trần Hữu Hợp, “Một vài nét về phong trào yêu nước của giới Công giáo Nam Bộ 1945 - 1975”, trong Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2011), Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954), sđd: 350. 13 Xem: (2012), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975, Nxb. Chính trị Quốc gia. 14 Xem: (2012), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975, Nxb. Chính trị Quốc gia. 15 Thư Luân lưu các giám mục Việt Nam 1964. 16 Sứ điệp Giáo hoàng Phao lô VI gửi hàng giám mục, linh mục, giáo dân Việt Nam năm 1966. 17 Thông cáo ngày 5/1/1968 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. 18 Thư Luân lưu xây dựng hòa bình 1969 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. 19 Thư Luân lưu xây dựng hòa bình 1969 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. 20 Thư Luân lưu xây dựng hòa bình 1969 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. 21 Đỗ Mạnh Trí, Con đường đối thoại của các giám mục Việt Nam 1975 - 2005. 22 Thông cáo 1974 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. 23 Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. 50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Hồng Dương chủ biên (2011), Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Nxb. Từ điển Bách khoa. 2. Nguyễn Hồng Dương (2012), Quan điểm, đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề về tôn giáo ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia. 3. Nguyễn Quang Hưng (2006), “Vài nét về lập trường của Tòa Thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975)”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1. 4. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2012. 5. Đỗ Mạnh Trí, Con đường đối thoại của các giám mục Việt Nam 1975 - 2005. 6. ĐGM. Bùi Tuần, Thao thức 1: Mở lòng ta ra với người nghèo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. Abstract THE PROCESS OF FORMING THE ORIENTATION OF THE VIETNAM BISHOPS’ COUNCIL “TO LIVE THE GOSPEL IN THE HEART OF THE NATION TO SERVE THE WELFARE OF PEOPLE” “To live the Gospel in the heart of the nation to serve the welfare of people is the orientation of the Vietnam Bishops’ Council. This orientation has been proposed in the Pastoral Letter in 1980. It shows the cooperation of the Vietnam Bishops’ Council with the Vietnamese State. In fact, this orientation was implemented by Vietnamese Catholics before 1980. This article contributed to study this matter. Key words: The Pastoral Letter, the Vietnam Bishops’ Council, Vietnamese Catholics, the Second Vatican Council.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf23848_79816_1_pb_412.pdf