Trong bài viết này, tác giả đã phân tích một số quan niệm khác nhau trong lịch sử triết học về bản chất, con đường nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định rằng, trên cơ sở kế thừa những giá trị và khắc phục những hạn chế của các trào lưu triết học trước đó, triết học Mác - Lênin đã xây dựng quan niệm đúng đắn, khoa học về các vấn đề trên. Đặc biệt, với việc khẳng định nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan bởi con người, chỉ rõ con đường biện chứng của nhận thức và thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý , triết học Mác - Lênin thực sự có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển lý luận nhận thức.
Vấn đề bản chất, con đường nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý là một trong những đề tài tranh luận gay gắt trong suốt lịch sử phát triển của tư duy nhân loại.
14 trang |
Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 2395 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những quan niệm khác nhau trong lịch sử triết học về bản chất, con đường, nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NHỮNG QUAN NIỆM KHÁC NHAU TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC VỀ
BẢN CHẤT, CON ĐƯỜNG NHẬN THỨC VÀ TIÊU CHUẨN CỦA CHÂN
LÝ
NGUYỄN TẤN HÙNG (*)
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích một số quan niệm khác nhau
trong lịch sử triết học về bản chất, con đường nhận thức và tiêu
chuẩn của chân lý. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định rằng, trên cơ
sở kế thừa những giá trị và khắc phục những hạn chế của các trào
lưu triết học trước đó, triết học Mác - Lênin đã xây dựng quan niệm
đúng đắn, khoa học về các vấn đề trên. Đặc biệt, với việc khẳng định
nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan bởi con người, chỉ
rõ con đường biện chứng của nhận thức và thực tiễn là tiêu chuẩn
của chân lý…, triết học Mác - Lênin thực sự có những đóng góp
quan trọng vào sự phát triển lý luận nhận thức.
Vấn đề bản chất, con đường nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý là
một trong những đề tài tranh luận gay gắt trong suốt lịch sử phát
triển của tư duy nhân loại.
1. Về vấn đề bản chất và con đường nhận thức
Về bản chất của nhận thức, tựu trung có ba cách hiểu khác nhau: a)
Quan điểm duy vật cho rằng, nhận thức là sự phản ánh hiện thực
khách quan; b) Quan điểm duy tâm chủ quan cho rằng, nhận thức là
sự phản ánh trạng thái chủ quan (như cảm giác, biểu tượng, xúc cảm
...), hoặc cho rằng, tri thức có tính chất tiên nghiệm, tức có sẵn trong
đầu óc con người và c) Quan điểm duy tâm khách quan và tôn giáo
cho rằng, tri thức có bản chất siêu tự nhiên, con người có được nhờ sự
hồi tưởng, sự hòa nhập, sự đốn ngộ, sự mặc khải, niềm tin, v.v..
Từ các cách hiểu khác nhau về bản chất của nhận thức, hình thành
những quan niệm khác nhau về con đường nhận thức.
Các quan điểm duy vật trong lịch sử đều khẳng định rằng, tri thức
không phải là cái có sẵn trong đầu óc con người; nhận thức là quá
trình con người phản ánh thế giới khách quan; nhận thức xuất phát
từ nhận thức cảm tính (nhận thức bằng giác quan) và phát triển lên
trình độ, giai đoạn cao hơn là nhận thức lý tính (nhận thức bằng tư
duy trừu tượng).
Ở Hy Lạp cổ đại, Hêraclít thừa nhận cảm giác là điểm xuất phát của
nhận thức, nhưng theo ông, nhận thức cảm tính chỉ cho ta biết cái bề
ngoài, vì “giới tự nhiên thích giấu mình”; do đó, tư duy phải tiến lên
nhận thức được cái logos của vũ trụ. Đêmôcrít, đại biểu xuất sắc của
trường phái nguyên tử luận, cũng thừa nhận nhận thức bắt nguồn từ
cảm tính, nhưng nhận thức cảm tính là “sự nhận thức mờ tối”, chỉ có
nhận thức lý tính mới cho ta biết được nguyên tử.
Tuân Tử ở Trung Hoa cổ đại coi cảm giác là nguồn gốc của tri thức,
nhưng theo ông, cảm giác có thể sai lầm; do đó, con người phải có
cái “tâm” (khái niệm “tâm” được các nhà duy vật hiểu là tư duy)
sáng suốt thì mới đạt được tri thức đúng đắn.
Phật giáo Ấn Độ cổ đại lại phủ nhận vai trò của nhận thức cảm tính
và nhận thức lý tính; cho rằng, cả hai loại nhận thức này chỉ cho ta
những mê kiến. Để nhận thức được chân lý, người tu hành phải dứt
bỏ mọi ham muốn, dục vọng đời thường, để cho tâm hồn thật sự
thanh tịnh, yên tĩnh. Niết bàn (Nirvana trong tiếng Phạn có nghĩa
đen là sự dập tắt) là một trạng thái bên trong của tư duy khi ngọn lửa
tham, sân, si đã hoàn toàn bị dập tắt. Khi đó, con người mới thật sự
thoát ra khỏi trạng thái vô minh (sự ngu dốt, sự che lấp bởi những
mê kiến) và đạt đến sự bừng sáng của tư duy (sự giác ngộ), sự nhận
thức trực tiếp bản chất của sự vật (sự đốn ngộ).
Ở phương Tây, trong truyền thống Do Thái - Kitô, Kinh Thánh (Cựu
ước và Tân ước) được coi là toàn bộ tri thức được Chúa Trời mặc
khải cho con người thông qua Môxe (Moses), Giêxu (Jesus)... Trong
sách Khải huyền (Revelation), kinh cuối cùng trong Kinh thánh trọn
bộ Cựu ước và Tân ước, chương 22 điều 18 và 19 có viết: “Ai mà
thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy tai ương
mô tả trong sách này!.
Ai mà bớt điều gì trong các lời ở sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa
sẽ bớt phần người ấy được hưởng về cây Trường sinh và Thành
thánh đã được mô tả trong sách này!”(1).
Đối lập với Kitô giáo, Hồi giáo lại coi Kinh Côran - ra đời vào thế
kỷ thứ VII là lời tiên tri cuối cùng, chính xác nhất, đầy đủ nhất do
Chúa Trời mặc khải cho nhà tiên tri Môhamét (Muhammad), còn các
kinh sách khác được các nhà tiên tri (như Môxe, Giêxu, v.v..) truyền
đạt trước đó đều thiếu sót và có nhiều điều nhầm lẫn.
Suốt thời Trung cổ, các nhà thần học Kitô giáo coi niềm tin là cội
nguồn cao nhất của tri thức con người. Con người phải có lòng tin
tuyệt đối vào tất cả những tín điều, ngay cả khi chúng trái với lý tính
thông thường. Téctuliêng (160-230) nói: “Tôi tin, bởi vì điều đó là
phi lý”. Ôguýtxtanh, Tômát Đacanh,… đều cho rằng, niềm tin cao
hơn lý trí; triết học (theo cách hiểu lúc bấy giờ là khoa học nói
chung) phải phục tùng tôn giáo, là “đầy tớ” của tôn giáo.
Sau đêm trường Trung cổ, đến thời kỳ Phục hưng, các nhà triết học
và khoa học như Côpecníc, Brunô, Galilê bắt đầu tuyên chiến với
niềm tin tôn giáo bằng việc đưa ra và phát triển thuyết nhật tâm để
chống lại thuyết địa tâm. Đến thế kỷ XVII – XVIII, do sự phát triển
của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và nhu cầu của cuộc
cách mạng tư sản, các học giả của giai cấp tư sản đang lên dựa vào
thành tựu của khoa học thực nghiệm để bác bỏ con đường nhận thức
bằng niềm tin. Một số nhà triết học, như Ph.Bêcơn, R.Đêcáctơ đã lấy
nghi ngờ làm nguyên tắc xuất phát cho nhận thức khoa học. Các nhà
triết học Anh, như Ph.Bêcơn, T.Hốpxơ, G.Lốccơ coi quan sát, thực
nghiệm khoa học và phương pháp quy nạp là con đường duy nhất để
đạt được tri thức khoa học, từ đó hình thành một truyền thống trong
triết học Anh: chủ nghĩa kinh nghiệm.
Chủ nghĩa kinh nghiệm (Empiricism) có hạt nhân hợp lý của nó
trong việc chống lại quan niệm cổ truyền rút tri thức từ kinh sách,
hoặc từ đầu óc chủ quan thuần túy bằng phương pháp tư biện. Tuy
nhiên, chủ nghĩa kinh nghiệm có thiếu sót cơ bản khi coi quan sát và
thực nghiệm là cơ sở, nguồn gốc duy nhất của mọi tri thức, phủ nhận
độ tin cậy của những tri thức có được bằng tư duy lý luận. Chủ nghĩa
kinh nghiệm thường có hệ quả là chủ nghĩa duy tâm chủ quan.
Những nhà triết học Anh, như G.Béccơli, Đ.Hium coi cảm giác là
thực tại duy nhất, phủ nhận thực tại khách quan, phủ nhận chân lý
khách quan và tri thức rút ra bằng con đường suy luận. Đ.Hium bác
bỏ quan niệm về hai giai đoạn nhận thức của các nhà duy vật, chỉ
thừa nhận tri giác cảm tính và coi lý trí chỉ là “nô lệ của những đam
mê” mà thôi(2).
Ở phương Tây hiện đại, truyền thống kinh nghiệm chủ nghĩa cũng
được các nhà triết học thuộc trường phái chủ nghĩa thực chứng mới,
như B.Rátxen (1872 - 1970), L.Wittgenstein (1889 - 1951) và
R.Cácnáp (1891 - 1970)… phát triển và vận dụng. Trong Tri thức
của chúng ta về thế giới bên ngoài (1926) và Tìm hiểu về ý nghĩa và
chân lý (1962), Rátxen giải thích rằng: mọi tri thức thực sự của
chúng ta đều được xây dựng từ những kinh nghiệm trực tiếp(3).
Các nhà triết học thuộc trường phái chủ nghĩa thực dụng ở Mỹ cũng
là những người vận dụng chủ nghĩa kinh nghiệm trong lý luận nhận
thức. W.James đã gọi hệ thống triết học của mình là chủ nghĩa kinh
nghiệm triệt để (radical empiricism) và J.Dewey gọi triết học của
mình là chủ nghĩa kinh nghiệm trực tiếp (immediate empiricism)(4).
Chủ nghĩa duy lý (rationalism) là trào lưu triết học đối lập với chủ
nghĩa duy cảm, chủ nghĩa kinh nghiệm. Đại biểu của khuynh hướng
này là R.Đêcáctơ - nhà triết học Pháp, B.Xpinôda - nhà triết học Hà
Lan và G.W.Lépnít - nhà triết học Đức. Nếu chủ nghĩa kinh nghiệm
tuyệt đối hóa nhận thức cảm tính thì các nhà triết học duy lý lại
khẳng định rằng, lý tính con người có thể nhận thức được thế giới
một cách độc lập với kinh nghiệm cảm tính. Họ tuyệt đối hóa vai trò
của nhận thức lý tính, coi thường kinh nghiệm cảm tính.
Cả chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý đều phạm phải sai
lầm là sự phiến diện khi tuyệt đối hóa một mặt của nhận thức.
Chủ nghĩa duy lý phê phán (còn có tên khác là Triết học khoa học)
với đại biểu xuất sắc là C.Pốppơ (1902 - 1994) có ý định kết hợp chủ
nghĩa duy lý với một số yếu tố của chủ nghĩa kinh nghiệm. Trong tác
phẩm Lôgíc của phát minh khoa học (The Logic of Scientific
Discovery), C.Pốppơ bác bỏ phương pháp quy nạp của các nhà kinh
nghiệm chủ nghĩa. Theo ông, phương pháp quy nạp không thể xác
lập tri thức đúng đắn. Chẳng hạn, trong hàng nghìn năm, dựa trên sự
quan sát, người châu Âu đi đến kết luận mọi con thiên nga đều có
lông trắng, nhưng mệnh đề này lập tức biến thành sai lầm khi người
ta phát hiện ra thiên nga ở châu Úc có lông đen. Tương tự như vậy,
chúng ta không thể quan sát hết vũ trụ; do đó, không thể khẳng định
được quy luật của vũ trụ bằng con đường quy nạp. C.Pốppơ cho
rằng, tri thức khoa học chỉ có thể rút ra từ trực giác của các nhà khoa
học và phát triển nó bằng con đường suy luận diễn dịch mà thôi.
Quan điểm triết học khoa học của C.Pốppơ được T.Kuhn (1922 -
1996) - nhà triết học Mỹ phát triển. Trong Cơ cấu của những cuộc
cách mạng khoa học (1962), Kuhn luận chứng quan điểm cho rằng,
tất cả các nhà khoa học đều xuất phát từ một hệ chuẩn (paradigm)
nào đó, như là hệ thống những tín điều có tính chất chủ quan để suy
diễn ra toàn bộ hệ thống khoa học của mình. Cuộc cách mạng trong
khoa học được đánh dấu bằng sự thay thế một hệ chuẩn này bằng
một hệ chuẩn khác; chẳng hạn, sự thay thế hệ chuẩn của Niutơn về
một vũ trụ cơ giới bằng hệ chuẩn của Anhxtanh về một vũ trụ tương
đối. Mỗi hệ chuẩn chẳng qua là một cách giải thích hơn là tri thức
khách quan(5).
Chủ nghĩa kinh nghiệm với phương pháp quy nạp và chủ nghĩa duy
lý với phương pháp diễn dịch đều chứa đựng những hạt nhân hợp lý
và những đóng góp nhất định. Tuy nhiên, mỗi khuynh hướng đó đều
có những hạn chế: ví dụ, kinh nghiệm cảm tính và phương pháp quy
nạp chỉ đem lại những tri thức ít ỏi về các nguyên lý, quy luật
chung; nếu không có phương pháp diễn dịch thì không thể tìm ra tri
thức mới, không thể áp dụng các nguyên lý, quy luật vào đời sống và
hoạt động thực tiễn được. Hình học Ơclít chỉ xuất phát từ một số tiên
đề hiển nhiên được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn; từ đó, hình thành
nên một hệ thống tri thức hình học đồ sộ nhờ phương pháp diễn
dịch. Ngược lại, phương pháp suy diễn không thể thực hiện được
nếu không có những tiền đề được rút ra bằng phương pháp quy nạp.
Các nhà duy lý tưởng rằng tri thức của mình được suy diễn từ những
tiên đề đã có sẵn, từ trực giác thuần túy; song họ lại không biết một
sự thực là, những tiên đề này hoàn toàn không có tính chất bẩm sinh,
tiên nghiệm mà là kết quả của hoạt động thực tiễn lặp đi lặp lại hàng
triệu lần của nhân loại, nên được coi là tri thức hiển nhiên và không
bác bỏ được. Ngoài ra, không phải bất cứ điều gì được rút ra bằng
phương pháp suy diễn cũng đều trở thành chân lý.
Là nhà khoa học lý thuyết, tất nhiên A.Anhxtanh không ủng hộ chủ
nghĩa kinh nghiệm, nhưng ông cũng chỉ ra những hạn chế của chủ
nghĩa duy lý. Anhxtanh khẳng định: “Đúng là niềm tin cần phải dựa
một cách tốt nhất trên kinh nghiệm và tư duy. Về điểm này, ta phải
đồng ý một cách không ngần ngại với những người duy lý cực đoan.
Tuy nhiên, điểm yếu của quan điểm này là ở chỗ, nhiều điều tin
tưởng đóng vai trò tất yếu và quyết định hành vi ứng xử và sự phán
xét của chúng ta lại không chỉ được tìm thấy bằng phương pháp
khoa học cứng nhắc. Bởi vì, phương pháp khoa học chỉ dạy cho
chúng ta không có gì khác hơn là các sự kiện liên hệ với nhau, quy
định lẫn nhau như thế nào... Tuy nhiên, cũng rõ ràng rằng tri thức về
cái đang tồn tại sẽ không mở cửa trực tiếp đi đến tri thức về cái sẽ
phải tồn tại. Một người có thể có tri thức rõ ràng nhất, hoàn chỉnh
nhất về cái đang tồn tại, nhưng không thể từ đó suy diễn ra rằng cái
gì sẽ là mục đích của những khát vọng của con người chúng ta”(6)
Trên cơ sở kế thừa những giá trị và khắc phục những hạn chế của
các trào lưu triết học trong lịch sử về bản chất và con đường nhận
thức, triết học Mác - Lênin vạch ra rằng, nhận thức là sự phản ánh
hiện thực khách quan bởi con người, thế giới khách quan tồn tại độc
lập với nhận thức, là khách thể của nhận thức và con người là chủ
thể của nhận thức. Triết học Mác - Lênin bác bỏ quan điểm nhận
thức luận của chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Sai lầm của các nhà triết
học thuộc trào lưu này là ở chỗ, họ không thấy rằng, những phán
đoán, suy luận đều dựa trên những tài liệu đã có sẵn trong đầu óc
con người và đó đều có nguồn gốc khách quan, là sự phản ánh cái
khách quan thông qua các giác quan của chúng ta, là “hình ảnh chủ
quan của thế giới khách quan”. Triết học Mác - Lênin cũng bác bỏ
quan điểm duy tâm khách quan về bản chất siêu tự nhiên, thần thánh
của tri thức. Đồng thời, nó còn khắc phục những hạn chế của quan
điểm duy vật trước đó và bổ sung thêm một số đặc trưng mới của
nhận thức, như tính sáng tạo (nhận thức không phải là sự sao chép
đơn giản, máy móc, mà là sự phản ánh sáng tạo), tính biện chứng
của quá trình nhận thức chân lý (nhận thức là quá trình đi từ chưa
biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ hiện tượng đến bản chất, từ
bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn; là quá trình nảy sinh và
giải quyết mâu thuẫn, từ sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về
chất, là cái mới phủ định cái cũ).
Về con đường nhận thức, triết học Mác - Lênin không thừa nhận bất
cứ con đường nhận thức nào khác ngoài nhận thức cảm tính và nhận
thức lý tính. V.I.Lênin đã khẳng định rằng, “Từ trực quan sinh động
đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là
con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức
thực tại khách quan”(7). “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu
tượng” (tức là từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính) là điều
mà các nhà triết học trước Mác ít nhiều đã nói đến; nhưng “từ tư duy
trừu tượng đến thực tiễn” thì thực sự là sự đóng góp và phát triển
của triết học Mác - Lênin đối với lý luận nhận thức.
2. Về vấn đề tiêu chuẩn của chân lý
Một quan niệm, tư tưởng, niềm tin chỉ trở thành tri thức, trở thành
chân lý khi nó được chứng minh, được xác nhận là đúng đắn. Cái có
thể chứng minh, xác nhận tính đúng đắn của một phán đoán, quan
niệm, tư tưởng được coi là “tiêu chuẩn” (criterion) của chân lý.
Một số khuynh hướng triết học, như chủ nghĩa hiện sinh, triết học
khoa học phủ nhận chân lý khách quan; cho rằng sự vật không có
một bản chất khách quan nào và con người cũng không có tiêu
chuẩn khách quan nào để xác định một quan niệm, tư tưởng nào đó
là đúng hay không đúng. Chủ nghĩa hiện sinh không thừa nhận bản
chất, tính tất yếu, tính quy luật khách quan của các sự vật; từ đó, quả
quyết rằng, con người được tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn niềm
tin và hành động của mình. Đối với họ, sự vật không có giá trị khách
quan; trái lại, giá trị của sự vật được quyết định bởi sự lựa chọn xuất
phát từ cảm xúc chủ quan của từng cá nhân. “Hiện sinh có trước bản
chất” (L’ existence précède l’essence) là một luận điểm quan trọng
của J.P.Xáctơrơ - nhà triết học hiện sinh Pháp.
Đa phần những khuynh hướng nhận thức luận còn lại tuy có thừa
nhận chân lý, nhưng lại đưa ra nhiều căn cứ, tiêu chuẩn khác nhau.
Tựu trung lại, có một số nhóm quan niệm sau: a) Tôn giáo coi điều
gì được nhiều người tin và thừa nhận là chân lý; b) Chủ nghĩa duy lý
lấy quy tắc lôgíc làm tiêu chuẩn duy nhất của chân lý; c) Chủ nghĩa
kinh nghiệm lấy kinh nghiệm cảm tính (quan sát và thực nghiệm
khoa học); d) Chủ nghĩa thực dụng lấy lợi ích, hiệu quả thực tế; e)
Chủ nghĩa Mác - Lênin lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lý.
Theo quan niệm của tôn giáo, không có gì là tiêu chuẩn để kiểm tra
những điều được ghi trong các sách thánh, ngoài niềm tin. Chẳng
hạn, không có một sự quan sát, thực nghiệm, hay lập luận lôgíc nào
có thể xác định tính chân thực của những tín điều nói về Chúa Trời
sáng tạo nên thế giới trong bảy ngày, về tội tổ tông, về trận đại hồng
thủy, về ngày tận thế, v.v.. Tôn giáo cho rằng, niềm tin vừa là tri
thức, vừa là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý; bởi vì, niềm tin là cái
bẩm sinh do Chúa Trời ban cho mỗi người. Tuy nhiên, các nhà triết
học duy vật lại kiên quyết bác bỏ quan niệm coi niềm tin là cội
nguồn của tri thức, là tiêu chuẩn của chân lý. Thử hỏi, nếu niềm tin
là cái bản năng, là do Chúa Trời ban cho con người, thì tại sao loài
người lại không có chung một niềm tin. Trên thực tế, Phật giáo
không tin Chúa Trời, người vô thần thì không tin thần thánh nói
chung, Hồi giáo không tin Giêxu (Kitô) là con của Chúa Trời; Kitô
giáo cũng không tin Đấng Tiên tri Môhamét của Hồi giáo; Tin Lành
phủ nhận sự đồng trinh của Đức Mẹ Maria. Ngay cả trong nội bộ
một tôn giáo cũng có những niềm tin đối lập nhau, dẫn đến những
cuộc chiến tranh, xung đột đẫm máu giữa các giáo phái.
Một số nhà khoa học đứng trên lập trường của chủ nghĩa kinh
nghiệm tuy thừa nhận có chân lý, nhưng lại lấy kinh nghiệm cảm
tính là căn cứ duy nhất để kiểm tra tính chân thực của những phán
đoán khoa học. Theo nguyên tắc tính có thể chứng thực được
(verifiability principle, dịch tắt là nguyên tắc thực chứng) do
R.Cácnáp, đại biểu của chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc (Logical
Empiricism) đưa ra, các mệnh đề lý luận được phân tích thành
những mệnh đề có ý nghĩa khoa học (là những mệnh đề có thể chứng
minh hay bác bỏ bằng quan sát và thực nghiệm) và những mệnh đề
không có ý nghĩa khoa học (những mệnh đề không thể dùng quan sát
và thực nghiệm để kiểm tra được). Chỉ có những mệnh đề được quan
sát và chứng minh bằng thực nghiệm thì mới được coi là những mệnh
đề chân thực mà thôi. Như vậy, chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc đã loại
bỏ những tri thức thuộc về thế giới quan, những quan niệm mỹ học,
đạo đức học và những tri thức của các ngành khoa học lý thuyết (trừ
toán học và lôgíc học hình thức).
Đối lập với chủ nghĩa thực chứng, triết học khoa học của C.Pốppơ
bác bỏ quan niệm của các nhà triết học thực chứng về khả năng có
thể chứng minh tính chân thực của một phán đoán, một lý thuyết
bằng con đường kinh nghiệm và phương pháp quy nạp. Theo ông,
kinh nghiệm (quan sát, thực nghiệm) chỉ có thể chứng minh sự sai
lầm của những mệnh đề. Từ đó, C.Pốppơ bác bỏ nguyên tắc thực
chứng và đưa ra nguyên tắc tính có thể chứng minh sự sai lầm
(falsiability principle, tạm dịch là nguyên tắc phủ chứng). Như vậy,
theo C.Pốppơ, tri thức khoa học được rút ra từ trực giác của các nhà
khoa học; nếu những tri thức này chưa bị kết quả thực nghiệm bác
bỏ thì chúng tạm thời được chấp nhận như là những giả thuyết. Tuy
nhiên, phương pháp suy diễn cũng không có gì đảm bảo tính chân
thực của những phán đoán khoa học; ngoài ra, cũng không có
phương pháp nào để chứng minh tính chân thực của chúng. Do đó,
không có chân lý khoa học nào được thiết lập cả. Quá trình tiến triển
của tri thức khoa học là quá trình người ta đưa ra các giả thuyết, là
sự thay thế một giả thuyết (sau khi đã chứng minh được sự sai lầm
của nó) bằng một giả thuyết mới mà người ta tạm thời chấp nhận (vì
chưa chứng minh được sự sai lầm của nó). Như vậy, khoa học không
phải là quá trình đi tìm chân lý, mà chỉ là một chuỗi những sai lầm
nối tiếp nhau mà thôi.
Khác với chủ nghĩa thực chứng và triết học khoa học, những nhà
triết học theo chủ nghĩa thực dụng Mỹ, như C.S.Pericơ, W.James và
J.Dewey lại lấy tiêu chuẩn lợi ích, sự hữu dụng, hiệu quả thực tế là
thước đo tính đúng đắn của tư tưởng. W.James cho rằng, chân lý là
những gì hữu dụng, đem lại kết quả thực tế. Hạn chế của quan điểm
này là lấy lợi ích cục bộ, hiệu quả trước mắt làm tiêu chuẩn đánh giá
tính chân thực của tư tưởng, cho rằng con người có thể sử dụng bất cứ
phương tiện nào miễn là đạt được mục đích, mà không nhìn thấy sự
thống nhất giữa phương tiện với mục đích.
Nhận thức là hoạt động chủ quan của con người, do đó kết quả nhận
thức phải được kiểm tra bằng những yếu tố khách quan; còn niềm
tin, quy tắc lôgíc, lợi ích cũng là những cái chủ quan nên không thể
dùng làm tiêu chuẩn của chân lý. Vì thế, lý luận nhận thức của triết
học Mác - Lênin coi thực tiễn mới là tiêu chuẩn đích thực của chân
lý. Thực tiễn bao gồm toàn bộ những hoạt động vật chất có tính xã
hội - lịch sử của loài người trong quá trình cải tạo tự nhiên và xã
hội. Với tư cách là tiêu chuẩn của chân lý, thực tiễn được xem xét
trong phạm vi rộng lớn và thời gian lâu dài, tùy theo tính chất phức
tạp của vấn đề lý luận cần được kiểm chứng. Nếu chỉ dựa vào tài
liệu quan sát và thực nghiệm khoa học, sự thành công hay thất bại
trong cuộc sống của một vài cá nhân, của một số hoạt động trong
phạm vi thời gian và không gian hạn hẹp thì chưa đủ cơ sở vững
chắc đủ để khẳng định hay bác bỏ một quan niệm, một lý thuyết nào
đó.
Cần khẳng định rằng, khi coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý,
triết học Mác - Lênin chẳng những không loại bỏ quan niệm của chủ
nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa duy lý về vai trò của hoạt động quan
sát và thực nghiệm khoa học, về vai trò của những quy tắc toán học
và lôgíc học hoặc quan niệm của chủ nghĩa thực dụng về hiệu quả,
công dụng thực tế với tính cách là những yếu tố kiểm tra tính chân
thực của tư tưởng, mà còn bao hàm trong nó những yếu tố hợp lý, bổ
sung và khắc phục những hạn chế của các quan niệm đó.
Tuy nhiên, theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, tiêu chuẩn
thực tiễn cũng có tính tương đối. Thực tế cho thấy, năng lực và
phạm vi hoạt động thực tiễn của loài người trong một thời kỳ nhất
định không thể thoát khỏi những hạn chế lịch sử, do đó những tri
thức đã được thực tiễn kiểm nghiệm cũng chưa thoát khỏi tính tương
đối của nó, mặc dù trong đó đã chứa đựng những yếu tố tuyệt đối. Vì
vậy, việc thường xuyên đối chiếu với thực tiễn để kiểm tra, đổi mới
và phát triển tri thức là điều tất nhiên và cần thiết. Yêu cầu này có ý
nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc nhận thức lại, không ngừng đổi
mới, phát triển và hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội./.
(*) Tiến sĩ triết học, Chủ nhiệm Khoa Mác - Lênin, Trường Đại học
Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
(1) Toà Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh. Kinh Thánh trọn
bộ Cựu ước và Tân ước. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998,
tr.2308 – 2309.
(2) T.Z.Lavin. From Socrates to Sartre: A philosophic Quest (Từ
Xôcrat đến Xactơrơ: Sự đi tìm triết học), Bantam Books, New York,
1989, p.170-171.
(3) Xem: Encarta Reference Library DVD 2005. Bertrand Russell.
Microsoft Corporation.
(4) Empiricism. Ibid.
(5) Xem: Roger Jones. Philosophy of Science (Triết học về khoa
học), 2005,
(6) Carl Seelig. Albert Einstein: Ideas and Opinions (Anbe Anxtanh:
.Tư tưởng và quan điểm). New York, 1954, Bonzana Books, pp. 8 -
11.
(7) V.I. Lênin. Toàn tập, t.29. Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1981, tr. 179.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_54__3584.pdf