Nghiên cứu tôn giáo - Từ phật giáo nhất tông đời trần suy nghĩ về phật giáo Việt Nam hiện nay

Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra càng ngày càng mạnh mẽ, Giáo hội Phật giáo nhất tông đời Trần để lại nhiều bài học bổ ích để toàn thể Phật giáo đồ hôm nay suy nghĩ kế thừa, vận dụng sao cho Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển. Tinh thần của Phật giáo nhất tông đời Trần là hồn cốt để tạo sức mạnh của dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân - một việc làm vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, từ đó làm nên những chiến công oanh liệt với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, nhờ thế tầm vóc và uy thế của dân tộc ta được nâng cao trong khu vực và trên quốc tế

pdf12 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 733 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Từ phật giáo nhất tông đời trần suy nghĩ về phật giáo Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 NGUYỄN CÔNG LÝ* TỪ PHẬT GIÁO NHẤT TÔNG ĐỜI TRẦN SUY NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY Tóm tắt: Trên cơ sở giới thiệu về Phật giáo thời Lý - Trần, bài viết trình bày mô hình Phật giáo nhất tông đời Trần, một mô hình Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đó, bài viết nêu lên một vài suy nghĩ về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, xứng đáng là một Phật giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc, thực hiện phương châm: “Phật pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Từ khóa: Phật giáo, thời Trần, Phật giáo nhất tông, Việt Nam. 1. Mở đầu Phật giáo truyền vào Việt Nam có thể từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên hoặc trước đó. Hơn hai nghìn năm tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc, ảnh hưởng sậu đậm trong mạch sống của dân tộc ở nhiều phương diện, trong đó có văn hóa tư tưởng. Phật giáo Việt Nam phát triển đỉnh cao vào thời Lý - Trần. Đây là thời đại thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng; thời đại phục hưng những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển đất nước; thời đại khoan giản, an lạc, nhân thứ, rộng mở và dân chủ. Thời đại này hình thành nền văn hóa Thăng Long rực rỡ, làm nên một cột mốc, một dấu ấn quan trọng khó gặp lại trong lịch sử văn hóa tư tưởng Việt Nam. Nền văn hóa đậm chất nhân văn ấy gắn liền với Phật giáo. Hào khí của thời Lý - Trần có được hình thành từ nền văn hóa Thăng Long này. 2. Phật giáo đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời Lý - Trần nói riêng, Phật giáo đời Trần phát triển cực thịnh. Lần đầu tiên, sau hơn một nghìn năm tồn tại, Phật giáo đời Trần mới thành lập một Giáo hội * PGS.TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Công Lý. Từ Phật giáo Nhất tông 53 Phật giáo thống nhất: Phật giáo nhất tông. Lúc này, tăng ni đều được Nhà nước cấp độ điệp (giấy chứng nhận tăng tịch). Giáo hội Phật giáo nhất tông đời Trần gắn liền với sự thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bằng cách sáp nhập và dung hợp ba Thiền phái đã có ở nước ta trước đó là: Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế kỷ VI), Thiền phái Vô Ngôn Thông (thế kỷ IX) và Thiền phái Thảo Đường (thế kỷ XI). Quá trình thành lập Giáo hội Phật giáo nhất tông này không phải tự phát, ngẫu nhiên, mà là một quá trình suy tư, trăn trở để lựa chọn từ Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ đến Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Người thành lập Giáo hội Phật giáo nhất tông đời Trần là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng người đặt nền móng quan điểm tư tưởng cho Thiền phái này là Trần Thái Tông, người mà sử sách tôn vinh là “bó đuốc sáng của Thiền học đời Trần”. Có thể xem tư tưởng của Ngài là kim chỉ nam dẫn đường để Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được thành lập và phát triển. Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến vai trò của Tuệ Trung Thượng Sĩ với tư cách là người trao truyền tâm pháp cho Phật hoàng Trần Nhân Tông. Như đã nói, trước khi thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo Việt Nam có ba Thiền phái tồn tại và phát triển. Về nguồn gốc, ba Thiền phái này đến từ ba nguồn khác nhau trên cơ sở của ba mối giao lưu, tiếp biến, từ đó mà Phật giáo phát triển. Một là, trong giai đoạn đầu tiên, Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học từ Nam Ấn trực tiếp truyền sang bằng đường biển vào nửa cuối thế kỷ I trước Công nguyên với kinh văn hệ Bát Nhã. Đây là con đường giao lưu trực tiếp của giữa Việt Nam với Ấn Độ. Hai là, sang giai đoạn tiếp theo, Thiền tông Ấn Độ truyền sang Trung Quốc rồi đến Việt Nam với vai trò của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỷ VI với tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu - vô. Dù vị Thiền sư này đắc pháp ở Trung Quốc, được Tổ Tăng Xán ấn chứng, nhưng tư tưởng Thiền của Tỳ Ni Đa Lưu Chi lại không chịu ảnh hưởng Thiền tông Trung Quốc, mà vẫn giữ truyền thống Thiền của Nam Ấn. Tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu - vô và chân không diệu hữu mà Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi trao truyền cho các đệ tử là tư tưởng trong kinh văn hệ Bát Nhã, tức một dạng tiếp tục phát triển tư tưởng Phật giáo Đại thừa ở giai đoạn đầu. 54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 Ba là, ở giai đoạn cuối, Thiền tông Trung Quốc truyền vào Việt Nam với vai trò của Thiền sư Vô Ngôn Thông vào thế kỷ IX bằng pháp môn đốn ngộ và tư tưởng Phật tại tâm. Thiền phái này hoàn toàn mang bản sắc Trung Hoa, với những thanh quy thiền viện cụ thể và có truyền thống ghi chép lịch sử, tức ghi chép các thế hệ truyền thừa theo thứ bậc. Điều này có nghĩa Thiền tông Ấn Độ đến đây tiếp biến qua lăng kính tư duy Nho giáo của Trung Quốc. Tại sao ở thời Lý - Trần không chọn Nho giáo mà chọn Phật giáo làm ý thức hệ và dùng nó cho sự phát triển đất nước? Vấn đề này được các nhà nghiên cứu lý giải rồi, chỉ xin được nhấn mạnh thêm bởi đây là sự trăn trở lựa chọn có chủ đích của các bậc tổ tiên. Việc thành lập Thiền phái Trúc Lâm theo mô hình Giáo hội Phật giáo nhất tông là sự lựa chọn có chủ đích của các vua nhà Trần, mà người đứng đầu Nhà nước cũng là người đứng đầu Giáo hội là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Mô hình Vua - Phật thời bấy giờ có ở một vài quốc gia Đông Nam Á lấy Phật giáo làm quốc giáo. Cần lưu ý, Phật giáo thời Lý - Trần nói chung, Phật giáo đời Trần nói riêng với tinh thần tùy tục tùy duyên, hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, nhập thế hành đạo đã sản sinh ra nhiều danh tăng luôn hòa nhập với cuộc đời. Điều này còn cắt nghĩa tại sao ở thời nào cũng có những nhà sư tận tụy hy sinh cho đất nước. Vì thế, Phật giáo thời Lý - Trần là một Phật giáo dung hợp và nhập thế cao, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Khác với Thiền tông Ấn Độ và Thiền tông Trung Quốc, Thiền tông Việt Nam kết hợp với các loại hình thờ cúng bản địa, với yếu tố thần thuật của Đạo giáo nên mới có chuyện những thiền sư tiên đoán việc xã tắc như Vạn Hạnh; dùng pháp thuật để chữa bệnh trừ tà, hàng long phục hổ, bay trên không, đi dưới nước như Nguyễn Minh Không; trả thù cho cha hay đầu thai như Từ Đạo Hạnh, v.v... Phật giáo thời Lý - Trần đã kết hợp với Mật tông. Hồi ấy, nhiều thiền sư trì chú, tu luyện các phép Tổng trì Đà La Ni của Mật tông. Mật tông truyền vào nước ta sớm nhất vào khoảng nửa cuối thế kỷ X, chứng cớ là các cột kinh Đà La Ni tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình). Mật tông thường pha trộn với các loại hình thờ cúng bản địa Việt Nam; đồng hóa những phương thuật của Đạo giáo, ảnh hưởng trong quần chúng bằng phép chữa bệnh trừ tà. Phật giáo thời Lý - Trần còn kết hợp với Tịnh Độ tông. Tịnh Độ tông đi vào quần chúng bằng con đường thuyết giáo từ bi, cứu khổ, cứu nạn, dựng lên một cõi Tịnh Độ, Tây Nguyễn Công Lý. Từ Phật giáo Nhất tông 55 Phương cực lạc, nơi có Đức Phật A Di Đà sẵn sàng tiếp đón những người khi sống trên trần thế hành thiện, tu phúc, niệm Phật, trai giới, cầu vãng sinh. Tịnh Độ tông còn dựng lên hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đắc đạo, nhưng vì thương xót chúng sinh khổ não nên ở lại trần thế cứu vớt họ. Hình tượng vị Bồ tát này thường gặp trong văn học dân gian, tiêu biểu cho sức mạnh kỳ diệu và tình thương bao la. Không phải ngẫu nhiên mà Thiền phái Thảo Đường đời Lý đã xây dựng chùa Một Cột (bên cạnh chùa Diên Hựu) với mái chùa cong vút, chạm hoa sen nghìn cánh, trong đó thờ Quán Thế Âm. Dù việc này được vua Lý Thánh Tông cho thực hiện trên cơ sở giấc mộng của Hoàng hậu Mai Thị. Không phải ngẫu nhiên mà Khóa hư lục được Trần Thái Tông biên soạn để Phật tử đọc tụng sáu lần trong một ngày đêm để giữ cho lục căn được thanh tịnh chỉ vì Tịnh Độ tông chủ trương tụng kinh, niệm Phật để giữ thân tâm thanh tịnh, sám hối tội căn kiếp trước và rửa sạch tội lỗi hằng ngày mắc phải. Nếu ở đời Lý, để đáp ứng phần nào yêu cầu về ý thức hệ của thời đại, Lý Thánh Tông thành lập Thiền phái Thảo Đường, thì các vua nhà Trần cũng vì yêu cầu của thời đại nên đã xây dựng một ý thức hệ độc lập. Cuộc ra đi của hai ông cháu nhà Trần là minh chứng hùng hồn cho việc xây dựng trên. Nếu cuộc ra đi của Thái Tông không trọn vẹn, thì cuộc ra đi của Trần Nhân Tông đã toại nguyện. Nhà vua tiến hành công việc này một cách vững chắc, toàn diện và triệt để. Kết quả là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời với hệ thống tổ chức và kinh sách như một tôn giáo độc lập. Tìm hiểu hệ thống Thiền học Trúc Lâm Yên Tử không chỉ đơn thuần tìm hiểu giáo chỉ của ba vị tổ Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, mà còn phải tìm hiểu tư tưởng và vai trò của các nhân vật đặt nền tảng trước đó là Trần Thái Tông và Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ). Trên cơ sở tư tưởng dân chủ và phóng khoáng cùng tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, bình đẳng của nhà Phật, kết hợp cách ứng xử linh hoạt, dễ thích nghi của cư dân lúa nước Việt Nam, các vị vua nhà Đinh, Tiền Lê, Lý và nhất là nhà Trần đã thấy rõ khả năng dung hợp này nên chọn Phật giáo làm ý thức hệ chính thống. Các vị nhận thức rõ tư tưởng của Phật giáo ưu việt hơn nếu so với các hệ tư tưởng khác trong công cuộc ổn định và phát triển đất nước, trong việc truyền bá rộng rãi giáo lý từ bi, tinh thần bình đẳng nhằm đoàn kết toàn dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp của thời đại và dân tộc. Phật giáo nhất tông đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại mà lịch sử gần hai 56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 trăm năm của nhà Trần đã chứng minh. Rõ ràng mô hình Phật giáo nhất tông đời Trần thống nhất được ý thức hệ của thời đại; biểu lộ tính độc lập và mang bản sắc Đại Việt rõ nét; một Phật giáo nhập thế tích cực, tùy tục tùy duyên, hòa quang đồng trần, chủ trương Phật tại tâm; hình thức của một Phật giáo mới của riêng Đại Việt. Việc Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn non thiêng Yên Tử làm thánh địa của Phật giáo Đại Việt, bởi nơi đây không chỉ là thắng tích tịch tịnh, mà còn giúp người tu hành dễ nhập tâm vào thiền định và hòa đồng với vũ trụ. Dưới tầm nhìn xa rộng của Ngài, đây còn là pháo đài, là tiền đồn phòng ngự để ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược nếu chúng đến từ mạn Đông Bắc Đại Việt. Việc lựa chọn này của Phật hoàng đã gắn chặt thêm mối quan hệ tương hỗ giữa Đạo và Đời, Đạo pháp và Dân tộc, làm nên một Phật giáo nhập thế tuyệt vời, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân để làm nên những chiến công kỳ vĩ mà lịch sử đã ghi dấu. Với những mục đích trên, Thiền phái Trúc Lâm có những thành tựu rõ rệt. Hành trạng của vị sơ tổ Trúc Lâm là minh chứng cho một giáo chủ của Thiền phái mới này. Trần Nhân Tông được tôn vinh là Phật hoàng với những truyền thuyết: Phật giáng sinh (Biến Chiếu Tôn), Thần Tiên giáng trần (Kim Phật Kim Tiên đồng tử). Ông là một vị vua, một giáo chủ, một vị anh hùng; xưng là Phật vì sáng lập ra tôn giáo mới, gọi là Tiên vì phong cách tiêu dao kiểu Đạo giáo, nói là người anh hùng vì chỉ huy đánh tan quân Nguyên Mông hung hãn. Cuộc đời hành đạo của Trần Nhân Tông chẳng khác nào Đức Phật Thích Ca khi xưa. Trần Nhân Tông bỏ ngôi vào núi Yên Tử, tắm ở Ngự Dội, thiền định dưới gốc cây tùng như Thái tử Tất Đạt Đa, từ giã cung vàng điện ngọc vào Tuyết Sơn, tắm ở sông Ni Liên Thuyền Na, ngồi thiền định dưới gốc cây Tất Bát La. Sau khi đắc đạo, Trần Nhân Tông dắt hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang đi thuyết pháp ở Sùng Nghiêm, Siêu Loại như Đức Phật Thích Ca dẫn dắt Ca Diếp và A Nan đi thuyết pháp khi ở Lộc Uyển, lúc ở thành Vương Xá, ở vườn cây của trưởng giả Cấp Cô Độc, v.v... Nếu Đức Phật Thích Ca nhập diệt trong tư thế nằm nghiêng, tay phải gối đầu, tay trái duỗi thẳng theo thân (tư thế nhập Niết Bàn) thì Trần Nhân Tông hóa theo kiểu sư tử ngọa. Tóm lại, để trở thành giáo chủ mới, Trần Nhân Tông mô phỏng lại việc làm của Đức Phật Thích Ca ngày xưa. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Công Lý. Từ Phật giáo Nhất tông 57 Trần Nhân Tông cho xây dựng hệ thống kiến trúc Yên Tử thành ba bậc chính Giải Oan, Vân Yên, Vân Tiêu tượng trưng cho ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và trên cùng là bia chữ Phật hòa nhập trong không gian bao la tượng trưng cho giải thoát. Đây là biểu hiện quan niệm của Thiền phái Trúc Lâm. Tất cả là cơ sở để có thể tìm hiểu tư tưởng của Thiền phái này. Điều thuận lợi là tam tổ và những vị đặt nền móng tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm đều có trước tác để lại, dù hiện chỉ còn một số, nhưng có thể hiểu được tư tưởng của Thiền phái này tương đối có hệ thống. Trần Thái Tông viết khá nhiều, nhưng hiện chỉ còn Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam tự, Lục thì sám hối khoa nghi, Phổ thuyết, Luận văn, Ngữ lục, Niệm tụng kệ (tất cả được người đời sau khắc in trong Khóa hư lục) và một ít bài thơ. Tuệ Trung Thượng Sĩ còn thơ kệ và Thượng Sĩ ngữ lục (Đối cơ, tụng cổ). Trần Nhân Tông soạn Thạch Thất mỵ ngữ, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng già toái sự, Đại Hương Hải ấn thi tập, Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền đạo ca, nhưng hiện chỉ còn một bài phú, một bài ca và ngữ lục Sư đệ vấn đáp, bài văn Thượng Sĩ hành trạng, cùng một số bài kệ, 32 bài thơ, một số văn thư ngoại giao. Pháp Loa viết Đoạn sách lục, Tham Thiền chỉ yếu, hiện chỉ còn vài bài thơ kệ, một bài văn Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, một ngữ lục Trúc Lâm đại tôn giả thượng tọa thính sư thị chúng. Huyền Quang trước tác Ngọc tiên tập cả nghìn bài, Vịnh Vân Yên tự phú và soạn Phổ Tuệ ngữ lục, hiện chỉ còn một bài phú và 24 bài thơ. Nội dung triết lý tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thể hiện chủ yếu qua ba tác phẩm Khóa hư lục, Thượng Sĩ ngữ lục và Thiền tông chỉ nam tự. Khóa hư lục là một bản kinh Phật đời Trần dùng để đọc tụng sáu lần trong một ngày, mỗi lần đọc tụng nhằm giữ một trong sáu căn được thanh tịnh. Nếu Thiền tông truyền thống chú trọng thực hành Thiền định, thì Thiền phái Trúc Lâm kết hợp cả Thiền định lẫn niệm Phật, một sự kết hợp giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông. Thiền phái Trúc Lâm ít nhiều còn mang màu sắc Đạo giáo. Một số bài thơ kệ của Tuệ Trung như Sinh tử nhàn nhi dĩ, Phóng cuồng ngâm, vài đoạn trong Khóa hư lục, Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là những dẫn chứng cho nhận định trên. Còn đây là sự kết hợp tư tưởng Đạo giáo trong các vị thiền sư với thú tiêu dao, tự tại, hòa đồng thiên nhiên chẳng khác nào một đạo sĩ: “Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý, 58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chú tri âm”. “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao, Chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý” 1. “Cuộc đời như đám mây nổi luôn đổi thay nhiều vẻ, Mơ màng đành phó cho giấc mộng Nam kha”2. Quay về với thiên nhiên là cách để các thiền sư xa lánh cõi đời, giúp cho thân tâm thanh tịnh mà hành Thiền, chứ không ngoài mục đích nào khác. Bàn về Phật, Trúc Lâm chủ trương “Phật không có trong núi mà chỉ có trong lòng”, nếu “Lòng lặng lẽ mà biết, chính là Phật vậy” (Thiền tông chỉ nam tự). Trúc Lâm đã kế thừa tư tưởng của Huệ Năng “Phật và Thánh vốn không khác gì nhau” trong Pháp bảo đàn kinh và bổ sung thêm, tuy Phật và Thánh với hai con đường khác nhau nhưng đều đưa con người đến một mục đích. Từ đó, Thiền phái Trúc Lâm chủ trương Phật, Thánh phân công hợp tác (Thiền tông chỉ nam tự). Như vậy, theo Trúc Lâm, Phật là ta, là tâm, một quan niệm đồng nhất trong sai biệt. Nhờ quan điểm này, Thiền phái Trúc Lâm gần gũi với tư tưởng Thiền nguyên thủy, dĩ nhiên có những kiến giải riêng. Trần Nhân Tông phát biểu: “Chỉn bụt là lòng, sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ”. “Vậy mới hay: Bụt ở cùng nhà, chẳng phải tìm xa”. “Nhân khuy bản ta nên tìm Bụt; đến cóc hay chỉn Bụt là ta”3. “Tâm vương vô tướng hựu vô hình”4. Trúc Lâm chủ trương muốn hiểu rõ tâm phải ngồi thiền. Ngồi thiền để tĩnh tâm, ngăn ác hướng thiện. Thiền phái này không chọn con đường tọa thiền quán bích như Tổ Đạt Ma từng thực hiện, mà chủ trương “Niệm Phật, thụ giới và tọa Thiền”. Niệm Phật là cách tự giáo dục, tự ức chế để giữ tâm và khẩu thanh tịnh. Thụ giới là cách răn giữ bản thân theo giới luật để cho tâm trong sạch. Niệm Phật, thụ giới, tọa thiền là cách giữ cho thân, khẩu, ý của người học đạo không thể làm, nói, nghĩ đến điều ác. Điều ác không sinh tức điều thiện phát khởi. Có lẽ vì thế mà Trần Thái Tông soạn Khóa hư lục để người tu Phật tụng niệm. Khóa hư lục trình bày về năm giới răn của Phật mà người tu hành phải triệt để tuân theo. Có điều, qua việc trình bày giới luật, Trúc Lâm đã biến nó thành những bài học luân lý hơn là giáo lý nhà Phật, với mục đích nhằm bình ổn trật tự xã hội lúc bấy giờ. Nội Nguyễn Công Lý. Từ Phật giáo Nhất tông 59 dung tác phẩm này khuyên răn con người không được tham lam tài sắc, công danh, phú quý, những điều dẫn dắt con người đến trộm cướp, bè phái, khinh vua, ghét cha, nhạo Tăng, chửi Phật; kêu gọi con người bố thí kẻ nghèo, thương yêu người khác, tôn trọng phép nước, kính cha thờ vua. Đây là cốt lõi nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền phái Trúc Lâm xem chuyện sống chết là thường tình, chấp nhận cuộc sống một cách khách quan. Bài kệ Khuyến chúng của Trần Thái Tông: “Sinh lão bệnh tử, Lý chi thường nhiên”; bài kệ của Trần Nhân Tông đọc cho Pháp Loa trước khi tịch diệt: “Nhất thiết pháp bất sinh, Nhất thiết pháp bất diệt” chứng minh cho quan niệm này. Tuệ Trung, người có công đầu trong việc lập Thiền phái Trúc Lâm phát biểu: “Phù sinh tử, lý chi thường nhiên, an đắc bi luyến, ưu ngô chân dã” (Sống chết là lẽ thường, làm gì phải xót thương quyến luyến làm rối chân tính của ta?). Các thiền sư Trúc Lâm xem cuộc đời là vô thường, chấp nhận cuộc sống và cái chết mà không luyến tiếc. Họ quan niệm không có gì sinh ra hay mất đi nên làm gì có việc đi và đến. Đó là quan niệm “Thân ảo ảnh chẳng khác phù vân”, “Pháp thân thường trú, phổ mãn thái hư” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Các vị cho rằng, cái thân đang tồn tại là do dục. Diệt được dục tức thoát khỏi sinh tử. Quan niệm này phản ánh một nhân sinh quan tương đối, không sa vào hai cực, không ham sống sợ chết một cách yếu đuối. Phải chăng cuộc đấu tranh sinh tử của dân tộc thời Lý - Trần đã ảnh hưởng tới nhân sinh quan này? Có lẽ vì thế Thiền phái Trúc Lâm gần gũi với cuộc sống trần thế. Tóm lại, do yêu cầu thời đại, Phật giáo nhất tông đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm đã Đại Việt hóa tư tưởng Thiền đạo và sáng tạo thêm một số tư tưởng thích hợp với hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, làm nên bản sắc rất riêng của dân tộc. Ngoài tôn chỉ chung của Thiền tông là phá chấp, đốn ngộ, tâm truyền, Phật giáo đời Trần còn có những nét riêng như đưa Thiền tông vào cuộc sống, phục vụ đất nước, tu dưỡng nhân cách. Thiền tông dung hợp với những yếu tố tích cực của Nho giáo và Đạo giáo giúp con người phát triển toàn diện, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Phật giáo đời Trần còn kết hợp với Tịnh Độ tông và Mật tông cùng các hình thức thờ cúng trong dân chúng để phù hợp với thực tiễn và mang tính đại chúng. Tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm, một Phật giáo nhất tông đã tác động nhiều đến xã hội, giúp con người rèn luyện luân lý đạo đức hơn là tôn giáo, góp phần duy trì ổn định xã hội Đại Việt thời đó, tạo nên chiến công 60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 oanh liệt với ba lần đại thắng quân Nguyên Mông. Đồng thời, Phật giáo đời Trần đào tạo nên những thiền sư hướng về Phật giáo và gắn bó với cuộc sống trần thế. Đó là một Phật giáo đầy sức sống được Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc kết trong bài kệ ở cuối bài phú Cư trần lạc đạo: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền”. (Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn no mệt ngủ liền. Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm, Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền)5. 3. Vài suy nghĩ về sự phát triển Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay 3.1. Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Phật giáo Việt Nam cần cải cách, đổi mới như thế nào để phát triển bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc sống trong thời đại mới? Vấn đề này được các nhà Phật học và nhà khoa học nêu lên trong vài chục năm nay, nhất là từ sau đại hội thống nhất các hệ phái Phật giáo vào tháng 11/1981, nhưng vẫn còn vài điều cần bàn bạc, trao đổi thêm. Cần lưu ý, từ những thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX, vấn đề chấn hưng Phật giáo được các vị cao tăng nước ta đặt ra. Phong trào chấn hưng Phật giáo hồi nửa đầu thế kỷ này đưa lại cho Phật giáo Việt Nam một diện mạo mới, hiện đại hơn, hòa cùng với quá trình hiện đại hóa đang diễn ra ở nước ta lúc bấy giờ, tiếp tục phát huy tinh thần Phật giáo hòa đồng với dân tộc vốn có cả nghìn năm trước đó. Từ phong trào chấn hưng này đến phong trào Phật giáo ở Miền Nam năm 1963 là một quá trình phát triển, để sau đó là sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất gồm cả Nam tông và Bắc tông với Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, cùng một bản hiến chương mới, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vẫn chưa dung hợp một vài hệ phái khác. Nói cách khác, Giáo hội Phật giáo lúc này chưa thống nhất và trở thành một Phật giáo nhất tông để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Phải đợi đến tháng 11/1981, Giáo hội Phật Nguyễn Công Lý. Từ Phật giáo Nhất tông 61 giáo Việt Nam được chính thức thành lập thống nhất, đoàn kết tăng ni, Phật tử Hệ phái Bắc tông, Hệ phái Nam tông và Hệ phái Khất sĩ trong một ngôi nhà chung duy nhất là niềm mong ước từ lâu của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Từ đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, được tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã), theo định hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, nhằm hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, cùng dân tộc phát triển và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới. Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra càng ngày càng mạnh mẽ, Giáo hội Phật giáo nhất tông đời Trần để lại nhiều bài học bổ ích để toàn thể Phật giáo đồ hôm nay suy nghĩ kế thừa, vận dụng sao cho Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển. Tinh thần của Phật giáo nhất tông đời Trần là hồn cốt để tạo sức mạnh của dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân - một việc làm vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, từ đó làm nên những chiến công oanh liệt với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, nhờ thế tầm vóc và uy thế của dân tộc ta được nâng cao trong khu vực và trên quốc tế. 3.2. Nhà Phật có phép Lục hòa được vận dụng trong toàn thể tăng đoàn khi Đức Phật còn tại thế. Đây là một pháp môn tuyệt diệu để tạo nên khối đại đoàn kết trong Giáo hội. Nói rộng ra, nếu áp dụng nó vào đời sống xã hội cũng sẽ tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên nội lực để phát triển đất nước trong thời đại hội nhập quốc tế mà không làm mất đi bản sắc dân tộc. Nếu toàn thể Phật giáo đồ, từ xuất gia đến tại gia, từ bậc trưởng lão đến vị mới nhập đạo y cứ theo pháp môn này và vận dụng đúng theo lời Đức Phật dạy chắc chắn đạt thành tựu viên mãn. Đoàn kết mới có thành công. Đoàn kết là sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng mọi thứ, thành công mọi việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Lời dạy của Bác là một chân lý của thời đại. Muốn tạo được sự đoàn kết, cái gốc đầu tiên là mọi thành viên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, cả xã hội Việt Nam nói chung cần ứng xử theo phép Lục hòa. 3.3. Tinh thần khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ của Phật giáo rất uyển chuyển và linh hoạt, mà linh hoạt và uyển chuyển là một phẩm chất của con người Việt Nam. Nếu toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam biết vận dụng tinh thần ấy sẽ đạt nhiều thành tựu viên mãn. Trong kỷ nguyên toàn cầu 62 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 hóa hiện nay, hơn lúc nào hết, cần vận dụng tinh thần khế lý, khế cơ vào đời sống thực tiễn, có như thế mới có thể đưa Phật giáo Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng tốt với thời đại mới. Muốn vậy, Phật giáo Việt Nam cần phải chấn hưng. Trong thời đại toàn cầu hóa, văn minh khoa học kỹ thuật phát triển ào ạt, bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi tôn giáo, trong đó có Phật giáo, đang đứng trước thách thức lớn bởi những phong trào thế tục hóa, đa nguyên hóa, cá nhân hóa tôn giáo. Thực chất, đó là quá trình hạn chế, tách khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, mài mòn niềm tin tôn giáo truyền thống và đẩy tôn giáo đến ranh giới cuối cùng của sự riêng tư cá nhân. Phong trào tôn giáo mới là biểu hiện rõ nhất của quá trình đó, một mặt phản ánh tiến trình thế tục hóa, đa nguyên hóa và cá nhân hóa, mặt khác là sự phản ứng quyết liệt quá trình đó. Đây là một thách thức lớn, một bài toán nan giải mà các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, phải tự tìm lời giải cho bằng những cách thức khác nhau xuất phát từ nguồn gốc, lịch sử và truyền thống văn hóa. Bất kỳ một hiện tượng nào trong thế giới hiện thực muốn tồn tại và phát triển đều phải vận động và biến đổi. Sự vận động và biến đổi là phương thức tồn tại của từng tôn giáo và của đời sống tôn giáo. Vận động để phát triển, nên sự vận động của tôn giáo luôn gắn liền với phát triển. Bất kỳ tôn giáo nào muốn phát triển cũng phải biến đổi trên cơ sở thiết chế văn hóa, truyền thống tôn giáo của khu vực hay của dân tộc. Điều quan trọng trong sự vận động và phát triển tôn giáo là định hướng của nó cùng chiều với xu hướng vận động của xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người hiện đại. Phật giáo Việt Nam hiện nay muốn phát triển cũng không nằm ngoài sự vận động nêu trên./. CHÚ THÍCH: 1 Trần Nhân Tông (1988), “Cư trần lạc đạo phú”, trong Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Khoa học xã hội, Hà Nội: 505 2 Tuệ Trung (1988), “Thế thái hư huyễn”, trong Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd: 250. 3 Trần Nhân Tông (1988), “Cư trần lạc đạo phú”, trong Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd: 505. 4 Tuệ Trung (1988), “Tâm vương”, trong Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd: 237. 5 Trần Nhân Tông (1988), “Cư trần lạc đạo phú”, trong Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd: 510. Nguyễn Công Lý. Từ Phật giáo Nhất tông 63 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2. Nguyễn Công Lý (1996), “Thiền học Lý - Trần với bản sắc dân tộc”, Nghiên cứu Phật học, số 6. 3. Nguyễn Công Lý (1997), “Thiền học Lý - Trần với bản sắc dân tộc”, Nghiên cứu Phật học, số 1. 4. Nguyễn Công Lý (1997), Bản sắc dân tộc trong văn học Thiền tông thời Lý - Trần, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5. Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Nguyễn Công Lý, Phật giáo thời Lý - Trần với bản sắc dân tộc Đại Việt, trong HT. Thích Giác Toàn và PGS.TS. Trần Hữu Tá chủ biên (2010), Văn học Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 7. Nguyễn Công Lý (2012), Tôn giáo trong thời đại toàn cầu hóa: bản chất và quy luật cần cải cách, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, Hà Nội. 8. Nguyễn Công Lý (2013), “Bàn thêm về thời điểm Phật giáo và pháp tu Thiền truyền vào Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 8. 9. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và các nguồn các giáo phái Phật giáo, Sài Gòn. 10. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa. 11. Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 12. Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 13. Viện Sử học (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 14. Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 15. Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 16. Viện Văn học (1979), Thơ văn Lý - Trần, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Abstract

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26500_89116_1_pb_2734.pdf