Theo Ngô Văn Doanh: “Chế độ quân chủ của Thái Lan không tách rời
khỏi Phật giáo ( ). Chính liên minh này là cội nguồn sức mạnh và ổn
định của chế độ quân chủ Thái ( ). Và sự liên kết này đã đem lại lợi ích
không chỉ cho bản thân chế độ quân chủ mà cho toàn bộ quá trình chính
trị của Thái”13.
Thứ hai, do các cuộc chiến tranh để mở rộng và thống nhất lãnh thổ,
nên hệ thống chính quyền dân sự và khả năng kiểm soát, bảo trợ tổ chức
Tăng đoàn cũng không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Nếu như dưới
vương triều Sukhothai, hệ thống tổ chức Tăng đoàn mới chỉ dừng từ cấp
tỉnh đến cấp chùa, thì đến vương triều Ayutthaya, sự kiểm soát đã được
mở rộng với hệ thống Tăng đoàn đến các thành phố, thị trấn, số lượng
các chức sắc trong hệ thống Samanasak cũng được bổ sung. Đặc biệt, đến
vương triều Bangkok, nhất là cải cách của các vua Rama IV và Rama V,
hệ thống tổ chức Tăng đoàn đã được hoàn thiện từ trung ương tới địa
phương, số lượng tăng sĩ, các chức vụ và khả năng kiểm soát Tăng đoàn
đã diễn ra trên toàn lãnh thổ Thái Lan.
13 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 611 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Sự phát triển của tăng đoàn phật giáo thái lan trong các vương triều sukhothai, ayutthaya và bangkok, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
LƯỜNG HOÀI THANH*
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO THÁI LAN
TRONG CÁC VƯƠNG TRIỀU SUKHOTHAI,
AYUTTHAYA VÀ BANGKOK
Tóm tắt:Mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo ở các vương triều
Sukhothai, Ayutthaya và Bangkok cho thấy, Phật giáo có vị trí và
vai trò to lớn trong đời sống chính trị, xã hội Thái Lan giai đoạn
này. Đồng thời, điều này cũng cho thấy khả năng kiểm soát của các
vương triều Thái Lan đương thời đối với hệ thống tổ chức Tăng
đoàn ngày càng chặt chẽ và hoàn thiện hơn. Chính quyền phong
kiến Thái Lan coi Phật giáo như một công cụ thống trị góp phần
nâng cao uy quyền của các vị vua; ngược lại, giới Phật giáo cần sự
bảo trợ của giới cầm quyền để phát triển Tăng đoàn cũng như vì
lợi ích của dân chúng. Đây là một trong những kinh nghiệm để
người Thái tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và tôn
giáo trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: tôn giáo và chính trị, Phật giáo Thái Lan, Sukhothai,
Ayutthaya, Bangkok.
1. Khái quát về các vương triều Sukhothai, Ayutthaya và
Bangkok
Vào các thế kỷ XII - XIII, một số lượng lớn người Thái di cư từ Trung
Quốc tới lưu vực sông Chaophraya Mê Nam và tạo dựng nhiều vương
quốc như Lanna (1292), Sukhothai (1238) và Ayutthaya (1351). Trong ba
vương quốc trên, Sukhothai được coi là quốc gia phong kiến Thái Lan
đầu tiên với sự sáng lập của một quý tộc người Thái là Khun Bang Klang
Tao, sau này lấy hiệu là Sri Intrathit.
Trong thời kỳ thịnh trị, dưới sự trị vì của vua Ram Khamhaeng, phạm
vi và ảnh hưởng của Sukhothai không ngừng được mở rộng. Không
những thế, mối quan hệ bang giao với bên ngoài, đặc biệt với Trung
*
ThS., Khoa Sử - Địa, Đại học Tây Bắc.
Lường Hoài Thanh. Sự phát triển của Tăng đoàn 61
61
Quốc, cũng được thiết lập và không ngừng được củng cố làm tiền đề
vững chắc cho sự lớn mạnh của vương quốc này.
Năm 1317, vua Ram Khamhaeng qua đời, các nước chư hầu đã nổi lên
tuyên bố độc lập. Trong bối cảnh đó, tiểu quốc của một quý tộc Thái tại
UTong cũng nổi lên giành chính quyền và tuyên bố thành lập vương quốc
Ayutthaya tháng 3/1351, lấy hiệu là Rama Thibodi I (1351 - 1369).
Sau khi thành lập, Ayutthaya đã nhiều lần đem quân uy hiếp
Sukhothai. Không chống cự nổi, Sukhothai đành chấp nhận làm chư hầu
và chấm dứt sự tồn tại vương quốc này vào năm 1377. Ayutthaya trở
thành một trong những vương quốc lớn mạnh nhất của người Thái khi đó;
cũng được coi là giai đoạn phát triển đỉnh cao của chế độ phong kiến
Thái Lan. Lịch sử phát triển của Ayutthaya gắn liền với những cuộc
chiến tranh để mở rộng lãnh thổ và nâng cao uy quyền của các vị vua
Thái. Đáng kể nhất là những cuộc chiến tranh của Ayutthaya với Miến
Điện, một vương quốc lớn mạnh cũng muốn khẳng định vị trí bá quyền
tại khu vực Đông Nam Á lục địa khi đó.
Sau hai cuộc tấn công lớn của quân Miến Điện vào kinh thành
Ayutthaya vào các năm 1569 và 1767, nhất là vào tháng 4/1767, đã trở
thành mốc chấm dứt bốn thế kỷ vàng son của Ayutthaya. Kinh thành
Ayutthaya sau cuộc tấn công gần như hoang phế khi quân đội Miến Điện
đã đốt phá, cướp đi rất nhiều của cải châu báu, phá hủy nhiều tượng Phật
và chùa chiền. Mặc dù bị tàn phá, nhưng Ayutthaya vẫn là biểu tượng
cho sự phát triển thương mại và quyền lực của người Thái một thời. Sau
này, khi kinh đô được chuyển đến vùng Thonburi và Bangkok, vua của
các vương triều mới đã kế thừa những thành tựu vốn có từ Ayutthaya để
tiếp tục phát triển, giữ độc lập tương đối trước sự xâm lược của thực dân
Phương Tây.
Trước khi người Thái lập quốc, tại lưu vực sông Chaophraya Mê Nam
đã có nhiều dòng Phật giáo được truyền bá như Phật giáo của người Môn,
Phật giáo Campuchia, Phật giáo Pagan, Nhưng, người Thái đã tiếp
nhận và phát triển dòng Phật giáo Nguyên thủy Lankavong từ đảo quốc
Sri Lanka. “Vùng lưu vực Chaophraya rất quan tâm đến Phật giáo
Nguyên thủy bởi xã hội đô thị ở đây đánh giá rất cao tính cởi mở và chủ
nghĩa quân bình của nó: Mọi người đều có cơ hội như nhau để trở thành
nhà sư, bảo trợ cho giới tăng sĩ, hoàn toàn thoát khỏi thế giới trần tục.
Trên thực tế, Phật giáo Nguyên thủy này pha trộn với hình thức tu tập của
62 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
các tôn giáo khác, trong đó có vai trò của các vị thần Hinđu giáo (Ấn Độ
giáo) cùng với khái niệm về thế lực siêu nhiên vay mượn từ phái Mật
tông, cùng với tín ngưỡng dân gian đối với các thần linh, nhất là sức
mạnh có thể tiên đoán và ảnh hưởng đến tương lai”1. Điều này cho thấy
sự nhanh nhạy và sáng suốt của các vị vua Thái khi lựa chọn dòng Phật
giáo Nguyên thủy đã được tu chỉnh và có một hệ thống giáo lý, giáo luật
hoàn chỉnh làm nền tảng tư tưởng cho quốc gia non trẻ của mình. Vì thế,
họ rất quan tâm tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, nhất là tổ chức
Tăng đoàn (Sangha).
2. Sự phát triển của tổ chức Tăng đoàn trong các vương triều
Sukhothai, Ayutthaya và Bangkok
Nền tảng của xã hội Thái Lan dựa trên ba trụ cột liên quan là quốc gia
(Chart), tôn giáo (Sassana) và chế độ quân chủ (Phra Mahakasat). “Tôn
giáo, Phật giáo phục vụ như là hệ thống luân lý và là một lực lượng xã
hội lớn, trong khi đó chế độ quân chủ là tinh thần để đoàn kết và thống
nhất dân tộc Thái, trong đó Phật giáo là biểu tượng quan trọng nhất và là
cơ sở chính cho sự ổn định quốc gia và văn hóa. Do đó, sự thịnh vượng
của quốc gia được cho là liên quan đến sự thịnh vượng của Phật giáo, và
ngược lại, sự ổn định của quốc gia và tôn giáo là không thể tách rời”2.
2.1. Hệ thống tổ chức Tăng đoàn dưới vương triều Sukhothai
Ngay từ khi lập quốc, các vị vua thuộc vương triều Sukhothai đã nhận
thức rằng, Phật giáo chứ không phải là một lực lượng nào khác là nhân tố
cố kết cộng đồng quốc gia. Không những thế, một quốc gia non trẻ cũng
cần phải lựa chọn một nền tảng tư tưởng để đưa dân chúng về một mối và
Phật giáo đã làm được điều đó. “Trên hết, Sukhothai là một quốc gia Phật
giáo, các vị vua hào phóng hỗ trợ cộng đồng tự viện mới được củng cố và
được tiếp thêm sinh lực khi được đón một nhà sư nổi tiếng đến từ
Nakhon Si Thammarat. Người dân Sukhothai quan sát giới luật và tổ
chức Phật giáo với tâm trạng phấn khởi, nhất là trong các buổi lễ tôn
giáo. Nhà vua lắng nghe người dân của mình khiếu kiện, kiến nghị. Hằng
tuần, nhà vua theo các nhà sư để nghe giảng giáo pháp của Đức Phật.
Nhà vua và nhà sư cùng chia sẻ quyền lực, Phật giáo và nhà nước được
xác định là có mối liên hệ rất chặt chẽ”3.
Sự phát triển của Phật giáo Lankavong ở Thái Lan bắt đầu trong giai
đoạn trị vì của vua Ram Khamhaeng. Nhà vua đã cho mời các nhà sư Sri
Lanka từ Nakhon Si Thammarat đến Sukhothai để truyền dạy Phật pháp.
Lường Hoài Thanh. Sự phát triển của Tăng đoàn 63
63
Điều này dẫn đến sự phân biệt giữa các nhà sư đến từ Sri Lanka với các
nhà sư Thái Lan.
Tuy nhiên, với chính sách khôn khéo, vua Ram Khamhaeng đã thống
nhất được hai Tăng đoàn nêu trên thành một tổ chức Phật giáo thống nhất
toàn Sukhothai. Các nhà sư Lankavong và Sukhothai chung sống hòa
bình. Nhưng từ đây, Phật giáo Thái Lan được chia thành hai phái gọi là
Aranyavasi và Kamavasi4.
Vua Ram Khamhaeng đã mở rộng sự bảo trợ của hoàng gia đối với tăng
sĩ bằng cách áp dụng một số biện pháp để tổ chức và quản lý Giáo hội Phật
giáo tốt hơn. Nhà vua đã đặt ra các danh hiệu tôn kính trong Giáo hội
(Samanasak). Cũng giống như Sakdina là sự phân cấp thứ hạng trong xã
hội, các Samanasak tượng trưng cho thứ bậc nhà sư trong Tăng đoàn.
Trong đó, danh hiệu Tăng đốc (Somdet Chaophraya) là thứ hạng cao nhất
của một quan chức trong hệ thống Sakdina và tương đương là Tăng vương
(Somdet Phra Sangharacha) cho thứ hạng cao nhất của một nhà sư trong hệ
thống Samanasak hay người đứng đầu Giáo hội Phật giáo.
Hình thức Samanasak đã tồn tại từ vương triều Sukhothai khi nhà vua
tiếp nhận truyền thống này từ Sri Lanka, với cơ cấu tổ chức còn tương
đối đơn giản: cao nhất là Tăng vương (Phra sangharacha), tiếp đến là
Phra Khru (đứng đầu Tăng đoàn tại các tỉnh) và (Mahathera) tương ứng.
Những cấp bậc trong hệ thống Samanasak được nhà vua trao cho các tu sĩ
Phật giáo là một vinh dự suốt cuộc đời tương tự như danh hiệu được trao
cho các tu sĩ Bà La Môn giáo đã phục vụ trong các vấn đề thế tục của
hoàng gia.
Cơ cấu tổ chức Tăng đoàn (từ cao đến thấp) thời kỳ Sukhothai gồm:
Tăng vương (Phra Sangharat), Tăng già Tôn trưởng (Lesser Phra
Sangharat), nhà sư đứng đầu tỉnh (Phra Khru), tự viện trưởng (sư trụ trì),
các nhà sư5.
Trong hệ thống này, tổ chức Tăng đoàn được phân cấp tương ứng với
hệ thống chính quyền dân sự. Đỉnh của tổ chức Tăng đoàn là Tăng vương
(Phra Sangharat) được nhà vua bổ nhiệm trực tiếp. Giúp việc cho Tăng
vương là người đứng đầu Tăng đoàn tại các tỉnh (Phra Khru). Tăng
vương một số tỉnh và quốc gia chư hầu sẽ có quyền lực và uy tín ít hơn so
với Tăng vương tại thủ đô. Các Phra Khru được nhà lãnh đạo các tỉnh chỉ
định. Nhà sư trong các quốc gia chư hầu được giới cầm quyền các quốc
64 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
gia đó chỉ định trực tiếp. Tiếp sau là tự viện trưởng hay trụ trì các chùa.
Cuối cùng trong hệ thống tổ chức Tăng đoàn là nhà sư tại các chùa.
Vua là người có quyền can thiệp trực tiếp vào tất cả các vấn đề của tổ
chức Tăng đoàn. Do đó, sự thịnh suy của Phật giáo trong giai đoạn này
phụ thuộc vào sự quan tâm và đóng góp công đức của các vị vua.
2.2. Hệ thống tổ chức Tăng đoàn dưới vương triều Ayutthaya
Trong thời kỳ tồn tại của vương quốc Ayutthaya, Phật giáo Lankavong
tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, so với giai đoạn Sukhothai thì Phật giáo thời
kỳ Ayutthaya không đạt tới sự hưng thịnh tuyệt đối. Mặc dù vậy, các vị vua
Ayutthaya, trong điều kiện nhất định, vẫn quan tâm tới Phật giáo, và về cơ
bản, tôn giáo này vẫn được coi là quốc đạo. “Dù người Thái vẫn duy trì hồn
linh giáo trong quá trình di cư và lập quốc, sử dụng Bà La Môn giáo trong
các nghi lễ hoàng gia nhằm nâng cao uy quyền của các vị vua, nhưng Phật
giáo, nhất là Phật giáo Nguyên thủy, vẫn được coi là dòng tôn giáo chủ
đạo, là linh hồn của quốc gia và nhân dân Thái”6.
Nếu như trong giai đoạn Sukhothai, Phật giáo Lankavong được định
hình, thì đến thời kỳ Ayutthaya, Phật giáo lại mang cả bóng dáng của Ấn
Độ giáo. Các vị thần Ấn Độ giáo trở thành các đệ tử của Đức Phật hoặc
các vị thần địa phương của người Thái. Điều này do vùng đất Ayutthaya
trước đó nằm trong sự kiểm soát của Đế quốc Khmer - Angkor trong giai
đoạn cực thịnh vào các thế kỷ XII và XIII. Do đó, không chỉ tiếp nhận
Phật giáo, Ayutthaya còn tiếp nhận Ấn Độ giáo bằng cách mời các tu sĩ
Bà La Môn chủ trì các nghi lễ hoàng gia. Tuy nhiên, Ấn Độ giáo chỉ giới
hạn trong cung đình chứ không phát triển trong đa số cư dân Thái.
Bên cạnh yếu tố của Ấn Độ giáo, các vị vua Ayutthaya cũng có cơ hội
để lồng các khái niệm siêu nhiên vào trong các nghi lễ Phật giáo. “Họ tạo
mối liên hệ giữa sức mạnh của các vị thần địa phương, các tượng Phật
Palladian, các dòng sông và ngọn núi thiêng, voi trắng, xá lợi của Đức
Phật được cất giấu trong các tháp Chêđi”7. Để có được sự liên tưởng này,
các vị vua cần phải nhận được sự đồng tình của giới tăng lữ Phật giáo.
Do vậy, nhà vua và giới tăng sĩ đã thiết lập nên mối liên hệ mật thiết giữa
thần linh và những người lãnh đạo chính trị. Tăng đoàn cần sự bảo hộ và
bảo trợ của giới cầm quyền. Ngược lại, giới cầm quyền cũng yêu cầu
Tăng đoàn ủng hộ vai trò lãnh đạo của họ đối với dân chúng. Chính vì
thế, cơ cấu tổ chức Tăng đoàn thời kỳ Ayutthaya có một số sự thay đổi
nhất định so với giai đoạn Sukhothai.
Lường Hoài Thanh. Sự phát triển của Tăng đoàn 65
65
Hệ thống tổ chức Tăng đoàn giai đoạn đầu Ayutthaya vẫn giống như
thời kỳ Sukhothai cho đến năm 1424 khi một nhóm nhà sư Chiang Mai,
Campuchia và Miến Điện sau khi thọ đại giới tại Sri Lanka, trên đường
về đã dừng chân tại Ayutthaya, Sukhothai và Sawankhalok. Sau năm mùa
an cư kiết hạ, lập giới đàn tại Ayutthaya và các nơi khác, họ đã góp phần
rất lớn vào việc củng cố và phát triển toàn diện Phật giáo Lankavong trên
toàn lãnh thổ Thái Lan. Đồng thời, sự kiện này cũng làm xuất hiện một
dòng Phật giáo mới tại Ayutthaya là Vatnaratnavong (hoặc Pa Kaew)8.
Dòng Vatnaratnavong bắt đầu xuất hiện ở Ayutthaya trong giai đoạn trị
vì của vua Intharaja I vào năm 1422. Dòng Phật giáo này trước đó đã rất
hưng thịnh tại Nakhon Si Thammarat và Patalung. Đến thời Ayutthaya,
dòng Vatnaratnavong bắt đầu mở rộng sự ảnh hưởng lên Miền Trung và
Miền Bắc Thái Lan.
Chính sự ra đời của dòng Phật giáo mới và sự ảnh hưởng của truyền
thống Khmer - Ấn Độ giáo, hệ thống tổ chức Tăng đoàn từ đây được
phân cấp nhiều hơn và hệ thống Samanasak cũng phức tạp hơn thời kỳ
Sukhothai. Cụ thể: Tăng vương (Somdet Phra Sangharat): đứng đầu danh
nghĩa Tăng đoàn; ba Tăng thống (Chao kana Yai): đứng đầu nắm thực
quyền Tăng đoàn; Tăng già Tôn trưởng (Phraracha kana): đứng đầu thủ
đô và các tỉnh lớn; Tỳ kheo (Phra Khru): đứng đầu các tỉnh, thành phố
nhỏ; tự viện trưởng: giám sát hoạt động tôn giáo tại các chùa9.
Các tăng sĩ trong hệ thống Tăng đoàn được ủy quyền trong việc bổ
nhiệm các nhân viên hành chính của mình trong phạm vi quy định của
giới luật. Tăng thống và các Tăng già Tôn trưởng cũng thiết lập một ủy
ban cố vấn cho nhà vua trong các vấn đề liên quan đến giới luật Phật giáo
và các lễ nghi cung đình. Các nhà sư tham gia tổ chức Tăng đoàn và các
nhà sư trong cả nước đều nằm dưới sự giám sát và kiểm soát của Giáo
hội Phật giáo Thái Lan.
Những người đứng đầu trong hệ thống Tăng đoàn sống dựa vào chu
cấp của nhà vua và quý tộc, cũng như lợi tức từ các vùng đất của tự viện.
Nhưng về cơ bản, họ được người dân cung cấp thực phẩm và các nhu yếu
phẩm khác.
Năm 1455, đạo luật Phra Aiyakan Tamnang nai Thaharn lae Phonlarnan
đã được vua Trailok ban hành. Theo đạo luật này, dân số cả nước được phân
loại theo cấp bậc tương đương với quyền lực mà họ nắm giữ. Sự sắp xếp
thứ bậc trong trật tự xã hội này được gọi là hệ thống Sakdina.
66 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
Trong bộ luật có một điều khoản dành cho các tu sĩ Phật giáo, Bà La
Môn giáo và các tôn giáo khác. Thứ bậc Sakdina của tu sĩ Phật giáo cho
thấy khả năng và trách nhiệm của họ trong hệ thống tổ chức Tăng đoàn.
“Các Tỳ kheo (Phra Khru) có trình độ hiểu biết sâu sắc về Phật pháp
được 2.400 rai (6,25 rai = 1ha); các Tỳ kheo không có thẩm quyền trong
Giáo hội được 1.000 rai; nhà sư có kiến thức về Phật pháp được 600 rai;
những người kém hiểu biết về Phật pháp được 400 rai; những người mới
làm quen với Phật giáo (Sadi) được 300 rai và người bình thường được
200 rai”10.
Cũng trong giai đoạn trị vì của vua Trailok, Bộ Quản lý Giáo hội
(Krom Dhammamakan) được thành lập. Cơ quan này có trách nhiệm đối
với hoạt động của Tăng đoàn; trực tiếp nằm dưới sự quản lý của nhà vua.
Thông qua cơ quan này, nhà vua thực hiện việc bổ nhiệm các chức danh
cao cấp trong hệ thống tổ chức Tăng đoàn và cấp bậc trong hệ thống
Samanasak. Bộ phận này được trao quyền giám sát hành vi của nhà sư
trong tất cả các tỉnh. Gắn liền với Bộ Quản lý Giáo hội là một tòa án đặc
biệt có trách nhiệm xét xử các tội vi phạm giới luật nghiêm trọng của nhà
sư. Hệ thống này tồn tại cho đến giai đoạn đầu của vương triều Bangkok.
2.3. Hệ thống tổ chức Tăng đoàn dưới vương triều Bangkok
Trong giai đoạn đầu của vương triều Bangkok, cơ cấu tổ chức Tăng
đoàn vẫn duy trì như các thời kỳ Ayutthaya và Thonburi. Tuy nhiên, hệ
thống này đã bắt đầu có sự thay đổi trong thời kỳ trị vì của vua Rama III.
Theo đó, cả nước được chia thành bốn khu vực nằm dưới sự quản lý của
tổ chức Tăng đoàn: khu Trung, khu Bắc, khu Nam và khu Đông. Đứng
đầu tổ chức Tăng đoàn là Vua Sư (Somdet Sangharaja) và bốn vị đứng
đầu bốn khu Tăng đoàn do nhà vua trực tiếp chỉ định.
Trong giai đoạn trị vì của vua Rama IV (Mongkut), một dòng Phật
giáo mới do nhà vua sáng lập vào năm 1833 là Thammayutnikai tồn tại
song song với dòng Mahanikai trước đó.
Đến thời kỳ trị vì của vua Rama V (Chulalongkorn), Phật giáo
Nguyên thủy được củng cố và phát triển sâu rộng trong cả nước. Hệ
thống tổ chức Tăng đoàn cũng được bổ sung và hoàn thiện hơn so với các
giai đoạn trước. Theo đạo luật năm 1902, hệ thống Tăng đoàn (từ cao
xuống thấp) được tổ chức như sau: Vua Sư (Phra sangharat); Hội đồng
Tăng thống (Mahatherasamakom); Tăng đốc (Chao kana monthon); Tăng
Lường Hoài Thanh. Sự phát triển của Tăng đoàn 67
67
thống tỉnh (Chao kana muang); Chao kana amkhur (Kwang): tổ chức
Tăng đoàn cấp huyện; Chao kana tombon: tổ chức Tăng đoàn cấp xã; sư
trụ trì các chùa (tự viện); các nhà sư11.
Cấp trung ương gồm 4 Tăng thống (Chao kana Yai), mỗi người phụ
trách một khu, trong đó khu Bắc, khu Nam và khu Trung dành cho dòng
Mahanikai và khu Đông dành cho dòng Thammayutnikai. Mỗi Tăng
thống có một trợ lý riêng. Họ nằm trong Hội đồng Tăng thống
(Mahatherasamakom). Cơ quan cao nhất trong hệ thống tổ chức Tăng
đoàn này vừa là cơ quan quản lý, vừa là tòa án của Giáo hội Phật giáo.
Các Mahatherasamakom đồng thời là ủy ban cố vấn cho nhà vua trong
các vấn đề của Giáo hội và chính quyền; thực hiện chức năng hành chính,
tư pháp và quyền lực dưới sự giám sát của nhà vua.
Hệ thống tổ chức Tăng đoàn cấp tỉnh (monthon) được thiết kế song
song với chính quyền dân sự cấp tỉnh, gồm: tỉnh (changwat), huyện
(amphur/ kwang), xã (tombon). Đơn vị thấp nhất của tổ chức Tăng đoàn
là ngôi chùa. Mỗi cấp Tăng đoàn đều có người quản lý để giải quyết các
công việc trong mối quan hệ với chính quyền dân sự. Đứng đầu mỗi
monthon là Tăng đốc (Chao kana monthon) tương đương với Tăng già
Tôn trưởng, đứng thứ ba trong hệ thống tổ chức Tăng đoàn, được nhà vua
bổ nhiệm trực tiếp. Chức năng chính của Tăng đốc là giám sát các nhà sư
dưới quyền, thực hiện các quyết định của Hội đồng Tăng thống, bổ nhiệm
người quản lý Tăng đoàn cấp huyện, giúp cấp dưới giải quyết các vấn đề
tại địa phương, xét xử phúc thẩm đối với quyết định của cấp dưới, tiến cử
nhà sư dưới quyền vào các chức vụ trong Tăng đoàn.
Dưới Tăng đốc là Tăng thống các tỉnh. Họ là người được nhà vua trực
tiếp bổ nhiệm, chức năng tương tự như Tăng đốc, nhưng quyền lực chỉ
hạn chế trong phạm vi nắm quyền. Người đứng đầu hệ thống Tăng đoàn
ở cấp huyện được gọi là Chao kana amphur hoặc Kwang. Tại thủ đô
Bangkok, các Amphur được nhà vua trực tiếp bổ nhiệm, còn tại các tỉnh
khác họ sẽ được Chao kana monthon bổ nhiệm trên cơ sở sự giới thiệu
của Tăng đốc các tỉnh. Các Amphur được tăng sĩ đứng đầu tại các xã
(Tombon) hỗ trợ để quản lý hệ thống Tăng đoàn tại đây.
Dưới cùng trong hệ thống tổ chức Tăng đoàn là ngôi chùa do các sư
trụ trì. Đối với các ngôi chùa Hoàng gia, sư trụ trì được nhà vua trực tiếp
chỉ định. Nếu không, việc bổ nhiệm sẽ được thực hiện thông qua sự đồng
ý của các nhà sư trong ngôi chùa đó và sự ủng hộ của cộng đồng Phật tử.
68 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
Đạo luật năm 1902 cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền
đối với tổ chức Tăng đoàn. Nhà vua, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua
các quan chức dân sự, giám sát việc bổ nhiệm chức sắc quan trọng trong
tổ chức Tăng đoàn. Bên cạnh đó, Vụ Tôn giáo thuộc Bộ Giáo dục cũng
được thành lập để kiểm tra và giám sát việc quản lý tài sản của Tăng
đoàn, việc thành lập hoặc bãi bỏ các tự viện, việc đăng ký nhiệm vụ thực
hiện của các nhà sư, v.v
Sau này, hệ thống tổ chức Tăng đoàn còn được cải cách với hai đạo luật
được ban hành vào các năm 1941 và 1963. Mục đích của những đạo luật
này nhằm đặt tổ chức Tăng đoàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính
quyền dân sự, giúp Tăng đoàn vừa phát triển, vừa phục vụ cho mục đích
chính trị của chính quyền trung ương. “Việc tổ chức bộ máy hành chính
quản lý và giám sát Tăng đoàn Phật giáo, một mặt thể hiện sự quan tâm
của nhà nước đối với Phật giáo, mặt khác, chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ
giữa nhà nước với Giáo hội Phật giáo. Sự giám sát và khống chế của chính
phủ đối với Tăng đoàn nhằm ba mục đích sau: một là, ngăn ngừa khuynh
hướng lơi lỏng, hủ hóa trong giới tăng sĩ sẽ làm mất vai trò lãnh đạo tinh
thần trong xã hội; hai là, kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ nhà chùa trở
thành nơi che chở cho những phần tử phạm pháp và những thế lực chống
đối chính phủ; ba là, ngăn ngừa nguy cơ tổ chức Phật giáo can thiệp trực
tiếp vào chính trị mà chỉ biến nó thành công cụ của chính phủ”12.
Như vậy, trải qua các vương triều từ Sukhothai, Ayutthaya đến
Bangkok, hệ thống tổ chức Tăng đoàn đã không ngừng được hoàn thiện,
thể hiện rõ sự phân cấp cũng như chức trách và nhiệm vụ của các nhà sư
đối với Tăng đoàn và mối quan hệ của nó đối với chính quyền dân sự.
Điều này vừa cho thấy sự nhất quán trong chính sách của các vương triều
đối với Tăng đoàn, vừa cho thấy tầm nhìn của các vị vua Thái đối với
Phật giáo.
3. Nguyên nhân sự phát triển của tổ chức Tăng đoàn trong các
vương triều Sukhothai, Ayuthaya và Bangkok
Thứ nhất, người Thái trong quá trình di cư và lập quốc đã chuyển từ
giai đoạn cuối của công xã thị tộc sang xã hội có giai cấp và nhà nước,
nên hình thức tôn giáo cũng có sự chuyển biến. Bản thân người Thái cần
lựa chọn một tôn giáo để định hình về tư tưởng cho quốc gia non trẻ của
mình và Phật giáo đã được lựa chọn. Phật giáo mang đặc trưng hài hòa,
cởi mở và hướng thiện, nên dễ dàng xâm nhập vào hệ thống thờ cúng dân
Lường Hoài Thanh. Sự phát triển của Tăng đoàn 69
69
gian (hồn linh giáo) của người Thái, nhanh chóng được tiếp nhận và là
nhân tố không thể thiếu trong đời sống tôn giáo của họ. Người dân đặt
niềm tin vào Đức Phật, gắn bó và tập trung xung quanh các nhà sư. Điều
này lý giải vì sao, giai cấp thống trị Thái Lan tìm mọi cách để điều khiển,
sử dụng Phật giáo nhằm củng cố và xây dựng quốc gia thống nhất trong
mọi hoàn cảnh lịch sử. Nhà sư trở thành người có uy tín lớn trong nhân
dân, nên chỉ họ mới có thể tập trung và thống nhất được cộng đồng.
Đương nhiên, các vị vua Thái phải là người đứng đầu bảo trợ vĩ đại cho
Phật giáo. Khi đó, họ mới tập trung được quyền lực tối cao, vừa đứng đầu
nhà nước nắm quyền hành chính trị để áp đặt mọi chính sách đối với
nhân dân, vừa có sức lôi kéo và thống nhất các nhà sư. Nói chung, các
ông vua Thái trong lịch sử, từ Ramkhamhaeng, Trailokanat đến Rama IV,
Rama V, v.v đã thực hiện công việc này một cách xuất sắc.
Theo Ngô Văn Doanh: “Chế độ quân chủ của Thái Lan không tách rời
khỏi Phật giáo (). Chính liên minh này là cội nguồn sức mạnh và ổn
định của chế độ quân chủ Thái (). Và sự liên kết này đã đem lại lợi ích
không chỉ cho bản thân chế độ quân chủ mà cho toàn bộ quá trình chính
trị của Thái”13.
Thứ hai, do các cuộc chiến tranh để mở rộng và thống nhất lãnh thổ,
nên hệ thống chính quyền dân sự và khả năng kiểm soát, bảo trợ tổ chức
Tăng đoàn cũng không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Nếu như dưới
vương triều Sukhothai, hệ thống tổ chức Tăng đoàn mới chỉ dừng từ cấp
tỉnh đến cấp chùa, thì đến vương triều Ayutthaya, sự kiểm soát đã được
mở rộng với hệ thống Tăng đoàn đến các thành phố, thị trấn, số lượng
các chức sắc trong hệ thống Samanasak cũng được bổ sung. Đặc biệt, đến
vương triều Bangkok, nhất là cải cách của các vua Rama IV và Rama V,
hệ thống tổ chức Tăng đoàn đã được hoàn thiện từ trung ương tới địa
phương, số lượng tăng sĩ, các chức vụ và khả năng kiểm soát Tăng đoàn
đã diễn ra trên toàn lãnh thổ Thái Lan.
Thứ ba, các biến cố lịch sử trong nước, khu vực và thế giới đã ảnh
hưởng không nhỏ tới chính sách của các vị vua Thái đối với Phật giáo.
Nếu như dưới vương triều Sukhothai, Phật giáo Lankavong chiếm ưu thế
tuyệt đối, thì đến vương triều Ayutthaya do ảnh hưởng của văn minh
Khmer và các cuộc chiến tranh liên miên, nên Phật giáo lúc thịnh lúc suy,
hệ thống tổ chức Tăng đoàn cũng có nhiều điều chỉnh. Đến vương triều
Bangkok, với sự xuất hiện của thực dân Phương Tây, nhất là sự xuất hiện
70 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
của Công giáo, các vị vua Thái nhận thấy cần phải củng cố hơn nữa Phật
giáo, khẳng định vai trò quốc đạo của tôn giáo này cũng đồng thời để
khẳng định ý thức tự tôn dân tộc, bảo vệ truyền thống đất nước trước tác
động từ bên ngoài. Tóm lại, Phật giáo đã trở thành chỗ dựa vững chắc về
mặt tinh thần giúp cho người Thái có đủ niềm tin, bản lĩnh, nhạy bén,
linh hoạt và sáng suốt trong cuộc vận động đầy thách thức bảo vệ nền độc
lập dân tộc.
Thứ tư, từ khi ban hành bản đầu tiên năm 1932 đến nay, trải qua 17
lần thay đổi, dù Hiến pháp Thái Lan chưa bao giờ tuyên bố Phật giáo là
quốc giáo, nhưng thực tế, nhà nước Thái luôn dành sự ưu ái hết mức đối
với Phật giáo, dựa vào tôn giáo này để thực hiện các mục đích chính trị.
Thành công của các vương triều Thái Lan trước đây trong việc giải quyết
mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị cho thấy, quốc gia này đã biết dựa
vào Phật giáo để thống nhất quốc gia dân tộc, lấy Phật giáo làm nhân tố
để cố kết cộng đồng, giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc, tôn
giáo và chế độ quân chủ.
Đây là bài học kinh nghiệm để Thái Lan có thể giải quyết mối quan hệ
giữa tôn giáo và chính trị hiện nay, khi những xung đột tôn giáo đang
mâu thuẫn với những chính sách của quốc gia này./.
CHÚ THÍCH:
1 Chris Baker, Pasuk Phongaichit (Võ Thị Thu Nguyệt dịch), Lịch sử Thái Lan, Tư
liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: 27.
2 Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
Research Notes and Discussion Paper No. 28, Institute of Southeast Asia Studies,
Singapore: 17.
3 David K. Wyatt (1982), Thailand: A Short History, Yale University Press, New
Haven and London: 55.
4 Aranyavasi là những người sống ẩn dật trong rừng, chú trọng thiền định và tránh
xa cuộc sống trần tục. Kammavasi là những người nghiên cứu và giảng dạy kinh
điển Phật giáo, sống chủ yếu tại đô thị và làng quê.
5 Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
tlđd: 23.
6 Chanvit Kasetsivi and Micheal Wright, (2007), Discovering Ayutthaya, Toyota
Thailand Foundation and The Foundation for Promotion of Social Sciences and
Humanities Textbook: 9.
7 Chris Baker, Pasuk Phongaichit (Võ Thị Thu Nguyệt dịch), Lịch sử Thái Lan,
sđd: 28.
Lường Hoài Thanh. Sự phát triển của Tăng đoàn 71
71
8 Pa Kaew là tên một dòng Phật giáo Nguyên thủy, xuất hiện lần đầu tiên ở giai
đoạn Ayutthaya sớm, trước triều vua Borommotrailokanat. Trật tự của dòng Phật
giáo này giống như dòng Kamavasi vì các thành viên cũng tập trung nghiên cứu
và giảng dạy Phật pháp. Từ vương triều Ayutthaya cho đến thời vua Rama III
của vương triều Bangkok, tổ chức Tăng đoàn Thái Lan gồm ba dòng trên, trong
đó Kamavasi chia thành bên phải và bên trái, còn Aranyavasi vẫn giữ nguyên.
9 Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
tlđd: 24.
10 Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
tlđd: 6. Hệ thống Sakdina hoàn toàn bị bãi bỏ trong thời kỳ cai trị của vua Rama
V (Chulalongkorn).
11 Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
tlđd: 33.
12 Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
tlđd: 46.
13 Ngô Văn Doanh (2002), “Chế độ quân chủ Thái Lan và Phật giáo”, Nghiên cứu
Tôn giáo, số 5: 57 - 59.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chris Baker, Pasuk Phongaichit (Võ Thị Thu Nguyệt dịch), Lịch sử Thái Lan, Tư
liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
2. John F. Cady (1966), Thailand, Burma, Laos and Cambodia, The Modern
Nations in Historical Perspective, Prentie - Hall, Inc., Englewood Cliffs, New
Jersey, USA.
3. Richard D. Cushman (2000), The Royal Chronicles of Ayutthaya, The Siam
Society under Royal Patronage, Bangkok.
4. Ngô Văn Doanh, Quế Lai... (1991), Tìm hiểu văn hóa Thái Lan, tập 1, Nxb. Văn
hóa, Hà Nội.
5. Ngô Văn Doanh (2002), “Chế độ quân chủ Thái Lan và Phật giáo”, Nghiên cứu
Tôn giáo, số 5.
6. Chanvit Kasetsivi and Micheal Wright (2007), Discovering Ayutthaya, Toyota
Thailand Foundation and The Foundation for Promotion of Social Sciences and
Humanities Textbook.
7. Robert C. Lester (1973), Theravada Buddhism in Southeast Asia, Ann Arbor/
The University of Michigan Press.
8. Prince Damrong Rajanubhab (1973), Monuments of the Buddha in Siam, The
Siam Society Under Royal Patronage, Bangkok.
9. Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and Control over the Sangha,
Research Notes and Discussion Paper No. 28, Institute of Southeast Asia Studies,
Singapore.
10. S. J. Tambiah (1976), World Conquest and World Renouncer, A Study of
Buddhism and Polity in Thailand Against a Historical Background, Part of
72 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014
Cambridge Studies in Social and Cultural Anthropology, Cambridge University
Press.
11. Trần Quang Thuận (2006), Phật giáo Nam tông tại Đông Nam Á, Nxb. Tôn giáo,
Hà Nội.
12. Jeremias Van Vliet (1975), The Short History of the King of Siam, The Siam
Society, Bangkok.
13. David K. Wyatt (1982), Thailand: A Short History, Yale University Press, New
Haven and London.
Abstract
THE DEVELOPMENT OF THE THAILAND BUDDHIST
SANGHA IN THE SUKHOTHAI, AYUTTHAYA AND BANGKOK
KINGDOMS
The relationship between politics and religion in the Sukhothai,
Ayutthaya and Bangkok Kingdoms showed that Buddhism has a
tremendous role and position in the Thai political and social life during
this period. At the same time, this also showed that the ability took
control of the Kingdoms of Thailand for the Sangha organization system
more closely and more perfectly. The Thai feudal Government
considered Buddhism as a tool to enhance the authority of the Kings. In
contrast, the Buddhist circle needed to be patronized by the authority for
the development of the Sangha as well as for the benefit of the public.
This was one of those experiences for the Thai continued to resolve the
relationship between politics and religion in the current period.
Key words: Religion and Politics, Thailand Buddhism, Sukhothai,
Ayuthaya, Bangkok.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 24316_81332_1_pb_6835.pdf