Nhận dạng các loại rủi ro

Chương này trình bày các loại rủi ro thường gặp trong hoạt động tài chính và ngân hàng. Học xong chương này sinh viên có thể: · Hiểu và nhận dạng được các loại rủi ro bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá trong hoạt động của ngân hàng cũng như trong hoạt động của doanh nghiệp.

doc17 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3283 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhận dạng các loại rủi ro, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chương 1 : NHẬN DẠNG CÁC LOẠI RỦI RO MỤC TIÊU ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐO LƯỜNG RỦI RO NHẬN DẠNG RỦI RO TÍN DỤNG NHẬN DẠNG RỦI RO LÃI SUẤT NHẬN DẠNG RỦI RO TỶ GIÁ CÂU HỎI ÔN TẬP BÀI TẬP THỰC HÀNH BÀI TẬP TỰ RÈN LUYỆN MỤC TIÊU Chương này trình bày các loại rủi ro thường gặp trong hoạt động tài chính và ngân hàng. Học xong chương này sinh viên có thể: Hiểu và nhận dạng được các loại rủi ro bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá trong hoạt động của ngân hàng cũng như trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhận dạng sâu xa hơn rủi ro tỷ giá trong các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu và tín dụng của khách hàng. Nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động của ngân hàng. Phân tích thái độ, tác động của rủi ro tỷ giá và những quyết định liên quan đến phòng ngừa rủi ro rủi ro tỷ giá. ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐO LƯỜNG RỦI RO Rủi ro (risk) là một sự không chắc chắn (uncertainty) hay một tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự không chắc chắn nào cũng là rủi ro. Chỉ có những tình trạng không chắc chắn nào có thể ước đoán được xác suất xảy ra mới được xem là rủi ro. Những tình trạng không chắc chắn nào chưa từng xảy ra và không thể ước đoán được xác suất xảy ra được xem là sự bất trắc, chứ không phải là rủi ro. Cách định nghĩa rủi ro trên đây được xem như là định nghĩa định tính, nó giúp chúng ta có thể phân biệt được rủi ro và sự bất trắc nhưng không cho phép đo lường được rủi ro. Để có thể đo lường, rủi ro được định nghĩa như là sự khác biệt giữa giá trị thực tế và giá trị kỳ vọng. Giá trị kỳ vọng chính là giá trị trung bình có trọng số của một biến nào đó với trọng số chính là xác suất xảy ra giá trị của biến đó. Sự khác biệt giữa giá trị thực tế so với giá trị kỳ vọng được đo lường bởi độ lệch chuẩn. Do vậy, độ lệch chuẩn hay phương sai (bình phương của độ lệch chuẩn) chính là thước đo của rủi ro. Nói đến rủi ro tức là nói đến quan hệ giữa giá trị của một biến nào đó so với kỳ vọng của nó. Giả sử bạn mua trái phiếu kho bạc để có được lợi nhuận là 8%. Nếu bạn giữ trái phiếu này đến cuối năm bạn sẽ được lợi nhuận là 8% trên khoản đầu tư của mình. Nếu bạn không mua trái phiếu mà dùng số tiền đó để mua cổ phiếu và giữ đến hết năm, bạn có thể có hoặc có thể không có được cổ tức như kỳ vọng. Hơn nữa, cuối năm giá cổ phiếu có thể lên và bạn được lời, giá cổ phiếu cũng có thể xuống khiến bạn bị lỗ. Kết quả là lợi nhuận thực tế bạn nhận được có thể khác xa so với lợi nhuận bạn kỳ vọng. Nếu rủi ro được định nghĩa là sự sai biệt giữa lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận kỳ vọng thì trong trường hợp trên rõ ràng đầu tư vào trái phiếu có thể xem như không có rủi ro trong khi đầu tư vào cổ phiếu rủi ro hơn nhiều, vì xác suất hay khả năng sai biệt giữa lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận kỳ vọng trong trường hợp mua trái phiếu thấp hơn trong trường hợp mua cổ phiếu. Tóm lại, rủi ro là một sự không chắc chắn hay một tình trạng bất ổn. Rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính nói chung có thể chia thành ba loại: rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá. Trong những phần dưới đây chúng ta sẽ lần lượt nhận dạng từng loại rủi ro. NHẬN DẠNG RỦI RO TÍN DỤNG Rủi ro tín dụng (credit risk) là loại rủi ro phát sinh do khách nợ không còn khả năng chi trả. Trong hoạt động của công ty, rủi ro tín dụng phát sinh khi công ty bán chịu hàng hoá thể hiện ở khả năng khách hàng mua chịu có thể thất bại trong việc trả nợ. Trong hoạt động ngân hàng, rủi ro tín dụng xảy ra khi khách hàng vay nợ có thể mất khả năng trả nợ một khoản vay nào đó. Lưu ý rằng trong hoạt động tín dụng, khi ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng thì đó mới chỉ là một giao dịch chưa hoàn thành. Giao dịch tín dụng chỉ được xem là hoàn thành khi nào ngân hàng thu hồi về được khoản tín dụng gồm cả gốc và lãi. Khi thực hiện giao dịch tín dụng, từ lúc giải ngân đến khi thu hồi vốn về cả gốc và lãi, ngân hàng không biết chắc được giao dịch đó có hoàn thành hay không. Do đó rủi ro tín dụng thể hiện ở khả năng hay xác suất hoàn thành giao dịch tín dụng đó. Có thể nói tất cả các hình thức cấp tín dụng của ngân hàng bao gồm cho vay ngắn hạn, cho vay trung hạn, cho vay dài hạn, cho thuê tài chính, chiết khấu chứng từ có giá, tài trợ xuất nhập khẩu tài trợ dự án, bao thanh toán và bảo lãnh ngân hàng đều chứa đựng rủi ro tín dụng. Lúc quyết định cấp tín dụng, ngân hàng chưa biết chắc được khả năng có thu hồi được khoản tín dụng ấy hay không đơn giản là vì lúc đó việc thu hồi khoản tín dụng chưa xảy ra. NHẬN DẠNG RỦI RO LÃI SUẤT Rủi ro lãi suất là loại rủi ro do sự biến động của lãi suất gây ra. Loại rủi ro này phát sinh trong quan hệ tín dụng của tổ chức tín dụng theo đó tổ chức tín dụng có những khoản đi vay hoặc cho vay theo lãi suất thả nổi. Nếu ngân hàng đi vay theo lãi suất thả nổi, khi lãi suất thị trường tăng khiến chi phí trả lãi của ngân hàng tăng theo. Ngược lại, nếu ngân hàng cho vay theo lãi suất thả nổi, khi lãi suất thị trường xuống thấp khiến thu nhập lãi cho vay của ngân hàng giảm theo. Rủi ro lãi suất phát sinh khi ngân hàng không khớp được giữa lãi suất thu được từ tài sản sinh lãi và lãi suất chi ra cho nguồn vốn phải trả lãi. Rủi ro lãi suất đặc biệt quan trọng khi ngân hàng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, hoặc đầu tư tài chính khá lớn và theo lãi suất thị trường. Tương tự, dù không thường xuyên bằng ngân hàng, hoạt động của các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng cũng có thể có rủi ro lãi suất nếu khách hàng không khớp được giữa lãi suất thu về và chi ra từ hoạt động tài chính. Ngoài ra, hoạt động đầu tư tài chính của ngân hàng cũng tìm ẩn rủi ro lãi suất rất lớn. Rủi ro lãi suất trong hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các tài sản tài chính có thu nhập cố định như tín phiếu và trái phiếu các loại, thể hiện ở chỗ giá cả của các tài sản này thay đổi khi lãi suất thay đổi. NHẬN DẠNG RỦI RO TỶ GIÁ Rủi ro tỷ giá là rủi ro phát sinh do sự biến động của tỷ giá làm ảnh hưởng đến giá trị kỳ vọng trong tương lai. Rủi ro tỷ giá có thể phát sinh trong nhiều hoạt động khác nhau của ngân hàng cũng như của doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung bất cứ hoạt động nào mà ngân lưu thu (inflows) phát sinh bằng một loại đồng tiền trong khi ngân lưu chi (outflows) phát sinh một loại đồng tiền khác đều chứa đựng nguy cơ rủi ro tỷ giá. Rủi ro tỷ giá thể hiện ở chỗ khi tỷ giá thay đổi làm cho ngân lưu thay đổi theo. Do rủi ro tỷ giá là vấn đề khá phức tạp và có thể phát sinh trong nhiều loại hoạt động khác nhau của doanh nghiệp cũng như của ngân hàng, các phần tiếp theo của mục này sẽ đi sâu hơn về nhận dạng rủi ro tỷ giá trong từng họat động cụ thể của doanh nghiệp cũng như của ngân hàng. NHẬN DẠNG RỦI RO TỶ GIÁ ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG HAY ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Trong phạm vi chương này chúng ta chỉ tập trung nhận dạng rủi ro tỷ giá phát sinh trong các hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp bao gồm hoạt động đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động tín dụng. Nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư Rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư thường phát sinh đối với công ty đa quốc gia (multinational corporations) hoặc đối với các nhà đầu tư tài chính có danh mục đầu tư đa dạng hoá trên bình diện quốc tế. Có thể nói cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp đều chịu ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá. Ví dụ 1 dưới đây minh họa cách nhận dạng rủi ro tỷ giá đối với hoạt động đầu tư trực tiếp. Ví dụ 1: Nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư trực tiếp. Unilever là công ty đa quốc gia. Khi đầu tư vào Việt Nam, Unilever phải bỏ vốn ra bằng ngoại tệ (USD) để thiết lập nhà máy, nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất. Phần lớn sản phẩm sản xuất đều tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Phần lớn chi phí của Unilever phát sinh bằng ngoại tệ (Trừ tiền lương cho nhân công và cán bộ quản lý Việt Nam), trong khi doanh thu chủ yếu bằng VND nên Unilever phải đối mặt thường xuyên với rủi ro tỷ giá. Nếu USD lên giá so với VND thì chi phí sản xuất gia tăng tương đối so với doanh thu. Nếu trước đây tỷ giá USD/VND = 16.580, hàng năm chi phí nhập khẩu nguyên liệu của Unilever là 1 triệu USD, tương đương với 16,58 tỷ VND. Bây giờ tỷ giá USD/VND = 16.845 thì chi phí nhập khẩu nguyên liệu quy ra VND là 16,845 tỷ VND, tăng lên 265 đồng mỗi USD nhập khẩu. Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng thêm 265 triệu đồng. Ngoài ra, khi chuyển lợi nhuận về nước, nhà đầu tư phải chuyển từ VND sang ngoại tệ. Tỷ giá lúc chuyển đổi là bao nhiêu? Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro tỷ giá. Bên cạnh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp như vừa phân tích, rủi ro tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư gián tiếp, tức là đầu tư trên thị trường tài chính. Ví dụ 2 dưới đây minh họa cách nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư gián tiếp. Ví dụ 2: Nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư gián tiếp Một nhà đầu tư Hongkong vừa rút vốn đầu tư 500.000 USD khỏi thị trường Mỹ do lãi suất USD giảm và tình hình kinh tế Mỹ không mấy khả quan. Hưởng ứng lời kêu gọi và khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam nên nhà đầu tư mua cổ phiếu SAM. Giá thị trường của SAM hiện tại là 25.000VND/cổ phiếu và tỷ giá USD/VND = 16.825. Như vậy, với 500 nghìn USD nhà đầu tư có thể mua được (500.000 x 16.825)/25.000 = 336.500 cổ phiếu. Giả sử một năm sau nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu SAM để rút vốn về đầu tư nơi khác. Lúc này giá cổ phiếu SAM tăng đến 25.500 VND/cổ phiếu trong khi giá USD cũng tăng so với VND lên đến 17.250VND/USD. Nhà đầu tư bán 336.500 cổ phiếu SAM được 25.500 x 336.500 = 8.580,75 triệu VND và mua được 8.580.750.000/17.250 = 497.434,78USD. Số USD nhà đầu tư rút về bây giờ sẽ thấp hơn vốn đầu tư ban đầu 2.565,22USD mặc dù giá cổ phiếu SAM tăng 500VND! Trong trường hợp này nhà đầu tư tổn thất 2.565,22USD (Bỏ qua cổ tức nhà đầu tư nhận được sau một năm). Tổn thất này do biến động tỷ giá gây ra, giá cổ phiếu SAM tăng 500 đồng không đủ bù đắp sự mất giá của VND. Liệu sự mất giá của VND có thu hút được vốn đầu tư nước ngoài ? Đây là vấn đề khiến cho rủi ro tỷ giá đáng được quan tâm. Nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu Có thể nói rủi ro tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu là loại rủi ro tỷ giá thường xuyên gặp phải và đáng lo ngại nhất đối với các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh. Sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ làm thay đổi giá trị kỳ vọng của các khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ trong tương lai. Điều này khiến cho hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng đáng kể và nghiêm trọng hơn có thể làm đảo lộn kết quả kinh doanh. Mặc dù trên thực tế, một công ty có thể vừa hoạt động xuất khẩu vừa hoạt động nhập khẩu, nhưng để dễ dàng hình dung và tiện phân tích, chúng ta nhận dạng rủi ro tỷ giá một cách riêng biệt đối với từng loại hợp đồng xuất khẩu và nhập khẩu. Nhận dạng rủi ro tỷ giá đối với hoạt động xuất khẩu Trong hoạt động xuất khẩu, vì lý do cạnh tranh và nhiều lý do khác khiến doanh nghiệp thường xuyên bán hàng trả chậm trong một khoảng thời gian nhất định. Ở thời điểm ký kết hợp đồng, tỷ giá ngoại tệ so với VND đã biết. Nhưng đến thời điểm thanh toán, tỷ giá như thế nào doanh nghiệp chưa biết. Đơn giản là vì điều này chưa xảy ra. Chính sự chưa biết rõ tỷ giá này tiềm ẩn rủi ro tỷ giá. Ví dụ 3 dưới đây minh họa cách nhận dạng rủi ro tỷ giá khi doanh nghiệp ký kết một hợp đồng xuất khẩu. Ví dụ 3: Nhận dạng rủi ro tỷ giá khi doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu Giả sử ngày 04/08 công ty Sagonimex thương lượng ký kết hợp đồng xuất khẩu trị giá 200.000USD. Hợp đồng sẽ đến hạn thanh toán sáu tháng sau kể từ ngày ký hợp đồng. Ở thời điểm thương lượng hợp đồng, tỷ giá USD/VND = 16.850 trong khi tỷ giá ở thời điểm thanh toán chưa biết vì chưa đến hạn khiến cho hợp đồng xuất khẩu của Sagonimex chứa đựng rủi ro tỷ giá. Nếu đến hạn thanh toán, USD tiếp tục lên giá so với VND thì bên cạnh lợi nhuận do hoạt động xuất khẩu đem lại, công ty kiếm thêm được khoản lợi nhuận tăng thêm do USD lên giá. Ngược lại, nếu đến hạn thanh toán, USD xuống giá so với VND thì doanh thu kỳ vọng bằng VND của hợp đồng xuất khẩu trên giảm đi. Sự sụt giảm này làm cho lợi nhuận kỳ vọng từ hợp đồng xuất khẩu giảm đi, nghiêm trọng hơn có thể khiến cho hợp đồng trở nên lỗ nếu như sự sụt giá USD quá mạnh. Chẳng hạn, vào ngày thanh toán nếu USD/VND = 16.500 thì cứ mỗi USD xuất khẩu công ty tổn thất 350VND do USD xuống giá. Toàn bộ hợp đồng trị giá 200.000USD, công ty bị thiệt hại 350 x 200.000 = 70 triệu VND. Sự thiệt hại này không lớn lắm trong phạm vi một hợp đồng, nhưng nếu tính chung trong toàn bộ hoạt động xuất khẩu, công ty có đến hàng trăm hợp đồng như vậy, thiệt hại sẽ lớn đáng kể. Hơn nữa, sự sụt giảm giá trị ngoại tệ có thể mạnh hơn và, do đó, sự thiệt hại có thể lớn hơn nữa. Nhận dạng rủi ro tỷ giá đối với hoạt động nhập khẩu Trong hoạt động nhập khẩu, vì lý do thiếu hụt vốn và nhiều lý do khác khiến doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu hàng trả chậm trong một khoảng thời gian nhất định. Ở thời điểm ký kết hợp đồng, tỷ giá ngoại tệ so với VND đã biết. Nhưng đến thời điểm thanh toán, tỷ giá như thế nào doanh nghiệp chưa biết. Đơn giản là vì điều này chưa xảy ra. Chính sự chưa biết rõ tỷ giá này tiềm ẩn rủi ro tỷ giá. Ví dụ 4 dưới đây minh họa cách nhận dạng rủi ro tỷ giá khi doanh nghiệp ký kết một hợp đồng nhập khẩu. Ví dụ 4: Nhận dạng rủi ro tỷ giá khi doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu. Giả sử ngày 04/08 công ty Cholonimex đang thương lượng ký kết hợp đồng nhập khẩu trị giá 200.000USD. Hợp đồng sẽ đến hạn thanh toán sáu tháng sau kể từ ngày ký hợp đồng. Ở thời điểm thương lượng hợp đồng, tỷ giá USD/VND = 16.850 trong khi tỷ giá ở thời điểm thanh toán chưa biết. Sự không chắc chắn của tỷ giá USD/VND vào thời điểm thanh toán khiến cho hợp đồng nhập khẩu của Cholonimex chứa đựng rủi ro tỷ giá. Nếu đến hạn thanh toán, USD xuống giá so với VND thì bên cạnh lợi nhuận do hoạt động nhập khẩu đem lại, công ty còn kiếm thêm được khoản lợi nhuận tăng thêm do USD xuống giá so với VND làm cho chi phí nhập khẩu giảm tương đối. Ngược lại, nếu đến hạn thanh toán USD lên giá so với VND thì chi phí nhập khẩu kỳ vọng bằng VND của hợp đồng nhập khẩu trên tăng lên. Sự gia tăng chi phí này làm cho lợi nhuận kỳ vọng từ hợp đồng nhập khẩu giảm đi thậm chí khiến cho hợp đồng có thể trở nên lỗ nếu như sự lên giá USD quá mạnh. Chẳng hạn, vào ngày thanh toán nếu USD/VND = 17.050 thì cứ mỗi USD nhập khẩu làm cho chi phí gia tăng 200VND so tỷ giá lúc thương lượng hợp đồng. Toàn bộ hợp đồng trị giá 200.000USD, công ty bị thiệt hại 200 x 200.000 = 40 triệu VND. Nhận dạng rủi ro tỷ giá trong hoạt động tín dụng Bên cạnh rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư và xuất nhập khẩu như vừa nhận dạng trên đây, hoạt động tín dụng cũng chứa đựng rủi ro tỷ giá rất lớn. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại. Đứng trên giác độ doanh nghiệp, khách hàng của các ngân hàng thương mại, việc vay vốn bằng ngoại tệ cũng bị ảnh hưởng bởi rủi ro tỷ giá. Chẳng hạn, thời điểm Ngân hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ đã hạ lãi suất xuống mức thấp chỉ còn 1,25%/năm là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp có thể vay vốn ngoại tệ với chi phí rẽ. Tuy nhiên, nếu vay USD trong thời gian tương đối dài với số lượng lớn, doanh nghiệp cần lưu ý tác động của yếu tố rủi ro tỷ giá. Ví dụ 5 dưới đây minh họa cách nhận dạng rủi ro tỷ giá của doanh nghiệp lẫn của ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Ví dụ 5: Nhận dạng rủi ro tỷ giá của doanh nghiệp và của ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Công ty Giadimex đang thương lượng vay 3 triệu USD của Sacombank để thu mua và chế biến cà phê xuất khẩu. Do lãi suất USD trên thị trường giảm nên Sacombank đồng ý cho Giadimex vay với lãi suất 7%/năm trong thời hạn 6 tháng. Ở thời điểm vay vốn, tỷ giá USD/VND = 16.845. Sáu tháng sau khi nợ đáo hạn, tỷ giá USD/VND là bao nhiêu công ty chưa biết, do đó, công ty đối mặt với rủi ro tỷ giá nếu ký kết hợp đồng vay. Công ty ước tính, sáu tháng sau phải trả nợ cả gốc và lãi là 3(1+ 7% x 6/12) = 3,105 triệu USD. Với tỷ giá hiện tại công ty phải bỏ ra 3,105 x 16.845 = 52.303,725 triệu VND trả nợ gốc và lãi. Nhưng nếu 6 tháng sau tỷ giá USD/VND = 16.950 thì cứ mỗi USD phải trả công ty phải bỏ thêm 105VND, tổng chi phí trả nợ và lãi sẽ lên đến 3,105 x 16.950 = 52.629,75 triệu VND, tăng 326,025 triệu VND so với ước tính. Trong quan hệ tín dụng trên, sáu tháng sau, ngân hàng thu nợ khoản cho vay cả gốc và lãi là 3,105 triệu USD, nhưng tỷ giá USD/VND lúc này ngân hàng cũng chưa biết, do đó, ngân hàng cũng đối mặt với rủi ro tỷ giá. thể hiện ở khả năng USD/VND giảm, trong khi rủi ro tỷ giá của doanh nghiệp thể hiện ở khả năng USD/VDN tăng. Việc tỷ giá USD/VND sáu tháng sau sẽ tăng hay giảm không ai có thể biết được. Nếu biết được, đã không còn rủi ro. Tóm lại, trong bất kỳ hoạt động nào của doanh nghiệp có liên quan đến ngoại tệ khiến cho ngân lưu thu về và chi ra phát sinh không cùng một loại tiền đều chứa đựng rủi ro tỷ giá. Rủi ro này nhiều hay ít, đáng kể hay không tùy thuộc vào (1) mức độ biến động tỷ giá lớn hay nhỏ, (2) trị giá hợp đồng hay trị giá các khoản thu chi lớn hay nhỏ. Tác động của rủi ro tỷ giá Phần trước đã nhận dạng và chỉ ra nguồn gốc phát sinh rủi ro tỷ giá trong hoạt động của doanh nghiệp. Phần này sẽ chỉ ra những ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá đến hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó, sẽ nêu bật lên sự cần thiết phải phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Nhìn chung, rủi ro tỷ giá có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp thể hiện ở các khía cạnh sau: (1) tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, (2) tác động đến khả năng chịu đựng tài chính của doanh nghiệp. Tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Sức cạnh tranh của doanh nghiệp tập trung ở khả năng quyết định giá cả của doanh nghiệp so với đối thủ trên thị trường. Hoạt động trong điều kiện có rủi ro tỷ giá tác động, doanh nghiệp luôn phải đối phó với tổn thất ngoại hối, bằng cách nâng giá bán để trang trải tổn thất nếu xảy ra. Điều này làm cho giá cả của doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút. Trong phần trước chúng ta đã nhận dạng nguồn gốc phát sinh rủi ro tỷ giá trong các hoạt động của doanh nghiệp bao gồm hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động đầu tư và hoạt động tín dụng. Nhìn chung, rủi ro tỷ giá phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp có thể gây ra ba loại tổn thất ngoại hối : (1) Tổn thất giao dịch, (2) tổn thất kinh tế, (3) tổn thất chuyển đổi kế toán Shapiro, A., (1999), Multinational Financial Management, Prentice-Hall Moosa, A. I., (1998), International Finance, McGraw-Hill . Tổn thất giao dịch (transaction exposure) Tổn thất giao dịch phát sinh khi có các khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ. Chẳng hạn, hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động tín dụng như vừa phân tích trên đây là những dạng điển hình của tổn thất giao dịch. Tổn thất trong giao dịch, do đó, có thể chia thành tổn thất giao dịch các khoản phải thu ngoại tệ và tổn thất giao dịch các khoản phải trả ngoại tệ. Tổn thất các khoản phải thu ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị qui ra nội tệ thu về sụt giảm do ngoại tệ xuống giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải thu có thể phát sinh từ những hoạt động sau đây: Hoạt động xuất khẩu thu ngoại tệ Cho vay ngoại tệ Thu đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ về từ nước ngoài Thu lãi vay bằng ngoại tệ Nhận cổ tức đầu tư bằng ngoại tệ. Tổn thất các khoản phải trả ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị qui ra nội tệ chi ra tăng lên do ngoại tệ lên giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải trả có thể phát sinh từ những hoạt động sau đây: Hoạt động nhập khẩu phải chi trả bằng ngoại tệ Trả nợ vay ngoại tệ Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bằng ngoại tệ Trả lãi vay bằng ngoại tệ Trả cổ tức đầu tư bằng ngoại tệ. Tổn thất giao dịch ngoại hối lớn hay nhỏ tùy thuộc vào hai biến: (1) Giá trị tài sản tính bằng ngoại tệ, và (2) mức độ thay đổi tỷ giá. Do đó, nếu gọi: DV là tổn thất ngoại hối DS là mức độ thay đổi tỷ giá, DS = St – S0, trong đó St, S0 lần lượt là tỷ giá ở thời điểm t và thời điểm gốc V là giá trị tài sản tính bằng ngoại tệ thì chúng ta có hàm tổn thất giao dịch ngoại hối như sau: DV = V. DS. Đây là hàm bậc nhất có dạng y = ax trong đó V chính là hệ số góc, dùng để đo lường mức độ tổn tất giao dịch ngoại hối. Tổn thất kinh tế (economic exposure) Tổn thất kinh tế là tổn thất phát sinh do sự thay đổi của tỷ giá làm ảnh hưởng đến ngân lưu qui ra nội tệ hoặc ngoại tệ của doanh nghiệp. Tổn thất kinh tế xảy ra tương tự như tổn thất giao dịch, chỉ khác biệt ở chỗ nó là những khoản tổn thất không xuất phát từ các khoản phải thu hoặc phải trả có hợp đồng rõ ràng mà từ ngân lưu hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn, sự lên giá của nội tệ làm sụt giảm doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp, do hàng xuất khẩu bây giờ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài. Hoặc giả, chi phí đầu vào của doanh nghiệp gia tăng do ngoại tệ lên giá so với nội tệ khi đại đa số nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ nguồn nhập khẩu. Tổn thất kinh tế nói chung liên quan đến vị thế cạnh tranh tương đối của doanh nghiệp, theo đó do ảnh hưởng của biến động tỷ giá khiến cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút và làm ảnh hưởng đến ngân lưu hoạt động nói chung của doanh nghiệp. Không giống như tổn thất giao dịch, tổn thất kinh tế thường không thể kế hoạch hoá hay dự báo chính xác được. Trở lại với hàm số xác định tổn thất giao dịch ngoại hối, chúng ta thấy rằng: đối với tổn thất giao dịch thì V là hằng số đã được cam kết trong hợp đồng, trong khi đối với tổn thất kinh tế thì V thay đổi, tùy theo ngân lưu hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, tổn thất kinh tế có thể xác định theo công thức sau: DV = CFt. DSt, trong đó: DV là tổn thất ngoại hối kinh tế CFt là ngân lưu của doanh nghiệp ở thời điểm t DSt là mức độ thay đổi tỷ giá, DSt = St – S0, trong đó St, S0 lần lượt là tỷ giá ở thời điểm t và thời điểm gốc. Tổn thất kinh tế rõ ràng là khó xác định và ước lượng hơn tổn thất giao dịch, do nó phụ thuộc vào cả hai biến cùng thay đổi là CFt và DSt . Tổn thất chuyển đổi (translation exposure) Tổn thất chuyển đổi là tổn thất phát sinh do thay đổi tỷ giá khi sáp nhập và chuyển đổi tài sản, nợ, lợi nhuận ròng và các khoản mục khác của các báo cáo tài chính từ đơn vị tính toán ngoại tệ sang đơn vị nội tệ. Về kinh tế, giá trị của doanh nghiệp hoàn toàn giống nhau ở hai quốc gia, nhưng khi chuyển đổi, do tác động của sự thay đổi tỷ giá, nên giá trị doanh nghiệp có thể khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi xem xét ở đây không quan tâm lắm đến tổn thất chuyển đổi vì thực tiễn loại tổn thất này ít khi phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Tóm lại, rủi ro tỷ giá là rủi ro do sự thay đổi của tỷ giá có thể gây ra tổn thất cho doanh nghiệp. Ba loại tổn thất gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp là tổn thất giao dịch, tổn thất kinh tế và tổn thất chuyển đổi hay tổn thất kế toán. Ngoài những tổn thất này, rủi ro tỷ giá còn gây ra sự bất ổn cho hoạt động của doanh nghiệp, từ đó, có thể tác động chung đến rủi ro của doanh nghiệp và làm cho giá trị doanh nghiệp sụt giảm. Tác động đến khả năng chịu đựng tài chính của doanh nghiệp Tác động bất ổn đến hoạt động doanh nghiệp Rủi ro tỷ giá tác động đến việc hoạch định tài chính doanh nghiệp thường thấy trong khi phân tích và xem xét dự án đầu tư mà ngân lưu kỳ vọng chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá ngoại hối trong tương lai. Chẳng hạn, chúng ta xem xét quyết định có đầu tư hay không vào một dự án mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu. Một trong những chỉ tiêu đánh giá xem có nên đầu tư hay không vào dự án này là hiện giá ròng NPV. Công thức chung để tính NPV như sau : , trong đó CFt là dòng tiền ròng ở thời điểm t, WACC là chi phí huy động vốn trung bình, n là số năm hoạt động của dự án. Dòng tiền ròng kỳ vọng được xác định từ doanh thu và chi phí. Doanh thu xuất khẩu chịu tác động của tỷ giá hối đoái, do đó, dòng tiền ròng CFt phục thuộc vào tỷ giá. Tỷ giá thay đổi làm thay đổi dòng tiền ròng từ đó làm ảnh hưởng đến NPV và ảnh hưởng đến việc hoạch định đầu tư vốn của doanh nghiệp. Tác động đến sự tự chủ tài chính của doanh nghiệp Như đã phân tích rủi ro tỷ giá mang đến sự tổn thất cho doanh nghiệp thông qua tác động đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài trợ. Sự tổn thất này cuối cùng tác động đến khả năng chịu đựng tài chính của doanh nghiệp. Sự chịu đựng tài chính của doanh nghiệp ở đây được xác định và đo lường bởi sự tự chủ về tài chính. Trong tài chính công ty, chúng ta đã biết sự tự chủ tài chính được xác định bởi tỷ số vốn chủ sở hữu trên nợ hoặc trên tổng tài sản. Khi có rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp đối mặt với tổn thất làm cho giá trị phần vốn chủ sở hữu trở nên bất ổn và có nguy cơ sụt giảm khiến cho tỷ số chủ động về tài chính giảm theo. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mà qui mô vốn không lớn lắm, đôi khi sự tổn thất ngoại hối nếu quá nghiêm trọng có thể làm điêu đứng doanh nghiệp. Tác động đến giá trị doanh nghiệp Giá trị doanh nghiệp ở đây được đo lường bởi giá trị thị trường. Đối với các công ty cổ phần niêm yết hoặc chưa niêm yết, giá trị thị trường của doanh nghiệp phản ảnh bởi giá trị của cổ phiếu trên thị trường. Những doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên chịu tác động của rủi ro tỷ giá thì giá trị của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá. Điều này cũng dễ hiểu bởi sự biến động của tỷ giá có tác động làm thay đổi dòng tiền kỳ vọng của doanh nghiệp, qua đó, làm thay đổi giá trị doanh nghiệp. Trong tài chính công ty, chúng ta biết rằng giá trị của doanh nghiệp được xác định bằng hiện giá dòng tiền ròng kỳ vọng của doanh nghiệp, theo công thức như sau: , trong đó CFt là dòng tiền kỳ vọng của doanh nghiệp và r là suất chiết khấu thích hợp dùng để xác định hiện giá của dòng tiền kỳ vọng. Suất chiết khấu r phản ánh rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp. Do rủi ro tỷ giá khiến cho dòng tiền của doanh nghiệp trở nên bất ổn Pritamani, M., Shome D., and Singal V., (2005), Exchange Rate Exposure of Exporting and Importing Firms, Journal of Applied Corporate Finance, Vol. 17, No. 3. . Để phản ứng lại sự bất ổn này nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phải tăng suất chiết khấu r khiến cho giá trị doanh nghiệp giảm Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm ở các nước phát triển đã kiểm định thành công và cho thấy có mối quan hệ trái chiều giữa rủi ro tỷ giá và giá trị doanh nghiệp. Nghĩa là rủi ro tỷ giá càng tăng thì giá trị doanh nghiệp càng giảm. . NHẬN DẠNG RỦI RO TỶ GIÁ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG Phần trước đã phân tích nguồn gốc phát sinh rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp. Với tư cách là ngân hàng thương mại, sở dĩ chúng ta quan tâm đến phân tích và chỉ ra nguồn gốc phát sinh cũng như những tác động của rủi ro tỷ giá đến hoạt động của doanh nghiệp là vì có như thế chúng ta mới có thể tư vấn và thuyết phục được doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá do ngân hàng cung cấp. Chúng ta thấy doanh nghiệp có thể thương lượng các hợp đồng giao dịch phái sinh với ngân hàng thương mại (NHTM) để phòng ngừa tổn thất ngoại hối. Đến lượt ngân hàng thương mại, rủi ro tỷ giá có thể phát sinh và đo lường như thế nào? Hầu hết các dịch vụ ngân hàng thương mại hình thành nên tài sản nợ, tài sản có hay các khoản thanh toán bằng ngoại tệ đều chịu ảnh hưởng của rủi ro và tổn thất ngoại hối. Rủi ro tỷ giá của NHTM có thể phát sinh qua những hoạt động dưới đây: Hợp đồng với khách hàng nội địa liên quan đến tài sản có, tài sản nợ và các giao dịch ngoại bảng bằng ngoại tệ. Hợp đồng với khách hàng nước ngoài liên quan đến tài sản có, tài sản nợ và các giao dịch ngoại bảng bằng ngoại tệ hay nội tệ. Mua và bán ngoại tệ (giao ngay và kỳ hạn) với khách hàng hoặc cung cấp dịch vụ phòng ngừa tổn thất ngoại hối cho khách hàng. Giao dịch ngoại tệ trên tài khoản riêng của NHTM, chẳng hạn như giao dịch kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng trên thị trường quốc tế. Thế nhưng bất luận giao dịch gì phát sinh như thế nào, suy cho cùng các giao dịch này cũng hình thành nên các khoản phải thu và phải trả bằng ngoại tệ đối với ngân hàng thương mại, từ đó gây ra rủi ro tỷ giá. Rủi ro tỷ giá phát sinh như vừa phân tích trên đây có thể gây ra tổn thất cho NHTM khi tỷ giá thay đổi. Tương tự như doanh nghiệp, tổn thất ngoại hối trong giao dịch của NHTM có thể chia thành hai loại: tổn thất giao dịch (transaction exposure) và tổn thất kế toán (accounting exposure). Riêng tổn thất kinh tế ít thấy phát sinh trong hoạt động của NHTM. Tuy nhiên, trong phạm vi quyển sách này chúng ta chỉ xem xét tổn thất giao dịch, bởi vì tổn thất kế toán hầu như chưa phát sinh đối với NHTM Việt Nam, do ngân hàng Việt Nam chỉ hoạt động trong nước chứ chưa mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Khác với doanh nghiệp, giao dịch ngoại tệ của NHTM thường liên quan đến nhiều loại ngoại tệ khác nhau với kỳ hạn cũng khác nhau. Để quản lý được rủi ro tỷ giá và ngăn ngừa tổn thất, trước tiên, chúng ta nên xem xét tổn thất ngoại hối của NHTM theo từng loại kỳ hạn đối với từng loại ngoại tệ riêng biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, giao dịch của NHTM liên quan đến nhiều loại ngoại tệ với nhiều loại kỳ hạn khác nhau. Do vậy, tổn thất giao dịch (transaction exposure) có thể xem xét dưới hai góc độ: tổn thất ròng giao dịch cùng thời hạn (net exposure) và tổn thất ròng giao dịch gộp (Net total exposure). Đây là hai khái niệm căn bản cần làm rõ trong quản lý tổn thất ngoại hối của ngân hàng thương mại Hogan, W., Avram,. K., Brown, C., Ralston, D., Skully, W., Hempel, G., Simonson, D., (1999), Management of Financial Institutions, John Wiley and Sons Australia Ltd. Co. . Tổn thất ròng giao dịch ngoại tệ cùng thời hạn đối với một loại ngoại tệ nào đó được xác định bằng chênh lệch giá trị giữa tài sản có và tài sản nợ, cộng với trạng thái ròng mua bán ngoại tệ đó, xét trong cùng một thời hạn nhất định. Về mặt toán học, tổn thất ròng giao dịch cùng thời hạn có thể xác định bằng công thức: NEi = (Ai – Li) + (CLi – CSi), trong đó: Ai và Li lần lượt là tài sản có và tài sản nợ tính bằng ngoại tệ i, CLi và CSi lần lượt là trạng thái mua và bán đối với ngoại tệ i. Ngân hàng có trạng thái ròng giao dịch ngoại tệ cùng thời hạn dương khi NEi > 0 và, ngược lại, ngân hàng có trạng thái ròng giao dịch ngoại tệ cùng thời hạn âm khi NEi < 0. Nếu ngân hàng có trạng thái ròng giao dịch cùng thời hạn dương đối với một loại ngoại tệ nào đó thì khi ngoại tệ đó xuống giá so với nội tệ thì ngân hàng sẽ bị tổn thất ròng giao dịch với ngoại tệ đó Hogan, W., Avram,. K., Brown, C., Ralston, D., Skully, W., Hempel, G., Simonson, D., (1999), Management of Financial Institutions, John Wiley and Sons Australia Ltd. Co. . Ngược lại, nếu ngân hàng có trạng thái ròng giao dịch cùng thời hạn âm đối với một loại ngoại tệ nào đó thì khi ngoại tệ đó lên giá so với nội tệ thì ngân hàng sẽ bị tổn thất ròng giao dịch với ngoại tệ đó. Chẳng hạn, vào ngày 12/04, ngân hàng ABC có các giao dịch EUR cùng thời hạn 3 tháng như sau : Mua 300.000 EUR Bán 200.000 EUR Cho vay 420.000 EUR Nhận gửi 350.000 EUR Với những giao dịch vừa kể trên, chúng ta có tổn thất ròng giao dịch EUR cùng thời hạn 3 tháng như sau : NEEUR = (420.000 – 350.000) + (300.000 – 200.000) = 70.000 + 100.000 = 170.000 EUR. Với trạng thái dương EUR này, nếu ba tháng sau khi đến hạn EUR xuống giá so với nội tệ thì ngân hàng ABC sẽ bị tổn thất ròng đối với các giao dịch EUR trong cùng thời hạn 3 tháng. Tương tự, ngân hàng ABC có các giao dịch kỳ hạn 1 tháng đối với USD như sau : Mua 3.000.000USD Bán 4.600.000 USD Cho vay 3.420.000USD Nhận gửi 3.350.000USD Với những giao dịch vừa kể trên, chúng ta có tổn thất ròng giao dịch USD cùng thời hạn 1 tháng như sau : NEUSD = (3.420.000 – 3.350.000) + (3.000.000 – 4.600.000) = 70.000 – 1.600.000 = - 1.530.000USD. Với trạng thái âm USD này, nếu một tháng sau khi đến hạn USD lên giá so với nội tệ thì ngân hàng ABC sẽ bị tổn thất ròng đối với các giao dịch USD trong cùng thời hạn 1 tháng. Thực tế giao dịch cho thấy rằng nhu cầu giao dịch tiền gửi và vay nợ cũng như mua và bán ngoại tệ của khách hàng thường có kỳ hạn rất khác nhau. Chẳng hạn, ngân hàng có thể nhận tiền gửi USD của khách hàng A kỳ hạn 2 tháng nhưng lại cho vay USD khách hàng B kỳ hạn 3 tháng hoặc giả mua USD của khách hàng X kỳ hạn 3 tháng nhưng lại bán USD cho khách hàng Y kỳ hạn 1 tháng. Sự khác biệt về kỳ hạn này khiến cho việc xác định trạng thái giao dịch ngoại tệ gộp với nhiều loại kỳ hạn khác nhau, từ đó, xác định tổn thất ròng giao dịch ngoại tệ gộp của ngân hàng trở nên hết sức phức tạp. Để xác định tổn thất giao dịch trong trường hợp này chúng ta có thể phát triển thêm chỉ tiêu đo lường gọi là tổn thất ròng giao dịch gộp (Net total exposure). Tổn thất ròng giao dịch gộp đối với một loại ngoại tệ nào đó (NTE) được xác định bằng tổn thất ròng của từng giao dịch ngoại tệ đó sau khi đã hiệu chỉnh theo thời lượng (durations) của từng giao dịch. Về mặt toán học, tổn thất ròng giao dịch gộp đối với loại ngoại tệ nào đó được xác định bởi công thức: NTE = DRiNi/D – DPjNj/D, trong đó : Ri là giao dịch i hình thành nên khoản phải thu ngoại tệ kỳ hạn của ngân hàng. Ri có thể là giao dịch tài sản có như cho vay, mua trái phiếu, kỳ phiếu hay đầu tư bằng ngoại tệ …) và các giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn. Pi là giao dịch i hình thành nên khoản phải trả ngoại tệ kỳ hạn của ngân hàng. Pi có thể là giao dịch tài sản nợ như nhận tiền gửi, phát hành trái phiếu, kỳ phiếu hay thu hút đầu tư bằng ngoại tệ …) và các giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn. D là thời lượng trung bình (duration) của tất cả các loại giao dịch, kể cả giao dịch tài sản có, tài sản nợ và giao dịch mua hoặc bán ngoại tệ. Ni và Nj là thời hạn tương ứng với giao dịch khoản phải thu i và khoản phải trả j, (i, j = 1,2,3…). Ngân hàng có trạng thái ngoại tệ gộp dương khi NTE > 0 và, ngược lại, ngân hàng có trạng thái ngoại tệ gộp âm khi NTE < 0. Nếu ngân hàng có trạng thái ngoại tệ gộp dương đối với một loại ngoại tệ nào đó thì khi ngoại tệ đó xuống giá so với nội tệ ngân hàng sẽ bị tổn thất ngoại hối gộp đối với ngoại tệ đó Hogan, W., Avram,. K., Brown, C., Ralston, D., Skully, W., Hempel, G., Simonson, D., (1999), Management of Financial Institutions, John Wiley and Sons Australia Ltd. Co. . Ngược lại, nếu ngân hàng có trạng thái ngoại tệ gộp âm đối với một loại ngoại tệ nào đó thì khi ngoại tệ đó lên giá so với nội tệ ngân hàng sẽ bị tổn thất ngoại hối gộp đối với ngoại tệ đó. Phân tích thái độ đối với rủi ro tỷ giá Xác định thái độ đối với rủi ro Rủi ro tỷ giá thể hiện ở sự biến động hay sự sai lệch của tỷ giá giao ngay trong tương lai so với tỷ giá kỳ vọng. Sự sai biệt này đôi khi gây ra tổn thất cho doanh nghiệp, nhưng đôi khi tạo ra lợi nhuận bất thường, nếu như tỷ giá biến động theo chiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Như vậy, sự biến động của tỷ giá có tác động hai mặt: (1) mặt tích cực của nó là có thể mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận bất thường, (2) mặt tiêu cực của nó là có thể gây ra tổn thất cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp nên đối xử thế nào đối với sự biến động tỷ giá hay rủi ro tỷ giá? Trả lời câu hỏi này phụ thuộc nhiều vào thái độ của nhà quản lý đối với rủi ro tỷ giá. Do vậy, trước tiên doanh nghiệp cần xác định rõ xem thái độ của mình như thế nào đối với rủi ro tỷ giá. Doanh nghiệp hoặc là chấp nhận sự bất ổn có thể xảy ra để đổi lại được một khoản lợi nhuận kỳ vọng do tỷ giá biến động thuận lợi và sẵn sàng trả giá nếu tỷ giá biến động bất lợi, hoặc là từ chối khoản lợi nhuận kỳ vọng chứa đựng yếu tố rủi ro để đổi lại được một sự chắc chắn không còn yếu tố rủi ro tỷ giá. Phân loại thái độ đối với rủi ro Thái độ của nhà quản lý đối với rủi ro tỷ giá có thể chia thành ba loại: (1) thích rủi ro (risk-lover), ngại rủi ro (risk-averse) và (3) bàng quan với rủi ro (risk-neutral) Moosa, A. I., (2004), International Finance, McGraw-Hill, trang 358 . Thích rủi ro – Nhà quản lý sẵn sàng chấp nhận rủi ro tỷ giá với kỳ vọng là sự biến động của tỷ giá diễn ra theo chiều hướng có lợi, khi ấy, doanh nghiệp có thể kiếm thêm phần lợi nhuận kỳ vọng do tăng doanh thu hoặc giảm chi phí từ kết quả biến động thuận lợi của tỷ giá. Ngại rủi ro – Nhà quản lý không muốn tổn thất cũng không ham lợi nhuận kỳ vọng từ sự biến động của tỷ giá. Vấn đề họ quan tâm chỉ là lợi nhuận chắc chắn của kết quả sản xuất kinh doanh biết trước, không còn chịu tác động của rủi ro tỷ giá, chứ không phải là lợi nhuận kỳ vọng phụ thuộc vào rủi ro tỷ giá. Bàng quan với rủi ro – Nhà quản lý tỏ ra không tách biệt được giữa thái độ thích hay ngại rủi ro. Sự cần thiết phòng ngừa rủi ro tỷ giá Các phần trước đã chỉ ra những tổn thất và tác động của rủi ro tỷ giá. Tùy theo sự biến động của tỷ giá và qui mô hoạt động của doanh nghiệp lớn hay nhỏ, những tổn thất và tác động trở nên nghiêm trọng hay không. Dẫu sao đi nữa, với tư cách là người điều hành doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp cần quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá bởi vì rủi ro tỷ giá làm gia tăng rủi ro hoạt động của doanh nghiệp nói chung và kết quả là làm giảm giá trị thị trường của doanh nghiệp. Mục tiêu của người điều hành doanh nghiệp là phải không ngừng gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp. Muốn vậy, cần có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như là giải pháp chống lại sự sụt giảm giá trị doanh nghiệp. Các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro tỷ giá Phòng ngừa rủi ro tỷ giá là một quá trình theo đó một doanh nghiệp áp dụng các giải pháp để bảo vệ mình khỏi sự tác động của sự biến động tỷ giá. Quyết định có nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không thật ra là một quyết định đầu cơ. Nó phụ thuộc vào dự báo sự biến động của tỷ giá và thái độ của nhà quản lý đối với rủi ro tỷ giá (Moosa, 2004). Quyết định có nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không? Như trên đã phân tích, sự biến động của tỷ giá gây ra rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp. Đứng trước sự tác động của rủi ro tỷ giá, trước tiên nhà quản lý phải ra quyết định có nên áp dụng các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không, kế đến mới quyết định nên ngừa rủi ro tỷ giá bằng giải pháp nào. Việc ra quyết định đầu tiên chủ yếu dựa vào sự kỳ vọng của nhà quản lý đối với tỷ giá trong tương lai và thái độ của nhà quản lý đối với rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, bản thân kỳ vọng còn chứa đựng rủi ro nên suy cho cùng chính thái độ của nhà quản lý đối với tỷ giá mới là yếu tố chính tác động đến quyết định có nên áp dụng giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không. Nếu nhà quản lý là người ngại rủi ro thì trong mọi tình huống tốt nhất là nên áp dụng giải pháp ngừa rủi ro để có được một sự chắc chắn, đồng thời loại bỏ tác động của rủi ro tỷ giá. Nếu nhà quản lý là người thích rủi ro hay sẵn sàng chấp nhận rủi ro tỷ giá thì, trước tiên, nhà quản lý nên dựa vào dự báo để hình thành kỳ vọng của mình đối với sự biến động tỷ giá. Kế đến, dựa vào kỳ vọng của mình để quyết định có nên ngừa rủi ro tỷ giá hay không. Quyết định giải pháp nào để phòng ngừa rủi ro tỷ giá? Một khi đã quyết định nên ngừa rủi ro tỷ giá, tiếp theo nhà quản lý cần ra quyết định ngừa rủi ro bằng giải pháp nào. Nhìn chung quyết định giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá là quyết định lựa chọn sử dụng một trong những giải pháp sau đây: Hợp đồng kỳ hạn Hợp đồng hoán đổi Hợp đồng giao sau (tương lai) Hợp đồng quyền chọn Sử dụng kết hợp các giao dịch trên thị trường tiền tệ Sử dụng các giải pháp khác. Trong các giải pháp trên, bốn giải pháp đầu tiên được xem như là sử dụng các công cụ tài chính phái sinh trên thị trường ngoại hối (currency derivatives) để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Việc quyết định lựa chọn giải pháp nào trong những giải pháp nêu trên nhiều khi không đơn giản, nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào lợi ích và chi phí mà đôi khi phụ thuộc vào khả năng thương lượng và khả năng cung cấp giải pháp đó trên thị trường. CÂU HỎI ÔN TẬP Rủi ro là gì? Làm thế nào để xác định và đo lường rủi ro nói chung? Rủi ro tín dụng là gì? Nó thể hiện như thế nào trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trong hoạt động của ngân hàng? Rủi ro lãi suất là gì? Nó thể hiện như thế nào trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trong hoạt động của ngân hàng? Rủi ro tỷ giá là gì? Nó thể hiện như thế nào trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trong hoạt động của ngân hàng? Rủi ro tỷ giá thể hiện như thế nào trong hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp? Rủi ro tỷ giá thể hiện như thế nào trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp? Rủi ro tỷ giá của doanh nghiệp và ngân hàng thể hiện như thế nào trong hoạt động tín dụng? Rủi ro tỷ giá tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp? Tại sao doanh nghiệp cần thiết phải phòng ngừa rủi ro tỷ giá? Phân tích nguồn gốc phát sinh rủi ro tỷ giá trong hoạt động ngân hàng. Rủi ro tỷ giá trong hoạt động của ngân hàng khác biệt thế nào so với rủi ro tỷ giá trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung? Tổn thất ròng giao dịch cùng thời hạn là gì? Làm thế nào để xác định tổn thất ròng giao dịch cùng thời hạn? Cho ví dụ minh họa. Tổn thất ròng giao dịch ngoại tệ gộp là gì? Làm thế nào để xác định tổn thất ròng giao dịch ngoại tệ gộp? Cho ví dụ minh họa. Phân tích thái độ đối với rủi ro tỷ giá. Nhà quản lý phải ra những quyết định liên quan nào khi xem xét phòng ngừa rủi ro tỷ giá? BÀI TẬP THỰC HÀNH Bài 1 : Tỷ giá USD/VND vào ngày 24/02/200x là 15730 nhưng theo dự báo của các ngân hàng thương mại đến tháng 08/200x tỷ giá có thể gia tăng khoảng 1,8%. Dựa vào dự báo này hãy phân tích rủi ro tỷ giá khi bạn: Tư vấn cho nhà nhập khẩu Việt Nam Tư vấn cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Bài giải: Tư vấn cho nhà nhập khẩu Việt Nam Theo dự báo của các ngân hàng thương mại thì 6 tháng sau tức là vào tháng 8/200x tỷ giá USD/VND có thể lên đến 15730(1+ 0,018) = 16.013, tức giá tăng 16103 – 15730 = 283 đồng một USD. Như vậy nếu nhà nhập khẩu có hợp đồng nhập khẩu 6 tháng sau phải thanh toán thì cứ mỗi USD nhập khẩu phải trả tăng thêm 283 đồng. Việc USD lên giá so với VND gây ra tổn thất giao dịch cho nhà nhập khẩu bằng chênh lệch giữa tỷ giá ở thời điểm thanh toán so với tỷ giá ở thời điểm ký hợp đồng nhân với trị giá hợp đồng. Tư vấn cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo dự báo của các ngân hàng thương mại thì 6 tháng sau tức là vào tháng 8/200x tỷ giá USD/VND có thể lên đến 15730(1+ 0,018) = 16.013, tức giá tăng 16103 – 15730 = 283 đồng một USD. Như vậy nếu nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu 6 tháng sau đến hạn thanh toán thì cứ mỗi USD xuất khẩu nhà xuất khẩu kỳ vọng tăng thêm 283 đồng do USD lên giá so với VND. Việc USD lên giá so với VND có lợi cho giao dịch của nhà xuất khẩu. Khoản lợi này bằng chênh lệch giữa tỷ giá ở thời điểm thanh toán so với tỷ giá ở thời điểm ký hợp đồng nhân với trị giá hợp đồng. Tuy nhiên đây chỉ là dự báo và kỳ vọng của nhà xuất khẩu. Nếu USD không lên giá như nhà xuất khẩu kỳ vọng thì nhà xuất khẩu vẫn có thể bị tổn thất giao dịch nếu USD xuống giá so với VND. Bài 2 : Ngày 26/12 Gidobank có nhận gửi của khách hàng A khoản tiền 50.000USD kỳ hạn 6 tháng đồng thời cho khách hàng B vay 70.000USD cùng kỳ hạn. Ngoài ra, Gidobank còn mua của khách hàng C 120.000USD và bán cho khách hàng D 250.000USD kỳ hạn 6 tháng.Tình hình thị trường tiền tệ vào thời điểm đó có một số thông tin như sau: Tỷ giá Mua Bán Lãi suất (kỳ hạn 6 tháng ) Gửi Vay USD/VND 15911 15913 VND 0,65 0,95 GPB/USD 1,4318 1,4338 USD 3,82 4,68 Phân tích xem rủi ro tỷ giá ảnh hưởng thế nào khi Gidobank thực hiện các giao dịch trên? Giả sử rằng Gidobank chỉ có thực hiện các giao dịch trên, ngoài ra không có giao dịch khác. Bài giải: Lưu ý tất cả các giao dịch ngoại tệ của Gidobank đều bằng USD và có cùng thời hạn 6 tháng. Trước tiên chúng ta xác định trạng thái ròng giao dịch ngoại tệ cùng kỳ hạn của Gidobank như sau: Nhận gửi của khách hàng A 50.000USD kỳ hạn 6 tháng. Như vậy Gidobank có khoản phải trả cho khách hàng A 6 tháng nữa đến hạn cả gốc và lãi: 50.000(1+0,0382 x 6/12) = 50.955USD. Cho vay khách hàng B 70.000USD kỳ hạn 6 tháng. Như vậy Gidobank có khoản phải thu từ khách hàng B 6 tháng nữa đến hạn cả gốc và lãi: 70.000(1+0,0468 x 6/12) = 71.638USD. Mua kỳ hạn 6 tháng của khách hàng C: 120.000USD Bán kỳ hạn 6 tháng cho công ty D: 250.000USD  Trạng thái ròng ngoại tệ giao dịch cùng kỳ hạn tính theo công thức: NEUSD = (AUSD – LUSD) + (CLUSD – CSUSD)=(71.638 – 50.955)+(120.000 – 250.000) = 20683 – 130.000 = - 109.317USD < 0. Như vậy Gidobank có trạng thái ròng giao dịch ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng âm 109.317USD. Với trạng thái âm này, nếu USD lên giá Gidobank bị tổn thất giao dịch. BÀI TẬP TỰ RÈN LUYỆN Bài 1 : Ngày 23/05 công ty Petrolimex ký một hợp đồng nhập khẩu trị giá 920.000USD thanh toán bằng L/C trả chậm đến hạn vào ngày 23/08. Tỷ giá và lãi suất được niêm yết tại VCB ngày 23/05 như sau: Tỷ giá mua Tỷ giá bán USD/VND 16.050 16.061 JPY/VND 120,01 121,84 HKD/VND 1.892 1.952 Lãi suất tiền gửi (%) Lãi suất cho vay (%) USD 6 6,5 JPY 3 3,25 VND 10,8 12 Ước lượng trị giá (VND) của hợp đồng nhập khẩu mà Petrolimex phải trả tại thời điểm ký hợp đồng và thời điểm thanh toán. Công ty nghĩ rằng trong 3 tháng tới USD sẽ tăng giá 1% so với VND. Hợp đồng nhập khẩu này có rủi ro ngoại hối hay không? Chỉ rõ rủi ro như thế nào? Bài 2: Tháng 4 năm 200x, tại công ty Xuất Nhập Khẩu Cholimex có một số hoạt động kinh tế tài chính như sau: Ngày 7/4 Công ty ký hợp đồng xuất khẩu số 16/0x trị giá 228.000USD. Hợp đồng này sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 6 tháng tới. Ngày 12/4 Công ty ký hợp đồng nhập khẩu số 19/0x trị giá 276.000USD thanh toán bằng yen Nhật (JPY). Hợp đồng này 9 tháng sau sẽ đến hạn thanh toán. Giả sử rằng Công ty có thể dễ dàng tìm kiếm các hợp đồng vay và đầu tư trên thị trường tiền tệ, các hợp đồng có kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn trên thị trường hối đoái với một số thông tin về thị trường như sau: Tỷ giá ở thời điểm ký HĐ Lãi suất USD/VND: 16.028 – 08 USD: 6 – 6,5 % USD/JPY: 122,22 – 82 VND: 7,8 – 10,2% USD/EUR: 0,9128 – 48 EUR: 4 – 6% GBP/USD: 1,6216 – 36 JPY: 3 – 5% Ước lượng giá trị (VND) của hợp đồng xuất khẩu và trị giá (JPY) của hợp đồng nhập khẩu ở thời điểm ký hợp đồng và thời điểm thanh toán. Có bất kỳ rủi ro ngoại hối nào trong hoạt động xuất nhập khẩu của Công ty không? Bài 3: Tỷ giá USD/VND vào ngày 24/06/200x là 16.040 nhưng theo dự báo của các ngân hàng thương mại đến tháng 08/200x tỷ giá có thể gia tăng khoảng 0,8%. Dựa vào dự báo này hãy phân tích rủi ro tỷ giá khi bạn: Tư vấn cho nhà nhập khẩu Việt Nam Tư vấn cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Bài 4: Ngày 26/12/200x Ngân hàng CMB có nhận gửi của công ty A khoản tiền 500.000USD kỳ hạn 3 tháng đồng thời cho Công ty B vay 1.200.000USD cùng kỳ hạn. Tình hình thị trường tiền tệ vào thời điểm này có một số thông tin như sau: Tỷ giá Mua Bán Lãi suất (kỳ hạn 3 tháng ) Gửi Vay USD/VND 16.020 16.028 VND 0,65 0,95 EUR/USD 1,2125 1,2185 EUR 3,86 4,80 GPB/USD 1,4318 1,4338 USD 3,82 4,68 USD/SGD 1,3422 1,3462 SGD 4,24 5,28 Phân tích xem rủi ro tỷ giá ảnh hưởng thế nào đối với Công ty A, Công ty B và Gidobank trong quan hệ tín dụng trên và làm thế nào để các bên có liên quan đối phó với rủi ro tín dụng? Giả sử rằng Gidobank chỉ có thực hiện các giao dịch tín dụng trên, ngoài ra không có giao dịch khác.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctailieutindungnganhangchuong1nhandangcacloairuiro.doc
Tài liệu liên quan