Những đợt chấn hưng nghề chế tác đá an hoạch (Thanh Hóa)

Thay lời kết Là nơi có nguồn đá quý với trữ lượng dồi dào, lại được điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội thôi thúc nên ở chân núi Nhồi sớm hình thành những công xưởng chế tác đá từ thời nguyên thủy. Do những điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng, nghề chế tác đá An Hoạch được chấn hưng ở thời Lý - Trần, Lê sơ, Lê - Trịnh và Nguyễn. Người thợ đá An Hoạch không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động trong vùng, trong tỉnh mình mà đã đi khắp nơi để hành nghề. Và chắc chắn, những sản phẩm họ làm nên đã đóng góp không nhỏ vào dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao nghề đá nơi đây vốn có một thời kỳ huy hoàng kéo dài suốt thời trung đại, đến nay lại tàn lụi trong khi ở những làng đá xuất hiện sau như Ngũ Hành Sơn, Ninh Vân đang rất phát triển? Việc nghiên cứu tiếp tục bảo tồn làng nghề điêu khắc đá truyền thống độc đáo này có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày nay là một là một thách thức to lớn cần các cấp các ngành và giới khoa học cùng xem xét.

pdf12 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 360 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những đợt chấn hưng nghề chế tác đá an hoạch (Thanh Hóa), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU NHỮNG ĐỢT CHẤN HƯNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ AN HOẠCH (THANH HÓA) NCS. Lê Thị Thảo* ThS. Trần Thị Thanh Huyền** Tóm tắt: Làng An Hoạch ven thành phố Thanh Hóa là một trong những làng cổ xưa nhất của vùng đồng bằng sông Mã và nghề chế tác đá nơi đây là một trong những nghề thủ công có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Sự xuất hiện của nghề chế tác đá An Hoạch có mối liên hệ mật thiết với truyền thống chế tác đá của cư dân đồng bằng sông Mã từ thời kỳ nguyên thủy, đến thế kỷ X, bắt đầu định hình rõ nét và phát triển liên tục, không đứt quãng cho đến ngày nay. Mỗi bước phát triển của nghề này đều gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Không những thế, nó còn có sức lan tỏa, tác động đến sự hình thành và phát triển của nhiều làng nghề chế tác đá nổi tiếng ở những vùng miền khác như Ngũ Hành Sơn (Đà Nang), Ninh Vân (Ninh Bình). Nghiên cứu sự hình thành và phát triển của nghề chế tác đá An Hoạch là nghiên cứu trường hợp về một nghề thủ công truyền thống tiêu biểu không chỉ của xứ Thanh mà của cả nước, giúp ta nhận diện sâu sắc quá trình hình thành, phát triển và kết cấu kinh tế, xã hội, văn hóa của một làng nghề đặc trưng. 1. Truyền thống chế tác đá của cư dân đồng bằng sông Mã Chưa rõ làng An Hoạch có từ bao giờ nhưng tên An Hoạch cùng nghề chế tác đá nổi tiếng nơi đây đã được nhắc đến trong An Hoạch sơn Báo Ấn tự bi ký (dựng năm 1100) và nhiều sách sử của các triều đại phong kiến như: Đại Việt sử ký, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí... Xa hơn nữa, sự xuất hiện nghề chế tác đá An Hoạch có mối liên hệ biện chứng với truyền thống chế tác đá của cư dân đồng bằng sông Mã. Thời kỳ đá cũ, tại di tích núi Đọ (xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa), di tích núi Nuông, núi Quan Yên (xã Định Công, huyện Yên Định), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật bằng đá mang dấu vết chế tác của con người: hàng vạn mảnh tước, hạch đá, công cụ chặt thô (chopper), công cụ gần hình rìu,... Điều đó khẳng định cách ngày nay 30 - 40 vạn năm, người nguyên thủy vùng đồng bằng sông Mã đã chế tác công cụ * Phó Giám đốc Trung tâm NCPTVH và NNL, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa * Phó Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 60 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU bằng đá và bằng chính những công cụ thô sơ đó, họ bước ra khỏi thế giới động vật, hơn hẳn động vật và bắt đầu quá trình lao động, sáng tạo. Vào thời đại đá mới, cách ngày nay khoảng 7.000 năm, trước sự trù phú hấp dẫn của đồng bằng sông Mã, cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa đã rời khỏi hang động, mái đá xuống miền đồng bằng trước núi, tạo nên nền văn hóa Đa Bút độc đáo. Sưu tập đá của văn hóa Đa Bút với các loại di vật tiêu biểu từ rìu mài lưỡi, mài toàn thân đến rìu tứ giác, rìu hình thanh được mài nhẵn, các loại cuốc đá to mài nhẵn đã cho ta thấy sự phát triển vượt trội của kỹ thuật chế tác các công cụ đá. Bên cạnh đó, kỹ thuật khoan, cưa và tiện khiến cho ngoài các công cụ phục vụ sản xuất, người ta còn phát hiện rất nhiều các loại đồ trang sức mà tiêu biểu là các vòng tay bằng đá. Bước sang thời đại đồ đồng, ở đồng bằng sông Mã, trên cơ sở của một nền nông nghiệp ổn định đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt nghề thủ công để hỗ trợ nông nghiệp. Chứng tích về sự xuất hiện của dạng “làng nghề” chế tác đá đã xuất hiện rõ nét, đặc biệt ở di tích Đông Khối phía nam núi Voi, xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa ngày nay. Các hiện vật đá ở di tích này cho thấy nghề làm đá ở đây đã đạt tới đỉnh điểm trong thời tiền sử và sơ sử của xứ Thanh. Số lượng hiện vật lớn, đặc biệt là số lượng các phác vật nhiều, lại phân bố trên diện tích hàng chục héc ta ở những cánh đồng nằm sát phía đông nam chân núi Voi, có chỗ ken dầy chất đống quanh những bờ mương, bờ ruộng cho thấy dấu vết về những “đại công xưởng chế tác đá” thời này tại đây. Từ công xưởng này, các công cụ sản xuất, các vũ khí và đồ trang sức bằng đá đã cung cấp cho các vùng lân cận và chắc chắn nó còn được trao đổi đến những vùng xa hơn nữa. Trên địa phận huyện Đông Sơn ngày nay, người ta còn phát hiện ra những loại trang sức bằng đá tinh xảo (khuyên tai, chuỗi hạt, vòng tay...) bên cạnh các công cụ chế tác đá (bàn mài, mũi khoan...) ở di chỉ Bản Nguyên (xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn) và những phác vật còn chế tác dang dở ở các di chỉ Bản Nguyên, Đồng Ngầm, Bái Tê, Cồn Cấu, Bái Rắt, Bái Khuýnh. Người ta cũng đã chứng minh được đó là những xưởng chế tác đồ trang sức với quy mô khá lớn. Điều đáng lưu ý là sự kết cụm trên một không gian hẹp và cùng tính chất di chỉ xưởng ở các địa điểm vừa nêu chính là đặc trưng quan trọng cho nghề đá Thanh Hóa thời đó. Ở giai đoạn này, hầu như chưa tìm thấy một địa điểm khảo cổ nào có tính chất tương tự như thế trên toàn lãnh thổ nước ta. Qua đây, có thể khẳng định tính chất bản địa và lâu đời của làng nghề chế tác đá An Hoạch, khác với nhiều nghề thủ công khác ở Thanh Hóa như: đúc đồng, nghề gốm, nghề mộc, tằm tang đều được du nhập từ phía Bắc vào1. 61 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU Hiện nay chúng ta chưa có tài liệu khoa học để minh xác sự tồn tại những nghề thủ công trong bối cảnh xã hội thời Bắc thuộc, nhưng riêng nghề chạm khắc đá ở An Hoạch, chắc chắn vẫn tồn tại liên tục một cách bền bỉ... Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn ở Đông Sơn thế kỷ VII có thể là minh chứng cho sự tồn tại của nghề chế tác đá Thanh Hóa thời kỳ này. Sử sách còn ghi chép lại việc chính quyền đô hộ phương Bắc khai thác đá ở núi An Hoạch “Đời Tấn (265 - 420), Phạm Ninh là Thái thú Dự Chương thường sai người lấy đá nơi đây để làm khánh”2. Chính quyền đô hộ nước ta thời Tùy - Đường cũng thường sai quân dân lấy đá này dùng vào việc xây thành. 2. Sự phát triển của nghề chế tác đá An Hoạch Trên cơ sở nghiên cứu nguồn tư liệu thư tịch, văn bia và khảo sát những sản phẩm của nghề chế tác đá An Hoạch còn lại đến ngày nay, kết hợp với nghiên cứu, phỏng vấn hồi cố, chúng tôi thấy rằng nghề này từ khi xuất hiện đều phát triển liên tục, không đứt quãng và có những thời kỳ được thúc đẩy mạnh mẽ, có thể coi như những đợt “chấn hưng” của truyền thống chế tác đá từ thời nguyên thủy. Chúng tôi xin đưa ra một số nhận định về những đợt chấn hưng đó trong lịch sử phát triển làng nghề chế tác đá An Hoạch như sau: 2.1. Đợt chấn hưng thứ nhất Từ sau mười thế kỷ Bắc thuộc, việc xây dựng hệ thống thiết chế xã hội Đại Việt trên tinh thần tự chủ và hào khí dân tộc dâng cao. Các ngành nghề trực tiếp phục vụ cho “quốc kế dân sinh” như nghề dệt, đúc đồng, rèn, mộc, làm gạch ngói, đục đá được thúc đẩy. Đến nay, những dấu vết của các công trình kiến trúc hay điêu khắc thời Lý - Trần còn lại quá ít ỏi, nhưng qua một số tư liệu ta cũng có thể hình dung được việc xây dựng các công trình tôn giáo, phủ đệ, thành quách thời này. Lúc này, Phật giáo phát triển đến mức sử thần Lê Văn Hưu đã phải thốt lên “dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền”3. Việc xây dựng chùa chiền tất nhiên cần phải dùng đến nhiều đá và thợ đá. Đá được sử dụng để kè thành những bức tường chắc chắn trong kiến trúc chùa trườn theo sườn núi, đồng thời đá được sử dụng làm chất liệu tạo hình ở cột, thành bậc, bệ tượng và tượng để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Lý Thường Kiệt trong suốt thời gian trị nhậm đất Thanh Hóa (1081 - 1101) đã từng tiến hành khai thác đá quý ở núi Nhồi để xây dựng nhiều công trình thành quách, chùa chiền, phủ đệ... An Hoạch sơn Báo Ấn tự bi ký cho biết Lý Thường Kiệt nhân một lần đi thăm vùng An Hoạch đã sai Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân dò tìm đá trong mười chín năm4. 62 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU Dù đến nay không còn nhưng tên gọi và quy mô một số chùa thời Lý vẫn được lưu lại trong thư tịch và văn bia: chùa Minh Tịnh (Minh Tịnh tự bi văn, niên đại Quảng Hựu 6 (1090) ở Hoằng Hóa), chùa Báo Ân (An Hoạch sơn Báo Ấn tự bi, niên đại Hội Phong 9 (1100) ở núi An Hoạch, thành phố Thanh Hóa), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh, niên đại Đại Khánh 9 (1118) ở Hậu Lộc), chùa Hương Nghiêm (Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 5 (1124) ở Thiệu Hóa), chùa Linh Xứng (Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh, niên đại Thiên phù Duệ Vũ 1 (1126). Sang thời Trần xuất hiện thêm một số chùa: Hưng Phúc (Quảng Xương), chùa Du Anh (Vĩnh Lộc), Hoa Long (Vĩnh Lộc), Vân Lỗi (Nga Sơn), Cam Lộ (Hậu Lộc)... Theo sử sách, đây là những chùa có giá trị nghệ thuật kiến trúc và nhiều di vật điêu khắc đá có giá trị. Ngày nay, phần lớn các chùa trên đã bị hủy hoại, nhưng vẫn còn nhiều dấu vết kiến trúc và một vài di vật kiến trúc đá như: cột đá khắc hình rồng ở chùa Sùng Nghiêm, tượng sư tử đá chùa Du Anh, bia và nhiều hiện vật chạm khắc ở chùa Hưng Phúc... Trong các công trình kiến trúc cung điện ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, thành Thăng Long thời Lý - Trần đều có sự góp mặt của đá An Hoạch mà chất đá không thể nhầm lẫn với nơi khác. Sự phát triển của nghề chế tác đá thời kỳ này có thể còn có sự đóng góp của các tù binh Chăm mà Lê Hoàn ở thế kỷ X và Lý Thái Tông cùng Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI mang về đất Thanh Hóa để đào sông, khai khẩn đất hoang, lập ra các trại ấp. Điều này cho phép phỏng đoán rằng, chính sự kết hợp giữa kỹ thuật đục đá Chiêm Thành với kỹ thuật khai thác và chế tác đá của người địa phương ở một vùng đất có nguồn đá dồi dào và quý hiếm, thêm vào đó là vị trí cận thị, cận giang đã biến khu vực núi An Hoạch thành một công xưởng chế tác đá nổi tiếng. Nhiều bia ký còn lưu lại danh tính của những người thợ đá họ Lỗi (tức họ Lồi đọc chệch) gốc Chăm Pa5. Đặc biệt, việc Hồ Quý Ly xây dựng thành Tây Đô đã để lại cho Thanh Hóa một di sản văn hóa thế giới độc nhất vô nhị. Thành này là loại kiến trúc bằng đá lớn nhất nước ta. Đây là một tòa thành kỳ vĩ được xây dựng với khối lượng đá rất lớn, nhiều tảng đá dài đến 7 m, cao tới 1,5 m nặng hàng chục tấn, cao đỉnh thành tới 8 m. Lối xây thành là sử dụng đòn bẩy, lăn trượt trên bi, ghép, cài mộng, chèn lực để tạo hình và chịu tải trọng một cách tài tình. Nghệ thuật và kỹ thuật được phô diễn ở bốn cổng thành, đặc biệt là thành Nam và Bắc. Vọng lâu trên hai cổng thành này nay không còn, nhưng hàng chục chân tảng hiện có đã nói lên nhiều điều. Có thể nói, vọng lâu này là gợi ý cho các thành lũy Việt sau này. 63 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU Công trình đá khổng lồ và kỳ vĩ này, đã trở thành huyền thoại của hàng vạn lao phu khổ dịch. Vùng núi Nhồi đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca dao: Mồng một anh hát với cồ, Mồng hai anh lại thành Hồ anh xây, Mồng ba anh hát ở đây, Mồng bốn anh lại đi xây thành Hồ... Do vị trí quan trọng của nghề chế tác đá An Hoạch mà chất đá quý hiếm và tay nghề người thợ đá nơi đây đã được ghi vào sử sách của quốc gia. Trong tác phẩm An Nam chí lược của Lê Tắc biên soạn vào thế kỷ XIV đã đề cập đến núi An Hoạch “sản xuất đá làm bia, làm đĩa nghiên”6. Đại Việt sử kỷ toàn thư cũng chép lại sự kiện năm Quang Thái thứ 3 (1390), vua Trần “sai thợ đá ở An Hoạch mở cửa hang núi Thiên Kiện và hang núi Khuẩn Mai để lấy tiền của chôn ở đó khi trước”7. 2.2. Đợt chấn hưng thứ hai Vào thời Lê sơ việc mở mang kinh thành Thăng Long yêu cầu có một khối lượng đá lớn làm mặt nền, tam cấp, thú linh, lăng tẩm... Năm 1490, để đề phòng những nạn loạn đảng như Lê Nghi Dân đang đêm trèo tường vào giết Lê Nhân Tông ở trong cung, Lê Thánh Tông cho xây lại Hoàng thành mở rộng thêm 8 dặm nữa. Công việc xây dựng trong 8 tháng mới xong. Trong Hoàng thành Lê Thánh Tông cũng cho xây thêm cung điện và lập vườn Thượng lâm để nuôi bách thú. Năm 1512, Lê Tương Dực giao Vũ Như Tô đứng ra trông nom việc dựng hơn 100 nóc cung điện nguy nga, lại khởi công làm Cửu Trùng Đài... Khu vực Lam Sơn ở Thanh Hóa là quê hương của Lê Lợi và cũng là nơi các hào kiệt tụ về dựng cờ khởi nghĩa. Vì vậy, sau thiết lập triều đại, các vua triều Lê sơ đã dựng lên điện Lam Kinh làm tẩm thờ chung và một quần thể lăng mộ các vua và hoàng thái hậu. Năm Bính Tý (1456) vua Lê Nhân Tông đích thân đem các quan về bái yết sơn lăng, “ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định đặt tên hiệu cho các miếu điện ở sơn lăng Lam Sơn. Chánh điện gọi là điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu, hậu điện gọi là điện Diễn Khánh. Lại sai quân phủ Thanh Hóa làm ẩm cung thờ Thái hoàng hái phi ở phía Tây điện lăng Lam Sơn”8. Đây là một kiến trúc mô phỏng Điện Tràng An với những nghi thức thiết triều và linh vật đem theo vua về cõi vĩnh hằng. Do vậy, chất liệu đá Nhồi được sử dụng đến 30% kiến trúc Tam Tòa - Thái Miếu, 80% kiến trúc lăng mộ. 64 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU Chất liệu đá Nhồi được người xưa cảm nhận xem như linh khí của vũ trụ ban cho trần gian, bởi vậy mộ vua, linh vật thiêng ở chùa, dinh thự triều đình độc chiếm vật liệu quý này. 2.3. Đợt chấn hưng thứ ba Sang thế kỷ XVI - XVII, khi kinh tế hàng hóa bắt đầu manh nha phát triển, các công trình kiến trúc của cộng đồng làng xã nở rộ, tuy nhiên, về cơ bản đó cũng là những công trình của tập thể. Nền kinh tế tiểu nông bao trùm cả nước chưa thúc đẩy các cá nhân thật sự giàu có hình thành, đặc biệt là từ các hoạt động kinh tế tư nhân phi nông nghiệp. Thế nhưng, bối cảnh lịch sử lúc này đã làm xuất hiện một lực lượng các quận công, quan tướng triều đình khá lớn. Họ đại diện cho một thế lực quan trọng trong xã hội, khi công trạng đã viên mãn, họ thường quay về quê xây dựng lăng mộ, đền thờ nhằm báo hiếu tổ tiên và cũng là vinh danh cho chính họ. Thời kỳ này, xứ Thanh là vùng đất thang mộc của vua, chúa, nên số lượng các quận công, quan tướng triều đình khá lớn. Thanh Hóa lại là nơi có nghề chế tác đá An Hoạch nổi tiếng, trữ lượng đá phong phú với nhiều loại đá quý cho nên ở đây đã xuất hiện đền thờ và lăng mộ của tư nhân, đến nay được biết đến, là có niên đại sớm nhất: đền thờ và lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, niên đại Hoằng Định thứ 18 (1617). Tiếp sau đó, ở Thanh Hóa và Bắc Bộ xuất hiện hàng loạt công trình tư nhân liên quan đến các quận công, quan tướng thời Lê Trung hưng: lăng Dương Lễ công Trịnh Đỗ (Thanh Hóa, niên đại 1630), Từ vũ Võ Hồng Lượng (Ân Thi - Hưng Yên, niên đại 1660), từ chỉ họ Đặng (Lương Tài - Bắc Ninh, niên đại 1675), lăng Lê Thời Hiến (Thanh Hóa, niên đại 1677), lăng Trịnh Thị Ngọc Lung (Thanh Hóa, niên đại 1689), lăng họ Ngọ (Hiệp Hòa - Bắc Giang, niên đại 1697), lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa - Bắc Giang, niên đại 1727), lăng Lê Đình Châu (Thanh Hóa, niên đại 1778), lăng Mãn Quận công (thành phố Thanh Hóa, niên đại 1782)... Việc xây cất lăng mộ nở rộ thời kỳ này cho thấy sự quan tâm đặc biệt về đời sống tâm linh của các tầng lớp trên, mong có một sự bền vững và thịnh vượng cho dòng họ cũng như quốc gia. Tuy quy mô ở mức độ trung bình, nhưng các công trình trên có phong cách nghệ thuật đặc sắc, cởi mở, phóng khoáng, vừa mang tính quy phạm lại pha trộn tính dân gian phong phú, vừa thể hiện được uy quyền của một tầng lớp quan lại được trọng dụng, lại vừa ẩn chứa những tư tưởng sâu xa mang tính trí tuệ dân dã. Đây cũng là thời kỳ người thợ đá An Hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài tỉnh rất mạnh mẽ. Chúng tôi đã tìm được 96 bia đá ghi rõ tên thợ đá An Hoạch khắc, phân bố ở các tỉnh Quảng Ninh (1 bia), Bắc Ninh (4 bia), Hải Dương (2 bia), Hưng Yên (7 bia), Thái Bình (7 bia), Vĩnh Phúc (3 bia), Hà Nội (28 bia), Hà Nam (1 bia), Nam 65 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU Định (1 bia), Ninh Bình (5 bia), Thanh Hóa (33 bia), Nghệ An (3 bia), Hà Tĩnh (1 bia), trong số 96 bia này có tới 67 bia thời Lê Trung hưng. Chắc chắn đây chỉ là một số rất ít trong số các bia đá mà thợ An Hoạch đã khắc nhưng đã cho thấy nghề chế tác đá An Hoạch đã vượt ra khỏi phạm vi của của làng xã để trở thành một nghề có quy mô quốc gia, là một điểm đặc biệt mà không phải nghề thủ công truyền thống nào ở thời trung đại cũng có được. Điểm đáng lưu ý là chúng tôi đã phát hiện 2 bia niên hiệu Mạc do thợ đá An Hoạch khắc. Bia thứ nhất Phúc Lâm Hoang thệ tự bi, niên đại Diên Thành 1 (1578) tại chùa Phúc Lâm, xã Vĩnh Thệ, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây do thợ đá xã An Hoạch huyện Đông Sơn Nguyễn Tiến Chu, Tô Văn Tường, Nguyễn Huỳnh khắc. Bia thứ hai là bia chùa Kim Liên (vô đề), thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây niên đại Diên Thành thứ 2 (1579) do thợ họ Phạm người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn khắc. Chúng ta biết rằng, Thanh Hóa là nơi phát tích và trung thành với nhà Lê mà hầu như người dân xứ này không chấp nhận nhà Mạc. Vì vậy, việc thợ đá An Hoạch bỏ ra vùng nhà Mạc để hành nghề chứng tỏ nghệ nhân rất được coi trọng và các chính kiến chính trị đã trở thành thứ yếu đối với thợ nghề truyền thống. Đây cũng chính là hệ quả của sự phát triển thương mại và sự gia nhập mạnh mẽ của nghề đá An Hoạch vào dòng chảy thương mại đó. 2.4. Đợt chấn hưng thứ tư Thời Nguyễn là giai đoạn nghề đục đá An Hoạch phát triển nhanh về số lượng. Người thợ đá An Hoạch cũng đã có một tổ chức nghề nghiệp tương đối chặt chẽ. Trong Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến dòng họ làm đá ở An Hoạch “ấp đó (An Hoạch) còn có dòng họ Bạt Thạch (làm nghề chạm đá)”9. Đồng Khánh địa dư chí trong mục Phong tục của huyện Đông Sơn chỉ nhắc tới 2 nghề thủ công “Làm thợ thì An Hoạch chuyên nghề đẽo đá, Trà Đông chuyên nghề đúc đồng”. Trong mục Sản vật ghi “Riêng tổng An Hoạch có đá Thanh”10. Do nhu cầu xây dựng thành Phú Xuân (Huế), thợ đá núi Nhồi đã được triệu về kinh xây cung đình, lăng tẩm. Ngày 20 tháng 01 năm Gia Long thứ 4 (1805), đã truyền: “Quan trấn Nội trấn Thanh Hóa được rõ: nay phải sức gấp thợ đá, làm các loại đá xây điện Thái Hòa để trở về Kinh”11. Khi khởi công xây dựng các điện Thái Hòa, cửa Đại Môn và Ngọ Môn, các thợ thuyền, phu dịch đến làm việc rất nhiều, trong đó “duy có thợ đá là khó nhọc hơn, từng đã ban thưởng. Đến nay lại cho chiếu xét bọn biền binh là thợ đá và giúp việc làm đá ở Quảng Nam, Thanh Hóa hiện đương làm những việc ấy đều thưởng cho lương, tiền nửa tháng”12. 66 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU Theo Đại Nam thực lục, tháng 7 năm 1831 vua Minh Mạng đã sai bộ Công nghĩ vẽ mẫu tượng đá quan văn, quan võ, lính thị vệ, voi đá, ngựa đá để thợ Quảng Nam, Thanh Hóa chế tạo. Tượng quan văn, quan võ mỗi thứ một đôi, sáu tượng lính thị vệ, đều cao 3 thước 6 tấc, voi đá hai con, mỗi con cao 4 thước 1 tấc; ngựa đá hai con, mỗi con cao 2 thước 7 tấc. Khi chế tạo xong đệ về kinh, vua sai đem bày ở lăng Thiên Thụ (tức lăng Gia Long)13. Việc vận chuyển đá vào kinh đô Huế để xây dựng các cung điện, lăng tẩm chủ yếu bằng đường biển. Ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 1, “Đốc trấn Thanh Hóa tâu: nay đã chọn được 1926 phiến đá móng giao cho viên Phó quản cơ Trung tiệp Thủy quân Nghị Luận hầu nhận chở về kinh”14. Ngày 22 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 3, có 13 chiếc thuyền chở sản vật và các hạng đá của Thanh Hóa về kinh phụng nạp15. Ngày 24 tháng 6 năm Minh Mệnh 6, 378 lính thủy và bộ cùng 10 chiếc thuyền do triều đình phái đã đến Thanh Hóa để chuyển các thứ đá về kinh phụng nạp16. Ngày 22 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 3, lại có 13 chiếc thuyền chở sản vật và các hạng đá của Thanh Hóa về kinh phụng nạp17. Ngày 24 tháng 6 năm Minh Mệnh 6, 378 lính thủy và bộ cùng 10 chiếc thuyền do triều đình phái đã đến Thanh Hóa để chuyển các thứ đá về kinh phụng nạp18. Ngày 15 tháng 8 năm Minh Mệnh 6 có “đoàn thuyền 26 chiếc ở Thanh Hóa chở đá về kinh”19. Theo lời tâu của Dinh Quảng Bình ngày 17 tháng 3 năm Minh Mệnh 7 “có đoàn thuyền 10 chiếc lĩnh chở tiền, đồ vật công và đá tại trấn Thanh Hoa đã đi qua vùng cửa biển Nhật Lệ”20. Ngày 15 tháng 8 năm Minh Mệnh 7, trấn Thanh Hóa báo cáo triều đình “đã mua được đá cây 2687 tấm, đá lát 1076 tấm, tổng chiều dài 1487 thước 7 tấc; đá khối 1267 khối, tổng chiều dài 1424 thước và 6 tấc và 1 tấm đá bia... phân ra trên đoàn thuyền 11 chiếc chuyên đi biển...”21. Nghề này phát triển đến nỗi khác với các nghề thủ công khác trong tỉnh và các hộ bẩy đá trong toàn quốc, nhà Nguyễn đã cấp phát tiền lương cho các đội đẽo đá. Ngày 17 tháng 6 năm Gia Long thứ 4 (1805) truyền “cấp phát lương cho số quân dân đội Bạt Thạch đẽo đá, cấp phát cho mỗi người mỗi tháng 1 phương rưỡi gạo và 1 quan 5 mạch tiền”22. Đồng thời, nhà Nguyễn cũng quy định riêng một mức thuế mà người thợ ở đây phải đóng góp. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), triều đình quy định nghề đá ở thôn Nhuệ phải nộp thuế đá phục vụ các công trình xây dựng đền miếu, lăng tẩm đương thời: “Mỗi người thợ đá nộp 8 phiến, mỗi phiến dài 8 thước, bề mặt 8 tấc, dày 8 tấc, dân đinh già cả, tàn tật chịu một nửa”. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838) chuẩn y lời bàn cho thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa “chiếu lệ ra lính tuyển còn lại ở sổ bao nhiêu cho làm đá, mỗi người cả năm nộp đá xây 8 phiến, mỗi phiến dài 8 thước, 67 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU bề mặt 8 tấc, dày 2 tấc, dân đinh già cả, tàn tật chịu một nửa”. Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848), có quy định: “Hạng tráng đinh (20 tuổi trở lên) nộp đá xây 10 phiến dài 1 thước, bề mặt 5 tấc, dày 2 tấc, dân đinh già cả, tàn tật nộp một nửa”23. Không phải chỉ nộp thuế khai thác đá, thợ đá An Hoạch còn phải trưng tập vào Huế mỗi năm 3 người làm việc ở Ty Vũ khố. Nghề đục đá của thôn Nhuệ không chỉ nổi tiến ở tỉnh lỵ Thanh Hóa mà còn nổi tiếng trong cả nước. Việc xây dựng nhà thờ Phát Diệm cuối thế kỷ XIX liên quan đến nguồn nhân lực và các di vật chạm khắc đá ở Thanh Hóa: Cha Sáu vốn gốc người Nga Sơn Thanh Hóa đã đưa thợ đá vùng núi Nhồi tham gia xây dựng và đưa chiếc sập đá to lớn về đặt ở tòa Phương Đình, đây là chiếc sập đá của vua Hồ ở thành Tây Giai được đưa về đầu thế kỷ XIX24. Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy ở chân núi Nhồi dấu vết của nhiều công trường chế tác đá với nhiều di vật chìm sâu dưới đất tại các điểm trong bán kính 200 m quanh khu di tích lăng Mãn Quận công, di tích chùa Hang, đình Thượng... đó là các mảnh bia đang đục dở dang, nhiều đầu tượng Phật, tượng lính chầu, tượng voi, ngựa, bia ký... Đây là chứng tích của một thời kỳ phát triển hoàng kim của nghề chế tác đá nơi đây. 2.5. Thăng trầm nghề chế tác đá An Hoạch từ thế kỷ X X đến nay Đầu thế kỷ XX, công nghệ vật liệu xây dựng mới phát triển, nghề mỹ nghệ cũng ít quan tâm đến việc chế tác linh thú bằng đá Nhồi. Người ta tìm đến đá hoa cương ngũ sắc, đá mầu, đá mỹ nghệ mềm, dẻo hơn, hay phát triển mỹ nghệ vàng bạc, gốm... Song, nghề chế tác đá An Hoạch vẫn tồn tại và phát triển. Theo Robequain, cuối thời Nguyễn ở thôn Nhuệ “Mặc dù đại bộ phận dân làng đều có ruộng nhưng tất cả các gia đình, khoảng 300 đều làm đá”... Ông cũng khẳng định “tiếng tăm của thợ đá Nhuệ thôn khá lớn... Từ lâu, thợ đá Nhuệ thôn là những người cung cấp đá cho triều đình Huế và kênh đào từ Ninh Bình đi Vinh có lẽ đã được đào theo đường cái quan để tiện việc chuyên chở các sản phẩm của họ. Dáng vẻ đổ nát, đá đất chồng chất là bằng chứng của một sự khai thác lâu dài”. Robequain cũng cho biết “đồ đá Nhuệ thôn cũng bán một số lượng nhỏ ra Bắc Kỳ và vào Trung Kỳ. Ngoài ra, hàng trăm thợ đá làng này đi làm thuê khắp các vùng trong tỉnh, đôi khi ra cả ngoài Bắc. Một số người đã chuyển đến ở Phủ Quảng, Nam Định và Nghệ A n”, ông ghi chú: “Tháng 11/1925, tôi đã thấy họ [thợ đá thôn Nhuệ] đẽo đá lát trong một núi đá gần Châu Thôn (huyện Yên Định)... một số ra tận Lào Cai. Ở miền Nam Bắc Kỳ (tỉnh Ninh Bình) cũng có một làng chuyên đẽo đá nhưng không nổi tiếng bằng Nhuệ thôn”25. Năm 1922, tại hội chợ Marseille (Pháp), người thợ đá An Hoạch Lê Thọ Thuẫn đã tạc mô hình cầu Hàm Rồng bằng đá đưa đi triển lãm. Vua Khải Định tham gia hội 68 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU chợ này, được chứng kiến công trình nêu trên. Khi về nước đã mời cụ Thuẫn vào cung và dùng đá núi Nhồi tạc nhiều công trình: Bức rèm hoa, tượng đá, các con giống đá, cột xà, đá tảng và đầu rồng trang trí cho phủ đệ của mình. Cụ Thuẫn được triều đình cho vào hàng quan Cửu phẩm, làng gọi là Cửu Thuẫn. Theo lời kể của các nghệ nhân ở làng Nhồi hiện nay, dòng họ của cụ Lê Thọ Thuẫn là dòng họ kỳ cựu trong công việc chế tác đá. Hậu duệ là cụ Lê Văn Ngũ được cử làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã chuyên phụ trách nghề đục đá trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã bậc thấp. Cụ Ngũ đã tham gia làm chùa Bút Tháp, Lăng và bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lam Kinh, Tân Trào, Trúc lâm Thiền viện ở Pháp, mộ Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh). Người trong dòng họ hiện nay còn kể về việc cụ Ngũ thực hiện công việc bóc tách tấm bia tạc bài thơ của Lê Lợi trên vách đá núi ở huyện Đà Bắc, sông Đà tránh bị nhấn chìm dưới lòng hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình. Vách đá khắc bài thơ cheo leo, dựng đứng, cao 5 m, rộng 2,7 m, xung quanh toàn đá tai mèo, dưới là sông Đà chảy xiết. Sau một tháng thi công với búa, đục, cộ và hai thanh niên làng thay nhau khoét âm vào núi thì công việc hoàn thành, tấm đá khắc bài thơ được chở về bảo tàng. Việc hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này chứng tỏ sự khéo léo của đôi tay và khối óc người thợ. Ngày nay, nghề chế tác đá An Hoạch vẫn còn duy trì nhưng đứng trước nhiều thách thức. Sự khai thác đá bừa bãi trong một thời gian dài, đặc biệt việc sử dụng chất nổ trong thế kỷ XX đã làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu quý hiếm. Mặt khác, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kiểu tổ chức cũ, tận dụng sự khéo léo của đôi bàn tay lao động nhàn rỗi tỏ ra kém cạnh tranh so với các dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhiều sản phẩm đá chủ yếu phục vụ hoạt động nông nghiệp: cối đá, trục lăn, cối xay... không còn nhu cầu trong thời đại hiện nay. Những kỹ thuật tiên tiến: cưa máy, khoan máy, xẻ đá bằng máy, kỹ thuật mãi nhẵn, đánh bóng... là thách thức với cách làm thủ công. Thêm vào đó là tác động của hàng loạt các vấn đề thuộc về quy luật phát triển của khoa học, quy luật thị trường, thị hiếu, thẩm mỹ của người tiêu dùng... khiến nghề chế tác đá An Hoạch dường như bị suy yếu. 3. Thay lời kết Là nơi có nguồn đá quý với trữ lượng dồi dào, lại được điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội thôi thúc nên ở chân núi Nhồi sớm hình thành những công xưởng chế tác đá từ thời nguyên thủy. Do những điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng, nghề chế tác đá An Hoạch được chấn hưng ở thời Lý - Trần, Lê sơ, Lê - Trịnh và Nguyễn. Người thợ đá An Hoạch không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động trong vùng, trong tỉnh mình mà đã đi khắp 69 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU nơi để hành nghề. Và chắc chắn, những sản phẩm họ làm nên đã đóng góp không nhỏ vào dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao nghề đá nơi đây vốn có một thời kỳ huy hoàng kéo dài suốt thời trung đại, đến nay lại tàn lụi trong khi ở những làng đá xuất hiện sau như Ngũ Hành Sơn, Ninh Vân đang rất phát triển? Việc nghiên cứu tiếp tục bảo tồn làng nghề điêu khắc đá truyền thống độc đáo này có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày nay là một là một thách thức to lớn cần các cấp các ngành và giới khoa học cùng xem xét. Chú thích: 1 Theo Charle Robequain trong Le Thanh Hoa. 2 Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 252. 3 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 242. 4 Viện Văn học (1997), Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 309. 5 Một số bia ghi danh thợ đá họ Lỗi: Trùng tu Báo Ân tự bi ký niên đại 1585 tại chùa Báo Ân, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (N0 17545); Hậu Phật bi kí niên đại 1706 tại chùa Phúc Lâm, xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội (N0 4228); Văn chỉ tự điền bi niên đại 1859 tại Văn chỉ xã Phù Lưu, tổng Quảng Chiếu (nay là xã Đông Tân), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (N0 17689/17690); Hậu báo bi kí niên đại 1692 tại đình Đằng Man, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (N0 3755/3756); Thiều Sơn Văn chỉ bi ký niên đại 1878 tại thôn Thiều Sơn, xã Trường Mãn (nay là xã Đông Văn), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (N0 17805/17806); Văn chỉ bi niên đại 1894 tại thôn Đống, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (N0 17541). 6 Lê Tắc (1961), An Nam chí lược, Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, tr.11. 7 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 181. 8 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 381. 9 Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 53. 10 Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Huyên, Philippe Papin (2003), Đồng Khánh địa dư chí, tập 2, Nxb Thế giới, tr. 1106. 11 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (2010), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 1, Gia Long (1802 - 1819), Minh Mệnh I (1820) - Minh Mệnh V (1824), tr. 13. 12 Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 260. 13 Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam thực lục, tập XXIV, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 295 - 296. 14 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (2010), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 1, Gia Long (1802 - 1819), Minh Mệnh I (1820) - Minh Mệnh V (1824), tr. 446. 15 Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam (1962), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập thứ 2, triều Minh Mạng, tr. 43. 70 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU 16 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Đại học Huế - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Minh Mệnh 6 (1825) và 7 (1826), tr. 167 - 168. 17 Sđd, tr.43. 18 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Đại học Huế - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Minh Mệnh 6 (1825) và 7 (1826), tr. 167 - 168. 19 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Đại học Huế - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Minh Mệnh 6 (1825) và 7 (1826), tr. 200. 20 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Đại học Huế - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Minh Mệnh 6 (1825) và 7 (1826), tr.409. 21 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Đại học Huế - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Minh Mệnh 6 (1825) và 7 (1826), tr. 646. 22 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (2010), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 1, Gia Long (1802 - 1819), Minh Mệnh I (1820) - Minh Mệnh V (1824), tr. 159. 23 Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 396 -397. 24 Tòa Giám mục Phát Diệm (1998), Lịch sử nhà thờ đá Phát Diệm, Tòa Giám mục Phát Diệm - Ninh Bình, tr. 23. 25 Charles Robequain (2012), Tỉnh Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, tr. 471. REFORMS OF AN HOACH STONE VILLAGE IN THANH HOA PROVINCE Le Thi Thao, Ph.D student Tran Thi Thanh Huyen, M.A Abstract: Staying in the suburb o f Thanh Hoa City is An Hoach stone village. It is not only one o f the oldest villages in the Delta of Ma river but also a craft village that has long history in Vietnam.The presence o f An Hoach stone village was linked closely with traditional stone making o f residents in the Delta o f Ma river since from primeval time. The craft was clearly shaped in the 10th century and has continuously developed to the present day. Each step o f development process o f the craft is linked with the ups and downs of Vietnam history. Moreover, it has affected the formation and growth o f many stone villages in other regions such as Ngu Hanh Son village (Danang), Ninh Van village (Ninh Binh). The formation and development o f An Hoach stone village is presented in a case study on a famous traditional craft not only in Thanh land but also in Vietnam. The study also help us deeply identify the formation and development as well as socio­ economic and cultural structure of a typical craft village. 71

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnhung_dot_chan_hung_nghe_che_tac_da_an_hoach_thanh_hoa.pdf