Nguyên lý mối liên hệ phổ biến và vấn đề mối liên hệ tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế - Vấn đề bảo vệ môi trường

Mở đầu 1. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là một trong hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật 1.1. Khái niệm mối liên hệ 1.2. Các tính chất của mối liên hệ 1.3. Ý nghĩa phương pháp luận 2.Các khái niệm, nội dung, vai trò cơ bản của tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường 2.1. Tăng trưởng kinh tế 2.2. Môi trường 3.Mối liên hệ tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường 3.1.Tác động của tăng trưởng kinh tế đến bảo vệ môi trường 3.2. Tác động của vấn đề môi trường đến tăng trưởng kinh tế 4. Thực trạng đáng báo động của môi trường Việt Nam 4.1. Các loại tài nguyên ở nước ta đang ngày càng cạn kiệt, suy thoái 4.2. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tại các đô thị lớn 5. Một số giải pháp để góp phần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trườngở nước ta Kết luận Tài liệu tham khảo

doc25 trang | Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 2018 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nguyên lý mối liên hệ phổ biến và vấn đề mối liên hệ tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế - Vấn đề bảo vệ môi trường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở đầu Hơn 20 năm qua, kể từ khi bước vào thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh, đạt được nhiều thành tựu lớn, làm thay đổi khá rõ tình hình đất nước. Kinh tế ra khỏi tình trạng khủng hoảng, hoạt động ngày càng năng động và có hiệu quả. Của cải xã hội ngày càng nhiều, hàng hóa ngày càng phong phú. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đất nước chẳng những giữ vững được ổn định chính trị trước những chấn động lớn trên thế giới mà còn có bước phát triển đi lên. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 7%/năm. Nông nghiệp phát triển liên tục, đặc biệt là về sản xuất lương thực, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường. Các ngành dịch vụ, xuất khẩu và nhập khẩu phát triển. Quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế không ngừng được mở rộng,... Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế, chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường đang xảy ra với quy mô ngày càng rộng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, sử dụng các hoá chất độc hại trong công - nông nghiệp, các chất thải không được xử lý trước khi thải ra môi trường, khói bụi và tiếng ồn từ các nhà máy, phương tiện giao thông...đang dẫn tới tình trạng môi trường ngày càng kiệt quệ và ô nhiễm. Do vậy, có thể nói giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường có mối liên hệ tác động qua lại mật thiết. Xuất phát từ thực tế khách quan đó, cần tìm hiểu, phân tích, đánh giá mối liên hệ này thông qua phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến từ đó tìm ra giải pháp góp phần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc tìm ra hướng đi phù hợp cho vấn đề này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp kinh tế tăng trưởng bền vững nhưng vẫn đảm bảo môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. 1. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là một trong hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật: 1.1. Khái niệm mối liên hệ: Các sự vật, các hiện tượng và các quá trình khác nhau của thế giới có mối liên hệ qua lại, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau hay chúng tồn tại biệt lập, tách rời nhau? Nếu chúng có mối liên hệ qua lại thì cái gì quy định mối liên hệ đó? Trong lịch sử triết học, để trả lời những câu hỏi đó ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau. Trả lời câu hỏi thứ nhất, những người theo quan điểm siêu hình cho rằng các sự vật, hiện tượng tồn tại biệt lập, tách rời nhau, cái này tồn tại bên cạnh cái kia. Chúng không có sự phụ thuộc, không có sự ràng buộc và quy định lẫn nhau. Nếu giữa chúng có sự quy định lẫn nhau thì cũng chỉ là những quy định bề ngoài, mang tính ngẫu nhiên. Tuy vậy trong số những người theo quan điểm siêu hình cũng có một số người cho rằng, các sự vật, hiện tượng có mối liên hệ với nhau và mối liên hệ rất đa dạng, phong phú, song các hình thức liên hệ khác nhau không có khả năng chuyển hóa lẫn nhau. Chẳng hạn, giới vô cơ và giới hữu cơ không có liên hệ gì với nhau; tồn tại độc lập, không thâm nhập lẫn nhau; tổng số đơn giản của những con người riêng lẻ tạo thành xã hội, v.v.. Trái lại, những người theo quan điểm biện chứng lại cho rằng, các sự vật, hiện tượng, các quá trình khác nhau vừa tồn tại độc lập, vừa quy định, tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau. Trả lời câu hỏi thứ hai, những người theo chủ nghĩa duy tâm khách quan và chủ nghĩa duy tâm chủ quan trả lời rằng, cái quyết định mối liên hệ, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng là một lực lượng siêu tự nhiên (như trời) hay ở ý thức, cảm giác của con người. Những người theo quan điểm duy vật biện chứng khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới là cơ sở của mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng. Các sự vật, hiện tượng tạo thành thế giới, dù có đa dạng, phong phú, có khác nhau bao nhiêu, song chúng đều chỉ là những dạng khác nhau của một thế giới duy nhất, thống nhất - thế giới vật chất. Nhờ có tính thống nhất đó, chúng không thể tồn tại biệt lập, tách rời nhau, mà tồn tại trong sự tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau theo những quan hệ xác định. Chính trên cơ sở đó, triết học duy vật biện chứng khẳng định rằng, liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự quy định, sự tác động qua lại, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới. 1.2. Các tính chất của mối liên hệ: Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mối liên hệ có ba tính chất cơ bản: Tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú. - Tính khách quan của mối liên hệ biểu hiện: các mối liên hệ là vốn có của mọi sự vật, hiện tượng; nó không phụ thuộc vào ý thức của con người. - Tính phổ biến của mối liên hệ biểu hiện: bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào; ở bất kỳ không gian nào và ở bất kỳ thời gian nào cũng có mối liên hệ với những sự vật, hiện tượng khác. Ngay trong cùng một sự vật, hiện tượng thì bất kỳ một thành phần nào, một yếu tố nào cũng có mối liên hệ với những thành phần, những yếu tố khác. - Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ biểu hiện: sự vật khác nhau, hiện tượng khác nhau, không gian khác nhau, thời gian khác nhau thì các mối liên hệ biểu hiện khác nhau. Có thể chia các mối liên hệ thành nhiều loại: mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bên ngoài, mối liên hệ chủ yếu, mối liên hệ thứ yếu, v.v.. Các mối liên hệ này có vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và vận động của sự vật, hiện tượng. Sự phân chia từng cặp mối liên hệ chỉ mang tính tương đối, vì mỗi loại mối liên hệ chỉ là một hình thức, một bộ phận, một mắt xích của mối liên hệ phổ biến. Mỗi loại mối liên hệ trong từng cặp có thể chuyển hóa lẫn nhau tùy theo phạm vi bao quát của mối liên hệ hoặc do kết quả vận động và phát triển của chính các sự vật. Tuy sự phân chia thành các loại mối liên hệ chỉ mang tính tương đối, nhưng sự phân chia đó lại rất cần thiết, bởi vì mỗi loại mối liên hệ có vị trí và vai trò xác định trong sự vận động và phát triển của sự vật. Con người phải nắm bắt đúng các mối liên hệ đó để có cách tác động phù hợp nhằm đưa lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động của mình. Phép biện chứng duy vật nghiên cứu các mối liên hệ phổ biến chi phối sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. 1.3. Ý nghĩa phương pháp luận: - Vì các mối liên hệ là sự tác động qua lại, chuyển hoá, quy định lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng và các mối liên hệ mang tính khách quan, mang tính phổ biến nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiến con người phải tôn trọng quan điểm toàn diện, phải tránh cách xem xét phiến diện. Quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta nhận thức về sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với các sự vật khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể nhận thức đúng về sự vật. Đồng thời, quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta phải biết phân biệt từng mối liên hệ, phải biết chú ý tới mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bản chất, mối liên hệ chủ yếu, mối liên hệ tất nhiên, và lưu ý đến sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các mối liên hệ để hiểu rõ bản chất của sự vật và có phương pháp tác động phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động của bản thân. Trong hoạt động thực tế, theo quan điểm toàn diện, khi tác động vào sự vật, chúng ta không những phải chú ý tới những mối liên hệ nội tại của nó mà còn phải chú ý tới những mối liên hệ của sự vật ấy với các sự vật khác. Đồng thời, chúng ta phải biết sử dụng đồng bộ các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. - Vì các mối liên hệ có tính da dạng, phong phú - sự vật, hiện tượng khác nhau, không gian, thời gian khác nhau các mối liên hệ biểu hiện khác nhau nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải tôn trọng quan điểm lịch sử - cụ thể. Quan điểm lịch sử - cụ thể đòi hỏi chúng ta khi nhận thức về sự vật và tác động vào sự vật phải chú ý điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, môi trường cụ thể trong đó sự vật sinh ra, tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy rằng, một luận điểm nào đó là luận điểm khoa học trong điều kiện này, nhưng sẽ không là luận điểm khoa học trong điều kiện khác. 2.Các khái niệm, nội dung, vai trò cơ bản của tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường: 2.1. Tăng trưởng kinh tế: 2.1.1. Khái niệm tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về số lượng, chất lượng, tốc độ và quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Sự tăng trưởng được so sánh theo các thời điểm gốc sẽ phản ánh tốc độ tăng trưởng. Đó là sự gia tăng quy mô sản lượng kinh tế nhanh hay chậm so với thời điểm gốc. Quy mô và tốc độ tăng trưởng là "cặp đôi" trong nội dung khái niệm tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, trên thế giới người ta thường tính mức gia tăng về tổng giá trị của cải của xã hội bằng các đại lượng tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP). - Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là tổng giá trị tính bằng tiền của những hàng hoá và dịch vụ mà một nước sản xuất ra từ các yếu tố sản xuất của mình (dù là sản xuất ở trong nước hay ở nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hoá và dịch vụ mà một nước sản xuất ra trên lãnh thổ của nước đó (dù nó thuộc về người trong nước hay người nước ngoài) trong một thời gian nhất định (thường là một năm). 2.1.2. Vai trò của tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng kinh tế là cơ sở để thực hiện hàng loạt vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội: - Trước hết, tăng trưởng kinh tế thể hiện bằng sự tăng lên về số lượng, chất lượng hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố sản xuất ra nó, do đó tăng trưởng kinh tế là tiền đề vật chất để giảm bớt tình trạng đói nghèo, khắc phục sự lạc hậu, hướng tới giàu có, thịnh vượng. - Tăng trưởng kinh tế làm cho mức thu nhập của dân cư tăng, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng được cải thiện như: kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em, giúp cho giáo dục, y tế, văn hoá... phát triển. - Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp. Khi một nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng cao thì một trong những nguyên nhân quan trọng là đã sử dụng tốt hơn lực lượng lao động. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế nhanh thì thất nghiệp có xu hướng giảm. - Tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề vật chất để củng cố an ninh quốc phòng, củng cố chế độ chính trị, tăng uy tín và vai trò quản lý của nhà nước đối với xã hội. - Đối với các nước chậm phát triển như nước ta, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước đang phát triển. Như vậy, tăng trưởng kinh tế nhanh là mục tiêu thường xuyên của các quốc gia, nhưng sẽ là không đúng nếu theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Thực tế cho thấy, đôi khi quá trình tăng trưởng mang tính hai mặt.Vì vậy, mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phải tìm ra những biện pháp tích cực để đạt được sự tăng trưởng hợp lý, bền vững. Tăng trưởng kinh tế bền vững là tăng trưởng kinh tế đạt mức tương đối cao, ổn định trong thời gian tương đối dài (ít nhất từ 20 - 30 năm) và giải quyết tốt vấn đề tiến bộ xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. 2.1.3. Các nhân tố tăng trưởng kinh tế: Theo quan điểm hiện đại, muốn có tăng trưởng kinh tế cao phải sử dụng có hiệu quả các yếu tố cơ bản sau: - Vốn: Vốn hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ của cải vật chất do con người tạo ra, tích luỹ lại và những yếu tố tự nhiên... được sử dụng vào quá trình sản xuất. Nói một cách khái quát, vốn là toàn bộ tài sản được sử dụng để sản xuất, kinh doanh. Vốn tồn tại dưới hai hình thức: vốn tài chính và vốn hiện vật. - Con người: Trong các yếu tố hợp thành quá trình lao động sản xuất, sức lao động là yếu tố quyết định, mang tính sáng tạo, là nguồn lực không cạn kiệt. Vì vậy, con người có sức khoẻ, trí tuệ, tay nghề cao, có động lực và nhiệt tình, được tổ chức chặt chẽ sẽ là nhân tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế bền vững.. - Khoa học và công nghệ: Khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ đã làm cho hiệu quả sử dụng của các yếu tốlao động, vốn, tài nguyên tăng lên. Sự phát triển khoa học và công nghệ cho phép tăng trưởng và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu, làm xuất hiện những ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao như: công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... Như vậy, khoa học và công nghệ cũng là một yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng nhanh và bền vững. - Cơ cấu kinh tế: Mọi nền kinh tế đều tồn tại và vận động trong một cơ cấu nhất định. Cơ cấu kinh tế là mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc và quy định lẫn nhau cả về quy mô và trình độ giữa các ngành, các thành phần, các vùng, các lĩnh vực của nền kinh tế. Việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại để phát huy mọi tiềm năng, nội lực, lợi thế so sánh của toàn bộ nền kinh tế, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến, gắn với phân công lao động và hợp tác quốc tế là yếu tố tạo tiền đề, cơ sở cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. - Thể chế chính trị và vai trò của nhà nước: Thể chế chính trị tiến bộ có khả năng định hướng sự tăng trưởng kinh tế vào những mục tiêu mong muốn, khắc phục được những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo sâu sắc... Hệ thống chính trị mà đại diện là nhà nước có vai trò hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cùng hệ thống chính sách đúng đắn sẽ hạn chế được tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, khuyến khích tích luỹ, tiết kiệm, kích cầu... làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đúng hướng. 2.2. Môi trường: 2.2.1. Khái niệm môi trường và bảo vệ môi trường: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động thực vật, đất và nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây nhà cửa, trồng cây, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người, thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. 2.2.2. Các chức năng chủ yếu của môi trường: Môi trường là không gian sinh sống cho con người và thế giới sinh vật. Trên không gian do môi trường cung cấp, con người thực hiện các hoạt động sống của mình, trong đó có quá trình sản xuất của cải vật chất. Nói một cách cụ thể, đối với quá trình sản xuất, môi trường đã cung cấp mặt bằng và phông tự nhiên cho sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Môi trường là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người. Xét về bản chất thì mọi hoạt động của con người để duy trì cuộc sống đều nhằm vào việc khai thác các hệ thống sinh thái của tự nhiên thông qua lao động cơ bắp, vật tư công cụ và trí tuệ. Với sự hỗ trợ của các hệ thống sinh thái, con người đã lấy từ tự nhiên những nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết phục vụ cho việc sản xuất ra của cải vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu của mình. Thiên nhiên là nguồn cung cấp mọi nguồn tài nguyên cần thiết. Nó cung cấp nguồn vật liệu, năng lượng, thông tin cần thiết cho hoạt động sinh sống, sản xuất và quản lý của con người. Nhu cầu của con người về các nguồn tài nguyên không ngừng tăng lên cả về số lượng, chất lượng và mức độ phức tạp theo trình độ phát triển của xã hội. Các loại tài nguyên được khai thác bao gồm: - Rừng tự nhiên: cung cấp nuớc, bảo tồn tính đa dạng sinh học và độ phì nhiêu của đất, nguồn gỗ củi, dược liệu và cải thiện điều kiện sinh thái... - Các thuỷ vực: cung cầp nước, dinh dưỡng, nơi vui chơi giải trí và các nguồn thuỷ hải sản... - Động thực vật: cung cấp lương thực, thực phẩm và các nguồn gen quý hiếm.... - Không khí, nhiệt độ, năng lượng mặt trời, gió, nước: để con nguời hít thở, cung cấp năng lượng cho sản xuất.... - Các loại quặng, dầu mỏ : Cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp... Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất. Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của cải vật chất, con người luôn đào thải ra các chất thải vào môi trường. Thời kỳ sơ khai, khi dân số nhân loại còn ít, chủ yếu do các quá trình phân huỷ tự nhiên làm cho chất thải sau một thời gian biến đổi nhất định lại trở lại trạng thái nguyên liệu của tự nhiên. Nhưng ngày nay, do dân số thế giới tăng lên nhanh chóng cùng quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá làm số lượng chất thải tăng lên không ngừng khiến chức năng phân hủy tự nhiên của môi trường quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Nếu phân loại chi tiết, có thể chia chức năng này ra thành các loại sau: - Chức năng biến đổi lý - hoá học - Chức năng biến đổi sinh hoá - Chức năng biến đổi sinh học Môi trường còn lưư trữ và cung cấp thông tin cho con người: - Cung cấp sự ghi chép và lưu trữ lịch sử địa chất, lịch sử tiến hoá của vật chất và sinh vật, lịch sử xuất hiện và phát triển văn hoá của loài người. - Cung cấp các chỉ thị không gian và tạm thời mang tính chất tín hiệu và báo động sớm các hiểm hoạ đối với con người và sinh vật sống trên Trái Đất như phản ứng sinh lý của cơ thể sống trước khi xảy ra các tai biến tự nhiên và các hiện tượng tai biến tự nhiên, đặc biệt như bão, động đất, núi lửa... - Lưu trữ và cung cấp cho con người sự đa dạng các nguồn gen, các loài động thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các vẻ đẹp, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ để thưởng ngoạn, tôn giáo văn hoá khác. 2.2.3. Vì sao phải bảo vệ môi trường : Như đã phân tích ở trên, môi trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người cũng như các hoạt động sản xuất vật chất, chính vì vậy cần phải tích cực, chủ động bảo vệ môi trường. Thực tế chứng minh rằng, con người đã, đang và sẽ phải trả giá cho những hành vi phá hoại môi trường của mình. Hàng loạt thách thức về môi trường đang đặt ra hiện nay trên thế giới bao gồm : - Khí hậu toàn cầu biến đổi và tần xuất thiên tai gia tăng - Sự suy giảm tầng ôzôn - Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái - Ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở quy mô rộng - Sự gia tăng dân số - Sự suy giảm tính đa dạng sinh học trên Trái Đất Những hiện tượng trên đe doạ nghiêm trọng tới môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và các hoạt động sống của con người nhưng nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ chính con người. Nếu không có các biện pháp thích hợp để giảm sự huỷ hoại môi trường thì con người sẽ có lúc bị diệt vong. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay để con người cứu lấy môi trường cũng như tự cứu bản thân mình. Theo điều 6 Luật môi trường Việt Nam : "Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có quyền và có trách nhiệm phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường". Như vậy bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người. 3.Mối liên hệ tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường: 3.1.Tác động của tăng trưởng kinh tế đến bảo vệ môi trường: * Tích cực: Khoa học công nghệ là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững chính vì vậy trong quá trình tăng trưởng, tất yếu khoa học công nghệ phải được chú trọng đầu tư phát triển. Nhờ sự phát triển cao của khoa học công nghệ, các vấn đề về cải tạo môi trường, tìm và sử dụng các nguồn năng lượng sạch gặp nhiều thuận lợi và được đẩy nhanh. Tăng trưởng kinh tế cao làm cho mức thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống của dân cư tăng, giảm tỷ lệ mắc các loại bệnh tật, đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng kinh tế cao đòi hỏi chất lượng giáo dục phải tăng, từ đó nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường Tăng trưởng kinh tế tạo ra nguồn chi phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường như: nghiên cứu xử lý chất thải; xây dựng các khu xử lý chất thải; đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo tồn các loại động thực vật quý hiếm.... * Tiêu cực: Tài nguyên thiên nhiên là cơ sở để phát triển nông nghiệp và công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Điều này thực sự quan trọng với các nước đang phát triển ở thời kỳ đầu công nghiệp hoá như Việt Nam. Tuy vậy, tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đã và đang diễn ra ở nước ta. Các loại tài nguyên khoáng sản, rừng, đất, nước, năng lượng... đều bị khai thác và sử dụng bừa bãi, vô kế hoạch dẫn đến tình trạng cạn kiệt, suy thoái tài nguyên, gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường đồng thời xảy ra các hiện tượng như mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học...Chẳng hạn như việc khai thác dầu mỏ tại các vùng biển với các thiết bị không đảm bảo chất lượng có thể gây ra rò gỉ dầu ra biển, vừa gây lãng phí dầu, vừa gây ô nhiễm môi trường biển, làm chết các loại sinh vật biển dẫn đến mất cân bằng sinh thái ở khu vực ô nhiễm... Muốn tăng trưởng kinh tế cao thì phải đầu tư phát triển mạnh cho công nghiệp. Điều này dẫn tới sự ra đời của hàng loạt khu công nghiệp và các xí nghiệp công nghiệp. Những xí nghiệp, khu công nghiệp này hàng ngày, hàng giờ thải trực tiếp vào môi trường các loại khí độc, nước thải, rác thải... hầu như chưa qua xử lý gây ô nhiễm trầm trọng không khí, đất, nguồn nước xung quanh. Sự ô nhiễm này tác động lớn đến sức khoẻ con người, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, thần kinh, thậm chí là các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Ngoài ra, nhiều loài sinh vật sống trong vùng bị ô nhiễm sẽ chết hoặc bị biến dạng, gây tác động tiêu cực đến cân bằng sinh thái. Sự đòi hỏi phải đạt năng suất cao trong nông nghiệp dẫn đến việc nhiều người lạm dụng các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật...Các loại chất này khi bị sử dụng qua liều lượng cho phép không những làm cho nhiều loại thực phẩm tích tụ độc tố, gây ra nhiều bệnh tật cho con người mà còn làm môi trường nước, đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, rất khó để cải tạo. Tăng trưởng kinh tế cao giúp đời sống nhân dân nâng cao, do đó nhu cầu về giải trí, du lịch cũng tăng lên. Điều này có thể dẫn tới việc đất nông nghiệp, đất rừng bị cắt xén để làm các khu vui chơi giải trí, khu du lịch gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường do nhiều loại sinh vật mất chỗ trú ngụ dẫn đến bị tiêu diệt, cảnh quan tự nhiên bị huỷ hoại. Các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch còn làm ô nhiễm môi trường do sự vứt rác bừa bãi vô ý thức của người dân khi tham gia các hoạt động này. Chẳng hạn như Vịnh Hạ Long, đây là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở nước ta nhưng chủ yếu do các hoạt động du lịch cùng việc khai thác tài nguyên quá mức đã gây ô nhiễm cho khu vực này. Tăng trưởng kinh tế làm cho dân cư giàu lên, nhưng đồng thời cũng có thể làm cho sự phân hoá giàu nghèo tăng lên. Như vây, một bộ phận dân cư có thể lâm vào tình trạng nghèo đói, sống trong những nơi tồi tàn, không đảm bảo về vệ sinh, dễ mắc các bệnh tật làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một khi đời sống nhân dân ta đuợc nâng cao thì khả năng các loại phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, máy bay sẽ được sử dụng ngày càng nhiều. Khí thải và tiếng ồn của các loại phương tiện này sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Tăng trưởng kinh tế cao có thể dẫn đến tình trạng đô thị hoá diễn ra ồ ạt, dân số tăng nhanh cùng hàng loạt vấn đề xã hội khác, gây sức ép lên môi trường, khiến môi trường trở nên quá tải và ngày càng ô nhiễm. 3.2. Tác động của vấn đề môi trường đến tăng trưởng kinh tế: * Tích cực: Môi trường cung cấp các yếu tố cơ bản cho quá trình sản xuất: - Nền kinh tế nước ta vẫn còn phải dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên (TNTN). Riêng giá trị sản lượng nông nghiệp còn chiếm tới 23% tổng giá trị GDP. Nếu tính cả các lĩnh vực khác, thì có thể thấy TNTN đã đóng góp tới 50% tổng giá trị GDP, 60-70% tổng giá trị hàng xuất khẩu, và mang lại việc làm cho hàng triệu người lao động - Các yếu tố rất quan trọng trong sản xuất như nước, không gian, nơi tiếp thu và xử lý rác thải... đều do môi trường cung cấp. Thiếu hụt các yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, kìm hãm sự phát triển. Chẳng hạn nói về nước, nếu thiếu nước sạch thì đời sống người lao động sẽ mất ổn định gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất xã hội, thiếu nước cho các hồ thuỷ điện sẽ dẫn tới tình trạng cắt điện thường xuyên gây nhiều thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, sản xuất... Môi trường cung cấp các địa điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí tự nhiên, đem về nguồn lợi không nhỏ cho nền kinh tế Thời tiết, khí hậu ổn định là tiền đề quan trọng cho quá trình sản xuất. * Tiêu cực: Nước ta có khí hậu rất thất thường, thiên tai như hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất....thường xuyên xảy ra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và quá trình sản xuất, đặc biệt là đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều đợt hạn hán, lũ lụt xảy ra đã gây mất mùa nghiêm trọng tại nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn, nguồn cung cấp nông sản cho công nghiệp chế biến thiếu hụt, giảm tỷ trọng xuất khẩu.... Môi trường ngày càng bị ô nhiễm dẫn đến các hiện tượng như mưa axit, hiệu ứng nhà kính, sự suy thoái ôzôn trong tầng bình lưu... Những hiện tượng đó trước hết ảnh hưởng trước hết đến sức khoẻ con người, gây ra nhiều bệnh tật về đường hô hấp, về thần kinh...Sức khoẻ bị giảm sút kéo theo hiệu suất lao động giảm. 4. Thực trạng đáng báo động của môi trường Việt Nam: 4.1. Các loại tài nguyên ở nước ta đang ngày càng cạn kiệt, suy thoái: Về tài nguyên rừng: Độ che phủ của rừng liên tục giảm sút, chỉ có dấu hiệu tăng trong gần 10 năm trở lại đây. Năm 1943, diện tích rừng Việt Nam ước tính có khoảng 14 triệu ha, tỷ lệ che phủ là 43 %. Năm 1976 giảm xuống còn 11 triệu ha với tỷ lệ che phủ còn 34 %. Năm 1995 còn 8 triệu ha và tỷ lệ che phủ là 28 %. Cho đến năm 2005, nhờ đẩy mạnh hoạt động trồng và bảo vệ rừng nên diện tích rừng đã tăng lên được 12,6 triệu ha (10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 2,3 triệu ha rừng trồng), độ che phủ đạt khoảng 37 %. Xét về chất lượng rừng, trước năm 1945 rừng nước ta có trữ lượng gỗ vào khoảng 200 - 300 m³/ha, trong đó các loài gỗ quý như đinh, lim, sến, táu... rất phổ biến. Những cây gỗ đuờng kính 40 - 50 cm chiếm tới 40 - 50 % trữ lượng rừng. Nhưng hiện nay chất lượng rừng đã giảm sút đáng kể, chỉ còn chủ yếu là rừng nghèo giá trị kinh tế không cao. Về tài nguyên động vật, thực vật hoang dã: Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang ở mức báo động cần đuợc bảo vệ khi tỷ lệ tuyệt chủng ở Việt Nam ước tính cao hơn mức trung bình của thế giới. Theo Sách đỏ Việt Nam 2004, tổng số loài động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa ở các mức khác nhau đã lên tới 857 loài, trong đó có 407 loài động vật và 450 loài thực vật. So với số liệu công bố trong Sách Đỏ Việt Nam 1992 -1996 là 709 loài bị đe dọa (359 loài động vật và 350 loài thực vật), có thể thấy rằng số loài hiện thời bị đe dọa tăng lên đáng kể. Hiện tượng này xảy ra là do các hoạt động săn bắn và buôn bán trái phép động thực vật hoang dã ngày càng gia tăng, diện tích rừng bị thu hẹp, ... Về tài nguyên đất: Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2005, tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,1 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 24,8 triệu ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 3,2 triệu ha, diện tích đất chưa sử dụng và núi đá không có rừng cây là 5,1 triệu ha. Tuy diện tích đất nông nghiệp tăng liên tục nhưng chất lượng đất ngày càng suy thoái do việc sử dụng nhiều loại chất độc hại trong nông nghiệp và chất thải công - nông nghiệp đuợc thải trực tiếp vào đất. Các hiện tượng như xói mòn, rửa trôi, sạt lở, hoang mạc hoá, suy thoái hoá học (mặn hoá, phèn hoá, chua hoá), mất chất dinh dưỡng, mất khoáng xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn. Sự suy thoái đất dẫn đến giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, làm nghèo thảm thực vật, suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời chúng cũng tác động ngược trở lại làm các quá trình xói mòn, thoái hoá đất diễn ra nhanh hơn. Về tài nguyên nước: Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, về chất lượng, tài nguyên nước của Việt Nam tốt nhưng đã có dấu hiệu suy thoái và ô nhiễm. Việt Nam là quốc gia có lượng mưa trong nước phân bố không đều theo mùa và theo khu vực, lượng nước mặt dự trữ có tới hơn 2/3 bắt nguồn từ nước ngoài và lượng nước dưới đất có dấu hiệu cạn kiệt. Một số khu vực đã xảy ra mưa có độ pH thấp (mưa axít) và hệ thống các hồ, ao, kênh rạch và các sông nhỏ chảy qua các khu đô thị lớn hầu hết đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức cho phép từ 5 - 10 lần. Nước dưới đất tại các vùng ven biển đều bị nhiễm mặn. Mực nước dưới đất ngày càng hạ thấp, gây ra tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và nước phục vụ nông nghiệp. Ở nhiều nơi đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm phốt phát và asen trong nước ngầm. Tại Hà Nội, số giếng có hàm lượng phốt phát cao hơn cho phép chiếm tới 71 %. Nước biển Việt Nam cũng đã bắt đầu ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng, dầu và kim loại kẽm. Về tài nguyên năng lượng: Theo những kết quả được đưa ra tại hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững ở VN" diễn ra trong năm 2006, mức độ tổn thất điện năng ở Việt Nam có thể đến 15,8 % trong khi nhiều nước trên thế giới chỉ khoảng 7 - 9 %. Để làm ra 1 USD giá trị gia tăng, VN tiêu tốn năng lượng nhiều hơn các nước trong khu vực khoảng 30-40%. Theo một đại diện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, hiện nay, chỉ riêng tổn thất năng lượng trong khâu thăm dò than cũng đã lên tới 10-20%; còn tổn thất trong khâu thăm dò dầu khí lên tới 70%. Với tốc độ gia tăng mức khai thác năng lượng như hiện nay, các nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở thành khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ cạn kiệt trong vòng 40-60 năm tới. Cho đến nay, vẫn còn nhiều nguồn năng lượng khác gọi là “năng lượng tái tạo” như gió, mặt trời, nhiên liệu sinh khối (từ thực thực vật, động vật) mặc dù dồi dào nhưng vẫn chưa được thúc đẩy sử dụng. VN hiện có hơn 25 triệu tấn sinh khối gỗ năng lượng, hơn 53 triệu tấn sinh khối phụ phẩm nông nghiệp… có thể cho ra hàng chục triệu tấn năng lượng. Về dầu thực vật, trong khi một số nước đã nghiên cứu từ dầu thực vật để cho ra nhiên liệu sinh học pha trộn với xăng để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ thì ở ta chưa có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nguồn năng lượng này. Về năng lượng mặt trời, VN có số giờ nắng trung bình khoảng 2.000-2.500h/năm với tổng năng lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 150kCal/cm2/năm. Tiềm năng từ năng lượng mặt trời có thể lên khoảng 43,9 tỷ tấn năng lượng năm. Về gió, mặc dù VN có nhiều nơi dồi dào về gió, nhưng hiện chỉ có một vài nhà máy phát điện từ gió với công suất không đáng kể… Về tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản gồm 3 nhóm lớn, đó là: khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại và khoáng sản cháy. Hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản của nước ta vẫn còn khá dồi dào nhưng đã ở một số mỏ khai thác đã bắt đầu xảy ra hiện tượng cạn kiệt do khai thác quá mức hoặc lãng phí vì máy móc, công nghệ lạc hậu. Mặt khác, hiện nay chúng ta đang khai thác ồ ạt một số loại khoáng sản kim loại như titan, kẽm... rồi đem bán thô với giá rẻ cho nước ngoài, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia. 4.2. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tại các đô thị lớn: Ô nhiễm nguồn nước: Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị thấy rõ nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở các thành phố này, nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được… là những nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nước. Hiện nay, mức độ ô nhiễm trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn là rất nặng, các thông số chất lơ lửng (SS), BOD; COD; Ôxy hoà tan trong nguồn nướcở nơi tiếp nhận nước thải đều vượt từ 5-10 lần, thậm chí 20 lần tiêu chuẩn cho phép. Ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khoẻ nhân dân. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật cũng đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản, thì các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc; thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thuỷ triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam. Ô nhiễm không khí và tiếng ồn: Theo số liệu điều tra mới đây của Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn (Bộ Xây dựng), cùng với ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí xảy ra tại hầu hết các đô thị trong vùng và các tuyến quốc lộ, những nơi có mật độ xây dựng và giao thông cao ở VN. Nồng độ bụi tại nhiều khu đô thị hiện vượt tiêu chuẩn cho phép 2 - 3 lần, các nút giao thông vượt 2 - 5 lần, khu vực xây dựng vượt quá 10 - 20 lần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ùn tắc, tai nạn giao thông là do hệ thống giao thông đô thị và công nghiệp còn nhiều bất cập, lưu lượng giao thông ngày một tăng nhanh, trong khi đó thì đường đô thị hẹp, khó cải tạo và nâng cấp. Ô nhiễm các loại khí độc như SO2, CO, NOx... tại các đô thị tuy chưa đến mức độ báo động nhưng nồng độ khí thải giao thông tại các nút giao thông lớn tại Hà Nội, quốc lộ 1 Đồng Văn, Hà Nam, quốc lộ 5 tại Hưng Yên, Hải Dương đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Bụi và ô nhiễm không khí tại các khu dân cư quanh các khu công nghiệp cũ trong đô thị, đặc biệt tại Hà Nội như Thượng Đình, Vĩnh Tuy ... cũng xấp xỉ, nhiều nơi vượt tiêu chuẩn cho phép. Ô nhiễm tiếng ồn Quốc lộ 5 và Quốc lộ 1 khá nghiêm trọng, mức ồn tại Quốc lộ 5 (Sài Đồng) là 80 dBA, Quốc lộ 1 (Giáp Bát) là 77 DBA. Tiếng xe ôtô, xe máy chạy, thậm chí cả máy bay trên không trung, tiếng máy móc sản xuất ở những khu chế xuất, âm thanh vọng ra từ các sàn nhảy, sân khấu... đều là những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Ô nhiễm đất: Môi trường đất ở nước ta hiện nay cũng đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ở các vùng sản xuất nông nghiệp hiện nay, do sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong canh tác nên hiệu lực phân bón thấp, có trên 50 % lượng đạm, 50 % lượng kali và xấp xỉ 80 % lượng lân dư thừa trực tiếp hay gián tiếp gây ô nhiễm môi trường đất. Các loại phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý còn tồn dư axit làm chua đất, nghèo kiệt các kation kiềm và xuất hiện nhiều độc tố trong đất. Các loại thuốc bảo vệ thực vật có đặc điểm rất độc với mọi sinh vật được sử dụng ngày càng nhiều, tồn dư lâu dài trong môi trường đất - nước, gây chết tất cả các sinh vật có lợi và có hại trong môi trường đất. Khảo sát trong những năm gần đây cho thấy hàm lượng kim loại nặng trong đất gần các khu công nghiệp đang tăng lên. 5. Một số giải pháp để góp phần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trườngở nước ta: * Sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên: - Sử dụng hợp lý tài nguyên rừng: + Đẩy mạnh việc trồng rừng. + Giảm nguy cơ cháy rừng, sâu bệnh, săn bắn trộm, thải các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến rừng. + Hạn chế tiến tới chấm dứt du canh du cư + Sử dụng các phương pháp khai thác rừng hợp lý, giảm việc sử dụng lãng phí gỗ + Quản lý bền vững các vùng đệm - Ngăn chặn ô nhiễm, xói mòn và hoang mạc hoá đối với tài nguyên đất: + Thực hiện các kế hoạch quốc gia về sử dụng và quản lý đất bền vững. + Tuyên truyền, huấn luyện cho người dân về việc bảo vệ đất + Cải tạo lại các vùng đất đã bị suy thoái + Hạn chế việc thải các hoá chất độc hại trong công - nông nghiệp vào lòng đất - Bảo vệ và quản lý chặt chẽ việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển: + Có các hình thức sử phạt nặng đối với các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm hoặc khai thác trái phép tài nguyên biển + Nâng cao chất lượng sống và ý thức cho người dân ven biển để họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường biển + Xây dựng và duy trì các hệ thống xử lý nước thải, tránh thải nước thải gần các bãi cá, bãi tắm + Phát triển nuôi trồng thủy sản, giảm lãng phí trong đánh bắt, bảo quản và chế biến thuỷ hải sản, + Cấm dùng các hình thức khai thác, đánh bắt cá mang tính chất huỷ diệt + Bảo vệ các hệ sinh thái (HST) nhạy cảm như: HST rạn san hô, HST cửa sông, HST rừng ngập mặn.... - Bảo vệ và quản lý nguồn nước ngọt: + Có các tiêu chuẩn về nước thải thành phố và công nghiệp + Đảm bảo nước sạch, an toàn cho người dân ở nông thôn + Quản lý việc khai thác đánh bắt thuỷ sản nước ngọt, không phá hủy HST thuỷ sinh + Phát triển các nguồn nước ngọt thay thế (khử muối, nước mưa, nước quay vòng tái sử dụng) với công nghệ rẻ, sẵn có + Giảm thiểu việc sử dụng các hoá chất gây ô nhiễm nguồn nước trong nông nghiệp - Duy trì, bảo vệ đa dạng sinh học: + Ban hành luật pháp, chính sách bảo vệ đa dạng sinh học và các khu bảo tồn thiên nhiên + Đánh giá tác dộng của các dự án phát triển đến đa dạng sinh học, tính toán các chi phí do mất mát phải trả cho những tổn thất về đa dạng sinh học + Áp dụng các công nghệ hiện đại, các biện pháp thích hợp để phục hồi các HST đã bị phá huỷ và các loàu đang bị đe dọa + Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của đa dạng sinh học + Ngăn chặn việc đưa vào, kiểm soat hoặc loại bỏ các giống ngoại lai có khả năng đe doạ HST và môi trưưòng sống của các loài bản địa - Khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn năng lượng: + Khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo (than, dầu mỏ, khí đốt) phải có kế hoạch để tránh cạn kiệt và lãng phí + Đẩy mạnh việc sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng vĩnh cửu và năng lượng tái tạo (Mặt Trời, nước, gió và sinh khối) + Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượngở gia đình, các khu công nghiệp, các công trình công cộng... + Phát động các chiến dịch tuyên truyền quảng cáo để đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng và bán các sản phẩm tiêu thụ ít năng lượng * Có các chính sách, biện pháp xử lý nghiêm minh với những doanh nghiệp, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường đồng thời cũng có những hình thức khen thưởng xứng đáng cho những cá nhân, đơn vị, tổ chức có hành động tích cực góp phần bảo vệ môi trường * Đầu tư xây dựng những trung tâm xử lý chất thải hiện đại, tích cực cải tạo môi trường những khu vực bị ô nhiễm * Lập các quỹ hoạt động vì môi trường nhằm hỗ trợ kinh phí cho việc phòng tránh, khắc phục, xử lý các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường * Hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường * Hợp tác với các tổ chức quôc tế về môi trường nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, chủ động tham gia vào các hiệp định, thoả thuận về bảo vệ môi trường Kết luận Qua quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá về mối liên hệ mật thiết giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trưòng ở nước ta dựa trên nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, chúng ta đã thấy rõ rằng việc tìm ra giải pháp góp phần cân bằng hai yếu tố này là vô cùng quan trọng. Trong quá trình tăng trưởng kinh tế, phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, cần đảm bảo môi trường luôn xanh, sạch, đẹp, có như vậy tăng trưởng mới bền vững Giới trẻ ngày nay đặc biệt là sinh viên cần có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vấn đề này. Ngay khi còn ngồi trên giảng đuờng, phải luôn tập trung vào học tập, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu khoa học cũng như rèn luyện đạo đức đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường, góp phần giữ cho không gian lớp, trường, nơi ở cũng như môi trường chung của đất nước luôn trong sạch. Sinh viên sẽ là một trong những lực lượng lao động và quản lý đất nước chủ chốt sau khi rời mái trường đại học, chính vì vậy việc nhận thức và có hành động đúng đắn về vấn đề tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước ta hiện tại và tương lai. Tài liệu tham khảo 1 - Bộ Giáo dục và đào tạo. Giáo trình "Triết học Mác - Lênin" (Dùng cho các trường đại học, cao đẳng). Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội, 2006. 2 - Bộ Giáo dục và đào tạo. Giáo trình "Kinh tế chính trị Mác - Lênin" (Dùng cho các khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng). Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội, 2006. 3 - Lê Văn Khoa (chủ biên). Khoa học môi trường. Nhà xuất bản giáo dục. Hà Nội, 2002. 4 - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2005 - Phần Tổng quan 5 - Các trang Web: Bộ Tài nguyên và môi trường: www.monre.gov.vn Cục bảo vệ môi trường: www.nea.gov.vn Tạp chí Hoạt động khoa học: www.tchdkh.org.vn Sinh học Việt Nam: www.sinhocvietnam.com Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: www.eec.moi.gov.vn Trung tâm thông tin - Bộ tài nguyên và Môi trường: www.ciren.gov.vn Báo điện tử VietNamNet: www.vietnamnet.vn MỤCLỤC Nguyên lý mối liên hệ phổ biến và vấn đề mối liên hệ tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế - vấn đề bảo vệ môi trường

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTr-23.doc