Nghiên cứu tôn giáo - Từ bi của phật giáo và đạo đức nhân loại

Từ bi của Phật giáo thời Lý - Trần là đỉnh cao của Bi - Trí/ đạo đức và Trí tuệ của Phật giáo Phát triển, cũng là của dân tộc và nhân loại. Thời đại văn minh vật chất, GDP được xem như là giá trị, là mục tiêu tối cao đã và đang đẩy đạo đức nhân loại trở về quá khứ. “Con người kinh tế”, “Con người văn minh dã man” càng ngày càng trở thành người mẫu hiện đại, còn Con người thì ngày càng được kính nhi viễn chi. Chủ nghĩa GDP giàu mạnh đang lạc lối trước cửa ngõ “trái tim của thế giới không có trái tim” và đang cách xa thế giới tâm linh của con người. Quyền lực, pháp chế, chế tài hình như đang nhường chỗ tình yêu thương con người cho các tôn giáo. Từ bi của Phật giáo cũng ở trong số đó. Nếu Từ bi của Phật giáo là đạo đức của dân tộc và nhân loại thì môi trường sống sẽ không phải chết, quan hệ giữa con người sẽ là quan hệ con người chứ không phải là quan hệ chó sói. Quan hệ giữa người và người là quan hệ Từ bi, là Bi và Trí. Từ bi tồn tại cùng với nhân loại và nhân loại sẽ tồn tại cùng với Từ bi./

pdf10 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 808 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Từ bi của phật giáo và đạo đức nhân loại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
116 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 HÀ THÚC MINH(*) TỪ BI CỦA PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC NHÂN LOẠI Tóm tắt: Bài viết này đề cập đến phạm trù Từ bi của Phật giáo trong sự so sánh với các phạm trù Nhân ái của Nho giáo, Bác ái của Kitô giáo; so sánh Từ bi của Phật giáo Việt Nam với Từ bi của Phật giáo Trung Quốc; trên cơ sở đó, phân tích vai trò Từ bi của Phật giáo đối với đạo đức dân tộc Việt Nam và nhân loại trong lịch sử cũng như trong thời đại văn minh vật chất hiện nay. Từ khóa: Từ bi, Nhân ái, Bác ái, Phật giáo, Nho giáo, Kitô giáo. Phật giáo vào Việt Nam lúc nào thì Từ bi xuất hiện vào lúc ấy. Nói đúng hơn, Phật giáo hay Từ bi cũng chỉ là một. Phật giáo ra đời không ngoài mục đích giải thoát chúng sinh, giải thoát nhân loại khỏi khổ đau. Có khổ đau mới có Từ bi, có Từ bi mới có Phật giáo. Quán vô lượng thọ kinh chép: Tâm của chư Phật là tâm đại từ bi (Chư Phật tâm giả, đại từ bi thị, 诸 佛 心 者 大 慈 悲 是). Đại trí độ luận giải thích thêm: Hết thảy những điều trong Phật pháp, Từ bi là quan trọng nhất (Nhất thiết chư Phật pháp trung từ bi vi đại, 一 切 诸 佛 法 中 慈 悲 为 大); Từ bi là gốc rễ của đạo Phật (Từ bi thị Phật đạo chi căn bản, 慈 悲 是 佛 道 之 根 本). Phật giáo hay Từ bi đến với Việt Nam khác với Trung Quốc. Trung Quốc dựa vào Nho giáo, Đạo giáo và các học thuyết có lịch sử lâu đời chẳng kém gì Phật giáo ở Ấn Độ để lĩnh hội vị khách từ Tây Trúc viếng thăm này. Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, quyển 117 cho rằng, Phật giáo chẳng có gì mới cả: “Giáo lý của nhà Phật, về Thanh tịnh thì có nguồn gốc ở Lão Tử, về Từ bi thì có nguồn gốc ở Mặc Tử” (Nhiên Phật thị chi giáo, kỳ thanh tịnh thủ chư Lão, kỳ từ bi thủ chư Mặc, 然 佛 氏 之 教 其 请 净 取 诸 老 其 慈 悲 取 诸 墨)1. * PGS., Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Thúc Minh. Từ bi của Phật giáo 117 117 Có lẽ nên so sánh những điểm dị đồng giữa các học thuyết hơn là khẳng định cái này từ cái kia mà ra. Việt Nam không có điều kiện để so sánh như vậy, tam giáo gần như du nhập cùng một lúc. Lấy giáo lý để lĩnh hội giáo lý như Mâu Tử trong Lý hoặc luận không phải là sở trường của Việt Nam. Phật giáo vào Việt Nam từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống như ở Trung Quốc2. Cho nên, tam giáo đồng nguyên ở Việt Nam là đồng nguyên ở tiêu điểm văn hóa truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân. Nói cách khác, Từ bi của Việt Nam đã bắt gặp Từ bi của tam giáo3. Tam giáo đồng nguyên ở thời Lý - Trần là Từ bi thực hành được lý thuyết hóa. Sự thống nhất giữa Từ bi bên trên và Từ bi bên dưới đã tạo thành sức mạnh phi thường trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như xây dựng đất nước ta. Nói cách khác, đồng nguyên giữa tam giáo xuất phát từ lợi ích và tinh thần dân tộc chứ không phải từ lợi ích, từ quyền lực của giai cấp thống trị. Nếu như Từ bi trong truyện dân gian Quan Âm Thị Kính bị lãng quên hay bị đánh mất, có nghĩa là xã hội đang đứng trước ngã ba đường về giá trị đạo đức, văn hóa. 788 câu thơ lục bát của truyện Quan Âm Thị Kính có thể tóm lại trong một chữ, đó là chữ Từ (câu 624). Ôi, chữ Từ của “một thời để nhớ” là chữ Từ gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc, còn chữ Từ “một thời để quên” là chữ Từ bị che lấp bởi đồng tiền và quyền lực! Như vậy, chữ Từ hay Từ bi ở mỗi thời đại khác nhau được nhận thức và thực hành theo nhiều cách khác nhau. Từ bi là Từ và Bi, là hai đức tính (tinh thần) cơ bản trong bốn đức tính mà Phật giáo gọi là Tứ vô lượng (Caturapramana), hoặc Tứ vô lượng tâm (四 无 量 心)4. Theo Câu xá luận, quyển 29, Vô lượng (无 量) nói về đối tượng vô lượng, bao quát mọi chúng sinh, không hạn chế một ai cả (vô lượng chúng sinh, 无 量 众 生) và hiệu quả vô lượng, lợi ích đem lại cho chủ thể cũng như khách thể đạo đức là vô cùng lớn lao (vô lượng phúc quả, 无 量 福 果). Bốn đức tính đó gọi là Từ (慈/ Maittri/ Metta), Bi (悲/ Karuna), Hỷ (喜/ Mudita), Xả (舍/ Upeksa/ Upekkha)5. Kinh tập giải thích: Từ là lòng mong muốn đem lại lợi ích và an lạc cho người khác. Bi là hy vọng nhằm 118 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 118 loại trừ những khổ đau không có lợi cho người khác hoặc có hại cho người khác (Từ thị lợi ích hòa an lạc tha nhân đích tâm nguyện. Bi thị trừ khử bất lợi tha nhân hoặc hữu hại tha nhân chi khổ chi hy vọng, 慈 是 利 益 和 安 乐 他 人 的 心 愿, 悲 是 除 去 不 利 他 人 或 者 害 他 人 之 苦 之 希 望). Phật học đại từ điển Đinh Phúc Bảo định nghĩa, Tứ vô lượng là bốn đức tính của Phật Bồ Tát gồm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tâm niệm đem lại niềm vui cho người khác gọi là Từ; tâm niệm làm cho người khác bớt khổ đau gọi là Bi; vui mừng vì chúng sinh được an lạc, tránh khổ đau gọi là Hỷ; tâm niệm đối với chúng sinh không tính toán thân sơ, đối xử với mọi người bình đẳng như nhau gọi là Xả (Phật Bồ Tát từ, bi, hỷ, xả chi tứ đức dã. Dữ lạc chi tâm vi từ, bạt khổ chi tâm vi bi, hỷ chúng sinh ly khổ hoạch lạc chi tâm viết hỷ, ư nhất thiết chúng sinh xả hận thân chi niệm nhi bình đẳng nhất như viết xả, 佛 菩 萨 慈 悲 喜 舍 之 四 德 也,与 乐 之 心 为 慈,拔 苦 之 心 为 悲,喜 众 生 离 苦 获 乐 之 心 曰喜,于 一 切 众 生 舍 恨 亲 之 念 而 平 等 一 如 曰 舍). Thông thường, Từ vẫn được hiểu là đem lại niềm vui (dữ lạc, 与 乐), Bi có nghĩa là giảm bớt khổ đau (bạt khổ, 拔 苦). Nhưng không phải ai cũng hiểu như vậy. Chẳng hạn Vãn sinh luận chú cho rằng, giảm bớt khổ đau cho người khác gọi là Từ, đem lại niềm vui cho người khác gọi là Bi (Bạt khổ viết từ, dữ lạc viết bi, 拔 苦 曰 慈,与 乐 曰 悲). Niết Bàn kinh, quyển 14, cũng cùng kiến giải: Giảm bớt những gì không có ích lợi cho chúng sinh gọi là Đại Từ, đem lại niềm vui vô hạn cho chúng sinh gọi là Đại Bi (Vi chư chúng sinh trừ vô lợi ích thị danh đại từ, dục dữ chúng sinh vô lượng lợi lạc thị viết đại bi, 为 诸 众 生 除 无 利 益 是 名 大 慈,欲 与 众 生 无 量 利 乐 是 名 大 悲). Như vậy, Từ được hiểu là Bi và Bi lại được hiểu là Từ. Cái nọ thành cái kia và cái kia thành cái nọ. Nhưng thực ra, Từ và Bi là hai mặt của một vấn đề, cho nên gọi là Đại Từ, Đại Bi hay Đại Từ Bi cũng thế mà thôi. Thậm chí, chỉ cần một chữ Từ cũng đủ rồi. Bởi vì, theo Nhân Vương Hà Thúc Minh. Từ bi của Phật giáo 119 119 kinh, Từ là mẹ của mọi đức tính (Từ vi nhất thiết đức chi mẫu, 慈 为 一 切 德 之 母). Metta Sutta có thể gọi là Từ kinh hay Từ bi kinh cũng chẳng có gì khác nhau. Cũng như Ngũ thường của Nho giáo bao gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nhưng gọn lại chỉ cần một chữ Nhân là đủ. Từ của Phật giáo thường được ghép với Ái (爱) thành Từ ái (慈 爱). Nhân (仁) là cốt lõi của Nho giáo, là Nhân ái (仁 爱), là yêu người. Ái còn là một trong ba mỹ đức của thần học Kitô giáo, cũng là một trong ba cương lĩnh của Chúa Giêsu6. Như vậy, phải chăng yêu thương mọi người, yêu thương nhân loại là tiêu điểm của Phật giáo, Nho giáo và Kitô giáo? Nhưng, tình thương hình như vẫn đang bị bóng đen của hận thù và dục vọng vô bờ che lấp. Mahatma Gandhi, vị thánh của người Ấn Độ, đã từng sống và kêu gọi mọi người hãy sống theo tinh thần “chấp trì chân lý” (Satyafraha), nghĩa là từ bi, tình thương và phi bạo lực (Ahimsa). Mahatma Gandhi đã cảnh báo về tám sai lầm lớn đối với nhân loại. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông bị hành thích. Nghe đâu, trước khi từ giã cõi đời, ông còn đưa tay lên trán tỏ ý khoan dung cho kẻ đã hành thích mình. Có thể trích ra đây một vài sai lầm mà ông đã phê phán: của cải mà không tự mình làm ra, hưởng lạc mà vô lương tri, tri thức mà không có phẩm hạnh, buôn bán mà không có đạo đức, khoa học mà không có nhân tính, quyền lợi mà không có trách nhiệm, v.v... Như vậy, hạnh phúc của con người được giải quyết bằng đạo đức, bằng từ bi hay bằng bạo lực? Hầu như ít ai lại đồng tình bạo lực đem lại hạnh phúc. Nếu như vậy, con người đâu có hơn gì con vật? Nhưng con người cũng là con vật kia mà! Tính người đâu đã dễ dàng thắng được tính động vật. Đức tính Từ bi cao cả của lý tính e rằng còn lâu mới có thể thuyết phục nổi nắm đấm của những con người công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chẳng trách học trò của Khổng Tử lại dám lên tiếng chê học thuyết nhân ái của thầy là không thực tế (vu khoát). Còn Khổng Tử thì tự an ủi rằng biết thừa là học thuyết của mình không thực thi được nhưng vẫn cứ làm. Có lẽ, ông hy vọng rằng, một ngày nào đó trên trái đất, thuyết nhân ái của ông sẽ chiếm được ưu thế chăng? Giá như sống lại ở thế kỷ XXI, ông sẽ thấy mọi việc chẳng có gì khác xưa, thậm chí có khi còn tệ hại hơn là đằng khác. 120 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 120 Thuyết nhân ái nổi tiếng của Khổng Tử gồm hai nguyên tắc gọi là Trung (忠) và Thứ (恕). Trong Luận ngữ, Khổng Tử giải thích Trung như sau: Nếu ta muốn đứng được trong xã hội thì nên làm cho người khác cũng đứng được như vậy, ta muốn được thành đạt thì nên làm cho người khác cũng thành đạt như vậy (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân,己 欲 立 而 立 人, 己 欲 达 而 达 人). Thứ nghĩa là cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, 己 所 不 欲 勿 施 于 人). Nhưng giữa Trung và Thứ, Khổng Tử vẫn xem trọng Thứ hơn là Trung. Tử Cống hỏi thầy, liệu có câu nói nào mà suốt đời cần phải theo hay không? Khổng Tử đáp, đó là Thứ, nghĩa là cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác (Kỳ thứ hồ, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, 其 恕 乎!己 所 不 欲 勿 施 于 人). Không khó khăn lắm để tìm thấy những câu tương tự như thế trong Kinh Thánh. Trong Tân Ước có câu: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Matthew 7: 12). Trong Cựu Ước cũng có câu tương tự như Thứ của Nho giáo: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tobias 4:15). Thomas Hobbes trong tác phẩm Leviathan, khi đề cập về Nhà nước cũng đề cập đến nguyên tắc vàng (Golden Rule) nói trên. Thực ra, nguyên tắc vàng còn xuất hiện ở kinh điển nhiều tôn giáo trên thế giới. Chẳng hạn như câu “Bất kỳ ai làm cho người khác những gì mà mình không muốn thì kẻ đó không xứng đáng là tín đồ” của Islam giáo (Bốn mươi Thánh huấn: 13); câu “Nhân loại nên lấy đạo lý của mình để đối xử với kẻ khác” của Jaina giáo (Sutrakritanga: 11), v.v... Nguyên tắc vàng phổ biến như vậy, nên Tuyên ngôn đạo đức toàn cầu (Declaration Toward a Global Ethic)7 xem đó như là điểm đồng quy của đạo đức nhân loại: “Hàng nghìn năm qua, rất nhiều tôn giáo và truyền thống đạo đức của nhân loại đều duy trì một nguyên tắc, đó là: “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Điều đó cần phải trở thành nguyên tắc tuyệt đối vô điều kiện, thiên cổ không thay đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm gia đình, xã hội, các chủng tộc, các quốc gia và các tôn giáo”. Đó là điểm tương đồng giữa đạo đức và văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Tuy nhiên, ngay ở điểm tương đồng này cũng đã có dị biệt, Hà Thúc Minh. Từ bi của Phật giáo 121 121 không chỉ giữa Phương Đông và Phương Tây, mà còn giữa Phương Đông và Phương Đông. Kinh Thánh, hay văn hóa Phương Tây, thường tách biệt giữa con người và tự nhiên, giữa chủ thể và khách thể, cho nên có phần thiên về Trung hơn là Thứ. Cho nên, nguyên tắc Thứ của Khổng Tử bị xem là có phần tiêu cực, còn Trung mới là tích cực. Nhiều học giả lại cho rằng, Thứ mới là cơ bản, còn Trung mà Phương Tây đề cao có thể là nguyên nhân của chủ nghĩa nhân loại trung tâm, Châu Âu trung tâm, cá nhân trung tâm, chân lý bản vị, Cái gì mình thích, cái gì mình cho là đúng thì nên/ bắt mọi người cũng thích và cho là đúng như mình. Nói vậy thôi chứ không phải mọi người đều khen nguyên tắc Thứ của Khổng Tử. Chưa chắc cái gì mình thích thì người ta cũng thích, cái gì mình không thích thì người ta cũng không thích? Cho nên, suy bụng ta không phải lúc nào cũng ra bụng người. Nhưng dầu sao, “hễ ta không muốn thì người chẳng ưa”, nghĩa là đừng đụng đến người khác có lẽ còn hơn là “hễ ta đã muốn thì người phải ưa”. Đó là chỗ kẹt của nguyên tắc Thứ và Trung của Kitô giáo. Xuất phát điểm, Từ bi của Phật giáo không phải từ chủ thể để đến với khách thể, không phải suy bụng ta ra bụng người. Đã là Vô ngã thì làm sao suy bụng ta được? Từ bi của Phật giáo không khiên cưỡng đem muốn hay không muốn của mình áp đặt cho người khác8. Cơ sở của Từ bi không phải là chủ nghĩa kinh nghiệm, cảm tính. Cho dù Vô ngã ở Phật giáo Nguyên thủy chủ yếu là phê phán Vị ngã trên bình diện đạo đức, nhưng từ thuyết duyên khởi Nagajruna/ Long Thọ đã tiến thêm một bước thống nhất giữa Vô ngã và Tính không, giữa đạo đức và triết học. Cơ sở của Từ bi không phải là kinh nghiệm, mà là triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” (无 缘 大 慈 同 体 大 悲), nghĩa là Đại từ là do nhận thức được Duyên là Không (Vô duyên), Đại bi là do lĩnh ngộ chúng sinh và bản thân cùng một gốc (đồng thể). Cho nên, đạo đức và trí tuệ, hay Bi và Trí trở thành yêu cầu không thể thiếu của Phật giáo Phát triển. A La Hán (阿 罗 汉/ Arhat) là hình tượng của Phật giáo Nguyên thủy, chủ yếu là tự độ, tự giải thoát, thịnh hành nhất ở thế kỷ II - III trước Công nguyên. Bồ Tát/ 菩 萨 hay Bồ Đề Tát Đóa / 菩 提 萨 缍, Bồ Đề Tát Đa/ 菩 提 萨 多/ Bodhisattva/ Bodhisatta, mới thực sự là hình tượng của Phật giáo Phát triển9. Bodhi nghĩa là trí tuệ, Satva nghĩa là chúng sinh hữu tình. 122 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 122 Cho nên, Bồ tát được dịch là giác ngộ chúng sinh hữu tình (Giác hữu tình, 觉 有 情). Bồ tát bao gồm trí tuệ và từ bi, thể hiện của Từ bi lại là Bố thí. Bố thí được xếp ở hàng đầu của Lục độ. Bố thí có nhiều hình thức, nhiều phương pháp, nhiều cấp độ. Du già sư địa luận (Yogacarabhumi - Sastra) chia Bố thí làm ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Bố thí không phải chỉ là hành vi lợi người, thiệt mình, mà là hành vi tự lợi, lợi tha, thậm chí không phân biệt giữa chủ thể và khách thể, giữa người bố thí và người được bố thí. Kinh Kim cương đã từng lưu ý điều đó: Bồ tát cứu độ không biết bao nhiêu là chúng sinh nhưng thực ra chẳng có chúng sinh nào được cứu độ cả (Bồ tát diệt độ vô lượng chúng sinh thực vô chúng sinh đắc diệt độ giả, 菩 萨 灭 度 无 量 众 生 实 无 众 生 得 灭 度 者). Hoàn toàn không có sự phân biệt giữa người cứu độ và người được cứu độ, cho nên Từ bi hay Bố thí không có thân sơ, trên dưới. Khen cho ai đã chuyển từ độc thiện kỳ thân sang thiện cùng đại thiên hạ. Vĩ đại thay cho tuyên bố: Ta không vào Địa Ngục thì còn ai vào Địa Ngục? Chừng nào Địa Ngục còn chúng sinh thì ta thề không thành Phật (Ngã bất nhập địa ngục thùy nhập địa ngục? Địa ngục bất không thệ bất thành Phật, 我 不 入 地 狱 谁 入 地 狱?地 狱 不 空 誓 不 成 佛)10. Như vậy, Phật không phải chỉ ở Niết Bàn mà còn ở Địa Ngục, ở nơi mà chúng sinh cần đến Người hơn bất cứ nơi nào trên cõi đời này!!! Nhân ái của Nho giáo dựa trên cơ sở huyết thống để phân biệt thân sơ, dựa vào địa vị xã hội để phân biệt trên dưới. Phạm vi Nhân ái của Nho giáo chủ yếu là con người chứ không bao quát mọi chúng sinh, mọi sinh vật như Từ bi của Phật giáo. Cho nên, quan hệ giữa con người và tự nhiên của Phật giáo có phần hài hòa hơn là “thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo. Từ bi của Phật giáo cũng không đặt con người vào vị trí trung tâm vũ trụ hay con người được Thiên Chúa sinh ra để cai quản muôn loài như Kitô giáo. Như vậy, hành tinh xanh đang cần đến Từ bi và Từ bi cũng đang hướng về hành tinh xanh! Không có hành tinh xanh thì cũng không có sinh vật, không có sự sống và không có con người. Từ bi vô lượng hay Tứ vô lượng tâm của Phật giáo chẳng phải với mục đích cao cả đó sao? Tuy nhiên, cái gọi là Tình thương của Phật giáo đối với chúng sinh không hoàn toàn giống như Bác ái của Kitô giáo hay Nhân ái của Nho giáo. Thậm chí, có người còn Hà Thúc Minh. Từ bi của Phật giáo 123 123 cho rằng, Phật Thích Ca chưa bao giờ kêu gọi Bác ái như Kitô giáo cả. Rắc rối có lẽ là tại chữ Ái mà ra. Chỉ có một chữ Ái nhưng lại được dịch từ nhiều chữ Sanskrit, Pali khác nhau trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển thì làm sao mà không rắc rối được? Chữ Sanskrit hay Pali được dịch ra chữ Hán là Ái (爱), nhưng Ái lại có nghĩa rộng hơn Love trong tiếng Anh hay Liebe trong tiếng Đức. Ái trong kinh điển Phật giáo nói chung chia làm hai loại: loại chỉ đức tính tốt và loại chỉ tính xấu, gọi là ô nhiễm, chấp trước. Ví dụ như Sneha có nghĩa là cha mẹ thương (Ái) con (xem Phật sở hành tán), Preman/ Pema có nghĩa là tình bằng hữu (xem Pháp cú kinh), Đó là những từ chỉ đức tính tốt. Còn những từ có tính ô nhiễm cũng được dịch là Ái, ví dụ như Chanda có nghĩa là ham thích (xem Tạp A hàm kinh), Trsna/ Tanha có nghĩa là ham muốn (xem Câu xá luận và Tạp A hàm kinh), đều là những từ thuộc loại chấp trước cần phải loại trừ. Như vậy, có thể thấy, chữ Ái được dịch từ kinh điển Phật giáo chủ yếu không biểu thị đức tính tốt mà thường ngược lại. Ngay ở Tứ diệu đế hay Thập nhị nhân duyên, Ái và Dục là những từ đồng đẳng, được xem là nguyên nhân cơ bản của khổ đau. Ái dục là yêu thích, là ham muốn chiếm đoạt những đối tượng do nhân duyên hợp thành, không có tự tính, thực ra là ảo, là không tồn tại. Cho nên, Từ bi của Phật giáo không hoàn toàn giống như Bác ái của Kitô giáo hay Nhân ái của Nho giáo cũng là lẽ đương nhiên11. Có lẽ vì vậy, Nagajruna/ Long Thọ đã chia Từ bi thành ba mức độ: Chúng sinh duyên (众 生 缘), Pháp duyên (法 缘) và Vô duyên (无 缘). Chúng sinh duyên là từ bi, bố thí cho chúng sinh những nhu cầu thông thường thiết yếu đối với cuộc sống. Pháp duyên là từ bi đối với đối tượng đã lĩnh hội được mọi sự vật là do nhân duyên hợp thành. Vô duyên là từ bi đối với đối tượng đã lĩnh hội được nhân duyên cũng là Không/ Vô. Để lĩnh ngộ được điều đó, Từ bi hay Bố thí không thể thiếu trí tuệ. Bi - Trí trở thành đặc điểm của Phật giáo Phát triển. Satparamita/ Lục Ba La Mật (六 波 罗 蜜) đặt Bố thí ở hàng đầu và cả năm điều đầu tiên đều thuộc về Bi, nhưng điều sau cùng không thể thiếu là Tuệ. Cho nên, Bi thiếu Tuệ sẽ mất phương hướng, Tuệ thiếu Bi sẽ mất sức sống. Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần đã kết hợp cao độ giữa Bi và Trí, nhưng càng về sau hình như thiên về Bi hơn là Trí. Điều này phải chăng 124 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 124 là do một trong những đặc điểm gọi là thiết thực của dân tộc Việt Nam đã tác động? Thiết thực là không xa rời thực tế, không kinh viện, không lý luận suông, nhưng lại có xu hướng xem thường lý luận. Quyền lực thường được đặt ở vị trí cao hơn cả Bi lẫn Trí. Nói cách khác, Bi và Trí thường không thống nhất với quyền lực. Sở dĩ như vậy vì, quyền lực là thiết thực của thiết thực. Có quyền lực thì làm gì mà chẳng được, có quyền lực thì muốn gì mà chẳng có. Quyền lực mới là mục đích, Bi - Trí chỉ là phương tiện. Cho nên, Từ bi và Bồ tát trở thành đối tượng của cầu đảo ở các lễ hội. Thay vì Bồ tát Quan Thế Âm và Từ - Bi - Hỷ - Xả chỉ là một, thì nay hình tượng của Ngài lại được đồng nhất với tiền tài, lợi lộc, thành đạt, thăng tiến, Từ bi của Phật giáo thời Lý - Trần là đỉnh cao của Bi - Trí/ đạo đức và Trí tuệ của Phật giáo Phát triển, cũng là của dân tộc và nhân loại. Thời đại văn minh vật chất, GDP được xem như là giá trị, là mục tiêu tối cao đã và đang đẩy đạo đức nhân loại trở về quá khứ. “Con người kinh tế”, “Con người văn minh dã man” càng ngày càng trở thành người mẫu hiện đại, còn Con người thì ngày càng được kính nhi viễn chi. Chủ nghĩa GDP giàu mạnh đang lạc lối trước cửa ngõ “trái tim của thế giới không có trái tim” và đang cách xa thế giới tâm linh của con người. Quyền lực, pháp chế, chế tài hình như đang nhường chỗ tình yêu thương con người cho các tôn giáo. Từ bi của Phật giáo cũng ở trong số đó. Nếu Từ bi của Phật giáo là đạo đức của dân tộc và nhân loại thì môi trường sống sẽ không phải chết, quan hệ giữa con người sẽ là quan hệ con người chứ không phải là quan hệ chó sói. Quan hệ giữa người và người là quan hệ Từ bi, là Bi và Trí. Từ bi tồn tại cùng với nhân loại và nhân loại sẽ tồn tại cùng với Từ bi./. CHÚ THÍCH: 1 Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, quyển 117, Tử bộ tạp gia loại, Mặc Tử, quyển 15. 2 Những giả thuyết Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Quốc thường bắt đầu từ các vị vua như Hán Vũ Đế, Hán Minh Đế, Tần Thủy Hoàng Chùa Bạch Mã đầu tiên ở Trung Quốc xây dựng ở Lạc Dương là do lệnh của Hán Minh Đế (xem Lý hoặc luận của Mâu Bác). Cao tăng truyện, Phật Đồ Trừng truyện ghi chép Hán Minh Đế để cao tăng Ấn Độ dựng chùa ở Lạc Dương nhưng cấm người Hán xuất gia. 3 Phật giáo: Từ, Bi, Hỷ, Xả; Nho giáo: Nhân nghĩa, Nhân ái (Luận ngữ, Phàn Trì); Đạo giáo: Từ, Kiệm, Bát vi thiên hạ tiên (Đạo đức kinh, chương 67). 4 Tiếng Anh dịch là Four Immeasurable Minds, Four unlimited Minds; tiếng Pháp dịch là Quatre incommensurables. Hà Thúc Minh. Từ bi của Phật giáo 125 125 5 Bhikshu Dharmamitra dịch sang tiếng Anh: Từ là Kindness, Bi là Compassion, Hỷ là Delight, Xả là Renunciation. Những bản dịch khác: Từ là Loving - Kindness, Bi là Compassion, Hỷ là Sympathetic Joy, Xả là Equanimity. Tiếng Pháp dịch: Từ là Bienveillance, Bi là Compassion, Hỷ là Sympathie, Xả là Équanimité, Détachement. 6 Ba mỹ đức gồm: Ái (Love), Vọng (Hope) và Tín (Faith). 7 Tuyên ngôn của Hội nghị Tôn giáo Thế giới lần thứ hai họp tại Chicago (Mỹ), từ ngày 28/8 đến ngày 4/9/1993. 8 Tương ưng bộ kinh chép: Những gì ta không thích đương nhiên đừng làm điều đó cho người khác. Làm sao mà ta có thể đem những điều không thích áp đặt cho người khác được (Phàm bất năng thủ duyệt ư ngô nhân giả diệc tất bất năng thủ duyệt ư tha nhân, ngô nhân hựu khả năng tương chi cưỡng gia ư tha nhân ni?). 9 Danh xưng Bồ tát ở thời Phật giáo Nguyên thủy chủ yếu để chỉ tiền thân của Đức Phật Thích Ca. 10 Câu này được cho là trong Địa Tạng Bồ tát bản nguyện kinh. Nhưng theo chúng tôi, bộ kinh này của Phật giáo không có nguyên văn câu nói trên. 11 Xem Phật giáo đại từ điển, Thương vụ án thư quán quốc tế hữu hạn công ty xuất bản, 1992. Abstract COMPASSION KINDNESS OF BUDDISM AND HUMAN MORALITY This article mentioned a category of Compassion - Kindness of Buddhism (Bhikshu Dharmamitra) in comparison with Mercy of Confucianism and Charity of Christianity; This article also compared the Compassion - Kindness of Vietnam Buddhism with that of China Buddhism. Basing on the comparison, the author analysed the role of Compassion - Kindness to the morality of Vietnamese and humanity in history as well as in contemporary period. Key words: Compassion, Kindness, Mercy, Charity, Buddhism, Confucianism, Christianity.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf23854_79840_1_pb_2461.pdf
Tài liệu liên quan