Nguyên tắc xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ

A. ĐẶT VẤN ĐỀ Hàng năm, số vụ việc dân sự được giải quyết theo TQ sơ thẩm là vô cùng lớn. Với mong muốn giải quyết một cách hiệu quả thì ngoài việc phân chia TQ giải quyết theo loại việc hay theo các cấp, việc phân chia TQ theo lãnh thổ là điều tất yếu. Về vấn đề này, hiện nay BLTTDS đã có những quy định về TQ giải sơ thẩm dân sự của Tóa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn của đương sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa pháp luật và đời sống luôn có sự khấp khiễng, mâu thuẫn. Với mong muốn hiểu thêm cũng như đưa ra những đóng góp nhằm hoàn thiện hơn vấn đề này, nhóm đã chọn đề tài: “Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn tòa án của đương sự”. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. Lý luận chung 1. Thẩm quyền của Tòa án - Thẩm quyền TQ là khái niệm gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Theo từ điển tiếng Việt, TQ là xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề theo pháp luật. Theo từ điển luật học, TQ là “tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy nhà nước do pháp luật quy định”. Đối với các cơ quan nhà nước, TQ không chỉ xác định phạm vi hoạt động của từng cơ quan mà còn phân định quyền và nghĩa vụ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. - Thẩm quyền của Tòa án Hiện nay trong hệ thống tư pháp của Việt Nam, TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp chủ yếu. TQ của TA đươc hiểu

doc7 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2281 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyên tắc xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. Nguyên tắc xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ 1.1. Thẩm quyền của Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc, nơi có trụ sở của bị đơn, người bị yêu cầu 1.1.1. Thẩm quyền của Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc, nơi có trụ sở của bị đơn Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…”. Theo quy định này thì tùy thuộc bị đơn là cá nhân hay cơ quan, tổ chức để xác định thẩm quyền của Tòa án. - Nếu bị đơn là các nhân: Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Việc xác định nơi cư trú của bị đơn trên thực tế không phải là một vấn đề đơn giản. Để xác định thẩm quyền thuộc về Tòa án nào, chúng ta cần phải căn cứ vào quy định của BLDS 2005 để xác định nơi cư trú của bị đơn. Theo quy định tại Điều 52 BLDS 2005 thì: “Nơi cư trú là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Theo quy định này việc xác định nơi cư trú chỉ dựa trên dấu hiện “thường xuyên sinh sống” chứ không đòi hỏi thêm điều kiện “phải có hộ khẩu thường trú” như BLDS 1995. Đồng thời điều 52 BLDS 2005 còn có một quy định mềm dẻo hơn về nơi cư trú của cá nhân: “Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên sinh sống của người đó thì nơi cư trú sẽ là nơi người đó đang sinh sống”. Ngoài các trường hợp thông thường được xác định như trên, BLDS 2005 còn xác định nơi cư trú trong một số trường hợp đặc biệt như: Nơi cư trú của quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của những người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Ðiều 52 của Bộ luật này. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Ðiều 52 của Bộ luật này”. Khoản 1 điều 52 quy định: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Vậy trong trường hợp nào thì vụ việc thuộc thẩm quyền của của Tòa án nơi bị đơn cư trú, trường hợp nào thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi bị đơn làm việc? Theo thực tiễn xét xử chúng ta có thể thấy rằng các Tòa án thường ưu tiên cho Tòa án nơi bị đơn cư trú giải quyết, nếu không xác định được nơi cư trú thì khi đó Tòa án nơi bị đơn làm việc mới có thẩm quyền giải quyết Bộ luật tố tụng dân sự và 328 câu hỏi – đáp, Luật gia Hoàng Châu Giang, NXB Lao động – xã hội, trang 22. . Tuy nhiên hiện tại thì quy định này chưa được giải thích một cách chính thức do vậy cần sớm giải thích chính thức để giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất trên toàn quốc. - Nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức thì theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 35 BLTTDS thì Tòa án nơi bị đơn có trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động. Nơi có trụ sở của pháp nhân được xác định theo quy định tại điều 90 của BLDS 2005. Theo quy định này thì nơi có trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Từ đây, có thể hiểu rộng ra với những cơ quan, tổ chức không phải là pháp nhân thì trụ sở của cơ quan, tổ chức đó là nơi đặt cơ quan điều hành, chứ không phải là nơi đặt văn phòng đại diện, chi nhánh. 1.1.2. Thẩm quyền của Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc, nơi có trụ sở của người bị yêu cầu. + Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Theo BLDS 2005 thì người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình. Như vậy, việc quy định Tòa án nơi người này bị yêu cầu có thẩm quyền giải quyết tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án xác minh đúng tình trạng của người bị yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người bị yêu cầu tham gia tố tụng. + Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết”. Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết cư trú cuối cùng sẽ là Tòa án tốt nhất có thể xác minh những thông tin cần thiết và chính xác về tình trạng vắng mặt của đương sự từ đó đưa ra được những quyết định đúng đắn. + Theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc là đã chết”. Tòa án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết là Tòa án quản lý hồ sơ vụ việc, đã từng xác minh không đúng về tình trạng của đương sự. Do vậy Tòa án này sẽ có điều kiện tốt nhất để khắc phục những quyết định không chính xác trước kia. + Theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án nước ngoài”. + Theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi người phải thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài”. Trong các vụ án, việc dân sự, bị đơn, người bị yêu cầu là người bị buộc phải tham gia tố tụng. Về mặt tâm lý họ thường không muốn tham gia tố tụng và thường nêu ra những khó khăn để không đến tòa. Việc quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của bị đơn, người bị yêu cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia tố tụng. Mặt khác, Tòa án này cũng có khả năng điều tra và nắm được các vấn đề của vụ việc, trên cơ sở đó có đường lối giải quyết phù hợp. 1.2. Thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản khi giải quyết những tranh chấp về bất động sản Tại điểm c khoản 1 điều 35 BLTTDS có quy định: “Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản”. Tuy nhiên hiện nay không có một văn bản nào giải thích quy định trên nhằm xác định rõ như thế nào là tranh chấp về bất động sản. Có phải mọi tranh chấp liên quan đến bất động sản đều do Tòa án nơi có bất động sản giải quyết hay không? Qua tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, nhóm em xin chia tranh chấp về bất động sản thành hai nhóm như sau: + Nhóm thứ nhất: Những quan hệ pháp luật có đối tượng tranh chấp chính là bất động sản, quan hệ pháp luật chính là tranh chấp về bất động sản thì mới áp dụng nguyên tắc “Tòa án nơi có bất động sản”. Ví dụ: anh A cư trú tại huyện TM tỉnh HD, anh B cư trú tại huyện BG tỉnh HD. Ngày 21/7/2009 anh A có chuyển nhượng cho anh B quyền sử dụng mảnh đất có diện tích là 100m2 (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tại huyện NS tỉnh HD. Sau khi anh B đã giao đủ 500 triệu đồng cho anh A theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng, chứng thực) thì anh A chỉ chịu giao 80m2 đất với lý do bây giờ đất đã lên giá nên 500 triệu đồng chỉ mua được 80m2. Anh B đã nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân huyện NS tỉnh HD yêu cầu anh A phải đủ số đất như đã thỏa thuận. Trong tình huống này, ta có thể thấy đối tượng tranh chấp chính là bất động sản, quan hệ pháp luật chính là quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất. Do vậy Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Tình huống trên anh B gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân huyện NS tỉnh HD là hoàn toàn chính xác. + Nhóm thứ hai: Những vụ án có liên quan đến bất động sản nhưng bất động sản đó không phải là đối tượng của vụ tranh chấp hoặc tuy có tranh chấp nhưng đó không phải là quan hệ pháp luật chính cần giải quyết thì các Tòa án không nên áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 điều 35 BLTTDS để xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ. Ví dụ: Ngày 27/8/2010 anh M (cư trú tại quận BĐ thành phố HN) chuyển quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 30m2 (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tại quận TX thành phố HN cho anh N (cư trú tại quận CG thành phố HN) với giá 3 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng, chứng thực. Theo hợp đồng, anh N sẽ trả cho anh M 2,5 tỷ đồng, còn 500 triệu đồng sẽ trả dần trong 2 năm sau. Tuy nhiên, sau 2 năm anh N vẫn không trả được số tiền còn nợ. Anh M đã khởi kiện anh N ra tòa, yêu cầu anh N phải trả mình số tiền còn thiếu. Trong tình huống này, ta thấy rằng tuy có liên quan đến bất động sản nhưng đó không phải là đối tượng tranh chấp mà tranh chấp ở đây là việc không thực hiện đúng hợp đồng dân sự. Do vậy Tòa sản có thẩm quyền giải quyết vụ việc trong trường hợp này là Tòa án nơi bị đơn cư trú (quận CG thành phố HN) hoặc nơi cư trú của nguyên đơn (nếu hai bên có thảo thuận) chứ không phải là Tòa án nơi có bất động sản. Bất động sản là một loại tài sản không thể dịch chuyển được và thông thường các giấy tờ, tài liệu liên quan đến bất động sản sẽ do cơ quan nhà đất hoặc chính quyền địa phương nơi có bất động sản đó lưu giữ. Do vậy, tòa án nơi có bất động sản sẽ là tòa án có điều kiện tốt nhất để tiến hành xác minh, xem xét tại chỗ tình trạng của bất động sản và thu thập các giấy tờ, tài liệu liên quan đến bất động sản. 2. Các quy định riêng trong việc xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ 2.1. Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở. Theo quy định tại điểm đ khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam”. Việc ra quyết định không công nhận một bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại sẽ dẫn đến không có quá trình thi hành bản án, quyết định đó. Do vậy, không đòi hỏi Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người phải thi hành bản án, quyết định đó mà Tòa án có thẩm quyền được xác định là Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của người yêu cầu. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu trong việc yêu cầu không công nhận một bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài. 2.2. Tòa án nơi việc đăng lý kết hôn trái pháp luật. Theo quy định tại điểm g khoản 2 điều 35 BLTTDS thì: “Toà án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật”. Quy định này dựa trên cơ sở dấu hiệu về nơi phát sinh sự kiện. Đồng thời Tòa án này cũng là Tòa án có điều kiện tốt để xác minh vụ việc và thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc thi hành quyết định của Tòa án. 2.3. Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn; thỏa thuận về thay đổi nuôi con, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con; quyền thăm nom con sau khi ly hôn hoặc chấm dứt việc nuôi con. Dựa vào dấu hiệu nơi cư trú, làm việc của các bên đương sự, nhà lập pháp đã xây dựng các quy định để xác định thẩm quyền đối với một số vụ việc cụ thể sau đây: + Toà án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. + Toà án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. + Toà án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn. + Toà án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. 2.4. Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án đối với các yêu cầu liên quan đến hoạt động của Trọng tại thương mại Việt Nam. Những việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm chỉ định, thay đổi trọng tài viên; áp dụng thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy quyết định trọng tài; các việc dân sự khác mà Luật trọng tài thương mại Việt Nam 2010 có quy định. Như vậy, do xuất phát từ tính đa dạng của các việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án, nhà lập pháp đã có những quyết định riêng về việc xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của tòa án theo lãnh thổ cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Các quy định này đều nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản là đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho Tòa án giải quyết chính xác vụ việc và thuận lợi cho đương sự trong việc tham gia tố tụng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBT NHamp211M 1 TTDS.doc
Tài liệu liên quan