Cuộc di cư năm 1954 khiến La Vang nổi tiếng. Ngược lại, sự nổi tiếng
của La Vang là một phương pháp để kêu gọi giáo dân di cư. Hai mặt của
một vấn đề có tính biện chứng đã dẫn đến một kết quả là, La Vang thực
sự nhận được sự quan tâm của cả Giáo hội Công giáo lẫn những lực
lượng sắp đặt nên cuộc di cư vào Nam. Ngày 6/12/1954, lễ rước tượng
Đức mẹ La Vang từ thị xã Quảng Trị trở về Nhà thờ La Vang được tiến
hành với sự có mặt của vị giám mục thứ tám của Tổng Giáo phận Huế là
Jean Baptiste Urritia (Thi) cùng 40 linh mục và khoảng 20.000 giáo dân.
Năm 1955, Nhà thờ La Vang được trùng tu. Cũng trong năm này, đại hội
lần thứ 13 được tổ chức tại La Vang với sự góp mặt của ba vị giám mục
là Urritia, Phạm Ngọc Chi và Lê Hữu Từ cùng với hơn 100 linh mục và
20.000 giáo dân. Đến năm 1958, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức mẹ
Marria hiện ra tại Lộ Đức, đã có khoảng 600.000 tín đồ Công giáo đến
hành hương tại La Vang. Tiếp đó, những năm 1959 - 1960, các hoạt động
như trùng tu nhà thờ, rước nến của Giáo hoàng Gioan XXIII tặng đã diễn
ra tại đây. Ngày 13/4/1961, tại Huế, giám mục của các giáo phận thuộc
Miền Nam đã tổ chức một cuộc họp và quyết định chọn La Vang làm
“đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ”.
Ngày 22/8/1961, cơ sở này được Giáo hội Công giáo nâng lên thành Tiểu
Vương cung Thánh đường. Hiện nay, việc tổ chức định kỳ ba năm một
lần Đại hội hành hương La Vang bằng lễ kiệu long trọng và công phu với
sự tham gia của tất cả các giáo phận trong nước cũng như nhiều giáo dân
nước ngoài đã dần đưa La Vang trở thành một địa chỉ có dấu ấn lớn lao
đối với Công giáo trên thế giới
9 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 602 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Vài nét về công giáo trên vùng đất Quảng Trị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
88 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 – 2014
ĐOÀN TRIỆU LONG*
VÀI NÉT VỀ CÔNG GIÁO
TRÊN VÙNG ĐẤT QUẢNG TRỊ
Tóm tắt: Bài viết trình bày lịch sử du nhập và tồn tại của Công
giáo trên vùng đất Quảng Trị. Đặc biệt, từ nghiên cứu tác động
của cuộc di cư năm 1954, bài viết khái quát một số nét đặc thù của
vùng Công giáo này như: vừa là chứng nhân, vừa là nhân vật
chính của cuộc di cư năm 1954; không chỉ là di cư từ Bắc vào
Nam, mà còn là di cư từ nửa tỉnh bên này đến nửa tỉnh bên kia;
luôn ở trong trình trạng xáo trộn do phải thực hiện nhiều lần di cư
theo diễn biến của thời cuộc; tạo nên diện mạo riêng hiện nay là sự
tập trung về nửa tỉnh phía nam; góp phần tô đậm lên một dấu ấn
đỏ có tên là La Vang.
Từ khóa: Công giáo, Quảng Trị, La Vang.
Theo nhiều ghi chép, giáo sĩ Dòng Đa Minh là Diego Aduarte, tuyên
úy của chiến hạm Tây Ban Nha trong hành trình từ Quảng Nam ra phía
Bắc đã đến Quảng Trị vào năm 1595. Diego Aduarte được Tổng trấn
Dĩnh Cát tiếp kiến khá thân tình, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc
truyền đạo chưa được triển khai. Năm 1615, sau khi đến Hội An và đặt
trụ sở đầu tiên ở xứ Đàng Trong, Linh mục Phanxicô Buzômi ra Cửa
Hàn (Đà Nẵng) rồi tiếp tục tiến xa về phía Bắc, tìm ra vùng Dĩnh Cát
(nay thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) dâng lễ lên
Chúa Sãi xin truyền giáo. Chúa Sãi ban chiếu cho phép các giáo sĩ
Dòng Tên tự do giảng đạo từ Quảng Bình đến Phú Yên. Vùng Quảng
Trị bắt đầu chứng kiến sự có mặt của Công giáo từ đó.
Ngày 15/1/1644, giáo sĩ A. de Rhodes cử một đoàn gồm 9 thầy giảng,
trong đó có hai vị tên là Inhaxô và Vinh Sơn ra truyền giáo ở Quảng Trị,
Quảng Bình. Thầy Inhaxô (không rõ tên Việt) sinh năm 1610 tại làng
Liêm Công, Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị được giáo sĩ A. de Rhodes
rửa tội, sau đó đào tạo rồi cử làm đoàn trưởng truyền giáo ngay chính
*
TS., Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III, thành phố Đà Nẵng.
Đoàn Triệu Long. Vài nét về Công giáo 89
89
trên quê hương. Inhaxô đã rửa tội cho 293 người. Trên vùng đất Vĩnh
Linh, ông cũng rửa tội cho mẹ và bà của mình. Với những bước đi đầu
tiên ấy, tại Cửa Tùng, đặc biệt là các thôn sát biển như An Hòa, Hòa
Lý, đã có những họ đạo, xứ đạo khá lớn tương đương với các họ đạo
Dĩnh Cát. Trong các xứ đạo, họ đạo đó, nổi tiếng nhất là xứ đạo Di Loan
(Dĩ Loan, Dì Loan) do các giáo sĩ Dòng Tên thành lập vào khoảng giữa
thế kỷ XVII. Do có đủ điều kiện về nhân lực và vật lực, các giáo sĩ quyết
định chọn xứ đạo Dĩ Loan để thành lập một chủng viện nổi tiếng của Giáo
hội Công giáo Việt Nam lúc bấy giờ là Chủng viện An Ninh. Cần nói thêm,
tại chủng viện này, năm 1918, Léopold Cadière, một linh mục và là nhà
nghiên cứu văn hóa, tôn giáo Việt Nam nổi tiếng đã được cử về phụ trách để
đào tạo tu sĩ trên đất Quảng Trị.
Như vậy, ngay giữa thế kỷ XVII, Công giáo đã phát triển khá mạnh
tại khu vực Quảng Trị, hình thành nên hai hạt bề thế là Dĩnh Cát (Triệu
Phong) và Cửa Tùng (Vĩnh Linh).
Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời
chia làm hai miền Bắc - Nam. Dòng sông Hiền Lương trở thành giới
tuyến và đi vào lịch sử như biểu tượng của sự chia ly trong lòng dân tộc.
Nhiều luận điệu được các thế lực lợi dụng tôn giáo đưa ra như “Chúa đã
vào Nam”, “Đức Mẹ đã vào Nam”, hay “Đức Mẹ và Chúa Giêsu đã vào
Nam”1, hoặc ở lại Miền Bắc sẽ bị bom nguyên tử hủy diệt và sẽ bị trả
thù2, v.v... khiến các giáo dân vô cùng hoang mang, dẫn đến một cuộc di
cư đầy xáo trộn. Trong khoảng 10 tháng, đã có gần một triệu người ở
Miền Bắc di cư vào Miền Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công
giáo, tức khoảng 2/3 số người Công giáo ở Miền Bắc đã vào Nam. Đến
tháng 9/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lập được 286 làng định cư,
trong đó có 265 làng định cư Công giáo. Mỗi làng do một vị linh mục
đứng đầu. Số người di cư được chính quyền Ngô Đình Diệm phân phối
định cư từ Quảng Trị đến Cà Mau, trong đó Tây Nguyên: 30.878 người,
Trung Bộ: 101.738 người, Nam Bộ: 606.914 người.
Xáo trộn từ cuộc di cư này đã tạo nên những vết hằn ngang dọc với
nhiều di chứng lớn trong đời sống xã hội. Đối với vùng Công giáo Quảng
Trị, điều này còn sâu sắc hơn bởi một số sắc thái đặc thù sau đây:
Một là, mảnh đất Quảng Trị nơi có dòng sông Hiền Lương vừa là
chứng nhân, vừa là nhân vật chính của cuộc di cư.
90 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
90
Gọi là chứng nhân bởi vì, với vị trí địa lý giáp ranh giữa hai miền
Nam - Bắc, Quảng Trị chứng kiến rõ nhất những cuộc đến và đi. Vùng
đất phía bắc dòng Hiền Lương chứng kiến những cuộc chia ly không hẹn
ngày về, còn vùng đất phía nam làm chứng cho những cuộc hội ngộ
không hề định trước. Gọi là nhân vật chính vì, Công giáo Quảng Trị là
một trong những chủ thể (chủ động hay bị động) của những cuộc đến và
đi. Nhiều giáo xứ phía nam đón nhận các giáo xứ từ phía bắc của tỉnh.
Nhiều cộng đoàn giáo dân của Quảng Trị còn tiến khá xa về phía
Nam, dừng chân ở vùng rừng núi huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cách
biên giới Campuchia 15 km. Tại đây, số giáo dân Quảng Trị này cùng với
các gia đình Công giáo Giáo họ Nguyên Cát (Giáo phận Vinh), Giáo xứ
Sao Cát và Giáo xứ Phú Cam (Tổng Giáo phận Huế) lập nên dinh điền
Tích Thiện, rồi trở thành Giáo xứ Tích Thiện thuộc Giáo phận Phú
Cường ngày nay.
Sau năm 1954, Công giáo Quảng Trị còn tiến về Nha Trang, Khánh
Hòa để lập nên Giáo xứ Cù Lao, sau đổi tên và nâng lên thành Giáo xứ
Vĩnh Phước. Ngày nay, Giáo xứ Vĩnh Phước nằm tại địa bàn hai phường
Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hai là, Công giáo Quảng Trị di cư không chỉ từ Bắc vào Nam, mà còn
từ nửa tỉnh bên này đến nửa tỉnh bên kia.
Việc chia đôi đất nước theo Hiệp định Genève đồng nghĩa với việc
chia đôi tỉnh Quảng Trị thành vùng đất thuộc hai miền. Từ Vĩnh Linh trở
ra thuộc về Miền Bắc, từ Gio Linh trở vào thuộc về Miền Nam. Từ thực
tế này, ở Quảng Trị, xét ở góc độ địa lý, cuộc di cư từ Bắc vào Nam đôi
khi đơn giản là từ bên này sông sang bên kia sông. Đó là tình hình của
các giáo xứ Di Loan, Quán Ngang, An Ninh, Cao Xá, An Lộc, Gia
Môn Đa số giáo dân ở Vĩnh Linh đã vượt vĩ tuyến vào tạm cư tại La
Vang, vùng đất khá gần vĩ tuyến 17 thuộc về Miền Nam lúc bấy giờ.
Cũng di cư vào La Vang là Phúc viện Mến Thánh giá Di Loan. Phúc
viện này mang dấu ấn của Linh mục Léopold Cadière (cố Cả) trong việc
tu tạo để trở nên khang trang. Các nữ tu ở đây chuyên dạy giáo lý và chữ
quốc ngữ cho các em nhỏ nhiều giáo xứ trên địa bàn. Không những thế,
phúc viện Mến Thánh giá Di Loan còn được biết đến là nơi nuôi tằm,
quay tơ, dệt lụa tạo nên thương hiệu Hàng Tơ lụa Cửa Tùng nổi tiếng
khắp Đông Dương lúc bấy giờ.
Đoàn Triệu Long. Vài nét về Công giáo 91
91
Xa hơn một chút, nhiều giáo xứ trên vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị đã
tìm đến Huế làm điểm dừng chân. Phải chăng, trong sâu thẳm của họ vẫn
mong mỏi một tương lại gần sẽ lại trở về. Thánh 8/1954, một vùng giáo
sát bên Giáo xứ Di Loan di cư vào vùng đất đầy lau lách, cây cỏ um tùm,
hoang sơ của Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế để lập Giáo xứ Loan Lý.
Giáo xứ này vẫn còn tồn tại với một cộng đoàn gốc gác từ vùng Vĩnh
Linh tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc ngày nay.
Tiểu Chủng viện An Ninh là một trường hợp như vậy. Cơ sở Công
giáo tiếng tăm một thời này đã từ bỏ cả cơ ngơi bề thế gồm hai dãy nhà
tầng (nơi ở và học cho giảng sư và chủng sinh), một nhà thờ chính, một
nhà thờ nhỏ, để chuyển vào thành phố Huế. Tại đây, cơ sở này chỉ tồn
tại được một thời gian rồi bị xóa sổ. Vị giám đốc cuối cùng của Tiểu
Chủng viện An Ninh là Linh mục Bùi Quang Tịch3.
Cũng xuất phát từ sự liền kề về địa lý, nên cuộc di cư của Công giáo
Quảng Trị còn chứng kiến một nét đặc thù nữa, đó là di cư bằng đi bộ.
Để thực hiện chiến dịch di cư vào Nam, các lực lượng nước ngoài đã chi
những khoản tiền không nhỏ (Mỹ 55 triệu USD, Pháp 66 tỷ Phrăng) và
lập nên những tuyến giao thông Bắc - Nam. Đường hàng không được
thiết lập giữa các sân bay như Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) với các sân bay
Gia Lâm, Bạch Mai (Hà Nội) và Cát Bi (Hải Phòng). Tiếp đến là giao
thông bằng đường thủy với lực lượng 41 tàu thủy của Mỹ và Pháp
chuyên chở người di cư vào Nam. Tuy nhiên, người Công giáo Quảng Trị
có thể đi bộ vài chục kilomet là có thể đến được các điểm tập kết để định
cư là Đông Hà, La Vang, v.v
Ba là, Công giáo Quảng Trị luôn trong trình trạng xáo trộn phản ánh
diễn biến của thời cuộc.
Cuộc di cư năm 1954 thể hiện dấu ấn của một thời kỳ Bắc - Nam chia
cắt. Tuy nhiên, đối với giáo dân Công giáo Quảng Trị, đây chỉ là một
phần trong cuộc hành trình xáo động. Sau lần di cư thứ nhất đó, người
dân Công giáo nơi này tiếp tục những chuyến di cư mới mang tính thời
cuộc nhằm tránh lửa đạn chiến tranh.
Sau năm 1954, ở Quảng Trị có gần 150 nhà thờ xứ đạo, họ đạo với
hàng trăm linh mục, hàng vạn giáo dân, phát triển ở hầu hết các xã
phường vùng đồng bằng, các khu vực trọng yếu dọc Quốc lộ 9 cho đến
những vùng núi của tỉnh. Trong chiến tranh, nhất là giai đoạn ác liệt năm
92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
92
1972, cùng với thiên tai nên hầu hết cơ sở thờ tự bị tàn phá và đại đa số
chức sắc, giáo dân di tản vào phía Nam.
Đầu tiên là những cuộc di cư vào cuối thập niên 50 của thế kỷ XX vào
Bình Long, Phước Long. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, một số giáo dân
từ Họ đạo Truồi - Huế (nguyên thuộc các họ đạo Kẻ Hạc và Kẻ Báng -
Quảng Bình, di cư vào năm 1945) và một số giáo dân từ các họ đạo Diên
Trường và An Du Tây - Quảng Trị, cùng nhau vào khai hoang lập nghiệp
tại Dinh Điền, Xóm Ruộng, cách Chơn Thành khoảng 12 km về hướng
đông bắc, lập nên Giáo xứ Tân Châu, thuộc Giáo hạt Bình Long, Giáo
phận Phú Cường.
Tiếp đến là đợt di cư vào năm 1972. Những tháng đầu của năm 1972,
cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào thời kỳ ác liệt trên nhiều
mặt trận. Tại Quảng Trị, những trận chiến đấu diễn ra kịch liệt. Trước tình
hình đó, để tránh đạn bom, nhiều giáo xứ phía nam Quảng Trị lại tiếp tục
hành trình di cư. Các giáo dân tại khu vực La Vang tiến về Cam Ranh,
Khánh Hòa thuộc Giáo phận Nha Trang lúc bấy giờ do Giám mục Nguyễn
Văn Thuận quản lý. Tại đây, Trại Vĩnh Linh được dựng lên gồm có bốn
khu là Thủy Ba, Hiền Lương, Triệu Hải và Cửa Tùng dưới sự quản lý của
hai linh mục Trần Điển và Lê Viết Hoàng. Đây là những khu đạo tiền thân
của hai giáo xứ Vĩnh An và Vĩnh Bình (thành lập vào tháng 7/1975).
Cũng vào thời điểm năm 1972, phần lớn giáo dân Giáo xứ Đông Hà
được Linh mục quản xứ J. B. Etcharren dẫn dắt vào vùng Hàm Tân, Bình
Tuy để lập nghiệp. Những giáo dân này đã chọn vùng đất thuộc xã Bà
Giêng (nay là xã Tân Xuân) làm nơi dừng chân. Vậy là từ trước năm
1975, một giáo xứ mang tên Đông Hà được hình thành trên đất Bình
Thuận (Giáo phận Phan Thiết) với số giáo dân khoảng 4.000 người.
Tương tự, Giáo xứ Vinh Trang được hình thành tại xã Cam An Nam,
huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với sự góp mặt của giáo dân đến từ
Quảng Trị, Quảng Bình và một số nơi khác.
Những cuộc di cư vẫn kéo dài cho đến năm 1974. Đó là trường hợp
của các giáo dân thuộc Giáo xứ Gio Linh. Trước đó, năm 1972, Linh mục
Trương Công Giáo, quản xứ vùng Quán Ngang của Quảng Trị, đã đưa
các giáo dân của mình gồm các giáo họ Nam Tây, An Hòa, Nam Đông,
Vạn Kim, Quảng Xá rời quê hương vào tạm trú tại trại tị nạn Hòa Khánh,
Đà Nẵng. Đến năm 1974, cộng đoàn này lại gồng gánh lên đường tìm vào
vùng bờ biển đầy cát trắng và nắng gió ở Nam Trung Bộ là xã Sơn Mỹ,
Đoàn Triệu Long. Vài nét về Công giáo 93
93
huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, lập lên một giáo xứ mới. Hướng về
vùng quê cha đất tổ, giáo xứ lấy tên Gio Linh để đặt cho mình. Đến nay,
giáo xứ này có bảy giáo họ là Ba Ngôi, Giuse, Truyền Tin, Phaolô,
Thánh Gia, Antôn, Phục Sinh.
Bốn là, hệ quả của những cuộc di cư khiến Công giáo Quảng Trị hiện
nay co cụm về phía nam.
Với những diễn biến của một giai đoạn lịch sử nêu trên, Công giáo
Quảng Trị hiện nay có một nét khá đặc biệt, đó là số lượng giáo dân nửa
phía bắc của tỉnh rất ít, trong khi đó nửa phía nam lại đông đúc hơn
nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 21 giáo xứ đều ở phía
nam của dòng Hiền Lương trở vào. Cụ thể:
1. Giáo xứ An Đôn trên địa bàn xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.
2. Giáo xứ Bắc Cửa Việt trên địa bàn xã Gio Linh, huyện Gio Linh.
3. Giáo xứ Bố Liêu trên địa bàn xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong.
4. Giáo xứ Cây Đa trên địa bàn xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng.
5. Giáo xứ Diên Sanh trên địa bàn xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng.
6. Giáo xứ Đại Lộc trên địa bàn xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong.
7. Giáo xứ Đông Hà trên địa bàn thành phố Đông Hà.
8. Giáo xứ Kẻ Văn trên địa bàn xã Hải Tân, huyện Hải Lăng.
9. Giáo xứ Khe Sanh trên địa bàn thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.
10. Giáo xứ La Vang trên địa bàn xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
11. Giáo xứ Mỹ Chánh trên địa bàn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng.
12. Giáo xứ Mỹ Lộc trên địa bàn xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong.
13. Giáo xứ Nam Tây trên địa bàn hai xã Nam Đông và Gio Sơn,
huyện Gio Linh.
14. Giáo xứ Ngô Xá trên địa bàn xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong.
15. Giáo xứ Phan Xá trên địa bàn xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong.
16. Giáo xứ Phước Tuyền trên địa bàn xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.
17. Giáo xứ Phước Môn trên địa bàn xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng.
18. Giáo xứ Tân Lương trên địa bàn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng.
19. Giáo xứ Thạch Hãn trên địa bàn phường I, thị xã Quảng Trị.
94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
94
20. Giáo xứ Thuận Nhơn trên địa bàn xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng.
21. Giáo xứ Trí Bưu trên địa bàn phường 2, thị xã Quảng Trị.
Như vậy, dấu ấn di cư làm cho Công giáo Quảng Trị tập trung chủ yếu
ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Những năm gần
đây, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và việc thực hiện tốt
chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ở địa phương, Công giáo Quảng
Trị được củng cố và phát triển trở lại. Giáo xứ Bắc Cửa Việt là một ví dụ.
Ngày 17/2/2011, giáo xứ này đã được lập, trực thuộc giáo xứ chính là
Đông Hà.
Năm là, do cuộc di cư năm 1954, Công giáo Quảng Trị đã góp phần
tô đậm lên một dấu ấn đỏ có tên là La Vang.
La Vang là một vùng đất trung du thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng,
tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những địa điểm được người Công giáo
tin rằng, Đức mẹ Maria đã hiện ra. Liên quan đến điều này, nhiều câu
chuyện kể về thời điểm năm 1798 (thời vua Cảnh Thịnh), những xung
chạm giữa lực lượng Văn thân với Công giáo diễn ra khá gay gắt. Một số
gia đình giáo dân thuộc Xứ đạo Cổ Vưu (hạt Dinh Cát) trốn vào rừng La
Vang (nhiều người cho rằng, tên này xuất phát từ việc trong khu vực có
nhiều cây Lá Vằng, sau đó đọc chệch thành La Vang). Tại đây, họ được
Đức mẹ Maria hiện ra, bồng Chúa Giêsu hài đồng có hai thiên thần hầu
cận để an ủi và giúp đỡ. Với huyền thoại nêu trên, vùng đất La Vang bắt
đầu được chú ý đến, đầu tiên là việc lập ngôi nhà nguyện vào những năm
cuối thế kỷ XIX. Năm 1885, một nhà nguyện có ba chuông nhỏ được
giám mục đại diện Tông tòa Tổng Giáo phận Huế là Eugenio Maria
Giuse Allys (Lý) đến làm phép.
Giám mục Caspar Lộc cho xây dựng tại La Vang một ngôi nhà thờ
bằng ngói, khởi công năm 1894 và hoàn tất vào năm 1901. Từ năm 1924
đến năm 1928, Linh mục Morineau Trung của Giáo xứ Cổ Vưu xây dựng
lại Nhà thờ La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier. Dưới tác
động của thời gian, Nhà thờ La Vang ngày càng bị hư hỏng và ít được sự
chú ý hay đầu tư nào đáng kể. Sau năm 1954, nhiều giáo dân từ phía bắc
sông Hiền Lương di cư vào La Vang, khiến vùng đất này trở nên sầm uất
và nhộn nhịp. Nhiều xứ đạo được hình thành tại đây là La Vang Thượng,
La Vang Trung, La Vang Tả, La Vang Hữu,
Đoàn Triệu Long. Vài nét về Công giáo 95
95
Cuộc di cư năm 1954 khiến La Vang nổi tiếng. Ngược lại, sự nổi tiếng
của La Vang là một phương pháp để kêu gọi giáo dân di cư. Hai mặt của
một vấn đề có tính biện chứng đã dẫn đến một kết quả là, La Vang thực
sự nhận được sự quan tâm của cả Giáo hội Công giáo lẫn những lực
lượng sắp đặt nên cuộc di cư vào Nam. Ngày 6/12/1954, lễ rước tượng
Đức mẹ La Vang từ thị xã Quảng Trị trở về Nhà thờ La Vang được tiến
hành với sự có mặt của vị giám mục thứ tám của Tổng Giáo phận Huế là
Jean Baptiste Urritia (Thi) cùng 40 linh mục và khoảng 20.000 giáo dân.
Năm 1955, Nhà thờ La Vang được trùng tu. Cũng trong năm này, đại hội
lần thứ 13 được tổ chức tại La Vang với sự góp mặt của ba vị giám mục
là Urritia, Phạm Ngọc Chi và Lê Hữu Từ cùng với hơn 100 linh mục và
20.000 giáo dân. Đến năm 1958, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức mẹ
Marria hiện ra tại Lộ Đức, đã có khoảng 600.000 tín đồ Công giáo đến
hành hương tại La Vang. Tiếp đó, những năm 1959 - 1960, các hoạt động
như trùng tu nhà thờ, rước nến của Giáo hoàng Gioan XXIII tặng đã diễn
ra tại đây. Ngày 13/4/1961, tại Huế, giám mục của các giáo phận thuộc
Miền Nam đã tổ chức một cuộc họp và quyết định chọn La Vang làm
“đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ”.
Ngày 22/8/1961, cơ sở này được Giáo hội Công giáo nâng lên thành Tiểu
Vương cung Thánh đường. Hiện nay, việc tổ chức định kỳ ba năm một
lần Đại hội hành hương La Vang bằng lễ kiệu long trọng và công phu với
sự tham gia của tất cả các giáo phận trong nước cũng như nhiều giáo dân
nước ngoài đã dần đưa La Vang trở thành một địa chỉ có dấu ấn lớn lao
đối với Công giáo trên thế giới.
Cần nói thêm rằng, trong lịch sử Công giáo ở Việt Nam đã có không ít
địa chỉ hành hương được xây dựng để thể hiện lòng sùng kính Ðức mẹ
Marria. Đó là La Mã (Bến Tre), Bình Triệu (Thủ Đức), Bãi Dâu (Vũng
Tàu), Tà Pao (Phan Thiết)... đặc biệt là Trà Kiệu ở Quảng Nam, nơi cách
La Vang khoảng 180km về phía nam, từng được xem là chiếc nôi Công
giáo của xứ Đàng Trong, từ đó lan rộng ra nhiều nơi trong đó có La
Vang. Tuy vậy, để trở thành một Vương cung Thánh đường thì La Vang
là sự lựa chọn đầu tiên chứ không phải địa chỉ nào khác.
Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 01 giáo hạt (hạt Quảng Trị)
trực thuộc Tổng Giáo phận Huế, 20 giáo xứ, 40 họ đạo với 32 nhà thờ. Số
giáo dân ở Quảng Trị khoảng hơn 13.000 người, chiếm khoảng 2,5% dân
số toàn tỉnh. Đồng bào Công giáo tại đây luôn thể hiện được tinh thần
sống tốt đời, đẹp đạo; đồng tâm xây dựng đất nước ngày một phát triển./.
96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014
96
CHÚ THÍCH:
1
Lê Cung (2003), Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb.
Thuận Hóa, Huế: 68.
2
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954 - 1975), Nxb. Chính trị Quốc gia,
Hà Nội: 63.
3
Tuy thuộc vùng đất Miền Nam lúc bấy giờ, nhưng thành phố Huế không là một
điểm đến lâu dài cho bất cứ giáo xứ nào từ phía Bắc. Đây là một điều khá thú vị
cần có những nghiên cứu sâu thêm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A. D. Rhodes (Hồng Nhuệ dịch, 1994), Hành trình và truyền giáo, Ủy ban Đoàn
kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Tủ sách Đại Kết.
2. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong 1621, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Manuel Moreno (1916), Sử ký Địa phận Trung, Nhà in Phú Nhai Đường.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (1999), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị
(1930-1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Phillipphê Bỉnh (1822), Truyện nước Nam: Đàng Ngoài chí Đàng Trong, quyển
II, bản viết tay, Kẻ Chợ.
6. Trương Bá Cần (2008), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, tập II,
Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. Nguyễn Hồng (1959), Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển I, Nxb. Hiện tại, Sài Gòn.
8. Lê Cung (2003), Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb.
Thuận Hóa, Huế.
9. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh (1995), Lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954 - 1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Abstract
AN OUTLINE OF THE CATHOLICISM IN QUẢNG TRỊ
PROVINCE, VIETNAM
The article presented the spread and existent history of Catholicism in
Quảng Trị, Vietnam. Especially, researching the impact of emigration in
1954, the article set up some features of Catholicism there such as: both
the witness and the protagonist of emigration in 1954; the migration not
only from North to South, but also from a half side of the province to the
other half; always being in the state of disturbance because of migrating
many times according to the happenings of the time; creating a private
appearance in the south half of province; establishing La Vang holy land.
Key words: Catholicism, Quảng Trị, La Vang, Vietnam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25220_84468_1_pb_7806.pdf