Trong tiếng Việt, các đơn vị từ vựng vay mượn phần lớn là
các từ. Ngoài ra có một số ngữ nhất định và quán ngữ có nguồn
gốc nước ngoài.
Không phải bất cứ sự thâm nhập từ nước ngoài nào vào ngôn
ngữ cũng là từ vay mượn. Những từ vay mượn phải được cải tạo
lại để có hình thức ngữ âm, đặc điểm ngữ pháp phù hợp với hệ
thống ngữ âm và ngữ pháp của ngôn ngữ "đi vay". Sự biến đổi
ngữ nghĩa của các từ vay mượn cũng là điều thường thấy. Ví dụ,
từ tét trong biệt ngữ của những người ưa thích môn bóng đá vốn
là danh từ tête với nghĩa "cái đầu" của tiếng Pháp. Vào tiếng
Việt, nó đã được phát âm theo kiểu Việt Nam và có ý nghĩa của
động từ (đánh đầu, đỡ bóng, chuyền bóng bằng đầu). Hoặc nhtừ tử tế. Đây là một từ phức Hán với nghĩa "tỉ mỉ, kĩ càng". Sang
tiếng Việt nó chỉ "cách đối xử giữa người với người đúng mức,
không khinh rẻ, không hắt hủi",. Việc những người biết ngoại
ngữ chen vào trong lời nói bằng tiếng bản ngữ những từ giữ
nguyên cách phát âm và ý nghĩa nước ngoài thì không phải là sự
vay mượn.
36 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 3506 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Ngôn ngữ học - Chương IV: Hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sáng trước chưa kịp tắt hẳn thì lần sáng sau đã lại loé lên.
Nguồn sáng lấp loé khi nó cùng lúc tắt, lúc sáng nhưng luồng sáng
mạnh, sắc, nhanh còn nếu như ánh sáng phát ra chậm hơn, yếu
hơn không thành tia màng loang ra thành một diện tích nhỏ thì nó
lập loè.
Các từ trên đều chỉ cách phát sáng của bản thân nguồn sáng,
những ánh sáng nhảy, lấp loé,... là những ánh sáng do tự nguồn
sáng phát ra. Khi chỉ cách phát sáng của những ánh sáng phản
chiếu, chúng ta có các từ lấp lánh, lấp loáng, long lanh, lung
linh.
ánh sáng lấp lánh khi được phản chiếu từ một mặt phẳng hẹp,
lúc hiện ra, lúc mất đi, khuất đi, cho nên nó nhỏ và ngắn. Nó lấp
loáng khi được phản chiếu từ một mặt phẳng lớn hơn, thành
những luồng sáng lúc mất, lúc hiện ra, quét những góc lớn. Nó
lóng lánh, long lanh khi vật phản chiếu có hình cầu. ánh sáng
phản chiếu thành tia mạnh , lúc tắt, lúc sáng với cường độ lớn thì
nó lóng lánh. Khi vật phản chiếu cũng hình cầu nhưng trong suốt,
sáng hẳn lên khi nhận ánh sáng từ ngoài chiếu vào, do đó dường
như tự mình phát ra những tia sáng lúc rực lên, lúc yếu đi thì nó
được gọi là long lanh. ánh sáng lung linh là ánh sáng hoặc phản
chiếu, hoặc được phát ra từ nguồn sáng, nhưng vật phát sáng cũng
hình cầu. Nó cũng rung rinh nhưng không thành tia và không
phải do vật phản chiếu hay vật phát sáng tự nó rung động mà là do
chúng được nhìn qua một môi trường lỏng, trong và rung động
đều đều. Chính vì được nhìn qua một môi trường cho nên ánh
sáng lung linh bao giờ cũng có vẻ huyền ảo, mơ hồ.
Đó là sự phân hoá của một vận động : vận động của ánh
sáng. Không có sự dày công chiêm nghiệm, suy ngẫm thực tế,
không có cặp mắt của những nghệ sĩ bậc thầy, làm sao có thể
"bắt" được những tia "một đi không trở lại" đó của ánh sáng để
78
cố định chúng bằng những từ rất đẹp ?
Cùng với rất nhiều những ví dụ khác, những ví dụ vừa phân
tích trên đây chứng tỏ rằng hiện tượng đồng nghĩa là bằng chứng
rất thuyết phục về cái giàu, cái đẹp và cái trong sáng trong ngôn
ngữ Việt Nam. Nó cũng là bằng chứng của cả một dân tộc, một dân
tộc có văn hoá, có lịch sử, có một tâm hồn biết yêu và biết ghét rất tế
nhị, vô cùng tế nhị trong sự quan sát, thể nghiệm thiên nhiên, xã
hội và con người, biết trân trọng kinh nghiệm của các thế hệ cha
anh, biết đúc kết chúng thành những từ, những viên ngọc báu trong
ngôn ngữ.
Ngôn ngữ của các tác phẩm văn học phải thực hiện cùng một
lúc hàng loạt chức năng. Nó phải chính xác, gợi hình ảnh, có
khả năng bộc lộ tình cảm, tâm trạng của con người. Nhưng lại
phải hàm súc. Các từ đồng nghĩa của tiếng Việt là những đơn vị
thoả mãn được những đòi hỏi nói trên. Mỗi từ đồng nghĩa là một
bức tranh, một mảnh nhỏ của một tác phẩm văn học cô gọn lại
trong một từ. Cho nên, các từ đồng nghĩa là những phương tiện
quý báu của nghệ thuật văn học, nhất là nghệ thuật thơ ca.
ở trên, chủ yếu là các ví dụ và hiện tượng đồng nghĩa đã có
từ trước, từ lâu trong tiếng Việt.
Hiện nay, các từ đồng nghĩa mới đang tiếp tục xuất hiện. Có
thể nói, một trong những quy luật phát triển của từ vựng tiếng
Việt là đồng nghĩa hoá các khái niệm, các từ. Dường như một
khái niệm mới, một sự kiện mới, một tính chất mới, mới được phát
hiện và đi vào tiếng Việt thì nó đều có khả năng làm nảy sinh một
số từ đồng nghĩa sắc thái hoá. Ví dụ :
lãnh đạo, chỉ đạo, cầm đầu, hướng dẫn, điều khiển, điều
hành, quản đốc, quản lí, quản trị,...
phương hướng, đường lối, cương lĩnh, chính cương,...
kế hoạch, chương trình, sách lược, phương án,...
chính, chủ yếu, cốt yếu, trọng yếu, chính yếu, then chốt,
mấu chốt, cơ bản, căn bản,...
thi hành, thực hiện, thực hành, tiến hành, chấp hành, thi
79
công,...
nhận, thừa nhận, công nhận, chấp nhận, ghi nhận,...
mặt trận, tiền tuyến, hoả tuyến, tiền phương, tiền duyên, tuyến
lửa,...
căn cứ, hậu cứ, bàn đạp, ...
Hiện tượng đồng nghĩa như thế vừa là biểu hiện tập trung
của một loại quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng : quan hệ đồng
nghĩa, vừa là một hiện tượng có tính chất xã hội, phản ánh
những kết quả nhận thức, chiếm lĩnh thực tế của một dân tộc nào
đó. Nó cũng đồng thời vừa là hệ quả, vừa là phương tiện của
những yêu cầu của sự diễn đạt, giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Tất cả các ngôn ngữ đều phong phú về hiện tượng đồng
nghĩa. Nhưng hiện tượng đồng nghĩa trong tiếng Việt có những
vẻ riêng, nó là một trong những bản sắc giàu, đẹp, trong sáng và
cũng là một trong những quy luật chi phối sự phát triển của tiếng
Việt. Cần phải tôn trọng, nghĩa là phải có ý thức lựa chọn, sử
dụng đúng đắn các từ trong nhóm đồng nghĩa sao cho tốt nhất
đối với một nội dung nào đấy của văn bản, và phải rút ra trong
các từ đồng nghĩa những bài học lớn về cách quan sát, thể
nghiệm tự nhiên và xã hội.
Tuy bản chất là tích cực nhưng cũng có khi hiện tượng này bị
đẩy lên thái quá, gây cồng kềnh cho ngôn ngữ, làm trở ngại cho
tư duy và cho diễn đạt, giao tiếp.
Cần biết tránh không tạo thêm những từ đồng nghĩa mà sự
đối lập sắc thái quá chi tiết, khó phân biệt, do đó khiến cho chúng
gần trở thành những từ đồng nghĩa tuyệt đối.
III Hiện tượng đồng nghĩa trong văn bản
Trong giao tiếp, người nói hoặc viết có thể dùng những đơn vị
ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt cùng một sự vật, sự kiện hay một
tư tưởng, tạo nên những hiện tượng đồng nghĩa trong văn bản.
Những đơn vị đồng nghĩa trong văn bản có thể là từ đồng nghĩa
đã sẵn có trong từ vựng, cũng có thể là những đơn vị mới được
người nói tạo ra. Mong muốn tạo ra những văn bản đạt những yêu
80
cầu về đặc trưng của ngôn ngữ văn chương, tránh được những cái
dở trong việc dùng từ, thể hiện cho thật đúng, chính xác tư tưởng,
tình cảm người viết, đó là lí do của việc tạo ra hiện tượng đồng
nghĩa trong văn bản.
Trong văn bản có thể có những câu đồng nghĩa hay những từ
đồng nghĩa.
1. Có những trường hợp câu đồng nghĩa như sau:
a) Câu đồng nghĩa khác nhau về cấu trúc và khác nhau cả về
từ ngữ. Ví dụ :
B.52, F.111 và 10 vạn tấn bom đạn trong 12 ngày cuối
tháng chạp vừa qua không lung lay nổi ý chí và quyết tâm chống
Mĩ của nhân dân ta.
Cuộc tập kích chiến lược tàn bạo nhất trong lịch sử chiến
tranh của Mĩ đè bẹp sao nổi khát vọng thống nhất, độc lập của dân
tộc ta.
b) Câu đồng nghĩa khác nhau về cấu trúc nhưng từ ngữ
không thay đổi về cơ bản. Ví dụ :
Nhân dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược của Mĩ.
Cuộc tập kích chiến lược của Mĩ đã bị nhân dân ta đánh
bại.
c) Có những biểu thức cú pháp hoặc khác nhau về trật tự từ
hoặc chứa một từ trái nghĩa nhưng vẫn đồng nghĩa. Ví dụ :
c.1 Tôi cao hơn anh.
Anh thấp hơn tôi.
c.2 Tôi trước anh.
Anh sau tôi.
c.3 Tôi gần anh.
Anh gần tôi.
c.4 Tôi có cuốn sách này.
Cuốn sách này thuộc về tôi.
c.5 Con cái làm cha mẹ hài lòng.
Cha mẹ hài lòng vì con cái.,...
2. Trong văn bản có thể có những trường hợp đồng nghĩa về
81
từ ngữ như sau:
a) Sự vật, sự kiện, tư tưởng,... chưa có tên gọi cố định, các
văn bản khác nhau tạo ra những đơn vị khác nhau để diễn đạt.
Như :
Cuộc tập kích chiến lược tháng 12/ 1972 của Mĩ.
Nấc thang tột cùng của tội ác,...
Chiến dịch ném bom khủng bố chưa từng có,...
Hành động tàn ác nhất và điên rồ nhất,...
Cuộc tiến công ăn cướp chớp nhoáng,...
Sự đồi trụy của kĩ thuật,...
b) Sự vật, sự kiện, tư tưởng,... đã có tên gọi cố định, thông
thường, nhưng người nói, người viết muốn đối tên gọi để đạt các
hiệu quả nghệ thuật:
Người viết có thể dùng những từ đồng nghĩa để thay thế các
từ cho nhau.
Dùng những từ vốn không đồng nghĩa nhưng có nét nghĩa
đồng nhất nào đấy phù hợp với ý nghĩa của cả câu thay thế cho
nhau. Sự thay thế đó làm nổi lên cái sắc thái tư tưởng, tình cảm
mà các tác giả muốn thể hiện.
+ Máy bay ném vội mấy quả bom rồi bay thẳng.
Con quạ sắt trút vội mấy quả bom rồi chuồn thẳng.
+ Tên đại ca vừa bước ra khỏi nhà thì bị bắt.
Tên đại ca vừa mò ra khỏi sào huyệt thì...
3. Khi phân tích giá trị nghệ thuật của các từ ngữ, chúng ta cần
phát hiện ra ý đồ nghệ thuật mà người viết muốn thể hiện trong biểu
thức hay từ ngữ đã được chọn dùng. Tất nhiên, trong một câu văn,
câu thơ, chúng ta chỉ gặp có một biểu thức, một từ ngữ. Nhưng, để
làm rõ giá trị của từ ngữ đó, người phân tích phải đưa ra những đơn
vị đồng nghĩa giả định, so sánh những đơn vị giả định đó với đơn vị
mà người viết đã chọn dùng, từ đó tìm ra giá trị của nó. Nếu biết được
bản thảo của các tác giả thì chúng ta dễ thấy được giá trị nghệ thuật
của đơn vị mà tác giả đã chọn hơn. Ví dụ, Hoài Thanh kể hai câu thơ
của Huy Cận :
82
Ngàn năm sực tỉnh lê thê
Trên thành son nhạt chiều tê tái sầu.
đã được Xuân Diệu chữa thành :
Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu
bởi vì theo Xuân Diệu nói như vậy kín đáo hơn, lắng đọng hơn.
Và hai câu mở đầu của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá trong
bản thảo được Huy Cận viết :
Mặt trời xuống biển như cục lửa
Sóng đẩy then cài, đêm sập cửa.
rồi sau mới thành :
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Công phu chọn lựa từ ngữ, chọn lựa cách diễn đạt của các
tác giả chỉ nhờ sự đối chiếu với các đơn vị đồng nghĩa giả định
mới được phát hiện ra.
IV Hiện tượng trái nghĩa
1. Trái nghĩa là gì ?
Đối lập với hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa là hiện tượng
giữa các từ (hay ngữ cố định) có nghĩa trái ngược nhau.
Để xác định được các từ trái nghĩa, cần phải đặt chúng trên một
nét nghĩa đồng nhất nào đó. Ví dụ, ta nói bé và to trái nghĩa với
nhau vì chúng đều có sự đồng nhất về một nét nghĩa khái quát
chung : "xét về kích thước của khối lượng". Có thể biểu diễn bằng
sơ đồ sau :
Bé kích thước về khối lượng To
Không thể nói, ví dụ, bé trái nghĩa với dài hoặc rộng vì dài là
xét về trường độ, còn rộng là xét về diện tích.
Bây giờ, nếu lấy từ bé và to làm trung tâm, ta có thể tìm ra
hàng loạt từ đồng nghĩa với mỗi từ trung tâm đó. Ví dụ, đồng
nghĩa với bé là nhỏ, tí xíu, tí hon, nhỏ nhoi,... ; đồng nghĩa với to
là lớn, vĩ đại, đồ sộ, to tát, lớn lao,... (nên chú ý các từ đồng nghĩa
này là khác nhau về sắc thái ý nghĩa).
83
Nếu đối chiếu hai nhóm đồng nghĩa này với nhau, chúng ta
có thể nói các từ của nhóm này trái nghĩa với nhóm kia.
Vì nét nghĩa đồng nghĩa đồng nhất làm cơ sở là một nét nghĩa
trong một trường nghĩa cho nên, có thể nói, hiện tượng trái nghĩa là
hiện tượng trong các trường nghĩa. Cũng như các từ đồng nghĩa,
phải đặt các từ trong các trường nghĩa biểu niệm thích hợp thì mới
xác định được các từ trái nghĩa (cũng như đồng nghĩa) đích thực.
Nếu không, chúng ta có các trường hợp giả trái nghĩa (và giả
đồng nghĩa) tức là những trường hợp trái nghĩa do ngôn cảnh mà
có. Ví dụ, trong ngôn bản, chúng ta có thể gặp hai từ vang dội
(chiến thắng vang dội) và bé nhỏ (thắng lợi bé nhỏ) chúng trái
ngược theo độ "lớn", "bé" nhưng là giả trái nghĩa vì vang dội là
nói về âm thanh, còn bé nhỏ không bắt buộc phải có nét nghĩa này.
Cũng tương tự, yếu ớt và khoẻ khoắn là giả trái nghĩa, vì từ thứ
nhất là nói về trạng thái đặc tính sinh lí, còn khoẻ khoắn là nói đến
cảm giác tự cảm về sinh lực.
Vì từ có nhiều nghĩa cho nên hiện tượng trái nghĩa là hiện
tượng xảy ra trong quan hệ giữa các nghĩa của một từ nhiều
nghĩa, do đó một từ có thể có nhiều từ trái nghĩa với nó mà
những từ này có nét nghĩa chung, làm cơ sở khác nhau. Ví dụ :
lành trái nghĩa với độc (vị thuốc độc)
dữ (điềm dữ)
dữ (tính lành, tính dữ)
mẻ, vỡ (bát lành, bát vỡ)
rách (áo lành, áo rách)
chín xanh (quả xanh, quả chín)
non (nhọt non, nhọt chín)
giả thật (hàng giả, hàng thật)
dối (nói thật, nói dối)
sâu cạn
nông
dày thưa
mỏng
84
rộng hẹp
chật
ở trường nghĩa, chúng ta đã nói đến sự quy định lẫn nhau về
ngữ nghĩa giữa các từ trong một trường. Quan hệ đồng nghĩa và
trái nghĩa là biểu hiện rõ rệt nhất của sự quy định lẫn nhau này.
Nắm được nhiều từ đồng nghĩa và trái nghĩa với từ đang xem xét,
nhanh chóng nghĩ tới các từ đồng nghĩa và trái nghĩa với một từ
mà chúng ta gặp trong ngôn bản, đặc biệt là trong các tác phẩm
chứng tỏ sự phong phú, độ nhạy bén và tinh tế của chúng ta về từ
ngữ. Đối chiếu từ đang xem xét đối với từ đồng nghĩa và trái
nghĩa của nó là điều kiện không thể thiếu khi giảng nghĩa và
phân tích giá trị nghệ thuật của các từ trong ngôn ngữ văn
chương.
V Hiện tượng đồng âm
Đồng âm là hiện tượng xảy ra khi hai từ khác nhau hoàn toàn về
ý nghĩa nhưng vỏ âm thanh của chúng hoàn toàn giống nhau (đây là
nói vỏ ngữ âm chuẩn, không nói đến những cách phát âm địa
phương).
Dưới đây là một số ví dụ về hiện tượng đồng âm:
la (nốt nhạc) là (ủi) (quần áo)
la (bay la) là (từ nối)
la (con la) là (khăn là)
la (hét, mắng) là (chim là xuống mặt đất)
bà mụ (nữ hộ sinh) bà mụ (loại côn trùng)
bàn tính (bàn bạc, tính
toán)
bàn tính (dụng cụ để tính)
nữ công (công nhân,
viên chức nữ )
nữ công (công việc trong gia đình
của người phụ nữ)
nội thương (những thương
tổn bên trong người)
nội thương (thương mại trong
nước)
Đồng âm là hiện tượng tất yếu của các ngôn ngữ vì số lượng
các đơn vị ngữ âm là có hạn trong khi số lượng các sự vật cần
85
biểu thị thì nhiều vô cùng. Hiện tượng đồng âm không gây trở
ngại cho việc hiểu các ngôn bản. Nó được văn học lợi dụng làm
một phương tiện tu từ rất có hiệu lực (xem lại đoạn trích thơ Tú
Mỡ).
Câu hỏi hướng dẫn học tập chương IV
1. Hiện tượng đồng nghĩa là gì ? Hãy dẫn một số ví dụ về từ
đồng nghĩa .Vì sao muốn xác định các từ đồng nghĩa lại phải đặt
chúng trong các trường nghĩa ?
2. Hãy nêu một số đặc điểm của các từ đồng nghĩa trong
tiếng Việt.
3. Thế nào là hiện tượng trái nghĩa ? Vì sao lại nói muốn xác
định được các từ trái nghĩa cũng phải đặt chúng trong các trường
nghĩa ?
4. Những hiểu biết về hiện tượng đồng nghĩa và trái nghĩa
giúp chúng ta phân tích giá trị thẩm mĩ của các từ ngữ trong tác
phẩm văn học như thế nào ?
86
Chương V
Các lớp từ vựng
Chương này dành cho việc phân loại các từ trong từ vựng
không theo tiêu chí phạm vi hay cộng đồng xã hội sử dụng ngôn
ngữ.
I - Thuật ngữ khoa học và từ vựng nghề nghiệp
1. Thuật ngữ khoa học, kĩ thuật
Thuật ngữ khoa học, kĩ thuật là những từ ngữ được dùng để
biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm,... trong
những ngành khoa học tự nhiên, nhân văn và xã hội.
Về ngữ nghĩa, ý nghĩa biểu vật của thuật ngữ trùng hoàn toàn
với các sự vật có thực và ý nghĩa biểu niệm của chúng đồng nhất với
các khái niệm về các sự vật đó trong ngành khoa học và kĩ thuật
tương ứng. Về hình thức, thuật ngữ vẫn tuân theo các phương thức
cấu tạo của tiếng Việt, tuy nhiên phương thức láy được dùng rất hạn
chế. Về từ tố, thuật ngữ khoa học, do yêu cầu diễn đạt sự vật và khái
niệm thật chính xác cho nên có thể mượn rộng rãi các yếu tố nước
ngoài và có thể dùng các từ tố tiếng Việt với nghĩa khác với nghĩa
thông thường của chúng (như nghĩa của từ tố lão trong từ lão hoá,
ôm cơ, hàm chân trị, điểm uốn,...)
Thuật ngữ có tính chính xác, một nghĩa đối với một ngành
khoa học, không có sắc thái biểu cảm. Chúng có tính quốc tế chủ
yếu về ý nghĩa bởi vì ý nghĩa của chúng là các khái niệm khoa
học, mà khái niệm khoa học là chung cho toàn thế giới (không kể
những ngành khoa học riêng trong mỗi dân tộc). Chúng cũng có
tính hệ thống cả về ý nghĩa, cả về hình thức bởi vì tri thức khoa
học là có hệ thống. Tính hệ thống của thuật ngữ là do tính hệ
thống của từng ngành khoa học quyết định. Dưới đây là một số ví
dụ :
Thuật ngữ kĩ thuật luyện kim đen :
lò nung buồng lửa khuôn tơi van gió
87
lò chõ
thép gió
thép hợp kim
buồng sinh khí
quặng thiêu kết
quặng phản
hồi
khuôn khô
liệu chịu lửa
liệu sống
van phễu
phôi dao cắt
phôi bánh
răng
Thuật ngữ ngành sinh học :
giới
ngành
lớp
hệ
họ
giống
loài
tế bào
mô
chất nguyên sinh
thể nhiễm sắc
thể tơ
gien
nhân
di truyền
đột biến
biến dị
phân bào
tập nhiễm
miễn dịch
kháng bệnh
tính trội
tính lặn
tập tính
kháng thể
kháng nguyên
bổ thể
mật mã di truyền
2. Từ vựng nghề nghiệp
Từ vựng nghề nghiệp bao gồm những đơn vị từ vựng được
dùng trong các hoạt động và sản xuất của các ngành tiểu thủ
công nghiệp và các ngành văn hoá có tính dân tộc, truyền thống.
Về ngữ nghĩa, từ vựng nghề nghiệp cũng giống như các thuật
ngữ khoa học kĩ thuật, nghĩa là nghĩa biểu vật trùng với sự vật và
nghĩa biểu niệm trùng với khái niệm. Có thể nói, từ vựng nghề
nghiệp là một thứ thuật ngữ kĩ thuật dân dã.
Cũng vì có tính dân dã nên chúng không có tính hệ thống
cao, không thật chính xác và ít nhiều mỗi từ có tính biểu cảm
nhất định, chúng thường gợi ra một cái gì đấy thân quen, đôi khi
cổ kính và gợi ra cả những hình ảnh về một cuộc sống lam lũ
nhưng đầy tài hoa với những nghi lễ của các phường hội xa xưa.
Chúng không có tính quốc tế, thậm chí tính thống nhất trong một
quốc gia cũng rất mờ nhạt. Có thể cùng một ngành nghề nhưng
từng địa phương một vẫn có những từ nghề nghiệp riêng. Dưới
đây là một số ví dụ về từ vựng nghề nghiệp ở phương ngữ phía
Bắc :
Nghề gốm :
gốm, sành, sứ, xương gốm, men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa
88
lam,
bàn xoay, náu (trục gỗ ở bàn xoay), bao thơi, hòn kê,
luyện (đất) vỗ, chải, rạch, dập, in, dồi, nạo, vần ve, xeo, sửa,...
Nghề đúc đồng :
khuôn, đậu rót, đậu ngót, đậu hơi,...
lư, đỉnh, đế, đèn,...
Nghề mộc (làm nhà)
thước tầm, rui mực, khoảng ngang, khoảng giữa, khoảng chảy, gáy
,...
rui, mè, cột cái, cột con, thượng lương, đấu, réo, thượng thu
hạ thách, thức ,...(kiến trúc)
II Biệt ngữ
1. Biệt ngữ là gì ?
Biệt ngữ (còn gọi là các tiếng xã hội) bao gồm các đơn vị từ
vựng được dùng trong một tập thể xã hội. Có những biệt ngữ của
các giai cấp thống trị trong xã hội cũ, các giới xã hội như công
chức, học sinh, những người buôn bán, những người lái xe, quân
đội,... Cũng có những biệt ngữ của những người thường xuyên
tham dự một trò chơi, một môn thể dục thể thao nào đó. Giữa biệt
ngữ và từ vựng nghề nghiệp có sự nhập nhằng. Chúng ta tạm
thời quy định như sau : biệt ngữ là những đơn vị từ vựng không
thuộc về các sự vật, hành động, đặc điểm vốn là những bộ phận
hợp thành của một nghề nghiệp, một môn thể dục thể thao,...
nhất định. Những từ biểu thị các sự vật, hoạt động này là các từ
nghề nghiệp hay thuật ngữ. Biệt ngữ chỉ là những đơn vị từ vựng
"chồng" lên những đơn vị từ vựng mà ngôn ngữ toàn dân đã có,
góp phần tạo nên cái vẻ riêng của những người tham gia vào
ngành nghề hay trò chơi đó. Nói rõ hơn, những người ngoài tập
thể xã hội có biệt ngữ, trước một sự vật, sự việc xảy ra trong hoạt
động của tập thể, thường dùng một từ ngữ toàn dân để biểu thị,
còn những người trong tập thể sẽ dùng một từ biệt ngữ riêng.
89
Do đó biệt ngữ thường có vẻ "lạ tai" đối với người ngoài. Ví dụ,
trong môn bóng đá, các từ hiệp một, hiệp hai, trọng tài, hậu vệ
thòng, thua là những thuật ngữ. Trái lại đốn ngã, bị thủng lưới,
vào lưới nhặt bóng,... là những biệt ngữ. Cũng như vậy, trong
ngành tư pháp, các từ trại giam, nhà lao, nhà tù thuộc thuật ngữ
nhưng nhà đá, bóc lịch là biệt ngữ.
Chúng ta tách riêng các biệt ngữ tôn giáo, các biệt ngữ triều đình
phong kiến thành một nhóm riêng vì tính chất trang trọng nghiêm
chỉnh của chúng. Các biệt ngữ khác được gọi chung là tiếng lóng.
2. Tiếng lóng
Tiếng lóng bao gồm các từ ngữ mà các tập thể xã hội sáng tạo
ra chúng muốn qua chúng mà "nói riêng" với nhau hoặc bộc lộ
cái vẻ riêng của tập thể mình, để đùa vui với nhau hoặc để giữ
những bí mật của tập thể mình, không cho những người ngoài
tập thể biết. Dưới đây là ví dụ :
Tiếng lóng của học sinh sinh viên thời thuộc Pháp :
công tử bột, tiểu thư vôi, úm, cừ, hộp, kền, kẻng, gộc ca chìa
(grossier, nay nói tắt thành gộc),...
Hiện nay trong giới học sinh, sinh viên có các tiếng lóng :
gậy (một điểm), ngỗng (điểm hai), trứng (điểm không), mồ côi
vợ (chưa có vợ), tặc tè (keo kiệt), ghi đông xe đạp (điểm ba), cưa
(tán gái),...
Tiếng lóng của hạng lưu manh thời thuộc Pháp :
báy (sờ túi), giấng (túi bạc), so (sợ), cớm (mật thám, công an),
cá chìm (công an mật), trách chợp (một chục đồng), bỉ (con đĩ),
vỏ (người ăn cắp),...
Tiếng lóng của hàng cá :
dàng (cá), dàng bế (cá trắm), dàng dình (cá rô), dàng chích
(cá trôi), dàng lí (cá chép), tưởi (tôm), hàng ộp (ếch), guộc (gầy),
nách (nhỏ), bo (xấu, thối), heo (tươi), vỏ (ươn),...
nhất, chách (một), lái (hai), thâm (ba), chớ (bốn), kẹo (năm),
mục (sáu), hắp (bảy), bẹt (tám), khươm (chín), nạp (mười),...
90
Tiếng lóng của lái trâu lái lợn :
sáng cọn (con), sáng nại (nái), sáng bẹ (bé), sáng nại (lãi),
sáng nộ (lỗ), sáng bộn (lợn bột), sáng tộn (tốt), sáng chận (lợn
chết), sáng nạng (lợn lang)
chách (một), lái, bảo (hai), thâm, thậm lòi (ba), chớ (bốn),
kẹo (năm), mục (sáu), hắp (bảy), bết (tám), khươm, khươm lòi
(chín), lạp, nạp (mười), đại ngưu (trâu lớn), hoang leo (bò đực),
tẫn (trâu cái), tẫn leo (bò cái), tiểu leo (bò con),...
Giới buôn bán hiện nay có các tiếng lóng :
phe (buôn bán), bắt (gặp, lấy), đẩy (bán đi), ngã (bằng lòng),
dính (mua), hát (đặt giá), mở bài (nói giá), hét (đòi giá), thơm
(khá, tốt, hời), luộc (lừa cho người khác bị thiệt hại lớn một cách
dễ dàng), ế vở (nhỡ), trúng quả (được món hàng có lời lớn),...
Dưới đây là một số tiếng lóng được dùng khá phổ biến : tẩn
(đánh), đốn (giết, hạ được đối phương), chọi (chống đỡ), lao
(tham gia vào vụ làm ăn), biến (phải bị thủ tiêu để xoá dấu vết),
ngồi (ngồi tù), vết (có tiền án, tiền sự),...
III Từ vựng địa phương
1. Sơ lược về tiếng địa phương ở Việt Nam
Đối với tiếng Việt, tiếng địa phương là những biến thể địa lí của
nó.
Trong lòng mỗi địa phương lại có những thổ ngữ tức là
những biến thể của tiếng địa phương ở những khu vực địa lí hẹp
hơn như ở một tỉnh, một huyện, thậm chí một làng.
Các tiếng địa phương Việt Nam khác nhau chủ yếu về ngữ
âm và về từ vựng. Những sai dị về ngữ pháp cũng có, nhưng
không đáng kể.
Nên phân biệt những sai dị ngữ âm có tính chất đều đặn và
những sai dị đồng loạt xảy ra đối với một âm vị nào đấy trong
toàn địa phương.
Ví dụ : sự phát âm phụ âm / tr/ và / ch/ nhất loạt thành / ch/ ở
tiếng địa phương Bắc Bộ là sự sai dị đều đặn so với sự phát âm
91
phân biệt / tr/ và / ch/ ở tiếng địa phương Bắc Trung Bộ.
Sự sai dị không đều đặn là sự sai dị ở một âm vị nào đó
nhưng không đồng loạt đối với toàn địa phương.
Ví dụ : sự lẫn lộn / l/ và / n/ ở một số tỉnh Bắc Bộ.
Nếu so với hệ thống ngữ âm được miêu tả trong các công
trình nghiên cứu về tiếng Việt và được sử dụng làm căn cứ cho
các chữ cái quốc ngữ thì không một tiếng địa phương nào thậm
chí không có một tỉnh, một làng nào phát âm đúng hoàn toàn cả.
Có thể nói, hệ thống ngữ âm làm căn cứ cho hệ thống chữ
viết (mà nhiều tác giả vẫn xem là hệ thống ngữ âm chuẩn, hệ
thống ngữ âm của tiếng Việt văn hoá) là sự tập hợp những âm tố
có giá trị khu biệt nghĩa ở tất cả các tiếng địa phương chứ không
phải là một hệ thống sẵn có lấy thẳng từ một tiếng địa phương
nào. So với hệ thống này thì cách phát âm của từng địa phương
chỉ phù hợp với chuẩn từng mặt một. Không có một hệ thống địa
phương nào hợp chuẩn toàn bộ. Và mỗi người dân trong từng địa
phương đều ý thức được những chỗ không hợp chuẩn đó và đều
có những cố gắng để điều chỉnh cách phát âm của mình (1) cho
hợp chuẩn.
Đáng chú ý là, ở các tiếng địa phương có những sai dị ngữ
âm không đều đặn, nhưng những sai dị này lại lặp lại sự sai dị
đều đặn hay không đều đặn ở các địa phương khác.
Ví dụ : ở đồng bằng Bắc Bộ, sự nhập làm một phụ âm đầu /
nh/ và / d/ (những và dững, nhuộm và duộm, nhô và giô,...) lặp lại
sự sai dị đều đặn từ Huế trở vào ; sự lẫn lộn về thanh điệu của
thổ ngữ vùng Sơn Tây cũ lặp lại sự sai dị đều đặn về thanh điệu
của tiếng địa phương Bắc Trung Bộ,...
2. Từ vựng địa phương
a) Thuộc phạm vi từ vựng địa phương những trường hợp như
sau:
a.1. Những đơn vị từ vựng chỉ những hiện tượng, những sự
(1) Trước hết là để viết cho đúng chính tả, phù hợp với hệ thống ngữ âm chuẩn.
92
vật,... trong đời sống bình thường. Trước đây, do tình trạng đất
nước bị tạm thời chia cắt, ở những lĩnh vực hoạt động trên của xã
hội miền Nam cũ có những từ như điều hành, thực thi, chiến
hữu,... những từ này không phải là những từ địa phương thực sự.
a.2. Những đơn vị từ vựng địa phương là những đơn vị từ
vựng có ý nghĩa khác nhau nhiều hay ít kèm theo sự khác nhau
về ngữ âm nhiều hay ít nhưng không nằm trong những sai dị ngữ
âm đều đặn hay không đều đặn đã nói trên.
Ví dụ : từ vườn ở Nam Bộ ngoài ý nghĩa "vườn" còn có ý
nghĩa "nông thôn", "vùng thôn quê" (dân miệt vườn), đó là một
hiện tượng từ vựng địa phương. Nhưng trường hợp nhà được phát
âm thành dà, đánh được phát âm thành oánh lại không phải là
hiện tượng từ vựng địa phương vì ý nghĩa của chúng không thay
đổi. Dĩ nhiên, trường hợp ý nghĩa hoàn toàn giống nhau, nhưng
hình thức ngữ âm khác hẳn nhau như heo (lợn), thơm (dứa) là
những từ địa phương thực sự.
b) Nghiên cứu từ vựng địa phương, trước hết phải chú ý đến
những sai dị về cấu tạo từ.
Về phương thức cấu tạo, các tiếng địa phương đều dùng
những phương thức khác nhau. Các kiểu nhỏ trong từng phương
thức vẫn là một. Chỉ trong khu vực từ láy, ở vùng Bình Trị
Thiên có các từ láy ba như tay lày lay, toe loè loe, tênh lềnh
lênh, tiến lền liện hoặc các từ láy tư trầm trầy trầm trật, toà loe
toà loa, ba láp ba lúa, thò le thóc lá (1),... không gặp ở tiếng địa
phương Bắc Bộ.
Các tiếng địa phương cũng dùng những từ tố có đặc trưng
tổng quát giống nhau. Các từ tố cụ thể về đại thể cũng là một.
Tuy nhiên cũng có những từ phức ở tiếng địa phương này thì
dùng từ tố này, ở tiếng địa phương khác thì dùng từ tố khác.
Đáng chú ý là những từ phức ở các tiếng địa phương có ý
nghĩa đồng nhất nhưng từ tố thì khác, song những từ tố khác đó
(1 ) Luận văn tốt nghiệp sau đại học khóa II khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội I
của Trương Thu Hương.
93
lại là những từ đồng nghĩa trong ngôn ngữ chung. Như hàng
xóm và lối xóm (hàng và lối là hai từ tố đồng nghĩa) ; áo hoa và
áo bông ở Nam Bộ cũng vậy.
Có khá nhiều từ tố được từ hoá trong tiếng địa phương này
nhưng chỉ là từ tố cấu tạo trong tiếng địa phương kia.
Như trường hợp từ háy ở Nam Trung Bộ dùng độc lập như từ
liếc, nguýt, ở tiếng Bắc Bộ chỉ là từ tố cơ sở trong từ láy hấp háy.
Từ chang với nghĩa là "to, lớn" ở Bắc Bộ chỉ nằm trong từ láy :
chang chang... Từ trái với nghĩa "quả" ở Nam Bộ không phổ
biến ở Bắc Bộ nhưng lại có trong từ ghép hợp nghĩa bánh trái,...
c) Có các từ địa phương như nhau :
c.1. Những từ địa phương chỉ những đặc sản của địa phương
do đó không có từ tương đương ở các tiếng địa phương khác. Như
sầu riêng, mù u, bánh xu xê,... Cũng thuộc loại này, những từ
ghép phân nghĩa riêng của từng địa phương tương ứng với các
chủng loại phong phú ở địa phương của những sự vật, hiện tượng
chung, như xoài, xoài tượng, xoài thanh ca, xoài mật,...
c.2. Rất đáng chú ý là từ địa phương cũng không có từ tương
đương trong các tiếng địa phương khác nhưng chúng không chỉ
những đặc sản mà chỉ những sự vật, hiện tượng khắp nơi đều
biết, đều ý thức được. Để chỉ những sự vật, hiện tượng đó, những
tiếng địa phương không có từ phải dùng các cụm từ hay câu.
Như : sạ = "gieo thẳng ở các ruộng nước" ; ém = "giấu kín
bằng cách ấn, vùi xuống bùn, xuống cát cho khuất" ; rộng =
"thả cá trong vại để giữ cho sống" ; hờm = "cầm súng ở thế sẵn
sàng bắn" ; nhà trệt = "nhà một tầng", tầng trệt = "tầng dưới
cùng trong một nhà nhiều tầng",...
c.3. Các từ địa phương có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau
nhưng hình thức ngữ âm hoàn toàn khác nhau : heo (lợn), mè
(vừng), sương (Thừa Thiên : gánh), bông điệp (hoa phượng), vịm
(liễn), khạp (vại), chộ (Nghệ Tĩnh : thấy), ngái (Nghệ Tĩnh :
xa).
c.4. Các từ ngữ địa phương có hình thức giống nhau nhưng ý
94
nghĩa hoàn toàn khác nhau : mận (Nam Bộ : quả roi), đào (Thừa
Thiên : quả roi), nón (mũ), té (ngã), bọc (Thừa Thiên, Nghệ
Tĩnh : cái túi áo).
c.5. Các từ địa phương có hình thức ngữ âm giống nhau (hay
khác nhau do sự sai dị về ngữ âm), ý nghĩa có bộ phận giống
nhau, có bộ phận khác nhau.
Như từ ngon Nam Bộ vừa có ý nghĩa là "ngon" vừa có nghĩa
là "tốt, tiện lợi, không gặp vấp váp, không hay hỏng hóc". Các ví
dụ khác là phóng (chạy lao ra), kiếm (tìm), ham, khoái (thích),
ghé (ưa thích, hợp), tính (định), liệng (ném, vứt bỏ),... Có thể xem
đây là một từ được phân hoá thành hai từ đồng nghĩa khác nhau
về sắc thái ở những tiếng địa phương khác nhau.
g) Các từ địa phương có hình thức ngữ âm khác nhau nhưng
nghĩa có bộ phận giống nhau, có bộ phận khác nhau. Như từ om
có nghĩa như từ vỗ béo Bắc Bộ nhưng khác với từ sau ở chỗ nó có
thể dùng cho người như trong các câu : "Thằng nớ được ông già
om kĩ lắm.", "Hắn om thế nớ biểu răng o nớ không xiêu."(1).
Trên đây là những loại từ địa phương chính do đối chiếu từng
từ một riêng rẽ mà thấy. Sự thực, nếu vận dụng những hiểu biết
về từ vựng ngữ nghĩa học một cách toàn diện, có hệ thống thì
phải đối chiếu các từ trong các trường nghĩa với nhau, phải
nghiên cứu cả những hiện tượng ngữ nghĩa khác như nhiều
nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa,... trong các tiếng địa phương.
3. Từ vựng toàn dân và sự chuẩn hoá tiếng Việt
Nếu so sánh các từ trong các trường nghĩa với nhau thì sẽ
thấy, những sai dị về từ vựng ngữ nghĩa giữa các tiếng địa
phương không lớn lắm. Đại bộ phận các từ chỉ những sự kiện, sự
vật cơ bản phổ biến là những từ thống nhất đối với cả nước.
Ngoài ra còn có sự chuyên dùng ở địa phương một hay một số từ
nào đó trong một nhóm đồng nghĩa chung cho cả tiếng Việt (như
hai từ hoa và bông vốn là đồng nghĩa ; ở Bắc Bộ cả hai từ đều
(1) Luận văn nói trên.
95
được dùng, còn ở Nam Bộ thì chuyên dùng từ bông). Những từ
thống nhất và những từ đồng nghĩa được chuyên dùng như trên
họp thành từ vựng toàn dân của tiếng Việt. Ngoài ra, trong từ
vựng toàn dân còn có những từ mà chủ yếu là những từ thuộc
tiếng địa phương Bắc Bộ (như lợn, vừng, sắn,...) được sử dụng
trong nhiều địa bàn hơn và do đó được tất cả mọi người Việt Nam
hiểu.
Khá nhiều từ của địa phương này được dùng trong tiếng địa
phương kia, mặc dầu chúng không thuộc từ vựng toàn dân.
Trong tiếng địa phương Nam Bộ có các từ của tiếng địa
phương Bắc Trung Bộ như mần (làm), chụm (nhóm bếp), con
trùn (con giun). Lẻ tẻ trong từ địa phương Nam Bộ còn giữ dạng
ngữ âm cổ của vùng Thanh Hoá như chun ( chui),... Đồng thời,
có những từ cổ trước kia phổ biến ở Bắc Bộ, nay không dùng
nữa, nhưng vẫn phổ biến ở tiếng địa phương Nam Bộ như đặng
(để, được), nhái (bắt trước, phỏng theo). Rất lí thú là các từ như
đâu, sao, thế nào, vậy, kia,... đặc trưng cho tiếng địa phương Bắc
Bộ được thay thế ở tiếng địa phương Bắc Trung Bộ bởi các từ cổ
hơn : mô, răng, rứa, tê,... thì lại xuất hiện lại trong tiếng địa
phương Nam Bộ, từ Nam Bình Định cũ trở vào.
Những sự kiện ngữ âm từ vựng trên chứng tỏ tiếng Việt là
một tiếng thống nhất, thống nhất từ trong hàng nghìn năm lịch
sử.
Chính sự thống nhất này là cơ sở cho ý thức và tình cảm của
toàn thể nhân dân Việt Nam đối với việc giữ gìn và phát huy tính
thống nhất của tiếng nói dân tộc.
Do ý thức và tình cảm đó, hầu như mỗi người dân Việt Nam ở
Bắc,Trung, Nam đều hết sức chú ý học tập và sử dụng những yếu
tố tích cực về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp của các tiếng địa
phương. Sự thâm nhập vào nhau là điều thường thấy. Hiện nay,
không ít những từ của tiếng địa phương Nam Bộ đã trở nên quen
thuộc ở thủ đô : bánh mì, rệu rã, ém quân, sạ lúa,... Tất nhiên, do
96
vị trí trung tâm chính trị, văn hoá, do địa vị từ lịch sử xa xưa và
địa vị căn cứ địa của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước vừa
qua, các yếu tố của tiếng địa phương Bắc Bộ, đặc biệt là của Hà
Nội đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tiếng địa phương khác.
Tuy nhiên điều này không hề thay đổi về cơ bản xu hướng tích
cực nói trên.
Nhưng, vì những sai dị địa phương là có thật, cho nên cần
phải bảo đảm hơn nữa tính thống nhất của tiếng Việt, tức cũng là
tính chuẩn mực của nó, một cách có ý thức, có chỉ đạo hơn, ít
nhất là trong những văn kiện chính thức, chung cho cả nước.
Về ngữ âm, ở đài phát thanh và trong nhà trường, cần chú ý
phát âm đúng hệ thống ngữ âm chuẩn. Các trường sư phạm nên
huấn luyện riêng cho các thầy giáo, cô giáo về sự phát âm này.
Trong các văn kiện chính thức, trên báo chí, trong nhà
trường nên dùng những từ thuộc từ vựng toàn dân.
Trong các tác phẩm văn học, nên hạn chế việc dùng các từ
địa phương. Chỉ nên dùng chúng khi cần thiết "tái hiện" tính địa
phương của câu chuyện, của nhân vật,...
Nên khai thác triệt để những yếu tố tích cực về từ và về nghĩa
của các tiếng địa phương. Điều này chỉ có lợi cho tiếng nói dân
tộc. Đặc biệt nên chú ý đến từ thuộc loại c.2.
97
Câu hỏi hướng dẫn học tập chương V
1. Thuật ngữ khoa học kĩ thuật là gì ? Các đặc điểm của
thuật ngữ là gì ? Hãy nêu các thuật ngữ về các ngành toán, vật lí,
sinh học, hoá học, văn học, giáo dục mà anh (chị) biết .
2. Từ nghề nghiệp khác với thuật ngữ khoa học như thế nào ?
Hãy nêu những từ nghề nghiệp về các ngành nghề thủ công của
địa phương anh (chị).
3. Hãy nêu một số biệt ngữ tôn giáo mà anh (chị) biết.
4. Hãy nêu các từ địa phương và các từ thổ ngữ ở địa phương
của anh (chị )và đối chiếu chúng với từ ngữ toàn dân.
5. Nên sử dụng từ địa phương như thế nào trong văn bản,
trong nhà trường ?
98
Chương VI
Hệ thống Hán Việt và các từ vay mượn
I Hệ thống Hán Việt
1. Thoạt đầu, trên địa bàn của nước Văn Lang cổ đại có một
ngôn ngữ bản địa. Từ vựng của ngôn ngữ này có nhiều đặc tính
chung với từ vựng của nhiều ngôn ngữ Đông Nam á lân cận như
tiếng Thái, tiếng Môn Khmer,... Đó là vốn từ vựng thuần Việt cho
đến nay vẫn còn được sử dụng.
Tiếp đó, do cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến
Trung Quốc kéo dài hàng nghìn năm, một khối lượng lớn các từ
Hán du nhập vào, được dân tộc Việt Nam tiếp thu, làm phong
phú thêm nhưng không làm mất đi bản sắc ngôn ngữ của mình.
Có thể chia quá trình thâm nhập của tiếng Hán thành hai thời kì
: thời kì trước và thời kì sau cuộc đô hộ của triều đại Đường.
Các từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt vào thời kì trước được
phát âm theo hệ thống ngữ âm Hán cổ khác với hệ thống ngữ âm
Hán Việt thâm nhập vào thời kì sau. Chúng đã hoà lẫn vào các từ
thuần Việt, chỉ có sự nghiên cứu ngữ âm lịch sử mới nhận ra
được.
Đó là các từ như : cải (rau cải), cả (giá cả), ngà, hẹn, chén,
chém, hẹp, lừa (con lừa), chúa, vua, đục (nước đục), đủ, đũa,
buồng, buồm, bụa (goá bụa),...
Những từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt từ cuộc đô hộ của
nhà Đường thì được phát âm căn bản như âm Hán Việt hiện nay.
Trong lúc ở chính Trung Quốc, diện mạo ngữ âm đã thay đổi thì
ở Việt Nam hệ thống Hán Việt vẫn giữ cách phát âm của thời kì
đó.
Trong số những từ Hán Việt vào từ đời Đường, một số không
ít đã bị Việt hoá về ngữ âm và cả về ngữ nghĩa. Đó là các từ như :
99
Âm Việt Âm Hán Âm Việt Âm Hán
gương kính vạch hoạch
gan can vốn bốn
gang cang ván bản
ghi kí sức lực
vạ họa dừng đình
gường sàng buồng phòng
dao đao giấy chỉ
sen liên giêng chinh
Nói các từ Hán đã Việt hoá có nghĩa là nó đã mang những
đặc điểm ngữ pháp như đặc điểm ngữ pháp của các từ gốc Việt
cùng loại và đã biến đổi về ngữ nghĩa theo hệ thống ngữ nghĩa của
tiếng Việt.
Các từ Hán thâm nhập vào tiếng Việt thời kì thứ hai được
Việt hoá thì hoặc có biến đổi ngữ âm theo quy luật hoặc được giữ
nguyên dạng ngữ âm Hán (như phòng, kiếm, bàn,...). Cũng như
các từ Hán cổ thời kì đầu, những từ này đã hoà với vốn từ thuần
Việt, không còn dáng dấp ngoại lai nữa.
Đáng chú ý là có các từ gốc Hán, Việt hoá thời kì đầu hay
thời kì thứ hai, trở thành những từ đồng nghĩa khác nhau về sắc
thái với chính mình.
Như buồng và phòng (buồng và phòng là một từ Hán nhưng
buồng là âm Hán cổ, thâm nhập vào thời kì đầu, phòng là âm
Hán thời kì thứ hai), kính và gương (kính là âm Hán thời Đường,
gương là âm Việt hoá của nó).
Ngoài những từ thâm nhập thời kì thứ hai đã Việt hoá, đại bộ
phận những yếu tố Hán còn lại vẫn giữ cách phát âm cũ, vẫn giữ
ý nghĩa cũ (tuy đã bị thu hẹp trong tiếng Việt), chưa được Việt
hoá, còn mang đậm màu sắc ngoại lai. Những yếu tố này mới
thực sự là những yếu tố Hán Việt. Như vậy, được xem là thuộc hệ
thống Hán Việt những yếu tố gốc Hán thâm nhập thời kì thứ hai
chưa được Việt hoá.
100
Chính vì chưa được Việt hoá cho nên chúng chưa được định
hình về từ loại, chưa mang những đặc điểm ngữ pháp (đặc điểm
tạo câu) như các từ Việt, do đó ý nghĩa của chúng chưa định
hình, còn rất khái quát. Nói cách khác, chúng chỉ là những từ tố
để tạo từ trong tiếng Việt. Đó là những yếu tố như : ái (yêu), ám
(không lộ rõ), ấu (trẻ nhỏ), bản (vốn, gốc), bán (nửa), bảo (giữ
gìn), bảo (quý giá), dị (khác), di (dời đi), hoả (lửa), sơn (núi), thuỷ
(nước),...
Trong những yếu tố Hán Việt thực sự này, đáng chú ý có
những yếu tố vừa bị Việt hoá thành từ tiếng Việt (như ám,
chính,...) vừa chưa bị Việt hoá vẫn mang tư cách là từ tố cấu tạo
từ. Khi chúng là từ tố, chúng giữ nguyên cái ý nghĩa Hán Việt
(như nghĩa "không lộ rõ" của từ ám, như nghĩa "phải, thẳng
ngay, thuộc việc của quốc gia" của yếu tố chính). Thậm chí có
nghĩa Việt hoá khác hẳn với nghĩa Hán Việt gốc (như nghĩa
"bám lấy mà quấy nhiễu" của ám).
Với các yếu tố Hán Việt kiểu như trên, tiếng Việt tạo ra các từ
phức bằng cách ghép với những từ tố thuần Việt (hay những từ tố
đã Việt hoá) hoặc với những yếu tố Hán Việt khác. Những từ
phức thứ hai là những từ phức Hán Việt thực sự trong tiếng Việt,
do tiếng Việt tạo ra. Đó là các từ như : y sĩ, thể công, phi công,
ám ảnh, an trí, tiểu đoàn, đại đội, trung đội đại tá, thiếu tá,...
Các yếu tố Hán Việt là một kho dự trữ lớn để tiếng Việt lựa
chọn những "nguyên liệu" cần thiết đi vào vận động cấu tạo từ,
tạo ra những từ mới đáp ứng kịp thời những đòi hỏi mới của xã
hội.
Tất cả các chữ Hán hiện nay đều có thể được phát âm theo lối
Hán Việt. Nhưng không phải tất cả các chữ đó đều thuộc kho
Hán Việt dự trữ của tiếng Việt.
Cần học tập thật chính xác các ý nghĩa và khả năng cấu tạo
từ của các đơn vị này để hiểu và sử dụng từ một cách đúng đắn.
II Từ vay mượn
1. Do sự tiếp xúc giữa các quốc gia và do nhu cầu của từng
101
ngôn ngữ một, trên thế giới không một ngôn ngữ nào không vay
mượn những đơn vị từ vựng từ một ngôn ngữ khác.
Trong tiếng Việt, các đơn vị từ vựng vay mượn phần lớn là
các từ. Ngoài ra có một số ngữ nhất định và quán ngữ có nguồn
gốc nước ngoài.
Không phải bất cứ sự thâm nhập từ nước ngoài nào vào ngôn
ngữ cũng là từ vay mượn. Những từ vay mượn phải được cải tạo
lại để có hình thức ngữ âm, đặc điểm ngữ pháp phù hợp với hệ
thống ngữ âm và ngữ pháp của ngôn ngữ "đi vay". Sự biến đổi
ngữ nghĩa của các từ vay mượn cũng là điều thường thấy. Ví dụ,
từ tét trong biệt ngữ của những người ưa thích môn bóng đá vốn
là danh từ tête với nghĩa "cái đầu" của tiếng Pháp. Vào tiếng
Việt, nó đã được phát âm theo kiểu Việt Nam và có ý nghĩa của
động từ (đánh đầu, đỡ bóng, chuyền bóng bằng đầu). Hoặc như
từ tử tế. Đây là một từ phức Hán với nghĩa "tỉ mỉ, kĩ càng". Sang
tiếng Việt nó chỉ "cách đối xử giữa người với người đúng mức,
không khinh rẻ, không hắt hủi",... Việc những người biết ngoại
ngữ chen vào trong lời nói bằng tiếng bản ngữ những từ giữ
nguyên cách phát âm và ý nghĩa nước ngoài thì không phải là sự
vay mượn.
2. Tiếng Việt có những cách thức vay mượn như sau :
a) Giữ về cơ bản dạng âm thanh của từ nước ngoài chỉ âm tiết
hoá hay rút gọn chúng. Như xà phòng, len, dạ,...
b) Dịch ý : Đây là cách dùng các từ tố thuần Việt hay Hán
Việt để dịch nghĩa của các từ tố trong các từ nước ngoài. Như
ngôi sao chỉ "người đẹp, diễn viên xuất sắc" là dịch ý từ star của
tiếng Anh,... Từ máy kéo là dịch ý từ tracteur tiếng Pháp (tract
gốc tiếng Anh có nghĩa là "kéo lôi", eur là từ tố chỉ người, vật tạo
ra hoạt động). Nên chú ý đến hiện tượng từ tiếng Việt mượn
nghĩa theo lối dịch ý từ nước ngoài. Ví dụ nghĩa "hiểu, tiếp nhận
được nội dung tinh thần" của từ nắm tiếng Việt là dịch ý một
nghĩa phụ của từ saisir tiếng Pháp.
c) Sao phỏng : là cách vay mượn nghĩa của từ tố và quan hệ
102
ngữ nghĩa giữa các từ tố của từ nước ngoài, nhưng từ tố không
phải là từ tố nước ngoài mà là từ tố Việt hay Hán Việt. Đây là
cách vay mượn cái "hình thái bên trong" của từ nước ngoài.
Ví dụ : từ chắn bùn của tiếng Việt là sao phỏng từ garde boue
của tiếng Pháp (garde : giữ để chống lại, boue : bùn) ; siêu âm là
sao phỏng từ ultrason (ultra : siêu, vượt lên trên, vượt ra khỏi ;
son : âm thanh).
Hai cách vay mượn sau là vay mượn không hoàn toàn.
3. Trong tiếng Việt có những từ vay mượn từ tiếng Hán hay từ
tiếng Nhật, tiếng Pháp,... qua tiếng Hán. Cần phân biệt những từ
này với những từ Hán Việt do tiếng Việt tạo ra.
Ví dụ về những từ Hán thật sự : chế độ, chính thống, triều
đình, tiến sĩ, xung đột, cảnh giới, ân xá,...
Những từ mượn từ tiếng Nhật qua tiếng Hán : trường hợp,
điều chế, đại bản doanh, phục tòng, phục vụ, thủ tục, kinh tế,
biện chứng pháp, mĩ thuật, cộng hoà, cá biệt, khái quát, nghĩa vụ,
cán bộ,...(1)
Những từ gốc Phạn qua tiếng Hán : Phật, nát bàn, Thích Ca,
Di Lặc,...
Ngoài những từ vay mượn tiếng Hán, còn khá nhiều từ vay
mượn tiếng Pháp. Những từ này nếu còn giữ dạng đa âm thì tính
ngoại lai còn khá rõ như xà phòng, bù loong, ki lô, xăng ti mét,
đăng ten,... Nếu chúng đã bị rút gọn còn một âm tiết thì dễ lẫn
vào những từ thuần Việt hay Hán Việt đã bị Việt hoá. Như lốp,
săm, phanh, len, dạ, ghi (bẻ ghi), ga, đui (đui đèn), xô, tôn,...
Có một số từ vay mượn từ tiếng Anh qua tiếng Pháp : mít
tinh, tiu, bốc (đánh bốc), bồi,...
Các từ vay mượn từ tiếng Nga theo hình thức nguyên âm thì
ít. Chủ yếu tiếng Việt mượn theo lối dịch ý hay sao phỏng, như :
xô viết, kế hoạch năm năm, sự thật (Báo Sự thật),...
(1) Cao Danh Khải, Hán ngữ ngoại lai từ đích nghiên cứu, NXB Cải cách văn
tự, 1958.
103
Các ngữ cố định sau đây cũng vay mượn từ tiếng Hán hay
tiếng ấn Âu theo cách phát âm Hán Việt hoặc dịch ý, sao
phỏng,...
lấy máu trả máu dĩ huyết hoàn huyết
nhịn ăn nhịn mặc tiết y súc thực
tự lực cánh sinh tự lực cánh sinh
đồng cam cộng khổ đồng cam cộng khổ
chiến tranh lạnh guerre froide
chiến tranh leo thang guerre d'escalade
vũ trang tận răng armé jusqu'aux dents
4. Vay mượn vừa là một hiện tượng không tránh khỏi vừa là
một biện pháp tích cực làm phong phú thêm tiếng nói dân tộc.
Thái độ "thuần tuý chủ nghĩa" tức là thái độ từ chối mọi yếu tố
ngoại lai chẳng những làm nghèo nàn mà còn làm méo mó và
tạo ra những sự quái lạ trong tiếng nói dân tộc (như sự thay thế
độc lập bằng đứng một mà Bác Hồ đã đưa ra làm ví dụ để phê
phán).
Nhưng sự lạm dụng từ vay mượn còn đáng phê phán hơn
nữa. Hiện nay, sự lạm dụng tiếng nước ngoài có hai biểu hiện
chính. Thứ nhất, trong việc tạo các từ mới. Gặp một sự vật, hiện
tượng, khái niệm mới, không chịu suy nghĩ thật kĩ càng để tận
dụng khả năng các từ tố và phương thức tạo từ tiếng Việt (dù
rằng có khi các từ mới tạo ra theo lối Việt Nam chưa thật thoả
đáng) để tạo từ mới mà đã vội dùng ngay các từ nước ngoài mà
mình biết để biểu thị. Thứ hai là, trong lời nói, trong khi viết lách,
không chịu suy nghĩ kĩ để dùng các phương tiện đồng nghĩa Việt
Nam mà dùng ngay các từ vay mượn đã có trong tiếng Việt, mặc
dầu việc dùng từ vay mượn ở chỗ đó là không cần thiết.
Ví dụ, không phải lúc nào cũng cứ phải dùng : phương diện,
phong trào, quan sát, tham quan mà có thể dùng mặt, phía, làn
sóng, xem xét, đi thăm,...
104
Như đã nói ở phần cấu tạo từ và ở chương thuật ngữ và từ
nghề nghiệp, hiện nay trong tiếng Việt đang có xu hướng thay thế
các từ vay mượn chỉ những sự vật, hiện tượng thông thường trong
cuộc sống bằng những từ Việt hoặc đã Việt hoá. Sự thay thế này
có khi rất tự nhiên, rất chính xác như sự thay thế pittông bằng
quả nén, xilanh bằng hộp nén hay sự thay thế mì chính bằng bột
ngọt, xà phòng bột bằng bột giặt. Những sự thay thế như vậy
ngoài việc đem lại những từ ngữ dễ hiểu, chính xác còn có tác
dụng sâu xa, lâu dài là luyện cho tiếng Việt (trước hết là luyện
cho các từ tố Việt hoặc đã Việt hoá) những năng lực tạo từ mới.
Câu hỏi hướng dẫn học tập chương VI
1. Nên hiểu khái niệm Hán Việt như thế nào ? Vốn Hán Việt
có vị trí như thế nào đối với từ vựng tiếng Việt ?
2. Ngoài vốn Hán Việt, tiếng Việt còn mượn những từ ngữ ở
những ngoại ngữ nào ? Có những phương thức vay mượn nào ?
Minh hoạ các phương thức đó bằng các ví dụ.
105
Hướng dẫn học tập
Cuốn sách này trình bày những tri thức về từ vựng tiếng Việt.
Hiểu biết về từ vựng là một bộ phận cấu thành hệ thống tri thức
về tiếng Việt như một thể thống nhất. Khi học người học cần chú
ý những yêu cầu sau đây :
1. Nắm được những thuật ngữ và những khái niệm về từ vựng
học nói chung và sự thể hiện chúng trong tiếng Việt. Đó là những
khái niệm được nêu thành tiêu đề của từng chương, từng mục và
được nêu ra và lí giải trong từng chương, từng mục. Sau khi học
xong, cần hướng dẫn cho người học lập được bản thống kê các thuật
ngữ đó.
2. Nắm được phương pháp nghiên cứu vận dụng trong cuốn
sách này, đó là phương pháp hệ thống động như đã nêu trong
sách. Kết quả học tập ở đại học chưa phải là tổng những tri thức
cụ thể mà là ở chỗ người học có nắm ở một mức thành thạo đáng
kể cái phương pháp mà giảng viên cũng như sách đã sử dụng hay
không. Toàn bộ cuốn sách này, dù ở những vấn đề lớn hay chi
tiết đều vận dụng phương pháp hệ thống để xử lí. Không một đặc
điểm nào về từ vựng được nêu ra trong cuốn sách mà không được
đặt trong hệ thống của nó. Bởi vậy, người học luôn luôn phải tìm
hiểu xem cái phương pháp hệ thống đó đã thể hiện như thế nào ở
những chi tiết cụ thể trong cuốn sách.
3. Cuốn sách, như đã nói trên, trình bày những vấn đề cụ thể
về từ và từ vựng tiếng Việt. Nhưng cần chú ý cái linh hồn của các
sự kiện từ vựng là ngữ nghĩa, là nghĩa của các đơn vị từ vựng
trong hệ thống và trong sử dụng, tức trong ngôn bản. Quan điểm
hệ thống động ở đây có thể tóm tắt như sau : đơn vị từ vựng trong
hệ thống có ý nghĩa ; ý nghĩa của các đơn vị từ vựng trong hệ
thống tuân theo những quy luật nhất định. Cũng dựa trên những
quy luật đó (và những quy luật khác) nghĩa của từ chuyển hoá
thành nghĩa trong ngôn bản để thực hiện chức năng giao tiếp.
Nhưng sau khi hoạt động trong ngôn bản, nghĩa của các đơn vị
từ vựng lại trở về trạng thái vốn có của nó trong hệ thống. Con
đường đi của ngữ nghĩa của từ là từ hệ thống sang nghĩa trong
ngôn bản rồi từ nghĩa trong ngôn bản lại trở về với nghĩa trong
106
hệ thống. Nói khác đi phải dựa hẳn vào nghĩa hệ thống để lí giải
nghĩa trong ngôn bản.
4. Nói đến nghĩa là nói đến những nét tinh tế của nghĩa.
Cuốn sách đã cố gắng nêu ra những nét tinh tế đó của nghĩa của
đơn vị từ vựng tiếng Việt. Nói vắn tắt, để phát hiện ra các nét tinh
tế của nghĩa, trước hết, xem cái từ đang nghiên cứu thuộc kiểu
cấu tạo nào (mà nói đến kiểu cấu tạo là nói đến nghĩa của kiểu
cấu tạo), đối chiếu nó với các từ cùng trường, các từ đồng nghĩa,
trái nghĩa và lựa chọn lấy một số ngôn bản tiêu biểu để kiểm tra
lại các kết luận về nghĩa mà mình đã dựng nên. Người dạy cũng
như người học cần đi sâu vào các nét tinh tế đó, không nên chỉ
dừng lại ở những hiểu biết khái quát về nghĩa.
5. Hiểu biết một ngôn ngữ không chỉ hiểu biết nó trong trạng
thái tĩnh mà còn là hiểu biết nó trong hoạt động, trong ngôn bản.
Bởi vậy cuốn sách này có những mục viết về các nguyên tắc lí
giải các hiện tượng ngữ nghĩa trong ngôn bản, trước hết là trong
các tác phẩm văn học. Nếu người học nghiên cứu kĩ những mục
đó, chắc chắn sẽ hiểu thêm những giá trị thẩm mĩ của từ ngữ
trong văn học, đồng thời cũng có được những cơ sở để bình giá
tác phẩm văn học về nghệ thuật ngôn từ.
6. Cuốn sách này rất hữu ích cho các sinh viên sau này sẽ trở
thành thầy giáo, cô giáo bậc Trung học phổ thông cải cách. Khi
học tập, người học nên vận dụng những tri thức về từ vựng đã
học ở bậc Trung học phổ thông, đặc biệt là bậc Trung học phổ
thông phân ban để hiểu thêm những vấn đề viết trong sách này.
Các giảng viên có thể sử dụng những bài tập trong sách Ngữ văn
Trung học phổ thông phân ban làm bài tập cho các chương mục
của cuốn sách này.
7. Về phương pháp tự học có thể nêu vắn tắt như sau :
Sinh viên nắm thật chắc khái niệm hệ thống.
Khi học, nên đọc một lượt toàn bộ một chương rồi đọc kĩ lại
từng mục lớn và nhỏ. Đầu tiên là đọc một lần, đối chiếu với
những tri thức mình đã biết, xem có những khái niệm, những
đoạn nào mới khó hiểu để ghi nhận lại, nghiên cứu thêm hoặc để
hỏi giảng viên.
107
Tìm hiểu thật kĩ, đặc biệt là cách phân tích các ví dụ mà
cuốn sách đã đưa ra. Tiếp đó vận dụng những hiểu biết đã nắm
được, giải thích các trường hợp khác thường gặp trong lời ăn
tiếng nói hằng ngày. Đối chiếu lí thuyết đã học với thực tế ngôn
ngữ là cách học chủ động và có hiệu quả nhất của việc học tập ở
bậc Đại học.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Đại học và
Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975.
2. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo
dục, Hà Nội, 1981.
3. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học
và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
4. Nguyễn Văn Tu, Từ và vốn từ vựng tiếng Việt hiện đại,
NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- gian_yeu_ve_tu_vung_va_ngu_nghia_tieng_vietp2_7558.pdf