Hơn nửa thế kỷ qua, sự tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội ghi trong
Hiến pháp Philippines đã không được tuân thủ. Có thể nhận thấy, các
nguyên nhân chính dẫn đến sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị
Philippines gồm: Thứ nhất, mô hình truyền thống không tách biệt Giáo
hội - Nhà nước Châu Âu thời Trung cổ theo chân người Tây Ban Nha du
nhập vào Philippines. Thứ hai, các tôn giáo với sự đa dạng tổ chức theo
đuổi mục đích khác nhau là các nguồn tiềm tàng cho việc huy động chính
trị. Thứ ba, khủng hoảng xã hội làm mất lòng tin của quần chúng vào
những người lãnh đạo, các mâu thuẫn trong lòng xã hội càng thêm căng
thẳng khiến những thủ lĩnh tinh thần của dân chúng phải hiệu triệu nhân
dân đứng lên vì cuộc sống và quyền lợi của nhóm cộng đồng và dân tộc.
Thứ tư, các chính phủ được tôn giáo hậu thuẫn để chiến thắng tạo cho
những người đứng đầu tổ chức tôn giáo tâm lý và quyền can thiệp vào
chính trị. Nguyên nhân cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng là sự yếu
kém của nhà nước và các chính đảng ở Philippines đã tạo những khoảng
trống cho tổ chức tôn giáo và quân đội can thiệp vào chính trị
10 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 647 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị ở philippines, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 – 2014 41
LÊ THỊ THANH HƯƠNG*
SỰ CAN THIỆP CỦA TÔN GIÁO VÀO CHÍNH TRỊ
Ở PHILIPPINES
Tóm tắt: Ở Philippines có mặt gần như tất cả các tôn giáo lớn thế
giới như Công giáo, Islam giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo với số
lượng tín đồ không đồng đều. Đại đa số người dân Philippines theo
Công giáo. Trên cơ sở khái quát mối quan hệ giữa Nhà nước và
Giáo hội trước khi Tổng thống Benigno Simeon Aquino III lên nắm
quyền năm 2010, bài viết này phân tích sự can thiệp của tôn giáo
vào chính trị Philippines hiện nay.
Từ khóa: tôn giáo và chính trị, Công giáo, Philippines.
1. Sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị ở Philippines giai đoạn
trước năm 2010
1.1. Quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước ở Philippines giai đoạn
trước năm 1986
Các hiến pháp của Philippines từ 1946 đến nay đều có điều khoản tách
biệt Giáo hội và Nhà nước. Nhưng trên thực tế, các tổ chức tôn giáo đóng
vai trò quan trọng trong việc ủng hộ hay chuyển đổi chế độ chính trị. Mối
quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Philippines từ khi Tổng
thống Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật năm 1972 khá phức tạp.
Tổ chức tôn giáo này phân hóa làm ba nhóm theo ba cấp độ thái độ đối
với chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos: nhóm bảo thủ chủ yếu
ủng hộ, trừ những sai lầm quá đáng của chính phủ; nhóm ôn hòa phản đối
chính phủ áp đặt thiết quân luật quá dài và hành động đàn áp cũng như
bảo vệ quyền lợi của các chính trị gia bị bắt giữ; nhóm cấp tiến cực lực
phản đối thiết quân luật, liên kết với những người mác xít, cách mạng1.
Đến khi Thượng nghị sĩ Benigno Aquino bị ám sát năm 1981, hầu như
toàn bộ người Công giáo chống Tổng thống Ferdinand Marcos, kể cả
nhóm bảo thủ.
*
TS., Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
42
Giai đoạn hậu Tổng thống Ferdinand Marcos (1986 - 2001) chứng
kiến sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ với bốn đời
tổng thống. Trong những biến chuyển đó, các tổ chức tôn giáo, tiêu biểu
là Giáo hội Công giáo và Giáo hội Độc lập Iglesia ni Cristo (INC), đóng
vai trò quan trọng mặc dù giữa hai tổ chức tôn giáo này không có chung
mục đích.
1.2. Sự can thiệp của Giáo hội Công giáo vào chính trị ở Philippines
giai đoạn 1986 - 2010
Giáo hội Công giáo ủng hộ bà Corazon C. Aquino lên nắm quyền và
hướng chính phủ của nữ Tổng thống này chú trọng đến những vấn đề lớn
như cải cách ruộng đất, nhà ở cho người nghèo, hội nghị hiến pháp, hòa
hợp và ân xá, v.v... Sau Tổng thống Corazon C. Aquino, giai đoạn 1992 -
1998, Philippines có vị tổng thống đầu tiên theo Tin Lành là Fidel Ramos.
Giáo hội Công giáo giám sát chặt chẽ hầu hết chính sách của chính phủ,
chẳng hạn như vấn đề cải cách hiến pháp và kiểm soát tăng dân số mà
người Công giáo cho là thiếu đạo đức và vi phạm giáo lý của tôn giáo này.
Không hẳn ra mặt, nhưng Giáo hội Công giáo không ủng hộ Tổng thống
Fidel Ramos. Vị tổng thống Philippines kế nhiệm Fidel Ramos, ngôi sao
màn bạc Joseph Estrada chịu thất bại vì không được sự ủng hộ của Giáo
hội Công giáo. Giáo hội Công giáo buộc tội Tổng thống Joseph Estrada
không có uy lực tinh thần để lãnh đạo đất nước2. Tuy nhiên, phong trào El
Shaddai của Velarde, một bộ phận thành viên Giáo hội Công giáo, lại một
lòng ủng hộ Tổng thống Joseph Estrada. Tổng thống Gloria Macapagal
Arroyo lên nắm quyền và duy trì được quyền lực đến cuối nhiệm kỳ thứ
hai là nhờ sự hậu thuẫn của Giáo hội Công giáo.
Giáo hội Công giáo ở Philippines kiểm soát nhiều tổ chức và các
nhóm vệ tinh. Hai tổ chức có ảnh hưởng chính trị lớn nhất từ trước tới
nay, Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines (Catholic Bishops
Conference of the Philippines, CBCP) và Hội Chức sắc Tôn giáo Chính
yếu Philippines (Association of Major Religious Superiors in the
Philippines, AMRSP), được coi là những nhà quan sát có tính quyết định
trong nền chính trị Philippines. Giáo dục và huy động quần chúng luôn là
điểm mạnh của giới Công giáo trong việc tác động đến đời sống chính trị
- xã hội Philippines. Tổ chức tôn giáo này tham gia vào các cấp giáo dục.
Thông qua các tuyên bố và bài giảng, Giáo hội Công giáo đưa ra quan
điểm và ý kiến về nhiều vấn đề, từ các vụ vi phạm nhân quyền, chính
Lê Thị Thanh Hương. Sự can thiệp của tôn giáo 43
43
sách dân số, tranh chấp đất đai, môi trường xuống cấp, cho đến cải cách
hiến pháp. Có thể nói, nhân dân Philippines tin cậy Giáo hội Công giáo
hơn so với các tổ chức tôn giáo khác, thậm chí là các thiết chế chính trị
như tòa án và Quốc hội3.
Nói đến ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo đến chính trị - xã hội
Philippines trước hết là nói đến vai trò của những người đứng đầu tổ
chức tôn giáo này. Giáo hội Công giáo, Tổng Giám mục Sin và các giám
mục khác làm nòng cốt cho phong trào dân sự, đóng vai trò quan trọng
trong lịch sử Philippines qua nhiều đời tổng thống. Thời Tổng thống
Ferdinand Marcos cầm quyền, Tổng Giám mục Sin tuyên bố, vấn đề
quốc gia là vấn đề giữa Nhà nước và nhân dân, chứ không phải giữa Giáo
hội và Nhà nước, đồng thời khẳng định trách nhiệm của Giáo hội là đứng
về phía nhân dân, những người bị áp bức4. Nói một cách chính thức, các
tổ chức và thành viên của Giáo hội không phải các nhân vật chính trị.
Giáo hội chỉ là lực lượng xã hội có khả năng huy động quần chúng và
công luận để ủng hộ hay phản đối một chế độ chính trị nào đó chỉ bằng
biện pháp thuyết phục. Sức mạnh của Giáo hội được phát huy cao độ
trong các cuộc Cách mạng Nhân dân (EDSA) lần thứ nhất và lần thứ hai
sẽ đề cập dưới đây, cũng như một số hoạt động khác.
Về cuộc Cách mạng Nhân dân lần thứ nhất. Trong cuộc tổng tuyển
cử tổ chức ngày 7/2/1986, Tổng Giám mục Sin và các giám mục khác đã
khuyến khích dân chúng tham gia bỏ phiếu chứ không tẩy chay. Cuộc
kiểm phiếu cuối cùng của Ủy ban Bầu cử (COMELEC) cho thấy,
Ferdinal Marcos được 10.807.197 phiếu bầu, chiến thắng Corazon C.
Aquino được 9.291.761 phiếu. Tuy nhiên, sự kiểm phiếu cuối cùng của
Phong trào Quốc gia vì Bầu cử Tự do (National Moverment for Free
Election, NAMFREL), một tổ chức giám sát bầu cử được chính thức
công nhận, cho kết quả là Corazon C. Aquino chiến thắng với 7.835.070
phiếu, đánh bại Ferdinand Marcos với 7.053.068 phiếu)5. Vì có cáo buộc
vi phạm và gian lận, Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines đưa ra
một tuyên bố chỉ trích cuộc bầu cử và Tổng Giám mục Sin đã kêu gọi
đông đảo dân chúng, một số nhân vật chính trị và quân đội biểu tình tuần
hành dọc theo Đại lộ Epifanio de los Santos thuộc Metropolitan Manila,
từ ngày 22/2 đến ngày 25/2/1986, làm nên cuộc Cách mạng Nhân dân lần
thứ nhất (EDSA 1). Kết quả cuối cùng, nhà độc tài Ferdinand Marcos
44 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
44
phải từ chức và thừa nhận bà Corazon C. Aquino là Tổng thống
Philippines6.
Về cuộc Cách mạng Nhân dân lần thứ hai. Năm 2001, Tổng thống
Joseph Estrada không những không thực hiện được những chương trình
hứa hẹn cải thiện cuộc sống của người nghèo, mà còn chuộng lối sống xa
xỉ và biển thủ các quỹ trợ giúp người nghèo, đã đánh mất tình cảm và sự
ủng hộ của dân chúng Philippines. Ngay sau quyết định của Thượng nghị
viện Philippines ngừng xét xử Joseph Etrada, đông đảo quần chúng nhân
dân được huy động bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO), Giáo hội Công
giáo và nghiệp đoàn đã xuống đường ở thủ đô Manila, từ ngày 17/1 đến
ngày 20/1/2001, làm nên cuộc Cách mạng Nhân dân lần thứ hai (EDSA
2). Tổng Giám mục Sin tuyên bố: “Vì những vụ bê bối bôi nhọ hình ảnh
tổng thống trong hai năm gần đây, chúng tôi kiên quyết buộc tội ông ta
không đủ tư cách đạo đức để điều hành đất nước”7. Người đứng đầu Giáo
hội Công giáo đã thể hiện sự bất bình với chính phủ của Tổng thống
Joseph Estrada vì tham nhũng có hệ thống bằng cách một lần nữa kêu gọi
cuộc Cách mạng Nhân dân. Joseph Estrada đã phải từ chức sau năm ngày
dân chúng biểu tình. Cuộc Cách mạng Nhân dân lần thứ hai đã đưa
Gloria Macapagal Arroyo lên nắm quyền và quan hệ của bà với người
đứng đầu Giáo hội Công giáo được duy trì tốt.
Việc Giáo hội Công giáo chống cải cách hiến pháp và một số vấn đề
khác. Các nỗ lực cải cách Hiến pháp 1987 được khởi xướng từ chính phủ
Ferdinand Ramos, rồi Joseph Estrada, cho đến Gloria Macapagal Arroyo
năm 20058 đã liên tục thất bại vì sự chống đối kịch liệt của nhiều tầng lớp
nhân dân và nhiều tổ chức, trong đó có Hội đồng Giám mục Philippines,
đồng tác giả của Hiến pháp 1987. Hội đồng này cho rằng, sáng kiến lấy
chữ ký ủng hộ cải cách thiếu sự tham gia của đông đảo quần chúng, sự
minh bạch tuyệt đối và sự thanh bình tương đối. Do đó, Hội đồng không
đồng tình với sự vội vã của chính phủ Gloria Macapagal Arroyo và thấy
cần phải thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng hơn nữa về vấn đề này.
Liên quan đến những vụ giết chóc ngoại tụng ngày càng tăng trong
nhiệm kỳ của Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, mà nạn nhân là dân
thường, trong đó có cả người Công giáo, Giáo hội Công giáo và các tổ
chức tôn giáo khác đều bày tỏ lo lắng và bất bình với chính phủ. Họ yêu
cầu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo từ chức và công kích bà vì sự
vi phạm các quyền tự do dân sự cũng như sự trấn áp chính trị9.
Lê Thị Thanh Hương. Sự can thiệp của tôn giáo 45
45
1.3. Giáo hội Độc lập Iglesia ni Cristo (INC) và cuộc Cách mạng
Nhân dân lần thứ ba
Trong số các tổ chức tôn giáo độc lập, Giáo hội Iglesia ni Cristo
(thành lập năm 1904) có ảnh hưởng lớn về chính trị ngay từ thời Tổng
thống Manuel L. Quezon. Iglesia ni Cristo có một số hành động chống
đối chính phủ Gloria Macapagal Arroyo ngay từ khi bà mới nhậm chức.
Cho nên, Tổng thống đã phải ra sức tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức giáo
hội này thông qua việc tuyên bố ngày 27/7 hằng năm là “Ngày Iglesia ni
Cristo”. Năm 2009, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo còn tuyên bố
ngày 27/7 là ngày nghỉ chính thức toàn quốc10. Năm 2008, nhân kỷ niệm
94 năm thành lập Iglesia ni Cristo, các nhà lập pháp, thủ hiến bang và
quan chức chính phủ đã đánh giá cao vai trò của tổ chức giáo hội này
trong xã hội Philippines; cho rằng, INC đóng góp không chỉ phát triển
tinh thần của người Philippines, mà còn trong việc định hình số phận đất
nước, đóng một vai trò chủ đạo trong việc cải thiện điều kiện kinh tế, xã
hội của các tín đồ theo tổ chức giáo hội này nói riêng và người
Philippines nói chung trong nước và nước ngoài11.
Xét tổng thể, Giáo hội Độc lập Iglesia ni Cristo luôn có những hoạt
động trái ngược với Giáo hội Công giáo như: ủng hộ các tổng thống
Ferdinand Marcos và Joseph Estrada, đóng vai trò to lớn trong cuộc biểu
tình ngày 1/5/2001 (thường gọi là EDSA 3). Hầu hết đám đông biểu tình
là thành viên của Iglesia ni Cristo12. Điều này có thể được lý giải là
Iglesia ni Cristo đã ủng hộ Joseph Estrada trong cuộc bầu cử năm 1998,
tiếp tục chung thủy và ủng hộ ông, phản đối Gloria Macapagal Arroyo.
Đồng thời, các thành viên của tổ chức giáo hội này tuần hành đến điện
Malacanang trong cuộc Cách mạng Nhân dân lần thứ ba để cạnh tranh
với vai trò của Giáo hội Công giáo trong cuộc Cách mạng Nhân dân lần
thứ nhất và lần thứ hai. Tuy nhiên, cuối cùng bà Gloria Macapagal
Arroyo vẫn giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống
Philippines năm 2004 nhờ việc tích cực kêu gọi sự ủng hộ của Iglesia ni
Cristo13.
Nhờ sự ủng hộ của Iglesia ni Cristo, Luật 5043 (Luật Sức khỏe sinh
sản và phát triển dân số năm 2008) của Hạ nghị viện Philippines được
thông qua. Trong vấn đề này, Giáo hội Độc lập Iglesia ni Cristo và Giáo
hội Công giáo đã thực sự đối đầu nhau.
46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
46
2. Sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị Philippines từ năm 2010
đến nay
Sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị Philippines vẫn được duy trì
cho đến nay. Điều này thể hiện rõ nét trước hết ở sự ủng hộ đắc lực của
Giáo hội Công giáo đối với đương kim Tổng thống Benigno Simeon
Aquino. Tổng Giám mục Manila Gaudencio Rosales, người kế nhiệm
Tổng Giám mục Sin, cùng các giám mục khác đã cử hành một buổi lễ
long trọng nhân sự kiện tổng thống mới nhậm chức với sự tham gia của
đông đảo quần chúng nhân dân tại Thánh đường Manila. Ngày 1/7/2010,
một ngày sau khi Benigno S. Aquino tuyên thệ nhậm chức, Hội đồng
Giám mục Công giáo Philippines trình lên một Chương trình 13 điểm14
được coi là đường lối cho Tổng thống tiến hành cải cách về đạo đức và
xã hội, chú trọng đến người nghèo trong nhiệm kỳ của mình.
Bốn điểm chính của chương trình là: thực hiện cải cách ruộng đất thông
qua chương trình cải cách nông nghiệp toàn diện; bác bỏ dự luật sức khỏe
sinh sản đang gây tranh cãi, hôn nhân đồng tính, phá thai, ly hôn, thực hiện
làm cái chết không đau đớn và thuốc ngừa thai; không cho phép phá nhà
mà không bố trí tái định cư cho các gia đình dân nghèo thành thị; thực hiện
các biện pháp ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Chín yêu cầu khác của chương trình gồm: bảo vệ môi trường bằng cách
dừng việc khai thác khoáng sản trên diện rộng và đốn rừng bất hợp pháp;
ngăn chặn nạn tham nhũng, truy tố những kẻ dính líu vào việc hối lộ và
tham nhũng; nói không với chủ nghĩa thân quen và triều đại chính trị trong
nền chính trị Philippines; bảo vệ nhân quyền của tất cả các bị cáo; cải thiện
hệ thống giáo dục và cho người nghèo được tiếp cận với giáo dục chất
lượng cao; đàm phán với quân phiến loạn có sự tham vấn công khai với tất
cả các bên tham gia; chấm dứt đánh bạc bất hợp pháp bằng cách bắt và
truy tố các chủ sòng bạc; xóa nghèo thông qua việc cải thiện điều kiện
sống cho những người bị đẩy ra ngoài lề, không có người đại diện và bị áp
bức; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc loại bỏ những cản trở sự
tăng trưởng và phát triển của người thuộc khu vực nông nghiệp.
Có thể nói, Hội đồng Giám mục Philippines đã quan tâm toàn diện các
vấn đề chính trị - xã hội của đất nước. Chỉ riêng vấn đề cải cách Hiến
pháp là vắng mặt trong chương trình này. Phần lớn trong số 13 điểm là
ủng hộ chương trình nghị sự của Tổng thống Benigno Simeon Aquino và
chính phủ của ông. Điểm bất đồng chủ yếu là sự phản ứng một số cải
Lê Thị Thanh Hương. Sự can thiệp của tôn giáo 47
47
cách giáo dục của Tổng thống Benigno Simeon Aquino, sự phản đối dự
luật về sức khỏe sinh sản cũng như mọi biện pháp liên quan đến kế hoạch
hóa gia đình và kiềm chế tỷ lệ sinh ở Philippines. Một số giám mục thậm
chí còn cảnh báo sẽ rút phép thông công nếu Tổng thống Benigno
Simeon Aquino ủng hộ dự luật sức khỏe sinh sản15.
Sau một thời gian chờ đợi, nghe ngóng, ngày 24/8/2010, Giáo hội kêu
gọi Tổng thống Benigno S. Aquino thực hiện cương lĩnh vì người nghèo
của chính phủ thông qua việc thực hiện luật cải cách nông nghiệp, không
làm trái chính sách của nhà nước ra lệnh phân phối khoảng 4.415 hecta
đất trong khu liên hợp Hacienda Luisita mà ông và gia đình làm chủ.
Theo Giáo hội, nếu Tổng thống giữ im lặng và không làm gì cả có nghĩa
là ông thầm đồng tình thỏa hiệp với bất công. Giáo hội yêu cầu Tổng
thống phải có thái độ và hành động dứt khoát, không thể tỏ ra trung lập
trong vấn đề này. Đây tiếp tục là một trong những vướng mắc trong quan
hệ giữa Tổng thống Benigno S. Aquino và Giáo hội Công giáo
Philippines hiện nay.
Năm 2011, cuộc chiến về dự luật sức khỏe sinh sản (Dự luật RH) chờ
thông qua từ Quốc hội lần thứ tám nóng lên với sự tham gia tích cực của
Giáo hội Công giáo và Giáo hội Độc lập Iglesia ni Cristo. Giáo hội Công
giáo tổ chức một chiến dịch rầm rộ tấn công vào dự luật này. Ngày
22/2/2011, lãnh đạo các tổ chức giáo hội Công giáo và Tin Lành ở
Philippines cùng một số nhóm phản đối Dự luật RH tổ chức một cuộc
tuần hành ở thành phố Bacolod. Theo những người tổ chức, đây là một
cuộc tập hợp liên tôn giáo, thống nhất của khu vực này. Giáo hội Công
giáo kêu gọi toàn bộ giáo dân thuộc 70 giáo xứ, các giáo đoàn và các tổ
chức, phong trào và hiệp hội thuộc Giáo hội tham gia. Các nhóm tôn giáo
khác tham gia tuần hành bao gồm: Giáo hội Độc lập Iglesia Filipina
Independent (IFI), Giáo hội Tin lành Baptist, Trung tâm Dar Al DHKR
Islamic Bacolod Phils Inc., Đội quân Cứu tế, Bukas Loob sa Dios, Giáo
hội Adventist, v.v Hội đồng Giám mục Philippines khẳng định không
chống lại Tổng thống Benigno S. Aquino, cũng không chống lại các đại
biểu Quốc hội, mà chỉ phản đối Dự luật RH được chính phủ ủng hộ. Giáo
hội Công giáo kịch liệt phản đối dự luật này vì cho rằng, nó vô nhân tính,
vô đạo đức, sai lạc và không thể chấp nhận được. Giáo hội Công giáo còn
phối hợp với các tổ chức tôn giáo khác, kể cả Islam giáo, để thu thập một
triệu chữ ký ngăn cản Quốc hội thông qua dự luật này16.
48 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
48
Trong khi đó, lãnh đạo Giáo hội Độc lập Iglesia ni Cristo lại tỏ ra kiên
định ủng hộ Dự luật RH, hoan nghênh các nhà lập pháp đã thể hiện lập
trường giúp người Philippines giảm nghèo. Khác với Giáo hội Công giáo,
Iglesia ni Cristo ủng hộ sử dụng phương pháp tránh thai, bởi vì đó không
phải là phá thai; cho rằng Dự luật RH không những không vi phạm đạo
đức, mà còn củng cố đạo đức, bởi vì nó giúp cho các bậc cha mẹ có thể
đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con cái tốt hơn. Sự ủng hộ của Iglesia ni
Cristo được các tác giả của Dự luật RH tại Hạ nghị viện hoan nghênh.
Điều này cho thấy, không phải tất cả các tổ chức tôn giáo đều chống lại
Dự luật RH. Đây là một cú đánh mạnh vào Giáo hội Công giáo, làm gia
tăng khả năng thông qua dự luật này.
3. Kết luận
Hơn nửa thế kỷ qua, sự tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội ghi trong
Hiến pháp Philippines đã không được tuân thủ. Có thể nhận thấy, các
nguyên nhân chính dẫn đến sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị
Philippines gồm: Thứ nhất, mô hình truyền thống không tách biệt Giáo
hội - Nhà nước Châu Âu thời Trung cổ theo chân người Tây Ban Nha du
nhập vào Philippines. Thứ hai, các tôn giáo với sự đa dạng tổ chức theo
đuổi mục đích khác nhau là các nguồn tiềm tàng cho việc huy động chính
trị. Thứ ba, khủng hoảng xã hội làm mất lòng tin của quần chúng vào
những người lãnh đạo, các mâu thuẫn trong lòng xã hội càng thêm căng
thẳng khiến những thủ lĩnh tinh thần của dân chúng phải hiệu triệu nhân
dân đứng lên vì cuộc sống và quyền lợi của nhóm cộng đồng và dân tộc.
Thứ tư, các chính phủ được tôn giáo hậu thuẫn để chiến thắng tạo cho
những người đứng đầu tổ chức tôn giáo tâm lý và quyền can thiệp vào
chính trị. Nguyên nhân cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng là sự yếu
kém của nhà nước và các chính đảng ở Philippines đã tạo những khoảng
trống cho tổ chức tôn giáo và quân đội can thiệp vào chính trị.
Sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị Philippines là con dao hai lưỡi,
vừa là sự ủng hộ, vừa là mối đe dọa đối với nhà nước. Chừng nào chính phủ
còn dựa vào tổ chức tôn giáo để có được sự hậu thuẫn thì vai trò của các thể
chế này còn in đậm trong chính trường Philippines. Hơn nữa, những xung
đột và căng thẳng trong xã hội ở quốc gia này vẫn luôn tiềm ẩn.
Trong thời gian tới, tôn giáo vẫn là một nhân tố quyết định sự bền
vững của chính phủ mới và tiếp tục can thiệp vào đời sống chính trị
Philippines. Trong nền kinh tế tri thức, sức mạnh của các tổ chức tôn giáo
Lê Thị Thanh Hương. Sự can thiệp của tôn giáo 49
49
càng được củng cố và lớn mạnh nhờ các phương tiện công nghệ cao như
internet, web blog Các phương tiện này cùng với sự nỗ lực của các nhà
hoạt động tôn giáo sẽ thúc đẩy khả năng giác ngộ và huy động quần
chúng tham gia các phong trào vì lợi ích của chính họ.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các tổ chức tôn giáo, chính phủ của
Tổng thống Benigno S. Aquino thể hiện quan điểm rất rõ ràng: một mặt,
duy trì tốt quan hệ truyền thống có từ thời Tổng thống Corazon C.
Aquino, đang nỗ lực thực hiện những cam kết với nhân dân (cũng là
những yêu sách của Hội đồng Giám mục Philippines), như đấu tranh
chống tham nhũng, giải quyết nghèo đói, mặt khác, không thỏa hiệp
với yêu sách của Hội đồng Giám mục Philippines (về sức khỏe sinh sản
và dân số) kiềm chế sự phát triển của đất nước. Chính phủ Philippines
cũng tranh thủ sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức trong
nước ủng hộ vấn đề này./.
CHÚ THÍCH:
1 John J. Carroll, S. J. Church, “Civil Society, and State in Philippines”, in Lee
Hock Guan ed (2004), Civil Society in Southeast Asia. NIAS Press - ISEAS,
Singapore: 55-78.
2 Xem: Grace Gorospe - Jamon and Mary Grace P. Mirandilla, “Religion and
Politics: A Look at the Philippine Experience”, in Rodolfo C. Severino &
Lorraine Carlos Salazar ed (2007), Whither the Philippines in the 21st Century?,
Konrad Adenauer Stiftung - ISEAS, Singapore.
3 Grace Gorospe - Jamon and Mary Grace P. Mirandilla, “Religion and Politics: A
Look at the Philippine Experience”, in Rodolfo C. Severino & Lorraine Carlos
Salazar ed (2007), Whither the Philippines in the 21st Century?, sđd.
4 John J. Carroll, S. J. Church, “Civil Society, and State in Philippines”, in Lee
Hock Guan ed (2004), Civil Society in Southeast Asia, sđd.
5 Peter Ackerman, Jack Du Vall (2001), A Force More Powerful: A Century of
Nonviolent Conflict, Macmillan: 384,
6 Mc Ferson, Hazel M. (2002), Mixed Blessing: The Impact of the American
Colonial Experience on Politics..., Greenwood Press: 153, http:
//books.google.com.
7 EDSA II, http: //en.wikipedia.org.
8 Thời Tổng thống Gloria M. Arroyo, Ủy ban Tư vấn về Cải cách Hiến pháp do
Abueva làm Chủ tịch đã đề xuất ba thay đổi lớn trong Hiến pháp: chuyển đổi từ hệ
thống Tổng thống với hai viện Quốc hội sang cơ cấu Quốc hội một viện; chuyển đổi
từ cơ cấu nhất thể sang cộng hòa liên bang; bãi bỏ những điều kiện chi phối sự tham
gia của vốn nước ngoài vào nền kinh tế. Ủy ban này cũng đề xuất một số điều khoản
nhằm khuyến khích phát triển các chính đảng thực sự. Một số điểm đã có mặt trong
các đề xuất cải cách của hai vị tổng thống tiền nhiệm.
9 Joan Dairo, J. P. Lopez and Ruelle Albert Castro, “Protestant Churches Joint
Resign Call”, Malaya 7/7/2005,
50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
50
10 “PGMA Declares July 27 as “Iglesia ni Cristo Day” (PDF),
11 Suarez, E. T. (July 27, 2008), “Officials Celebrate with Iglesia ni Cristo on its
94th Anniversary”, The Manila Bulletin Online (The Manila Bulletin),
12 Dedace, Sophia; Ubalde, Joseph Holandes; “Iglesia ni Cristo's Eraño Manalo
dies at 84”, GMA News TV, September 1st, 2009.
13 Grace Gorospe - Jamon and Mary Grace P. Mirandilla, “Religion and Politics: A
Look at the Philippine Experience”, in Rodolfo C. Severino & Lorraine Carlos
Salazar ed (2007), Whither the Philippines in the 21st Century?, sđd.
14 Bishops Present Aquino with 13-point Agenda, Published Date: July 1st, 2010,
15 Philippine Business Supports Birth Control Despite Church, http: //www.abs-
cbnnews.com.
16 Archbishop: We're against RH bill, not Aquino,
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Peter Ackerman, Jack Du Vall (2001), A Force More Powerful: A Century of
Nonviolent Conflict, Macmillan,
2. John J. Carroll, S. J. Church, “Civil Society, and State in Philippines”, in Lee Hock
Guan ed (2004). Civil Society in Southeast Asia. NIAS Press - ISEAS, Singapore.
3. McFerson, Hazel M. (2002), Mixed Blessing: The Impact of the American
Colonial Experience on Politics..., Greenwood Press, http: //books.google.com.
4. Grace Gorospe - Jamon and Mary Grace P. Mirandilla, “Religion and Politics: A
Look at the Philippine Experience”, in Rodolfo C. Severino & Lorraine Carlos
Salazar ed (2007), Whither the Philippines in the 21st Century?, Konrad Adenauer
Stiftung - ISEAS, Singapore.
5. Suarez, E. T. (July 27, 2008), “Officials Celebrate with Iglesia ni Cristo on its
94th Anniversary”, The Manila Bulletin Online (The Manila Bulletin),
Abstract
THE INTERFERENCE OF RELIGION
IN THE PHILIPPINES POLITICS
In the Philippines there are almost all major world religions such as
Catholicism, Islam, Buddhism, and Hinduism with uneven quantities of
believers. The vast majority of the Filipino is Catholic. On the basis of
the generalized relationship between the State and the Church before
President Benigno Simeon Aquino III came to power in 2010, the article
analyzed the interference of religion in the Philippines politics today.
Key words: Religion and Politics, Catholicism, the Philippines.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 24310_81308_1_pb_7294.pdf