LỜI NÓI ĐẦU
1. Năm 2003, trước thềm hội nhập, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm năm 2003-2010 (Quyết định số 175/2003/QĐ-TTg). Trên cơ sở đó, năm 2006 Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2006-2010 (Quyết định 4056/QĐ-BTC). Kế hoạch này đặt ra 6 mục tiêu, bao gồm (1) Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu bảo hiểm cơ bản của nền kinh tế và dân cư; phấn đấu tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân giai đoạn 2001-2010 khoảng 24%/năm; tỷ trọng doanh thu toàn ngành đạt 4,2% GDP vào năm 2010; (2) Tiếp tục sắp xếp và phát triển các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; (3) Phát triển sản phẩm bảo hiểm theo hướng đa dạng hóa; phát triển mạng lưới đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các kênh phân phối khác; (4) Thực hiện mở cửa thị trường bảo hiểm theo lộ trình đã cam kết; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế; (6) Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực quản lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Thế nhưng, như các phân tích trên đây cho thấy khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chứa đựng nhiều mâu thuẫn với các cam kết gia nhập WTO, cũng như gây nhiều bất cập trong hoạt động thực tiễn. Một số quy định cần phải được sửa đổi, bổ sung trước khi hạn chế về hiện diện thương mại được bãi bỏ vào ngày 01/01/2008, nhưng theo Nghị quyết số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khoá XI về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007 thì Luật KDBH 2000 không có trong chương trình sửa đổi cũng như trong chương trình chuẩn bị. Mặc dù để đáp ứng một số yêu cầu quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 42/2001/NĐ-CP và Nghị định 43/2001/NĐ-CP, nhưng nội dung hướng dẫn chi tiết vẫn dựa trên những quy định đã trở nên hạn hẹp và lỗi thời của Luật KDBH. Các quy định “đủ rõ, chi tiết” của luật quốc tế để có thể áp dụng trực tiếp không nhiều; phần lớn các cam kết đòi hỏi được nội luật hóa thành các quy phạm pháp luật có thể áp dụng được bởi cơ quan quản lý nhà nước hay làm cơ sở cho các giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm.
KẾT LUẬN
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1710 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Pháp luật kinh doanh bảo hiểm trước yêu cầu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết WTO và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Pháp luật kinh doanh bảo hiểm...
Thứ năm, 11 12 2008 19:06
TẠP CHÍ KHPL SỐ 3(40)/2007
PHÁP LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM TRƯỚC YÊU CẦU SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG ĐỂ PHÙ HỢP VỚI CAM KẾT WTO VÀ THỰC TIỄN
PHAN THỊ THÀNH DƯƠNG*
*ThS. luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
PHAN HUY HỒNG**
**TS. Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành một mặt bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, bao gồm các cam kết cụ thể và cả nguyên tắc đối xử quốc gia, mặt khác cũng bộc lộ nhiều nhược điểm so với yêu cầu có một khuôn khổ pháp lý đảm bảo được sự vận hành thông suốt của thị trường theo nguyên tắc bình đẳng. Bài viết này phân tích những điểm không phù hợp cũng như nhữngnhược điểm đó, đồng thời vạch ra các yêu cầu và cách thức sửa đổi bổ sung pháp luật hiện hành trong bối cảnh các thời hạn bãi bỏ các hạn chế mở cửa thị trường đã cận kề trong khi việc sửa đổi bổ sung lại chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật.
I. Một số vấn đề đặt ra từ cam kết WTO về mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam
1. Trong WTO, bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm là một phân ngành của dịch vụ tài chính. Việt Nam cam kết đối với bảo hiểm gốc, gồm bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm y tế) và bảo hiểm phi nhân thọ; tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (như môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm); dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (như tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường). Cam kết này bao phủ những hoạt động được xem là kinh doanh bảo hiểm và những hoạt động liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH).[1] Như vậy, các loại bảo hiểm có tính chất kinh doanh đều thuộc đối tượng mở cửa thị trường, mặc dù ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, Luật KDBH đã không thể dự liệu được hết mức độ cam kết và như vậy đã không có đầy đủ các công cụ pháp lý cũng như một số công cụ pháp lý đã không còn phù hợp để thực hiện các cam kết này.
2. Việt Nam cam kết không hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia với phương thức tiêu dùng ở nước ngoài (hay “tiêu dùng ngoài lãnh thổ”). Điều này được hiểu là việc người tiêu dùng của một Thành viên WTO di chuyển sang lãnh thổ Việt Nam để sử dụng dịch vụ bảo hiểm thì được quyền tham gia thị trường và không có sự đối xử phân biệt so với người tiêu dùng trong nước khi sử dụng dịch vụ bảo hiểm tương tự.
Nội dung cam kết này đặt ra vấn đề liên quan đến cơ chế thiết lập quan hệ bảo hiểm thương mại một cách bình đẳng cho các giao dịch bảo hiểm liên quan đến người tiêu dùng nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay điều này dường như còn khá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng không đề cập việc tham gia bảo hiểm theo phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ có điểm gì đặc biệt không. Nói cách khác, chưa có cơ chế điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với thực thể di chuyển trong trường hợp phát sinh quan hệ hoặc có tranh chấp xảy ra. Trong khi đó đặc tính “di chuyển” không ổn định của thực thể tiêu dùng ngoài lãnh thổ sẽ làm nảy sinh các vấn đề khác biệt cần được xác định như: đối tượng bảo hiểm (tài sản, trách nhiệm, con người), phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm.. Các nội dung này sẽ thay đổi một khi họ dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác.
3. Việt Nam cam kết đối xử quốc gia và không hạn chế tiếp cận thị trường đối với phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ tái bảo hiểm; dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế (gồm vận tải biển quốc tế, hàng không thương mại quốc tế, hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế); dịch vụ môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm; dịch vụ tư vấn, tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường.
Theo cam kết này, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Như vậy, cam kết này mở ra nhiều cơ hội cho các dự án hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn doanh nghiệp để thiết lập quan hệ bảo hiểm thay vì chỉ được phép giao dịch với doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Điều này đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến loại hình bảo hiểm phi nhân thọ mà hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đang nắm giữ thị phần lớn.
Tuy nhiên, cam kết này làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo hiểm được ghi nhận tại Luật KDBH, theo đó “tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam”[2]. Thậm chí, nguyên tắc này còn được tái khẳng định bởi văn bản dưới luật ngay cả khi cam kết của Việt Nam với WTO đã có hiệu lực, theo đó “tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam”[3].
Mặc dù, mâu thuẫn này được giải quyết bởi nguyên tắc “hiệu lực của luật quốc tế cao hơn hiệu lực của luật quốc gia” (hay “ưu tiên áp dụng luật quốc tế trước luật quốc gia”) và được ghi nhận ngay trong Luật KDBH[4] cũng như Nghị quyết số 71/2006/QH11[5], tuy nhiên phần lớn các quy phạm luật quốc tế là cần được nội luật hóa, vì chỉ một số ít các cam kết quốc tế là được quy định “đủ rõ, chi tiết” mới có thể được áp dụng trực tiếp. Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Nghị quyết số 71/2006/QH11 chỉ mới nhận thấy các cam kết gia nhập WTO “đủ rõ, chi tiết” để không áp dụng một quy định của Luật KDBH, theo đó “Trong trường hợp tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm trong nước theo quy định của Chính phủ”[6]. Nhưng mặt khác Quốc hội cũng đã không loại trừ rằng còn có các cam kết khác “đủ rõ, chi tiết”, nên cũng còn giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trách nhiệm rà soát các cam kết được quy định đủ rõ, chi tiết nhưng chưa được ghi trong Phụ lục đính kèm Nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội[7]. Các cam kết khác không được quy định “đủ rõ, chi tiết” cần phải được nội luật hóa thông qua việc các cơ quan này “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới”[8].
4. Đối với phương thức hiện diện thương mại, Việt Nam cam kết đối xử quốc gia và không hạn chế tiếp cận thị trường, ngoại trừ việc doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài không được kinh doanh dịch vụ bảo hiểm bắt buộc, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm các công trình dầu khí và các công trình dễ gây nguy hiểm đến an ninh cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, xét về mặt thời gian đây chỉ là một hạn chế có tính chất “hoãn binh”, vì sẽ được bãi bỏ vào ngày 01/01/2008. Như vậy, sau thời điểm này, thị trường bảo hiểm bắt buộc hoàn toàn được mở cửa đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và sau 5 năm từ khi gia nhập, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài mới được thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ, “căn cứ vào các quy định quản lý thận trọng”[9]. Theo ghi nhận tại Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (sau đây: Ban công tác), “các luật lệ và quy định cần có để thực thi cam kết này sẽ được xây dựng với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và tạo ra các cơ hội thương mại có ý nghĩa, bảo đảm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam, bảo vệ lợi ích chính đáng của những người ký kết hợp đồng bảo hiểm và sự an toàn, lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam... việc quản lý những chi nhánh này sẽ được thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn và nguyên tắc trong ngành bảo hiểm được quốc tế thừa nhận của Hiệp hội Các nhà quản lý Bảo hiểm Quốc tế (IAIS)”[10].
Chi nhánh được cấp phép thành lập, với tư cách là đơn vị phụ thuộc có chức năng kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đương nhiên được phép kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cam kết đối với phương thức hiện diện thương mại.
Cam kết này làm cho các hạn chế về nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài không còn phù hợp,[11] bởi vì các doanh nghiệp loại này được hưởng quy chế đối xử quốc gia.[12]
Cam kết này cũng còn làm cho các quy định của Luật KDBH về hình thức hoạt động tại Việt Nam của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không còn phù hợp, vì Luật này chỉ mới cho phép doanh nghiệp bảo biểm nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam[13]. Các quy định liên quan của Luật này và các quy định chi tiết thi hành các điều khoản đó[14] theo đó cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung trước khi thời hạn 5 năm kết thúc.
5. Việt Nam chưa cam kết hiện diện thể nhân trừ các cam kết chung được áp dụng cả đối với dịch vụ bảo hiểm. Theo cam kết chung, Việt Nam cho phép nhập cảnh và lưu trú tạm thời đối với các thể nhân là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, nhân sự khác, người chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm về thành lập hiện diện thương mại, cũng như nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
Như vậy với việc cho phép có sự hiện diện thương mại của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, hoặc thông qua việc thực hiện cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (có thể theo phương thức cung cấp qua biên giới), hoặc đơn giản là chào bán dịch vụ (có thể xem là một hình thức xúc tiến thương mại) thì thể nhân có thể hiện diện tại Việt Nam để thực hiện những hoạt động có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Việc không cam kết hiện diện thể nhân trong phân ngành dịch vụ bảo hiểm giúp bảo vệ thị trường lao động trong lĩnh vực này. Trong khi đó các cam kết chung về hiện diện thể nhân tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm nước ngoài có thể thực hiện được phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới cũng như phương thức hiện diện thương mại trong phạm vi mở cửa thị trường của Việt Nam.
II. Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn và pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành
1. Tình hình thị trường bảo hiểm trong thời gian qua trở nên sôi động với những sự kiện đáng chú ý. Cũng như các lĩnh vực khác, hoạt động chuyển nhượng đã lan sang thị trường kinh doanh bảo hiểm. Đó là trường hợp Allianz (Đức) rút khỏi thị trường thông qua việc công ty này và IFC chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của họ trong Công ty TNHH bảo hiểm Allianz Việt Nam cho QBE (Australia) hay trường hợp Dai-ichi (Nhật) mua lại toàn bộ vốn điều lệ của Liên doanh Bảo Minh/CMG. New York Life là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất của Mỹ được cấp phép vào tháng 6/2005 cũng đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Việc một số công ty bảo hiểm rút khỏi thị trường là hiện tượng bình thường, có thể chỉ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Trong trường hợp Việt Nam, điều đó không phản ánh sự phát triển tiêu cực của thị trường, bởi hầu hết trường hợp rút khỏi thị trường đều được công ty khác thế chân. Điều này thể hiện quy luật tất yếu của thị trường: quá trình phát triển và đào thải. Quá trình này cũng làm xuất hiện quan hệ mua, bán, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, thậm chí phá sản và giải thể doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, cơ chế pháp lý cho các hoạt động này chưa được thiết lập một cách phù hợp, còn quá sơ lược với loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Các vấn đề quan trọng phát sinh từ hoạt động này cần được nghiên cứu để điều chỉnh hoặc hoàn thiện là các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, trách nhiệm bảo hiểm, trách nhiệm của công ty môi giới, chuyển dịch vốn, quyền lợi của đại lý...
2. Bên cạnh đó hoạt động gia nhập thị trường có dấu hiệu gia tăng. Năm 2006, 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Mỹ được cấp phép ở Việt Nam là ACE Life và Liberty Mutual, 3 doanh nghiệp bảo hiểm vốn trong nước được thành lập mới. Ngành kinh doanh bảo hiểm phát triển đáng kể về sản phẩm. Từ chỗ chỉ có 22 dòng sản phẩm bảo hiểm năm 1993, sau gần 14 năm con số này đã lên đến khoảng 500 sản phẩm bảo hiểm. Trong số đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được xem là sản phẩm mới của năm 2006 cho phép người mua bảo hiểm thêm quyền quyết định đầu tư sinh lợi.[15]
Cơ cấu thị phần của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và vốn trong nước có sự chuyển dịch đáng kể. Đến nay, trong khi trên thị trường bảo hiểm nhân thọ doanh thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 61,99%, thì với bảo hiểm phi nhân thọ doanh thu của doanh nghiệp vốn trong nước chiếm khoảng 90% doanh số toàn thị trường.[16] Lý do chính là vì tới nay doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài chịu nhiều hạn chế kinh doanh. Việc dỡ bỏ các hạn chế này sẽ tác động đáng kể đến cơ cấu thị phần hiện tại.
Chính vì vậy, việc mở cửa thị trường cũng sẽ đòi hỏi những điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm sàng lọc chủ thể tham gia kinh doanh trên thị trường. Xét ở góc độ quản lý điều này là hoàn toàn phù hợp nhằm giảm thiểu sự rủi ro cho toàn thị trường. Điều này thể hiện ở quy định nâng mức vốn pháp định của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhằm khẳng định khả năng tài chính cần phải tương xứng với mức độ rủi ro của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.[17] Tuy nhiên, việc đặt ra các điều kiện cao hơn đối với việc doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài so với tổ chức nước ngoài khác trong việc đầu tư thành lập doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh giữa doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam[18] lại vừa tỏ ra bất hợp lý, vừa không phù hợp với nguyên tắc đối xử bình đẳng. Báo cáo của Ban công tác hoàn toàn không ghi nhận bất cứ một ngoại lệ cho phép có sự phân biệt đối xử nào trong vấn đề này. Sự bất hợp lý là nhãn tiền, vì điều kiện được đặt ra đối với doanh nghiệp có nghiệp vụ bảo hiểm lại cao hơn đối với các chủ thể không có nghiệp vụ bảo hiểm.
Điều này cũng tương tự như trường hợp thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tức là có sự phân biệt giữa điều kiện thành lập[19], thời hạn hoạt động[20] của văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong nước với các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài. Trong khi đó Biểu cam kết dịch vụ không ghi nhận hạn chế nào trong vấn đề này.
Không chỉ vậy, những quy định điều kiện cấp phép hiện hành còn mang tính định tính[21], điều này sẽ không phù hợp với cam kết tự do hóa thị trường, đặt ra yêu cầu phải quy định điều kiện cụ thể hơn. Các quy định có tính đặc trưng của cơ chế xin – cho trong nền kinh tế kế hoạch hóa như vậy cần được bãi bỏ, nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh.
3. Vấn đề trục lợi bảo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Trục lợi bảo hiểm có nguyên do từ người tham gia bảo hiểm, cũng có thể từ đại lý bảo hiểm, kể cả trường hợp có sự cấu kết từ người điều hành doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là doanh nghiệp bảo hiểm có vốn thuộc sở hữu nhà nước. Theo thống kê chưa đầy đủ thì có hơn 80% các trường hợp trục lợi bảo hiểm là do có sự tiếp tay từ nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này một mặt gây hại cho chính doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, mặt khác gây ra tình trạng lũng đoạn trên thị trường, xáo trộn trật tự quản lý nhà nước cũng như làm thay đổi bản chất của hoạt động kinh doanh “rủi ro” này[22]. Những quy định hiện hành về xử lý đối với trục lợi bảo hiểm còn quá đơn giản.[23] Đối tượng trục lợi bảo hiểm hết sức đa dạng. Trong bối cảnh thị trường ngày càng phong phú và đa dạng các sản phẩm bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm thì việc chấn chỉnh điều này càng cần được xem xét một cách thấu đáo để có thể kịp thời ngăn chặn trước khi không thể kiểm soát được.
4. Theo quy định của Luật KDBH, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chỉ được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước (nay là công ty nhà nước), công ty cổ phần bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ, doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh, doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.[24] Quy định này không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2005. Từ Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, “doanh nghiệp nhà nước” không còn là khái niệm chỉ một loại hình doanh nghiệp, mà chỉ còn là khái niệm chỉ doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Tương tự, từ Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư khái niệm “doanh nghiệp liên doanh” và “doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài” không còn được sử dụng với tư cách là các khái niệm chỉ các loại hình doanh nghiệp nữa. Trong khi đó khái niệm “doanh nghiệp liên doanh” và “doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài” trong Luật KDBH được sử dụng đồng nghĩa với các khái niệm tương ứng của Luật Đầu tư nước ngoài 1006/2000, nghĩa là các khái niệm chỉ các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập dưới hình thức công ty TNHH. Như vậy, trước Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thành lập dưới hình thức công ty TNHH. Ngược lại, doanh nghiệp bảo hiểm có vốn trong nước (trừ công ty nhà nước) lại chỉ được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần. Nay căn cứ nguyên tắc đối xử quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài phải được thành lập công ty cổ phần bảo hiểm và theo nguyên tắc đối xử bình đẳng thì doanh nghiệp bảo hiểm có vốn trong nước phải được thành lập cả dưới hình thức công ty TNHH.
Một loại hình kinh doanh bảo hiểm khá phổ biến trên thế giới là tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại hình tổ chức bảo hiểm này còn mới mẻ, mặc dù đã được quy định khá chi tiết.[25] Theo đó, tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề hoặc sinh sống trên cùng một địa bàn và có cùng loại rủi ro.[26] Các quy định về về tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong pháp luật Việt Nam là sự tiếp nhận loại hình tổ chức bảo hiểm tương ứng trong pháp luật các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, và như vậy có khả năng đáp ứng nhu cầu được bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề hoặc sinh sống trên cùng một địa bàn và có cùng loại rủi ro theo phương thức tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng theo quy định hiện hành, tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Quy định này tự hạn chế đối tượng áp dụng và như vậy hạn chế cả khả năng phát triển của loại hình tổ chức bảo hiểm này. Mặt khác, khái niệm “tổ chức Việt Nam” ở đây dường như được hiểu theo nghĩa không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi xét từ góc độ pháp luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp loại này là doanh nghiệp Việt Nam vì được thành lập và tổ chức hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, quy định như vậy cũng loại trừ khả năng tổ chức, cá nhân nước ngoài (quốc tịch nước ngoài) hoạt động thương mại tại Việt Nam ký kết hợp đồng bảo hiểm với tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Theo quan điểm của chúng tôi thì không có lý do đặc biệt để áp dụng một ngoại lệ như vậy đối với nguyên tắc đối xử quốc gia liên quan đến bảo hiểm tương hỗ và như vậy các quy định hiện hành cần phải được sửa đổi.
5. Một vấn đề được đặt ra là liệu các doanh nghiệp bảo hiểm hay doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài có được phép ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân hay không?[27]. Nếu chiếu theo cam kết về mở cửa thị trường kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm nước ngoài không bị hạn chế cung cấp dịch vụ qua biên giới hay hiện diện thương mại dưới hình thức này. Nhưng nếu hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh là được phép thì thông thường sẽ có sự hiện diện thể nhân nước ngoài để thực hiện hợp đồng, trong khi Việt Nam chưa cam kết đối với phương thức hiện diện thể nhân trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, còn các cam kết chung không bao phủ sự cho phép hiện diện thể nhân để thực hiện loại hợp đồng này. Bởi vậy, một hợp đồng hợp tác kinh doanh như vậy chỉ có thể được cấp phép với điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm nước ngoài không cần sự hiện diện thể nhân để thực hiện hợp đồng. Mâu thuẫn này đặt ra vấn đề, liệu có thể vận dụng cam kết chung cho việc hiện diện thể nhân để thực hiện “hợp đồng” không?
6. Hoạt động của các đại lý bảo hiểm trong thời gian qua phản ánh tình trạng hết sức lộn xộn. Do chạy theo hoa hồng, nên nhiều đại lý đã có những biểu hiện gian dối, ép buộc mua bảo hiểm như lợi dụng vị trí của mình để buộc mua bảo hiểm, không giải thích rõ sản phẩm bảo hiểm, gian dối trong kê khai tình trạng của người tham gia bảo hiểm, thu phí bảo hiểm nhưng không nộp lại cho doanh nghiệp bảo hiểm...[28]. Các hành vi này đặc biệt gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm bởi rủi ro của họ không được bảo vệ. Pháp luật lại chưa có cơ chế ràng buộc quan hệ trách nhiệm giữa đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Luật KDBH quy định, “trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm”.[29] Tuy nhiên các hành vi nào được xem là vi phạm hợp đồng đại lý lại không được xác định rõ. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp một số doanh nghiệp bảo hiểm khi gặp tình trạng này thì thường đổ lỗi cho đại lý, rũ bỏ trách nhiệm của mình, xem đấy là trách nhiệm dân sự giữa đại lý và người tham gia bảo hiểm.
7. Trong Nghị định 45/2007/NĐ-CP xuất hiện quy định về chuyên gia tính toán (Appointed Actuary),[30] theo đó chuyên gia tính toán nằm trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên sự tồn tại của chức danh này có phải là bắt buộc hay không thì không được xác định. Chuyên gia tính toán có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, trong doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ không thể xuất hiện chức danh này trong cơ cấu tổ chức của mình. Tuy nhiên bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ thì đều kinh doanh dựa trên rủi ro, nếu cho rằng vai trò của chức danh này là nhằm đảm bảo sự an toàn cho hoạt động tài chính của doanh nghiệp thì tại sao không thể tồn tại trong doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Mặt khác nhiệm vụ của chuyên gia tính toán dường như tương tự nhân viên kiểm soát nội bộ. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng cần làm rõ hơn vị trí của chức danh này trong doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
8. Thực hiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Luật KDBH, Chính phủ quy định “nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư” là một loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 45/2007/NĐ-CP cũng chỉ mới dừng lại ở việc nêu tên mà không quy định chi tiết nội hàm loại nghiệp vụ này.
9. Quy định hiện hành thể hiện sự quản lý chặt chẽ hơn đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ khi buộc những sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ tài chính phê chuẩn.[31] Điều này không áp dụng với nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Thậm chí doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép chủ động xây dựng và triển khai quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm. Như vậy nếu không được Bộ Tài chính phê chuẩn và được quyền tự do định đoạt đối với sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thị trường hoạt động thiếu kiểm soát về mặt chất lượng đối với nghiệp vụ này. Nhất là theo dự báo trong thời gian tới nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ sẽ được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tham gia khai thác thì việc thắt chặt một nghiệp vụ và lơi lỏng kiểm soát nghiệp vụ còn lại có nguy cơ gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và gây khó khăn trong hoạt động quản lý.
III. Kết luận
1. Năm 2003, trước thềm hội nhập, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm năm 2003-2010 (Quyết định số 175/2003/QĐ-TTg). Trên cơ sở đó, năm 2006 Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2006-2010 (Quyết định 4056/QĐ-BTC). Kế hoạch này đặt ra 6 mục tiêu, bao gồm (1) Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu bảo hiểm cơ bản của nền kinh tế và dân cư; phấn đấu tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân giai đoạn 2001-2010 khoảng 24%/năm; tỷ trọng doanh thu toàn ngành đạt 4,2% GDP vào năm 2010; (2) Tiếp tục sắp xếp và phát triển các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; (3) Phát triển sản phẩm bảo hiểm theo hướng đa dạng hóa; phát triển mạng lưới đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các kênh phân phối khác; (4) Thực hiện mở cửa thị trường bảo hiểm theo lộ trình đã cam kết; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế; (6) Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực quản lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Thế nhưng, như các phân tích trên đây cho thấy khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chứa đựng nhiều mâu thuẫn với các cam kết gia nhập WTO, cũng như gây nhiều bất cập trong hoạt động thực tiễn. Một số quy định cần phải được sửa đổi, bổ sung trước khi hạn chế về hiện diện thương mại được bãi bỏ vào ngày 01/01/2008, nhưng theo Nghị quyết số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khoá XI về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007 thì Luật KDBH 2000 không có trong chương trình sửa đổi cũng như trong chương trình chuẩn bị. Mặc dù để đáp ứng một số yêu cầu quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 42/2001/NĐ-CP và Nghị định 43/2001/NĐ-CP, nhưng nội dung hướng dẫn chi tiết vẫn dựa trên những quy định đã trở nên hạn hẹp và lỗi thời của Luật KDBH. Các quy định “đủ rõ, chi tiết” của luật quốc tế để có thể áp dụng trực tiếp không nhiều; phần lớn các cam kết đòi hỏi được nội luật hóa thành các quy phạm pháp luật có thể áp dụng được bởi cơ quan quản lý nhà nước hay làm cơ sở cho các giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm.
[1] Luật số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 về kinh doanh bảo hiểm.
[2] Khoản 1 Điều 6 Luật KDBH.
[3] Điều 3 Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KDBH (Nghị định số 45/2007/NĐ-CP). Đáng chú ý là Nghị định này được ban hành sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam (Nghị quyết số 71/2006/QH11).
[4] Khoản 2 Điều 2 Luật KDBH.
[5] Đoạn 2 mục 2 Nghị quyết số 71/2006/QH11.
[6] Xem khoản 2 Điều 9 Luật KDBH, mục 3 Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 71/2006/QH11.
[7] Điểm a mục 3 Nghị quyết số 71/2006/QH11.
[8] Điểm b mục 3 Nghị quyết số 71/2006/QH11.
[9] “Các quy định quản lý thận trọng” được đề cập tới trong cam kết về dịch vụ tài chính (Biểu cam kết dịch vụ: 7. Dịch vụ tài chính), theo GATS được hiểu là “những biện pháp vì lý do thận trọng, bao gồm các biện pháp để bảo hộ nhà đầu tư, người gửi tiền, người nắm giữ hợp đồng bảo hiểm hoặc những người nắm chứng từ tài chính đáo hạn thuộc sở hữu của một người cung cấp dịch vụ tài chính, hoặc để đảm bảo tính thống nhất và ổn định của hệ thống tài chính” (GATS, Phụ lục về các dịch vụ tài chính, mục 2(a)).
[10] Xem mục 494 Báo cáo của Ban công tác.
[11] Xem Điều 119 Luật KDBH, Điều 39 NĐ 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 quy định chi thiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (nghị định này đã hết hiệu lực).
[12] Mặc dù Điều 119 Luật KDBH không trực tiếp quy định các hạn chế nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng thừa nhận quyền quy định các hạn chế đó. Bởi vậy bản thân quy định tại Điều 119 Luật KDBH cần phải được bãi bỏ, mặc dù Nghị định số 45/2007/NĐ-CP không còn có các quy định hạn chế riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài như Nghị định số 42/2001/NĐ-CP tiền thân.
[13] Xem khoản 2 Điều 105 Luật KDBH.
[14] Điều 34, 35 Nghị định số 45/2007/NĐ-CP.
[15] Tổng kết của Bộ Tài chính Việt Nam năm 2006.
[16] Tổng kết của Bộ Tài chính Việt Nam năm 2006.
[17] Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (sau đây: Nghị định số 46/2007/NĐ-CP), mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được nâng lên 300 tỷ đồng, của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được nâng lên 600 tỷ đồng, của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được giữ nguyên là 4 tỷ đồng (Mức tương ứng theo quy định tại Điều 4 Nghị định 43/2001/NĐ-CP là 70 tỷ đồng (hoặc 5 triệu USD), 140 tỷ đồng (hoặc 10 triệu USD), 4 tỷ đồng (hoặc 300 ngàn USD)).
[18] Xem khoản 2, 3 Điều 6 Nghị đinh số 45/2007/NĐ-CP.
[19] Điều 107 Luật KDBH.
[20] Điều 37 Nghị định 45/NĐ-CP
[21] Theo khoản 2 Điều 62 Luật KDBH thì việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính của Việt Nam. Hay quy định tại khoản 4 Điều 63 Luật KDBH yêu cầu người quản trị điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về bảo hiểm.
[22] Xem thêm thông tin tại:
[23] Điều 15 Nghị định 118/2003/NĐ-CP ngày 13/10/2003 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ quy định mức độ xử phạt đối với hành vi này mà không quy định các thành tố cấu thành hành vi trục lợi bảo hiểm.
[24] Điều 59 Luật KDBH.
[25] Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ (sau đây: Nghị định số 18/2005/NĐ-CP).
[26] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP.
[27] Điều 21, 23 Luật Đầu tư.
[28] Xem thêm thông tin tại:
[29] Điều 88 Luật KDBH.
[30] Điều 14 Nghị định 45/2007/NĐ-CP.
[31] Khoản 2 Điều 20, Điều 21 Nghị định 45/2007/NĐ-CP.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LDOCS (126).doc