Dù không hoàn toàn rõ ràng, việc áp
dụng pháp luật như vậy có thể bị xem là trái
với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật
được quy định tại chính BLDS và LTM.
Ngoài ra, nhìn từ góc độ của pháp luật về tố
tụng, việc không áp dụng LTM có thể dẫn
đến cách hiểu là hợp đồng đặc thù không
phải là HĐTM (dù được giao kết giữa các
bên là thương nhân và nhằm mục đích sinh
lợi), dẫn đến hệ quả là tranh chấp phát sinh
từ các hợp đồng này không được xem là
tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương
mại thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng
tài. Khi đó, thỏa thuận trọng tài có rủi ro bị
tuyên vô hiệu và phán quyết đã tuyên của
trọng tài có rủi ro bị hủy hoặc không được
công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Các tác giả cho rằng nếu LXD,
LCTCTD và các luật chuyên ngành khác
không quy định về một vấn đề liên quan đến
hợp đồng trong lĩnh vực đặc thù thì vấn đề
đó cần được điều chỉnh bởi LTM nếu các
hợp đồng trên thuộc phạm vi điều chỉnh của
LTM. Việc bỏ qua LTM và áp dụng trực tiếp
BLDS trong trường hợp luật chuyên ngành
áp dụng cho hoạt động thương mại đặc thù
không có quy định sẽ đặt ra câu hỏi về vai
trò và vị trí của LTM trong hệ thống pháp
luật về hợp đồng Việt Nam. Việc áp dụng
trực tiếp BLDS có nghĩa là luật chuyên
ngành áp dụng cho các hoạt động thương
mại đặc thù được đặt ngang hàng với LTM
và thu hẹp phạm vi điều chỉnh của LTM
bằng cách loại bỏ vai trò của LTM với tư
cách là luật chung áp dụng cho các HĐTM
và có thể áp dụng khi luật chuyên ngành áp
dụng cho hoạt động thương mại đặc thù
không có quy định. Nói cách khác, nếu LTM
không được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh
HĐTM so với BLDS, sự cần thiết của LTM
cần được xem xét. Nếu LTM vẫn có vai trò
trong việc điều chỉnh các HĐTM, LTM nên
được xem là luật chung trong mối quan hệ
với các luật chuyên ngành và được ưu tiên
áp dụng so với BLDS khi các luật chuyên
ngành không có quy định về một vấn đề cụ
thể của hợp đồng. Trong trường hợp đó, nếu
LTM có các quy định chưa phù hợp, các quy
định này cần được sửa đổi một cách tương
ứng. Ngược lại, nếu LTM không thật sự cần
thiết, LTM nên bị hủy bỏ và khi đó, các hệ
quả pháp lý liên quan đến việc xác định quan
hệ thương mại hay hoạt động thương mại
cần được xem xét một cách thận trọng.
Trong trường hợp như vậy, BLDS sẽ được
xem là luật chung của các luật chuyên ngành
và việc ưu tiên áp dụng BLDS sẽ không còn
trái với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp
luật của BLDS và LTM. Tại thời điểm hiện
nay, các HĐTM nói chung vẫn thuộc phạm
vi điều chỉnh của LTM và cho đến khi LTM
được sửa đổi để thu hẹp phạm vi điều chỉnh,
việc áp dụng trực tiếp BLDS và bỏ qua LTM
đối với hoạt động thương mại đặc thù là
không phù hợp
9 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 18/01/2022 | Lượt xem: 398 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
13Số 17 (417) - T9/2020
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG
Trương Nhật Quang*
Lê Trần Quỳnh Thy**
*,**LS.CôngtyluậtTNHHYKVN
Thông tin bài viết:
Từ khóa: Xung đột pháp luật, hợp
đồng.
Lịch sử bài viết:
Nhận bài : 14/8/2020
Biên tập : 22/8/2020
Duyệt bài : 25/8/2020
Article Infomation:
Keywords: Conflicts of legal norms;
contract.
Article History:
Received : 14 Aug. 2020
Edited : 22 Aug. 2020
Approved : 25 Aug. 2020
Tóm tắt:
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay, một hợp đồng thông thường có thể đồng thời chịu
sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau, như Bộ luật Dân sự năm
2015, Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành điều
chỉnh lĩnh vực đặc thù. Trong trường hợp như vậy, việc các luật
này có quy định khác nhau hoặc có tính chất đặc thù khi điều
chỉnh về cùng một vấn đề pháp lý là điều khó tránh khỏi. Hiện
nay, một số cơ quan xét xử và cơ quan áp dụng pháp luật dường
như có xu hướng ưu tiên áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 hơn
so với Luật Thương mại năm 2005 khi luật chuyên ngành không
có quy định điều chỉnh, đặc biệt trong bối cảnh các hợp đồng
trong lĩnh vực xây dựng và ngân hàng. Trong phạm vi bài viết
này, các tác giả trình bày các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp
luật về hợp đồng trên cơ sở các quy định hiện hành tại Việt Nam
để hạn chế các rủi ro phát sinh từ xu hướng áp dụng pháp luật
hiện nay.
Abstract:
In the current socialist-oriented market economy in Vietnam, a
contract may generally be subject to various laws, such as the
Civil Code of 2015, the Law on Commerce of 2005 and other
laws governing specialized business sectors. In such a
circumstance, there might be differences or even conflicts among
certain rules of these laws on the same matter or there might be
certain matters that are not specifically addressed by laws
governing specialized business sectors. In practice, some courts
and governmental agencies tend to apply the Civil Code of 2015
instead of those under the Law on Commerce of 2005 when there
is a conflict of norms or where a specific matter is not addressed
by laws governing specialized business sectors, especially in the
context of contracts in construction and banking businesses. In
the scope of this article, the authors present principles for dealing
with such conflicts under current regulations in Vietnam to
mitigate associated risks in practice arising from the current
tendency to apply the law.
Số 17 (417) - T9/202014
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Ở
Việt Nam hiện nay, Bộ luật Dân sự
năm 2015 (BLDS) được xem là luật
chung và có thể được áp dụng để
điều chỉnh mọi loại hợp đồng giữa các cá
nhân và pháp nhân, bao gồm hợp đồng
thương mại (HĐTM) và các hợp đồng dân
sự (HĐDS) khác1. Nói tóm lại, bất kỳ loại
hợp đồng nào tại Việt Nam cũng được điều
chỉnh bởi BLDS.
Được ban hành dựa trên Bộ luật Dân sự
năm 2005, Luật Thương mại năm 2005
(LTM) có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn và chỉ
được áp dụng để điều chỉnh các hoạt động
thương mại (trong trường hợp này là
HĐTM). Về lý thuyết, HĐTM thuộc phạm
vi điều chỉnh của LTM cũng là một loại
HĐDS. Tuy nhiên, khác với những HĐDS
thông thường, HĐTM có đặc trưng về chủ
thể xác lập (được xác lập giữa các bên là
thương nhân hoặc một trong các bên là
thương nhân) và mục đích của hợp đồng
(nhằm mục đích sinh lợi)2. Nếu một hợp
đồng đặc thù chịu sự điều chỉnh của luật
chuyên ngành đáp ứng điều kiện về chủ thể
xác lập và mục đích của HĐTM, hợp đồng
đặc thù đó có thể đồng thời thuộc phạm vi
điều chỉnh của cả BLDS và LTM3. Việc giải
quyết xung đột pháp luật4 được trình bày
dưới đây dựa trên cơ sở giả định rằng các
hợp đồng đặc thù chịu sự điều chỉnh của luật
chuyên ngành cũng đáp ứng điều kiện của
HĐTM thuộc phạm vi điều chỉnh của LTM.
Trên cơ sở lập luận này, hợp đồng xây
dựng (HĐXD) về lý thuyết có thể thuộc
phạm vi điều chỉnh của cả Luật Xây dựng
năm 2014 (với tư cách là một loại hợp đồng
đặc thù trong lĩnh vực đầu tư xây dựng),
BLDS (với tư cách là một HĐDS) và LTM
(với tư cách là một HĐTM)5. Tương tự như
vậy, hợp đồng tín dụng (với tư cách là một
loại hợp đồng đặc thù trong lĩnh vực ngân
hàng) về lý thuyết cũng có thể thuộc phạm
vi điều chỉnh của BLDS (với tư cách là một
HĐDS) và LTM (với tư cách là một
HĐTM).
1. Nguyên tắc giải quyết xung đột
Trong trường hợp có nhiều văn bản pháp
luật cùng điều chỉnh một hợp đồng, xung đột
giữa các văn bản này là điều khó tránh khỏi.
Tại thời điểm hiện nay, nguyên tắc giải quyết
xung đột chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng
và thống nhất trong pháp luật về hợp đồng.
Trong mối quan hệ giữa BLDS và các luật
chuyên ngành (không bao gồm các văn bản
dưới luật hướng dẫn các luật này), có hai
nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật sau
thường được xem xét áp dụng:
(i) Đối với các văn bản pháp luật do
cùng một cơ quan ban hành về cùng một vấn
đề, văn bản được ban hành sau được ưu tiên
áp dụng so với văn bản được ban hành trước
(hay còn gọi là nguyên tắc luật ban hành
sau); và
(ii) Luật chuyên ngành áp dụng cho các
loại hợp đồng đặc thù được ưu tiên áp dụng
1 Điều 1 và khoản 1 Điều 4 BLDS.
2 Cần lưu ý là mặc dù mục đích sinh lợi là một trong những đặc trưng của HĐTM, LTM vẫn điều chỉnh hợp
đồng trong đó có một bên không phải là thương nhân tham gia hợp đồng không nhằm mục đích sinh lợi
trong trường hợp bên đó lựa chọn LTM là luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng (Khoản 3 Điều 1 LTM).
3 Xem thêm Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn, “Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng”, Tạp chí
Nghiên cứu Lập pháp, 24(400) năm 2019, tr.37.
4 Thuật ngữ “xung đột” hay “xung đột pháp luật” được sử dụng trong bài viết này mô tả sự khác nhau giữa
các quy định của pháp luật có liên quan cùng điều chỉnh một vấn đề trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
5 Khoản 1 Điều 138 LXD.
so với BLDS (hay còn gọi là nguyên tắc luật
chung – luật riêng)6.
Trong hai nguyên tắc này, chỉ có nguyên
tắc luật ban hành sau được quy định cụ thể
tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật năm 2015 (LBHVBQPPL) và do vậy,
nguyên tắc này có thể được áp dụng để giải
quyết xung đột pháp luật giữa mọi văn bản
trong hệ thống pháp luật Việt Nam7. Khác
với nguyên tắc luật ban hành sau, nguyên tắc
luật chung - luật riêng hiện chỉ được ghi
nhận tại một số văn bản luật như BLDS và
LTM8. Các luật chuyên ngành hầu như
không quy định nguyên tắc luật chung - luật
riêng điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan
đến hợp đồng9.
Theo nguyên tắc luật ban hành sau quy
định tại LBHVBQPPL, BLDS sẽ được ưu
tiên áp dụng so với LTM. Trong quan hệ với
các luật chuyên ngành khác, việc ưu tiên áp
dụng BLDS và LTM so với các luật chuyên
ngành khác (hoặc ngược lại) sẽ phụ thuộc vào
thời điểm ban hành các luật chuyên ngành đó.
Ví dụ, BLDS sẽ được ưu tiên áp dụng so với
LXD và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010
(LCTCTD) nhưng các luật này lại được ưu
tiên áp dụng so với LTM. Do các luật chuyên
ngành như LXD, LCTCTD không quy định
nguyên tắc luật chung - luật riêng điều chỉnh
các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng,
nguyên tắc luật chung - luật riêng quy định tại
BLDS và LTM về cơ bản sẽ quyết định
nguyên tắc giải quyết xung đột giữa BLDS,
LTM và các luật chuyên ngành này.
Trong quan hệ giữa “luật chung” và
“luật riêng”, luật chuyên ngành với tư cách
là “luật riêng” sẽ được ưu tiên áp dụng với
điều kiện là không được trái với các nguyên
tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy
định tại BLDS; nếu trái thì các quy định của
BLDS sẽ được áp dụng10. Ngoài ra, nếu luật
chuyên ngành (trong đó có LTM) không quy
định về một vấn đề mà vấn đề đó được quy
định trong BLDS thì quy định của BLDS sẽ
được áp dụng11. Tương tự như BLDS, LTM
cũng quy định nguyên tắc giải quyết xung
đột pháp luật trong mối quan hệ giữa luật
chung và luật riêng điều chỉnh mối quan hệ
giữa BLDS, LTM và các luật điều chỉnh các
hoạt động thương mại đặc thù12. Theo các
quy định này, LTM lại được xem là luật
chung để điều chỉnh hoạt động thương mại,
bao gồm các HĐTM. Trong trường hợp hợp
đồng đặc thù chịu sự điều chỉnh của luật
chuyên ngành, luật chuyên ngành sẽ được ưu
tiên áp dụng so với LTM. Nếu cả LTM và
luật chuyên ngành đều không có quy định
điều chỉnh, BLDS mới được áp dụng.
Chúng tôi cho rằng, nếu xem xét đồng
thời cả nguyên tắc luật ban hành sau và
15Số 17 (417) - T9/2020
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
6 Khoản 3 Điều 156 LBHVBQPPL; Điều 4 BLDS; và Điều 4 LTM.
7 Khoản 3 Điều 156 LBHVBQPPL.
8 Điều 4 BLDS; và Điều 4 LTM.
9 Điều 3 của LCTCTD có quy định một số nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật liên quan đến việc
“thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể” của tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài và tổ chức nước ngoài khác
có hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, do LCTCTD không có quy định điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên
quan đến hợp đồng, các nguyên tắc này khó có thể được xem là nguyên tắc luật chung - luật riêng để giải
quyết xung đột pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng.
10 Khoản 2 và khoản 3 Điều 4 BLDS. Xem thêm Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn, “Phạt vi phạm
trong hợp đồng xây dựng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 24(400) năm 2019, tr.38-39.
11 Khoản 3 Điều 4 BLDS. Xem thêm Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn, tlđd.
12 Điều 4 LTM.
Số 17 (417) - T9/202016
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
nguyên tắc luật chung - luật riêng thì về cơ
bản, các nguyên tắc sau về trình tự áp dụng
pháp luật sẽ được áp dụng:
(i) Trong trường hợp LTM và các luật
chuyên ngành không quy định về vấn đề
pháp lý có liên quan hoặc có quy định khác
với BLDS mà các quy định này trái với
nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự:
BLDS được ưu tiên áp dụng so với LTM và
các luật chuyên ngành;
(ii) Trong trường hợp LTM và các luật
chuyên ngành có quy định khác BLDS về
vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định
này không trái với nguyên tắc cơ bản của
pháp luật dân sự: LTM và các luật chuyên
ngành được ưu tiên áp dụng so với BLDS;
(iii) Trong trường hợp các luật chuyên
ngành có quy định khác LTM về vấn đề pháp
lý có liên quan và các quy định này không
trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân
sự: luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng
so với LTM; và
(iv) Trong trường hợp các luật chuyên
ngành không quy định về vấn đề pháp lý có
liên quan nhưng LTM có quy định về vấn đề
đó và quy định của LTM không trái với
nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự:
LTM được ưu tiên áp dụng so với BLDS
(ngay cả khi BLDS cũng có quy định điều
chỉnh vấn đề đó).
Nguyên tắc thứ nhất là tương đối rõ ràng
và không gây tranh cãi nhiều trên thực tế. Ví
dụ, nguyên tắc tự do thỏa thuận theo BLDS
chỉ bị giới hạn bởi điều cấm của luật trong
khi nguyên tắc này theo LTM bị giới hạn bởi
điều cấm của pháp luật (bao gồm điều cấm
của luật và điều cấm của văn bản dưới luật)13.
Theo nguyên tắc thứ nhất, nguyên tắc tự do
thỏa thuận theo BLDS sẽ được ưu tiên áp
dụng khi điều chỉnh các HĐTM so với LTM.
Việc áp dụng ba nguyên tắc còn lại
tương đối phức tạp hơn và có liên quan đến
vai trò của LTM trong hệ thống pháp luật về
hợp đồng Việt Nam. Do LTM có phạm vi
điều chỉnh rộng, ba nguyên tắc này cần được
áp dụng đồng thời để không loại bỏ vai trò
của LTM với tư cách là luật chung điều
chỉnh các HĐTM.
2. Xu hướng áp dụng nguyên tắc giải
quyết xung đột pháp luật trên thực tế
2.1. Xu hướng áp dụng Bộ luật Dân sự
để giải quyết xung đột pháp luật về hợp
đồng trong lĩnh vực xây dựng
Trên thực tế, phần lớn các hợp đồng xây
dựng (HĐXD) đáp ứng các điều kiện của
HĐTM và do vậy, các hợp đồng này đồng
thời là đối tượng điều chỉnh của BLDS, LTM
và Luật Xây dựng (LXD). Trong trường hợp
như vậy, vấn đề pháp lý được đặt ra là văn
bản nào sẽ được ưu tiên áp dụng khi có xung
đột pháp luật. Tại quyết định giám đốc thẩm
liên quan đến tranh chấp giữa hai pháp nhân
về hợp đồng khoan phá đá cho một công
trình xây dựng nhà máy thủy điện, Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP
TANDTC) cho rằng LXD (với tư cách là luật
chuyên ngành điều chỉnh hoạt động xây
dựng) sẽ được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh
HĐXD trong trường hợp này. Trong trường
hợp LXD không quy định, BLDS (thay vì
LTM) sẽ được áp dụng để điều chỉnh hợp
đồng14. Với quyết định này, HĐTP TANDTC
dường như định hướng trình tự áp dụng pháp
luật khi có xung đột sẽ lần lượt là LXD và
BLDS và bỏ qua LTM. Tuy nhiên, HĐTP
TANDTC không đưa ra cơ sở pháp lý cho
13 Khoản 2 Điều 3 BLDS; và khoản 1 Điều 11 LTM.
14 Quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/KDTM-GĐT ngày 24/9/2019 của HĐTP TANDTC (tranh chấp
giữa Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Quang Minh với Tổng Công ty Công nghiệp hóa
chất mỏ - Vinacomin), năm 2019, tr.5.
17Số 17 (417) - T9/2020
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
nhận định này tại quyết định giám đốc thẩm
nêu trên.
Trước hết, với tư cách là luật chuyên
ngành điều chỉnh HĐXD, không thể phủ
nhận rằng LXD là văn bản được ưu tiên áp
dụng cao nhất trong trường hợp có xung đột
pháp luật. LXD định nghĩa HĐXD là một
loại HĐDS và đây dường như là cơ sở cho
quan điểm của HĐTP TANDTC. Khoản 1
Điều 138 của LXD quy định:
“1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân
sự được thoả thuận bằng văn bản giữa bên
giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một
phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động
đầu tư xây dựng”.
Việc khẳng định HĐXD là một loại
HĐDS có thể dẫn đến cách hiểu là LXD cho
phép áp dụng BLDS và bỏ qua LTM để điều
chỉnh HĐXD khi có xung đột pháp luật.
Cách hiểu này cũng được thể hiện qua một
công văn gần đây của Bộ Xây dựng liên
quan đến mức phạt vi phạm15. Trong vụ việc
này, vấn đề pháp lý đặt ra là mức phạt vi
phạm áp dụng đối với HĐXD của công trình
xây dựng không sử dụng vốn nhà nước giữa
hai doanh nghiệp sẽ được áp dụng trên cơ sở
quy định của LTM hay BLDS. BLDS cho
phép các bên thỏa thuận về mức phạt vi
phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào, trừ
khi luật chuyên ngành có quy định khác16.
LTM quy định mức phạt vi phạm không
vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi
phạm17. LXD quy định mức phạt vi phạm
không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng
bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử
dụng vốn nhà nước18. LXD không quy định
về mức phạt vi phạm áp dụng đối với HĐXD
của công trình xây dựng không sử dụng vốn
nhà nước. Quan điểm của Bộ Xây dựng theo
hướng ưu tiên áp dụng quy định của BLDS
đối với công trình xây dựng không sử dụng
vốn nhà nước giữa hai doanh nghiệp; theo
đó, các bên có quyền tự do thỏa thuận về
mức phạt vi phạm theo BLDS mà không
phải chịu mức trần 8% theo LTM.
Nhìn từ một góc độ khác, LXD không
quy định bất kỳ nguyên tắc giải quyết xung
đột pháp luật nào trong mối quan hệ giữa
LXD, LTM và BLDS. HĐXD trong trường
hợp tại bản án giám đốc thẩm của HĐTP
TANDTC và văn bản của Bộ Xây dựng trình
bày trên đây cũng đồng thời thuộc phạm vi
điều chỉnh của LTM do được giao kết giữa
hai chủ thể đều là thương nhân và với mục
đích sinh lợi. Theo quy định của LTM, đối
với một hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh
của Luật này, chỉ khi luật chuyên ngành và
LTM không quy định thì BLDS mới được áp
dụng19. Nói cách khác, LTM phải được ưu
tiên áp dụng hơn so với BLDS trong trường
hợp luật chuyên ngành điều chỉnh hợp đồng
không quy định. Trong trường hợp này, việc
áp dụng LTM cũng phù hợp với nguyên tắc
giải quyết xung đột pháp luật của BLDS trên
cơ sở ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành
trong phạm vi không trái với các nguyên tắc
cơ bản của pháp luật dân sự20. Việc chỉ dựa
trên tính chất của HĐXD được quy định
trong LXD để suy luận ra nguyên tắc giải
quyết xung đột pháp luật và loại bỏ vai trò
của LTM là vấn đề cần được xem xét thêm
và theo chúng tôi là không phù hợp.
15 Công văn số 48/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng ngày 3/9/2019 giải đáp vướng mắc của một doanh nghiệp
xoay quanh mức phạt vi phạm tối đa được áp dụng trong HĐXD đối với các công trình xây dựng không
sử dụng vốn nhà nước. Xem thêm Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn, tlđd, tr.36-40.
16 Khoản 2 Điều 418 BLDS.
17 Điều 301 LTM.
18 Khoản 2 Điều 146 LXD.
19 Khoản 3 Điều 4 LTM.
20 Khoản 2 Điều 4 và Khoản 3 Điều 4 BLDS.
Số 17 (417) - T9/202018
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
2.2. Xu hướng áp dụng Bộ luật Dân sự
để giải quyết xung đột pháp luật về hợp
đồng trong lĩnh vực ngân hàng
Hợp đồng tín dụng (HĐTD) là loại hợp
đồng được giao kết giữa tổ chức tín dụng và
khách hàng. Do tổ chức tín dụng là thương
nhân và thực hiện việc cấp tín dụng nhằm
mục đích sinh lợi, HĐTD về lý thuyết cũng
là một HĐTM thuộc phạm vi điều chỉnh của
LTM. Khác với LXD, LCTCTD không đưa
ra khái niệm về HĐTD (và hợp đồng trong
lĩnh vực ngân hàng nói chung) và cũng
không quy định HĐTD là HĐDS. Trong
trường hợp này, vấn đề đặt ra là nếu cả LTM
và BLDS cùng điều chỉnh vấn đề pháp lý có
liên quan thì quy định của văn bản nào sẽ
được ưu tiên áp dụng.
Mặc dù LCTCTD không quy định về
trình tự ưu tiên áp dụng pháp luật khi pháp
luật về ngân hàng không quy định một vấn
đề liên quan đến hợp đồng, một số văn bản
hướng dẫn thi hành của LCTCTD dường
như theo hướng ưu tiên áp dụng quy định
của BLDS. Ví dụ, quy định hướng dẫn về
việc áp dụng lãi chậm trả theo Thông tư số
39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam (Thông tư số 39) ngày
30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay
có cách tiếp cận tương tự với quy định của
BLDS. Theo quy định của BLDS, đối với
khoản chậm trả là nợ gốc, mức lãi chậm trả
bằng 150% lãi suất thỏa thuận trong hợp
đồng nhưng tối đa là 30%/năm (tức là bằng
150% của mức lãi suất tối đa 20%/năm); đối
với khoản chậm trả là nợ lãi, mức lãi chậm
trả bằng 50% của mức lãi suất tối đa (tức là
bằng 10%/năm)21. Trong khi đó, mức lãi
chậm trả đối với nghĩa vụ thanh toán nói
chung theo LTM được tính theo “lãi suất nợ
quá hạn trung bình trên thị trường tại thời
điểm thanh toán tương ứng với thời gian
chậm trả” trừ khi các bên có thỏa thuận khác
hoặc pháp luật có quy định khác22. Hiện nay,
Thông tư số 39 đang theo hướng lãi chậm trả
trên nợ gốc quá hạn không được vượt quá
150% lãi suất cho vay thỏa thuận trong hợp
đồng và lãi chậm trả trên nợ lãi quá hạn
không được vượt quá 10%/năm23. Quy định
này cho thấy cách tiếp cận của Thông tư số
39 về cách tính lãi chậm trả áp dụng đối với
HĐTD tương tự với quy định mới của BLDS
thay vì LTM.
Một ví dụ khác là thay đổi gần đây của
BLDS liên quan đến chủ thể của quan hệ dân
sự, trong đó có quan hệ hợp đồng. Dựa trên
quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1
của BLDS, có thể suy luận rằng chủ thể của
HĐDS chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân
và không còn bao gồm các tổ chức không có
tư cách pháp nhân. Điều 101 của BLDS còn
quy định rõ về việc loại bỏ tư cách chủ thể
của tổ chức không có tư cách pháp nhân khi
tham gia vào các quan hệ dân sự. Theo đó,
tổ chức không có tư cách pháp nhân không
được tự mình xác lập và thực hiện hợp đồng
mà phải hành động thông qua thành viên của
tổ chức không có tư cách pháp nhân đó.
Trong trường hợp này, các thành viên của tổ
chức không có tư cách pháp nhân phải là cá
nhân hoặc pháp nhân. Trong trường hợp
thành viên của tổ chức không có tư cách
pháp nhân lại là một tổ chức không có tư
cách pháp nhân, về nguyên tắc, Điều 101 sẽ
tiếp tục áp dụng và thành viên đó không thể
là chủ thể giao kết hợp đồng mà phải hành
động thông qua các thành viên là cá nhân
hoặc pháp nhân của thành viên đó. Nói cách
khác, theo tinh thần của Điều 101 này, chỉ
21 Khoản 5 Điều 466 và Điều 468 BLDS.
22 Điều 306 LTM; và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC ngày 11/1/2019 hướng
dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
23 Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39.
19Số 17 (417) - T9/2020
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
có cá nhân và pháp nhân mới là chủ thể của
hợp đồng. Thông tư số 39 quy định đối
tượng được vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ
bao gồm cá nhân và pháp nhân24. Quy định
này cũng bỏ qua quy định của LTM vì chủ
thể của hợp đồng theo LTM có thể bao gồm
tổ chức không có tư cách pháp nhân.
3. Hệ quả pháp lý của việc áp dụng
nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật
về hợp đồng
Từ các ví dụ liên quan đến hợp đồng
trong lĩnh vực xây dựng và ngân hàng nêu
trên, có thể nhận thấy việc ưu tiên áp dụng
quy định của BLDS để điều chỉnh các giao
dịch mang tính chất thương mại là xu hướng
tương đối phổ biến hiện nay. Nhìn từ góc độ
thực tiễn, việc áp dụng pháp luật như vậy có
phần hợp lý do một số quy định của LTM
mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của
pháp luật dân sự quy định tại BLDS. Ví dụ,
quy định của BLDS liên quan đến quyền tự
do thỏa thuận như đề cập trên đây là rất tiến
bộ. Việc hạn chế phạm vi tự do thỏa thuận
theo LTM có thể bị xem là vi phạm nguyên
tắc cơ bản của pháp luật dân sự và trong
trường hợp này, việc áp dụng quy định của
BLDS là phù hợp với các nguyên tắc giải
quyết xung đột pháp luật đã được thảo luận.
Mặc dù vậy, đối với trường hợp quy định của
LTM không vi phạm nguyên tắc cơ bản của
pháp luật dân sự, việc bỏ qua quy định của
LTM và áp dụng trực tiếp BLDS có thể dẫn
đến một số vướng mắc cả về pháp luật về nội
dung và pháp luật về hình thức như trình bày
dưới đây.
3.1. Rủi ro vi phạm nguyên tắc giải
quyết xung đột pháp luật theo Bộ luật Dân
sự và Luật Thương mại
Trong trường hợp hợp đồng đặc thù đáp
ứng các điều kiện của một hợp đồng thuộc
phạm vi điều chỉnh của LTM, việc ưu tiên áp
dụng BLDS so với LTM là trái với nguyên
tắc luật chung - luật riêng quy định tại chính
BLDS và LTM. Theo đó, BLDS quy định
theo hướng LTM và các luật chuyên ngành
khác được xem là luật riêng và cho phép các
luật riêng này được ưu tiên áp dụng hơn so
với luật chung là BLDS trong phạm vi
không trái với các nguyên tắc cơ bản của
pháp luật dân sự25. Tương tự như vậy, LTM
cũng quy định việc ưu tiên áp dụng LTM và
các luật chuyên ngành so với BLDS; chỉ khi
LTM và các luật chuyên ngành không quy
định thì mới áp dụng quy định của BLDS.
Vì vậy, việc bỏ qua quy định của LTM và
trực tiếp áp dụng quy định của BLDS khi
điều chỉnh các giao dịch thương mại thuộc
phạm vi điều chỉnh của LTM, ngay cả khi
các quy định này không vi phạm nguyên tắc
cơ bản của pháp luật dân sự, là trái với
nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật của
BLDS và LTM.
3.2. Rủi ro tranh chấp phát sinh từ hợp
đồng không thuộc thẩm quyền giải quyết
của trọng tài
Việc không xem HĐXD hay HĐTD là
“hoạt động thương mại” (hay HĐTM) thuộc
phạm vi điều chỉnh của LTM còn có thể ảnh
hưởng đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp
của trọng tài phát sinh từ các hợp đồng này.
Theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010
(LTTTM), trọng tài về cơ bản có thẩm quyền
giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh
từ “hoạt động thương mại” hoặc tranh chấp
giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có
“hoạt động thương mại”26. Điều 2 của
LTTTM quy định ba loại tranh chấp sau
thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài:
“1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ
hoạt động thương mại.
24 Khoản 3 Điều 2 và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39.
25 Khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 4 BLDS.
26 Điều 2 LTTTM.
Số 17 (417) - T9/202020
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên
trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương
mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà
pháp luật quy định được giải quyết bằng
Trọng tài”.
Trong bối cảnh của quan hệ hợp đồng,
quy định trên của LTTTM được hiểu là yêu
cầu hợp đồng giữa các bên phải phát sinh từ
hoạt động thương mại để tranh chấp trên cơ
sở hợp đồng đó thuộc thẩm quyền giải quyết
của trọng tài. Mặc dù về mặt câu chữ, khoản
2 Điều 2 nêu trên chỉ đề cập đến yếu tố chủ
thể và có thể được giải thích theo nghĩa rộng
(bao gồm mọi tranh chấp về hợp đồng không
phát sinh từ hoạt động thương mại, ví dụ như
quan hệ dân sự, hành chính hay lao động,
miễn là một bên của hợp đồng có hoạt động
thương mại), cách giải thích này có thể
không phù hợp với bản chất của quan hệ
tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của
trọng tài theo tinh thần của LTTTM27.
Khoản 2 Điều 2 nêu trên không nên được
giải thích theo hướng chỉ xem xét một bên
của hợp đồng có hoạt động thương mại mà
còn nên xem xét hành vi trong giao dịch của
các bên có phải là hành vi thương mại hoặc
tranh chấp đó có liên quan đến (dù không
nhất thiết phải phát sinh từ) hoạt động
thương mại của các bên thì mới thuộc thẩm
quyền giải quyết của trọng tài.28 Tóm lại,
tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của
trọng tài về cơ bản phải phát sinh từ hoạt
động thương mại của một hoặc các bên theo
hợp đồng.
Điều đáng lưu ý là LTTTM không định
nghĩa về “hoạt động thương mại”. Nếu dựa
trên quy định của LTM, “hoạt động thương
mại” là một hoạt động nhằm mục đích sinh
lợi và là một trong những căn cứ để xác định
phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của
LTM29. Với việc áp dụng BLDS tại quyết
định giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC
nêu trên, HĐTP TANDTC dường như theo
hướng HĐXD không phải là một “hoạt động
thương mại” thuộc phạm vi điều chỉnh của
LTM. Nếu cách hiểu này được áp dụng khi
xem xét thẩm quyền thụ lý vụ việc của trọng
tài, có rủi ro là tranh chấp phát sinh từ
HĐXD không thuộc thẩm quyền giải quyết
tranh chấp của trọng tài theo Điều 2 của
LTTTM. Khi đó, thỏa thuận trọng tài có rủi
ro bị tuyên vô hiệu30. Ngoài ra, việc không
xem quan hệ HĐXD là “hoạt động thương
mại” hay “quan hệ thương mại” có thể ảnh
hưởng đến khả năng công nhận và cho thi
hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
theo Công ước New York mà Việt Nam là
thành viên31. Khi gia nhập Công ước New
York, Việt Nam đã bảo lưu chỉ công nhận và
cho thi hành các tranh chấp phát sinh từ quan
hệ thương mại. Nếu tranh chấp phát sinh từ
HĐXD và HĐTD không được xem là quan
hệ thương mại, phán quyết của trọng tài
nước ngoài có thể không được công nhận và
cho thi hành tại Việt Nam. Cho dù phán
quyết trọng tài đã được tuyên, phán quyết đó
cũng có rủi ro bị hủy (đối với phán quyết của
trọng tài trong nước) hoặc không được công
nhận và cho thi hành tại Việt Nam (đối với
phán quyết của trọng tài nước ngoài)32.
27 Tưởng Duy Lượng, Bình luận Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Trọng tài Thương mại và thực tiễn xét xử,
Nxb. Tư Pháp, năm 2016, tr.166-167.
28 Tưởng Duy Lượng, tlđd.
29 Điều 1 và Điều 2 LTM.
30 Khoản 1 Điều 18 và khoản 1 Điều 43 LTTTM.
31 Điều 1 Công ước về Công nhận và cho thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài ngày 10/6/1958.
32 Khoản 1 Điều 18 và Điều 68 LTTTM; và Điều 424 và điểm b khoản 1 Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự
năm 2015.
21Số 17 (417) - T9/2020
NGHIÊN CỨU
LẬP PHÁP
NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
4. Kết luận
Những phân tích trên đây cho thấy sự
phức tạp trong việc giải quyết xung đột pháp
luật về hợp đồng ở Việt Nam. Do xung đột
pháp luật giữa các văn bản cùng điều chỉnh
một hợp đồng là điều khó tránh khỏi, việc
xây dựng và áp dụng các nguyên tắc giải
quyết xung đột pháp luật là cần thiết. Các
nguyên tắc này càng rõ ràng thì việc áp dụng
pháp luật càng thống nhất, tạo sự minh bạch
và an tâm cho các chủ thể áp dụng pháp luật.
Trong mối quan hệ giữa BLDS và các
luật chuyên ngành, các cơ quan xét xử và cơ
quan áp dụng pháp luật trên thực tế dường
như theo hướng ưu tiên áp dụng BLDS khi
các luật chuyên ngành không có quy định cụ
thể điều chỉnh. Vấn đề này được thể hiện khá
rõ nét trong bối cảnh các quy định và hướng
dẫn điều chỉnh hợp đồng trong lĩnh vực xây
dựng và ngân hàng. Nếu cách hiểu này được
áp dụng tương tự cho hợp đồng đặc thù chịu
sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành
khác, phạm vi áp dụng áp dụng của LTM sẽ
bị thu hẹp và BLDS sẽ được áp dụng trực tiếp
để điều chỉnh các hoạt động thương mại đặc
thù khi luật chuyên ngành không quy định.
Dù không hoàn toàn rõ ràng, việc áp
dụng pháp luật như vậy có thể bị xem là trái
với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật
được quy định tại chính BLDS và LTM.
Ngoài ra, nhìn từ góc độ của pháp luật về tố
tụng, việc không áp dụng LTM có thể dẫn
đến cách hiểu là hợp đồng đặc thù không
phải là HĐTM (dù được giao kết giữa các
bên là thương nhân và nhằm mục đích sinh
lợi), dẫn đến hệ quả là tranh chấp phát sinh
từ các hợp đồng này không được xem là
tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương
mại thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng
tài. Khi đó, thỏa thuận trọng tài có rủi ro bị
tuyên vô hiệu và phán quyết đã tuyên của
trọng tài có rủi ro bị hủy hoặc không được
công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Các tác giả cho rằng nếu LXD,
LCTCTD và các luật chuyên ngành khác
không quy định về một vấn đề liên quan đến
hợp đồng trong lĩnh vực đặc thù thì vấn đề
đó cần được điều chỉnh bởi LTM nếu các
hợp đồng trên thuộc phạm vi điều chỉnh của
LTM. Việc bỏ qua LTM và áp dụng trực tiếp
BLDS trong trường hợp luật chuyên ngành
áp dụng cho hoạt động thương mại đặc thù
không có quy định sẽ đặt ra câu hỏi về vai
trò và vị trí của LTM trong hệ thống pháp
luật về hợp đồng Việt Nam. Việc áp dụng
trực tiếp BLDS có nghĩa là luật chuyên
ngành áp dụng cho các hoạt động thương
mại đặc thù được đặt ngang hàng với LTM
và thu hẹp phạm vi điều chỉnh của LTM
bằng cách loại bỏ vai trò của LTM với tư
cách là luật chung áp dụng cho các HĐTM
và có thể áp dụng khi luật chuyên ngành áp
dụng cho hoạt động thương mại đặc thù
không có quy định. Nói cách khác, nếu LTM
không được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh
HĐTM so với BLDS, sự cần thiết của LTM
cần được xem xét. Nếu LTM vẫn có vai trò
trong việc điều chỉnh các HĐTM, LTM nên
được xem là luật chung trong mối quan hệ
với các luật chuyên ngành và được ưu tiên
áp dụng so với BLDS khi các luật chuyên
ngành không có quy định về một vấn đề cụ
thể của hợp đồng. Trong trường hợp đó, nếu
LTM có các quy định chưa phù hợp, các quy
định này cần được sửa đổi một cách tương
ứng. Ngược lại, nếu LTM không thật sự cần
thiết, LTM nên bị hủy bỏ và khi đó, các hệ
quả pháp lý liên quan đến việc xác định quan
hệ thương mại hay hoạt động thương mại
cần được xem xét một cách thận trọng.
Trong trường hợp như vậy, BLDS sẽ được
xem là luật chung của các luật chuyên ngành
và việc ưu tiên áp dụng BLDS sẽ không còn
trái với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp
luật của BLDS và LTM. Tại thời điểm hiện
nay, các HĐTM nói chung vẫn thuộc phạm
vi điều chỉnh của LTM và cho đến khi LTM
được sửa đổi để thu hẹp phạm vi điều chỉnh,
việc áp dụng trực tiếp BLDS và bỏ qua LTM
đối với hoạt động thương mại đặc thù là
không phù hợp n
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nguyen_tac_giai_quyet_xung_dot_phap_luat_ve_hop_dong.pdf