Ô nhiễm tại các làng nghề - Một số đề nghị về giải pháp giải quyết theo hướng phát triển bền vững

I.Tổng quan về làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam. II. Thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống tại Việt Nam. 1.Ô nhiễm nguồn nước và đất 2.Vấn đề ô nhiễm không khí. 3.Vấn đề ô nhiễm tiêng ồn. III-Tình hình sức khỏe và bệnh tật tại các làng nghề thủ công. IV-Một số đề nghị về giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề theo hướng phát triển bền vững. V-Một vài thành tựu. KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO

doc15 trang | Chia sẻ: banmai | Lượt xem: 2965 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ô nhiễm tại các làng nghề - Một số đề nghị về giải pháp giải quyết theo hướng phát triển bền vững, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tổng quan về làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam. Làng nghề ở nước ta đã tồn tại và phát triển từ rất lâu, đây chủ yếu là những làng nghề thủ công.Ở nước ta, làng nghề thủ công rất đa dạng.Theo thống kê của JICA phối hợp với Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn thì hiện cả nước có 1450 làng nghề phân bố ở 58 tỉnh và thành phố trong cả nước, riêng địa bàn Đồng bằng sông Hồng có khoảng 800 làng. Các tỉnh có số lượng làng nghề đông bao gồm: Hà Tây có 280 làng, Thái Bình có 187 làng, Bắc Ninh có 59 làng, Hải Dương có 65 làng, Nam Định có 90 làng, Thanh Hoá có 127 làng…Các loại hình ngành nghề thủ công cũng rất đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu là các ngành như: Sản xuất mây, tre đan, dệt vải, thêu ren, sản xuất đồ nội thất, sơn mài, tranh tượng.. Các ngành nghề chủ yếu được phát triển ở làng nghề như sau:   Bảng I. Phân bố các loại hình làng nghề ở các vùng nông thôn Việt Nam Nguồn: Đề tài KC 08-09 Những sản phẩm của các làng nghề truyền thống này đã tạo được chỗ đứng trên thị trường như gốm sứ Bát Tràng, giấy Yên Hòa, dệt Triều Khúc, khảm gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), mây, tre đan, chiếu cói (Hưng Yên, Thái Bình)... Những sản phẩm này đáp ứng được thị hiếu cao của người tiêu dùng, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhiều sản phẩm thủ công của các làng nghề đã được dự thi ở các cuộc triển lãm quốc tế và cũng đạt thứ hạng cao như: Giải Công vàng châu Âu cho đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê, Huy chương Vàng cho gốm sứ Đông Thành. Điều này khuyến khích những nghệ nhân và nhân dân gắn bó với nghề truyền thống, mở rộng và phát triển các làng nghề. Có thể nói, đây là một trong những giải pháp phát triển kinh tế nông thôn rất có hiệu quả. Lao động nghề tại các làng đã giải quyết được vấn đề lao động dư thừa và lao động trong thời gian nông nhàn. Theo thống kê, có 27% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp kiêm các ngành nghề và 13% số hộ chuyên về ngành nghề.Lao động làng nghề đã thu hút tới 10 triệu lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động nghề là nguồn thu nhập đáng kể với các hộ nông dân, ở nhiều làng nghề. Chẳng hạn như làng nghề làm gốm ở Bát Tràng tạo ra hàng ngàn sản phẩm gốm mỹ nghệ xuất khẩu hàng năm. Riêng trong năm 2009 các làng nghề trong cả nước đã xuất khẩu đạt 900 triệu USD, chiếm tỷ trọng 15% trong tổng giá trị sản xuất của khu vực nông thôn. II. Thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống tại Việt Nam. Bên cạnh những dấu hiệu đáng mừng trong phát triển nghề thủ công truyền thống ở nông thôn Việt Nam, thì có một nỗi lo lắng và day dứt không kém là nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới sức khoẻ người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc. Nguy cơ này phát sinh chính từ đặc thù của hoạt động làng nghề, như quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công, lạc hậu, không đồng bộ, phát triển tự phát, chủ yếu phát triển theo nhu cầu của thị trường. Và một thực tế đáng buồn nữa là do sự thiếu hiểu biết của những người dân về tác hại của hoạt động sản xuất đến sức khoẻ của chính bản thân mình và những người xung quanh. Qua khảo sát 52 làng nghề điển hình hiện nay trong cả nước đã có tới 46% số làng nghề trong số này môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ. Đáng báo động là mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không những không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng theo thời gian. Tùy theo tính chất của từng loại làng nghề mà loại ô nhiễm môi trường cũng khác nhau. Chẳng hạn như, ở các làng nghề sản xuất mặt hàng mây, tre đan…thì có tình trạng ô nhiễm không khí, do phải sử dụng lưu huỳnh khi sấy nguyên liệu; với các làng nghề công nghiệp chất thải chủ yếu là khói, bụi và khí độc; ở các làng nghề tái chế nhựa khi làm sạch nguyên liệu người ta đã thải vào sông hồ một lượng chất thải nguy hiểm như thuốc trừ sâu, hóa chất…gây ô nhiễm nguồn nước, không chỉ thế khi nấu chảy nguyên liệu còn tạo ra mùi rất khó chịu.v.v... 1.Ô nhiễm nguồn nước và đất Hiện nay, tình trạng phổ biến của các hộ, cơ sở sản xuất nghề ở nông thôn là sử dụng ngay diện tích ở làm nơi sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc sử dụng thiết bị, hóa chất đã làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, nhất là ở các làng nghề tái chế phế liệu và chế biến thực phẩm. Cho đến nay, phần lớn nước thải tại các làng nghề đều thải thẳng ra ngoài không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề ngày càng tồi tệ hơn. Theo như một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép.Hầu như toàn bộ hệ thống nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Khảo sát tại 40 xã ở Hà Nội cho thấy khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất. Xã Hữu Hòa thuộc huyện Thanh Trì có hơn 30 hộ làm nghề miến dong, bánh đa... với công suất từ 30 đến 40 tấn mỗi ngày. Toàn bộ nước thải từ ngâm, tẩy trắng bột, cùng với nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt hằng ngày đều chảy trực tiếp vào hệ thống cống rãnh của địa phương, rồi đổ xuống dòng sông Nhuệ. Hai xã Phú Diễn và Thượng Cát của huyện Từ Liêm có nghề sản xuất đậu phụ và tình trạng nước thải từ sản xuất đậu phụ đến nước thải từ các chuồng lợn cũng đổ ra hệ thống cống chung của xã bốc mùi hôi và ô nhiễm môi trường. Ở huyện Từ Liêm còn một số làng nghề sản xuất bánh kẹo, mứt, ô mai, nghề làm dây ni-lon, sản xuất nhựa tái chế, nghề dệt vải... cũng trong tình trạng nước thải từ quá trình sản xuất các sản phẩm đó đều thải trực tiếp vào hệ thống cống thoát nước chung, hay các ao hồ của xã rồi đổ ra các sông. Vấn đề ô nhiễm nước tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ngày càng trầm trọng. Chế biến nông sản thực phẩm là loại hình sản xuất có nhu cầu lớn về sử dụng nước và đồng thời cũng thải ra một lượng nước không nhỏ. Nước thải của các làng nghề này có đặc tính chung là rất giàu chất hữu cơ, dễ phân huỷ sinh học. Ví dụ như nước thải của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn có hàm lượng ô nhiễm rất cao (COD = 13.300 - 20.000mg/l; BOD5 = 5.500 - 125.000 mg/l). Đặc trưng nước thải của một số làng nghề chế biến nông sản thực phẩm cho thấy chất lượng môi trường nước tại các làng nghề là rất đáng lo ngại (Bảng II.). Cho đến nay, phần lớn nước thải tại các làng nghề đều thải thẳng ra ngoài không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Nước thải này tồn đọng ở cống rãnh thường bị phân huỷ yếm khí gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất và suy giảm chất lượng nước ngầm. Bảng II. Đặc trưng nước thải một số làng nghề chế biến nông sản thực phẩm đặc trưng   Nguồn: Báo cáo của Đề tài KC 08-09 Hầu hết nước thải tại các làng nghề ở Hoài Ðức không được xử lý và xả thẳng vào sông Nhuệ, sông Ðáy, gây ô nhiễm cho vùng hạ lưu như Chương Mỹ, Thanh Oai... Chất thải rắn cũng chỉ được xử lý đơn giản rồi thu gom chôn lấp tạm thời. Một số làng nghề ở xã Dục Tú (Ðông Anh), xã Xuân Ðỉnh (Từ Liêm) chất thải được thu gom rất thủ công, rồi đem chôn lấp qua quýt ở các bãi chôn lấp hở, thậm chí bị thải bỏ và đốt bừa bãi ngay trên các con đê làng hoặc đổ xuống dòng sông. Cùng với đó là nguồn nước thải kéo theo nhiều dầu mỡ và các chất hóa học không qua xử lý khiến chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại những xã này, hàm lượng COD vượt tiêu chuẩn cho phép 3-4 lần, hàm lượng dầu mỡ lên tới 2,2 mg/l so với tiêu chuẩn cho phép là 0,3 mg/l. Mấy năm trước đây, khi dự án cụm công nghiệp làng nghề (13 ha) của xã Phong Khê (Yên Phong, Bắc Ninh) được khởi công, Phong Khê nhanh chóng trở thành "làng công nghiệp". Sản lượng giấy của xã nhanh chóng tăng từ 40.000 tấn/năm lên tới 80.000 tấn/năm, đạt doanh thu gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, kèm theo sự phát triển kinh tế là ô nhiễm môi trường. Do phải thu mua giấy phế thải từ các nơi nên Phong Khê còn có tên "làng bãi rác". Quá trình ngâm, tẩy bằng kiềm, gia-ven... thải trực tiếp ra môi trường một lượng hóa chất độc hại mà không qua xử lý. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, hàm lượng BOD (chỉ số ô-xy sinh hóa) trong nước thải tại Phong Khê vượt tiêu chuẩn cho phép tới 5 lần, COD (nhu cầu ô-xy hóa học) vượt ba lần. Tại các làng nghề tái chế giấy, vấn đề ô nhiễm chủ yếu là chất rắn như xơ sợi, bột giấy trong nước thải. Kết quả khảo sát tại 30 làng nghề tại Hưng Yên cho thấy có tới 60% sản xuất hoàn toàn thủ công, chỉ có 37% là có trang bị nửa cơ khí và hầu hết là sản xuất tại gia đình. Làng nghề sản xuất giấy tái chế Phú Lâm và Phong Khê (Bắc Ninh), mỗi năm làm ra gần 20.000 tấn sản phẩm thì cũng đã thải ra môi trường khoảng 1.500 m3 nước thải mỗi ngày. Nước thải chứa lượng lớn các hóa chất độc hại như xút, thuốc tẩy, phèn kép, nhựa thông và phẩm mầu... với hàm lượng BOD5 và COD vượt 4 - 6 lần tiêu chuẩn cho phép. Ở các làng tái chế kim loại, như ở làng nghề tái chế chì Ðông Mai (Hưng Yên). Trong khi trên mặt đất, những dòng nước chứa đầy rỉ sét, hóa chất từ hàng đống ắc-quy và phế liệu đóng thành từng lớp, chảy xuống cống và tràn ra đường.Thì khu vực này, người dân chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng khoan, giếng đào. 2.Vấn đề ô nhiễm không khí. Một trong những vấn đề đáng quan tâm tại các làng nghề hiện nay đó chính là ô nhiễm không khí. Hầu hết các làng nghề đều sản xuất thủ công nên đều sử dụng than củi và than đá gây ra ô nhiễm không khí như bụi và hơi nước, SO2, CO2, CO va NOx là hết sức phổ biến. Trong đó, các khí CO2 và NOx là các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, các khí độc hại này còn được sinh ra trong quá trình phân hủy yếm khí các hợp chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải hữu cơ dạng rắn như H2S, NH3, CH4… Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng: Đây là loại hình làng nghề gây ô nhiễm môi trường lớn nhất về cả chất thải khí, chất thải rắn và nước thải. Bụi phát sinh do các hoạt động vận chuyển, chế biến nguyên nhiên vật liệu (đất, đá, cao lanh, xi măng, than,...) và bụi xỉ than tỏa ra từ khói lò. Khí thải của các lò nung gạch, ngói, gốm, sứ... có chứa các loại khí có hại như CO, SO2, NOx, HF..., gây ô nhiễm môi trường không khí rất lớn. Mức độ ô nhiễm không khí tại các làng nghề tái chế kim loại cũng không nhỏ. Bụi trong không khí phát sinh từ khâu phân loại, gia công sơ bộ, tẩy gỉ, nấu, cán, kéo, đặc biệt là khu vực bên cạnh các lò đúc thép, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép tới 10-15 lần. Tại các làng nghề này, bụi thường có chứa kim loại mà chủ yếu là ô-xít sắt nồng độ lên tới 0,5mg/m3 làm cho không khí có mùi tanh. Trong không khí tại các làng nghề này luôn phát hiện được hơi hóa chất độc hại như Cl, HCN, HCl, H2SO4, SO2, CO, NO tuy hàm lượng nhỏ nhưng có mặt thường xuyên trong không khí gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. Một trong những điểm nóng về khói, bụi là tại các cơ sở sản xuất thép ở Châu Khê (Từ Sơn). Khói bụi từ hàng trăm lò đúc, cán thép không qua bất kỳ một biện pháp xử lý nào được xả trực tiếp vào môi trường, làm cho bầu không khí ở đây trở nên oi nồng, ngột ngạt. Đã nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường là một bài toán khó giải ở Châu Khê. Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã có hơn 850 hộ sản xuất, trong đó có gần 160 hộ sản xuất lớn với công suất trung bình 100 tấn/năm, sản phẩm chủ yếu của làng nghề là phôi đúc, sắt thép cán, lưới, dây kim loại, đinh… Các dạng phát thải từ hoạt động tái chế kim loại ở Châu Khê bao gồm: chất thải rắn (phế liệu không sử dụng được), hơi kim loại, các loại khí ô nhiễm do quá trình cháy vật liệu bám theo phế liệu (sơn, dầu mỡ, polime) trong khi đúc thép sinh ra; bụi, hơi kim loại, khí than… do cắt, cán, kéo thép; nước thải chứa hoá chất và ion kim loại, hơi axit, kiềm sinh ra trong quá trình mạ thép… đều thải vào không khí, nước, đất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của dân cư địa phương và các vùng lân cận. Kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng bụi tại khu vực dân cư có tác động của hoạt động sản xuất vượt tiêu chuẩn từ 2- 3 lần, nồng độ khí CO, SO2 vượt gần 2 lần và cao gấp nhiều lần tại các lò đúc thép, nhiều loại khí độc hại, bụi sắt, hơi kim loại nặng đều vượt từ 5-20 lần so với mức cho phép đối với khu dân cư. Đặc biệt là yếu tố nhiệt độ tại các xưởng đúc, cán thép vượt nhiệt độ môi trường từ 8-10 độ C. Tại các làng nghề mộc bụi cũng là một vấn đề đáng nói. Bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển và gia công sản phẩm. Nồng độ bụi đo được tại làng mộc Bích Chu (Vĩnh Phúc) trong khoảng 4,8 – 24,5mg/m3, tại làng mộc Minh Tân (Vĩnh Phúc) trong khoảng 2,5 – 18,3mg/m3, tại làng mộc khắc gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) trong khoảng 1,2 – 9,8mg/m3, tại làng mộc Chàng Sơn (Hà Tây) là 4,7-8,3mg/m3. Nồng độ dung môi hữu cơ cũng tương đối cao tại các bộ phận sơn hoàn thiện sản phẩm, do đặc thù sản xuất tại hộ gia đình có mặt bằng chật nên bộ phận sơn thường được bố trí ngoài trời là chính, khả năng phát tán dung môi hữu cơ ra môi trường xung quanh rất lớn. Nhìn chung, so với tiêu chuẩn vệ sinh lao động (3733/ 2002/ QĐ-BYT), các yếu tố ô nhiễm đều có giá trị thấp hơn, bằng hoặc cao hơn. Nhưng đa số các cơ sở sản xuất ở các làng nghề ở ngay trong khu vực nhà ở nên nếu so vớiTCVN 5937-1995 và TCVN 5938-1995 áp dụng đối với khu dân cư thì lại cao hơn rất nhiều lần. 3.Vấn đề ô nhiễm tiêng ồn. Không chỉ có nguồn nước và không khí tại các làng nghề bị ô nhiễm, mà tại đây những vấn đề tiếng ồn.Đây là ô nhiễm đặc trưng cho các làng nghề mộc và chạm khắc. Tiếng ồn phát sinh từ các máy xẻ gỗ, máy cưa, máy tiện, máy bào, máy phun sơn, máy chuốt, xẻ mây song... Tại các vị trí này, tiếng ồn đo đều vượt 85dB, cá biệt tại khu vực làm việc bên cạnh các máy xẻ gỗ, chuốt, xẻ mây song tiếng ồn vượt 95dB. Do đặc thù là làng nghề nên nơi sản xuất và nhà ở liền kề nhau, điều này làm cho người công - nôngdân và gia đình họ phải chịu đựng tiếng ồn lớn cả những lúc nghỉ ngơi. Có nhiều gia đình mức tiếng ồn đo được trong phòng khách, phòng ngủ lên tới 78dB, vượt quá TCCP tiếng ồn trong khu dân cư (Tiêu chuẩn TCXD 175: 1990, mức tiếng ồn tương đương cho phép là: từ 22h - 6h: 40dB; Từ 6h - 22h: 55 dB). Do không gian chật hẹp, không có vùng đệm nên tiếng ồn mà các cơ sở sản xuất này gây ra cho khu vực xung quanh là khá cao, tại nhiều vị trí trước cửa nhà, mức tiếng ồn lên tới 80-82 dB. III-Tình hình sức khỏe và bệnh tật tại các làng nghề thủ công. Tại các làng nghề ở Việt Nam nơi sản xuất đan xen với khu nhà ở, hầu hết dân cư của làngtham gia vào quá trình sản xuất nên nguy cơ ảnh hưởng của điều kiện lao động và chất thải sản xuất đến sức khỏe người dân là rất lớn. Do môi trường không khí, nước ngầm và nước mặt, đất đều bị ô nhiễm nên số người dân tại các làng nghề bị mắc các bệnh đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa là rất cao. Ngoài ra là một số bệnh mang tính nghề nghiệp như bệnh bụi phổi, ung thư, thần kinh, đau lưng, đau cột sống... Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về làng nghề mới chỉ dừng lại ở các nghiên cứu mô tả cắt ngang (đánh giá hiện trạng môi trường và tình hình bệnh tật) mà chưa có những nghiên cứu dịch tễ đánh giá được mối liên quan của bệnh tật với các yếu tố ô nhiễm. Theo các nghiên cứu của Viện bảo hiểm lao động, sức khỏe dân cư tại các làng nghề tái sinh kim loại là có nhiều vấn đề nhất. Kết quả điều tra sức khỏe tại làng tái sinh chì Đông Mai (Hưng Yên) cho thấy: Triệu chứng chủ quan về hô hấp (tức ngực, khó thở) chiếm 65,6%, suy nhược thần kinh chiếm 71,8%, đa khớp mãn chiếm 46,9%, tỷ lệ hồng cầu giảm chiếm 19,4%, tỷ lệ HST giảm chiếm 44,8% (kết quả về tỷ lệ hồng cầu và HST thông qua xét nghiệm máu và ALA niệu cho 32 đối tượng trong làng) và 5 trường hợp nhiễm độc chì (trong đó có 3 trẻ em). Tại làng nghề Văn Môn: Bệnh đường hô hấp chiếm 64,4%, suy nhược thần kinh 54,5%, bệnh ngoài da 23,1%. Tại làng nghề Vân Mai, Bắc Ninh: Bệnh đường hô hấp chiếm 44,4%, bệnh da liễu 68,5%, bệnh đường ruột 58,8%. Trong một nghiên cứu của Viện bảo hiểm lao động năm 2005, điều tra về tình hình mắc bệnh trong vòng 2 tháng gần nhất, 17,73% đối tượng trả lời rằng mình có bị ốm trong thời gian đó. Trong số mắc bệnh nhiều nhất là các bệnh về đường hô hấp (viêm họng: 30,56%, viêm phế quản: 25%), sau đó là các bệnh cơ xương khớp (đau khớp xương: 15,28%, đau dây thần kinh: 9,72%), thấp hơn là các bệnh về mắt (11,11%), bệnh về tiêu hóa, bệnh về da, v.v. Theo những người bị bệnh, 50,8% cho rằng bệnh mà mình mắc có liên quan đến công việc, 33,3% khác cho là không liên quan đến công việc và 15,9% không biết là bệnh mà mình mắc có liên quan đến công việc hay không. Tóm lại: Tại các làng nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, mặt bằng sản xuất chật chội và tổ chức sản xuất thiếu khoa học. Điều kiện và môi trường lao động rất đáng lo ngại, người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với bụi, nhiệt, hóa chất; nguy cơ tai nạn lao động cao và thiếu phương tiện bảo vệ cá nhân. Môi trường sống đang có nguy cơ bị ô nhiễm do chất thải sản xuất không được xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường xung quanh, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Sức khỏe người lao động và dân cư đang bị đe dọa do ô nhiễm môi trường. Bệnh tật phổ biến tại các làng nghề là viêm phế quản - phổi, dị ứng ngoài da, đau mắt, đau lưng, đau cột sống, đau bụng hội chứng dạ dày, phụ khoa... IV-Một số đề nghị về giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Trước hết, phải chú trọng đến các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt. Nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn. Xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Di rời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất tuỳ thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề như sản xuất gốm sứ, dệt nhuộm, tái chế giấy,… Quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di rời, hạn chế tối đa việc cơi nới, mở rộng đường, xây nhà cao tầng, lưu giữ khung cảnh sản xuất, tính cổ truyền nhân văn của làng để có thể kết hợp với du lịch. Tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiêu công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hưon để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Phát hiện và xử lý trường hợp phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Hiện nước ta đang có 13 làng nghề bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, các địa phương và các làng nghề khẩn trương xử lý môi trường để được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; mặt khác, vẫn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt. Một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong phạm vi làng xã mà lan rộng ra cả một khu vực. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm không chỉ giới hạn trong phạm vi làng nghề mà cần phải xử lý cả khu vực đã bị ô nhiễm. Khuyến khích các cơ sở sản xuất xử lý nước thải, khí thải, quản lý môi trường bằng cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế. Đa dạng hoá các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hoà các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó, một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế, không khuyến khích phát triển và một số hoạt động, công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để. Thí dụ, hạn chế phát triển mới, mở rộng các cơ sở sản xuất tái chế chất thải nguy hại; nghiêm cấm sử dụng trong làng nghề những phương pháp sản xuất thủ công và thiết bị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoặc sử dụng quặng có tính phóng xạ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề là vấn đề có tính then chốt. Các hoạt động đào tạo, truyền nghề đã có truyền thống từ xưa với những hình thức khá đa dạng. Cần có những khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo cho người lao động các làng nghề; đánh giá đội ngũ nghệ nhân, những người đang truyền nghề tại các làng nghề. Có kếhoạch cụ thể phối hợp giữa các làng nghề và các cơ sở dạy nghề có nghề. Chú trọng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và phổ biến lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước làng xã. Tuy nhiên, hương ước cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với nội dung bảo vệ môi trường của làng xã trong thời kỳ phát triển mới. V-Một vài thành tựu. Với sự hỗ trợ của Hợp phần kiểm soát ô nhiễm khu vực đông dân nghèo, tỉnh Hà Nam đã triển khai xây dựng "Dự án xây dựng khu xử lý nước thải tại làng nghề Nhật Tân". Ðể cải thiện hiện trạng ô nhiễm môi trường ở Nhật Tân các nhà khoa học đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như giáo dục môi trường, quản lý môi trường và các giải pháp kỹ thuật. Kết hợp cải tạo ao chứa nước thải với hệ thống cống thu gom nước thải và xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi thải vào các ao chứa nước, xử lý bằng bể tự hoại với vách ngăn cách mỏng dòng hướng lên và lọc kỵ khí. Ðây là mô hình điểm để nhân rộng cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Ðể hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, Hà Nội đã kiểm tra và ký cam kết với các cơ sở sản xuất thực hiện bảo đảm môi trường sạch. Thành phố đã xác định được 83 cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch, đồng thời lên danh mục những ngành nghề phải di chuyển ra khỏi nội thành để bảo đảm an toàn cho môi trường. Hiện thành phố đã xây dựng 18 khu, cụm công nghiệp tập trung, bố trí quỹ đất để dịch chuyển các làng nghề vào sản xuất. Làng nghề chế biến tinh bột từ sắn ở Dương Liễu nhiều năm qua chìm trong ô nhiễm khủng khiếp nay đã được cải thiện đáng kể bằng công nghệ xử lý rác thải rắn. Hay làng nghề “gốm sứ” Bát Tràng bớt cảnh khói bụi khi thay thế hàng trăm lò than bằng lò ga tiết kiệm năng lượng... Kết quả này là nhờ sự kiện Quỹ Bảo vệ môi trường lần đầu tiên thâm nhập vào khu vực làng nghề với việc cho vay lãi suất ưu đãi bắt đầu từ năm 2007. Hoặc như tại Bắc Ninh, UBND tỉnh đồng ý cho Sở TN&MT triển khai Dự án Xử lý khí thải tại 3 làng nghề tái chế kim loại màu. Gần 77,3 ngàn USD là số tiền Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ để xây dựng 6 mô hình trình diễn xử lý khí thải 3 làng nghề của xã Văn Môn (Yên Phong), Đại Bái (Gia Bình), Quảng Bố (Lương Tài) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường thuộc Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Và trong quý III năm nay, hệ thống xử lý khí thải đầu tiên đã được đưa vào vận hành và dự kiến tháng 6/2010 dự án sẽ hoàn thành. Ước tính có 28.000 người dân được hưởng lợi từ Dự án. Các làng nghề này sẽ được lắp hệ thống xử lý khí thải cho lò tái chế kim loại với công suất 20.000m3/h, khí thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Hay như thành công của dự án: “Xử lý nước thải tại các làng nghề chế biến lương thực bằng phương pháp lọc sinh học ngập nước” của nhóm: Nguyễn Đình Bảng, Hà Minh Ngọc, Nguyễn Văn Nội thuộc phòng thí nghiệm Hóa Môi trường, Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề chế biến lương thực. Với dự án này, các loại nước thải của làng nghề chế biến lương thực đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp và được phép chảy vào dòng chảy chung (TCVN 5945 - 1995) trong khoảng thời gian tương đối ngắn: khoảng một ngày đêm (24h). KẾT LUẬN Câu chuyện về phát triển làng nghề nông thôn sẽ tiếp tục là vấn đề nóng. Người dân làng nghề đang rất cần các ngành chức năng địa phương hỗ trợ thay đổi công nghệ, quy hoạch khu sản xuất với hệ thống xử lý nước thải, rác thải… Có như vậy, mới giải quyết được phần nào bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Có lẽ không có người dân làng nghề nào muốn sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, tài chính khá giả, nhưng môi trường sống bị ô nhiễm đầy khói bụi, mùi hôi thối… Có lẽ cũng không ai muốn con cháu mình trong tương lai bị huỷ hoại sức khoẻ do đất, nước, không khí bị ô nhiễm. Đã đến lúc toàn xã hội phải hành động quyết liệt vì sự bền vững ở các làng nghề và nông thôn Việt Nam./.  TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Vân Trình và cộng sự “Môi trường, điều kiện làm việc và sức khoẻ NLĐ tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề” - Hội thảo khoa học “Công tác an toàn-vệ sinh lao động trong khu vực sản xuất phi kết cấu và các làng nghề ở Việt Nam - Kinh nghiệm của Nhật Bản”, 12/2000. 2. Nguyễn Thế Công, “Điều kiện làm việc và sức khoẻ nghề nghiệp của lao động nữ” - NXB Lao động - 2003. 3. Vũ Mạnh Hùng và cộng sự “Xây dựng các giải pháp dự phòng để cải thiện môi trường, điều kiện lao động ở một số làng nghề có nguy cơ cao nhằm bảo vệ sức khỏe NLĐ”- Báo cáo tổng kết dự án, 7/2005. 4. Đặng Kim Chi, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Lệ Minh. Làng nghề Việt Nam và Môi trường - NXB Khoa học và Kỹ thuật - 2005, 391 trang. 5. Tiêu chuẩn vệ sinh lao động và các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc nhi7877m t7841i cc lng ngh7873 M7897t s7889 2737873 ng.doc
Tài liệu liên quan