Nghiên cứu tôn giáo - Tôn giáo mới ở nhật bản sau chiến tranh thế giới II nguyên nhân ra đời và một số đặc điểm

Ngoài ra, thông qua giao lưu với người dân địa phương khi tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các tôn giáo mới ở Nhật Bản cũng nâng cao hình ảnh cũng như danh tiếng cho bản thân. Điều đáng nói là, hoạt động thiện nguyện của các tôn giáo mới không chỉ trong phạm vi Nhật Bản, mà còn trên khắp thế giới. Tính quốc tế trong hoạt động của họ là một đặc trưng không thể không nhắc tới. Ở một số nước, số lượng tín đồ các tôn giáo mới Nhật Bản đã lên tới hàng triệu người, tạo thành một mạng lưới quốc tế, tiêu biểu như tổ chức Soka Gakkai Quốc tế (Soka Gakkai International/ SGI)

pdf10 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 679 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Tôn giáo mới ở nhật bản sau chiến tranh thế giới II nguyên nhân ra đời và một số đặc điểm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 91 NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG TRANG* TÔN GIÁO MỚI Ở NHẬT BẢN SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI II NGUYÊN NHÂN RA ĐỜI VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM Tóm tắt: Từ 1945 đến nay, sự xuất hiện của các tôn giáo mới ở Nhật Bản được coi như một hiện tượng điển hình. Bên cạnh tác động tích cực, sự phát triển của các tôn giáo mới ở Nhật Bản cũng gây ra không ít vấn đề phức tạp. Chính phủ Nhật Bản đã rất nỗ lực và đạt kết quả khả quan trong việc tìm giải pháp kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các tôn giáo mới, vừa đảm bảo nguyên tắc tự do tôn giáo, vừa duy trì sinh hoạt tôn giáo trong vòng trật tự. Việc nghiên cứu nguyên nhân xuất hiện cũng như một số đặc điểm của các tôn giáo mới ở Nhật Bản có thể gợi mở cho nghiên cứu hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Tôn giáo mới, Nhật Bản, Tenrikyo, Soka Gakkai, Aum Shinrikyo. 1. Dẫn nhập Nhật Bản là một đất nước đa tôn giáo. Bên cạnh những tôn giáo lớn truyền thống, có lịch sử lâu đời như Thần đạo, Phật giáo, Công giáo, còn có hàng trăm tôn giáo nhỏ và xuất hiện muộn hơn, thường gọi là tôn giáo mới. Khái niệm “tôn giáo mới” lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II (1945). Có nhiều cách xác định sự xuất hiện tôn giáo mới ở Nhật Bản tùy theo góc độ tiếp cận. Ở đây, chúng tôi xin nêu bốn cách xác định sự xuất hiện tôn giáo mới theo quan điểm của Inoue Nobutaka, giáo sư Trường Đại học Kogakuin, Nhật Bản1: Cách thứ nhất, tôn giáo mới là các tôn giáo xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX (cuối thời Mạc phủ Kamakura). Cách thứ hai, tôn giáo mới là các tôn giáo xuất hiện từ thời Minh Trị duy tân đến nay. Cách thứ ba, tôn giáo mới là các tôn giáo xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Cách thứ tư, tôn giáo mới là các tôn giáo xuất hiện sau Chiến tranh Thế giới II. * ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 Ở đây, nếu khu biệt các tôn giáo mới ở Nhật Bản xuất hiện trước năm 1945 có lẽ chưa đầy đủ. Bởi vì, nói đến các tôn giáo mới sau Chiến tranh Thế giới II phải đề cập đến các tôn giáo mới xuất hiện hoặc căn bản định hình trong những giai đoạn trước đó, song ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tôn giáo Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II, như trường hợp các giáo phái Tenrikyo hay Soka Gakkai. Vì vậy, bài viết này sử dụng thuật ngữ tôn giáo mới ở Nhật Bản chủ yếu theo cách hiểu thứ ba và thứ tư, tuy nhiên cũng xét đến một số tôn giáo mới theo cách hiểu thứ nhất và thứ hai, nếu chúng có vai trò nổi bật và tiếp tục phát triển không ngừng sau Chiến tranh Thế giới II. 2. Nguyên nhân xuất hiện các tôn giáo mới ở Nhật Bản 2.1. Sự thay đổi chính sách và luật pháp tôn giáo Nếu so với giai đoạn trước thì sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, chính sách tôn giáo của Nhật Bản đã thay đổi căn bản. Nguyên tắc “tế chính nhất trí” tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử bị bãi bỏ, thay vào đó là nguyên tắc “chính giáo phân ly”. Hơn thế nữa, theo Hiến pháp 1946 và Luật Pháp nhân tôn giáo, các tổ chức tôn giáo không được tham gia vào hoạt động của Nhà nước; Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tôn giáo; tôn giáo tách biệt với giáo dục. Trước Chiến tranh Thế giới II, mặc dù tự do tôn giáo được Hiến pháp công nhận, song trên thực tế, sự can thiệp của Nhà nước đối với tôn giáo vẫn rất đáng kể. Theo Điều 28 của Hiến pháp Minh Trị, mặc dù tự do tôn giáo được tuyên bố nhưng lại bị giới hạn: “Các thần dân Nhật Bản, trong phạm vi không làm tổn hại đến hòa bình và trật tự, không chống lại bổn phận của họ với tư cách là những thần dân, sẽ được hưởng tự do tín ngưỡng tôn giáo”. Năm 1939, Luật Đoàn thể tôn giáo được ban hành không chỉ nhằm mở rộng quyền kiểm tra, mà còn nhằm quản lý một cách chặt chẽ hơn các tổ chức tôn giáo với lý do vì hòa bình và sự ổn định xã hội. Vì vậy, sau khi Luật Pháp nhân tôn giáo được công bố năm 1951 với việc công nhận thực sự quyền tự do tôn giáo và với quy định khá thoải mái điều kiện tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo mới ồ ạt ra đời. Mặt khác, trong số các tổ chức tôn giáo xuất hiện sau Chiến tranh Thế giới II ở Nhật Bản có nhiều tổ chức tồn tại và hoạt động từ trước đó, nhưng không được thừa nhận chính thức, mà phải ẩn mình với tư cách một nhánh của tôn giáo truyền thống. Nguyễn Ngọc Phương Trang. Tôn giáo mới ở Nhật Bản... 93 93 2.2. Quá trình đô thị hóa phát triển nhanh chóng Bắt đầu từ những năm 1950, Nhật Bản bước vào quá trình đô thị hóa với tốc độ phát triển nhanh chóng. Đô thị hóa ở quốc gia này diễn ra mạnh mẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp. Các thành phố nhanh chóng mọc lên, nhất là các thành phố lớn có mật độ dày đặc ở đảo Honshu, trong đó thành phố lớn nhất Nhật Bản cũng là thành phố lớn nhất thế giới là Tokyo đã đạt 25 triệu dân năm 1990. Ngay từ năm 1960, Tokyo trở thành trung tâm kinh tế của Nhật Bản và thế giới. Theo dự báo của cơ quan thống kê Nhật Bản, đến năm 1990, Tokyo có 18 triệu dân, đến năm 2020 là 28 triệu dân. Nhưng thực tế, Tokyo đạt 29,8 triệu dân từ đầu năm 1995, đang là thành phố đứng đầu về dân số thế giới và còn giữ vị trí này đến năm 2010. Đầu những năm 1960, ở Nhật Bản, tỷ lệ dân sống ở thành thị và dân sống ở nông thôn đạt 7/3. Tỷ lệ chênh lệch này hiện nay còn cao hơn nhiều. Từ xưa, Phật giáo và Thần đạo đều lấy cơ sở là gia đình và cộng đồng, song sự phát triển của đô thị hóa ở Nhật Bản đã làm lung lay cơ sở đó. Từ những năm 1950, người ta chứng kiến hiện tượng tăng dân số cơ học từ nông thôn ra thành thị quy mô ngày một lớn. Các thanh niên ở nông thôn đến tuổi lao động hầu hết hướng tới các đô thị, nhất là các đô thị lớn, nơi họ có thể tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao hơn. Những người ra sống tại thành phố hầu như không còn cơ hội liên hệ thường xuyên với cơ sở thờ tự truyền thống ở quê hương, nơi mà trước đây họ là thành viên, cũng không có ý muốn gia nhập vào cơ sở thờ tự truyền thống ở thành phố. Thành phố trở thành nơi mà nhiều người cắt đứt mối liên hệ tâm linh với tôn giáo truyền thống quê nhà. Họ sống trong tình trạng gần như trống rỗng, hụt hẫng về tinh thần. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để tôn giáo mới nảy sinh. 2.3. Sự phát triển nhanh của đời sống kinh tế - xã hội Từ năm 1955 đến năm 1973 là giai đoạn mà nền kinh tế Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng rất cao. GDP thực tế hằng năm (năm gốc là 1965) của Nhật Bản thời kỳ này có tốc độ tăng lên tới hai chữ số. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào. Các nhà nghiên cứu gọi đó là giai đoạn phát triển thần kỳ hoặc thời kỳ phát triển cao độ của nền kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản từ một nước có nền kinh tế bị tàn phá nặng nền trong Chiến tranh Thế giới II đã đuổi kịp các nền kinh tế 94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 tiên tiến trên thế giới. Cùng với sự thịnh vượng, sự cạnh tranh trong xã hội Nhật Bản cũng trở nên gay gắt hơn gấp nhiều lần so với các giai đoạn trước. Con người sống trong môi trường có nhiều sức ép hơn, cho nên để tồn tại được, ai cũng đều phải nỗ lực hết sức mình. Tuy vậy, sự nỗ lực của con người nhiều khi chưa đủ. Việc thành công hay thất bại của một người nhiều khi phụ thuộc vào những yếu tố ngẫu nhiên, thường gọi là số phận. Mặt khác, trong một xã hội hiện đại hóa nhanh chóng như vậy, những mối quan hệ truyền thống dần rạn nứt, thay vào đó là những quan hệ nhiều khi mang tính cơ giới, mà Phương Tây từng gọi là kiểu quan hệ phi nhân. Chính vì vậy, không ít người Nhật Bản có cảm giác chán ghét, muốn xa lánh xã hội. Nhiều trường hợp rủi ro như ốm nặng, phá sản,... thường tìm đến thần linh để hy vọng sự phù hộ, tìm được một chút thư thái trong tâm hồn. Đáng chú ý là, trong xã hội Nhật Bản đương thời xuất hiện nhiều người tự cho rằng có khả năng tâm linh đặc biệt nào đó, chẳng hạn khả năng chữa bệnh bằng phép thuật. Họ tuyên bố được một vị thần linh ủy thác để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Những người dân dù thấm nhuần ít nhiều giáo lý các tôn giáo truyền thống vẫn bị lôi cuốn bởi những loại tôn giáo kiểu này do tính giản dị, thiết thực và không gò bó như các tôn giáo truyền thống. 3. Đặc điểm của các tôn giáo mới ở Nhật Bản Để có sức hút khó cưỡng lại như vậy, tôn giáo mới có những đặc điểm khác với tôn giáo truyền thống ở Nhật Bản. Qua khảo sát thực địa ở Nhật Bản trong gần một năm, chúng tôi nhận thấy, tôn giáo mới ở quốc gia này có một số đặc điểm sau đây: 3.1. Tính ma thuật, bí ẩn Tính ma thuật, bí ẩn là đặc điểm chung của tôn giáo mọi thời đại. Đặc điểm này tạo nên diện mạo thần thiêng và sức hút tín đồ của các tôn giáo. Tôn giáo mới ở Nhật Bản càng thể hiện rõ đặc điểm này. Người sáng lập ra các tôn giáo mới ở Nhật Bản thường được coi là có năng lực tâm linh, thay mặt một vị thần linh nào đó truyền dạy con đường giác ngộ cho tín đồ. Giáo phái Aum Shinrikyo (Chân lý Aum) tuyên truyền rằng luyện yoga có thể thu được năng lượng chữa bệnh, có thể bay lên khỏi mặt đất, có thể đọc được ý nghĩ, nhìn th ấu tương lai, thậm chí có thể vượt lên sinh tử. Tín đồ giáo phái Tenrikyo (Thiên Nguyễn Ngọc Phương Trang. Tôn giáo mới ở Nhật Bản... 95 95 Lý giáo) tin tưởng rằng, thần Tenri-Ono-Mikoto (Thiên Lý vương mệnh) truyền đạt ý nguyện thần thánh của mình thông qua giáo chủ Nakayama Miki. Các tín đồ giáo phái này chỉ tin tưởng vào một vị thần duy nhất là Tenri-Ono-Mikoto là Đấng Sáng thế và Đấng Sinh thành của loài người. Họ được truyền dạy, vũ trụ là thân thể của thần. Thuyết đầu thai cũng là một phần của tôn giáo mới này dưới hình thức denaoshi, nghĩa là “qua đời để tái sinh”2. Với giáo phái Omoto (Đại Bản giáo), tính ma thuật thể hiện rõ qua hình thức giáng bút (ofudesaki). Giáo chủ Deguchi Nao, vốn là một phụ nữ nội trợ, tuyên bố nhận được chỉ thị từ thần Kuni Kototachi Okami (theo truyền thuyết là một trong ba vị thần được sinh ra đầu tiên khi đất trời xuất hiện), trở thành sứ giả của thần, tự xưng là Ushitora no Konjin và viết lại những lời thần chỉ qua giáng bút. Một số tôn giáo mới khác như Tensho Kotai Jingokyo (Thiên chiếu Hoàng đại Thần cung giáo) nổi tiếng không chỉ bởi tính ma thuật trong giáo lý, mà còn ở các điệu múa đặc trưng, nên còn được gọi là “tôn giáo nhảy múa”. Có thể nói, càng mang tính ma thuật, bí ẩn, sức hút của các tôn giáo mới ở Nhật Bản càng tăng. Đó là điều tự nhiên khi con người đến với tôn giáo để tìm thấy niềm tin tâm linh, thậm chí tin vào một thế giới khác, lý tưởng và thiêng liêng hơn thế giới đang sống, để họ có động lực sống và phấn đấu, nhằm đạt được cảnh giới ở thế giới đó. 3.2. Tính hỗn hợp Cũng như Việt Nam, nơi các tục thờ Mẫu, thờ Thành hoàng hòa quyện với Phật giáo, ở Nhật Bản, các tôn giáo mới cũng mang tính hỗn hợp. Giáo phái Seicho no (Ngôi nhà của sự sinh trưởng) thờ cả Jesus (Kitô giáo), Bồ tát (Phật giáo), Khổng tử (Nho giáo). Giáo phái Tenrikyo ảnh hưởng của Thần đạo thể hiện rõ nét ở các nghi lễ, song trong triết lý lại ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo. Thuyết cuộc sống vui vẻ của giáo phái Tenrikyo đề cao việc sống khoan dung, tránh xa tham lam, ích kỷ, hận thù, giận dữ và kiêu căng. Tính cách tiêu cực không bị coi là tội lỗi trong giáo lý Tenrikyo, mà là “bụi”, một cách ẩn dụ, có thể được thổi bay khỏi tâm trí thông qua việc tu luyện hằng ngày và các nghi lễ của giáo phái này. Giáo phái Tenrikyo cho rằng, con người có tám loại “bụi” tinh thần, gồm: keo kiệt (oshii), thèm muốn (hoshii), căm ghét (nikui), tự ái (kawai), thù hận (urami), giận dữ (haradachi), tham lam (yoku), kiêu ngạo (kouman). Ở điểm này, triết lý của Tenrikyo khá tương đồng với tư tưởng 96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 tứ diệu đế, vô thường, luân hồi, nhân quả và con đường tu tập bát chính đạo để tới cõi Niết Bàn của Phật giáo. 3.3. Tính hiện thế Trái ngược với Phật giáo, Công giáo, hướng tới tu hành để đạt được cuộc sống hạnh phúc sau khi chết, các tôn giáo mới ở Nhật Bản đi vào những vấn đề hiện thế con người quan tâm như chữa bệnh, môi trường, đem lại cho họ lối thoát tinh thần, tìm thấy niềm vui sống. Giáo phái Tenrikyo và giáo phái Soka Gakkai (Sáng giá học hội) là hai tôn giáo mới điển hình như vậy. Trong thời gian đầu thành lập, Tenrikyo tiến hành các hoạt động từ thiện xã hội ở Nhật Bản như: mở trại trẻ mồ côi, nhà trẻ công cộng, trường học cho người khiếm thị. Hiện nay, hệ thống trường học, bệnh viện của Tenrikyo phát triển không chỉ ở Nhật Bản, mà còn ở một số quốc gia trên thế giới như Brasil, Argentina, Australia3. Tiếp theo Tenrikyo, Soka Gakkai cũng tích cực phát triển hệ thống trường học các cấp, mở viện nghiên cứu, tài trợ các hoạt động nhân đạo không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nước ngoài. Một số tôn giáo mới khác như Shinnyo- en (Chân như uyển), Rissho Koseikai (Lập chính giáo thành hội) tổ chức các hoạt động giúp đỡ trẻ em mồ côi, người gặp khó khăn, trao học bổng, tài trợ các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng. Tính hiện thế của các tôn giáo mới ở Nhật Bản không chỉ thể hiện ở các hoạt động hướng tới, mà còn ngay trong giáo lý và cách hành lễ. Trường hợp giáo phái Tenrikyo, phép thiêng sazuke được ban với hình thức như một buổi cầu kinh để chữa bệnh. Người tham gia phải thực hiện chín bài dạy chữa lành bệnh tật besseki. Phép thiêng sazuke được sử dụng cho những người đang chịu đau khổ vì bệnh tật, khẩn cầu thần linh ban phép để hồi phục. Việc hồi phục đòi hỏi sự cố gắng chân thành của cả người cần trị bệnh lẫn người quản lý sazuke, để gột sạch bụi tinh thần khỏi tâm trí họ. Giáo phái Shinnyoen thường có các buổi tập trung tín đồ tại cơ sở thờ tự để cầu nguyện, thiền định và luyện tập theo hình thức sesshin (接心/ cảm nhận và trái tim). Thông qua thiền định, các học viên có thể nhìn nhận lại bản thân và quyết tâm thực hành sự hòa hợp, lòng biết ơn, lòng nhân từ và sự chấp nhận. Mỗi người nhận ra tiềm năng thực sự của mình thông qua việc xử sự nhân từ và quan tâm tới người khác. Nhờ đó, học viên được khuyến khích áp dụng những hiểu biết sâu sắc có được từ thiền định sesshin vào cuộc sống hằng ngày. Giáo phái Koufuku no Kagaku (Khoa học hạnh phúc) tôn thờ El Cantare, vị thần sáng tạo ra Nguyễn Ngọc Phương Trang. Tôn giáo mới ở Nhật Bản... 97 97 vũ trụ. Phương châm của tôn giáo mới này là “tình yêu, giác ngộ, xây dựng xã hội lý tưởng”4, qua những buổi thuyết giảng về giác ngộ bao gồm bốn bước (Tứ chính đạo: yêu thương, hiểu biết, phản tỉnh, phát triển), xây dựng một quốc gia lý tưởng (Phật quốc), thu hút hàng vạn người vì đã giúp họ tìm lại được bản thân cũng như khám phá ra năng lực của bản thân. Có thể nói, tính hiện thế là một đặc điểm quan trọng, giúp các tôn giáo mới ở Nhật Bản thu hút được tín đồ cũng như t ạo nên sự gắn bó bền chặt giữa các tín đồ với giáo phái của mình. 3.4. Số lượng phụ nữ là người sáng lập khá đông đảo Điều này không phải vì phụ nữ đóng vai trò quan trọng hơn nam giới trong lịch sử tôn giáo Nhật Bản hiện đại, mà vì họ thể hiện sự năng động hơn nhiều trong lĩnh vực này. Giáo tổ Nakayama Miki của giáo phái Tenrikyo, Deguchi Nao của giáo phái Omoto và Kitamura Sayo của giáo phái Tensho Kotai Jingukyo là những trường hợp điển hình. Giáo phái Shinnyoen được thành lập với giáo chủ Shinjo Ito, song có sự giúp đỡ rất lớn của vợ ông, bà Tomoji Ito. Vai trò của Tomojji Ito trong giáo phái Shinnyoen tương tự như vai trò của bà Nagamura Myoko trong giáo phái Rissho Koseikai, một trong hai người đồng sáng lập ra tổ chức tôn giáo mới này. Ở Shinnyoen, về sau con gái của Shinjo Ito là Shinso Ito đã kế tục cha mình, tiếp tục đưa giáo phái này phát triển mạnh không chỉ ở Nhật Bản, mà còn ở Thái Lan, Sri Lanka... với các hoạt động thiết thực đóng góp cho hòa bình và ổn định của nhân loại. Cùng với vị trí thủ lĩnh, phụ nữ còn thường đóng vai trò như chức sắc, chức việc trong các tôn giáo mới ở Nhật Bản với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các tôn giáo truyền thống. Vì vậy, số tín đồ nữ trong các tôn giáo mới khá đông đảo, do họ tìm được chỗ đứng cũng như đóng góp đư ợc cho xã hội thông qua các hoạt động của tổ chức tôn giáo. Trong một xã hội chủ yếu quyền ưu tiên vẫn dành cho nam giới như Nhật Bản, đây là một trong những yếu tố tạo ra sức hút của tôn giáo mới. 3.5. Cách thức truyền giáo mang tính thế tục Thay vì truyền giáo thông qua đội ngũ tu sĩ như tôn giáo truyền thống, tôn giáo mới ở Nhật Bản tận dụng sức mạnh của các phương tiện truyền thông hiện đại như báo chí, ti vi, đài phát thanh và sau này là internet để tuyên truyền và kêu gọi những người quan tâm và gia nhập tổ chức của 98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 mình. Ngay trong bộ kinh điển của Tenrikyo, các từ thuộc về ngành xây dựng, làm đồ gỗ, nông nghiệp... được sử dụng khá nhiều để truyền bá một cách dễ hiểu nguyên lý của giáo phái này. Các tôn giáo mới truyền giáo không chỉ bằng cách tuyên truyền, kêu gọi trực tiếp, mà còn thông qua hoạt động trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, nghệ thuật Một nửa số sinh viên Trường Đại học Tenri của giáo phái Tenrikyo là tín đồ của tôn giáo mới này. Trong quá trình học tập, các sinh viên bình thường dần sẽ quan tâm và hứng thú với giáo lý của giáo phái Tenrikyo thông qua các hoạt động ngoại khóa ở trường, các buổi biểu diễn, tế lễ của sinh viên vốn là tín đồ. Do đó, số tín đồ của giáo phái Tenrikyo dần tăng lên. Ngoài ra, thông qua giao lưu với người dân địa phương khi tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các tôn giáo mới ở Nhật Bản cũng nâng cao hình ảnh cũng như danh tiếng cho bản thân. Điều đáng nói là, hoạt động thiện nguyện của các tôn giáo mới không chỉ trong phạm vi Nhật Bản, mà còn trên khắp thế giới. Tính quốc tế trong hoạt động của họ là một đặc trưng không thể không nhắc tới. Ở một số nước, số lượng tín đồ các tôn giáo mới Nhật Bản đã lên tới hàng triệu người, tạo thành một mạng lưới quốc tế, tiêu biểu như tổ chức Soka Gakkai Quốc tế (Soka Gakkai International/ SGI). 3.6. Tính nổi bật trong kiến trúc Do không bị đóng khung trong phạm vi tôn giáo truyền thống về giáo lý hay cách thức hoạt động, nên tôn giáo mới ở Nhật Bản khá năng động và sáng tạo trong việc tạo ra dấu ấn riêng. Một trong những điểm thú vị tạo ra diện mạo riêng cho các giáo phái này là kiến trúc cơ sở thờ tự. Có thể nói, quy mô, sự đa dạng và công phu trong kiến trúc cơ sở thờ tự của tôn giáo mới ở Nhật Bản tạo nên ấn tượng sâu sắc cho bất kỳ người nào đặt chân tới. Các cơ sở thờ tự này không chỉ mô phỏng kiến trúc Phương Tây một cách sáng tạo (Kofuku no Kagaku, Soka Gakkai, Rissho Koseikai,) hay theo kiến trúc truyền thống (Omoto), mà còn có những nét riêng biệt, như những mái nhà truyền thống kiểu Nhật, song lại đặt trên nóc các tòa nhà cao nhà cao tầng hiện đại (Tenrikyo), hay mái nhà 12 lớp (Reiyukai/ Linh hữu hội). Sự linh hoạt thể hiện ở cả kiến trúc bên ngoài lẫn kết cấu bên trong các cơ sở này. Ở các giáo phái Shinnyoen, Rissho Koseikai, Reiyukai, các buổi thuyết giảng cũng như tập trung định kỳ của tín đồ được tổ chức ở hội Nguyễn Ngọc Phương Trang. Tôn giáo mới ở Nhật Bản... 99 99 trường lớn theo kiểu nhà hát Châu Âu, có sức chứa hàng nghìn người, tượng Đức Phật được tạo tác công phu với kích thước lớn, đặt trên sân khấu rất trang trọng, khác hẳn với ngôi chùa truyền thống. Ở giáo phái Tenrikyo, chính giữa điện thờ là một kanrodai, cột trụ tôn giáo ở trung tâm thế giới, nơi giao thoa giữa Thiên Đường và Trái Đất (axis mundi), được gọi là Jiba (Địa trường). 4. Kết luận Trên đây là một số nét cơ bản về các tôn giáo mới ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II. Tuy các tôn giáo mới đều ra sức mở rộng ảnh hưởng cũng như xây dựng hình ảnh của mình như những tôn giáo vì hòa bình, đóng góp cho xã hội nhằm thu hút tín đồ, song không thể không kể đến một số mặt tiêu cực của chúng như lợi dụng tôn giáo để mưu lợi kinh tế, can thiệp vào đời sống chính trị, thậm chí gây hại cho an ninh xã hội. Điển hình là giáo phái Aum Shinrikyo đã xả khí độc sarin ở ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 khiến hàng nghìn người bị thương, hàng chục người bị chết, gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp Nhật Bản và thế giới, dẫn đến việc chính phủ nước này phải sửa đổi Luật Pháp nhân tôn giáo vào cuối năm 1995, thắt chặt hoạt động tôn giáo nhằm hạn chế hậu quả xấu cho xã hội. Gần đây, sự can dự và thắng thế về chính trị của giáo phái Soka Gakkai đang gây tranh cãi về nguyên tắc “chính giáo phân ly” của Nhật Bản. Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn, bài viết xin được dừng lại ở việc phân tích nguyên nhân ra đời và một số đặc điểm của tôn giáo mới tại Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp bàn sâu về đề tài này trong các bài viết tiếp theo./. CHÚ THÍCH: 1 Inoue Nobutaka, Recent Trends in the Study of Japanese New Religions, 2 Shimada Hiromi (2007), Nihon no 10 daishin shuukyou, Gentosha Shinsho, Japan: 29-30. 3 Inoue Nobutaka (2013), “Shinto kei Shinshuukyou no reikishi wo tadoru”, Ikkojin, No. 9, Japan: 29-32. 4 Shimazono Susumu (2004), From Salvation to Spirituality: Popular Religious Movements in Modern Japan, Vic., Trans Pacific, Melbourne: 267. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Hồng Thái chủ biên (2005), Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 2. Murakami Shigeyoshi (2005), Tôn giáo Nhật Bản, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. George Sansom (1994), Lược sử văn hóa Nhật Bản, tập I, II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 4. Joseph M. Kitagawa (2002), Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 5. Richard Bowing và Peter Komicki (1995), Bách khoa thư Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Hà Nội. 6. Sueki Fumihiko (Phạm Thu Giang dịch, 2011), Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 7. 出口三平、新宗教時代(I)、大蔵出版株式会社、1997. 8. 島田裕巳、新宗教ビジネス、株式会社講談社、2008. 9. 島薗進、現代宗教の可能性オウム真理教と暴力、株式会社岩 波書店、2002. 10.島田裕巳、日本の 10大新宗教、幻冬舎新書061. 11.石倉浩、日本の新宗教(知らないではすまされない)-読ん で ナ ッ ト グ、2 億人、巨 大 市 場 の 裏 の ウ ラ、文 庫ぎ ん が 堂、 2008. 12. Abstract NEW RELIGIONS IN JAPAN AFTER THE SECOND WORLD WAR THE CAUSE OF THE EMERGENCE AND CHARACTERISTICS From 1945 to present, the emergence of new religions in Japan was considered as one of typical phenomenon. Beside the positive effects, the expansion of new religions caused many complex issues. Japanese government attempted and achieved results in finding solutions to administer the new religious activities. It assured the principle of religious freedom and also maintained the religious activities in order. Researching the cause of emergence and some characteristics of new religions in Japan can help to research the new religious phenomenon in Vietnam at present. Keywords: New religion, Japan, Tenrikyo, Soka Gakkai, Aum Shinrikyo.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26682_89670_1_pb_2788.pdf